Chuyến đi có Châu Văn Thuận,
vợ chồng Hồ Thanh Ngạn, vợ chồng Lữ Kiều và tôi, vào lúc 10 giờ tối trên xe
Phương Trang. Ngồi dựa mình trên ghế nệm, thả hai chân thoải mái xuống gầm
xe, suốt đêm tôi chỉ thiếp đi trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Đến Đà Lạt mới 4 giờ sáng.
Mưa lâm râm, đủ ướt mình, đủ lạnh run, nhưng tôi phải gồng người, hai chân
chàng hảng, bước từng bước một, chậm chạm, dò dẩm, trên con dốc hẹp và trơn.
Đến cổng nhà có gắn chiếc bảng nhỏ mấy chữ “điền trang Thân Trọng”, tôi xem như
vừa về đến nhà của mình sau một chuyến đi xa. Đáng lẻ tôi phải vùi mình trong
tấm nệm bông, ngủ một giấc cho lại sức, nhưng phí đi nếu không nhìn tận mắt cảnh
rạng đông ở núi đồi cao nguyên, mà không đâu xa, trước mắt mình, tại ngôi nhà
này.
Ngọn đồi trước nhà Lữ Kiều
Như mọi lần lên Đà Lạt, ở
nhà Lữ Kiều, tôi hay ngồi trên ghế sa lông nệm, dựa ngửa mình, gối đầu trên
thành ghế, nhìn ra ngoài khung cửa chính, trầm ngâm với cảnh vật thiên nhiên,
đồi núi mênh mông. Bây giờ trước mặt tôi vẫn còn là một màn đen của bóng tối.
Bỗng từ trên cây bơ sum sê cành lá bên cạnh nhà phát ra những tiếng kêu của một
loài chim lạ, lanh lảnh, như một tiếng thét gào của ai đó trong cái tỉnh mịch,
yên lặng, làm tôi giật mình. Rồi con chim vỗ cánh bay đi. Tiếng chim kêu thế
tiếng gà gáy báo hiệu trời mới sang canh. Tôi như đang ngồi trong rạp hát xem
một vở kịch câm, màn từ từ cuốn lên, và cảnh vật hiện ra từ dưới lên trên rồi
mới tới toàn cảnh dưới ánh đèn lờ mờ của sân khấu. Cảnh vật trước mặt tôi từ
từ hiện hình, màu xám rồi đến màu xanh lạt và đậm dần của những hàng thông
trùng trùng điệp điệp từ dưới thung lủng chạy lên ngọn đồi, mái nhà của khu
biệt thự lẻ loi, ở tít đàng xa, như một cái chấm nhỏ màu đỏ trên toàn bức màu
xanh của rừng cây và màu xám của mây trời. Thời gian chuyển động qua màu sắc
đổi thay. Màu thời gian.
Cũng tại nơi này, khung cảnh
này, cách đây 12 năm trước, sau trên hai mươi năm gác bút, tôi khởi đầu lại
nghiệp văn chương của mình. Bấy giờ, mặc cho Lữ Kiều, Lê Ký Thương say sưa vẽ
tranh sơn dầu, cũng cảnh núi đồi trước mặt, tôi trầm ngâm suy nghĩ, nhận ra
màu thời gian chuyển hóa, nhận ra mình cũng biến dạng theo dòng lịch sử, và
tôi đi tìm lại cái gì tôi đã bị cướp mất. Tôi viết một mạch, liên hồi
qua bài mở đầu “Tưởng chừng đã quên”.
Còn giờ đây, anh nắng mặt
trời đã chiếu xuống những vệt màu vàng nhạt lên những khóm hoa trong vườn. Tiếng
xe chạy, tiếng nói của những người hàng xóm đã bắt đầu vang lên, lại là lúc
chúng tôi chui đầu vào tấm mền bông, ngủ vùi.
Thức dậy mặt trời đã lên đỉnh
đầu. Cả bọn kéo nhau ra phố, dạo một vòng, rồi vào ăn trưa ở một nhà hàng mà
Lữ Kiều đã quen vợ chồng chủ nhân từ lâu, trước năm 1975. Xong bửa, chúng tôi
lang thang, tìm đến một quán cà phê ngồi nhìn xuống con đường quanh co khúc
khuỷ nói chuyện bâng quơ. Về lại nhà phải xuống dốc, lưng chừng tôi đứng thở,
mới biết mình đã già, sức yếu. Thả người xuống, ngã lưng vào thành ghế sa
lông, mắt nhìn mãi không chán cảnh núi đồi trước mặt.
Ngôi nhà của Lữ Kiều nằm ở
lưng chừng sườn đồi, không bị che chắn bởi một mái nhà nào, khu vườn từng bậc
cấp trồng hồng, cà phê, dọc xuống thung lủng. Và bên kia là đồi thông bao la.
Thường khi Lữ Kiều nhờ người hàng xóm trông nom vườn tược, còn ngôi nhà thì
đóng cửa kín mít. Thỉnh thoảng vợ chồng Lữ Kiều từ Sài Gòn lên đây nghỉ ngơi
và cùng nhau vẻ tranh. Trên vách nhà gỗ treo những bức tranh của các họa sĩ
đã từng đến ngôi nhà này như Dương Cẩm Chương, Lưu Công Nhân, Lê Ký Thương,
Lê Triều Điển, Phạm thị Quí, Đinh Cường. Tiếc rằng tôi không biết vẽ dù từ
ngày thơ ấu tôi ước mơ sau này mình trở thành họa sĩ.
Đáng lẻ 3 giờ chiều này
Đinh Cường sẽ đến như đã hẹn. Sốt ruột, Lữ Kiều phải gọi điện thoại mới biết
Đinh Cường đã đến phi trường Liên Khương từ lâu nhưng anh cho biết sẽ đến muộn
vì đang ngồi uống cà phê với Nguyễn Đức Vân, con của Nguyễn Đức Sơn.
Một tiếng đồng hồ sau,
Đinh Cường lửng thửng từ cổng bước vào. Lữ Kiều và tôi ra đón. Đinh Cường nở
nụ cười và nói nhỏ:
- Cái dốc quá xuôi làm
mình hơi mệt.
Tôi biết Đinh Cường vừa trải
qua một cơn bạo bệnh. Tôi nhìn cái va li to, căng đầy, tự nghĩ đi chơi vài
ngày, chuyện gì mang quá nhiều hành lý thêm cho mệt. Xuống cái dốc này mà còn
phải cầm cái cần dài của cái va li có những bánh xe, tôi tưởng tượng Đinh Cường
như một người đang cưởi ngựa, mà phải ngả người ra phía sau cố ghì dây cương
để buộc con ngựa là sức nặng của hành lý đang phi nhanh phải chạy chậm lại.
Đinh Cường nói với tôi:
- Nếu Nguyên Minh có tường
thuật chuyến đi này nhớ nhắc đến cái dốc này nghe.
Tôi gật đầu. Vào đến nhà,
Đinh Cường thả người xuống ghế sa lông và đưa mắt nhìn đăm đăm ra ngọn đồi
trước mặt. Một lát sau, anh mở cái xách nhỏ lấy ra hai gói trà Ô Long, hai
cái DVD và một tập bản thảo cuốn thơ đặt lên bàn:
- Nguyễn Đức Vân biết mình
lên ĐàLạt. Hắn đón mình và tặng quà đây.
Lữ Kiều mở gói trà Ô Long
bỏ một nắm vào cái bình bằng sứ, chế nước sôi, một lát rót ra những cái tách
nhỏ và chúng tôi nhấm nháp, thưởng thức. Đinh Cường rủ ngày mai mướn chiếc xe
taxi về Phương Bối thăm Sơn Núi. Cả bọn đều đồng ý. Lữ Kiều mời:
- Còn tối nay tụi mình đến
uống cà phê tại Palace.
Lần nào lên Đà Lạt, Lữ Kiều
cũng rủ chúng tôi vào đây uống cà phê và nghe tiếng đàn dương cầm của một người
bạn trẻ. Còn đêm nay, anh ta vắng mặt, thế vào đó là một cô gái, mang kính cận,
dáng nhỏ nhắn, vai gầy, hai bàn tay xinh xắn lướt nhẹ trên phím đàn.
Chúng tôi ngồi ở bộ bàn ghế
sa lông nệm, trước cái lò sưởi, mang cảm giác ấm cúng, như tôi đang ngồi
trong ngôi nhà thân yêu của mình, nếu không nhìn ra hành lang rộng và dài đặt
nhiều bàn ghế trải khăn trắng để đón khách dự buổi ăn tối.
Đinh Cường ngồi một mình,
thỉnh thoảng nhìn người phụ nữ luống tuổi – dì của Lữ Kiều – mà mỗi lần
chúng tôi lên đây Lữ Kiều đều mời dì cùng đi chơi, Đinh Cường cầm cây bút chì
quệt quạt lên tờ giấy trắng khổ A4 chân dung dì Toàn. Tôi đến đứng sau lưng
Đinh Cường, im lặng và xem bức họa. Không đầy 15 phút đã hoàn thành một phát
họa chân dung một thiếu nữ, đặc biệt là đôi mắt mang vẽ u hoài. Đinh Cường đề
tặng Quận Chúa K. Tôi ngạc nhiên bao nhiêu năm, bao nhiêu lần cùng đi chơi với
dì Toàn, bây giờ mới biết tên thật của dì, và là một người hoàng tộc.
Tiếng đàn dương cầm thánh
thoát, âm thanh bay bỗng lên trần nhà và dội xuống, trong gian phòng ấm cúng,
bản nhạc Danube Bleu, làm tôi thấy lòng nao nao, nghĩ đến một ai đó, trong tận
cùng trí nhớ. Tôi nhẹ nhàng bước đến chiếc dương cầm, và nhìn cô gái đang thả
hồn mình theo từng nốt nhạc. Tôi buột miệng thốt lên, rất nhỏ, gọi tên:
- Phương Anh.
Đó là tên cô cháu gái, con
đầu của chị Mai, người chị mà suốt đời tôi kính yêu. Giữa hai cậu cháu đã một
thời gắn bó, mang nhiều kỷ niệm. Chính nhờ Phương Anh, cô bé có chiếc răng khểnh,
nụ cười có lúm đồng tiền, lúc 12 tuổi khi nghe tôi kể chuyện thời thơ ấu của
tôi với Hà - cô bạn láng giềng, mà tôi vừa dẫn Phương Anh ra ga Nha Trang đón
Hà từ Sài Gòn ra thăm tôi. Lúc bấy giờ, năm 1969, tôi nằm trong Quân Y Viện
Nguyễn Huệ, chờ ngày ra giám định y khoa. Gia đình chị Mai từ Huế vào sống ở
Nha Trang. Phương Anh cứ khen mãi về cô Hà. Thế là, suốt một tháng, đêm nào
tôi cũng thức khuya viết cho xong truyện dài Đám Tang Đa Đa. Đọc xong bản thảo
Phương Anh nói: “Cậu nhớ khi nào sách xuất bản nhớ đề tặng Cháu Phương
Anh và cô Hà nhé.” Tiếc rằng khi tôi cho xuất bản “Đám Tang Đa Đa” vào
năm 1972, thì Phương Anh đã đi Pháp du học rồi. Còn cô bạn láng giềng “Bắc kỳ
nho nhỏ” cũng lên xe hoa. Không những riêng Hà, kể cả T. và Lan, sau này
Phương Anh đều gặp họ. Cô cháu gái nói nhỏ với cậu mình trước khi chia tay: “Ráng
giữ những tình cảm trong sáng của ba người đàn bà đó nghe cậu.” Tôi nắm
chặt bàn tay cô cháu gái như một câu trả lời. Sau này trong truyện “Sợi chỉ
mong manh” tôi đã viết: trong trái tim tôi vị trí ba người đàn bà
đó; một người bạn, một người yêu và một người vợ có một chỗ đứng khác nhau.
Tưởng rằng chỉ có tôi thấy
cô gái say mê, đắm đuối thả hồn theo tiếng đàn dương cầm. Ai ngờ, Lữ Kiều
cũng men tới, đứng tựa tay một phía bên phải cây dương cầm, cũng như tôi đang
đứng về phía tay trái. Cả hai đang chiêm ngưởng và cùng nói với nhau: Nhớ
Phương Anh. Nhớ dáng người. Nhớ tiếng đàn dương cầm của cô cháu gái thân
yêu ngày nào trong phòng khách ngôi nhà cũ. Thánh thoát. Từng giọt âm thanh
buồn. Phương Anh giờ này đã thành thiếu phụ hạnh phúc bên chồng con. Không biết
cô cháu gái đó có bao giờ nhớ đến cậu mình.
Tiếng đàn ngưng bặt. Cô
gái gật đầu chào chúng tôi. Khách trong nhà hàng cũng vắng tanh. Chúng tôi ra
về, lòng tôi man mác buồn. Trời Đà Lạt vẫn còn mưa lâm râm.
Nhìn đám củi mà người giữ
vườn đã chất đống giữa sân được phủ lên tấm bạt che mưa, Lữ Kiều thích chí, hỏi
chúng tôi:
- Mưa đã tạnh. Trăng mới tỏ.
Đốt lửa lên chứ.
Lửa cháy bập bùng. Tiếng nổ
lách tách. Ngồi xoay quanh chiếc bàn tròn, 5 ly rượu cùng cụng vào nhau, đưa
lên môi mấp nháp, tôi nhìn những khuôn mặt các bạn vầng trán đã gấp nét nhăn,
nụ cười đã xếp ly, khóe mắt đã mỏi mòn, tóc đã trắng bạc, bàn tay gân guốc,
nhưng tâm hồn vẫn như thuở còn thanh xuân. Đinh Cường từ Mỹ về, ra Huế triển
lãm tranh cùng với Hoàng Đăng Nhuận đang còn ngồi trên chiếc xe lăn, một tay
Nhuận bị xuội, tay còn lại vừa mới cầm được cọ vẽ. Nhuận bị đột quỵ đã mấy
năm nay. Đinh Cường cũng mới qua cơn bạo bệnh, sức khỏe chưa ổn. Lữ Kiều nói
với Đinh Cường:
Châu Văn Thuận ,
Nguyên Minh, Đinh Cường, Lữ Kiều
Còn lại bốn chúng tôi ngồi
với nhau, đáng lẻ phải có Lê Ký Thương và Đỗ Hồng Ngọc, hai bạn này vắng mặt
vì bận việc là sáu người còn lại trong nhóm chủ trương tạp chí văn học Ý Thức
ngày xưa còn lại ở Sài Gòn. Vắng mặt Lữ Quỳnh, Trần Hoài Thư còn tạm trú trên
đất người.
Bên ánh lửa hồng, cái nóng
tan ra, lan vào thân xác mình. Còn những lời nói với nhau nhẹ nhàng êm ái sao
mà như những hòn đá nặng nề rơi xuống đè nặng trái tim tôi. Đã mang cái nghiệp
văn chương thì suốt đời phải trả bằng những tác phẩm chân chính mang đậm tình
người, tình quê hương, không gian dối với lòng mình, không uốn cong ngòi bút
vì lợi danh. Nếu không viết được nữa thì ngưng bút trải lòng mình qua màu sắc
của hội họa như Lữ Kiều, Lê Ký Thương. Hoặc như Châu Văn Thuận dịch sách, dịch
kinh Phật. May cho tôi, vẫn còn một trái tim nồng nàn khi gặp lại người yêu
xưa. Bên cạnh đó vẫn còn một người vợ hiền, đảm đang, để cho tôi yên tâm, có
thì giờ theo đuổi mộng văn chương. Nếu tôi không viết văn được thì tôi mang tội
rất nhiều với những bạn bè, người thân và cả lịch sử nữa, đã cho tôi những điều
hạnh phúc cũng như nỗi đau đớn ê chề. Cả Hồ Thanh Ngạn, Châu Văn Thuận, Lữ
Kiều, Trần Hoài Thư và Lữ Quỳnh đều nhận xét và đồng ý với tôi: “Đến tuổi thất
thập cổ lai hy này rồi đâu còn màng đến danh vọng, tiền tài nữa, nên dùng văn
chương để trải lòng mình những chiêm nghiệm về đời sống mình đã trải qua.”
Nên tôi chỉ bị thôi thúc bởi những cảm xúc, sống lại với nhân vật mà tôi sắp
dựng lên cho một bài văn, có thể vừa gọi là ký, tuỳ bút, tự sự hay truyện ngắn
gì cũng được. Trong đó sự kiện thì có thật, nhân vật lại nửa thật nửa hư, và hồn
tôi lại nhập vào họ, cũng như họ hòa vào tôi. Viết về họ cũng như viết về
tôi.
Trăng đã lên cao. Sương mù
lúc có lúc tan. Có rồi tan. Tan rồi có. Lửa cũng sắp tàn. Gió mang theo cái lạnh
run người. Chai rượu đã cạn hồi nào không hay. Đúng là rượu ngon phải có bạn
hiền, những người bạn đi bên cạnh tôi suốt cả cuộc đời. Trời đã khuya lắm
chúng tôi mới vào nhà, tìm một giấc ngủ ngon.
Buổi sáng, như đã hẹn, chiếc
xe taxi đến đúng giờ, người tài xế gọi điện chờ chúng tôi trên mặt đường lộ.
Lữ Kiều hướng dẫn cho anh tài xế vào nhà để giúp Đinh Cường vác lên chiếc va
li bỏ vào xe. Tôi cười với Đinh Cường khi nhìn anh thanh niên vác lên vai chiếc
va li mà dáng đi đã khệnh khạng, huống gì với tuổi già sức yếu làm sao Đinh
Cường có thể mang lên. Đi về Bảo Lộc đến thăm Nguyễn Đức Sơn mang làm gì chiếc
va li kềnh càng như thế. Như biết tôi thắc mắc. Đinh Cường nói nhỏ:
- Mang quà cho Phượng và các
cháu.
Phượng là tên vợ Nguyễn Đức
Sơn.
Chiếc taxi 7 chỗ chạy bon
bon trên con đường nhựa láng trơn hơn hai tiếng đồng hồ mới đến nơi Nguyễn Đức
Sơn hẹn. Cầu Đại Lào. Đợi không lâu, con gái của Sơn đi chiếc xe gắn máy chạy
ra đón chúng tôi lên Phương Bối. Con đường đất nhỏ gồ nghề, quanh co và lên dốc
rồi vào lối mòn dưới hàng thông xanh. Nguyễn Đức Sơn đón chúng tôi. Trước mặt
tôi, Sơn bây giờ là ông lão già lụ khụ chống cây gậy tre. Trước đây hai năm
tôi có gặp lại Nguyễn Đức Sơn tại Galery Tự Do ở Sài Gòn trong dịp khai mạc
triển lãm tranh của Thân Trọng Minh và Vũ Thanh Hằng, sau mấy chục năm gặp lại,
cả tôi và Sơn đều già cả, bạc đầu, nhưng sức khoẻ của Nguyễn Đức Sơn không yếu
như bây giờ.
Nguyên Minh, Nguyễn Đức
Sơn, Lữ Kiều, Đinh Cường
Chị Phượng và cô con gái
chuẩn bị buổi ăn trưa, đải khách. Món càry chay. Măng rừng cạnh nhà. Khoai
tây cũng trồng sau nhà. Chỉ có bánh tráng nướng, đậu hủ miếng là mua ngoài
thôi. Cả gia đình Nguyễn Đức Sơn đều ăn chay trường từ lâu.
Ngồi trên chiếc chiếu trải
giữa hàng hiên hai nhà trên và dưới, gần mười người ngồi sát bên nhau, như
truyền hơi ấm cho nhau. Suốt trong buổi họp mặt, chúng tôi chỉ im
lặng và thỉnh thoảng phá lên cười thích thú nghe Nguyễn Đức Sơn chưởi thề,
văng tục và kể chuyện tiếu lâm thời đại. Tôi ngồi bên cạnh Nguyễn Đức Sơn,
tình cờ bắt gặp nơi cánh cửa nhà sau bóng dáng người đàn bà một thời nhan sắc
tuyệt đẹp có đôi mắt màu ô liu cùng nụ cười duyên dáng tươi vui, mái tóc màu
vàng ửng và uốn cong của cô học trò, người yêu, người vợ của nhà thơ, nhà văn
Sao Trên Rừng, bây giờ trở nên tiều tụy, không phải chỉ do thời gian tàn phá
mà hình như do cái cực khổ vì lam lủ, hồn lẫn xác. Người đàn bà nhìn tôi với
đôi mắt u hoài, xa xăm. Hai tay vòng lại ôm lấy ngực. Mái tóc bạc phơ, xơ xác
như mấy cọng râu bắp, búi lại trên đầu. Ánh sáng lờ mờ làm hình ảnh người đàn
bà đó thêm bi thảm. Trong tôi bừng lên một nỗi xót xa, và nước mắt tôi sắp chảy
ra. Hình như Đinh Cường, đang ngồi đối diện với tôi, nhận thấy nỗi xúc động của
tôi, anh đứng dậy mang chiếc va li vào nhà sau, chị Phượng cũng khuất bóng.
Lát sau, Đinh Cường trở
ra, ngồi xếp bằng, trên tờ giấy trắng anh cầm cây bút than nguệch ngoặc vẽ
chân dung Nguyễn Đức Sơn. Sơn cứ nói. Đinh Cường vẫn im lặng vẽ. Sơn cứ vung
hai tay làm bộ tịch diễn tả cảnh một bọn lâm tặc chận đường muốn đâm chém
anh, như một con khỉ đang làm trò xiếc. Đinh Cường thỉnh thoảng nhìn vào
khuôn mặt Sơn rồi ngón tay của Đinh Cường chạy như cua bò trên trang giấy.
Nét khắc khổ, trầm tư, ngạo mạn, cô đơn triền miên của một con người đầy cá
tính của Nguyễn Đức Sơn qua nét vẽ của người họa sĩ và là bạn thân nhau từ
thuở xa xưa là Đinh Cường đã làm tôi cảm động về một tình bạn. Đinh Cường bảo
Nguyễn Đức Sơn viết vào đó vài chữ: Sơn Núi, Phương Bối ngày…Như một bút
tích, kỷ niệm ngày gặp lại nhau. Tôi hiểu Đinh Cường chuyến lên Đà Lạt kỳ này
của anh không ngoài việc thắp nhang trước mộ bà mẹ vợ và mang quà cho vợ con
người bạn thân. Nguyễn Đức Sơn nhìn khuôn mặt mình qua nét vẽ của Đinh Cường,
nỗi xúc động hiện ra trong đôi mắt đục ngầu, anh nháy mắt lia lịa và tay run
run khi ký tên mình. Đinh Cường và Nguyễn Đức Sơn nắm chặt tay nhau. Nhìn
nhau. Không nói gì. Nhưng tôi biết là hai người bạn già đang khóc thầm.
Chân dung Nguyễn Đức Sơn
qua nét vẽ Đinh Cường
Cô con gái út dẫn thêm hai
cô bạn cùng lứa về nhà, gặp chúng tôi các cô chào hỏi và cười vui vẻ. Không
khí tươi vui của tuổi trẻ làm khu rừng thông này bớt thâm u, lúc này chị Phượng
xỏa tóc xuống quá bờ vai, và nở nụ cười đưa hai hàm răng trắng trên khuôn mặt
đã nám xám. Hằng, Phương và tôi cùng chụp một tấm ảnh trước cái giếng, tàn
tích còn lại Phương Bối Am này. Đinh Cường, Lữ Kiều cùng Nguyễn Đức Sơn đứng
trước cái chòi nhỏ bằng gỗ không thấy cửa sổ, và cánh cửa cái cũng khép kín
mít. Đinh Cường chỉ chỗ ngủ của “Sơn Núi” đã bao đời nay. Quanh đó là khu vườn
nhỏ, những bụi chuối, những cây mít, cây đu đủ đầy trái, cùng những hàng tre,
hàng trúc, và trước mặt chúng tôi nhìn xuống sườn đồi là một rừng thông xanh
ngát, bao la. Người ta phá rừng, chặt cây lấy gỗ, lấy đất làm làm trang trại.
Nguyễn Đức Sơn lại đem cây giống trồng xuống, một rừng thông bao la xanh ngát
màu xanh. Tình cờ tôi thấy trên TV người ta giới thiệu anh là một người bảo vệ
rừng. Cái tên và nhất là bút hiệu như vận vào đời mình. Sao Trên Rừng. Những
bài thơ, những truyện ngắn của Sao Trên Rừng xuất hiện trên tạp chí Sáng Tạo
gần năm mươi năm trước đã làm độc giả ở miền Nam, trong đó có tôi say mê. Sau
đó Sao Trên Rừng dùng lại đúng tên thật trong giấy khai sanh: Nguyễn Đức Sơn.
Hết Rừng đến Sơn. Làm sao anh không gắn cuộc đời mình với rừng với núi.
Bạn bè thân thích đều gọi anh là Sơn Núi. Anh đã trồng một rừng thông bao la
nên rừng sẽ bảo bọc anh. Núi sẽ che chắn anh. Phải không Nguyễn Đức Sơn.
Nguyễn Đức Sơn rủ chúng
tôi cùng đi vào trung tâm thị xã Bảo Lộc vào một quán cà phê mà chủ
quán là bạn của các con gái anh. Quán mang tên “Lối về”. Cô chủ quán tên
Thanh, có cái răng khểnh và nụ cười hồn nhiên. Cảnh vật của một sân vườn nhỏ,
dễ thương. Ngồi bên cạnh Nguyễn Đức Sơn, trong không khí ấm cúng, tôi nhắc đến
Mỵ, một nhân vật nữ trong một truyện ngắn của Sao Trên Rừng tôi không còn nhớ
tựa truyện đã làm từng làm tôi say mê và đánh giá rất cao, đó là một truyện
ngắn hay nhất của anh. Anh nắm lấy tay tôi bóp chặt. Đôi mắt anh nhìn về một
cõi xa xôi nào đó, như đi tìm hình bóng người yêu đầu đời đã nằm tận đáy lòng
bị khối núi thời gian nặng nề che lấp. Mối tình đó đã từng làm Nguyễn Đức Sơn
đau khổ ê chề. Nguyễn Đức Sơn bỏ ngôi nhà người chú ở Đơn Dương ra đi. Người
chú họ và gia đình bán nhà cũ kéo xuống núi, về đồng bằng, mua nhà ở cạnh nhà
tôi tại Phan Rang. Cô Mỵ và các người em thành những người bạn thân thiết với
chị em tôi.
Nguyễn Đức Sơn nói nhỏ với
tôi:
- Ông S. còn sống không?
Tôi lắc đầu. Sao
anh không hỏi: “Bây giờ Mỵ sống ra sao?” để tôi trả lời “Đã lâu lắm rồi. Ông
chú họ và người vợ già đã chết. Mỵ cũng bặt tin.”
Nhắc đến Mỵ, Nguyễn Đức
Sơn không còn nói huyên thiên, anh im lặng. Và tôi cũng im lặng. Chợt tôi nhớ
đến T.
Chúng tôi lên xe về lại Đà
Lạt bỏ Nguyễn Đức Sơn ngồi lại một mình trong cái quán đó với nổi cô đơn tận
cùng ray rứt tâm can anh.
Đáng lẽ bài viết đến đây
là chấm dứt nếu như tôi tình cơ không nghe những bài ca của Nguyễn Đức Vân từ
trên mạng. Album Màu Thương Yêu của Nguyễn Đức Vân đã làm tôi ngạc nhiên, tôi
nghe đi nghe lại, lời ca tiếng nhạc thấm vào tâm hồn của một ông già 70 tuổi
là tôi. Ca từ giản dị, như lời thì thầm nói về Mẹ, về Cha, về núi đồi Phương
Bối, với tất cả lòng yêu thương và vị tha bao la vô bờ bến.
Tôi rất mừng là Nguyễn Đức
Sơn có một người con như thế.
Tôi cười một mình khi nghĩ
đến có một ngày tôi gặp mặt Nguyễn Đức Vân tôi sẽ gọi anh là “Vân Mây” thân mật
như với cha anh là “Sơn Núi”. Cha là Núi. Con là Mây. Cha là Sao Trên Rừng.
Con là Mây Trên Đồi.
Sài Gòn 1 tháng 9 năm 2010
|
Nguyên
Minh
|
Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016
Trăng lưng đồi
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch
Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...
-
Vài nét về văn học Đông Nam Á Đặc điểm của văn học Đông Nam Á (ĐNA) Nói đến văn học Đông Nam Á là phải nói đến sức m...
-
Cảm nhận về bài thơ một chút Kon Tum của nhà thơ Tạ Văn Sỹ “Mai tạm biệt – em về phố lớn Mang theo về một chút Kon Tụm”… Vâng...
-
Mùa thu nguồn cảm hứng lớn của thơ ca Việt Nam 1. Mùa thu Việt Nam nguồn cảm hứng trong nghệ thuật Mùa thu mùa của thi ca là m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét