Mặc dầu công việc làm ăn của
tôi rất bề bộn nhưng khi hai đứa con trai tôi rủ tôi đi câu cá, tôi vui vẻ đồng
ý ngay. Nơi đến là khu du lịch xanh Dzìn Ký, cách nhà tôi gần 20 cây số. Qua
những con đường đầy ngộp xe cộ. Lên dốc, băng qua sông bằng chiếc cầu bê tông
dài mấy trăm mét, gió thổi lên lồng lộng. Qua chiếc cầu ngắn sàn sắt gập ghềnh.
Chui qua chiếc cổng chắn ngang thanh sắt mới hay mình đến thị trấn Lái Thiêu.
Ranh giới tỉnh Bình Dương và Sài Gòn, bây giờ gọi là thành phố Hồ Chí Minh.
Đi thêm vài cây số nữa, vào con đường nhỏ hai bên là những khu vườn rậm rạp
những cây trái, những hàng cau cao vút, những bụi chuối xanh tàu lá, không
khí bắt đầu trong lành, mới đến khu du lịch xanh, nơi mà các con tôi thường
ngồi câu cá.
Vào cổng khu du lịch xanh
Dzìn Ký, chào mừng khách đến là một chiếc hồ nước nhỏ sừng sững hai hòn đá thẳng
đứng như hai tấm liểng khắc mấy dòng chữ kiểu thư pháp:
Làm sao em biết bia đau
không đau
Ngày sau sỏi đá cũng cần
có nhau
Tôi lẩm bẩm hát theo, từ
câu mở đầu bài Diễm Xưa:
Mưa vẫn mưa bay trên từng
tháp cổ…
Tôi vừa hát vừa lẻo đẻo
theo sau hai người con trai, bước từng bước trên con đường hẹp lát bằng những
viên đá nhỏ, quanh co, bước đi dọc theo chiếc cầu tre dẫn đến chiếc bè lớn
như một chiếc tàu đang cập bến. Một nhà hàng nổi. Đứa con trai đầu lòng nói
nhỏ:
- Tụi con thường câu cá
nơi đây. Tìm đến một cái bàn cận kề mép sông, ba ngồi chờ tụi con câu cá, được
con nào đưa nhà hàng họ làm cho một buổi ăn chiều.
Chúng nó bỏ tôi ngồi một
mình chơ vơ. Cả hai đều tìm chỗ thả câu.
Tôi chống cằm lên thành
lan can mắt nhìn đăm đăm chiếc phao nhỏ xíu màu trắng lờ đờ trên dòng nước
màu xám phập phòng chờ đợi chiếc phao nhúc nhích rồi chìm xuống và chiếc cần
câu cong lại, giật lên một con cá đang giẩy giụa mắc câu. Tôi cười thích chí.
Con trai tôi đã gần 40 tuổi đời cũng cười vui, đưa hai bàn tay thành thạo gỡ
lưỡi câu ra từ mép con cá vào chiếc lồng rọng xuống nước sông. Tôi tắc lưỡi
tiếc rẻ khi cá tuột lưỡi câu rớt xuống nước và hoảng hốt lội sâu xuống nước,
mất dạng. Con tôi cũng đập tay vào đùi kêu lên:
- Uổng quá!
Ngồi quá lâu cũng mỏi người.
Tôi đứng dậy, bỏ đi nơi khác. Như trên con tàu, sàn gỗ láng bóng, bước từng
bước một đi từ đầu đến cuối rồi từ cuối trở lên đầu. Cuối cùng đến đứng bên bờ
thành, nhìn dòng sông đang cuồn cuồn chảy. Và, giữa dòng cuốn theo những đám
lục bình, từng bè, mãi miết trôi dạt. Và, buổi chiều mặt trời đang lặng dần dần.
Gió thổi hiu hiu. Bỗng thấy buồn vu vơ. Bỗng thấy nhớ rất mơ hồ về một kỷ niệm
xa xưa. Bóng dáng người tình của 50 năm chập chờn trong trí não. Trên con phà
ở Bến Cần Thơ, giữa dòng sông Cửu Long, nước chảy xiết và đục ngầu màu phù
sa, gió thổi lồng lộng, đứng sát bên nhau, T. run rẩy, lấp bấp, ngạc nhiên
khi nhìn thấy những đám lục bình to lớn từ xa đổ về. Đám lục bình từ đâu trôi
giạt về hở anh? Tôi không biết trả lời ra sao mà tôi chỉ cảm thấy rờn rợn da
thịt cùng những linh cảm về những cuộc chia ly của những mối tình thơ dại
này. Tôi nắm lấy tay T. và bóp chặt như muốn níu lại một hạnh phúc sắp trôi
đi như đám lục bình trước mắt.
Giờ này, như đám lục bình,
người tình năm xưa trôi giạt về phương trời xa xăm nào. Và, nàng có khi nào
nhớ đến nỗi bàng hoàng thời tuổi trẻ lần đầu tiên nhìn đám lục bình trôi trên
giòng sông Cửu Long năm xưa? Như tôi, bây giờ.
Tiếng đàn ghi ta phát ra từ
cái loa đặt ngay trên đầu tôi thoảng thoảng vọng xuống. Từng tiếng, từng tiếng,
âm thanh giòn giả, khi nhỏ khi to, như những giọt mưa rớt vào tim tôi làm lạnh
tâm can. Rùng mình trong tích tắc. Tiếng đàn ghi ta của Vô Thường, người bạn
từ thời thơ ấu của tôi, trong những bản nhạc của Trịnh Công Sơn làm tôi xôn
xao, đưa tôi vào vùng kỷ niệm của một thời xưa cũ. Với Vô Thường. Với Trịnh
Công Sơn.
Mưa não nề những đêm lạnh
ướt mi:
Mưa xứ Huế. Dầm dề. Lạnh lẽo.
Não nuột. Tê tái. Nhất là đối với tôi, một kẻ xa nhà vừa mới bước chân lên đất
Thần kinh này, những đêm mưa dầm như thế buồn làm sao, nhớ làm sao đến Cha đến
Mẹ đến chị em, cùng bạn bè ở quê xa. Nhớ làm sao những con đường nhỏ rợp đầy
bóng cây và lá vàng rụng đầy. Lúc đó tôi là thằng con trai mới lớn, tâm hồn vừa
mới chớm yêu đương, hay rung động theo từng lời ca tiếng hát, nước mắt rưng
rưng chảy những đêm lạnh ướt mi. Nên đâu có gì lạ tôi đồng cảm ngay khi tình
cờ nghe được bài Ướt Mi của người nhạc sĩ còn xa lạ.
Năm 1960. Lần đầu tiên
trong đời tôi được mời đến dự một buổi tiệc cưới nên còn bở ngở, may mà cùng
đi với tôi có thêm Lữ Quỳnh. Cô dâu là cô bạn thân cùng quê với Lữ Quỳnh,
chàng rễ là người thầy giáo đã từng ở trọ nhà tôi nơi một thị trấn nhỏ bé. Em
gái của chàng rễ của chị Thu Vân (sau này là nhà thơ Trần Thy Nhã Ca, rồi nhà
văn Nhã Ca). Những ngày ra học ở Huế tôi vẫn thường đến chơi với chị Vân, xem
chị như chị Hồng Mận, chị ruột của tôi hơn tôi hai tuổi, cùng lứa và là bạn của
chị Vân, họ chưa giáp mặt nhau, chỉ thư từ qua lại. Trong căn nhà nhỏ, một
chiếc bàn dài, hai hàng ghế ngồi, đối diện nhau là những gương mặt trẻ, góp
vui bằng những tiếng hát. Người đầu tiên là Trịnh Quang Hà, nhỏ con như tôi,
vừa đánh đàn ghi ta vừa hát một bài mà tôi chưa từng nghe. Rất mới. Rất lạ.
Nhưng sao lời ca, tiếng nhạc có một sức hút kỳ lạ, bắn vào tâm hồn tôi đưa
tôi đến những đêm mưa lạnh, làm ướt mi tôi: Mưa lạnh lùng rơi rớt những đêm lạnh
ướt mi.
Trịnh Quang Hà phải hát lần
thứ hai theo yêu cầu của tôi. Hỏi chị Vân tôi mới biết tên tác giả là Trịnh
Công Sơn và Trịnh Quang Hà là người em của anh.
Sau đó tình cờ tôi nghe được
bài Ướt Mi này qua tiếng hát của một ca sĩ cũng mới xuất hiện trong làng ca
nhạc. Thanh Thúy. Tiếng hát trầm trầm và đầy truyền cảm của cô càng làm tôi
xúc động hơn.
Đáng lý ra tôi và Trịnh
Công Sơn gặp nhau, quen nhau qua chị Thu Vân, nhưng mãi sau đó một hai năm
tôi và Trịnh Công Sơn mới quen nhau nơi một thành phố khác. Qui Nhơn. Chúng
tôi cùng học một trường. Sư Phạm. Cùng ban văn nghệ của trường. Tôi trong ban
kịch. Trịnh Công Sơn trong ban đồng ca. Anh là nhạc trưởng điều khiển một tốp
vừa nam vừa nữ cả vài chục giáo sinh trong một trường ca Trịnh Công Sơn vừa
sáng tác mang tên Dã Tràng. Chàng nhạc sĩ dáng người thư sinh mặc bộ đồ vét
xám đậm cầm chiếc đũa thủy tinh đánh nhịp, mắt mang đôi kính cận, mái tóc bồng
bềnh, đầu lắc lư theo từng tiếng hát. Từng bè ca, giọng nữ, giọng nam, hòa lẫn
vào nhau. Và từng tiếng trống vang lên sau mỗi điệp khúc: Dã tràng xe cát biển
đông.
Tiếng trống ban đầu nhỏ nhẹ
và dồn dập như tiếng sóng vỗ từ khơi vào bờ. Sau cùng, tiếng trống đánh thật
to hết cở, Ầm ầm vang dội từ sân khấu xuống tận cùng hàng ghế ngồi của rạp
Kim Khánh vừa mới xây dựng tại thành phố này sau mấy năm tiếp thu từ liên khu
năm. Tiếng trống ấy như tiếng bom dội xuống xóm làng làm bốc cháy khói trời mịt
mù. Tiếng trống ấy như tiếng sấm sét gầm thét cùng cơn lũ quét tan nhà cửa
cây cối theo từng con nước chảy dữ dội. Tiếng trống ấy đã để lại trong tôi một
ấn tượng khó quên, cứ làm tôi nổi da gà mỗi lần nhớ lại.
Trịnh Công Sơn và tôi sau
bao nhiêu năm gặp nhau lại, tôi có nói với anh cảm xúc đó. Trịnh Công Sơn cho
biết anh cũng bị ám ảnh bởi tiếng sóng vỗ vào bờ khi anh ngồi trong giảng đường
của trường sư phạm Qui Nhơn, tiếng sóng từ xa ngoài bãi biển Ghềnh Ráng gần
trường vỗ vào bờ đá phát ra những âm vang nhỏ nhẹ. Đều đều. Buồn tênh. Khởi đầu,
tiếng trống gỏ rất nhẹ như những tiếng thở dài của loài dã tràng đang xe cát
cất nhà hạnh phúc, xây rồi bị sóng vỗ nát, nhưng dả tràng cứ xây trên cát. Cứ
xây và cứ xây. Sóng vỗ và sóng cứ vỗ. Sau cùng, tiếng trống được đánh lên thật
to và dồn dập làm người nghe phải hoảng hốt, giật mình và ngộp thở, như đang
chứng kiến những tai ương bảo lụt cùng bom nạn của chiến tranh vừa ngấp nghé
đổ lên đầu quê hương chúng tôi.
Mãi đến bây giờ những người
trong ban đồng ca đó người còn sống đã thành những cụ già tóc bạc, cũng có
người chết đã thành tro bụi. Và chàng nhạc sĩ kia cũng đã trở về với CÁT BỤI.
Phải chi bây giờ nhớ về Trịnh
Công Sơn, tôi có một cái trống thật lớn và một cái dùi thật to để tôi giọng
liên hồi đưa những âm thanh đó phá nát tim tôi.
Mỗi lần lên Đà Lạt tôi thường
vào nghe nhạc ở một phòng trà, tiếng hát truyền cảm của một nữ ca sĩ mặc jupe
xanh áo trắng trong bản Ngăn cách của Y Vân làm tôi xúc động, có phải lời
ca đúng như tâm trạng của tôi lúc bấy giờ. Thất tình. Sau này tôi mới biết cô
ca sĩ bé nhỏ này tên là Khánh Ly.
Buổi sáng sương mù vẫn dầy
đặc phủ trên mặt hồ Xuân Hương, tôi ngồi run rẩy bên tách cà phê đặm đặc, hút
vài điếu thuốc Captan, phà khói từng vòng tròn nhỏ lên không. Và, tình cờ,
sau năm năm, tôi mới gặp lại Trịnh Công Sơn, đang ngồi uống cà phê với Chu
Sơn ở một góc phòng. Chúng tôi vui vẻ nhắc lại vài kỷ niệm những ngày còn học
trường sư phạm. Lúc nầy Sơn đã bỏ nghề gỏ đầu trẻ. Và tôi cũng thế. Tôi rủ Trịnh
Công Sơn và Chu Sơn xuống Phan Rang trình diễn Ca Khúc Da Vàng trong quán cà
phê Tao Nhân mà tôi là chủ nhân.
Chỉ một đêm hát thôi, sáng
sớm lại ra đi. Tôi nghĩ chắc Sơn không còn nhớ. Nào ngờ sau hơn 20 năm, tình
cờ tôi gặp lại Sơn ở Sài Gòn. Kéo nhau về ngôi nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch,
tôi và Trịnh Công Sơn nhấm nháp vài cốc rượu. Sơn cho biết: Có nhiều lần
mình ngang qua Phan Rang, muốn tìm lại quán Tao Nhân ngày xưa nhưng mình
không nhớ nỗi một tên đường.
Như một vết tích trong một
trí nhớ mù mờ.
Sơn với giọng nói nhỏ nhẹ: Cô
Mây Trôi giờ ở đâu?
Tôi ngạc nhiên vô cùng,
ngơ ngác nhìn lại Sơn, cố lục trong trí nhớ cái tên Mây Trôi mà Sơn hỏi. Sơn
nhắc lại. Đêm Sơn cầm đàn ghi ta hát một mình trên mười bản trong ca khúc Da
Vàng phải khựng lại giữa bản Người Con Gái Da Vàng trong giây lát rồi mới tiếp
tục.Tôi tưởng Sơn quên lời hát trong giây lát nhớ lại mới hát tiếp. Bây giờ
Sơn mới thổ lộ: Mình đang say sưa hát, bỗng giật mình khi nhìn thấy trước
mặt một cô gái nhìn đăm đăm vào tôi, còn một tay cô nàng nắm chặt đắm mạnh
nhiều lần vào ngực như tỏ một phản ứng gì đó.
Tôi mới nhớ lại một hình ảnh
mà tưởng như đã quên. Đêm đã khuya. Khách đã ra về. Chỉ còn cô gái mà Sơn gọi
là Mây Trôi đó ngồi với nhau. Tôi đang ngủ, chập chờn trong giấc mơ, tiếng
hát trầm trầm đâu đó vang vọng, tiếng đàn đệm ghi ta êm ái, cùng tiếng ai gọi
tên tôi. Rất khẻ. Như thầm thì. Hình như trời đang mưa. Từng giọt, từng giọt
rơi ướt mi người con gái mang tên T. mà tôi đã yêu đang run rẩy đứng trước cửa
nhà tôi đã đóng kín. Tôi như kẻ mộng du, lần theo cầu thang bước xuống, ngang
qua những hàng ghế trống tiến đến mở cánh cửa đã đóng kín để đón T. vào. Mơ hồ
trước mặt tôi, Trịnh Công Sơn đang ôm chiếc đàn ghi ta, đầu dựa vào vách tường,
qua đôi kính cận, đôi mắt đã khép lại, và trên môi nở một nụ cười mản nguyện
như một người vừa làm xong một việc thiện. Còn cô gái mà mọi người trong thị
trấn này gắn cho một cái tên là “Nữ Tặc”. Cái tên Vân Phi thật của cô ngày
nào người ta đã quên mất. Từ một cô giáo hiền lành, bỏ nghề dạy, từ một
khuynh trường gia đình phật tử, cô trả lại áo lam, rồi cô sống thác loạn,
cùng bọn đàn em - những tên con trai choi choi mới lớn - chuyên đi
vào các quán xá phá phách. Thuở nhỏ, Vân Phi là bạn học với tôi. Cô có một giọng
hát trầm ấm và truyền cảm. Cô có khuôn mặt trái xoan, cằm nhọn và đôi mắt màu
hạt dẻ. Những ngày lễ Phật đản, trong đêm trình diễn văn nghệ ngoài sân chùa
Tỉnh hội cô thường đóng vai Phật Bà Quan Âm. Hình ảnh dịu hiền của Vân Phi đã
biến mất, thay thế vào đó là khuôn mặt trét đầy phấn, môi đỏ bầm, tóc quăn và
xù lông nhím.
Bây giờ, hình ảnh cô gái
ngồi tựa đầu vào vai chàng nhạc sĩ, mắt nhắm lại, tôi mới nhận ra lại khuôn mặt
của Phật Bà Quan Âm.
Cô “Mây Trôi” là tên riêng
cô dành cho Trịnh Công khi anh hỏi tên nàng. Còn đối với chúng tôi bạn bè xưa
cũ gọi đúng tên trong giấy khai sanh là Vân Phi, còn biệt danh “Nữ Tặc” của mọi
người không quen biết.
Tôi có người yêu chết trận
Playme/ Chết trận Đồng Xoài nằm không manh áo…
Có lẻ lời ca của những bản
nhạc trong Ca Khúc Da Vàng đã thắm vào lòng “Nữ Tặc” như lời thì thầm vỗ về
cơn đau mà “Nữ Tặc” vừa trải qua quá lớn khi người chồng sắp cưới của cô đã
tan xác trong một cuộc hành quân. Nữ Tặc đã từng tâm sự với tôi: Mấy người
là đàn ông, khi thất tình thì uống rượu say sưa, đá cột đèn, đá những con chó
hoang ngoài phố. Còn chúng tôi những người con gái chẳng lẻ chỉ âm thầm, khóc
lén.
Sáng hôm sau, Trịnh Công
Sơn và các bạn cùng theo ra đi trước khi mặt trời mọc. Còn “Nữ Tặc”, sau đó,
cũng biệt tăm. Và thời gian trôi qua tôi cũng quên mất người con gái mang biệt
danh “Nữ Tặc” ấy. Tôi có hứa sẽ tìm ra tông tích cô Mây Trôi với Trịnh Công
Sơn. Rồi Trịnh Công Sơn chết đi, còn tôi thì thất hứa. Mãi đến vài năm sau
tôi mới viết được một truyện ngằn Mây Trôi như một lời tạ lỗi với TCS.
Đám tang của Trịnh Công
Sơn tôi không tham dự. Tôi chỉ ngồi trên căn gác nhỏ và nhìn những đám mây
trôi. Tôi thả hồn tôi vào những bản tình ca của Trịnh Công Sơn từ diã CD. Tiếng
hát của Lan Ngọc làm tôi rưng rưng nước mắt:
….Có những ai xa đời quay
về lại/Về lại nơi cuối trời làm mây trôi…
Tôi đưa tay vẩy những đám
mây trôi cuối trời như một lần vĩnh biệt “Mây Trôi” cũng như vĩnh biệt Trịnh
Công Sơn.
Xua tan lòng hận thù
Bao nhiêu năm, cũng đã hơn
mười năm ngày bạn tôi chết đột xuất vì một cơn đột quỵ, và khi viết về Trịnh
Công Sơn, bỗng dưng tôi nhớ về Bạn. Ngy Hữu Trần Hữu Ngũ cùng câu thơ:
Bao giờ Huế - Sài Gòn – Hà
Nội cùng nằm ngủ chung chăn.
Đó cũng là ước mơ của chúng
tôi thời ấy...
Bây giờ đã thành hiện thực.
Vòng tay con người nắm chặt
lấy nhau, không còn phân biệt chính kiến, quên đi những hận thù xưa, thêm bạn
bè khắp năm châu, xoay vòng tròn hát ca thỏa thích. Tôi đã nhận ra được nỗi hạnh
phúc lớn lao đó trong một cuộc du lịch ngoài khơi biển Nha Trang.
Trước mắt tôi bấy giờ là
khoảng trời rộng bao la, là mặt biển xanh rì rào con sóng vỗ, là núi non phủ
đầy cây lá trên vịnh cát trắng. Gió thổi lồng lồng. Những du khách, đủ quốc tịch
khác nhau cả màu da tiếng nói, mọi thế hệ già trẻ, mặc những chiếc phao cá
nhân lội tung tăng, phủ kín đôi mắt bằng kính chúi đầu xuống ngụp lặng xem dưới
đáy biển những san hô đẹp tuyệt vời. Ngẩng mặt lại lên trời hít thở không khí
trong lành, và cùng thốt ra những tiếng nói khác nhau nhưng tiếng cười thì giống
nhau. Chúng tôi cùng đùa giởn nhau, tranh nhau bơi tới đích thưởng có để sẵn
vài chai rượu đặt trên chiếc phao tròn chông chênh theo làn sóng. Mọi người bồng
bềnh xoay quanh chiếc phao đó và cùng cầm cái ly nhỏ vừa mới được rót ra, nhấp
nháp một chút cho ấm lòng.
Lên tàu, buổi ăn trưa đã dọn
sẵn trên sàn gỗ, đặc biệt những món hải sản. Trước khi ngồi vào bàn tiệc người
hướng dẫn du lịch cầm cây ghi ta vừa đàn vừa hát:
Rừng núi dang tay nối lại
biển xưa
Ta đi vòng tay lớn mãi để
nối sơn hà
Mặt đất bao la anh em ta về
gặp nhau
Mừng như bão cát quay cuồng
trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một
vòng Việt Nam.
Chúng tôi tự động cầm tay
nhau, Người Việt từ Hà Nội đến Mũi Cà Mâu, từ Cao nguyên Bắc việt cũng như
Tây nguyên vẫn mặc đồ sắc tộc, những người lính già năm xưa lưu lạc trên đất
người tận Châu Mỹ, Châu Âu vừa về thăm lại quê hương sau ba mươi năm ngồi bên
cạnh những người trước kia là du kích quân, là Bắc quân. Những người trẻ tuổi,
con cháu chúng tôi, sinh ra trong thời bình, chẳng cần mang những hận thù cha
ông để lại trong thời chinh chiến, họ không cần biết ai thắng ai thua, họ hỏi
thăm nhau, lấy địa chỉ, số phone, email để sau này có dịp liên lạc nhau. Bây
giờ, mọi người càng lúc cùng hát to, cùng giơ tay, cùng nhảy lên như để trào
ra những hân hoan, vui mừng ngày đoàn viên.
Bỗng dưng tôi. nước mắt tự
trào ra. Tôi chưa hiểu vì sao, mãi đến bây giờ, khi đang viết những dòng chữ
về Trịnh Công Sơn, tôi xem lại hai buổi trình diễn khác nhau về bản Nối
Vòng Tay Lớn trên mạng. Đối nghịch nhau. Một bên là cảnh máy bay phóng hỏa
tiển, xe tăng ồ ạt tiến vào thành phố, bom rơi đạn nổ. Tiếng hát của một tóp
lính cất lên: Rừng núi dang tay nối lại biển xa… Như một chiến thắng
để hoàn thành nối vòng tay lớn. Một bên vắng hẳn khuôn mặt chiến tranh, dỉ vảng
đã qua, hiện tại là thời thanh bình, tuổi trẻ đang sống cuồng nhiệt, họ biểu
diễn bản Nối Vòng Tay Lớn dưới một dạng khác. Chàng ca sĩ trẻ tuổi
vừa hát vừa nhảy, có lúc xỏa tóc dài như con gái, và đầu quay tròn, tóc quay
tròn như đang lên đồng. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng phèn la, hòa lẫn vang dội.
Khán giả đông như kiến, giơ tay, nhảy cởn, như những bóng ma đang gào thét
theo cùng tiếng hát đầy kích động của người ca sĩ. Trong tôi như hiện ra từ
đám đông đang tham dự dưới sân khấu thành những khuôn mặt bạn bè, anh em từ
hai chiến tuyến, rất đông và rất đông, đã gục chết trên chiến trường xưa,
linh hồn họ như đang nhập vào đám đông đó, kêu gào, như muốn xua tan lòng hận
thù xưa mà cha ông đã để lại. Tuổi trẻ từ chối. Bấy giờ tôi mới hiểu được vì
sao tôi đã xúc động trong buổi chia tay lần du lịch đó. Lại một lần
nữa nước mắt tôi chảy dài theo tiếng hát của người ca hát tóc dài cùng tiếng
hát theo của hàng ngàn khán giả trẻ: Bàn tay ta nằm nối tròn một vòng Việt Nam.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét