Thứ Năm, 12 tháng 5, 2016

Xuân, hạ, thu, đông và hệ ký hiệu mùa trong “Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu

Xuân, hạ, thu, đông và hệ ký hiệu mùa trong 
“Thơ thơ” và “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu
Là hiện tượng nghệ thuật điển hình, gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới, người đã mang đến cho thi đàn dân tộc những năm ba mươi thế kỷ XX một nguồn cảm hứng yêu đời dào dạt, một luồng rung động mới mẻ trước tình yêu, một cái tôi giàu bản sắc và một nhịp sống hoàn toàn khác lạ, Xuân Diệu “say đắm cảnh trời” như thể “say đắm tình yêu”.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông là những quý ngữ và là đề tài muôn thuở của thơ. Cỏ cây hoa lá, sông nước sao trời… là đối tượng vĩnh hằng để ký thác tâm tư, là người bạn tâm giao, là nguồn cảm hứng bất tận của muôn đời thi sĩ. Song, cùng đứng trước khách thể thẩm mỹ là thiên nhiên ấy, mỗi trào lưu, khuynh hướng nghệ thuật sẽ có những cách thức cảm nhận khác nhau. Về lý thuyết, một “cái biểu đạt” có thể mở ra vô vàn “cái được biểu đạt” và ngược lại. Với thơ cổ điển, đó là sự hiện hữu của các môtíp “phong, vân, tuyết, nguyệt”, “mai, lan, cúc, trúc”…, những biểu tượng mang tính ước lệ của thi pháp trung đại. Sang phạm trù Thơ mới, vượt qua lối thác ngụ “thi dĩ ngôn chí” và tư thế trữ tình trang trọng với những “vọng”, “đăng”, “hoài”, “cảm”… của hệ hình truyền thống, đến với thiên nhiên, các nhà thơ đã tạo nên những bức tranh thơ sống động, hữu tình và đặc biệt là mang đậm màu sắc cá thể hoá. Mỗi bài thơ là một hoạ đồ nhiều màu gợi cảm, đồng thời cũng chính là thế giới tâm hồn riêng thể hiện khả năng cảm thụ, đồng hoá và tái hiện của từng nhà thơ (Tiếng trúc tuyệt vời, Tiếng sáo thiên thai – Thế Lữ; Mùa xuân chín, Tình quê – Hàn Mặc Tử; Tràng giang, Thu rừng – Huy Cận; Xuân về, Mùa xuân xanh – Nguyễn Bính v.v…)
Là hiện tượng nghệ thuật điển hình, gương mặt tiêu biểu nhất của phong trào Thơ mới, người đã mang đến cho thi đàn dân tộc những năm ba mươi thế kỷ XX một nguồn cảm hứng yêu đời dào dạt, một luồng rung động mới mẻ trước tình yêu, một cái tôi giàu bản sắc và một nhịp sống hoàn toàn khác lạ, Xuân Diệu “say đắm cảnh trời” như thể “say đắm tình yêu”. Tâm hồn đa cảm, mộng mơ của ông luôn đắm đuối, chan hoà giữa thiên nhiên tạo vật để tìm kiếm hương nhụy và thanh sắc trần gian: Đi giữa thiên nhiên để kiếm mình... Tiếng thơ đầu tiên của Xuân Diệu được cất lên từ luồng sáng và âm thanh huyền diệu của một đêm trăng: Một tối bầu trời đắm sắc mây/ Cây tìm nghiêng xuống nhánh hoa gầy/ Hoa nghiêng xuống cỏ, trong khi cỏ/ Nghiêng xuống làn rêu. Một tối đầy/ Những lời huyền bí toả lên trăng/ Những ý bao la rủ xuống trần…(Với bàn tay ấy). Hai bài thơ vào tập của Thơ thơ và Gửi hương cho gió đều bắt nguồn từ cảm hứng thiên nhiên: Là thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây…/ Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng/ Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời/ Trút ngàn năm trong một phút chơi vơi/ Ngắm phong cảnh giữa hai bờ lá cỏ… (Cảm xúc) và: Tôi là con chim đến từ núi lạ/ Ngửa cổ hát chơi … Tiếng to nhỏ chẳng xui chùm trái chín/ Khúc huy hoàng không giúp nở bông hoa…(Lời thơ vào tập Gửi hương). Nhiều bài thơ viết về thiên nhiên của Xuân Diệu hay vào hạng nhất nhì của Thơ mới (Nụ cười xuân, Hè, Đây mùa thu tới, Buồn trăng, Nguyệt cầm, Thu, Hoa đêm…). Những câu thơ viết về trăng, hoa, hương, gió, nắng, sương cũng độc đáo vào loại bậc nhất của Thơ mới: Huy hoàng trăng rộng nguy nga gió, Sương nương theo trăng ngừng lưng trời, Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì, Đã nghe rét mướt luồn trong gió, v.v và v.v. Trên nền cảm hứng chung của cả trào lưu, bằng tài nghệ, cá tính nghệ thuật riêng, Xuân Diệu đã tạo nên một hệ ký hiệu mùa nhiều sắc màu và ám gợi. Bởi lòng người có lúc vui, lúc buồn nên cảnh sắc đất trời trong thơ cũng hiện lên nhiều dáng vẻ. Kết hợp “kinh nghiệm thẩm mỹ” của thi ca truyền thống với ý thức duy tân mạnh mẽ, bức tranh bốn mùa trong thơ Xuân Diệu vừa giàu tính hoạ, vừa chứa đựng nhiều cung bậc tâm trạng, có vui, có buồn nhưng bao giờ cũng đẹp và thơ mộng.
Xuân trước hết là bức màn thứ nhất trong bộ tứ bình bốn mùa, là khúc dạo đầu của nhịp điệu thiên nhiên. Đó vừa là không gian, vừa là thời gian để vòng tuần hoàn của sự sống tồn tại và sinh sôi. Thơ mới là tiếng nói của một thế hệ thi nhân trẻ tuổi và trẻ lòng. Điều đó cắt nghĩa vì sao các nhà thơ viết nhiều về mùa xuân. Sự đồng điệu giữa những luồng rung động rạo rực, trẻ trung trong tâm hồn với cảnh sắc đất trời “Tết đến xuân sang” căng tràn nhựa sống đã thăng hoa thành tiếng thơ. Thế Lữ viết Hồ xuân và thiếu nữ; Huy Cận - Hồn xuân, Xuân, Xuân ý;  Hàn Mặc Tử - Mùa xuân chín, Xuân đầu; Nguyễn Bính - Xuân về, Mùa xuân xanh… Chính sức sống mùa xuân đã làm tươi lại hồn thơ đầy ảo giác và ấn tượng của Hàn Mặc Tử bằng những hình ảnh vừa thực vừa gợi cảm: Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Bên giàn thiên lý bóng xuân sang… Ngay giữa chốn khá “mịt mờ” của lối thơ “đánh đố” Xuân Thu nhã tập, có lẽ người ta còn nhớ được hai câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh: Lẵng xuân – Bờ giữ. Trái xuân sa/ Đáy đĩa – Mùa đi. Nhịp hải hà… và cái sắc xuân, tình xuân đã trả lại sức sống và tiết điệu trẻ trung cho hồn thơ siêu thực Bích Khê: Hỡi lời ca man dại/ Điệu nhạc thở hơi rừng/ Đêm nay xuân đã lại/ Thuần tuý và tượng trưng… Đặc biệt là Xuân Diệu, cứ như thể ngẫu nhiên, từ cái tên cho đến cấu trúc tâm hồn đều gợi về sự kỳ diệu của mùa xuân. Dễ nhận thấy xuân trong thơ Xuân Diệu là một hình tượng nghệ thuật vừa tả thực, vừa biểu trưng. Ở cấp độ thứ nhất, trong hai tập thơ, có nhiều bài mô tả trực tiếp phong cảnh mùa xuân như Nụ cười xuân, Xuân đầu, Xuân rụng… Ở những bài thơ này, Xuân Diệu đã tạo được những bức tranh xuân tươi tắn màu sắc, rộn rã âm thanh, hài hoà, tình tứ như một nụ cười duyên:
Giữa vườn ánh ỏi tiếng chim vui
Thiếu nữ nhìn sương chói mặt trời
Sao buổi đầu xuân êm ái thế
Cánh hồng kết những nụ cười tươi
Ánh sáng ôm trùm những ngọn cao
Cây vàng rung nắng, lá xôn xao;
Gió thơm phơ phất bay vô ý
Đem đụng cành mai sát nhánh đào
(Nụ cười xuân)
Nhưng những bức tranh thơ kiểu này chiếm tỉ lệ rất ít ỏi trong thơ Xuân Diệu bởi nó không tiêu biểu cho lối viết của ông. Xuân Diệu, như ta đã biết, gần với bút pháp tượng trưng hơn lãng mạn nên cảnh vật trong thơ ông “cốt gợi” mà không “cốt tả”. Ngay cả khi ông vận dụng lối miêu tả thì phần biểu hiện vẫn lấn lướt và người đọc khó lòng định vị được ranh giới giữa thực và ảo, giữa không gian ngoại giới và không gian tâm tưởng:
Trời xanh thế! hàng cây thơ biết mấy!
Vườn non sao! đường cỏ mộng bao nhiêu…
Tà áo mới cũng say mùi gió nước;
Rặng mi dài xao động ánh dương vui
(Xuân đầu)
Tơ liễu giong gần tơ liễu êm;
Bướm bay lại sánh bướm bay kèm…
Son sẻ trời như mười sáu tuổi;
Má hồng phơn phớt mắt long lanh
(Rạo rực)
Có thể coi những câu thơ trên là sự kết nối giữa “sắc xuân” với “tình xuân”, giúp Xuân Diệu đi xa, đi sâu hơn vào thế giới của “xuân lòng”, của “vạn vật nức xuân tâm”. Nhiều hơn cả trong thơ Xuân Diệu là những bài thơ có sự “khúc xạ” về ý tưởng, và xuân dường như đồng nghĩa với những tình cảm tươi trẻ của lòng người:
Xuân của đất trời nay mới đến;
Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi;
Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi
(Nguyên đán)
Mùa xuân thường song hành với sự bừng nở của cây lá, nhưng người thơ có lúc thay vì ngất ngây trước vẻ đẹp của mây gió cỏ hoa lại tự say mê vẻ “xinh tươi kỳ diệu” của chính tâm hồn mình. Sự “di chuyển điểm nhìn” này đã “mờ hoá” những tín hiệu báo mùa của thiên nhiên, khiến chúng trở nên không cần thiết:
Một ít nắng, vài ba sương mỏng thắm.
Mấy cành xanh, năm bảy sắc yêu yêu.
Thế là xuân. Tôi không hỏi chi nhiều
Xuân đã sẵn trong lòng tôi lai láng…
Bình minh quá, mỗi khi tình lại hứa,
Xuân ơi xuân vĩnh viễn giữa lòng ta…
Kể chi mùa, thời tiết, với niên hoa,
Tình không tuổi, và xuân không ngày tháng
(Xuân không mùa)
Rất nhiều bài thơ không nằm trong phạm vi đề tài và không trực tiếp viết cảnh sắc ngày xuân nhưng vẫn thấp thoáng vẻ đẹp và sức sống mùa xuân. Trường liên tưởng xung quanh ký hiệu xuân được mở ra nhiều chiều nhưng ấn tượng hơn cả là sự đồng điệu giữa mùa xuân với những rung động mới mẻ của tình yêu đầu đời:
Hoa thứ nhất có một mùi trinh bạch,
Xuân đầu mùa trong sạch vẻ ban sơ.
Hương mới thắm bền ghi như thiết thạch;
Sương nguyên tiêu trời đất cũng chung mờ.
(Tình thứ nhất)
Thơ Xuân Diệu vốn đã nồng, viết về xuân, giọng điệu thơ càng trở nên tha thiết, đắm say với những: “nhan sắc ơi”, “bình minh quá”, “xuân ơi xuân”,… Khát vọng tình yêu và nguồn cảm xúc trẻ trung, sôi nổi đã chi phối đến cách thức tạo dựng hình ảnh thơ. Qua lăng kính lứa đôi, chủ thể trữ tình là nam – người phát ngôn – trong thơ Xuân Diệu luôn cảm nhận sắc hương mùa xuân từ góc độ của bản tính nữ. Chỉ có Xuân Diệu, bằng đôi mắt “xanh non”, đa tình mới có thể nhìn thấy nét gợi tình lạ lùng từ một phạm trù vô hình vô ảnh là thời gian:
“Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”
(Vội vàng)
Cách viết đó của Xuân Diệu, dù ít dù nhiều đã chứa đựng sắc thái nhục cảm. Vì vậy, khác với một số nhà thơ thường lấy màu xanh như một “mã” ước lệ để ví mùa xuân – xa xưa là đại thi hào Nguyễn Du: Cỏ non xanh rợn chân trời; cùng thời là Nguyễn Bính: Mùa xuân là cả một màu xanh, Hàn Mặc Tử: Sóng cỏ xanh tươi gợi tới trời… Xuân trong thơ Xuân Diệu lại được ký hiệu bởi màu hồng – một tông màu ấm và có sức gợi cảm giác nhục thể hơn.
Trời reo nắng thì chim reo tiếng sáng!
Xuân có hồng thì tôi có tình tôi
(Tặng thơ)
Là nhà thơ mang nỗi đau và luyến tiếc đến từng giọt thời gian. Xuân trong thơ Xuân Diệu, vì vậy, là tình yêu tuổi trẻ, là “phần ngon nhất” của cuộc đời và đầy sức quyến rũ nhưng lại vô cùng ngắn ngủi. Cảm thức về sự hữu hạn của đời người, sự sớm tàn mau tạ của tuổi thanh xuân khiến tư thế trữ tình của nhà thơ chưa bao giờ bình thản. “Vội vàng”, “giục giã”, “mau đi thôi”, “gấp đi em”… là những lựa chọn tiêu biểu cho hành động sống của nhà thơ. Xuất phát từ nguồn cảm xúc mãnh liệt, dâng trào này, Xuân Diệu đã viết nên nhiều câu thơ mang đậm tính triết lý. Xuân của đất trời vận động theo nhịp điệu tuần hoàn của vũ trụ, của thời gian tự nhiên, xuân của đời người là một đi không trở lại:
Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật,
Không cho dài thời trẻ của nhân gian;
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại,
Còn trời đất, nhưng chẳng còn tôi mãi,
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời
(Vội vàng)
Trong niềm say mê bồng bột và khát khao chiếm lĩnh hoa thơm mật ngọt của đời sống trần thế, nhà thơ như đã ôm trọn được cả thực thể xuân vào lòng. Sự độc đáo của thế giới thơ Xuân Diệu thường được mở ra bằng những khả năng liên tưởng dồi dào, mới mẻ. Chung qui là nhằm diễn tả đến tận cùng tình yêu cuộc sống và khát vọng ái ân:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn.
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng,
Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,
Cho no nê thanh sắc của thời tươi;
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng)
Cả mặt đất và bầu trời bát ngát trong Thơ thơ và Gửi hương cho gió dường như thuộc về tuổi trẻ và chỉ dành cho những người đang yêu. Một không gian trẻ trung với những cô gái mười tám đôi mươi “má hồng phơn phớt mắt long lanh”, những chàng trai “đương sức lực tươi xanh”, với những lời “mời yêu” tha thiết và tình tứ: Mở miệng vàng và hãy nói yêu tôi; Hãy làm dáng điệu xuân ôm ấp/ Ánh sáng ban từ một nét tay…Có thể nói, Xuân Diệu đã chăm chút tỉ mỉ đến từng chi tiết, đã tự tay sắp đặt khu vườn trần thế để nó thực sự là “bình chứa muôn hương của tuổi trẻ”, để khi bước chân vào đó, người người đều có cảm tưởng như được “du ngoạn trong xứ yêu mến” và thầm ao ước được mãi mãi “hoài xuân”…
Là sự tiếp nối mùa xuân, song, đọc Thơ thơ và Gửi hương cho gió, rất dễ nhận thấy những bài thơ viết về mùa hạ là quá ít so với thơ mang chủ đề xuân. Điều này được dễ dàng cắt nghĩa bởi chính những phát ngôn của một nhà thơ luôn mang ước nguyện đem lòng mình “ràng rịt với xuân tươi”, sống đến tận cùng “thức nhọn giác quan” và quyến luyến vô bờ đời sống thế gian: Ta ôm bó, cánh tay ta làm rắn/ Làm dây đa quấn quít cả mình xuân/ Không muốn đi, mãi mãi ở vườn trần/ Chân hoá rễ để hút mùa dưới đất (Thanh niên). Tuy nhiên, chỉ một bài Hè, Xuân Diệu đã vượt qua nhiều người vì đã dựng nên một khung trời mùa hạ lồng lộng nắng gió, như đốt như thiêu:
Chỉ còn lại của mùa xuân quá vãng
Một chút hương vương vấn bụi hồng tàn.
Gió thêm nóng, ngày dài thêm ánh sáng
Ve thêm sầu – em cũng kém dung nhan…
Tiếng gà gáy buồn nghe như máu ứa,
Chết không gian, khô héo cả hồn cao!
Thắm tuyệt vọng hai hàng bông phượng lửa;
Thê lương đời như trải mấy binh đao
(Hè)
Không khí những ngày hạ cháy của xứ “nhiệt đới buồn” được mở ra bằng sự chuyển đổi giữa cái được nhìn thấy và cái cảm thấy, giữa âm thanh sang hình ảnh: gió nóng, ngày dài, ve sầu, nắng hồng nung, mây bạc chảy ngân nga… Nhưng ký hiệu nổi bật nhất vẫn thuộc về những “bông phượng lửa”. Bài thơ ra đời tại Mỹ Tho năm 1940 và cái chói gắt cùng cực của đất trời vùng cực nam Tổ quốc là một “phân mảnh” của tâm hồn Xuân Diệu ở vào thời điểm có nhiều bế tắc. Nói cách khác, thiên nhiên hiện lên không phải ở sự mô tả mà bằng giao cảm. Sau này, nhìn lại cái “atmosphère” nặng nề của một số câu thơ, Xuân Diệu nhận thấy mình đã “không công bằng khi nói về mùa hè”. Ở vài bài thơ khác, ngoại cảnh trở nên mơ màng bởi nội tâm nhà thơ đã có phần nhẹ nhõm, thanh thản hơn. Dẫu sự mênh mông của đất trời và nỗi lòng của thi nhân vẫn có chung một tiết điệu nhớ thương, buồn bã:
Muôn ngàn thương nhớ tới bên tôi,
Tôi tới bên cây lẳng lặng ngồi.
Ánh sáng vấn vương chiều uể oải,
Sắc hè bông phượng rớt từng đôi.
Sắc hạ rung rinh bốn phía hè…
Hồn ai hiu hắt lá xanh tre?
Dịu dàng như có, như không có,
Biển ở xa xăm gửi gió về
(Nhớ mông lung)
Hình ảnh hoa phượng là gam màu chủ đạo, một điểm nhấn trở đi trở lại trong thơ ông: Ôi! Phượng bao giờ lại nở hoa! Đó không chỉ là một góc cảm xúc, một phần ký ức, hoài niệm mà còn là một tín hiệu nổi bật trong thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu. Tuy nhiên, trước 1945, nhà thơ chưa diễn tả được cái “khoẻ đẹp”, chất men nồng say, cực lạc của ngày hè. Trái lại, từ cành hoa, khóm cỏ, đến con bướm ngu ngơ… mọi vật như đang hấp hối, đang tự huỷ diệt “trong lòng nắng đỏ”, để mặc “lòng tàn thiêu huỷ cả hư vô”.
Xuân Diệu đã có lần bộc bạch: “Với lòng tôi, trời đất chỉ có hai mùa Xuân và Thu, hai mùa đặc biệt ý nhị, hai mùa có bình minh… Xuân với Thu là hai bình minh trong một năm, sự thay đổi hệ trọng nhất trong tâm hồn. Và bởi vậy, Thu cũng là một mùa xuân” (Thu – Trường ca). Nói vậy là để bày tỏ ước muốn “trẻ mãi không già”, “quyết trẻ trai” của Xuân Diệu. Thực tế sáng tác lại cho thấy giữa hai mùa “đặc biệt ý nhị”, “hai bình minh của một năm” đã là sự hiện diện của “mùa hạ cháy” . Thêm nữa, trạng thái cảm xúc của nhà thơ trước Xuân và Thu cũng có nhiều khác biệt. Đất trời có Xuân và Thu ví như đời khi vui, khi buồn. Các nhà Thơ mới nặng nỗi buồn, nhẹ niềm vui nên dù có say sưa với mùa xuân thì cuối cùng vẫn trở về với mùa thu và coi đó là chốn nương náu của tâm hồn mình. Trong cái hơi thu man mác sầu với nắng lá vàng, gió heo may, những tâm hồn lãng mạn dường như dễ tìm thấy sự cộng cảm hơn các mùa khác. Cũng có thể Xuân Diệu chịu ảnh hưởng của thơ ca nước ngoài… Nhưng rõ ràng, từ những mùa thu đi qua những áng thơ của Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà… đến các nhà Thơ mới, mùa thu càng trở nên gợi cảm hơn với Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Thu rừng của Huy Cận, Thu của Chế Lan Viên, Đây mùa thu tới, Thu, Ý thu… của Xuân Diệu.
Viết về Thu là cả một sự thách thức bởi Đông, Tây, kim, cổ đã có nhiều thi phẩm tuyệt tác. Riêng với Xuân Diệu, so với thơ xuân, thơ viết về mùa thu của ông tài hoa, đúc đọng và gần gũi với trữ tình truyền thống hơn. Tựa lưng vào hoa lá cỏ cây và “hàng ngàn năm thương nhớ”, trước một nguồn cảm hứng vừa “rất cổ truyền”, vừa “cũng rất moderne” (chữ dùng của chính nhà thơ), Xuân Diệu đã sáng tạo thêm một mạch trầm cảm xúc, bên cạnh giọng điệu trẻ trung, sôi nổi của mảng thơ xuân. Có thể sự cảm nhận thiên nhiên và cách nói năng đã khác xưa nhiều, nhưng hệ thống hình ảnh, đặc biệt là cái hồn cốt của thơ vẫn in đậm bản sắc dân tộc và dấu ấn Đông phương:
Nõn nà sương ngọc quanh thềm đậu.
Nắng nhỏ bâng khuâng chiều lỡ thì,
Hư vô bóng khói trên đầu hạnh;
Cành biếc run run chân ý nhi…
Bên cửa ngừng kim thêu bức gấm,
Hây hây thục nữ mắt như thuyền
(Thu)
Bảng ký hiệu sắc màu từ hạ sang thu của thơ Xuân Diệu thay đổi từ đỏ sang vàng – một gam màu đặc trưng nhất mang phong vị mùa thu và sâu xa hơn là nó chuyển tải nỗi tâm sầu của thi nhân. Không còn cảnh sắc muôn vật sinh sôi, cây lá đâm chồi nẩy lộc của tiết xuân, cũng đã qua những ngày hè chói chang như đốt cháy tâm tư con người, sang thu là bước vào miền phai nhạt, héo tàn. Một lần nữa, thiên nhiên lại có sự thay thế, “biến hình” ký hiệu để tạo hiệu ứng thẩm mỹ. Từ một rặng liễu rũ buồn:
Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang,
Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng
(Đây mùa thu tới)
đến một làn gió, một áng mây, một cơn mưa… đều mang gương mặt và tâm trạng buồn muôn đời, buồn vô cớ của thi nhân:
Gió thầm, mây lặng, dáng thu xa.
Mới tạnh mưa trưa, chiều đã tà
Buồn ở sông xanh nghe đã lại,
Mơ hồ trong một tiếng chim qua
(Thu)
Cả sắc thu, ý thu và tình thu trong Thơ thơ, và Gửi hương cho gió đều không ra ngoài quĩ đạo của thơ truyền thống nói chung và thơ lãng mạn Việt Nam 1932-1945 nói riêng. Dù đậm nhạt khác nhau, sắc thu trong thơ Xuân Diệu vẫn bàng bạc một màu vàng quen thuộc. Đó có thể là cái nhìn viễn cảnh với không gian thu được bao phủ bởi “màu áo mơ phai dệt lá vàng”, hoặc cận cảnh với một gam màu tưởng tượng khi “hoa đã rụng cành” và cây vườn mang “sắc đỏ rũa màu xanh” ít nhiều gợi nhớ dáng dấp Tây phương. Cũng có thể đó là sắc vàng rực rỡ của hoa cúc cùng màu áo nho sinh trong ngày “vinh qui bái tổ” như một “giấc mơ vàng” của tâm thức Việt:
Gió thu hoa cúc vàng lưng giậu,
Sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên
(Thu)
Nhiều hình ảnh, đường nét phảng phất phong vị Đường thi và những bức tranh thuỷ mặc Trung Hoa:
Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh…
Non xa khởi sự nhạt sương mờ…
(Đây mùa thu tới)
Song, viết về mùa thu, Xuân Diệu không chịu dừng lại ở những ấn tượng thị giác mà với độ tinh nhạy trực giác, ông đã hoá thân vào thiên nhiên để cùng với cỏ cây hoa lá cảm nhận sự thay đổi của tiết trời vào mùa giao chuyển. Bằng cách ấy, ông đã tạo nên những hình ảnh đồng cảm tinh tế:
Đã nghe rét mướt luồn trong gió…
Đã vắng người sang những chuyến đò
(Đây mùa thu tới)
Có nghĩa là cái sắc thu không chỉ ở những gì nhìn thấy mà còn vương vấn bởi những mơ hồ, phảng phất:
Thu gồm xa vắng tự muôn đời,
Sương nương theo trăng ngừng lưng trời
Tương tư nâng lòng lên chơi vơi…
(Như hồ)
Tất cả tạo nên sắc thu óng ánh trải lên ngoại cảnh và cái tình thu, ý thu theo đó len sâu vào tâm hồn:
Những chút hồn buồn, trong lá rụng
Bị nhàu ai tưởng dưới trăm chân.
Bông hoa rứt cánh, rơi không tiếng;
Chẳng hái mà hoa cũng hết dần.
Dưới gốc, nào đâu thấy xác ve,
Thế mà ve đã tắt theo hè…
(Ý thu)
Nếu coi thiên nhiên là một đối tượng “vật thể” không thể thiếu cho quá trình tìm kiếm nguồn liên tưởng “phi vật thể” của tư duy thơ thì có thể nói rằng Xuân Diệu đặc biệt tài hoa về phương diện này. Nhà thơ đã ban phát cho thiên nhiên từng “mảnh cảm giác”, từng thoáng run rẩy nội tâm và ngược lại từ thực thể thiên nhiên, ông đã tạo nên vô vàn những ẩn dụ, biểu tượng độc đáo. Từ những gì rất mơ hồ của “gió thầm”, “mây lặng”, “mưa trưa”, “chiều tà”… Xuân Diệu bất ngờ tạo nên hình ảnh “dáng thu xa”, “chiều lỡ thì”… với nhiều ám gợi. Đôi khi chỉ bằng vài đường tơ “nhân tạo”, nhà thơ đã diễn tả tài tình sự yên tĩnh vô cùng của một buổi chiều thu. Điệu lòng của thi nhân trở nên nhịp nhàng với cảnh vật. Không gian, thanh sắc mùa thu đã được hữu hình hoá từ những vô hình:
Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt động hờ sẽ tiêu
Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều
Lòng không sao cả hiu hiu khẽ buồn
(Chiều)
Đành rằng từ xa xưa, mỗi ký hiệu, thông điệp nghệ thuật về mùa thu dường như đều chứa đựng nỗi buồn. Nhưng cái buồn trong thơ các bậc tài danh như Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Nguyễn Khuyến trầm mặc, điềm đạm đến dửng dưng: Nước biếc trong như tầng khói phủ/ Song thưa để mặc bóng trăng vào/ Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào?(Thu vịnh – Nguyễn Khuyến). Đến Xuân Diệu, cái buồn đã liên kết thành những luồng xao động, run rẩy, xôn xao, rợn ngợp trong tâm hồn và biểu hiện qua một chuỗi diễn ngôn “lạ lùng”:
Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời,
Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi…
Long lanh tiếng sỏi vang vang hận:
Trăng nhớ Tầm Dương, nhạc nhớ người…
(Nguyệt Cầm)
Chính vì lòng ông luôn khắc khoải âu lo trước cuộc đời xuân sắc đang dần bước vào độ phôi phai: Hoa nở để mà tàn/ Trăng tròn để mà khuyết/ Bèo hợp để chia tan/ Người gần để ly biệt/ Hoa thu không nắng cũng phai màu/ Trên mặt người kia in nét đau (Hoa nở để mà tàn) nên ông đã gửi gắm những tiếc nuối của mình vào sắc vàng úa tàn rơi rụng của hoa lá cỏ cây. Cùng với những giai điệu tâm hồn, cảm thức mùa của Xuân Diệu rõ ràng đã chi phối đến các cung bậc giọng điệu và tư thế trữ tình của thi nhân. Nếu cái tình xuân được cất lên bằng những lời thơ “vang động” đến “ầm ỹ” với những “ôm”, “bấu”, “riết”, “cắn” thì cái tình thu đã trở nên lặng lẽ, mong manh, nhiều khi đó là thứ “tình không nói”: Em bước điềm nhiên không vướng chân/ Anh đi lững đững chẳng theo gần/ Vô tâm – nhưng giữa bài thơ dịu/ Anh với em như một cặp vần (Thơ duyên); Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/ Tựa cửa nhìn xa, nghĩ ngợi gì…Có thể nói, trên nền cảm xúc truyền thống, kết hợp với nỗi lòng riêng và sự cảm nhận thẩm mỹ tinh tế, Xuân Diệu đã mang đến nhiều bức tranh thu thơ mộng, hài hoà màu sắc Đông – Tây, cổ - kim, dân tộc và hiện đại.
Mùa cuối của một năm: Đông, có tần số văn bản vô cùng ít ỏi trong hai tập thơ của Xuân Diệu. Điều này có thể cắt nghĩa bởi cái “tạng” của một nhà thơ rất sợ sự lạnh lẽo, thờ ơ và bóng tối. Tuy nhiên dù hiếm hoi và kỳ thực là thiếu những câu thơ đặc sắc thì mùa đông vẫn mang những phẩm tính đặc trưng và ý nghĩa thông điệp riêng. Ngoài một số câu thơ, mượn mô típ cổ điển là màu trắng tuyết đã trở thành công thức trong thi liệu Đông phương như:
Tuyết bay mùa đông trắng phơ tựa biển
(Mơ xưa)
hoặc:
Ta đứng đây vĩnh viễn giữa mùa đông,
Tuyết trên đầu vĩnh viễn choá từng không,
Trán vĩnh viễn nặng mang sầu trái đất
(Hy Mã Lạp Sơn)
thì ký hiệu sắc màu mùa đông trong thơ Xuân Diệu lại là màu xám – một gam màu dường như hiện đại hơn:
Không gian xám tưởng sắp tan thành lệ
(Tương tư, chiều)
Trong khung xám của mùa đông bằng sắt,
Gió qua rồi còn lưu lại tiếng ngân:
Cây bên đường, trụi lá, đứng tần ngần,
Khắp xương nhánh chuyển một luồng tê tái
(Tiếng gió)
Dù là màu trắng rợn của tuyết hay màu xám âm u đều nhằm biểu đạt nỗi lạnh lùng, tê tái của lòng người. Ngay ở những bài thơ thu, Xuân Diệu cũng đã cảm nhận được cái chớm lạnh đầu mùa: Đã nghe rét mướt luồn trong gió (Đây mùa thu tới), Gió lạnh đây rồi! Sắp nhớ nhung/ Sương the lảng đảng bạc cây tùng/ Từng nhà mở cửa tương tư nắng/ Sắp sửa lòng ta để lạnh lùng (Ngẩn ngơ)… Sang đông, sự lạnh lùng đã trở thành buốt giá. Là một hồn thơ nồng ấm, quyến luyến cõi đời, khát khao hoà hợp và thụ hưởng thanh sắc trần gian nhưng khi cái lạnh của ngày đông bao phủ, ông thấm thía hơn nỗi lẻ loi và sự thiếu vắng hơi ấm tình yêu:
Anh chỉ là con chim bơ vơ
Lạnh lùng bay giữa gió, sương, mưa
(Muộn màng)
Để gia tăng cái giá lạnh, không gian bầu trời mùa đông trong thơ Xuân Diệu thường đi kèm với mưa và gió. Đây có thể là những quan sát thực:
Những đêm đông giạt bước ở trên đường,
Gió khuya khoắt dậy cơn buồn lá úa:
Sao rải rác như lệ vàng đêm nhỏ,
Mưa lơ phơ như dạ khóc âm thầm!
(Yêu mến)
Song, với tư cách là một kiểu hình tượng trong “cấu trúc hệ” thiên nhiên, đông trong thơ Xuân Diệu còn có thêm lớp nghĩa ẩn dụ:
Cốt nhất là em chớ lạnh như đông,
Chớ thản nhiên bên một kẻ cháy lòng
(Phải nói)
Để bừng tia trong những mắt tê đông,
Và gợi nhịp khiến hồn lười phải thức
(Chỉ ở lòng ta)
Bao trùm lên mảng thơ viết về mùa đông trong thơ Xuân Diệu là sự lạnh lẽo, giá băng, cao hơn nữa là sự cô đơn, sầu tủi. Khi tự nâng mình lên ở một độ cao chót vót, vĩnh viễn giữa trời đông, làm bạn với tuyết băng, gửi xuống thế gian bức thông điệp lạnh lùng: Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất cũng chính là lúc Xuân Diệu thấm thía đến tận cùng nỗi cô đơn:
Hiu hắt nhẽ bốn phương trời vò võ
Lạnh lùng chăng sầu một đỉnh chon von…
Ta bỏ đời, mà đời cũng bỏ ta
Giữa vắng ngắt, giữa lạnh lùng thê tuyệt!
- “Cô đơn muôn lần, muôn thuở cô đơn”
(Hy Mã Lạp Sơn)
Từ xuân đến hạ, từ thu sang đông là cái vòng tuần hoàn tự nhiên của đất trời, trong thơ Xuân Diệu, đó đồng thời là cả một hệ ẩn dụ nghệ thuật độc đáo. Có thể chưa có gì mới khi Xuân Diệu ví sự luân chuyển bốn mùa của thiên nhiên như qui luận vận động của thời gian đời người từ trẻ đến già, từ vui sang buồn… Có khác chăng ở Xuân Diệu là khả năng “biểu diễn” cảm thức mùa qua cảm xúc và đặc biệt là cảm giác. Thiên nhiên bốn mùa trong thơ Xuân Diệu, vì vậy, vừa lưu giữ bản sắc truyền thống, vừa có nhiều cách tân mới lạ.  Xuân, hạ, thu, đông đã đi qua những trang thơ của Xuân Diệu với những ký hiệu sắc màu khác nhau: Xuân – hồng, hạ - đỏ, thu – vàng, đông – xám. Tương ứng với biểu đồ thời gian đó là những “mã” tâm trạng riêng không thể thay thế. Nếu mùa xuân, thời điểm mở đầu trong năm là biểu tượng non tơ của sự sống và tình yêu thì đến thu là bước vào độ phai tàn, héo úa. Nếu mùa hè, thế giới tâm tư của nhà thơ được đốt cháy tưởng sắp đến bờ thiêu huỷ thì mùa đông là những lạnh lùng tê tái của lòng người. Cảm thức mùa, cũng chính là sự kết tụ cảm hứng yêu đời và tư tưởng nhân sinh của nhà thơ. Cái được biểu đạt, rõ ràng, đã muôn lần phong phú hơn so với cái biểu đạt. Xuân, hạ, thu, đông không chỉ là những bức tranh thiên nhiên mà là chân dung tâm hồn, là tài năng và cá tính của một nhà thơ được đánh giá là tiêu biểu nhất, là số một của Phong trào thơ mới. Với Thơ thơ và Gửi hương cho gió, sau Thế Lữ, Xuân Diệu là người kế thừa xuất sắc, tái tạo nguồn sinh lực và đưa trào lưu thơ ca lãng mạn Việt Nam 1932-1945 đến thời hoàng kim, rực rỡ.
Hà Nội, 11/6/2014
Lý Hoài Thu

Theo http://vanhien.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...