Tôi ngắt cánh tường vy tặng
em. Cách đây khoảng bảy năm, tôi đã không thể giữ em trong cuộc đời mình. Trở
về căn gác ọp ẹp đời mình, bật nhạc, tôi nghe điệu ly biệt tan vào đêm. Đốt
thuốc. Mùi khói quyện vào mùi cà phê đắng, tồi bay vào không gian âm u,
lọt qua khoảng ẩm mốc của bụi bặm.
Cạn đêm, tôi nhắm mắt để
Khánh Ly ru mình bằng bản tình ca mộng mị. Lắm khi, trộm nghĩ, chính nhạc Trịnh
đã tạo ra tôi đa cảm và cô đơn. Một người cũng cô đơn. Hai người cũng cô đơn.
Một đám người cũng thấy cô đơn. Và say cũng kiểu như cô đơn. Nhìn ngày, hời hợt.
Cười rồi thấy xót cho cơn say của chính mình. Tôi dỗ mình bằng Trịnh. Ngày em
ra đi, tôi nghe “Đêm thấy ta là thác đổ” đến mòn tim.
Vườn khuya đóa hoa nào mới
nở /Đời tôi có ai vừa qua /Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ /Tôi
nghĩ quanh đây hồ như .
Đôi khi, nhìn yêu thương
xa rời tầm với. Tay này nơi lỏng tay kia. Người người buông tay chối bỏ. Chỉ
biết chìm vào thing lặng. Tôi lại nhớ ngày em mong manh và hoang dại khi xưa. Lòng
tôi có đôi lần khép cửa / Rồi bên vết thương tôi quỳ/Vì em đã mang
lời khấn nhỏ/ Bỏ tôi đứng bên đời kia.
Tôi đọc những dòng tự sự của
Trịnh trên mặt báo. Như âm nhạc chảy ra từ máu và nước mắt của người nhạc sĩ
tài hoa này vậy.
“Hiện nay, mỗi ngày tôi ngồi
trong phòng uống rượu và nhìn nắng từ sáng đến chiều tối. Nắng cũng giống như
đời người, có bình minh, chiều tà, hoàng hôn.Ngày xưa tôi vẫn nghĩ: mưa
buồn. Bây giờ tôi mới biết nắng còn buồn hơn mưa.”
(Trích "Trịnh Công Sơn, Rơi lệ ru người", trang 89, một bài báo nhỏ...
)
Tôi thích cách ông viết về
những người đã vội vã đến vội vã đi trong đời mình, thong thả và an yên. Nếu
ông và cuộc đời tha thứ cho nhau trong những ngày tuyệt vọng cùng cực thì với
tôi, âm nhạc của ông là một niềm an ủi vô bờ. Như một người tri kỷ thấu hiểu
trái tim mình. Đời ta hết mang điều mới lạ / Tôi đã sống rất ơ
hờ.
Tôi không hay đến những
đêm nhạc Trịnh ồn ào ở thành phố hơn bảy triệu dân này. Bởi lẽ, nó không hợp
với ông. Và tôi cũng hay tiếc cho những bài hát không được chọn người thể hiện.
Phá cách (hay là phá phách), kệch cỡm và tru tréo khó hiểu. Nhạc Trịnh giản dị
nhưng sâu sắc. Mùa tạ ơn không cần ồn ả đến vậy.
Âm nhạc vốn dĩ là hiện
thân của cái đẹp. Con người sẽ ra sao khi không còn những giai điệu? Mà đẹp
thì đâu phải phân tích, vì những điều tuyệt vời trong cuộc sống này chúng ta
chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim mình. Cũng không có bất cứ điều gì là so
sánh trong âm nhạc. Nếu muốn, người ta vẫn có thể cân đo đong đếm. Nhưng như
vậy, liệu có nghĩa lý gì. Trăm ngàn lần, không ý nghĩa.
Tôi vẫn hay đốt thuốc, ngắm
những đóa tường vy và nhớ em. Tình yêu là một từ nghe rất êm tai nhưng không
thể giấu giếm được những lưỡi dao bén ngót ẩn đằng sau cái âm sắc mượt mà đó.
Nhưng cuộc đời chật vật, tính toán này, chúng ta còn gì ngoài tin tưởng
vào tình yêu đâu? Và chính ông đã viết rằng “Sống mà không có khả năng
yêu thương được nữa thì cũng xem như đã chết rồi. Tôi yêu và tôi tồn
tại. Yêu và tha thứ. Tha thứ và yêu...”
Ngày xuân bước chân người
rất nhẹ /Mùa xuân đã qua bao giờ /Nhiều đêm thấy ta là thác đổ /Tỉnh
ra có khi còn nghe
Những ai đã chứng kiến những
nỗi đau buồn sâu sắc, những cơn giận dữ mãnh liệt và sự tuyệt vọng đến mức tận
cùng sẽ nhận thức được giá trị kì diệu và hiếm hoi của tình yêu. Và chính họ,
sẽ hiểu được sự mong manh của hạnh phúc đời người. Và cứ hết, tôi không quên
em, cũng không quên được khúc hát ấy.
Tôi nhìn đêm trôi qua tóc
người con gái và những điệu ly biệt cứ réo rắt như chảy vào đêm. Khắc khoải,
buồn buồn. Cơ mà đẹp!
Một hôm bước qua thành phố
lạ /Thành phố đã đi ngủ trưa /Đời ta có khi tựa lá cỏ /Ngồi
hát ca rất tự do.
Theo http://enews.agu.edu.vn/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét