Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2017

Trái tim - Một ca khúc mới về tình yêu

Trái tim - Một ca khúc mới về tình yêu 
Tình yêu không chỉ là đề tài bất hủ, là nguồn cảm hứng vô tận trong thi ca, mà tình yêu còn vượt qua mọi biên giới, vượt qua mọi không gian và thời gian, vượt qua mọi rào cản về ngôn ngữ cuộc sống cũng như ngôn ngữ nghệ thuật, để trái tim con người đến được với nhau, chia sẻ với nhau những cảm xúc ngọt ngào và thân yêu nhất.
Trái tim - một ca khúc mới của Trần Văn Phúc, được trình bày bởi ca sĩ Hồng Dung của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long - đã mang tới khán giả yêu nhạc những cảm xúc mới về tình yêu qua nét nhạc trữ tình mà dung dị, qua lời thơ với những ca từ sâu lắng giống như lời tâm sự được thốt lên từ nơi sâu thẳm con tim đang khao khát yêu thương:
«Một chiều mùa đông giá rét
Có con bướm cánh lẻ loi
Bướm bay về cuối chân trời… 
Một chiều mùa xuân ấm áp 
Bướm mơ bay đến trời cao
Đùa vui với gió, lá, cành… 
Có phải chăng loài bướm 
Không hề có một tình yêu
Mà trên đôi cánh trắng
Mảnh tim vỡ vụn bám”.
Đó là những ca từ được chắt lọc từ một bài thơ cùng tên của nữ nhà thơ trẻ Natalia Pietrucha, cũng là nữ Á hậu Warsza năm 2002 của đất nước Ba Lan xinh đẹp. Bài thơ được nhà thơ Lâm Quang Mỹ dịch ứng tác trong chuyến giao lưu văn hóa giữa các nhà thơ Việt Nam với các nhà thơ Ba Lan.
Bản thân lời thơ đã gợi nên những nét giai điệu rất đẹp, khiến trái tim người đọc trào dâng những cảm xúc rất lạ kỳ. 
«Chỉ thích đùa vui phút chốc
Với trời, với gió, với mây
Cả đời bướm đâu tìm thấy
Tình yêu trên thế gian này…».
Lời thơ chỉ đơn giản có vậy, nên nét giai điệu trong ca khúc cũng hết sức bình dị và giản đơn, dễ đi vào lòng người. Ca khúc được viết ở giọng đô thứ, sự phát triển của giai điệu phù hợp với nội dung ca từ muốn chuyển tải, sử dụng lối dẫn dắt để nét nhạc lên đến cao trào một cách tự nhiên mà không cần đến sự phá cách, kết thúc ca khúc ở âm chủ bậc một đảm bảo đường tuyến giai điệu được giải quyết trọn vẹn, tạo cho người nghe cảm giác bình ổn, chân thực, không cầu kỳ hoa mỹ.
Ca sĩ Hồng Dung tâm sự: Nhận được bản tổng phổ ca khúc Trái tim, ngay lập tức Hồng Dung bắt tay vào tập luyện bởi Dung chỉ mong muốn được nhanh chóng thể hiện những cảm xúc dâng trào từ ca khúc mà Dung đã bắt gặp. Tuy vậy, khi trình bày ca khúc Trái tim Dung cũng vẫn gặp một vài khó khăn tuy nhỏ thôi nhưng cũng tốn của Dung khá nhiều thời gian và công sức, đó là do ca khúc có quãng âm khá rộng, trong khi với chất giọng của Dung thường có thế mạnh với những nốt nhạc ở âm khu thấp, nên khi Dung hát đến nốt đô ở quãng tám thứ hai đòi hỏi phải hết sức tập trung để cố gắng mở giọng, làm cho âm thanh căng ra, giống như giấc mơ về tình yêu đang bay cao, bay xa đến tận trời xanh như chính lời trong ca khúc. Hoặc khi quay trở về vòng âm chủ, có những nốt Dung cần phải nén hơi thật tốt để diễn tả hết nội tâm mà ca khúc muốn nói. Mỗi lần hát xong ca khúc, Dung lại một xúc động và không cầm được nước mắt. Bài hát đã lấy đi của Dung nhiều nước mắt không phải vì nét nhạc quá hay, quá đặc sắc, mà vì nhạc và lời thơ đã biết vịn vào nhau mà đi, để dẫn người hát và người nghe lên đến cao trào cảm xúc bởi chính nội tâm của nó.
Phần phối khí được thực hiện theo phong cách bán cổ điển, đó là sự kết hợp giữa hình thức nhạc nhẹ với việc mô phỏng dàn nhạc giao hưởng. Mở đầu và xuyên suốt ca khúc là những âm thanh sang trọng và lãng mạn của tiếng đàn Piano, tiếp theo là những âm thanh tình tứ nhưng dung dị và sâu lắng của tiếng đàn bầu có tác dụng gợi thanh và dẫn dắt giai điệu cho ca sĩ hát. Khác với âm kết của cả ca khúc, đàn Bầu được kết ở âm bậc năm, tạo nên cảm giác chơi vơi, để người nghe phải chờ đợi và đi tìm cho mình một sự kết thúc khác trọn vẹn hơn như thế. Có thể nói, đàn Bầu đã thật sự tạo nên nét đặc sắc cho ca khúc bởi những giai điệu mượt mà, say đắm bên cạnh những nét tài hoa của nhạc khí phương tây, đó là biểu trưng của người phụ nữ Việt Nam thủy chung, son sắt, luôn khát khao yêu, được yêu với tình yêu lãng mạn và đẹp nhất. Bởi thế cho nên đàn Bầu xứng đáng có vị trí số một góp phần tạo nên sự thành công cho bản phối khí của ca khúc Trái tim.
Nghe bài hát Trái tim tại đây.
Trái tim 
Trần Văn Phúc - Hồng Dung

Album Hòa tấu Guitar êm dịu cực hay cho Quán Cafe - Relaxing

Trần Văn Phúc
Theo http://vnmusic.com.vn/


Văn xuôi Trịnh Công Sơn

Văn xuôi Trịnh Công Sơn
Chợt tôi thấy thiên thu 
là một đường không bến bờ 
Những con đường trăng tròn là những con đường trăng khuyết. Vẫn là những con đường cũ em đi qua và tôi đi qua. Thế rồi, có lúc tôi đi qua những con đường mù mịt không trăng. Những tro tàn quá khứ bỗng dậy lên một cơn lốc cuốn tôi về với những con đường ma quái ảo ảo chập chờn.
Cái chập chờn của một thân thể phiền não không biết mai này mốt nọ ra sao, cứ thắc thỏm muốn gửi gắm vào cuộc đời một linh hồn phiêu lạc. Tôi phiêu lạc bao nhiêu năm rồi trên một dòng đời không bờ bến. Có khi tưởng bờ là bến. Có khi tưởng bến là bờ. Cái tạm và cái thường hằng lắm khi là một. Thế mà cứ lại là khác nhau. Cái bờ mỏng manh khoảnh khắc ra đi. Cái bến nhiều khi bền bền ở lại. Bờ mở ra những bến. Có dâu bể cho bờ. Nên định mệnh bờ thường trói buộc thân phận bến.
Tôi là bờ em ra đi. Em là bến tôi ghé lại.
Con đò ghé qua bờ này bờ nọ nhưng sẽ đậu lại ở một bên kia.
Mùa xuân là bờ hay là bến? Than ôi, mùa xuân chỉ là bờ. Ai ai trong đời này cũng có lần ghé qua cái bến tạm mùa xuân. Cái bờ bến mùa xuân nhập nhằng những dặm trường lận đận. Thoắt nhiên bến xuân chỉ còn lại là bờ. Cái bến đi qua, rồi cái bờ ở lại. Cái bến hiu hắt của một thuở tưởng rằng thời hoàng kim bến sẽ mãi mãi không bao giờ là bờ. Thế rồi tuổi đời người người - đến đến - đi đi cứ mộng vớ, hoang tưởng hão huyền một thứ bờ bờ - bến bến, không biết nơi nao để neo lại một thân thể phiêu bồng.
Có thể bến cho em và bờ cho tôi. Tôi cứ mãi đi và em ở lại. Cái thân phận thuyền quyên ấy đừng làm đau xót đời. Cuối cùng, trong cõi mông lùng mờ mờ ảo ảo, em vẫn chính là cái bến hư ảo một cách vẹn toàn mà tôi có lúc mỏi mệt sẽ tìm về nương tựa.
“Ru đời đi nhé cho ta nương nhờ lúc thở than”...
Cái bờ ru lời hiu quạnh lau lách. Cái bến ru chập chờn một đốm lửa chiều...
Trong một giấc ngủ bồng bềnh không giờ giấc của mùa xuân, tôi thảng thốt thấy bờ bến bỗng rã tan thành những cánh bèo mông lung vô định. Em không bến và tôi không bờ. Em trôi đi và tôi cũng trôi đi. Em và tôi cùng là bến. Em và tôi cùng là bờ. Chúng ta tan biến vào nhau thành một khối bến - bờ không còn chia lìa nữa. Trong em không còn trí nhớ về bến. Trong tôi cũng mất hết những ký ức về bờ.
Bến ở đâu? Và bờ ở đâu?
Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 6/2/1994
BÀI HÁT ĐẦU TIÊN
BÀI HÁT CUỐI CÙNG
Ngạn ngừ Pháp có nói rằng cái gì bắt đầu tốt thì sẽ kết thúc tốt. Tôi không hiểu trong những địa hạt như kinh tế, xã hội, khoa học như thế nào nhưng trên lĩnh vực văn nghệ đôi khi hoặc nhiều khi nó không hoàn toàn như thế. . . Có không ít những trường hợp người nghệ sĩ đã khởi đầu rất hay và kết thúc rất tệ.
Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba mười bốn tuổi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường.
Sau một vài biến cố lớn của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng.
Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng mị triền miên.
Có một câu hỏi, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?
Câu hỏi buộc tôi phải trở về những năm tháng xa xôi.
Nhưng khi về đến nơi ấy, trong thời điểm ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh thành ra cái đầu tiên kia?
Bài hát Ướt mi được Nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát quanh những phòng trà và nổi tiếng. Thời ấy hình như Nguyễn ánh 9 đã có lúc đệm đàn piano cho Thanh Thúy hát. Thanh Thúy trở thành giọng hát liêu trai. Anh Nguyễn Văn Trung, giáo sư triết thời ấy ở Văn khoa cũng đã từng có bài viết về một tiếng hát liêu trai Thanh Thúy.
Thế thì, cố nhớ lại và tôi đã nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát Giọt mưa thu và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát Giọt mưa thu chờ Thúy về. Nhưng những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ...
Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.
Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài Ướt mi nhưng riêng bài Ướt mi thì tồn tại như một số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm.
Dù sao thì trong những năm 1959 - 1960 trong thành phố này nhiều người đã thích và hát.
Người ta có nhiều lý do để thích một bài hát đầu tiên của một tác giả để rồi không quên thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của anh là gì? Sẽ như thế nào? v.v...
Sự kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.
Trên đường băng chạy có cái đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng cũng có thể là cái vô hạn và biết đâu, nó đã từng có trước thời hạn mà mình không ngờ.
Sự bất tử không có trước có sau mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.
Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi vì tôi nghĩ rằng thời điểm cuối cùng là điều mà mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do nào đó tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ cuối cùng của mình trong một ca khúc thì tôi tin rằng vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.
Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.
Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu có người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy đó làm điều.
Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng?
Báo Lao Động, Xuân Tân Mùi, 1991
VẾT THƯƠNG TỈNH THỨC
Những ngày tháng này tình bạn và tình yêu mang đến một mềm vui sống lạ kỳ. "Hãy yêu như đang sống và hãy sống như đang yêu. Yêu để sự sống tồn tại và sống cho tình yêu có mặt".
Có những cánh cửa mở vào hư vô và cũng có những cánh cửa mở ra những cảnh đời nhộn nhịp. Ta không khước từ hư vô và cũng không xa lìa cảnh nhộn nhịp của đời. Ta đã may mắn đi qua những tuyến đường đưa đến hạnh ngộ. Hạnh ngộ trong tình bạn. Hạnh ngộ trong tình yêu.
Nếu đã có một ngày sinh nhật dĩ nhiên sẽ có rất nhiều ngày sinh nhật nữa. Mà hình như trong cảnh ngộ cuộc đời riêng - chung của chúng ta ngày nào mà không là ngày sinh nhật, bởi vì cái màu sắc của lễ lạc đã tự bao giờ khoác lên trên mỗi ngày chúng ta đang sống.
Xin cảm ơn cuộc đời và cảm ơn tất cả mỗi chúng ta đang có mặt mỗi ngày bên nhau. Ly rượu nồng nàn của đời biết bao giờ uống hết được.
Tình yêu thường mang đến khổ đau nhưng đồng thời tình yêu cũng mang đến hạnh phúc. Có một lá cờ bay trên hạnh phúc và có một đoá hoa quỳnh héo úa ngủ trong khổ đau. Cố gắng tránh đừng than thở. Thử thở dài một mình và quên lãng. Ta không thể níu kéo một cái gì đã mất. Tình yêu khi muốn ra đi thì không có một tiếng kèn nào đủ mầu nhiệm để lôi về lại được. Tình yêu là tình yêu. Trong nó đã sẵn có mầm mống và sự hủy diệt.
Tình yêu tự đến và tự đi, không cần ai dìu dắt. Nó hoàn toàn tự do. Muốn giam cầm nó thì nó sẽ bay đi. Muốn thả nó bay đi có khi nó ở lại.
Vì có tình yêu nên có lễ hội. Người ta bắt đầu bằng những cuộc viếng thăm, lui tới, áo mũ xênh xang, bánh trái, lồng đèn, heo ngỗng. . . Những cuộc rước dâu pháo nổ đì đùng, trống kèn inh ỏi. Lễ hội mở ra trên đường, trong làng, trong xóm: Lễ hội mở ra cả trong lòng người.
Thường vào mùa Thu là mùa lễ hội kéo dài suốt cả một đời người. Có những lễ hội có một đời sống đôi khi quá ngắn ngủi.
Đến một lứa tuổi nào đó, chia vui và chia buồn đều có một nỗi mệt nhọc như nhau.
Có những người yêu đã ra đi bỗng một ngày nào đó trở lại. Vì sao? Không vì sao cả. Vì một chọn lựa tưởng rằng đã đúng cuối cùng sai. Và trở lại với một người mình đã phụ bạc để muốn hàn gắn lại một vết thương. Một vết thương nhiều khi đã lành lặn lâu rồi bất chợt vỡ òa như một sự tỉnh thức. Tỉnh thức trên vết thương. Trên một nỗi đau tưởng rằng đã thuộc về quá khứ. Nhưng không. Không có gì thuộc về quá khứ cả. Thời gian trôi đi và vết thương vẫn còn đó.
Nó nằm chờ được thức dậy một lúc nào đó để sống lại như chính bản thân nó là một vết thương.
Nhưng vết thương khi đã được đánh thức thì nó không còn là vết thương cũ vì giờ đây nó là một vết thương tỉnh thức. Một vết thương tỉnh thức là một vết thương biết rõ nó là một vết thương. Nó thức dậy và nó nhận ra rằng nó đã được khai sinh trên tâm hồn một con người và đã có một thời gian dài làm đau đớn con người đó. Vết thương tỉnh thức là một con mắt sáng ngời. Nó nhìn ngược về quá khứ và ngó thẳng tương lai. Nó mách bảo cho chủ nhân của nó là không có một vết thương nào vô tư mà được sinh thành cả. Nó là một nỗi đớn đau như khi trời đất trở dạ làm thành một cơn giông bão.
May thay trong cuộc đời này vừa có tình yêu vừa có tình bạn. Tình bạn thường có một khuôn mặt thật hơn tình yêu. Sự bội bạc trong tình bạn cũng có nhưng không nhiều.
Tôi thấy tình bạn quý hơn tình yêu vì tình bạn có khả năng làm hồi sinh một cơn hôn mê và làm phục sinh một cuộc đời tưởng rằng không còn tái tạo được nữa.
Cuối cùng không có gì khác hơn là sống và chết. Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không. Phải đi đến tận cùng hai cõi sống chết để làm tan biến tất cả những giấc mộng đời không thực.
Báo Phụ Nữ TP. HCM Xuân Kỷ Mão, 1999
NHẬT KÝ HUẾ
Đã lâu lắm tôi không ra khỏi nhà để thực hiện những chuyến đi xa. Thế rồi nó trở thành một thói quen. Một thói quen không hiểu là tốt hay xấu. Nhưng dù sao đó cũng là thói quen của một người không có sức khỏe tốt hoặc đã đạt đến một thứ tuổi lười. Đã từng có những cuộc mời mọc trong vài năm nay để ra nước ngoài nhưng tôi đều từ chối. Và khi kiếm được một cớ nào đó để từ chối mà không phụ lòng người mời, tôi bỗng thấy lòng thảnh thơi, nhẹ nhõm.
Tháng 4 năm nay ở Huế có tổ chức Festival 2000. Tôi không được mời, nhưng điều đó không có gì quan trọng. Bởi vì rất nhiều người khác cần được mời hơn tôi cũng không được mời. Đã hiểu lý do làm sao mà có một sự thiếu sót như thế thì cần phải viện đến những cơ sự rất phức tạp, thậm chí lạ lùng khó hiểu. Thành phố Huế là thành phố của những đứa con thân yêu của Huế, chứ không phải chỉ để dành riêng cho một số người. Càng không phải chỉ để dành cho một thế lực nào đó. Quê hương là quê hương chung chứ không phải quê hương của riêng ai. Vì thế cho nên muốn làm đẹp cho quê hương cũng phải được chia đều.
Thế mà cuối cùng tôi cũng đến Huế trong những ngày nằm giữa bề dài của cuộc Festival. Tôi đã sẵn sàng tham dự một vài buổi trình diễn không lấy gì làm hứng thú. Những bữa ăn không mùi vị, thậm chí là nhạt nhẽo. Nhưng tôi không mất nụ cười và sự vui tươi hồn nhiên, vì tôi là thằng con của Huế. Tôi an ủi đám bạn bè cùng đi là hãy vui đi, vì đây là xứ sở của tôi.
Khi bạn có một xứ sở để trở về hoặc là để thỉnh thoảng trở về, thì bạn có hạnh phúc nhiều lắm. Ở đó bạn có một dòng sông, một ngọn núi, và bạn tìm lại được những đứa bạn một thời tóc xanh nay đã lốm đốm bạc đầu. Bạn sẽ gặp một cô gái Huế bất chợt trên đường và hỏi rằng: Huế bây giờ có gì lạ không em? thì lập tức, hoặc tình cờ cô gái ấy sẽ đọc lại hai câu thơ của Bùi Giáng:
Dạ thưa phố Huế bây giờ
Ngự Bình vẫn đứng bên bờ sông Hương
Huế trăm năm trước và trăm năm sau không có gì thay đổi. Nó hình như muốn giữ trọn một lời thề sắt son, không bao giờ thay lòng đổi dạ. Đó là nét đáng yêu của một thành phố, nhất là một thành phố rất cổ kính. Tuy nhiên thời đại này người ta không cho phép một thành phố với những con người cứ mải mê ngủ hoài trên những vàng son của quá khứ hoặc ôm mãi những giấc mộng huyễn hoặc trên những tàng kính các.
Huế lần này đã kéo tôi ra khỏi cái góc nhà nhỏ hẹp của tôi. Nếu không có Huế trong dịp Festival này, chưa chắc tôi đã rời được nơi ẩn trú của mình. Tuy vậy, xét cho cùng, không phải vì Festival lôi cuốn sự tò mò của tôi, mà chỉ đơn giản chính là Huế. Tôi về chính Huế chứ không phải vì Festival Huế 2000. Nếu nói một cách chính danh, thì đây không phải là một Festival trong đúng nghĩa của nó. Tổ chức luộm thuộm, không có một không khí hội hè đúng như yêu cầu, và thực sự nhìn chung, người dân của Huế không tích cực lắm trong việc chia sẻ một niềm vui chung.
Dù sao tôi cũng cảm ơn một cái cớ nhỏ để tôi đi giang hồ vặt trong vài ngày ở Đà Nẵng, Hội An và Huế. Ngày xưa, thời còn trẻ lắm, những chuyến đi chơi nhỏ mọn này không thể nào đủ để làm nguội bớt máu giang hồ trong tôi. Bây giờ thì những chuyến đi ngắn cùng đông đảo bạn bè cũng tạm an ủi cho những giấc mộng phiêu lưu không còn thực hiện được nữa .
Huế là người yêu của tôi, là giấc mộng của tôi. Nhưng bây giờ tôi còn Sài Gòn và Hà Nội. Tôi thấy đâu cũng là quê nhà. Ở đâu tôi cũng có giấc mộng và tình yêu. Và vì vậy, đôi lúc tôi không còn cảm thấy mình thuộc về một xứ sở nào nữa. Nhưng ngẫm cho cùng, thì Huế vẫn là quê nhà của tôi, và ngày nào Huế chưa phụ bạc tôi, thì tôi vẫn là đứa con không bị từ chối của Huế.
PHÁC THẢO CHÂN DUNG TÔI
Mỗi Sáng nhìn vào mặt gương soi lại thấy thêm rất nhiều những sợi tóc bạc...
Thuở ấy, tôi là một đứa bé thích ca hát. Mười tuổi biết solfège, chép lại những bài hát yêu thích đóng thành tập, chơi đàn mandolin và sáo trúc. Mười hai tuổi có cây đàn guitar đầu tiên trong đời và từ đó sử dụng guitar như một phương tiện quen thuộc để đệm cho chính mình hát.
Tôi không đến với âm nhạc như một kẻ chọn nghề. Tôi nhớ mình đã viết những ca khúc đầu tiên từ những đòi hỏi tự nhiên của tình cảm thôi thúc bên trong... Đó là những năm 1956 - 1957, thời của những giấc mộng ngổn ngang, của những viễn tưởng phù phiếm non dại. Cái thời tuổi trẻ xanh mướt như trái quả đầu mùa ấy, tôi rất yêu âm nhạc nhưng tuyệt nhiên trong tôi không hề gợi lên cái ham muốn trở thành nhạc sĩ ...
Dạo ấy ba tôi đã mất, mẹ tôi ở xa, tôi một mình giữa Sài Gòn này phải tự quyết định mọi chuyện về đời mình. Cái gánh đời tuổi tác còn quá nhẹ. Có lúc tôi đã bỏ dở cái trò lãng mạn viết lách này với nỗi ám ảnh ngu ngốc “xướng ca vô loài”. Tôi trằn trọc đêm này qua đêm khác, ray rứt ngày này qua tháng nọ. Nhưng càng cố lãng quên thì tiếng hát trong tôi càng vang lên rõ rệt, tràn ngập cả lúc đứng ngồi, cả trong giấc ngủ.
Dần dà những năm về sau, mới bắt đầu hình thành trong tôi một quan niệm rõ rệt: Sống là sống với người khác và muốn có cảm thông chúng ta phải luôn luôn diễn đạt mình. Trong những cách diễn đạt bằng tiếng nói, bằng chữ viết và nhiều phương tiện khác, tôi thấy tâm hồn mình có khuynh hướng nghiêng về phía ca khúc. Trên mảnh đất nghệ thuật nhỏ nhắn này, tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Nhìn lại quãng đường mình đã đi, tôi cảm thấy không có gì phải ân hận. Tôi vẫn là đứa trẻ thơ trong nghệ thuật, lòng còn tràn đầy cảm hứng. Tôi vẫn còn ham mê học hỏi quanh mình và còn đủ hào hứng mở ra những cuộc đối thoại, độc thoại với cây cỏ thiên nhiên, với con người qua ca khúc dưới ánh sáng hiền hòa nhân hậu của những ngày tôi đang sống.
Phải chờ đến lúc soi gương nhìn thấy tóc không còn mang mầu xanh cũ nữa, mới nhận ra được hết nỗi khát khao được yêu thương mãi mãi con người và cuộc sống. Yêu thương con người cũng là yêu thương tiếng hát bởi vì tiếng hát mang trong nó tâm hồn của con người. Tiếng hát sẽ mọc lên xanh tươi trên cuộc đời này như những cây tử đinh hương mọc tràn thơm tho trên những cánh đồng vô tận.
Với ca khúc, tôi là người tình của thiên nhiên, là người bạn của những em bé. Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn.
Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành...
Trích từ Nhạc và đời - NXB Tổng hợp Hậu Giang.
Theo http://kilopad.com/


Nhớ người trong cõi

Nhớ người trong cõi
(Trích các bài viết về Trịnh Công Sơn)
Thế Bảo: Sơn là một người rất nghệ sĩ, một nghệ sĩ lớn, ngoài khuôn khổ thông thường. Có cảm giác anh là một người thiên về thiền. Coi cuộc đời như một cõi tạm, nhưng ngay trong cõi tạm này, anh vẫn để lại một gia tài vô cùng lớn. Sống hết mình và tận tâm - đó là Sơn.
NAM DAO: Với ca khúc, Sơn đi từ hình thức lãng mạn sang siêu thực, mang mang chất Thiền để rồi cuối đời anh trở về với nỗi lòng anh một cách trực tiếp giản đơn, không chút phù phiếm chữ nghĩa. Sơn là người đầu tiên nói với tôi rằng cách phân chia động từ, tính từ, danh từ đều phần nào giả tạo. Anh cố ý đảo, chẳng hạn như “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh". Bình minh không còn là danh từ mà thành tính từ. Anh thường sử dụng tính mơ hồ của ngôn ngữ. Sơn cũng là người có những cách ghép ngôn từ hết sức bất ngờ.
Phạm Tiến Duật: Gần nửa thế kỷ sáng tác ca khúc, hành trình của Trịnh Công Sơn là hành trình của một trái tim yêu người, yêu giống nòi, luôn luôn tìm cách trả lời những câu hỏi không phải của khối óc mà là câu hỏi của chính trái tim anh đặt ra, trong đó, sự trăn trở giữa cái bản ngã và phi bản ngã là sự trăn trở thường trực... các nhà thơ từ Nam đến Bắc đều coi anh là thi sĩ.
Nguyễn Duy: tôi lắng nghe, âm nhạc trịnh công sơn linh thiêng như tiếng gọi hồn, như sóng âm, như địa chấn, làm loạn nhịp tim tôi và làm loạn nhịp tim biết bao triệu người hâm mộ... cái âm nhạc dồi dào ma lực từng lay động tâm hồn nhiều thế hệ bất kể quốc gia và chủng tộc.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã nâng cao, nối dài, và vô hạn hóa cuộc đời hữu hạn của tác giả.
Phạm Kỳ Đăng: Trịnh Công Sơn đã tạo nên một chỉnh thể nhất phiến gắn quyện. Qua cách xử lý chất liệu thơ và âm, những bài hát Trịnh Công Sơn thành những hạt sống, lóng lánh bay đi không tàn sắc, không có các đốm chân hương, để người ăn theo so mùn rơm thổi lửa. Tức không tiền khoáng hậu ... Nghệ thuật Trịnh Công Sơn ăm ắp (chứ không thuần túy phản ánh) thần thái thời đại, thế hệ, trong những giờ hân hoan bi thiết của dân tộc ông cả hai bên bờ vĩ tuyến...
Phan Hạng: Thật khó mà tưởng tượng rằng trong khu vườn âm nhạc Việt Nam muôn hình muôn sắc lại thiếu vắng một khoảng trưng bày âm nhạc Trịnh Công Sơn, vì rằng đã có quá nhiều Ca khúc - Thơ của Trịnh Công Sơn bén rễ trong hàng triệu trái tim mất rồi!
Người nghệ sĩ tài hoa rất mực ấy đã tạo được cho mình một quyền năng tối thượng: "Quyền năng sáng tạo" và anh đã trang trải nó cho khắp cùng nhân thế bằng sự hiến dâng, tự nguyện, hết mình. Một khối lượng tác phẩm âm nhạc đồ sộ được rút ra từ gan ruột như cảnh tình bi tráng của Tô Đông Pha? Nhưng vượt lên trên nghiệp dĩ đa đoan của nòi phong vận, ý thức cộng đồng, trách nhiệm công dân và sự minh triết đầy nội lực đã giúp Sơn biến những nốt trầm của số phận thành những nốt thăng đắt giá trong sự nghiệp âm nhạc đời mình.
VŨ THƯ HIÊN: Xét cho cùng Trịnh Công Sơn là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta.
Phạm Thị Hoài: Thế kỷ vừa rồi hiếm khi cho chúng ta một nghệ sĩ đặc biệt như thế.
Ông không phải là một trong những nhạc sĩ lỗi lạc nhất, song hầu như không ai khác từ lúc sinh thời đã để lại một ảnh hưởng rộng rãi như vậy với người làm nhạc và người nghe nhạc Việt Nam.
Ông không phải là mốt ca sĩ trứ danh, song ông đã được so với Bob Dylan, và đem lại cho danh hiệu kẻ du ca một ý nghĩa hiện đại.
Ông không phải là một trong những nhà thơ sáng giá nhất, song cách ông đặt lời bài hát đã thành một trường phái và dựng nên một phong cách ngôn ngữ xứng đáng được ghi nhận trong lịch sử văn học Việt Nam.
Ông không phải là một trong những chiến sĩ của hòa bình, tự do và nhân phẩm kiên cường nhất, song với đông đảo bạn hữu và quần chúng, ông đã tượng trưng cho những giá trị ấy, hoặc là một hy vọng cho những giá trị ấy.
Ông không phải là một trong những nhân cách nghệ sĩ được nhất trí cho rằng lý tưởng nhất, song không chỉ một thế hệ đã tìm thấy, hoặc tưởng tìm thấy ở ông một lý tưởng nghệ thuật.
Và có lẽ ông cũng không phải là một người cùng thời dễ chịu nhất, song với hầu hết người thân thật, kẻ thân sơ cũng như ai không hề quen biết, ông được miêu tả là hiện thân của sự đáng yêu.
Ông là một hiện tượng, một biểu tượng, một thần tượng. Ông là một huyền thoại với tất cả may mắn và bi kịch mà xã hội Việt Nam thế kỉ vừa qua có thể đem lại cho những huyền thoại của mình.
Ông đơn giản là Trịnh Công Sơn.
NGUYỄN XUÂN HOÀNG: âm nhạc của Trịnh Công Sơn vượt qua "phản chiến". Nó nhìn thấu suốt được kiếp nhân sinh. Nó không ngừng ở chỗ những lời tình tự giữa hai người nam và nữ. Âm nhạc Trịnh Công Sơn phát lên tín hiệu của những người cùng thế hệ với anh, thế hệ lớn lên trong một cuộc chiến nhưng đồng thời âm nhạc của anh không có tuổi. Nó vượt qua không gian và tôi nghĩ nó còn sống lâu với chúng ta, khi nào người ta còn tình yêu. Những ca từ như thơ trong âm nhạc anh trở thành tiếng kêu của kiếp người. Thượng đế của nó, nếu muốn gọi như thế, đó là con người.
Người ta không ngạc nhiên khi nghiệm ra ca từ trong các khúc tình ca của anh đẹp đẽ mà rời rạc, chữ này không dính chữ kia, câu này không dính câu nọ, ý trên rất xa ý dưới, mông lung và mơ hồ. Xin đừng đi tìm sợi xích thuận lý trong ca từ của anh. Hãy thưởng thức âm nhạc Trịnh Công Sơn trong một tổng thể. Ở mỗi ca khúc của anh, người ta cảm nhận một tuyên ngôn. Ở mỗi ca từ là một tiếng kêu ngạc nhiên bất ngờ trên mặt đất.
Trịnh Công Sơn là một thi sĩ.
NGUYỄN TRỌNG HUẤN: Sơn là một số phận đặc biệt như là một sự lựa chọn của tiền định. Sơn hiểu đến cùng thân phận của một kiếp người, bằng tài năng của mình diễn đạt cái đó một cách thông suốt, thấu đáo. Chính vì thế mà Sơn làm cho mọi người gần nhau hơn. Ca khúc của Sơn giống như một thứ kinh, giải tỏa cho con người, để con người hiểu chính mình, để vượt qua số phận và sống một cách nhẹ nhàng hơn.
TUẤN HUY: Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn, là một triết gia đáng kể, là một thiên tài không thể chối cãi. Mỗi bài ca của Trịnh Công Sơn đều như một thông điệp rất súc tích, rất tốt đẹp gửi đến cuộc đời, gửi đến con người những điều chói lòa nhân bản về tình yêu, về cuộc sống, về tình người, về lòng nhân ái rạng ngời cao cả. Và trọn cả một đời, Trịnh Công Sơn đã nói thay cho chúng ta những âu lo, những vò xé, những thao thức, những băn khoăn, những đớn đau, những tiếc nuối, những tủi hận, những ngỡ ngàng và cả những chán chường, và cả những hoài nghi, và cả những mê đắm... về thân phận con người, về chiến tranh nhân loại, về tình yêu thương gắn bó, về sự tan nát chia xa... Trịnh Công Sơn trọn vẹn là một tấm lòng, một trái tim, một tâm hồn rực rỡ Việt Nam.
TỪ HUY: Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến một tấm lòng, một thiên tài, một con người cao cả và nhân bản. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến một kho tàng ca khúc, ca khúc của tư tưởng, thân phận con người, tình yêu và nhân ái. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến rượu và bạn bè. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến quê hương đời đời bất diệt. Nói đến Trịnh Công Sơn là nói đến tất cả những gì gần gũi nhất của mọi con người biết yêu âm nhạc. Bởi vì trong ca khúc của Trịnh Công Sơn có sự hiện diện của bất cứ con người hân hoan và bất hạnh nào.
Nói đến Trịnh Công Sơn cũng là nói đến cái vô hạn và hữu hạn trong cuộc đời vô thường này. Tôi quý trọng anh Sơn - tôi chiêm ngưỡng anh Sơn bằng tất cả tấm lòng có trong con người nghệ sĩ của tôi.
KIKUMI KAKAMURA: Nhạc của anh Sơn đôi khi tôi không hiểu hết lời, nhưng thấy quyến rũ và nhẹ nhõm. Khi nào giận trong người nghe nhạc Trịnh Công Sơn thấy mình hiền hòa trở lại. Anh Sơn là một người nổi tiếng, nhưng lại rất bình dân. Ở Nhật, khó gặp được một người nổi tiếng như vậy lắm.
KHÁNH LY: Từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân. Tôi đã sống cùng tên tuổi của ông gần 40 năm, với những lời ông dặn bảo: Phải luôn luôn sống giữa đời với một tấm lòng và sống với người bằng sự tử tế. Ông Trịnh Công Sơn là một nửa đời sống của tôi.
PHÓ ĐỨC PHƯƠNG: Trong thế kỷ đầy biến động gian truân của lịch sử nước ta, ở một miền giông bão nào đó xuất hiện một gương mặt và đã trở thành gương mặt của thế kỷ. Đó là Trịnh Công Sơn. Sơn là một nghệ sĩ đã để lại cho đất nước, cho công chúng những tác phẩm chứa chan tình yêu thương con người, đồng loại. Âm nhạc của anh ấn tượng và siêu thực. Tình yêu của anh rộng lớn đến độ đôi khi, nó thoát khỏi những cái cụ thể, mang đôi chút ảo giác. Có lẽ, phải lựa chọn phương thức ấy, Sơn mới biểu đạt hết nỗi niềm riêng của mình. Nhạc của Sơn rất gần, giản dị nhưng lại xa vời vợi. Nhiều người ngưỡng vọng, yêu mến tài năng này luôn cố gắng làm điều gì đó để được như anh nhưng họ không thể bắt chước được cái “thần” của âm nhạc Trịnh Công Sơn.
LỮ QUỲNH: Trịnh Công Sơn trầm mình trong suy tư về các cõi tạm của đời người. Ai cũng phải một lần chào vĩnh viễn nhân gian. Nhưng giã từ cách nào đây. Quỹ thời gian còn ít, nên phải liệu mà chi tiêu hợp lý. Từ đó những bài hát của anh là lời tỏ tình với cuộc sống, lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng, và cũng là một nỗi niềm nuối tiếc khôn nguôi đối với buổi chia lìa cùng mặt đất mà anh đã một thời sẻ chia những buồn vui cùng mọi người... Ca khúc của anh gắn liền với cảm xúc và máu thịt. Bằng tâm hồn rất nhạy cảm, anh ghi nhận từng rung động để rồi dùng thứ ngôn từ phù thủy của mình viết ra."
CHU SƠN: Trịnh Công Sơn đã chiếm lấy nỗi đau làm báu vật và đồng thời làm vũ khí của riêng mình. Lập tức Trịnh Công Sơn hóa thân làm nỗi đau. Và nước mắt chuyển hóa thành năng lượng, thành sức mạnh khiến người nghệ sĩ thể hiện một cách bi thiết và mỹ lệ trong thế giới bát nháo tà bay này.
NGUYỄN TRỌNG TẠO: Ở Việt Nam thế kỷ XX, có hàng vạn người sáng tác ca khúc, nhưng có 3 người không ai là không biết, đấy là Văn Cao, Phạm Duy và Trịnh Công Sơn. Trong 3 người đó, Trịnh Công Sơn là người ít tuổi nhất và nhạc phẩm của anh xuất hiện sau đến vài chục năm, nhưng hơn 500 bài hát của anh được người đời say đắm đến cuồng nhiệt đã tạo ra một hiện tượng lạ lùng trong âm nhạc Việt thế kỷ XX. Anh thực sự là ông Hoàng của tình ca Việt Nam, nhưng cũng là một nhạc sĩ “phản chiến", một nhạc sĩ của khát vọng hòa bình với cả trăm bài hát trong các tập Kinh Việt Nam và Ca khúc da vàng.
Ca từ của anh không chỉ giàu chất thơ như người ta thường nói, mà đấy là những bài thơ thật sự, những bài thơ thấm đẫm triết lý về cuộc sống, về tình yêu, về sự sinh ra và trở về Cát Bụi của phận người ngắn ngủi.
THANH THẢO: Ma lực của nhạc Trịnh Công Sơn, không hẳn ở lời cũng không hẳn ở nhạc. Đó là hình thức hát thơ rất gần gũi với cảm nhận của người Việt... người nghe chỉ biết nghe, và cảm và bị hút, và..: bị nghiện.
HOÀNG BÌNH THI: Nỗi đam mê tình yêu lứa đôi không thay thế được những điều lớn lao ở nhạc Trịnh Công Sơn, đó là nỗi đam mê nhận thức đời sống, đeo đuổi cho đến cùng câu hỏi nghiệt ngã nhất "ta là ai?". Như một đời sống thứ hai đầy cám dỗ, âm nhạc của Trịnh Công Sơn đã khải thị những giá trị thực của đời người. Nó chống lại sự sáo mòn, băng hoại. Không dồn đuổi con người ta tới một nhịp sống gấp gáp, cũng không làm con người buông xuôi trước số phận mà là nhìn nhận một cách chân xác chỗ đứng đúng nghĩa của con người.
Có lẽ tình yêu và nỗi đau phận người là những giá trị lớn nhất mà Trịnh Công Sơn để lại. Đó là một gia tài đồ sộ đến mức thử giả định nếu không có Trịnh Công Sơn, nếu không có âm nhạc của ông, đời sống của chúng ta sẽ nghèo nàn và thảm hại đến nhường nào.
NGUYỄN VĂN THỌ: Nhạc Trịnh Công Sơn là một thứ nhạc da diết, đầy lãng đãng từ ca từ tới khúc thức. Một thứ nhạc xanh không đúng với thứ nhạc xanh nào mà tôi từng nghe. Nhạc Trịnh Công Sơn như làn gió khởi từ xa xăm đâu đó, tách khỏi hận thù trận mạc, tha thiết một tình yêu đồng loại, giống nòi, yêu bè bạn hòa bình, đạo lý.
ĐẶNG TIẾN: Đi vào nền tân nhạc với một tâm hồn mới mẻ, Trịnh Công Sơn đã dần dần xây dựng một nhạc ngữ mới phá vỡ những khuôn sáo của nền âm nhạc cải cách, thành hình chỉ hai mươi năm về trước. Trịnh Công Sơn có tài đặt nhạc, soạn lời, lại biết bắt mạch thời đại sống đúng thế hệ của mình, trong lòng đất nước, trong nhạc cảnh thế giới. Ngần ấy cái tài dồn lại gọi là thiên tài, cũng không quá đáng.
PHẠM TUYÊN: Trong lĩnh vực ca khúc, lời ca có một vị trí hết sức quan trọng và về mặt này Trịnh Công Sơn thực sự là một nhà thơ. Lời ca anh không dễ dãi tùy tiện, mà luôn luôn ẩn sâu một triết lý về cuộc đời và điều đáng nói là anh đã tìm được những giai điệu phù hợp, dung dị, không cầu kỳ, kiểu cách để thể hiện nội dung đó. Đối với người sáng tác, có được một phong cách riêng là một điều phải phấn đấu. Trịnh Công Sơn không chủ tâm tạo cho mình một sự khác biệt lập dị, nhưng bằng tình cảm chân thành của mình, anh đã có được một phong cách rất riêng được sự mến mộ của đông đảo công chúng.
Sẽ còn có nhiều công trình nghiên cứu về hàng trăm ca khúc của anh với những sự đánh giá có thể khác nhau, nhưng phải khẳng định rằng sự nghiệp sáng tác của anh đã góp phần xứng đáng vào nền ca khúc Việt Nam hiện đại.
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG: Tình ca Trịnh Công Sơn là bài kinh cầu bên vực thẳm, lay động ý thức về thân phận ở bất cứ ai mê muội định tìm một chỗ ẩn trốn an toàn giữa cõi đời
Và như thế, tình ca Trịnh Công Sơn không hẳn chỉ là một bông hồng dâng tặng - nó chứa đựng tất cả tâm trạng lo âu của con người nhạy cảm nhìn ra thế giới hiện đại.
Nhưng khỏi phải e ngại rằng Trịnh Công Sơn định làm triết lý thay vì âm nhạc. Điều khiến cho tình ca Trịnh Công Sơn sống mãi trong lòng người chính là ở đây. Dù những trầm tư của tác giả đi xa đến đâu, âm nhạc Trịnh Công Sơn vẫn là một cõi riêng dành cho tình yêu: nó làm tươi lại bông hoa đầu tiên mà con người đã hái, mang theo từ vườn địa đàng, đánh thức cả trời mộng mơ tưởng chừng đã quá xa trong đời người, để đưa những người tình đến ở một lâu đài cổ xưa trong rừng, êm đềm, giản dị mà cao sang lạ thường.
Theo http://kilopad.com/


Cám ơn và xin lỗi

Cám ơn và xin lỗi
Trong cõi chung, là đời sống, người nghệ sĩ sớm tạo một cõi riêng cho mình, một cõi vừa vặn với kích thước của mình, do cảm quan bản thân tạo dựng nên, trong đó nghệ sĩ tha hồ xoay trở, với những phương tiện dụng cụ thật thô sơ, nhưng kèm theo đó là cả một viện bảo tàng hình ảnh và kỷ niệm cùng những nhịp đập của trái tim liên hồi mới mẻ.
Đời cũng chỉ chừng ấy, quanh đi quẩn lại chẳng có món nào mới lạ: mặt trời mọc rồi mặt trời lặn, lá rụng rồi chồi non, nước mưa hòa nước suối, tà áo bay bay trước khi mất hút, tình non đến lúc phải già, hạt bụi trở về hạt bụi...
Có ngờ đâu, trên con đường biến hóa, các sự vật thường ngày phải đi qua một trường vi ba cảm xúc của con người để phải chịu chấn động nhiều tầng và chảy chuyền qua những mạch ngầm của tình cảm khiến cho sự vật thoắt đâu trở thành lung linh, diễm ảo như chứa đựng hồn người.
“Từng ngày từng ngày nhớ ơn đời”(Còn thấy mặt người)
Trịnh Công Sơn là người không đành lòng chứng kiến sự vật trôi xuôi về hư vô. Anh cần phải yêu, bồng bột, say đắm.Anh cần vẫy gọi, mời mọc, nắm bắt, vồ vập. Anh cần ăn tham, uống cạn, thức chong. Như muốn đóng đinh sự vật lên từng nỗi đợi chờ, mong ước, mà anh sẵn sàng biến thành lời kinh.
Mỗi lúc là một cuộc hẹn mà anh muốn kéo dài thêm ra.
Anh tự trao cho mình mọi thứ quyền lực để bắt ép hoặc nài ép kéo dài tuổi thọ cho bao thứ "mong manh” giữa đời. “Tạ ơn hoa sáng thơm cho mẹ
Tạ ơn chim chiều hót cho cha" (Có nghe đời nghiêng)
Con người vốn hữu hạn, vô thường. Có cái gì của con người tránh khỏi mong manh, ngoại trừ ý lực lọt ra ngoài vòng sắc tướng?
Cho nên Trịnh Công Sơn thường trực hốt hoảng vội vã, thường trực nơm nớp bồn chồn, phân thân giữa cái "có” và “không", cái "được" và "mất". Mà cái có, cái được thì bọt bèo, mong manh, trong khi cái không, cái mất thì rợn ngợp.
Làm sao yêu được đầy đủ từng chiếc lá nõn nà ngọc bích đang túm tụm rún rẩy cùng nhau khúc khích trong yến sáng thủy tinh của mặt trời hồi sinh?
Nụ hồng đời, trong điều kiện ấy, làm sao yêu?
“Thành phố vẫn có những giấc mơ, vẫn sống thiết tha, vẫn lấp lánh hoa trên đường đi” (Em còn nhớ hay em đã quên).
Ngàn vạn nụ hồng lấp lánh trên đường đi, cũng như ngàn vạn nụ cười lách tách pháo hoa trên da trời, tạo thành đại tiệc đời: đâu là những gì ta ôm vào lòng, đâu là những gì ta cam đành rũ bỏ? Trịnh Công Sơn sẵn câu trả lời: nhất thiết ôm tất cả vào lòng. Hệ quả kéo theo rành rành: không thể nào kham. Trong tình cảnh bất kham vô bờ ấy, hy vọng của con người rất gần với tuyệt vọng.
Hình ảnh của con người đốt nến hai đầu. Chân ở nơi này, lòng ở nơi kia. "Thương một người” mà vẫn “nhớ mọi người”.
Người đẹp nào cũng đẹp một cách lập thể. Trịnh Công Sơn nhặt nhạnh từng phiến đẹp, gom góp từng phiến tài tình. Người yêu nào cũng có một cái gì đó vừa thừa vừa thiếu. Có người thừa yêu mà thiếu hờn. Có nồng mà không đượm. Bên ngoài bẽn lẽn nhưng bên trong không bịn rịn. Cho nên phải yêu vơ vào. Tình sẽ không đậu xuống yên chỗ ở nụ hồng này hay nụ hồng kia, mà dường như là ở giữa hai nụ hồng. Chính vị trí "ở giữa" này đã cứu vớt tình yêu khỏi sa lầy vào cưỡng bức, chiếm đoạt, mặt khác vừa mang tính “vì người khác" vừa làm tăng nỗi khao khát.
Trịnh Công Sơn là người nóng lòng chờ đợi mặt trời lên, mở màn cho một ngày. Lẽ nào trời tối mãi, lẽ nào bóng tối vây quanh dằng dặc? Mặt trời lên, ngày lên, là bao nhiêu hứa hẹn. Cây xanh, tiếng chim đâu đó, giọng người từ gần tới xa, sinh hoạt răm rắp, tiếng rao bán, cãi cọ cũng được, cười reo thì hơn, chào hỏi, gặp gỡ, mời mọc. Một bức tranh: tôi, bạn bè, anh em, người khác, người quen lâu ngày, người mới quen. “Xin cho nghe những bước rộn vui" (Nghe tiếng muôn trùng)
...“cần có một tiếng cười" (Để gió cuốn đi)
Anh dọn mình sẵn sàng cho một ngày: tươm tất, mát mẻ. Bỗng điện thoại reo. Vừa vồ lấy điện thoại, anh vừa tự hỏi: “Ai gọi sớm, hè?". Và lập tức: "Alô?". Tiếp đó, chỉ cần nhìn nét mặt anh hoặc chăm chăm bám vào ống nói hoặc cười khặc khẽo và tay rảy tàn thuốc lia lịa, là đoán được già nửa nội dung trao đổi. Tên của người đang ngồi quan sát anh điện thoại cũng được anh đưa vào ống nói để người ở đầu dây bên kia biết mà đi đến góp mặt. Máy tắt rồi, cuộc điện đàm được tiếp diễn bên cốc cà phê mãi cho đến khi người vừa điện thoại xuất hiện. Lại thêm lý do để tiếp tục câu chuyện. Có ai đó cần đứng lên ra đi. Anh chọn ngay: "Đi đâu? Nhớ trở lại ngay. Hay là tất cả chúng ta cùng đi?”
Anh không thích hình ảnh "bỏ đi", một phần sợ nó lây lan sang người khác, một phần sợ nó làm tan không khí tụ hội. Anh muốn gặp nhiều người khác nhau, nghe nhiều câu chuyện khác nhau. Ngồi nói chuyện ở đây mà trông anh như nhấp nhổm, mắt phóng ra xa, và cánh tay chốc chốc đưa lên vẫy chào ai đó thoáng thấy. Rồi buổi sáng mai nối vèo buổi trưa. “Thôi, về nhà mình ăn”, anh lên tiếng. Có ai đó dùng dằng, anh mở lời dụ khị: “Mình có chai rượu ngon". Thì giờ qua nhanh không ai hay. Sáng tiếp trưa, trưa tiếp chiều. Bạn bè có thấy anh đi vào phòng vệ sinh, nhưng sao có vẻ ở hơi lâu trong đó. Có người trông chừng về phía ấy, nhưng anh đã trở ra và lại còn tỉnh táo hơn vừa rồi. Ai đó tò mò thì sẽ thấy trên bao thuốc lá của anh có vạch cong queo một dòng nhạc mà anh vừa ghi xong ở trong phòng kín. Ngoài ra, chẳng ai thấy có gì thay đổi. Ít ai dè rằng bao thuốc ấy đã vầy được một cuộc gặp gỡ nối dài từ nhà ra đến phố, và cũng bao thuốc ấy đã vầy được một dòng nhạc mở đầu hay dòng nhạc chủ đề cho một ca khúc về sau, trong đó có hình ảnh ánh nắng ban mai và những con người ngồi lại với nhau.
“Và riêng tôi xin có một ngày ngồi thong dong trao đến mọi loài chút tình tôi" (Như tiếng thở dài)
Không có ai nhiều bạn bè, nhiều người yêu, nhiều người ái mộ cho bằng Trịnh Công Sơn.
“Một ngày bỗng thấy yêu thương mọi người” (Vẫn nhớ cuộc đời)
(Ngôi nhà của Sơn đã từng là nơi gặp gỡ vui vẻ của anh em, bạn bè, ngày nào cũng vậy, luôn luôn rang rảng cười nói và tiếng lanh canh chạm cốc với âm thanh ghi-ta. Chớ vội nghĩ rằng đó là không khí bù khú trà dư tửu hậu của một đám ham chơi, của bầy da du vô tích sự, hay của một phường phóng đãng. Không, đó là những buổi gặp gỡ có ích lợi thực sự cho những ai đang nặng lòng với sáng tác và quan tâm đến các vấn đề thời đại. Đó là những buổi bạn bè được nghe bài hát mới, được thưởng thức một tấm tranh chưa ráo, được nghe một bài thơ chờ góp ý).
Và không có ai cô đơn bằng Trịnh Công Sơn.
Cô đơn không phải là vì "từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ".
Cô đơn cũng không phải là vì "bạn bè rời xa chăn chiếu”.
Cô đơn vì bạn bè của anh hiểu anh và yêu thương anh vốn thật nhiều nhưng, trớ trêu thay, không thỏa đáng.
Cô đơn vì vẫn có những người vẽ rắn thêm chân vào lời phát biểu của anh, hoặc cố tình tìm ra những ngụ ý tưởng tượng trong thái độ của anh.
Anh trải lòng sống với đời nhưng còn có người hiểu anh thật quanh co. Anh tay bắt mặt mừng với nhiều người ư? Có người cho anh là giả dối. Anh vốn có tính nịnh đầm với phụ nữ, và luôn cả với em gái, thì có mấy chàng trai ngấp nghé không bằng lòng. Anh lên sân khấu có khi đút tay vào túi (để che đậy phần nào cái ống chân gầy gò của mình) thì vẫn có người cho đó là cử chỉ trịch thượng.
Những suy diễn theo chiều hướng ấy là những bóng mây đen phủ chụp xuống một ngày đẹp đẽ của trần gian mà trời đất hoài công trao tặng và hằn thêm vết nhăn lên vầng trán quang đãng của người nghệ sĩ.
Trong bao nhiêu hành động dồn tiếp, không mệt mỏi của anh, ta nhận ra ở anh những nỗ lực luôn luôn đổi mới để làm vừa lòng người khác
... “ ...muốn một lần tạ ơn với đời” (Như một lời chia tay)
Nói như thế không có nghĩa anh sẵn sàng thỏa hiệp để vừa lòng xã hội. Nhưng anh là người đầy thiện chí kết bạn rộng rãi. Người khác có nhiều lý do khác nhau để không bằng lòng anh. Gia đình, chẳng hạn, thường xuyên nhắc nhở anh chăm lo sức khỏe. Vài bạn trẻ trách anh quên bẵng một giờ hẹn. Một tổ chức văn nghệ không được anh đáp ứng lời mời tham gia. Anh có khi phải từ chối khéo một cuộc phỏng vấn, hoặc không thể trả lời thư cho một người hâm mộ... Bao nhiêu sự việc "làm mất lòng" ấy không làm anh yên tâm, hoặc xem nhẹ, và hễ có dịp thuận tiện, anh nghĩ đến việc đền bù. Anh không dửng dưng trước những biểu hiện tình cảm của người khác, dù biểu hiện ấy không hợp, không đúng, và xem đó là những món nợ tinh thần canh cánh bên lòng. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng... " (Để gió cuốn đi)
Anh đã được đi khắp nơi bằng xe tàu, "từ Bắc vô Nam" như anh đã ao ước, và còn xa hơn nữa, đi sang đến Liên Xô, Pháp, Canada... Đến đâu, anh chưa kịp chào hỏi, người ta đã biết anh rồi. Hiển nhiên ca khúc của anh đã đi xa bảy dặm, đến nơi trước anh và dọn đường cho anh. Anh thật sự xúc động và hạnh phúc trong những trường hợp như thế này, đặc biệt là những nơi lần đầu anh đặt chân tới (thí dụ như năm 1972 tại trường Bùi Thị Xuân Đà Lạt, năm 1974 tại Đại học Cộng đồng Duyên hải Nha Trang; năm 1989, tại Paris...). Những lần như thế này, rõ ràng anh quên ăn quên ngủ, muốn đứng dậy đi, luôn đặt mình vào tư thế tiếp xúc, trả lời và mỗi lúc phát biểu thoải mái, phóng khoáng. Trông anh thật yêu đời, chỉ còn muốn hát, tay cầm cây đàn, tay cầm cây bút hí hoáy một dòng nhạc vừa chớm nở, mắt tìm quanh một gương mặt quen biết và miệng sẵn chực mở lời gọi đến. Chung quanh anh xôn xao một vùng yêu sống tràn đầy tiếng cười, lời hẹn. . .
Cuộc sống bao la, kho đời vạn hộc...
Vậy mà biết bao nhiêu người dửng dưng với đời sống, nhìn vào đời sống chỉ thấy toàn những đồ vật vô tri, chỉ thấy những con người gây trắc trở cho đời mình.
Hoặc có những người nhìn đời như một cái chợ vĩ đại để cho mình quan hệ bằng mua bán nhưng sao cho bao nhiêu lợi nhuận đều trút về mình.
Lại có hạng người quen sống trong bóng tối, vùng vẫy thỏa thích trong những nguồn nước đục, sống bằng nghệ thuật khai thác, chiếm đoạt, và mọi tha nhân đều là nạn nhân, con mồi của mình, trực tiếp hay gián tiếp, không sớm thì muộn...
Cuộc đời đâu đến nỗi là một bức tranh toàn một màu đen trong đó con người một mực xâu xé nhau? Nó luôn luôn hai mặt, kề cạnh nhau, đi vào nhau, tùy con người mà biến màu, biến dạng.
Trịnh Công Sơn, bằng ca nhạc của mình, suốt đời chỉ muốn xua tan, đẩy lùi bóng tối.
Nhịp thở xã hội, cũng như nhịp thở của con người, không một phút ngừng nghỉ. Thiệt cho ai bỏ cuộc, đứng lọt ra ngoài vòng hoặc gõ nhầm cửa.
Đời sống nói thưa, chào hỏi liền tay. “Tôi chào vẫy mọi người” (Có những con đường)
Không chỉ chào hỏi con người mà thôi. Con mắt ghé nhìn bông hoa chớm nở cũng là một lời chào hỏi âm thầm, con người ngắm nhìn mặt trời ló dạng là một lời chào hỏi ngày lành. Ta ra khỏi giấc ngủ khác nào chết đi sống lại, ta mang một ý thức mới mẻ về đời sống, về sự sống lại của bản thân với nhịp tim thoát ra khỏi mê man và con mắt mở ra là- thoát khỏi con mắt nhắm nghiền.
Lời chào hỏi là khởi đầu của chung sống, một nhịp cầu đi đến với người khác.
Trịnh Công Sơn nhắn nhủ người đời chớ dè xẻn lời chào với nhau để khỏi phải ân hận nay mai giữa cái sống chết vô thường của đời người.
Theo http://kilopad.com/


Đèn thắp thì mờ

Đèn thắp thì mờ
Ngồi trên một con tàu sau khi đã bon bon qua các quãng đường bằng phẳng, rầm rầm rập rập lăn bánh qua mấy đoạn cầu và nay khởi sự rúc vào một vùng cây rậm ven núi giữa khi bóng tối bắt đầu bủa vây, con mắt của hành khách phóng ra ngoài trời, giữa cõi mờ mịt, nếu cố tình soi thọc vào bóng tối, thế nào cũng phát hiện ra vài đốm đen.
Mấy đốm đen ấy, thường khi là đèn dầu, nếu tàu qua sớm hơn, sẽ chưa được đốt lên, còn nếu tàu qua chậm, biết đâu đã phụt tắt, khi ẩn khi hiện qua tảng lá, khi bị khuất lấp vì một thân cây, nhưng cứ hiện ra chong chong, nếu con mắt kiên nhẫn nhìn lui cố tìm cho được một điểm sáng giữa bóng tối mịt mùng.
Đèn thắp thì mờ.... "
Vang lên đâu đây mấy chứ nhỏ giọt ấy trong bài Người nô lệ da vàng của Trịnh Công Sơn.
Không "mờ" sao được? Bởi đó là đốm đèn dầu. Mà hà tất phân biệt đèn mờ với đèn sáng? Miễn sao nó xoi thủng bóng đêm. Miễn sao nó quần tụ những đầu người bên nồi cơm, hay cùng nói nói cười cười sau một ngày xa cách nhau mỗi người một nơi vì công việc.
Ngọn đèn ấy trông thật thân quen. Nó đã được thắp lên từ trong đêm đen của thế kỷ lịch sử xa xăm.
Từ thuở chưa có con đường sắt rạch xuyên rừng, từ thuở chưa có con tàu ngày ngày rập rình băng qua và chở trên mình nó những con mắt chằm chặp nhìn vào rừng sâu, những ngọn đèn này, không hẹn mà nên, đều được đốt lên khi chiều xuống.
Đèn sao, nhà vậy. Nhà sao, đèn vậy. Ngôi nhà lu thu, ánh đèn cũng lu thu. Ngôi nhà lặng lẽ, ánh đèn lặng lẽ. Ban ngày, ngôi nhà lọt thỏm giữa rừng. Ban đêm, ngọn đèn lọt thỏm giữa nhà. Không còn thấy ngôi nhà, chỉ còn thấy ngọn đèn. Đèn đã thay nhà rồi đó.
Đèn là một hiện diện. Không chỉ là hiện diện của chính nó: Nó không hiện diện suông. Nó nói lên sự hiện diện của ngôi nhà. Và nhất là nó nói lên sự hiện diện của con người. Đèn đâu, người đó.
Hiềm chẳng phải bao giờ hễ có đèn là có người. Có khi đèn chong chong chờ đợi mãi. Rốt cục vẫn trơ một đốm đèn cô quả. Đèn đã thay người rồi đó.
Hình ảnh "đèn thắp thì mờ” hiển nhiên là hình ảnh của nghèo nàn, vàng vọt, trong đó ánh sáng và bóng tối xen lẫn vào nhau, không ngớt xô lấn nhau. “Đèn thắp thì mờ “ là một thực tế. Ta đã từng sống trong làng hay trong rừng sâu. Hoặc nếu không phải là ta, thì đó là cha mẹ, anh em, họ hàng đã từng sống trong cảnh huống ấy. Làng là như vậy, rừng là như vậy, đêm đêm sáng lên một đốm đèn, nếu chẳng soi nổi vật dụng, ít nữa cũng đủ soi rõ mặt nhau. “Đèn thắp thì mờ” là một thực tế lặp đi lặp lại nhiều lần và khắp nơi trong nước đến nỗi nó có khi trở đi trở lại như muốn nhắc nhở một tình cảnh vây khốn con người, khó lòng tránh thoát ra khỏi, đến nỗi nó trở thành nhức nhối, nó nhoi lên trong ký ức, trong tim, nó vang lên và dội lại trong tâm thức của người anh em dù không trải qua hoàn cảnh ấy vẫn dễ dàng cảm thông.
Người nô lệ da vàng
Ngủ yên, ngủ yên trong căn nhà nhỏ
Đèn thắp thì mờ....
Ngọn "đèn thắp thì mờ” ấy tất nhiên ở "trong căn nhà nhỏ" mà chủ nhân là "người nô lệ da vàng": đó là lịch sử.
thỏa hiệp. Và nếu nhìn vào đời sống vật chất của anh, người ta dễ kết luận rằng anh là con người thích vui chơi, thích ngồi quán tiệm, chỉ thoải mái trong cảnh ăn sung mặc sướng.
Bình tâm mà xét, trong cõi nhân sinh, không có ai không thích ăn sung mặc sướng, chẳng qua con người khi chưa có điều kiện và phương tiện đành sống kham khổ thôi. Sống kham khổ chỉ là một tình trạng sống cần vượt qua; không phải là một phong cách sống và lại càng không phải là một mục tiêu trong đời sống. Cùng lắm là phong cách sống của hạng người ẩn nhẫn, của một dân tộc nhược tiểu không có sức vươn lên hoặc không có khả năng cải thiện đời mình. Ăn sung mặc sướng cũng không phải là thỏa hiệp với đồng tiền hoặc vong thân theo những thoái hóa của xã hội. Con đường đấu tranh không phải chỉ có một đường.
Cũng như phương cách đấu tranh không chỉ là cách ly xã hội. (Về tôn giáo cũng tương tự. Việc tu hành không nhất thiết phải tách lìa xã hội. Trái lại, có giáo phái bó buộc giáo đồ sống xen lẫn với người đời, đối mặt với xã hội bằng cách, chẳng hạn, mở hộp đêm, và chung đụng luôn với gái giang hồ. Đó là những thử thách một mất một còn mà con người trải qua. Tồn tại hay không tồn tại được treo lơ lửng trên lưỡi dao cạo ấy).
Có người còn đòi hỏi tranh đấu là phải quyết liệt, rạch ròi, không nhân nhượng. Và quyết liệt ngay từ đầu. Quyết liệt như vậy là không tính đến đường dài, là quy kết tất cả vào cái nhãn tiền.
Cứ gióng theo những quan niệm ấy, người ta buộc lòng hạn chế giá trị ca khúc của Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn không ngớt suy nghĩ, dằn vặt về ý nghĩa và phương thức đấu tranh của mình.
Đấu tranh thế nào để đã phá một tổ chức xã hội và chính trị đang đặt định một tình trạng nô dịch, thối nát, hòng mong kiến tạo một trật tự mới dân chủ, ấm no, hạnh phúc, không còn có bất công. Với anh, không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc toàn vẹn cho bằng con đường hòa bình. Trịnh Công Sơn tất nhiên không phải là người đầu tiên thấy ra điều này. Đó cũng là con đường trong sạch hơn cả, không chôn giấu mưu đồ, vụ lợi nào cả. Con người lâm chiến có khi không nhìn ra điều này, vì bản thân vừa bị bưng bít vừa bị trói buộc nhiều mặt. Con người cần tuyên chiến với áp bức, thối nát, khổ đau và cần tuyên chiến với chiến tranh luôn nữa. Đó là nhiệm vụ của nghệ sĩ. Đó là nhiệm vụ của Trịnh Công Sơn. Cho nên anh một mặt vạch ra bộ mặt ghê rợn của chiến tranh, một mặt vớt vát tất cả những gì chưa bị chiến tranh vùi dập và vẽ lên, nói lên, hát lên những nhỏ bé tầm thường để cùng nhau chung sức chung lòng gìn giữ và phục hồi.
Cái ưu thế của nghệ sĩ du ca Trịnh Công Sơn chẳng khác nào anh chàng đu dây. Bên trái là vực thẳm, bên phải là vực thẳm. Con mắt nào chằm chặp dõi theo người đu dây là con mắt chỉ còn chờ con người ấy ngã xuống, ngã bên nào cũng được, ngã cho tan xương nát thịt, để được dịp gọi đó là “cái chết ngoạn mục". Người ta bảo: Trịnh Công Sơn đi giữa hai làn đạn. Miền Bắc không tán thành lập trường, lập thuyết của anh, xem loại nhạc phản chiến của anh là một loại "nhạc lậu”, phản tác dụng. Miền Nam phức tạp hơn: trong khi nhân dân khai thác khía cạnh phản chiến trong nhạc của anh, bộ máy cầm quyền lên án chính cái tính cách phản chiến ấy đang làm nhụt lòng những người cầm súng.
Miền Nam trước ngày giải phóng, do hoàn cảnh, tạo dựng lên một mẫu người riêng biệt: anh chàng phản chiến, kẻ trốn lính.
Kẻ trốn lính là kẻ kỳ dị: sống chui rúc, không có nơi ở, không có chỗ ngủ, tất nhiên không có địa chỉ. Càng sống chui rúc, càng phải sắm sanh một vẻ bề ngoài bình thường, hoặc “dễ coi", để đánh lạc con mắt dòm ngó. Nó luôn luôn thủ trong túi đủ loại giấy tờ có giá trị trái ngược nhau và cả những giấy tờ không hơn gì giấy loại nhưng đối với nó vẫn có giá trị "cần âu”. Nó là kẻ ngậm hai ngôn ngừ khác nhau tùy nghi đem ra sử dụng. Nó là kẻ sẵn sàng tham gia những cuộc hội thảo, vận động cho chính nghĩa nhưng cũng là kẻ thường xuyên cảnh giác và thủ thế. Đó là một loại “bán công dân”, không sống như công dân bình thường, mang tâm trạng của kẻ bị truy nã.
Kẻ trốn lính là kẻ thiên tả. Hai là một. Không đi lính ở miền Nam trước đây là kẻ không chịu cầm súng tiến hành một cuộc chiến bế tắc và tội lỗi. Thấy như vậy, biết như vậy, nhưng sống như thế nào đây? Kẻ trốn lính sống ở thành thị miền Nam trước đây, nếu vẫn đi học đi dạy hay đi làm việc như mọi công dân bình thường, thật không dễ. Tìm cả miếng ăn và chỗ ngủ hàng ngày, đi qua các ngả đường có lính canh và nút chặn, kẻ trốn lính thường xuyên nơm nớp đề phòng, chơi trò cút bắt bất đắc dĩ, gần như bôi mặt và giả dạng, sống nơi này nơi kia và ngủ nơi khác.
Kẻ thiên tả thường là kẻ trí thức. Hoặc đảo lại, hầu hết trí thức miền Nam trước đây là thiên tả. Không thiên tả toàn phần: thì thiên tả nửa phần. Không thiên tả trong hành động thì thiên tả trong đầu óc. Thiên tả như là một sự cứu rỗi linh hồn. Thiên tả như là một hướng - cụ thể hoặc trừu tượng - thoát ra khỏi bế tắc hiện tại trong đời sống vật chất và tinh thần.
Trịnh Công Sơn là bạn của tất cả mọi người trong chiến tranh, trong ngưỡng vọng hòa bình, trong hòa bình tìm lại được. Anh là người sống tràn đầy bi kịch thống thiết của đất nước quằn quại qua các thời kỳ xóa bỏ nhau, đi ngược chiều với nhau khiến cho cảm xúc của anh vượt lên sự phân biệt chiến tuyến để chỉ còn nhìn thấy bộ mặt tàn khốc của chiến tranh. Người viết nên Cho một người nằm xuống trước 1975 và người viết nên Huyền thoại mẹ sau 1975 là một Trịnh Công Sơn. Công dân "nằm xuống" bên này hay bên kia, công dân còn sống trong nước hay ngoài nước đều sinh ra từ “huyền thoại mẹ" ấy, đều được định sẵn trong sách trời.
Một số ca khúc phản chiến của anh không được nhập cảnh ở miền Nam cũng như ở miền Bắc. Chúng chỉ được "in lậu” hoặc "phổ biến kín" mà thôi.
Sau 1975, anh có dịp đi ra nước ngoài. Ở Pháp và ở Canada, anh được đông đảo thanh niên mừng đón, Nhưng ở các nước ấy, vẫn có những nhóm người Việt “tẩy chay” Trịnh Công Sơn vì "công tác" với chế độ hiện tại. Anh chưa đặt chân lên đất Hoa Kỳ, không phải là không có dịp, nhưng là vì anh nghe nói tại đây có làn sóng người Việt phản đối con người chính trị trong anh một cách khá mạnh có thể gây nguy hiểm cho anh.
Ở trong nước, ngay trước khi qua đời, dù được đa số thính giả tán thưởng và ái mộ, anh biết vẫn có một số người dè dặt đến với anh, nghi ngờ anh, muốn cật vấn anh về quan điểm chính trị, gốc gác một số bài, quá khứ của anh, để từ đó gieo rắc thắc mắc, nghi ngờ và hạ thấp uy tín của anh.
Hội chứng Trịnh Công Sơn không chừa một ai, dù nói sao nghĩ sao mặc lòng. Đó là điều hiển nhiên. Ngày nay, có người Việt Nam nào không có ca khúc, băng nhạc, đĩa nhạc Trịnh Công Sơn ở trong nhà? Có máy hát nào không phát thanh nhạc Trịnh Công Sơn?
Trịnh Công Sơn là bi kịch thu nhỏ của Việt Nam. Đó là con người của miền Nam. Đó là con người của miền Bắc. Đó là con người của thời trước 1975 và sau 1975, là sản phẩm của chiến tranh và hòa bình trên đất nước Việt Nam, một sản phẩm trí óc và tâm hồn được kết tinh đến độ trong suốt nhờ tôi luyện qua một con đường hầm lịch sử dằng dặc mà khởi đầu là:
Đèn thắp thì mờ
...đầy gian nan, bóng tối, để cuối cùng ra đến phía bên kia hiên ngang rạng rỡ.
Theo http://kilopad.com/


  Ta đêm – Thơ Hữu Dũng 7 Tháng Tám, 2023 Rồi mai/ ta sẽ thành đêm/ Bóng ngày trả lại/ với mênh mông đời… Ta đêm   Rồi mai ta sẽ...