1. Sự thâm nhập của huyền
thoại vào văn học viết là một hiện tượng lạ. Sự thâm nhập của huyền thoại vào
truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay lại càng lạ hơn. Từ sau 1975, nhất là từ
sau đổi mới, chúng ta chứng kiến sự tái xuất đầy ấn tượng của huyền thoại trong
đời sống văn học nghệ thuật: âm nhạc, điện ảnh, văn học… Đặc biệt, huyền thoại
trở thành một tố chất thể loại vừa mới mẻ vừa mạnh mẽ trong truyện ngắn giai đoạn
này. Đi sâu vào đời sống thể loại, chúng ta sẽ thấy: huyền thoại không phải chỉ
trở lại ở một vài hiện tượng riêng lẻ, ngược lại, những sáng tác huyền thoại đã
hình thành một dòng truyện ngắn: truyện ngắn - huyền thoại. Huyền thoại thực sự
đã tạo nên những hình thể truyện ngắn mới ở Việt Nam. Một số nhà nghiên cứu cho
rằng, đó là kết quả sự ảnh hưởng của truyện ngắn huyền ảo (Magical short
stories), một trong ba xu hướng truyện ngắn phát triển mạnh của truyện ngắn hậu
hiện đại thế giới. Thực ra, truyện ngắn huyền thoại Việt Nam được hình thành từ
một quá trình tương tác vừa đa dạng vừa nhiều chiều. Đó là sự trở về với những
huyền thoại, những mẫu cổ trong vốn liếng folklore dồi dào của dân tộc; đó là sự
thẩm thấu truyền thống truyền kì trong văn học Việt Nam qua một chu kì phát triển
dích dắc và mang tính tiệm tiến; và đó còn là sự kế thừa, tiếp thu thành tựu của
văn học huyền thoại thế giới. Sự tương tác với yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã
tạo nên gương mặt vừa phong phú vừa độc đáo của truyện ngắn huyền thoại Việt
Nam sau đổi mới.
2. Như một điều kì diệu
- như một huyền thoại, trong cuộc sống đầy tường minh của những năm cuối thế kỉ
XX, truyện ngắn Việt Nam lại đầy yếu tố lung linh, hư ảo với những cổ mẫu, những
huyền thoại đã nằm sâu dưới bao lớp trầm tích văn hóa trong nguồn mạch folklore
dân tộc. Vì thế, như đã khẳng định ở trên, trong nẻo tương tác này, yếu tố huyền
thoại không phải là cái gì đó xa lạ mà quý thay khi nó đến với hiện đại từ truyền
thống, đến với hiện đại từ nội lực văn học dân tộc, chúng tôi coi đó là kết quả
của những hồi ức văn học, khi hồi ức là đặc tính rất mạnh, là gen trội rất đặc
trưng của các cư dân nông nghiệp - các dân tộc gieo mầm.
2.1. Nhiều cây bút truyện
ngắn đương đại đến với chiều tương tác này: Hòa Vang, Tạ Duy Anh, Võ Thị Hảo,
Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Trung Khâu, Lưu sơn Minh, Phạm Hải Anh, Lê minh Hà, Y
Ban, Trần Chiến, Đoàn Lê, Nguyễn Hiệp, Trần Hạ Tháp, Nguyễn Văn Phú, Hà Khánh
Linh,… Với tính chất là những biểu tượng có ý nghĩa sâu thẳm, vĩnh cửu; huyền
thoại dân tộc đã trở về để chiếu sáng cho bao nhiêu vấn đề của cuộc sống thực tại.
Đến với cuộc sống đương đại bằng những biểu tượng siêu mẫu đã ngưng tụ thành những
trầm tích của bao năm tháng, bằng nẻo đường này, các cây bút truyện ngắn đương
đại đã thực sự khôn ngoan khi đứng trên đôi vai của người mẹ khổng lồ. Với sự
hiện hữu của những huyền thoại dân gian, truyện ngắn đương đại đã tạo nên những
song đề truyền thống - hiện đại. Huyền thoại nguyên thủy không còn "nguyên
phiến" mà đã được khúc xạ nhiều khi đặt dưới góc nhìn của triết mĩ đương
thời. Do vậy, những truyện ngắn huyền thoại theo dạng này thực chất là giả huyền
thoại, giả cổ tích; có người gọi là truyện cổ viết lại. E.M.Meletinsky phát
ngôn rất trúng về điều này, ông gọi đó là: phản huyền thoại, là huyền thoại lộn
trái [8].
2.2. Một điều rất thú vị
khi chúng ta bắt gặp nhiều biểu tượng huyền thoại truyền thống đã nằm lòng
trong thế giới tâm hồn của mỗi con người Việt Nam được tái sinh một cách kì diệu
trong truyện ngắn hôm nay: huyền thoại Thánh Gióng trong Gióng, huyền thoại
Tấm Cám trong Ngày xưa, cô Tấm, huyền thoại Sơn Tinh Thủy Tinh trong Sơn
tinh Thủy Tinh, huyền thoại An Dương vương trong An Dương Vương của
Lê Minh Hà; huyền thoại về mẹ Âu cơ trong Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của Y
Ban; huyền thoại Sơn Tinh Thủy Tinh trở lại trong Sự tích những ngày đẹp
trời, huyền thoại Tây du kí trong Nhân sứ, huyền thoại về nhân vật thần
tiên trong Bụt mệt của Hòa Vang; huyền thoại về cô Tấm trong Con
quạ của Nhật Chiêu,… Bên cạnh đó, âm hưởng huyền thoại trong truyện dân
gian truyền thống còn được dội lên từ các motip: hóa kiếp, sự hiển linh của
linh hồn người chết, motip luân hồi, motip "ở hiền gặp lành", motip
"thử thách và đền đáp",… Đó còn là yếu tố thần kì, là không khí truyện,
là kết cấu truyện,…
2.3. Huyền thoại trở về
trong truyện ngắn với những biểu hiện hết sức đa dạng, nhiều vẻ. Hòa Vang nhại
cổ tích với sự mở đầu bằng "Ngày xửa ngày xưa", "vào
những dịp ấy" đầy tính chất phiếm chỉ trong Huyền thoại Rồng.
Truyện ngắn Tạ Duy Anh đậm chất huyền thoại:Người thắng trận, Ngũ gia truyện,
Truyền thuyết viết lại, Tội tổ tông,… Nhiều truyện ngắn Võ Thị Hảo gợi nhớ về
thế giới của huyền thoại: Nàng tiên xanh xao, Hành trang của người đàn bà
Âu Lạc, Nữ hoàng cô đơn, Đêm bướm ma, Lãnh cung, Nghiệp chướng,… Đó còn là âm
hưởng ma mị của sự đi về giữa thế giới người âm và cõi dương thế trong một loạt
tác phẩm:Nghĩa địa xóm chùa - Đoàn Lê, Chợ rằm ở góc cây cổ thụ -
Y Ban,… Huyền thoại về mẹ Âu Cơ tái xuất hiện trong nhiều truyện ngắn đương đại: Hành
trang của người đàn bà Âu Lạc - Võ Thị Hảo, Bức thư gởi mẹ Âu Cơ -
Y Ban,…
Hành trang của người đàn bà
Âu Lạc là một huyền thoại sáng thế mới của thời hiện đại. Hình thể truyện
không khác gì huyền thoại xưa. Biến thể của truyện nằm ở tính chất hàm nghĩa, ở
những dụ ngôn đầy sức hàm chứa về hành trang của những người đàn bà Âu Lạc. Người
đàn bà Âu Lạc của Võ Thị Hảo "so bì" gánh nặng hành trang trên vai
mình với hành trang của mẹ Dạ Dần, hành trang của mẹ Âu Cơ. Sức phát sáng ý
nghĩa, tính chất mỉa mai, giễu nhại của truyện bộc lộ trong ẩn dụ: Hành trang của
người đàn bà Âu Lạc nặng trĩu đôi vai bởi phải gánh thêm một mớ triết lí, một mớ
trách nhiệm, một mớ quy định, lại mang nặng: một bên chồng, bên con, bên tam
tòng tứ đức; lại còn chất thêm những mỹ từ của thời đại mới, … Truyện ngắn Võ
Thị Hảo là minh chứng cho một điều: huyền thoại là siêu ngôn ngữ, huyền thoại
phát sinh nhiều ý nghĩa cả khi hoàn cảnh nảy sinh ra nó đã trôi qua từ rất lâu.
Lê Minh Hà lại tái sinh huyền thoại Thánh Gióng qua truyện ngắn mà nhan đề đã
có tính giải thần: Gióng. Giá trị quan trọng xét về phương diện thể loại
là ở đó Lê Minh Hà đã tạo tác những lớp ý nghĩa mới cho huyền thoại xưa. Lê
Minh Hà đã tục biên, đã viết tiếp huyền thoại. Hình tượng Gióng bay về trời như
biểu tượng đẹp về sự thăng hoa để trở thành bất tử. Lê Minh Hà "nối
dài" đời sống trần thế cho Gióng bằng sự trở về. Lê Minh Hà song chiếu nhiều
phản đề nhưng không hề làm "phương hại" đến thần tượng, thậm chí còn
tôn dày thêm cho thần tượng, tạo sinh cho thần tượng những suy tư trong nỗi cô
đơn, trong sự cay đắng của thế thái nhân tình thời hiện đại. Đây là lối liên
văn bản, cách chập cấu trúc vừa khéo, vừa tinh của Lê Minh Hà. Phong cách thể
loại độc đáo ấy cũng được Lê minh Hà thể hiện trong nhiều truyện ngắn: Ngày
xưa, cô Tấm, Sơn Tinh, Thủy Tinh, An Dương Vương,…Hòa Vang góp vào dòng truyện
ngắn này những thiên huyền thoại mới đầy ấn tượng: Bụt mệt, Nhân sứ, Sự
tích những ngày đẹp trời. Hòa Vang như đối thoại với quá khứ qua Sự tích
những ngày đẹp trời. Ở truyện ngắn này, mệnh đề: nơi huyền thoại kết thúc là
nơi truyện ngắn bắt đầu, đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nơi huyền thoại
kết thúc là nơi Hòa Vang bắt đầu Sự tích những ngày đẹp trời. Tính chất giả
cổ tích thể hiện ngay ở cụm từ "sự tích" trong nhan đề truyện.
Hòa Vang đã "phản huyền thoại" khi bắt đầu truyện ngắn của
mình bằng cái sự riêng nhỏ âm thầm rất người trong lòng người con gái lấy chồng
xa: "Đó là nỗi nhớ nhà của Mị Nương". Từ đó, Hòa Vang đã liên tục
đưa ra những phản đề để cùng song chiếu với những mệnh đề gắn với huyền thoại
xưa.
Là một cây bút truyện ngắn
tiêu biểu, một hiện tượng văn học độc đáo của cao trào đổi mới văn học Việt Nam
từ sau 1986, Nguyễn Huy Thiệp góp mặt ở phương diện tương tác này với tư cách
là tác giả của những truyện ngắn huyền thoại vừa đa dạng, nhiều dư vị vừa đạt
được độ kết tinh cao. Sương mù huyền thoại như bao trùm nhiều truyện ngắn của
Nguyễn Huy Thiệp. Hầu hết các truyện ngắn của ông đều có sự hiện diện của huyền
thoại, cổ tích, ca dao, tục ngữ, thi ca, lịch sử… Ở Nguyễn Huy Thiệp có mô hình
cổ tích qua Trương Chi, có những huyền thoại bản mường qua mười truyện ngắn
trong chùm truyện Những ngọn gió Hua Tát, có huyền thoại về Mẹ Cả qua Con
gái thủy thần, có truyền thuyết huyễn hoặc về con trâu đen trong Chảy đi
sông ơi,… Bên cạnh đó, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp còn gợi lên những biểu tượng
sâu thẳm trong tín ngưỡng dân gian, đó là những biểu tượng mang"mẫu
tính", đó là vẻ đẹp "thiên tính nữ" được tái đi tái lại
qua nhiều truyện ngắn, nhiều nhân vật.
"Tái huyền thoại
hóa" là quy luật chung của văn học nhân loại. Quy luật ấy chắc chắn sẽ mạnh
hơn với đặc tính của một nền văn hóa gieo mầm. Ở ngả rẽ này, những truyện ngắn
huyền thoại do vậy là kết quả của sự vận động, phát triển từ nội lực truyền thống
văn hoá, văn học Việt Nam. Đến với hiện tại từ cội nguồn folklore truyền thống,
ở hướng tương tác này, truyện ngắn đương đại Việt Nam đã đi con đường riêng của
mình để hòa nhập vào thành tựu phát triển của truyện ngắn đương đại thế giới.
3. Đều là những truyện
ngắn huyền thoại nhưng nếu những truyện ngắn trên đây là kết quả của sự tương
tác từ nội lực truyền thống văn học dân tộc, thì lại có những truyện ngắn là kết
quả của một phạm vi tương tác rộng hơn, trong đó có chiều tương tác với yếu tố
huyền thoại trong văn học phương Tây. Nếu những truyện ngắn giả cổ tích, giả
huyền thoại ở trên có điểm tựa, có cơ sở để cất cánh là những huyền thoại, những
cổ mẫu trong đời sống văn hóa dân tộc; thì có những truyện ngắn không dựa trên
một huyền thoại cụ thể nào mà chỉ dựa trên tư duy huyền thoại để sáng tạo nên
những huyền thoại mới. Chiều tương tác này rất giống với chủ nghĩa hiện thực
huyền ảo của Kafka. Như đã nói ở trên, mỗi nhà văn Việt Nam, tự vô thức hay hữu
thức đều tiềm tàng một thế giới huyền thoại. Tự giác hay không tự giác, mỗi nhà
văn Việt Nam đã được đứng trên đôi cánh bay bổng của người mẹ Huyền thoại.
Nhưng các cây bút truyện ngắn đương đại cuối thế kỉ XX còn có những chân trời mới
của sự giao lưu, của sự tương tác. Như lợi thế của người đến sau, họ đứng trên
cả hai vai của những người khổng lồ. Do vậy, ở những truyện ngắn này, biểu tượng
kì ảo có tính huyền thoại trở nên đa dạng hơn, tự do hơn. Chúng tôi gọi những
truyện ngắn đó là: những sáng tạo huyền thoại mới.
3.1. Viết lời tựa cho tập
truyện ngắn liêu trai của Phan Đức Nam, Đỗ Lai Thuý tổng kết: Trải qua gần 300
năm, truyện liêu trai và truyện kinh dị như những bông hoa lạ, những bông hoa
ác mọc lên từ tất cả những dòng văn học [9]. Đầy thú vị khi những bông hoa kì lạ
ấy lại đầy hương sắc trong truyện ngắn Việt Nam giai đoạn này. Ở đây, cần phân
biệt rõ một điều về nguồn tương tác: nếu yếu tố truyền kì, liêu trai chủ yếu bắt
nguồn từ nội lực văn học dân tộc thì chất kinh dị lại chủ yếu là kết quả sự
tương tác thể loại với chủ nghĩa huyền thoại phương Tây. Nhiều người dùng từ kì
ảo, có người dùng từ kinh dị để gọi tên các truyện ngắn này là xuất phát từ những
cơ sở ấy. Điều đó còn có ý nghĩa trong sự phân biệt với chất huyền thoại dân
gian trong hướng tương tác ở trên. Đây là xu hướng thể hiện trong sáng tác của
nhiểu tên tuổi: Nguyễn Tham Thiện Kế, Ngô Tự Lập, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Vĩnh
Nguyên, Nhật Chiêu, Nguyễn Đức Nam, Hoàng Ngọc Thư, Nguyễn Huy Thiệp, Hà Khánh
Linh, Nguyễn Minh Châu, Võ Thị Hảo,…
Ở những tác phẩm này, chúng
ta có thể thấy một đặc điểm: vô thức tập thể đã hoàn toàn "chuyển bản quyền"
thành vô thức cá nhân trong sức sáng tạo mạnh mẽ của người nghệ sĩ thời đổi mới.
Toàn bộ cấu trúc kì ảo của truyện là một ẩn dụ lớn. Yếu tố kì ảo giúp tác giả
biểu đạt biết bao điều của cuộc sống hôm nay. Nói như Đỗ Lai Thuý: Cái biết của
con người càng lớn lên bao nhiêu thì cái chưa biết của nó cũng lớn lên bấy
nhiêu. Trong cuộc sống hiện đại, khi mà lí trí của con người trở nên rất đỗi
sáng suốt và tỉnh táo thì cuộc sống ấy cũng bao hàm biết bao điều bí ẩn cần cắt
nghĩa, cần khai phá. Đôi khi không thể dùng thực tại để giải thích thực tại,
không thể dùng lí trí tỉnh táo để giải thích mọi điều về cuộc sống. Yếu tố kì ảo
đã nhận nhiệm vụ đó và có thể nói đã hoàn thành một cách xuất sắc nhiệm vụ đó
trong truyện ngắn.
3.2. Những huyền thoại
mới trước hết được tác giả sáng tạo nên nhằm thể hiện cái nhìn khắc khoải, cay
đắng về hiện thực khắc nghiệt của chiến tranh. Người lính không còn trở về
trong hào quang chiến thắng. Một số truyện ngắn viết về motip người lính trở về,
nhưng đó là sự trở về của những linh hồn, những oan hồn còn nhiều lưu luyến với
trần gian. Người ta bắt gặp tình huống kích thích thần kinh đó trong Nguyệt
kiếp - Võ Thị Hảo, Bến trần gian- Lưu Sơn Minh, Tiếng vạc sành -
Phạm Trung Khâu,… Ở Bến trần gian, Lưu Sơn Minh đã tạo nên chi tiết cổ
tích thần kì: ông già râu tóc bạc phơ và chiếc lá nhiệm mầu. Với Nguyệt kiếp của
Võ Thị Hảo là hình ảnh đoàn người lũ lượt đi với tiếng hú khóc rùng rợn trong đặc
khu Thủy Yến. Đó chính là linh hồn của những người lính đã chết bao nhiêu năm
lê lết trong cuộc diễu hành kì lạ đi đòi lại đôi tai, gan bàn tay bàn chân của
mình đã bị xẻo trong những ngày chiến tranh. Yếu tố kì ảo đã thức tỉnh cái nhìn
bi đát về hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh. Chiến tranh không đơn giản như
nhiều người vẫn tưởng, vẫn nghe. Rùng rợn, đau đớn, nặng nề nhưng đó mới chính
là bản chất của cuộc chiến nặng nề mà cả dân tộc đã đi qua.
3.3. Nhiều truyện ngắn
đã sử dụng yếu tố kì ảo để bộc lộ những phương diện sâu kín nhất; những khát
khao đời nhất, người nhất của con người hiện đại. Người trong gương của
Hoàng Ngọc Thư nói được nhiều điều hơn hẳn một truyện ngắn thông thường. Những
mối tình liêu trai trở thành một ẩn ngữ để các cây bút đương đại dò sâu vào
phương diện này. Đó là những mối tình liêu trai trong Chợ rằm ở gốc cây cổ
thụ - Y Ban, Bến trần gian - Lưu Sơn Minh, Tiếng vạc sành -
Phạm Trung Khâu, hầu hết các truyện trong tập Gió lạcủa Phan Đức Nam thường
đi về với nguồn cảm hứng này,… Đây cũng là hướng thể nghiệm của Đỗ Hoàng
Diệu, tuy chưa thực sự thành công nhưng được ghi nhận như một nỗ lực đổi mới
táo bạo. Chất liêu trai đã tạo nên một thế giới mà ở đó những hồn ma, những
linh hồn oan khuất đi lại, nói cười, giao du với con người ở dương thế: Vật
với ma, Gió lạ, Rắn trắng - Phan Đức Nam; Nghĩa địa xóm chùa -
Đoàn Lê, Người trong gương - Hoàng Ngọc Thư, Vòng tròn im lặng -
Dạ Ngân,…
3.4. Trong nỗ lực sáng
tạo mạnh mẽ của văn học giai đoạn này, chúng ta còn bắt gặp một số motip quen
thuộc nhằm bộc lộ những ý chỉ phong phú, độc đáo của tác giả: motip hóa
thân, motip tội ác và trừng phạt,… Đó là những truyện ngắn đậm chất kinh dị gợi
nhớ đến Kafka, Macquez và nhiều nhà hiện thực kì ảo phương Tây khác.
Motip hóa thân là "triệu
chứng" thường thấy trong sáng tác của: Nguyễn Vĩnh Nguyên, Hoàng Ngọc Thư,
Nhật Chiêu, Phan Đức Nam, Nguyễn Minh Châu, Hà Khánh Linh, Ngô Tự Lập,… Trong
truyện ngắn Đổi mặt của Nguyễn Vĩnh Nguyên, sự hóa thân người/chó,
chó/người đã tạo nên những ám gợi lớn về kiếp người. Với Chuyến bộ hành của Ngô
Tự Lập ta lại bắt gặp một motip hóa thân khác, sự hóa thân người/mèo. Trong Chim
hạc đen của Hà Khánh Linh, vị Samon và công chúa Nguyên Nhung hóa thành những
con chim hạc. Sự hóa thân ấy vừa nhằm tách ra khỏi thế giới ô trọc trong chốn
triều thần của vua cha; vừa nhằm nhìn kĩ, nhìn rõ hơn về thế giới ấy. Ở Rắn
trắng của Phan Đức Nam là câu chuyện người hóa rắn, Những con rối của
Hoàng Ngọc Thư lại là người hóa rối, rối hóa người để cuối cùng con người tan
biến trong sự hỗn độn, mờ mịt đến nỗi không còn phân biệt được đâu là rối, đâu
là người. Đặc biệt, trong Phiên chợ Giát của Nguyễn Minh Châu, sự hóa
thân người/bò đã tạo nên những thức nhận sâu xa về cuộc sống. Trong giấc mơ khủng
khiếp, lão Khúng hóa thân thành con bò khoang đen. Sự hóa thân bò/người đem lại
những suy tư sâu thẳm về thân phận con người, thân phận người nông dân. Đỗ Đức
Hiểu coi thành công củaPhiên chợ Giát như kết quả sự kế thừa từ nhiều huyền
thoại lớn: “Phiên chợ Giát là một bức tranh lạ lùng, gợi nhớ đến Biến dạng
của Kafka, Ngày cuối cùng của một người bị kết án của Huygô, Người ở tầng hầm của
Đốxtôiepxki, Ông già và biển cả của Hêminhway…” [281].Quả thật, bên cạnh sự
hóa thân người/ngựa trong Nhân mã của Jorn Updike, sự hóa thân người/gián
trong Biến dạng của Kafka,… motip hóa trân trong truyện ngắn kì ảo Việt
Nam đã góp thêm một tiểu lưu nữa trong dòng chảy văn học kì ảo nhân loại.
Cùng với motip hóa thân là
motip tội ác và trừng phạt, một motip có sức cảnh tỉnh lớn đối với con người
hiện đại. Motip đó góp phần tạo nên sự cân bằng, sự hài hòa cho cuộc sống thời
đổi mới. Thông điệp: chẳng bao giờ có thể sống yên ổn, an bình trong sự thừa hưởng
một cách bỗng dưng từ thành quả lẽ ra phải thuộc về người khác vẳng lên một
cách rùng rợn từ ngôi nhà cổ bí hiểm, ma quái trong truyện ngắn Tiếng kêu
của ngôi nhà thủng mái (Nguyễn Tham Thiện Kế). Ở Gió lạ - Nguyễn
Đức Nam, án trừng phạt không chỉ được thực hiện trong cuộc đời mà sự nghiêm khắc
của tạo hóa còn theo con người đến kiếp sau. Sự hóa kiếp thành rắn trong Rắn
trắng của Phan Đức Nam, sự đổi mặt để nếm trải kiếp chó trong Đổi mặt của
Nguyễn Vĩnh Nguyên, hay vì tham lam nên cuối cùng phải thu nhỏ người thành mèo
trong Chuyến bộ hành của Ngô Tự Lập,… cũng nằm trong motip ấy. Ở đây,
nói như Đỗ Lai Thúy, cái kinh dị một mặt giúp ta đổi mới cái nhìn để không
"nhẵn mặt" với đời sống, mặt khác là cầu nối đưa ta vào thế giới của
cái chưa biết, cái siêu nhiên.
3.5. Những huyền thoại
mới còn được các tác giả sáng tạo nên nhằm miêu tả muôn mặt của cuộc sống. Đây
là xu hướng khá phổ biến trong truyện ngắn các cây bút thuộc thế hệ thứ hai, thứ
ba của hành trình đổi mới văn học: Phạm Thị Hoài, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Phan Đức
Nam, Hoàng Ngọc Thư, Nhật Chiêu,… Một đặc điểm rất quan trọng của những truyện
ngắn này là họ đã hết sức tự do trong việc sáng tạo nên các biểu tượng kì ảo.
Phong cách tư duy này được thể hiện qua nhiều tác phẩm, các biểu tượng đa nghĩa
trở thành những dụ ngôn hiện đại đòi hỏi phải có sự giải mã mới hiểu hết
được.
Phạm Thị Hoài "tạo
ra một kiểu "tân huyền thoại" hoặc "phiếm huyền thoại"
không phải bao giờ cũng dễ hiểu". Truyện ngắn Hoàng Ngọc Thư tiềm tàng những
dạng kì ảo như thế:Chiếc áo, Người có phép lạ, Người đi tìm bóng tối, Những con
rối, Những giấc mơ của một người sợ bóng râm,… Nguyễn Vĩnh Nguyên nói chuyện với
nàng Mona Lisa trong đoản thiên Mona Lisa, tạo nên chất phi lí trong Nói
đi, thực ra anh là ai?, Mùa ánh sáng. Với sợi mi hạc gắn lên mắt, công chúa
Nguyên Nhung đã nhìn suốt cả triều thần của vua cha: một thế giới của beo, gấu,
khỉ, lợn, rắn hổ mang,… hiện lên nguyên chân tướng. Thế nhưng vua cha đã không
vui mừng, trái lại, đã phản ứng dữ dội "Như thể chiếc áo giáp ngụy bị
một mũi tên đột ngột xuyên thủng" (Chim hạc đen - Hà Khánh
Linh). Ở Chiếc áolà biểu tượng chiếc áo có phép lạ, vừa đem lại điều may mắn
nhưng ngay sau đó lại đi liền với một tai họa, một biểu hiện theo kiểu âm dương
chuyển hóa. Ở Người có phép lạ là một cô gái có sự mẫn cảm và khả
năng kết nối cảm xúc kì lạ với những người xung quanh. Truyện kết thúc bằng chất
kinh dị phương Tây: một ngày kia, cô bé đi qua đường đúng trên vạch kẻ của người
bộ hành, một chiếc xe hơi kiểu thể thao lao nhanh đâm chết cô bé, nghiến lên
thân xác nàng rồi bỏ chạy. Mọi người đổ xô đến và chứng kiến một cảnh tượng kì
dị: "Xác của nàng tan ra thành cát bụi hòa vào lòng đường. Một cơn
gió nhẹ thoảng qua cuốn đi nốt những hạt còn lại". Cô bé có trái tim
thiên thần ấy không thể sống được với trần gian chăng, giác quan tinh nhạy như
một thứ cảm ứng ấy không thể chịu nổi những tổn thương muôn trùng của cuộc sống
hiện đại chăng?
Có thể nói, truyện ngắn huyền
thoại phát triển đến đỉnh cao, trở thành nét phong cách độc đáo nhất ở hiện tượng
Nhật Chiêu. Với lợi thế của một tập truyện ra đời cuối thập niên thứ nhất của
thế kỉ XXI, tập truyện ngắn Mưa mặt nạ của Nhật Chiêu là kết quả của
sự tương tác từ nhiều hướng, nhiều chiều. Nói cách khác, yếu tố huyền thoại đạt
được sự kết tinh đậm nhất trong sáng tác của Nhật Chiêu. Ở đó, vừa có những
truyện ngắn huyền thoại lấy cảm hứng từ cổ tích dân gian: Con quạ, Thác khói,…;
nhưng ở đó lại có rất nhiều huyền thoại mới mang đậm chất huyền ảo của Kafka và
yếu tố hậu hiện đại phương Tây: Mưa mặt nạ, Cánh bèo, Chim đã gọi tôi, Đom
đóm, Mưa, Tờ giấy trắng, Salon của chúa trời, Tiếng kêu,… Thành quả ấy đến từ một
quan niệm viết mà cũng có thể nói là tuyên ngôn sáng tác của Nhật Chiêu: nghệ
thuật là ảo thực tương duyên. Với phương châm sáng tác đó, truyện ngắn Nhật
Chiêu đặc biệt phóng khoáng về quy phạm thể loại: "Không có một biên
độ, một biên thùy nào cho chính nó". Hiệu ứng của tất cả những điều đó là: "truyện
ngắn Nhật Chiêu đi lại vô ngại giữa ảo và thực, giữa cổ và kim, giữa sống
và chết, giữa thần và thú, giữa bóng tối và ánh sáng…" [6, tr.173].
Truyện ngắn Nhật Chiêu là
nơi tập hợp của nhiều sáng tạo biểu tượng kì ảo. Có biểu tượng đom đóm trong
truyện ngắn Đom đóm, có biểu tượng chiếc lồng trống rỗng đi tìm nhà thơ
trong Chim đã gọi tôi, biểu tượng nước trong Hương thơm của nước, biểu
tượng mặt nạ trong Mưa mặt nạ. Đặc biệt, như sự biểu hiện của tính liên
văn bản, các biểu tượng huyền thoại tái xuất hiện qua nhiều truyện đã gợi lên
những thông điệp ngôn ngữ mới của Nhật Chiêu: đom đóm, con quạ, tờ giấy trắng,
nước, mặt nạ,… Nhiều truyện ngắn nhỏ gọn như một bài thơ nhưng lại hết sức lung
linh, đa nghĩa. Những bài thơ đầy ngụ ý chảy suốt tập truyện làm truyện ngắn Nhật
Chiêu giống truyện truyền kì nhưng phẩm chất tư duy thì đầy yếu tố hiện thực
huyền ảo dạng Kafka. Có thể coi đó là một giá trị, một phẩm chất; giá trị - phẩm
chất của sự kết hợp Đông - Tây, của tự tương tác từ cả hai chiều: nội lực và
ngoại lực.
4. Như vậy, có thể nói,
huyền thoại là yếu tố thể loại mới của truyện ngắn sau đổi mới xét về cả
sự phong phú và độ kết tinh. Huyền thoại có mặt ở nhiều tác giả, tác phẩm; huyền
thoại trở thành một dòng chảy trong truyện ngắn đương đại Việt Nam. Huyền thoại
đến với truyện ngắn cũng hết sức đa dạng, nhiều chiều. Có những huyền thoại mới,
là kết quả của sự thâm nhập, sự tiếp thu dòng truyện ngắn huyền ảo phương Tây.
Trong sự phát triển của dịch thuật, của sự giao lưu Đông - Tây, nhiều cây bút
truyện ngắn tìm đến với những thành tựu của thể loại này; như trường hợp Nguyễn
Vĩnh Nguyên, Hoàng Ngọc Thư, đặc biệt là Nhật Chiêu. Nhưng không phải là tất cả.
Từ diễn trình tương tác đa dạng ở trên, chúng tôi cho rằng: có con đường tương
tác giao lưu nhưng cũng có con đường tương tác từ nội lực truyền thống văn học
dân tộc, là sự gặp gỡ thú vị trong sự vận động và phát triển có tính quy luật của
đời sống thể loại. Truyện ngắn Nhật Chiêu có sự tổng hợp của những con đường
tương tác trên, đặc biệt có sự ảnh hưởng của yếu tố kì ảo phương Tây khá đậm
nét. Thế nhưng, nói về văn xuôi: không phải nhà văn Việt Nam nào cũng là Nhật
Chiêu, cũng như nói về thơ: không phải nhà thơ Việt Nam nào cũng là Bùi Giáng. Ở
Việt Nam, nhiều nhà văn chưa từng biết đến Kafka, Macquez, J. Joyce,… nhưng chắc
chắn kho tàng huyền thoại đã nuôi họ lớn dần từ trong sâu thẳm của vô thức tuổi
thơ. Truyền thống và hiện đại, nội sinh và ngoại sinh; tất cả đã tạo nên gương
mặt vừa phong phú vừa độc đáo của truyện ngắn huyền thoại Việt Nam sau đổi mới.
Trở về với huyền thoại dân tộc hay sáng tạo nên những huyền thoại mới, chất
kinh dị phương Tây hay chất liêu trai, truyền kì phương Đông,… cách phân chia
như vậy chỉ có tính chất tương đối nhằm thấy được những biểu hiện sinh động của
tố chất huyền thoại trong truyện ngắn hôm nay. Tương đối vì ở những tên tuổi lớn,
tác phẩm của họ có sự hoà phối, sự trộn lẫn rất khó phân tách. Đông hay Tây,
truyền thống hay hiện đại; trong thế giới phẳng, tương tác thể loại để tạo nên
những liên văn bản có lẽ là hướng đi đầy hứa hẹn của truyện ngắn huyền thoại Việt
Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. M. Bakhtin (1993), Những vấn đề thi pháp Đoxtoiepxki, NXB Giáo Dục, Hà Nội.
2. M. Bakhtin (1992), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường Viết văn
Nguyễn Du, Hà Nội.
3. Roland Bathes (2008), Những huyền thoại, NXB Tri Thức, Hà Nội.
4. Lê Huy Bắc (2004), Truyện ngắn: Lí luận tác gia và tác phẩm (Tập 1),
NXB Giáo Dục, Hà Nội.
5. Lê Huy Bắc (2003), Truyện ngắn hậu hiện đại thế giới, NXB Giáo dục,
Hà Nội.
6. Nhật Chiêu (2008), Mưa mặt nạ, NXB Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh.
7. Kate Hamburger (2004), Logic học và các thể loại văn học, NXB Đại học
Quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
8. E. M. Meletinsky (2004), Thi pháp của huyền thoại, NXB ĐHQG H Nội, Hà Nội.
9. Phan Đức Nam (2008), Gió lạ, Hà Nội.
10. Nhà xuất bản Văn hoá
thông tin (2002), Đi tìm Nguyễn Huy Thiệp, NXB Văn hoá thông tin, Hà
Nội.
Nha Trang, tháng 7 năm 2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét