Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Nguyễn Du - Đôi điều ngẫm nghĩ

Nguyễn Du - Đôi điều ngẫm nghĩ

Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Hội Kiều học, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh, Bộ Văn hóa Thể thao va Du lịch, Hội Nhà văn Việt Nam đã có nhiều hoạt động để tôn vinh nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Cũng đã có rất nhiều người nghiên cứu viết về Nguyễn Du. Chỉ riêng một hội thảo quốc tế với chủ đề "Đại thi hào dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du - Di sản và các giá trị xuyên thời đại" do Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 08.08.2015. đã có hơn 100 tham luận, trong đó có 13 tham luận đến từ các học giả Pháp, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Đài Loan… với những hướng tiếp cận mới mẻ.
Tôi đã định không viết gì thêm, nhưng thấy lòng mình vẫn có điều muốn chia sẻ, bởi cho đến nay, Nguyễn Du và Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) vẫn thôi thúc chúng ta về những điều còn ẩn mật.
1. NHÀ THƠ ĐI TÌM CHÂN LÝ
Ngoại trừ bài Long Thành cầm giả ca có nhắc đến nhà Tây Sơn, còn lại, Nguyễn Du im lặng trước hiện thực Việt Nam (1765-1820) suốt từ thời hậu Lê qua thời Quang Trung và Gia Long. Cả khi đi sứ Trung Quốc 1813, ông cũng không có dòng nào về những gì đang diễn ra ở triều đại nhà Thanh lúc ấy giờ. Đó là vấn đề cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng Nguyễn Du là con cháu nhà Lê, lại làm quan cho nhà Nguyễn, mà đạo “trung hiếu” của nhà Nho đòi buộc “Trung thần bất sự nhị quân”, thành ra Nguyễn Du không tránh khỏi mặc cảm. Nhưng trong tình thế ông không thể không ra làm quan với Gia Long, Nguyễn Du còn chứng kiến việc Gia Long trả thù tàn khốc nhà Tây Sơn, giết hại công thần Nguyễn Văn Thành, Bùi Thị Xuân, Đặng Trần Thường… thì thân phận một “hàng thần lơ láo” như Nguyễn Du nào có nghĩa gì. Cho nên giữ im lặng là thái độ phải lẽ của bậc thức giả. Hơn nữa, Nguyễn Du còn được Gia Long trọng dụng, thăng chức liên tục. Ông không thể phủ nhận lòng ưu ái của Gia Long. Trên đường đi sứ qua Ải Nam Quan, ông đã viết:“Ơn vua như biển chưa mảy may báo đáp”. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du cũng viết: ”Rằng: Ơn Thánh đế dồi dào/ Tưới ra đã khắp, thấm vào đã sâu”(câu 2489). Như vậy, Nguyễn Du đã đạt được “hùng tâm và sinh kế” là hai điều mà ông hằng ấp ủ mà có lúc ông bế tắc đến tuyệt vọng (Tạp thi 1, U cư 2, Mạn hứng 1,…).
Nhưng đọc thơ Nguyễn Du, người đọc không nguôi day dứt về những gì ông muốn chia sẻ. Trong bài My trung mạn hứng (Cảm hứng trong tù), ông tỏ lộ:
Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.
(Ta có một chút tâm sự, không biết bày tỏ cùng ai,
Dưới chân núi Hồng Lĩnh, sông Quế Giang sâu thẳm).
Và ông tự khóc thương thân trong bài Độc Tiểu Thanh ký:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
(Không biết sau ba trăm năm nữa
Ai là người trong thiên hạ khóc Tố Như)
Đọc thơ chữ Hán của Nguyễn Du, người đọc thấy rõ hành trình tư tưởng của ông. Về cơ bản, Nguyễn Du là một nhà Nho. Lúc lưu lạc “thập tải phong trần”, sống trong nghèo khổ tha hương, ông hướng về lý tưởng “kinh bang tế thế” của nhà Nho, ông đau đáu mộng công danh, và than thở khôn nguôi vì tóc đã bạc mà chưa làm được việc gì.
(Dịch nghĩa:)
Cuộc thế trăm năm phó mặc gió bụi,
Hết ăn nhờ ở miền sông lại ăn nhờ ở miền biển.
Đã lâu rồi, lúc cao hứng, không còn ấp ủ giấc mộng gác vàng nữa,
Nhưng hư danh nào đã buông tha kẻ bạc đầu này.
(Mạn hứng 1)
Cái dáng nho nhã bình sinh nay xơ xác như con phượng nhốt trong lồng.
Công danh thì như con rắn chui tuột vào hang lúc nào rồi.
(Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam quy)
Nhưng khi đã làm quan, được thăng chức, được cử đi sứ, Nguyễn Du lại không hề nhắc đến mộng công danh nữa. Ông nhận ra thân cá chậu chim lồng mà muốn về quê. Nghĩa là cái mộng công danh, cái lý tưởng ông theo đuổi ngày xưa đã không thỏa mãn ý nguyện của ông.
(Dịch nghĩa)
Những con oanh đẹp trong vườn vua ghen nhau vì sắc đẹp
Rau thuần già nơi quê cũ vẫn còn nấu canh được
(Tống nhân)
Thân này đã làm vật trong lồng trong chậu
Còn tìm đâu lại cuộc chơi phóng đãng
Chớ nhìn chân trời mà than thân lưu lạc
Phía nam sông nay đã là đất của vua rồi.
(Tân thu ngẫu hứng)
Một dòng sông đầy ngăn một xóm hẻo lánh
Trong đó có một cao sĩ không ra khỏi cửa…
Ta muốn treo mũ ra về theo ý nguyện
Để cùng ông gảy đàn uống rượu vui hưởng tuổi già. (Tặng nhân)
Đi sứ Trung Quốc (có nhà nghiên cứu cho rằng, trong 10 năm gió bụi trước khi ra làm quan, Nguyễn Du đã từng đi Trung Quốc), ông đã đi qua nhiều nơi, thăm những di tích danh nhân văn hóa, của lịch sử hàng ngàn năm ở Trung Quốc. Ta từ xa đến, muốn hỏi chuyện nghìn năm cũ (Hoàng Sào binh mã). Ông đứng trên lập trường Nho gia để đánh giá nhân vật lịch sử: “Ngày thường không thấu hiểu hai chữ "trung tín"/ Thì đến đâu cũng không giải quyết được vấn đề "sống và chết". (Thuyền xuôi qua ghềnh Đại Than). Ông ca ngợi người trí dũng, nhân nghĩa. Ông chê trách kẻ tham tàn bạc ác.
Tầm nhìn của ông rất rộng. Ông quan sát lịch sử Trung Quốc từ thời đế Nghiêu. Ở mỗi nơi, đứng trước di tích lịch sử, ông đối thoại với con người đã ghi dấu tại nơi ấy về cuộc đời họ, về ý nghĩa nhân sinh, về giá trị làm người. Đặc biệt, đứng trên lập trường dân tộc, ông mỉa mai chí anh hùng của Mã Viện chỉ là trò cười. Ông mượn mộ kỳ lân để tố cáo tội ác Minh Thành Tổ (Kỳ lân mộ). Với người Trung Quốc, ông ca ngợi Đế Nghiêu, vinh danh Tỷ Can, Nhạc Phi. Khen Âu Dương Tu: Một tấm lòng son để lại tiếng xưa nay (Mộ Bùi Tấn Công). Khen Lạn Tương Như bảo vệ được đất nước khỏi chiến tranh (Lạn Tương Như cố lý). Ca ngợi Kinh Kha: Thần dũng hiên ngang chỉ có mình ông. Ca ngợi Dự Nhương:”Chiếc gươm ngắn thời đó dài bảy tấc/ Riêng có tia sáng dài muôn trượng rọi thấu cổ kim”. Khen Chu Du: “Đốt sạch trăm vạn quân họ Tào/ Trượng phu cũng đủ thỏa chí bình sinh”(Mộ Chu Du), khen người hiền Vinh Khải Kỳ (thời Xuân Thu), ca ngợi Hàn Tín, Văn Thiên Tường. Ông tôn vinh Đỗ Phủ là bậc thầy: “Văn chương lưu muôn đời, bậc thầy muôn đời/ Bình sinh bái phục không lúc nào ngớt” (Mộ Đỗ Thiếu Lăng ở Lỗi Dương kỳ 1). Ông chia sẻ nỗi niềm của Khuất Nguyên:”Ngàn năm trước ai hiểu người tỉnh một mình,/ Bốn phương lòng trung biết gửi nơi nào?”, ông đồng điệu với Lý Bạch: Danh vọng coi thường như giẻ rách. Ông sánh mình với Liễu Tông Nguyên:”Một thân bị đày ải nơi xa sáu ngàn dặm/ Văn chương nghìn thuở, là một trong tám nhà văn thơ lớn bậc nhất/ Thời trai trẻ, ta cũng có tài ví như gỗ tốt/ Nay bạc đầu, tự mình than vãn trước gió thu…”(Vĩnh châu Liễu Tữ Hậu cố trạch). Ông ghét bọn bất trung (Đáng xấu hổ họ Ngụy quê mùa tham sống/ Dám hồ đồ gượng ép chia hai Trung với Lương - Mộ Tỷ Can). Ông nặng lời với Tần Cối:”Gác Cách Thiên lầu vàng đổ nát/ Còn thằng gian lẩn quất chốn này/ Tim đen nọc độc chứa đầy/ Để cho sắt sống oan lây nghìn đời (Tượng Tần Cối 2). Ông chê Tào Tháo (72 ngôi mộ gió). Coi Tô Tần chỉ là kẻ nhỏ mọn (vì chỉ lo lợi lộc riêng không vì nước - Đình Tô Tần). Chê Quản Trọng sự nghiệp nhỏ.
Sự thật của lịch sử Trung Quốc là vậy, nhưng những con người và sự việc ở ngay trước mặt (Sở kiến hành, Trở binh hành…) cũng đâu có khác. Thành ra những gì Nguyễn Du thao thức lại là vấn đề của hiện sinh. Ấy là tất cả đã qua đi và sẽ qua đi, dù là Hạng Vũ, Hàn Tín, Kinh Kha, Chu Du, Tào Tháo, Hoàng Sào, Tôn Quyền, hay Lưu Bị,... Cái gọi là sự nghiệp cũng chỉ là không. Đáng thương thay cho kiếp phù sinh.
Vua xưa dấu cũ đã xa rồi
Triền miên sông Hán ngày đêm trôi
(Chiều ở Hán Dương)
Rốt cuộc muôn khéo nghìn khôn cũng thành không tất cả
Từ ngàn xưa đau lòng nước sông Chương
Ta nghĩ đến người xưa mà xót nỗi mình
Bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, thương kiếp phù sinh.
(Đổng Tước đài)
Gió thu lúc mặt trời lặn ngóng quê nhà
Nước trôi mây nổi, sạch hết mưu đồ làm bá làm vua
Đâu rồi đất Tôn Quyền tranh giành với Lưu Bị?
Trông chỉ thấy xanh um một vùng cỏ hoang.
(Sở vọng)
Trăm vạn cờ xí vượt sông Hoàng Hà phía bắc
Dưới đất Yên còn vùi gươm giáo
Việc xa xôi xảy ra đã hai nghìn năm
Mênh mông ở bên thành một bãi cát.
(Hàn Tín giảng binh xứ)
Người nay cảm chuyện nghìn năm trước
Đương thời nghĩ chuyện khó tính thông
Giỏi ra chỉ một sông Dương Tử
Thành bại theo dòng cuốn bể đông.
(Hoàng Châu trúc lầu)
Giàu sang trên đời như mây nổi
Trăm năm rốt cuộc đều như thế
Quay đầu nhìn chỉ thấy một áng bụi mịt mùng.
(Đồ trung ngẫu hứng)
Nguyễn Du bế tắc trước vấn đề của hiện sinh:
Ta từ xa đến, muốn hỏi chuyện nghìn năm cũ.
Nhưng ông lái đò lắc đầu như không nghe thấy!
(Hoàng Sào binh mã)
Thầm đọc bài ca hỏi trời,
Trời cao, biết đâu mà hỏi? (Bất mị)
Trong tất cả tác phẩm của Nguyễn Du, ông chưa bao giờ an nhiên trong Đạo, mặc dù có lúc ông muốn theo Đạo (Mộ xuân mạn hứng). Và dù đọc kinh Kim Cang ngàn lần, “Lòng này thường định không xa rời đạo thiền/ Đạo Phật không tâm, không ý bao la vô tận,” nhưng khi Nguyễn Du nhìn xuống cuộc đời, “Cúi nhìn xuống thấy thành có nhiều sự đổi thay mà ngậm ngùi khôn xiết.”(Đề Nhị Thanh động). Nguyễn Du cũng không tìm thấy con đường giải thoát nơi Phật vì tâm của ông không lúc nào thôi xót xa thôi thúc trước hiện thực (Long Thành cầm giả ca, Thái Bình mại ca giả, Độc Tiểu Thanh ký, Trở binh hành, Văn tế thập loại chúng sinh...). Ông không sao lý giải được những vấn đề của ngàn năm và đành xuôi theo Thiên mệnh của Nho giáo.
Hành trình tư tưởng này tạo nên một giá trị đặc sắc thơ Nguyễn Du, đó là thơ tư tưởng. Tuy Nguyễn Du không vượt qua được thời đại của mình, nhưng ông đã tiếp cận được với vấn đề hiện sinh của ngàn đời. Ông nhìn hiện thực thời đại của ông bằng cái nhìn thấu suốt lịch sử ngàn năm qua và hướng về những thế kỷ sau ông. Tất cả rồi sẽ qua đi, sẽ chỉ còn lại đồ nát và hoang tàn, tất cả là hư không. Và vì thế, dù được Gia Long trọng dụng, ông vẫn thờ ơ với quan trường.
Trước sân, cây mai lại qua một mùa xuân nữa.
Tâm sự anh hùng đã nguội lạnh, không còn nghĩ đến chuyện ruổi rong,
Đường danh lợi làm luỵ đến sự khóc cười.
(Xuân tiêu lữ thứ)
II  HỒN THƠ NGUYỄN DU
Trong khi Nguyễn Du bế tắc về tư tưởng thì có một nơi hồn thơ ông luôn luôn hướng về, luôn rạng rỡ, luôn an lạc, đó là quê hương. Nơi có núi Hồng Lĩnh, sông Lam, có những tháng ngày ông tự nhận mình là “Hồng sơn hiệp lộ”, “Nam hải điếu đồ”. Dù là khi lưu lạc hay lúc làm quan, lúc đi sứ, thì quê hương luôn gọi ông trở về, và chỉ có nơi đó ông mới thực là chính mình.
Cố ráng mắt nhìn xem quê hương mình ở chỗ nào?
Chỉ thấy vài chấm nhỏ, đó là những cánh chim hồng bay lên đám mây trắng.
(Thanh Quyết giang viễn diểu)
Có hình nên phải chịu vất vả
Không bệnh mà lưng vẫn khom khom
Ngoảnh đầu trông về bến sông Lam
Lòng nhàn xin tạ từ chim âu trắng.
(Thu chí)
Lòng nhớ quê xa vạn dặm, quay đầu lại
Mây trắng ở phía nam nhiều biết là bao.
(Ngẫu hứng)
Ở đất khách lâu năm, ngồi dưới bóng đèn mà rơi lệ.
Quê hương xa nghìn dặm, nhìn trăng mà đau lòng.
(Xuân dạ)
Hồng Lĩnh trong giấc mộng thiếu vắng những cuộc đi săn
Ðầu bạc còn in dấu chân khắp núi song.
(Hàm Đan tức sự)
Ta vốn có tính yêu núi
Xa rồi nhớ bao nhiêu
Nay trên đường đi Tiềm Sơn
Tưởng như ở trong dãy Hồng Lĩnh.
(Trên đường Tiềm Sơn)
Nguyễn Du nhớ quê không phải là nhớ gia tộc và quá khứ vàng son, dường như điều ấy không làm vướng bận trái tim ông; ông cũng cũng không phải lo lắng nhiều về cuộc sống gia đình, không tha thiết bạn bè thù tạc, mặc dù tình cảm của ông vẫn dành cho họ.
Quê hương hạn hán hại việc nông
Mười miệng trẻ thơ sắc đói cùng
Rau thuần cá vược mà nhớ quá
Cứ về cần chi gió thu trông.
(Ngẫu hứng 4)
Phía bắc Hoành Sơn, mười miệng kêu đói
Góc đông thành vua, một thân nằm bệnh
Các bạn quen biết lấy làm lạ tại sao ta sầu mộng
Thiên hạ ai là người không ở trong mộng?
(Ngẫu đề)
Nguyễn Du tự tạc chính hồn mình vào thiên thu. Đó là một con người suy tư về hiện sinh, một nhà thơ, nhà thơ tư tưởng đầy ắp tình quê:
Bóng mây lững thững sớm chiều biến đổi,
Lớp sóng cuồn cuộn kéo cả cổ kim đi.
Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở,
Tựa lan can, lòng nhớ núi Hồng nơi ngàn dặm.
Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,
Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.
(La Phù giang thủy ca độc tọa)
Truyện Kiều và Văn chiêu hồn là những tra hỏi về hiện sinh sâu sắc vượt thời đại của Nguyễn Du. Ở hai tác phẩm này, hồn thơ Nguyễn Du là tình cảm nhân đạo có tư tưởng triết học và chiều sâu tâm linh, kết hợp với những trải nghiệm kiếp người dâu bể của chính Nguyễn Du. Nguyễn Du đã sống những ngày vinh hoa phú quý bên phụ thân, rồi đến những ngày tang tóc, lưu lạc đói khổ, có lúc phải đi ăn xin (khất thực). Ông cũng đã thấm thía những ngày trong tù (My trung mạn hứng). Ông không hiểu tại sao trên đất Trung Hoa no ấm lại có phận người tàn tạ (Long Thành cầm giả ca), phận người bất hạnh (Thái Bình mại ca giả), và ông tận mắt nhìn thấy người chết đói trên đường (Trở binh hành). Những oan khiên thì không sao kể xiết. “Oan này còn một kêu trời nhưng xa”, đặc biệt là thân phận con người trong chiến tranh phong kiến phi nghĩa.
Buổi chiến trận mạng người như rác,
Phận đã đành đạn lạc tên rơi.
Lập lòe ngọn lửa ma trơi,
Tiếng oan văng vẳng tối trời càng thương.
Sống đã chịu một đời phiền não
Thác lại nhờ hớp cháo lá đa,
Đau đớn thay phận đàn bà,
Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?
Nguyễn Du không thương người theo cái nhìn Phật giáo, tất cả chúng sinh đều mang kiếp khổ (Khổ đế). Nguyễn Du nhìn kiếp khổ bằng cái nhìn xã hội. Trong Văn chiêu hồn, Nguyễn Du chia làm 3 hạng người, ông dành cho họ tình yêu thương tùy vào chính những gì họ làm ở trong đời này. Với những kẻ có tham vọng quyền lực đế vương, những lăm cướp gánh non sông, những kẻ bài binh bố trận, mong cướp ấn nguyên nhung, những hạng người này gây nên bao nhiêu nghiệp chướng oan khuất, họ “Dãi thây trăm họ nên công một người”. Nếu có đáng thương là thương ở chỗ họ không hiểu cơ trời, nên rước lấy thảm bại. Hạng người thứ hai là những người mưu cầu giàu sang, công danh, phú quý. Nếu có đáng thương thì thương ở chỗ họ không biết tất cả chỉ là phù vân.“Của phù du dẫu có như không,/ Sống thời tiền chảy bạc ròng,/ Thác không đem được một đồng nào đi.” Loại người thứ ba, rất nhiều, gộp chung những người bất hạnh: kẻ vào sông ra bể, kẻ buôn bán, kẻ mắc vào khóa lính, cô gái lầu xanh lỡ thì, người hành khất, kẻ tù oan, đứa tiểu nhi, kẻ chìm sông lạc suối, người sảy cối sa cây, người leo giếng đứt dây, kẻ trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành, người mắc sơn tinh thủy quái, người sa nanh sói, ngà voi, tất cả họ, “Sống đã chịu nhiều bề thảm thiết,…”Nguyễn Du thương xót cho kiếp người của họ bằng chính trải nghiệm hiện sinh của mình (ông đã từ sống trong đói khổ, trốn chạy lưu lạc, hành khất, tù đày…). Ông kêu gọi mọi người hãy thương lấy những con người bất hạnh, dù chỉ là một chút nhỏ nhoi, đó mới là con đường giúp giải thoát.
Đàn chẩn tế vâng lời Phật giáo,
Của có chi bát cháo nén nhang,
Gọi là manh áo thoi vàng,
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên.
Ai đến đây dưới trên ngồi lại,
Của làm duyên chớ ngại bao nhiêu.
Phép thiêng biến ít thành nhiều,
Trên nhờ Tôn Giả chia đều chúng sinh.
Có thể nhận thấy chính tình cảm nhân đạo kết hợp với những trải nghiệm hiện sinh đã nâng hành trình tư tưởng tra hỏi về chân lý ở Nguyễn Du lên một tầm cao vượt qua cả Nho, Đạo và Phật đến với mọi người, mọi thời đại. Nguyễn Du là nhà thơ, nhà tư tưởng lớn của văn chương Việt Nam là vì vậy.
III. NHÀ THƠ HÔM NAY HỌC TẬP ĐƯỢC GÌ TỪ NGUYỄN DU
Nhà thơ hôm nay không thể có được những trải nghiệm hiện sinh dâu bể như Nguyễn Du, và vì thế hồn thơ khó đạt tới tư tưởng triết học về bản thể, về nhân sinh, là nền tảng làm nên thơ tư tưởng của Nguyễn Du. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân vị kỷ, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa hưởng thụ vật chất… nhiễm vào lối sống của người làm thơ, làm cho họ trở nên vô cảm, họ không thể vượt qua hiện sinh để đạt tới những chứng ngộ của kiếp người như Nguyễn Du. Nói vậy để thấy rằng, để trở thành nhà thơ tư tưởng là rất khó. Trong văn chương Việt Nam, những nhà thơ tư tưởng như Nguyễn Du có thể chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và chỉ văn chương tư tưởng mới có sức sống lâu bền trong tâm thức người đọc.
Dù vậy, nhà thơ hôm nay có thể học được nhiều ở Nguyễn Du. Học sự uyên bác về lịch sử, văn hóa của mọi thời. Nhà thơ phải nuôi dưỡng một tình yêu quê hương sâu nặng, tình thương yêu con người bằng chính bản thể của mình. Và đặc biệt là học Nguyễn Du ở cách sử dụng tiếng Việt tinh tế, tài hoa và đầy sức mạnh. Nói đến sức mạnh thơ Nguyễn Du, ngoài tư tưởng triết học, tình cảm nhân đạo, thì bút pháp hiện thực đã làm nên những bài thơ bất hủ cho văn chương dân tộc. Trong Nguyễn Du có chất phóng khoáng của Tiên thi Lý Bạch, có cái dữ dội gân guốc của Thánh thi Đỗ Phủ, có cái tài hoa của Bạch Cư Dị và có bóng dáng cả Phật thi Vương Duy. Nhưng Nguyễn Du là Nguyễn Du, với dấu ấn của núi Hồng, sông Lam rất đậm, với những vấn đề nhân sinh được đặt ra còn làm bận tâm nhiều thời đại… và một Nguyễn Du của tiếng Việt tài hoa, sang trọng. Điều này nhiều thế hệ nhà thơ Việt Nam nữa vẫn khó vượt qua được. Nguyễn Du vẫn chờ đó.
Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì,
Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.
(La Phù giang thủ ca độc tọa)
Tháng 11. 2015
Bùi Công Thuấn
Nguồn: Bùi Công Thuấn - Văn chương Việt Nam, 
Những gì còn với mai sau. LLPB. Nxb HNV. 2016
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/ 

Lời cuối con đường

Lời cuối con đường

(Suy tư)

Sinh ra và đi về cõi chết. Trong cõi nhân gian không ai đi ra ngoài con đường đó. Và trong cái vô cùng của thời gian, cái mênh mông vô tận của vũ trụ, trái đất chỉ là một hạt cát, và sự tồn tại của một con người hoàn toàn là vô nghĩa.
… Sống là bi kịch lớn nhất của con người.
Những dòng này tôi viết cho riêng tôi, trong hành trình đi tìm con đường dẫn đến chân lý. Vì thế nó chỉ là để giải tỏa những nghĩ suy không có câu trả lời, và chẳng đem lại ích lợi gì. Bởi tư tưởng, tình cảm, và vạn vật luôn luôn thay đổi, phù vân, phù vân [1]
Các triết gia, những nhà sáng lập tôn giáo là những người chỉ đường (Đạo, Bát chánh đạo). Họ đã suy tư, để tìm con đường chân lý cho nhân loại, và nhân loại đã đi trên những con đường ấy. Nhưng cho đến nay, đã bao nhiêu thế kỷ rồi, nhân loại vẫn vậy? Thành ra họ cũng chỉ là những kẻ mù dẫn người mù đi trong đêm, họ cũng không biết gì hơn một bà già nhà quê.
Kinh thánh đã nói, chân lý chỉ được mạc khải cho những kẻ bé mọn (Luc.10, 21). Heraclites cho rằng không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Ngược lại, Parmenides lại cho rằng bản thể vũ trụ là bất biến, vĩnh hằng. Hegel thì duy tâm còn K.Marx thì duy vật. Phật phủ định linh hồn, phủ định thượng đế, các tôn giáo khác thì lo cứu rỗi linh hồn và quy hướng về thượng đế. Khổng Tử sống theo Thiên Mệnh, còn lão tử thì “vô vi”. Chủ nghĩa Thực dụng thế kỷ 20 thì phủ định cả duy tâm và duy vật, cái gì có ích thì đó là chân lý...
Đâu là chân lý? Mỗi người phải tự tìm lấy chân lý cho chính mình…Phật nói: ”Hãy tự thắp đuốc lên mà đi”
1. ĐỜI LÀ BỂ KHỔ
Đó là Khổ đế trong Tứ Diệu Đế.của nhà Phật. Khổ Đế là chân lý thứ nhất trong Kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên Đức Phật giảng dạy cho các tỳ kheo. Tất cả là vô thường, là khổ. “Này các vị, như vầy gọi là KHỔ ĐẾ [dukkhā]: sinh là khổ, lão là khổ, bệnh là khổ; buồn phiền, bi ai, đau đớn thể xác, sầu não, thất vọng, chúng là khổ; dính líu với những gì không ưa là khổ; cách biệt với những gì ưa thích là khổ; mong muốn mà không được toại nguyện là khổ. Tóm lại, năm-uẩn [2] vốn có tính chất dính-mắc là khổ”.
Nhưng có thực đời là bể khổ không?
Tất nhiên là không, bởi ai cũng ham sống sợ chết. Con người sinh ra, Tự nhiên ban cho Ngũ Uẩn để cảm thụ thế giới. Sắc uẩn gồm có năm căn và sáu trần. Đó là mắt, tai, mũi, lưỡi và thân thể. Thọ uẩn là sự tiếp nhận của lục trần bởi lục căn. Chẳng hạn như khi tai nghe một bản nhạc thì cảm nhận được cái vui hay cái buồn của bản nhạc đó. Tưởng uẩn là sau khi lục căn tiếp xúc với lục trần để lãnh thọ các cảnh khổ vui và sau đó sanh ra tưởng nhớ để bắt đầu so sánh phân biệt. Hành uẩn là sau khi so sánh phân biệt, ý niệm bắt đầu sai khiến thân và khẩu thực hành những gì ý muốn. Vì thế ý nghiệp là nhân và thân khẩu nghiệp là kết quả của nó. Thức uẩn là cái kho chứa tức là Tàng thức (A lại da thức).[3]
Nếu con người không có các giác quan và tiếp nhận thế giới cảm tính, thì chẳng còn đau khổ hay hạnh phúc. Nhờ có mắt ta thấy đời bao nhiêu cái đẹp, từ đó sinh ra nghệ thuật thị giác như tranh vẽ, nhiếp ảnh, phim ảnh, làm phát triển công nghệ nghe nhìn, thời trang, người mẫu, thi hoa hậu. Tai không chỉ để nghe âm thanh thông tin mà còn cảm thụ, từ đó làm phát sinh nghệ thuật âm nhạc. Vị giác không chỉ để cảm nhận mùi vị, nhưng đem đến hạnh phúc cho ta khi ăn. Điều này thật khác với chiếc xe khi đồ xăng (nạp năng lượng). Nó chẳng có cảm giác gì…Vâng, nếu không có Ngũ Uẩn, con người sẽ chẳng khác gì khúc cây, cục đá, đó không phải là sống. Tự nhiên ban cho con người thân xác với nhiều khả năng kỳ diệu. Nó có thể tự điều tiết sự tiếp nhận của ngũ uẩn. Chẳng hạn khi đói thì ta ăn, và cơ thể đã có một cơ chế tự nhiên báo cho ta biết rằng đã no. Khi cố tình vượt quá các cơ chế này, cơ thể sẽ có phản ứng ngược lại. Một kích thích nhẹ trên da sẽ làm dễ chịu, nhưng kích thích mạnh sẽ làm đau. Vì thế hạnh phúc hay đau khổ là do chính ta gây ra, không phải bởi tại Ngũ Uẩn. Ăn là một trong những hạnh phúc hàng đầu của con người, nhưng do ăn, con người tự chuốc lấy bệnh tật (khổ), biết cách ăn uống, con người có thể khỏe mạnh, hạnh phúc. Phật Thích ca, dù đã thành đạo, Ngài vẫn không vượt qua được Khổ đế do ngũ uẩn gây ra. Tại thủ đô Pàvà (xứ Malla), sau khi thuyết pháp, Phật đã dùng món cháo nấm của ông Cunda dâng cúng. Đêm ấy Phật đau bụng dữ dội, bệnh kiết lỵ tái phát. Trên đường đi Kusinàgar, Phật phải ngồi nghỉ khoảng 25 lần vì đuối sức và khát nước. Đêm đó Phật chết [4]
Con người đã tìm ra bao phương cách để diệt đau khổ. Tăng gia sản xuất để không đói. “Đói ăn rau, đau uống thuốc”. Y học đã tìm ra bao nhiêu thứ thuốc giảm đau, chữa bịnh. Nghệ thuật cũng làm ra bao nhiêu chương trình giải trí để đem đến niềm vui cho mọi người. Con người đã tự mình vượt qua đau khổ để sống an vui.
Nghĩ cặn kẽ hơn, đời người có thể chia làm đôi, một nửa bình thường và một nửa bất thường. Nửa bất thường ấy chia đôi, một nửa là khổ, một nửa là hạnh phúc. Như vậy đau khổ chỉ là ¼ đời người. Tiếng khóc chào đời không phải là dấu hiệu của khổ. Khi người vợ vào phòng sinh, cha mẹ và chồng chờ ở ngoài. Họ sẽ vui mừng biết bao khi nghe tiếng trẻ khóc mạnh mẽ, vì đó là sự sống, là sự nối tiếp máu thịt của cha mẹ ông bà, với bao nhiêu tình yêu và hy vọng.
Điều kỳ diệu bậc nhất ấy là sự sống, thể hiện trong ngũ uẩn.
2. VÔ THƯỜNG
“Tất cả mọi sự vật trong thế gian này đều phải biến chuyển không ngừng: chúng luôn luôn sanh, trụ, dị, diệt hoặc thành, trụ, hoại, không. Thế giới không một vật nào tồn tại vĩnh viễn và có thể đứng yên một chỗ; tất cả đều vô thường, không những vô thường trong từng năm, tháng, ngày, giờ mà còn vô thường trong từng sát-na sanh diệt. Ðối với con người cũng vậy, hôm nay tóc còn đen nhánh, ngày mai soi gương lại đã thấy bạc đầu. Hôm nay làn da còn tươi láng, ngày mai đã thấy nếp nhăn nheo. “[5]
Nhà Phật lý luận Vô thường là khổ, bởi người ta muốn mọi thứ phải thường hằng. Người ta muốn để đời sự nghiệp của mình. “Không công danh thà nát với cỏ cây/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Nguyễn Công Trứ). Các đế chế bắt thần dân phải tung hô “vạn tuế, vạn vạn tuế” hoặc “muôn năm”, nhưng rồi mọi đế chế cũng chỉ còn là đống gạch của những thành quách sụp đổ.
Từ nhận thức vạn pháp là vô thường, nhà Phật dẫn người nghe thuyết Tánh Không.
Trong Kinh Vô Ngã Tướng, Đức Phật dạy đệ tử :
“Nầy các Tỳ kheo, các ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
- Là vô thường, bạch Thế tôn.
- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
- Là khổ, bạch Thế tôn.
- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái nầy là của tôi, cái nầy là tôi, cái nầy là tự ngã của tôi?"
- Thưa không, bạch Thế tôn.
Có thực vô thường là khổ không?
Xin hãy nhìn vào vạn vật. Tất cả đang biến đổi, đang vận động và phát triễn không ngừng. Chúng về đâu? Chúng tiến về phía trước, theo nguyện vọng của con người. Có thể thấy rõ sự vận động “vô thường” chính là sự sống. Dòng sông tuôn chảy mang bao phù sa cho cánh đồng. Sông tù đọng là sông chết. Giả thử, nếu trái đất ngừng quay thì vạn vật sẽ thế nào? Nếu người ta không chết, sống mãi thì mặt đất toàn người già, vô dụng. Cây già phải chết đi để mầm xanh mọc lên sức sống mạnh mẽ hơn.
Vận động là quy luật của sự sống, là giải pháp khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa. Vô thường không phải là khổ mà là hạnh phúc. Không gì chán bằng sự tù đọng không thay đồi. Cuộc sống hôm nay phong phú biết bao nhiêu, hạnh phúc biết bao nhiêu so với con người thời ở trong hang động.
Toàn bộ cuộc sống là một vận động mạnh mẽ tiến lên phía trước với sức sống mãnh liệt hơn bao giờ. Hãy nhìn vào nước Nhật, sau hai trái bom nguyên tử 1945, sau những động đất, sống thần tàn phá dữ dội, họ đã xây dựng lại tốt đẹp hơn trước đó.
Con người là vậy, không gì cản được bước chân đi tới, kể cả vô thường.
3. NHÂN QUẢ - LUÂN HỒI
Thích Thông Tuệ luận dạy đệ tử rằng: “Là người Phật tử chân chính, phải có sự tin tưởng tuyệt đối về lý nhân quả vì là một lẽ thật.”
Thuyết nhân quả của nhà Phật, nói đủ là nhân-duyên và quả là một triết lý mang tính khoa học, qui luật tự nhiên của vũ trụ, không mang tính chất hình thức của sự thưởng phạt từ một đấng quyền năng nào. Hiểu vậy, trong cuộc sống, chúng ta vui vẻ đón nhận những khổ đau bất thường xảy đến với mình như một kết quả do chính mình tạo nhân từ trước. Từ đó suy nghiệm ra, lý nhân quả chi phối cả vũ trụ nhân sinh. Nếu tin sâu nhân quả, chúng ta sẽ được thăng hoa trên đời sống tâm linh, trở nên hiền thiện đạo đức. Ngược lại, nếu không tin nhân quả, cuộc sống chúng ta trở nên liều lĩnh và càn bừa, bất chấp hậu quả.” [6] (Phật giáo không có Đức Tin, nhưng sư thầy lại dạy đệ tử tuyệt đối tin!)
Nhưng luật nhân quả có đáng tin hay không?
Nhân quả là một luật có sẵn trong tự nhiên, nhà Phật chỉ nhìn vào luật này để suy luận về nhân sinh. Thuyết Nhân - Quả trở thành xương cốt của toàn bộ hệ thống lý luận của Phật Giáo. Từ nhân quả, nhà Phật chỉ ra có luân hồi, nghiệp báo, không có linh hồn, không có thượng đế, con người tự giác ngộ không cần ai cứu rỗi. Con người cần xóa nghiệp, xóa nhân quả thì sẽ thoát khỏi luân hồi, cũng đồng nghĩa là giác ngộ.
Thực ra trong tự nhiên, không chỉ có luật nhân quả, mà còn nhiều luật khác, thí dụ, luật đối xứng, luật vạn vật hấp dẫn của Newton, luật bảo toàn năng lượng, luật cung - cầu trong kinh tế, các định luật tâm lý trong tâm lý học. Nhưng quy luật của sự sáng tạo mới là luật quan trọng bậc nhất. Chính luật sáng tạo mới làm phát tiển cuộc sống. Sự kết hợp một trứng và tinh trùng tạo nên bào thai, bào thai ấy phát triển thành con người, con người ấy theo những gien di truyền tiếp tục phát triển, và con người ấy tiếp tục sự sáng tạo. Điều gì là bí mật của sự sống, của sự phát triển? Nhân loại chỉ có một Einstein. Người ta không thể tìm thấy “nhân” nào tạo ra “quả” Einstein. Cũng vậy, nhân loại hơn 6 tỷ người, là hơn 6 tỷ hình hài, tính tình, số phận khác nhau, ngay cả anh em trong nhà cùng cha mẹ cũng khác nhau. Nếu không sáng tạo, thì con người có khác gì loài khỉ, vẫn chỉ là một giống loài cách nay 4 triệu năm. Và với tốc độ sáng tạo như hiện nay, không biết loài người sẽ còn đi tới đâu.
Nếu một người nào đó chết cách nay 200 năm mà sống lại, họ xem TV, họ coi phim 3D, chắc họ sẽ cho con người hôm nay là thần thánh. Vâng, chính sự sống, sự sáng tạo mới làm con người phát triển. Một chiếc đồng hồ nhỏ, là một bộ máy tinh vi, nếu không có người làm ra nó thì không có nó. Vũ trụ là một bộ máy khổng lồ, vận hành theo những luật tự nhiên, nếu không có Đấng Sáng Tạo cũng sẽ không có vũ trụ. Ngay từ thời Platon (427-347 tr.Cn) đã nhận ra thực thể hằng hữu, thực thể tối cao, đó là Thượng Đế, đấng sáng tạo nên vũ trụ này. Con người là một bộ máy tuyệt hảo, chỉ có Đấng sáng Tạo mới có thể làm nên. Một điều hiển nhiên, ngày xưa con người chỉ là con số rất nhỏ, nếu là nhân quả, một người “nhân” chỉ có thể tái sinh là một người “ quả”, không thể thành hai người, vậy hơn 6 tỷ người là “quả” do “nhân” nào mà ra? Và nếu nhân quả là tất yếu, tại sao những bọn gian ác vẫn sống phây phây, nhà cao cửa rộng, chúng cướp không ruộng đất, bóc lột sức lao động người khác, sao chúng không bị quả báo?. Đức Đạt lai lạt ma bao nhiêu năm rồi vẫn phải lưu vong, chẳng nhẽ kiếp trước của Ngài “có vấn đề”? Năm 1945 hơn 2 triệu người Việt Nam chết đói do Phát Xít Nhật, vậy kiếp trước của họ làm ác hay sao. Sau 1975 hàng triệu người đi cải tạo, hàng triệu người vượt biên chết trên biển, kiếp trước họ làm ác hay sao?
Nhà Phật nói không có linh hồn nhưng ngày Vu Lan (15.7al) họ lại cúng cô hồn đói khát. Người ta liệt kê 12 loại cô hồn, có cả các nhà sư bị đày làm ngạ quỷ. “Khi Phật ở thành Vương xá, thấy một chúng sanh có lưỡi rất dài lớn, bị đinh sắt đóng vào lưỡi, lửa bốc cháy hừng hực, chịu đau khổ suốt ngày đêm. Ngài Mục Kiền Liên hỏi nguyên do, Phật đáp: Xưa kia, vị ấy từng làm trụ trì chùa, vì hay mắng nhiếc, xua đuổi Tăng chúng, không cho ăn uống, không bình đẳng cúng dường nên mắc tội như vậy. Lại có chúng sanh thân thể dài lớn, trên đầu đội vạc đồng sôi bốc lửa cháy hừng hực, nước sôi chảy tràn ra khắp thân thể. Ngài Mục Kiền Liên hỏi nguyên do, Phật đáp: Xưa kia, vị ấy từng làm tri sự chùa, vì không chia dầu thắp cho chúng Tăng nên bị quả báo như vậy. Lại có có một ngạ quỷ chuyên nuốt những hoàn sắt nóng. Do đời trước làm một Sa-di đã trộm cắp đường phèn của chúng Tăng… (Thích Viên Giác dịch, chương 7- Nói rõ quả báo, Nxb Tp.HCM, 1998, tr.202). [7]
Đức Giêsu cũng nói đến nhân quả. "Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.”(Mt 7.15-18). Đức Giêsu dùng lý luận nhân quả để xem xét bản chất con người che dấu đàng sau hiện tượng. Người không coi nhân qua là luật chi phối vũ trụ, tâm linh.
Rõ ràng luật Nhân - Quả không thể giải thích mọi hiện tượng của cuộc sống, càng không thể giải thích hiện tượng tâm linh, tôn giáo.
4. TÂM LÀ GÌ?
Kệ:
“Tâm tức Phật
Phật tức tâm
Tức tâm tức Phật
Thời thời như vậy”
Đạt-ma sư tổ:
Giáo ngoại biệt truyền
Bất lập văn tự
Trực chỉ nhân tâm
Kiến tánh thành Phật
Nhà Phật hay nói đến chữ Tâm, định tâm, an trú tâm, tâm sai biệt, tâm Bát Nhã, vô lượng tâm. Nhưng tâm là gì?
“Nguồn gốc của Phật pháp là tâm. Nguồn gốc của vũ trụ cũng là tâm. Người học Phật pháp phải biết cái nguồn gốc đó chính là tâm của mình chứ chẳng phải ai khác…
Vậy tâm là thế nào? Tâm là một danh từ ai cũng nói được, nhưng tâm là gì thì chẳng ai biết”.
(Thiền sư Thích Duy Lực, http://www.hoalinhthoai.com/)
Người đời thường chỉ hiểu tâm là tấm lòng. Đó là thiện tâm, ác tâm (lòng thiện, lòng ác). Tâm cũng là tâm hồn, tức là toàn bộ những gì con người suy nghĩ, cảm xúc vượt lên trên thân xác. Chủ nghĩa duy tâm coi tinh thần có trước vật chất, vật chất tan đi, tinh thần còn mãi, tinh thần quyết định vật chất. An tâm là tâm hồn bình an, không lo sợ, không dằn vật xao xuyến. Tâm cũng là ý thức. Người vô tâm không để ý những điều cần phải giữ gìn. Người vô tâm là người không để bụng điều gì, vô tư. Tâm lý là sự vận động bên trong tâm hồn. Khoa tâm lý học nghiên cứu những quy luật của sự vận động này. Tâm lý tội phạm, tâm lý khách hang, tính cách nghệ sĩ, tâm lý lứa tuổi. Có thể nhận thấy, dân gian hiểu tâm là trạng thái suy nghĩ, nhận thức, cảm xúc của tâm hồn. Chữ tâm này hoàn toàn khác với chữ Tâm của Phật.
“Tổ thứ 14 của Thiền Tông Ấn Độ là Ngài Long Thọ dùng "Hư không vô sở hữu" để thí dụ cho tâm. Tâm linh vốn chẳng có hình thể số lượng, do đó dùng bộ óc suy nghĩ chẳng thể tiếp xúc, nên chẳng thể dùng lời nói văn tự để diễn tả. Phật pháp chỉ có thể miễn cưỡng nói là Tánh Không… Bản thể của tâm vô sở hữu tức là trống rỗng, vì trống rỗng nên gọi là Tánh Không, vì tánh không nên cùng khắp không gian thời gian..” (Thích Duy Lực, sđd)
Đức Phật dạy Sona thế này
“Tâm xả tức là tâm vắng lặng, không chỉ, không quán
Khi thấy tâm mạnh mẽ tinh tấn thì nên tu quán hay định, không nên tu xả
Khi thấy tâm dao động bất an thì nên tu định, không nên tu quán
Khi thấy tâm dâm dục nổi lên thì nên quán bất tịnh, không nên quán từ bi
Khi thấy tâm nóng giận nổi lên thì nên quán từ bi, không nên quán bất tịnh
Khi thấy tâm mê muội thì nên quán nhân duyên, không nên quán bất tịnh hay từ bi”
(Sự tích Đức Phật - Trần Hữu Danh, Nxb Tổng hợp Tp HCM 2011. tr.343)
Chữ tâm trong đoạn văn trên là trạng thái tâm lý, cảm xúc, suy nghĩ của con người: tinh thần sảng khoái, tâm bất an, ham muốn tình dục, nóng giận, không nhận thức được chân lý (mê muội). Đó là lời dạy của Đức Phật về thực hành định tâm, chưa phải là tâm Bát Nhã (Phật)
Đức Phật dạy Subùti về an trụ tâm: "Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm". Phải an trụ tâm vào nơi không có chỗ trụ, và không có gì để trụ. Lục Tổ Huệ Năng tổ thứ sáu của Thiền Tông khi nghe câu kệ nầy trong Kinh Kim Cang ngài đã khai ngộ (giác ngộ) trong lúc là một tiều phu đi bán củi (chi tiết hơn trong Kinh Pháp Bảo Đàn).
Trong Kinh Lăng Nghiêm, đoạn Phật đối thoại với Anan về tâm là đoạn phân tích rất sâu sắc, quả thực Phật rất giỏi về lý luận:
”A-Nan thưa: "Bạch Thế Tôn, ngày trước con thấy khi Phật cùng với ông Đại Mục Kiền Liên, Tu Bồ đề v.v... nói pháp, Phật có dạy rằng: Cái tâm hiểu biết phân biệt, không ở trong thân, không ở ngoài thân, không ở chính giữa, không ở chỗ nào cả; không dính mắc (vô trước) tất cả đó gọi là tâm. Vậy nay con lấy cái không dính mắc đó làm tâm, chẳng biết có hay được không?"
Phật nói: “Vì cái gì không có hình tướng thì không, còn cái gì có hình tướng là có. Nếu có hình tướng thì phải bị dính mắc. Thế nên ông nói: không dính mắc tất cả làm tâm cũng không phải."
Đức Phật nói về Chơn Tâm: “Do đâu mà có Bồ Để (giác ngộ) Niết Bàn (giải thoát)?. Một khi người tu hành dứt hết tâm vọng động, suy tư, nghĩ tưởng theo trần cảnh thì Chơn Tâm nguyên minh, thanh tịnh, sáng suốt từ vô thỉ sẽ hiển lộ. Chơn Tâm nguyên minh đó là Bồ Đề, Niết bàn, luôn an lạc, thanh tịnh, sáng suốt, không lay động, mặc cho trần cảnh lao xao biến đổi... Người muốn tu Bồ Tát thừa để thành Phật phải hội đủ hai điều kiện: 1/ Lúc sơ phát tâm, phải biết rõ mình có Chơn Tâm thanh tịnh, thường trụ, rồi dùng tâm đó mà phát nguyện tu nhành…” (Sự tích Đức Phật tr.316).
Quả thực đọc những lời Phật dạy trên, người không có công phu tu tập thì không thể hiểu, bởi nghĩa của tâm luôn từ nghĩa này chuyển sang nghĩa kia, mà chung quy lại, tâm là tâm hồn, là lòng muốn, là tâm trạng, là ý thức.
“Tâm vọng động, suy tư, nghĩ tưởng theo trần cảnh” là trạng thái lo lắng suy nghĩ chuyện trần gian.” Lúc sơ phát tâm” nghĩa là lúc khởi niệm về Tứ Diệu Đế, về Tánh Không, tâm này là ý thức. “Chơn Tâm nguyên minh đó là Bồ Đề, Niết bàn, luôn an lạc, thanh tịnh, sáng suốt, không lay động, mặc cho trần cảnh lao xao biến đổi” là tâm hồn bình an, không vướng mắc.
Thực sự cái tâm (sự suy nghĩ lo lắng) làm cho ta mệt nhoài, khổ sở, khi không thoát khỏi vướng mắc thì ta khổ tâm. Khi không bận tâm đến điều gì (xả), ta sẽ an tâm. Lý luận Phật Giáo quá phong phú về Tâm khiến cho người học đạo rối trí. Thực ra tất cả những kiến giải của Phật chỉ là dựa trên tâm lý học thí dụ: tâm nóng giận, tâm dâm dục, tâm mê muội, tâm giác ngộ, chơn tâm, vọng tâm… (ngày xưa chưa có khoa tâm lý nên những kiến giải ấy trở nên thành thánh hóa).
Nói thật đơn giản, tâm là tự ý thức về chính mình dưới ánh sáng của lẽ thiện, trong tương quan với con người và vũ trụ. Thí dụ, khi con người có thân xác khỏe mạnh, no đủ, tự do, không vướng bận lo âu cuộc sống, thanh thản trong thiên nhiên thì tâm an lạc. Người với người phải có lòng nhân ái (đó là thiện tâm).
Xin đừng bận tâm đến những kiến giải rắc rối làm gì, hãy lắng nghe lòng mình, hiểu lòng mình, hiểu chân lý, đó là tâm. Ác tâm là quỷ, thiện tâm là thánh, những kẻ vô lương tâm thì không phải là người
4. TÂM LINH
Ở VN có nhiều đền đài, đình chùa thờ các thánh, được dân chúng đến làm lễ, xin khấn với lòng thành vô hạn. Chùa Hương, Khai ấn đền Trần, Vía Bà núi Sam. Đạo Công Giáo có đền thánh Giuse, thánh Martin, thánh địa La Vang, mộ cha Bửu Diệp... những nơi ấy nhiều người đã xin được ơn. Bảng tạ ơn để ở khắp nơi trong đền.
Điều ấy có ý nghĩa gì? Phải chăng chỉ những người có lòng thành mới được mạc khải những vấn đề tâm tinh. Trong Kinh Thánh Ki tô Giáo, Đức Giêsu cất tiếng nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn.” (Mt 11. 25) Kinh Thánh cũng tường thuật nhiều lần Đức Giêsu trừ quỷ nhập vào người ta. Đó là hai người bị quỷ ám (Mt 8 28-34), là thần ô uế (Mc 1 23-24), là quỷ câm (Lc 11.14). Người cũng nói ai có lòng tin và nhân danh Ngài thì có thể trừ quỷ (Mc 16.17)
Trong dân gian kể nhiều chuyện ma quỷ, có cả chuyện ma nhập, quỷ nhập. Bên đường hay bên sông thường có những miễu nhỏ trong có bát nhang để cho những oan hồn (chết vì đụng xe, chìm tàu) tá túc. Ở những nơi có tai nạn chết người thì hàng năm đều có người chết. Người ta bảo rằng những người chết bất đắc kỳ tử (chưa tận số) không siêu thoát được. Họ chờ để bắt một người thế chỗ rồi mới thăng. Vì thế tai nạn lại xảy ra. Trong dân gian người ta vẫn thường lên đồng, cầu cơ, nhà ngoại cảm nói chuyện với người đã chết. Gần đây những nhà ngoại cảm đã giúp tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ. Chỉ có điều, các nhà ngoại cảm hay Đồng cốt không miêu tả được thế giới bên kia (sau cái chết) là một thế giới như thế nào.
Một nhà sư Thái Lan đã trả lời cho mọi người biết Steve Jobs đang ở đâu. [8] “Steve Jobs tái sinh vào một cõi trời Dục giới thuộc cõi Vidhaydhara-Yakkha (cõi trời Tỳ Đề Đà La-Dạ Xoa) - một trong sáu tầng trời Dục giới. Cõi Thiên giới của ông ta tồn tại song song với quả địa cầu gần văn phòng cũ của ông ta. Cõi giới mới mà Steve Jobs đang sống có một lâu đài thiên thể bậc trung và đơn giản, có chiều cao lớn như một tòa nhà sáu tầng. Bản thân lâu đài được làm bằng bạc và pha lê trắng, và mặt nền thì hoàn toàn thoáng rộng. Nó nằm không xa văn phòng cũ của ông ta trên trái đất. Tất cả xung quanh lâu đài thiên thể của ông có những lâu đài khác cũng thuộc về cõi trời Dục giới. Cõi giới mới có một đoàn tùy tùng 20 người phục dịch cho ông”. Nghe có hơi hám của khoa học giả tưởng về thế giới song song.
Những vấn đề tâm linh dân gian nói trên không được các tôn giáo chấp nhận. Thiên Chúa Giáo cho rằng, con người sau khi chết sẽ bị phán xét riêng, hoặc lên thiên đàng, hoặc ở Luyện Tội hay xuống Hỏa Ngục. Phật giáo phủ định sự tồn tại của linh hồn, con người từ kiếp này sang kiếp khác tùy theo nghiệp của mình mà vận động theo luật nhân quả. Họ có thể vào 1 trong 6 cõi: cõi Trời, Người, A tu La, Quỷ thần, Địa Ngục và Súc sanh. Nhưng dân gian lại tin rằng người chết chẳng đi đâu cả, họ vẫn ở nơi họ vẫn ở, trong gia đình Việt Nam có bàn thờ gia tiên, và ông bà vẫn ở bên con cháu.
Hãy thử tưởng tượng. Vũ trụ mênh mông, chỉ một dải Ngân Hà cũng có hàng trăm tỷ ngôi sao. Nếu sau khi chết, linh hồn người ta đến các thiên hà, thì mỗi linh hồn cư ngụ ở một hành tinh, cũng chỉ là muối bỏ bể. Nhân loại mới có hơn 6 tỷ người. Vả lại vũ trụ xa xôi, lạnh lẽo chẳng hồn nào đến ở để rồi sống cô độc. Lại thử hỏi, từ khi con người xuất hiện, đã bao nhiêu người chết, linh hồn họ đi đâu hay tan biến vào hư không.
Ngày nay cả Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo đều phải điều chỉnh cách hiểu về Thiên Đàng, Địa ngục, Niết bàn. Ngày xưa người ta cho rằng Thiên Đàng là ở trên trời, Địa ngục là ở trong lòng đất, Niết bàn là nơi Phật ở, ở phương Tây. Ngày nay khoa học đã chỉ ra vũ trụ mệnh mông chỉ là vật chất, Thiên Đàng và Địa ngục không tồn tại trong thế giới vật chất ấy, vậy ở đâu?
Câu trả lời là tại tâm. Chính tâm của ta lúc chết thế nào thì cảnh giới ta chết là như thế. Tâm ta thanh tịnh, đó là thiên đàng, tâm ta bất an, đó là địa ngục. Nhưng không phải vậy, bởi người tu Phật có thể đạt tới cảnh giới Niết Bàn ngay trong cõi đời này, không chờ tới lúc chết mới siêu thoát.
“Niết bàn là một thể dạng của tâm thức khi mà nó không còn có gì để phải làm nữa. Đấy là thể dạng không sinh, không tạo tác, không còn bị trói buộc bởi bất cứ một điều kiện nào. Không hư vô. Không hiện hữu. Vượt lên trên cả sự an bình cũng như mọi hình thức xung đột.”
(Fabrice Midal - http://www.thuvienhoasen.org/)
”Cần phải nhìn nhận rằng câu hỏi về Niết Bàn là vấn đề khó nhất trong Giáo Lý của Đức Phật. Dù cho chúng ta có thể suy đoán về nó tới đâu chăng nữa, chúng ta không bao giờ hiểu được chân tánh của Niết Bàn” (NARADA MAHA THERA http://www.chuadieuphap.us/)
Thế có nghĩa là những khái niệm tâm linh (linh hồn, Niết Bàn, Thiên Đàng, địa ngục…) chỉ là những cách giải thích, ý nghĩa của nó tùy thuộc vào người giải thích. Nó chịu sự chi phối của thời đại. Khi khoa học chỉ ra tính chất phi logic, thì những nhà truyền đạo buộc phải tìm một cách giải thích khác. Dẫu thế nào, diễn giải chỉ là diễn giải, không phải là thể tính (Chữ Niết Bàn không phải là thực tại Niết Bàn, mà chỉ là khái niệm để chỉ một thực tại tu tập đạt đến mà ngôn ngữ không thể diễn tả). Dân gian có cách giải thích thực nghiệm hơn, trong khi cách giải thích của tôn giáo lại hoàn toàn là lý trí, áp đặt.(Xin lưu ý Phật giáo còn có những Kinh giả - Xin đọc: Kinh ngụy tạo - http://www.thuvienhoasen.org/)
Cứ theo những cách giải thích ấy ta có thễ hình dung ra thế giới sau cái chết như sau: những người bên lương thì sống cùng con cháu trong gia đình trên bàn thờ gia tiên, còn lại là cô hồn lang thang như người trên trần, cũng đói khổ khóc lóc, chờ tháng Vu lan được húp cháo lá đa. Những người theo Phật mà chưa đắc đạo thì vào 1 trong 6 cõi, những người theo Chúa thì lên Thiên Đàng hoặc xuống hỏa ngục. Vũ trụ bao la, sáu tỷ linh hồn chẳng thấm vào đâu, mỗi vị sáng lập tôn giáo quy tụ tín đồ vào một chỗ (một hành tinh hay một thế giới song song nào đó), rồi tự tại ở đó. Thật là bịa đặt.
5. TÔN GIÁO
Người Cộng sản lấy lời K.Marx làm nền tảng chính sách tôn giáo: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân lọai”… Chủ nghĩa duy vật tuyệt đối vô thần, kiên quyết phản đối mọi tôn giáo… Chủ nghĩa Mác bao giờ cũng coi tôn giáo và các giáo hội, tất cả các tổ chức giáo hội hiện có, đều là những cơ quan của thế lực phản động tư sản, dùng để bảo vệ chế độ bóc lột và đầu độc giai cấp công nhân”,… phải đưa tôn giáo đến chỗ diệt vong. Nguồn gốc của tôn giáo là nguồn gốc xã hội, phải tiêu diệt nguồn gốc xã hội của tôn giáo…” [9] Trên Đại Học, trong Văn Hóa Đại Cương có Tôn Giáo Học, người ta dùng chủ nghĩa Marx để dạy cho sinh viên, rằng tôn giáo là sự phản ánh hư ảo thế giới vật vào trí não con người, rằng sự sợ hãi đẻ ra thần linh.
Thực tiễn (đến nay là 2016) đã chỉ ra rằng, tôn giáo chưa bị diệt vong thì chủ nghĩa Marx đã bị người ta đã vứt vào sọt rác. Nhân loại có trải nghiệm này: Chủ nghĩa Marx đã thống trị nhân loại trong thế kỷ 20 và gây ra bao nhiêu là tội ác! Các chế độ chính trị xây dựng trên lý thuyết chủ nghĩa Marx đã sụp đổ (Liên xô là thành trì của chủ nghĩa Cộng sản). Marx lấy yếu tố vật chất, xã hội để giải thích mọi vấn đề về con người, bỏ quên con người cá nhân, con người thân xác, con người tâm linh. Đó là sai lầm căn cốt. Marx nhìn xã hội bằng con mắt giai cấp, là con mắt bé bằng hạt đậu, trong khi nhân lọai toàn cầu hóa, đối mặt với những vấn đề của toàn nhân loại. Giải quyết vấn đề của nhân loại cần phải có một “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời” (Mộng Liên Đường nhận xét về Truyện Kiều của Nguyễn Du)
Khảo cổ học đã tìm thấy chứng tích về lịch sử loài người qua những hóa thạch còn lại. Con người đã tách ra khỏi giống người khỉ từ 4,5 triệu năm trước. Con người văn minh hiện đại (Homo Sapiens) đã xuất hiện 200 ngàn năm trước đây. Giống người này xuất phát từ đông Phi, họ di chuyển dọc bờ biển đến châu Á, sang châu Úc, vòng lên Trung Quốc rồi sang Nga, qua Alaska sang châu Mỹ. Một nhánh khác từ Đông Phi hướng về phía tây, lên châu Âu, sau nhập với dòng sang Nga, qua Alaska sang châu Mỹ. Như vậy là không có Vườn Địa Đàng, không có Adam-Eva như Sáng Thế Ký miêu tả (Thực ra Sáng Thế ký chỉ là thần thoại, con người nghĩ ra để giải thích sự hình thành vũ trụ và vạn vật. Đó là một cách nhận thức, một trình độ nhận thức, và đã là nhận thức thì không bao giờ có thể đạt tới chân lý, vì năng lực của bộ não là giới hạn).
Đã có một thời Thuyết Tiến hóa có tham vọng giải thích nguồn gốc giống loài thay cho Sáng Thế Ký, nhưng cho đến nay, sau hơn 100 năm, thuyết Tiến hóa của Darwin vẫn không vượt qua được những lỗ hổng lý thuyết, khiến cho nó chỉ còn là một giả thuyết để tham khảo. Khoa học dù tiến bộ vẫn không sao tổng hợp được một tế bào có sự sống, mặc dù họ biết rõ những gì đã tạo nên tế bào, từ đó dẫn đến hệ quả: sự sống không khởi đầu bằng chất vô cơ, và người ta đặt giả thuyết sự sống đến từ ngoài trái đất [10]… Đến nay Di truyền học đã lật đổ thuyết Tiến hóa. (xem bài DNA lật đổ tuyết tiến hóa: http://trithucvn.net/
Con người khôn ngoan đã xuất hiện 200 ngàn năm, nhưng lịch sử văn minh nhân loại mới chỉ có 10 ngàn năm, và “bằng chứng về những đức tin như những bức tranh tường Cro-Magnon giai đoạn sớm (có lẽ có ý nghĩa ma thuật hay tôn giáo) [71] chỉ xuất hiện khoảng 32.000 năm trước [11]. Tôn giáo xuất hiện sớm nhất cũng chỉ mới có 10 ngàn năm, Phật Giáo 2500 năm, Thiên Chúa Giáo 2000 năm. Vậy 198.000 năm trước đó, có tôn giáo không? Hay tôn giáo chỉ là cái mà con người tưởng tượng ra mãi về sau này? (2000 năm)
Thức tiễn lịch sử đã chỉ ra rằng, Tôn giáo với hình thức tổ chức xã hội, với đền đài, chùa chiền, nhà thờ cùng các nghĩ lễ, chỉ xuất hiện khi con người đã đạt tới một xã hội văn minh, đặc biệt văn minh trong ý thức tâm linh. Họ nhận ra, hoặc được mạc khải, hoặc giác ngộ về một cõi vượt lên trên cõi người, về một đấng (thần linh có sức mạnh vượt trân cõi trần) họ tiếp cận được với thế giới ấy bằng nhiều hình thức như lên đồng, cầu cơ, cầu nguyện, nhà ngoại cảm.
Tiến trình của lịch sử loài người có thể so sánh với tiến trình của một con người. Từ lúc sinh ra, lớn lên nếu không được giáo dục thì không thành người, nếu không được giáo dục tôn giáo, nó sẽ chẳng biết gì đến Phật hay Chúa hay thánh Ahla. Thế nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ phải đối mặt với những vấn đề tâm linh, và sẽ bị ám ảnh về một thế giới siêu nhiên (Phim kiếm hiệp, phim khoa học viễn tưởng chính là tìm cách lý giải về thế giới phi thường ấy). Chẳng hạn, khi cha mẹ hay người thân yêu chết, con người sẽ hỏi chết là gì, người chết còn tồn tại hay tan biến, nếu tồn tại (linh hồn) đi đâu. Trong sâu xa con người thấy rằng người thân yêu vẫn còn đó, độ trì cho con cháu. Bất cứ dân tộc nào nghi lễ an táng đều mang tính tâm linh và thần linh, từ đó những hình thức và niềm tin tôn giáo ra đời.
Cũng vậy, con người đứng trước sức mạnh tự nhiên, nó nhận ra sự hữu hạn của thân phận con người, từ đó nó phóng chiếu một đấng thần linh để giải thích thiên nhiên. Thần cây đa, ma cây đề, thiên lôi, hà bá xuất hiện. Khởi đầu dận tộc nào cũng thờ nhiều thần. Trong Cựu Ước, Giao Ước của Đức Chúa với tổ phụ Abraham có một điều quan trọng là, dân Do Thái không được “phủ phục trước một thần nào khác, vì Đức Chúa mang danh là Đấng ghen tương, Người là một vị Thần ghen tương “[12] Nhưng dân Do Thái nhiều lần từ bỏ Đức Chúa mà thờ thần khác nên bị xử phạt (Điển hình là vua Salomon)
“Vua Salomon đi theo nữ thần At-tô-rét của dân Xi-đôn, theo thần Min-côm ghê tởm của dân Am-mon, Như thế vua Salomon làm điều dữ trái mắt Đức Chúa chứ không theo Đức Chúa trọn vẹn như phụ vương Đavit. Bấy giờ vua Salomom xây trên núi đối diện với Gierusalem một nơi cao cho thần Cơ-mốt của dân Mô-ap, cho thần Mô-lea ghê tởm của con cái Am-mon… Đức Chúa nổi giận với Salomon…” [13]
Tín ngưỡng, tôn giáo khởi đi từ đấy. Và còn theo mãi nhân loại đến ngày tận thế, bởi dù khoa học tiến bộ đến đâu cũng không lý giải được những khát vọng tâm linh của con người, không lý giải được những vấn đề tâm linh huyền bí, những bí mật của vũ trụ.
Chẳng hạn, người ta đặt ra thuyết Big bang để giải thích khởi nguyên vũ trụ là một vụ nổ lớn. Nhưng trước khi có vụ nổ ấy, vũ trụ là gì? Điều này không biết đến bao giờ con người mới trả lời được. Bây giờ người ta hiểu vũ trụ là lớn không thể tưởng tượng nổi, và không thể hiều được, thách thức mọi quy luật vậy lý. Con người không thể vượt ra ngoài thái dương hệ thì không có gì để nói. Và có vượt qua thái dương hệ, thì cũng không thể qua nổi dãy Ngân Hà với bề ngang rộng 100 năm ánh sáng (Ngôi sao gần trái đất nhất cũng cách trái đất 4,5 năm ánh sáng), khoa học cũng không thể trả lời được sau cái chết con người sẽ là gì?
Vâng, tôn giáo là khát vọng tâm linh của con người, giải đáp cho những vấn nạn tâm linh của con người, chỉ trừ robot mới không có tâm linh. Người bên lương tin thờ Trời Đất, thờ ông Táo, thờ ông bà, người buôn bán thờ Thần Tài, nhà xe cúng cô hồn. Bởi họ tin chắc vào chân lý của các thần linh ấy, và chắc chắn họ cầu xin có linh nghiệm. Trời che chở, đất bao dung. Phật giáo phủ định thượng đế, phủ định thần linh, nhưng người Phật tử vẫn tin vào thần lực của Phật A-di-đà, tin vào lòng từ bi cứu khổ của Quan Âm Bồ Tát, và cậy trông vào sự độ trì cho giác ngộ của Như Lai (bởi có tỳ kheo chỉ một lần nghe Phật thuyết pháp là giác ngộ. Đức Thích ca đã giác ngộ cho cả công chúa (vợ) và con trai của Người).
Tôn giáo thuộc về đức tin, không thuộc về khoa học. Tôn giáo là sự chọn lựa của cá nhân, thuộc quyền tự do nhân bản. Trước những vấn đề tâm linh mà khoa học bất lực, mỗi người tự tìm cho mình một người thầy dẫn đường. Sự chọn lựa này tùy vào cơ duyên. Sau 49 ngày thiền định, Đức Phật ngồi dưới cây Ràjàyatana. Có hai thương gia người Miến Điện đi qua đó, dâng cho Ngài món bột rang và mật ong. Hai người đã nghe lời Phật quy y. Đó là hai thiện tín đầu tiên của Phật. Kinh Thánh cũng thuật lại các ông Phêrô, An-rê, đang đánh cá, Đức Giêsu gọi, các ông liền bỏ lưới mà theo Ngài. Các ông Gia-cô-bê và Gio-an đang vá lưới với cha ở trong thuyển, nghe Đức Giêsu gọi, các ông bỏ thuyền, bỏ cha mà theo Ngài (Mt 4.18-22)
Và vì thế, cần có cái nhìn trân trọng với mọi tôn giáo, bởi vì tôn giáo (đạo) là con đường dẫn người ta đến lẽ thiện, còn chuyện tâm linh là chuyện riêng của mỗi người. Thái độ thù địch, kỳ thị với người có tôn giáo là thái độ thiếu hiểu biết, nếu không nói là vi phạm nhân quyền. Ts Trần Chung Ngọc (đã chết) và Charly Nguyễn là hai người chống Vatican hung hăng và cực đoan nhất. Các ông cố moi móc mọi sai lầm của Giáo hội Roma trong quá khứ ra để phỉ báng.
Thực ra năm 1054, Chính thống giáo Đông phương đã ly khai khỏi giáo hội Công giáo Rôma. Và Ngày 31.10.1517, Martin Luther, một Linh mục Công giáo, đã đưa ra 95 luận điểm công kích giáo hội Roma, sau đó ông đã bỏ Roma lập một giáo phái mới (Tin Lành).
Mọi tổ chức xã hội do con người ý thức, lập ra và điều hành, luôn có những sai lầm. Bởi cuộc sống luôn vận động về phía trước, sẽ làm lộ ra những gì không còn phù hợp. Dù là Phật giáo hay Thiên Chúa giáo, kể cả các lý thuyết triết học, khoa học, các lý thuyết xã hội… đều như thế. Lý thuyết ra đời sau phủ định lý thuyết trước đó. Di truyền học quật ngã Thuyết Tiến hóa của Darwin. Toàn cầu hóa phủ định chủ nghĩa Marx.
Lịch sử là lịch sử, và nhân loại từ phương đông sang phương tây đi từ sai lầm này đến sai lầm khác. Đời một con người cũng đầy dẫy những sai lầm, có ai dám khẳng định từ lúc mình sinh ra đến lúc nhắm mắt mà không sai lầm. Ngay cả việc (bị/ được) sinh ra đã là sai lầm. Trên cõi nhân gian này không có chân lý vĩnh cửu. Cái gọi là chân lý chỉ là cảm quan cá nhân trong những trường hợp cục bộ (một lúc nào đó tôi thấy là đúng, lúc khác lại là sai).
Ai theo tôn giáo thì cần có đức tin. Người không theo tôn giáo thì trong tâm linh họ vẫn tiềm ẩn những niềm tin. Ở góc độ văn hóa, tôn giáo là một thành tố của văn hóa cộng đồng, thể hiện khát vọng của cộng đồng và góp phần làm cho cộng đồng tốt hơn lên, đời sống tinh thần phong phú hơn.
6. LỊCH SỬ TÔN GIÁO - TÔN GIÁO TRONG LỊCH SỬ
Các tổ chức tôn giáo xuất hiện trong những bối cảnh lịch sử, chính trị nhất định, đáp ứng yêu cầu của con người thời đại. Chẳng hạn Thiên Chúa Giáo xuất hiện trong khát vọng của dân Do Thái về một Đấng cứu thế, cứu dân Do Thái khỏi ách nô lệ. Ở Việt Nam, đạo Cao Đài, Hòa Hảo cũng xuất hiện trong giai đoạn lịch sử những năm 1920, như là sự phản ứng có tính dân tộc trước sự xâm lăng của chủ nghĩa thực dân phương Tây. Đạo Cao Dài dung nạp cả Phật, Chúa, Khổng Tử, Victo Hugo, Nguyễn Bỉnh Khiêm…
Trong tiến trình lịch sử, các tổ chức tôn giáo dần dần bị thế tục hóa so với nguyên thủy. Nó bị chính trị lợi dụng và trở thành thế lực chính trị. Phật Giáo có Phật Giáo Nguyên thủy, Tiểu Thừa, Đại Thừa. Thiên Chúa Giáo tách ra thành Chính Thống Giáo, Tin Lành, Cơ Đốc Phục Lâm và Hồi Giáo xuất hiện như là sự phủ định Thiên Chúa Giáo. Họ thờ thánh Ahla. Như vậy tôn giáo đã thế tục hóa theo nhu cầu của con người, trở thành một hệ thống quyền lực cả vật chất và tinh thần (Tòa Thánh Vatican là một Nhà Nước, được LHQ công nhân). Đã nổ ra các cuộc thánh chiến giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo làm chết nhiều người, thực chất đó là sự tranh giành lãnh thổ, quyền lực [14]. Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đang là mối bận tâm của thế giới. Có thể nhận thấy các giáo hội trần gian (của mọi tôn giáo) đều mưu cầu quyền lực chính trị, kinh tế xã hội.
Mọi Nhà Nước đều quyết liệt chống lại ảnh hưởng chính trị của tôn giáo, bởi đã có thời trong lịch sử, tôn giáo trở thành thống trị, đứng trên cả chính trị. Ở Việt Nam, thời Lý Trần, Phật giáo trở thành quốc giáo. Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn. 974-1028) vào chùa từ lúc 3 tuổi, được sư Vạn Hạnh dạy dỗ từ nhỏ. Ngày nay ở những nước Phật Giáo như Thái Lan, Cambodia, Lào, Ấn Độ, Phật giáo vẫn có vai trò quan trọng. Cũng vậy, ảnh hưởng của tôn giáo là rất lớn ở các nước Hồi Giáo.
Sự phân hóa của các giáo hội là do sự giải thích chủ quan của con người.
Từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 14, Giáo hội Công giáo nguyên thủy dần dần bị phân tách thành hai cực: Tây phương (Latinh), là Giáo hội Công giáo, và Đông phương (Hy Lạp), Chính Thống giáo. Hai giáo hội này bất đồng quan điểm về cách tổ chức, nghi thức và những học thuyết mà đặc biệt là địa vị của giáo hoàng. Phong trào Kháng Cách (Protestantism), phong trào Tin Lành (Evangelicalism), đã tách khỏi giáo hội Công Giáo. Họ giải thích Kinh Thánh theo quan điểm khác với Công Giáo Rôma. Họ có 5 Tín Lý Duy Nhất khác biệt hẳn với Rôma [15].
Phật giáo cũng có nhiều hệ phái khác nhau như vậy. Đại Thừa xuất hiện vào thế kỷ thứ 3, Tịnh Độ Tông xuất hiện thế kỷ thứ 6 (Do Thiện Đạo: 613-681), Mật Tông xuất hiện vào thế kỷ thứ 6, Thiền Tông thế kỷ thứ 6. Có thể nhận mỗi hệ phái chọn kinh riêng để xác định cách tu tập. Thiền Tông không dùng văn tự mà “trực chỉ nhân tâm”, Tịnh Độ Tông Chọn Kinh A-di-đà và chỉ cần tin vào phật lực của Phật A-di-đà, niệm A-di-đà Phật là được vãng sinh. Các Kinh điển Phật giáo đều do đệ tử viết lại, thường bắt đầu bằng các chữ "Như thị ngã văn" (như vậy tôi nghe). Sau hàng trăm năm mới thuật lại những gì mình nghe, chắc chắn không thể bảo đảm trung thực lời của Phật [16].
Ngày nay có người đã tìm sự tương đồng giữa Phật Giáo và học thuyết Freud: ”Và thật kỳ lạ, những điều Freud phân tích và khám phá ở trên gần như trùng khớp với những khái niệm cơ bản nhất của Phật giáo, chỉ có điều tất cả đều được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ khác. Này nhé, bản năng thì tăm tối và hình thành từ thuở con người còn là những động vật bầy đàn hú hét trong rừng sâu. Nhà Phật cũng có khái niệm Vô minh hình thành từ Vô thủy, thường được gọi chung là Vô thủy Vô minh.” [17]
7. THIÊN MỆNH - ĐỊNH MỆNH - ĐỨC TIN
“Gẫm hay muôn sự tại trời” (Nguyễn Du - Đoạn Trường Tân Thanh). Người Việt tin vào Trời. Trước nhà người bên lương có bàn thờ Thiên. “trời cao có mắt”, ”Thiên bất dung gian”, ”chạy trời không khỏi nắng”, ”Trời kêu ai nấy dạ!” Đó là một niềm tin hồn nhiên. Không có lý luận, không có nghi lễ, cũng không có tín điều. Trời đẵt đặt để cho mỗi người mỗi phận, người ta gọi là cái số. Quần áo giày dép còn có số thì con người làm gì mà không có số. Những người tai to mặt lớn thì làm vương làm tướng. Dân ngu khu đen thì là dân. Ngày xưa, các thánh nhân, vua chúa xuất hiện đều có điềm trời. Thiên thần Gabriel loan báo Ngôi Lời nhập thể. Hoàng hậu Màyà, Mẹ của Đức Phật nằm ngủ mơ thấy một voi trắng 6 ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu mà chui vào. Các bốc sư đều cho rằng Hoàng hậu sẽ hạ sanh một quý tử tài đức song toàn. Nguyễn Trãi nằm mộng thấy ngôi sao vua của Lê Lợi xuất hiện ở phương Nam. Người xưa nhìn sao chiếu mạng một người mà biết thời vận của người ấy.
Khoa Tử Vi đã lập lá số cho con người, nói rõ đặc điểm cá tính, gia đình, vận hạn.và nếu ngày giờ chính xác thì những lý giải của Tử Vi là rất đúng. Điều ấy có ý nghĩa như thế nào? Đấng Sáng Tạo tạo ra vũ trụ và con người, điều khiển thế giới vật chất bằng những quy luật khoa học tất nhiên điều khiển thế giới con người cũng bằng những quy luật như thế, chẳng hạn luật về sự phát triển sinh học của cơ thể con người, những quy luật tâm lý, những vận hạn ở năm tuổi (25, 31, 33, 37, 49, 58… tam tai). Và Đấng Sáng Tạo cũng cho con người sự thông minh để tìm ra chìa khóa của các quy luật ấy (thí dụ lập bản đồ gien, tìm ra tế bào gốc…vậy nếu con người có các khoa bói toán, chỉ tay, bói bài, bốc Dịch, Tử Vi, Tử Bình để tìm biết những gì chưa sảy ra thì cũng là điều có thể hiểu được. Bởi sự vật, sự việc luôn có mối quan hệ nhiều chiều, mà nhờ đó con người có thể lần ra manh mối những quy luật. Con người trong tương quan với vũ trụ, trong sự tác động của ảnh hưởng các vì sao mà có số phận khác nhau (do cá tính, hoàn cảnh). Nhìn theo mệnh trời là cái nhìn của Nho Giáo.
Theo cái nhìn của Phật Giáo, con người không có số phận. Cái gọi là số phận là do nghiệp quả tạo ra. Cái nhìn của Thiên Chúa Giáo về số phận là ý Chúa. Chúa cắt đặt cho mỗi người một hoàn cảnh (giao cho mỗi người một số nén bạc), để qua hoàn cảnh ấy mà vác thánh giá nên thánh. Con đường số phận là con đường vác thập giá chịu khổ nạn và phục sinh. Rõ ràng cách giải thích của ba hệ tư tưởng trên là rất khác nhau.
Trong thực tiễn, người ta tin có mệnh trời, và người Công Giáo cũng tin mệnh trời ấy là ý Chúa, vì Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa quan phòng mọi sự “ngay tóc trên đầu anh em Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10.30)
Nếu đã là số phận thì tất yếu sự việc sẽ phải xảy ra như đã được đặt định. Khổng Minh tài giỏi như thần nhưng cũng không thể vượt qua số phận. Khi Ngụy Diên làm tắt ngọn chủ Đăng, Khổng Minh biết số mình đã hết. Tư Mã Ý nhìn thấy một ngôi sao to, sắc đỏ tía, ánh tỏa ra như có sừng, từ phương đông bắc bay sang phương nam, rồi sao xuống trại Thục. Ba lần sa xuống, ba lần vực lên, tiếng chuyển ầm ầm. Tư Mã Ý biết Khổng Minh đã chết. Sấm trạng Trình (Nguyện Bỉnh Khiêm) cũng được người đời truyền tụng và thêu dệt thành huyền thoại, ít nhiều ứng với lịch sử Việt nam mấy trăm năm qua. Nhà Nho đến 50 tuổi thì biết mệnh trời “ngũ thập tri thiên mệnh”. Họ sống thuận theo mệnh trời.
Như vậy, các tôn giáo đều đưa ra các lý giải về số phận đời người. Tất cả đều nhằm mục đích hướng thiện. Nhưng chính con người làm nên số phận của mình và số phận do “ma đưa lối quỷ đưa đường/ cứ tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Người ta cũng nói đến “đức năng thắng số”. Người ta nhờ ăn ở phúc thiện có thể thắng được số phận. Chúa Giêsu biết rõ số phận của Giuđa, nhưng Người cũng không cứu được hắn, mặc dù Người đã cảnh tỉnh hắn nhiều lần, nhưng hắn đã thuộc về bóng tối, và bóng tối đã dẫn hắn đi con đường bán Chúa rồi treo cổ tự tử (Mt 27. 3-5)..
Vấn đề là, trời, Thiên mệnh, có phải là Thiên Chúa, là thượng đế hay không?
Câu trả lời là không phải, tuy có đôi chỗ tương đồng. Trời là ý niệm dân gian. Thiên Mệnh là ý niệm của Nho giáo phục vụ cho nhà nước Phong Kiến (Vua là con Trời, thay trời hành đạo). Thiên Chúa là ý niệm tôn giáo của Thiên Chúa Giáo (từ đa thần chuyển sang độc thần). Thượng đế là ý niệm của triết học (Đấng Tuyệt Đối, Chân lý tuyệt đối)
8. CỰU ƯỚC - SÁCH LỊCH SỬ CỦA NGƯỜI DO THÁI
Sáng Thế Ký chỉ là một dạng truyện thần thoại, như kiểu Truyện Họ Hồng Bàng của Việt Nam, bởi ngày nay khoa khảo cổ học đã chỉ ra nguồn gốn con người ngày nay (Homo Sapiens) là từ đông Phi cách nay 200.000 năm. Không có vườn địa đàng.
Và rồi Đức Chúa tuyển chọn Abraham. Thiên Chúa phán với Abram: "Hãy đi khỏi xứ sở của ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi, đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn. Ta sẽ chúc lành cho ngươi và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành. Ta sẽ chúc lành cho những ai chúc lành ngươi, ai mà nói động đến, Ta sẽ chúc dữ. Mọi thị tộc trên trần thế sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau". (St 12, 1-2). Abraham từ Ai Cập đến miền Ne-ghep, rồi ở lại Ca-na-an. Đức Chúa lập Giao Ước với Abraham thế này: ”Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này, từ sông Ai Cập đến sông Cả tức song Êu-phơ-rát, đất cua3 những người Kê-ni, Cơ-nat, Cát-môn, Khết, Pơ-rit-di, Ra-pha, E-mô-ri, Ca-na-an, Ghia-ga-si và Giơ-vút” (St 15, 18-19)
Hành trình của Cựu Ước là hành trình thành lập một nước Israel, từ việc đi tìm đất hứa, thiết lập nhà nước, phong vương… Thiên Chúa đã Giao Ước với Abraham, một người được tuyển chọn từ thị tộc Thare sống tại Ur gần vịnh Ba Tư, Ur cũng thường được gọi là Chalđê..Cựu ước từ đầu đến cuối là một lời hứa. “Ta sẽ giữ lời Ta đã thề với Abraham cha ngươi, Ta sẽ cho dòng giống ngươi nên đông đảo như sao trên trời. Ta sẽ ban cho dòng giống ngươi tất cả xứ này. Mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau”.
Sách Xuất Hành kể chuyện Môise đưa dân Israel ra khỏi Ai Cập. Dân Israel ở Ai Cập 430 năm (Xh 12.40). “Cuộc xuất hành thường được cho là đã xảy ra vào hạ bán thế kỷ thứ XIII trước Thiên Chúa giáng sinh, dưới thời vua Pharaoh Ramsès II” (*). Khi Môise chết dân Israel vẫn còn là dân du mục. Sau đó là chinh phục đất Canaan. Sau đó là thời kỳ các thẩm phán (200 năm). Vị vua đầu tiên của Israel là Saul thuộc thị tộc Benjamin. Sau Saul là vua Davit (năm 1000 TCN), nhà vua cung nghinh Hòm Bia, làm vua Israel 40 năm, trị vì tại Giêrusalem 33 năm. Salomon kế vị cha là Đavit làm vua. Ông hoàn tất xây đền thờ. Đây là ông vua giàu có bậc nhất “Số vàng vua Salômôn thu nhập hang năm là 20.000kg... Tất cả các chén uống của vua đều bằng vàng... vua là người trổi vượt hơn tất cả các đế vương trên mặt đất về sự giàu có và khôn ngoan...”(2 Sb 9.13-24).
Salômôn làm vua Israen 40 năm, truyền ngôi cho con là thái tử Khơ-ráp-am. Hơ-ráp-am bất trung với Đức Chúa, bị Vua Ai Cập là Sisác tiến đánh Giêrusalem, Khơ-ráp-am gần bị tiêu diệt. Sau đó chiên tranh liên miên chế độ quân chủ do Salomon thiết lập sụp đổ. Đây là “kỷ nguyên của các tiên tri, một khoảng thời gian chừng 900 năm từ khoảng 1050 đến 150 trước TCGS, thật sự bắt đầu với Samuel… nhiệm vụ chính của tiên tri là khuyên răn và cảnh cáo vua” (*)
"Mồng Mười tháng Năm. Nơbuzarađan, hồng lô tự khanh, quan hầu cận trước mặt vua Babilon đến Yêrusalem. Ông đã đốt nhà của Yavê, cung điện nhà vua và tất cả các nhà ở Yêrusalem; mọi ngôi nhà to lớn đều bị lửa thiêu hủy. Quân lính Kanđu dưới quyền quan hồng lô tự khanh, đã triệt hạ tất cả các tường lũy quanh Yêrusalem.: (*) khoảng hai mươi lăm đến năm mươi ngàn người Yuđa bị đưa đi lưu đày. Giai đoạn đầu tiên trong chuyến này, phải đi độ bảy trăm dặm đến Babilon. Năm 537 trước TCGS, (vua Ky-rô nước Ba Tư ra sắc chỉ). Một năm sau khi sắc chỉ hồi hương được ký, người Dothái bắt đầu trở về lại Yuđa, nhưng không phải tất cả đều trở lại. Nhiều người đã có nhà cửa đầy đủ tiện nghi tại Babilon và đã làm ăn phát đạt, nhất định ở lại đó…
Đọc suốt Cưu Ước, ngưởi đọc hôm nay chỉ thấy các cuộc chiến tranh bộ tộc giành đất, hình thành một quốc gia. Đó là tiến trình từ bộ lạc thành bộ tộc thành quốc gia phong kiến có vua chúa cai trị. Trên nền của thực tế lịch sử đó, Đức Chúa như một lực lượng tinh thần, một lý tưởng, một định hướng con đường lịch sử. Các lãnh tụ Israel luôn lấy Đức Chúa làm điểm tựa để đoàn kết toàn dân.
Xin đọc một đoạn về Đavit:
Các cuộc chiến tranh thời vua Ða-vít (2 Sm 8:1-14)
1 Sau đó, vua Ða-vít đánh bại người Phi-li-tinh và hạ nhục chúng. Vua chiếm lấy Gát và các vùng phụ cận, khỏi tay người Phi-li-tinh. 2 Vua đánh bại người Mô-áp, người Mô-áp phải làm nô lệ cho vua Ða-vít và triều cống vua.
3 Vua Ða-vít đánh bại Ha-đát-e-de vua nước Xô-va về phía Kha-mát, khi vua này đi tái lập chủ quyền trên vùng sông Êu-phơ-rát. 4 Vua Ða-vít bắt được của vua ấy một ngàn chiến xa, bảy ngàn kỵ binh và hai mươi ngàn bộ binh; và vua Ða-vít đã cắt gân chân tất cả những con ngựa kéo xe, chỉ chừa lại một trăm. 5 Người A-ram ở Ða-mát đến cứu viện Ha-đát-e-de vua Xô-va, nhưng vua Ða-vít đã hạ của A-ram hai mươi ngàn người. 6 Vua Ða-vít đặt những trấn thủ cai trị người A-ram ở Ða-mát, và người A-ram phải làm nô lệ cho vua Ða-vít và triều cống vua. Ðức Chúa đã cho vua Ða-vít đi đâu thắng đó. 7 Vua Ða-vít lấy các khiên vàng mà tôi tớ vua Ha-đát-e-de mang, và đưa về Giê-ru-sa-lem. 8 Và từ Típ-khát và Cun, các thành của vua Ha-đát-e-de, vua Ða-vít lấy được rất nhiều đồng, sau này vua Sa-lô-môn dùng đồng ấy làm bể nước, làm cột và các vật dụng khác.
9 Nghe tin vua Ða-vít đã đánh tan toàn bộ lực lượng của Ha-đát-e-de vua Xô-va, 10 Tô-u vua Kha-mát liền sai con là Ha-đô-ram đến vấn an và chúc mừng vua Ða-vít vì vua đã chiến đấu với Ha-đát-e-de và đánh bại vua ấy - đó là vì vua Tô-u cũng đã khai chiến với Ha-đát-e-de. Vua Tô-u còn gởi tặng vua Ða-vít đủ thứ vật dụng bằng vàng, bạc và đồng. 11 Vua Ða-vít cũng thánh hiến cho Ðức Chúa tất cả các vật dụng ấy cùng với vàng bạc vua đã lấy được của tất cả các dân Ê-đôm, Mô-áp, con cái Am-mon, Phi-li-tinh và A-ma-lếch.
12 Ông Áp-sai con bà Xơ-ru-gia đánh bại quân Ê-đôm tại thung lũng Muối, giết chết mười tám ngàn người. 13 Ông đặt những trấn thủ cai trị tại Ê-đôm. Toàn dân Ê-đôm phải làm nô lệ vua Ða-vít, và Ðức Chúa đã cho vua Ða-vít đi đâu thắng đó.”
Đọc Cựu Ước, người Việt Nam hoàn toàn xa lạ với một dân tộc không hề có quan hệ gì với lịch sử dân tộc mình. May ra người Việt Nam nhớ được vài tên tuổi như Abraham, Davit, Solomon. Các vị này được biết đến như những người kiệt xuất khôn ngoan, tài giỏi dũng lược và giàu có. Hỡi ơi, đâu có biết rằng cả Davit và Solomon cũng có những mặt rất kém cỏi về đạo đức.
Davit thấy nàng Bat Se-va tắm liền cho người bắt về và ăn nằm với nàng. Sau đó Davit lập mưu cho chồng nàng là U-ri-gia ra trận, để địch giết chết (tội gian dâm và giết người) [18]. Solomon có 700 vợ và 300 thiếp, bỏ Đức Chúa mà tôn thờ thần ngoại, bị Đức Chúa nổi giận giành lại quyền bính chỉ để cho một chi tộc [19]
Đức Chúa của người Israel chỉ là một vị Thần (vị thần hay ghen tương và độc đoán), nhiều đoạn trong Cưu Ước chỉ nói Đức Chúa nói với… không miêu tả cụ thể chân dung như thế nào. Có khi đức Chúa hiện ra trong thị kiến. Nhưng rõ nhất là Môise và Đức Chúa. Người đọc hôm nay có cảm giác Đức Chúa như một tù trưởng, một già làng, một người dấu mặt, quyền uy (hoặc chỉ là nhân vật các lãnh tụ Israel dựng nên để nhờ sức mạnh thần linh mà quy tụ toàn dân).
Xin đọc: Ông Môise diện kiến với Đức Chúa, sau đó ở trên núi Sinai 40 ngày Ông Mô-sê từ trên núi xuống với dân và bảo họ giữ mình cho khỏi nhiễm uế; họ giặt quần áo. 15 Ông Mô-sê bảo dân: "Trong ba ngày, anh em phải chuẩn bị sẵn sàng. Ðừng gần gũi đàn bà."
16 Ðến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh. Toàn dân trong trại đều run sợ. 17 Ông Mô-sê đưa dân ra khỏi trại để nghênh đón Thiên Chúa; họ đứng dưới chân núi. 18 Cả núi Xi-nai nghi ngút khói, vì Ðức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. 19 Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. 20 Ðức Chúa ngự xuống trên núi Xi-nai, trên đỉnh núi. Người gọi ông Mô-sê lên đỉnh núi, và ông đi lên. 21 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê: "Hãy xuống cảnh cáo dân đừng kéo nhau lên để xem Ðức Chúa, kẻo nhiều người phải lăn ra chết“ (Xh 19. 14-21)
Chỉ thị sau đây của Đức Chúa chẳng khác gì của một người trần gian:
1 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê rằng: 2 "Hãy bảo con cái Ít-ra-en là phải đóng góp vào việc thờ phượng Ta. Các ngươi hãy nhận phần đóng góp nơi những người nhiệt tâm. 3 Ðây là phần đóng góp các ngươi sẽ nhận của họ: vàng, bạc và đồng, 4 vải đỏ tía, vải điều, vải đỏ thẫm, vải gai mịn và lông dê, 5 da cừu nhuộm đỏ, da cá heo và gỗ keo, 6 dầu thắp đèn, hương liệu để chế dầu tấn phong và làm hương thơm, 7 hồng mã não và ngọc quý để nhận vào áo ê-phốt và túi đeo trước ngực. 8 Chúng sẽ dựng cho Ta một nơi thánh để Ta ngự ở giữa chúng. 9 Theo như các mẫu chính Ta sẽ chỉ cho ngươi: Nhà Tạm và mọi đồ dùng, các ngươi sẽ làm như vậy. (Xh 25. 1-9)
Giống như vua chúa trần gian gom góp vàng bạc lụa là trong dân.
Trong 10 Điều răn của Đức Chúa, cũng có điều rất trần tục:
5 Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Ðối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông.6 Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. (Xh 20. 5-6)
Chẳng khác gì lệnh tru di tam tộc của vua chúa phong kiến đối với nghịch thần.
Và vì Đức Chúa chỉ là một vị thần nên người Israel sẵn sàng bỏ vị thần Đức Chúa mà thờ các thần khác. Điều này đã diễn ra suốt lịch sử Cựu Ước, từ dân đến Vua.
Như vậy quá trình chuyển hóa từ vị thần Đức Chúa thành Thiên Chúa toàn năng là một quá trình lịch sử, do trình độ nhận thức của dân Israel (từ cảm tính đa thần đến lý tính triết học), và do yêu cầu tách thần quyền khỏi thế quyền, Đức Chúa không còn hiện diện như một vị vua trần gian đòi vàng bạc lụa là nữa.
9. CON ĐƯỜNG CỦA TÔI
Tôi kính trọng những thánh nhân đã đi trước tôi, và tôi học được ở họ nhiều điều.
Đạo Nhân Nghĩa của Khổng Tử có giá trị nhân bản. “Nhân là yêu người”. Bất nhân chính là hạng thú vật. Thuyết Thiên Mệnh đáng suy nghĩ. Sống thuận theo Thiên Mệnh có lẽ là cách sống phù hợp với người trí thức. ”Bất tri mệnh vô dĩ vi quân tử dã“ (Luận ngữ, thiên Nghiêu Viết)... Không biết mệnh không phải là người quân tử. Con người có số mệnh, điều này ai cũng trải nghiệm, bởi nếu không có số mệnh thì ai cũng có thể làm vua. Số mệnh thể hiện rõ trên sắc tướng. Những người tai to mặt lớn, khí phách, đường bệ thì ở trên thiên hạ. Những kẻ trán nhọn, tai lép, mặt chuột luôn là kẻ tiểu nhân hiểm ác. Giàu, nghèo, sang, hèn, thọ, yểu đều có số.
Đạo “vô vi” của Lão Tử, thực ra là sống thuận theo tự nhiên, giữ lấy cái tự tánh trời sinh, trở về với uyên nguyên bản thể của mình, “Trời, đất cùng ta cùng sinh mà muôn vật cùng ta là một”(Trang Tử), Đạo Đức Kinh có nhiều lời khuyên quý giá về kinh nghiệm sống ở đời:
“Vi vô vi; sự vô sự; vị vô vị. Đại tiểu, đa thiểu. Báo oán dĩ đức. Đồ nan ư kì di; vi đại ư kì tế. Thiên hạ nan sự, tất tác ư dị; thiên hạ đại sự, tất tác ư tế. Thị dĩ thánh nhân, chung bất vi đại, cố năng thành kỳ đại. Phù khinh nặc, tất quả tín; đa dị tất đa nan. Thị dĩ thánh nhân do nân chi, cố chung vô nan dĩ”.
(Làm cái “vô vi”, lo cái “vô sự”, nếm cái “vô vị”; xem cái lớn là nhỏ, coi cái nhiều là ít, lấy đức báo oán. Tính việc khó từ dễ, làm việc lớn từ nhỏ. Nên việc lớn, việc khó trong thiên hạ đều khởi từ chỗ tế nhị, dễ dàng. Thế nên thánh nhân suốt đời không làm lớn, mới thành việc lớn. Ôi kẻ nói dễ ai mà dám tin? Dễ nhiều thì khó nhiều.Thánh nhân coi cái gì cũng là khó, nên suốt đời chẳng hề gặp việc khó” (Chương 63 Đạo Đức Kinh- Khai.K. Pham dịch)
Lời dạy của Phật: "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác” có thể làm kim chỉ nam để mình tự tìm lấy con đường giải thoát cho chính mình. Tứ Diệu Đế, Thuyết Tánh Không và Vô Ngã Tánh không giải quyết được những vấn đề của con người. Bởi con người, dù lý luận thế nào về Vô thường, nó vẫn tồn tại trong đời với những quan hệ xã hội phức tạp, nó phải đối mặt giải quyết mọi vấn đề của chính nó, tư tưởng Phật Giáo không giúp giải quyết được những vấn đề xã hội, khi những bất công xã hội vẫn còn đó, những thế lực áp bức chà đạp con người vẫn còn đó, khi tội ác ngày càng tăng lên. Từ khi Phật đắc đạo đến nay, sinh, lão, bệnh, tử vẫn còn đó, không giải quyết được gì.
Phật giáo phủ nhận đời sống, nhưng chính sự sống là điều kỳ diệu nhất của Thượng Đế. Luật nhân quả chỉ là một luật trong tự nhiên bên cạnh nhiều luật khác. Nhân quả không thể lý giải mọi vấn đề nhân sinh và tâm linh. Ngoài luật nhân quả, trong thiên nhiên còn có luật vạn vật hấp dẫn, kinh tế có luật cung cầu, nhân sinh có luật trẻ già rồi chết... Hơn 2 triệu người Việt chết đói năm 1945 chẳng lẽ kiếp trước của họ sống ác? 6 triệu người Do Thái bị Hitler giết, chẳng lẽ kiếp trước cũng là những kẻ giết người? Nếu thế thì chính là bào chữa tội lỗi cho thực dân phát xít rồi. Có điều thiện nghiệp hay ác nghiệp, cũng đều là nghiệp, là dây trói, nên Phật giáo không quan tâm đến những tội ác của lịch sử chăng?
Thiên Chúa Giáo trong Cựu Ước, như đã tìm hiểu, đó là lịch sử của người Do Thái, chẳng liên quan gì đến đức tin Công Giáo sau này. Đức Giêsu là người Do Thái, Người nói đến Cựu Ước là bởi Người giảng đạo cho người Do Thái. Người Việt Nam không thể lấy Cựu Ước làm Kinh Thánh cho mình.
Nền tảng Kinh Thánh Công Giáo theo Tân Ước là Đức Giêsu. Bài giảng trên núi về Tám Mối Phúc đã chỉ rõ. Nước trời thuộc về nhữnng người lương thiện, khó nghèo khao khát đời công chính. Bởi Nước Trời là của họ."Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ” (Mt.5, 3-12). Trong ngày cánh chung, khi Đức vua phán xử, Người cũng căn cứ trên hành động cụ thể của mỗi người đối với người nghèo khổ (Mt 25, 34-40).
“Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm".
Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống; có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc ? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến thăm đâu ?"
Để đáp lại, Đức Vua sẽ bảo họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy".
Con đường theo Đức Giuêsu chỉ có hai điều: mến Chúa và yêu người (người nghèo khổ)
Một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Môi-sê, điều răn nào là điều răn lớn nhất?".
Đức Giê-su đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình". (Mt 22.35-40)
Vâng, nếu ai cũng thực hiện lời đạy của Đức Giêsu thì thế giới này đã là Thiên Đàng rồi.
Đức Giêsu nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Người cũng khẳng định: ”Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu”. Kinh thánh đã chỉ ra Đức Giêsu có quyền năng trên sự chết (Nazarô. Ga 11, 1-44), trên quỷ thần (Mt 28, 28-34) và trên quy luật tự nhiên (dẹp yên biển động-Mt 8.23-27). Hai nhân chứng vĩ đại cho sự thật về Đức Giêsu là Tôma (Ga 20, 19-29) và Phaolo trên đường Đamas (Tông Đồ Công Vụ 9, 1-19). Ở Việt Nam đã có hàng trăm ngàn người tử đạo về đức tin vào Đức Giêsu. Đó là những nhân chứng về sự thật. Đó cũng là Con Đường mà họ đã chọn lựa. Đó cũng là điều mà Pilat đã hỏi Đức Giêsu: ”sự thật là gì?”
Đức Giêsu khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” (Ga 18-36)
Khi biến Giáo hội thành Nhà nước với quyền lực, lãnh thổ, tiền bạc, chức tước... như Nhà nước trần ngian, ấy là đã sai với Đức Giêsu dạy.
Nhà nước Roma trong lịch sử đã có quá nhiều sai lầm, từ Thánh chiến đến Tòa Dị giáo: Năm 1200, Giáo hoàng Innocent III thiết lập tòa án dị giáo, và phát động Thập tự chinh. Năm 1233, Giáo hoàng Gregory IX công bố hình phạt dị giáo. Năm 1252, Giáo hoàng Innocent IV cho phép tra tấn, và ra lệnh thiêu sống bất cứ người nào chống lại Công giáo. Nhiều Giáo hoàng hư hỏng...
(Dẫn theo Diễn đàn lịch sử: http://webcache.googleusercontent.com/)
Tôi tin Đức Giêsu nhưng không tin Giáo hội trần gian nhân danh Ngài là nước Vatican. Vì nước của Đức Giê-su không thuộc về thế gian này. (Ga 18-36)
10. LỜI CUỐI
Tôi hoàn toàn thanh thản vì tự nhận thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ xã hội, không vướng mắc điều gì. Suốt đời gắng giữ thiện tâm. Tôi cũng đã hỷ xả mọi chuyện ở đời với tha nhân. Mọi dự định của đời tôi, tôi đều đã làm được, và đạt được 40% ý nguyện (bởi trong Tử vi của tôi, sao Thiên Hư theo sát năm hạn suốt đời, nên làm việc gì cũng chỉ đạt 40% là cùng). Xét lại cuộc đời mình, tôi thấy mình làm gì cũng chịu thiệt. Càng làm càng thiệt. Tôi tuổi Sửu, tuổi trâu. Làm trâu chỉ biết cày cho người khác hưởng (Mệnh vô chính diệu, đắc tam không, Thân vô chính diệu có Thiên Cơ-Hóa Khoa xung chiếu). Tôi nghĩ, cứ coi phần mình bị thiệt ấy là phần phúc dành cho con cháu. Đối với người Việt, phúc đức là cái gốc của tất cả. Vô phúc thì thật bất hạnh. Và tôi bằng lòng với cách giải thích ấy.
Sống ở đời, tôi thấy con Người bị chi phối hoàn toàn bởi Bản năng và Định mệnh (Freud và Thiên mệnh đúng). Trong xã hội, con người phải chịu bao nhiêu hệ lụy, bị trói buộc bằng bao nhiêu thứ dây trói: Chính trị-tổ chức, pháp luật, văn hóa, tôn giáo, đạo đức, tình cảm, (triết học K.Marx đúng), giải quyết những vấn đề tâm linh thì tôn giáo đúng, thế nhưng lại có nhiều tôn giáo giải thích vấn đề rất khác nhau, thành ra không biết tôn giáo nào đúng…
Tôi đã nỗ lực hết sức mình, vắt kiệt sức cho những ước vọng, cuối cùng, trong tay chỉ có đồng xu của bà góa (trong Kinh Thánh). Định mệnh là thế.
Tôi cố dùng trí tuệ nhận thức xem trong lời dạy của các bậc thánh nhân đâu là sự thật, đâu là chân lý. (chữ sự thật và chữ chân lý có hàm nghĩa khác nhau). Nói sự thật là nói đúng bản chất sự việc, không vì mục đích tuyên truyền mà xuyên tạc sự thật. Chân lý là sự thật vĩnh cửu, thí Có sinh thì có tử, một quy luật hiển nhiên từ nghìn xưa tới nghìn sau, đúng với mọi tạo vật, kể cả thánh nhân. Tất cả các thánh nhân đều đã chết, thành ra thánh nhân cũng chỉ là những kẻ đi lừa người khác.
Rằng, có một sự thật là, mọi nhận thức của con người xuất phát từ não bộ. Một bộ não dù vĩ đại đến đâu cũng có giới hạn. Thế có nghiã, mọi nhân thức của nhân loại từ xưa đến nay cũng là nhận thức trong giới hạn, nhiều lắm là nắm bắt được một nửa chân lý, vì thế nhân loại đi từ lầm lạc này đến lầm lạc khác. Lịch sử nhân loại là lịch sử của sự lầm lạc.
Toán học là khoa học nhận thức chân lý bằng những gì chứng minh được, vậy mà định đề Euclid lại chỉ ra rằng, những gì chứng minh được lại phải dựa trên những gì không thể chứng minh. Định lý bất toàn của Kurt Gödel (Theorem of Incompleteness) đã chỉ ra “Bất kỳ cái gì có thể khoanh một vòng tròn quanh nó đều không thể tự giải thích về bản thân mình mà không tham khảo tới một cái gì đó ở bên ngoài vòng tròn - một cái gì đó mà bạn coi là đúng nhưng không thể chứng minh”.[21]
Như vậy bên ngoài vũ trụ này nhất định còn có một vũ trụ khác, và muốn hiểu vũ trụ này thì không thể đứng bên trong vũ trụ mà có thể hiểu được. Phải vượt ra ngoài khoa học để hiểu khoa học, đó là đức tin. Nguyên lý bất định của Heisenberg cũng chỉ ra rằng trên thế giới còn tồn tại những sự việc, những lĩnh vực không tài nào quan sát hay nghiên cứu được [22]. Nói cách khác, khoa học không bao giờ có thể hiểu được tất cả, mà cần phải dựa vào đức tin. Những gì gọi là mạc khải hay đốn ngộ là không thể chứng minh và không thể dùng lời để diễn tả.
Và tôi tin rằng có một thế giới không phải là vũ trụ vật chất này, nơi đó linh hồn con người tồn tại. Linh hồn không là vật chất nên không còn chịu sự tác động bởi những quy luật vật chất, nghĩa là không còn sinh tử, không còn khái niệm nhị nguyên như sướng khổ, vinh nhục. Con người hoàn toàn tự do…
Và Thượng Đế là gì thì con người không thể hiểu, không thể giải thích, không thể hình dung. Trong nhận thức của con người, chết là hết, vĩnh viễn hư không và đời này thật vô nghĩa và phi lý. Con người sinh ra trong cõi đời này để làm gì? Thượng Đế vĩ đại chẳng cần gì ở con người cả. Ngài chẳng cần con người phải ca ngợi. Tôi ghét nhất cái mặc cảm con người là tội lỗi, và vì thế nó phải mang ơn thượng đết, phải cúi đầu cảm tạ thượng đế. Thượng đế cần gì sự ngợi ca của một hạt cát! Hóa ra con người tự hù dọa chính mình (xin đừng nói tôi ảnh hưởng Nietzsthes)
Sáng Thế Ký nói rằng Đức Chúa dựng nên tất cả, và tất cả đều tốt đẹp. Tôi là một phần tốt đẹp mà Ngài đã tạo nên. Vì thế, nếu tôi từ giã cuộc đời này, thì đó là một niềm hân hoan miên viễn của sự trở về với Thượng đế, cội nguồn của cái đẹp.
Chú thích:
(1) Câu 2, Sách Giảng Viên.
(2) Ngũ uẩn: năm yếu tố tạo thành thân tâm con người; có tính chất dính mắc, bám víu; gồm: sắc - thọ - tưởng - hành - thức.
(3) Lê Sỹ Minh Tùng :Ngũ Uẩn và căn nghiệp của con người-http://www.thuvienhoasen.org/
(4) Sự Tích Đức Phật, Nxb Tổng hợp Tp HCM 2011. Tr406.
(5) Thích Thiện Siêu - http://www.thuvienhoasen.org/)
(6) Thích Thông Huệ - Thuyết Nhân Quả: http://www.daophatngaynay.com/vn/
(7) Nhiên Như - Quảng Tánh: Trầm tư về các loại cô hồn “Truy y thích tử chi lưu”: http://www.thuvienhoasen.org/
(8) Sư Phrathepyanmahamuni, Viện trưởng tu viện Wat Phra Dhammakaya, Thái Lan (http://www.thuvienhoasen.org/)
(9) Về thái độ của đảng công nhân đối với tôn giáo - V.I.Lenin toàn tập, tập 15, Nxb Sự Thật Hà nội 1972, tr 575-593.
(10) Sự sống trên Trái đất có nguồn gốc từ vũ trụ-http://www.khoahoc.com.vn/
(11) Bách khoa toàn thư- Lịch sử trái đất
(12) Xh 34,14 - Mười điều răn, sách Đệ Nhị Luật (Dnl 5, 7, 8)
(13) Sách Các Vua quyển I. (I V 11, 5-9)
(14) Từ năm 1095, thời Giáo hoàng Urbanô II, những cuộc Thập Tự Chinh bùng phát. Đó là hàng loạt chiến dịch quân sự tại khu vực Đất Thánh (Jerusalem) và những nơi khác. Trong suốt những cuộc viễn chinh, những đoàn quân Thập Tự đã thẳng tay tàn sát, cướp bóc, thậm chí cá biệt có nơi còn ăn thịt người Hồi giáo, hoặc cổ động cả trẻ em vào cuộc chiến, dẫn đến việc hàng ngàn trẻ em bị bắt bán làm nô lệ.
(15) Năm Tín Lý Duy Nhất: 1/ Duy Ân Điển: Chỉ bởi ân điển mà con người nhận lãnh sự cứu rỗi, không phải bởi công đức. 2/ Duy Đức Tin: Đức tin dẫn đến sự xưng công chính và việc lành”. 3/ Duy Kinh Thánh : Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, là thẩm quyền và mặc khải duy nhất đến từ Thiên Chúa được ban cho mọi người (nghĩa là mọi người có thể hiểu và tự giải thích Kinh Thánh), phủ nhận quyền giải thích Kinh Thánh bởi Giáo Hoàng. 4/ Duy Chúa Cơ Đốc: Chúa Cơ Đốc là Đấng Trung bảo duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Không phải Maria , hoặc các thánh, cũng không phải linh mục. 5/ Duy Thiên Chúa được tôn vinh: Mọi vinh hiển đều dành cho Thiên Chúa, vì sự cứu rỗi là công việc bởi tay Ngài làm - không chỉ là sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu trên thập tự giá,
(16) Các lần kết tập kinh điển Phật Giáo: Các kinh điển được sắp xếp lại sau những lần kết tập. Lần kết tập I ngay sau khi Đức Thích Ca nhập Niết Bàn, soạn các bộ Kinh A Hàm làm kinh điển cho Phật Giáo Nguyên Thủy. Lần kết tập thứ IV sau 400 năm, sắp xếp lại Tam Tạng Kinh.
(*) Lịch Sử Ơn Cứu Độ - ĐGM Jos Vũ Đức Minh.
Ramses II trị vì Ai Cập trong khoảng 68 năm, từ năm 1304 đến năm 1237 trước Công nguyên là vị vua thứ 3 của Triều đại thứ 19, và là một trong những pharaoh có tầm quan trọng nhất thời đó. Ông được ghi nhận là người sáng lập nên Ai Cập cổ vì đã xây dựng hoặc cho mở rộng nhiều ngôi đền trong triều đại của mình hơn bất cứ vị vua nào khác.
(17) Hồ Trung Tú - Freud và Phật Giáo-nguồn: Tia Sáng
http://www.hoalinhthoai.com/
(18) Sách Sử Biên Niên quyển 1 (1Sb 18. 1-13)
(19) Sách Sa-mu-en quyển 2, chương 11 (2 Sm 11,2-17)
(20) Sách Các Vua quyển 1, chương 11 (1 V 11 1-13)
(21) Phạm Việt Hưng -http://vietsciences.free.fr và http://vietsciences.org/
(22) Nguyên lý bất định trong Cơ Học Lượng Tử - Vietsciences -GS Trịnh Xuân Thuận - http://vietsciences.free.fr/.
Tháng 1.2013
Bùi Công Thuấn
Theo http://buicongthuan.blogtiengviet.net/

  Thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm 31 Tháng Bảy, 2023 Đặt vấn đề thơ Trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tô...