Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Huyền thoại của những làng quê Việt

Huyền thoại của những làng quê Việt
 “Trống làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”. Câu này từ ngàn xưa truyền lại đã gợi cho ta những suy ngẫm về cộng đồng dân cư làng xã với những tập tục mang đậm dấu ấn văn hóa của cái thời sản xuất tiểu nông. Tuy  nhiên, việc mỗi làng xây dựng một  ngôi miếu tôn thờ một vị thánh là thần tượng của họ không ngoài mục đích giáo dục các thế hệ noi gương người đi trước, giữ gìn những giá trị truyền thống, thuần phong mỹ tục và lệ làng. Người được thờ phụng ấy là thành hoàng làng. Thành hoàng làng có khi là người thực, người có công truyền nghề, tạo lập nên làng nghề truyền thống, có khi là vị tướng lĩnh của triều đình sau khi thắng giặc trở về lập ấp, vận động dân chúng mở mang phát triển việc canh nông chăn tằm dệt lụa, có khi chẳng là con người cụ thể nào mà chỉ là nhân vật huyền thoại trong  những câu chuyện truyền miệng, truyền đời.
   Một thị trấn nhỏ nọ có lịch sử hình thành và phát triển chưa lâu. Cánh nông dân chín người mười làng năm này qua tháng khác tụ tập cư ngụ hai bên đường hình thành một lớp cư dân phố thị mưu sinh bằng nghề dịch vụ và buôn bán. Có một ngôi đền ở cạnh đường để người dân quanh năm hương khói. Ngôi miếu có tự bao giờ không ai biết. Khi ngôi miếu xuống cấp, dân chúng hò nhau trùng tu tôn tạo, nâng cấp bằng tiền công đức quyên góp từ   những người dân địa phương. Có vị chức sắc ngành văn hóa định tìm hiểu xem ở đây có sắc phong không thì mới biết rằng không thể có! Đơn giản vì ngôi miếu thờ một con hổ mà người dân gọi là Ông. Miếu Ông Hổ. Tương truyền ngày xưa có một ông lão sống độc thân chuyên nghề cất vó bè ở con sông chảy qua nơi này. Ông cụ dựng một cái lều mé bờ sông, đêm ngày ở đó cất vó, sớm mai đem cá ra chợ bán . Nhiều đêm ông  thường thức trắng theo con nước lên xuống. Chẳng có ai bầu bạn ngoài chiếc điếu cày. Tiếng điếu cày rít sòng sọc rót vào đêm thanh vắng.Ánh đèn dầu tù mù vặn nhỏ đủ  soi rõ chỗ ông lão ngồi. Một đêm nọ, sau khi rít hơi thuốc lào rõ dài, khoan khoái ngửa cổ lên trời nhả khói, ông lão bỗng rùng mình sởn gai ốc bởi bất chợt trước mặt ngồi lù lù một con hổ với đôi mắt sáng quắc. Ông lão nghĩ, phải rít hơi thuốc nữa cho thật đã, rồi chết cũng cam lòng.Trái với dự đoán, mỗi khi ông lão nhả khói thì con hổ lại liếm mép rồi hít hít cái mũi vẻ khoái trá. Và nó cứ nằm phục bên ông tới sáng mà hít hơi thuốc lào. Từ đó, ông lão đi đâu con hổ theo tới đó. Ông lão nuôi nấng vuốt ve thương yêu con hổ như người thân trong nhà. Cũng từ đó, bọn trộm không dám dòm ngó bén mảng đến nhà ông. Con vật trông dễ sợ, nhưng  hiền  như con mèo, không hề bắt gà lợn nhà ai. Thời gian cứ bình lặng trôi đi cho đến một hôm ông lão muốn thử thách lòng trung thành đối với chủ của con vật. Một buổi tối, ông giả vờ có việc phải đi xa dặn hổ canh giữ giỏ cá ở trong lều rồi hóa trang thành kẻ gian chui vào trộm cá, bởi nghĩ rằng hổ cũng giống như chó, khi tiến sát lại gần ông ắt sẽ hít hơi mà nhận ra chủ. Không ngờ vừa mới chui vào lều ông đã bị con hổ nhảy bổ tới vả vào má, móng vuốt cào nát khuôn mặt gầy guộc già nua, máu chảy lênh láng. Khi hổ biết đấy là chủ thì bỏ chạy thục mạng, không rõ ẩn náu nơi đâu. Dân làng làm ma chôn cất ông lão trên cái gò cạnh đường và  đêm đêm người ta thấy con hổ vẫn về nằm phục bên nấm mồ ông lão. Ít lâu sau thì thấy nó cứ nằm lỳ mãi đó không chịu đi. Có người bạo gan tới gần  mới biết hổ đã chết  cứng và cũng chôn nó luôn tại đấy.Từ đó người dân qua đường ai cũng ghé vào thắp cho ông lão và con hổ nén nhang hoặc quen tay nhặt viên đá hòn đất đặt lên để cầu mong người quá cố và con hổ phù hộ cho được may mắn, thành ra ngôi mộ mỗi ngày một to. Sau này ngôi miếu mọc lên ở đấy mang tên là miếu Ông Hổ.
Câu chuyện này nhắc nhở các thế hệ rằng khi không am tường chính xác thì đừng có  phiêu lưu. Lòng tin đã được củng cố rồi thì phải giữ gìn, không nên thử thách. Khi đã có sức mạnh, nếu không sáng suốt cân nhắc trước những sự kiện, tình huống mà nóng vội hành động thì rất có thể việc làm với dụng ý tốt lại gây hậu quả xấu, trái ý muốn, thậm chí là tai họa..
 Ở làng kề sát ngay cạnh miếu Ông Hổ có một ngôi đền mang cái tên rất lạ “Không học mà hay”. Dân làng truyền miệng nhau câu chuyện về một gia đình nọ có đôi vợ chồng, chồng câm vợ điếc, mướn người ở trông giữ con nhỏ thì lại là người mù. Ba kẻ bất hạnh sống chung dưới một mái nhà phải luôn dựa vào nhau để tồn tại nhận biết. Một đêm nọ, đứa trẻ đang ngủ với bố mẹ thì bỗng dưng biến mất. Cha mẹ đứa trẻ hô hoán khiến xóm giềng bừng tỉnh đốt đuốc bổ đi các ngả đường làng tìm bé. Trong lúc đó thì người đàn bà mù  bỗng nhảy tòm xuống ao mò được đứa trẻ lên, cứu sống. Đưa được đứa bé lên bờ thì bà lả đi và chết. Dân làng lập đền thờ người “Không học mà hay” bởi họ lý lẽ rằng cái “tâm” cái “đức” sáng đã làm cho cái “trí” sáng, mặc dù không có đôi mắt sáng.
Mỗi làng quê, mỗi nơi thờ phụng thành hoàng lại có một sự tích, một huyền thoại, một câu chuyện truyền đời. Thành hoàng làng trở thành nhân vật linh thiêng được người làng tôn kính ngưỡng mộ . Cả làng kiêng gọi tên Thành Hoàng, vật dụng trùng tên  ngài cũng được gọi thành tên khác. Trẻ con vô tình gọi tên thánh lập tức bị cha mẹ quở trách, chấn chỉnh. Đặt tên con cái trùng tên thành hoàng làng phải cấm kị, không để xảy ra.
 Cái hồn cốt còn lại của mỗi làng quê Việt vào cái thời đô thị hóa chóng mặt này có lẽ là những ngôi miếu ngôi đền thờ các vị thành hoàng. Người dân quê một tháng đôi tuần lên miếu lên chùa thắp nhang khấn vái cầu mong cuộc sống yên lành làm ăn tấn tới cũng đã thành nếp. Dẫu cuộc sống hiện đại với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xây dựng làng văn hóa… thì dâu ấn tâm linh trong mỗi nơi thờ phụng thành hoàng làng vẫn luôn nhắc nhở các thế hệ trong các dòng họ, trong cộng đồng làng xã phải luôn gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.
Vũ Quốc Túy
Theo http://trannhuong.net/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...