Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Nhạc tính - Xưa và nay

Nhạc tính - Xưa và nay
Nhạc tính là sự cấu tạo ngữ âm của ngôn từ biểu hiện ở các thủ pháp tu từ như điệp âm, điệp vận, đối âm, vần bằng trắc… Nhưng cái hồn của nhạc tính lại là sự liên tưởng của tổ chức âm thanh mà không có cảm giác âm nhạc thì không thể tạo ra. Cho nên hiểu bản chất của nhạc tính phải nắm được mối liên hệ giữa âm hưởng, nhịp điệu của câu văn với điệu hồn của người nghệ sĩ. Tố Hữu là nhà thơ lớn, lớn ở tư tưởng, lớn ở thủ pháp và lớn ở cả lý luận về thủ pháp, mà biểu hiện cụ thể ở trường hợp sau: Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa/ Một buổi trưa nắng dài bãi cát/ Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa/ Mát rượi lòng ta, ngân nga tiếng hát. Các từ song thanh điệp vận: Về, quê, xưa, trưa, dài, bãi, xôn, xao, đưa, ta, nga, mát, cát, hát, cộng hưởng những âm điệu xoắn xuýt, quấn quýt trong một đoạn thơ ngắn tạo ra cảm giác các sự vật cứ như xôn xao hiển hiện ra trước mắt. Hai câu tám chữ được ngắt nhịp đều kết hợp với từ láy tạo hình đu đưa, láy tượng thanh ngân nga làm người đọc như được nghe một khúc ru êm ái. Cũng chính Tố Hữu “lý luận” rất hay, rất đúng về nhạc tính trong đoạn: “Hai câu sau có âm vang của gió và sóng, có cả âm vang của một tấm lòng”. Chính vì thế mà nhà thơ không dùng hai chữ “rì rào” (sóng biển rì rào) quen thuộc mà là “đu đưa”, sóng biển đu đưa, âm thanh của sóng biển cũng là âm vang của lòng người vậy. Thế mới thấy làm thơ là sự kỳ khu, đã đành, còn là tâm huyết của một tấm lòng.
Thơ cổ điển Việt Nam rất coi trọng nhạc tính, thậm chí ngay trong quan niệm thể loại, hai chữ “thơ ca” đi liền với nhau. Nhạc tính được nâng lên thành một nét thi pháp, nói như cụ Lê Đình Diên: “Thơ là sự biểu hiện của nhạc, thanh là sự hỗ trợ của thơ. Tính rung động phát ra thành thanh, người ta có thanh mà sau có thơ” (Từ trong di sản… NXB Tác phẩm mới, 1981, tr.158). Thơ cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ tràn đầy nhạc tính có một phần từ lý do: Nguyễn Du rất say mê đi hát phường vải, Nguyễn Công Trứ từng là kép đàn của một gánh hát cô đầu.
Nhạc tính trong thơ truyền thống mang giá trị gợi cảm cao. Đây là cách phối âm hài thanh mang tính mẫu mực của tiếng Việt, bài Ru con, dân ca Nam bộ: Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ/ Năm canh chày, thức đủ vừa năm/ Hỡi người, người ơi, hỡi chàng, chàng ơi/ Em nhớ tới chàng, em nhớ tới người/ Hãy nín, nín đi con/ Hãy ngủ, ngủ đi con. Con hời mà con hỡi... Chỉ ngay một câu đầu ta thấy sự phối thanh rất cân đối: Thanh trắc nằm ở vị trí đầu (gió), giữa (mẹ), cuối (ngủ), nếu thanh trắc âm vực cao thì thanh bằng âm vực thấp, sự cân đối đều đặn cao thấp này giúp cho lời ru ngân vang. Câu hai có hai thanh trắc nổi lên ở giữa câu (thức đủ), câu ba có hai thanh trắc ở đầu (hỡi) và giữa câu (hỡi)... Nhìn vào hệ thống thanh điệu toàn bài sẽ thấy sự sắp xếp bằng trắc nhằm mục đích tạo âm hưởng bổng trầm để đưa đứa trẻ vào giấc ngủ. Nhưng xét kỹ ta thấy vấn vương một cái gì đó như day dứt từ những thanh trắc mang tính trọng âm. Sự day dứt ấy là hướng tới “chàng”. Thì ra một đêm có năm canh người phụ nữ dành cả năm canh cho con, cho chồng. Ru con mà để nhớ đến chồng. Lời ru có vỏ hình thức hướng đến cái ngủ của con nhưng cái lõi là nói với chồng về tâm trạng nhớ nhung, day dứt về sự chia xa trong đêm mùa thu đầy nôn nao thao thức…
Những câu thơ trong Chinh phụ ngâm cứ vấn vương không dứt nhờ sự trùng âm, đảo ngữ, điệp từ và sự phối thanh bằng trắc: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy/ Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu/ Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai. Đặc biệt là câu cuối có hai thanh trắc (ý thiếp) nổi lên ở giữa câu như chia đôi nỗi sầu chàng thiếp xem “ai sầu hơn ai”. Nhất là trong Truyện Kiều thì cái tài tình của việc tạo nhạc tính hỗ trợ một cách tuyệt vời hiệu quả biểu hiện nội dung. Trước nay người ta vẫn ca ngợi câu thơ Bánh xe khấp khểnh vó câu gập ghềnh hay Đùng đùng gió giục mây vần/ Một xe trong cõi hồng trần như bay… Cái “khấp khểnh, gập ghềnh” của đường đi, cái “đùng đùng” của gió cũng là cái bão giông của tâm trạng…
Nhạc trong thơ là nhạc của cảm xúc và tâm hồn. Thơ mới Việt Nam 1932-1945 là một phong trào có công đưa thơ Việt Nam đạt đến đỉnh cao, có nhiều nguyên nhân nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản là nó thường cấu trúc bài thơ đi theo âm hưởng của nhạc tính. Hình như Thơ mới nhất quán với quan niệm thuyết tương giao của người Tây: Âm thanh, màu sắc, hình ảnh tương giao nhau … Thậm chí nhóm Xuân thu nhã tập đưa ra tuyên ngôn: “Rung động có lan trên cánh Nhạc mới thực hiện được thơ. Và hồn Thơ có lưu thông trên khí Nhạc mới bắt kịp đạo, cái đệ nhất nguyên lý, cái lẽ phải cuối cùng”. Các nhà thơ như muốn minh họa quan niệm này bằng cách sáng tác cả bài thơ đi theo thanh bằng, như bài Tỳ bà của Mộng Thu: “Trăng này không nàng như trăng thiu/ Đêm này không nàng như đêm hiu”.
Việc sử dụng toàn thanh bằng trong một bài thơ là rất khó bởi nó phải tránh sự đơn điệu và phải diễn tả được tứ thơ. Bài Hoàng Hoa của Bích Khê đã vượt qua được trở ngại ấy để vươn tới tầm của bài thơ hay, buồn cổ điển và giàu chất tạo hình: “Lam nhung ô! Màu lưng chừng trời/ Xanh nhung ô! Màu phơi nơi nơi/ Vàng phai nằm im ôm non gầy…”. Nhưng phải đến Xuân Diệu mới đích thị là “ông vua” trong việc tạo nhạc tính có hiệu ứng nghệ thuật cao. Không chỉ có hai câu bất hủ: Sương nương theo trăng ngưng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi tả tiếng đàn bằng cách họa lại trong hai câu thơ đi thanh bằng trong trẻo cao vút lên không gian hòa với sương và trăng, lòng người cũng như bay theo tiếng đàn mà chơi vơi…; mà hầu như ở thi phẩm nào nhạc tính cũng đóng vai trò làm nền để tứ thơ bay lên. Ngay ở một Vội vàng, đúng với tính chất của sự “vội vàng” cuống quýt để tận hưởng mật ngọt tình yêu của cuộc đời mà toàn bài mang âm hưởng vội vã, nhất là đoạn cuối vang lên như một hành khúc giục giã: Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm/ Ta muốn ôm/ Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn/ Ta muốn riết mây đưa và gió lượn/ Ta muốn say cánh bướm với tình yêu/ Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều…
Nghĩ xưa để nói nay, nhìn về thơ hôm qua dễ thấy thơ hôm nay yếu một cách rất căn bản là thiếu nhạc tính. Có thể là giàu hình ảnh, chất chứa triết lý, sâu sắc về ý tưởng nhưng khô khan vì thiếu sự nâng đỡ bay bổng của tính nhạc. Xin minh họa bằng một đoạn thơ trong bài được dư luận đánh giá là hay, bài Những người đàn bà gánh nước sông của Nguyễn Quang Thiều:
Những ngón chân xương xẩu, móng dài và đen tõe ra như móng chân gà mái
Đã năm năm, mười lăm năm, ba mươi năm và nửa đời tôi thấy
Những người đàn bà xuống gánh nước sông
Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt…
Đúng là thơ của kiểu trữ tình điệu nói (chứ không phải trữ tình điệu ngâm giàu tính nhạc). Đoạn thơ có thể chinh phục người đọc về những cái gì đó chứ không đi vào lòng người về sự ngân nga ngọt ngào, sự da diết lắng sâu của âm hưởng.
Bài viết này là sự kêu gọi hãy trả về cho thơ nhạc tính của thơ!.
Thanh Nguyên
Theo http://www.baomoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...