Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Phạm Duy và Văn Cao

Phạm Duy và Văn Cao
(Nhân đọc bài Phạm Duy nhìn từ phía con trai của Văn Cao)
Thời gian gần đây, trên các mạng truyền thông có phổ biến một bài tựa đề: Phạm Duy nhìn từ phía con trai của Văn Cao, phỏng vấn Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao. Bài phỏng vấn này có những lời liên quan đến hai nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy và cả chính tôi qua bài Văn Cao (1923-1995) [1] nên tôi buộc lòng phải lên tiếng.
1- Anh Văn Thao viết:
"Thụy Khuê đã trích dẫn hồi ký của nhạc sĩ Văn Cao về bài Tiến quân ca in trên tạp chí Sông Hương số 26 tháng 7&8 năm 1987 để gán cho Phạm Duy là người có công tham gia trực tiếp trong những ngày Cách mạng tháng Tám - điều mà chính Phạm Duy cũng không dám nghĩ đến! "Cha tôi viết hồi ký "Tại sao tôi viết Tiến quân ca?" vào ngày 7-7-1976 tại Hà Nội. Một nhân vật trong hồi ký mà cha tôi viết tắt nguyên là chữ “Ph.Đ”. Do lỗi đánh máy, Sông Hương in mất dấu thành “Ph.D”. Vì vậy mới có chuyện để nhà văn Thụy Khuê suy diễn thành Phạm Duy…"
Nhận xét:
- Anh Văn Thao cho rằng tôi "gán" cho Phạm Duy cái "công tham gia trực tiếp trong những ngày Cách mạng tháng Tám" là điều mà "Phạm Duy cũng không dám nghĩ đến".
Thực ra, Phạm Duy chẳng màng gì đến cái "công" này cả, mà trong hồi ký ông còn cố tình viết trại đi, để độc giả hiểu là ông không hề có mặt trong ngày "Việt Minh cướp chính quyền", ông chỉ tham gia kháng chiến kể từ ngày "Toàn quốc kháng chiến" mà thôi.
Việc này tôi đã viết rõ trong bài Văn Cao (1923-1995), như sau:
"Phạm Duy viết: "Sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Nhật ở Việt Nam trao trả phủ toàn quyền cho phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Để tỏ ý chí bảo vệ đất nước, vào ngày 17 tháng 8, công chức Hà Nội được lệnh của vị Khâm Sai Phan Kế Toại đứng ra tổ chức một cuộc mít tinh ở trước nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh của các ông các bà công chức đang diễn tiến thì bỗng nhiên một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả từ bao lơn của Nhà Hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của tổng công đoàn công chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt Trận Việt Minh (...)". Trong đoạn hồi ký trên đây, Phạm Duy viết rất ngắn và rất chi tiết, nhưng ông không nhắc đến vai trò của mình trong ngày 17/8/1945, ông chỉ ghi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao và trong cuốn hồi ký, ông còn cho biết những ngày ấy ông ở trong Nam. Điều đó dễ hiểu vì Phạm Duy không thể công khai nhận mình có "vai trò lịch sử" trong những ngày Việt Minh cướp chính quyền cũng như Lê Đạt không thể công khai nhận mình đã theo Quốc Dân Đảng" [2].
Nhưng Văn Cao, ngày 7/7/1976, tức là hơn một năm sau ngày thống nhất đất nước, đã viết về việc này, như sau:
"Ngày 17 tháng Tám 1945, tôi đến dự cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà Hát Lớn xuống. Bài "Tiến Quân Ca" đã nổ như một trái bom. Nước  mắt tôi trào ra. (...)
Tôi đã đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa Nhà Hát Lớn. Tôi đã nghe giọng hát quen thuộc của bạn tôi, anh Ph. D qua loa phóng thanh. Anh là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia xuống và cướp loa phóng thanh hát" [3].
- Anh Văn Thao tuyên bố: báo Sông Hương đã in lầm chữ Ph.Đ thành Ph.D.
Vậy Ph.Đ là ai? Anh giải thích:
"Ph.Đ" là Phạm Đức - người làng Kim Liên, Hà Nội. Một làng nghề có truyền thống cắt tóc. Gia đình Phạm Đức có một tiệm cắt tóc tại Hải Phòng (...) Sau này ông thường lên thăm cha tôi tại 108 Yết Kiêu, bao giờ cũng có quà cho anh em tôi."
- Nhận xét:
Nhạc sĩ Văn Cao không có lý do gì phải giấu tên một người bạn làm thợ cắt tóc, nhất là trong cả bài hồi ký, ông chẳng viết tắt tên ai, không những thế Văn Cao còn nói rõ nghề nghiệp của các đồng chí:
"Ngày hôm sau anh [Ph. D hay Vũ Quý] đưa tôi lại nhà một đồng chí thợ giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên để ăn cơm tháng".
Và Văn Cao cũng viết rất rõ ràng:
"Tôi thường nhìn Ph. D. mỗi lần anh đóng gói đi xa và lắng nghe tiếng còi tàu ngoài ga Hàng Cỏ để chờ một chuyến tàu đêm".
Văn Cao là người rất thận trọng trong chữ nghiã: Nếu Ph.D là ông thợ cắt tóc Phạm Đức, thì Văn Cao sẽ nói rõ ông Đức còn làm nghề gì nữa, nên mới hay "đóng gói đi xa". Nhất là ông Đức có tiệm hớt tóc ở Hải Phòng, sao mỗi lần đi, về, ông lại đón tầu ở Ga Hàng Cỏ?
2- Anh Văn Thao lại viết: "Trong gánh hát, lúc đầu Phạm Duy chỉ là một anh chàng chuyên làm những công việc tạp vụ: dọn phông màn, bán vé, xếp chỗ ngồi, vẽ quảng cáo… Sau một vài đêm diễn, phát hiện Phạm Duy có một giọng hát hay, ông chủ gánh hát bèn bổ sung tiết mục, cho Phạm Duy ra hát lấp chỗ trống trong thời gian thay cảnh".
Anh Văn Thao sinh năm nào mà biết rõ "lúc đầu" Phạm Duy làm những gì trong rạp hát? Sau đó anh còn xác định những chuyện Phạm Duy và Văn Cao làm trước khi anh sinh ra đời rất nhiều năm, vì vậy không tránh khỏi sai lầm.
3- Anh Văn Thao viết: "Phạm Duy gặp Văn Cao khi đó chỉ là một ca sĩ mới vào nghề, có một sáng tác đầu tay chưa được ai biết là bài Cô hái mơ (1942), phổ thơ Nguyễn Bính. Trong khi đó Văn Cao đã là một nhạc sĩ nổi tiếng Hải Phòng trong nhóm Đồng Vọng với hàng loạt ca khúc: Buồn tàn thu (1939), Thiên thai (1941), Trương Chi (1942), Suối mơ (1942), Thu cô liêu (1942), Bến xuân (1943), Cung đàn xưa (1943)… Cho nên không có chuyện "một vài bài hát… Văn Cao sáng tác cùng với Phạm Duy" như một số người đã đề cập".
Câu này phạm nhiều sai lầm:
- Trước hết có lẽ anh Văn Thao không biết câu đề tặng nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao: "Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn".
- Sau nữa, đến câu này cũng của Văn Cao: "Đầu năm nay, nó [Phạm Duy] xuống Hải Phòng. Và Buồn Tàn Thu đã được nó lôi đi hát vang lên trên các nẻo đường xứ Bắc. Và thế là người yêu nhạc chốn Hà Thành đã biết có một Văn Cao tiếp sau Đặng Thế Phong" (Nguyễn Thụy Kha, Văn Cao người đi dọc biển, trang 17).
- Trong hồi ký, Phạm Duy cũng viết y như vậy: "Trong một không khí nhạc tình lãng mạn toàn nói về mùa thu như vậy, chàng tuổi trẻ Văn Cao cũng soạn ra những bài hát mùa Thu như Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu... nhưng chưa bao giờ anh ta có cơ hội để phổ biến. Tôi sẽ là người đầu tiên đem nhạc của Văn Cao đi... nói theo lời Văn Cao đề tựa trong một bài hát - gieo buồn khắp chốn. Danh từ người du ca đầu tiên cũng do chính Văn Cao đã gán cho tôi với một sự thèm sống cuộc đời xướng ca vô loài như tôi lắm lắm!" (Hồi ký I, trang 96)
- Và câu sau này nữa của hoạ sĩ Tạ Tỵ: "Phải thừa nhận rằng, nếu không có giọng hát của Phạm Duy, nhạc Văn Cao cũng khó mà phổ biến. Trái lại nếu không có Văn Cao, chưa chắc Phạm Duy đã sáng tác! Cả hai hỗ trợ cho nhau, cùng dìu nhau đi vào bất tử" (Tạ Tỵ, Những khuôn măt văn nghệ trong đời tôi, trang 39).
- Còn về việc sáng tác chung, anh Văn Thao viết: "không có chuyện "một vài bài hát… Văn Cao sáng tác cùng với Phạm Duy" như một số người đã đề cập", cũng lại sai.
Bởi vì anh không biết câu này của hoạ sĩ Tạ Tỵ: "Khi 2 nhạc phẩm [Suối Mơ và Bến Xuân] in ra, tên Phạm Duy xuất hiện lần thứ nhất trước công chúng cùng với tên Văn Cao " (Tạ Tỵ, Phạm Duy còn đó nỗi buồn, trang 47).
Trên Internet hiện nay, ta vẫn còn tìm thấy hình chụp bản nhạc Bến Xuân (Đàn Chim Việt) do nhà Tinh Hoa in lần thứ ba năm 1954 ở Hà Nội, đề tên Văn Cao và Phạm Duy.
Bản nhạc Bến Xuân (Đàn Chim Việt) T.H. 282,
do nhà Tinh Hoa in lần thứ ba năm 1954 - Hà Nội
Sau này ở Sài Gòn, Phạm Duy rút tên mình ra khỏi hai bản nhạc sáng tác chung có lẽ vì ông muốn dành trọn vẹn cho Văn Cao. Nhưng công chúng và văn nghệ sĩ vẫn coi hai bản nhạc này là sáng tác chung của Văn Cao và Phạm Duy, từ năm 1942. (Xem Internet)
Khi Đỗ Hữu Ích tranh chấp về bản quyền Tiến Quân Ca, tôi hỏi nhạc sĩ Phạm Duy về vụ này, ông cho biết: "Thời đó hay sáng tác chung. Chắc nó [Đỗ Hữu Ích] có viết mấy câu, nhiều ít thế nào moa không nhớ rõ."
4- Anh Văn Thao lại còn viết: "Kể lại cho tôi nghe sự kiện này, tôi thấy giọng cha tôi nghèn nghẹn: "Bố bất ngờ nhất là việc bác Đức đen nhảy xuống cướp loa phóng thanh, hát vang bài Tiến Quân Ca. Và hàng vạn quần chúng nhân dân cùng đồng thanh hát ầm vang cả quảng trường. Nước mắt bố trào ra... Vậy mà sau này vẫn có người nhận mình là người treo cờ hôm đó ". Cha tôi lặng đi. Chén rượu trên tay run rẩy..."
Nhạc sĩ Văn Cao khó có thể nói câu: "Vậy mà, sau này vẫn có người nhận mình là người treo cờ hôm đó" vì chẳng có ai nhận xằng như vậy cả.
Trong suốt thời gian ở hải ngoại, Phạm Duy là người đã viết những bài hay nhất và đúng nhất về Văn Cao, ông luôn luôn tương kính và nhún mình: Văn Cao tài hơn tôi, giỏi hơn tôi.
Văn Cao cũng đã đáp lại tình bạn cao cả ấy.
Khi sửa lại Ph.D là Phạm Đức, và đổ lỗi cho báo Sông Hương in nhầm, anh Văn Thao đã vô tình hạ thấp giá trị của cha mình: được hát bởi một ông thợ hớt tóc vô danh thay vì nhạc sĩ Phạm Duy.
5- Anh Văn Thao vẫn tiếp tục lối kể những chuyện "xẩy ra" khi anh chưa ra đời hoặc anh vẫn còn nằm trong bụng mẹ (Văn Cao làm lễ cưới  sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/46, ở Liên Khu Ba, thôn Ba Thá), anh Văn Thao lại viết:    
"Cuộc chia tay giữa hai người lần này [quán Biên Thuỳ năm 1947] không vui vẻ lắm vì trong thời gian này Phạm Duy “phải lòng” một cô gái nhảy xinh đẹp là nhân viên hoạt động trong đội điều tra của Văn Cao. Không chấp nhận được điều đó, Văn Cao tức giận, đuổi Phạm Duy đi."
Không những thế anh còn ghi nhớ được cả những lời cha anh khuyên nhạc sĩ Phạm Duy, cũng trong khoảng thời gian này: 
"Ông đã thẳng thắn khuyên Phạm Duy: "Thế mạnh của mày là ở dân ca. Hãy khai thác và đưa chất liệu dân ca vào những sáng tác của mình. Tao tin mày sẽ thành công. Cần tìm cho mình một con đường, một phong cách riêng…". Sau cuộc gặp gỡ này, hàng loạt những ca khúc của Phạm Duy đã ra đời."
Rồi những năm sau, khi anh đã trưởng thành ở miền Bắc, anh Văn Thao còn ghi nhận được cả những lời Phạm Duy tuyên bố ở Mỹ nữa:
"Sau này ở miền Nam, trong một lần được mời sang Mỹ giảng dạy về Âm nhạc phương Đông, Phạm Duy đã phát biểu: "Tôi được vinh dự này, xin cảm ơn một người bạn và cũng là một người thầy của tôi là nhạc sĩ Văn Cao hiện đang sống ở miền Bắc Việt Nam".
Nhất là câu cuối cùng trong bài phỏng vấn, người phỏng vấn người được phỏng vấn đồng lòng với nhau để đưa vào miệng Văn Cao câu nói sau này:
"Nhạc sĩ Văn Cao đã nhận xét về thái độ chính trị của Phạm Duy "Ai cũng có điểm dừng, chỉ có Phạm Duy là không có giới hạn" ý nói về những bài ca, những phát ngôn của Phạm Duy (ở Sài Gòn và ngoại quốc). Ông có nhận xét gì về những nhận xét đó của cha mình?
Văn Thao: Cha tôi đã nhận xét đúng về Phạm Duy. Về một khía cạnh nào đó mà tôi được biết, nhận xét này của ông còn có phần nương nhẹ đối với Phạm Duy"
Ai dám tự cho mình quyền phán xét Phạm Duy, mà nhẹ hay không nhẹ?
Nhạc sĩ Văn Cao từ giã cõi đời năm 1995. Chắc không bao giờ ông có thể ngờ rằng năm 2019, sẽ có người đưa vào miệng ông những câu nói như thế này về nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của ông đi khắp chốn.
Chú thích:
Bài Phạm Duy nhìn từ phía con trai của Văn Cao, có thể đọc được ở điạ chỉ sau đây:
Bản 2017: http://honvietquochoc.com.vn/
Bản 2019: http://www.lethieunhon.vn/
Bản 2019: http://thoibao.com/
[1] Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, chương 13, Văn Cao (1923-1995), nxb Tiếng Quê Hương, Virginia 2012. Bản điện tử trên Internet.
[2] TK, Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, chương 13, Văn Cao (1923-1995) trang 332-333.
[3] Văn Cao, Hồi ký, Bài Tiến Quân Ca, Sông Hương số 26 tháng 7&8 năm 1987.
9/7/2019
Thụy Khuê
Theo http://thuykhue.free.fr/

Quê hương ngày trở lại 2

Quê hương ngày trở lại 2
VI- DÒNG HỌ NGUYỄN TƯỜNG Ở HỘI AN
Hội An
Hội An nay đã khác xa hơn hai mươi năm về trước, khi tôi đến lần đầu. Lúc đó, Hội An chỉ là một phố thị nhỏ, bên bờ sông Thu Bồn, với một con phố chính, lác đác nhà cổ và dăm ba cửa hàng bán đồ tơ lụa, kỷ niệm, nhưng rất thơ mộng vì những chiếc đèn lồng Nhật Bản treo trước cửa hàng, dư âm của một thời xa xưa còn đọng lại.
Hội An nay đã trở thành nơi đô hội mà khách lịch phải “đắm say”, nhờ sự pha trộn khéo léo giữa cảnh quan và văn hoá: những “phố cổ mới” (mới được trùng tu hay mới xây dựng thêm) phát triển khá nghệ thuật. Hội An bây giờ chen lẫn những quán cà-phê mô-đéc vận áo tứ thân lồng trong khung cảnh tân cổ giao duyên cùng những hàng quán thơ mộng, lạc lõng giấu mình trong những ngõ quanh co bên bờ nước.
Hội An là thành phố của du khách, người Nhật đa số, về đây như đi trẩy hội. Người Nhật có văn hoá cao, họ biết rõ lịch sử, họ về đây, không chỉ để du lịch mà còn để tìm lại dĩ vãng ngày xưa, thế kỷ XVII, tổ tiên họ, một số sang đây buôn bán, một số khác là giáo dân hay giáo sĩ tránh sự thanh trừng của Mạc Phủ. Người Nhật thích đi xích lô. Đến chiều, tối, bao nhiêu xích lô của phố cổ Hội An đều chở Nhật.
Ban quản trị phố cổ Hội An tổ chức những buổi nghe nhạc cổ truyền, xem múa hát cung đình không tốn tiền cho khách du lịch. Tóm lại những hình thức quyến rũ khách du lịch ở Hội An đều ít nhiều có bề dầy văn hoá. Đêm dần xuống, Hội An rơi vào một khung cảnh khác hẳn: những đèn lồng Nhật Bản bật lên như hội hoa đăng, tạo không khí ấm cúng, thơ mộng đến gần như sensuelcủa những đêm mầu hồng, mầu tím năm xưa ở các vũ trường Sài Gòn, vang tiếng hát Thái Thanh, Thanh Thúy; lại có vẻ cao sang quyền quý của những đêm hội ở kinh kỳ thời chúa Trịnh say mê Đặng Thị Huệ được Nguyễn Huy Tưởng mô tả trong Đêm hội Long Trì và sau này các giáo sĩ Tây phương đến vẫn còn say mê khâm phục.
Chùa Cầu Hội An
Hội An bây giờ cũng thanh lịch nhưng bình dân và “quốc tế” hơn, rộng mở ra sông, rồi sang sông qua cầu, sang cồn cát bên kia, xa hơn… như thể tất cả đã trở thành một đô thị xưa của đời mới, mở ra tận biển cả. Đó là cách riêng của dân ta làm cho một mảnh đất cách đây hai mươi năm còn hoang dại nay đã biến thành một thành phố nhỏ bé, xinh đẹp mà người ngoại quốc đến đây không những thích thú mà còn yêu mến vô cùng.
Người dân Hội An sống trong những phố bên trong, không liên quan gì đến thành phố của du khách bên ngoài, một số người âm thầm chìm khuất trong rừng du khách để phục vụ khách hàng và như thế cũng là một nghề. Đi dạo mỏi chân bạn nên dừng ở những quán cà phê phố cổ, trần thiết khéo, không khí đặc biệt, âm u gợi lại những thế kỷ trước. Nhưng để ăn trưa hoặc tối, nếu có thì giờ, bạn nên vào bên trong thành phố Hội An, mới có những quán ăn ngon, vì ở Hội An, đã bắt đầu thấy các món ăn Huế.
Từ đường Nguyễn Tường
Từ đường Nguyễn Tường nằm trong một ngõ khuất, bạn phải chú ý lắm mới nhìn thấy chiếc bảng nhỏ có kèm mũi tên. Nếu bạn yêu văn chương, thì nơi này quả là điểm quý giá nhất của Hội An. Ngôi từ đường này, thờ quan Binh Bộ Thượng Thư Nguyễn Tường Vân và cũng là nhân vật nổi tiếng đầu tiên của dòng họ Nguyễn Tường, dòng họ phát sinh ra Tự Lực Văn Đoàn. Tôi đến đây, cũng chỉ vì muốn tìm lại gốc gác gia đình Nguyễn Tường cho cuốn sách đang soạn về Tự Lực Văn Đoàn, và đầu tiên hết là Nguyễn Tường Vân.
Liệt truyện ghi về Nguyễn Tường Vân như sau: “Người huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, trước ngụ ở Gia Định”, câu này không rõ nghiã, trước là lúc nào, chưa biết, nhưng chắc chắn gia đình ông đã vào Gia Định sinh sống. (Nhiều chỗ ghi, theo gia phả, họ Nguyễn Tường gốc Thanh Hoá, Nguyễn Văn Xuân lại nói họ Nguyễn Tường gốc Bình Định).
Nhưng Liệt Truyện viết rất kỹ về đời ông: “Năm Bính Thìn (1796) đi thi, trúng cách nhị trường, được bổ lễ sinh ở phủ, nhắc lên viện thị thư”.
Năm Bính Thìn 1796: Nguyễn Huệ mất đã ba năm; Nguyễn Ánh đã tạm yên ở Gia Định, và chính năm này ông tổ chức lại việc học hành thi cử, theo Thực Lục, tháng 12 năm Ất Mão (tháng 1-2/1796) lập [thêm] Hàn Lâm Viện Thị Học, tháng 3 năm Bính Thìn (4-5/1796), mở khoa thi, lấy 273 người đỗ. Nguyễn Tường Vân đỗ năm 1796, tức là đỗ khoá này. Vậy đỗ theo quy luật nào?
Nhân dịp này, chúng ta cũng nên dò lại việc thi cử, vì gia phả họ Nguyễn Tường ghi Nguyễn Tường Vân đỗ tiến sĩ, chắc là không đúng.
Như ta đã biết, việc thi cử ở nước ta cho đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, vẫn theo khuôn mẫu của nhà Lê: thi Hương, thi Hội, thi Đình.
Ngoài Bắc, năm 1664, chúa Trịnh Tạc có định lại quy tắc thi Hội, và năm 1678 sửa quy tắc thi Hương. Trong Nam, năm 1674, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần quy định lại việc thi cử, lấy tên mới là Chính đồ và Hoa văn (tương đương với thi Hương và thi Hội). Đến năm 1740, chúa Nguyễn Phước Khoát có thay đổi ít nhiều, nhưng không đáng kể.
Sau khi thống nhất đất nước, năm Gia Long thứ 6 (1807) mới mở lại kỳ thi Hương đầu tiên (sáu năm một lần) và đến Minh Mạng thứ 2 (1821), mới có kỳ thi Đình đầu tiên, do Trịnh Hoài Đức làm Chủ khảo (từ đây bắt đầu ba năm thi một lần, và thời Minh Mạng là thời mở rộng việc học, việc thi cử trên toàn thể đất nước chưa từng thấy).
Như vậy, ta có thể đoán: hiếm có những kỳ thi ở Gia Định thời kỳ 1777-1790, vì là thời kỳ loạn lạc, Nguyễn Ánh còn bôn ba chưa làm chủ hoàn toàn Gia Định. Cao Xuân Dục trong Quốc Triều Hương Khoa Lục cũng không ghi lại gì về thời kỳ này, chỉ nói đại khái thời trước, người tài được giới thiệu. Và Liệt Truyện cũng ghi Ngô Tòng Châu bước đầu được bổ vào Viện Hàn Lâm, rồi thăng Chế cáo (coi việc kiện tụng)… Ngô Tòng Châu là học trò giỏi nhất của Võ Trường Toản, thầy dạy hoàng tử Cảnh, và là một trong những vị đại thần uy tín nhất của Nguyễn Vương.
Liệt truyện ghi việc ba học trò của Võ Trường Toản là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tĩnh đi thi sau khi vua lấy lại được Gia Định, tức là sau năm 1788, vậy có thể là năm 1789, hay1890 (kỳ thi này không thấy ghi trong Thực Lục).
Nguyễn Tường Vân đi thi năm 1796, vậy ông thi kỳ thi thứ hai, khoảng sáu năm sau kỳ thi tuyển Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định và Ngô Nhơn Tĩnh.
Hai kỳ thi này theo quy luật nào? Gần như chắc chắn là vẫn theo quy luật thi cử do chúa Nguyễn Phước Tần quy định năm 1674, tức là thi Chính đồ và Hoa văn.
Chính đồ có ba kỳ: kỳ một, thi tứ lục (thể văn dùng câu có 6 chữ và 4 chữ đối nhau), kỳ hai thi thơ phú, kỳ ba thi văn sách. Quan tri phủ, tri huyện làm sơ khảo, quan cai bạ, ký lục, vệ úy làm giám khảo. Đậu chia làm ba hạng: hạng nhất là giám sinh, được bổ làm tri phủ, tri huyện; hạng nhì, sinh đồ được bổ làm huấn đạo, hạng ba cũng gọi là sinh đồ được bổ làm lễ sinh hoặc làm nhiêu học. Còn Hoa văn thi ba ngày, mỗi ngày làm một bài thơ, ai đậu được bổ vào làm ở Tam ti.
Nguyễn Tường Vân, gia phả ghi đỗ tiến sĩ, nhưng ông không thể đỗ tiến sĩ, vì lúc đó chưa có kỳ thi tiến sĩ. Có nơi lại nói chữ Tường do vua Gia Long ban, điều này cũng không thấy Liệt truyện ghi (những việc quan trọng như đổi tên [từ Văn Vân sang Tường Vân, tên vua ban cho vì có công] đều được Thực Lục ghi rõ ràng), nên không thể biết hư thực thế nào.
Như trên đã nói năm Minh Mạng thứ 2 (1821), mới có kỳ thi Đình đầu tiên lựa Tiến sĩ. Liệt Truyện chỉ ghi: Năm Bính Thìn (1796) [Vân] đi thi, trúng cách nhị trường, được bổ lễ sinh ở phủ, nhắc lên viện thị thư. Như vậy, ông thi kỳ tháng 3 năm Bính Thìn (4-5/1796), tức là thi Chính đồ, mà theo Thực Lục, kỳ thi này có 273 người đỗ. Ông lại trúng cách nhị trường, ta tạm đoán là ông đỗ sinh đồ, tương đương với tú tài vì ông được bổ làm lễ sinh ở phủ [lễ sinh, thuộc trật chánh cửu phẩm, tức là ngạch thấp nhất trong quan trường] rồi ông được thăng chức, làm ở viện thị thư [tòng lục phẩm].
Như vậy, Nguyễn Tường Vân bắt đầu làm quan văn, từ trật nhỏ nhất là cửu phẩm, rồi lên lục phẩm, và sau này, ông tiến dần đến nhị phẩm, là hàng quan đại thần.
Năm Đinh Tỵ [1797] ông theo Nguyễn Vương đi đánh Quảng Nam, sau đó được chuyển vào làm ở viện thị thư trong cung nội [là chốn cơ yếu, giống như văn phòng bí thư của vua, sau Minh Mạng đổi tên là Nội các].
Năm Kỷ Mùi [1799], ông theo Nguyễn Vương đi đánh Qui Nhơn, được thăng Tham luận vệ Túc Trực [chỉ huy quân cảm tử], rồi chuyển về làm Tri bạ Chánh doanh [tòng ngũ phẩm] cai quản nội đồ gia [quản trị tài sản vật dụng cho nhà vua và hoàng gia tại nội cung]. Năm Tân Dậu [1801] ông theo vua đi đánh Phú Xuân. Rồi được cử đi theo sứ bộ Trịnh Hoài Đức sang Quảng Đông mua bán, trở về lại tiếp tục cai quản nội đồ gia. Sau thăng Cai bạ Quảng Nam.
Năm Gia Long thứ tám [1809] vì tự ý tha bọn cướp bị tù, bị giáng chức làm Thiêm sự bộ Hộ [phụ tá ở bộ Hộ], năm 1810, được thăng Ký lục Bình Thuận; năm 1812, thăng Hiệp trấn Nghệ An [chánh tam phẩm] và năm 1813, thăng Hữu Tham tri bộ Hộ [tòng nhị phẩm], nhưng vẫn làm Hiệp trấn Nghệ An. Đến năm Gia Long 18 [1819] sung làm Đề điệu [Chủ khảo] trường thi Nam Sơn Hạ, rồi lĩnh chức Hộ tào [Quan tòa] ở Bắc thành.
Bàn thờ Nguyễn Tường Vân
Năm Minh mạng thứ nhất [1820] được triệu về kinh, nhưng tổng trấn Bắc thành Lê Chất xin lưu ông lại làm việc cùng với phó tổng trấn Lê Văn Phong. Khi Sơn Nam Thượng và Kinh Bắc bị nạn đói, Tường Vân và Văn Phong khẩn cấp phát thóc cho dân nghèo, rồi mới tâu vua sau, Minh Mạng ra dụ khiển trách chuyên quyền, nhưng lại triệu về kinh, thăng chức thự [quyền] Thượng thư bộ Binh [chánh nhị phẩm]. Vua giao cho việc tổ chức duyệt binh ở Bắc thành. Vừa lúc có bệnh dịch, ông tâu vua hoãn việc duyệt binh, nhưng chính ông bị lây bệnh, chết ở tuổi (ta) 49.
Ông để lại tờ biểu dâng vua nói đến chuyện mẹ già mong đợi ở quê nhà nhưng bị bệnh không về thăm được, và khuyên vua nên giữ đức, cẩn thận đề phòng nhà Thanh, còn đối với nước Tiêm La (Thái Lan), thì nên khoan dung, độ lượng, nếu họ có lỗi nhỏ nên bỏ qua để đáp ơn họ đã cho tiên đế đóng ở bên ấy mấy năm giời và cũng để khỏi phải bận tâm về việc biên giới. Vua truy tặng Thượng thư bộ binh (đích thực), cho tên thụy là Cung Nguyên, ban cho bạc lạng; cấp phu coi mộ. Lại bảo các quan rằng: “Vân đủ cả tài chính sự, văn học, lo việc nước theo phép công, gặp việc nghĩ gắng sức, chưa ai có thể kịp được, tiếc rằng chí chưa thoả mà thân đã chết, lòng trung ái ấy tỏ rõ ở tờ biểu để lại; trẫm xem biểu, không ngờ nước mắt chứa chan”.Vua ban cho mẹ Vân lạng bạc và tấm đoạn và lệnh cho địa phương trông nom bà, đến khi chết, vua ban cho hậu (được thờ cúng sau khi chết).
Từ đường Nguyễn Tường, theo lời ghi trên bia, được xây năm 1806 (trùng tu năm 1909 và 2005, ở số 8/2 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An), thuộc thời kỳ Nguyễn Tường Vân làm Cai bạ Quảng Nam. Đây là tư dinh quan Cai bạ. Căn nhà này nay đã hơn 200 năm, giúp ta có thể hiểu được phần nào cảnh sống thanh đạm của một vị đại thần, có công lớn, thời Gia Long - Minh Mạng.
Nguyễn Tường Vân có hai con trai được ghi tên trong Liệt truyện. Con trưởng là Tường Vĩnh, tự là Tử Tu, hiệu là Cẩm Giang, đỗ phó bảng năm Minh Mạng 19 [1838], làm quan tới chức Án sát Định Tường, rồi Khánh Hòa, sau thăng Tuần phủ Định Tường, và bị ốm chết ở đây.
Con thứ là Nguyễn Tường Phổ, tự Quảng Thúc và Hy Nhân, hiệu là Thứ Trai. Nguyễn Tường Phổ, đậu cử nhân năm Thiệu Trị thứ nhất [1841], đậu tiến sĩ khoá Nhâm Dần (1842), làm trong Hàn Lâm viện biên tu (quan viết sử) ở Nội Các, rồi thăng tri phủ Hoằng An [thuộc tỉnh Vĩnh Long], có tiếng là thanh liêm, nhưng tính tình cao thượng, nhiều người không thích. Khi nước Cao Miên “gây biến”, tỉnh cần 1000 dân binh, ông chỉ tuyển có 100 người, nên bị cách lưu. Rồi được khôi phục, làm tri phủ Tân An, nhưng vì chính sách thu thuế vụng về nên lại bị biếm chức. Sau bị bệnh nên xin về quê nghỉ.
Năm Tự Đức thứ sáu (1852), được bổ Giáo thụ Điện Bàn (Quảng Nam), ít lâu sau làm quản lý nhà in phủ Học Chính. Liệt truyện viết về việc dạy học và nhân cách Nguyễn Tường Phổ như sau: “Về dạy người, cốt thực bỏ hủ, trước nghĩa lý, sau văn nghệ, tính cương mà khí hào, tự mình giữ kỷ luật rất nghiêm nên trách người quá nặng. Ông thường nói “ta bình sinh không hay khoan thứ cho người, nên đặt hiệu là Thứ Trai mà tự là Quảng Thúc đó là muốn châm biếm cái tính thiên lệch mà chưa được. Khi giảng dạy nhàn hạ, rèm buông nơi tĩnh viện, có ý tưởng tượng như tiên ở ngoài hình vật, lại thích uống rượu mà uống phải say (…) Bình sinh ông chỉ làm thơ, có nói:” Ta không hay làm phú để cho rộng thêm, chỉ để lại quyển Thứ Trai thi tập” thôi. Được vài hôm ông ốm đau rồi chết. Thọ 50 tuổi”.
Nguyễn Tường Phổ sinh Nguyễn Tường Tiếp (còn có tên là Trấp). Theo Liệt Truyện, Tường Trấp đỗ tú tài, làm đến Đồng Tri phủ. Theo gia phả họ Nguyễn Tường, ông làm tri huyện Thủy Nguyên.
Nguyễn Tường Tiếp có người con trai là Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu) làm thông phán, là cha của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Nguyễn Tường Nhu mất năm 1918 (37 tuổi).
Nguyễn Tường Tiếp là người đầu tiên đã đem gia đình ra Bắc khi ông làm Đồng tri phủ huyện Thủy Nguyên [huyện này ở gần Hải Phòng, ngày trước thuộc tỉnh Quảng Yên; năm 1950, thuộc tỉnh Kiến An; ngày nay thuộc thành phố Hải Phòng]. Ông đã chọn huyện Cẩm Giàng (gần Hải Dương) để lập trại, do đó con cháu ông, nhóm Nguyễn Tường ở Bắc, sẽ xây dựng nên Tự Lực Văn Đoàn.
Nhìn lại nguồn gốc dòng họ này, ta thấy rõ hai yếu tính: làm chính trị và làm văn. Nguyễn Tường Vân, xuất thân quan văn, nhưng lúc cần có thể trở thành quan võ (Tham luận vệ Túc Trực), giúp vua cai trị nước, coi việc hành chánh, thi cử, luật pháp và trước khi chết còn để lại chúc thư, dặn vua về việc nước, khiến vua phải rơi lệ.
Nguyễn Tường Phổ có những đặc điểm khác: văn chương, nghệ sĩ, và là người đẹp. Trong một dịp nói chuyện với anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út Nhất Linh, chúng tôi có đề cập tới “nhan sắc” của gia đình Nguyễn Tường (phần lớn là con trai). Anh Thiết kể trong gia đình, anh và anh Nguyễn Tường Giang, con Thạch Lam thường nói với nhau: hay nhà mình có dòng máu lai (vì mũi cao giống Tây).
Sau khi đọc tiểu sử Nguyễn Tường Phổ trong Liệt Truyện tôi đoán sự “xinh đẹp” của con trai nhà Nguyễn Tường chắc không phải do lai Tây, mà đến từ Nguyễn Tường Phổ: “Tường Phổ lúc nhỏ kháu khỉnh lạ lùng, khảng khái, có khí thức, học rộng nghe nhiều, ngoài chính Kinh ra, về kiếm thư cầm phả [văn, võ, đàn, nhạc] không nghề gì là không kiêm thông”.
Câu văn ngắn ngủi mà hàm súc, bao gồm cả những “tính chất chung” của anh em Nhất Linh: thông minh, thường học nhẩy, học lấy, và thi đỗ dễ dàng. Khá tài hoa, cầm kỳ thi họa đủ cả. Gia đình này có những lựa chọn:
Hoặc ra làm quan “thuần tuý” như Nguyễn Tường Thụy, anh cả, làm Giám Đốc Bưu Điện Sài Gòn, Nguyễn Tường Cẩm, anh hai, công chức, rồi làm Giám Đốc báo Ngày Nay trong một thời gian ngắn, nên sau này bị (thủ tiêu) mất tích.
Hoặc làm văn chương và chính trị như Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, muốn đưa đất nước ra khỏi cảnh nô lệ, trở thành thủ lãnh hai chuyển động chính trị và văn chương cùng một lúc: Việt Nam Quốc Dân Đảng và Tự Lực Văn Đoàn. Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long với đầu óc cải tổ xã hội, luật pháp, vừa phò anh và vừa lập chính. Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, vì lý do sức khỏe, hoàn toàn theo nghiệp văn.
Thành phố Hội An giữ gìn từ đường Nguyễn Tường khá tốt. Còn nguyên không khí cổ xưa với những văn bản cổ được gia đình giao phó, rất tiếc là chúng tôi không biết chữ nho để đọc. Điều đáng quý thứ hai là việc trưng bầy những đầu sách của Tự Lực Văn Đoàn với nhiều bản in khác nhau, từ thời kỳ đổi mới (những năm 1987, 88) đến ngày nay. Lần đầu tiên nhìn thấy hình Thạch Lam rõ ràng trên bìa một cuốn sách (bởi vì hình Thạch Lam rất hiếm, sau nhiều lần tản cư, hình như đều đã thất lạc), Thạch Lam có lẽ “giống” Nguyễn Tường Phổ nhất, vì đúng là một thanh niên đẹp trai (nên mệnh yểu).
Tủ sách Nhất Linh
Tủ sách Thạch Lam
Tủ sách Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thế Lữ, Xuân Diệu
Công phu gìn giữ và trưng bày sách của Tự Lực Văn Đoàn ở đây, liên hệ với sự “mở cửa” về TLVĐ. Và sự mở cửa này đến từ đâu?
Ai cũng biết tác phẩm của TLVĐ bị xoá sổ trong một thời gian dài ở Bắc, kể cả sau khi thống nhất đất nước, không mấy ai dám dính vào “bọn Quốc Dân Đảng” làm gì.Khi đả động đến họ thì những tê-no phê bình và nhà văn cùng thời với TLVĐ, đều tìm đủ mọi chữ hiểm để phê phán thật nặng, càng nặng càng tốt. Xuân Diệu tồi tệ không nói làm gì, Tú Mỡ cũng viết nhảm nhí, bậy bạ.
Nhưng có một người không.
Người đó là nhà phê bình và nghiên cứu Trương Chính (1916-2004). Trong hơn nửa thế kỷ ông đã giữ được ngòi bút trong sạch. Và còn hơn nữa, ông cam đảm đi ngược lại tiếng hú của đám đông.
Ngay từ năm 1939, ông đã cho xuất bản cuốn Dưới mắt tôi phê bình 13 tác giả, trong số đó có Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan… ông đã có những nhận định sâu sắc về những tác giả này, đặc biệt ông nhìn ra tính cách tranh đấu xã hội trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn và ông nhìn thấy cái hời hợt rất hề trong tiểu thuyết xã hội của Nguyễn Công Hoan.
Nhưng điều đáng chú ý là trong thời kỳ TLVĐ bị phê phán nặng nề nhất, Trương Chính vẫn không thay đổi lập trường, ông cho in lại bài Nhất Linh, trong Dưới mắt tôi, viết năm 1939, trong tập Lược Thảo Lịch sử Văn Học Việt Nam tập III, (Xây Dựng, 1957). Đây là bộ sách tham khảo chính thống, in 1957 là năm gay gắt nhất về vấn đề Nhân Văn Giai Phẩm.
Đến thời kỳ đổi mới, ông viết thêm hai bài khác: Tự Lực Văn Đoàn (1989) và Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự Lực Văn đoàn (1990) sau này in lại trong Trương Chính Toàn Tập (Văn Học, 1997), vẫn với lập trường kiên định về TLVĐ. Và cũng trong năm 1997, ông cho in lại tất cả những bài ông viết về TLVĐ trong cuốn Dưới mắt tôi trong bộ Tổng Tập Văn Học Việt Nam (NXB  Khoa Học xã Hội, 1997).
Trương Chính đã viết gì về Tự Lực Văn Đoàn?
Trước sau như một, năm 1938, Trương Chính viết về Nhất Linh như sau:
“Quan niệm giải phóng cá nhân, giải phóng phụ nữ khỏi vòng lễ giáo phong kiến, dứt khoát sống theo đời mới, Nhất Linh đã bầy tỏ được trong hai cuốn Đoạn Tuyệt và Lạnh Lùng (…) Mối tình ái vụng trộm giữa Nhung và Nghiã cùng hình ảnh tấm biển “Tiết hạnh khả phong” đã làm cho ta thấy nền đạo đức luân lý cũ trói buộc con người và khiến con người trở thành giả dối là cần phải phá bỏ (…) Trong Đôi Bạn, ngoài Dũng, tác giả còn sáng tạo một số nhân vật khác cũng hoạt động cách mạng, như Tạo, Thái, Cận v.v… Người ta có thể nghĩ rằng tổ chức cách mạng Nhất Linh muốn ám chỉ đây là Việt Nam Quốc Dân Đảng đã hoạt động thật sự thời kỳ 29-30. Cuối cùng, Dũng và Trúc bỏ nhà trốn lên Lạng Sơn để rồi sang Tầu sang Nga. Vì nhiều lý do Nhất Linh không tiện nói rõ chủ trương của họ như thế nào, nhưng ở đây ta đã gặp những con người có chí khí, có tâm hồn, đã biết thắc mắc về chế độ xã hội hiện tại và đã hành động để hòng thay đổi chế độ đó”.
Năm 1989, Trương Chính viết bài Tự Lực Văn Đoàn, đưa ra nhiều thông tin quý giá khác về thời kỳ mới thành lập văn đoàn chung quanh năm 1930. Ông mở đầu bài viết bằng câu:
“Có thể nói trong vòng tám năm, từ 1932 đến 1940, Tự Lực Văn Đoàn chiếm ưu thế tuyệt đối trên văn đàn công khai; sách báo của họ in đẹp nhất, bán chạy nhất, có một ảnh hưởng nhất định trong giới trí thức tiểu tư sản và tiểu tư sản thành thị. Điều đó không ai phủ nhận được. Người đứng đầu là Nhất Linh, tức Nguyễn Tường Tam, viết văn hay đã đành mà lại có óc tổ chức, có nhiều sáng kiến: những người ghét ông cũng phải phục, muốn bắt chước cũng không bắt chước được. Nói gì thì nói, nhóm Tự Lưc Văn Đoàn của ông có một vai trò rất lớn trong sự phát triển văn học của ta những năm Ba mươi”.
Sau khi kể lại tiểu sử của Nhất Linh và việc thành lập Phong Hoá và Ngày Nay… Trương Chính công phá những lập luận chống Tự Lực Văn Đoàn (khủng hoảng tư tưởng, vô luân, chống lại nhân dân, chủ nghiã cá nhân tư sản, cực đoan, ích kỷ, bệnh hoạn,cải lương, phù phiếm, giả dối, trưởng giả, phản động, sa đọa, trụy lạc, phi luân, độc ác… Nguyễn Hoành Khung, trong ba mục từ: Khái Hưng, Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn, Từ Điển Văn Học, 1984), bằng những luận điểm sau đây (xin tóm tắt):
– Văn chương lãng mạn trước 1930, tức là trước khi TLVĐ ra đời, là một thứ lãng mạn đầy giọng bi quan, giận đời, chán đời, của những người thất bại, những người yếu hèn trước thời cuộc. Đa sầu đa cảm trở thành cái mốt. Người ta không ốm mà rên. Hoàng Ngọc Phách trong bài Văn chương và nữ giới kể lại: vào những năm 1920, các nữ sinh trường Nữ Lưu học sinh, sáng tác toàn một giọng văn thơ sầu thảm rồi dán lên tường ở khắp các phòng, vậy mà khi viết Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách cũng rơi vào loại văn chương ấy nốt.
– TLVĐ đề ra mục đích, tôn chỉ: “Lúc nào cũng trẻ, yêu đời” là muốn phá tan cái không khí u uất, sầu thảm kia. Tiểu thuyết TLVĐ cũng lãng mạn, cũng nói về tình yêu dang dở (Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đôi bạn, Đoạn tuyệt,…) nhưng không ai khóc, không ai ốm tương tư, không ai đâm đầu xuống hồ Hoàn Kiếm tự tử.
– Trong tiểu thuyết TLVĐ, thanh niên chưa dám đứng lên cứu nước, đang tìm mọi cách thoát ly thực tế đời sống. Vui cũng để mà quên. Đối với họ, than vãn cũng là lạc hậu.
– Văn chương TLVĐ “không có tính cách trưởng giả”. Nhân vật chính trong tiểu thuyết TLVĐ, từ buổi đầu đã là những người thuộc thành phần trung lưu: Mai, Loan, đều là những cô gái “bình dân”. Chính TLVĐ là những người đầu tiên viết những cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn bình dân: Gành hàng hoa, Tối tăm, Anh phải sống, Hai vẻ đẹp…
– TLVĐ “tôn trọng tự do cá nhân, làm cho người ta biết đạo Khổng không còn hợp thời nữa”. Tác phẩm của TLVĐ đều chiã mũi nhọn đả kích lễ giáo và nếp sống đại gia đình phong kiến: Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, Đôi bạn, Gia đình, Thoát ly, Thừa tự. Họ hô hào giải phóng cảnh mẹ chồng nàng dâu, mẹ ghẻ con chổng, cảnh thủ tiết của những người đàn bà trẻ goá bụa. Họ đòi cho nam nữ có quyền được hưởng hạnh phúc riêng.
– Ở đây cần nói thêm về cái “chủ nghiã cá nhân tư sản” mà người ta phê phán. Nên nhớ rằng chủ nghiã cá nhân tư sản là một bước tiến bộ, trong quá trình con người giành quyền sống. Xã hội Việt Nam thời phong kiến chưa hề có quan niệm về cá nhân.
Trong bài Nhìn lại vấn đề giải phóng phụ nữ trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, ông phân tích năm tác phẩm: Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Lạnh lùng và Đời mưa gió. Về cuốn Đời mưa gió, ông viết: “Đứng trên quan điểm của chúng ta mà nhìn, thì đó là chủ nghiã cá nhân cực đoan nhiễm thêm chất độc của sự trụy lạc, nhưng ở phương Tây, từ lâu đã có nhiều người phụ nữ sống như Tuyết, quan niệm như Tuyết, và tình trạng ấy dần dần càng ngày càng phổ biến.” Ông kết luận bài viết bằng câu: “Việc các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn làm hồi đó đúng theo chiều hướng của chúng ta ngày nay. Làm ngơ không nói đến là không công bằng. Nói đến mà cố hạ thấp đi cũng là không phải. Còn như vấn đề giải phóng phụ nữ một cách triệt để, như họ đặt ra trong Đời Mưa Gió, hiện nay là một vấn đề ngỏ, và chưa ai bàn đến”.
Trương Chính là nhà phê bình duy nhất ở miền Bắc đã viết những điều trung thực về Tự Lực Văn Đoàn trong suốt giai đoạn khó khăn nhất. Tôi nghĩ đó là động lực chính khiến cho sách của Tự Lực Văn Đoàn được in lại ở trong nước, ngay từ thời kỳ đổi mới thập niên 1990: Công đầu là Trương Chính, ngòi bút can đảm và chính trực của nhà phê bình Trương Chính.
Đã hơn bốn mươi năm qua, sau 1975, người Việt vẫn tiếp tục chia đôi vĩ tuyến: sách anh, anh đọc, sách tôi, tôi đọc, hai bên chưa muốn nhìn nhau và đọc nhau. Đôi khi, có nói đến nhau cũng chỉ là để chê bai, gièm bỉ, hạ thấp. Tệ nhất là cả hai bên đều tự vỗ ngực khen mình: chỉ có ta mới hay, bên kia là đồ bỏ. Người Việt di tản rất tự hào về Văn học miền Nam, còn các vị viết phê bình ở trong nước, cho đến nay, phần lớn vẫn chỉ khoanh tròn trong những tác giả miền Bắc, làm ngơ, coi như “bên kia” không có. Việc mèo khen mèo dài đuôi hay việc làm ngơ không nói đến, hình như đều thiếu văn hoá cả.
Nếu chịu đọc nhau, thì ta sẽ thấy, cả hai miền Nam, Bắc đều có chỗ hay chỗ dở và đều có thể bổ khuyết cho nhau để trở thành một nền văn học Việt Nam toàn diện:
Miền Nam, được tương đối tự do, đã phát triển sáng tác thơ, văn cùng các trào lưu của thế giới và tạo được một nền văn học rực rỡ trong hai mươi năm chia cắt đất nước.
Miền Bắc, sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, các nhà văn không còn tự do để sáng tác, nhưng những học giả, dịch giả đã nỗ lực làm việc. Việc dịch thuật những bộ sách nghiên cứu, lịch sử, vĩ đại, từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ chính là thành công lớn của các dịch giả miền Bắc. Những bộ sách đồ sộ như Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Liệt Truyện, Đại Nam Nhất Thống Chí, Đại Nam Hội Điển Sự Lệ, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí… và nhiều tác phẩm khác tàng trữ trong Viện Hán Nôm và Viện Sử học, đều là công lao của các dịch giả miền Bắc. Việc dịch thuật đã giúp chúng ta có thể hiểu được quá khứ, ít ra là về phần sử liệu, xem tổ tiên ta viết gì, mà so sánh với những điều người ngoại quốc viết, bởi vì từ khi ta chỉ học chữ quốc ngữ không thôi, chúng ta đã mù chữ đối với quá khứ 10 thế kỷ văn hóa của nước mình, vì thế mới phát sinh cái tính vọng ngoại, ỷ lại vào người Tây phương, nhất là người Pháp: Họ viết gì là tin như thật.
Sự trì trệ trong việc nghiên cứu lịch sử ở cả hai miền Nam Bắc, thoát thai từ sự mù chữ đối với quá khứ dân tộc.
VII- Trận Đà Nẵng 1847 và 1858
Đà Nẵng, là thành phố lớn thứ tư của Việt Nam, có những khu dành cho khách du lịch khá vĩ đại, kiểu Mỹ. Về mặt văn hóa, bảo tàng Nghệ Thuật Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng là một công trình đáng phục, so với hơn 20 năm trước, khi tôi đến nơi này, những bức tượng mất đầu nằm lăn lóc như một pháp trường mỹ thuật. Bảo tàng Nghệ Thuật Điêu Khắc Chăm Đà Nẵng và Trung Tâm Nghệ Thuật Lê Bá Đảng ở Huế, chứng tỏ phần nào sự thay đổi lối quản lý di sản nghệ thuật của một số bảo tàng ở trong nước, khiến người xem tin tưởng hơn, và người muốn tặng tác phẩm nghệ thuật cho Việt Nam, bớt hoài nghi hơn.
Bảo tàng Nghệ Thuật Chăm
Đà Nẵng là thủ phủ của Quảng Nam liên tục trong nhiều thế kỷ từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa năm 1558, Đà Nẵng luôn luôn có nhiệm vụ bảo trợ và che chở cho kinh đô Huế.
Nhưng Đà Nẵng có một lịch sử cận đại ít được biết đến mà hôm nay chúng ta cùng nhìn lại. Khi chúng tôi đến đây đang có vấn đề bàn cãi: vì một phần Bảo tàng Đà Nẵng xây trên nền thành Điện Hải mà thành phố Đà Nẵng đang tìm cách khôi phục lại.
Cổng thành Điện Hải
Điện Hải và An Hải (đã bị phó Đề đốc Page phá huỷ) là hai thành do vua Minh Mạng xây để trấn giữ cửa biển Đà Nẵng, nằm trong hệ thống phòng thủ bao gồm cả các đồn trên đèo Hải Vân, để chặn quân Tây Dương có thể chiếm Đà Nẵng, rồi leo đèo tiến đánh kinh đô. Nhờ sự nhìn rộng và tính xa của vua Minh Mạng, cho nên năm 1858, dưới thời vua Tự Đức, liên quân Pháp-Y Pha Nho, đánh Đà Nẵng, nhưng đã không tiến được về Huế được, mà phải bỏ để vào đánh Sài Gòn.
Nhưng trước khi liên quân Pháp-Y tấn công Đà Nẵng năm 1858, mười năm trước đã có biến cố vịnh Đà Nẵng ngày 15/4/1847, gây ra cái chết của vua Thiệu Trị.
Jean-Louis de Lanessan, học giả, dân biểu, toàn quyền Đông Dương (1891-1894), Bộ trưởng hải quân Pháp (1899-1902), phản ảnh biến cố vịnh Đà Nẵng 1847, qua vài dòng ngắn ngủi, nhưng là nền tảng của quan niệm thuộc địa:
"Năm 1847, dưới triều Thiệu Trị, xẩy ra cuộc xung đột đầu tiên giữa Annam và Pháp; năm chiến thuyền An Nam đe dọa tấn công hai tầu chiến la Gloire và la Victorieuse của Pháp, do Lapierre và Rigault de Genouilly điều khiển, bị tiêu diệt ở vịnh Đà Nẵng. Thiệu Trị chết vì phiền muộn". (J.L de Lanessan, L'Indochine française (Đông Dương Pháp), Félix Alcan, Paris, 1889, t. 626)
Biến cố Đà Nẵng 1847, tóm tắt như sau:
Tháng 3/1847, hai chiến hạm Pháp La Victorieuse, trang bị 24 đại bác, do thiếu tá hải quân Rigault de Genouilly trách nhiệm và La Gloire, 54 đại bác, do trung tá hải quân Lapierre điều khiển, nhận lệnh của Đô đốc Cécille, Tư lệnh hải quân Pháp ở Thái Bình Dương đến Đà Nẵng để "giải thoát Giám mục Lefèbvre" và xin tự do giảng đạo ở Việt Nam.
Giám mục Lefèbvre là ai?
Giám mục Lefèbvre (1810-1865), đến miền Bắc sau khi vua Minh Mạng đã chính thức ra lệnh cấm giáo sĩ ngoại quốc vào Việt Nam, năm 1825. Ông sống lẩn lút trong Nam, được Giám Mục Cuénot chọn làm phụ đạo, và năm 1841, ông được phong Giám Mục ở Gothi (Gò Thị?) Bình Định. Năm 1844, dưới thời Thiệu Trị, có người tố giác, ông bị bắt, bị xử tử. Nhưng vua Thiệu Trị chỉ kết án rồi để đấy, đợi dịp thuận tiện trao cho tầu ngoại quốc.
Lefèbvre được tha ngày 11/6/1845, vua cho đi cáng từ Huế ra Đà Nẵng để lên tầu Alcmène đi Singapore.
Ngày 23/5/1846, Lefèbvre lại lên tầu ở Singapore (cùng với Duclos và ba giáo sĩ khác) lẻn vào Nam, bị bắt ở cửa sông Sài Gòn ngày 8/6/1846. Bị giải ra Huế. Bị kết án tử hình, nhưng vua Thiệu Trị vẫn tha và ngày 9/2/1847 vua sai Nguyễn Tri Phương dẫn độ ông sang Singapore. Lefèbvre lại rời Singapore để trở về VN ngày 3/5/1847, đúng 18 ngày sau khi hai tầu la Gloire và la Victorieuse gây hấn ở Đà Nẵng. Lần này Lefèbvre vào lọt miền Nam bằng một nhánh sông Cửu Long. Ông sống ở đây 18 năm. Đến năm 1865, ông bị bệnh nặng phải trở về Pháp, ông mất ở Marseille ngày 30/4/1865.
Đó là về Giám mục Lefèbvre, người mà quân Pháp mấy lần lấy cớ vào "cứu" và tuyên truyền khắp nơi là vua Thiệu Trị sát hại giáo sĩ.
Đô đốc Cécille lần này, năm 1847, lại sai Lapierre chỉ huy tầu La Gloire đến "để giải cứu Lefèbvre" và điều đình việc tự do giảng đạo.
Việc này Giám mục Forcade, người có mặt trên tầu La Gloire, ghi lại như sau:
"Tàu La Gloire đến Tourane ngày 23/3; gặp tàu La Victoirieuse, đi từ Macao 5 ngày trước, đã đến nơi ngày 17/3. Hải quân trung tá Lapierre đã giao cho ông Rigault de Genouilly nhiệm vụ trao tận tay quan trấn thủ Quảng Nam lá thư gửi vua Thiệu Trị xin cho giáo dân [tự do theo đạo]. Khi chúng tôi đến nơi, thì [phái đoàn] mới chỉ tiếp xúc được với những quan lại hạng thấp nhất [thực ra là cấp cao nhất, vì những người đón tiếp là Lý Văn Phức, Tham tri bộ Lễ và Nguyễn Đình Tân, tuần phủ Quảng Nam]... Tư lệnh Lapierre quyết định đánh mạnh, để bắt buộc họ phải chấp nhận điều chúng tôi mong muốn. Năm chiến hạm [thuyền đồng] đẹp của nước Nam kiến trúc kiểu Tây phương đang đậu [trong vịnh], bất thần bị các ca-nô bao vây, thủy thủ của chúng tôi xung kích thuyền địch, trước khi thuỷ thủ trên thuyền nhân diện được [chúng tôi là ai] thì toàn bộ cánh buồm của họ đã bị chiếm đoạt, chất trong 2 thuyền buồm nhỏ, đem về cất ở chỗ chắc chắn, giữa hai chiến hạm của chúng tôi. "Các ngươi cứ yên tâm, khi chịu nhận thư ta và có thư trả lời, ta sẽ trả lại". Việc này xẩy ra ngày 30/3. Ngày 31, quan trấn thủ tới Tourane, quyết định nhận thư. Ông ta hứa sẽ có thư trả lời trong vòng 10 hay 12 ngày" (Thư của Giám mục Forcade, viết ngày 2/6/1847).
Như vậy, sau khi đến vịnh Đà Nẵng một tuần, Lapierre đã bất thình lình đánh trước, bao vây 5 thuyền đồng, chiếm đoạt toàn bộ cánh buồm và hạ lệnh nếu không nhận thư và không giả lời thì không trả.
Jurien de Gravière, người kế vị Lapierre phê bình việc này: "Lapierre đã ép các quan nhận thư ông đem đến bằng cách kỳ cục: tịch thu buồm 5 tầu nước Nam đậu trong vịnh".
Thực Lục viết: "Chúng đưa ra một lá thư của nước chúng bằng chữ Hán, lời lẽ phần nhiều ngông càn. Phức không chịu tiếp nhận, đầu mục Tây phương quát to để doạ nạt, đặt lá thư lên trên ghế rồi đi.
Phức và Đình Tân bàn với nhau rằng: "Nhận thư [vô lễ] là có tội, mà đốt thư đi cũng có tội, không gì bằng cho chạy trạm về để tâu lên. Phức cũng về kinh để đợi tội. Vua giận là làm mất quốc thể, sai vệ cẩm y đóng gông đem giam [Phức] ở Tả đãi lậu, bắt giải chức, giao cho đình thần bàn" (Thực Lục, tập sáu, trang 975).
Bức thư này nói gì? đến nỗi Lý Văn Phức nhận mà bị tù?
Lần xin tha cho Lefèbvre năm 1845, Cécille đã viết một bức thư cực kỳ hỗn xược cho vua Thiệu Trị, bản dịch chữ Hán gửi cho vua, nhưng theo phiá Pháp chắc vua không đọc (hay các quan không dám đưa cho vua đọc). Còn bản chính tiếng Pháp lưu lại, lời lẽ khó có thể chấp nhận được: Cécille kể tội vua Thiệu Trị không biết công ơn to lớn của nước Pháp: khi Gia Long còn vô danh đi lang thang, bị truy nã khắp nơi, đã được vua Louis XVI ra tay cứu giúp, mới khôi phục lại ngai vàng, mà nay Thiệu Trị bội bạc, nghe lời bọn cố vấn xảo quyệt và ngu dốt bỏ tù giáo sĩ và giết hại năm, sáu trăm ngàn (600.000) giáo dân không chút sờn lòng. Thiệu Trị nên theo gương nước Tầu mà mở cửa cho giáo sĩ vào giảng đạo, v.v... (Arch. Aff. Etrang. vol 304. trang 1261).
Xin nhắc lại: trong các chỉ dụ cấm đạo của các vua nhà Nguyễn, không hề có chỉ thị giết dân. Nếu có người chết, phần nhiều vì những lý do khác: hoặc giúp đám nổi loạn, hoặc giúp quân Pháp, hoặc có sự trả thù giữa hai bên lương, giáo.
Lần này, năm 1847, Cécille cũng viết thư xin tha cho Lefèbvre và xin cho giáo dân được tự do theo đạo, không biết nội dung tiếng Pháp lời "xin" đó như thế nào, nhưng bản Hán văn, như Thực Lục đã nói ở trên lời lẽ ngông càn, vì thế mà Lý Văn Phức, Tham Tri bộ Lễ, người đã nhận thư phải chịu tội.
Tuy lời lẽ bức thư ngông càn như vậy, nhưng vua Thiệu Trị vẫn xét hai đòi hỏi của Pháp: thả Lefèbvre thì đã thả rồi. Vua bảo: ta luôn luôn khoan hồng với những giáo sĩ, chúng không biết ơn thì thôi, lại còn sinh sự. Riêng việc xin tự do giảng đạo, vua phân vân, vì nếu cho Pháp tự do giảng đạo thì Anh cũng sẽ đòi tự do nhập cảng nha phiến, là điều nước ta không thể chấp nhận được. Vua hỏi các quan trong Cơ Mật Viện: Thuyền Tây Dương đến đây là có ý gì? Trương Đăng Quế tâu: Không lẽ chúng chỉ đem có hai thuyền đến đây mà dám gây sự, Đào Trí Phú quen việc, có thể xử được.
Vua sai Mai Công Ngôn và Đào Trí Phú chuẩn bị, nếu quân Pháp đánh trước thì mới đánh lại, còn không thì ta không động tĩnh gì.
Ngày 14/4/1847, trong lúc hai bên tiếp xúc để tổ chức làm lễ nhận thư trả lời của vua Thiệu Trị ngày 15/4/1847, thì biến cố xẩy ra.
Thình lình, Lapierre hạ lệnh cho hai chiến hạm Pháp câu đại bác tiêu diệt 5 chiếc thuyền đồng: Kim Ưng, Phấn Bằng, Linh Phụng, Thọ Hạc, Vân Bằng, của vua đang đậu ở vịnh Trà Sơn (vịnh Đà Nẵng) rồi bỏ đi. Những thuyền đồng này không hề có ý định "tấn công" gì cả, vì như trên đã nói, đã bị quân Pháp giật dây và cướp buồm trước rồi, nhưng trong các tài liệu của Pháp hẩu hết đều nói những thuyền này tiến về phiá chiến hạm Pháp để tấn công!
Giám mục Forcade viết:
"Các thuyền buồm cứ tiến mãi. Tàu La Gloire bắn trước. Phía Việt đã phòng bị sẵn, có lẽ các quan đã triệt hạ tất cả mọi phương tiện tẩu thoát của lính, nên họ chiến đấu mạnh mẽ hơn chúng tôi tưởng. Tầu của họ, làm bằng thứ gỗ rất cứng, có độ bền bỉ lạ lùng; bị 800 viên đại bác tàn phá trong 70 phút; một chiếc nổ tung, một chiếc bùng cháy, chiếc thứ ba chìm, hai chiếc khác ra hàng, sau bị đốt cháy; người bị thương được bác sĩ phẫu thuật của chúng tôi chăm sóc, họ không chờ đợi việc ấy... Tầu La Gloire không có ai chết hay bị thương; đạn bắn qua đầu chúng tôi, cắt vài dây chão. Tầu La Victorieuse, gần tầm đạn hơn, chỉ bị chết một người, mà tôi đã giải tội, và một người bị thương mất một bàn tay và ba bốn nốt bầm nhẹ vì mảnh than rơi vào. Chúng tôi dùng thời giờ còn lại trong ngày ngắm đám cháy của những chiếc chiến hạm, để khỏi có vẻ như chạy trốn trước những đồn lũy và thuyền buồm...
Ngày hôm sau, tư lệnh sai đem một phong bì đến một ngôi chuà [thư gửi vua Thiệu Trị, trong có câu]: "Đây là bằng chứng về sự kính cẩn và tuân lệnh của bọn Rợ mà mày muốn đập tan tành; nếu vẫn còn chưa đủ, chúng tao sẽ bồi thêm." (Nguyên văn: Voilà une preuve du respect et de l'obéissance des Barbares que tu voulais mettre en pièces; si cela ne suffit pas, on en enverra d'autres". Đến trưa, chúng tôi đi".
Jurien de Gravière viết: "Được tin có cuộc giao tranh này, Thiệu Trị nổi giận đùng đùng: ra lệnh đập vỡ tất cả đồ vật Tây phương trong cung, sôi sục cho khởi sự làm các vũ khí phòng thủ và tuyên cáo 4 dụ cấm đạo trong những tháng kế tiếp".
Một tháng sau biến cố, tháng 5/1847, vua Thiệu Trị sai đặt thêm 7 đồn Trấn Dương [chống quân Tây Dương] ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.
Giám Mục Cuénot viết: "Chúng tôi tưởng như đang ở trước thềm hoà bình". Thiệu Trị đã có ý định gửi thẳng tầu trực tiếp sang buôn bán với Âu Châu. Biến cố Tourane đã dứt khoát và tàn nhẫn đảo ngược khuynh hướng này [...] Ngay sau khi trận chiến chấm dứt, Lapierre đã vội vã thái quá rút lui, chẳng cần đếm xiả đến số phận của Đức Giám Mục Lefèbvre." (Thư ngày 3/5/1847).
Jurien de Gravière viết: Trận Tourane đã có hậu quả là hầu như toàn diện mối giao thương giữa Pháp và nước Nam trong nhiều năm bị gián đoạn hẳn". (Jurien de la Gravière, Chuyến đi của tiểu hạm La Bayonnais ở biển Đông, Paris, 3e édition, trang 90, quyển I)
Ngày 27/9/1847, vua Thiệu Trị mất.
Lanessan cho rằng vua Thiệu Trị chết vì phiền muộn.
Không đúng. Vua Thiệu Trị có phiền muộn, nhưng ông tức giận mà chết. Có thể vua bị bệnh cao huyết áp, nhân việc này bị chấn thương não, năm tháng sau biến cố Đà Nẵng, vua qua đời, ở tuổi 40. Mười năm sau, ngày 31/8/1858, liên quân Pháp-Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng lần thứ nhì, vẫn lấy lý do "trị tội hoàng đế An Nam giết giáo dân và giáo sĩ hai nước".
Nhưng trước khi nói về trận Đà Nẵng 1858, ta cần nhìn lại chính sách phòng thủ Đà Nẵng có từ thời vua Gia Long: Phòng thủ nguy cơ Anh tấn công.
Thuyền trưởng Pháp Kergariou ghi trong nhật ký hành trình: "Vua Gia Long rất lo ngại người Anh đến chiếm hải cảng Đà Nẵng, mà họ đã tìm cách mua lại mà không được. Năm 1812, một chiến hạm Anh xuất hiện ở Đà Nẵng và ở lại 15 ngày. Viên thuyền trưởng đến đòi số tiền 300.000 đồng còn lại của hãng buôn Abbott và Maitland ở Madras [Số tiền này vua đã trả từ năm 1807, và đã gửi bản sao sổ sách cho Phó vương Bengale ở Ấn Độ rồi]. Không được. Viên thuyền trưởng ra đi và hăm dọa rằng: sẽ trở lại đòi nợ với đoàn chiến hạm phủ kín mặt biển và sẽ đổ bộ 20.000 người. Từ đó nhà vua áp dụng mọi biện pháp phòng vệ cần thiết, cho xây những pháo đài ở Đà Nẵng, người ta cảm thấy rằng: đối với ông, thà mất ngai vàng còn hơn phải chịu thần phục người Anh".
Nhưng trong suốt thời kỳ Gia Long trị vì, quân Anh và quân Pháp không xâm lược.
Để đề phòng quân Anh, vua Gia Long đặt hệ thống phóng thủ ở Tấn biển Đà Nẵng, tức là sông Hàn (nơi hai sông Cẩm Lệ và Vĩnh Điện họp nhau chẩy ra biển).
Từ năm 1813, sau khi chiến hạm Anh xuất hiện và đe doạ như đã nói trên, vua Gia Long cho đặt hai đồn phòng vệ đắp đất: Điện Hải (bên trái) và An Hải (bên phải) cửa sông Hàn.
Sông Hàn
Sau khi lên ngôi năm 1820, từ 1821 đến 1838, Minh Mạng xây 23 thành trì kiên cố trên khắp đất nước. Thành Sơn Tây, xây năm 1822, hiện nay gần như còn nguyên vẹn. Thành Điện Hải ở Đà Nẵng xây sau Sơn Tây một năm, nhỏ hơn nhưng cũng bế thế và cùng một phong cách.
Thành Huế do Gia Long đắp (1804) và Minh Mạng xây thêm nhiều đợt sau. Thành Hà Nội do Minh Mạng xây lại năm 1935.
Sở dĩ có sự phòng thủ này vì Minh Mạng sai dò xét tình hình những nước chung quanh: nước Anh lúc bấy giờ rất mạnh, đã chiếm Ấn Độ, chiếm Singapore (1824) và uy hiếp nước Tầu
Tình hình như thế, cho nên Minh Mạng phải có chính sách quân sự chặt chẽ.
Ông tăng cường phòng thủ. Năm 1823, ông dời đồn Điện Hải vào trong đất liền về phiá nam (Thành Điện Hải ở khu Bảo tàng Đà Nẵng, góc đường Quang Trung và Trần Phú hiện nay), xây bằng gạch vững chắc hơn và gọi là thành, bên trong có chỗ cho quân lính đóng và có kho đạn. Ông xây thêm pháo đài Định Hải trên núi nhỏ Định Hải (gần núi Hải Vân). Năm 1830, ông cho xây lại thành An Hải. Năm 1840, ông cho xây thêm pháo đài Phòng Hải trên bán đảo Sơn Trà. Đặt các đội tuần phòng ở các tấn biển (cửa sông chảy ra biển): Cu Đê, Đại Chiêm (cửa Đại), Đại Áp... Đặt các nhà trạm từ Đà Nẵng về Kinh đô để thông tin nhanh chóng cho vua biết khi có biến. Vua Minh Mạng còn cho xây thêm loạt đồn trên đèo Hải Vân, đặt đội binh phòng thủ không cho quân xâm lăng vượt Hải Vân để đánh vào Huế. Nhưng dưới triều Minh Mạng, nước ta là cường quốc ở Á Châu nên quân Anh, Pháp không (dám) xâm chiếm.
Sau khi Pháp gây hấn tháng 4/1847, tháng 5/1847, vua Thiệu Trị cho đắp thêm 7 đồn trên bán đảo Sơn Trà, gọi là bẩy đồn Trấn Dương (chống Tây Dương), có đặt đại bác. Vua Tự Đức chỉ giữ lại bốn đồn.
Công việc Minh Mạng làm ở Đà Nẵng và Hải Vân, có tầm quan trọng lớn khi liên quân Pháp-Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng năm 1858, nhờ đó mà quân Tây Dương không thể tiến lên chiếm Huế như đã dự định.
Bởi vì nếu họ chiếm được Huế, thì chúng ta đã mất quyền tự chủ ngay từ tháng 9/1858.
Năm 1823, khi Minh Mạng cho xây đài Điện Hải, sau gọi là thành, vua nói: đài này ngày trước Gia Long cho đắp, nhưng hồi đó kiến trúc còn sơ sài chưa được kiên cố lại ở sát bờ biển quá nên bị nước sói mòn, đã cho đóng cọc giữ cát mà cũng không được. Vua quyết định dời về phiá nam hơn 50 trượng (khoảng 250m) trên vùng đất cao rộng hơn, và cho làm thêm pháo đài ở núi Định Hải (ở chân núi Hải Vân) đặt tên là pháo đài Định Hải, cao 5 thước (ta) 8.
Thành Điện Hải chu vi 139 trượng, cao 12 thước (ta), ngoài quách cao 7 thước, hào sâu 7 thước, có ba cửa. Trong đài dựng nhà quân trú phòng và kho chứa đạn. Điện Hải do Thống chế Tả dinh quân Thần Sách (cầu cống) Nguyễn Văn Trí và Tham tri Bộ binh Nguyễn Khoa Minh xây. Bên bờ phải của sông Hàn, là thành An Hải, chu vi 41 trượng 2 thước, cao 1 trượng 1 thước, hào sâu 1 trượng, có 2 cửa, Gia Long đấp đất năm 1813, Minh Mạng, xây gạch năm 1830, và đổi làm thành.
Cuộc tấn công Đà Nẵng năm 1847, do Lapierre đơn phương muốn thị uy và muốn làm vừa lòng Cécille là kẻ muốn đánh Việt Nam, nhưng vua Louis-Philippe (1773-1850) chưa có chủ trương chiếm thuộc địa rõ ràng.
Đến thời Napoléon III (1851-1870) khi tầu Catinat vào vịnh Đà Nẵng, Giám mục Pellerin trốn lên tầu về Pháp, báo cáo Pháp hoàng tình trạng "giết đạo" ở VN và cho biết: nước này thành trì chẳng có gì, quân đội hèn yếu, ta đánh vào là giáo dân nổi dậy tiếp tay ngay, không cần tốn công sức gì cả; chiếm Đà Nẵng, rồi từ Đà Nẵng ta tiến ra Huế là xong.
Nhân dịp giáo sĩ Y Pha Nho Diaz bị hành hình, Pháp rủ thêm Y Pha Nho cùng đánh.
Rigault de Genouilly, nay đã lên chức Đô đốc, được giao chỉ huy liên quân Pháp-Y Pha Nho (quân Y do đại tá Lanzarote cầm đầu) gồm 14 tàu chiến với khoảng từ 2.000 đến 3.000 quân, đánh vào Đà Nẵng.
Vùng chiến tranh nằm hai bên bờ sông Hàn, ở bán đảo Sơn Trà, hữu ngạn và quận Hải Châu, tả ngạn (là trung tâm thành phố hiện nay).
Ngày 31/8/1958, liên quân Pháp-Y Pha Nho tiến vào vịnh Đà Nẵng.
Sáng hôm sau, 1/9/1858 họ tấn công. Tài liệu sử Pháp Việt viết khác nhau: Thực Lục ghi hai thành An Hải và Điện Hải không giữ được. Trần Trọng Kim viết hai thành An Hải và Tôn Hải.
Những thông tin này không chính xác vì thành An Hải đến tháng 12/1858, liên quân mới chiếm, nhưng không giữ được, phải rút di.
Thomazi trong cuốn Cuộc Chinh Phục Nước Nam (La conquête de l'Indochine) có lẽ viết đúng hơn, với bản đồ kèm theo: ngày 1/9/1858, liên quân Pháp-Y tiến đánh bốn pháo đài ở bán đảo Sơn Trà. Nhìn bản đồ của Thomazi, thì ta thấy đó là: Pháo đài Phòng Hải, do Minh Mạng xây năm 1840 và ba đồn Trấn Dương do Thiệu Trị xây năm 1847. Ngoài ra, ta còn biết: quân Tây Dương đóng bản doanh ở chân núi Sơn Trà, điều đó chứng tỏ họ đã chiếm Sơn Trà, chứ không phải họ chiếm được Điện Hải.
Thực Lục không nói rõ Nguyễn Tri Phương đóng ở đâu, ta có thể đoán Nguyễn Tri Phương luôn luôn đóng bản doanh ở thành Điện Hải, vì thành này kiên cố, quân Tây dương khó có thể chiếm ngay ngày đầu, và nếu chiếm được thì chắc họ không quên ca tụng chiến công của họ.
Đà Nẵng lúc đó do Tổng Đốc Nam-Ngãi Trần Hoằng trấn giữ với khoảng 2.000 binh. Vua sai Chưởng dinh Hổ oai Đào Trí cấp tốc hội cùng Án sát Lê Văn Phổ và Bố chính Thân Văn Nhiếp, đem quân vào trợ lực. Đào Trí đến nơi, thì bốn đồn ở Sơn Trà đã mất, Trần Hoằng bị cách chức Tổng đốc, Đào Trí lên thay.
Vua lại sai Hữu quan Đô Thống Lê Đình Lý làm Tổng Thống (Tổng tư lệnh) cùng Tham tri bộ Hộ Phan Khắc Thận làm Tham tán, đem thêm 2000 cấm binh vào họp cùng bọn Đào Trí.
Nhiệm vụ: bảo vệ toàn bờ biển từ Cửa Hàn (tấn biển Đà Nẵng) vòng lên cửa Cu Đê đến núi Hải Vân, không cho quân địch lên bờ. Lê Đình Lý đóng ở Hoa Vinh, Đào Trí đóng ở Thị An.
Quân Tây dương đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn, chiếm làng Mỹ thị, Lê Đình Lý giao tranh một trận quyết liệt ở xã Cẩm Lệ, bị thương nặng, Hồ Đức Tú đóng ở Hoá Khuê không đến cứu. Vua sai bắt Hồ Đức Tú kiềng lại để điều tra. Lê Đình Lý được đưa về quê Bình Định điều trị, ít lâu sau mất. Các tướng thua trận bị giáng chức. Vua sai lấy xích sắt và dây sắt chắn ngang các cửa biển Thuận An và Tư Hiền.
Tình hình khẩn cấp, vua gọi Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ ở Nam Kỳ về, trao chức Tổng Thống (Tổng tư lệnh) cùng với Phạm Thế Hiển, Tham tá, Chu Phước Minh, Đề đốc để đối phó với quân Tây Dương.
Tháng 11/1858, quân Tây Dương tiến vào sông Hàn, Đào Trí và Nguyễn Duy chia quân phục kích, đẩy lui. Tám chiếc thuyền Tây dương tiến vào sông Nại Hiên, Nguyễn Tri Phương phái Chu Phước Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy chống đỡ, bắn phá thuyền địch, cái bị vỡ, cái bị gẫy. Vua khen thưởng quân đội. Ban cho Nguyễn Tri Phương một thanh gươm của vua, năm chỉ nhân sâm và phái thầy thuốc đến chữa (bị thương).
Tháng 12/1858, quân Tây Dương công phá hai đồn Hoá Khuê và Nại Hiên. Hai hiệp quản Nguyễn Triều và Nguyễn Ân tử trận. Chu Phước Minh, Đào Trí, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy chia nhau đến cứu nhưng không kịp.
Nguyễn Tri Phương sửa sang lại đồn lũy, đặt thêm lầu canh, thêm quân do thám, để các đồn có thể cứu ứng lẫn nhau. Quân Tây dương nhiều lấn tấn công các đồn Hoá Khuê, Nại Hiên, Thạc Giản, đều bị Chu Phước Minh, Phan Khắc Thận, Nguyễn Duy, đẩy lui, nhưng họ chiếm được thành An Hải.
Nguyễn Tri Phương duyệt mặt trận để xem xét tình hình, tâu vua: "Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn luỹ, để dần dần tiến đến gần giặc" (TL t. 583). Chiến lược này của Nguyễn Tri Phương sẽ làm cho liên quân Pháp-Y thất bại: đợi quân ta đến đánh mà ta không đến, nếu họ tiến đánh, thì họ thua.
Tháng 1/1859, Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển đắp đồn Liên trì, quân Pháp lại tiến đánh đồn Thạc Giản, đồn Nại Hiên, sa vào phục binh của quân ta, thua trận.
Nguyễn Tri Phương đắp lũy dài từ bãi Hải Châu đến các xã Phước Ninh, Thạc Giản, bên ngoài lũy đào hố hình chữ Phẩm, cắm chông, che cỏ và đổ cát lên trên, đặt quân mai phục sát đến thành Điện Hải. Quân Tây dương chia làm ba đạo tiến đánh, phục quân của ta đổ ra, quân địch phần rơi xuống hầm, phần bị trúng đạn, thua to. Vua thưởng chung cho 100 quan tiền. Quảng Nam ăn mừng chiến thắng.
Tháng 2/1859, vua ban thưởng quân đội Quảng Nam đã hết sức chiến đấu đẩy lui được giặc.
Thuyền quân Tây dương đổ bộ vào bãi Hải Châu, các tướng Hồ Oai, Tôn Thất Thi, Nguyễn Nghiã bắn chìm được ba chiếc thuyền. Nhưng ngày hôm sau, quân Pháp-Y xung kích: vây đồn Hải Châu, Chu Phước Minh thua chạy về giữ đồn Phước Ninh, Nguyễn Duy đến cứu đẩy lui được quân địch, trận này quân ta bị thương và chết nhiều và cũng là trận sau cùng.
Bởi vì liên quân Pháp-Y đánh đã sáu tháng mà không chiếm được Đà Nẵng, cũng không thể đánh ra Huế, vì đèo Hải Vân bị chặn, nên phải bỏ Đà Nẵng, đánh vào Sài Gòn.
Vì không đánh được nên nội bộ của họ có vấn đề: Rigault de Genouilly đổ tội cho Giám mục Pellerin "báo cáo láo" đánh lừa mình. Giám mục Pellerin muốn đánh thẳng vào Huế. Rigault de Genouilly biết không thể nào vượt được Hải Vân. Cuối cùng Giám mục Pellerin giận, bỏ đi Penang.
Sử gia Pháp hầu như không viết gì về giai đoạn này, vì họ không thích nói đến những chiến bại. Thomazi chỉ mô tả ngày đầu tiên 1/9/1858, khi liên quan Pháp Y, bất thình lình câu đại bác vào bốn đồn ở bán đảo Sơn Trà, rồi "oai hùng đổ bộ, hô to khẩu hiệu "Hoàng đế [Napoléon III] muôn năm" trước khi công phá và chiếm các đồn luỹ. Còn các trận đánh sau, ông chỉ "phân tích tình hình", rồi chuyển qua mô tả những chiến thắng của Pháp ở Sài Gòn.
Ông phân tích tình hình qua lời than của Đô đốc Rigault de Genouilly: đổ tội cho các giáo sĩ [ám chỉ Pellerin] đưa tin sai lầm về nước Nam: Sau khi chiếm được các đồn trên bán đảo Sơn Trà, Đô đốc chờ đợi sự nổi dậy của giáo dân, nhưng không thấy. Vịnh Đà Nẵng được bảo vệ bằng nhiều thành trì, một số xây từ thời Pigneau de Béhaine và Olivier de Puymanel".
Đây là luận điệu của chung của sử gia thuộc địa: nhận vơ tất cả những thành trì do Minh Mạng xây là do Bá Đa Lộc và Olivier de Puymanel xây, nghiã là hơn 30 năm sau khi Bá Đa Lộc và Puymanel qua đời! Riêng Olivier de Puymanel mà Pháp đưa ra như ông tổ, đã dạy dỗ chúng ta xây thành Vauban, chỉ là lính trơn vô học và đã chết từ năm 1799. Học giả Đào Đăng Vỹ cũng chép lại y chang, và ở hội thảo về thành Điện Hải ở Đà Nẵng hiện nay, người ta cũng nói Điện Hải do Pháp xây theo kiến trúc Vauban!
Thomazi viết tiếp: "Những thành trì này còn trong tình trận rất tốt, đô đốc nói rằng "tốt hơn những thành trì ông đã thấy ở Trung Quốc nhiều". Đại bác cỡ lớn và cỡ trung được trang bị những bộ phận điều chỉnh tối tân, thuốc súng mua của Anh. Bộ binh có nhiều súng trường tốt, chế tạo ở Bỉ hay ở Pháp" (trang 30). Chiến thuật của ngưòi Annam là chỉ đánh du kích hoặc không động tĩnh gì. Sự này gây cho ta thiệt hại không nhỏ, Đô đốc đã đứng trước những trở lực không thể vượt qua, ông viết: Chính phủ đã lầm về bản chất của cuộc chinh phục này. Người ta bảo chính quyền ở đây yếu kém, quan lại hèn nhát, thì ta gặp một chính quyền mạnh mẽ, khí phách. Người ta bảo nước này không có quân đội, thì quân đội chính quy rất đông, chưa kể dân quân bao gồm tất cả những người lành mạnh trong quần chúng. Người ta bảo khí hậu ở đây rất tốt, thì khí hậu rất tồi tệ...
Không thể thực hiện được một cuộc đổ bộ có hiệu lực, dù ngắn ngủi thế nào... Xứ này không có đường, chỉ có ruộng, và đi cách nào thì cũng dẫn đến trước một thành trì vững chắc theo lối Tây phương, có trang bị súng ống hạng nặng và có một đạo quân phòng thủ". (Trang 32).
Không thể chiếm được Đà Nẵng, cũng không thể leo lên đèo Hải Vân để tiến đánh Huế vì đội ngũ phòng thủ và đại bác trên đèo không nhân nhượng.
Rigault de Genouilly muốn đánh nơi khác. Giám Mục Pellerin khuyên ông nên đánh ra Bắc, vì ở đây có khoảng 400.000 giáo dân muốn giúp, chưa kể dư đảng nhà Lê [Lê Duy Cự] sẵn sàng tiếp tay với Pháp lật đổ triều Nguyễn, ông không tin. Rút cục ông để lại một lực lượng nhỏ giữ các thành đã chiếm ở Sơn Trà, rồi đem đại quân vào đánh Sài Gòn và ông đã thắng.
Sau đó, Rigault de Genouilly trở ra Đà Nẵng, lại thất bại trước sự phòng thủ của Nguyển Tri Phương, ông xin chính phủ Pháp cho viện binh hoặc chỉ giữ Sài Gòn Gia Định, không được, ông bèn từ chức.
Phó đề đốc Page lên thay. Lại thua Nguyễn Tri Phương. Page rất mừng khi được lệnh vào giữ Sài Gòn, bao nhiêu binh thuyền phải dồn cho Charner hợp với quân Anh sang đánh Tầu. Ngày 23/3/1860, Page phá hủy tất cả các đồn trại đã chiếm được ở Sơn Trà, trước khi vào Sài Gòn. Khi Charner trở về cùng tiến đánh miền Nam.
Nguyễn Tri Phương được chuyển vào Sài Gòn để đối đầu với địch.
Trong suốt thời kỳ từ 1858 đến 1873, khi Hà Nội thất thủ, quyết định tuyệt thực mà chết, Nguyễn Tri Phương là vị đại tướng đã chiến đấu quân Pháp đến cùng.
VIII- Huế
Huế vô cùng quyến rũ về nhiều mặt, bởi vì Huế là kinh đô cuối cùng của thời đại tự chủ. Huế còn giữ được phong độ, qua nếp sống, kiến trúc, văn hoá và ẩm thực. Huế không bị ngộp thở vì nhà cao tầng. Huế vẫn lác đác những nhà cổ trên đường phố ngoại ô, như lời chào của quá khứ đón ta về Huế. Đi sâu vào thành nội, ta gặp muôn vàn quyến rũ khác, như thể tất cả vàng son và uy quyền của một thời còn đọng lại trong không gian, trong cỏ cây, trong sự đài các của cô gái Huế, của các món ăn Huế, trong cách trang trí Huế, từ vườn rau, cây kiểng, cái gì cũng nhuốm chất hoàng gia, sang trọng, lịch lãm.
Về cái chết của vua Minh Mạng, tác giả Đạo Giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse) cuốn sách nổi tiếng nhất của Pháp về thời kỳ truyền giáo, linh mục Louvet viết:
"Vài tuần sau đó, kẻ tàn sát cũng lên hầu toà án Thượng Đế: Ngày 20 tháng Giêng năm 1841, Minh Mạng bị ngã ngựa, chết bất thình lình và đạo Thiên chúa mà y quyết tâm tận diệt vẫn sống, sống mạnh mẽ hơn, qua 10 năm chiến đấu, tự hào với hàng ngàn linh mục và hàng trăm người tử tội. Vì tự mình làm kẻ tàn sát đạo, tên bạo chúa đã bị thần dân của y kinh tởm và có biệt hiệu là bạo chúa Néron Việt Nam. Thay vì lùi, đạo Chúa đã tăng trưởng trong cuộc tranh đấu bền bỉ và đã chiến thắng vinh quang. Kẻ nào không tin hãy nhìn thống kê sau đây: Năm 1830, có một Khâm sứ Giáo Hoàng [Pháp] tám giáo sĩ [Pháp] hai mươi linh mục bản xứ và sáu mươi ngàn giáo dân. Năm 1841, một Khâm sứ Giáo Hoàng, bẩy giáo sĩ, ba mươi linh mục bản xứ và bẩy mươi lăm ngàn giáo dân" (Louis-Eugène Louvet, Đạo Giáo ở nước Nam (La Cochinchine Religieuse),1885, tập II, t. 115).
Không chỉ mình vua Minh Mạng có biệt hiệu Néron Việt Nam, cả chúa Nguyễn Phước Tần thời trước cũng "được" các giáo sĩ gọi như thế.
Khi xe leo lên đèo Hải Vân để về Huế, trời mưa tầm tã, tôi đã nhìn thấy vua Minh Mạng sừng sững đứng trên đỉnh núi, ở nóc đồn rêu phong, lệnh cho quân sĩ giữ vững Hải Vân Quan, chặn không cho liên quân Pháp-Y Pha Nho tiến lên chiếm Huế.
Minh Mạng (1820-1841) là vị vua lớn của triều Nguyễn, đã nhìn thấy hiểm hoạ ngoại xâm bắt nguồn từ các giáo sĩ người Pháp: đặc biệt từ khi Alexandre de Rhodes vận động Giáo Hoàng cho giáo sĩ Pháp độc quyền cai quản địa phận Việt Nam, các giáo sĩ Pháp luôn luôn tìm cách dẫn đường cho thực dân Pháp.
Vì thế, vua Minh Mạng cấm đạo, nên ông đã được các giáo sĩ "đặc biệt quan tâm".
Nhưng linh mục Louvet chưa phải là người đầu tiên nguyền rủa Minh Mạng.
Người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đã buộc tội và mạ lỵ Minh Mạng nặng nề, vô cố nhất là học giả Trương Vĩnh Ký trong cuốn Giáo trình Lịch sử An Nam (Cours d' Histoire Annamite) (Saigon Imprimerie du Gouvernement, 1875, bản điện tử). Đến năm 1897, ông lại "xác định" thêm rằng Olivier de Puymanel và Le Brun, hai người lính Pháp vô học đã "xây" thành Gia Định bằng câu: "Vua dạy [bảo] ông Olivier, ông Le Brun coi xây thành Gia Định", mà không đưa ra bằng chứng nào.
Khi viết sử về giai đoạn Pháp thuộc, Trương Vĩnh Ký có giọng điệu thực dân hơn cả thực dân, ông dùng chữ "trừng trị" để chỉ việc Pháp đánh nước ta, ông hồ hỡi khi Pháp thắng trận. Những đoạn mạt sát Minh Mạng, đôi chỗ trở thành "phản quốc", ông không ngừng buộc tội vua, bằng những sự kiện hoàn toàn bịa đặt:
1- Minh Mạng giết Nguyễn Văn Thiềng [Thành] vì Thiềng đã khuyên Gia Long nên để dòng chính (tức là con trai Hoàng tử Cảnh) kế vị, nên sau này Thiềng bị Minh Mạng thù.
[Thực ra Nguyễn Văn Thành có con trai làm thơ "phản kháng", đại ý: ta bỏ triều này dựng triều khác hay hơn, mới đầu vua Gia Long biết nhưng lờ đi; ba năm sau, bị một số quần thần ghét, tố cáo, thêm thắt, vua Gia Long không bênh còn luận tội, nên ông đã tự tử chết năm 1817, dưới thời Gia Long].
2- Ngôi báu mà Minh Mạng thừa hưởng của cha là nhờ công ơn của một số "sĩ quan" Pháp, có người đã hy sinh đến tính mệnh [Ai?]. Vậy mà sau này Minh Mạng cùng bọn quần thần bội bạc đã đối xử tồi tệ với các "sĩ quan" đã giúp Gia Long dựng nước, cố tình kéo Gia Long ra khỏi ảnh hưởng Pháp. Vì thế, trong suốt thời kỳ đối đầu giữa chế độ Cộng hoà và chế đô Đệ nhất đế chính [ở Pháp] không có mối liên lạc nào giữa Annam và Pháp, đó là lỗi Minh Mạng.
[Hai người theo Gia Long từ đầu và còn ở lại trong triểu đến cuối là Vannier và Chaigneau, Minh Mạng không đuổi ai cả, còn ban chức tước, phẩm vật trước khi họ về Pháp].
3- Sau khi lên ngôi, trong thời gian đầu, Minh Mạng dùng các giáo sĩ vào việc dịch sách, xong, thả họ sang Ai Lao (Lào) cho chết vì bệnh sốt rét rừng, để âm thầm thanh toán tất cả những người ngoại quốc này, nhưng các giáo sĩ đã can trì tranh đấu.
[Không hề thấy tên một giáo sĩ Pháp nào bị chết như vậy].
Trương Vĩnh Ký viết nguyên văn:
- "Minh Mạng, dùng dụ để thoả mãn mức độ nóng nẩy kinh hồn và đầy hận thù, đạt tới sự độc ác vì mê đắm hay vì lòng ghen tuông mù quáng. Tham vọng thống trị của ông ta vô độ: chính trị của ông ta lạnh lùng, bất chính, tàn nhẫn" (trích dịch bản điện tử).
 4- "Minh Mạng lên ngôi, bằng cách tiếm vị của cháu, [con trai hoàng tử Cảnh], sợ một ngày nào đó nó có thể tranh ngôi của mình (...) Nghe đồn ông ta tư thông với vợ goá của Hoàng Tử Cảnh đến khi bà này có thai, bèn kết án loạn luân rồi sai giết cả mẹ lẫn hai con của hoàng tử Cảnh để phi tang. (trích dịch bản điện tử)
[Hoàng tử Cảnh mất năm 1801, 22 tuổi, vì bệnh đậu mùa, có hai con trai là Mỹ Đường và Mỹ Thùy. Năm 1824, Tống Thị Quyên, vợ goá hoàng tử Cảnh tư thông với Mỹ Đường, bị Lê Văn Duyệt biết, tâu vua. Tống Thị phải tội: [Lê Văn Duyệt] dìm nước cho chết. Mỹ Đường tội nặng bị giáng xuống hàng thứ nhân, mất năm 1848, đời Tự Đức. Mỹ Thùy bị bệnh chết năm 1826, không có con. Các con của Mỹ Đường được giữ Tôn Thất, Lệ Chung trông nom việc thờ phụng dòng Hoàng Tử Cảnh. Những việc này ghi rõ trong Thực Lục và Liệt Truyện].
Trương Vĩnh Ký viết tiếp:
"Sau tội ác mà vô liêm sỉ và đạo đức giả đen tối nhất pha trộn với sự hiểm ác sâu sắc nhất cùng nhau cạnh tranh như thế, ta còn ngạc nhiện làm gì trước thái độ của ông ta đối với các sĩ quan Pháp và các giáo sĩ? Không, dĩ nhiên là không.
Minh Mạng, bẩm sinh tàn ác, lạnh lùng, đen tối, gian trá, từ nay có thể làm tất cả mà chắc chắn là không bao giờ thấy quá đáng." (trích dịch bản điện tử)
Ở đầu sách, Trương Vĩnh Ký viết một đoạn song ngữ Pháp-Việt, xin trích câu tiếng Việt:
"Ở các trò trai, ta xin kiếng sách này cho các trò, vì làm nó ra là làm cho các trò coi. Dùng tiếng Pha-Lang-Sa là tiếng đã rộng mà lại hay mà chép truyện đất nước ta ra cho anh em coi cho quen thuộc tiếng ấy... [Ta tặng sách này cho nam học sinh. Khi viết ta muốn anh em đọc quen với tiếng Pháp là thứ tiếng giầu mà hay, qua chuyện lịch sử nước ta...]
Lối viết sử của học giả Trương Vĩnh Ký cho học trò học về vua Minh Mạng là như thế. Trương Vĩnh Ký còn xác nhận rằng nước ta "có tội" trước nên Pháp mới "trừng trị". Như lời nhiều sử gia thuộc điạ, cuốn lịch sử đầu tiên họ được đọc về Việt Nam là cuốn lịch sử của Trương Vĩnh Ký, cho nên ông chính là kẻ dẫn đường.
Mười năm sau, Louvet, 1885, cùng luận điệu này, đi sâu và đi xa hơn, trở thành cuốn sách tiêu biểu, sau đó các sử gia thi nhau chép lại.
Nguồn cội sự bài trừ Minh Mạng từ đâu ra? Hẳn là từ việc Minh Mạng cấm đạo và Trương Vĩnh Ký được các giáo sĩ nuôi dạy ở chủng viện Pinang từ nhỏ. Nhưng việc cấm đạo ở nước ta, không đơn giản, có một quá trình dài từ thời các chúa Nguyễn, lúc gắt gao, lúc nương tay, tùy theo tình trạng nội trị và ngoại giao, có khi bởi chính các giáo sĩ đã dìu dắt giáo dân chống lại triều đình.
Sau khi lên ngôi, Gia Long giữ khoảng cách với đạo Gia Tô, ông không thích người dân mê muội vì đạo. Năm 1804, Gia Long ra chỉ dụ đầu tiên gồm bốn điểm chính: 
1- Cấm xây thêm chùa. 
2- Sửa sang chùa chiền phải xin phép. 
3- Cấm xây thêm đền thờ thánh, thần. 
4- Đạo của người Bồ Đào Nha (tức đạo Gia-Tô) là một lý thuyết ngoại lai, đã lỡ truyền vào và dân ta nhiều người theo, nay cũng cấm không cho xây thêm nhà thờ, và nếu muốn sửa nhà thờ cũng phải xin phép.
Vì chỉ dụ này, mà Louvet đã viết lời xúc phạm Gia Long, cho rằng Gia Long đã "vô ơn bội ước" với Bá Đa Lộc và nước Pháp là "cha đẻ ra vương quốc của ông". 
Khi Minh Mạng lên ngôi, những năm đầu chưa có quyết định về đạo Gia-Tô, nhưng vua cũng không muốn đạo này bành trướng, nên không cho phép giáo sĩ vào thêm; tuy vậy giáo sĩ vẫn vào lậu. Tháng 5/1821, Chaigneau từ Pháp về, cho 4 giáo sĩ: Olivier, Gélan, Taberd, Gagelin trốn vào. Minh Mạng được thông báo, biết nhưng lờ đi, không hỏi tội.
Để giới hạn việc giảng đạo, vua ra lệnh cho các giáo sĩ phải về kinh dịch sách.
Năm 1825, hai giáo sĩ Jaccard và Régereau lại vào lậu. Jaccard trốn ra Bắc. Tháng 1/1825 Régereau đi tầu Thétis vào Đà Nẵng, bị tố cáo, bị truy nã, trốn vào Nam, nhưng cũng phải đi Singapore, hai năm sau mới vào lại miền Bắc.
Vụ Régereau khiến vua Minh Mạng nổi giận.
Ta nên biết: vua Minh Mạng nghiêm ngặt và kỷ luật hơn vua Gia Long nhiều. Quần thần rất sợ, đến nỗi Chaigneau khi ở Pháp về với chức Lãnh sự, lãnh lương của chính phủ Pháp mà nín thinh, không dám tâu. Vua hỏi: "Ngươi lại muốn về [trở về nước VN] sao? Đáp: "Thần chịu ơn dầy của nước, không biết lấy gì báo đáp. Nay tuổi già, xin làm tôi trọn đời". (TL, II, t. 131). Diard, nhà vạn vật học đi cùng Chaigneau, viết thư về Pháp tố cáo sự khúm múm của Chaigneau trước vua Minh Mạng, nên không làm được nhiệm vụ một Lãnh sự. Chaigneau bị chính phủ Pháp viết thư khiển trách nặng nề nhiều lần. Đó là lý do chính khiến Chaigneau phải trở về Pháp chứ không phải Minh Mạng đuổi.
Tháng 2/1825, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho trấn thủ các hải cảng phải tuyệt đối khám xét, không để cho một giáo sĩ nào lọt vào. Tuy vậy từ 1825 đến 1830 vẫn có 6 giáo sĩ vào lọt: Noblet, Bringole, Cuenot, Marchand, Mialon và Viale. Năm 1827, Giám mục Taberd trở thành Khâm sai Giáo Hoàng thay thế Giám mục Labartette qua đời năm 1822.
Tháng 4/1833, Lê Duy Lương, nhân danh con cháu nhà Lê, khởi loạn ở Bắc, có giáo sĩ trợ giúp với chủ trương lật đổ triều Nguyễn mở triều đại nhà Lê mới, theo đạo Gia Tô.
Tháng 5/1833, Lê Văn Khôi, con nuôi Lê Văn Duyệt, khởi loạn trong Nam, cũng với sự hỗ trợ của nhóm giáo sĩ, trong đó có Marchand và Taberd, muốn lật đổ triều Nguyễn, lập một "nước" ở Gia Định, theo đạo Gia Tô. Giáo sĩ Marchand tức Cố Du ở chung với loạn quân.
Vì thế, vua Minh Mạng mới ra chỉ dụ cấm đạo đầu tiên, năm 1833, 13 năm sau khi vua lên ngôi, lời lẽ đại ý: Vì dân chúng nghe lời dụ dỗ, theo thứ đạo ngoại lai, khinh thường đức Phật, không thờ cúng tổ tiên; nay ta quyết định: Dân ngu thì phải giáo dục cho chúng hiểu. Từ quan trở xuống, ai biết sợ uy quyền [triều đình] thì nên bỏ đạo. [Thày tu] bước qua thánh giá sẽ tha. Nhà thờ sẽ bị huỷ. Người nào bất tuân vẫn tiếp tục truyền đạo [chỉ các thầy tu người Việt] sẽ bị nghiêm trị [xử tử].
Minh Mạng cực nghiêm, ra dụ là áp dụng chứ không đùa như Chúa Thượng Nguyễn Phước Lan đã bao dung Alexandre de Rhodes, để ông ta vác đầu lâu André Lý đi hơn ba năm về Roma xin giáo hoàng trừng trị nước Nam (Xem bài Alexandre de Rhodes).
Trong chỉ dụ trên đây, Minh Mạng không nói gì đến giáo sĩ Pháp, tuy vậy, trên thực tế, giáo sĩ Pháp rất sợ, họ chạy sang Lào, Xiêm, để tránh bị bắt về Kinh dịch sách hoặc bị quản thúc tại giáo phận của mình.
Giáo sĩ Gagelin bị bắt vì tội đã trốn khỏi địa hạt bị quản thúc, đi khắp nơi giảng đạo (Louvet nói rằng ông ra đầu thú, việc này khó tin, bởi nếu ra đầu thú thì không thể bị xử tử, vì các ông Jaccard và Odorico cũng bị bắt, chỉ bị đuổi sang Xiêm, nhưng rồi ít lâu sau, tình hình dễ thở hơn, họ lại tìm cách trở về VN). Gagelin bị xử giảo (thắt cổ) ngày 17/10/1833. Giám mục Taberd, Khâm Sai Giáo hoàng, sợ quá, chạy sang Xiêm.
Người thứ hai là Cố Du tức cha Marchand, bị bắt trong sào huyệt cuối cùng của loạn quân Lê Văn Khôi, bị xử lăng trì (chặt chân tay cho chết dần) ngày 30/11/1835 cùng với 5 người khác. Tội lăng trì đã bỏ, nhưng vua Minh Mạng hoặc vì tức giận (đánh ba năm mới dẹp xong loạn Khôi) hoặc vì muốn làm gương, nên đã áp dụng hình thức nặng nề nhất của án tử hình.
Tuy vậy đạo Gia-Tô vẫn tiếp tục bành trướng. 1836, bẩy giáo sĩ: Candalh, Jeanne, Lefèbvre, Viale, Miche, Duclos, Chamaison vào lậu, lập hai trường dạy đạo, một ở Bắc, một ở Nam, hoạt động công khai như không có dụ cấm đạo.
1838, tình hình nước Tầu đã găng lắm, lo ngại quân Tây phương sẽ lấn đến VN, vua Minh Mạng áp dụng chính sách cấm đạo triệt để hơn nữa: có hai giáo sĩ bị tử hình là Linh mục Jaccard ở Cam Lộ ngày 21/9/1838 và Giám mục Borie bị chém đầu tại Đồng Hới ngày 24/11/1838.
Đó là những lý do tại sao dưới triều Minh Mạng có tới bốn giáo sĩ người Pháp bị tử hình.
Đến đời vua Thiệu Trị (1840-1847) giáo sĩ bị bắt vẫn kết án tử hình, nhưng vua Thiệu Trị không xử tử ai cả, đợi có tầu ngoại quốc đến, gửi đi, hoặc sai quan dẫn độ sang Singapore. Nhưng chính sách khoan hồng và mở cửa của vua Thiệu Trị không làm cho người Pháp thực dân như đô đốc Cécille, Tổng tư lệnh hải quân Pháp ở Thái Bình Dương hiểu, y vẫn tiếp tục ngoan cố, vẫn tìm cớ "giải thoát" giáo sĩ để đánh nước ta.
Biến cố vịnh Đà Nẵng 1847 đã chứng tỏ điều đó. Việc này đã chấm dứt tất cả những mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. (Xem kỳ trước)
Mười năm sau, 1857, liên quân Pháp Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng, lần này là vì sự vận động của Giám Mục Pellerin với Napoléon III và Giáo Hoàng Pie IX.
Do đó có thể nói, chính sách xâm lược nước ta, là sự kết hợp giữa chính quyền thực dân và giáo hội La Mã, bắt đầu từ thời Alexandre de Rhodes.
Lên ngôi, Minh Mạng cải tổ toàn diện nền giáo dục, sửa sang việc hành chính, nội trị và binh bị, lo bảo vệ đất nước, đề phòng ngoại xâm. Riêng việc thi cử: Thời Gia Long, 6 năm mới có kỳ thi, Minh Mạng đổi lại 3 năm một lần, đặt thi tiến sĩ, mở thêm các trường thi trên khắp đất nước. Số người đỗ đạt ra làm quan tăng lên gấp bội. Ông sửa sang hành chính, đặt ra tỉnh, huyện.
Minh Mạng còn là nhà kiến trúc, xây 23 thành trì: Hưng Hoá (1821); Sơn Tây (1822); Quảng Bình, Ninh Bình (1823); Bắc Ninh, Cao Bằng, Định Tường (1824); Quảng Yên (1827); Nghệ An (1831); Hưng Yên (1832); Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Nam (1833); A Giang (Châu Đốc), Hà Tiên, Lạng Sơn (1834); Hà Nội (1835); Gia Định (Sàigòn, 1836), Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Trị (1837), Biên Hoà (1838). Thiệu Trị xây thêm thành Tuyên Quang (1844).
Nếu Minh Mạng không chết vì ngã ngựa, chưa chắc quân Tây Dương đã dám dụng đến nước ta. Bởi tất cả những thành trì kiên cố này đã ngăn chặn quân Pháp, gây khó khăn, nên họ không thể nhanh chóng mà chiếm được. Phải mất 20 năm.
Nhưng những điều mà học sinh được học về Minh Mạng, đã bị lọc qua lăng kính sử gia thuộc điạ, kể cả những người như Trần Trọng Kim và Phan Khoang cũng đều nhất loạt cho rằng: vì Minh Mạng giết đạo và bế quan toả cảng nên nước ta mới lạc hậu và sau này bị Pháp xâm chiếm, là hoàn toàn sai.
Trái với Gia Long, chủ trương bế quan toả cảng thực sự, vì ông sợ Anh, Pháp xâm chiếm, Minh Mạng không hề bế quan toả cảng. Ông gửi nhiều phái bộ đi nước ngoài với mục đích: đo lường sự đe dọa của Tây phương, học hỏi các tiến bộ khoa học và khảo sát tổ chức thương nghiệp của họ để có thể giao tiếp.
Từ năm 1825 (một năm sau khi Anh làm chủ bán đảo này) vua Minh Mạng đã sai phái đoàn sang Singapore để thương lượng độc quyền buôn bán, được người Tây phương ghi nhận:
"Sự buôn bán lớn giữa Singapour và xứ Đàng Trong Việt Nam là do những thần dân người Hoa của nhà vua Việt Nam tiến hành. Tuy nhiên, năm 1825, vua đã gửi hai đội vũ trang và một đoàn quan lại tới Singapour để mua hàng len và hàng thủy tinh. Sau này mới phát hiện là những viên quan này cũng tới để về tường trình [với vua] những điều kiện và quan điểm của những thuộc địa châu Âu ở Eo Malacca. (...) Cuộc viếng thăm của những chuyến thuyền buôn đã kéo theo độc quyền nhà vua về buôn bán với Singapour". (Wong Lin Ken, 1960, t. 155-56, theo chú thích số 14 của Phan Huy Lê, t. 129, Hải Trình Chí Lược).
Ngoài việc gửi sứ sang Tàu dò xét nhà Thanh, năm 1830, Minh Mạng còn gửi Lý Văn Phức (người Tầu) đi Bengale, xem tình hình người Anh ở Ấn Độ, Khi về ông viết ba tác phẩm Tây hành kiến văn kỷ lược, Tây hành thi lược, Tây hành thi kỷ (đều chưa dịch). Năm 1831, vua lại gửi Phan Thanh Giản và Hà Tôn Quyền đi Batavia (Jakarta), dò xét người Anh ở Tân Gia Ba (Singapore) và người Hòa Lan ở Indonesia. Năm 1832-1833, vua gửi phái đoàn Phan Huy Chú đi Singapore và Batavia, trở về ông viết Hải Trình Chí Lược (Phan Huy Lê, Tạ Trọng Hiệp, Claudine Salmon dịch). Qua tác phẩm này, ta thấy rõ nhiệm vụ học hỏi những cơ sở của Tây Phương và dò thám những ý đồ và mục tiêu của họ.
Tháng 11/1839, Minh Mạng cho chế tạo một thuyền lớn chạy bằng máy hơi nước, tốn 11.000 quan tiền, các quan có ý tiếc, vua bảo: ta muốn thợ của ta học hỏi những kỹ thuật mới về máy móc tân tiến, tốn bao nhiêu cũng phải trả.
Riêng trong tháng 11/1839 [là năm bùng nổ chiến tranh nha phiến bên Tầu], Minh Mạng gửi một lúc nhiều phái đoàn ra nước ngoài: Đào Trí Phú, Trần Tú Dĩnh đi Batavia (Jakarta) Cao Hữu Tán đi Tambelan (đảo Indonésia), Nguyễn Đức Long, Lê Bá Tú, Phan Tĩnh đi Tiểu Tây (Ấn Độ), Trần Đại Bản, Nguyễn Du, Lê Văn Thu, Đỗ Mậu Thưởng đi Singapore, và lần đầu tiên, vua sai Trần Viết Xương và Tôn Thất Thường sang Pháp và Anh với hai thông ngôn (Thực Lục V, t. 588).
Linh mục Delvaux, tác giả bài Sứ thần Minh Mạng gửi sang Louis-Philippe 1839-1841 (L'Ambassade Minh Mạng à Louis-Philippe 1839 à 1841 (BAVH, 1928, quyển 4, t. 257-264), sau khi kê khai những "tội" mà Louvet và Trương Vĩnh Ký đổ cho Minh Mạng, ông nghiên cứu khá rõ về chuyến đi của phái đoàn VN do Minh Mạng phái sang Pháp năm 1839.
Năm 1839, chiến tranh nha phiến bùng nổ ở Tầu, đã khiến Minh Mạng quyết định, Delvaux viết: "Việc nước Anh đem súng đạn xâm phạm nước Tầu vì quyền lợi thương mại, giáng xuống như một sự đe doạ, như tiếng còi báo động đến từ người Âu".
Thấy Anh thành công một lần nữa nhờ bạo lực, chính phủ Pháp muốn bắt chước và cho sự hiện diện của hải quân Pháp ở Á Đông là cần thiết, bèn gửi nhiều tầu chiến đến biển Đông. Minh Mạng, lo ngại, nghi ngờ ý đồ của Anh, Pháp; ông muốn biết rõ tại sao tầu chiến Pháp lại thường xuyên ghé vịnh Đà Nẵng, bèn lấy cớ muốn tìm hiểu văn minh tập quán của người Tây phương, cuối năm 1839, ông gửi một phái đoàn sang Pháp, Anh để thăm dò sự thực.
Trong thư ngày 25/4/1840, linh mục Régereau, nguyên trợ tá Giám mục Taberd, giáo sư chủng đạo Pinang, viết:
"Ngày 28/2/1840, một chiến thuyền của vua nước Nam đến Pinang... Chiến thuyền này đến Calcutta để kiểm lại vỏ và thân tầu, trình báo tất cả việc quân Anh ráo riết sửa soạn chiến tranh [16 chiến hạm Anh sẽ tấn công Quảng Đông tháng 6/1840]. Một chiến thuyền khác của nhà vua đi Batavia để xem quân Hòa Lan động tĩnh thế nào, bởi Minh Mạng không ngủ yên. Một chiến thuyền thứ ba gửi đi Luân Đôn và nước Pháp. Nhà vua rộng rãi bỏ ra 20.000 quan tiền để chi phí chuyến đi này. Chắc chắn các sứ giả [VN] sẽ chẳng nói với chính phủ Pháp việc họ đối xử [tồi tệ] với người Pháp như thế nào trong xứ họ, v.v... Mà có nói, cũng chỉ nói láo, chứ gì." (Delvaux, bài đã dẫn).
Phái đoàn 4 người: 2 sứ giả: Tôn Thất Thường 40 tuổi và Trần Viết Xương, 45 tuổi, và hai thông ngôn 20 và 22 tuổi, thuộc gia đình Võ Dõng, một người nói tiếng Pháp, một tiếng Anh. Đi từ Singapore đến Locmariaquer (Bretagne) ngày 2/11/1840. Tờ Armoricain ở Brest, số ra ngày 25/11/1840, dành nhiều cột cho phái đoàn, mô tả hình dáng, y phục, phỏng vấn, đưa tin, trong đó có những dòng: "Đội hàng hải thương thuyền của nhà vua thường xuyên giao thiệp với Batavia, Pháp ít có gì để trao đổi thương mại với Việt Nam... Những giáo sĩ, sau thời gian bị đán áp, đã được đón nhận ở Việt Nam, ngay cả ở trong triều..." Điểm này cho thấy vua Minh Mạng đã thay đổi chính sách với giáo sĩ và đã chuẩn bị việc giao thương với Anh, Pháp khi gửi phái đoàn sang Pháp.
Đến Paris, phái đoàn được báo chí đón tiếp nồng hậu, được mời đi xem Opéra, ngồi ghế thượng hạng của các chính trị gia hàng đầu. Ngày 5/1/1841, phái đoàn dự cuộc họp của Thượng nghị viện, hội đàm với Thống chế Soult, Thủ tướng và ông Cunin-Gridaine, Bộ trưởng Thương mại.
Tờ Moniteur Universel ra ngày 5/1/1841 kể: "Hôm tiếp kiến ông Bộ trưởng Thương mại, họ mặc đại triều. Mỗi khi thấy điều gì lạ, họ đều thản nhiên rút bút, mực, giấy, gài ở đai lưng ra ghi chép, dù ở ngoài đường, chẳng phiền hà bận tâm gì cả". Ngày 6/1/1841, tờ báo viết: "Phái đoàn đến Thượng nghị viện ngày 5/1. Tất cả mọi người đều nhìn, họ tỏ ra thản nhiên không hề nao núng trước những con mắt hiếu kỳ."
Nhưng từ ngày 6/1/1841 trở đi, dường như có lệnh của chính phủ Pháp, không báo chí nào đưa tin gì nữa; ngược lại báo chí công giáo tố cáo mạnh mẽ việc "giết đạo" ở Việt Nam. Giám đốc Hội Thừa sai Ngoại quốc viết thư cho vua Louis-Philippe và cho Đức Giáo Hoàng "báo cáo" sự có mặt các sứ giả của Minh Mạng ở Paris, Giáo hoàng lập tức viết thư cho Louis-Philippe yêu cầu dùng thẩm quyền của nhà vua để đòi ngừng việc đán áp đạo. Nhiều giám mục viết thư cho Thống Chế Soult, Thủ tướng và các Bộ trưởng, được họ hứa sẽ can thiệp.
Giám mục Chalons-sur Marne, rồi giám mục Mans viết thư cho Martin du Nord, Bộ trưởng Tư pháp kiêm Tôn giáo của Pháp, với những lời lẽ cực kỳ mạnh mẽ: "Minh Mạng là bạo chúa điên cuồng nhất, vượt qua tất cả những bạo chúa từng được nói đến trong lịch sử" (Nguyên văn: Minh Mạng, le plus furieux tyran qui surpasse tous ceux dont on a parlé dans l'histoire). (Thư của Prilly, Giám mục Chalons sur Marne gửi Bộ trưởng Tư pháp kiêm Tôn giáo ngày 24/1/1841).
Martin du Nord chuyển thư của hai vị giám mục đến Guizot, Bộ trưởng Ngoại giao, là người thật sự làm chủ nước Pháp từ 1840 đến 1848. Không biết Guizot trả lời thế nào. Dường như Guizot cũng không lợi dụng dịp này để đòi triều đình Huế ngừng đàn áp đạo thiên chúa. Chỉ có vua Louis-Philippe không tiếp phái đoàn, lấy cớ sứ bộ không xin bệ kiến theo đúng nghi thức truyền thống, việc đó chắc để trả lời vua Minh Mạng đã không tiếp các phái đoàn Pháp trước đây. Sau đó phái đoàn sang Anh, rồi trở lại Bordeaux lên tầu về Huế, đến nơi thì vua Minh Mạng đã qua đời, vua mất vì ngã ngựa ngày 20/1/1841, ở tuổi 50. Đại Nam Thực Lục không nói rõ lý do, có lẽ là một truyền thống, nhưng những vị thừa sai biết rõ, thông tin của họ chắc là đúng.
Một số thừa sai cũng sắp lên tầu ở Bordeaux, kể lại: "Tại Pouliac chúng tôi gặp những người trong phái đoàn Minh Mạng sửa soạn về nước, họ rất hài lòng về sự tiếp đón của chúng ta. Chúng tôi dẫn anh trẻ tuổi nhất về phòng trò chuyện. Hỏi anh ta về gia đình, về đất nước, về sự tàn sát đạo ở xứ anh. Anh ta trả lời tất cả với sự lanh trí hiếm có và sự ngây thơ thật thà đáng trọng. Anh ta bảo cha mẹ anh theo đạo; rằng từ nhỏ anh đã quen với các quan đại thần; anh ta đợi đến tuổi 25 (hiện mới 19), sẽ đổi địa vị, và theo đạo của cha mẹ... anh vô cùng mừng rỡ nhận những hình ảnh [đạo chúa] mà chúng tôi gửi tặng cha mẹ anh." (Annales de la Propagation de la Foi, XIV, 1842, t. 150-151)
Đăng lại những dòng này, Delvaux phê bình: "Người trẻ tuổi này, con của giáo dân, có thể theo đạo (có thể bỏ đạo). Minh Mạng gửi sang Pháp để tỏ thái độ chiết trung của mình, khôn khéo tính trước ảnh hưởng của anh ta tới những người Pháp, cùng đạo".
Một trong hai vị sứ giả [Tôn Thất Thường hay Trần Viết Xương] sau khi về nước kể rằng: Một vị quan võ hàng đầu trong chính phủ Pháp đã nói với ông: "Tất cả thầy tu đến nước ông toàn bọn khốn nạn vô gia cư vô nghề nghiệp. Nếu vua nước ông thích chặt đầu ai cứ việc, chúng tôi cũng chẳng tiếc gì" [Tous ces prêtes qui vont chez vous ne sont que des misérables sans feu ni lieu. S'il plait à votre Roi de leur trancher la tête, nous ne le regrettons pas]. Những lời này, qua việc dịch lại của cha Miche, đến tai Thống chế Soult, dĩ nhiên ông cải chính, coi như là điều "không thể có", "không thể tưởng tượng được".
Có lẽ lời ông đại tướng Pháp không hoàn toàn dưới dạng "phũ phàng" thế này, nhưng chắc ý không sai: quân đội Pháp chẳng màng gì đến việc can thiệp để "cứu đạo", ta đã thấy thái độ của trung tá Lapierre (xem bài trước) có để ý gì đến việc "cứu" giám mục Lefèbvre đâu, chỉ muốn đánh chiếm thuộc địa cho Pháp mà thôi.
Sự tiếp đón phái đoàn Việt Nam của chính phủ Pháp chứng tỏ uy tín của nước Nam ở Âu châu, mặc dù giới thừa sai tìm đủ mọi cách bôi nhọ vua Minh Mạng, nhưng hầu như họ đã không đạt được kết quả.
Người ta cũng trách vua Tự Đức đủ điều, nhất là không chịu canh tân đất nước, giết đạo, triều đình hủ lậu, khiến người Pháp có cớ để đánh.
Xin thử nhìn lại: Tự Đức lên ngôi, sau vụ Pháp lén tiêu diệt 5 chiến hạm của ta, để lại thư giọng hách dịch, côn đồ, khiến vua Thiệu Trị tức mà chết. Làm sao Tự Đức có thể tin được quân Pháp? Năm 1857, liên quân Pháp-Y Pha Nho tấn công Đà Nẵng, do giám mục Pellerin dẫn đầu. Làm sao vua Tự Đức có thể tin được giáo sĩ để mở cửa cho họ tự do vào giảng đạo?
Rồi vua Tự Đức phải đánh nhau với Pháp trong gần 20 năm. Thì giờ đâu "canh tân đất nước"?
Thử hỏi Việt Nam trong hai mươi năm chiến tranh (1954-1975) hai miền Nam Bắc có "canh tân" được gì không?
Hồi trẻ, tôi được học về Nguyễn Trường Tộ, tôn sùng ông một cách quá đáng, học rằng: ông đã đưa ra hơn 50 bản điều trần mà vua Tự Đức và triều đình ngu muội không nghe.
Nay già rồi, tôi đọc lại những bản điều trần của ông, không thấy điều gì đáng phục cả:
Về chuyện cải cách kỹ thuật và khoa học, vua Minh Mạng đã sai thám tử có hạng đi trinh thám kỹ nghệ tân tiến, về báo cho ông rồi.
Minh Mạng đã cho thợ làm chiếc tầu đầu tiên chạy hơi nước và Tự Đúc đã có sáu chiếc. Ngoài việc gửi sứ giả đi các nuớc lân cận để học kỹ thuật của Anh, Pháp, Hoà Lan... Minh Mạng còn bắt con trai của Chaigneau, là Đức, khi anh ta từ Pháp theo cha về VN, phải kể hết cho ông nghe bên Pháp đang có những phát minh gì? Vậy người Việt thời đó không nhà quê, ngố rừng như người ta tưởng.
Nguyễn Trường Tộ cũng không phải là người đầu tiên sang Pháp, ông đi theo Giám mục Gauthier, từ năm 1859 đến 1861, để làm gỉ? Tôi không tin mấy ông Giám mục chuyên làm mật thám cho Tây. Khi về nước, ông làm thông ngôn cho Pháp. Những bản điều trần của ông, lập luận thiên Pháp rõ rệt, đệ lên vua sau khi nước ta đã mất ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, mà ông vẫn chưa tỉnh ngộ, ông vẫn tin tưởng vào "lòng tốt" của người Pháp, tin rằng chỉ biếu họ vài miếng đất và để họ tự do giảng đạo là xong. Ông khuyên vua nên "hợp tác" với Pháp, dùng giáo sĩ trong việc nội trị. Ông có ngây thơ quá không?
Nếu nghe ông thì bằng dâng nước cho quân đội và giáo sĩ Pháp là xong ư?.
Lăng Tự Đức
Lăng Tự Đức
Ngày nay, về thăm lăng mộ các vua là niềm đau thương và hân hạnh của người Việt. Vì đó là lịch sử còn mới. Tính tình các vua lộ rõ trong lăng tẩm.
Tự Đức lên ngôi 18 tuổi, khi cha chết bất ngờ vì tình hình đất nước. Lăng Tự Đức rất thơ mộng, đầy vẻ thư sinh, nho nhã, nhẹ nhàng, tượng trưng một tâm hồn cao thượng. Người thanh niên ấy yêu nghệ thuật, chỉ muốn cho dân một cuộc sống thanh bình, có thì giờ chăm sóc từng cành cây ngọn cỏ. Tự Đức là nhà thơ, trong một thế giới khói lửa, giặc đánh phá trong Nam ngoài Bắc, vua tôi quyết tâm giữ nước, nhưng lực bất tòng tâm, tướng tài, can đảm, đều chết cả. Vậy mà người thư sinh đó cũng giữ được nưóc hơn ba mươi năm.
Lăng Minh Mạng
Lăng Minh Mạng
Cửa mộ Minh Mạng
Lăng Minh Mạng, không bề thế, nhưng khiêm cung, cao nhã, khắc kỷ, để lộ oai quyền và tinh thần bất khuất, với cái oai kín đáo của một vị thâm nho có tài cai trị và giữ nước. Ta có thể tưởng tượng dưới thời Minh Mạng không có tham nhũng vì cái gì vua mua, cũng bắt ghi vào sổ cả. Luật pháp nghiêm minh. Vua coi xét tất cả mọi việc, cô đơn, quyết định tất cả mọi việc, xây dựng một mình, một nước giầu mạnh, hoàn toàn chuyên chế, không có quân xâm lăng, không ai dám xâm lăng.
Lăng Gia Long
Mộ Gia Long và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu
Mộ Gia Long xa nhất, ở trên vùng núi đồi thơ mộng. Lăng vị vua sáng lập lại nhà Nguyễn đơn giản như một "nhà nghèo ", bởi vua khi còn sống cũng rất giản dị, thủa ở Gia Định, ông xắn quần, đắp lũy cùng với thợ, ông tự lái thuyền đi thăm xưởng đóng tầu và ăn trưa với thợ. Gia Long yên nghỉ tại đây với hai người vợ quý.
Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu, là chính hậu, người Thanh Hóa, con gái quan Thái Bảo Tống Phước Khuông, mẹ họ Lê, lấy Nguyễn Ánh năm 1778, hơn Ánh 2 tuồi. Hậu sinh hai trai, trưởng là Chiêu, chết sớm, thứ là Cảnh.
Thừa Thiên cũng bình dân như chồng. Liệt truyện ghi: "Mỗi khi vua đi đánh giặc, Hậu thường đi theo", "khuyên thăm chính sự", "tự dệt vải cho quân lính". Trước kia trong lúc phiêu dạt, phụng dưỡng Hoàng Thái Hậu, nếm trải mọi mùi gian nan hiểm trở, thường thân hành dệt cửi, chính tay may lấy áo trận, để cấp cho quân sĩ. Một hôm thuyền đi gặp giặc, vua đốc quân cố thúc đánh, hậu cũng cầm dùi đánh trống, quân lính tranh nhau phấn khởi thành ra đánh được.". Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu mất ngày 22/2/1814 (3/2 năm Ất Mùi).
Năm hoàng tử Đởm mới lên ba, vua sai Thừa Thiên nuôi, Hậu đòi phải có giấy tờ đâu ra đấy, vua sai Lê Văn Duyệt viết "khế khoán". Từ đó Hậu là mẹ chính thức của Minh Mạng.
Khi Hậu mất, Gia Long bắt hoàng tử Đởm vào tế mẹ, quần thần có người đề nghị hoàng tôn Đán, vua bảo: nó là con hoàng hậu có giấy ký nhận đây này.
Qua sự kiện này ta đoán Gia Long đã quyết định cho hoàng tử Đởm lên làm vua từ khi mới ba tuổi. Ngoài ra còn thêm những sự kiện khác: Gia Long rất do dự, mãi sau này mới phong chức thái tử cho Cảnh, có lẽ ông sợ Cảnh chịu ảnh hưởng Bá Đa Lộc sẽ thiên Pháp. Đởm có thầy học là Đặng Đức Siêu, "Khổng Minh" của Gia Long và vua còn cho con tập đi "hành quân" lúc mới 9 tuổi: năm 1801, theo cha từ Gia Định tiến quân đánh trận Thị Nại 1801, trận Phú Xuân 1801, trận Trấn Ninh 1802 và đánh ra Thăng Long, thống nhất đất nước.
Tất cả đều được chuẩn bị kỹ càng cho một vị vua lớn.  
Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu được chôn cạnh chồng là trường hợp hy hữu.
Khu mộ Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu
Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu, con gái Thọ Quốc Công Trần Hưng Đạt, mẹ ruột Minh Mạng, người Huế hính hiệu. 14 tuổi được tuyển vào cung, nhưng bà "giữ gìn" không có con, sợ phải đem con chạy loạn, bận lòng chúa thượng. Đợi đến năm Tân Hợi (1791), sau khi đắp xong thành Gia Định (1790), Hậu 24 tuổi, mới sinh Minh Mạng.
Bà đã nhường con cho Thừa Thiên nuôi, theo ý Gia Long, để con mình sẽ nối nghiệp cha.
Thuận Thiên mất năm 1846, được chôn ở cơ ngơi bên cạnh mộ Gia Long và Thừa Thiên, cảnh đẹp và thơ mộng vô cùng.
IX- Trên đường ra Bắc
Rời Huế chúng tôi lên đường ra Bắc, nhưng hồn Huế vẫn còn đọng lại trong tôi suốt quãng đường dài. Bữa cơm Âm phủ tối qua, có món canh dưa chua và nhiều thứ bánh Huế tôi không nhớ hết tên, bánh nào cũng ngon, vừa ăn vừa tưởng đến Gia Long, ông vua hay nói tục, hàng ngày ra công binh xưởng kiểm soát, tự lái thuyền đi thăm xuởng đóng tầu ở Thị Nghè, trưa ăn cơm cá kho dưa muối với thợ. Nhớ chuyện Barisy (một người lính Pháp theo vua) kể lại: ngày đầu tiên quân tiến vào kinh đô, tối đó vua về thuyền ngủ và ra lệnh cho quân sĩ cũng phải ngủ trên thuyền không được nhiễu dân. Sáng hôm sau, tám giờ ngày 15/6/1801, vua chính thức lên Tử cấm thành, ông cũng không đi thẳng vào cung điện mà đứng ở phòng ngoài (nơi dân chúng tụ họp để chờ xem mặt vua những ngày thiết triều), ông đứng đó "đấu láo" với quân lính. Tôi chắc khi đã lên ngôi tôn, thế nào cũng có lúc vua lẻn ra quán Âm phủ ăn cơm canh dưa chua cá khô tộ. Tâm hồn Gia Long gắn liền với hai thứ Huế: Huế cung đình và Huế dân dã, và cũng chính là tâm hồn Huế mà tôi cảm nhận được. Nhiều lần tự hỏi không biết mình yêu nước là yêu cái gì và tôi không nhận ra cái gì chính xác cả.
Hôm đó, tôi yêu lắm cái quán ăn trong thành nội, có nhiều món ngon tuyệt, kể cả "nem công chả phượng" trước đây chỉ được đọc trong sách; chúng tôi lại được tiếp đãi như những người "hoàng phái". (Hồi đi học, tôi có con bạn người Huế, phong cách rất sang, một hôm có đứa hỏi nó: trước tau ở Vỹ Dạ, mi ở đâu? Nó vênh váo: ta hoàng phái ở trong thành nội chớ đâu có chung đụng với bọn bây). Chừ bây giờ về Huế, tôi cũng được ăn "nem công chả phượng" trong "thành nội" y như... hoàng phái, cũng được ngồi ghế bành, được nghe các cô chiêu đãi Huế ngọt lịm thưa bẩm, chao ôi là thú vị. Tôi lại nhớ một hôm khác, tại Institut Franco-Vietnamien ở khu La Tinh (nơi sinh viên Việt chúng tôi thường ở trọ hoặc thuê phòng nghỉ hè) vẫn con bạn hoàng phái đó, nó ở chung với mạ nó, bà là mệ, mới ở Huế sang chơi. Tôi phục lăn vì thấy nó một điều bẩm mệ, hai điều bẩm mệ (tôi con nhà dân làm chi biết lễ phép như thế). Một hôm đi ngang qua phòng nó, không biết hai mẹ con cãi nhau cái gì, tiếng Huế người ngoài nghe không thể hiểu, bỗng phắt cái nó dơ tay tát mệ nó ngã chúi xuống đất, tôi giật bắn mình, từ đó tôi đề phòng cái bẩm của nó. Nhưng mà tôi vẫn mê tiếng Huế và tôi hiểu ra rằng mình yêu nước là yêu cả cái hay lẫn cái dở.
Sông Hương tuyệt vời, khúc nào cũng đẹp như người thiếu nữ khoả tấm thân toàn mỹ cho đất trời thưởng lãm. Ngắm sông Hương, tôi mới hiểu tại sao tranh Lê Bá Đảng, dù hữu hình hay trừu tượng, luôn luôn có bóng mỹ nhân thấp thoáng ẩn hiện: tôi đoán ông đã "biết" sông Hương từ thủa còn thơ, từ trong tiềm thức, từ khi ông chưa ra đời. Bởi người nghệ sĩ thiên tài luôn luôn khác ta vì họ cảm những điều ta không hề cảm thấy.
Rồi tôi cũng phải rời Huế. Đi ngang Quảng Trị, Gio Linh tôi không dám ghé. Bởi từ đã bao giờ, hai chữ Gio Linh làm tôi thấy pháp trường, thấy bà mẹ ôm đầu con vừa rụng. Tiếng trống tùng bi li trong nhạc Phạm Duy, tiếng Thái Thanh oan nghiệt cất lên loan tin sét đánh: Quân thù đã bắt được con. Đem ra giữa chợ cắt đầu. Hò ơi, ới hò! đã đi vào tiềm thức của tôi, cũng giống như sau này tôi trót đọc Phan Nhật Nam nên hai chữ Quảng Trị in trong đầu tôi một đại lộ kinh hoàng không sao rửa được. Tuy vậy, con lộ u uất của Phan Nhật Nam hay bi kịch Hy Lạp Bà Mẹ Gio Linh của Phạm Duy, tôi còn tìm cách tránh được nhưng có một cái ảnh nhỏ của con bạn gởi cho tôi hồi năm 80 thì tôi không làm cách nào tránh nó được.
Nó là con bạn tôi yêu nhất, tôi chưa thấy ai đẹp hơn nó trên đời, nó tên Hằng, không chỉ hằng, lại còn mỹ hằng, người nó dong dỏng cao, chân dài như chân người mẫu, tóc nó đen nhánh. Hồi nhỏ nó cắt tóc Nhật Bản, lớn lên nó để dài, búi cao sát gáy lộ cái cổ ba ngấn Grace Kelly, mắt nó đúng là mắt bồ câu (dù tôi chưa thấy rõ mắt bồ câu bao giờ) nhìn mắt nó đã lắm, tôi bảo nó: mày đẹp nhất trần gian, nó cười khanh khách đừng xạo mày. Học hết tiểu học nó ở nhà trông cửa hàng cho mẹ, mấy năm sau có ông bác sĩ hỏi, mẹ nó gả ngay cho ăn chắc, nó sinh năm một, bốn thằng con trai liền tù tì, hai đứa sau tôi đã đi Pháp, nó gửi hình sang, tôi thần mặt nhìn: con nhỏ này lạ quá, sanh bốn con mà sao vẫn đẹp như tiên. Sau bẩy lăm, chồng nó tắm biển chết đuối, một mình nó chạy vàng cho bốn thằng nhóc tì vượt biển dần với gia đình, nó bảo: cho ăn chắc đã, rồi tao đi sau.
Một hôm tôi nhận được tấm hình căn cước của nó, sau ảnh đề: gửi mày, có chuyện gì nhớ cúng tao nghe. Tôi giật thót mình: Ôi cái con cà chớn tối ngày chỉ nói dại. Phỉ phui phỉ phui. Rồi tôi tự trấn an: chắc không sao, không sao, nó bơi giỏi, lại thông minh, thế nào cũng thoát. Nhưng rồi biệt tin. Một thời gian sau tôi bắt đầu nằm mê, mỗi đêm nhắm mắt là nó hiện về, vật vờ trên sóng, tóc xoã như thuỷ thần, mắt đẫm lệ nhìn tôi mà không nói, có lúc nó lại bảo cứu tao với cứu tao với, dù nó nói hay làm thinh tôi cũng không thể nào vớt nó lên được, tay tôi càng chạm gần tay nó thì sóng càng xô nó xa ra, xa ra..., tôi sống với nó vật vờ trong nhiều năm tháng, tôi rủa thầm những câu thơ người đẹp vẫn thường hay chết yểu.
Sau này tôi thân và quí anh Đảng vô cùng vì tranh anh có nó ở trong.
Chúng tôi qua cầu Hiền Lương, dừng lại chụp ảnh, nhưng tôi không thấy một cảm giác gì đặc biệt, nước sông cũng không làm tôi xúc động. Khi vào tới địa phận Đồng Hới, ngủ đêm ở cửa Nhật Lệ, tôi mới thấm thiá ám ảnh sông Gianh. Đêm đó tôi vừa nhắm mắt nó lại hiện ra, nhấp nhô trên sông, không làm thinh, không cầu cứu và cũng không một mình, nó đi cùng, thực ra nó kéo theo trên sông câu thơ đây sông Gianh đây biên cương thống khổ, đây sa trường đây nấm mộ trời Nam của Đằng Phương trong bài học thuộc lòng mà thủa bé chúng tôi cùng học. Rồi mảnh thành Đồng Hới đen ngòm hiện ra chắn ngang sông, gạt chúng tôi khỏi những dấu tích cuối cùng của trận Trấn Ninh-Nhật Lệ.
Quảng Bình tôi được thấy lần đầu trong mộng và trong đời, phong cảnh vô cùng ngoạn mục, núi non trùng điệp với các hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Thiên Đường... những kỳ quan của đất nước ta.
Bấy giờ tôi mới thấy yêu tiếng nước tôi như Phạm Duy. Phan Khôi có lúc sính Tây lắm, ông khen Tây cái gì cũng hay, đòi bỏ cả lối xưng hô của ta, theo kiểu Tây, nghiã là chỉ vous, toi, moi thôi, ông cho tiếng ta phiền phức quá, nào: ông, bà, bố, mẹ, thầy, u, con, cháu, chú, bác, cô, dì... người ngoại quốc không biết đâu mà rờ. Tôi chả phục cụ Phan tý nào, tôi thấy tiếng mình hay tuyệt. Bước chân về xứ, được nghe ai gọi mình là cô, bác, thân ái làm sao. Lạ hơn nữa là bọn trẻ ngày nay họ anh anh em em tỉnh bơ. Cậu guide đi đến đâu hỏi thăm đường đất là: em ơi, cho anh hỏi cái này nhé! Thế thì làm gì người em được hỏi chả thích, nhất là người anh lại dễ thương và người em cũng xinh lắm. Thời trước chúng tôi nào dám thế, ngượng lắm, thủa ban đầu phải cô cô tôi tôi đã chứ, cả bên Tây cũng vậy, có đâu dám tutoyer (mày tao) ngay lúc đầu gặp gỡ. Lối xưng hô của ta cho biết rõ vị trí người nói đối với người nghe, họ hàng thế nào, độ thân sơ ra sao. Mới nghe lời xưng hô là ta đã biết được nửa phần tình ý. Con gái tôi sinh ở Pháp, có việc về Việt Nam, hỏi nó về nước thích nhất cái gì, nó nói cách xưng hô, làm cho người ta có thiện cảm với nhau ngay. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu (ví dụ để ký giao kèo, bàn khế ước) thì đó là bước đường dẫn đến sự hoà hợp trước. Việt kiều như tôi ở ngoại quốc về, ra khỏi phi trường là ấm lòng ngay, qua lời đầu tiên người tắc-xi hỏi: cô về đâu?

Tôi đọc đâu đó có những câu hỏi, đại ý: bạn thích nhất cuốn sách nào? Nếu bị đầy ra một hoang đảo thì cuốn sách duy nhất bạn mang theo là gì? Phần lớn các nhà văn, nhà thơ của ta khi trả lời đều nhất loạt kể tên một cuốn sách, một tác giả ngoại quốc, kể cả những người không đọc được tiếng ngoại quốc mới kỳ. Thế là tôi lại ngộ ra: sự "trì trệ" của văn học hiện nay (nếu quả có trì trệ), không phải vì bị o ép (ở hải ngoại không ai bị o ép) mà là vì các nhà văn nhà thơ nước ta khinh tiếng mẹ đẻ. Tôi chẳng thấy nhà văn Pháp nào khi hỏi họ thích ai nhất, họ lại nói thích James Joyce. Chẳng phải vì họ tự tôn mà chỉ vì đọc sách ngoại ngữ không thấu, không thấm, không sướng. Bạn tưởng tượng, ngồi dưới gốc cây đa mát mẻ, mà vớ được đoạn Hồ Biểu Chánh tả thằng nhỏ gọi con heo: "Quắn, quắn ột! Quắn ột, ột, ột... Con heo núc ních đi lại hoặc đoạn Khái Hưng tả Ngọc bám riết chú tiểu Lan chạy đàn trong sân chùa Long Giáng, thì khoan khoái biết là nhường nào. Tôi chỉ mới mơ hồ cái cảm giác: đọc Hồ Biểu Chánh phóng tác khoái hơn đọc Victor Hugo nguyên tác, thì chợt bắt gặp ông Hồ Hữu Tường cũng viết một câu hệt như vậy, mà ổng nghĩ ra trước mình đến hơn nửa thế kỷ, hoá ra mình chả nghĩ được cái gì hay ho, người xưa nghĩ trước cả rồi.
Lại nói chuyện dịch, dĩ nhiên là phải dịch, nhất là những sách có tư tưởng tiến bộ, nhưng tư tưởng thì còn có thể dễ dịch chứ văn, thơ lại khác. Một hôm tôi cầm bản dịch tiếng Pháp cuốn kịch của Shakespeare, đang lẩm nhẩm đọc, con cháu ngoại đi qua liếc nhìn, nó cười khà khà phát biểu một câu xanh rờn: bà đọc Shakespeare phải đọc tiếng Anh chứ tiếng Pháp thì có ra gì! Thế là tôi lại ngộ thêm: sách dịch ở đâu cũng bị sái cả, mà ở nước mình thì sái hơi nhiều. Có bận tôi cầm sách của một dịch giả lớn ở Hà Nội, đọc không hiểu, phải cầm bản chính so sánh mới đoán ra. Tuy nhiên cũng không thể không dịch. Nhưng nếu nhà văn nước ta, trong nước và hải ngoại nhất loạt, đều khinh tiếng mẹ đẻ cả, hoặc chỉ thích đọc văn dịch thôi, thì có nguy cơ trì trệ thật đấy, vì văn là tiếng nói, mà chỉ tiếng mẹ đẻ mới đi vào lòng người, văn dịch, nhất là dịch dở nó sậm sực như ăn cơm sạn. Bây giờ lại có phong trào dịch sát văn bản nữa (nghĩa là phải giữ đúng câu, chữ, y như bản chính, không đổi trật tự), thì cái sự "trung thành" này thường sản xuất ra những câu văn cực kỳ ngô nghê, nó không phải tiếng Việt nữa, bạn mà viết thứ tiếng ấy thì rung động được ai? Ngay cả như sách dịch hay, ngay cả như đọc được nguyên bản, thử hỏi đứng trước sông Gianh, nhìn sóng biển Sầm Sơn, ngắm Thành Nhà Hồ, tôi có thể rung động gì với câu văn Kafka, Proust?.
Thành Nhà Hồ
Tôi để ý bây giờ người mình biết xếp hàng, từ khi còn ở miền Nam, tôi cũng không biết xếp hàng, đi xinê là cứ chen nhau nứt ngực mua vé. Khi sang Pháp thấy người ta xếp hàng trật tự, tôi xấu hổ lắm. Nay mình bỏ được cái tật ấy cũng là hay. Khi tôi về Hà Nội lần đầu năm 1984, con nít nói tục và chửi bậy kinh hồn, bây giờ cũng hết rồi, con nít lễ phép như trẻ em các nơi khác, cũng lại mừng. Trẻ con bây giờ nó lại rất tự nhiên. Hôm tôi đi ở động Thiên Đường, động này mênh mông, trùng điệp, như thể tất cả những hình thái trên trái đất đều được dựng lại trong động, giống như kiểu Hạ Long, chưa hết đảo này đã đến đảo khác, như Đế Thích, chưa hết đền này đã đến đền khác. Tôi đang mò mẫm leo thang trong động âm u, bỗng có tiếng con nít cười ròn rã: Ha ha, bà lão sáu mươi giỏi qua ta, leo trèo tỉnh bơ! Bố nó mắng: Suỵt! Khẽ chứ! Hỗn nào! Tôi cải chính ngay: Ê, tao bẩy lăm đó mậy, coi chừng nghe. Nó dề môi phê bình: Bẩy lăm ăn gì mà khỏe thế?... Tôi thấy con nít bây giờ nó dân chủ hơn, nghiã là nó không sợ người lớn như chúng tôi, thời trước nhát lắm chả dám kháo hót với người lạ.
Guide và tài xế từ Hội An đi Vinh rất tốt, giống như guide trong Nam, chiều khách và thân thiện như người nhà, chúng tôi chia tay với họ ở Vinh. Chỉ ở Nha Trang là hơi bị một anh guide "bóc lột" chút đỉnh, có lẽ vì thành phố này nhiều khách du lịch. Từ Vinh ra Bắc là một ê-kíp khác từ Hà Nội vào đón, ê-kíp này cũng rất tốt, xả thân, chiều khách, luôn luôn hỏi: chỗ này cô xem chưa? Em ấy muốn cho khách xem hết những gì trên đường đi, ngoài chương trình, mặc dù trời sắp tối. Bên Tầu, guide giỏi lắm nhưng cứ đến 4, 5 giờ chiều là họ thu xếp cho mình tới chỗ mua đồ, thả đó một hai tiếng, rồi dẫn về khách sạn. Còn ở Nhật guide đắt lắm, đến nỗi hãng du lịch phải mang guide từ Pháp sang. Nước tôi có guide giá phải chăng, lương thiện, hết lòng với khách, điều này rất quý.
Chúng tôi theo quốc lộ số một, đi ngang tầm 99 ngọn Hồng Lĩnh về Vinh, cốt xem dấu vết Phượng Hoàng Trung Đô của Quang Trung. Tôi hơi thất vọng trước một Phượng Hoàng Trung Đô mới xây trên nền di tích xưa, trên núi Dũng Quyết, còn gọi là núi Quyết tức Phượng Hoàng, một trong những đỉnh cuối cùng của rặng Hồng Lĩnh. Đền đài mới xây chưa bắt được hồn cốt Quang Trung, giống đền Tam Kiệt ở Quy Nhơn, lớn mà trơ. Từ biệt Vinh, chúng tôi đi Thanh Hóa.
Thanh Hoá có Sầm Sơn với hòn Trống Mái, đối với người khác có lẽ chỉ là một bãi biển thông thường, nhưng với tôi có một ý nghiã thiêng liêng: Sầm Sơn là bối cảnh tiểu thuyết Trống mái của Khái Hưng. Mà Trống mái là cuốn tiểu thuyết hiếm hoi của văn học Việt Nam thực sự lấy biển làm bối cảnh cho mối tình giữa Hiền, một cô gái tỉnh thành tự do và Vọi một thanh niên chài lưới. Biển mở cửa cho Hiền về phía Vọi. Vọi đẹp như một thiên thần Hy Lạp. Vọi thuộc lòng thế giới thuyền chài, đánh khơi, đánh lõng, đánh rút... Vọi là bạn của đủ loài cá: Cá ó, cá sũ, cá vược, cá râu, cá bạc, cá thu, cá nhám, cá quịt, cá mập, cá nhà táng... Vọi dẫn Hiền vào những ngõ ngách của núi Đương Trèo, khe Thờ, hòn Buồn, núi Gầu Cao, núi Con Voi, núi Đầu Câu, núi Mê, hòn Đá Lớn... Vọi gợi cho Hiền tham dự vào đời sống thiên nhiên, hiểu bí mật của biển, của núi, của mây, nước với những sinh vật và thực vật lạ lùng. Khái Hưng đã nhìn thấy chiều cao của môi sinh, môi trường, rất sớm. Chiều hôm ấy, chúng tôi đi theo Vọi và thấy lại được thế giới thuyền chài, đúng như Khái Hưng mô tả tám mươi năm về trước, chúng tôi theo Vọi vào những ngõ ngách dẫn đến hòn Trống Mái.
Bãi biển Sầm Sơn
Hòn Trống Mái
Sầm Sơn cũng là nơi Lê Thị Lựu dẫn hướng đạo sinh đi cắm trại, vẽ tranh những năm 30, tôi còn giữ nhiều hình ảnh của bà thời ấy. Sầm Sơn cũng là nơi Tự Lực Văn Đoàn đi nghỉ mát, tìm hứng sáng tác. Nơi đây họ đã sống, đã picnic, đã làm cách mạng, đã bàn nhau những kế hoạch tranh đấu bằng ngòi bút, bằng tiểu luận, bằng biếm hoạ, trên Phong Hoá, trên Ngày Nay. Họ đã thiết lập chương trình bạo động chống Pháp cho Quốc Dân Đảng. Tôi nhìn thấy Nguyễn Gia Trí vung bút lông vẽ phiếm trên nền trời, thấy Hoàng Đạo hùng hồn biện hộ cho tự do trên bãi cát, tôi nghe thấy tiếng cười của họ vang bên ghềnh đá, tiếng họ cãi nhau trong buổi hoàng hôn. Chiều nay.
Thanh Hóa còn sừng sững Thành Nhà Hồ, vết tích của một kiến thiết thời Trung Cổ, của một triều đại văn minh rất xa, mà chúng ta chưa thực sự khảo sát đến nơi đến chốn. Tôi không hiểu rõ về kiến trúc, nhưng đứng dưới chân Thành Nhà Hồ, tôi "dám chắc chắn" là những thành đất xây ở nước ta dưới thời Gia Long như Gia Định, Diên Khánh, đều chịu ảnh hưởng lối đắp Thành Nhà Hồ: tường đất dầy, toả ra như chân vại. Thành Nhà Hồ còn được đệm đá, vững chãi, bất di bất dịch, như đất nước tôi.
Rời Thanh Hoá chúng tôi lên Ninh Bình. Ninh Binh và Hạ Long là hai nơi thuộc miền trung du được thiên nhiên ưu đãi nhất: Hạ Long nổi tiếng khắp năm châu, còn Ninh Bình có Hạ Long cạn (Tam Cốc, Bích Động, Hoa Lư), có vườn Cúc Phương, nhà thờ Phát Diệm... tất cả quy trong một diện tích nhỏ nhiều kiệt tác của thiên nhiên và con người.
Đáng tiếc nhất là khu chùa Bái Đính đồ sộ của một tỷ phú muốn xây công trình "để đời", cái gì trong khu này cũng đạt kỷ lục "nhất thế giới" cả. Riêng tôi thấy rõ sự ngông cuồng và thô thiển "nhất thế giới" đã làm át đi Bái Đính cổ tự cách đó 800 mét về phiá nam. Bái Đính có nghiã là cung kính hướng về núi Đính, nơi thường có tế lễ quan trọng của triều đình. Chùa cổ, nhỏ nhưng có giá trị lịch sử lớn, vì là ngôi chùa đầu tiên do thiền sư Không Lộ xây từ đời nhà Đinh, trước khi ông xây những chùa Cổ Lễ và Non Nước. Chưa kể khu Bái Đính mới này còn choán nhiều diện tích thiên nhiên của vùng đồi núi Ninh Bình thuần danh lam thắng cảnh bậc nhất đất Bắc.
Nhà thờ Phát Diệm ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, là một kiệt tác. Nhưng oái ăm thay lại do một người phản quốc xây nên, đó là linh mục Trần Lục hay Cố Sáu, cai quản địa phận Phát Diệm. Năm 1883, ông giúp quân Pháp 150 tay súng chiếm thành Ninh Bình do vua Minh Mạng xây năm 1823. Năm 1887, ông huy động 5.000 giáo dân tích cực giúp quân Pháp tiêu diệt chiến lũy Ba Đình của Đinh Công Tráng. Ông được Pháp tặng hai Bắc đẩu bội tinh. Nhà thờ Phát Diệm là công trình giao lưu văn hoá thuần túy ở mức độ cao nhất mà đạo Gia Tô thực hiện được qua thiên tài Trần Lục. Ông đã bỏ ra 16 năm (1883-1899) để xây dựng khu nhà thờ với hình thái và tâm hồn nhà chùa, một kiến trúc lương - giáo độc đáo, bằng đá và gỗ lim, với sự góp công góp sức của bao ngàn giáo dân. Nhưng ông cũng đã hà hiếp con chiên, ông đã bị Phan Đình Phùng lúc còn làm quan, nọc ra đánh.
Nhà thờ Phát Diệm là một quần thể gồm ba kiến trúc chính: Nhà thờ đá ở phiá sau, xây năm 1883 toàn bằng đá, bên trong có các bức trạm trổ mai lan cúc trúc, phù diêu, sự tích thánh kinh, rất tinh vi bằng đá.
Giữa là Nhà thờ chính xây năm 1891, trong có 48 cột gỗ lim nguyên khối lừng lững, vòm cao  thanh thoát, trang nghiêm vẻ thần thánh phương Đông. Bên ngoài lợp ngói trông như đình làng. Trước cửa nhà thờ chính là Phương Đình tức tháp chuông, xây năm 1899, cao ba tầng, hùng vĩ, đồ sộ, là dấu ấn của cả quần thể, có những mái nhỏ cong vút như mái chùa, đình.
Nhà thờ Phát Diệm là sự kết tinh giữa phản bội và xây dựng, đã băng lại và đã xoá đi những chấn thương do quân đội thực dân gây ra với sự tiếp tay của các giáo gian như cha Trần Lục.
Nhà thờ Phát Diệm
Phương đình nhà thờ Phát Diệm
Tường Nhà Thờ Đá
Trần Nhà Thờ Đá
Chùa Cổ Lễ ở huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, là một tuyệt tác khác. Về mỹ thuật có những điểm tương tự nhà thờ Phát Diệm. Chùa thật hoành tráng đối với khu làng nhỏ bé Cổ Lễ. Chùa lưu trữ lịch sử phật giáo. Tương truyền có từ thời Lý Thần Tông (1116-1138) do Khổng Minh Không (tên thật là Nguyễn Minh Không) tức Lý Quốc Sư, tức thiền sư Không Lộ xây. Năm 1902, chùa được hoà thượng Phạm Quang Tuyên trùng tu theo kiến trúc lương giáo hiện nay: trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 mét, phong cách gô-tích, tháp đặt trên lưng rùa nằm ở giữa hồ, đầu rùa chầu chính điện. Trong chùa có thư viện đá, gồm các văn bia lịch sử mà tôi không đọc được một chữ, để biết nội dung nói gì. Sau lưng chùa, có hồ lớn, giữa hồ ngự trị Đại Hồng Chung, chuông lớn nhất Việt Nam, nặng chín nghìn cân do hòa thượng Thích Thế Long cho đúc năm 1936.
Tháp gô tích Chùa Cổ Lễ
Rùa đội chân Tháp
Đại Hồng Chung
Thư viện Sử thi
Chùa Sau
Hai kiến trúc lương giáo Phát Diệm và Cổ Lễ, xuất xứ khác nhau, thể hiện tinh thần đạo giáo đồng quy hoà hợp, đứng vững với thời gian, vượt trên những tranh chấp của con người. 
Điều đáng chú ý sau cùng khi bạn đến thăm vùng Ninh Bình (hay Hạ Long cạn) tuyệt vời này là nay không còn phụ nữ chèo thuyền bán khăn thêu cho du khách, níu kéo như van xin họ bố thí mua cho một món hàng, thật đáng thương và cũng muôn phần nhục nhã, bởi nghèo mà phải như vậy. Bây giờ không còn nữa, chỉ có những người phụ nữ chèo đò, luân phiên nhau, đúng giờ ra làm việc.
Tôi sinh ra đời đã có ăn mày. Lúc nhỏ ở Hà Nội, bước ra khỏi cửa là thấy ăn mày. Nhưng tôi quen đi, vào Sài Gòn cũng thế, tôi cũng quen đi. Nhưng khi từ Pháp trở về nước lần đầu, tôi không quen nữa. Tôi không dám đi ăn hàng ngoài phố, sợ thấy mấy đứa nhỏ chực chờ mình ăn xong là chạy lại húp ngay bát nước dùng còn thừa. Tôi biết đó chỉ là sự hèn nhát nhắm mắt không dám nhận diện sự thực. Kỳ về năm 1984, gay go hơn nữa, tôi như con giun bị dẫm, quằn quại một mặc cảm phạm tội, nghĩ đến những bữa ăn mừa mứa bên Pháp. Khi ra Hà Nội, tôi không nuốt được nữa, bộ tiêu hóa quyết định đình công. Năm 1993 trở về tình hình đã khá hơn, nhưng toàn bộ đất nước đi đâu cũng vẫn còn thấy còn ăn mày, chùa Non Nước như một ngọn núi Cái bang rách rưới tua tuả che lấp tất cả cảnh đẹp thiên nhiên. Năm 1997, tình trạng đã khá hơn, tuy vẫn còn ăn mày. Nhưng lần này về vịnh Hạ Long không thấy những cánh buồm nâu rách tơi tả móc trên những chiếc thuyền mục nát chao đảo cả gia đình nheo nhóc, nài nỉ níu kéo khách du mua cho dăm ba con cá, con tôm. Tôi hỏi anh guide, những thuyền đó đâu rồi? Anh bảo: họ vào thành phố sống cho con cái đi học cả rồi cô ạ. Tôi cũng đã đi vào các hang cùng ngõ hẻm, lên vùng núi đồi heo hút ở các bản Mường, Thổ, sâu, xa gần biên giới, chỗ núi tai mèo hiểm trở, ít ai đi tới, gặp hai chị em đứa trẻ bán hoa rừng, tôi cho nó mấy đồng, nó xua tay không lấy, nó bán hoa chứ không ăn xin. Tôi mừng chảy nước mắt: Từ lúc tôi sinh ra đến bây giờ nước tôi mới không có ăn mày. Nước tôi không có ăn mày. Nước tôi không còn ăn mày.
X- Về quê Bắc
Tôi là người Bắc thì miền Bắc nhất định là quê hương tôi rồi, nhưng tại sao, ngoài tên làng Hành Thiện nơi mẹ tôi sinh ra và làng Doanh Châu quê thầy tôi, là hai cái tên tôi thân lắm, như có thể mày tao với chúng được, tôi còn chơi thân cả với nhiều tên khác, như Gia Bình, Bất Bạt, Bạch Hạc, Tiêu Sơn, Long Giáng, Châu Mộc, Vụ Bản... chúng cũng làm tôi "rung động" không phải rung động kiểu tuyết thuyết diễm tình, mà khi nghe những tên này, tôi cảm thấy như ai gọi tên mình, một tý tên mình thôi, không phải tất cả, vì nào có phải tên mình. Tôi tìm hiểu mãi vụ này mà không ra manh mối. Chỉ biết đích xác rằng tôi ở Pháp đã hơn nửa thế kỷ, mà ai gọi tên Lyon, Marseille, ngay cả Versailles huy hoàng như thế, tôi cũng tỉnh bơ như không dính dáng gì đến mình. Nhưng chưa về đến Phú Thọ, tôi đã nghe bụng dạ báo động: sắp tới Đoan Hùng rồi đấy! Hơn hai mươi năm trước, khi cả nước còn lũy tre xanh, xe còn đi đường quốc lộ, thường ghé Đoan Hùng.
Bây giờ nước đã thành thị hóa, xe đi xa lộ cao tốc, tôi mất cả tre xanh, mất cả Đoan Hùng, mất cả đồi chè Phú Thọ vì chè đã dọn sang Thái Nguyên, nhưng tim tôi vẫn nhớ những địa chỉ cũ, dù có nơi tôi chưa đến bao giờ, bởi chúng là địa chỉ của những Thế Lữ, Khái Hưng, Hoàng Cầm, Quang Dũng... truyền lại cho tôi. Như Đoan Hùng là nơi Mai Hương và Lê Phong đặt phòng thám tử, hồi nhỏ đọc sách trinh thám Thế Lữ thích lắm, bây giờ đọc lại thấy hết hay, nhưng vẫn cứ nhớ. Như Long Giáng của Khái Hưng trong tưởng tượng. Như Vụ Bản nơi giam cầm Gia Trí, Khái Hưng, Hoàng Đạo. Như Châu Mộc, nơi đoàn quân không mọc tóc của Quang Dũng đã đi qua... những địa chỉ ấy nó dính vào mình, nó nhỏ vào tim những vệt son một lần, là không tẩy đi được.
Vì cần chụp một số ảnh các điạ chỉ tòa soạn Phong Hóa và Ngày Nay thủa trước nên tôi nhờ anh bạn thân thổ công Hà Nội dẫn đi. Hôm ấy Thiệp chở tôi đi nhiều nơi nhưng có một nơi, bất ngờ để lại cho tôi ấn tượng mạnh và xúc động nhất, khi anh dẫn tôi đến nhà hát Tiếng Chuông vàng thủ đô. Cô Kim Chung, cô Bích Hợp... hồi đó tôi được theo thầy tôi đi coi hát mỗi lần có tuồng mới ở Hà Nội, rồi Sài Gòn. Tôi nhớ cô Kim Chung oai phong trên sân khấu trong vai Lữ Bố, lẫm liệt hơn cả các kép Huỳnh Thái, Ngọc Toàn. Cô đội mũ có hai tai vểnh cắm con rắn giấy vươn cao tung quẫy theo bước chân đi. Cô đi dáng lượn như rồng uốn, cô hát giọng tiếng chuông vàng, cô cười một bên má lúm đồng tiền, miệng tươi như hoa nở. Mắt cô to và sáng, khi cười nhắm tít lại rất lẳng, tôi ước mình lớn thật nhanh làm đàn ông ôm cô thỏa thích. Cô Bích Hợp trái ngược với cô Kim Chung, dáng liễu yếu đào tơ, nhìn cô là tôi nhận ngay ra Kiều, mặc dù tôi chưa gặp cô Kiều bao giờ. Tôi yêu cô Bích Hợp vì cô ngâm thơ hay tuyệt, cô có bí quyết ngâm câu lục bát đến đúng chỗ đó là cô ợ lên một tiếng như tiếng nấc, ôi chao đứt ruột, đứa con nít là tôi còn thấy buồn rớt nước mắt huống chi người lớn. Tôi mê tiếng ợ của cô Bích Hợp cũng như mê tiếng chuông cô Kim Chung. Sau này tôi có một con bạn, tên nó là Lệ Hường, khi ngâm thơ cho Tổng hội sinh viên Paris nó cũng biết ợ như cô Bích Hợp, tôi phục lăn, lấy làm lạ lắm, mới hỏi ai dạy, thì té ra chính cô dạy nó, bởi nó cũng mê coi cải lương như tôi nhưng mẹ nó quen cô, nên cô dạy nó ợ.
Rạp hát Chuông Vàng
Chúng tôi ở ngõ Hà Hồi. Ngõ này đầy hàng quà, sáng nào chúng tôi cũng đi dạo một vòng thôi thì đủ những thứ quà ngày trước Vũ Bằng treo trong miếng ngon Hà Nội để dứ bọn di cư nhớ nhà đọc thèm nhỏ rãi. Bây giờ cái ngõ Hà Hồi zic-zắc như chân bạch tuộc này không thiếu thứ gì, mỗi ngày một món, ăn cả tháng mới phải quay lại quà cũ. Nhưng cái khoái là bây giờ bạn ăn gì thì ăn, lê la thế nào, ăn rau sống, ngồi sà xuống đất hay ngồi bàn sang trọng bạn cũng không bị đau bụng nữa. Cái vụ đau bụng nó đeo theo từ hồi tôi về Sài Gòn lần đầu năm 1974 và sau đó lần nào cũng bị ít nhất một lần tào tháo đuổi, hỏi bác sĩ, trước bẩy lăm, họ bảo tại không quen "thuỷ thổ" nữa, sau bẩy lăm họ bảo "tại cộng sản". Lần này trước khi về, tôi cũng được dặn kỹ: chớ có ăn đường ăn chợ, chớ ăn rau sống... Bà con bên Mỹ dặn thêm nhớ mang theo đồ hộp (người Việt bên Mỹ thường thích làm giống lính Mỹ sang nước mình đem theo va-li đồ hộp vì sợ ngộ độc). Đã được dặn dò kỹ thế, nhưng tôi vẫn không thể nhịn được những con cua đang bò, con tôm còn nhảy, luộc ngay trên bãi biển, con cá còn quẫy vớt lên rán dòn và những thứ nộm đủ loại rau sống xanh đỏ vô cùng hấp dẫn... nên chỉ vài hôm sau là tôi phá giới, và trong suốt dọc cuộc ta bà hai tháng trên "khắp nẻo đường đất nước" tôi ăn thả cửa tất cả những thứ mà Vũ Bằng chưa hề biết, chưa hề ngờ, vì tào tháo đã bị quan công đuổi bắt, đã khóc rống lên, đã giơ tay mỗ hàng, mỗ chịu.
Từ ngõ Hà Hồi ra bờ hồ rất gần nên chiều nào rảnh chúng tôi cũng đi bờ hồ. Bờ hồ vẫn đẹp thần tiên. Sang đông còn sót lại vài bông phượng đỏ trên cành rủ xuống mặt hồ như món quà đặc biệt dành cho người về. Cuối tuần, đường quanh hồ dành riêng cho người đi bộ, và cuối năm có những dàn nhạc sống, ca hát đủ loại, cho khách bộ hành nghe không tốn tiền. Đêm ấy, tôi mê nhất dàn quan họ Bắc Ninh, có một anh kép đóng vai ông Hoàng Mười tuyệt vời. Ông Hoàng Mười vốn gốc Nghệ An, con vua và liên hệ đến thánh Mẫu. Người diễn viên này có giọng nam đã nữ hoá, làm tôi nhớ lại truyện ngắn Sarrasine, Balzac cũng mô tả một anh chàng như vậy: Zambinella là con trai nhưng chịu thiến để có giọng nữ (hiện tượng thường thấy trong Opéra ở Âu châu những thế kỷ trước) nhưng trên thực tế tôi chưa hề được nghe giọng tuyệt vời ấy bao giờ vì sự thiến đã bị cấm. Đêm ấy, ở Hà Nội, tôi được nghe giọng Zambinella Việt, trong vai ông Hoàng Mười. Tôi không biết tên anh, nhưng anh có một giọng lạ lùng, độc nhất vô nhị. Sau màn ca trù bất hủ, anh bắt sang chầu văn, vừa múa vừa hát như một đồng cô chính hiệu. Từ hôm đó, tối tối tôi tìm xem chỗ nào ở Hà Nội có chương trình ca trù, đến nghe, nghe nổi da gà, bởi vì trong đó có thầy tôi, hồi còn sống, người thường đi hát cô đầu. Hồi nhỏ tôi không bao giờ để ý đến ca trù, bởi thấy cái giọng ê a bất tận, nghe buồn ngủ. Từ khi đọc Chùa đàn của Nguyễn Tuân, tôi mới bắt đầu nghe, nhưng tôi thật sự yêu ca trù từ khi "quen" với vợ chồng kép Tư Chản - Đào Khuê trong Mộ Phách của Phùng Cung; cả đời gắn bó với cây đàn đáy và cỗ phách, tưởng con mình sẽ nối tiếp nghề tổ. Cách mạng vùng lên, ca trù bị kết án "đồi trụy" rồi bị cấm. Tư Chản để đàn đáy lên bàn thờ chỗ khuất. Một lần, đêm khuya, hai vợ chồng đóng kín cửa, vụng trộm đàn hát với nhau. Nhưng đứa con trai của họ đi bộ đội cầm súng thay đàn. Một ngày nó trở về đánh đàn nay đã trở thành địch, nó lôi cây đàn trên bàn thờ xuống dẵm nát, ném vào đống lửa. Tư Chản không sống sót sau đàn. Đào Khuê liệm cỗ phách trong miếng lụa và chôn phách trong ngôi mộ bên cạnh bờ ao. Mộ Phách, từ Phùng Cung, đã làm tôi hiểu từng nhịp thở, từng chữ, từng hơi ngân trong Tỳ bà hành, và hiểu được thầy tôi, thì người đã mất lâu rồi. Hôm đó, diễn viên Zambinella Việt bên bờ hồ đã hồi sinh cho tôi cả một thời xưa cũ. Sau đó tôi lên Sơn Tây lễ đền Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, thăm làng Đường Lâm, tôi đã thấy đất tổ của chúng ta và ông tổ của Phùng Cung, con người đa tài, khẳng khái, có số phận nghiệt ngã nhất trong Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng đêm nay, tôi thấy trai gái Hà Nội dắt nhau đi chơi, họ ngồi đầy trong những quán cà phê dọc theo những con phố bên bờ hồ, họ vui cười, trò chuyện trong không khí thanh bình không tiếng súng, không đại lộ kinh hoàng.
Đền Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng
Xung quanh Hà Nội, vùng Sơn Tây, Bắc Ninh di tích lịch sử nhiều không kể hết, bạn có thể dành đến ba tháng mới đi hết các chùa, đền, lăng, mộ, vì đây là vùng đất cổ nhất của nước ta. Tôi chỉ nói sơ về Bắc Ninh. Bắc Ninh có nhiều chùa đẹp lắm. Hôm ấy chúng tôi đi chùa Tiêu Sơn. Chùa Tiêu Sơn nằm trên ngọn núi nhỏ thuộc phủ Từ Sơn, có dòng Tiêu Tương chảy phía trước chân núi. Bà mẹ Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ, 1010-1028), người làng Cổ Pháp, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, tương truyền, đi chơi chùa Tiêu Sơn nằm mộng thấy thần nhân, sinh ra ông. Ba tuổi được mẹ gửi vào chùa Cổ Pháp cho sư Lý Khánh Văn nuôi, đặt tên là Lý Công Uẩn. Nhưng chùa Tiêu Sơn lại còn thêm một dấu tích quan trọng khác: năm 2014, chính quyền điạ phương khai quật được pho tượng táng, gần 300 năm trước, và xác định đó là nhục thân của Hòa thượng Như Trí, viên tịch năm 1723, vẫn còn giữ nguyên hình thể.
Thượng tọa Như Trí lại là người đã cho khắc in Thiền Uyển Tập Anh, bộ sách về Phật học nổi tiếng, được xem là lâu đời nhất của chúng ta.
Nhưng điều đáng tiếc nhất ở đây, cũng như ở nhiều nơi khác trên đất Bắc, là sự "trùng tu" đã làm mất dấu tích ba trăm năm, vì đã mặc lên người hoà thượng Như Trí chiếc áo cà sa vàng và tạc cho hoà thượng một bộ mặt mạ vàng mới toanh, không biết căn cứ vào đâu, thay vì để nguyên hình hài nhục thể cũ, hoặc làm một bản sao nếu bản chính phải đưa bảo tàng lưu giữ.
Mộ tháp chùa Tiêu Sơn
Nhục thân Hòa thượng Như Trí
Nhiều chùa cổ ở miền Bắc cũng bị trùng tu như vậy, nghiã là sơn lại, thay cột kèo, làm nóc mới, xây thêm nhiều gian mới, tiêu biểu là chùa Trấn Quốc và Tháp Rùa Hà Nội. Khi tôi về năm 1984, Tháp Rùa còn nguyên vẹn rêu phong. Năm 1993, Tháp Rùa đã được trùng tu, trát lên lớp vôi vữa trắng hếu. Tôi nhìn muốn xỉu. Năm 1984, chùa Trấn Quốc còn là ngôi chùa thời Lý, mộc mạc hương thiền, với những cột gỗ gụ lâu đời, có trọng lượng của thời gian, có chiều sâu của vĩnh cửu. Năm 1997 chùa Trấn Quốc đã đổi khác, được sơn lại mầu mè, và đến ngày nay thì đã trở thành một "công ty du lịch chùa" giầu có, với các gian mới xây khin khít nhau, giống như khu Quốc Tử Giám. Bị nạn trùng tu như vậy mà Hà Nội vẫn đẹp, thì phải hiểu.
Hoàng thành Thăng Long
Một góc Hoàng thành Thăng Long
Thành Thăng Long do Nguyễn Văn Thành sửa sang năm 1804, vua Minh Mạng xây lại năm 1835. Nay trên bảng hướng dẫn, người ta vẽ bản đồ thành có răng cưa (theo kiến trúc Vauban) và guide giảng cho du khách là do Pháp xây theo kiểu Vauban. Huế và Sơn Tây cũng bị vẽ hình răng cưa như vậy, nhưng tôi không kể, còn Hà Nội khó có thể bỏ qua: Pháp nào đến đây sau 1835, để xây thành Hà Nội theo kiểu Vauban? Nghĩ đến Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, tim tôi ứa máu.
Thành Sơn Tây
Một cửa thành Sơn Tây
Chùa Tiêu Sơn còn có một lịch sử thứ ba mà người dân miền Bắc phần đông không biết, đó địa chỉ thần tiên trong tiểu thuyết Tiêu Sơn Tráng Sĩ vì Khái Hưng không còn được đọc sau cách mạng tháng tám. Khái Hưng mà tả cái gì, khi mình đến nơi là "nhận ra" ngay, dù tám mươi năm sau. Khái Hưng đã tạo ra không khí thần bí Tiêu Sơn, mô tả nhũng ngõ ngách trong chùa, những chỗ họp kín, những hầm bí mật có lối thoát ra những chùa khác trong vùng đồi núi Từ Sơn. Bóng Quang Ngọc, Nhị Nương ẩn hiện, xuất quỷ nhập thần, qua lời thơ truyệt vời của Phạm Thái và tình yêu diễm lệ của Trương Quỳnh Như. Đó cũng là không khí Kinh Bắc khi Hoàng Cầm về cáo tổ tiên ác mộng Nhân Văn Giai Phẩm. Chừng như người con gái Bắc Ninh nào cũng thấm nhuần lịch sử, thi ca của vùng Luy Lâu đất tổ, nên ai cũng biết hát quan họ. Bạn ra khỏi chùa, vào quán nước chè bên, là có thể được cô chủ quán thưởng cho một điệu quan họ, một khúc hát xẩm, thượng thừa.
Hôm đó trên đường về, chúng tôi dừng chân ở một siêu thị lớn bên đường quốc lộ vùng Kinh Bắc bán kim hoàn, mênh mông lấp lánh toàn kim cương, ngọc thạch. Mấy cô bàn hàng trẻ, xinh, chào khách. Thấy tôi có vẻ hơi ngại sự săn đón quá mức nồng nhiệt này, một em ghé tai tôi nói nhỏ: cô cứ tha hồ xem đi, mặc kệ, chúng cháu phải làm nhiệm vụ không bị chủ mắng, cô mua gì thì mua, không mua không sao đâu. Lời em làm tôi nhớ đến một người bán hàng son ở Nhật, đã chỉ cho tôi chỗ áo dệt có lỗi, trước khi bán. Hoá ra sự lương thiện lúc nào và ở đâu cũng có, không chỉ dân Nhật mà dân tôi cũng thế. Dân tôi cũng tử tế muôn phần như những dân tộc tử tế nhất. Được mấy cô bán hàng bám sát cũng vui, tôi nghe họ xì xào: đúng giọng Hà Lội mày ạ. Vùng Bắc Ninh nói ngọng rất nhiều. Lạ là các bà, cô khi nói thì ngọng nhưng khi cất tiếng hát là mê hồn ngay. Tôi người Bắc, nên "tự nhiên" mê tất cả các giọng hát chèo ngoài Bắc, mặc dù khi rời đất Bắc tôi mới lên mười, mà không hiểu tại sao mình mê như thế. Sau này tôi đọc Bachelard, ông ấy giải thích là tất cả những gì mình thu thập được từ hồi thơ ấu sẽ trở thành vốn cho cuộc đời, nhất là cho những người dính líu đến chữ nghiã, nghệ thuật. Bây giờ, đứng trước những thiếu nữ Bắc Ninh, nói giọng en lờ, en nờ, tôi yêu vô cùng. Tôi kể với họ: Ờ, quê cô ở Nam Định, vùng ấy mọi người cũng nói cũng ngọng lắm, nhưng khi đi học cô giáo bắt phải nói đúng nên quen đi đấy. Một em dưng dưng nước mắt: cháu cũng muốn sửa lắm cô ơi, nhưng không sửa được, vì khi nghe cháu không phân biệt được lờ với nờ, khi viết thì cháu viết đúng. Tội thật. Tôi chắc trong thời gian cách mạng vô sản cầm quyền, không ai dám sửa cách phát âm của người dân quê vùng Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình... vì thế mà nạn nói ngọng đã tràn lan, nạn phát âm sai dấu cũng lan tràn. Lại thêm người Hà Nội phải tản cư ra ngoại thành và người Thanh, Nghệ về thủ đô như thời tam phủ, nên tiếng Hà Nội bị loại đi, bị coi thường, bị xuống cấp, thậm chí khinh bỉ vì là thứ tiếng tiểu tư sản, có tội. Tiếng Hà Nội bị pha tạp với các thứ tiếng quê mùa khác, phát âm không còn đúng dấu, tiếng Hà Nội bây giờ lơ lớ, như đã "mất giống". Cần phải gây lại. Bởi vì giọng Hà Nội đã là một thứ "di sản văn hóa" rồi, nếu để mai một, cũng sẽ thật đáng buồn như ca trù một thời đã vậy.
Tôi có người bạn văn rất thân, Kh. tuy chẳng mấy khi gặp nhau, tôi thân là thân với văn anh. Đọc thú lắm: Kh. viết trúng phóc như đi guốc vào bụng tôi. Tỷ như Kh. kể chuyện bà bác lấy khăn Hermès (cũ) may thành bao bố ủ chân những đêm đông trường giá buốt ở Paris. Hermès là thứ khăn xoa thượng hạng của Tây, chỉ những đỉnh cao sang trọng mới có tiền mua về đội đầu, mà nay bà bác nhà ta lấy lót chân thì phỏng chẳng sướng sao? Cho bõ những lúc tổ tiên bị quân Tây dương dày xéo, đấy là cái sướng rất tiểu nhân của tôi, chưa chắc tác giả đã có ý ấy, nhưng kệ chứ, đọc sách mình có hoàn toàn tự do cảm hứng theo ý mình.
Lại tỷ như Kh. kể chuyện Anahita, ghi rõ trên danh thiếp:"Anahita Babayan, người Armenia ba triệu bị Thổ Nhĩ Kỳ thảm sát năm 1915 ngày 24 tháng tư đen". Nàng còn cho biết: Người Armenia khi nào nhắc đến xứ sở và giống nòi thường chỉ ngửa mặt lên trời mà khóc một tiếng:"Tháng tư ơi bao nhiêu triệu người bị giết hại, ngày dài nhất của dân tộc tôi". Tôi nghi Kh. nói kháy một dân tộc khác, cũng cứ đến tháng tư thì bên nọ kỷ niệm quốc hận, bên kia ăn mừng giải phóng, chẳng qua cũng chỉ là ăn giỗ và ăn sinh nhật hai chữ hận thù. Bao giờ bỏ được cái hủ tục ấy thì dân tộc mới khấm khớ lên được. 
Lại tỷ như Kh. kể chuyện anh chàng Gaston Ahmad Nhi, họ Nguyễn Văn. Gaston có mẹ Việt, bố lính lê dương Bắc Phi. Mà người da đen Bắc Phi ở Pháp bị làm những việc nặng nề nhất, tồi tệ nhất, ít lương nhất, bị người Pháp khinh rẻ nhất, cho nên người Việt mình (cũng theo Pháp) ghét lây, bởi mình có tới bốn ngàn năm văn hiến cơ mà. Nghiã là ta thấy ta gần Tây nhất, giống Tây nhất, cho nên ta cũng khinh bọn da đen, bọn Ả Rập như Tây: Ả Rập ta gọi nó là Rệp. Gaston dù bị khinh bỉ, bị phỉ nhổ, ba chìm bẩy nổi, cũng chỉ biết, chỉ nhận và chỉ tự hào mình là người Việt Nam, đứa nào vô phúc bảo nó là việt cộng nó đánh bể mặt. Con gái út tôi lúc nhỏ đi học cũng bị trẻ con kỳ thị, chế giễu: chinetoque, chinetoque giống như ta nói: tầu phù! tầu phù! nó khóc ròng. Sau nó lấy chồng Tây, lúc cháu tôi sinh ra, tôi bèn dạy cháu một câu phòng thân. Khi tôi đưa các cháu sang Úc thăm gia đình, vừa xuống phi trường, chị tôi thấy hai thằng cháu kháu quá, ôm chầm hôn hít, hỏi nó con ai tên gì, nó phun ra ngay: tây lai ăn khoai cả vỏ... chị tôi suýt lăn đùng.
Hôm đó tôi về quê ngoại, làng Hành Thiện, làng con cá, có tiếng nhiều người đỗ đạt, dân làng tự hào lắm. Ngoài chuyện đỗ đạt, làng tôi cũng lắm danh nhân, có hai người làm vinh hạnh cho làng là ông Đặng Xuân Khu và ông Vũ Khiêu. Hồi mẹ tôi còn sống, tôi hỏi mẹ ông Khu có họ với mình không, mẹ tôi bảo cùng họ Đặng thôi chứ không phải Đặng Vũ. Tôi mừng quá, bởi vì trong cái sáng tác tuyệt vời làm nên tên tuổi của ông là bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam, năm 1943, ông đã cho những thứ Khổng, Phật, Sô-cờ-rát, Pờ-la-tông, Kăng, Nít... đi đời nhà ma cả, chỉ có cụ Mác, (mà cũng chẳng phải cụ Mác, nếu được cụ Mác đã khá), cụ Xít thì đúng hơn, được độc quyền tư tưởng trên giải đất Việt Nam này. Từ đó đến nay dân tộc tôi đã không ngừng vùng vẫy để thoát khỏi cái lưới ông giăng nhốt tư tưởng. Tượng ông lừng lững trước cổng tỉnh, nhưng tôi đoán có tay nào chơi khăm, bởi nó lại không đẹp mấy, nó cũng thô, cũng bạo, hệt như đề cương văn hoá của ông vậy.
Nhân vật kiệt xuất thứ nhì là ông Vũ Khiêu. Ông vốn tên họ đầy đủ là Đặng Vũ Khiêu. Ngày trước, anh ruột mẹ tôi là bác sĩ Đặng Vũ Lạc giúp đỡ Quốc Dân Đảng, cho hội họp và in báo Thống Nhất của đảng trong bệnh viện của ông gần Ga Hàng Cỏ. Sau vụ Ôn Như Hầu 1946, bác tôi đứng ra cầm đầu và gây dựng lại Đại Việt Quốc Dân Đảng, ông mất năm 1948, nhưng bà con Hành Thiện, người nào sợ hậu họa đều tránh gia đình tôi. Ông Đặng Vũ Khiêu, tuy họ xa, cũng chặt phắt chữ Đặng tội lỗi đi, trở thành Vũ Khiêu mất đầu mà sạch tội. Ông đầu đơn đổi đảng, làm tới chức nhà giáo nhân dân, quốc sư, nhà văn hoá kiệt xuất,... Từ khi họ Đặng Vũ được "phục hồi" thì những người đã chặt đầu họ, đổi họ, lại quay về nhận họ nhận hàng, tế lễ, rôm rả... May mẹ tôi mất lâu rồi, chứ mẹ tôi thấy cảnh này, chắc người sẽ buồn, buồn lắm.
Nghỉ ở Hà Nội với bà con họ hàng, bạn văn, rồi chúng tôi tiếp tục hành trình trên cực Bắc. Chuyến đi bắt đầu từ Hà Nội lên Lào Cai rồi về Sapa, thăm Bãi đá cổ, bản Lao Chải, bản Tả Văn trong thung lũng Mường hoa. Ngủ đêm tại Sapa, hôm sau đi thăm bản Cát Cát cực kỳ thơ mộng. Rồi tôi phải trở lại Lào Cai, vì đã có một cái hẹn ở Hồ Kiều, chiếc cầu bắc ngang sông Nậm Thi, gần ngã ba Sông Hồng, nối liền Lào Cai-Hà Khẩu: bên này đất Việt, bên kia đất Tầu. Bởi Hồ Kiều, 71 năm trước Nguyễn Tường Bách đã đi qua và đã viết: "Thế rồi một buổi sáng tháng 7/1946, tôi cùng với toán anh em bẩy người xuống đầu cầu sang Hà Khẩu. Đứng ở đầu cầu, nhìn lại giang sơn, núi rừng, phố xá, sông Hồng và sông Nậm Khê, dãy núi Fansipan ở xa xa. Đất nước ta rộng mênh mông như thế nhưng tại sao không một chỗ dung thân?" (Việt Nam những ngày lịch sử, trang 111). Câu này đã ám ảnh tôi lâu dài: Người em út Nhất Linh hôm ấy dẫn bẩy Quốc dân đảng còn sống (sót) sang Tầu. Hồ Kiều, cây cầu lịch sử bắc ngang sông Nậm Thi (hay Nậm Khê) đã bao lần chở kháng chiến quân Việt quốc trở về đất Việt, nay thất bại, họ phải triệt thoái sang Trung Hoa. Thương đau. Buồn bã. Không còn chỗ dung thân. Những người yêu nước ấy.
Hồ Kiều
Biên giới Lào Cai - Hà Khẩu
Từ Lào Cai, chúng tôi đi Hà Giang để đến phần địa đầu cao nhất đất Bắc: Đồng Văn hiểm trở, kỳ thú: Quản Bạ - Mèo Vạc - Mã Pi Lèng. Biên khu hùng vĩ và thơ mộng đã trở thành bức tranh muôn thủa trong tim tôi từ ấu thời, từ khi các anh bộ đội về làng dạy tôi hát nhạc Phạm Duy:
Biên khu u ù!
Biên khu ù u!
Tia vàng son xuyên qua lau mờ
Về trên suối khói lên làn mơ
Nắng trôi về xuôi biết bao thương nhớ
Biên khu ù u!
Biên khu ù u!
Nghe đồi nương khuyên nhau mong chờ
Người lên chốn đất thiêng rừng xa..
Nhưng biên khu hào hùng còn là sào huyệt của "phỉ". Giọng Hoàng Cầm sang sảng bên tai: Em không biết chứ Phỉ nó tàn ác lắm, đi hành quân mà bị nó bắt thì chỉ có chết, mà không chết tử tế đâu nhá, chết kinh hoàng, chết ghê gớm, chết khủng khiếp lắm, nó trói chân tay, nó chặt ra từng khúc... Giọng anh rùng rợn qua điện thoại viễn liên Paris-Hà Nội. Mỗi lần tôi phỏng vấn, tiếng anh sang sảng, anh luôn luôn nói ra ngoài đề, thao thao bất tuyệt, như đang ở giữa ba quân. Tôi biết Phỉ, từ anh, Hoàng Cầm. Phỉ làm Vệ quốc quân sợ hết hồn: Phỉ chuyển động trong khung cảnh ma quái của những ngọn núi đá đen tai mèo nhọn hoắt, rồi chuyền sang triền những ngọn núi xanh dốc ngược, đổ thẳng xuống vực sâu, ai trèo là mất xác. Tôi chưa từng thấy một thứ phong cảnh nào mà trời, nước, đất, đá, giao nhau trong một chuyển động quỷ quái dữ dằn không ngừng như thế: mây bao bọc những đỉnh núi đá tai mèo đen kịt, nhưng mây không đứng yên một chỗ, thỉnh thoảng lại bay đi, hé mở, bố thí cho ta một mảng trời ngũ sắc tuyệt vời: ánh sáng chiếu xuống sông Nho Quế, chảy ngoằn ngoèo tuốt sâu, trong vực thẩm giữa hai hẻm núi, một dòng ngọc bích, thiên đường. Nhưng mây kia tai ác, đóng lại ngay, không cho ta xem nước nữa, mà mở dần cho ta thấy những đỉnh núi xanh chọc trời, rồi những bản xa của người Mèo (Hmong) lác đác treo trên đỉnh núi, những chiếc nhà sàn cheo leo như sắp rời đỉnh núi đi nơi khác... Ánh sáng bây giờ chiếu vào những thửa ruộng ngoằn ngoèo, bao trùm hết núi này sang núi nọ, như những con giun khổng lồ, thích thú nằm cạnh nhau phơi nắng, thường trực và miên viễn.
Chúng tôi kết thúc chuyến đi thượng du bằng cuộc du thuyền trên hồ Ba Bể.
Ba Bể, chưa phải là Hạ Long, nhưng có cái duyên khác hẳn: Ba Bể âm u, huyền bí, rất ít du khách. Đó là món quà hiếm quý mà Ba Bể cho ta: bên bờ chưa có khách sạn năm sao, chưa có resort. Chúng tôi một mình trên thuyền, trong buổi sớm đầy sương. Màn sương mở dần, bên bờ lộ ra những rừng cây nguyên sinh, với những hình thù kỳ quặc giống như ma khoác áo người: trùng trùng điệp điệp hàng trăm loại ma khác nhau, đứng sừng sững bên bờ hồ làm tôi rờn rợn. Giác quan bị động, tưởng tới cảnh Pháp bỏ bom Bắc Kạn năm xưa: đoàn Vệ quốc quân bỏ chạy, rơi hết hành lý, người lính Hoàng Cầm phải ném cả bản thảo kịch thơ Kiều Loan xuống hồ, học giả Nguyễn Văn Tố trúng bom, tử nạn. Ba Bể lưu trữ những linh hồn, linh hồn người và linh hồn chữ dưới đáy hồ, và hôm nay, đứng trước rừng ma trùng điệp, tôi run run, tưởng như hồn Vệ quốc quân còn đang còn ẩn hiện trong rừng cây, vừa bao vây vừa che chở chúng tôi trong vòng trời nước mênh mông, bí mật.
Đá tai mèo
Hai em bé bán hoa trên núi đá tai mèo
Sông Nho Quế
Hồ Ba Bể
Quê nội tôi ở Doanh Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Hồi đó, thầy mẹ tôi hay nuôi bộ đội. Đêm đêm các anh ngồi quây quần trong sân đàn ca những bài Phạm Duy, Văn Cao... Tôi thuộc nhạc kháng chiến từ năm bốn tuổi. Nhà tôi ở trong một cái thổ, có luỹ tre bao bọc, hào nước vây quanh, giữa có sân rộng phơi thóc, ba hướng có nhà, một hướng có ao. Một con ngõ nhỏ hai bên là dậu găng chạy thẳng ra cổng. Bản đồ đó tôi vẽ trong óc từ lúc bốn tuổi, tôi cho cái sân rộng như sân triều đình, tôi vẽ vườn nhà tôi đẹp như vườn thượng uyển.
Thầy tôi được các anh bộ đội mật báo cho biết phải rời quê ngay trước khi có lệnh cải cách. Khi tôi bỏ nhà đi xa, ra Hà Nội, rồi vào Nam, cái thổ đó vẫn sống trong tôi, trong bản địa đồ của riêng tôi, tôi không cho ai xem, cũng không bán cho ai. Tôi hoạch định chỗ này là giàn trầu chị Mỵ trốn việc ngồi lỳ suốt ngày đọc tiểu thuyết, mẹ gọi không thưa. Chỗ kia chị Trâm chỉ bảo người nhà xay thóc, giã gạo. Bờ ao và giàn đỗ ván chị Thuỳ hẹn hò với anh Phượng. Cái cổng anh em tôi trèo lên nóc bắt chim... Bao nhiêu năm qua tôi vẫn nhớ mái tóc bồng bềnh, nét mặt thanh tú của anh Phượng, đôi mắt sáng buồn, tiếng đàn guitare và giọng hùng anh hát nhạc Phạm Duy: Ta nhìn qua Cai Kinh ngang tàng, chờ tiếng gió Bắc Sơn lùa sang, biết say đời cuộc đời trai nước Nam... Làm sao chị Thùy không yêu được. Khi chúng tôi về Hà Nội, anh Phượng vẫn gửi thư cho chị Thùy, anh còn hẹn với chị hai lần, đi chơi bờ hồ, tôi cũng được đi theo, nhưng chỉ vài năm sau, chị tôi đợi mãi, không thấy thư mà anh cũng không về nữa, có người bảo anh đã chết trên Tuyên Quang, có người lại nói Thái Nguyên.
Rồi gia đình tôi di cư. Ba mươi năm sau, chị Thùy tôi cũng chết cùng chồng trên chiếc thuyền vượt biển, các cháu tôi đã đi trước, chị đợi anh Khánh ra cải tạo đi cùng, ấy là năm 1982, một năm nhiều sóng gió trên biển. Chị Thùy tôi không bao giờ trở về trong những giấc mơ của tôi vì tôi đã quyết định từ chối cái chết ấy. Tôi cứ tiếp tục nói chuyện với chị như chị còn sống. Hà Nội đêm nay Noël, chúng tôi đi dạo quanh bờ hồ, người đông như nêm, tôi hỏi chị: anh Phượng hẹn mấy giờ? Chị cốc vào đầu tôi con này chỉ tò mò, mày hay bép xép thầy biết thì khốn. Tôi dọa: Không bảo em biết em không đưa thư cho nữa đâu (vì tôi là trạm thư, cùng ở trong nhà mà anh chị không dám gặp nhau "công khai", thầy tôi nghiêm lắm). Nhưng tôi không chỉ dọa chị có chuyện hẹn hò, tôi doạ đủ kiểu, cứ xin gì không được là tôi dọa: không cho em đi với, em mách mẹ cho, thấy chị tỉnh bơ (tôi chợt nhớ mẹ tôi hiền lắm, chẳng mắng con bao giờ), tôi nện đòn khác: không cho em đi em mách thầy đấy, thế là chị nhượng bộ ngay. Bao nhiêu năm qua tôi vẫn còn hối hận vì đã bắt nạt chị. Tôi hứa bừa: về đi, em không bao giờ mách nữa, chị vẫn không về. Tôi lại hỏi: lúc đó chết làm sao? Chị cũng không nói gì, tôi hỏi nước sâu lắm hả? Chị cũng im. Tôi lại hỏi: chị rơi xuống nước hay chị bị cướp bắt, chị vẫn nín thinh, tôi cứ lải nhải mãi: về lại đi, về đi, em không mách nữa, em không bao giờ mách nữa... bao nhiêu năm rồi chị vẫn không về.
Tôi có ông bác, lúc còn sống ông luôn luôn dơ tay lên trời thề: khi nào còn cộng sản là tao không về. Tôi thầm nghĩ cộng sản là một lý thuyết, một chế độ, nó có đầu mình chân tay gì đâu mà bác thề với nó làm chi mất công, làm sao nó nghe được lời thề lũng nhai của bác, nhưng tôi không dám nói. Năm tháng trôi qua, ông vẫn triệt để giữ vững lời thề... Khi trút hơi thở cuối cùng, ông thều thào hai tiếng Ngõ Trạm, Ngõ Trạm... nơi ông ở Hà Nội ngày xưa. Tôi có bà bác rất giầu, sở hữu chín, mười căn hộ Paris, bà cũng không về nước vì sợ họ hàng con cháu xin tiền, dù sau này nhiều người bảo: bây giờ chẳng ai xin tiền bác nữa đâu, họ còn bao mình đi ăn, đi chơi, là khác, nhưng bà không tin, bà vẫn sợ, rồi bà mất đi, cũng không mang theo được cái nhà nào cả. Trần Diệu Hằng có truyện ngắn rất hay: Chuyến xe về làng Đại Từ, kể chuyện một bà cụ di tản theo con cháu sang Mỹ, rồi bà bị Alzheimer, ngày ngày bà ra cửa gọi xích lô về làng Đại Từ... cho đến khi nhắm mắt.
Quê hương tôi, cuối cùng, là tất cả những vui buồn còn đọng lại, là tiếng cười chị Thùy tôi dưới giàn đậu ván, bên bờ ao, là tiếng hát Bắc Ninh quan họ, là giọng ngâm sa mạc cô Bích Hợp, là dẫy núi tai mèo đầy thổ phỉ, là tiếng hồ Ba Bể thì thầm trong rừng ma, là giọng nói ngọng e lờ, e nờ... tôi đã về lại "làng Đại Từ" của tôi trước khi trí nhớ xa dần, xa dần..., không còn tìm được lối về đâu nữa.
23/4/2019
Thụy Khuê
Theo http://thuykhue.free.fr/









  Việt Bắc – Suối nguồn thi ca 15 Tháng Mười, 2023 Với người Việt Nam, Việt Bắc còn gọi là Tây Bắc, là ngôn từ có âm thanh sâu lắng và ý...