Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2016

Thầm thì tiếng đá Hà Giang

Thầm thì tiếng đá Hà Giang
Chúng tôi háo hức về Hà Giang-miền quê văn hóa hùng tráng, độc đáo luôn gây ấn tượng mạnh với bất cứ ai có dịp đặt chân trên rẻo cao này. Những địa hình, địa danh luôn gợi cho con người ý tưởng lãng mạn phiêu du, phiêu lãng. Hà Giang có nhiều địa danh gắn với tên gọi nhiều ý nghĩa. Ví như Hồ Giàng theo tiếng Mông tức là hồ nước ở trên trời. Người xưa đến đây lập đất, thấy địa hình như một cái máng khổng lồ, nắng mưa thuận hòa, tức là vùng đất trù phú đầy sinh lực.
Núi đôi-tặng vật của tạo hóa
Những màn sương đặc những con đường ngoằn nghèo đèo dốc như thử thách ý chí và nghị lực con người. Địa vực này có tên Pác Xum, nghĩa là trùng trùng những miệng hố. Lên cao nữa rồi ngoái lại, mới cảm nhận được cái dữ dằn trải ra mênh mông. Đèo Pác Xum là biên vực thiên tạo. Còn hàng rào là chướng ngại vật do con người thu nhỏ lại.
Để lại phía sau cảm xúc chen lấn, mọn hèn, an phận, cổng trời Quản Bạ mở ra một quang cảnh hùng vĩ như đưa ta vào cõi huyền thoại, vừa như dự báo sự thử thách mới. Và kia, đứng trên đỉnh đèo nhìn về phía trước, bất cứ ai cũng hóa thành thi sĩ khi nhãn tiền hiện lại hai quả gò sừng sững hệt như đôi bầu vú đang hồi sung mãn dậy thì. Đôi bầu vú thần tiên thánh thiện cứ dâng hiến cho muôn người no mắt, không có tuổi tác không có ngày tàn. Bên cạnh đó là chiếc sừng quỷ cứ nghênh ngang với đất trời. Vậy nên, trong sổ tay của ông giáo Hạng Mí De, cựu Bí thư Quản Bạ có một trang ghi dòng chữ nắn nót, không rõ thơ ông, hay thơ đã dân gian hóa:
Đẹp tròn xinh xắn dưới trần gian
Lúa ấp, ngô ôm giữa ngút ngàn
Khen ai khéo tạo nên đôi núi
Để đêm về xao động miên man.

Bầu trời Quản Bạ chưa bao giờ ngủ yên. Vừa lõng bõng sương như nước chế óc đậu, lại đã xanh trong đến vô cùng, vô tận. Sương Quản Bạ tụ hợp cả hơi thở của đất trời, núi non, suối lũng trộn sệt với hơi thở con người. Ngay trên đỉnh núi cao ngất, một trạm vi-ba và trạm thu phát truyền hình được xây dựng phục vụ cho phố huyện Quản Bạ và nhiều điểm dân cư các vùng chung quanh.

Tình ca của đá
Chưa kịp lưu lại cảm xúc với bộ ngực trần của thần tiên thì một vùng núi đá nhô lên tua tủa. Đá đứng, đá ngồi, đá nằm, đá nhú, đá nghiêng. Đá trầm mặc. Đá xôn xao. Đá xúm xít. Đá sum vầy. Chúng tôi dường như cảm nhận, lắng nghe được câu chuyện của đá. Rằng đá đã chứng kiến biết bao cảnh vật đổi sao dời. Rằng kẻ ác tâm, lũ tham tàn, người yếu đuối, thi nhân hay hùng liệt đều đổ mồ hôi, sôi nước mắt nâng cho đá cao lên, phơi mình trong nắng gió mưa ngàn. Tiếng nói, tiếng hát của đá thật lạ, thật trầm hùng mà cũng thật thân quen huyền bí. Và những ngày này, trong công cuộc đổi đời, đá đã chịu nằm trải thành vệt cho người, ngựa, xe máy, ô tô kết tình người muôn phương vạn nẻo, không còn cát cứ những khoảng đìu hiu lạnh lẽo. Thật quá sức tưởng tượng khi thấy những con đường nối những làng thôn được mở rộng trên đá. Đá tua tủa phải nhường chỗ cho ý chí con người của thời đại mới...
Còn đang miên man nghĩ về đá, bất chợt thị trấn Mèo Vạc hiện ra. Những nếp nhà phố núi chìm khuất giữa màu hoa mận trắng xóa choán ngợp như tuyết trắng tinh khiết. Mèo Vạc nghĩa là nơi lập làng định cư đầu tiên của người Mông họ Vàng, tiếng Mông Đơư là Và, nghĩa Việt Hán là Vương. Cuộc phiêu lãng tiếp tục vươn tới Mã Pì Lèng theo con đường chênh vênh bên bờ vực thẳm. Chà! Hình như chưa hề có một thước phim mô tả vùng núi đá dữ dằn mà hùng dũng. Một kỳ quan không có ở bất cứ nơi nào. Lên đến đỉnh đèo, dòng sông Nho Quế hiện ra như một dải khăn buông xuống, vắt vẻo giữa thiên thai ngút ngát. Không nổi tiếng về độ cao so với mực nước biển, nhưng sự hùng vĩ trập trùng thì không đâu sánh nổi. Vùng đất của tiểu thuyết, trường ca cội nguồn cho nghệ thuật, nhưng thật tiếc là chưa có lấy một cuốn sách đáng đọc đến nhoèn con mắt!
Kỳ quan của “Vua Mèo”
Sải một bước chân giữa đỉnh đèo Mã Pì Lèng là đến đất Đồng Văn. Nơi đây vẫn còn lác đác vài ngôi nhà tuổi thọ trăm năm tường trình dày, mái ngói máng rêu phong, thoảng mùi rượu bắp nồng nàn hương rừng gió núi, đậm đà mồ hôi thấm đẫm hốc đá. Cuộc sống ngày nay như một sự hồi sinh, lớn phổng, không biết tự khi nào đã hình thành Hội chợ phù hoa diễn ra đêm rằm. Chỉ có điều thanh niên nam nữ trẩy hội để tìm nhau, để tâm giao, để vui chơi và học hỏi nhau mọi chuyện trong cuộc đời, chứ không hề có gương mặt trọc phú khoe mẽ giàu sang.
Chưa kịp say tình phố núi Đồng Văn cần mẫn thường ngày và náo nhiệt hội đêm rằm, thì phía trước là dinh thự thủ lĩnh họ Vương-Vương Chí Sình được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Giữa soải núi được bao bọc bởi thành lũy đá và những hàng sa mộc lớn hơn 1 người ôm cao vút- tòa dinh thự tọa lạc uy nghi như lâu đài của các nhà quyền quý phương Tây bệ vệ. Hệ thống nhà hình chữ U liên hoàn dâng cao dần theo 3 tầng bậc từ cửa vào tới nơi. “Vua Mèo” ngự lãm với mấy chục bậc thang đá. Mỗi ngôi nhà có chức năng riêng. Ngay cái thạp đá đủ thấy sự kỳ công. Còn cách sắp đặt, bài trí hoàn hảo đặc hình mẫu vương giả quả là sự sáng tạo lớn lao! Chủ nhân và tòa dinh thự oai phong lẫm liệt chống lại gian tà xâm lấn và tạo dựng một vương chủ tinh thần làm chỗ dựa cho dân chúng một vùng rộng lớn. Sau này, cụ Vương nhận ra cụ Hồ là bậc đại nhân, đại trí, đã hào phóng dâng hiến nhiều của cải ủng hộ cách mạng. Rồi cụ được giới thiệu làm đại biểu Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đầu tiên (khóa I) và trúng cử khóa II. Mới đây Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định truy tặng Huân chương đại đoàn kết dân tộc cho cụ Vương. Hậu duệ cụ Vương là ông Vương Quỳnh Sơn (đã mất) cũng vừa được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý- Huân chương độc lập hạng III. Nhiều người có cảm giác như linh hồn cụ Vương vẫn lảng vảng đâu đây phù hộ cho con cháu và đồng bào miền quê núi đá luôn vượng phát. Và vùng núi đá hùng vĩ cũng như đang thầm thì những câu chuyện huyền thoại về con người phóng khoáng cùng dòng chảy lịch sử bi tráng, tạo niềm cảm hứng cho các văn nhân, thi sĩ tìm tòi khám phá. Và Hà Giang đang tận dụng cảnh quan thiên nhiên kỳ thú cùng nếp sống văn hóa các dân tộc đậm bản sắc xây dựng một công trường hiện đại-công trường của nền công nghiệp không có khói làm giàu cho quê hương.
CSL-MAL
Theo http://web.cema.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh

Chạy trốn - Truyện ngắn của Đào Quốc Vịnh Thực lòng lúc ấy tôi bỗng ứa nước mắt. Nhưng bất giác tôi kịp tỉnh ra là mình đã bắt đầu làm cho...