Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016

Mùa mưa bụi bay

Mùa mưa bụi bay
Thùy co mình trước vài cơn gió hắt ngược, mắt chị cay xè, tay tê cứng. Lạnh quá! Chiều ba mươi Tết mà rét cắt da, cắt thịt. Thùy xoa xoa đôi bàn tay nham nhở nốt đồi mồi già nua vào nhau như tự tìm một chút hơi ấm.
Chợ đã vãn người, ai nấy hối hả, vội vã trở về nhà, bỏ lại những rác rưởi, héo úa cho chị - người lao công của chợ. Thùy nhẫn nại quét dọn, gom, hót. Tiếng chổi tre lạt xạt, lạt xạt lúc nhanh, lúc chậm cứ lăn về phía trước. Nơi cuối chợ, đôi ba cành đào xơ xác bị vứt bỏ nằm chỏng chơ với đôi ba cái nụ gầy yếu bám vào cành khẳng khiu trông thật buồn thảm. Thùy cúi nhặt một cành trông khá hơn cả cài vào sau xe chở rác. Lát nữa chị sẽ mang cành đào này về, con bé con sẽ rất vui. Nghĩ đến con, Thùy nở một nụ cười hạnh phúc.
Trời đã nhá nhem tối, điện đường đã được bật lên sáng rỡ, từ những chiếc loa công cộng của thị trấn vang lên những lời ca trong sáng, ngọt ngào chào đón mùa xuân. “Giữa dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc. Ơi con chim chiền chiện, hát chi mà vang lừng…”, Thùy vừa lẩm nhẩm hát theo vừa phẩy những vệt chổi dài. Chị biết lúc này, cái Hoa đang lụi cụi quét dọn nhà cửa chuẩn bị đón giao thừa còn con bé Hồng thì đứng co ro bên cửa chờ mẹ về. Chị vun đống rác cuối cùng lại, hót lên xe trong tiếng muỗi vo vo lượn vòng. Thoảng đâu đó tiếng nhà ai í ới gọi nhau vớt bánh chưng vang lên rạo rực cả lòng người. Rồi mùi bánh thơm nức lan tỏa trong không trung như xua đi giá rét của đêm cuối năm. Thùy chạnh lòng nhớ đến mẹ. Ngày xưa, khi chị còn nhỏ, dù nhà nghèo bữa no, bữa đói quanh năm nhưng ba ngày Tết mẹ luôn cố lo cho các con đầy đủ. Cũng có đủ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” như mọi nhà. Thường thì sáng ba mươi Tết mẹ mới gói bánh chưng vì khi đó mẹ mới chạy được đủ gạo, thịt để gói bánh. Lúc mẹ ngồi gói bánh, năm chị em Thùy ngồi vòng quanh háo hức xem và nôn nao chờ đợi đến lượt mình được mẹ cho phép tự gói một cái bánh con con. Bánh chưng mẹ gói ít thịt, ít đỗ đã đành nhẽ, bánh chưng con của chị em Thùy chỉ có ít gạo và một dúm đỗ cỏn con vậy mà khi bóc ra ăn sao mà ngon đến thế! Nó cứ thơm, cứ ngọt mãi vào cả giấc mơ thơ trẻ để qua Tết rồi chị em Thùy lại thắc thỏm chờ đợi Tết sau… Bây giờ, chị em Thùy mỗi người mỗi ngả mưu sinh nhưng cứ Tết đến, xuân về sum vầy bên nhau thể nào cũng nhắc đến những ngày Tết đã xa ấy - những ngày Tết còn có mẹ yêu thương, bao bọc và ai nấy đều rưng rưng thương những ngày thơ ấu của mình.
Thùy cúi gập người kéo xe rác về phía bãi, tiếng xe lọc cọc, lọc cọc vang lên nặng nề. Là xe rác cuối cùng nên chị đã chở cố, bỗng chị cảm thấy những đốt xương đau lâm râm và bắp chân nhức mỏi. Thùy thở dài khi nghĩ mình đã già. Xuân mới, tuổi mới, vui đấy mà cái buồn liền kề. Quay đi, quay lại Thùy đã qua tuổi bốn mươi, phụ nữ tuổi này có mấy ai còn trẻ nữa. Từ ngày bố hai đứa trẻ bị bệnh nặng qua đời, một mình chị phải bươn chải nuôi con, cuộc sống vô cùng vất vả. Nhờ trời cho Thùy sức khỏe và hai đứa trẻ chăm ngoan, học giỏi lại được sự giúp đỡ của bà con hàng phố nên ba mẹ con cũng đủ ăn. Tiếng thở của Thùy nặng dần theo từng bước chân.
Bỗng “rầm”, “á…a…”, Thùy bật tiếng kêu cùng với tiếng xe rác đổ nghiêng. Chân chị đau điếng tưởng như bị đứt lìa khi bị một bên càng xe đè nghiến lên. Trời tối đen rồi, ở chỗ khúc ngoặt này có một cái ổ gà sao chị lại không nhớ chứ? Có lẽ vì vội quá mà chị đã quên mất. Thùy vừa rên rỉ vừa tự trách mình và loay hoay tìm cách thoát ra khỏi cái xe mà không được. Nước mắt chị chợt trào ra không sao kìm nén được. Chị khóc không phải vì đau mà vì tủi, vì một sự bất lực trào dâng. Thùy đưa mắt nhìn bốn phía cầu mong ai đó đi qua, cầu mong một sự giúp đỡ. Tiếng nấc nghẹn làm chị sụp xuống. Chị cảm nhận được máu đang tuôn trào, nhầy nhụa nơi bàn chân trong chiếc ủng nhựa. Có tiếng xe máy từ xa, rồi ánh đèn loang loáng đang lại gần, chị cố nhoai người lên và giơ tay vẫy: “Giúp tôi với! Xin hãy giúp!”. Tiếng phanh xe gấp gáp, một thanh niên trẻ áng chừng hơn con bé lớn nhà chị vài ba tuổi bước xuống xe. Chị vội chìa tay về phía nó và nói: “Cháu giúp cô…!” Thằng bé nhảy lùi ngay lại và gắt lên: “Ô, cái bà này, bẩn hết quần áo của tôi bây giờ?”. Nói rồi nó quay lại, ngồi lên xe và lách qua đống rác choán gần hết mặt đường, phóng vụt đi. Thùy thất vọng, thẫn thờ nhìn theo ánh đèn hậu đỏ của chiếc xe đang xa dần và thở dài: Bọn trẻ bây giờ lại vô cảm đến vậy sao? Mưa bắt đầu buông sợi bay bay phơ phất, chị tê tái ngước nhìn trời, nước mắt tuôn không dứt.
Chợt, chị nghe tiếng nói cười lao xao đang lại gần, rồi ánh đèn pin, rồi tiếng xe đạp đạp gấp, chị chưa kịp lên tiếng đã thấy chân mình được giải phóng khỏi cái càng xe nặng trịch. Chị đưa tay quệt mắt và nhìn lên: Hai thanh niên lạ mặt chừng mười tám, mười chín tuổi ăn mặc tinh tươm, sạch sẽ đang vừa kéo chị ra xa xe rác, vừa nói:
- Cô có sao không cô? Hải, cậu tháo ủng ở chân cô ấy ra.
Cậu bé tên Hải loay hoay tháo ủng ra khỏi chân chị và kêu lên:
- Ôi, chảy máu nhiều quá! Không biết có bị gãy bàn chân không nữa. Thanh, cậu cho tớ mượn cái khăn quàng cổ của cậu đi!
Thùy cắn chặt môi đến bật máu khi Hải và Thanh sơ cứu cho chị. Hai cậu bé vừa băng bó vết thương cho chị vừa xuýt xoa ái ngại.
- Sắp giao thừa rồi, khổ cô quá!
Thùy nghẹn ngào:
- Cảm ơn các cháu quá! Không có hai cháu đi ngang qua chắc cô chết ở đây quá!
Cậu bé tên Thanh nhìn Thùy bằng ánh mắt thương cảm:
- Cô để chúng cháu đưa cô ra trạm xá. Phải cẩn thận không nhiễm uốn ván cô ạ!
Thùy nhìn bọn trẻ vẻ ái ngại:
- Nhưng mà, quần áo các cháu… thôi, để cô…
Thùy cố gượng đứng lên nhưng chị lại ngã ngồi xuống và nhăn nhó, đau đớn. Hải vội đỡ lấy chị và bảo:
- Cô đừng ngại, hãy để chúng cháu giúp!
Sau khi Thùy được bác sĩ Yên khâu và băng bó vết thương, Hải và Thanh vui vẻ nói với chị:
- Cháu đã nhờ người báo cho Hoa rồi cô ạ! Bạn ấy ra đón cô bây giờ đấy!
Thùy ngạc nhiên:
- Thế ra hai cháu cũng ở thị trấn này?
Hải cười:
- Chúng cháu mới lớn lại ở khác khu phố nên cô không biết chúng cháu là phải ạ!
Thùy cảm động nói:
- Không có hai cháu, mình cô không biết phải làm sao. Thật cảm ơn các cháu quá!
- Có gì đâu cô ơi! Chúng cháu chỉ muốn mọi người được cùng vui đón xuân thôi mà.
Thùy thấy vui vô cùng, chị ríu rít cảm ơn hai thanh niên trẻ. Chị thấy mình đã sai khi cho rằng bọn trẻ bây giờ vô cảm, vô tâm.
Đúng lúc này, hai con gái chị chạy ào vào, cái Hoa luống cuống:
- Mẹ, mẹ làm sao thế này? Chân mẹ…
Thùy cười nhẹ:
- Mẹ không sao, đưa mẹ về nhà đã chứ!
Con Hồng rối rít:
- Thấy mẹ về muộn, con sợ quá đi mất, con cứ đứng ở cửa chờ mẹ mãi…
Hải và Thanh cùng Hoa đỡ chị ra cửa trạm xá. Lúc này chị mới để ý thấy ở góc sân là một chiếc xe máy với một thanh niên lạ mặt. Cậu thanh niên cũng vội vã cùng bọn trẻ đưa chị về nhà. Khi đã về đến nhà, Thùy nhìn cậu thanh niên rồi nhìn sang con gái và hỏi:
- Đây là…
Hoa đỏ mặt nói khẽ:
- Dạ, anh Minh, bạn con ạ!
Minh cũng lí nhí chào chị vẻ ngượng ngập. Cậu ta đã nhận ra mẹ bạn gái mình chính là người phụ nữ kéo rác bị đổ xe cậu gặp khi nãy. Thùy cũng đã nhận ra Minh vì qua ánh đèn xe máy lúc ấy chị nhìn rõ khuôn mặt cậu ta. Chị khẽ cau mày. Nhưng, Hải và Thanh đã cất tiếng chào mọi người và nói:
- Cô nghỉ đi ạ! Chúng cháu ra dọn xe rác kẻo người đi đường gặp trở ngại mà Tết về đường phố mình phải phong quang, sạch sẽ để đón khách cô nhỉ?
Thùy nhìn hai thanh niên trẻ với vẻ trìu mến và biết ơn, chị chưa biết nói thế nào thì Minh vội nói:
- Thôi, hai bạn cứ về đi, để mình và Hoa làm. Bọn mình làm được mà!
Hải và Thanh nhìn Minh thân thiện, Hải nói:
- Vậy bốn chúng mình cùng ra làm cho nhanh, sắp giao thừa rồi!
Bốn đứa trẻ kéo nhau đi, vừa đi vừa ríu rít chuyện trò.
Một lúc lâu sau, Minh chở Hoa về. Chị kể lại chuyện Hải và Thanh giúp mình với các con và cố không nhắc tới chuyện vô tâm, lãnh cảm của Minh. Chị nói với hai con gái:
- Sống trên đời rất cần một tấm lòng các con ạ!
Minh xấu hổ cúi mặt nhìn xuống chân. Nhân lúc cái Hoa lo chuẩn bị quần áo cho chị, cậu ta vội nói lời xin lỗi. Thùy cười độ lượng làm Minh dường như vui trở lại. Câu chuyện giữa hai cô cháu dần dần trở nên cởi mở, chân tình hơn. Lúc này, Thùy mới để ý thấy một túi nhỏ đặt bên cạnh chỗ chị ngồi cùng cành đào chị nhặt ở chợ khi chiều. Chị vội mở túi ra thì thấy trong đó là một cặp bánh chưng, một bao lì xì đỏ tươi và một mảnh giấy nhỏ có ghi dòng chữ: "Kính chúc gia đình đón xuân vui vẻ, an khang, thịnh vượng! (Chi đoàn Thanh niên thị trấn)".
Chị rơm rớm nước mắt. Con bé Hồng chạy ra, chạy vào tíu tít rồi sà vào ôm tay mẹ lắc lắc:
- Mẹ tắm rửa, thay quần áo rồi đón giao thừa đi mẹ!
Minh vội xin phép ra về. Thùy nhìn theo con gái sánh bước cùng Minh ra cửa, chị nở nụ cười tươi tắn như chưa bao giờ phải vất vả, mệt nhọc, lam lũ. Lòng chị thấy ấm áp vô cùng giữa cái rét giá của đêm ba mươi. Tiếng hát từ chiếc đài truyền thanh của thị trấn lại réo rắt vang lên ca khúc chào xuân: “Xuân, xuân ơi, xuân đã về…” Dưới ánh điện đường sáng rỡ, đường phố bắt đầu nhộn nhịp, náo nức bởi những tốp thanh niên, nam nữ đang ríu rít bên nhau chờ đón phút giao thừa thiêng liêng. Thùy ngước mắt ngắm nhìn những hạt mưa bụi bay bay huyền ảo và thầm nghĩ: Mùa mưa bụi đã về rồi. Ngày mai trời sẽ ấm sắc xuân.
Trần Thùy Linh 
Nguồn Báo Hải Dương
Theo http://quehuongonline.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...