Thứ Ba, 24 tháng 5, 2016

Mờ xa bóng chiều

Mờ xa bóng chiều
Đùng một cái Hạnh Sương thông báo “lấy chồng”…trời đất ơi! Sao lại trời đất ơi? con gái lấy chồng là chuyện bình thường, đáng mừng nữa chứ, ba mẹ khỏi lo bom nổ chậm, để rồi bước qua ngưỡng cửa hôn nhân thì chín chắn hơn, trưởng thành hơn, đẫy đà phong vị phu nhân hơn. Nếu thế thì nói gì nữa, nàng này thì quá trưởng thành rồi, quá chín chắn rồi, quá đẫy đà đường bệ rồi, bởi nàng này đã tròn đến…năm mươi mùa trăng non lẫn trăng già rồi cơ ạ. Ối giời ! Ờ mà cũng có sao, yêu thì tuổi nào mà chả được, duyên phận muộn màng lại càng nên vun đắp chứ, tuổi này bầu bạn mới bền đây.Ừ có lẽ. …
Vóc người cân đối, hơi đẫy một chút cho vừa dáng vẻ của một bà chủ cửa hàng mỹ phẩm tương đối có hạng trong dãy phố khu trung tâm. Gương mặt cũng vừa đủ dáng nét phong thái của một người bà trung niên quý phái, cũng dễ nhìn ra một cô gái duyên dáng xinh xắn thuở nào. Chỉ có ánh mắt ẩn chứa khá nhiều phúc tạp mà không dễ ai nhìn ra, đôi khi còn ánh lên chút sắc lạnh, nhất là khi nhìn thẳng vào những gương mặt đàn ông đang hàm ý lân la nào đó. Rõ ràng là mẫu phụ nữ mà đàn ông phải xếp hàng. Bao giả thiết đồn đoán đều không thể tìm ra nguyên nhân vì sao với một người phụ nữ sáng giá như thế mà không có bóng trượng quân nam tử nào bên cạnh. Hạnh Sương không phải là người không biết rõ những ưu khuyết điểm của mình. Nhìn vào, ai cũng dễ dàng nhận ra những ưu điểm đáng kể cần có ở một người phụ nữ hiện đại. Ăn nói hoạt bát có duyên, tính tình khi cởi mở chan hòa khi lặng lẽ kín đáo, nhưng thường để lại cảm tình cho người tiếp xúc. Nội trợ kinh doanh giải trí đều rất có phong cách. Những câu hỏi đại loại “sao không lấy chồng đi? sao kén kỹ thế? hay là có vấn đề gì về sức khỏe? hay là hay là…sao sao…?”, đều rơi rụng dần theo con số thời gian. Mỗi khi tụ họp đông người, những gương mặt đã sần lên những vết sẹo thời gian, phần lớn đã lên chức nội ngoại cả, Hạnh Sương vẫn là một “cô gái” tươi tắn môi hồng đào má xôn xao, mặc dù chẳng cần trang điểm nhiều lắm. Luôn là một mục tiêu cho những mắt tròn ghen tị ước ao.
- Đêm qua tôi trằn trọc mãi không ngủ được các bà ạ.
- Sao thế? Chuyện đứa lớn hay đứa bé? Đứa già hay đứa trẻ?
- Không, không phải chuyện nhà tôi.
- Thế bà đang lo chuyện bao đồng cho ai à?
- Hạnh Sương.
- À, chuyện thời sự nóng hổi suốt mấy hôm nay.
- Tôi không làm sao hiểu nổi lý do bỗng nhiên mợ muốn lấy chồng.
- Thì bỗng nhiên bây giờ người ta mới cảm thấy cô đơn, bỗng nhiên bây giờ người ta mới tìm được người hợp ý….
- Hay bỗng nhiên bây giờ nàng ấy bỗng hồi xuân.
- Mà nè, hồi xuân vào tuổi này bằng mấy ngày trẻ đấy nhá.
- Khá khá khá…nhưng mà tôi vẫn không thấy lý do nào hợp lý cả.
- Sao không ? Có gì khó hiểu đâu nào ?
- Các bà thử nghĩ xem. Suốt mấy chục năm nay mợ ấy xem đàn ông như cỏ dại bên đường ấy, biết bao tay cũng ra trò ra dáng lắm mà cũng có đánh đổ nổi đâu, mà gần đây cũng không thấy mợ ấy đi đôi với ai cả, nếu có ai đó vừa ý thì cũng phải vài lần tay trong tay cho bạn bè biết mặt chứ, đằng này vẫn im ỉm ìm im rồi đùng một cái….
- Ừ, tôi thấy bà nói cũng có lý đấy, mợ này xem ra thích bỏ bom thích làm những chuyện giật gân ấy nhỉ ?
- Nếu biết đối tác tương lai của mợ ấy là ai thì có thể đoán được phần nào nguyên nhân.
- Nhưng khó hiểu ở chỗ vì sao lại bí mật thế nhỉ?
- Chắc sẽ không khó để tìm ra, xem nào…
- Này các bà nhận thiệp mời cả rồi chứ?
- Rồi, mà sao ?
- Không để ý tên chú rể à ?
- Thì tên là Nhật Tường, cái tên hay đấy chứ
- Tôi không nói là hay, dở, các bà biết gì về người này ?
- Tôi chỉ nhớ mang máng là ngày xưa có quen biết gì với Hạnh Sương.
- Tôi thì không biết gì cả.
- Ông này là Phó Tổng giám đốc một công ty liên doanh với nước ngoài, cũng thuộc hàng máu mặt đấy.
- Úi chà, cũng ngon quá hả. Hạnh Sương chọn đúng người rồi còn gì.
- Đấy là một chuyện, chuyện tôi muốn nói là chuyện khác cơ. Tôi thật sự không nghĩ ra vì sao lại là anh ta ?
- Mà chuyện gì ? Bà nói ra đi, cứ ngắc ngứ hoài vậy, câu giờ à ?
- Tôi…tôi không biết có nên nói không, đây là một chuyện rất xưa và rất đau lòng của Hạnh Sương, mợ ấy đã chôn chặt từ lâu lắm rồi, giờ sao lại…
- Sốt ruột, có nói không thì bảo?
- Thôi được, tôi nói, nhưng các bà đừng để cho Hạnh Sương biết.
- Được rồi, phải biết là chuyện gì mới giải mã được bí ẩn chứ....
Nếu có gì đáng ghen tị trong thế giới sinh viên của trường đại học Văn Khoa này thì phải kể đến câu chuyện tình của đôi bạn trẻ Nhật Tường và Hạnh Sương. Nhật Tường đang học năm thứ ba, còn Hạnh Sương thì mới năm nhất. Họ bén nhau ngay phút đầu tiên chạm phải ánh mắt, rồi khá nhanh chóng không rời được nhau. Những tưởng sẽ có một kết thúc đầy hoa khi cả hai đã hoàn thành chương trình đại học và bắt đầu tương lai với những hình ảnh phơi phới phía trước. Nhưng nghiệt ngã thay, một sự đổi thay vô cùng bất ngờ đột ngột và không chỉ là lệ mà còn cả máu. Sau hai năm, khi Nhật Tường chuẩn bị ra trường, Hạnh Sương gần như mất phương hướng khi Nhật Tường nói lời chia tay khi cả hai không hề xảy ra một va chạm mâu thuẫn căng thẳng đáng kể nào. Gặng hỏi bao nhiêu thì cũng chỉ một “hãy thông cảm cho anh, anh có lý do riêng” . Cuối cùng bằng nhiều cách có thể, Hạnh Sương được biết cái lý do riêng ấy là một cái ghế tương đối trong một địa chỉ công quyền mà hàng triệu sinh viên mơ ước, điều kiện thì rất đơn giản, chàng sinh viên chuẩn bị ra trường chỉ có được và được, được tất cả mà không phải mất một chút gì, hay nói đúng hơn chỉ đánh đổi bằng mối tình đầu đẹp đẽ. Xét cho cùng sự đánh đổi ấy là quá nhẹ với một thanh niên đầy tham vọng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Sự đau đớn dồn cả về phía người con gái, Hạnh Sương không chỉ chua xót vì trái tim tứa máu, mà nghiêm trọng hơn cô vừa phát hiện mình đã có một mầm sống trong người. Bằng vào niềm tin tình yêu và hy vọng với sợi dây nối đặc biệt, cô sẽ giữ lại được hạnh phúc của mình. Nhật Tường choáng váng khi biết tin Hạnh Sương đã có thai, nhưng chẳng thể làm gì được khi hai bên gia đình đã hiện thực hóa câu chuyện tương lai bằng một bữa tiệc đính hôn linh đình mà Hạnh Sương không hề biết. Sau vài lần năn nỉ dọa dẫm hứa hẹn, nhưng Hạnh Sương vẫn không chịu đi phá thai, Nhật Tường đã quyết định làm một việc. Hạnh Sương không chút nghi ngờ khi đồng ý đi chơi cùng người yêu trong một buổi tối, cô khóa vòng tay đầy tin tưởng vào vòng eo Nhật Tường khi ngồi sau xe máy, gió hiu hiu mát khiến cô xao xuyến lim dim đôi mắt, và mở ra khi chiếc xe dừng lại. Thật ngạc nhiên khi cả hai đang đứng ở một nơi vắng vẻ, Nhật Tường bảo Hạnh Sương ngồi xuống bãi cỏ, cô vừa ngồi xuống, Nhật Tường đã ôm riết vào lòng, sau một hồi chầm bập xục xạo, Nhật Tường với giọng hôi hổi ma mị bên tai Hạnh Sương:
- Hạnh Sương, anh thương em, anh yêu em, anh xin em, em hãy bỏ
đứa bé này đi, sau này khi nào đủ điều kiện, chúng mình sẽ có những đứa con khác mà em, hãy nghe anh đi em yêu…
Đang mềm người trong cao trào cảm xúc, Hạnh Sương bỗng cảm giác mình bị hẫng đi, cô định thần một chút như để nhận diện thực tại, rồi bất chợt xô Nhật Tường ra, giọng cô thảng thốt :
- Không, không bao giờ, em đã nói với anh nhiều lần rồi, em không thể bỏ đứa con này, nó là máu thịt của em, là tình yêu của chúng ta, bỏ nó có nghĩa em sẽ mất tất cả, anh vẫn muốn bỏ em để cưới người ta phải không ?
Nhật Tường bỗng đổi giọng, âm sắc như có phần đe dọa :
- Anh đã năn nỉ em nhiều lần rồi, em nhất định không nghe phải không?
Hạnh Sương không trả lời mà nhướng mắt lên nhìn người đàn ông trước mặt, trong bóng tối chập chờn, gương mặt ấy đang ẩn chứa một điều gì đó mà trong khoảnh khắc cô chưa kịp hiểu, chỉ cảm thấy gai gai trong người, nhưng cô vẫn cứng cỏi bảo vệ đứa con còn rất non nớt trong bụng mình. Nhật Tường gằn giọng thêm lần nữa:
- Em có nghe lời anh không?
- Anh muốn làm gì?
Hạnh Sương ý thức được sự nguy hiểm nên vừa hỏi cô vừa đứng dậy mắt đảo quanh như muốn tìm cái gì để tự vệ, nhưng Nhật Tường không để cho cô kịp phản kháng, hắn đẩy Hạnh Sương ngã xuống đất và liên tục đạp vào bụng cô. Hạnh Sương cong người để bảo vệ con, cô kêu cứu, nhưng Nhật Tường thách thức :
- Kêu đi, kêu to mấy thì cũng không có ai nghe đâu, tao đã nói mà mày không chịu nghe thì đừng trách tao ác…này con này con này…
Những cú đá đạp vẫn thi nhau giáng lên người con gái yếu ớt không được bảo vệ và cũng không tự vệ được. Hạnh Sương đuối dần đuối dần và cô ngất đi. Nhật Tường còn lật ngửa cô lên đạp thêm mấy cái mạnh vào giữa bụng rồi lên xe rồ ga vù đi. Hạnh Sương ngất đi bao lâu không rõ, khi cô tỉnh dậy chỉ thấy mình đau dữ dội và bằng tất cả sức lực còn lại, cô lết dần theo mặt trời lên, nơi vọng lại thanh âm của những động cơ, và cô lại ngất đi lần nữa khi chạm đến mặt đường.
Phải mất đến mấy tháng nằm viện, Hạnh Sương mới có thể trở về từ cõi chết, và cô được biết vì bị tổn thương quá nặng nên cô sẽ không thể mang thai được nữa. Gia đình Hạnh Sương quá đau xót cho con gái nên định đâm đơn kiện Nhật Tường, nhưng sự dàn xếp của đồng tiền kèm theo “nếu làm to chuyện thì có khi hại nhiều hơn cho Hạnh Sương vì sẽ chẳng ai dám lấy nữa” . Lời cảnh báo quá hiệu quả, nên câu chuyện lui dần vào dĩ vãng. Nhưng với Hạnh Sương thì cái đêm nghiệt ngã ấy không thể phai mờ trong cô, nó trở thành một nỗi ám ảnh khủng khiếp, đóng đinh vào tâm não, về sau cứ mỗi khi có người đàn ông nào xuất hiện là những hình ảnh ấy lại hiện rõ trong tâm trí, cô không thể nào hiểu nổi vì sao : một người đã từng tha thiết yêu thương đã biến thành một kẻ tàn nhẫn, và chỉ vừa sau những hành vi âu yếm đã ngay lập tức ra đòn chí mạng, chỉ vì muốn giết chết đứa con còn trong trứng nước để rảnh nợ đi tìm niềm vui khác. Nỗi cay hận của niềm tin bị đổ vỡ cùng sự đau đớn kinh hoàng ấy đã khiến trái tim cô không thể chữa lành được vết thương, và cô mất dần cảm xúc yêu đương, hóa thành một người đàn bà lãnh cảm. Mặc cho bao đồn đoán, Hạnh Sương đã trở thành một người câm lặng trước tình yêu.
- Thật khủng khiếp, quá dã man.
- Không thể nào chấp nhận được đó là một con người.
- Quá hèn hạ và đê tiện.
- Khốn nạn, khốn nạn không thể nào chấp nhận nổi, vô lương tâm và quá sức hèn mạt.
- Những thằng đàn ông hèn như thế nhiều lắm lắm luôn, chúng chỉ muốn thỏa mãn cơn dục vọng của bản thân, và khi nói đến trách nhiệm thì tìm đường tháo chạy.
- Người con gái nào khi mới lớn lên đều ươm cho mình một giấc mộng yêu đương lãng mạn đẹp đẽ, thế mà …
- Chúng ta ai cũng đều gặp phải những chuyện nọ kia trong tình cảm và hôn nhân của mình, nhưng đến mức như vậy thì…không thể tưởng tượng nổi.
- Đúng là một lần để hận cả đời không nguôi, tôi mà như gia đình bà ấy thì cho hắn đi tù mọt gông..
- Thì vốn ở đời vẫn cứ lo cho cái sĩ diện hơn những điều thiết thực khác mà.
- Cứ tưởng mợ ấy mãi tồng tênh thoải mái muốn đi đâu thì đi muốn làm gì thì làm, không phải dạ thưa đầu tắt mặt tối, để tụi mình mãi ghen tị chứ.
- Vậy mà sao bây giờ bà ấy lại chịu lấy hắn ?
- Hay vẫn còn yêu ? Hận cũng là một phần của yêu đấy, nếu không thì làm sao lại đâm đầu vào ngõ cụt như vậy?
- Tôi thì không nghĩ thế, có thể đây không phải là một cuộc hôn nhân thực sự, mà là…
- Sự trả thù !
- Đúng thế, để trả thù.
- Nhưng…bằng cách nào?
- Cái thằng cha này, số đúng son thật.
- Khà khà, ghen với tôi thì các ông có mà ghen cả đời.
- Một vợ hai con ba tầng bốn bánh, đó là mục tiêu của tất cả đàn ông, mà ông còn hơn thế nữa, có bí quyết gì truyền cho anh em nghe với.
- Hàng tá bí quyết, nhưng còn phải xem số trời nữa, chỉ bí quyết không mà số má hẩm hiu đen đủi thì cũng chịu thua, số tui ông Trời biểu rứa, mần răng chừ…khà khà…
Nhật Tường không giấu nổi vẻ tự mãn của một người đàn ông được hưởng nhiều ưu đãi. Mấy chục năm không tăm tích, bỗng gặp lại Hạnh Sương trong đám cưới con một người bạn, Nhật Tường khá choáng khi thấy nàng vẫn giữ được phần nhiều dáng nét ngày xưa, trông có phần duyên dáng mặn mà của một người phụ nữ đang độ hồi xuân. Sau vài lần hẹn với những câu chuyện xưa nay, Hạnh Sương chủ động đề nghị nối lại tình xưa. Quả là quá hợp tình hợp lý, khi Nhật Tường góa vợ đã mấy năm, phần nữa là do nhớ lại chuyện xưa, Nhật Tường cũng thấy mình có lỗi, nên cũng mau chóng nhận lời và thật sốt sắng trong sự chuẩn bị cho cuộc tái hợp sắp tới.
- Mà nè, chẳng lẽ thật là nàng chờ ông từ đó đến giờ không lấy chồng sao?
- Tất nhiên, trông nàng còn ngon cơm lắm nhé, tôi cũng không ngờ nàng vẫn chờ đợi tôi, đúng là tình đầu khó phai.
- Vậy thì chúc mừng ông, mà sao lại làm đám cưới rình rang chi vậy?
- Lần hai rồi thì vài mâm ra mắt cho gọn nhẹ không hợp tình hơn sao?
- Tôi cũng tính thế, nhưng nàng bảo với nàng là lần đầu nên cũng
đừng để thiệt thòi quá.
- Ừ cũng phải. Ông cũng nên đối xử thật tốt với nàng, bù đắp cho nàng thật xứng đáng nhé.
- OK. Tôi chìu theo tất cả ý nàng thích, giờ nàng đang tự tay sửa sang trang hoàng cho căn phòng hạnh phúc của chúng tôi đấy.
- Thôi thôi, đừng nói nữa mà thèm,
- Cạn nào, hôm đám cưới các ông tha hồ tẹc ga nha.
- Còn phải nói…dô dô…
- Hạnh Sương, bà nói thật cho tụi tôi nghe đi, bà đang toan tính
chuyện gì đấy?
- Chả toan tính gì cả.
- Tôi không tin, lý do gì bà lại lấy lão Nhật Tường?
- Chả có lý do gì cả, thích thì lấy thôi.
- Không đúng, không đúng một chút nào, ai không biết thì nghĩ đây là một cuộc tái hợp viên mãn hạnh phúc, nhưng tôi thì không tin, hoàn toàn không tin. Bà nói đi, bà định trả thù hắn ta đúng không ?
- Tình cũ không rủ cũng tới mà.
- Thật không ?
- Thật hay không cũng là chuyện của tôi, các bà có muốn đi dự đám
cưới hay không thì tùy, đừng có hoạnh họe tôi nữa.
- Đó là tụi tôi lo cho bà, nếu bà có ý định trả thù thì tôi khuyên bà không nên, chuyện qua rồi hãy để cho nó qua luôn đi, đừng chất chưa trong lòng chi cho nặng.
- Phải đó, hãy buông bỏ mà sống cho nhẹ lòng, chứ xảy ra chuyện gì
nghiêm trọng thì bà tiêu phí quãng đời còn lại trong nhà tù à, không đáng đâu.
- Bà nghĩ lại đi, ai đối xử với mình không phải thì trời có mắt mà, rồi họ cũng phải trả giá thôi mà.
- Các bà chỉ nói cái miệng thì hay lắm, cứ nhẹ tênh đi như thả một tờ giấy bay bay trong gió vậy, các bà có phải nếm trải những điều khốn khổ cay đắng tàn hại cả một đời như tôi đâu mà biết nó cay nhức bỏng buốt đến thế nào. Trời ư ? Trời ở đâu ? Trời là chi ? Trời làm được gì ? Tôi chả thấy trời đất đâu cả, chỉ thấy nó phây phây suốt mấy chục năm qua, vợ đẹp con khôn, danh vọng địa vị tiền tài có đủ. Chẳng lẽ nó không phải trả giá một chút gi cho những việc mà nó đã làm sao ? Đừng,đừng ai nói thêm một câu nào nữa, không ăn thua gì đâu, tôi đã quyết rồi, tôi phải đòi lại sự công bằng cho mình, không ai cản được tôi đâu.
- Hạnh Sương… Hạnh Sương…trời ơi … làm sao bây giờ?……
Hạnh Sương đẹp lộng lẫy trong bộ trang phục cô dâu nhu nhã mà quý phái, với cách trang điểm nhẹ nhàng cầu kỳ trẻ trung, không ai nghĩ đó là một người phụ nữ tuổi năm mươi. Nhật Tường cũng tươi hơn hớn trong bộ veston màu tro, với mái tóc chải bồng vuốt keo láng lẩy trông cũng trẻ ra cả chục tuổi. Người người trầm trồ họ đẹp đôi hạnh phúc thật viên mãn. Nhật Tường luôn miệng cười tươi rạng rỡ cụng ly lốp cốp hể hả nhận những lời chúc tụng, còn Hạnh Sương giữ khóe miệng cười mỉm nhẹ nhàng trông càng thêm phần quý phái trong chiếc váy màu vàng đồng dát kim tuyến lóng lánh. Họ đã khiến bao người phải nhức nhối trái tim vì ghen tị và ao ước.
Sau tiệc cưới, một nhóm bạn thân kéo hai người đi tăng hai tăng ba cho đến sẫm tối mới về đến nhà. Căn nhà bây giờ là thế giới riêng cho đôi tân hôn, vợ chồng đứa con trai lớn thì về nhà riêng, cô con gái thì đã lên máy bay về trường vì đang trong mùa thi. Nhật Tường mỉm một nụ cười mãn nguyện khi thấy Hạnh Sương đi nhanh vào phòng ngủ đóng cửa lại. Anh ta buông mình xuống chiếc ghế sô pha xoãi ra thư giãn, giây lâu Nhật Tường đứng dậy đi về phía căn phòng đang có Hạnh Sương, đẩy nhẹ thấy cửa phòng chốt trong, định gõ cửa, nhưng chợt nghĩ chắc Hạnh Sương còn đang bận chuẩn bị gì đó, nên anh ta đi lên tầng trên, lúc sau đi xuống với chiếc áo ngủ choàng quanh người. Đến trước cửa phòng, Nhật Tường vừa gõ cửa vừa gọi nhẹ nhẹ:
- Sương ơi… Sương ơi!
Không nghe tiếng trả lời, anh ta gọi to hơn và gõ cửa mạnh hơn, vẫn không có động tĩnh gì, Nhật Tường hốt hoảng xô mạnh cánh cửa, nó bật ra và lôi anh ta chúi nhủi vào phòng. Căn phòng phủ đầy bóng tối, chưa kịp định thần để nhận thức thì bên tai Nhật Tường vẳng lên một thứ thanh âm, khiến anh ta nổi gai buốt sống lưng và bật run lên. Cốc… cốc… cốc…đó là tiếng gõ mõ, và tiếng tụng kinh âm trầm bí hiểm. Nhật Tường bật lao đến công tắc đèn, ánh đèn vàng tỏa từ chùm đèn trần cho Nhật Tường nhìn thấy một cảnh tượng, anh ta không kìm được tiếng hét thất thanh. Trên cái giường nệm sang trọng kia, không phải là một người đàn bà trong chiếc áo ngủ bằng voan đầu quyến rũ đang chờ vòng tay người đàn ông, mà là thân hình bao trùm bằng một bộ áo choàng đen, và cả cái mũ trùm gần hết khuôn mặt cũng đen, trước mặt người ấy là một bàn thờ khói hương lởn vởn, có một tấm hình dựng lên ở giữa, Nhật Tường lại hét lên khi nhìn thấy tấm hình, và không chỉ một tấm hình ấy, mà trên bốn bức tường treo đầy những tấm hình tương tự, đó là hình thù những thai nhi chưa tròn vẹn, chúng có những hình thù dị dạng, càng chập chờn ma quái hơn vì những tấm hình chỉ dính vào tường phần trên, và chúng lật phật khi luồng gió từ chiếc quạt quay lướt qua. Trong ánh đèn mờ ảo, Nhật Tường cảm thấy như một đoàn âm binh ma quái bao quanh mình. Anh ta cố hít không khí và một tay bám chặt vào cái tai ghế cho khỏi ngã, chiếc ghế cũng rung lập cập lập cập. Tiếng tụng kinh to lên một chút và chuyển qua đoạn niệm chú, nghe dập dồn và ma mị. Nhật Tường ướt đầm mồ hôi và ngã quỵ xuống sàn, anh ta muốn kêu muốn nói một câu gì đó nhưng không thể cử động hai quai hàm cứng đơ. Giây lát, Nhật Tường cố nhoai mình nhích từng chút từng chút mong thoát khỏi căn phòng âm binh Tiếng tụng kinh đột ngột dừng lại, Nhật Tường tưởng đã được giải thoát, nhưng hốt nhiên, cái thân phì nục đang lê từng chút ấy giật nảy lên khi “Ổi con ơi là con ơi, con chết đau chết đớn chết tức chêt tưởi, chết mà chưa được một ngày nhìn thấy ánh mắt trời, chết mà chưa từng nghe được một lời mẹ ru, con chết khốn chết khổ chết tan chết nát, chết mà chưa một lần cất tiếng khóc tiếng cười, chết khi đang còn trứng nước, chết vì con không được phép làm người, con chết vì chính người đã tạo ra con, con chết bởi chính cha con đó con ơi, cha con đã giết con… cha con đã giết con… cha con đã giết con …
Tiếng kêu khóc của Hạnh Sương khi nỉ non thống thiết khi sôi réo róng riết, khi thét giãy lên sần sận. Tràng thanh âm điên loạn ấy cứ xoáy cứ xoáy sâu vào tận ngóc nghách tế bào thần kinh đã căng đến hết mực của người đàn ông đã bước qua cái tuổi hơn nửa cuộc đời, nhất là câu réo cuối cứ lập đi lập lại càng lúc càng căng tức căng tức cả âm điệu lẫn sức ép. Nhật Tường với hai cánh tay về phía trước rồi thả rơi bất động.……
- Sếp mình trăng mật kỹ ghê nha. Gần tháng rồi mà chẳng thấy mặt
mũi đâu, điện thoại cứ tắt miết.
- Hồi xuân mà lỵ, trăng mật tuổi này mới đúng là mật đấy.
- Lại tình đầu tìm được nhau nữa chứ, eo ui còn phải biết.
- Gớm, được mấy gờ-ram kinh nghiệm rồi mà hiểu biết thế ? Tôi lo đám giấy tờ hợp đồng chưa ai ký kia, không khéo phải đem đến nhà cho Sếp ký mất.
- Thôi đi, không nên đâu, mà biết đâu chừng họ đi du lịch nước ngoài thì sao ? Điện thoại không liên lạc được mà.
- Có lẽ thế. Hỏi con ông ấy xem.
- Hỏi rồi, cậu ấy bảo không rõ, cũng muốn để ba với dì thoải mái nên cũng không hỏi han gì.
- Mấy người cứ khéo lo, hai ông bà vi vu chừng tháng là hết cỡ, yên tâm đi.
- Ừ chắc vậy.
- Này, các bà có gặp Hạnh Sương đâu không? Sau ngày cưới là mất biệt, tôi cứ lo lo thế nào ấy.
- Không, chẳng thấy đâu cả, cửa tiệm thì vẫn giao cho quản lý, họ cũng không biết bà ấy đi đâu. Điện thoại thì tịt mít.
- Tôi đi qua nhà ông Nhật Tường mấy lần toàn thấy đóng cửa.
- Họ đem nhau đi đâu nhỉ ? Tôi chỉ lo là chưa kịp làm gì nó, vừa manh nha ý đồ, nó đã biết nó cho một nhát rồi vứt xác xuống sông là tiêu đời, sức vóc đàn bà được bao nhiêu.
- Hay là bà ấy cho thuốc độc vào thức ăn rồi cả hai cùng ăn cùng
chết.
- Khiếp, nghe bà nói kinh cả người.
- Chứ bà tính, muốn trả thù một thằng đàn ông thì làm thế nào?
- Tôi chịu, có biết thù ai bao giờ đâu mà biết trả.
- Khổ đời, yêu cho chán rồi thù rồi hận.
- Cái hận ở đây không chỉ hận vì sự phản bội tình yêu, mà chính là vì sự tàn nhẫn hủy hoại không thương tiếc kể cả sinh linh bé nhỏ non nớt là con của chính mình, hại cả một cuộc đời của người đàn bà mà mình đã từng ấp gối.
- Này, nói không phải vơ đũa chứ phần lớn đàn ông nó khốn nạn thật đấy. Trên cả thế giới này chắc chỉ khoảng vài phần trăm là những người đàn ông tử tế có lương tâm có tình cảm có trách nhiệm thôi, còn bao nhiêu là ích kỷ chỉ biết thỏa cái ý mình.
- Thì thế, khốn nỗi đàn bà khi yêu hết lòng thì rất mù quáng, và đàn ông thì rất biết cách lợi dụng điểm này.
- Nghe bà nói tôi chợt nghĩ, có khi nào câu chuyện của họ đang diễn ra không như tụi mình nghĩ không?
- Là sao?
- Là biết đâu họ đang rất hạnh phúc bên nhau khi nối lại tình xưa, hận cũng là một màu sắc của yêu đấy, đàn bà lại dễ mềm lòng, nghe đàn ông vuốt ve lỗi lệch vài câu lọt tai là bỏ qua hết.
- Được thế cũng tốt, thực ra thì tôi cũng mong Hạnh Sương bước qua được cái hố sâu thù hận mà sống những ngày êm đềm để bù lại bao mất mát.
- Người ngoài cuộc nói nghe dễ lắm, cái đau nó cắn cấu trong tim, nó cào xé trong gan, đau tê điếng, đau chết lặng cả tâm hồn mỗi khi nghĩ đến, bỏ qua mà đơn giản thế được thì đã chẳng là phận người.
- Đúng đấy, chỉ nghĩ ví như chồng mình vừa thơn thớt nói yêu mình
vuốt ve mặn nồng với mình mà đã có thể phản bội ngay mình đi ôm ấp yêu thương người đàn bà khác là tôi đã uất đến hộc máu ra rồi, huống chi lại còn đang tay nhẫn tâm đánh đập và giết chết mình nữa thì đúng là cả đời không thể nào quên được thật.
- Nhưng để trả thù mà đánh mất cả cuộc sống thậm chí là tính mạng của mình thì có đáng không ?
- Khi lửa hận đang bốc ngùn ngụt thì làm sao tính được là đáng hay không đáng, chỉ biết làm thế nào để trả được thù thôi.
- Ối giời ơi, Sương ơi là Sương ơi, bà đang ở đâu? còn sống hay chết hả ???……
Nhật Tường lờ đờ mở mắt, cố nhướng hai mí bùm bụp lên để nhận định chung quanh, ông chỉ thấy một không gian tù mù trong thứ ánh sáng vàng vọt, cố nhúc nhắc cái đầu nặng chịch và đau nhức, chân tay bải hoải rũ liệt như không thể cử động. Một giọng nói mơ hồ như xa xôi lắm:
- Ông lại tỉnh rồi đấy hả?
- Nước…nước…
Một chất nước ấm ấm ngọt ngọt thấm vào lưỡi trôi xuống cổ, Nhật Tường đã tỉnh tỉnh lại sau mấy muỗng nước ấy, ông nhìn rõ hơn gương mặt đang gần kề, gương mặt của một bóng ma luôn chập chờn suốt những ngày qua. Một tia sáng len qua vùng mù tối của tâm thức, Nhật Tường gắng gượng nhúc nhích cơ thể, hai cánh tay vẫn bị níu về hai phía bằng hai sợi dây vải thun, loại vải có thể cho phép cử động co duỗi trong một phạm vi. Ít giây cho sự hồi thức, Nhật Tường thều thào:
- Bà, bà tha cho tôi đi, tôi biết tội tôi rồi…
- Biết…biết tội thì phải đền tội, tôi không để ông chết đâu, ông phải biết cái sự đau đớn suốt mấy chục năm trời trong tôi là thế nào, ông phải trả giá, phải trả giá biết không?
- Tôi xin lỗi bà, ngàn lần xin lỗi bà, tôi thấm thía lắm rồi.
- Chưa, chưa là gì cả, mới gần một tháng trong cảm giác âm ty địa ngục chưa đủ cho ông đền bù tội lỗi, ông đã giết con tôi, ông đã hại cả một đời tôi, ông độc ác, ông tàn nhẫn, ông không phải con người, ông biết không…biết không…Trả con cho tôi…trả con cho tôi…
Âm sắc câu nói càng lúc càng to dần và trở thành tiếng gào thét, cùng một vật thể lạnh ngắt như đồng áp sát vào người Nhật Tường, kèm theo đó là tiếng trẻ con khóc ngắn ngặt chát chúa. Tràng thanh âm khiếp hãi ấy là nỗi kinh hoàng suốt những ngày qua khiến Nhật Tường cong người lên giật cùng cục, cái đầu lắc liên hồi, và sau rốt là một tiếng hét nửa chừng tắt lịm. Nhật Tường lại rơi vào trạng thái mê man. Hạnh Sương ngưng lại cơn gào thét, ngồi bật ra cái ghế dựa thở hổn hển. Giây lát bà đứng dậy, nhìn vào người đàn ông đang nằm sõng sượt trên giường, đôi mắt tối thẫm một miền u minh, rồi chợt đưa hai tay lên ôm mặt, nảy ra những tiếng nấc nhẹ, ít giây sau, khẽ lắc nhẹ vài cái, Hạnh Sương đi vào phòng vệ sinh. Đồng hồ đã chỉ con số 00h, Hạnh Sương nhẹ nhẹ bước ra mở cửa và cổng, không lâu, một chiếc xe hơi màu đen trườn nhẹ vào sân, người lái xe nhanh nhẹn nhảy xuống quay ra sau mở cốp xe và xách những cái túi lớn nhỏ vào nhà, khi đã xong, Hạnh Sương đưa cho người ấy một mảnh giấy, rồi vẫn im lặng như thế, chiếc xe lùi ra cổng và lướt êm trong đêm. Hạnh Sương, đóng cổng cửa, tắt đèn và đem các thứ vào bếp. Một nắm gạo cho vào nồi, lát sau, gạn nước từ nồi cháo cho vào cái bình thủy, đó là thứ thực phẩm duy nhất, khi được đưa vào cơ thể Nhật Tường thì pha thêm một ít sữa, và không lần nào quên một viên thuốc nhỏ. Chính viên thuốc nhỏ này luôn giữ Nhật Tường trong trạng thái lơ mơ không tỉnh nổi, và cũng góp phần suy giảm sức lực của người đàn ông trung niên bảnh bao phong độ. Vài lần đầu khi tỉnh lại, Nhật Tường cố vận dụng ý thức của mình mà la hét kêu cứu, xong đó là điều vô ích, khi căn phòng được trang bị một lớp cách âm kín đáo sau các hình thù trang trí đẹp mắt. Bỗng nhiên Hạnh Sương ngồi phịch xuống chiếc ghế, mắt đăm đăm nhìn lên trần nhà. Mấy con thạch sùng đuổi nhau kêu kèn kẹt.
- Anh nè, sao ba với cô lạ hé. Đi đâu mà biệt tăm không tin tức gì cả.
- Em lo chi, chắc ông ba đi du lịch nước ngoài, hổng có chuyện chi đâu, ông ba mình tha lừa người ta thì thôi chứ ai lừa được ổng. Mà lần này đám cưới với cô Sương coi bộ chắc cú, nhưng hổng biết rồi có lâu dài không nữa.
- Chắc ba nghĩ kỹ rồi mới đám cưới, chứ hồi giờ ổng bồ bịch tá la có nghe cưới xin gì đâu, nghe nói cô này là người yêu hồi đại học phải không anh?
- Ừ, hồi đó trắc trở gì đó hai người không đến được với nhau, giờ tình xưa nối lại coi bộ đậm đà ha.
- Em thấy cô Sương cũng được đó chớ, tuổi đó rồi mà coi còn sắc nước lắm chắc hồi trẻ cổ cũng đẹp lắm ha.
- Do đó mà ông ba mình đắm đuối quên hết mọi sự đời chứ gì.
- Hai ông bà cũng lớn tuổi rồi, về với nhau vậy là yên tâm. Kìa anh, điện thoại anh có tin nhắn kìa.
- Số lạ. Cái gì vậy nè “Tụi con về lo cho ba đi cô chịu hết nổi rồi.”
- Ủa có chuyện gì vậy ta ?
- Sao tự nhiên có chuyện gì kỳ vậy ? Mình về coi mau đi anh.
- Ủa sao cổng cửa mở mà không thấy ai vậy nè. Ba ơi! Cô Sương ơi!
- Ủa, bếp cũng lạnh tanh à, cô ấy đi đâu rồi ? Vô phòng ba coi.
- Trời ! Anh ơi…
- Sao ? A trời…Ba ba…ba sao vậy nè? Ba ơi…ba ơi
- Mới hơn một tháng mà ba bị bịnh gì đến nỗi này vậy hả?
- Trời, cái gì đây? Thuốc ngủ à…
- Cái thùng rác gì mà hôi quá à, trời đất, bỉm của người lớn, kinh khủng vậy nè…Sao cô Sương không đưa ba đi bệnh viện, không báo cho mình biết sớm, đợi ba hôn mê vầy mới báo…??? Gọi cô Sương đi.
- Gọi không được, máy tắt rồi. Có chuyện gì với ba vậy? Hôm đám cưới nhìn ba có sao đâu, hay ba bị đột quỵ, bị tai biến? Thôi cứ đưa ba đi bệnh viện đã, tính sau.
- A ba tỉnh rồi nè…cái gì ba…ba nói gì vậy…?
- Ba xin…lỗi…lỗi con…tôi xin…lỗi….lỗi bà…xin…lỗi…lỗi…
- Ba. Ba xin lỗi ai vậy?
- Ba đang nói sảng hay sao ấy. thôi cứ đưa ba đi bệnh viện đã anh.
- Ba, ba nói cho tụi con nghe đi, có chuyện gì xảy ra vậy? Mà cô Sương đi đâu không ai biết, chỉ để lại tờ đơn xin ly dị. Sao kỳ vậy? Đám cưới chưa bao lâu mà. Cô ấy đã làm gì ba phải không?
- Sao ba cứ im lặng hoài vậy. May mà ba chỉ bị suy nhược và sang chấn nhẹ, nếu có gì nghiêm trọng hơn thì tụi con biết làm sao đây. Ba phải nói cho con biết chuyện gì đi chứ. Lúc mê man ba cứ nói xin lỗi xin lỗi, ba xin lỗi ai mà sao lại phải xin lỗi? Ba nói đi ba.
Nhật Tường vẫn lặng im trên chiếc xe lăn. Sau mấy tháng điều trị, ông đã qua cơn nguy hiểm và đang hồi phục, tuy nhiên, ông khó mà trở lại trạng thái của ngày trước. Vào cái tuổi gần sáu mươi, bất kỳ ai có sự sa sút về sức khỏe, lập tức là cơ hội cho một số bệnh tiềm ẩn phát ra, và chúng liên hoàn tân công cơ thể đã mất dần sức đề kháng, để một ngài phó tổng đang thời phong độ uy nghi giờ chỉ còn là một người đàn ông già yếu bệnh tật cả thân xác lẫn tâm hồn. Khi có lại được nhận thức một cách rõ ràng về những chuyện đã xảy ra, lương tâm ông lên tiếng thóa mạ và vạch mặt những góc đen tối nhất của một quãng đời. Đã làm chồng làm cha, ông càng ngẫm càng thấy rõ tội lỗi của mình không thể dung thứ. Và ông cũng hiểu rõ một điều, chút lòng nhân hậu của người đàn bà ấy đã giữ lại cái mạng này cho ông, sự trả giá ấy cũng chỉ là một phần, chưa đủ đền bù tội lỗi để lương tâm ông sẽ không còn được yên bình trong những tháng ngày còn lại. Một câu hỏi luôn ong ong trong tâm trí “Tại sao ngày ấy ta lại có thể ra tay một cách khốn nạn như vậy?”. Có hàng vạn câu trả lời thì cũng không câu nào là khả dĩ. Và những gì đã diễn ra trong căn phòng ấy, suốt đời chôn sâu trong tận cùng tâm can ông, chỉ một mình ông. Một mình ông biết và thấm là đủ lắm rồi.
- Xa thế nhỉ? Dân ở đây đúng là khổ. Đường xá thì cheo leo dốc đá, đất đai thì khô cằn bạc thếch, làm không đủ ăn nói gì đến những thứ khác.
- Có thế thì chúng ta mới lặn lội mang vác lên đây, chắc bọn trẻ mừng lắm đấy.
- Bố mẹ chúng nó cũng mừng chứ riêng gì chúng nó. Còn bao xa nữa nhỉ?
- Gần đến rồi các bác ạ, cố lên tí nữa nhé.
- Các bà này, nghe nói chùa này lâu đời lắm rồi, nhưng ít khách vãng lai, vậy mà Sư cô còn nuôi một đống trẻ con thế thì lấy gì mà sống?
- Nghe nói Sư cô này rất quý trẻ con, từ khi bà về chùa thì mới có hoạt động này, chắc thấy trẻ con nơi này đói khổ quá mà.
- Ừ thì làm được gì có ích cho mọi người thì cứ làm, như chúng ta đi làm từ thiện lâu nay vậy, mỗi người một công một sức mà.
- Ngày xưa mỗi lần đi đâu cấm vắng mặt bà Hạnh Sương nhỉ.
- Nhắc đến lại thấy buồn. giờ chả biết lưu thân chốn nào ?
- Có khi đi nước ngoài từ hồi ấy rồi. Đúng là đàn bà dễ có mấy tay nhỉ. Không biết bà ấy làm thế nào mà chỉ một thời gian ngắn mà lão kia thân tàn ma dại.
- Đấy, cho các lão mở to mắt ra, không phải cứ muốn làm gì thì làm,
phụ nữ cũng phải có cuộc sống cho ra người chứ, đâu cứ còng lưng chịu phép các lão, cần thì nắm níu, không cần nữa thì đá hất.
- Cứ phải ra đòn, phụ nữ ngày nay phải biết giữ lấy giá trị đúng mức của mình, đừng quá nhún nhường để đàn ông họ có cớ xem thường.
- Kìa, cổng chùa rồi kìa, mải chuyện quên cả mệt.
- Thì thế, đi đường xa cứ chuyện rôm rả là qua nhanh lắm.
- Mô Phật.
- Chào sư cô ạ.
- Ơ…
- Ôi…
- Nam mô ai di đà Phật. Kính thí chủ lên chùa.
- Suỵt. Nói chuyện sau, mang đồ vào cho các cháu đi đã.
- Ui chao, thật không ngờ lại gặp bà ấy ở đây.
- Thôi thế cũng tốt, vừa thanh thản tâm thân lại giúp ích cho đời.
- Tôi vẫn vã mồ hôi đây. Đúng là tài thánh cũng không tìm ra được
thật. Ai mà ngờ…
- Ôi cuộc đời ơi…Tình - Thù Vô nghiệt chi giao.
Đàm Lan 
Theo http://newvietart.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...