Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

10 ca khúc bất hủ không thể bỏ qua khi Hà Nội vào Thu

10 ca khúc bất hủ không thể 
bỏ qua khi Hà Nội vào Thu
10 giai điệu là 10 bản tình ca bất hủ viết về Hà Nội trong những ngày đất mảnh đất này bước vào mùa đẹp nhất trong năm - mùa Thu. Những giai điệu được viết nên bởi những trái tim yêu Hà Nội đến thiết tha và đã đi vào lòng người như những giai điệu đẹp nhất của âm nhạc.
1/ Có phải em mùa thu Hà Nội - Tô Như Châu, Trần Quang Lộc
“Tháng tám mùa thu lá rơi vàng chưa nhỉ
Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm…”.
“Có phải em mùa Thu Hà Nội” nguyên thủy là bài thơ dài 320 chữ của thi sĩ Tô Như Châu sáng tác vào tháng 8/1970 tại Đà Nẵng. Tác giả sáng tác bài thơ này dựa trên cảm hứng về hình ảnh những cô gái Bắc di cư lúc ấy, xõa tóc thề ngồi bên phím dương cầm. Theo lời thi sĩ kể lại, thời đó ông rất mê những cô gái Bắc di cư và đã mơ mộng về mùa Thu Hà Nội. Những hình ảnh của họ đã theo ông vào câu thơ bảng lảng sương khói mùa Thu cho dù chỉ là tưởng tượng.
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc gặp lại thi sĩ Tô Như Châu khi ông đang còn là sinh viên Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn nghỉ hè về thăm nhà. Khi gặp lại, Tô Như Châu có khoe mới sáng tác một bài thơ về Hà Nội. Đọc xong bài thơ, nhạc sĩ họ Trần thấy một sự đồng cảm len lỏi trong lòng. Và ông bắt tay vào phổ nhạc cho bài thơ ngay sau đó. Nhạc sĩ họ Trần đã “chắt” những vần thơ “đắt” nhất vào một khuông giai điệu tuyệt đẹp với tiết tấu dàn trải, tự nhiên và lẫn thêm nhiều hư ảo. Những giai điệu quyện lấy ca từ và định dạng luôn trong vô thức của người nghe với những vần thơ rất dễ thấm. Năm 1972, ca khúc này chính thức ra đời và được nữ danh ca Thái Thanh thể hiện đầu tiên. Ca khúc này sau đó cũng được ca sĩ Hồng Nhung, Thu Phương và nhiều ca sĩ khác thể hiện.
2/ Nhớ mùa thu Hà Nội" - Trịnh Công Sơn
"Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng
Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau
Phố xưa nhà cổ, mái ngói thẫm nâu
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội..."
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời nhạc phẩm “Nhớ mùa thu Hà Nội”: “Năm 1985, tôi cùng ba đồng nghiệp được Bộ Văn hóa Liên Xô mời sang thăm. Khi trở về, tôi ở lại Hà Nội một tháng. Mỗi sáng, tôi và Thái Bá Vân (nhà phê bình mỹ thuật) đi loanh quanh Hà Nội gặp bạn bè. Chiều nào cả hai cũng lên Hồ Tây, nằm bên hồ với chai Ararat, uống lai rai và nhìn bầy sâm cầm đáp xuống - bay lên”.
Tác phẩm âm nhạc này ra đời trong một tháng “tình mộng” của nhạc sĩ họ Trịnh. Ca khúc lấy cảm hứng chủ đạo là nỗi nhớ, khi tình yêu giữa đất và người vừa chớm nở đã phải chia xa. Ca khúc có mặt trong hầu hết list nhạc của người yêu Hà Nội. Từng có nhiều giọng ca thể hiện ca khúc này nhưng có lẽ Hồng Nhung là người thể hiện thành công nhất. Giọng hát của chị khiến cho những ai xa Hà Nội cũng phải xốn xang, bồi hồi, nhung nhớ… về một Hà Nội với bao sắc Thu đặc trưng.
3/ "Hà Nội mùa thu" - Vũ Thanh
"... Em nghe chăng, trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình
Hà Nội mùa thu, ôi xao xuyến trong lòng ta
Như bâng khuâng, nghe gió đưa
Vang vọng giữa Ba Đình..."
Nhạc sĩ Vũ Thanh sinh năm 1933 ở Từ Liêm - Hà Nội. Ðầu năm 1980, với hoàn cảnh đất nước thống nhất, nghĩ lại tất cả những ngày đã qua và trong một lúc nào đó nhạc sĩ chợt bắt gặp mùa thu của Hà Nội. Mùa thu của niềm thương, nỗi nhớ và cả nổi niềm riêng tư, những kỷ niệm của một thời đã qua. Từ cảm xúc đó bài hát "Hà Nội mùa thu" đã ra đời và nhanh chóng trở thành tác phẩm bất hủ về mùa Thu Hà Nội.
Mùa Thu Hà Nội trong bài hát này vừa cụ thể lại vừa trừu tượng, vừa lịch sử lại vừa hiện đại, lấp lánh tương lai. Đó là một “mùa Thu mới” không còn khói lửa đạn bom mà lắng đọng suy tư, bâng khuâng xao xuvến: “Anh nghe chăng/ Trong lắng sâu nơi hồng trái tim mình/ Hà Nội mùa Thu ôi xao xuyến trong lòng ta/ Như bâng khuâng nghe gió đưa vang vọng giữa Ba Đình…”
4/ "Đoản khúc thu Hà Nội" - Trịnh Công Sơn
"... Bởi vì mùa thu tôi ở lại
Hà Nội mùa thu, Hà Nội thu
Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ
Không bởi vì em, hay vì em
Hà Nội mùa thu, Hà Nội gió..."
Là một trong hai sáng tác nổi tiếng viết về mùa thu Hà Nội của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Đoản khúc thu Hà Nội” được nhạc sĩ họ Trịnh sáng tác năm 1995 mang vẻ nhẹ nhàng, ấm áp cũng giống như nhịp sống lặng lẽ, âm thầm của Hà Nội. Nếu ở “Nhớ mùa thu Hà Nội” tác giả thể hiện những rung động trước cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp với những hình ảnh đầy màu sắc của mùa thu Hà thành, thì ở ca khúc này hình ảnh về thành phố nghìn năm lại là một "mùa thu tràn nỗi nhớ".
5/ “Hà Nội đêm trở gió” - Chu Lai, Trọng Đài
“… Hà Nội ơi! Nhớ về mùa thu Tháng Mười,
Áo học trò xanh những hàng me
Hà Nội ơi! Ta nhớ không quên
Hà Nội ơi! Trong trái tim ta...”
Vào năm 1993, lần đầu tiên bài hát "Hà Nội đêm trở gió” được trình diễn qua giọng hát của ca sĩ Tuyết Tuyết trong một vở kịch cùng tên của nhà văn Chu Lai do Nhà hát kịch Hà Nội công diễn tại rạp Công nhân - Hà Nội.
Tuy là tác phẩm viết riêng cho vở kịch nhưng bài hát "Hà Nội đêm trở gió" của nhạc sĩ Trọng Đài với âm điệu trữ tình, sâu lắng đã nhanh chóng đến với giới yêu nhạc cả nước
Bài hát có giai điệu trữ tình, thắm đượm tình cảm sâu sắc dành cho Thủ đô đã trở thành một nhạc phẩm bất hủ của nền âm nhạc Việt Nam. Đó là một chiều mùa thu “gió dọc về trên phố phường, nắng vàng hồng tươi những nụ cười”, đó là tiếng rao vang của những gánh hàng rong trên đường phố, đó là “áo học trò xanh những hàng me”, và đặc biệt là “cô đơn sấu rụng ngoài ngõ vắng” - một hình ảnh nên thơ để lại ấn tượng đối với bất kỳ ai từng gắn bó với Hà Nội.
Đây cũng là một trong những ca khúc ghi dấu tên tuổi của Mỹ Linh trong thập niên 90, mà cho đến tận bây giờ, khi nhắc đến ca khúc này, người ta vẫn nghĩ đến một Mỹ Linh tươi trẻ với mái tóc ngắn bên những cô cậu học trò yêu mến một giọng ca thật đẹp. Ngoài tình yêu với Hà Nội, ca ngợi vẻ đẹp của Hà Nội trong những ngày đổi mùa, "Hà Nội đêm trở gió" còn là những kỉ niệm về tuổi học trò thân thương của thời áo trắng, với những hình ảnh đẹp nhất đã từng xuất hiện trong một video clip ca nhạc của Việt Nam.
6/ "Hoa sữa" - Hồng Đăng
"... Kỷ niệm ngày xưa, vẫn còn đâu đó
Những bạn bè chung, những con đường nhỏ
Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào, anh lại quên em, có lẽ nào..."
Xuất hiện lần đầu tiên trong bộ phim Hà Nội mùa chim làm tổ của nữ đạo diễn Đức Hoàn vào năm 1978, “Hoa sữa” đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng riêng trong đời sống âm nhạc. Lời ca nói về sự chia ly của những đôi tình nhân, về nỗi mong mỏi người yêu của một người thiếu nữ, nhưng mỗi khi câu hát "hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" vang lên, người nghe thường nghĩ ngay tới mùa thu Hà Nội bởi chỉ có thu Hà Nội mới có mùi hương hoa sữa nồng nàn - một nét đặc trưng mà không nơi nào có được. Chính vì vậy “Hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng mãi sống trong tiềm thức của người yêu nhạc Việt Nam như là một trong những ca khúc hay nhất về mùa thu Hà Nội. NSND Lê Dung là người đầu tiên thể hiện ca khúc này nhưng đến những năm 90, “Hoa sữa” lại được khán giả biết đến nhiều hơn qua giọng ca của nữ ca sĩ Thanh Lam.
7/ "Đâu phải bởi mùa thu" - Phú Quang
"... Em ru gì, lời ru cho anh
Một đời đam mê, một đời giông tố
Em ru gì cho ta khi bao ngày phôi pha
Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng
Thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rứt
Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu..."
Ca khúc được nhạc sĩ Phú Quang sáng tác năm 1976, viết cho người tình đầu tiên ở Sài Gòn dựa trên ý thơ trong bài thơ “Yên tĩnh” của nhà thơ Giáng Vân. Tuy nhiên, phải 10 năm sau khi ra đời tác phẩm âm nhạc này mới đến được với công chúng. Mùa thu trong bài hát đẹp nhưng buồn. Những chiếc lá vàng rơi xuống là biểu tượng của mùa thu nhưng có đôi khi lá vàng rơi cũng chẳng phải do mùa thu, mùa nào cũng có niềm riêng thế nên mới có “Lá trút rơi nhiều đâu phải bởi mùa thu”. Phú Quang là vậy, trong nỗi buồn sâu lắng vẫn ánh lên niềm tin yêu trong cuộc sống, thúc giục người ta cố gắng kiếm tìm những khoảng trống trong tâm hồn để lấp đầy nó bằng niềm tin mãnh liệt.
8/ "Hương ngọc lan" - Anh Quân, Dương Thụ
“Góc phố nơi anh hẹn,
Cành ngọc lan xõa bóng mát
Tỏa hương bát ngát.
Báo với em ngày cuối thu buồn...”
Anh Quân tâm sự, cũng như những người con Hà Nội khác, mùa thu với anh luôn rất đặc biệt bởi đó là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa thu tác động rất lớn đến tâm lý, tình cảm, cảm xúc của con người, nhất là đối với giới nghệ sỹ của như anh.
Có điều đặc biệt trong những sáng tác viết về Hà Nội của anh …không có từ nào là Hà Nội. Nhưng khi khán giả nghe và cảm nhận, họ đều thấy rằng đó chính là những ca khúc viết về Hà Nội bởi những nét đặc trưng nhất của Hà Nội đều được anh đưa vào bài hát.
“Tôi có thể nói ngay đó là bài hát “Hương ngọc lan”. Không ở đâu có những góc phố có cây ngọc lan và mùi hương ngọc lan đặc trưng như Hà Nội. Đó là những nét rất riêng của Hà Nội, nó mang hơi thở của mùa thu Hà Nội”.
"Hương ngọc lan" do Anh Quân - Dương Thụ sáng tác nằm trong album “Tóc ngắn” của Mỹ Linh ra mắt năm 2000. Bài hát là câu chuyện của một cô gái đối thoại với người yêu ở một góc phố vào chiều cuối thu. Đó là góc phố kỷ niệm, ngạt ngào mùi hoa ngọc lan, một mùi hương rất đặc trưng của mùa thu và Hà Nội. Bài hát đã được rất nhiều ca sĩ trẻ hiện hiện lại dưới nhiều bản phối khác nhau nhưng đi vào lòng người nhất vẫn là bản gắn với giọng hát Mỹ Linh.
9/ "Im lặng đêm Hà Nội" - Phạm Thị Ngọc Liên, Phú Quang
"... Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ
Đêm cuối thu, trăng lạnh mờ sương
Chỉ còn nỗi im lặng phố khuya
Không gian dạ hương sâu thẳm..."
"Im lặng đêm Hà Nội" là một bài thơ nổi tiếng của Phạm Thị Ngọc Liên được in trong tập thơ "Thức đến sáng và mơ" năm 2004. Tập thơ này cũng đã được nhận tặng thưởng của hội nhà văn TP.Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc bài thơ này khi tìm được sự đồng cảm đến “tê người” từ những câu thơ cuối cùng của bài thơ. Ông đã xin phép nhà thơ Phạm Thị Ngọc Liên cho sửa lại từ “chơ vơ” thành “ngây ngô” còn giữ lại nguyên lời thơ.
Hoa sữa từ lâu đã trở thành mùi hương đặc trưng của Hà Nội, nhưng cảm nhận về mùi hương ấy rõ nét nhất, “nồng nàn” nhất có lẽ phải vào ban đêm. Khi ấy, phố xá đã lùi vào tĩnh lặng, con người cũng như đã rũ hết bao bộn bề lo toan thường nhật để đối diện với chính mình. Trong “không gian dạ hương sâu thẳm” ta nghe rõ “tiếng chim đêm khắc khoải vọng về” hay là tiếng lòng người con gái đang thổn thức nhớ về những kỉ niệm của mối tình đầu? Trong ánh trăng cuối thu“lạnh mờ sương” ấy, cô gái như soi thấu tâm hồn mình để nhận ra một Hà Nội của đêm thật sâu lắng.
Hà Nội đêm sao mà yên tĩnh và cô đơn đến thế, hay trong mắt người con gái đang nhớ nhung hoài niệm kia, tất cả bỗng chốc trống vắng và lẻ loi “từng hàng cây góc phố ngây ngô nhìn nhau”, như cô đang một mình. Ngọc Tân, Thanh Lam, Ngọc Anh, Phương Anh đã tìm đến “Im lặng đêm Hà Nội” để trải lòng mình.
10/ "Nồng nàn Hà Nội" - Nguyễn Đức Cường
"... Đưa em đi qua thăng trầm, bao tháng năm đã úa màu
Gọi tên từng phố cổ, chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh
Ngọt ngào hoa sữa thơm
Gọi mùa thu về thật lâu, để ta biết, nồng nàn..."
Nguyễn Đức Cường chia sẻ, ca khúc này được viết khoảng năm 2007. Ngày đó anh mới ra trường, lập nhóm đi diễn ở các tỉnh. “Chúng tôi thường về muộn, rất khuya, có lần về đến Hà Nội đã chạng vạng sáng rồi. Lúc đó, trong người rất mệt mỏi nhưng nhìn thấy một Hà Nội yên bình, đang chuyển động sang ngày mới thì quên hết mệt. Tiết trời khi đó đang mùa thu, se lạnh, những cụ già, trẻ em bắt đầu xuống phố tập thể dục. Tôi cứ nhìn thấy gì thì viết ra như thế thôi", Đức Cường bộc bạch.
Ca khúc phong cách rock unplugged pha lẫn R&B là cái nhìn chân thực nhưng không kém phần lãng mạn về Hà Nội đương đại. Một "Hà Nội dịu dàng và ấm áp", "phố phường bao sắc màu, bao ánh đèn", "chiều nhạt nhòa Hồ Gươm lung linh", "dòng người vội vã", "ngồi ăn một quán ven đường"... dễ dàng đến với giới trẻ bởi đó là chính những gì họ đang sống, đang trải qua hàng ngày.
"Cường viết bằng cảm nhận của một người trẻ nên lạc quan lắm. Mọi điều diễn ra quanh cuộc sống đều tươi mới, vì thế muốn viết một ca khúc về Hà Nội với cái nhìn tích cực, để hướng tới sự phát triển hơn nữa. Và dù Hà Nội có trong tư thế hội nhập vẫn luôn mang nét văn hóa cổ kính, vẫn giữ được những góc phố nên thơ, lãng mạn", Nguyễn Đức Cường chia sẻ. Ca khúc từng được Hoàng Hải thể hiện thành công.
Hà Tùng Long
Theo https://dantri.com.vn/

Dạ khúc cho tình nhân - Mối tình lãng mạn hơn cả ngôn tình của Lê Uyên - Phương

Dạ khúc cho tình nhân - Mối tình lãng mạn 
hơn cả ngôn tình của Lê Uyên - Phương
Hình ảnh Lê Uyên Phương ôm cây đàn guitar bên người bạn đời Lê Uyên trở thành một dấu ấn không thể phai trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, còn vang vọng từ thời vàng son cho đến hôm nay.
Vừa hoa nở tươi môi 
Tình nhân đã xa xôi 
Ðời ngăn cách nhau hoài 
Một lần thôi đã không thôi 
Yêu nhau trong lo âu
Biết bao lần tha thiết nhớ mong 
“Biết yêu anh cả khi chết đi rồi…” – xin mượn lời thơ của thi sĩ Xuân Quỳnh để nói về mối tình da diết, đắm say, vượt qua cả lằn ranh của sự sống và cái chết. Mối tình bất chấp mọi định kiến, lề thói, vượt qua cả hai thế giới ấy cũng đã mang đến cho nền tân nhạc Việt Nam những nhạc phẩm không khi nào thôi thổn thức, mãnh liệt các cung bậc tình ái đắm say.
Cuộc đời của Lê Uyên - Phương là âm nhạc, là tình yêu, tuy hai mà một. Những bản tình ca đầy tính hiện sinh như “Dạ khúc cho tình nhân”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Lời gọi chân mây”, “Tình khúc cho em…” là minh chứng sống cho cuộc tình vĩ đại, vượt qua mọi lằn ranh của sự sống, cái chết, vượt qua những bệnh tật, khổ đau nghiệt ngã trong cõi đời để trở thành bất tử. Vượt qua định mệnh, hình ảnh Lê Uyên Phương ôm cây đàn guitar bên người bạn đời Lê Uyên trở thành một dấu ấn không thể phai trong lịch sử tân nhạc Việt Nam, còn vang vọng từ thời vàng son cho đến hôm nay.
Tình yêu đánh bại “tử thần” lần thứ nhất
Tình yêu của Lê Uyên Phương tựa như định mệnh. Cuộc gặp gỡ tình cờ tại Đà Lạt nhiều năm về trước đã thay đổi hay con tim, hai mảnh đời mà cũng thay đổi diện mạo của nền tân nhạc Việt Nam. Khi ấy, Lê Uyên là nàng tiểu thư với nhan sắc kiều mị, nức tiếng Chợ Lớn của Sài Gòn - Gia Định, Lê Uyên Phương lại là chàng nhạc sĩ tài hoa, lãng tử của phố núi Đà Lạt.
Cuộc gặp định mênh tại “thành phố buồn” vào mùa Đông 1966 khiến cả hai phải lòng nhau. Như một mối tình kinh điển, chàng lãng từ nghèo và nàng tiểu thư quyền quý phải lòng nhau trong một mối tình đầy đam mê tuổi trẻ. Ngay từ phút ban đầu lưu luyến, Lê Uyên Phương đã quyện vào nhau bằng tình yêu hồn nhiên không suy tính.
Ở tuổi 27, chàng nhạc sĩ vẫn không dám yêu ai vì mắc bệnh hiểm nghèo, có thể ra đi bất kỳ lúc nào. Những khối bướu xương mọc khắp trên tay chân anh, và được tiên liệu anh sẽ không sống qua năm 30 tuổi. Ám ảnh bệnh tật cùng tình yêu mãnh liệt biến Lê Uyên Phương trở thành một “Hàn Mặc Tử trong âm nhạc” với nỗi niềm yêu đời và yêu người da diết.
Quan niệm sống cho ngày hôm nay, tính hiện sinh khiến anh cháy trọn lòng mình trong những cung bậc âm thanh. Tình yêu ấy, tiếng hát ấy tựa như được cất lên từ tâm can, đủ sức hóa giải mọi định kiến cùng nỗi niềm người nam nhi bất đắc chí vì bệnh tật. Đà Lạt trở thành nơi minh chứng cho mối tình Lê Uyên Phương.
Vượt qua sự cấm cản của gia đình cùng ám ảnh bệnh tật, Lê Uyên Phương song hành như hai đứa trẻ ngây ngô, đắm chìm trong men say tình ái. Có lẽ vì thế mà những tác phẩm của cặp đôi trong giai đoạn này luôn thấm đẫm những đam mê, hoan lạc và sự nồng nàn. Cả hai đến bên nhau, hát với nhau mà không cần biết ngày mai ra sao. Và dẫu có sao, Lê Uyên Phương cũng nguyện “chết bên nhau thật là hồn nhiên” như lời ca khúc “Dạ khúc cho tình nhân”
Tình yêu Lê Uyên Phương, âm nhạc Lê Uyên Phương cùng triết lý hiện sinh lãng mạn trở thành chuẩn mực sống của lớp thanh niên thời đại bấy giờ. Có lẽ vì thế mà trong giai đoạn cực thịnh của bolero, người ta đã ưu ái gọi tên tình yêu của cả hai là dòng nhạc Lê Uyên Phương, như một cách trân trọng, tôn vinh cho mối tình đắm say mật ngọt ấy.
Thần chết lại nhường bước thần tình yêu 
Năm 1979, hai vợ chồng Lê Uyên Phương rời khỏi Việt Nam và định cư tại nam California, Hoa Kỳ. Như bao người, đôi tình nân phải bắt đầu mọi thứ từ con số 0. Thời gian này, Lê Uyên Phương vẫn da diết nỗi hoài vọng về một thiên đường đã qua. Tại đây, anh nhớ nhiều hơn về quê nhà, về những tháng ngày đắm say trên từng triền dốc Đà Lạt, hay những khoảnh khắc cả hai cùng luyện giọng trên căn gác xép chật hẹp mà chan chứa tình yêu tại chợ Lớn. Vượt qua những xáo trộn nơi xứ lạ, tình yêu lại lần nữa dẫn lối cho Lê Uyên Phương để lại lần nữa cùng cất vang tiếng hát tại những tụ điểm ca nhạc, những sân khấu lớn nhỏ khắp xứ cờ hoa. Tình yêu của cả hai vượt lên mọi khó khăn của cuộc sống, để nằm giữa lằn ranh chênh vênh giữa lý trí của con người, linh hồn thượng đế và hơi thở của tình yêu.
Tai họa ập đến khi vào năm 1985, Lê Uyên gặp tai nạn, trúng đạn lạc từ một vụ thanh toán của hai băng xã hội đen. Chị mê man trên giường bệnh 19 ngày liền. Khi ấy, người duy nhất ở bên chị, làm bóng tùng quân đưa chị vượt qua những đau đớn thể xác không ai khác ngoài Lê Uyên Phương. Lúc này, những câu hát cả hai từng ca “Nhìn suốt kiếp như chết mòn. Nhìn hấp hối thương đau. Ngày mai ta không còn thấy nhau” như lại vận vào mối tình si ấy, thách thức tất cả giữa lằn ranh sống, chết.
Sau khi hồi phục, Lê Uyên lui về ở ẩn, không xuất hiện trên sân khấu suốt 4 năm liền. Lúc này, dư luận bắt đầu râm ran cả hai rạn nứt. Nhưng với tính cách vốn trầm lặng, khép kín, người con Đà Lạt không thanh minh với bất kỳ ai, chỉ lặng yên chăm sóc cho người phụ nữ của đời mình và hai cô con gái bé bỏng.
Biết yêu nhau cả khi chết đi rồi
Nghiệt ngã thay, đến năm 1999, Lê Uyên Phương đã nằm xuống mãi mãi, bỏ lại tất cả sau lưng. Anh ra đi không phải vì chứng ung thư xương được dự báo từ rất lâu mà vì ung thư phổi. Giây phút ấy, cô tiểu thư ngày nào cũng như mất đi toàn bộ lẽ sống, nghị lực sống. Chị đã từng nghĩ đến cái chết khi uống thuốc ngủ quá liều để đoàn tụ với anh ở bên kia thế giới, nhưng tất cả lại bất thành. Trong niềm đau chuếnh choáng, Lê Uyên Phương vẫn không tin anh đã rời xa thế gian. Trong tâm tưởng chị, người chồng, người tình mà với chị “chỉ cần yêu thôi, không cần ăn uống gì cũng chịu đựng được” như vẫn còn đâu đây. Anh chỉ như vừa bắt đầu một hình trình mới, dài hơn và lãng du mọi chân trời anh hoài niệm.
Trước khi bỏ lại thế giới sau lưng, Lê Uyên Phương từng dặn dò chị: “nếu anh có mệnh hệ nào thì em phải tiếp tục sống và hát để tình yêu chúng ta được lan tỏa khắp nơi, trong trái tim nhiều người để mọi người yêu nhau nhiều hơn”, những câu nói này đã giữ chân chị ở lại với trần thế. Từ đây, Lê Uyên Phương vẫn tiếp tục sống trong hoài niệm, giữa hai bờ hiện thực và ảo mộng, chị mơ về ngày xa xưa ấy, khi cùng anh đi dạo trên những triền dốc mơ mộng, yên bình của Đà Lạt. Những cuộc đối thoại trong tâm tưởng, trong tĩnh lặng tiếp sức cho Lê Uyên Phương hoàn thành các dòng nhạc, từng bản thu còn dang dở của hai người.
Với tâm thế sống để lan tỏa yêu thương, Lê Uyên mang theo cả tư tưởng, nhân sinh quan của Lê Uyên Phương để cất lên những tiếng ca da diết, dạt dào cảm xúc. Nhạc Lê Uyên Phương không thể tách rời Lê Uyên, chị phải sống, phải hát thêm lần nữa và gìn giữ thứ âm nhạc hiện sinh ấy cho nhiều người, cho nhiều thế hệ.
Lê Uyên cũng là Lê Uyên Phương, Lê Uyên Phương cũng là Uyên. Cả hai hòa quyện vào nhau, không thể chia lìa, không thể tách rời. Những gì chàng nhạc sĩ tài hoa ấy dâng hiến cho đời cùng đều vì tình yêu với Lê Uyên, mối tình kết ấy tựa như một chất gây nghiện, rót từng giọt từng giọt vào lòng người, nhẹ nhàng mà đắm say để đến khi tỉnh giấc nam kha, ta chợt nhận ra mình đã bước vào thế giới ảo mộng của Lê Uyên - Phương tự khi nào.
Mất nhiều năm sau khi Lê Uyên Phương ra đi, Lê Uyên mới đủ can đảm trở lại sân khấu, chìm đắm trong những tình khúc ghi đậm dấu ấn tình yêu của hai người. Cho đến bây giờ, hai kẻ si tinh đã ở hai miền thế giới, tình yêu của họ vẫn làm lay cảm lòng người tựa như: “Xa nhau như nước xa nguồn/ Cuộc tình ngày nào tìm đến rồi mãi thiết tha…”.
Ngày 20/11 sắp tới, Lê Uyên lại mang những tình khúc của người bạn đời về nước. Chị sẽ thổn thức “Dạ khúc cho tình nhân”, “Vũng lầy của chúng ta”, “Cho lần cuối”… trong chương trình “Như cánh vạc bay” dành cho mình, dành cho Phương và dành cho những khán giả theo chủ nghĩa “Hãy yêu thật hồn nhiên và cảm nhận hạnh phúc trong từng phúc giây hiện tại”.
Ái ân ơi đừng phụ lòng ta 
Nhớ thương sâu xin gởi người xa 
Khóc nhau trong cuộc đời 
Giấc mơ xưa khăn phủ vành sô
Có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau 
Chết bên nhau thật là hồn nhiên!.
Nguồn St
Theo https://nuocmatcuacaz.wordpress.com/

Một mình tôi đi - Lặng lẽ nơi này

Một mình tôi đi - Lặng lẽ nơi này 
Mình đã nghe nhạc Trịnh mấy mươi năm rồi - nhiều năm ôm ấp một mối tình âm nhạc. Nếu nói là chung thủy thì thật là khó vì thời gian vẫn đang còn đứng đợi ở phía trước. Mối tình ấy cũng có nhiều thăng trầm lắm ấy chứ. Ngày là học sinh trung học mới nghe và yêu nhạc Trịnh mình chỉ dám nghe trộm, hát thầm vì e rằng có người cho là mình khác người, khác đời và khác lứa tuổi. Đến khi vào học Đại học thì nó được bộc lộ và toả sáng. Mình tìm thấy nhiều tâm hồn đồng điệu, đồng sở thích và cách cảm, cách nghĩ về nhạc Trịnh Công Sơn. Đến gần đây mình mới sống thực sự theo sở thích vì mình biết dù không hiểu nhưng vẫn có người trân trọng những giá trị nghệ thuật ấy. Mình lại nghe và hát nhạc Trịnh như xưa dù vẫn có người dị ứng với nó.
Tôi đã say mê nghe nhạc Trịnh vì tìm thấy một sự đồng điệu như thế, đặc biệt trong những đêm khuya ngồi một mình lắng nghe tiếng đêm, tiếng lòng, tiếng đời. Tôi mê đắm nhạc Trịnh được hòa âm theo lối đơn giản: giọng hát lảnh lót của người ca sĩ trên nền guitar thùng. Tôi đã quá yêu mến những bản tình khúc Trịnh Công Sơn trong suốt nhiều năm qua mà không hay để ý những ca khúc về thân phận, những ca khúc phản chiến của ông. Cho đến một buổi chiều gần đây, ngồi một mình nghe nhạc Trịnh, lặng buồn nhìn thời gian qua giọt cafe, mà tâm trạng đầy buồn bã, mệt mỏi cô đơn vì quá nhiều hoang mang tôi gặp trong cuộc sống. Giọng hát Thái Hòa vang lên với những ca từ đầy ám ảnh khiến tôi rớt nước mắt trước hạnh phúc và thân phận con người:
“Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
… Đời như vô tận
Một mình tôi về

Một mình tôi về với tôi”
Đó là những giai điệu da diết, khắc khoải và những ca từ khiến tôi phải suy tư nhiều của bài “Lặng lẽ nơi này”. Tất cả cứ nhẩn nha, từ tốn, lặng thầm nhưng in sâu trong tâm trí người nghe. Nghe bài hát tôi luôn liên tưởng đến những đối cực, những sắc thái cảm xúc va chạm, tương tranh nhưng cũng đồng nhất tạo nên bản thể cuộc đời con người, bản thể của tình yêu:
“Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi”
Tình yêu là vậy, là mật ngọt trên môi và mật đắng trong đời. Ai đã sống trong tình yêu hẳn sẽ cảm nhận được cái hạnh phúc ấy, cảm giác về hạnh phúc mà đôi khi con người ta chấp nhận đánh đổi để có được nó.
“Tình yêu mật đắng
Mật đắng trong đời”
Đến đây thì cái đắng dường như đã lấn át lên tất cả. Cái còn lại là “vị đắng” nhiều hơn, thấm hơn. Bởi vì cái mật ngọt ấy nào phải ai cũng cảm nhận được, có khi chưa kịp nắm bắt thì đã đi qua. Nhưng cái ” mật đắng” kia thì không phải chỉ tồn tại ở một khoảng khắc hay một quãng thời gian nhất định nào đó nữa, mà đó là cả CUỘC ĐỜI.
Thế nhưng, dù thế nào, thì tình yêu luôn là nỗi khát khao, bởi vì tình yêu là thuộc tính của trái tim con người, và đã yêu là không hối hận, đã yêu là không thể cưỡng lại, hoặc cưỡng lại là điều không thể bởi:
“Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Biển rộng hai vai…”
Chút dư tình ngọt ngào của nó chỉ thoảng qua như hồng phai trước ngõ, còn dư vị đắng cay, chua xót của sự chia ly, tan vỡ lại theo ta suốt trong đời.Cứu cánh cuối cùng của cuộc đời để người ta bấu víu vào lại trượt dài. Tất cả đều dần xa rời tầm tay. Tình yêu lớn lao nhưng cũng quá nhỏ hẹp. Cuối cùng chỉ còn lại một mình ta trong cuộc đời:
“… Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối”
Tình yêu như biển khơi khiến con người lạc lối. Chút hy vọng cuối cùng là tình yêu đã không còn. Em đã ra đi cùng tình yêu để ta lạc lối, để ta u hoài:
“Em đi về nơi ấy
Nơi đâu nơi đâu
Sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng
Tan theo tan theo
Chút tình xa vắng
Làm sao ru được tình vơi…”

Dường như có một sự nghịch lý trong cách sử dụng ngôn từ ở đây. Thành ngữ “sông cạn đá mòn” thường chỉ tình yêu thuỷ chung, gắn bó sâu nặng thì ở đây Trịnh dùng nó với hàm ý chỉ sự phôi pha. Tất cả đều ra đi, tất cả đều xa dần con người từ tình yêu biển rộng đến chút dư tình xa vắng, từ em ra đi đến vầng trăng treo đầu con sóng cũng vụt biến mất. Những hình ảnh đều chỉ tính chất bao la, vô tận nhưng nó là sự tận cùng của sự cô đơn, của những mất mát trong đời. Tất cả những gì giao cảm đều trôi đi, mất mát dần theo thời gian và không gian. Và đồng hành với con người không phải là sự tri âm, không phải là người yêu vì “Từng người tình bỏ ta đi những dòng sông nhỏ” mà là nỗi cô đơn dằng dặc, là nỗi đau đầy vơi hiện hữu ngay trong hiện tại, với nỗi buồn như nhỏ máu.
Tình yêu đã mất, tuổi trẻ không bền, hạnh phúc qua đi, một mình ta lại về với ta:
“Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Đờ như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về với tôi”
Sự tồn tại của con người như một hạt cát nhỏ nhoi giữa trời cao đất rộng, giữa cuộc đời vô tận. Một mình lặng lẽ nơi này để tìm về với chính bản thể. Cái cảm giác mất mát, hư vô luôn ám ảnh và đeo đuổi con người. Nền nhạc Violon réo rắt và lối hát nhẩn nha như đếm ra từng nỗi lòng trong tâm hồn. Nó để lại bao khoảng lặng đầy suy tư trong lòng người nghe khi bài hát kết thúc. Khoảng lặng đó cũng mênh mông như nỗi niềm của con người chỉ lặng lẽ đi về cuộc đời “với tôi”.
Lời bài hát: Lặng lẽ nơi này
Tình yêu mật ngọt
Mật ngọt trên môi
Tình yêu mật đắng
Mật đắng trong đời
Tình yêu như biển
Biển rộng hai vai
Biển rộng hai vai
Tình yêu như biển
Biển hẹp tay người
Biển hẹp tay người lạc lối
Em đi về nơi ấy
Nơi đâu nơi đâu
Sông cạn đá mòn
Trăng treo đầu con sóng
Tan theo tan theo
Chút tình xa vắng
Làm sao ru được tình vơi
À ơi nỗi đau này người
Tình yêu vô tội
Để lại cho ai
Buồn như giọt máu
Lặng lẽ nơi này
Trời cao đất rộng
Một mình tôi đi
Một mình tôi đi
Đời như vô tận
Một mình tôi về
Một mình tôi về… với tôi.


Lê Trung Ngân
Theo https://bacsiletrungngan.wordpress.com/


Những địa điểm du lịch nổi tiếng tại Hàn Quốc

Những địa điểm du lịch 
nổi tiếng tại Hàn Quốc 
Từ xa xưa Hàn Quốc đã được gọi là núi vàng biển bạc. Có nghĩa là đất nước hùng vĩ, tài sản thiên nhiên đẹp như một bức tranh tơ lụa. Ngay cả những người Trung Quốc từ khi sinh ra ở Hàn Quốc đã ước nguyện được nhìn thấy núi Kim Cương. Hàn Quốc có thiên nhiên tươi đẹp, con người hữu tình. 
Hàn Quốc có nhiều địa điểm du lịch kỳ lạ. Nếu bạn có một cơ hội để đi đến Hàn Quốc, khám phá những điểm tham quan du lịch của đất nước này sẽ là kinh nghiệm tuyệt vời. Với một sự pha trộn thú vị của điểm tham quan truyền thống và hiện đại, Hàn Quốc trở thành một địa điểm du lịch tuyệt vời. 
Seoul 
Seoul là thành phố rộng lớn và phát triển, nổi tiếng với vẻ hiện đại xen lẫn với nét cổ điển mà mỗi đặc điểm đều có những địa danh nổi tiếng là minh chứng. Cổ điển với các cung điện, chùa chiền. Hiện đại với các trung tâm thương mại sầm uất, khu vui chơi giải trí hoành tráng. 
Cung điện Changdeokgung 
Changdeokgung là cung điện nằm trong một công viên lớn ở Seoul. Changdeokgung khá rộng lớn và tĩnh mịch, cách ly hẳn với vẻ ồn ào náo nhiệt vốn có của thành phố thủ đô này. Là nơi 13 vị vua triều đại Chosun (1392-1910) sinh sống, được liệt vào danh sách di sản UNESCO thế giới. 
Changdeokgung cuốn hút du khách không hẳn vì nó là lâu đài với những kiến trúc cổ, đồ sộ được bảo tồn nguyên vẹn và hoàn hảo nhất mà chủ yếu là vì những khu vườn thượng uyển tuyệt đẹp của nó, nơi người Seoul thường đến dạo chơi, ngắm cảnh và nghỉ ngơi. 
Cung điện Gyeongbokgung 
Gyeongbokgung là tiêu biểu cho nền nghệ thuật kiến trúc cổ điển và là niềm tự hào của người dân Hàn Quốc. Là cung điện đầu tiên của triều đại Chosun được xây dựng vào năm 1395, Gyeongbokgung là cung điện lớn và đồ sộ nhất Hàn Quốc. 
Gyeongbokgung kết hợp hài hòa giữa bàn tay con người và thiên nhiên, trong khuôn viên có những đại sảnh và những khu vườn được chăm sóc công phu điển hình cho nghệ thuật làm vườn của người Hàn Quốc. Ngày nay, nơi đây thường xuyên tổ chức các nghi lễ diễu binh của ngự lâm quân để tái hiện quá khứ huy hoàng của các triều đại vua chúa. 
Deagu 
Đến thăm Daegu, thành phố thời trang hiện đại phát triển cùng với phong cảnh thiên nhiên hữu tình. Daegu cũng có những nơi mà du khách không thể bỏ qua. 
Núi Palgongsan 
Là ngọn núi nằm ở đông bắc Daegu, cách khu trung tâm thương mại khoảng 20km. Đỉnh Birobong cao 1192 mét nằm ngay ở giữa và nhiều đỉnh khác như Dongbong hay Seobong. Dù thuộc Daegu nhưng núi còn bao hàm 4 thành phố khác và trải rộng hơn 30 ngàn km2 . Nơi đây giống một thánh địa Phật giáo vì có nhiều tượng phật, tháp, chùa và những mũi đã hình phật nổi tiếng linh thiêng nên người dân đến đây rất đông. Công viên Bongmu nằm trên lối vào núi có nhiều sân chơi với nhiều trò chơi như quần vợt, cầu lông, Jokku, bắn súng… rất thích hợp cho một ngày nghĩ mang tính hoạt động thể thao. 
Tháp Woobang 
Với độ cao 202 mét và 312 mét so với mặt nước biển, tháp Woobang đã từng được coi là tháp cao nhất ở Châu Á và là điểm du lịch không thể bỏ qua của du khách khi đến với thành phố Daegu. 
Một quầy rượu sang trọng và một nhà hàng bao quanh chân tháp, tại đây du khách có thể thưởng thức một bữa ăn ngon vừa có thể ngắm nhìn khung cảnh của toàn thành phố. Phong cảnh xung quanh tháp cũng rất đẹp với rất nhiều hoa xung quanh một thác nước cao. Vào mỗi mùa khác nhau có các hoạt động vui chơi giải trí khác nhau phục vụ khách du lịch. Đến đây vào mùa đông, bạn có thể tham gia trò chơi trượt tuyết; thăm lễ hội hoa vào mùa xuân; vào mùa hè và mùa thu có các hoạt động vui chơi, biểu diễn và triển lãm nghệ thuật. 
Busan 
Thành phố du lịch nổi tiếng Busan có nhiều địa điểm độc đáo mà du khách không thể bỏ qua: Khu trung tâm Seomyeon hiện đại, bãi biển Haeundae xinh đẹp, bảo tàng Bokcheon rộng lớn và ngôi chùa Boemoesa linh thiêng. 
Khu trung tâm Seomyeon 
Trung tâm của Busan la Seomyeon, nơi tập trung những cửa hàng thời trang, quán ăn, tòa cao ốc hiện đại. Seomyeon cũng là một điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn khi đến tham quan thành phố, nơi mà du khách có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm, tham quan khám phá vẻ hiện đại và phát triển, các tòa nhà cao chọc trời, hệ thống giao thông hiện đại, minh chứng cho một đất nước Hàn Quốc phát triển, đơn giản Seomyeon là khu trung tâm của thành phố lớn thứ hai tại Hàn Quốc, chỉ sau thủ đô Seoul. 
Bãi biển Haeundae 
Bãi biển Haeundae là một trong những bãi biển đẹp nhất Hàn Quốc với những khách sạn cao cấp và những con đường lót ván ven biển. Haeundae có bờ biển dài 1,5 km, rộng 30-50 m, với diện tích 58.400 m2. Sự hấp dẫn của Haeundae là sự kết hợp giữa biển và suối nước nóng, tượng người cá, bến du thuyền…Thủy cung ở Haeundae là một điểm đến thú vị với rất nhiều loại cá được trưng bày. Dù giá vé vào cửa khá cao (12 USD cho trẻ em và 16 USD cho người lớn) nhưng Haeundae vẫn thu hút rất nhiều đoàn du lịch đến tham quan.
Bảo tàng Bokcheon 
Là nơi được nhiều du khách chọn làm điểm tham quan đầu tiên khi đến với Busan. Được khảo sát và khai quật hơn 8 lần, có trên mười ngàn di vật đã được tìm thấy, đặc biệt là gươm giáo và các loại vũ khí khác, bảo tàng Bokcheon trưng bày gần 3000 hiện vật tiêu biểu tuyển chọn và trưng bày đã giới thiệu được phần nào cách thức tổ chức chính trị, quân sự và sự phát triển của xã hội vùng Pusan thời xưa. Bảo tàng Bokcheon còn lưu giữ các thông tin từ việc khai quật các ngôi mộ cổ thời Gaya và Dhila vào thế kỷ 14 - 15. 
Núi Gyeryongsan 
Dãy núi Gyeryongsan nằm cách Yuseong chỉ khoảng 15 phút ô tô. Từ xưa đến nay vẫn được xem là ngọn núi ngoạn mục nhất của đất nước có nhiều thung lũng sâu và đẹp này. Núi Gyeryongsan đã được chọn làm công viên quốc gia từ năm 1967. Với những thung lũng sâu và phong cảnh nên thơ làm cho nơi đây trở thành một khu vực có nhiều ưu thế. Chính vì thế nơi đây đã từng được các tín đồ Saman viếng thăm. Ngày nay các tín đồ Phật giáo thường hành hương đông kín đến các đền chùa trong dãy núi này. 
Ulsan. 
Đến Ulsan, du khách không thể không đến bãi biển Mongdol ở Jeongja-ri, nơi thư giãn của người dân thành phố. Khu bảo tồn thiên nhiên - đầm lầy Mujechi và Phòng trưng bày nghệ thuật Huyndai của tập đoàn Huyndai nổi tiếng thế giới. 
Chùa Boemoesa 
Tọa lạc ở phía đông núi Geumjeongsan, Boemoesa là một trong những ngôi chùa quan trọng của đạo Phật ở Hàn Quốc và được coi là di sản quốc gia. Chùa do nhà sư Ui Sang đứng ra xây dựng cách đây đã 1300 năm. Ngôi chùa đã bị phá hủy vào năm 1592 trong cuộc chiến tranh Nhật Bản xâm lược Hàn Quốc nhưng đã được tái tạo lại năm 1713 và được bảo tồn cho đến ngày nay. Chùa Boemoesa rộng lớn với kiến trúc vững chãi, được thiết kế như một đài tưởng niệm gồm 4 cột chính, 7 chái nhà, 3 cổng và 11 tu viện. Không gian ở đây rất mát mẻ và trong lành, là nơi nghỉ chân lý tưởng, nhất là vào mùa hè.
Incheon 
Đến với Incheon, du khách không thể bỏ qua Phố Tàu Chinatown – phố Tàu duy nhất còn tồn tại tới ngày nay ở Hàn Quốc và tham quan vùng đất mới đầy hứa hẹn Songdo. 
Phố tàu Chinatown 
Người Hoa nổi tiếng sống ở nhiều nơi trên thế giới với những khu phố tập trung của họ, và ở Hàn Quốc, bạn chỉ có thể tìm thấy phố Tàu (Chinatown) ở Incheon. Hơn 500 Hoa kiều sinh sống ở khu vực này vẫn giữ được nét văn hóa Trung Hoa truyền thống. Không có quy mô rộng lớn như những khu phố Tàu giàu có ở các nước khác, nhưng chính vì có quy mô nhỏ và không hỗn tạp nên cả người bán và người mua đều có thể mặc cả trong một bầu không khí thoải mái và yên bình. Vì thế, nó đã làm thỏa mãn những người tìm đến nơi đây. 
Khu vui chơi giải trí Everland 
Dựa vào mô hình Disneyland của Hoa Kỳ, Everland là khu vui chơi giải trí hiện đại và hoành tráng nhất Hàn Quốc nằm ở ngoại ô Seoul. Với nhiều trò chơi hiện đại dành cho những ai thích cảm giác mạnh. Khi bạn kết thúc một trò chơi, ngay ở cổng ra, sẽ có hình ảnh chụp lại những khoảnh khắc thăng hoa nhất của chính bạn, đến nổi nhiều lúc chủ nhân của nó cũng không nhận ra. Nếu thích bạn có thể trả tiền để nhận hình về, không thì chỉ ngắm nhìn cũng không sao. Nếu sợ cảm giác mạnh, bạn có thể đi dạo đến các vườn hoa rực rỡ màu sắc, thăm khu động vật hoang dã hoặc mua sắm tại các cửa hàng lưu niệm.
Phố Songdo 
Songdo, vùng đất mới phía tây Incheon đang được xây dựng để trở thành một trong mười thành phố cần phải đến trên thế giới. Nằm trong khu kinh tế mở của Incheon, với diện tích gấp 3 lần Manhattan của NewYork, Songdo là niềm hy vọng lớn của Hàn Quốc. Có rất nhiều mỹ từ được dùng để nói tới thành phố này: thành phố trong mơ, thành phố công nghệ sạch mặc dù vẫn đang trong quá trình xây dựng. Có dịp bạn hãy thử một lần đến thăm nơi đây để khám phá xem vì sao nó được kỳ vọng đến như vậy. 
Gwangju 
Thành phố Gwangju nổi tiếng với phong cảnh tươi đẹp và khí hậu trong lành. Đến với Gwangju bạn hãy khám phá thiên nhiên trên đỉnh Mudeungsan và phong cảnh tuyệt vời của vùng Honam rộng lớn. 
Đỉnh Mudeungsan 
Tới Gwangju, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội leo lên đỉnh Mudeungsan để ngắm phong cảnh núi đồi bao quanh thành phố. Nằm về phía đông thành phố với độ cao 1187m so với mực nước biển. Núi Mudeungsan nổi tiếng với những tảng đá to một cách dị thường, có dưa hấu tươi ngọt, có chè xanh với hương vị đặc biệt. Có những con đường mòn ẩn khuất trong núi, những quả đồi khum khum, có thung lũng Wonhyo với những dòng suối mát cùng thác nước lúc nào cũng hấp dẫn khách du lịch, rồi khu Ipseokdae với những rừng sậy và phong cảnh hùng vĩ, lúc nào cũng tấp nập người tham quan. 
Vùng Honam 
Phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời của vùng Honam xung quanh Gwangju cũng là nơi rất hấp dẫn du khách tham quan thưởng ngoạn. Với nhiều thắng cảnh đẹp như: công viên quốc gia núi Wolchulsan có những đỉnh núi và vách đá cao ngút trời, dãy núi Baekdudaegan chạy dài làm thành một vòng cung bao quanh, những ngọn núi tráng lệ, những ngọn đồi thơ mộng, những vườn rau và cây xanh nổi bật trên nền đất đỏ tạo nên một màu sắc độc đáo… Phong cảnh nơi đây làm cho con người có cảm giác lâng lâng, thật dễ chịu.
Deajeon 
Một chuyến đi thăm thành phố trí tuệ Deajeon dù bắt đầu nơi đâu cũng không thể không đi qua hồ chứa nước Daecheongho, núi Gyeryongsan và suối nước nóng ở Yuseong. 
Hồ chứa nước Daecheongho 
Hồ chứa nước Daecheongho có diện tích 4000 km2, không chỉ là nguồn cung cấp nước cho toàn bộ khu vực Chuncheong rộng lớn, mà cùng với các điền viên, tạo thành một công viên rộng lớn hấp dẫn khách tham quan. Đến đây vào tháng tư hàng năm, bạn còn được chiêm ngưỡng một rừng hoa từ 3000 cây anh đào xung quanh nhà máy thuốc lá Sintanjin tạo nên cảnh tượng rực rỡ. Khách du lịch thường tụ tập dọc theo con đường bao quanh khu hồ chứa nước xuống tận suối nước nóng Yuseong, chạy thẳng tới khu lưu giữ các hài cốt cổ từ cuối thời Bekje (475-660) thuộc vùng Gongju và Buyeo.
Suối nước nóng ở Yuseong 
Dọc theo con đường bao quanh hồ chứa nước Daecheongho, du khách sẽ được đưa đến suối nước nóng Yuseong. Nước ở đây có nhiệt độ từ 52-56 độ C và chứa nhiều natri, clo và axit xilic nên rất có lợi cho sức khỏe và tạo tinh thần sảng khoái. Sử sách đã ghi lại rằng Yuseong đã từng là nơi ẩn náu của các ông vua triều đại Chosun. Ngày nay nơi đây đã được lựa chọn làm khu du lịch đặc biệt, có tới hàng trăm nhà khách và khách sạn được xây dựng nơi đây, hàng năm thu hút tới 20 triệu du khách.
Bãi biển Mongdol ở Jeongja-ri 
Nằm cách 20 km về phía đông bắc của trung tâm thành phố. Khung cảnh nơi đây đẹp ngoạn mục với công viên Ulgi nơi có rừng thông tuyệt đẹp bao quanh một bãi biển cát trắng hình lưỡi liềm dài 1km. Đến những dãy núi đá huyền bí, những mỏm đá tuyệt đẹp nơi có thể trèo lên để ngắm cảnh đẹp và thưởng thức làn gió mát của biển Đông. Đến đây, du khách còn hài lòng với một thế giới ẩm thực phong phú, một loạt nhà hàng nơi du khách có thể thưởng thức món cá tươi, dưa chuột biển và các loại hải sản khác do các thợ lặn nữ địa phương mang đến. 
Đầm lầy Mujechi 
Được tạo bởi độ dốc thoai thoải của thung lũng chạy dọc lên vùng đông bắc của núi Jeongjoksan, đầm lầy Mujechi là một địa danh độc đáo ở Ulsan. Được hình thành từ 6000 năm về trước, đây là nơi sinh sống của rất nhiêu loại thực vật quý hiếm. Nhờ vậy mà thành phố Ulsan được coi là khu vực bảo tồn thiên nhiên và một trung tâm Quản lý thiên nhiên đã được thành lập, nơi trưng bày ảnh về cuộc sống tự nhiên ở đầm lầy Mujechi thu hút nhiều du khách đến tham quan, thưởng ngoạn. 
Phòng nghệ thuật Huyndai 
Phòng nghệ thuật Huyndai trụ sở tại Ulsan được công ty Huyndai Heavy Industries xây dựng và quản lý và là nơi mà người dân thành phố rất yêu thích. Tòa nhà 5 tầng, có một phòng hòa nhạc lớn với hơn 1072 chỗ ngồi, sân khấu được trang bị đầy đủ các thiết bị nghệ thuật và âm thanh hiện đại, một phòng trưng bày tranh, một sân trượt băng và một bể bơi có mái che. Là nơi tổ chức những buổi biểu diễn chất lượng quốc tế thu hút rất đông du khách đến tham dự và thưởng thức. 
Khu làng cổ Hàn Quốc 
Nằm ở ngoại ô Seoul, khu làng cổ Hàn Quốc được phục chế và giữ nguyên vẹn theo đúng mô hình một ngôi làng truyền thống của người Hàn Quốc từ thế kỷ 17. Nếu xem phim Hàn Quốc, chắc chắn bạn sẽ bắt gặp khung cảnh của ngôi làng cổ này, đây là phim trường của rất nhiều bộ phim nổi tiếng. Vào đây, bạn dễ dàng biết được cách sống và bài trí nhà cửa của người Hàn Quốc, thưởng thức các vũ công trong trang phục truyền thống, biểu diễn đám cưới truyền thống và các màn nhảy múa hấp dẫn, lạ mắt.
Tuấn Tú sưu tầm 
Theo https://sites.google.com/



  Chê vợ – Truyện ngắn Chinh Văn 8 Tháng Mười Hai, 2023 Lê từng bước nặng nhọc trên đường, Sen đi như kẻ mộng du. Ngày trước, đi trên co...