Dù không có được ký ức như những người phương Nam về một Đà Lạt của ngút ngàn đồi
thông, những căn nhà gỗ và xe thổ mộ, nhưng tôi cũng may mắn được chứng kiến Đà
Lạt ở thời mà thông còn reo trên những quả đồi, gió vẫn còn thong thả đi ngang
những luống rau mướt mát xanh và đường phố vẫn còn chưa ào ạt xe như bây giờ.
Ấn tượng nhất với tôi, bên cạnh những villa
kiểu Pháp và không khí thư thái, lãng mạn của thành phố này, có lẽ là những con
dốc. Những con dốc khác nhau, đôi khi lát đá, đôi khi bụi bặm, lúc quanh co
nương nhẹ bước chân, lúc lại là những bậc thang mải miết, nhưng đều được điểm
tô bằng dây leo và những cánh hoa quanh năm khoe sắc.
Cùng với thời gian, dây leo và hoa dần biến mất,
những con dốc cũng phôi pha như hồn phố xứ cao nguyên.
Quanh co những con dốc
Xe đi lòng vòng trong phố, mang theo mong
manh hi vọng tìm lại một phố xưa. Dừng chân ngẫu hứng phía sau ga xe lửa, chúng
tôi cũng chộp được vài tấm hình lạ từ góc hông Trường cao đẳng Sư phạm Đà Lạt từ
con dốc lưng chừng đồi.
Con đường quanh co bên những ngôi biệt thự cổ,
hầu hết đã được trùng tu và mất đi gần hết phong cách xưa cũ. Có chăng chỉ còn
lại những hàng rào trắng với những gốc trạng nguyên cổ thụ dù đang cuối mùa vẫn
rực rỡ trổ bông. Nơi đây, nắng cũng nhuốm màu của sắc đỏ trạng nguyên.
Trạng nguyên Đà Lạt đẹp kỳ lạ với thân trắng
và hoa đỏ, hầu như không thấy màu xanh của lá trên những thân cây cao hơn cả
mét, uốn lượn đầy ngẫu hứng. Nhìn cây, tự dưng lại nhớ tới mùa đông tuyết trắng
và những câu chuyện cổ tích mùa Noel về những giọt máu của nàng công chúa rơi
trên tuyết hóa thành những ngôi sao đỏ thắm soi bước cho muôn loài trong đêm
đông giá lạnh.
Đây đó trong vườn, những bông dã quỳ vàng cuối
cùng đang khoe sắc bên muôn loài hoa dại không tên. Trời nắng nhẹ và không khí
thoáng đãng làm mùa đông trở nên thật dịu dàng. Những con dốc ở Đà Lạt thường
không dài và mang đôi chút bí ẩn, khi không biết chúng sẽ dẫn tới đâu, quá giống
những con phố nhỏ ở Ý, Roma hay Milan, nơi tôi từng qua.
Mỗi con dốc đều mở ra những bất ngờ. Con dốc
sau lưng tòa nhà thành ủy là một phát hiện tình cờ. Bên hàng rào sắt sơn xanh
chạy dọc gần hết dốc là hàng cây phượng tím đang mùa rụng lá. Những mắt lá vàng
li ti treo trên cành trắng đan xen, nổi bật trên nền xanh già của thông và trắc
bách diệp.
Vẫn là cỏ xanh và hoa dại, đỏ, vàng, trắng,
tím... nhảy nhót trong nắng dưới chân. Cảnh sắc của con dốc ngắn như bước ra từ
truyện cổ tích. Đối diện hàng rào là một quán cà phê nửa trong nửa ngoài, với
bàn ghế sắt trắng duyên dáng bên bức tường đầy dây leo có cái cửa sổ gỗ tròn hình
bánh xe. Vòng tròn cuộc đời vẫn mải miết quay bên dốc nhỏ yên bình.
Sau hàng rào thấp của một khu vườn hoang vắng,
những quả hồng vàng tròn căng lủng lẳng trên cành. Và nhành phượng tím cuối
cùng hững hờ vắt trên hàng rào như lời giã từ của mùa gửi tới khách bộ hành.
Vẻ đẹp của “dấu xưa”
Cuối cùng rồi cũng tới được “Dốc nhà làng”.
Con phố ngắn mang tên Nguyễn Biểu nối giữa đường Phan Đình Phùng và Trương Công
Định ấy thật ra là một con dốc thẳng đứng và nổi tiếng với món “Bánh căn dốc
nhà làng Đà Lạt”.
Thông tin chưa được kiểm chứng rằng thuở đó,
đây là con dốc ngắn nhất nối liền khu villa với làng của những công nhân xây
dinh Bảo Đại. Còn người thợ trong tiệm may nhỏ trên dốc kể với tôi rằng xưa kia
trên con dốc này chỉ có ba căn biệt thự.
Thời thế đổi thay, trên dốc bây giờ là cả một
xã hội thu nhỏ: những tiệm bánh căn, giải khát, vài hàng tạp hóa, tiệm may, tiệm
sửa xe, những ngôi nhà kiểu mới với những bậc thang kiểu cũ và giàn hoa leo trước
ngõ. Dốc phố giờ chỉ còn vài ba căn nhà mang dáng dấp xưa và những bức tường đá
còn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Có thể nói hiếm con dốc nào ở Đà Lạt lại có được
những bức tường đặc biệt như vậy.
Thời gian lưu dấu trên sỏi đá và ximăng, trên
thiên nhiên, trên con người và trên những bức tường cổ. Thời gian và con người
cũng tàn phá những gì thiên nhiên tạo dựng nên, một cách vô tình hay hữu ý. Con
dốc nhỏ nay không còn cát bụi mà đã có những bậc thang ximăng sạch sẽ. Hoa
không còn đong đưa trong nắng dưới chân mà chỉ còn lác đác trên tường. Chỉ cỏ dại
và rong rêu là bền bỉ cùng thời gian.
Bức tường đá cổ và mái nhà ngói sót lại là
nơi trú ngụ cuối cùng của thiên nhiên ở nơi dốc đã hóa nhà và làng đã hóa phố.
Bóng nắng chiều trên con dốc dẫn bước chân vào một con hẻm nhỏ. Đây rồi, những
khung cửa sổ có mái bằng gỗ thông, một trong những dấu ấn của Đà Lạt xưa. Nắng
hắt lên mảng tường ximăng, phô phang những “vẻ đẹp” trần trụi của thời hiện đại.
Mảng tường đối diện được ghép từ những tấm
tôn cũ kỹ mấy chục năm tuổi, nơi có mái cửa sổ gỗ, chìm trong bóng tối. Trên một
tấm tôn còn thấy rõ hình một con gà. Chú gà trống Gaulois nào say cảnh dốc Đà Lạt
đã dừng chân nơi đây? Từ đây, dốc đổ xuống phố. Nhiều con dốc ở Đà Lạt thường
như vậy. Một chiều lên và một chiều xuống. Đi lên từ phố để trở về làng, hay đi
ngang qua làng để trở về phố?
Trời trở lạnh hơn, gió lăn tăn trên mặt nước
hồ Xuân Hương. Dừng chân bên cầu chữ Y để nhớ những con dốc đồi Cù vang tiếng một
thời. Có một Đà Lạt thông reo vi vu, có một Đà Lạt nhà cổ và một Đà Lạt thiên
đường hoa trái ngày xưa đã trở về trên những con dốc. Mảng tường đối
diện được ghép từ những tấm tôn cũ kỹ mấy chục năm tuổi, nơi có mái cửa sổ gỗ,
chìm trong bóng tối. Trên một tấm tôn còn thấy rõ hình một con gà. Chú gà trống
Gaulois nào say cảnh dốc Đà Lạt đã dừng chân nơi đây? Từ đây, dốc đổ xuống phố.
Nhiều con dốc ở Đà Lạt thường như vậy. Một chiều lên và một chiều xuống. Đi lên
từ phố để trở về làng, hay đi ngang qua làng để trở về phố?
Chuyện dọc đường:
Lạc vào nơi “tranh trên cây, thơ trên cỏ”
Con dốc nhỏ trên đường Thiện Mỹ dẫn tới một
cánh cổng chùa thường đóng im lìm. Nếu đủ duyên, cánh cửa ấy sẽ rộng mở với
khách bộ hành. Có đôi khi, trong sương khói bảng lảng của xứ cao nguyên, bạn sẽ
bắt gặp một vị sư trong bộ đồ tu hành và chiếc mũ len nâu đã làm nên dấu ấn của
ông - vị “sư điên“, “dị nhân“ theo cách gọi của dân địa phương.
Thiền sư Viên Thức, trụ trì chùa Lâm Tì Ni,
là một họa sĩ, thi sĩ, điêu khắc gia. Ông áp dụng cho mình một phái môn tu thật
nhẹ nhàng, “mọi thứ trên đời đều là chơi”. Và nghệ thuật cũng là một cuộc chơi.
Bước chân vào họa thất phía sau chùa, tưởng như lạc vào một chốn rong chơi, với
hoa, với cỏ, với thanh âm của màu sắc, thi ca và những tượng đá im lìm trong mọi
hình thù. Tranh trên cây và thơ trên cỏ. Những bức thư pháp bằng nhiều thứ tiếng
Việt, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa... đưa người xem vào một cõi mơ mà rất thực.
Ngồi trong họa thất giữa thiên nhiên, giữa
tranh và thơ, nhâm nhi một chén trà nóng ngát hương trong cái se lạnh của phố
núi, tưởng như nghe có tiếng nhạc vọng đâu đây... “Trăng thanh gió mát ngàn
muôn vẻ. Chơi giữa vô thường giữa pháp thân“.
Trần Thùy Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét