Trang văn thơ nhạc
GÃY HAI NHỊP CẦU
Truyện ngắn Thủy Lâm Synh
Thìn
đặt hai thúng lúa xuống trước sân nhà máy xay, giở nón phe phẩy cho đỡ nóng.
Trời đã trưa, những tàu lá chuối trong vườn đứng thiêm thiếp không một chút lay
động. Mấy ngày liền, trời cứ hâm hấp thế nầy rồi xòa xuống một cơn mưa thật
nặng, khiến lúa bắp phơi ngoài sân cứ nơm nớp sợ ướt bất tử. Một đứa bé gái
trạc 12-13 tuổi hớt hải chạy lao vào sân nhà máy xay cố gắng gọi lớn:
“Mẹ ơi... mẹ ơi... cầu sập”
Thìn liệng nón xuống đất, rượt theo
chụp lấy vai con bé lôi ngược:
“Cầu nào sập, mầy nghe ai nói cầu sập?”
Con bé giật thót người ấp úng:
“T..tu...tui chơi ở xóm trên, nghe
người ta khóc quá trời, nói cầu Cần Thơ đang xây bị gãy hai nhịp.”
Tim Thìn đập thình thịch, nàng nghĩ tới
Luân, người chồng mới cưới chưa đầy một tuần. Luân được người bạn cùng chạy xe
ôm bên Đồng Thạnh dắt đi làm cho một hãng thầu con hơn tháng nay. Thìn vội vã
quay ra sân, móc chiếc đòn gánh vào hai thúng lúa, gánh vào gởi trong nhà máy,
ba chân bốn cẳng chạy về nhà. Vừa tới ngõ, mấy người lối xóm đang lẩn quẩn
trước sân, Thìn có linh cảm một việc chẳng lành vừa xảy đến. Quả đúng như thế,
họ đến để hỏi thăm Thìn vì có người trên xã báo tin về là Luân bị thương nặng,
hiện đang chở đi bệnh viện Cần Thơ.
Tay chân bủn rủn, mặt Thìn tái mét như
người mắc bệnh hậu sản, nước mắt bắt đầu chảy xuống má. Dưới bóng mát cây xoài,
một người đàn bà còn trẻ, nãy giờ ngồi trên yên xe gắn máy rộng lượng buột
miệng:
“Chị vào trong lấy cho anh ấy bộ đồ,
chị cũng đem theo một vài bộ, tôi chở chị đi bệnh viện thăm anh ấy, nhanh lên!”
Thìn chưa kịp cám ơn lòng tốt của bà
con lối xóm đến hỏi thăm, nàng lao vào buồng ngủ, quơ đại vài bộ đồ, vo tròn
nhét vào cái túi lác bước ra sân, phóng lên xe. Chiếc Honda cũ rích, lỏng bạc
xịt khói như phản lực chạy vụt ra khỏi sân.
Chiếc gắn máy gắng hết lực nổ giòn tiến
về hướng Bắc Cần Thơ, bỏ lại sau lưng hai bên làng mạc, ruộng vườn. Hai người vừa đến bến thì bắc cũng vừa mở
cổng, phải mất hơn tiếng, kể cả thời gian hỏi thăm đường, hai người mới đến
nơi. Sân bệnh viện Cần Thơ lúc bấy giờ người ta lao xao như cái chợ. Ngoài xe
cứu thương còn có xe nhà binh, xe vận tải, và cả xe gắn máy; người ta chở
thương về bằng đủ thứ phương tiện – tùy trường hợp nặng nhẹ –. Ánh đèn xe cứu
thương nhấp nháy một góc ngay trước cửa phòng cấp cứu. Tiếng gọi, giục, chỉ
thị, than thở, loại nào cũng vội vã, hấp tấp... Nhiều nhóm tụ năm, tụ ba, bàn
tán, pha lẫn tiếng khóc đây đó.
Xuống xe lao thẳng vào phòng cấp cứu,
Thìn chạy theo một cô gái mặc áo trắng ngắn tay:
“Cô ơi nạn nhân tên Trương Văn Luân ở
đâu hở cô?
Cô gái lúng túng một giây:
“Em là sinh viên vào đây hiến máu, để
em dẫn chị đi tới chỗ nầy”
Đoạn cô gái lôi tay Thìn tới phòng y
tá, nàng hỏi thay Thìn:
“Chị ơi, chị xem hộ cho người... nhà chị
nầy đang ở phòng nào?”
Vừa nói, cô sinh viên quay qua Thìn:
“Anh ấy tên gì?
“Dạ, tên Luân họ Trương ạ,”
Cô ya tá từ tốn lật quyển sổ, lấy ngón
tay trỏ kéo từ trên xuống rồi ngừng một thoáng đưa mắt nhìn Thìn:
“Có phải anh Luân sinh năm 1979 Qui
Nhơn, hiện ở Mỹ Hòa, Bình Minh không chị?”
“Dạ đúng rồi”
Mặt tiu nghỉu, cô y tá rời ghế đến ôm
vai Thìn:
“Chị ơi, anh bị thương nặng quá, chúng
tôi bất tài đã không cứu nổi anh.”
Nghe chưa hết câu, toàn thân Thìn ngã
như cây chuối. May mà cô y tá và cô gái kia còn đứng đó chụp lấy Thìn, nếu
không đầu cô sẽ va vào cánh cửa. Mấy người gần ấy xúm lại khiêng Thìn ra ngoài
đánh gió, một lát sau Thìn mới tỉnh lại.
Đầu óc Thìn rối bời, nàng ôm mặt khóc.
Nàng chưa tin là Luân có thể chết, nàng hi vọng những tin tức vừa rồi sai sự
thật. Sáng nay, khi vội vã đẩy xe ra khỏi nhà để đi làm, Luân còn hứa chiều về
sẽ mua cho Thìn chục mận. Anh giã vờ gọi Thìn đến dặn nhỏ, nhưng là để gởi lại
nàng chiếc hôn trên má, lẽ nào Luân lại bỏ ra đi...
Tha hương ngộ cố tri, Gặp người cùng xứ
sở, cảm mến nhau qua giọng nói, Thìn và Luân thân quen nhau, yêu nhau và lấy
nhau. Ái ân chưa trọn Luân lại bỏ ra. Nhưng tiếng khóc ai oán, nức nở của Thìn
lúc nầy không làm ai xúc động. Mỗi người có một hoàn cảnh đáng thương. Ngồi ở
đây, những tiếng khóc ấy cứ dội vào tai Thìn mỗi lúc một nhiều hơn, khiến đầu
óc Thìn thêm rối. Thìn không biết là có
nên đưa xác chồng về lại Qui Nhơn để cùng gia đình anh ấy lo việc mai táng hay
không! Có lẽ không. Thìn không thể đưa Luân về Qui nhơn vì quê hương đó đã hơn
một lần ghi dấu gãy đổ. Dĩ vãng như một vết thương còn mưng mủ, trong tình
huống buồn, vui lẫn lộn lúc nào có dịp là nó cứ tuôn về. Bốn năm trước, một
biến cố xảy đến đã tạo cho đời Thìn một khúc quanh quan trọng. Dòng họ nhà Thìn
cũng rơi vào tình trạng dở khóc dở cười.
Chồng
trước của Thìn là Hổ, cái tên nghe như một lãnh chúa sơn lâm, thật ra anh ta ốm
yếu như một con mèo. Đám cưới vừa đúng một tuần, Hổ lăn đùng ra chết, cái chết
của Hổ đã làm cho dư luận khu Gềnh Ráng ai cũng biết. Một đồn mười, mười đồn
trăm. Bao nhiêu tiếng xấu miễn phí được phía nhà Hổ trút lên đầu Thìn. Đặc biệt
là đứa em gái tên Hà và bà cô chồng đã bịa thêm chuyện để bêu riếu một cách
không tiếc lời.
Chao ơi! Chính bà cô chồng đồng bóng
nầy là người coi tuổi cho Thìn và Hổ. Trong buổi tiệc cưới, bà hùng hổ phun ra
một câu nghe hết sức thần thánh: “Hai đứa nầy hạp tuổi lắm, chúng mà không giàu
có và sinh một đàn con thì đem đầu tôi ra chém”.
Thế mà bây giờ đây lại cũng chính bà
mạt sát Thìn thậm tệ. Thìn mang tiếng giết chồng đã đành, phía cha mẹ Thìn có
liên hệ gì đâu, cũng bị chửi rủa là đã sinh ra đứa con có tướng sát phu, nào là
sinh ra một con quỷ cái để hại cho dòng họ nhà Phạm tuyệt tự.
Hai mươi bốn tháng nặng nề như cổ xe
tang vừa qua. Nghĩa là theo tục lệ ông bà để lại, mãn tang chồng, Thìn can đảm
đứng trên đôi chân của mình xin phép từ giả cảnh cay đắng làm dâu nhà Hổ. Lẽ dĩ
nhiên, chuyện qua đời của Hổ cũng dần dà nguôi ngoai nên ba má Hổ đã giảm thiểu
rất nhiều cảnh giằng mâm xán bát. Cha mẹ nào không thương con. Ba Hổ thì quan
niệm tử sinh đều có số, Hổ chết yểu thì âu đó cũng là số mệnh của anh ta. Duy
có bà cô và cô em chồng tên Hà thì gặp Thìn ở đâu, bất cứ lúc nào cũng nguýt
háy và có đề tài nói cạnh nói khóe...nói những câu tục tằng là khác.
Cha Hổ đằng hắng nói:
“Chuyện đã qua, cha mẹ không còn trách
hờn gì con nữa, ở lại hay ra đi bây giờ là quyền ở con”.
Mẹ Hổ xen vào:
“Ảnh chỉ bên đó có phúc nên có nhiều
con cái, hay là con cứ việc ở đây với cha mẹ, nếu con không định bước thêm bước
nữa”.
Ba Hổ nhíu mày:
“Bà nói vậy mà nghe được, con nó còn
trẻ, tại sao nó lại phải ở nhà nầy. Ở làm đầy tớ cho bà à?”
Hà từ phía nhà chồng cô ấy về lúc nào
không rõ, vén màn cửa nhà bếp bước lên vọt miệng:
“Đi chớ ở đây động cỡn ai chịu cho nổi”
Thìn vẫn đứng yên cúi mặt, lâu nay cô
bé nầy quá quắt, Thìn đã nhịn nhiều rồi, nàng muốn nhào tới vả vào cái miệng
nhọn, mỏng môi, hỗn hào kia một cái cho rụng răng rồi việc gì thì việc. Nhưng Thìn đã dằn lại được; ‘chín bỏ làm mười’
trước lúc chia tay cũng có thể lưu lại chút cảm tình hơn là ẩu đả như ngoài
chợ.
Thìn lên tiếng:
“Thưa cha mẹ. Con không muốn khơi lại
chuyện xưa, nhưng anh Hổ qua đời là do số mạng anh ấy vắn chớ con không có lỗi
gì cả. Ai lại muốn chồng mình chết, ai lại không muốn tròn đầy hạnh phúc, nối
tóc tới già. Anh Hổ chết, con cũng đau khổ chớ có riêng gì cha mẹ đâu!”
Lại cô em chồng đanh đá:
“Tui biết quá mà, sau khi anh tôi chết
mồ chưa xanh cỏ là chị đã có ý đú đởn với người ta rồi, chị ngứa quá, có chịu
để cho cái ...yên đâu”
“Bộp”
Chưa hết câu, cha Hổ chờm tới tát cho
Hà một cái nên thân. Hà ù té chạy ra ngõ. Như trả được mối thù, Thìn trong lòng
phấn khởi, nhưng ngoài mặt vẫn giữ nét buồn kinh niên cho đúng thủ tục.
Thế là từ đó, Thìn rời xa thành phố Qui
Nhơn thân yêu. Cuộc sống tha phương cầu thực đã không làm cho Thìn bỏ qua việc
tìm hiểu thêm về hội chứng “thượng mã phong” mà nàng hiểu là Hổ qua đời vì nó.
Cái chết của chồng cũ đã làm cho Thìn có chút buồn pha chút lãng mạn. Thìn tìm
đọc nhiều sách báo, đến những quán internet để may ra có rút tỉa những kinh
nghiệm nào đó. Nơi đây, Thìn được biết những cuộc nghiên cứu của nhiều bác sĩ
thì hầu như những người chết vì thượng mã phong đều thuộc vào hàng có tên tuổi,
vì báo chí có khuynh hướng thổi phồng những tin giựt gân. Nguyên nhân chết
không do giao hợp mà do người ấy đã bị bệnh trước rồi. Dĩ nhiên cái gì quá độ
cũng đều dẫn đến những hệ lụy như trường hợp Hổ, dù không đêm bảy, ngày ba
nhưng anh ấy rất ham... nên kiệt sức. Và một điều lạ là báo chí không thấy đề
cập đến phụ nữ, làm như các bà không hề chết vào lúc đó, cũng có thể về mặt
ngôn ngữ, không lẽ người ta dùng chữ ‘hạ mã phong?; mặc dù việc gối chăn từ cổ
chí kim các bà thỉnh thoảng cũng ở vị thế thượng chớ đâu phải lúc nào cũng hạ.
Điều đáng nói hơn nữa là xưa nay con
người có quá nhiều chuyện đột tử: chết vì cười ngất, chết vì khóc ngất, vì đi
xe đạp, xe hơi, máy bay, khi ăn uống, ngủ nghỉ, thì lẽ đương nhiên khi sướng
cũng có thể chết được đó là chuyện ngẫu nhiên. Người bị đột tử có thể đã mắc
bệnh từ trước. Theo tổ chức Y Tế Thế Giới thì bệnh cao áp huyết có thể giết
chết con người bất cứ lúc nào, vì chúng ít có triệu chứng để phòng ngừa. Một
nghiên cứu mới nhất của giáo sư Gordon Smith của trường đại học Madison, bang
Wisconsin Hoa kỳ thì trên 4.320 trường hợp đột tử cho thấy có 29 trường hợp xảy
ra ngay lúc đang sinh hoạt tình dục, trong đó phần lớn là những người đã mắc
bệnh tim mạch từ trước. 18 tình huống xảy ra trong khách sạn, 80% là ngoại hôn,
có 2 phụ nữ). Đó là phần khoa học, còn ‘truyền khẩu dân gian” thì không thể nào
kể hết, vì tình dục vẫn là lãnh vực nhiều chuyện nhất trong các loại sinh hoạt
của con người.
Nhưng theo sách vở thì đa số các trường
hợp thượng mã phong được rỉ tai nhau đều là nói dóc hoặc tưởng tượng, với các
chi tiết ly kỳ như dương vật không bao giờ ‘xìu’, muốn chữa trị người vợ phải
dùng vật nhọn đâm vào cuối xương cụt của chồng để kích thích thần kinh. Nghe
truyền miệng rằng phụ nữ ngày xưa có tục mang trâm để đề phòng chuyện ấy. Thú
thật khi ông xã đang lâm trận, anh ta như con hổ vồ mồi, đùng một cái nằm bất
động, gọi anh ơi, anh hỡi mãi không thấy trả lời là người vợ cũng hồn bất phụ
thể chứ ở đó mà đi tìm ‘chiếc trâm em cài’ hoặc ai còn tỉnh táo mà nhổ nắm lông
quanh hậu môn, hoặc chỗ nào nhạy cảm nhất của ông xã để giành lại sự sống với
tử thần. Chính Thìn đã nghiêng mình cho Hổ lăn ra giường, quờ quạng trong bóng
đêm mặc quần áo, rồi tìm cái quần đùi mặc vào cho Hổ trước khi chạy ra ngoài
kêu cha mẹ Hổ vào. Khi đó ai cũng trách Thìn là tại sao không để nguyên lúc ‘ta
đưa nhau về nguyên thủy loài người’ mà lại đợi cho xong các thủ tục y phục mới
gọi. Thú thật, không ai chịu nổi cảnh để thân thể lõa lồ như thế cho người khác
vào làm cái công việc cứu cấp.
Hai nhịp cầu gãy đổ. Thìn biết được lý
do chính đáng cho cuộc hôn nhân đầu đời. Nhưng cuộc hôn nhân hiện tại thì sao?
Lẽ nào đôi gò má cao là tướng sát phu của Thìn lại có mảnh lực làm gãy hai nhịp
cầu Cần Thơ để khiến cho người chồng mới cưới ra người thiên cổ, chắc trong số
gần 70 người chết ấy thế nào cũng có những bà vợ có tướng sát phu chứ đâu thể
nào có mỗi mình Thìn. Thìn chạy vào phòng vệ sinh, đứng soi mặt mình trong
gương thật lâu, nàng đưa hai bàn tay lên gò má ấn mạnh. Thìn tự nhủ: ‘Phải chi
thấp xuống một tí thì hay biết mấy’.
Thủy Lâm Synh
Feb. 27, 2008
Cỏ non
Gặp ông Thịnh ở phi trường O’hare hôm chủ nhật tuần trước. Ông mặc chiếc áo sơ mi trắng và thắt cà vạt màu rượu chát. Mái tóc ông Thịnh nâu đen, chải ngôi giữa và xịt dày keo, không chừng mới hớt, nhuộm sáng nay nên trông ông trẻ ra - ít nhất cũng hai tuần -.
Dù không thân cho lắm, nhưng ông Thịnh làm nghề địa ốc, báo nào cũng thấy đăng quảng cáo hình của ông nên hầu như ông Thịnh được nhiều người biết đến. Có người gọi một cách giản dị là: “Thịnh Địa Ốc” cho dễ phân biệt với một ông Thịnh khác đang làm ngành bán bảo hiểm ở đây.
Tôi tiến lại chào:
- Chà anh Thịnh đi đón ai mà chưng diện bảnh thế?
Ông Thịnh chúm chím cười, đưa tay che một bên miệng nói nhỏ, dù chung quanh chẳng có ai.
- Đón bà xã từ Việt Nam qua.
Cử chỉ vui mừng pha chút hãnh diện ấy khiến tôi nghĩ lòng ông Thịnh đang tràn ngập hạnh phúc. Tôi nói:
- Chúc mừng anh, nhưng sao mấy mươi năm, bây giờ chị mới chịu qua?
Ông Thịnh vẫn cài nụ cười mỉm trên môi, đưa hai ngón tay phải lên cổ sửa sửa chỗ gút thắt chiếc cà vạt, ông tiếp lời:
- Bà xã mới, bảo lãnh đã vài năm, bây giờ mới qua. Cô ấy còn trẻ lắm.
Tôi cười đưa đẩy:
- Ngon lành quá ta. Ừ! nhà sau thường là nhà lớn, vợ sau phải là vợ trẻ chứ.
Sau vài câu xã giao thời sự với ông Thịnh. Thảo, em gái tôi và chồng nó đẩy chiếc xe có chất vài va-li ngó dáo dác đi ra cổng. Trông thấy tôi, chúng nó vẫy tay. Thế là tôi bắt tay từ giã ông Thịnh đưa tụi nó về nhà.
Trên đường về, tôi vui miệng nói với vợ chồng Thảo:
- Tao vừa gặp ông Thịnh địa ốc, đi đón vợ mới nên quần áo tươm tấc ra phết.
Thảo buột miệng hỏi chồng:
- Chắc con nhỏ Việt Nam còn trẻ măng trang điểm như đào hát trên cùng chuyến bay, ngồi gần hàng ghế mình phải không anh?
- Anh đâu có biết, nhưng tối hôm qua khi ở phi trường Tân Sơn Nhất, lúc sắp vào cổng, anh thấy phía sau xa xa, con bé đó ôm chặt thằng kép trông có vẻ bịn rịn lắm.
- Phải nó không? – Thảo hỏi.
- Không để ý gương mặt, nhưng chắc là nó, cái áo thun hồng bó sát lúc ngồi trên máy bay anh đoán là nó.
- Thảo chép miệng:
- Lại một con “trâu già ham gặm cỏ non.”
Câu chuyện ông Thịnh đón vợ mới, cô gái trang điểm kỹ mặc áo thun hồng, có thể đã có chồng, hoặc người yêu tiễn chân lúc chia tay ở phi cảng tới đó chấm dứt. Chúng tôi nói lan man qua chuyện gia đình.
Tôi hỏi Thảo:
- Kỳ nầy về mầy có gặp bác Nguyện không, chắc bác già lắm chứ gì?
- Đâu có già lắm, hai bác dạo nầy thấy khỏe mạnh ra. Sáng sáng ông bà ra công viên tập Tài Chi, tối về chùa ngồi thiền, khóa tu Phật Thất nào mà ông bà không tham dự. Hai bác mới xây được căn nhà gạch gần chùa Hoằng Pháp, bác gái nói cũng năm sáu chục ngàn đô lận.
Nghe nói đến số tiền lớn, tôi há hốc hỏi Thảo:
- Ổng bả làm gì có nhiều tiền thế?
Chồng Thảo xía vô:
- Chắc bác làm cán bộ nhà nước chứ gì?
Thảo xì nặc chồng:
- Anh nầy, cái tật đoán mò không chừa. Cán bộ gì? Bác Nguyện là giáo chức đã nghỉ hưu. Lương hưu không đủ nuôi bản thân của ông ấy. Nghe bác gái khoe chị Út Tâm có chồng nước ngoài, anh ấy giàu lắm. Chị Út Tâm cần bao nhiêu anh cũng gởi về, ngoài vấn đề gởi tiền về xây nhà cho hai bác, còn mua xe gắn máy để chỉ đi học Anh văn, mua computer để nối mạng liên lạc cho dễ... Bác gái nói bác có dành dụm chút đỉnh từ bao lâu nay, cộng với tiền chị Út Tâm mới xây được nhà.
Nghe có vẻ thân thiện, chồng Thảo hỏi tôi:
- Về làm rể dễ chừng mười bảy năm, thỉnh thoảng em nghe Thảo nhắc đến bác Nguyện, nhưng em chưa biết bác ấy bà con thế nào với nhà mình, anh hai?
Tôi giải thích:
- Ông nội của bác Nguyện với ông nội cha mình là anh em. Đến thế hệ mình cũng ba đời rồi. Dượng mầy mới lấy Thảo, lại ở xa, ít gặp nhau và chưa có dịp về nhà từ đường ăn giỗ nên làm sao biết. Bác trai được lắm, con người sống có tình, có nghĩa. Chỉ có bác gái, bà đó có tiền là dễ thay đổi. Lúc xưa bà già lo cho tao và con Thảo vượt biên, thiếu bác gái một lạng vàng mà bả cứ sợ mất nên đòi ngày một, ngày hai. Bác trai nói: “thủng thẳng thím nó trả, thím lo cho cháu mình chớ lo cho ai. Cái miệng bà lép xép, làm cho gia tộc xào xáo. Thím không trả được, tui chịu cho bà, nhưng bà phải im cái mồm lại, nghe chưa?” Chừng đó bác gái mới chịu tạm ngưng đòi.
- Chắc lúc đó bác cũng túng, bây giờ khá rồi, “phú quí sinh lễ nghĩa”. Hôm em ghé thăm nhà bác, chị Út Tâm đi vắng, bác gái vồn vã lắm. Bác kể là chị Út Tâm sắp xuất ngoại, nhưng chị ấy căn dặn là tuyệt đối kín miệng, không được nói với bất cứ ai.
Tôi xuề xòa:
- Chắc lại Đài Loan, Hàn Quốc gì đây. Hình thức đi lao động chứ gì.
Chuyện bác Nguyện trai tình nghĩa, bác gái khó chịu, chị Út Tâm sắp xuất ngoại, tới đây chấm dứt. Tôi phụ thằng em rể xách cái vali nặng trĩu vào nhà:
- Bay mua gì mà va-li cái nào cũng nặng như đá thế nầy?
Thảo chép miệng:
- Cái nào cũng mắm tôm, mắm ruốc, mắm sặt...bà già mua cả mớ, may mà nó không vỡ, nếu không thúi cả quần áo cho mà coi.
Bẵng đi cả nửa năm. Một sáng chủ nhật trời lạnh như cắt. Tuyết đã ngừng rơi. Vợ chồng Thảo chuẩn bị đi chùa có lễ Vía A Di Đà thì nhận được điện thoại. Đầu dây bên kia, chị Út Tâm sụt sùi:
- Thảo ơi, em đang ở tiểu bang nào vậy?
- Tụi em ở Illnois, mà chị đang ở Việt Nam hay ở đâu mà nghe rõ dữ?
Giọng chị Út Tâm reo lên:
- Chị cũng ở Illinois, nghe các em ở cùng chỗ chị mừng quá.
- Sao chị biết số phone tụi em?
- Tìm khắp nơi đó chớ.
- Chị qua Mỹ hồi nào?
- Sáu tháng nay rồi.
- Ủa! Sao lúc tụi em về, cũng khoảng sáu tháng rồi, có nghe nói gì đâu!
- Ừ lúc đó giấy tờ lo xong, nhưng phỏng vấn đến mấy lần bị bác, nên hết hứng thú.
- Chồng chị là ai, tụi em biết không?
- Có lẽ không cần biết.
- Tại sao vậy?
Giọng chị Út Tâm nhỏ lại như nói thầm:
- Đợi xong thẻ thường trú, chị dzọt.
- Tại sao chị có ý định đó?
- Chồng gì mà già hơn chị gần bốn chục tuổi.
- Bác gái nói ảnh tuổi Sửu 49, còn chị đã 25, hơn có hai giáp chứ mấy.
- Không dám đâu! Ông tuổi Kỷ Sửu 61 rồi đó em ơi. Nghe nói tuổi Sửu, bà già tưởng 49, ông già lại tưởng có 37 thôi.
Thảo vui miệng:
- Thì chỉ có 3 con giáp chớ mấy!
- Thôi mầy ơi, cũng vừa thôi, già quá như cha con, mắc cở chết.
Thảo níu kéo:
- Nhưng khi anh ấy qua đời, chị lại được hưởng một tài sản kết xù.
- Kết xù khỉ! Ổng làm ngành địa ốc, bây giờ thị trường tuột như xe không phanh. Bao nhiêu của cải đầu tư vào nhà cửa, nay nhà băng lấy sạch sành sanh. Vợ chồng đang ờ nhà thuê đây.
- Chồng chị không tìm việc làm khác à?
- Ảnh đi cắt cỏ, nhưng mùa đông thì cỏ đâu mà cắt.
Thảo buột miệng:
- Nghề nào cũng nghề, lương thiện là được rồi.
- Em nói vậy chớ bên nhà ai cũng đồn là chị lấy chồng giàu có, bây giờ qua đây mới vỡ lẽ.
- Thì gặp hồi kinh tế khủng hoảng chớ ai muốn thế. Bây giờ chị tính sao?
- Chị cũng chưa biết! Có lẽ đi học làm móng tay...
- Ừ vậy cũng được, phụ chồng một tay.
Thảo nói trong hối hả:
- Bây giờ tụi em đi chùa, chị cho biết số phone, xong lễ về em gọi chị. À mà chồng chị tên gì?
- Anh ấy tên Thịnh, ở đây người ta gọi anh ta là “Thịnh Địa Ốc”
Thủy Lâm Synh
Dec. 7, 2008
Hồi Xuân
Chiều xuống thật nhanh, nhanh như tuổi đời của chị Thục. Mới đây
thôi, chị còn là một giáo viên trường cấp một; thướt tha áo dài trắng, chạy xe
Dame; nhiều đồng nghiệp đã ghen với cái nét đài các và vóc dáng sang trọng của
chị. Mặt chị Thục hơi vuông tạo những nét cương quyết. Mà chị Thục cương quyết
thật đấy, chồng chết khi tuổi đời mới 30. Chị Thục cương quyết không dễ dãi cho
bản thân. Lẽ dĩ nhiên, hai đứa con trai rất kháu khỉnh đã là động cơ khiến chị
cương quyết treo cái tiết giá lên cao. Mau quá, vụt một thoáng, chị trở thành
bà lão hồi nào không hay! Có ngờ đâu cuộc đời đưa đẩy. Bước thêm bước nữa ai
cũng nghĩ là vì chị Thục đang “Hồi Xuân”.
Hồi xuân! Nghe cũng
lãng mạn quá chứ? Chị Thục nhìn gương mặt già chác của mình trong gương rồi mỉm
cười nhớ lại thời son trẻ. Chồng chị Thục là anh Tâm nghiện rượu nặng. Ngày nào
cũng say, chị Thục chịu đựng cả chục năm với người chồng vô tích sự ấy. Cái say
của anh Tâm bắt đầu từ một khủng hoảng việc làm. Ba anh Tâm là đảng viên nên
anh mới được cất nhắc làm chủ nhiệm khu chế biến thủy sản Trùng Dương. Mới làm
được một năm anh Tâm đi ngồi tù vì cái tội ham tiền ký giấy phép mua năm phuy
dầu cho một ghe vượt biên. Thật ra, lúc bấy giờ ít còn ai ham vượt biên nữa vì
các nước tây phương đã chán ngấy khối người khổng lồ đang ăn chực nằm chờ tại
các trại tỵ nạn chưa phương giải quyết. Mỹ khuyến khích người Việt tỵ nạn hồi
hương, bù lại được nhận khoản tiền ít nhiều gì đó. Anh Tâm chủ quan như thế nên
hạ bút ký tờ đơn mua dầu cặn, không ngờ cái chữ ký oan nghiệt ấy đưa anh vào
khám ngồi bóc gần hai quyển lịch.
Chị Thục lo cho chồng đến tán gia bại sản mới được mãn tù. Khi về,
anh Tâm tìm không ra việc làm vì có án, mà là án ăn hối lộ. Thất chí, anh Tâm nhậu li bì, sáng say chiều
xỉn, bao nhiêu năm liên tiếp. Chị Thục hết lời khuyên giải, nhưng càng khuyên
chén dĩa càng bay, đi thì thôi, về là chửi chó mắng mèo. Không biết anh Tâm bất
mãn xã hội không dung túng anh, hay bất mãn chính mình vì cái tội ham tiền mà
càng ngày ăn nói càng trở nên thiếu văn hóa. Cũng phải thôi, anh Tân có văn hóa
đâu mà thiếu. Lêu lổng từ trẻ, anh Tâm ỷ lại vào người cha “có công cách mạng”.
Con người như thế, chị Thục bỏ mặc anh Tâm không thèm đá động gì tới nữa. Cho
đến lúc nước da vàng như nghệ, bụng chương lên, đi khám, bác sĩ cho biết anh Tâm
bị chứng ung thư gan đến thời kỳ cuối. Chị Thục không chút ngạc nhiên, bởi một
con người thiếu trí tuệ đã tự hủy hoại thân thể của mình bằng độc tố. Cũng may,
Tâm qua đời sớm, ngoài thì buồn cho đúng thủ tục, bên trong chị Thục mừng vì
vừa trút được một gánh nặng.
Từ ngày chồng chị
Thục về bên kia thế giới để tiếp tục say, chị Thục chưa bao giờ nghĩ đến bóng
dáng một người đàn ông khác, ít nhất là bề ngoài. Cái nề nếp gia phong đã không
cho phép chị tự do chăng? Có người cho rằng dù sao thì cũng nhất sỹ nhì nông.
Nếu có bước thêm vài bước nữa thì chị Thục cũng phải chọn người có bằng cấp một
tí cho xứng đáng với cái “mark” giáo viên. Nghặt một nỗi, đốt đuốc đi tìm ở cái
thành phố nhỏ nầy cho được ông nào có kiến thức, tuổi cao, lại rảnh vợ để làm
bạn cũng khó chứ nói chi làm chồng. Anh hiệu trưởng của trường chị đang dạy thì
sao? Chết vợ, xứng đôi đấy! Nhưng về để mà nuôi nguyên đàn con sai nái của bà
vợ trước thì thà làm bà sơ bà vãi sướng hơn. Chị Thục nghĩ thế và cương quyết ở
vậy, cho đến một ngày định mệnh đưa đẩy chị lên xe hoa...kỳ.
Chuyện tái giá của chị Thục tuy đơn giản nhưng đã gây thắc mắc cho
nhiều người, nhất là bà con thân tộc bởi ai cũng biết sau vài thập niên nằm trơ
vơ, mùi đàn ông nó ra sao hầu như chị quên mất. Con cái đã trưởng thành và sắp
nên danh. Chị Thục đang sung sướng với
chức năng làm mẹ. Chị hãnh diện là phải; thằng Tình, đứa con đầu đang là bác
sĩ thực tập tại bệnh viện toàn khoa Nha
Trang. Thằng Thâm có lẽ cũng theo nghiệp anh nó nên đang mài đũng quần những
năm cuối trường thuốc. Cái bóng hạnh phúc vì sự nên hình, nên vóc, nên danh của
hai đứa con làm cho chị Thục cứ lân lân như người vừa hớp ngụm rượu. Thế nhưng
một khúc quanh lại đến trong cuộc đời vừa đúng 55 tuổi của chị. Đó là việc chị
Thục lấy một anh Việt kiều vài tuổi lớn hơn con đầu lòng của mình. Cũng may chị
đã nghỉ hưu, nếu không thể nào chị Thục cũng nghe những dị nghị của bạn đồng
liêu, và anh hiệu trưởng chết vợ cứ đeo như đĩa.
Nghe chị Thục tái giá nhiều người không tin, lúc trẻ còn không
muốn, huống chi đến giờ nầy “điện nước” hết rồi. Nhưng sự đời nó đưa đẩy nhiều
khi chỉ có người trong cuộc mới biết. Bàn tán xoay quanh cuộc hôn nhân phức tạp
của chị Thục có hai vấn đề người ta đặt ra: Thứ nhất, từ trước đến giờ thông
thường chỉ nghe đàn ông Việt kiều già về quê tìm bồ nhí, vợ trẻ để thăng hoa
cho cuộc sống vị kỷ. Thứ nhì, Việt kiều tìm người muốn xuất ngoại kết hôn kiếm
chút hoạnh tài... Nhưng lạ lắm, hai điều trên hoàn toàn không nằm trong khung
cuộc hôn nhân của chị Thục. Như vậy tại
sao chị Thục lấy chồng, lấy để làm gì? Mà lấy một đứa chỉ đáng tuổi con mình là
thế nào?
Giản dị lắm, năm năm trước, một buổi chiều hè, chị Thục đạp xe
hóng mát trên đường Trần Phú. Trước chị là một người đàn ông đang loay hoay đưa
mắt vào máy hình. Một cô gái phóng xe gắn máy từ sau tới, tròng tay phải vào
dây chiếc máy hình làm cho người đàn ông kia bị giật ngã bịch ra ngoài đường.
Một chiếc xe khác trờ tới tung vào người đàn ông, một tiếng la “ối” rồi lịm
mất. Chiếc xe vừa tung người lạng quạng vài giây rồi thăng bằng trở lại, cả hai
đều rú ga chạy mất hút lẫn trong đám xe cùng chiều. Mắt chị Thục vừa chứng kiến
một cảnh tượng hãi hùng như trong phim hành động. Phản xạ của từ tâm, chị Thục
liệng xe đạp vào lề, nhào tới xốc nạn nhân lên, máu me nạn nhân ướt cả áo lụa trắng
của chị. Người đàn ông bất tỉnh, gọi mãi không nghe trả lời. Chị Thục kêu taxi
đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Vì nạn nhân bất tỉnh, chị Thục đứng ra lo vài
thủ tục nhập viện, chạy chữa...
Dưới chân giường, người ta thấy tấm giấy ghi bệnh lý như sau:
“Nguyễn Tấn Tú, sinh năm:
1982, quốc tịch: Hoa Kỳ,
Bệnh trạng: bị xe gắn máy tung gãy hai xương sườn.
Được mẹ dặn cẩn thận, bác sĩ thực tập Tình hết lòng săn sóc cho
Việt kiều Tú. Trong thời gian dưỡng bệnh, chị Thục tới lui săn sóc Tú và xem
như con. Khi lành bệnh, Tú và Tình kết thân thành đôi bạn bởi Tú cũng là bác
sĩ, nhưng anh chuyên về giải phẫu thẩm mỹ - ngành mà Tình mơ ước từ lâu. Về nhà
Tình chơi, ăn uống ...Tú vẫn gọi chị Thục bằng mẹ. xưng con, như Tình và Thâm.
Về lại Mỹ, Tú tìm cách trả ơn gia đình bạn, muốn đưa cả gia đình
Tình xuất ngoại để giúp anh em Tình vào ngành họ ưa thích nhưng luật sư của Tú
cho biết chỉ có con đường duy nhất hợp lý là Tú phải về làm đám cưới với “mẹ
Thục”. Thế là một đám cưới đơn giản, nhưng có quay phim và mướn thợ chụp hình.
Thục đắp sáp dày lên mặt, cưa sừng làm nghé tròng áo cô dâu, Tú để râu tóc bồm
xồm, nhờ nhân viên thẩm mỹ make-up, diện đồ chú rể.
Chín năm trôi qua, Tú đã dẫn dắt hai người em kết nghĩa Tình và
Thâm trở thành bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ. Mỗi người chịu trách nhiệm
một nơi trên cơ thể con người. Viện Thẩm Mỹ 4T, viết tắt từ Thục, Tú, Tình,
Thâm mới khai trương hai năm thôi mà khách sắp hàng. Thời buổi mà các đấng ông
chồng luôn phàn nàn vợ về những dấu chân chim trên khóe mắt, bụng cả đống da nhão
nhoẹt, vế rỗ như mặt võng...thì các thẩm mỹ viện có cơ hội hốt bạc các bà. Các
bà không sửa soạn cho mình thì cái khâu giữ chồng không cũng đủ mệt. Con gái ở
Việt Nam rất tử tế, cỡ nào chúng cũng gọi bằng anh nghe sao mà ngọt như mía
lùi.
Khách đông, ba anh em làm không xuể, những
bậc thầy giàu kinh nghiệm ở trường được mướn về làm việc. Viện Thẩm Mỹ 4T đang
là mối đe dọa lớn lao cho hai cơ sở thẩm mỹ đã có tiếng từ lâu là Bích Ngọc và
Hạnh Phước.
Từ ngày định cư, chị Thục lu bu quá nhiều công việc. Giờ nầy thì
mấy đứa con không cho chị Thục ra dưỡng đường như những ngày đầu khai trương
nữa. Hai cô Ba Lan khỏe mạnh lo quét
dọn, lau chùi. Sổ sách kế toán, đều có nhân viên lo. Ở không không quen, chị
Thục lại thấy buồn vì mấy đứa con chưa đứa nào có vợ để cho chị có chút cháu ẵm
bồng.
Vài năm trở lại đây, chị Thục rảnh rang, nên đi chùa đều đặn. Tuần
nào cũng có mặt chị ở nhà bếp làm công quả. Chị Quảng Hoa, người đầu bếp chính
chùa Trúc Lâm hỏi chị Thục:
- Nghe nói Diệu Hiền (pháp danh chị Thục) đón xe buýt về chùa, sao
không bảo ông xã chở đi?
Chị Thục cười:
Em có chồng đâu!
Sao hôm trước ai nói chị qua Mỹ theo diện hôn nhân?
Ừ thì hôn nhân, nhưng chia tay rồi.
Lẹ dữ trời – Chị Quảng Hoa chép miệng!
Chị Thục che miệng nói vào tai chị Quảng Hoa:
Mình đã diễn xong vở kịch cho tương lai hai đứa nhỏ.
Thủy Lâm Synh
Jan. 12, 2009
OAN HỒN
Truyện kinh dị
Cơn mưa giông vừa tạnh, chỉ còn lác đác vài
hạt thật nhẹ. Xa xa, những tia chớp lóe lên làm sáng rõ ngọn tháp giáo đường.
Giờ nầy mọi người trong xóm Xuân Bình đã say ngủ. Khuya lắm rồi, dễ chừng cũng
sau nửa đêm. Lão Doanh, bước ra sân quẹo qua phía hè sau, nơi có ba tấm ván
dựng thành hình chữ U chứa một đống tro, vắn quần lên tiểu.
“Cho tôi miếng nước...có ai cho tôi miếng
nước...trời ơi, tôi khát quá, chết mất...”
Trong bóng đêm dày đặc, lão Doanh rùng mình
ngơ ngát, lão nói thầm trong bụng:
“Giờ nầy ai còn xin nước?”
Lại tiếng kêu:
“Cho tôi xin miếng nước...có ai cho tôi miếng
nước...trời ơi...”
Tiếng than lúc nầy gần lắm, giọng the thé,
khiến người nghe nổi da gà. Lão Doanh ráng sức tiểu cho lẹ, chưa đã, nhưng lão
đành cầm ...lắc lắc thật nhanh, thả ống quần ngủ xuống, vội chạy vào nhà, đóng
sầm cửa lại. Tiếng xin nước lúc nửa đêm làm toàn thân lão Doanh ớn lạnh. Sực nhớ câu nói của cha Luông: “Chúa đã từng
làm phép đuổi quỷ nhập vào đàn heo để cứu người đàn bà ...”. Lão Doanh mò tìm
chiếc hộp quẹt đốt đèn, đến bàn thờ cầm cây thánh giá, tròng xâu chuỗi vào cổ
mở cửa mạnh dạn bước ra sân. Lão Doanh
cầm thật chắc cây thánh giá làm như thể nó vụt bay đi. Lão đưa lên trời, đọc
một hồi kinh Lạy Cha cho đến đoạn cuối ...nhưng cứu chúng con cho khỏi sự
dữ...Amen. Lão cố đọc lớn câu sau cùng nhiều lần.
“Quớc, quớc”
Lão Doanh giật bắn mình, một con quạ đâu đó
kêu hai tiếng, vỗ cánh sà xuống ngang trước mặt lão rồi vụt bay đi. Lóng ngóng
vài giây, tiếng kêu xin nước cũng bặt... “như vậy là tốt lắm rồi”, lão Doanh
nghĩ như thế và tự cho mình hưởng cái quyền an ninh. Có thể sau khi đọc kinh,
hồn ma được nhập vào con quạ và Chúa đã đem nó đi trấn nước rồi, miệng lão càm
ràm, khinh miệt: “ma với cỏ” rồi quày quả bước vô nhà, đóng cửa. Đặt cây thánh
giá vào chỗ cũ, cởi xâu chuỗi tròng hai bận vào nó, lão Doanh bưng chiếc đèn
hột vịt lên gần miệng thổi cái phụt, để lại xuống bàn. Lòng đôi dép Nhựt dính
cát, lão co hai bàn chân xát vào nhau vài lần cho sạch trước khi nằm trở lại.
Độ tàn điếu thuốc, trí lão Doanh chưa hết
bàng hoàng, trong mùng, mắt lão vẫn còn thao láo với màu đen quánh xung quanh.
Bỗng tiếng bước chân của ai mỗi lúc nghe một gần. Tiếng chân ngừng hẳn, mấy con
gà phát hiện có bóng người la toáng lên, đập cánh đành đạch như muốn phóng ra
khỏi chuồng. Lão Doanh ngồi phắt dậy rón rén đi đến cửa sổ nhìn ra vì đinh ninh
có kẻ trộm. Một tia chớp lóe lên, lão Doanh giật thót, lạnh xuyên toát xương
sống; dáng một người đàn bà gầy đét, đầu bù xù, mớ tóc phủ xuống gương mặt xanh
dờn như tàu lá chuối non mà lão chỉ cách bà ta có mấy song cửa sổ.
Người kia cất tiếng gọi:
“Cho
tui xin miếng nước... cho tui xin... xin nước”
Tiếng nói đứt quảng và mang âm thanh cực kỳ
rùng rợn. Lúc nầy hồn vía lão Doanh lên mây. Lão á khẩu phóng lại bộ phản lăn
tuốt vào góc trùm mền kín mít. Bà vợ nằm trên chõng tre kê gần bếp, chưa tỉnh
ngủ hẳn, nghe thấy tiếng kêu bên ngoài sợ quá đái vãi ra quần, nhào qua phòng
thằng Thế, đứa con đang ngủ chung với vợ mới cưới. Bà nhào lên giường chen vào giữa
hai vợ chồng nó làm chúng giật mình thức giấc hỏi dồn:
“Chuyện gì vậy, có chuyện gì...?”
Bà Doanh trả lời ú ớ, hai hàm răng gõ vào
nhau nghe lộp cộp. Một góc của chiếc mùng bị đứt dây, phủ xuống như tấm lưới cá
làm Thế quờ quạng một lúc mới hất được mùng chui ra. Lúc nầy nó đã nghe tiếng
kêu xin nước bên ngoài vọng vào làm tim nó cũng đập thình thịch như muốn bung
ra khỏi lồng ngực.
Nãy giờ toàn thân lão Doanh nằm co quắp như
con tôm. Tất cả vốn liếng kinh, kệ lão nhớ câu nào đọc câu đó, không đầu không
đuôi. Lão sờ lên cổ để tìm xâu chuỗi hộ mạng, nhưng chợt nhớ ra đã treo nó lên
cây thánh giá rồi. Trong nhà lão Doanh
ai nấy đều run. Thằng Thế làm bạo bước trên mười ngón chân xuống nhà bếp lấy
cái rựa. Nó không biết lấy rựa để làm gì, chặt ma ư? nó không có ý định ấy,
nhưng nghe nói ma sợ sắt biết có đúng không? Cái rựa không nằm ở vị trí thường
lệ, nó mò mẫm trong bóng đêm, bàn tay phải giong ruổi huơ vào lưỡi dao, nó thấy
rát biết vừa bị đứt. Thế lấy bàn tay trái bóp mạnh vào vết thương cho cầm máu.
Bên ngoài tiếng xin nước và tiếng móng tay
cào lên cánh cửa bằng tole cứ chốc chốc xoáy vào nghe cực kỳ rùng rợn. Thục và
mẹ chồng vốn chưa thân nhau lắm, thế mà đêm nay, Thục ltrùm mền quá đầu quay
mặt vào vách run như người bị sốt rét nặng thì sau lưng mẹ chồng cũng ôm chặt
lấy vai nàng mà run. Một đêm hãi hùng không tả trùm xuống nhà lão Doanh, một
ngôi nhà lẽ loi cách ly xóm đạo Xuân Bình mấy trăm thước.
Nói cho đúng lão Doanh có người con trưởng
tên Gia hiện đang làm việc gì đó trên cơ quan phường Tân Giao. Gia nghĩ mình có
quyền nên thấy khoảng đất trống sau khi ai đó hốt cốt mấy ngôi mộ liền nhau,
hắn mướn thợ cất lên ngôi nhà cho cha mẹ và hai vợ chồng đứa em mới lấy vợ dọn
vào. Còn riêng Gia thì chính quyền đã cấp phát cho căn hộ tịch thu của một gia
đình vượt biên để lại trong cư xá Thống Nhất. So bán kính, nhà lão Doanh nằm
gần nghĩa địa công giáo hơn là xóm đạo Xuân Bình.
Khoan nói đến tiếng con ma thỉnh thoảng kêu
than xin nước uống mà người ta đồn đãi bấy lâu, nay nhà lão Doanh mới biết là
có thật. Tiếng gió về đêm thổi mấy cây dương liễu trồng xung quanh nghĩa trang
lúc cao vút, lúc ngừng hẳn rồi trầm trầm trước khi hú lên như một cơn suyễn
nặng, cộng với tiếng chó tru dài khan khan đâu đó, tự nó đã tạo lên những âm giai
ma quái đến rợn người.
Nghe nói có ma, năm ba thanh niên trong nhóm
Thánh thể hiếu kỳ, đem dao, gậy và dĩ nhiên là cây thánh giá to tướng ra nghĩa
trang căng mùng nằm chờ. Nhưng lạ lắm, những đêm trăng thanh gió mát hoặc trời
khô ráo, không mưa thì lại chưa bao giờ nghe thấy tiếng ma xin nước. Chỉ có khi
nào sau cơn mưa và vào lúc nửa đêm thì tiếng kêu xin nước lại xuất hiện. Việc
nầy khiến nhiều người đoán mò rằng, trời hành không cho nó uống nước, nên thấy
nước hồn ma nó thèm.
Câu chuyện ma xin nước đã tạo cho dân địa
phương truyền miệng nhau nhiều huyền thoại. Trong ấy có chuyện một người đàn bà
chửa, còn rất trẻ, xin ăn lang thang trên khắp nẻo đường trong thị xã Cam
Phương. Cô ta không có nhà cửa, tối đến thì đụng đâu quấn mền đó. Người ta gặp
cô ở những góc phố, trong lều chợ, hè trường học, trạm xe búyt v.v... không ai
biết chỗ nào chắc chắn.
“Khó
khăn như thế thì chửa với đẻ làm chi cho phiền.” - Ông đi qua, bà đi lại khó tánh bàn tán như
thế.
Nhưng những suy nghĩ rộng lượng hơn thì cho
rằng con người là một tổng hợp của hỷ nộ ái ố – có thể sau một bữa ăn no, người
ta có quyền nghĩ đến một chút thoải mái bằng phương tiện sẵn có. Người kể
chuyện còn cả quyết tiếng xin nước ấy chính là hồn ma chị Thơm, chị đã tự tử
trong khám nhân lúc Việt Nam
có tổ chức Sea Game năm 2003.
Chính quyền muốn cho thế giới thấy vẻ lành
mạnh, văn minh của xã hội nên đã mạnh tay với những người ăn mày khắp cả nước.
Không ngờ như mặt trái sần sùi của tấm huy chương, chỉ thị lại ảnh hưởng đến số
phận người đàn bà khốn khổ. Chắc buồn lòng thế nào đó mà chị Thương treo cổ tự
tử. Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột – giới chức địa phương không ai buồn
điều tra vụ người ăn mày tại sao chết. Hơn nữa, thiên hạ có thói quen cho rằng,
người ăn mày vốn trên đời đã bất hạnh, chết đi biết đâu không là một giải thoát
khỏi cảnh đọa đày do cơm áo gây nên.
Không
phải ngẫu nhiên mà ông bõ già của nhà thờ Xuân Bình được nhắn vào phòng giam
nhận xác chị Thơm về chôn. Nguyên anh Gia,
làm việc trong phường Tân Giao lúc nầy mới theo công giáo. Mỗi tuần anh
về nhà thờ xưng tội, xin lễ rất đều đặn, nên càng quen thân với tín hữu, quen
với bõ già. Cha xứ trở nên thân thiện với người có quyền chức thấy rõ. Sau lễ
có khi Gia ở lại la cà tâm tình với cha. Khi về Gia thường khuân theo các thứ
quà cớm thặng dư do giáo dân mang tới biếu cho cha, đại khái như kết bia, vài
chai rượu lễ, thùng nước ngọt, tá áo thun v.v...Thứ gì Gia cũng dễ dãi nhận cho
cha vui. Thật ra tặng người cán bộ mấy thứ dư dùng cũng có cái lợi – thứ nhất,
bất cứ những lỗi lầm nào từ việc lái xe cán chết người, chở ba, xe lậu, đánh
lộn...của con chiên Xuân Bình bị bắt về đồn, chỉ cần cha nói một tiếng là mọi
việc đều yên. Thứ nhì, tội gì không làm quen với những người có quyền, họ là
thành phần truyền đạo tốt. Tiếng nói của họ mạnh gấp trăm lần mấy ông biện
trong giáo xứ gởi ra ngoài gõ cửa những người lương chung quanh để mở mang
“xóm” Chúa.
Trước khi bõ già đi nhận xác người ăn mày, họ
đạo Xuân Bình mở một phiên họp bàn xem nên chôn người ấy ở đâu. Hai phần ba số
người dự phiên họp đều không tán đồng cho người ăn mày nằm trong khu nghĩa
trang công giáo vì họ cho rằng sẽ làm ô uế những linh hồn thánh thiện đang nằm
chờ sự trở lại của Chúa Giêsu trong ngày tận thế. Bõ già buộc phải tìm một rẻo
đất bên ngoài nghĩa địa công giáo mà chôn người ăn mày. Ông cắm lên ấy cây thập giá tự chế với hi
vọng tình thương Thiên Chúa sẽ ngó ngàng cho con người bạc mệnh. Công việc mai
táng hoàn tất, nhưng có một điều chưa bao giờ hoàn tất là hồn ma chị Thơm.
Thỉnh thoảng bõ nằm chiêm bao thấy bóng chị Thơm đi vào nhà thờ xin nước. Ông
thì không tin chuyện ma quái vì đã có niềm tin mãnh liệt vào Thiên Chúa của ông.
Nhưng lạ quá, không tin là một việc, nhưng chiêm bao cứ đến khuấy bõ lại là
việc khác. Đôi khi bõ đâm ra hối hận vì đã trót nhận xác chị Thơm về chôn, biết
đâu con ma nó lại không theo bõ suốt đời. Sau bao nhiêu lần chiêm bao thấy chị
Thơm về báo, bõ già không biết làm gì khác bèn đem tự sự trình lên cha xứ. Cha
Luông nói với bõ là từ nay đừng bao giờ nhắc đến chuyện hoang đường ấy nữa, cha
không muốn nghe. Bõ riu ríu cáo từ, trong thâm tâm ông cứ băn khoăn về những điềm
chiêm bao kỳ lạ. Mới đêm kia đây thôi, vừa đặt lưng xuống giường là bõ đã ngủ
khì, trong giấc mơ ông thấy chị Thơm về
đứng ngoài cửa sổ nói với ông như thế nầy:
“Tôi là người con gái mồ côi từ nhỏ, sống
bằng tình thương của bá tánh. Mười tháng trước đây, nhân dính vào vụ bán vé số
giả, tôi bị công an thị xã bắt nhốt. Trong đêm mưa tầm tả, không còn ai ở cơ
quan, Gia - một tên cán bộ đã vào nhà giam giở trò sàm sở, dùng sức mạnh cưỡng
hiếp tôi. Hắn đã cướp đi sự trong trắng của tôi, làm cho tôi mang bầu, dẫn đến
cuộc sống khốn khổ tôi phải đi xin ăn. Thời gian mấy tháng sau, trong đợt Sea
Game, nhà nước muốn che đậy bộ mặt nghèo đói của xã hội. Tôi lại bị bắt khi sắp
sinh con. Gia muốn che giấu hành động bỉ ổi nên đã vào nhà giam lấy dây siết cổ
tôi rồi tạo cho hiện trường được nhìn như một vụ tự tử. Tôi thật sự bị giết,
tôi muốn kêu oan”.
“Maria lạy Chúa tôi”! cơn ác mộng hãi hùng,
bõ già choàng tỉnh giấc, mồ hôi vã ra như tắm.
Ngày Chủ Nhật sau đó, bõ chăm chú nhìn Gia
đang quỳ dưới hàng ghế cuối. Mặt Gia toát ra đường nét ác độc, đê hèn một cách
đáng ghét. Thế mà không biết tại sao từ
ngày hắn vào đạo, cha Luông xem hắn như
một tín hữu thân cận. Nhiều khi hai người nói chuyện riêng hàng giờ trong
phòng, sau đó khi về hắn còn chở theo những thùng quà nặng trĩu khiến bõ già
tiếc hùi hụi. Đôi khi làm việc ngoài vườn khát khô cả cổ, bõ muốn vào nhà kho
chôm lon nước ngọt, khui ra tu một hơi cho đã nhưng sợ mang tội ăn cắp.
Từ ngày hồn ma báo mộng, bõ rất ghét bộ mặt
đạo đức giả của Gia. Càng gai mắt hơn khi hắn khúm núm quỳ dưới chân Chúa nhân
từ và nhận những chiếc bánh Thánh vô nhiễm. Cũng có thể hắn hối hận chăng? Bõ
già nghĩ như vậy. Nhưng không, một hôm bõ vô tình đứng ngoài cửa nghe mẫu
chuyện giữa cha xứ và hắn.
“Thưa cha đạo mình khi rửa tội là tất cả tội
lỗi đều được Chúa tha hết phải không cha?”
Tiếng cha Luông:
“Giáo hội dạy thì như vậy, nhưng đừng lý
tưởng hóa nó.”
“Nghĩa là sao con chưa hiểu.”
“Nghĩa là nói thì như vậy nhưng muốn được tha
tội, không phải chỉ có rửa mà còn phải thật sự ăn năn, nếu không ăn năn thì dầu
có rửa hết nước một sông cũng không thể nào sạch tội.” Câu chuyện giữa cha xứ
và Gia bõ già nghe có thế, nhưng bõ chợt hiểu rằng Gia theo đạo vì hắn muốn cha
rửa cho hết tội do hắn gây ra. Bên trong có tiếng đẩy ghế và tiếng Gia cáo từ,
bõ già vội bước nhanh ra sân làm bộ lom khom tưới hoa.
Đêm nay trời cũng hâm hấp nóng, khuya lắm rồi
mà bõ chưa ngủ được. Nhìn ra cửa sổ bóng trăng lờ mờ, bõ chợt trông thấy một
bóng người đi tới, đi lui, bõ bất giác hỏi:
Tiếng nói như bị nghẽn trong cổ họng, bóng
người trả lời:
“Tôi đây, tôi là Thơm, người được ông nhận về
chôn mấy tháng trước.”
Bõ giật thót người, trong bụng nhũ thầm, “ma”
nhưng không hiểu sao bõ không thấy sợ hãi chút nào, bõ hỏi:
“Cô đến đây có việc gì?”
“Ông đã chôn xác tôi, chắc ông biết không
phải tôi tự tử”
“Tôi có hồ nghi như thế?
“Đúng lắm”
Khi bóng chị Thơm đến vịn hai tay vào song
cửa sổ, một luồng gió mát lạnh hắt vào, người bõ bắt đầu run, tất cả đều lờ mờ.
Trí bõ già nhớ lại hôm nhận xác gương mặt chị Thơm trắng bạch như người chết
đuối, hai con mắt trợn dộc và hai bên mép chảy xuống hai vệt máu khô quánh. Ông
lạnh người thụt lùi vào trong, lấy can đảm hỏi:
“Tại sao cô lại đến đây mà không đến chỗ
khác?”
Bóng ma trả lời:
“Tại vì ông là một con người tử tế, có lòng
thương người nên tôi đến nhờ ông”.
Trong bóng đêm, bõ già trầm ngâm một giây
hỏi:
“Cô nhờ tôi làm việc gì?
“Ông cầu siêu cho tôi đi tái sinh, nếu không
tôi sẽ vất vưởng ở đây mãi”
“Tôi không tin vào việc con người chết rồi có
thể tái sinh”
Bóng ma xác quyết:
“Lúc còn sống, tôi cũng không biết và cũng
không ai nói cho tôi biết về việc con người sau khi chết, phần hồn còn có thể đi
tái sinh. Khi chết rồi, hồn tôi lang thang khắp nơi, đã gặp nhiều vong hồn, gặp
các nhà ngoại cảm và đặc biệt tiếp xúc với người cõi âm rất nhiều nên mới hiểu.
Bõ già chống chế:
“Nhưng tín lý của tôi không tin việc ấy là
thật.”
“Đây là quy luật luân hồi tự nhiên trong vũ
trụ, không dính dáng gì đến tín lý nào cả”
“Như vậy thì tôi làm gì?”
“Ông mua cho được 49 con chim, 49 con cá.”
“Cô biểu tôi nấu cách sao hai thứ ấy?”
“Không, loài vật cũng tham sống sợ chết như người. Hai loại chim và cá ông
mua khi chúng còn sống, ông đem ra mộ của tôi với lòng thành khẩn, ông chỉ nói
như thế nầy: ‘98 mạng sống nầy được tự do kể từ hôm nay, để cầu cho vong linh
Văn Thị Thơm sinh ngày 16 tháng 3 năm 1980 được đầu thai hóa kiếp’. Sau đó ông
thả chim bay lên trời, cá thả xuống sông cho chúng tự do, gọi là phóng sinh”.
Bõ già phân vân hỏi:
“Làm sao tôi có nhiều tiền như thế?
“Ngày mai, sẽ có người đem tiền tới cho ông”.
Sau câu nói ấy, bóng ma ngoài cửa biến mất.
Bõ già níu kéo:
“B...bao giờ thì tôi làm việc ấy”
Không thấy bóng ma trả lời. Bõ già khệnh
khạng bước đến giường, vừa nằm, vừa lần chuỗi mân côi.
Sáng hôm sau, khi quét lá trước ngõ, lòng Bõ
già hoang mang vô hạn. Một gã xe ôm chạy xe vào sân, hắn nói có người gởi tiền
nầy cho ông, gã xe ôm vụt biến ra khỏi ngõ, bõ già không kịp hỏi một câu, ông
lấy thư bọc vào túi, cài ghim cẩn thận, dự trù thực hiện lời hứa.
Giòng tư tưởng Bõ già còn bàn bạc trong trí,
tiếng xe gắn máy cha Luông vừa về tới, giọng ca vẻ hấp tấp:
“Bõ ơi! Ra đây phụ cha một tay khuân mấy bình
hoa đặt lên bàn thờ. Nhà cụ Doanh vừa mua hoa đem tới để xin lễ cầu hồn cho anh
Phạm Oan Gia. Cụ Doanh nói đêm qua anh Gia uống rượu say, chạy xe tung gãy cột
đèn phụ ngay hẻm số 35. Trụ đèn ngã, dây chằng cột điện quấn vào cổ anh ấy tắt
thở tại chỗ”
Bõ già thảng thốt kêu lên:
“Maria, Giê-su lạy Chúa tôi”
Bõ cùng cha Luông đưa hoa vào nhà nguyện. Cha Luông trở ra lấy xe gắn
máy đi chở thầy phó tế rồi cùng chạy lên nhà lão Doanh xem có thể giúp được gì
cho một gia đình tân tòng. Bõ ngồi môt mình nhìn sâu lên tượng Đức Mẹ, lòng
chưa hết bàng hoàng, ông nhũ thầm:
“Nhân quả, luân hồi, tái sinh, phóng sinh...”
những cụm từ xa lạ tưởng như mơ hồ, sao nay cứ lẫn quẩn đâu đây, một tư duy làm
cho cuối cuộc đời Bõ phải suy nghĩ. Quả vậy từ khi còn rất nhỏ, rời làng Ninh
Cường 1954 đến nay hơn nửa thế kỷ, cuộc đời Bõ gắn liền với nhà thờ, nhà xứ. Có
khi nào Bõ được đọc một quyển sách ngoại đạo đâu. Nhân quả là gì Bõ không biết,
nhưng lão rất tin về việc gieo gió thì gặt bão như trường hợp anh chàng Phạm
Oan Gia.
Thủy Lâm Synh
Apr. 6, 2008
(*) lạt như nước ốc, bạc như vôi.
ĐÊM HUYỀN THOẠI
Tóc em xuống đôi bờ vai phù thủy
Ta ngã đầu nô lệ trắng đêm nay
Trăng võng mạc soi trên màu vạn cổ
Sương ngừng rơi và mây cũng ngừng bay
Đêm huyền thoại nghiêng hồn nghe máu chảy
Vỡ đam mê da thịt bốc hơi men
Từng động mạch gào bên bờ tục tử
Vành môi ngoan nghe hóa chất thân quen
Giọt dẫu đắng khuấy thêm tình em ngọt
Không gian nầy gỡ hết những ưu tư
Tội gì nhốt cô đơn vào biển khổ
Trần gian đây chưa độ lượng nhân từ
Ta nắn nót dấu yêu vào huyền thoại
Cánh tay đời vung vãi chuyện trăm năm
Quân tử quyết nhốt hơi tàn cổ mộ
Ta phàm phu du thủ có ăn nhằm.
Em hãy giữ cho riêng niềm hạnh phúc
Nắng có phai, và mưa có ướt vai
Nến đã thắp trong tim bầu nhiệt huyết
Ngàn năm sau trăng khuyết lại tròn đầy.
Thủy Lâm Synh
July 25, 2010
Mầy đã ở quê nhiều đến độ
Trăng già soi rách đáy sông ngang
Mưa ngông tróc vỏ cây đa cổ
Gió loạn mòn sương chết giữa đàng
Thuở đó bọn mình chơi dưới nắng
Ruộng vừa xới cỏ thoảng gây gây
Xuân thơ lạc dấu chân trời biển
Ký ức còn thơm một vốc đầy
Mầy vẫn còn mang nỗi đắng xưa?
Hay đã vì con phủi áo rồi
Cho ngày nắng lửa mưa dầu cũ
Khỏi bận lòng chi chuyện... ốc, vôi (*)
Ta vẫn một đời không danh nghĩa
Nụ buồn vẫn trổ đón xuân xa
Áo cơm còn nợ đời chưa trả
Tết đợ quê dưng rất nhớ nhà
Mầy ở làng xưa suốt một đời
Phổi đầy hơi hướm gió quê vui
Ta đi mặt mũi va ghềnh thác
Xuân vẽ đường nhăn dấu tích thôi
Mai mốt ta về chơi một bữa
Những ngày có én, có hoa mai
Cỏ cây sẽ thở câu tình tự
Tao với mầy vui một chén. Say.
Trăng già soi rách đáy sông ngang
Mưa ngông tróc vỏ cây đa cổ
Gió loạn mòn sương chết giữa đàng
Thuở đó bọn mình chơi dưới nắng
Ruộng vừa xới cỏ thoảng gây gây
Xuân thơ lạc dấu chân trời biển
Ký ức còn thơm một vốc đầy
Mầy vẫn còn mang nỗi đắng xưa?
Hay đã vì con phủi áo rồi
Cho ngày nắng lửa mưa dầu cũ
Khỏi bận lòng chi chuyện... ốc, vôi (*)
Ta vẫn một đời không danh nghĩa
Nụ buồn vẫn trổ đón xuân xa
Áo cơm còn nợ đời chưa trả
Tết đợ quê dưng rất nhớ nhà
Mầy ở làng xưa suốt một đời
Phổi đầy hơi hướm gió quê vui
Ta đi mặt mũi va ghềnh thác
Xuân vẽ đường nhăn dấu tích thôi
Mai mốt ta về chơi một bữa
Những ngày có én, có hoa mai
Cỏ cây sẽ thở câu tình tự
Tao với mầy vui một chén. Say.
Thủy Lâm Synh
Tôi không viết
nổi bài thơ đón tết
Chỉ vì hồn
quanh quẩn nỗi tan thương
Trời Nam Á
kinh hoàng đêm địa chấn
Vạn xác người
vùi tận đáy đại dương
Tôi cố gắng
viết bài thơ đón tết
Nhưng chao
ơi sao nghĩ chẳng nên lời !
Hình ảnh
quanh tôi chiếu toàn cảnh khổ
Đang cơ hàn
cần một chén cơm vơi
Tôi đang viết
một bài thơ đón tết
Nhưng hoa
xuân khó nở giữa hoang tàn
Đống gạch vụn
thây người chưa bới hết
Trẻ mồ côi
tìm bố mẹ lang thang
Tôi rất khó
viết bài thơ đón tết
Khi trong
tim chưa hết nỗi bâng khuâng
Hàng triệu kẻ
đang màn trời chiếu đất
Đến bao giờ
mới có được mùa xuân
Đây tôi viết
một bài thơ đón tết
Bằng tâm tư
những đứa trẻ mồ côi
Bằng con tim
những con người mất mát
Xin tình
thương từ bốn hướng xa xôi
Đây tôi viết
một bài thơ đón tết
Bằng ước mơ
thế giới được an bình
Mơ trần gian
chóng vơi đi thống khổ
Và ước gì
nhân loại hết đao binh.
MỪNG TUỔI MẸ
Con xin mừng
tuổi mẹ
Thịt da nầy
thương suốt mấy mươi năm
Tờ lịch cuối
trên tường rơi vội vã
Và đêm nay mẹ
thêm tuổi trần gian.
Đêm giao thừa
Con xin mừng
tuổi mẹ
Mỗi một ngày
liên tưởng lá đầy sân
Người già nhất
cũng đã thành thiên cỗ
Nên hoàng
hôn trong mắt mẹ xa gần
Đêm giao thừa
Con xin mừng
tuổi mẹ
Thắp cả đời
tim lụn khó đường khêu
Mẹ – ngọn nến
trong đêm về bão nổi
Sợi chỉ mành
bên gió tạt mưa xiu
Đêm giao thừa
Con xin mừng
tuổi mẹ
Tám mươi năm
vét tình hết cho con
Trên vai mẹ
oằn nghiêng ngàn vết khổ
Cuối cuộc đời
chưa một tiếng thở than
Đêm giao thừa
Con xin mừng
tuổi mẹ
Lạnh ngoài
trời con vẫn ấm trong tim
Nhìn thấy mẹ
hiện cả trời Bồ tát
Đang trên
cao ban bố miết niềm tin
Đêm giao thừa
Con xin mừng
tuổi mẹ
Cầu năm nay
mẹ cũng sẽ bình yên
Con rất sợ
những phủ phàng xảy đến
Con mồ côi
vì mẹ đã trường miên
Đêm giao thừa
Con xin mừng
tuổi mẹ
Mừng bởi vì
mẹ rất Phật trong con
Mừng bởi vì
mẹ rất thiêng Bồ Tát
Khiến cho
con hạnh phúc nhất trần gian.
EM KHÓC
Em khóc ta nghe hồn rướm lệ
Muộn màng cát đá xót xa đau
Ai quay được bánh xe thiên cổ
Ta đổi đời cho chẳng tiếc đâu
Những giọt thương nào rơi má em
Hồn ta chùng xuống gót chân mềm
Ta đi nắng tắt chiều loang lổ
Cánh bệt càn khôn trăng nước lên
Tóc bạc quá nửa đời viễn xứ
Cỏ cây còn lạ chửa quen tên
Nhiều đêm nghe rất buồn lạc lõng
Chạnh nhớ người xưa tóc trắng thêm
Ta trả những chiều con nước dâng
Trả đêm hơi thở lá trên ngàn
Nhưng xin giữ lại ân tình cũ
Làm một chút quà nghe cố nhân.
29.4.2000
EM VỀ XẾP NGÓN TỪ BI
em về
xếp ngón từ bi
gát lên giá ngọc
dậy thì tuổi xuân
sáng mai
thức dậy soi gương
trong đôi mắt ấy
còn vương chút buồn
hôm qua
dưới phố mưa tuôn
nép mình em đứng
bên đường núp mưa
chợt giờ
tan sở nghỉ trưa
chung ô anh bước
cùng ai qua đường?
chiều về lòng
mải bâng khuâng
tối nghe ray rứt
cõi hồn
rách bươm
người đi
nhặt đóa vô thường
tôi về gom lại
lửa hương
mệt nhoài
để lòng sa mạc
nguôi ngoai
nửa đêm thế kỷ
nửa ngày thiên thu.
2.1.2007
MƯA SÀI GÒN
MƯA CHICAGO
Anh không rõ mưa có về bên ấy?
Chớ bên này chiều vẫn cứ mưa sa
Nhìn những hạt vô tình rơi trên lá
Nhớ về Sài Gòn một ký ức xót xa.
Nhớ hôm ấy Sài Gòn mưa thật lớn
Những hạt dài hạnh phúc nhốt hai ta
Rất mời mọc vai em chừng bỏ ngõ
Bờ môi anh chạm da thịt ngọc ngà.
Trong một thoáng anh nghe hồn lạc lõng
Giữa đất trời vừa thai nghén hơi thu
Em lãng mạn trông cho trời mưa miết
Để tụi mình tha thiết đứng bên nhau.
Mưa đã tạnh đèn đường đang ngó xuống
Sắt se theo từng mỗi bước em đi
Mưa sót lại trên bờ mi mắt đỏ
Hay nước mắt em trước lúc chia ly.
Có ngờ đâu đó là lần gặp cuối
Chệch đường nhau từ dạo ấy đến nay
Cuộc dâu bể bày trăm điều mất mát
Đẩy đưa nên tình nghĩa trắng đôi tay.
Anh chếnh choáng nửa đời nơi xứ lạ
Vết thương xưa mưng mũ vẫn chưa lành
Mấy mươi năm bên hàng hiên phố thị
Bởi lòng mình chưa hết nỗi băn khoăn.
Chiều hôm nay mưa cũng về nặng hạt
Nhớ Sài Gòn và lại rất nhớ em
Anh không biết mưa có về bên ấy
Chớ bên này mưa rớt nhớ xuống anh.
28.8.2010
HỎI MÙA THU NƠI ĐÓ
Nơi em ở vào Thu trời có lạnh?
Lá có vàng và gió đã se da
Trời có mưa hay nắng mỗi chiều qua
Nhìn lá chết phôi pha màu mắt nhớ
Và nơi ấy hoàng hôn chùng hơi thở
Gió đổi mùa, Thu mấy độ qua tay
Sương đã tan hay còn mãi ngủ say
Đêm ở trọ quên lưu đày biến dịch.
Nơi ta ở la đà mây trầm tích
Lạnh trên trời thả xuống nhẹ cơn mưa
Lá công viên xanh ngắt mới hôm kia
Nay bỗng chốc vàng chia…tranh thủy mạc
Trời mau tối, đêm vài ba tiếng hạc
Chở sương đi đôi cánh bạt trường chinh
Mùa Thu ghi vài nỗi nhớ vô tình
Chợt ẩn hiện bên hành lang ký ức.
25.10.2010
DẤU XƯA
Hôm ấy tết, anh về qua lối nắng
Ngược đường em áo trắng gợn đôi tà
Người vô tình với khách lạ đường xa
Anh bỡ ngỡ nghe nhạt nhòa dấu tích
Em rất khéo, tuổi trệch chiều bóng lịch
Khiến cho hoa như khép nép bên chân
Gió chải lên làn tóc mượt bồng bềnh
Vết trắc ẩn chìm trên môi huyền thoại
Anh chết đứng giữa khung đời Từ Hải
Bàn tay dư vô vọng vẫy muôn trùng
Đâu đó còn một ký ức mong lung
Mảng quá khứ rơi chạm vùng kỷ niệm
Tai ù cả nghe sóng ngàn của biển
Khúc phong ba xoáy lở mộng kinh bang
Em thì vẫn nét đài trang thuở cũ
Trong ta nghe một thẩm thấu muộn màng
Vâng! Thưở ấy ta đi mùa biến loạn
Cuộc từ ly khó hẹn nổi ngày về
Trên bước đường dong ruỗi lúc xa quê
Tay vuốt mặt nghe bốn bề trống vắng
Ta vẫn nghĩ dấu xưa còn trĩu nặng
Thời gian chưa là mốc hẹn vô tình
Trách chi đời dâu biển quá tự nhiên
Xin khép lại niềm riêng vào một cõi.
11.2.2012
CÓ MỘT NỖI BUỒN
Có một nỗi buồn chợt dấy lên
Giữa tình hóa đá đã rêu xanh
Thiên nhiên thức giấc gom thu lại
Gợi ở vườn tim góc nhớ anh.
Thuở đó thu về reo trong mắt
Bờ mi ai đọng hạt mưa đêm
Tay đan trong nỗi niềm tha thiết
Những giọt mưa sa vỡ thật mềm.
Không gian lúc ấy chỉ hai ta
Thời gian ngưng dưới gót chân ngà
Bên nhau mưa gió như ngừng cả
Em có anh như bướm có hoa.
Thế rồi:
Vườn tim nay đã lạnh bốn bề
Nỗi buồn chợt đến kéo lê thê
Ngữa bàn tay hứng mưa từng giọt
Ký ức đùn lên những tái tê.
Nắng vẫn lên hong cạnh cuộc đời
Thu về lạnh tím sắc mưa rơi
Nghe như thu khép vòng tay cỗ
Gầy bước chân hoang lá gọi mời.
Dĩ vãng còn vương màu kỷ niệm
Vườn yêu còn những khóm hoa xưa
Giọt ngâu đã thấm niềm trăn trở
Một nỗi buồn rơi theo tóc mưa.
14.9.2012
Thủy Lâm Synh
QUÊ HƯƠNG TÌNH YÊU VÀ NỖI NHỚ
VỚI NHỮNG HẠT NGỌC TRẦM TÍCH
VỚI NHỮNG HẠT NGỌC TRẦM TÍCH
Bốn chữ “đêm hè quạt tay”
là một hình ảnh “đắc”. Đêm hè nào ở quê hương mà không hâm hâm nóng nực? Ai
quạt? Ai được quạt bằng tay? Hình ảnh chiếc quạt phất qua, phất lại rồi phất
lại, phất qua… mỏi tay lắm. Một chút này là tình thương bao la như biển rộng,
sông dài của lòng mẹ; một sự nâng niu, chăm sóc của mẹ cho ta một đời để nhớ!
Không hẳn nhiên, một Nguyễn
Tấn Hưng “gạo cội” tài hoa với những dòng thơ, truyện, nhạc với “hương xưa” đầy
ắp kỷ niệm quê hương, đã ôm hết từ “Một” vào lòng để mở đầu cho những sáng
tác của anh: “Một cảnh hai quê, Một kỷ niệm đẹp, Một dòng ca dao, Một nỗi buồn
riêng, Một trời, một biển”…
Tôi, người khách không ai
thèm mời cũng cố len lỏi vào dòng người xuống… con tàu hàng HQ451 của bà Ngô
Đình Nhu như Nguyễn Tấn Hưng kể trong một chuyến ra khơi tìm về“Một thoáng
hương xưa“. Xứ Thành của tôi qua Nguyễn Tấn Hưng hiện ra trong tác phẩm này với
nhân vật Tần bằng một bài thơ viết tặng Hiền:
Về Thành phải ở lại Thành
Thích ăn bánh tráng cuốn
Chấm nước mắm ớt vừa hái
trên cành
Thì em mới chịu yêu anh suốt
đời.
Chi tiết bánh tráng cuốn
làm tôi thèm thật thèm nhưng chấm với “mắm ớt’ làm tôi… chợn! Ớt là khắc tinh
của tôi! Tôi khoái món canh quê nhà này hơn:
Nấm dừa nấu với tập tàng
Quanh năm suốt tháng chẳng
màng cao sang.
Ăn suốt đời như vầy mà
không… đau ốm thì… giàu sụ!
Tôi theo bài thơ “Nha
Trang tìm em” của Thủy Lâm Synh về Nha Trang tìm lại con sóng ngày nao vẫn
vỗ nơi bờ với một trời thương nhớ:
Còn em lệ vẫn đầy vơi
Gian truân quá nửa cuộc đời
biển dâu.
Nhìn em chẳng dám nhìn lâu
Vì tim ta cũng bắt đầu
nhói đau.
Tìm ra người cũ mà “chẳng
dám nhìn lâu” thì khác nào là một cái “ngoảnh mặt”. Cái “ngoảnh mặt” này sao
lại “nhói đau”. Vì sao? Hiện thực của “biển dâu” quá nửa cuộc đời, ta
không ngờ tới nay đã trước mặt. Giọt nước mắt rơi xuống lòng ta mềm đi… Thôi
thì đành “lẫn tránh”. Trốn đi đâu cho thoát cõi đọa đày? Không trốn được thì
trút vào trời:
Nhiều khi anh giận trời
cao
Sinh ra em để người trao
muộn phiền.
Một Thủy Lâm Synh “giận trời
cao“. Một Duyên Anh “thản nhiên ngước mặt ngạo trời“. Một Nguyễn Thành Kim cuồng
ngông trong “Hậu hồ trường”:
Chẳng muốn ra đi làm kẻ sĩ
Nhưng đời bắt buộc phải cuồng
ngông.
Một thảm cỏ “cuồng giận”
trải xuống, mấy “con ma cũ”: Cao Bá Quát, Tú Xương, Nguyễn Khuyến, Nguyễn
Công Trứ, Vũ Mộng Long (Duyên Anh)… mời mấy con “ma mới” Thủy Lâm Synh, Nguyễn
Thành Kim… an tọa rồi “dần” một trận cho bớt tội… bắt chước… ngông cuồng vì nợ
bút nghiên bất thành. Thủy Lâm Synh bày tỏ:
Trót mang chút nợ bút
nghiên
Một dòng thơ vụng từ miền
xa xôi.
Gặp nhau không nói nên lời
Dấu chấm sau “chút hương
thời xa xưa” của Synh vừa gởi theo những “khu chính như Phạm hồng Thái với
nhà in Bác Ái, Quang Trung với phòng thông tin, Hai chùa với rạp Tân Tân và
bên kia quán Lise, Chiều tím… Rồi không mấy chốc đến điểm hội tụ của ba đường
Độc Lập, Trần Qúy Cáp… đường Phương Cài… Độc Lập, Yersin và Gia Long từ dưới
ngã 7 nhà thờ Núi đâm lên… Chùa Phật Học…, Võ Tánh, Huyền Trân…, Thánh Tâm,
Kim Yến còn có Âu Cơ, Vinh Sơn, Đăng Khoa, Bá Ninh, Trí Dũng… Bồ Đề. Đó là
chưa nói đến trường Tây (Collège Franscais), trường Đại học Duyên Hải, trường
nhà dòng Thiên Chúa giáo Thần học viện…” (“Một trời một biển” – Nguyễn Tấn
Hưng). Về Nha Trang mà lần tìm những cái tên trên chắc… mù đôi mắt! Tên cũ
còn mà người xưa, chốn cũ ở đâu? Em đã đổi tên? Em thay họ? Buồn thay! Thủy
Lâm Synh mang chữ buồn này lén bỏ vào “Chiều thu” 16 câu thể 6/8:
Một mình đứng tựa chiều
nghiêng
Nghe trăm năm nguyện về
bên lỡ làng.
Mai này hạt bụi sang ngang
Bên sông còn động sương
hàn lẻ loi.
Dáng “chiều nghiêng” ôi
chao như “giáng ngọc”. Người ta muốn vững thì tựa vào một cái gì vững chắc mới
không đổ. Đứng “một mình” đã ôm chữ “cô đơn” mà tựa vào cái buổi chiều: Chiều
đổ bóng, chiều tím. Chiều nhớ thương ai? Sao mà giống căn nhà trống “bốn vách
xiêu” của Xuân Diệu, hắc xì một cái là đổ nhào còn đâu mà trăm năm với nghìn
năm “thề nguyện về bên lỡ làng”? Bức tranh với hình tượng dáng “chiều
nghiêng” mơ hồ đối với “hạt bụi” tí ti cũng mơ hồ, thêm một mình “cô đơn” cộng
vào sự “lỡ làng” gắn với “sương hàn lẻ loi” cũng mơ hồ làm cho cái hẹn “trăm
năm” đưa “hạt bụi sang ngang” cũng tan vào sương, mất tuốt! Còn lại là cái “chiều
thu” của người cảm ở lại bên đời cũng xế chiều! Hết! Lâm Synh cũng chưa
chịu hết lại rơi rớt một “Tiếng thở”:
Ta ngồi lá rớt trên vai
Công viên ghế lạnh hình
hài càn khôn.
Thở đi từng hạt bụi hồng
Vết lăn tuế nguyệt mênh
mông đất trời.
Một “tiếng thở” cũng lắm bụi
trần. Đất trời (càn khôn) thu vào trong tiếng thở. Phì một cái lại… văng ra “mênh
mông đất trời”. Không thuộc loại “gàn” thơ thì sao chẳng ngán ông trời
“giáng” cho một búa! Thiệt ra “càn, khôn” là quẻ bói trong kinh dịch mà Cao
Biền thời xưa của Trung Quốc chuyên bấm quẻ này (Càn, Khôn, Ly, Cấn) để tìm
huyệt đế, vương mà trù ẻo dân tộc ta. Càn Khôn của Synh được xem như một sự
trần trụi, một sự vứt bỏ hết để mà “Tĩnh” mà “Thiền”. Có “tĩnh” được không?
Bài “Từ khi trở lại” của Synh vì hai chữ “biển dâu” cuộc đời mà đau. Thế là
tích “Thương hải biến vi tang điền” của người xưa trở thành biểu tượng
chung của “mới sớm đã chiều”, nháy mắt, biển trời chỉ còn là ruộng dâu. Thủy
Lâm Synh kết lại “Tiếng thở”:
Vàng thu lá đổ muôn nơi
Cành trơ vuốt mặt cho thời
gian trôi
Choàng trăng đi dạo một hồi
“Cành trơ vuốt mặt” của
Synh giống “con bọ ngựa chống kiếm” của Duyên Anh. Nó chả đả động đến con người
nhưng làm con người chợt bình tỉnh. Chàng Synh “thiền” để mà “tĩnh” đến nỗi
thấy cả “cành trơ” cục cựa “vuốt mặt“. Tức tâm nhập vào cảnh trời đất rồi còn
gì? Sao không chịu “tĩnh” tiếp cho “cành trơ” xuống tí nữa… “vuốt râu”? Khiếp
quá! “Con bọ ngựa chống kiếm” của Duyên Anh lập tức chìm vào “mơ màng” rồi…
thăng luôn! Dè đâu, Thủy Lâm Synh này ngông, bắt chước Lý Bạch lôi trăng (choàng
trăng) đi dạo như bạn bè. Lý Bạch ôm trăng… vật xuống sông bơi để… uống nước
sông thay vì uống rượu, tắc thở. Thủy Lâm Synh có chữ “Thủy” chống chèo nên
thoát kiếp ma sặc nước bên hồ! Hú vía, anh chàng lỡ tay đánh rớt: “Vài dòng
thơ vụng chợt rơi xuống hồ”, ngông tập hai tới nơi !
“Cành trơ vuốt mặt” của
Synh và đụng “vuốt mặt” khác của Phan Tưởng Niệm. Một cái tên nghe qua đã thấy
“phút mặc niệm” rợn người, còn đầu bài thơ lại là “Vuốt mặt” nữa thì y như…
“vuốt mắt”:
Ta vuốt mặt nhìn đời
Ta thấy đời đen thẩm
Ta ngước mặt nhìn em
|
Nhạc phẩm Kiếp Người - Nhạc Tổng Hợp - Tu Viện Quảng Đức
Nhạc phẩm Kiếp Người
Nhạc của Thủy Lâm Synh
Trình bày: Ca Sĩ Lan Phương
Mừng ngày
Đản Sanh
Nhạc Thủy Lâm Synh - Ca sĩ Thùy Dương
Nhớ Mẹ
mùa Vu Lan
Nhạc Thủy Lâm Synh - Ca sĩ Trường Hải, Karaoke
Trường Sa hành khúc
Nhạc: Thủy Lâm Synh - Ca sĩ: Thanh Sử
Hòa âm: NS Nguyễn Duy - Video: Tấn Uyên
Nhạc: Thủy Lâm Synh - Ca sĩ: Thanh Sử
Hòa âm: NS Nguyễn Duy - Video: Tấn Uyên
Ôn lại cuộc
tình
Nhạc Thủy Lâm Synh, ca sĩ Triệu Lộc,
Hòa âm NS Nguyễn Duy, Karaoke by NS
Quốc Anh
Miền Trung quê em
Nhạc
Thủy Lâm Synh, Ca sĩ Bảo Yến
Sáng tác sau trận bão lụt miền Trung Việt
Nam
Mùa đông năm 2009
Khung cửa mùa xuân
Nhạc Thủy Lâm Synh - Karaoke - Ca sĩ: Triêu Lộc,
Diệu Hiền - Hòa âm: NS Nguyễn Duy, Video NS: Quốc Anh
Nhớ chi lạ Huế ơi
Nhạc Thủy Lâm Synh, Ca sĩ Thanh Mãi, Karaoke
Ngàn trùng cách xa
Nhạc: Thủy Lâm Synh – Thơ: Tấn Xuân
Ca sĩ: Tâm Thư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét