Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

Những con chữ gieo nơi bìa trời

Những con chữ gieo nơi bìa trời
Tôi đến Sư đoàn Bộ binh 330 đứng chân trên địa bàn tỉnh An Giang vào cuối mùa nước nổi. Trên con lộ 91 dọc biên giới Việt Nam - Campuchia, một bên là cánh đồng lúa vàng đang nằm thiu thiu chờ gặt, một bên mênh mông sóng nước. Phía xa xa nơi những ngọn núi mờ ảo là nước bạn Capuchia. Hai từ nước bạn gợi lên nỗi nhớ nhà mơ hồ bởi quê tôi ở Quảng Ninh cũng có cửa khẩu, đường giáp biên, có những phân chia bên này và bên kia... Thấy tôi ngẩn ngơ, Đại tá Lê Văn Việt, Chủ nhiệm Chính trị Sư 330 nháy mắt, chắc nhà văn “thi hứng chợt nồng” phải không? Rồi anh nửa đùa nửa thật bảo, bộ đội ở đây cũng lãng mạn và bay bổng lắm chứ chẳng thường đâu, nói không ngoa, về văn học nghệ thuật, lính Sư đoàn 330 chỉ thua kém mỗi Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) An Giang thôi. Tôi bán tín bán nghi và định bụng sẽ tìm hiểu thật kĩ Sư đoàn. “Tín” vì trong số các nhà văn Việt Nam mà tôi biết, ít ra cũng có hai người đã từng là lính của Sư đoàn, đó là nhà văn Lê Minh Nhựt hiện là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Cà Mau và nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. “Nghi” vì nghĩ bộ đội là thao trường bãi tập, lăn lê bò toài, ném lựu đạn, xung phong, là hai bốn trên hai bốn giờ trong chế độ kỉ luật nghiêm ngặt... thì thời giờ đâu để mà lãng mạn văn thơ, đọc sách nữa.
Đọc sách đêm
Đêm đầu tiên ở Sư 330 tôi không ngủ được, cứ trằn trọc mãi, hết quay bên này lại bên kia. Phần vì lạ nhà, phần vì hứng khởi (có cả chút thấp thỏm) khi khám phá miền đất mới. Bao câu hỏi cuốn lấy chẳng yên, tôi mở cửa phòng đi dạo như thói quen vẫn làm ở nhà.
Trong không gian mênh mông của những cây tràm bông vàng, keo, bạch đàn mọc ken dày lấy nhau, gió vùng biên xào xạc giấu những câu chuyện mà chỉ mình nó biết. Khi đi qua một đầu hồi nhà, chợt nghe có tiếng người, nhìn thấy cửa sổ sáng đèn, tôi rón rén lại gần và nhòm vào. Hóa ra, đó là phòng Hồ Chí Minh của đơn vị. Một người lính đang ngồi trên ghế, trước mặt là cuốn sách chắc vừa lấy từ trên giá. Có lẽ những câu thơ trong sách khiến anh xúc động dâng trào, không kìm được cảm xúc nên có những đoạn, người lính ấy đọc to lên thành tiếng. Tôi cố lắng tai và nhận ra, đó là bài thơ Trên đồi Ma Thiên Lãnh(1) của nhà thơ Nguyễn Thị Trà Giang. Hãy ngồi thêm một chút bạn ơi/ nhang sắp tàn, thắp thêm tuần nhang nữa/ đồi rộng quá, làn khói thì bé nhỏ/ giờ có đưa vào chỗ các anh nằm?/ tôi thẫn thờ trước khối đá lặng câm/ lấp cửa hang chôn các anh trong đó/ chôn nỗi khát khao, chôn niềm thương nhớ/ mười tám đôi mươi, trẻ quá cuộc đời/ mùa xuân chưa qua, mùa hạ đến rồi...
Tôi bước đi mà như thấy có bóng người phía trước cứ lúc xa, lúc gần. Giọng đọc thơ như vẫn nhấn nhá, thả buông. Ở miền biên viễn này, dù trong doanh trại quân đội, cảm giác vẫn có gì đấy xa ngái, khó nắm bắt.
Sang một dãy nhà khác, tôi bắt gặp một vài chiến sĩ trẻ đang rụt rè soi đèn pin đọc sách. Từng khoảng sáng vàng ửng ở giường dưới, giường trên khiến tôi nghĩ mình đang lạc vào một tổ ong mật khổng lồ. Chợt bật cười nghĩ nhiều năm trước nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng cũng cặm cụi thế kia, lật giở từng trang sách rồi ghi ghi chép chép những đoạn hay vào một cuốn sổ học trò kẻ ô li mà ngày nay thỉnh thoảng anh vẫn giở ra cho chúng tôi xem như là bảo vật. Nhớ cả lời nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi còn làm việc tại Hội VHNT Cà Mau đã nói về cộng tác viên đặc biệt Lê Minh Nhựt của mình: “Tôi vẫn nhớ cái mùi quan ải phập phồng trên những lá thư Nhựt gởi về Tạp chí Văn nghệ, dòng ghi địa chỉ trên thư đã gây một cảm giác phiêu bạt, giang hồ, khi Bạc Liêu, khi Chi Lăng, lúc thì Rạch Gốc…, những địa danh xa tít mù tắp như ở phía bìa trời…”.
Thư viện và người thủ thư
Sáng tôi dậy đến tìm thì những chiến sĩ trong căn phòng tối qua đã ra thao trường từ lúc nào. Tôi ngược lên thư viện, trung tá Đoàn Phước Lộc, nhân viên nhà văn hóa đang cặm cụi nhập số liệu cho lô sách mới. Thấy tôi, anh ngừng tay, quay ra mở cửa phòng cho gió lùa qua những kệ sách kê sát nhau nối dài từ đầu phòng đến cuối phòng. Trong mùi giấy mực nồng nã quen thuộc, anh hỏi tôi qua một đêm đã khám phá ra điều gì lạ ở Sư chưa? Tôi kể, anh chậm rãi bảo đọc sách ở Sư đã là chuyện thường như ăn cơm, uống nước. Các phong trào “Sách ở đầu giường”, “Sách có trong ba lô trên bước đường hành quân”, “Sách theo chân bộ đội ra thao trường”... đều nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Sách giờ vươn đến cả khu nhà khách, để lúc nghỉ ngơi, đợi chờ người thân chiến sĩ cũng có thể lấy đọc. Sách không sợ mất mà chỉ sợ phủ bụi nằm chết. Phòng chính trị cũng vừa tổ chức cuộc thi “Quyển sách tôi yêu”, thu được gần 7000 bài thi, chiếm hơn 90% quân số Sư đoàn. Các bài thi tập trung vào các đề tài lịch sử, tấm gương anh hùng, liệt sĩ, các tác phẩm văn học trong và ngoài nước… Đặc biệt với 100 bài viết đưa vào vòng chung khảo đều được viết với cảm nhận chân thật, giàu sức thuyết phục, đặt ra thử thách “chấm” với ban giám khảo.
Đấy là nói cuộc thi chung, còn riêng anh, vẫn cần mẫn làm công việc xây dựng tài liệu cho thư viện của Sư đoàn. Anh sắp xếp thời gian đi điền dã lấy cảm xúc, sau về đọc sách, viết, tự đóng, tự in những tập giới thiệu chung về văn hóa vùng đất, lấy tên chung là Hồn đất phương Nam để chiến sĩ có thể tham khảo. Tính đến giờ đã có hơn hai mươi tập ra đời, có thể kể tên như: Văn hóa trang phục của cư dân Óc eo - Phù Nam; Bàn về giả thuyết sụp đổ nhà nước Phù Nam; Sơ lược về Vương quốc Chân Lạp; Đờn ca tài tử Nam Bộ là gì?; Quê hương mấy nhịp cầu tre… Các tập này giới thiệu về văn hóa vùng đất giàu trầm tích của phương Nam cổ xưa, những nét trang phục đặc biệt, nét ẩm thực độc đáo, các di tích còn lại đến ngày nay…
- Vậy những tài liệu của anh có ai kiểm tra chất lượng không?
Tôi nửa thật, nửa đùa. Nhưng anh Lộc không coi đấy là đùa mà trả lời rất nghiêm túc:
- Có chứ, tài liệu này viết dựa trên việc tham khảo địa chí của tỉnh, những cuốn sách nghiên cứu của các nhà văn, nhà nghiên cứu như Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu, Nguyễn Quang Sáng, Trịnh Bửu Hoài, Võ Thành Phương… Sau khi làm xong thì mình mail lên phòng Khoa học lịch sử của tỉnh nhờ các anh trên ấy xem hộ chỗ nào được chỗ nào chưa rồi chỉnh sửa. Vài lần thì xong một tài liệu, để trên thư viện anh em nào cần thì tham khảo. Chứ nói thật lúc chưa làm những cái này nhiều anh em lên hỏi, ví dụ như nhà nước Phù Nam là nhà nước nào, ăn uống, may mặc của họ ra sao mình cũng bí. Nói một hai câu thì không hết được, chỗ nhớ chỗ quên, đầu lắp vào đuôi. Tài liệu thì có, nhưng vì là sách biên khảo, nghiên cứu, cái nào cũng mấy trăm trang. Anh em chiến sĩ chẳng có nhiều thời gian nên mình làm cái này cho tiện.
Tôi được biết, ngoài vốn hiểu biết khá về văn hóa cổ vùng đất, anh Lộc còn là người nắm vững lịch sử Sư 330 từ ngày đầu thành lập gắn với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam. Bên cạnh đó anh còn là “hướng dẫn viên” không chuyên, không lương về thảm sát Ba Chúc, nhân chứng hiện ai còn sống, địa chỉ, sức khỏe ra sao, các địa điểm mà Pol Pot đã tiến hành thảm sát dân ta nay thuộc khu nào, điểm nào. Anh kể, một bà mẹ ở đất Camphuchia sang nghĩa trang Dốc Bà Đắc để tìm người con nuôi đã cứu gia đình bà bên kia. Khi thấy tên anh, mộ anh, bà gục xuống khóc. Nhiều người lại hỏi bà có biết anh là ai không mà khóc thế? Bà ngẩng lên nhìn mọi người, xong lấy tay nhổ cỏ đám đất bên cạnh, xoa cho phẳng để gằn viết bốn chữ Bòn Chín Bòn Chín (anh Chiến anh Chiến) trên đất rắn…
Những câu chuyện ngoài sách vở
Một trong những người mà tôi gặp được là Thượng tá Nguyễn Danh Tuyền, Trợ lý chính sách Sư 330. Với mái tóc muối tiêu hơi rối chải ngược lên trước trán, ánh mắt nghiêm nghị luôn luôn chiếu thẳng, nếp nhăn chạy vòng quanh mặt, cộng thêm dáng người nhỏ bé, mới nhìn ai cũng nghĩ anh là một thầy giáo. Mà cũng đúng, mấy chục năm trước đây, khi đang là sinh viên khoa Sư phạm, chuẩn bị ra trường gõ đầu trẻ thì anh xếp lại tất cả giáo án, bút nghiên lên đường tòng quân làm nhiệm vụ quốc tế.
Đầu năm 1986 sau khi huấn luyện tân binh, anh được điều về Đại đội Thông tin 20, Trung đoàn 1, Sư 330, Quân khu 9, đang đóng quân tại Battambang, một tỉnh phía Tây bắc Campuchia, giáp biên giới Thái Lan có điều kiện địa lý khắc nghiệt, rừng sâu núi cao, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Đại đội Thông tin 20 ngoài việc bảo đảm thông tin liên lạc trong chiến đấu, còn làm nhiệm vụ giúp dân thành lập chính quyền, khám chữa bệnh, hướng dẫn trồng trọt, hỗ trợ lương thực… Anh bảo, mình nhớ nhất mùa hoa móng bò (hay còn gọi là hoa ban tím) cuối năm 1986 khi đơn vị trở lại Tà Sanh. Vì thương đồng đội bị thương, sốt rét mất máu, người bạn thân cùng đơn vị Huỳnh Văn Cảnh quyết định ra suối bắt cá, lấy hoa móng bò về nấu cháo cải thiện cho đồng đội. Hoa móng bò có vị chua, nấu thêm cùng con cá, chút gạo nữa, ăn vào rất nhanh lại sức, đỡ háo. Nhưng lúc này, địa bàn đơn vị đóng quân đã có nhiều thay đổi bởi sau nhiều trận chiến giằng co giữa ta và địch, sơ đồ gài mìn của ta đã bị địch gài lại. Biết là nguy hiểm, anh giành đi nhưng Huỳnh Văn Cảnh không cho. Trong hang mọi người dõi theo, đứng ngồi không yên. Khi vừa hút bóng thì một tiếng nổ lớn vang lên, mọi người chạy thấy anh Cảnh bị đất vùi kín, liền moi lên. Cũng may Cảnh chỉ bị thương, anh vừa sơ cứu cho bạn vừa khóc, nhỡ bạn có mệnh hệ gì thì… Sau lần bị thương ấy, anh Cảnh bị dính mìn hai lần nữa, tưởng tử thần đã buông tha nhưng không ngờ, trong một lần đi rừng, một loạt đạn của Pol pot đã cướp đi mạng sống của người đồng đội yêu quý ấy...
Giọng kể nghẹn dần lại, anh Tuyền bảo, chẳng muốn nhắc lại chuyện cũ vì nó làm anh đau đớn. Nhưng nhiều khi các em, các cháu chiến sĩ trẻ ham tìm hiểu lịch sử của Sư đoàn đến hỏi thì không đừng được. Bản thân anh, bốn rẻ xương sườn, một phần thùy trái phổi đã gửi lại mảnh đất Battambang xa xôi. Ra khỏi cuộc chiến, trở thành thương binh hạng 2/4, với quyết tâm “tàn nhưng không phế”, anh tiếp tục công tác tại Sư đoàn 330 với công việc chính là khảo sát cất nhà cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, giải quyết những tồn đọng chiến tranh để lại như hỗ trợ thông tin trong công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ... những năm qua anh đã giúp nhiều gia đình tìm thấy hài cốt người thân… Thế nhưng riêng anh thì lại chưa làm được cái điều canh cánh trong mình khi người bạn Huỳnh Văn Cảnh vẫn nằm ở đâu đó chưa về với đất mẹ quê hương. Anh bảo, tính về hưu sẽ đi một chuyến, may ra…
Câu chuyện của Thượng tá Phạm Văn Quynh, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra của Sư 330 về lần đi nối dây thông tin liên lạc trong chiến dịch mùa khô tại đất bạn Campuchia những năm 1989 lại là một góc khác trong chiến tranh. Anh kể: Lần đó được thông báo đường dây có sự cố, tôi cùng chiến sĩ trẻ tên Trợ chuẩn bị vũ khí, dây dự phòng lên đường ngay. Trợ mới được bổ sung về đơn vị, chưa đi nối dây thực tế bao giờ nên rất lo lắng. Hai người lội suối, băng rừng bám theo đường dây cho đến khi phát hiện một cây gỗ lớn bị pháo bắn phạt ngang ngã đè xuống đường dây. Tôi bảo, có khả năng là khúc này rồi quay ra hỏi kìm đâu, Trợ lúng búng: “Em vội quá không kiểm tra nên quên mang theo rồi anh ơi! Làm sao bây giờ?”. Suy nghĩ vài ba giây, giờ quay lại lấy kìm thì tốn thời gian lắm, nhiệm vụ lại đang gấp, tôi chợt cười vì đã nghĩ ra cách khắc phục còn nhanh hơn dùng kìm. Bước tới, chợt giật thót người vì dưới chân có cái gì đó mềm mà nhầy nhậy, tôi nhìn xuống ớn lạnh sống lưng bởi xác tên địch, kiến và nhặng bu đen, thấy động chúng ào ào bay lên lao cả vào người vào mặt. Tôi nghĩ chắc nó bò ra cắt dây bị dính đạn pháo chết nằm ngay chỗ dây đứt. Tôi trấn tĩnh lại và nói Trợ chú ý quan sát cảnh giới để tôi nối dây. Tôi lần theo chỗ dây bị cắt rồi bước tới cầm lấy đầu dây đứt đưa lên miệng cắn tuốt vỏ bọc, tay đang xoắn nối hai đầu dây lại với nhau thì bị giật. Theo phản xạ tự nhiên tôi kêu ái và reo lên thông rồi. Tiếp theo, tôi nối máy kiểm tra và nghe hai đầu dây đang làm việc. Trợ tiến lại gần hỏi: “Anh có làm sao không? Sao anh lại kêu đau và nói thông rồi. Chết, miệng anh chảy máu nữa kìa”. Tôi bảo không sao, và giải thích, lúc đang nối dây có người quay máy để liên lạc nên mới bị giật. Vì bị giật nên chắc chắn là đã thông liên lạc. Sau đó hai anh em lấp tạm cái xác bằng lá cây và đất.
Là kẻ thù, nhưng dẫu sao, cái xác ấy cũng là con người...
Tập tành sáng tác
Cuối giờ huấn luyện buổi chiều tôi trở lại căn phòng hồi đêm đã thấy những chiến sĩ trẻ nằm đọc sách trong màn. Trong phòng, người tranh thủ viết thư, ghi nhật ký, người đọc báo, đọc truyện. Người ôm đàn nghêu ngao chỉ là anh muốn ôm chặt em lúc này, giữ chặt em lúc này không buông tay. Một nhóm hai người đang làm báo tường với hình ảnh tờ báo là giao diện trẻ trung của Facebook. Có đầy đủ ảnh bìa, ảnh đại diện, danh sách bạn bè, thông tin cá nhân… Chỉ có điều tất cả đều được “lính hóa” với những nét vẽ tỉ mỉ, điêu luyện mà nếu ông chủ Facebook là Mark Zuckerberg nhìn vào cũng không khỏi bất ngờ.
Tôi vào hỏi chuyện đọc, viết, họ đẩy chàng trai trẻ Phạm Long Nhật, sinh năm 1998, Đại đội 1, Tiểu đoàn 18 thông tin trực thuộc Sư, quê Cà Mau lên phía trước, bảo tối qua mọi người đều tranh thủ chuyền đọc chương mới trong tiểu thuyết của cậu.
- Tiểu thuyết?
Tôi bất ngờ reo lên. Người lính nhỏ bé với giọng nói nhỏ nhẹ như con gái nói mình đang cùng lúc viết ba cuốn gồm Minh nam đế hậu (6 chương); Linh thiêng thế giới (28 chương); Tối cường hệ thống (12 chương). Tất cả các tiểu thuyết đều chưa hoàn chỉnh, trung bình mỗi chương thường từ 2500 - 3000 chữ. Cậu vừa nói vừa rút ra quyển Tối cường hệ thống cất kĩ trong đáy ba lô ở đầu giường ra lật đi lật lại.
- Em phải cất kĩ để tối nay còn tranh thủ viết tiếp chương mới. Hai quyển kia các bạn tiểu đội khác mượn rồi.
Cả ba quyển Nhật kể đều viết trên giấy ô li, nét chữ đều tăm tắp, điểm vào là những hình vẽ minh họa nhân vật hoặc binh khí. Truyện viết về tình yêu đôi lứa trong khung ảnh mộng mị, huyền ảo thần tiên yêu ma theo kiểu văn học ngôn tình bắt đầu rộ lên trên internet ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ XXI, nhưng được Việt hóa. Thay vì đẩy lên internet, Nhật chuyền cho bạn đọc là những người lính trong Sư đoàn. Khi đồng đội đọc xong mang trả, phản hồi và yêu cầu Nhật viết tiếp chương mới thì Nhật lại tiếp tục. Vì vậy, ba cuốn tiểu thuyết, có cuốn đã sang đến cuốn sổ ô li thứ hai mà Nhật vẫn chưa có ý định dừng lại. Cứ tranh thủ từng phút rảnh rang trong ngày viết để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, lại phục vụ một lượng độc giả của riêng mình. Khi được hỏi ra quân, Nhật có ý định theo nghiệp văn chương không, Nhật bảo trước mắt sẽ mua một cái máy tính để đánh lại tất cả những gì trong khi nhập ngũ đã viết để lưu giữ và sáng tác những tác phẩm mới, còn theo văn chương thì không chắc. Tôi tin, dù có làm việc gì thì văn chương, chữ nghĩa chẳng dễ bỏ Nhật đâu.
Viết là viết thế, xong việc đọc của Nhật đa dạng phong phú hơn. Ngoài truyện thần tiên, Nhật còn đọc truyện trinh thám, sách dạy kĩ năng sống, và đặc biệt là truyện ngắn. Cậu bảo cứ mỗi lần đi lấy báo về, nếu có Tạp chí Văn nghệ Quân đội là phải giấu ngay đề phòng có người thấy trước, cầm trước. Chứ nếu đọc tạp chí cũ nhiều khi “cáu” vì đang đọc hay thì đột ngột bị xé mất trang. Rồi Nhật hỏi tôi có biết truyện gì gần đây của Tạp chí có nhân vật chính là một người hóa thành con hổ. Cuối cùng cuộc đời của con hổ đó ra sao vì cái trang mất đúng vào trang kết truyện. Truyện ngắn mà Nhật nói đến ấy, là Người hổ của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Tôi kể cuối cùng con hổ ấy từ Đức tìm về Việt Nam, đến biên giới thì bị bẫy chết. Nghe xong Nhật có vẻ buồn: “Sao tác giả không để con hổ ấy hạnh phúc hả anh?”. Tôi chẳng thay mặt cho nhà văn Nguyễn Văn Thọ trả lời được. Cũng không biết nói sao cho Nhật hiểu…
Từ An Giang tôi sang Hà Tiên (Kiên Giang) gặp Đại úy Nguyễn Khánh Ly, quê Sóc Trăng, Trợ lý tuyên huấn Ban Chính trị Trung đoàn Bộ binh 20. Tôi biết Ly từ hồi đọc tản văn Màu thời gian trên tờ Văn hóa Quân sự.
“… Chiều nay, ta lại bất chợt bên hành lang ấy, khẽ chạm vỡ vào những ký ức xa xưa của một thời hoa nắng, thấy lòng mình nhẹ tênh sau những bộn bề và lo toan của cuộc sống. Ta lại bất chợt nhận ra màu tím ta yêu đang buông dần, phủ lấy cả không gian, như chiếm lấy cả lòng ta vào chiều cuối hạ. Thời gian chầm chậm như xích lại trong từng hơi thở, những câu chuyện trong lòng ta dường như đua nhau ùa về trong cái khoảng trống vô định mà ta dường như quên lãng. Màu đỏ của phượng đang tan loãng trong cái tím dần của hoàng hôn, như đốt cháy cả lòng ta những gì ấp ủ…”.
Nguyễn Khánh Ly yêu văn chương từ nhỏ nhưng không chọn nó là điểm đến cuộc đời bởi nó mông lung, mờ mịt, thêm nữa theo nó chắc gì có một công việc ổn định ở tương lai. Anh gác lại tất cả chọn đi lính, cuộc sống quân ngũ bận rộn có lúc làm anh xao lãng niềm đam mê thuở nhỏ. Nhưng những lúc nhàn rỗi đôi chút, hình ảnh miền quê nghèo Sóc Trăng lại hiện về. Nơi ấy mùa lũ đến anh theo anh trai đi cắm cá lóc, rồi lấy cá đó đem ra chợ bán. Nhớ những bông so đũa trắng mà anh vặt về cho má nấu canh chua. Nhớ những con vịt thả đồng mùa lũ bị dịch chết trắng trước nhà. Nhớ nhà đông con, đất ít, ba má anh phải đi đánh lá mía cho người giàu vậy mà vẫn cố cho con cái học hành đầy đủ. Nhớ… nhớ nhiều quá, thế là anh viết. Gia tài của anh giờ là số lượng kha khá tản văn. Nhưng anh chẳng mấy khi gửi đâu đăng tải, bởi đấy là anh viết cho bản thân mình, viết cho quê hương. Hàng năm, anh thường xin nghỉ phép vào dịp tháng tám về lại quê để hình dung bóng dáng người chị tháng tám nước ròng, mưa lớn năm nào dẫn anh đi móc cá bống theo bẹ dừa nước. “Có lần đi dưới mưa xách thùng theo chị cạnh mé nước của bờ sông, tôi hỏi “mấy đám lục bình trôi về đâu hả chị?”, chị như không nghe thấy cứ mải miết đưa cây móc bằng sắt vào bẹ dừa nước tìm cá bống để móc, bỏ hẳn câu hỏi của tôi chìm vào dòng sông lạnh ngắt theo những giọt mưa rồi tan vào dòng nước cuốn trôi đi. Tôi cũng không hỏi gì thêm, bởi lẽ có hỏi đi chăng nữa thì cũng chỉ nhận được tiếng trả lời của mưa rơi đều trên dòng nước”. Hình dung bóng dáng cha ngày xưa vẫn đưa anh ra bến, lên đò cùng hai trăm đồng và đứng nhìn theo con sang bờ bên kia. Dù thời gian thoảng qua, giờ tất cả đã cũ, chị theo chồng, đám bạn mưu sinh đất Sài thành chẳng mấy dịp về quê...
- Giờ Ly ước gì?
Ly loay hoay trong phòng thu chật hẹp với máy tính, mic, giấy tờ lấy chỗ cho tôi ngồi, Ly cười bảo, chỉ ước ngày của Ly có bốn tám, năm mươi tiếng để có thể đọc và viết thêm những gì của riêng mình, sẽ dành cho văn chương một góc nhiều hơn trong đời sống quân ngũ... Hóa ra giờ ngoài công việc trợ lý, Nguyễn Khánh Ly còn đảm nhiệm thêm công việc của Đài truyền thanh nội bộ Trung đoàn. Anh kể, Đài truyền thanh có nhiều mục nhưng mục được đón chờ nhất là tâm sự, sáng tác của chiến sĩ. Rất nhiều chiến sĩ gửi thư tâm sự về gia đình ở quê, nhớ bố mẹ, nhớ anh em. “Nan giải” hơn là nhiều ca tâm sự đi lính được vài tháng thì người yêu ở nhà bỏ đi yêu người khác. “Nghiêm trọng” hơn nữa là gửi thiệp mời về ăn cưới. Đọc xong Ly lại viết những bài ngắn tâm sự để các em yên tâm làm nhiệm vụ.
Phần nữa, Ly gặp được ở các bài vở gửi lên niềm an ủi gặp được những tâm hồn đồng điệu yêu văn chương, nhất là thơ. Dù nhiều bài thơ chiến sĩ gửi lên chẳng ghi tên ai, nhưng chúng vẫn được lựa chọn phát. Trong hàng nghìn đôi tai đón chờ hôm đó, có một đôi tai nghe những gì mình viết, được âm thầm quan sát cảm xúc của bạn cùng đơn vị. Như bài Chờ con: Con đi chẳng hẹn ngày về/ Mẹ cha chẳng quản công nghề chờ mong/ Đêm ngày luống những đợi trông/ Cầu cho con trẻ yên lòng tòng quân/ Đông về gió rét bâng khuâng/ Đường xa có mệt? Đoàn quân mỏi mòn/ Cầu trời còn nước còn non/ Thì còn cha mẹ đợi con trở về. Hay bài Lỡ: Em nghĩ sao mà yêu người lính trẻ/ Một con người vì nước đã ra đi/ Những gian lao chưa lần nào bày tỏ/ Lỡ mai này anh ngã xuống thì sao?”. Cái thật, cái mộc mạc làm nên chất riêng của thơ lính Sư đoàn 330.
Tôi tiếc thời gian mình lưu lại Sư 330 thật ngắn, vẫn chưa đi được hết các đơn vị, gặp thêm những người lính trong Sư. Bởi nếu đi, gặp được nhiều hơn thì chính đời sống của tôi cũng sẽ được bồi đắp đầy đặn thêm. Tôi nhận ra, bộ đội của Sư đoàn 330 có gì đó khác bộ đội những nơi khác. Nhưng hỏi khác cụ thể thế nào thì chịu, chẳng cắt nghĩa rõ ràng được. Cũng như lá giang kia, khi mọc ở đất này thì lá dày, vị chua nhiều, khi đem sang đất khác thì lá mỏng, vị chua đặc trưng mất đi phần nào. Hay như loài cá linh kia mỗi mùa nước nổi lại theo dòng Mê Kông từ bên Campuchia đổ về. Loài cá không thể nuôi, là ân huệ của trời. Loài cá của xứ sở kì diệu mà bao nhà văn như Nguyễn Văn Hầu, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thê Hy, Đoàn Giỏi, Nguyễn Ngọc Tư… đã xây dựng nên qua hàng vạn trang bản thảo.
Tại sao loài cá ấy chỉ có ở miền Tây?
Tôi không trả lời được. Cũng như lính Sư đoàn 330, khác biệt, bén yêu đấy mà chẳng rõ do đâu. Khi trót đến, đi về rồi mà trong lòng lúc nào cũng ngấp ngổm muốn quay lại, tìm về những con chữ gieo nơi bìa trời.
Ghi chú:
1. Ma Thiên Lãnh là một ngọn đồi thuộc khu căn cứ Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Năm 1969 một trận bom của giặc đã làm sụp khối đá lấp cửa hang chôn sống trong đó bảy chiến sĩ của ta.
 Đinh Phương
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Lũ lụt: Nhìn từ tục ngữ, ca dao và thơ Việt

Lũ lụt: Nhìn từ tục ngữ, 
ca dao và thơ Việt
Nói về những tai họa do thiên nhiên mang đến, người Việt thường bị ám ảnh bởi hai yếu tố thủy và hỏa, được hiện thực hóa qua thành ngữ thủy hỏa đạo tặc. Nước lớn tạo nên sức tàn phá khủng khiếp, không loại trừ bất cứ một quốc gia, dân tộc nào. Thậm chí, cả loài người từng hứng chịu một trận đại hồng thủy như huyền tích mà Kinh Thánh kể lại, sau này tiếp tục được khoa học hiện đại chứng minh là có thật. Bài viết này, vì thế, thử bàn về lũ lụt ở trong thơ người Việt, đưa ra một bức tranh toàn cảnh về tai họa do nước mang lại được miêu tả trong thi ca, theo một hành trình từ tục ngữ, ca dao đến văn chương bác học.
1. Trong tục ngữ, ca dao, ông cha ta đã đúc kết những kinh nghiệm quan sát các hiện tượng tự nhiên để đưa ra những dự báo về lũ lụt, mưa bão: Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão; Tháng bảy kiến đàn, đại hàn hồng thủy. Như vậy, tháng bảy âm lịch được xem là tháng có khả năng xảy ra mưa bão nhiều. Nhưng ở xứ ta, mưa bão có lẽ không chỉ đến vào tháng bảy mà còn có thể rải rác và kéo dài đến tận tháng mười. Một số câu ca khác đã chứng tỏ điều này: Ông tha mà bà chẳng tha/ Vẫn còn lũ lụt mùng ba tháng mười; Tháng sáu nam dòn/ Tháng bảy mưa bãi/ Tháng tám mưa giông/ Tháng chín mưa ròng/ Tháng mười lụt lớn…
Thời trung đại, thế kỷ XV, tác giả Nguyễn Húc dưới triều vua Lê Thái Tổ (1429) đã ghi lại trận lũ hung hãn vào mùa thu ở phủ Triệu Phong: Gió thu nổi trận ào ào/ Phập phồng mái lá, rào rào mặt sông/ Trận mưa ập xuống hãi hùng/ Tràn khe ngập suối mịt mùng trời mây. Từ thế kỷ XVI đến thế kỉ XVIII ít thấy lũ lụt được miêu tả trong thơ. Nhưng cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX thì lũ lụt tiếp tục trở lại với mật độ khá dày đặc. Nguyễn Khuyến là một trong những nhà thơ miêu tả lũ lụt trong thơ nhiều hơn cả ở giai đoạn này: Tỵ trước Tỵ này chục lẻ ba/ Thuận dòng nước cũ lại bao la/ Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách/ Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà/ Bắc bậc người còn chờ Chúa đến/ Đóng bè ta phải rước Vua ra/ Sửa sang việc nước cho yên ổn/ Trời đã sinh ra ắt có ta (bài Vịnh nước lụt). Hai năm Tỵ mà tác giả nhắc đến là năm Quý Tỵ (1893) và Ất Tỵ (1905), cách nhau 12 - 13 năm, vùng Nam Hà đều lũ lụt lớn do vỡ đê sông Hồng, mùa màng mất mát, nhiều người chết đói. Tuy thế, trong bài thơ trên, giọng điệu tác giả vẫn còn khá bình tĩnh tự tin, nghĩ rằng có thể vượt qua được cũng như khẳng định trách nhiệm và bổn phận của mình. Nhưng đến bài Nước lụt Hà Nam thì giọng điệu đã chuyển thành ai oán, buồn thương, xót xa cho cuộc sống của nhân dân: Quai Mễ Thanh Liêm đã lở rồi/ Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi/ Gạo dăm ba bát cơ còn kém/ Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi/ Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng/ Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi/ Đi đâu cũng thấy người ta nói/ Mười chín năm nay lại cát bồi. Trong cơn hoạn nạn, nhà thơ viết những lời ân tình hỏi thăm bè bạn: Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu/ Lụt lội năm nay bác ở đâu/ Mấy ổ lợn con rày lớn bé/ Vài gian nếp cái ngập nông sâu (bài Nước lụt hỏi thăm bạn).   

Một số nhà nho khác trong giai đoạn này như Nguyễn Sĩ Giác, Lê Trung Đình, Ngô Đức Kế cũng có những miêu tả sống động về lũ lụt, thể hiện tấm lòng thương cảm với cuộc sống lầm than của muôn dân, mong sao vận hạn sẽ qua mau, những hoàn cảnh khó khăn sẽ được giúp đỡ: Đê vỡ nhà trôi nước ngập sâu/ Thôn quê khôn xiết nỗi cơ cầu/ Mùa không, đồng trắng pha màu nước/ Năm đói, người xanh rõ sắc rau/ Một mẫu vườn hoang cây đổ kín/ Bốn bề mưa lạnh dế kêu sầu/ Những thương khắp tỉnh trung châu lụt/ Ai biết Thần Châu ngập đã lâu! (Cảnh lũ lụt năm Ất Mão ở Bắc Hà - Nguyễn Sĩ Giác); Mưa từng chặng nước từng hồi/ Bốn mặt non sông nước phủ rồi/ Lũ kiến bất tài tha trứng chạy/ Đám rêu vô dụng kết bè trôi/ Lửng lơ rừng thẳm không chim đậu/ Ngất ngưởng lầu tây có chó ngồi/ Nỡ để dân đen vùi máu đỏ/ Nào ông Hạ Võ ở đâu ôi (Nước lụt - Lê Trung Đình);Này những ai, này những ai/ Ai có nghe rằng việc thủy tai/ Tỉnh Bắc, tỉnh Đông, cùng tỉnh Thái/ Ruộng ngập, nhà chìm, thây chết trôi (Ngô Đức Kế). Sau Ngô Đức Kế, Tản Đà thi sĩ cũng buông những lời mong mỏi, van cầu: Hỡi ai ai! Là những người/ Ông ở trong nước, bà ở ngoài nước/ Có nhiều cho nhiều, ít cho ít/ Cứu kẻ bần dân lúc thủy tai.
2. Trong thời kỳ Thơ mới (1932 - 1945), mưa lũ có in dấu ít nhiều trong thơ của thi sĩ chân quê Nguyễn Bính. Mở đầu bài thơ Định mệnh, ông viết: Mưa ba hôm ngập thị thành/ Khóc ba hôm cả lòng anh ngập rồi. Từ mưa lớn của thiên nhiên đã chuyển sang mưa lũ của tâm hồn, của lòng người. Cũng tương tự như cảm giác trên là tâm trạng thi sĩ trong một bài thơ khác, chữ lụt xuất hiện nhưng không diễn tả về nước mà về sương và lá - cảm giác lũ lụt trong một tâm hồn bơ vơ, cô đơn và hoang mang: Tôi tưởng rồi tôi quên được người/ Nhưng mà thảm lắm! Tú Uyên ơi!/ Tôi vào sâu quá! Vào xa quá!/ Đường lụt sương mờ lụt lá rơi… (bài Diệu vợi). Sau 1975, một thi sĩ lục bát đậm chất đồng quê khác là Đồng Đức Bốn cũng tả về lũ lụt trong thơ qua sự kiện vỡ đê.
Khác với những người đi trước, Đồng Đức Bốn chuyển sự quan tâm từ cuộc sống hiện thực sang cuộc sống tâm linh, đau đáu về mộ phần của những người đã khuất trong cơn mưa bão, cụ thể là phần mộ của chính cha mình: Ối mẹ ơi vỡ đê rồi…/ Đồng ta trắng xóa cả trời nước trong/ Trâu bò thất thểu long đong/ Trên bè tre rối bòng bong xoong nồi/ Ối mẹ ơi vỡ đê rồi/ Mộ cha liệu có lên trời được không/ Sao chưa thấy chiếc thuyền rồng/ Chở con với mẹ qua giông bão này (bài Vỡ đê). Bài thơ in dấu sự kiện lũ lụt năm 1986, khi hàng loạt các tỉnh miền Bắc bị vỡ đê như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng…, nhiều tỉnh miền núi và trung du thiệt hại nặng nề như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu, Quảng Ninh, Phú Thọ… Cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng với hàng chục ngàn hecta lúa và hoa màu bị mất trắng. Lũ lụt đã làm 121 người chết, 491 ngôi nhà bị cuốn trôi, 12.571 ngôi nhà bị ngập. Trận lũ lịch sử này cũng đi vào một tiểu thuyết nổi tiếng là Thời xa vắng của Lê Lựu, tác phẩm gây tiếng vang lớn đương thời, được chuyển thể thành phim năm 2003 và đoạt giải Cánh diều bạc năm 2004.
3. Tôi muốn dành một phần riêng để viết về sự chuyển di lũ lụt từ tác phẩm văn xuôi sang thơ trong một trường hợp đặc biệt của văn học Việt Nam. Truyền thuyết nổi tiếng Sơn Tinh - Thủy Tinh vốn có tự lâu đời, phản ánh sự chống chọi và chiến thắng thiên tai lũ lụt của người Việt, đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy nhiều năm qua và hiện là một tác phẩm nằm trong chương trình Ngữ văn 6, tập 1. Phần tả về Thủy Tinh gây lũ lụt gói gọn trong khoảng năm câu: Thần hô mưa gọi gió, làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh. Nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước... Từ câu chuyện thần thoại này, đã có tới hai thi phẩm nổi tiếng cùng nhan đề được viết nên bởi hai thi sĩ tài danh trong lịch sử thi ca Việt Nam, cách nhau bốn mươi mốt năm. Đó là Sơn Tinh Thủy Tinh trong tập Ngày xưa (1935) của Nguyễn Nhược Pháp và Sơn Tinh Thủy Tinh (1976) của Huy Cận. Sơn Tinh Thủy Tinh của Nguyễn Nhược Pháp cũng chính là bài thơ mở đầu tập Ngày xưa, gồm 165 câu thất ngôn. Cảnh tượng mưa lũ xuất hiện hai lần trong tác phẩm, lần thứ nhất là khi Thủy Tinh làm phép thuật mang tính chất trình diễn, khoe tài trước mặt Hùng Vương và Mỵ Nương: Thủy Tinh khoe thần có phép lạ/ Dứt lời, tay hất chòm râu xanh/ Bắt quyết hò mây to nước cả/ Dặm chân rung khắp làng gần quanh/ Ào ào mưa đổ xuống như thác/ Cây xiêu, cầu gẫy nước hò reo/ Lăn, cuốn, gầm, lay, tung sóng bạc/ Bò, lợn và cột nhà trôi theo.
Lần thứ hai là cuộc chiến thực sự để đòi cướp lại Mỵ Nương: Sóng cả gầm reo lăn như chớp/ Thủy Tinh cưỡi lưng rồng hung hăng/ Cá voi quác mồm to muốn đớp/ Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng/ Càng cua lởm chởm giơ như mác/ Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao […] Thủy Tinh năm năm dâng nước bể/ Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương/ Trần gian đâu có người dai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường.
Sơn Tinh Thủy Tinh của Huy Cận cũng là một bài thơ dài viết theo thể thất ngôn, gồm 151 câu. Khác với Nguyễn Nhược Pháp, cuộc đối đầu giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh được Huy Cận miêu tả kĩ lưỡng, dữ dội và quyết liệt hơn qua nhiều dòng thơ. Thủy Tinh chậm chân gào uất hận/ Cưỡi sóng thần hô nước dâng cao/ Thúc thủy quái cá kình cá sấu/ Đuổi Sơn Tinh vừa vượt qua đèo [...] Thuỷ Tinh được thể vung gươm sáng/ Chỉ núi Tản Viên hò kéo mau/ Cả bọn thuồng luồng và rắn rết/ Phun độc vào trong nước đỏ ngàu/ Nước dềnh vênh bao vây núi Tản/ Lưng núi nay còn vỏ hến hàu… Tương ứng với hai đoạn miêu tả Thủy Tinh dùng phép thuật là hai đoạn miêu tả Sơn Tinh oai dũng hiên ngang đánh bại Thủy Tinh cùng tất cả các loài yêu quái thủy tộc. Sơn Tinh giữa phong ba bão táp/ Vươn mình lên cao lớn dị thường/ Đầu gần chạm mái trời bóng rợp/ Lan dài xa trên mấy cánh đồng/ Đứng sừng sững trên đầu núi Tản/ Mắt thâu nhìn biển rộng mênh mông/ Sơn Tinh thúc tù và hối hả/ Khắp ngả rừng hổ trắng nai vàng/ Theo voi xám kéo rừng từng mảng/ Về hộ đê chặn đứng nước tràn/ Nghe tù và nhiều cây cổ thụ/ Tự nhổ lên đi tới đê ngăn/ Voi cùng dân nhổ cây bẩy đá/ Ném xuống sông cá sấu thuồng luồng/ Cùng bạch tuộc chết trôi như rạ/ Máu đỏ loang khắp cả một vùng...
Cuộc chiến Sơn Tinh - Thủy Tinh kết thúc, trả lại vẻ đẹp bình yên muôn thuở cho Tản Viên, cho Phong Châu. Dĩ nhiên Thủy Tinh chưa quên thù cũ, hàng năm vẫn dâng nước nhưng không bao giờ giành được phần thắng. Có thể thấy rõ tư tưởng của nhân dân ta qua câu chuyện: một cuộc chiến đấu bất tận chống lại thiên tai địch họa, cuộc sống của muôn dân có thể ít nhiều bị ảnh hưởng, bị tàn phá song sức sống mãnh liệt, ngoan cường của người Việt luôn là điều có thật, sẽ vượt lên để chiến thắng những khắc nghiệt của tự nhiên. Đó cũng là ý chí, nghị lực và niềm lạc quan vô bờ mà cha ông ta gửi gắm qua thiên truyện này: Bão lụt dứt trời quang mây tạnh/ Núi Tản Viên như ngọc xây thành/ Sông lạch chảy như thêu chỉ gấm/ Trên cánh đồng lúa mượt màu xanh... (Sơn Tinh Thủy Tinh - Huy Cận).

 Đỗ Anh Vũ
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Một con người thích con người

Một con người thích con người
Giải Nobel văn học năm 1988 trao cho Naguib Mahfouz là giải Nobel văn học đầu tiên được trao cho một người Ai Cập. Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển ca ngợi ông là “người, mà qua những tác phẩm giàu sắc thái - vừa mang tính hiện thực rõ ràng, vừa mang tính mơ hồ một cách khích động - đã hình thành một nghệ thuật kể chuyện Ả Rập cũng là chung cho cả nhân loại” và “là người thu hút sự chú ý của cả thế giới với những miêu tả của ông về cuộc sống ở thành phố Cairo cũ”.
Naguib Mahfouz sinh năm 1911 trong một gia đình người Hồi giáo Ai Cập trung lưu lớp dưới ở Cairo cũ. Ông là người con thứ bảy và là con út trong gia đình. Bố ông, Abdel-Aziz Ibrahim, người mà Mahfouz miêu tả là “cổ hủ”, là một cán bộ công chức. Mẹ Mahfouz, Fatimah, là con gái của một tù trưởng, và mặc dù mù chữ, bà đã đưa cậu bé Mahfouz đi tham quan nhiều lần tại các địa điểm văn hóa như Bảo tàng Ai Cập và các kim tự tháp. Gia đình Mahfouz tôn sùng Hồi giáo và Mahfouz đã lớn lên với một nền giáo dục Hồi giáo nghiêm khắc. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông đã mô tả kĩ lưỡng bầu không khí tôn giáo nghiêm ngặt trong gia đình khi ông còn nhỏ. Ông nói: “Bạn sẽ không bao giờ có thể nghĩ rằng một nghệ sĩ sẽ xuất hiện từ gia đình đó”.
Cuộc Cách mạng Ai Cập năm 1919 có ảnh hưởng lớn tới Mahfouz, mặc dù tại thời điểm đó ông mới lên bảy. Từ cửa sổ ông thường nhìn thấy binh lính Anh bắn vào những đoàn biểu tình, bất kể nam nữ. “Một chuyện làm chấn động tuổi thơ an bình của tôi nhất chính là cách mạng năm 1919”, sau này ông kể. Từ những năm đầu đời, Mahfouz đã đọc rất nhiều và bị ảnh hưởng bởi Hafiz Najib, Taha Hussein và Salama Moussa, nhà trí thức thuộc Hội Fabian (một tổ chức phấn đấu cho mục đích cải cách bằng dân chủ hóa xã hội).

Sau khi tốt nghiệp trung học, Mahfouz được nhận vào Đại học Ai Cập (nay là Đại học Cairo) vào năm 1930, nơi ông học triết học, và tốt nghiệp vào năm 1934. Năm 1936, sau khi dành một năm lấy bằng thạc sĩ triết, ông quyết định sẽ ngừng việc học và trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Mahfouz gia nhập đội ngũ công chức, làm việc ở nhiều vị trí, nhiều bộ ngành cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1971. Trong những năm 1950, ông làm Giám đốc kiểm duyệt tại Cục Nghệ thuật, làm Giám đốc Quỹ hỗ trợ điện ảnh, và cuối cùng làm một cố vấn tại Bộ Văn hóa.
Mahfouz vẫn độc thân cho tới bốn mươi ba tuổi vì ông tin rằng với vô số các giới hạn và hạn chế, hôn nhân sẽ cản trở tương lai văn học của ông. “Tôi sợ hôn nhân… đặc biệt khi tôi thấy các anh chị tôi quá bận rộn với những sự kiện xã hội vì quan hệ gia đình. Người này tới thăm người kia, người kia mời người này. Tôi có cảm giác cuộc sống hôn nhân sẽ chiếm hết thời gian của tôi. Tôi thấy mình bị chết chìm trong những cuộc hẹn gặp và các bữa tiệc. Không có tự do”. Khi nghỉ hưu ông đã tham gia một nhóm các nhà văn nổi tiếng, trong đó có nhà soạn kịch Tawfik al-Hakim, ở tờ báo Al-Ahram nổi tiếng nhất Ai Cập. Từ đó trở đi các tiểu thuyết của ông đều được đăng nhiều kì trên báo trước khi xuất bản thành sách. Buộc phải kiếm sống bằng việc làm công chức, Mahfouz tự xây dựng những kỉ luật cần thiết để sắp xếp thời gian nên ông có thể đọc rộng và viết được nhiều tập truyện.
Năm 1954, ông cưới một phụ nữ người Copt ở Alexandria, Atiyyatallah Ibrahim. Họ có hai con gái. Cặp đôi ban đầu sống trên một nhà thuyền ở khu Agouza, Cairo, trên bờ tây sông Nile, sau đó chuyển tới một căn hộ dọc bờ sông ở cùng khu vực. Mahfouz tránh những tiếp xúc công chúng, đặc biệt tránh những câu hỏi về cuộc sống riêng của ông, mà đã trở thành, như ông nói “một chủ đề ngốc nghếch cho báo và chương trình radio”. Đến những năm 1980, Mahfouz tăng thu nhập bằng cách viết kịch bản phim, nhưng dù đã viết chuyển thể cho hơn ba mươi tiểu thuyết, ông từ chối cho chuyển thể các tiểu thuyết của mình.
Ông viết hơn ba mươi tiểu thuyết. Ba cuốn tiểu thuyết đầu có bối cảnh thời Pharaoh, cuốn đầu tiên có tên Lời nguyền của thần Mặt Trời (1939). Sau đó đến tiểu thuyết Hẻm Midaq (1947) mô tả sống động thú vị về tuổi trẻ của ông. Năm 1956, Giữa hai cung điện - cuốn đầu trong bộ ba tiểu thuyết về Cairo ra mắt, và một năm sau đó là hai tập còn lại, Cung Khát khao và Phố Đường. Với dung lượng đồ sộ khoảng 1500 trang, bộ ba tiểu thuyết kể về ba thế hệ gia đình Abd al-Jawad trong khoảng thời gian từ 1917 đến trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Trong khoảng thời gian này, Ai Cập vật lộn để giành độc lập từ tay đế quốc Anh. Bộ ba tiểu thuyết miêu tả tỉ mỉ đến từng chi tiết cuộc sống hàng ngày của một gia đình trung lưu Ai Cập, một lối sống đã biến mất dưới ảnh hưởng phương Tây và áp lực của cuộc sống hiện đại. Chính trị tại thời điểm đó xen vào cuộc sống của nhiều nhân vật. Những thành viên trong gia đình nhân vật chính đại diện cho những xu hướng của cuộc sống chính trị của đất nước. Thành công trong việc tái hiện đời sống Ả Rập phong phú, đa dạng, bộ ba tiểu thuyết nhanh chóng trở thành một cuốn best-seller trong thế giới Ả Rập, được dựng thành phim và được đón nhận ở nước ngoài. Ở Mỹ, bộ ba tiểu thuyết đã bán được hơn 250.000 bản.
Sau cuộc cách mạng của Gamal Abdul Nasser năm 1952, Mahfouz tỉnh ngộ bởi cuộc cách mạng và kỉ nguyên đàn áp của nó. Không thể chỉ trích nó, ông giữ im lặng. Và năm 1957 ông bắt đầu viếtNhững đứa con của Gebelawi. Đây là một truyện có tính ngụ ngôn mà Chúa xuất hiện dưới hình ảnh nhân vật Gebelawi; Adam là “Adham”; nhiều nhân vật khác đại diện cho chúa Jesus và nhà tiên tri Muhammad. Cuốn tiểu thuyết này đã gây tranh cãi giữa tác giả và những người cầm quyền tôn giáo của Ai Cập. Sau khi được đăng dài kì trên báo, cuốn tiểu thuyết bị từ chối xuất bản thành sách. Sau đó nó ra mắt ở Beirut và cho đến ngày nay ở Ai Cập nó vẫn thuộc loại “quý hiếm và bí mật”. Nhiều năm sau, ở Ai Cập một lần nữa lại dấy lên tranh cãi xung quanh cuốn tiểu thuyết này và xuất hiện nhiều lời đe dọa giết Mahfouz. Mahfouz nhận được sự bảo vệ của cảnh sát, nhưng vào năm 1994 một thành phần Hồi giáo cực đoan đã tấn công nhà văn tám mươi hai tuổi, đâm vào cổ ông ngay ngoài căn nhà của ông ở Cairo. Ông sống sót, nhưng vĩnh viễn bị ảnh hưởng bởi chấn thương thần kinh ở cánh tay phải. Sau sự cố đó Mahfouz không có khả năng viết nhiều hơn vài phút mỗi ngày và hậu quả là ông cho ra đời ngày càng ít tác phẩm. Sau đó, ông sống với sự bảo vệ của cận vệ. Vào đầu năm 2006, cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản ở Ai Cập. Sau những đe dọa, Mahfouz sống ở Cairo với luật sư của ông cho đến khi ông qua đời.
Các tác phẩm của Mahfouz được đọc rộng rãi ở phương Tây. Ông đặc biệt ngưỡng mộ Flaubert, Stendhal và Proust. Có thể thấy cách ông mượn các kỹ thuật viết từ phương Tây trong tiểu thuyếtMiramar (1967). Ở tác phẩm này, ông liên kết câu chuyện về một số nhân vật sống cùng phòng ở thành phố giáp biển Alexandria, kể lại cùng những biến cố từ góc nhìn của bốn nhân vật khác nhau.
Xuất bản năm 1979 và sau đó có bản tiếng Anh vào 1995, Ngày và đêm Ả Rập là một tiểu thuyết dạng chương hồi mà Mahfouz ưa thích. Trong đó ông chọn những câu chuyện cổ điển của Nghìn lẻ một đêm và biến tấu chúng thành những câu chuyện với những chủ đề luôn làm ông suy nghĩ: cái tốt và cái xấu, trách nhiệm xã hội của con người, và, tăng dần theo thời gian, cái chết. Cuốn tiểu thuyết được đặt trong không khí những đêm Ả Rập, nhưng nhiều sự kiện liên quan tới những vấn đề hiện tại của Ai Cập: sự thối nát của chính quyền, công bằng xã hội và sự nổi lên của phong trào chủ nghĩa chính thống tôn giáo.
Cuốn Miramar xuất hiện khó nhọc khi Israel chiến thắng cuộc “chiến tranh Sáu ngày”, năm 1967, một thất bại ngoài dự đoán làm chao đảo thế giới Ả Rập. Mahfouz đã phản ứng bằng việc bỏ viết tiểu thuyết trong năm năm. Trong giai đoạn này Mahfouz viết và xuất bản thêm mười bốn truyện ngắn, thường là những mẩu truyện đen tối hợp với tâm trạng của ông. Một trong số các tập truyện ngắn của ông có bản tiếng Anh là tuyển tập Thời đại và cung điện (1992). Tác phẩm được xuất bản cuối cùng là tập truyện ngắn Thiên đường thứ bảy (2005) nói về thế giới sau khi chết. Ông muốn, ông quan sát, để tin rằng sẽ có điều gì đó tốt đẹp xảy ra với ông sau khi chết.
Mahfouz cũng đã góp công lớn trong việc chỉnh sửa văn học Ả Rập bằng cách phát triển qua nhiều năm một dạng ngôn ngữ, trong đó nhiều cổ ngữ và những câu sáo một thời từng bị loại bỏ, tạo thành một ngôn ngữ có thể phục vụ như một công cụ thích hợp cho tiểu thuyết.
Kể từ giải Nobel, ông vẫn tiếp tục sống trong căn hộ khiêm tốn của mình ở quận trung lưu của Agouza với vợ và hai con gái và không thay đổi gì trong thói quen hàng ngày của mình. Ông sống như vậy cho tới ngày mất, một ông già yếu đuối không thể nhìn và nghe, một người khiêm tốn với nụ cười luôn trên môi và khiếu hài hước nổi tiếng của Ai Cập.
John Ezard viết: “Năm 1990, khi mà cơ thể ông đã kiệt quệ, nửa mù nhưng vẫn vui vẻ ở tuổi bảy chín, tôi phỏng vấn Naguib Mahfouz trong quán café Ali Baba nhìn ra quảng trường Tahrir trung tâm Cairo, nơi mà ông đã ăn sáng trong bốn mươi năm và đã chứng kiến sự thay đổi của nơi đây từ vùng đất bên sông Nile dành riêng cho người giàu có thành một mớ hỗn loạn ma quái. “Quảng trường này đã trải qua nhiều thứ”, ông nói. “Nó đã từng yên tĩnh hơn. Giờ nhìn nó thật lộn xộn nhưng tiến bộ hơn, tốt hơn cho người thường - và vì vậy cũng tốt hơn cho tôi, một người thích con người”.
Naguib Mahfouz mất vào ngày 30/8/2006.
 Hữu Quỳnh
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Người thức qua cuộc đời nhìn tình yêu

Người thức qua cuộc đời nhìn tình yêu
Thị trấn Xuân Hòa - Vĩnh Phúc hơn hai mươi năm trước…
Tối mịt, sau khi ăn uống quấy quá cho xong tại quán cơm bình dân, tôi và Trần Hòa Bình đang định quay lên căn phòng tập thể của Bình ở Đại học Sư phạm Hà Nội 2, thì Bình bảo: “Tôi với ông dạo quanh thị trấn đi?”.
Hồi ấy, chỉ cần ra khỏi khu vực của ngôi trường này là khung cảnh vắng ngắt, ao chuôm đầm lầy ngổn ngang. Chúng tôi lang thang trong đêm vắng. Chỉ có tiếng côn trùng, ếch nhái hân hoan chào đón những bước chân lãng du…
Thỉnh thoảng, tôi lại phóng xe lên Xuân Hòa với anh, những hôm anh có giờ dạy ở trường. Quang cảnh tịch mịch của thị trấn nghèo không xa lạ với chúng tôi. Nhưng lần nào chúng tôi cũng đều tìm thấy thêm một điều gì đó thi vị, thân thương đối với hai kẻ cô đơn, hạnh phúc gia đình trắc trở… Đi mãi lên phía hồ Đại Lải, một cơn giông bất chợt ào xuống, chúng tôi chạy vội trú chân trong một quán lá sơ sài ven đường. Hai đứa rét run, im lặng nhìn mưa đêm, âm thầm theo đuổi những nỗi niềm run rẩy mơ hồ của cõi đời phù du…
Hơn tiếng sau, mưa ngớt, chúng tôi lóp ngóp trở về phòng tập thể của Bình. Quá nửa đêm, khi tôi đang gật gà ngủ ngồi bên một cuốn sách, thì Trần Hòa Bình lay tôi dậy. Anh đã đặt sẵn chai rượu trắng nút lá trên sàn đá hoa. “Ngủ làm gì ông, phí của giời!”. Anh với tay lên bàn cầm một tờ giấy có những dòng viết vội. “Làm tí rượu nhạt cho tỉnh, rồi tôi đọc ông nghe. Tôi vừa viết xong đấy”.
Bình đã đọc cho tôi nghe bài thơ đó, bằng cái giọng sang sảng của một giảng viên văn khoa và đượm nghẹn ngào của một thi sĩ đa cảm mà sự mộng mị đắm đuối đầy những linh cảm bất trắc được khung cảnh vắng lặng nhòe mưa của thị trấn buồn phụ hoạ thêm…
Mai em về nhà chồng
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Cớ sao cơn mưa xứ đồi lại đến cùng anh
Đêm thương buồn giữa hạ?
Chỉ còn đêm mưa này
Ngày mai em về nhà chồng
Mưa giăng trắng cánh đồng
Phố xá sau lưng, bạn bè trăm ngả
Anh nhìn em qua mưa hun hút đường dài…
Mọi sự đều không đúng lúc

Đã quá muộn để nói lời yêu đương
Lại quá sớm khi nói lời giã biệt!
Mai em về nhà chồng
Hết rồi những cơn mưa ướt mái đầu con gái
Một đêm nào chúng ta chia tay
Bong bóng nước dưới chân dập dờn nghìn hoa trắng…
Mai em về nhà chồng
Mưa theo em ròng ròng thương nhớ
Mai em về nhà chồng
Nước mắt gửi vào mưa âm thầm khung cửa…
Anh thức qua đêm nhìn mưa
Anh thức qua năm tháng nhìn em
Anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu
Bong bóng nước trôi xuôi vỡ nghìn hoa cánh trắng
Đâu rồi dấu chân em
In mòn thời thiếu nữ?
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
Chỉ mình anh nhận thấy?
Sớm mai ra là góc bể chân trời
Chúng mình xa nhau mãi mãi
Đưa tiễn một thời con gái
Mưa bây giờ lùa ướt tóc anh…
Tôi định hỏi ngay: “Vì sao ông lại đề tặng tôi, chẳng phải là ông viết cho em nào sẽ về nhà chồng?”. Nhưng tôi đã không hỏi, và không bao giờ hỏi nữa. Bởi ngay sau đó, tôi chợt đặt mình trong tâm trạng của Bình. Nếu tôi có làm được một dòng thơ nào trong đêm ấy, dù là có nghĩ về ai hay làm cho một đối tượng nào đó, tôi cũng sẽ chỉ đề tặng Trần 
Hòa Bình mà thôi. Độc thoại trong đêm mưa và đối thoại trong im lặng đã là nguyên cớ để bài thơ ra đời. Cô em nào đấy ngày mai, hoặc ngày kia đi lấy chồng, đâu có quan trọng! Điều chính yếu là từ rất lâu rồi, Trần Hòa Bình đã để tuột cơ hội tìm một tình yêu và hạnh phúc đích thực… Nỗi cô đơn và cảm giác bất lực xót xa trước những gì tốt đẹp ta hằng khao khát cứ rời xa ta từng ngày từng giờ đã là một nguồn cảm hứng thơ ca của nhiều thời đại; và thật không may (hay là may mắn?) Trần Hòa Bình đã bị chúng bất chợt “tóm” mất hồn vía trong một đêm mưa thật buồn!
Anh thức qua đêm nhìn mưa
Anh thức qua năm tháng nhìn em
Anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu
Cái cách mà tác giả “thức” qua đêm nhìn mưa để rồi liên tưởng tới những năm tháng dài, tới cả cuộc đời “thức” để nhìn em, để nhìn tình yêu quả là đậm chất… Trần 
Hòa Bình: thông minh, biến hóa một cách tài hoa, nhưng nhờ cảm xúc mạnh mà ấn tượng về “tiểu xảo” đã bị xóa nhòa trong thụ cảm của người đọc. Thức qua cả cuộc đời để nhìn tình yêu, tìm tình yêu, có cái gì đó thật xa vời, vô vọng, song vẫn cứ phải làm thế, như một thứ định mệnh. Có điều, nỗi buồn rưng rưng bởi tình yêu chưa thành, chưa tìm thấy, ở đây vô tình hòa nhập với khát vọng về sự hoàn thiện nên nó kịp mang một giá trị về thẩm mĩ và nhân cách.
Cả cái triết lý bất đắc dĩ này nữa:
Mọi sự đều không đúng lúc
Đã quá muộn để nói lời yêu đương
Lại quá sớm khi nói lời giã biệt…
Sự thông minh đã không biến chúng thành triết lí vặt, “khổ lắm biết rồi”, bởi có những vần thơ phập phồng nhớ thương tiếc nuối làm nền trải khắp bài để chúng trở thành phát hiện bất ngờ mới mẻ về nhân tình thế thái - điều mà chúng ta vẫn gặp phải song ít khi ngẫm về chúng như một chiêm nghiệm thấm thía. Không phải chỉ riêng trong tình yêu, mà còn cho mọi lĩnh vực của quan hệ xã hội mà ở đây tình yêu chỉ là một cái cớ trực tiếp, cụ thể, như giọt nước làm tràn cốc nước…
Ông thầy dạy văn bậc đại học giàu hồn thơ Trần 
Hòa Bình thời đó dường như vẫn chưa cắt được hết cái “đuôi” của một anh giáo làng quê mà ngày xưa từng được hình tượng hóa trong “thầy đồ Cóc” dân gian, bởi lẽ thi hứng và thi liệu trong bài thơ khá “siêu thực” này lại mang đậm âm hưởng ca dao Bắc Bộ ngàn đời:
Bong bóng nước dưới chân dập dờn
nghìn hoa trắng…
Mai em về nhà chồng
Mưa theo em ròng ròng thương nhớ
Mai em về nhà chồng
Nước mắt gửi vào mưa âm thầm
khung cửa…
Xứ đồi đêm ấy đã gợi cho Trần 
Hòa Bình bao suy tưởng về xứ Đoài nghèo khó thân thương của anh, nơi anh từng chứng kiến “những cơn mưa ướt mái đầu con gái” và thẫn thờ trước “dấu chân em/ in mòn thời thiếu nữ”…
Gần cuối bài, Trần 
Hòa Bình nhắc lại câu thơ đầu Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi, như chưa hết bàng hoàng về cái cảnh ngộ “bỗng dưng” mà nhờ nó anh chợt tìm ra nỗi khao khát đồng cảm trong nhiều năm ròng (Cớ sao cơn mưa xứ đồi lại đến cùng anh). Nhưng xót xa thay, nỗi khao khát đồng cảm đó “chỉ mình anh nhận thấy”…
Tuy trĩu buồn bởi ký ức, nhưng Trần 
Hòa Bình đã gắng bình thản để “đưa tiễn một thời con gái” và chia tay với một “thời xa vắng” của mình:
Sớm mai ra là góc bể chân trời
Chúng mình xa nhau mãi mãi
Đưa tiễn một thời con gái
Mưa bây giờ lùa ướt tóc anh…
Có lẽ đây là một trong những bài thơ tập trung nhiều nhất tâm lực, cảm nghĩ, nước mắt của Trần 
Hòa Bình; và anh viết như không thèm đếm xỉa đến kỹ thuật thơ dù nó thường trực trong một người viết rất có ý thức về sự chuyên nghiệp! Đêm mưa Xuân Hòa ấy thức dậy trong anh bao đêm mưa và chiều mưa của một tuổi trẻ từ “xứ đồi” ra thành phố, nghèo túng, long đong, phải chật vật tìm hướng đi cho khát vọng đời mình, tìm cách giải tỏa bao cơn “tức nghẹn” của sự nghiệp văn chương, khi “phố xá sau lưng, bạn bè trăm ngả” và hạnh phúc tưởng đã nắm gọn trong tay mà hóa ra mịt mù sương khói…
Giả sử Trần Hòa Bình có một cô người yêu nào sắp lấy chồng ngày đó thì chắc cũng không da diết, buồn thương khắc khoải đến thế! Mà thực ra, không ít cô gái - trong đó có học trò - thầm đeo đuổi anh chàng tài hoa đeo kính cận dày cộp có khả năng làm tan hoang rơi rụng trái tim người bởi giọng nói tự tin thủ thỉ, và có thể cũng được anh đền đáp ít nhiều về tình cảm, rồi họ chẳng liên tiếp báo tin là sẽ đi lấy chồng đấy thôi! Nói cho công bằng, cô em mai về nhà chồng trong bài thơ là hình bóng của tất cả những cô gái yêu anh, được anh trân trọng, nhưng anh và họ lại không có điều kiện để đến được với nhau lâu dài…
Trần Hòa Bình ít có khả năng dung hòa được giữa thực tế trần trụi và ước vọng cao vời, anh tìm an ủi trong học trò, bè bạn. Không có bất kỳ khả năng “đập phá” nào, anh tìm sự giải tỏa trong thơ, nhạc, tranh vẽ… Và anh đã chọn một đêm mưa Xuân Hòa, đúng hơn là đêm mưa đó đã chọn anh, khi đồng cảm cùng một thằng bạn cũng “ngơ ngẩn” về đời sống như mình, để lưu lại trong vườn thơ một đóa hoa không màu mà chứa đủ sắc màu như giọt mưa giữa bầu trời của tâm hồn thi sĩ… 
Ghi chú:
1. Viết nhân 10 năm ngày mất của nhà thơ Trần Hòa Bình (16/8/2008 - 16/8/2018).
 MAI AN NGUYỄN ANH TUẤN
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Hoài niệm “Ký ức Hà Nội”

Hoài niệm “Ký ức Hà Nội”
Những hình ảnh đường phố, hàng xén thời bao cấp, những căn hộ tập thể cũ được phác họa vừa thân quen, vừa khác lạ trong 250 bức ký họa và trong cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa và hồi ức" tại triển lãm “Ký ức Hà Nội”.
Thời đại mở cửa cuốn phăng đi nhiều thứ, nhưng chắc chắn những giá trị văn hoá cốt lõi làm nên bản sắc riêng của người Việt Nam sẽ trường tồn. Những ký ức về một thời Hà Nội xưa cũ cũng chính là những điều làm nên khí chất của người Hà Nội ngày hôm nay.
Với rất nhiều những kỷ niệm được chia sẻ, “Ký ức Hà Nội” sẽ là một cuộc triển lãm nhiều cảm xúc dành cho những ai từng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất kinh kỳ này. Cuộc triển lãm này nhằm giới thiệu cuốn sách “Tập thể Hà Nội - Ký họa và hồi ức” và những bức tranh vẽ về một Hà Nội xưa cũ.
Một góc Hà Nội trong ký ức sẽ được 
trưng bày tại triển lãm khai mạc ngày 30/12
Bên cạnh đó, công chúng đến với triển lãm sẽ được gặp lại những hình ảnh gợi nhớ một thời Hà Nội bình yên, nghèo nhưng rất đẹp. Đó có thể là những khu nhà tập thể hình tổ ong, là quán phở phố cổ người mua phải xếp hang, là cửa hang mậu dịch, là bàn thờ Tết với bánh pháo, hộp mứt, gói thuốc lá, chai rượu chanh,…Những hình ảnh ấy được thể hiện hoặc trên những bức tranh, hoặc được sắp đặt tại chỗ để khán giả có thể trực tiếp cảm nhận như ấm trà vối nóng kèm kẹo lạc, những món ăn chơi như kẹo rồi, mứt me, mứt bí, mứt gừng,… thậm chí là món cơm độn sắn, món lòng xào dưa chua,… những thứ rất quen thuộc với Hà Nội thời bao cấp.
Chia sẻ cảm xúc của mình về cuốn sách, nhà văn Nguyễn Quang Thiều - một cư dân chung cư cũ của Hà Nội nói: “Cuốn sách là một ý tưởng độc đáo. Ý tưởng này đã biến những không gian xưa, thời gian xưa tưởng đã chìm vào quên lãng giờ trở lại sống động và ám ảnh lạ thường. Một sự thật là, khi đang sống trong những chung cư ở Hà Nội thuở ấy, chúng ta phải đương đầu với bao khó khăn bởi điều kiện sinh hoạt. Những căn hộ chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu nước, thiếu điện, thiếu không gian cho những đứa trẻ.
Và rồi, cuộc cách mạng đô thị đã và đang xóa đi tất cả những chung cư như thế. Hầu hết những người đã sống trong những chung cư ấy giờ đã có một nơi ở mới với những biệt thự sang trọng, với những chung cư hiện đại và cao cấp. Tưởng rằng như vậy thì những chung cư xưa sẽ được chôn vùi vào quá khứ mãi mãi. Nhưng đến một ngày, trong những trang viết và những bức tranh, tất cả những chung cư thở ấy lại mọc lên, mọc lên trong một tinh thần khác và một ánh sáng khác...”
Bà Trần Thị Thanh Thủy, Trưởng nhóm Urban Sketchers Hanoi - những người làm nên cuốn sách và những bức tranh trong triển lãm chia sẻ: “Triển lãm và cuốn sách để đánh dấu một giai đoạn, giữ lại những bức hình trong một năm hoạt động của nhóm. Chúng tôi muốn những người tham quan được sống lại một thời Hà Nội. Nhà tập thể là minh chứng của thời đổi mới, gắn với kỷ niệm của một thế hệ nên nhóm ký hoạ lại để ghi lại ký ức xưa”.
Với chủ đề xuyên suốt là “Ký ức Hà Nội”, ban tổ chức đã mang đến sự tươi mới bằng cách kết hợp cả ngôn ngữ hội họa và văn hóa ẩm thực. Hai hoạt động bổ sung và nâng đỡ nhau, hứa hẹn mang tới một trải nghiệm đặc biệt cho người tham dự về một Hà Nội rất quen nhưng rất lạ.
Chuỗi hoạt động triển lãm, trải nghiệm ẩm thực Hà Nội thời bao cấp diễn ra từ ngày 30/12/2018- 31/1/2019 tại số 70 Nguyễn Du, Hà Nội.
Hà An
Nguồn: Báo Tổ quốc 
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

Ngọn nguồn thơ mới

Ngọn nguồn thơ mới?
Trong Thi nhân Việt Nam Hoài Thanh nhận xét: “Mỗi nhà thơ Việt Nam hình như mang nặng trên đầu năm bảy nhà thơ Pháp”. Sau này, trong Văn học Việt Nam 1900 - 1945, Phan Cự Đệ chứng minh Thơ mới chịu ảnh hưởng của gần một trăm nhà thơ Pháp, từ trường phái lãng mạn, nhóm Thi Sơn đến trường phái tượng trưng và cả một số trường phái suy đồi khác (Nxb Giáo dục, 2001, tr.573). Hoài Thanh và Phan Cự Đệ là những học giả, những đóng góp của hai ông về nghiên cứu, thẩm bình Thơ mới là rất đáng kính trọng. Nhưng những đánh giá, nhận định của hai ông dường như thành “mặc định”, từ đó cứ nói đến Thơ mới là người ta đều nói theo và yên tâm là đúng. Có người xác quyết mạnh mẽ rằng hai ngọn nguồn Thơ mới là Đường thi và thơ Pháp. Chúng tôi thấy nói như thế đúng nhưng chưa đủ và xin chứng minh một nguồn mạch quan trọng, cơ bản của Thơ mới chính từ thơ của cha ông ta. Do khuôn khổ bài viết, xin chỉ chứng minh bằng thơ Nguyễn Trãi và thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Người ta thường lấy lý thuyết của trường phái tượng trưng Pháp về sự tương hợp giữa các cảm xúc, là sự tương giao giữa hương thơm, màu sắc và âm thanh (Les parfums, les couleurs et les sons se répondent) làm tiền đề nghiên cứu Thơ mới. Dĩ nhiên không sai, vì điều đó nằm trong quy luật tiếp biến văn hóa. Nhưng ở thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng có sự “tương giao” như thế, có khi còn đặc sắc hơn, trước hàng mấy trăm năm.
Đây là bài Thuật hứng (thơ Nôm) của Nguyễn Trãi: Con lều mọn mọn đẹp sao!/ Trần thế chẳng cho bén mấy hào/ Khách lạ đến ngàn, hoa chửa rụng/ Câu mầu ngâm dạ, nguyệt càng cao/ Những màng lẩn quất vườn lan cúc/ Ắt ngại lanh chanh áng mận đào/ Ngựa ngựa xe xe la ỷ tốt/ Dập dìu là ấy chiêm bao. Một thế giới tiên của “chiêm bao” nơi ngàn xa: con lều nhỏ, hoa, câu thơ hay, trăng, vườn lan cúc. Và có người “khách lạ” chắc không phải đến từ nơi “áng mận đào” (tức chốn công danh) mà đến từ miền cái đẹp khác, có vậy mới là khách tri âm! Sự “tương giao” ư? Hơn cả “quy định” của lý thuyết trường phái tượng trưng, còn là sự hài hoà tuyệt vời của hình ảnh (con lều nhỏ, trăng, vườn lan cúc, khách lạ), màu sắc (của hoa và trăng), hương thơm (từ vườn lan cúc), âm thanh (câu mầu, tức câu thơ hay). Thơ tượng trưng Pháp thời hiện đại có lẽ hiếm có câu thơ hay, triết lý như Câu mầu ngâm dạ, nguyệt càng cao - ngâm câu thơ hay (mầu) như đẩy trăng lên cao hơn. Nghệ thuật đích thực có khả năng tác động, chinh phục tới cả tạo hóa!

Thơ Ức Trai là một thế giới thực mà hư, khó phân biệt vì có cả trần gian và tiên cảnh, không có tục nhân chỉ có thi nhân và thi tiên. Đây là bài Làm chơi (bản dịch nghĩa): Sách tiên và quyển là nghề sinh nhai cũ/ Đói thì ăn rễ tùng và hớp ánh sáng/ Trúc có nghìn cây để ngăn khách tục/ Bụi không nửa điểm bợn đến núi nhà/ Trước thềm ngọc hạc rít, trăng chiếu chếch vào song/ Bến câu cá lạnh chìm, mái chèo gác bãi cát/ Ta vẫn vui say với bầu trăng gió đẹp. Bản dịch thơ: Và quyển sách tiên vốn nghiệp xưa/ Rễ tùng ánh sáng đủ sung cơ/ Có đây ngàn trúc ngăn phường tục/ Chẳng bợn non nhà mảy bụi nhơ/ Hạc rít trước thềm song chếch nguyệt/ Cá chìm ngoài bến, mái ghênh bờ/ Một bầu trăng gió bao vui đẹp/ Chẳng tốn đồng mua vẫn có thừa (nhóm Đào Duy Anh dịch). Nơi này chỉ có ánh sáng và hoa, có trăng có cây và sách, có “ngọc hạc”, có bến câu và mái chèo... Thanh cao, trong sạch đến tuyệt đối, hình như là nơi chỉ dành cho người tiên! Bài thơ của một thiên tài thật sự hiện đại khi con người chúng ta hôm nay thưởng thức, tiếp nhận phải huy động đủ mọi giác quan: thị giác (ánh sáng, trăng, bến câu, mái chèo); khứu giác (hương thơm); thính giác (tiếng ngọc hạc kêu); xúc giác (khí lạnh).
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm như ông tiên nhàn làm thơ. Trong thơ ông cảnh tiên và cảnh thực hòa vào nhau, khó phân biệt: Vườn nằm bên cạnh am Mây/ Ánh nắng chiếu xuống không có bụi/ Rặng tre hoa, tự tay trồng/ Chống gậy đi, dép thơm mùi hoa/ Nâng chén ngọc màu hoa óng ánh/ Hạc nhả khói khi pha trà/ Cá đớp mực lúc rửa nghiên/ Thỏa hứng mặc sức thơ cuồng. Bài thơ có tên Lại tiếp thêm mười hai vần này là phép tương giao hài hoà tuyệt đối của các giác quan: thị giác (am Mây, rặng tre hoa, màu hoa óng ánh, khói); thính giác (tiếng cá đớp mực); khứu giác (mùi hoa). Mấy câu trong bài Bến sông ngụ hứng cũng dùng phép tương giao như thế: Ta yêu lều ta nằm giữa vùng sông nước trúc tre/ Cây dần thưa lá đỏ, chim mỏi về hót/ Rêu xanh chẳng quét, hoa rụng còn đầy mùi thơm/ Cảnh nhàn xưa nay chính là cảnh đất trời yên tĩnh/ Mãi vui say với sách vở khiến ngày tháng dài...

Thơ mới 1932 - 1945 có rất nhiều cảnh xuân, tình xuân. Mạch nguồn ấy có thể được khơi từ thơ Trạng Trình vốn rất nhiều xuân - xuân biểu trưng cho cái đẹp, cho sự sống sinh sôi, nảy nở, ấm áp, tươi vui: Cuối xuân thích nhất là khí trời luôn hòa dịu (bài Chiều xuân); Ánh sáng xuân dịu, đúng là tiết tốt lành (bài Viết vui đầu năm). Mùa xuân là mùa tương giao tuyệt vời giữa con người, thiên nhiên, nghệ thuật: Thi tứ về hoa và chim sẵn có nghìn bài/ Gió lọt vào án sách và ghế, không một hạt bụi (bài Bến sông ngụ hứng)…
Thơ mới có nhiều mộng. Mộng ấy có thể là dư ảnh, dư hình từ thơ Nguyễn Trãi: Trăng sáng đêm qua trời tựa nước/ Chiêm bao cưỡi hạc tới tiên cung (bài Giấc mộng trong núi). Một vẻ đẹp tiên giới, không gian trong vắt, hư ảo với trăng, trời, nước, hạc, tiên cung. Hẳn là mạch nguồn lãng mạn bay bổng chảy đến Thơ mới và mãi sau này.
Thơ mới có nhiều trăng. Trăng ấy đã sáng ngàn năm trong thơ Nguyễn Trãi: Núi cũ đêm qua vấn vương vào mộng nhẹ/ Trăng chiếu đầy sông Bình Than, rượu chở đầy thuyền (bài Cảm hứng lan man). Sông nước hay sông trăng, thuyền rượu hay thuyền trăng? Trăng say, thuyền say, người say hay sông nước say? Tất cả đều vấn vương trong mộng. Đây không phải thơ của thi nhân mà là thơ của thi tiên! Hình ảnh “thuyền trăng”, “bến trăng” trong thơ Hàn Mặc Tử sau này có lạ, có thi vị hơn thơ Ức Trai?
Thơ mới đã làm nên “một thời đại rực rỡ trong thi ca” (Hoài Thanh). Thơ mới sẽ không đạt tới đỉnh cao như vậy nếu không kế thừa những áng thơ hay của dân tộc đã có từ những thế kỉ trước. Việc khơi lại nguồn xưa ở đây không nhằm mục đích đề cao quá khứ, mà muốn thêm một chứng minh: Thơ mới là sự cộng hưởng của ba nguồn - thơ dân tộc, thơ Đường, thơ Pháp - nên thật mới. Có thể lấy ví dụ với khổ thơ sau trong bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu: Thu lạnh, càng thêm nguyệt tỏ ngời/ Đàn ghê như nước, lạnh, trời ơi/ Long lanh tiếng sỏi vang vang hận/ Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người. Cũng là đa giác quan: thính giác (đàn, tiếng sỏi); thị giác (nguyệt, long lanh); xúc giác (lạnh). Và cũng rất hiện đại, mới mẻ khi tương giao nhiều cảm giác trong một sự vật, hình ảnh. Ở câu Long lanh tiếng sỏi vang vang hận thì trong tiếng sỏi có cả long lanh (thị giác) và vang vang (thính giác), không có hòn sỏi nào mà người đọc vẫn hình dung như chúng đang va đập!. Kiểu tương giao như thế đã từng có trong thơ ca của cha ông ta.

Nguyễn Thanh Tú 
Theo http://vannghequandoi.com.vn/

  Việt Bắc – Suối nguồn thi ca 15 Tháng Mười, 2023 Với người Việt Nam, Việt Bắc còn gọi là Tây Bắc, là ngôn từ có âm thanh sâu lắng và ý...