Lâu nay, không ít nhà nghiên
cứu viết một cách hồn nhiên: lục bát bắt nguồn từ ca dao… mà không hề truy vấn
nguồn gốc của nó. Có thể vì trong thực tế có tới hơn 90% ca dao Việt được sáng
tác bằng thể lục bát (1). Thế nhưng lại có ý kiến rằng người Chăm cũng có lục
bát và lục bát Việt có nguồn gốc từ lục bát Chăm. Trong một bài viết rất công
phu được đăng tải trên blog cá nhân và trên nhiều trang mạng nhan đề Lục bát
Chăm, Inrasara đã chỉ ra rằng trong thơ ca Chăm (ariya) cũng có thể lục bát và
anh nêu dẫn chứng cụ thể:
“Thei mai mưng deh thei o
Drơh phik kơu lo yaum sa urang”
(Ai đến từ đằng kia xa
Giống người yêu ta riêng chỉ một người)(2)
Thực ra, Inrasara không phải là người đầu tiên, lại càng không phải là người duy nhất đưa ra ý kiến này. Trước anh đã có Võ Phiến, Phạm Duy và một số người khác đề cập tới lục bát Chăm. Trước năm 1975, tại Sài Gòn, Võ Phiến đã nêu ý kiến có lục bát Chăm khi ông được người bạn có tên M.K.H. đọc cho nghe bài hát ru (dân ca) có âm hưởng lục bát. Bài hát đó như sau:
“Nư lơi nư đí ca hoanh,
Kla mông pat băc pụ pành ten me.
Nư lơi nư ranh đi me,
Nư hia nư chó ngá kề hưở nư”(3)
Tuy nhiên, Võ Phiến chỉ mới nêu hiện tượng, chưa đi sâu phân tích để chứng minh ý kiến của mình.
Trong một bài viết gần đây trên tạp chí Hồn Việt, để chứng minh người Chăm cũng có thơ lục bát và lục bát Việt có nguồn gốc từ lục bát Chăm, GS Trần Ngọc Ninh cũng dẫn ra hai bài thơ phong tình khác của người Chăm, trong đó có bài đã được Inrasara dẫn ra 2 dòng đầu:
“Thay mai mung deh tay o
Droh phik kau lo yom tha u rang
Check tian mung asit dih dang
Mai hu ka urang oan lo li ngik…” (4)
Tuy nhiên, xem xét kỹ sẽ thấy việc phiên âm những bài dân ca Chăm của các tác giả có phần khác nhau. Ở dạng “Chăm - Việt hóa” (chữ của GS Trần Ngọc Ninh) (5) của những bài thơ này, người đọc có thể nhận ra được dạng “vần lục bát” qua những chữ được in đậm của lời thơ. Thế nhưng, dù không biết tiếng Chăm, chỉ xem xét trên bản phiên âm tiếng Việt của các tác giả, chúng ta cũng nhận ra những âm thừa (ngoài 6/8) như Drơh (Droh), yaum (yom), urang (u rang), Kla, asit trong các dòng thơ được dẫn. Những âm này đã được người viết tách ra hoặc không tách ra để tính số chữ nhằm gò vào khuôn dạng 6/8 choariya Chăm, cụ thể như trường hợp để liền hoặc tách làm hai của chữ cuối dòng thứ hai trong dẫn chứng của Inrasara và Trần Ngọc Ninh (urang và u rang).
Điều cần bàn ở đây là: tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm, các phụ âm đi liền nhau vẫn được phát âm độc lập bên cạnh phụ âm kết hợp với nguyên âm. Khi những câu thơ Chăm được ghép cho khớp vị trí vần và cấu trúc 6/8 thì phải bỏ qua nhiều âm mà trong trường hợp khác (khi thiếu) lại được tách, tính cho đủ (trường hợp urang trong dẫn chứng trên).
Trong số những bài viết về lục bát Chăm, Inrasara viết công phu hơn cả. Để chứng minh cho độ vênh về số lượng chữ trong mỗi dòng của lục bát Chăm so với chuẩn 6/8 của Việt, Inrasara đã dẫn ra những câu lục bát Việt có số chữ vượt quá 6/8, đồng thời dẫn ra một số bài thơ lục bát của các nhà thơ hiện đại, trong đó dòng thơ được bẻ ra theo kiểu thơ bậc thang của Maiacopxki. Thật ra đó là những dạng biến thể của lục bát Việt, còn khuôn hình cơ bản của nó luôn vẫn là 6/8 với vần quãng 3 hoặc quãng 5 (cách 3 chữ hoặc 5 chữ)(6). Việc lấy dạng biến thể của lục bát Việt Nam để lý giải, biện minh cho cái vênh trong “lục bát Chăm” là chưa ổn.
Mặc dù trong bài viết của mình Inrasara chưa khẳng định giữa lục bát Chăm và Việt cái nào có trước, cái nào sau nhưng phát hiện của anh cũng đã làm dấy lên những ý kiến cho rằng lục bát Việt có nguồn gốc từ lục bát Chăm. GS Trần Ngọc Ninh trong bài Nguyễn Du và quan họ đăng trên Hồn Việt số 87 (tháng 11-2014), đã khẳng định: Thơ lục bát của Việt Nam bắt nguồn từ thơ ca của người Chăm, do các trận thắng quân Chiêm của các thời Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, đã đưa hàng vạn tù binh (có nhiều vũ nữ, ca sĩ, nghệ nhân) ra định cư ở nhiều tỉnh phía Bắc.
Trên các trang mạng cũng có nhiều ý kiến tương tự GS Trần Ngọc Ninh.
Phát hiện của Võ Phiến, Phạm Duy, Inrasara… là rất quý, bài viết của Inrasara rất công phu, khoa học, kết luận của anh cũng chừng mực và thận trọng, vì trong bài viết của mình anh đã nhận ra “cái khung của ngôn ngữ đa âm tiết vẫn chưa hết “gò bó” thể ariya Chăm”.
Vậy nên, ý kiến của các học giả trên chỉ mới là nêu vấn đề trên cơ sở những “phân tích sơ bộ” như lời Inrasara, còn để có được kết luận chắc chắn rằng người Chăm, với ngôn ngữ đa âm, cũng có thơ lục bát, thì cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa, còn muốn biết mối quan hệ nguồn gốc giữa lục bát Chăm - Việt, còn cần phải “thử AND” như chính Inrasara thừa nhận. Hiện ý kiến cho rằng người Chăm cũng có lục bát còn chưa đủ sức thuyết phục, thì dựa vào ý kiến một vài người đã kết luận “lục bát của Việt Nam bắt nguồn từ thơ ca của người Chăm” là vội vã, thậm chí là ngộ nhận vì chưa đủ cơ sở khoa học.
Lục bát (Việt) được cấu tạo trên cơ sở ngôn ngữ đơn âm, trong đó, hầu hết các phụ âm đi kèm nguyên âm tạo thành âm tiết (gọi là chữ). Còn các phụ âm đi liền nhau (ch, tr, ng, ngh) gọi là phụ âm ghép. Trong ngữ âm tiếng Việt, các phụ âm ghép chỉ tương đương một phụ âm đơn, và chỉ được phát âm khi đi kèm nguyên âm. Lục bát Việt dựa trên cách phát âm đó với cấu trúc chuẩn trên 6 chữ, dưới 8 chữ, có luật phối thanh (âm luật/luật bằng trắc) và luật hiệp vần giữa các dòng câu…(7)
Để hiểu thêm nguồn gốc thể lục bát Việt, chúng ta có thể tham khảo chuyên luận Bàn về lục bát và ca khúc Việt, đọc tại Nhóm yêu nhạc Sydney 1998, của nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn (đăng tải lại trong Tiền Vệ và Hợp Lưu). Trong bài viết này tác giả đã lý giải một đặc điểm của thể lục bát Việt là tuyệt đại đa số đều hiệp vần bằng. Đặt sang một bên giọng điệu chê bai thể lục bát Việt, từ đó quy kết thành một đặc tính xấu của người Việt, thì dưới con mắt một nhạc sĩ, những lý giải của Phạm Quang Tuấn về lý do tại sao lục bát lại lấy vần bằng làm vần chủ đạo là có sức thuyết phục. Hiệp vần bằng gần như chiếm tuyệt đối trong ca dao Việt. Chúng tôi chỉ tìm thấy không đến chục lời lục bát vần trắc trong cả kho tàng ca dao người Việt và điều đặc biệt hơn là lục bát vần trắc không bao giờ vượt quá 2 dòng câu, bởi vì dòng bát bao giờ cũng kết thúc bởi vần bằng nên dòng lục cặp tiếp theo sẽ quay lại vần bằng (Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi, nhện hỡi nhện đi đằng nào). Phạm Quang Tuấn đã rất đúng khi đi từ thanh điệu trong tiếng Việt đến thanh điệu trong ca dao lục bát và thanh điệu trong âm nhạc để đi đến kết luận rằng âm bằng là những âm đơn cung (monotonic sound): ngang - đơn cung vừa, huyền - đơn cung trầm, trong tiếng Việt, vần bằng đóng vai trò của nốt chủ âm (tonic), là âm thanh làm cho ta dễ chịu nhất… Anh viết: Trong nhạc mà nghe thấy nốt tonic (nhất là khi được đệm bởi hòa âm chủ - tonic chord) có nghĩa là: xong, hết, nghỉ xả hơi, không còn căng thẳng... Theo nhạc sĩ: mỗi cặp lục bát nguyên sơ đã là một nhạc khúc. Và như vậy, để phổ nhạc lục bát, cách giản dị nhất là đọc thẳng ra như nguyên bản, không thêm bớt. Trong âm nhạc bình dân, đây là cách hát ru con của các bà mẹ... Tiến thêm một bước nữa là ngâm thơ. Tuy nhiên, những dẫn giải trên lại dẫn anh đến với quả quyết: Phần lớn dân ca Việt Nam là từ ca dao mà ra, mà ca dao thì hầu hết là lục bát. Trong chuyên luận Đường về dân ca Phạm Duy cũng có ý kiến tương tự(8). Đến chỗ này cả Phạm Quang Tuấn và Phạm Duy đều không đúng.
Các nhà nghiên cứu văn học dân gian đã có kết luận không cần bàn cãi thêm rằng: dân ca có trước, hầu hết ca dao (cổ) là ca từ của dân ca cổ. Nói cách khác ca dao Việt từ dân ca mà ra, suy ra lục bát hình thành từ dân ca. Thật ra, trong quá trình hát dân ca, tác giả dân gian đã lựa chọn vần bằng đóng vai trò của nốt chủ âm (tonic), bởi đó là âm thanh làm cho người nghe dễ chịu nhất. Cho nên cái kết luận mà Phạm Duy và Phạm Quang Tuấn nêu ra rằng mỗi cặp lục bát nguyên sơ đã là một nhạc khúc, cần phải được đặt ngược lại là nhiều nhạc khúc dân gian xưa đã chứa, đã hình thành một (hoặc hơn một) cặp lục bát và dân ca đã “chọn” vần bằng cho lục bát. Có những lời dân ca trong đó cặp lục bát được giữ nguyên, lại cũng có những lời dân ca trong đó cặp lục bát nằm lẫn giữa những từ luyến/láy. Đặc điểm này khiến một cặp lục bát có thể được ráp vào khuôn nhạc của dân ca ba miền. Bài Lý triền triện (chiền chiện) được Phạm Duy dẫn ra trong công trình Đường về dân ca là một ví dụ: Xem lên hòn núi (hòn núi ta lý nọ) Thiên Thai
Thấy (ư) đôi (á đôi con triền) triền triện [2 lần]
(ta lý nọ) ăn xoài (a ý a, ăn xoài) chín cây(9).
Như vậy, từ phát hiện của Phạm Quang Tuấn, nếu lập luận ngược lại theo các nhà folklore học rằng: ca dao Việt bắt nguồn từ dân ca Việt, thì thật đơn giản, chúng ta đã có thể nhận ra nguồn gốc của thể lục bát Việt. Tuy nhiên, về khoa học, việc nhận ra “bóng dáng” của nó chưa đủ.
Để thấy rõ sự hình thành và phát triển của lục bát Việt chúng ta còn cần phải chỉ ra quá trình hình thành của nó. Chắc chắn rằng trong quá trình hình thành và phát triển, mọi sự vật, hiện tượng đều để lại dấu vết/vết tích. Lục bát Việt không phải mặc nhiên có như bây giờ mà phải trải qua một quá trình hình thành, lựa chọn rất dài từ số chữ, cách hiệp vần đến phối âm, phối điệu... và những đặc điểm được bảo tồn cũng như những dấu tích bị thải loại của nó hẳn còn lưu giữ trong ca dao - xa hơn, trong tục ngữ, bởi tục ngữ là loại hình tiền nghệ thuật. Những dấu tích đó là đường dẫn đáng tin cậy nhất để tìm nguồn gốc lục bát Việt. Trong một bài viết dài 22 trang đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 6 năm 2004, nhan đề Đi tìm nguồn gốc thể lục bát Việt Nam, chúng tôi đã chỉ ra những dấu tích của quá trình hình thành thể lục bát Việt từ tục ngữ đến ca dao. Đó là quá trình nới rộng dần nội dung diễn đạt, tăng dần số chữ trong một dòng câu, từ 4, 5 chữ với một nội vần (vần giữa dòng câu) lên 6, 7, 8… chữ và chuyển thành 2, 3… dòng câu với một ngoại vần (vần nối các dòng câu). Quá trình đó cũng đi liền với quá trình nới rộng quãng vần từ vần liền (hai chữ vần liền nhau) sang vần cách (từ cách 1 đến cách 2, 3, 4, 5 chữ…). Trong bài trên chúng tôi cũng đã chỉ cụ thể tiến trình hoàn thiện từ chưa chỉnh thể đến chỉnh thể và sang biến thể của thể lục bát Việt. Trong một bài viết khác nhan đề Về thể lục bát trong ca dao đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 2 năm 2002, chúng tôi đã chỉ ra khả năng biến thể vô cùng rộng rãi của thể thơ lục bát Việt từ cấu trúc (cấu trúc dòng, cấu trúc bài, mở đầu và kết thúc không theo khuôn 6-8…) đến hiệp vần, phối thanh/ luật bằng trắc... Đặc biệt, tuy cấu trúc cơ bản của lục bát là một dòng 6 và một dòng 8, được nối nhau bằng một ngoại vần (vần lưng) là vần đủ (có thả vần và hiệp vần), thì mỗi cặp lục bát còn một bán vần cuối dòng bát (thả vần chân, chưa có hiệp vần) - chúng tôi gọi là vần chờ - nhờ đó lục bát Việt cho phép kéo dài trường độ (tác phẩm) từ hai dòng câu trong ca dao đến hàng ngàn dòng như Truyện Kiều…Những nội dung vừa nêu đã được diễn giải cặn kẽ trong các bài viết đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (10) và được đăng lại trên nhiều trang mạng, nên chúng tôi không nhắc lại ở chuyên luận này.
Tóm lại, lục bát Việt là của người Việt (11), nó bắt nguồn từ tục ngữ, ca dao Việt và về sau có sự đóng góp, hoàn thiện, nâng cao của các nhà thơ chuyên nghiệp, tiêu biểu là đại thi hào Nguyễn Du và tiếp nối về sau là các nhà thơ Huy Cận, Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Duy… và cũng không thể không nhắc đến đóng góp của các nhà thơ miền Nam như Bùi Giáng, Du Tử Lê...
(1) Theo thống kê của Nguyễn Xuân Kính từ cuốn Ca dao Việt Nam thì có tới 95% ca dao được sáng tác bằng thể lục bát. Xin xem Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính, NXB Khoa Học Xã Hội 1992, tr.118. (2) http://inrasara.com/
- http://tienve.org/
(3) Võ Phiến, Thơ lục bát Chàm. Tạp chí Bách Khoa, tháng 9-1971, Sài Gòn – Tùy bút I, Văn Nghệ California, 1986 (dẫn theo Trần Ngọc Ninh). Năm 2012, bài viết này được nhà sách Nhã Nam in lại trong Quê hương tôi, tên tác giả là Tràng Thiên - một bút danh của Võ Phiến.
(4) Theo Trần Ngọc Ninh đây là một bài hát trữ tình của người Chăm do Phạm Duy ghi lại trong những tháng năm ông đi khảo cứu điền dã về Dân nhạc ở Việt Nam (khoảng 1956-1966).
(5) Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Du và quan họ, Hồn Việt số 87, tháng 11-2014.
(6) Xin xem: Nguyễn Xuân Đức - Đi tìm nguồn gốc thể lục bát Việt Nam, tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 6 năm 2004, hoặc vannghequandoi.com.vn › Bình luận văn nghệ › Phê bình văn nghệ, trong đó chúng tôi gọi số chữ trong khoảng cách giữa 2 chữ thả vần và hiệp vần là quãng vần (quãng 3 - hiệp vần ở chữ thứ tư và quãng 5 - hiệp vần ở chữ thứ 6 dòng bát. Đó là quãng vần của hai dạng lục bát Việt truyền thống).
(7) Xin xem thêm bài viết của chúng tôi về thể lục bát Việt Nam: Về hiện tượng thể thơ lục bát chiếm ưu thế trong ca dao, đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 9 năm 2008; Bích Khê đăng lại trong www. bichkhe.org/.
(8) www.phamduy2010.com/
(9) Bản pdf Đường về dân ca (tlđd), tr.39.
(10) Một số bài về thể lục bát đã đăng trong: Nguyễn Xuân Đức - Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, NXB Khoa Học Xã Hội, 2004.
(11) Những bài viết của chúng tôi chỉ nhằm chứng minh thể lục bát Việt là do người Việt sáng tạo, không vay mượn của ai, dù rằng có thể một số dân tộc nào đó cũng có thể thơ này.
“Thei mai mưng deh thei o
Drơh phik kơu lo yaum sa urang”
(Ai đến từ đằng kia xa
Giống người yêu ta riêng chỉ một người)(2)
Thực ra, Inrasara không phải là người đầu tiên, lại càng không phải là người duy nhất đưa ra ý kiến này. Trước anh đã có Võ Phiến, Phạm Duy và một số người khác đề cập tới lục bát Chăm. Trước năm 1975, tại Sài Gòn, Võ Phiến đã nêu ý kiến có lục bát Chăm khi ông được người bạn có tên M.K.H. đọc cho nghe bài hát ru (dân ca) có âm hưởng lục bát. Bài hát đó như sau:
“Nư lơi nư đí ca hoanh,
Kla mông pat băc pụ pành ten me.
Nư lơi nư ranh đi me,
Nư hia nư chó ngá kề hưở nư”(3)
Tuy nhiên, Võ Phiến chỉ mới nêu hiện tượng, chưa đi sâu phân tích để chứng minh ý kiến của mình.
Trong một bài viết gần đây trên tạp chí Hồn Việt, để chứng minh người Chăm cũng có thơ lục bát và lục bát Việt có nguồn gốc từ lục bát Chăm, GS Trần Ngọc Ninh cũng dẫn ra hai bài thơ phong tình khác của người Chăm, trong đó có bài đã được Inrasara dẫn ra 2 dòng đầu:
“Thay mai mung deh tay o
Droh phik kau lo yom tha u rang
Check tian mung asit dih dang
Mai hu ka urang oan lo li ngik…” (4)
Tuy nhiên, xem xét kỹ sẽ thấy việc phiên âm những bài dân ca Chăm của các tác giả có phần khác nhau. Ở dạng “Chăm - Việt hóa” (chữ của GS Trần Ngọc Ninh) (5) của những bài thơ này, người đọc có thể nhận ra được dạng “vần lục bát” qua những chữ được in đậm của lời thơ. Thế nhưng, dù không biết tiếng Chăm, chỉ xem xét trên bản phiên âm tiếng Việt của các tác giả, chúng ta cũng nhận ra những âm thừa (ngoài 6/8) như Drơh (Droh), yaum (yom), urang (u rang), Kla, asit trong các dòng thơ được dẫn. Những âm này đã được người viết tách ra hoặc không tách ra để tính số chữ nhằm gò vào khuôn dạng 6/8 choariya Chăm, cụ thể như trường hợp để liền hoặc tách làm hai của chữ cuối dòng thứ hai trong dẫn chứng của Inrasara và Trần Ngọc Ninh (urang và u rang).
Điều cần bàn ở đây là: tiếng Chăm là ngôn ngữ đa âm, các phụ âm đi liền nhau vẫn được phát âm độc lập bên cạnh phụ âm kết hợp với nguyên âm. Khi những câu thơ Chăm được ghép cho khớp vị trí vần và cấu trúc 6/8 thì phải bỏ qua nhiều âm mà trong trường hợp khác (khi thiếu) lại được tách, tính cho đủ (trường hợp urang trong dẫn chứng trên).
Trong số những bài viết về lục bát Chăm, Inrasara viết công phu hơn cả. Để chứng minh cho độ vênh về số lượng chữ trong mỗi dòng của lục bát Chăm so với chuẩn 6/8 của Việt, Inrasara đã dẫn ra những câu lục bát Việt có số chữ vượt quá 6/8, đồng thời dẫn ra một số bài thơ lục bát của các nhà thơ hiện đại, trong đó dòng thơ được bẻ ra theo kiểu thơ bậc thang của Maiacopxki. Thật ra đó là những dạng biến thể của lục bát Việt, còn khuôn hình cơ bản của nó luôn vẫn là 6/8 với vần quãng 3 hoặc quãng 5 (cách 3 chữ hoặc 5 chữ)(6). Việc lấy dạng biến thể của lục bát Việt Nam để lý giải, biện minh cho cái vênh trong “lục bát Chăm” là chưa ổn.
Mặc dù trong bài viết của mình Inrasara chưa khẳng định giữa lục bát Chăm và Việt cái nào có trước, cái nào sau nhưng phát hiện của anh cũng đã làm dấy lên những ý kiến cho rằng lục bát Việt có nguồn gốc từ lục bát Chăm. GS Trần Ngọc Ninh trong bài Nguyễn Du và quan họ đăng trên Hồn Việt số 87 (tháng 11-2014), đã khẳng định: Thơ lục bát của Việt Nam bắt nguồn từ thơ ca của người Chăm, do các trận thắng quân Chiêm của các thời Lê Đại Hành, Lý Thánh Tông, đã đưa hàng vạn tù binh (có nhiều vũ nữ, ca sĩ, nghệ nhân) ra định cư ở nhiều tỉnh phía Bắc.
Trên các trang mạng cũng có nhiều ý kiến tương tự GS Trần Ngọc Ninh.
Phát hiện của Võ Phiến, Phạm Duy, Inrasara… là rất quý, bài viết của Inrasara rất công phu, khoa học, kết luận của anh cũng chừng mực và thận trọng, vì trong bài viết của mình anh đã nhận ra “cái khung của ngôn ngữ đa âm tiết vẫn chưa hết “gò bó” thể ariya Chăm”.
Vậy nên, ý kiến của các học giả trên chỉ mới là nêu vấn đề trên cơ sở những “phân tích sơ bộ” như lời Inrasara, còn để có được kết luận chắc chắn rằng người Chăm, với ngôn ngữ đa âm, cũng có thơ lục bát, thì cần được nghiên cứu nhiều hơn nữa, còn muốn biết mối quan hệ nguồn gốc giữa lục bát Chăm - Việt, còn cần phải “thử AND” như chính Inrasara thừa nhận. Hiện ý kiến cho rằng người Chăm cũng có lục bát còn chưa đủ sức thuyết phục, thì dựa vào ý kiến một vài người đã kết luận “lục bát của Việt Nam bắt nguồn từ thơ ca của người Chăm” là vội vã, thậm chí là ngộ nhận vì chưa đủ cơ sở khoa học.
Lục bát (Việt) được cấu tạo trên cơ sở ngôn ngữ đơn âm, trong đó, hầu hết các phụ âm đi kèm nguyên âm tạo thành âm tiết (gọi là chữ). Còn các phụ âm đi liền nhau (ch, tr, ng, ngh) gọi là phụ âm ghép. Trong ngữ âm tiếng Việt, các phụ âm ghép chỉ tương đương một phụ âm đơn, và chỉ được phát âm khi đi kèm nguyên âm. Lục bát Việt dựa trên cách phát âm đó với cấu trúc chuẩn trên 6 chữ, dưới 8 chữ, có luật phối thanh (âm luật/luật bằng trắc) và luật hiệp vần giữa các dòng câu…(7)
Để hiểu thêm nguồn gốc thể lục bát Việt, chúng ta có thể tham khảo chuyên luận Bàn về lục bát và ca khúc Việt, đọc tại Nhóm yêu nhạc Sydney 1998, của nhạc sĩ Phạm Quang Tuấn (đăng tải lại trong Tiền Vệ và Hợp Lưu). Trong bài viết này tác giả đã lý giải một đặc điểm của thể lục bát Việt là tuyệt đại đa số đều hiệp vần bằng. Đặt sang một bên giọng điệu chê bai thể lục bát Việt, từ đó quy kết thành một đặc tính xấu của người Việt, thì dưới con mắt một nhạc sĩ, những lý giải của Phạm Quang Tuấn về lý do tại sao lục bát lại lấy vần bằng làm vần chủ đạo là có sức thuyết phục. Hiệp vần bằng gần như chiếm tuyệt đối trong ca dao Việt. Chúng tôi chỉ tìm thấy không đến chục lời lục bát vần trắc trong cả kho tàng ca dao người Việt và điều đặc biệt hơn là lục bát vần trắc không bao giờ vượt quá 2 dòng câu, bởi vì dòng bát bao giờ cũng kết thúc bởi vần bằng nên dòng lục cặp tiếp theo sẽ quay lại vần bằng (Tò vò mà nuôi con nhện/ Đến khi nó lớn, nó quện nhau đi/ Tò vò ngồi khóc tỉ ti/ Nhện ơi, nhện hỡi nhện đi đằng nào). Phạm Quang Tuấn đã rất đúng khi đi từ thanh điệu trong tiếng Việt đến thanh điệu trong ca dao lục bát và thanh điệu trong âm nhạc để đi đến kết luận rằng âm bằng là những âm đơn cung (monotonic sound): ngang - đơn cung vừa, huyền - đơn cung trầm, trong tiếng Việt, vần bằng đóng vai trò của nốt chủ âm (tonic), là âm thanh làm cho ta dễ chịu nhất… Anh viết: Trong nhạc mà nghe thấy nốt tonic (nhất là khi được đệm bởi hòa âm chủ - tonic chord) có nghĩa là: xong, hết, nghỉ xả hơi, không còn căng thẳng... Theo nhạc sĩ: mỗi cặp lục bát nguyên sơ đã là một nhạc khúc. Và như vậy, để phổ nhạc lục bát, cách giản dị nhất là đọc thẳng ra như nguyên bản, không thêm bớt. Trong âm nhạc bình dân, đây là cách hát ru con của các bà mẹ... Tiến thêm một bước nữa là ngâm thơ. Tuy nhiên, những dẫn giải trên lại dẫn anh đến với quả quyết: Phần lớn dân ca Việt Nam là từ ca dao mà ra, mà ca dao thì hầu hết là lục bát. Trong chuyên luận Đường về dân ca Phạm Duy cũng có ý kiến tương tự(8). Đến chỗ này cả Phạm Quang Tuấn và Phạm Duy đều không đúng.
Các nhà nghiên cứu văn học dân gian đã có kết luận không cần bàn cãi thêm rằng: dân ca có trước, hầu hết ca dao (cổ) là ca từ của dân ca cổ. Nói cách khác ca dao Việt từ dân ca mà ra, suy ra lục bát hình thành từ dân ca. Thật ra, trong quá trình hát dân ca, tác giả dân gian đã lựa chọn vần bằng đóng vai trò của nốt chủ âm (tonic), bởi đó là âm thanh làm cho người nghe dễ chịu nhất. Cho nên cái kết luận mà Phạm Duy và Phạm Quang Tuấn nêu ra rằng mỗi cặp lục bát nguyên sơ đã là một nhạc khúc, cần phải được đặt ngược lại là nhiều nhạc khúc dân gian xưa đã chứa, đã hình thành một (hoặc hơn một) cặp lục bát và dân ca đã “chọn” vần bằng cho lục bát. Có những lời dân ca trong đó cặp lục bát được giữ nguyên, lại cũng có những lời dân ca trong đó cặp lục bát nằm lẫn giữa những từ luyến/láy. Đặc điểm này khiến một cặp lục bát có thể được ráp vào khuôn nhạc của dân ca ba miền. Bài Lý triền triện (chiền chiện) được Phạm Duy dẫn ra trong công trình Đường về dân ca là một ví dụ: Xem lên hòn núi (hòn núi ta lý nọ) Thiên Thai
Thấy (ư) đôi (á đôi con triền) triền triện [2 lần]
(ta lý nọ) ăn xoài (a ý a, ăn xoài) chín cây(9).
Như vậy, từ phát hiện của Phạm Quang Tuấn, nếu lập luận ngược lại theo các nhà folklore học rằng: ca dao Việt bắt nguồn từ dân ca Việt, thì thật đơn giản, chúng ta đã có thể nhận ra nguồn gốc của thể lục bát Việt. Tuy nhiên, về khoa học, việc nhận ra “bóng dáng” của nó chưa đủ.
Để thấy rõ sự hình thành và phát triển của lục bát Việt chúng ta còn cần phải chỉ ra quá trình hình thành của nó. Chắc chắn rằng trong quá trình hình thành và phát triển, mọi sự vật, hiện tượng đều để lại dấu vết/vết tích. Lục bát Việt không phải mặc nhiên có như bây giờ mà phải trải qua một quá trình hình thành, lựa chọn rất dài từ số chữ, cách hiệp vần đến phối âm, phối điệu... và những đặc điểm được bảo tồn cũng như những dấu tích bị thải loại của nó hẳn còn lưu giữ trong ca dao - xa hơn, trong tục ngữ, bởi tục ngữ là loại hình tiền nghệ thuật. Những dấu tích đó là đường dẫn đáng tin cậy nhất để tìm nguồn gốc lục bát Việt. Trong một bài viết dài 22 trang đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 6 năm 2004, nhan đề Đi tìm nguồn gốc thể lục bát Việt Nam, chúng tôi đã chỉ ra những dấu tích của quá trình hình thành thể lục bát Việt từ tục ngữ đến ca dao. Đó là quá trình nới rộng dần nội dung diễn đạt, tăng dần số chữ trong một dòng câu, từ 4, 5 chữ với một nội vần (vần giữa dòng câu) lên 6, 7, 8… chữ và chuyển thành 2, 3… dòng câu với một ngoại vần (vần nối các dòng câu). Quá trình đó cũng đi liền với quá trình nới rộng quãng vần từ vần liền (hai chữ vần liền nhau) sang vần cách (từ cách 1 đến cách 2, 3, 4, 5 chữ…). Trong bài trên chúng tôi cũng đã chỉ cụ thể tiến trình hoàn thiện từ chưa chỉnh thể đến chỉnh thể và sang biến thể của thể lục bát Việt. Trong một bài viết khác nhan đề Về thể lục bát trong ca dao đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 2 năm 2002, chúng tôi đã chỉ ra khả năng biến thể vô cùng rộng rãi của thể thơ lục bát Việt từ cấu trúc (cấu trúc dòng, cấu trúc bài, mở đầu và kết thúc không theo khuôn 6-8…) đến hiệp vần, phối thanh/ luật bằng trắc... Đặc biệt, tuy cấu trúc cơ bản của lục bát là một dòng 6 và một dòng 8, được nối nhau bằng một ngoại vần (vần lưng) là vần đủ (có thả vần và hiệp vần), thì mỗi cặp lục bát còn một bán vần cuối dòng bát (thả vần chân, chưa có hiệp vần) - chúng tôi gọi là vần chờ - nhờ đó lục bát Việt cho phép kéo dài trường độ (tác phẩm) từ hai dòng câu trong ca dao đến hàng ngàn dòng như Truyện Kiều…Những nội dung vừa nêu đã được diễn giải cặn kẽ trong các bài viết đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học (10) và được đăng lại trên nhiều trang mạng, nên chúng tôi không nhắc lại ở chuyên luận này.
Tóm lại, lục bát Việt là của người Việt (11), nó bắt nguồn từ tục ngữ, ca dao Việt và về sau có sự đóng góp, hoàn thiện, nâng cao của các nhà thơ chuyên nghiệp, tiêu biểu là đại thi hào Nguyễn Du và tiếp nối về sau là các nhà thơ Huy Cận, Nguyễn Bính, Đồng Đức Bốn, Nguyễn Duy… và cũng không thể không nhắc đến đóng góp của các nhà thơ miền Nam như Bùi Giáng, Du Tử Lê...
(1) Theo thống kê của Nguyễn Xuân Kính từ cuốn Ca dao Việt Nam thì có tới 95% ca dao được sáng tác bằng thể lục bát. Xin xem Thi pháp ca dao của Nguyễn Xuân Kính, NXB Khoa Học Xã Hội 1992, tr.118. (2) http://inrasara.com/
- http://tienve.org/
(3) Võ Phiến, Thơ lục bát Chàm. Tạp chí Bách Khoa, tháng 9-1971, Sài Gòn – Tùy bút I, Văn Nghệ California, 1986 (dẫn theo Trần Ngọc Ninh). Năm 2012, bài viết này được nhà sách Nhã Nam in lại trong Quê hương tôi, tên tác giả là Tràng Thiên - một bút danh của Võ Phiến.
(4) Theo Trần Ngọc Ninh đây là một bài hát trữ tình của người Chăm do Phạm Duy ghi lại trong những tháng năm ông đi khảo cứu điền dã về Dân nhạc ở Việt Nam (khoảng 1956-1966).
(5) Trần Ngọc Ninh, Nguyễn Du và quan họ, Hồn Việt số 87, tháng 11-2014.
(6) Xin xem: Nguyễn Xuân Đức - Đi tìm nguồn gốc thể lục bát Việt Nam, tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 6 năm 2004, hoặc vannghequandoi.com.vn › Bình luận văn nghệ › Phê bình văn nghệ, trong đó chúng tôi gọi số chữ trong khoảng cách giữa 2 chữ thả vần và hiệp vần là quãng vần (quãng 3 - hiệp vần ở chữ thứ tư và quãng 5 - hiệp vần ở chữ thứ 6 dòng bát. Đó là quãng vần của hai dạng lục bát Việt truyền thống).
(7) Xin xem thêm bài viết của chúng tôi về thể lục bát Việt Nam: Về hiện tượng thể thơ lục bát chiếm ưu thế trong ca dao, đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Văn Học số 9 năm 2008; Bích Khê đăng lại trong www. bichkhe.org/.
(8) www.phamduy2010.com/
(9) Bản pdf Đường về dân ca (tlđd), tr.39.
(10) Một số bài về thể lục bát đã đăng trong: Nguyễn Xuân Đức - Những vấn đề thi pháp văn học dân gian, NXB Khoa Học Xã Hội, 2004.
(11) Những bài viết của chúng tôi chỉ nhằm chứng minh thể lục bát Việt là do người Việt sáng tạo, không vay mượn của ai, dù rằng có thể một số dân tộc nào đó cũng có thể thơ này.
Nguyễn Xuân Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét