“Lúc đó nửa đêm rồi, lửa cao ngọn lắm. Cao hơn đọt dừa. Tàn
đóm tán loạn mỗi khi gió thổi qua quăng quật đống lửa. Mấy cây trúc ven vách chịu
nóng không nổi, vặn xoắn lại trước khi nổ như pháo chuột. Lần này nhà không lợp
ngói nên không nghe ngói nổ, lửa cháy coi bộ êm đềm”.
Bằng một giọng bình thản nếu không muốn nói là lạnh lùng, người
đàn bà hai con ngồi rủ rỉ kể chuyện cháy nhà hàng xóm cho chồng mình nghe.
Chồng thì bảo: “lần nào cũng như lần nấy. Hay ho gì mà coi”.
Nhưng vợ bảo mỗi lần mỗi khác. Và nàng tỉ mỉ phân tích: mỗi đống lửa mang
một mùi khác nhau. Mùi những con mối cánh bén lửa, mùi lá mục, hay mùi nhựa
khét xộc ra từ tấm bạt xóc nóc nhà và những sợi dây câu. Em phân biệt được đám
cháy nào có mùi những con chuột bị nướng trui trên mái ngói, hay những cái trứng
kiến quá lửa, đám cháy nào lẫn khuất mùi cơm sôi do Nhàn đang bắc nồi cơm lên bếp
thì đằng trước Tam rê quẹt gas vào mái lá.
Hóa ra anh ta đốt nhà mình. Và đốt những 5 lần!
Đương nhiên anh ta say. Nhưng không phải vì say mà đốt nhà.
Mà chỉ vì Nhàn mệt quá ngủ quên không ngồi chờ bên cửa, chỉ vì con chó hàng xóm
sủa dữ quá, và Tam nghĩ “nó khinh ta”, hay vì cái rễ cây me tây gồ lên khỏi mặt
đường làm anh ta vấp té.
Đọc tới những cái “chỉ vì” đó nhiều người sẽ kêu lên: Đúng là
dân Nam bộ! Lúc nào cũng say xỉn, ngang ngược hết biết!
Nhưng Trời ạ, anh ta đốt nhà vì ghen!
Anh ta ghen vì cô vợ có hai mặt con với anh đã từng yêu người
khác. “Phải khóc được thì tôi đâu có đốt nhà”, anh ta thú thiệt. Và,
người khác đó chính là, chồng em đang nằm cuộn tròn như cái kén trên
võng kia.
Cái bí mật đớn đau cả xóm không ai hiểu, cứ tưởng bọn họ bị
mắc đàng dưới, khật khùng đốt nhà coi chơi. Chồng thì đứng nhìn một cách say
sưa, còn vợ thì tỉnh queo, không khóc.
Nhưng người kể chuyện xưng em lại thấy ngọn lửa đó
thật lộng lẫy, xáo động em đến cả mấy tháng sau. Em thấy mình chính
là Nhàn kia, một con đàn bà thèm khát được chồng nhìn thấy.
Cứ như thế, câu chuyện cay xè được em bóc dần như
những củ hành trong truyện của Gunter Grass, bóc để được chảy nước mắt. Cái nút
thắt ghê gớm của câu chuyện mở ra như thể là tình cờ, chuyện nọ xọ chuyện kia
thực ra là âm ỉ trong em rồi bùng lên còn hơn ngọn lửa đốt nhà của
Tam, khi anh nấc lên và đổ sụp xuống da thịt nhễ nhại của em mấy tiếng Nhàn,
Nhàn ơi! khi anh vùi em vào trong một đống rơm, vùi vào giữa hai đùi
em nóng hổi.
Đúng là em cũng đang ghen. Còn ghen sâu, ghen dai dẳng,
ghen nghiệt ngã hơn cả Tam. Tam say xỉn, mất bình tĩnh, có lúc đánh đập vợ
nhưng em chịu nghèo cực ép từng trái chuối phơi khô để khi chồng về, em ngồi
kể và kể, rất chi là ngọt ngào, rất chi là nhỏ nhẹ, nói như rót mật vào
tai chuyện của người mà anh kêu lên Nhàn ơi, Nhàn ơi! em kể lê thê
chuyện nhà cháy, mùi của từng con chuột nướng chín, của trứng kiến sém lửa, cảnh
“người ta” đi khắp xóm xin gạo, cảnh bị chồng đá vào bụng để cho anh đứt từng
khúc ruột như khi Thúc Sinh nghe Thúy Kiều đàn trước mặt Hoạn Thư.
Em không khóc được nên phải kể, vậy thôi. Em cũng đau đớn lắm,
chứ có sung sướng gì đâu. Có điều thấy “người ta” tàn đời và anh thì đau khổ,
em cũng được an ủi, hả hê. Em là vậy đó, đàn bà mà, thù dai một chút có sao
đâu!
Một lần nữa người đọc lại bắt gặp cái ghen trong truyện của
Nguyễn Ngọc Tư. Không phải cái ghen ầm ĩ thô tục của những người đàn bà đổ keo
dán sắt vào chỗ kín con điếm Sương hay ‘sát” đàn bà như Út Vũ, người chồng bị vợ
bỏ theo trai trong Cánh đồng bất tận. Mà là một cái ghen bình thường ít nhiều
được kìm nén, nên người ghen không bị khinh ghét, trái lại còn có thể cảm
thông, tha thứ. Người bị ghen tuy đau hơn nhưng vẫn âm thầm chịu đựng cho đến
khi không chịu đựng nổi nữa.
Ngòi bút của tác giả trong truyện này đã trở nên trầm tĩnh,
sâu sắc hơn. Cách dựng truyện cũng được nâng lên một tầm cao, phải nói là thật
khéo.
Truyện chỉ có vài ngàn chữ, tưởng là chuyện say xỉn, quậy phá
ở miệt biển, không ngờ lại là chuyện tình cay đắng của hai cặp đôi đói nghèo.
Tác giả không phân tích tâm lý, không mổ xẻ nhân vật, chỉ để em kể những
chuyện tưởng không đâu vào đâu nhưng thực ra là có sắp đặt một cách kín đáo.
Thường, từ tình yêu mới đến tình dục, nhưng với em thì
ngược lại, từ cái đêm anh vùi giữa hai đùi em nóng hổi, em đã yêu anh, yêu đến
nỗi cái mùi tóc hơi tanh cá và khét nắng còn vướng vất lại trên võng đến cả
tuần, hành hạ em tới ổ.
Yêu, ghen, thù và trả thù là chuyện của muôn đời, nghĩa là
quá xưa, quá cũ, nhưng được tác giả phơi mở rất lạ, rất mới.
Khác với nhân vật xưng tôi trong Cánh đồng bất tận
khiến cô bé Nương trở nên già trước tuổi, ở đây người kể chuyện xưng em, nghe
thật ngọt ngào, nhún nhịn rất hợp tình mà cũng hợp lý.
Nhưng coi chừng, đó là cái tiếng em lạnh lẽo nhất
trần gian kia đấy, tiếng em làm người chồng chết ruột chết gan. Cũng là tiếng em nhỏ
nhẹ của một người đàn bà cô đơn thủ thỉ tâm sự với chính mình.
Với một câu chuyện nỉ non như thế, nên giọng văn cũng rủ rỉ,
tỉ tê, đôi chỗ đẹp một cách không ngờ như khi nói tới những phút giây không thể
nào quên trên tấm thảm rơm, hay những con chữ ngộ nghĩnh trong tro tàn rực
rỡ, trong khóe miệng đìu hiu…
Không kỳ cục, xa lạ như trong Cánh đồng bất tận, không triết
lý vẩn vơ như trong Gió lẻ, bốn nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư qua Tro tàn rực rỡ
đã sống thực với nỗi đau của chính mình: lặng lẽ yêu nhau, lặng lẽ làm khổ nhau
cho đến lúc chia lìa. Đó là những bi kịch muôn đời của những xó quê nghèo đói
xa xôi.
Không phê phán, không kêu than, tác giả với ngòi bút đã trở
nên thâm trầm sắc sảo, vẽ nên những cảnh buồn không chịu được. Không chịu được
nhưng cũng phải chịu vậy thôi vì đó là cái góc khuất tối tăm của không chỉ một,
hai mà rất, rất nhiều những cặp đôi như thế ở những nơi mà nhân phẩm của người
nữ muôn đời vẫn là một cái gì rất xa lạ.
Khi, chỉ một mình lên tiếng phê phán những nhân vật trong
Cánh đồng bất tận, tôi đã từng viết:… với Nguyễn Ngọc Tư, xin cô hãy quay về với
đồng đất tuy có mùi phèn nhưng vẫn thơm ngát hương rừng Cà Mau. Hãy bám rễ trên
quê hương như rừng đước Năm Căn, hãy giữ vững bản lĩnh của một cây bút mạnh mẽ
mọc lên từ đất như cây mắm cây bần, mặc cho những cơn sóng tâng tiu hay những
cơn bão nịnh nọt.
Và, hôm nay, giữa đám tro tàn rực rỡ, cô đã trầm tĩnh
quay về. Xin cảm ơn cô.
28/1/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét