Mảng trời Tây Bắc- Đông Bắc
đặc biệt thu hút tôi. Chính vì thế, tôi rất vui mừng, háo hức khi được tham gia
“Hành trình về nguồn của Ban liên lạc Cựu chiến binh Cục hậu cần Miền Nam” đi
tham quan Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Sa Pa, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang,
Thái Nguyên do Công ty CP Du lịch Hòa Bình Việt Nam tổ chức. Cảm giác vui không
sao tả xiết khi biết mình sắp được đặt chân đến mảnh đất địa đầu tổ quốc, được
trải mình với vẻ đẹp bất tận của đất nước Việt Nam.
Một chặng đường dài 8 ngày 7
đêm với biết bao địa danh chúng tôi đã đi qua. Đường đến Sơn La đi qua Thung
Khe với các làng Thái ven đôi bờ sông Đà, tham quan Bảo tàng văn hoá Sơn
La, nơi trưng bày nhiều hiện vật quí, giới thiệu truyền thống lịch sử, văn hoá
của cộng đồng 12 dân tộc, thăm cây đào Tô Hiệu, di tích nhà tù Sơn La, do
người Pháp xây dựng năm 1908 trên đồi Khau Cả - nơi giam giữ nhiều chiến sỹ
cách mạng Việt Nam. Chặng đường 320 km trong ngày đầu cũng chính là con đường
đã vang danh một thời trong thời kháng chiến chống Pháp “Con đường Tây Tiến”.
Đèo Pha Đin
Ngày thứ hai, từ tờ mờ sáng
chúng tôi đã trả phòng. Hôm nay chúng tôi phải vượt qua một trong tứ đại
đèo- đèo Pha Đin- để tới Điện Biên Phủ. Đèo Pha Đin hay Dốc Pha Đin là đèo núi
có độ dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận
Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện
Biên. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó
Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ
tiếp giáp giữa trời và đất. Những người dân ở đây còn lưu truyền câu chuyện kể
về cuộc bàn thảo tìm cách vạch định ranh giới của hai địa phương bằng một cuộc
đua ngựa vượt dốc Pha Đin. Người và ngựa của cả hai phía đồng thời xuất phát từ
hai dốc đèo. Hai dũng sĩ và hai con tuấn mã đều có sức mạnh và ý chí như nhau
nên khoảng cách mà họ đi được cho tới địa điểm gặp nhau trên đèo không chênh lệch
bao nhiêu. Tuy vậy, phần ngựa Lai Châu phi nhanh hơn nên phần đèo thuộc về Lai
Châu dài hơn một chút so với phần phía Sơn La.
Đèo Lũng Lô, con đường tiếp
đạn cho chiến dịch Điện Biên
Đó là câu chuyện sớm mai còn
chiều tà là hồi ức về những năm tháng Điện Biên. Đúng với mục đích của các chú
CCB, đoàn đến Điện Biên vào ngày 7/5/2013- kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện
Biên Phủ. Chúng tôi lần lượt tham quan các khu vực quan trọng như: Hầm sở
chỉ huy quân đội Pháp, Bảo tàng Điện Biên Phủ, Nghĩa trang Liệt sỹ Đồi A1, đồi
tượng đài chiến thắng, sân bay Mường Thanh. Lễ dâng hương tưởng niệm những người
đã mất, ai cũng thấy bùi ngùi và sóng mắt cay cay. Dẫu biết cuộc chiến đã đi
qua và những mất mát đau thương là không tránh khỏi nhưng đứng trước những người
đồng đội đã ra đi để có hòa bình, độc lập hôm nay thì ký ức ấy lại ùa về. Thế mới
hiểu vì sao dưới cái nắng chang chang của mùa hè tháng 5, những đôi chân xem chừng
như đã mỏi mệt vì năm tháng lại vẫn cứ thoăn thoắt, khoan thai đến lạ kỳ. Vượt
qua 134 bậc thang, các cô chú Cựu Chiến Binh đã lên đến tận chân tượng đài chiến
thắng, niềm tự hào của những người lính, từ đó trải mắt ngắm nhìn cả thành phố
trong nắng vàng rực rỡ.
Tượng đài chiến thắng Điện
Biên
Chương trình ngày càng căng nhưng bù lại cảnh vật ngày càng đẹp. Bài văn
“ Lặng Lẽ Sa Pa” đã được học mà tôi nhớ hoài hình ảnh “xe chúng tôi đang đi
trên dãy Hoàng Liên Sơn, từng đám mây trắng là là trên mặt đất...”, cái cảm
giác ấy cứ thôi thúc tôi một ngày nào đó sẽ tìm đến. Và hôm nay, tôi đã được tận
mắt nhìn và cảm nhận, cảnh đẹp không bút nào tả xiết và cảm giác khó nói nên lời. Đèo
Ô Quy Hồ hay đèo Hoàng Liên Sơn là một trong số những cung đường đèo dài,
hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất ở miền núi phía Bắc Việt Nam. Đèo cắt ngang
dãy Hoàng Liên Sơn, nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, đỉnh đèo cũng chính
là ranh giới giữa hai tỉnh. Tương truyền ở vùng núi này, trước kia có một loài
chim có tiếng kêu da diết, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không
thành của một đôi trai gái, theo thời gian chính tiếng kêu ô quy hồ của loài
chim ấy đã được đặt thành tên cho con đèo hoang dại ở độ cao gần 2000m này.
Thác Bạc
Đúng 16h00 như kế hoạch, đoàn có mặt tại Thác Bạc – SaPa.
Dòng thác cao hơn 200 mét là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa, ầm ầm đổ
xuống, bọt tung trắng xoá như những đóa hoa thật đúng nghĩa với tên gọi của nó.
Đến Sa Pa không đúng vào thứ bảy nên chúng tôi không xem được phiên “chợ tình
Sa Pa”. Chúng tôi dạo phố trong tiết trời mát mẻ. Cái ấn tượng nhất của tôi ở
đây đó là món đặc sản “Thắng Cố”, món đặc trưng, gia truyền nhưng nói thật,
tôi khiếp sợ cái món ấy, không thể ăn được, không dám thử lần hai!
Lần trước đến Sa Pa trời trong, nắng đẹp, tôi hơi tiếc vì bản thân
thích ngắm Sa Pa trong sương mù. Gần 5h sáng mưa một trận tơi bời, thức dậy thấy
sương mù dày đặc, thế là được toại nguyện, vui ghê! Đoàn vừa ăn sáng xong là trời
tạnh hẳn mưa, nắng lên rất đẹp. Cả đoàn đi tham quan núi Hàm Rồng, ngắm vườn
hoa, rừng đá, chinh phục sân mây và ngắm toàn cảnh Sa Pa rất đẹp trong sương nhẹ.
Trên đường về, các cô chú hồ hởi khoe với tôi những bức ảnh vừa sưu tầm tại sân
mây, cổng trời núi Hàm Rồng.
Núi Hàm Rồng
Buổi sáng ngày thứ 5, tôi rất bồn chồn, phấn khởi vì hôm nay tôi sẽ được
chạm tay vào cột cờ Lũng Cú. Cột cờ Lũng Cú là cột cờ quốc gia nằm ở
đỉnh Lũng Cú hay còn gọi là đỉnh núi Rồng (Long Sơn) có độ cao khoảng
1.700m so với mực nước biển, thuộc xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà
Giang, nơi điểm cực Bắc của Việt Nam. Từ trên đỉnh cột cờ nhìn xuống đất có 2
ao nước ở hai bên núi, quanh năm không bao giờ cạn nước, được gọi là mắt rồng, là
nguồn nước cho đồng bào dân tộc 2 bản sử dụng.
Cột cờ Lũng Cú được xây dựng đầu tiên từ
thời Lý Thường Kiệt và
ban đầu chỉ làm bằng cây sa mộc.
Cột được xây dựng lại từ thời Pháp thuộc, năm
1887. Những năm sau đó như 1992, 2000 và đặc biệt năm 2002 cột cờ tiếp tục được
trùng tu hoặc xây dựng lại nhiều lần với kích thước, quy mô lớn dần theo thời
gian, trong đó năm 2002 cột cờ được dựng với độ cao khoảng 20m, chân và bệ cột
có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông
Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm quốc kỳ Việt Nam có chiều dài 9m, chiều
rộng 6m và tổng diện tích rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống
trên đất nước Việt Nam. Trải qua nhiều lần phục dựng, tôn tạo, cột cờ mới hình
bát giác có độ cao trên 30m được khánh thành ngày 25 tháng 9 năm 2010.
Tiếp tục cuộc hành trình, đoàn khởi hành đi cao nguyên đá Đồng Văn. Cao
nguyên trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh
Hà Giang. Ngày 3/10/2010, hồ sơ “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn” đã
được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO
chính thức công nhận là Công viên địa chất Toàn cầu. Đây hiện là danh hiệu duy
nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Không những được ngắm nhìn cảnh đẹp, lạ
và hùng vĩ của cao nguyên đá, tôi còn được tham quan cổng trời Quản Bạ, làng
dân tộc Bố Y, phố cổ của người Mông (Phố Cáo), nhà vua Mèo.
Vua Mèo là một chức vụ thủ lĩnh tinh thần của đồng bào dân tộc H'Mông, Việt
Nam, Lào. Ngày nay vua Mèo là một từ của huyền thoại, quá khứ của người dân tộc
H'Mông...
Nhà Vua Mèo
Con đường từ Hà Giang lên thị trấn Yên Minh khá dễ dàng, đường rộng, dốc
không cao nhưng từ thị trấn Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn thì vô cùng khó
khăn. Chỉ có tài xế bản lĩnh, tinh thần thép thì mới chinh phục được những khúc
cua tay áo như thế. Đường càng ngày càng nhỏ hẹp, không một chiếc xe 35 nào chạy
cả, xe lớn nhất là coaster, mà di chuyển cũng vất vả, xe 16 chỗ là êm ái nhất.
Các khúc cùi chỏ, khúc tay áo đúng như bản thân nó cứ khúc kha khúc khuỷu, dốc
càng ngày càng thẳng đứng hơn, một bên là vách núi, một bên là vực đá, không một
bóng cây, khách ngồi trên xe cũng hồi hộp lắm dù mọi người vẫn hòa theo lời kể
chuyện của anh Trường HDV. Tôi ngồi ghế đầu, vì nhỏ tuổi nhất đoàn nên các chú
ưu tiên cho ngồi trước để dễ chụp hình. Cảnh vật cứ ùa vào mình, đèo này tiếp nối
đèo kia, núi này sang núi nọ, chạy vòng vèo hoài mà không thấy tới, lúc lên lúc
xuống, dốc càng dốc, đường càng nhỏ…
Cuối cùng, thị trấn Đồng Văn cũng mở ra trước mắt, cảm xúc thật khó tả! Các
thành viên trong đoàn đều hài lòng sau bữa cơm tối vì nhà hàng nấu ăn vừa miệng,
lại có món cháo lảo và gà H’mông, thịt săn chắc, ngon ngọt hơn miền xuôi.
Tôi ấn tượng món cháo lảo, là lạ, thơm ngon, vừa miệng, về Sài Gòn thèm kiếm
không ra. Sau bữa tối, cả đoàn lại í ới gọi nhau đi uống cà phê phố cổ.
Ngày thứ 6 được đánh dấu bằng niềm vui vỡ òa khi cả đoàn đặt chân đến cung đường
Hạnh Phúc với Mã Pì Lèng, đệ nhất trong tứ đại đèo, được tận mắt nhìn sự hùng
vĩ của núi rừng và con sông Nho Quế xinh đẹp, chia ranh giới tự nhiên giữa Việt
Nam và Trung Quốc.
Đỉnh
Mã Pí Lèng thuộc ba xã Pải Lủng,
Pả Vi và Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang)
trong
cao nguyên đá Đồng Văn, có độ cao khoảng 2.000m so với mặt nước biển, được tạo
nên bởi một loạt trầm tích gồm đá vôi, đá phiến ánh, đá vôi silic chứa các hóa
thạch cách đây khoảng 426 triệu năm, bao gồm trong đó nhiều vết trượt và vết nứt
do các hoạt động tạo núi gây ra. Cảnh quan khu vực này lởm chởm đá dựng, trong
đó vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm
Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông thương từ Xín Cái
sang Điền Bồng, Trung Quốc. Các học giả Pháp, từ cả trăm năm trước, đã gọi đỉnh
Mã Pí Lèng nói riêng và Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nói
chung là một "Tượng đài Địa chất”.
Trước những năm 1960, hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi
hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết
vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh
đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh
Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời). Nhằm mục đích giúp vùng
núi tiến kịp vùng xuôi, năm 1959, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Khu ủy Việt
Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Con đường này, về sau
mang tên Đường Hạnh Phúc, được khởi công vào ngày 10 tháng 9 năm 1959 với
sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc Mèo,
Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô v.v. của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng
Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định.
Qua hơn 1.000 ngày đầu tiên thi công con đường, cả vạn thanh niên xung phong và
người dân các dân tộc vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng là đỉnh
Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách
núi ở độ cao khoảng 1.600m. Công trình này khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu
nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên “đường công vụ” rộng khoảng 40 cm trên vách
đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17
thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là “Đội Cơ Dũng”) phải treo mình
bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng đục đẽo hoàn toàn bằng bàn tay
trần và những phương tiện thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối
diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và
truy điệu sống trong từng ngày làm việc.
Sau
6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công đục khoét trên 2.899.638m3 đá mà
hầu hết trong đó là lao động thủ công, không có sự hỗ trợ của máy móc, con
đường được hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965.
Sau khi hoàn thành, Đèo Mã Pí Lèng tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc
nhất ở vùng núi biên viễn phía Bắc, được ví như "vua" của các con đèo
Việt Nam. Cung đường đèo ban đầu được mở chỉ đủ rộng chỗ cho người đi bộ và xe
ngựa thồ, về sau được mở rộng hơn cho ô tô nhưng vẫn rất nguy hiểm. Nằm giữa
cao nguyên Đồng Văn trơ trọi đá, một bên là vách núi Mã Pí Lèng cao dựng đứng
và một bên là vực sâu sông Nho Quế, phía Bắc và Đông Bắc đèo trải dài trong tầm
mắt là hàng ngàn quả núi đá trọc màu xám trùng trùng điệp điệp, cây cối lơ thơ.
Cung đường Mã Pí Lèng nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc trong đó có đoạn đèo 9
khoanh dài 20 km về sau trở thành một kỳ tích mà nhiều người ví như một Vạn Lý
Trường Thành của Việt Nam hay Kim Tự Tháp của người Mèo. Trên đỉnh đèo Mã Pí
Lèng, nơi cao nhất của Đường Hạnh Phúc, đặt một tấm bia đá ghi lại những dấu ấn
trong quá trình xây dựng đường đèo. Có lẽ đã được tôi luyện từ hôm qua, nên hôm
nay tôi không còn cảm giác sợ nữa mà trước mắt tôi bây giờ đây thực sự là cung
đường Hạnh Phúc đúng như tên gọi của nó.
Rời Mã Pì Lèng, điểm mà chúng tôi dừng chân tiếp theo là Pắc Bó:
“Non xa xa nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi
là
Đây suối Lê Nin, kia Núi Mác
Hang Pác Bó
Di
tích lịch sử Pắc Bó nằm trên địa bàn xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh
Cao Bằng. Đây là địa điểm từng gắn với hoạt động của Bác Hồ, nơi Người đặt chân
đầu tiên khi trở về Tổ quốc vào mùa xuân 1941. Đoàn lần lượt tham quan Hang
Cốc Bó (tiếng Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”) rộng khoảng 80m2, cửa hang chỉ
vừa một người đi. Đây là nơi Bác và các đồng chí cán bộ cách mạng ở từ
ngày 08/02/1941 đến trung tuần tháng 3 năm 1941. Trong hang hiện còn một bộ bàn
ghế mà Bác đã từng ngồi làm việc với các cán bộ cách mạng và dịch các tài liệu
quan trọng; Nền nhà ông Lý Quốc Súng là ngôi nhà Bác Hồ đã ở khi mới trở về Tổ
quốc chỉ đạo cách mạng (từ ngày 28 tháng 01 đến ngày 07/02/1941). Ngôi nhà này
được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương; Suối Lê Nin-
nơi Bác thường ngồi câu cá; Cột mốc 108 nay là cột mốc 675, là một trong
314 cột mốc biên giới Việt - Trung xưa, được làm bằng đá tảng nguyên khối, hình
bầu dục, cao khoảng 70cm, bên trên khắc nội dung bằng tiếng Trung và tiếng
Pháp.
Dù lúc này trời đã bắt đầu nhá nhem tối nhưng chúng tôi vẫn quyết lần theo con
suối thân quen đến cho được “bàn đá chông chênh dịch sử Đảng” và khi
đã tới rồi thì thấy đúng là “ cuộc đời cách mạng thật là sang”. Đặc biệt con suối
Lê Nin trong xanh, HDV bảo nước suối từ đầu nguồn, rất sạch, uống vào sẽ gặp
may, nên trong đoàn ai cũng uống vài ngụm, quả thật nước suối rất ngọt và mát,
thấy sảng khoái, mọi mệt nhọc đều tan biến.
Sáng hôm sau, chúng tôi dự định khởi hành sớm để về kịp tham quan cây đa
Tân Trào. Nếu ở Tp. HCM từ 4h00 sáng đã nghe tiếng hàng quán leng keng thì bà
con nơi đây 6h00 vẫn còn ngủ. Dù đã dặn trước nhưng chị chủ quán vẫn ngủ quên.
Thế là… chúng tôi phải lao vào bếp phụ, người mang bàn dọn ra, người múc nước
lèo, người bưng bê xem chừng rất “nghề”. Nhờ sự đồng tay như vậy, chỉ 20 phút tất
cả hành khách đều có phần ăn sáng tươm tất.
Tân
Trào là khu di tích lịch sử của cách mạng Việt Nam thời kỳ Cách mạng tháng
Tám. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp
hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Tân Trào là thủ đô lâm thời của khu giải
phóng, nơi Ðảng Cộng sản Việt Nam tiến hành hội nghị toàn quốc ngày 13 tháng 8
năm 1945 để quyết định tổng khởi nghĩa. Ðại hội quốc dân đã họp tại đây ngày 16
tháng 8 năm 1945, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, bầu ra một chính
phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch và quân giải phóng Việt Nam làm lễ ra
quân. Tân Trào là tên mới, được hợp nhất từ hai xã Tân Lập và Hồng Thái vào năm
1945 (trước đây còn gọi là Kim Long và Kim Châu).
Ngày thứ 7 kết thúc tốt đẹp với một tấm ảnh tập thể đặc sắc tại Lán Nà Lừa,
một bữa tối thịnh soạn và một chầu karaoke hoành tráng. Mọi người xem chừng quyến
luyến, bịn rịn không muốn ngủ vì nếu ngủ ngày mai sẽ tới mau.
Cuộc vui rồi cũng phải tàn. Đoàn về đến Hà Nội lúc 17h00 ngày hôm sau đúng như
dự định. Các cô chú ra về không quên lời hẹn gặp lại sang năm vào Miền Nam
đi Phú Quốc đảo ngọc- một thiên đường nghỉ dưỡng, đồng thời cũng tham quan
Nhà tù Phú Quốc nơi ghi dấu sự kiên trung của những chiến sĩ- đồng đội năm
xưa.
Tôi thực sự muốn có thêm vài ngày nữa. Tôi vẫn còn đang say với cảnh đẹp núi rừng,
còn lưu luyến với những người bạn mới quen. Tp. HCM đón tôi ngày 14/5, giữa
trưa hè nhưng không oi ả, tôi trở về mang theo hương vị những quả đào tiên từ
Sa Pa, cái nắng nhè nhẹ dễ chịu của Cao Bằng, một chút mộc mạc giản dị của Sơn
La và những ánh mắt trẻ thơ quá đỗi hồn nhiên dễ thương của các em bé Mèo Vạc.
Không biết bao giờ tôi mới lại đến đây thêm lần nữa, những gì đã qua là những
trải nghiệm đẹp khó quên trong đời. Có đi mới biết quê hương mình rộng lớn và đẹp
dường nào. Hy vọng sự phát triển của du lịch sẽ vẫn song song tồn tại với
những giá trị nguyên bản của nó. Một hành trình mới rồi đây nhất định sẽ bắt đầu…
Nguyễn Thụy Phương Diễm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét