Thứ Năm, 29 tháng 2, 2024

Văn học trẻ ĐBSCL cần thêm những "Cú huých" để bứt phá

Văn học trẻ ĐBSCL cần thêm
những "Cú huých" để bứt phá

So với các khu vực khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng. Những tác giả có tác phẩm vượt qua khỏi ranh giới hành chính nơi mình sinh sống và tạo được tiếng vang trên văn đàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, còn phần đông chưa có sự đột phá, chưa tạo được dấu ấn riêng.
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa tại hội thảo thơ và văn xuôi ĐBSCL
Có thể nói, văn học Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có một đội ngũ tác giả khá hùng hậu bởi sự nối tiếp của nhiều thế hệ với những gương mặt đầy tài năng và sung sức. Thế hệ những người trưởng thành trước năm 1975, có người nay đã bước qua tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn giữ được niềm đam mê với văn chương. Trong khi đó, các cây bút trưởng thành sau 1975 đang ngày càng chín về vốn sống và tài năng. Bên cạnh đó là đội ngũ những cây bút trẻ với nhiều sự tìm tòi, đổi mới đang hứa hẹn cho những sự cách tân trong văn chương thời gian tới đây. Sự xuất hiện nhiều hơn về số lượng tác giả và tác phẩm có chất lượng đã phần nào cho ta thấy rằng những tác giả trẻ đang dần tiến đến sự ổn định trong phong cách sáng tác, góp phần tạo nên diện mạo cho văn học ĐBSCL đương đại. Dòng chảy liên tục của văn học ĐBSCL hôm nay chính là sự tiếp nối của các thế hệ người cầm bút gắn bó với đất và người nơi đây.
Bám rễ trên vùng đất trẻ màu mỡ phù sa, văn học trẻ ĐBSCL đang cùng cả nước làm nên bức tranh văn chương đa sắc của những người trẻ bằng bản sắc độc đáo của vùng đất và con người Nam bộ. Văn học trẻ ĐBSCL đang bắt nhịp hơi thở của cuộc sống đương đại, đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau nhưng hầu hết tác phẩm của họ vẫn giữ được bản sắc vùng miền tạo nên nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên, so với các khu vực khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng. Những tác giả có tác phẩm vượt qua khỏi ranh giới hành chính nơi mình sinh sống và tạo được tiếng vang trên văn đàn cũng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay, còn phần đông chưa có sự đột phá, chưa tạo được dấu ấn riêng. Những tác giả trẻ thế hệ 8X trở về sau này của ĐBSCL, về văn có thể kể đến Lê Minh Nhựt, Trương Chí Hùng, Hoàng Khánh Duy, Nghiêm Quốc Thanh, Trần Sang, Lê Quang Trạng, Trương Văn Tuấn, Huỳnh Trọng Khang, Phát Dương… Về thơ có Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Giang San, Huệ Thi, Nguyễn Đức Phú Thọ, Phan Duy, Vĩnh Thông, Nguyễn Hữu Trung, Nguyễn Bàng… Lực lượng này chủ yếu tập trung ở những nơi có phong trào sáng tác trẻ phát triển mạnh, đặc biệt là An Giang với lực lượng rất đông đảo, nhiều cây bút đã tạo được “thương hiệu riêng” cho tác phẩm của mình.
Điều đáng nói là thế hệ vàng của văn học của ĐBSCL với tuổi tác đang ngày càng chồng chất, trong khi lực lượng trẻ kế thừa vẫn đang thiếu vắng. Nhiều nhà văn khi đi về cõi vĩnh hằng đã để lại một khoảng trống không gì có thể bù đắp cho văn học đồng bằng. Nhiều địa phương, dường như vắng bóng lực lượng viết trẻ cho nên Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc diễn ra 5 năm một lần, nhiều nơi không sao tìm ra được dù chỉ một gương mặt tiêu biểu để giới thiệu tham dự. Những cuộc thi văn chương của khu vực đề ra mục đích tìm kiếm và phát hiện những cây bút mới nhưng đến lúc trao giải thì hầu như ít có những gương mặt thật sự mới. Các tác giả trẻ ĐBSCL có sách được in riêng đã hiếm, thì những tác phẩm tạo được dấu ấn, tạo được tiếng vang, được dư luận chú ý càng hiếm hoi hơn. Các cây bút sống ở 13 tỉnh, thành phố của ĐBSCL hầu như cũng ít có dịp gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong không khí dành cho văn chương thật sự khiến cho đời sống văn học trẻ đồng bằng không tránh khỏi sự buồn tẻ và đơn độc.
Theo tôi, sở dĩ như thế là vì việc kiếm sống bằng văn chương ngày càng khó. Thử thách về “cơm áo gạo tiền” đã khiến không ít cây bút trẻ đã phải rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ xem văn chương như là cuộc dạo chơi ngắn ngủi. Trong khi đó, tình yêu và sự quan tâm dành cho văn chương của nhiều bạn trẻ dường như không còn như trước đây, “đất” dành cho văn chương ngày càng bị thu hẹp, độc giả “mê” văn chương cũng không nhiều. Và, một điều nữa là việc tìm kiếm, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ nhiều lúc, nhiều nơi dường như vẫn còn bị bỏ ngõ, được chăng hay chớ, phần lớn vẫn chờ đợi những tài năng văn chương tự tỏa sáng, tự phát lộ mà không có những “cú huých” cần thiết, không có sự quan tâm hỗ trợ cũng như động viên khích lệ dành cho lực lượng viết trẻ.
Sáng tác là công việc tự thân và tài năng của mỗi người chính là yếu tố cơ bản quyết định sự thành công của họ. Thế nhưng tôi nghĩ, cũng rất cần những “cú huých” từ nhẹ cho đến mạnh, từ ngắn hạn cho đến lâu dài… bằng sự quan tâm thật sự đối với lực lượng viết trẻ. Con đường của người viết văn, làm thơ dường như nhiều chông gai và phải lao tâm khổ trí, vất vả cực nhọc nhiều hơn những công việc khác nên rất cần có những sự quan tâm khích lệ và tạo động lực. Theo tôi, vườn ươm lực lượng viết trẻ vẫn chính là các CLB Văn học, các diễn đàn trên internet và các nhóm văn chương trên mạng xã hội nhưng chúng ta cần phải có sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía để nó có thể phát triển mạnh mẽ và đúng chất hơn. Hội Nhà văn Việt Nam, các Hội Văn học nghệ thuật địa phương cần tạo điều kiện về kinh phí hoạt động đồng thời phải thường xuyên theo dõi, uốn nắn và phát hiện bồi dưỡng những cây bút trẻ có triển vọng làm hạt nhân cho phong trào. Và dĩ nhiên khi có phong trào sôi nổi thì chúng ta sẽ dễ dàng tìm ra những hạt ngọc văn chương lấp lánh.
Có thể thấy, An Giang với sự ưu ái phong trào sáng tác trẻ hơn 10 năm qua đã góp cho văn chương đồng bằng rất nhiều “hạt ngọc” quý. Nhiều hoạt động sôi nổi của phong trào sáng tác trẻ như họp mặt, giao lưu, trao đổi sáng tác, đi thực tế sáng tác, tổ chức các trại viết, tổ chức giải thưởng cho các giả trẻ, đầu tư hỗ trợ tác giả xuất bản… là những “cú huých” mạnh mẽ mang đến nhiều chuyển biến tích cực cho phong trào sáng tác trẻ của tỉnh. Nhiều tác giả trẻ của An Giang hiện nay đã có vài đầu sách cầm tay và tên tuổi được giới văn chương cả nước biết đến. Nếu phong trào sáng tác trẻ ở các địa phương khác cũng có những hoạt động sôi nổi như ở An Giang, tôi tin rằng văn học trẻ đồng bằng sẽ có những chuyển động, nhiều bứt phá và sẽ không có những “khoảng trống thế hệ” như hiện nay.
Trong hoạt động liên kết về văn học nghệ thuật ở ĐBSCL được duy trì tốt hơn 30 năm qua, nên chăng cần có những cuộc thi dành riêng cho các cây bút trẻ. Như ở Tiền Giang, cuộc thi Thơ trẻ Tiền Giang dành cho các cây bút trẻ dưới 35 tuổi qua 3 lần tổ chức đều rất thành công, phát hiện ra được nhiều gương mặt thơ đầy triển vọng. Tôi nghĩ, nếu có được một “sân chơi” phù hợp, các cây bút trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ mình hơn. Các tạp chí văn nghệ địa phương cần “quy hoạch” đất dành đăng tải giới thiệu thường xuyên tác phẩm của những cây bút trẻ, để họ có nơi dụng võ. Bên cạnh đó, Hội Nhà văn Việt Nam và các Hội văn học nghệ thuật địa phương cần đặt mục tiêu việc phát hiện, đào tạo lực lượng sáng tác trẻ lên hàng đầu, có những “cú huých” cần thiết để tác động vào phong trào sáng tác trẻ, tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ trên con đường văn chương đầy chông gai và nhọc nhằn. Cũng giống như các hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, những người viết trẻ cũng rất cần một “chốn đi về”, để họ không phải “hờn tủi” vì tình trạng thiếu vắng các “sân chơi” văn chương dành cho mình như trong suốt thời gian qua, để được sống trong không khí văn chương, để được thỏa mãn khát vọng sáng tạo, bứt phá và khẳng định bản thân mình.
26/8/2019
Trương Trọng Nghĩa
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Đọc lại Tây Tiến của Quang Dũng

Đọc lại Tây Tiến của Quang Dũng

Hà Minh Đức đã từng nhận định: “Tây Tiến là một sáng tác có giá trị về tư tưởng, về nghệ thuật. Bài thơ được viết ra với những màu sắc thẩm mỹ phong phú”. Thật đúng như thế, qua bao tháng năm với sự sàng lọc nghiệt ngã của bụi thời gian lãng quên, Tây Tiến vẫn ngời lên lấp lánh trong lòng người đọc. Thật khó nói hết cái hay của bài thơ này. Bài viết dưới đây là những cảm nhận như vài nét chấm phá.
Bương Cấn, Sài Sơn, Phủ Quốc, Bất Bạt, Sơn Tây… là những địa danh quen thuộc đi vào thơ Quang Dũng trong bài thơ Đôi mắt người Sơn Tây. Cùng với bài Đôi bờ (nhạc sĩ Cung Tiến đã mượn lời để sáng tác), bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc, và cả hai bài hát trên đều được xem là những khúc tình ca tiền chiến vang bóng một thời. Trái tim hồn hậu, tâm hồn phóng khoáng, cốt cách lãng mạn, tài hoa, cùng với chiến chinh thời ly loạn, đã làm nên “chất” thơ Quang Dũng: Vừa đượm sắc buồn quê hương, vừa phảng phất chất văn hóa Xứ Đoài vốn vang danh với nhiều nhân kiệt.
Bút tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng
Nhưng Quang Dũng không chỉ nổi tiếng về đề tài vùng đất Xứ Đoài, quê ông. Mà ông còn bất tử với những áng hùng ca viết về đoàn binh Tây Tiến, nơi ông từng gắn bó trong cuộc vệ quốc của những tháng năm “khổ nhục nhưng vô cùng vĩ đại của dân tộc” (chữ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói về Nguyễn Đình Chiểu). Với mảng sáng tác này, Quang Dũng đã có một vị trí xứng đáng trong đội ngũ thế hệ các nhà thơ thời chống Pháp với chất hào hoa, lãng mạn cùng với Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hữu Loan, Hoàng Cầm… Chỉ với bài thơ Tây Tiến, đã xác lập cho Quang Dũng một vị trí riêng, một chỗ đứng đặc biệt riêng.
Bài thơ lúc đầu có tên là Nhớ Tây Tiến. Nhưng phải ngót gần chục năm sau (1956), Quang Dũng mới đổi tên thành Tây Tiến. Bởi vì, theo lời kể của người con trai Quang Dũng là ông Quang Vĩnh: “Cha tôi cho rằng Tây Tiến – nhắc đến đã thấy nhớ rồi. Thế nên, để chữ “nhớ” là thừa”. Quả thật, cả bài thơ là một nỗi nhớ “chơi vơi” chia làm nhiều điệp khúc. Mỗi điệp khúc lại tựa như tiết tấu của một đoạn nhạc từ sâu lắng đến điệp khúc mạnh mẽ và khép lại cũng rất nhẹ nhàng với những vần “ôi”, “ơi”… mà Xuân Diệu đã từng nhận xét “đọc Tây Tiến như ngậm nhạc trong miệng”.  Đây chính là đặc trưng “thi trung hữu nhạc” một khía cạnh trong con người tài hoa của Quang Dũng. Vì ngoài làm thơ, Quang Dũng còn là tác giả của ca khúc Ba Vì và từng tham dự triển lãm hội họa, mà bức tranh Gốc bàng vốn được nhiều người biết đến. Thơ kháng chiến có vô số bài viết bằng gam điệu nhớ, như: Nhớ (Hồng Nguyên), Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Bao giờ trở lại (Hoàng Trung Thông), Việt Bắc (Tố Hữu), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên)… Nhưng nhớ đến “chơi vơi”, với những buổi chiều “cơm lên khói” và cứ bềnh bồng lan tỏa trong không gian của mây trời, núi đồi Tây Bắc dù chỉ một năm gắn bó làm đại đội trưởng như Quang Dũng thì chỉ có sắc màu riêng của Tây Tiến!
Đã từng “làm tình, làm tội” tác giả
Bài thơ Tây Tiến đến với học sinh phổ thông khá muộn. Phải sau Đại hội Đảng lần thứ VI, năm 1986 – Đại hội của tinh thần đổi mới và dân chủ, bài thơ này mới được “cởi trói” để đưa vào chương trình ở cuốn Phụ lục Văn lớp 12 kèm theo với sách giáo khoa chính thức, năm 1992. Bởi vì trước đó người ta cho Tây Tiến là tiếng nói của cái nhìn tiểu tư sản, của tâm hồn ủy mị, yếu đuối, chết chóc, bi quan. Và, chính nó cũng đã “làm tình làm tội” Quang Dũng một thời. Thế mà có ai ngờ, một tác phẩm “Đi xa về hóa chậm/Biết bao là nhiêu khê” (thơ Chế Lan Viên) ấy lại trụ được mãi trong lòng người đọc, được học sinh yêu mến nhiều nhất, vượt qua hẳn những bài thơ vốn nổi đình nổi đám trước kia.
Trong bài Thăm mả cũ bên đường, sau khi đoán phỏng người nằm dưới mồ là “kẻ cung đao”, Tản Đà nghĩ đến phận người dưới đấy có thể giống mình – “kẻ văn chương”: “Tài cao, phận thấp, chí khí uất/Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Nếu Xuân Diệu cho rằng “Tản Đà là người thứ nhất đủ bản lĩnh làm thi sĩ” thì đây là một bằng chứng rõ nhất. Câu thơ thứ nhất như ngụp như lặn, như nổi như chìm, rồi vút lên cao chót vót với ba thanh trắc (chí khí uất) những uất ức của “son phấn có  thần chôn vẫn hận” của Tố Như. Sang đến câu hai, cái thế ngang tàng ngạo nghễ của thú vui bốn bể sơn hà trong con người “chịu chơi nhất thiên hạ” đã hiện ra ở thơ toàn thanh bằng: “Giang hồ mê chơi quên quê hương”. Thì trong Tây Tiến, Quang Dũng cũng có câu này: “Nhà – ai – Pha – Luông – mưa – xa – khơi”. Ngoài không có một thanh trắc nào, câu thơ này còn không ngắt nhịp 4/3 của thơ bảy chữ, mà không ngắt nhịp, phải đọc chậm, rãi đều như cách gạch nối trên. Đó là cảm giác lúc dừng chân của người lính sau quá trình trèo đèo lội suối vất vả ở ba câu thơ trước. Một tuyệt cú hội đủ thi, nhạc, họa. Xứng đáng làm “người… thứ hai” theo cách nói của Xuân Diệu trên.
Đoàn binh Tây Tiến ra đi từ Hà Nội, tiến về phía miền Tây để làm nhiệm vụ thiêng liêng. Vì vậy thủ đô và những bóng “kiều thơm” Hà thành luôn mang trong tim họ. Nhưng khác với sự lưu luyến của người ra đi trong thơ Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Thâm Tâm…, người lính Tây Tiến “gửi mộng” về Hà Nội bằng cách “mắt trừng” (Mắt trừng gửi mộng qua biên giới). Nếu cho ta chọn vài từ thôi, mà những từ này tạc thành chân dung người lính Tây Tiến, thì ngoài “không mọc tóc”, “xanh màu lá”, cần phải kể đến “mắt trừng” này. Nó vừa là vẻ bên ngoài, vừa là hồn bên trong. Hai từ này khiến tôi nhớ đến những người tình, người chồng trong các lần chia tay giữa Thúy Kiều với ba người Kim Trọng, Thúc Sinh và Từ Hải. Hai lần đầu với chàng Kim thư sinh và một Thúc Sinh sợ vợ mà chung tình, Nguyễn Du đã dùng nhiều giọt mực thấm đẫm nước mắt cho người đi kẻ ở. Chỉ ở lần ba với Từ Hải, Nguyễn Du viết: “Quyết lời dứt áo ra đi/ Gió mây bằng đã đến kỳ dặm khơi”, thì không hề có một giọt nước mắt nào. Người lính Tây Tiến mang cốt cách đa tình kiểu anh hùng như… Từ Hải vậy!
Trong cuốn Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học, học giả Phan Ngọc cho rằng những bài thơ mà gọi là thơ Đường của văn học trung đại Việt Nam thực ra chất Đường thi rất ít. Nhưng chính những bài như Tràng giang của Huy Cận, Tống biệt hành của Thâm Tâm… trong thơ mới, hiện đại lại có chất Đường thi nhiều hơn. Và, tôi cũng thấy thêm chất Đường thi ấy trong Tây Tiến của Quang Dũng. Vì âm hưởng hào hùng của bài thơ làm ta gợi nhớ đến Kinh Kha, đến những tráng sĩ  thuở xưa xem cái chết nhẹ tựa hồng mao, ra đi xả thân vì chí lớn với một lời thề son sắc: “Nhất khứ bất phục hoàn”!.
26/8/2019
Trần Ngọc Tuấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nhà văn Khuất Quang Thụy: Sống mới khó làm sao

Nhà văn Khuất Quang Thụy:
Sống mới khó làm sao!

Nhà văn Khuất Quang Thụy, như anh em văn nghệ quân đội kể là một người nhu hòa, không mấy khi biết cáu giận. Giọng nói anh chậm rãi, ấm áp với một gương mặt thiền trầm tĩnh sau những ngày tháng xông pha trận mạc. Dù khi chỉ là biên tập viên hay làm Phó Tổng biên tập Văn nghệ Quân đội hoặc Tổng biên tập báo Văn nghệ, Khuất Quang Thụy vẫn sống theo phong cách ấy. Bên cạnh công việc quản lý, anh còn cặm cụi viết như để trả nợ đời.
“Tôi để ngỏ đời tôi”
Nhà văn Khuất Quang Thụy, một trong những gương mặt tiêu biểu cho đội ngũ chiến sĩ, vừa cấm súng vừa viết văn. Xuất hiện trên thi đàn từ những ngày đầu xông pha trận mạc (1968) nhưng anh sớm chuyển sang văn xuôi. Khuất Quang Thụy tham gia trại sáng tác (1971) tại chiến trường Bắc Quảng Trị. Anh nhớ lại cảm xúc hồi hộp khi nộp ký sự “Lửa và thép” cho nhà văn Cao Tiến Lê. Anh nôn nao chờ đợi kết quả.
Đến hẹn ngày trả bài, nhà văn Cao Tiến Lê gặp Khuất Quang Thụy nói một câu xanh rờn: “Cậu viết thế này mà chỉ làm thơ thì phí quá! Viết văn xuôi đi, cậu sẽ thành công đấy!”. Ngay sau đo bài ký sự được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (11-1971). Ít ngày sau, trên đường hành quân lên Tây Nguyên, Khuất Quang Thụy được nghe bài ký sự “Lửa và thép” phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đó là một bước ngoặt trong đời binh nghiệp và sáng tác văn học của anh
Anh còn kể thêm một chuyện vui liên quan đến ký sự đặc sắc này. Ấy là khi bài được in thành sách cùng với một tác giả khác vào cuối năm 1972. Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cử người mang nhuận bút và sách đến tận quê nhà của Khuất Quang Thụy (làng Thanh Phần, xã Phúc Hòa, huyện Phúc Thọ, Sơn Tây cũ).
Vào những ngày tháng đó, chiến tranh ác liệt, thấy đoàn cán bộ mang tiền đến, bố mẹ Khuất Quang Thụy ngỡ đó là tiền tuất. Bởi họ nghĩ rằng con trai mình đã hy sinh. Vậy là bà mẹ òa khóc bỏ vào trong nhà, không kịp trấn tĩnh nghe đoàn cán bộ giải thích. Hàng xóm bà con cũng tưởng thật, vội vã kéo đến an ủi gia đình. Mãi sau khi hồi tâm nghe ra ngọn ngành, bà mẹ mới ngỡ ra mình đã… khóc nhầm. Mọi người đều hể hả cười vui đến chảy nước mắt.
Ở Văn nghệ Quân đội ai cũng biết sức viết “khủng” của nhà văn Khuất Quang Thụy. Chỉ mấy năm sau khi chiến tranh kết thúc, anh đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Trong cơn gió lốc” (in năm 1980). Cuốn sách viết về chiến dịch Tây Nguyên, được phát hành 50.000 bản, tạo kỷ lục đầu tiên trong giới văn chương. Đây cũng là khâu đột phá của một đời văn chiến binh của Khuất Quang Thụy. Sau đó anh tạo nên những bất ngờ khác khi liên tiếp cho ra đời những tiểu thuyết hoành tráng viết về số phận của những người chiến sĩ. Cái tên Khuất Quang Thụy được khẳng định từ đây.
Không ít người cho rằng, Khuất Quang Thụy trầm tĩnh kín đáo, ít bộc bạch tâm tư. Nhưng thật ra anh lại có mạch ngầm cảm xúc rất sôi nổi tự nhiên chứ không quá ý tứ. Chẳng qua anh kiệm lời không phô trương ồn ào.
Có lần anh thật thà tâm sự: “Tôi có thế thôi. Tốt đẹp có chừng ấy. Hay ho có chừng ấy. Xấu xa cũng…chỉ từng ấy”. Anh cho rằng mình sống thế nào mọi người đều biết cả, chả cần phải che giấu. Khuất Quang Thụy còn hóm hỉnh làm thơ rằng: “Tôi để ngỏ đời tôi. Mặc mưa sa bão táp. Tôi để ngỏ thơ tôi. Cho người đời đến đọc. Tôi để ngỏ tim tôi. Chờ em vào cấu xé. Chán rồi thì em đi. Nhớ lại về em nhé”. Thật đúng chất Khuất Quang Thụy.
Từ “Trong cơn gió lốc” đến “Đỉnh cao hoang vắng”
Ngay sau khi tốt nghiệp khóa I, Trường Viết văn Nguyễn Du (1976-1981), nhà văn Khuất Quang Thụy được về Tạp chí Văn nghệ Quân Đội làm việc. Ngoài công việc biên tập viên văn xuôi anh bắt tay vào những dự án của riêng mình. Đó là những cuốn tiểu thuyết viết về đồng đội đã từng cùng anh xông pha nơi chiến địa. Anh bắt đầu vào một “cuộc chiến” mới trên mặt trận chữ nghĩa.
Những năm tháng ấy đâu đã có máy tính và ghế quay trong phòng lạnh. Trời nóng vã mồ hôi. Nhiều khi anh phải đứng viết bản thảo trên bục gỗ cao. Sau thành quen anh thường đứng viết văn. Nghe chuyện tôi chợt nhớ đến nhà văn Lép Tônxtôi cũng đã đứng viết hàng ngày trong vườn cây vào những ngày nắng đẹp. Ông đã cho ra hàng ngàn trang viết về cuộc đời. Nhà văn Khuất Quang Thụy cũng vậy. Anh đã đứng viết và cho ra đời những cuốn tiểu thuyết dày dặn cả vạn trang in.
Nhà văn Khuất Quang Thụy viết với cảm xúc nồng nhiệt cùng sự trải nghiệm qua từng mặt trận. Khi là cuộc chiến ở Cam Lộ, mặt trận đường 9 Nam Lào. Hoặc mặt trận Tây Nguyên và chiến dịch đánh vào Sài Gòn. Đến trưa ngày 30-4-1975, Khuất Quang Thụy cùng mũi đột kích của Trung đoàn 64 (Sư 320) vào tới Dinh Độc Lập.
Tất cả những ký ức khốc liệt nhất của cuộc chiến tràn vào từng trang viết của anh. Những tâm tư và tình cảm cùng gương chiến đấu dũng cảm của đồng đội hiện lên trong nhiều tác phẩm. Những câu chuyện của Khất Quang Thụy nóng bỏng không khí của tuổi trẻ dâng hiến cho Tổ quốc. Những cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn của Khuất Quang Thụy lần lượt ra đời sau ba mươi năm lao động miệt mài. Bạn đọc bị cuốn hút vào những câu chuyện đầy say mê của anh như các tiểu thuyết “Trước ngưỡng cửa bình minh” (1985), “Không phải trò đùa” (1985), “Thềm nắng” (1988), “Góc tăm tối cuối cùng” (1988), “Giữa ba ngôi chúa” (1989)… rồi đến “Những bức tường lửa” (2000).
Tiểu thuyết “Đối Chiến” của Nhà văn Khuất Quang Thụy.
Bất ngờ sau đó hành trình văn chương của anh bỗng… chững lại. Một quãng nghỉ để kiểm chứng mình sau tiểu thuyết “Bức tường lửa” chăng? Mãi tới mười hai năm sau, nhà văn Khuất Quang Thụy mới cho ra đời cuốn tiểu thuyết “Đối chiến” (2012). Tiếp đó là “Đỉnh cao hoang vắng” (2016). Nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn kiên nhẫn theo đuổi đề tài chiến tranh nhưng đã có cách nhìn khác. Một nhịp điệu mới.
“Đối chiến” và “Đỉnh cao hoang vắng” thu hút người đọc ở sự điềm tĩnh và bao dung. Tư duy hình tượng văn học mang tính phản biện cao. Nhà văn khám phá và nhìn nhận những thân phận người lính của phía biên kia đối kháng một cách khách quan. Khuất Quang Thụy có cách lý giải diễn biến tâm lý nhân vật thấm đẫm tình người. Chính vì thế, bạn đọc càng hình dung và nhận biết bản chất chiến sĩ của quân đội ta một cách sâu sắc và cao cả hơn. Khuất Quang Thụy đã động chạm tới vỉa tầng văn hóa của những nhân vật. Đó là nền tảng tư tưởng của cuộc “Đối chiến”. Cái thắng cái thua, cái được cái mất ở đây không chỉ còn là những viên đạn, mà ở trái tim của người cầm súng.
Còn đó một tấm lòng
Tính đến nay nhà văn Khuất Quang Thụy đã có trọn nửa thế kỷ cầm bút. Anh có trong tay hàng chục tiểu thuyết và truyện ngắn. Trong đó nhiều cuốn đã đoạt giải thưởng cao. Có thể kể ra những giải thưởng chính như: Hai Giải thưởng Văn học của Bộ Quốc phòng (tiểu thuyết “Không phải trò đùa” năm 1984 và tiểu thuyết “Những bức tường lửa” năm 2004). Đặc biệt, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với ba tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”.
Nhưng cái số nhà văn Khuất Quang Thụy vẫn phải đèo bòng, khi đã về hưu (năm 2012) nhưng lại được bầu vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (Khóa VIII và IX). Chuyển dịch đây đó rồi cuối cùng anh trụ lại ghế Tổng biên tập Báo Văn nghệ đã sáu năm nay. Mới đây, có dịp gặp nhau, tôi ngạc nhiên với sự hối hả công việc của anh vào một ngày cuối tuần.
Khuất Quang Thụy tâm sự: “Chuyện văn chương đã khó nhưng chuyện lo cơm áo cho anh em còn mệt hơn. Báo Văn nghệ là tờ báo tự hạch toán, không có quỹ lương của nhà nước, không có vốn…”. Văn hóa mà đánh vật với thị trường thật cực nhọc. Thế đấy! Bất giác anh chép miệng nói, báo chí văn chương bây giờ sống được mới khó làm sao!?
Lúc này tôi chợt nhớ đến bài thơ của anh, đúng với cái tên “Sống mới khó làm sao?”, viết hồi đầu thập niên 90. Quả là tâm sự của anh giờ đây khác trước. Không còn hồn nhiên nữa mà trầm lắng hơn: “Em có nghe thời cuộc/ Run trong từng cọng rau/ Đói nghèo và dung tục/ Nhấn chìm bao thanh cao/ Hoa nở chẳng vì đâu/ Khi vàng con mắt đói/ Bếp mỗi chiều vẫn khói/ Bởi xóm làng thương nhau”. Đúng là cuộc đời chỉ còn lại một tấm lòng.
24/7/2019
Biên Thùy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nhà thơ Đinh Hùng - Bức mật mã huyền bí

Nhà thơ Đinh Hùng
Bức mật mã huyền bí

Đinh Hùng là một trong những nhà thơ rất tiêu biểu cho trường phái thơ tượng trưng Việt Nam. Đây là nhà thơ mà cuộc đời có nhiều thăng trầm và nhiều nỗi đau. Ngay cả cho đến giờ, dù rất nhiều người thừa nhận tài năng của ông nhưng những vần thơ của ông vẫn ít được độc giả biết đến. Bên cạnh đó, việc giải mã những bài thơ tượng trưng của ông vẫn là một thách thức lớn cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình.
1. Những biểu tượng đẹp:
Đinh Hùng viết rất nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp con người, vẻ đẹp thiên nhiên. Đó không chỉ là vẻ đẹp khiến cho thi sĩ cảm thấy rung động và muốn viết nên những bài thơ ca ngợi như nhiều nhà thơ vẫn thường làm. Vẻ đẹp trong thơ Đinh Hùng có sức mạnh rất ghê gớm. Nó khiến nhà thơ yêu cuồng nhiệt, muốn tan chảy vào đó, hòa vào đó. Đó là vẻ đẹp dù không cần đến chất men cũng khiến người ngắm phải say và điên đảo.
Trước hết, đó là biểu tượng người kỳ nữ:
Ta thường có những buổi sầu ghê gớm
Ở bên em-ôi biển sắc rừng hương!
Em rực rỡ như một ngàn hoa sớm
Em đến đây như đến tự thiên đường
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết
Rộn xuân tình lên bệ ngực thanh tân
Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần - ôi sắc đẹp yêu ma
Lúc cuồng si nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn
Đinh Hùng đã xây dựng một hình tượng kỳ nữ rất đẹp, rất tinh khiết, thanh cao. Đó là một giai nhân tuyệt sắc tựa như ngàn hoa buổi sớm, như biển sắc rừng hương hay như một thiên sứ đến từ thiên đàng. Nếu sắc đẹp ấy khiến nhà thơ muốn chiếm lĩnh thì cũng chẳng có gì là lạ bởi vì các nhà thơ lãng mạn vẫn thường làm thế:
Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên
Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.
(Mưa xuân – Nguyễn Bính)
Thế nhưng Đinh Hùng đã nâng hình tượng của kỳ nữ lên một nấc cao hơn khiến cho cô trở thành biểu tượng của cái đẹp chứ không đơn giản chỉ là hình ảnh của giai nhân. Sắc đẹp ấy vừa khiến nhà thơ muốn gần gũi, chiếm lĩnh vừa làm cho ông phải đứng xa tôn thờ. Nó cứu rỗi tâm hồn ông để ông mãi sống với biểu tượng đẹp ấy: Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết. Nhưng nó cũng làm cho ông phát điên và khát khao được chết dưới cái hôn của người đẹp để cả hai cùng hòa lại làm một:
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn
Và ông còn khám phá ra một bản chất khác của cái đẹp là cái ác. Đây là điều mà các nhà thơ lãng mạn không hề nói tới bởi lâu nay người ta vẫn quan niệm đẹp là trong sáng, là thánh thiện, là thanh cao. Thế nhưng không phải Đinh Hùng không có lý vì xưa nay bao nhiêu vương triều sụp đổ cũng có sự tham gia của người con gái đẹp. Câu chuyện về Đác Kỷ và Trụ Vương, Bao Tự và vua Kiệt, Phi Yến và Hán Vũ Đế, nàng Tây Thi và vua Ngô Phù Sai, nàng Điêu Thuyền và Đổng Trác, nàng Dương Quý Phi và Đường Minh Hoàng…vẫn còn đó như một minh chứng lịch sử về tai họa do cái đẹp gây ra. Do đó, Đinh Hùng đã gọi kỳ nữ:
Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần- ôi sắc đẹp yêu ma
Cho dù cái ác xuất hiện song hành với cái đẹp, một sắc đẹp ma quái nhưng cái ác ấy vẫn không làm cho nhà thơ run sợ bởi cái đẹp đã thắng thế. Cho dù biết cô gái có lòng tàn ác thì nhà thơ vẫn muốn gần gũi. Cho dù biết rằng sắc đẹp ấy sẽ giết chết mình, nhà thơ vẫn tình nguyện được chết trong đôi môi của người đẹp.
Quả thực, Đinh Hùng đã xây dựng được một biểu tượng người phụ nữ rất đẹp. Nó vừa thực vừa mộng, vừa lung linh, vừa huyền ảo. Đối với ông, biểu tượng ấy có sức mạnh vạn năng khiến ông có lúc tưởng như nó ở trên thiên đường để ông tình nguyện sống mãi và tôn thờ. Tuy nhiên, ở một thời điểm khác, ông lại thấy nó mang hình ảnh của yêu ma để rồi ông lại tình nguyện chết vì nó mà không hề hối tiếc.
Không chỉ dừng lại ở người kỳ nữ, đối với Đinh Hùng, thần chết đôi khi cũng là một biểu tượng của cái đẹp:
Nàng nằm mộng suốt đêm hè dưới nguyệt,
Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao.
Xa nấm mồ, chúng ta cuồng dại hết,
Để yêu tà về khóc dưới non cao.
(Tìm bóng tử thần)
Rõ ràng, khi nhà thơ gán cho Tử thần vẻ đẹp của người con gái, lập tức tử thần trở thành một biểu tượng lung linh, huyền ảo. Thi sĩ không chỉ nhìn thấy vẻ đẹp hình thể của người con gái khi còn sống mà dưới ánh trăng mờ ảo, sắc đẹp ấy trở nên diệu kỳ hơn bao giờ hết. Con người và thiên nhiên chan hòa làm một, cùng vẽ nên một bức tranh tuyệt sắc. Không những thế, thiên nhiên còn say đắm vẻ đẹp của Tử thần: Nụ cười buồn lay động ánh trăng sao. Và dĩ nhiên Đinh Hùng cũng không thoát khỏi sự quyến rũ đó. Sắc đẹp khiến ông vượt qua nỗi sợ hãi trong lòng để đi đến quyết định táo bạo: yêu Tử thần:
Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.
Giáng Tiên đâu? Thế kỷ gian tà,
Dạo chơi bình địa tưởng qua hai tần.
Đi đi, cho hết dương trần,
Ngày mai tìm bóng Tử thần mà yêu!
Có thể thấy, lâu nay nói đến Tử thần là người ta hay nghĩ đến biểu tượng của cái chết, của sự hủy diệt. Do đó, có lẽ chỉ có Đinh Hùng mới tìm thấy ở người sự quyến rũ của cái đẹp, của tình yêu và thậm chí là cả một tâm hồn thanh cao. Bởi vì, những điều nhà thơ chứng kiến trên thực tế, trong cõi thực khiến nhà thơ cảm thấy quá chán nản và thất vọng:
Cây Từ Bi hiện đóa Ác Hoa đầu,
Hồn gặp Hồn, ai biết thiện căn đâu?
Và giờ đây, ông chỉ tin vào những điều ở thế giới bên kia, ở một nơi huyễn hoặc, mộng ảo. Ông thành khẩn van xin nàng tin rằng, cho dù mình khác thế giới với nàng nhưng vẫn giữ tấm lòng trinh bạch:
Xin Thần Nữ tin lòng tôi trinh bạch,
Đốt kỳ thư còn mộng nét văn khôi.
Quả thật, Đinh Hùng đã xây dựng cho mình một biểu tượng tử thần mới, biểu tượng của tình yêu, cái đẹp và sự thanh cao.
Nếu đọc hết những bài thơ của Đinh Hùng, người ta chắc chắn sẽ gán cho ông tên gọi thi sĩ của tình yêu như họ đã từng gọi nhà thơ tình Xuân Diệu. Ông đã dựng nên rất nhiều bức tượng đài về cái đẹp, về tình yêu nhưng có lẽ biểu tượng đẹp nhất, lung linh nhất theo cảm nhận của người viết là biểu tượng con đường tình yêu trong bài: Đường vào tình sử, một biểu tượng được ghép lại từ rất nhiều biểu tượng khác nhau tạo nên một con đường vừa đẹp, vừa buồn, vừa nhuốm màu sử thi, hoài cổ:
Phơi phới thuyền ta vượt bến,
Từ đêm hồng thủy ra đi.
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thùy,
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.
Chúng ta đi vào lá hoa Tình Sử,
Hơi thở em hoà sương khói Đường thi.
Anh đọc cho em những dòng cổ tự
Ai Cập và Cổ Ly Hy.
Anh viết cho em bài thơ nho nhỏ
Bài thơ xanh ánh mắt hẹn tình cờ,
Có những chữ Hoa yểu điệu,
Không phải đại danh từ.
Con đường tình yêu này rất dài, rất dài. Nó có hoa, có hương thơm, có âm thanh, có màu sắc. Tất cả là hiện thân của tình yêu. Nhưng tình yêu không chỉ đơn giản vậy:
Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú
Những ngôi sao buồn suốt một chu kỳ
Những đám tinh vân sắp sửa chia ly,
Và sao rụng biếc đôi tay cầu nguyện.
Ôi cặp mắt sáng trăng xưa hò hẹn,
Có nghìn năm quá khứ tiễn nhau đi.
Tình yêu có lúc vui và có lúc buồn. Những lúc buồn, tác giả cảm thấy như vũ trụ này cũng đang tan chảy, cũng thấm màu biệt ly. Và chặng đường đi tìm người yêu là chặng đường mà tác giả phải vượt qua rất nhiều nơi trong trái đất, vượt qua rất nhiều vòng quay của vũ trụ từ quá khứ đến tương lai. Có rất nhiều biểu tượng mà nhà thơ đã bắt gặp trên con đường ấy: lá hoa Tình Sử, bài thơ xanh, chữ Hoa yểu điệu, đôi hồn tình tự, cung đàn hoài vọng, khúc nhạc lang thang,…
Có thể thấy, mỗi người có thể có một cách đi tìm tình yêu của riêng mình. Thế nhưng, cách mà Đinh Hùng đã đi tìm tình yêu quả là rất lạ. Một con đường đầy rẫy những sự hóa thân hư hư thực thực, mờ mờ ảo ảo. Dù sao đi nữa, Đinh Hùng cũng đã xây dựng cho mình một con đường đi đến trái tim đầy thú vị bằng chính sự giao cảm tâm hồn của người đang yêu.
2. Giao cảm với cõi hư vô:
Cũng như các nhà thơ tượng trưng khác, Đinh Hùng cũng có những sự giao cảm bí mật với vũ trụ, với thế giới tâm linh.
Khi miếu Đường kia phá bỏ rồi
Ta đi về những hướng sao rơi
Lạc loài theo hướng chân cầm thú
Từng vệt dương sa mọc khắp người
Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền, khóc rợn trăng khuya
Đâu đây u uất hồn sơ cổ
Từng bóng ma rừng theo bước đi
(Những hướng sao rơi)
Như vậy, thời gian và không gian trong thơ ông đã hòa lại làm một. Con người và vũ trụ, linh hồn không có sự phân biệt. Chính những cảm xúc cuồn cuộn trong lòng đã làm cho sự giao cảm của nhà thơ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết:
Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ
Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe
Thèm ăn một chút hoa man dại
Rồi ngủ như loài muôn thú kia
(Những hướng sao rơi)
Nỗi khát khao giao cảm, khát khao hòa mình với thế giới tâm linh, với vũ trụ làm cho các câu thơ mang màu sắc sử thi, huyền hoặc:
Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ
Bên thành quách ta ra tay tàn phá
Giữa hoan lạc của lâu đài, tình tạ
Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu phía sau lưng”
(Bài ca man rợ)
Rõ ràng, nhà thơ muốn phá bỏ hết những trói buộc xung quanh mình, muốn hét thật to trong vũ trụ, muốn giải phóng cái tôi để làm những gì mình muốn, mặc sức yêu và mặc sức điên cuồng. Ông muốn xóa bỏ khoảng cách giữa mình và vũ trụ.
Có lẽ Đinh Hùng đã yêu vũ trụ, yêu thế giới tự nhiên và yêu cái đẹp trên cả mức mong muốn chiếm hữu. Ông viết về chúng như một thứ tôn giáo để tôn thờ, để khám phá bằng sự hòa hợp tâm linh. Chỉ có như thế mới mong thỏa mãn được những khát khao cháy bỏng trong tâm hồn tác giả:
Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…”
(Gửi người dưới mộ)
Ở Đinh Hùng, cái chết chẳng có gì đáng sợ cả bởi ông có thể đi qua đi lại trên ranh giới giữa sự sống và cái chết. Chẳng gì có thể ngăn cản ông thực hiện mong muốn của mình:
Ta hát bài kinh, thoảng dã hương
Từng đêm chiêu niệm bắt hồn nàng
Lời ra cửa biển tìm sao rụng
Rỏ xuống mộ em giọt lệ thương…”
(Màu sương linh giác)
Có thể nói rằng, những câu thơ, những bài thơ thể hiện sự giao cảm một cách đầy bí ẩn của nhà thơ với thế giới tâm linh, thế giới mộng ảo đã chứng tỏ một điều rằng, trên đời này, chẳng có gì có thể làm cho con người cảm thấy sợ hãi kể cả cái chết. Tâm hồn con người luôn luôn có một sức mạnh và một phép màu nhiệm hết sức kỳ lạ trong vũ trụ. Nó có thể thỏa sức tung hoành làm những gì nó muốn, nó có thể xóa nhòa ranh giới giữa thời gian và không gian, có thể xóa nhòa giữa sự sống và cái chết. Điều đặc biệt nhất, nó có thể khám phá được cả những nơi u tối nhất, kỳ ảo nhất của vũ trụ mà không cần nhờ đến những khám phá khoa học.
3. Tắm mình trong những nốt nhạc thơm:
Từ nhạc luôn luôn có một vị trí quan trọng trong thơ tượng trưng và Đinh Hùng đã không quên điều đó. Những câu thơ của ông được sắp xếp chặt chẽ tạo thành hiệu ứng của một bản tình ca ngọt ngào khiến người đọc cảm thấy như đang đắm mình trong một bản nhạc chứ không phải là một bài thơ:
Giữa hư không tìm lại vết chân Người,
Ôi xứ Đạo có bao mùa tình tự?
Trong bản hát thiêng
Của bầy thanh nữ,
Có ai về ngự,
Giữa lòng thuyền quyên?
Trong mộng trần duyên
Của hồn thiên cổ,
Có ai vào ngủ
Một giấc cô miên?
Trời ơi! Đây nguyệt vô biên
Trong lòng người đẹp nằm quên dưới mồ!
Ta cười suốt một trang thơ,
Gặp hồn em đó còn ngờ yêu ma.
(Tìm bóng tử thần)
Bằng cách kết hợp giữa thơ lục bát dân tộc và thơ mới cùng cách gieo vần chân hiệu quả, Đinh Hùng đã mang đến cho người đọc một bản nhạc thực sự êm ái, sâu lắng. Điều này đã góp phần tăng hiệu quả nghệ thuật cho bài thơ, đưa người đọc đắm mình vào chốn hư hư thực thực.
Trong một bài thơ khác, nhà thơ học tập cách sáng tác thơ văn xuôi của Boudelaire để nói lên nỗi lòng của mình:
Lũ chúng ta:
Mấy kẻ không nhà, tưởng dành bạc đức với nhân tình nên mê tràn tâm sự, có buổi vò nhung xé lụa, chưa mời giăng một tiệc đà nhắc giọng Lưu Linh;
Từng giờ thoát tục, đã quyết vô tâm cùng thể phách thì đốt trọn tinh anh, đòi phen khóc nhạc, cười hoa, chẳng luyến mộng mười năm cũng nổi tình Đỗ Mục.
(Thần tụng)
Rõ ràng, cái tạo nên tính nhạc cho kiểu thơ văn xuôi ở đây là phép đối. Phép đối đã làm cho hai câu thơ song hành tạo âm hưởng. Thơ xuôi làm cho nhịp điệu hùng hồn, đanh thép, góp phần tăng thêm khí phách cho lời thơ.
Ở trong bài Đường vào tình sử, nhà thơ sử dụng nhiều tiết tấu khác nhau khá hiệu quả, đặc biệt là tiết tấu vắt dòng, câu gãy:
Phơi phới thuyền ta vượt bến,
Từ đêm hồng thuỷ ra đi.
Lòng ta dao cắt
Chia đôi
Biên thùy,
Dòng máu kinh hoàng chợt tỉnh cơn mê.
Sự thay đổi nhịp điệu đột ngột trong những câu thơ này tạo hiệu quả cho người nghe như chính họ đang cùng nhà thơ ngồi trên con thuyền vượt sóng. Thỉnh thoảng, chính họ cũng nghe thấy sóng lòng trong chính nhà thơ.
Cho dù chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây thì âm nhạc dân tộc vẫn chảy trong hồn thơ Đinh Hùng khiến những câu thơ của ông trở nên mượt mà như những bài dân ca, ngâm khúc. Ông đã sử dụng rất hiệu quả thể thơ lục bát và song thất lục bát của dân tộc. Trở lại bài thơ Thần tụng, chúng ta sẽ thấy rõ điều đó:
Hồn lại đặt cơn mê cơn tỉnh,
Hồn lại bầy đêm quạnh đêm vui.
Hồn xui rượu nói lên lời,
Khói dâng thành ý, nhạc cười ra hoa.
Hồn bắt ai tiêu ma ngày tháng,
Hồn giúp ai quên lãng hình hài.
Hồn từ siêu thoát phàm thai,
Sầu trong tà dục, vui ngoài thiện tâm.
Hồn ở khắp sơn lâm, hồ hải,
Hồn sống trùm hiện tại, tương lai.
Mênh mang một tiếng cười dài,
Hồn lay bốn vách Dạ Đài cho tan.
Có thể thấy, Đinh Hùng chịu sự ảnh hưởng rất rõ từ các nhà thơ tượng trưng Pháp như Boudelaire, Rimbaud… Những biểu tượng, những sự khát khao giao cảm hay những từ nhạc trong thơ ông đều mang dáng dấp của thi pháp thơ tượng trưng Pháp. Bên cạnh đó, những vần thơ của ông còn mang dáng dấp của chủ nghĩa siêu thực. Tuy nhiên, cái làm nên vẻ đẹp của thơ Đinh Hùng là ở cách phối âm của những câu thơ gãy khúc với thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát.
Cho đến bây giờ, với nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, Đinh Hùng vẫn là một bức mật mã đầy bí ẩn. Muốn tìm được chiếc chìa khóa cho bức mật mã này thì phải đọc đi đọc lại những tập thơ của ông, nhập tâm cùng ông, thả hồn theo những bài nhạc của ông mới hy vọng có thể thẩm thấu từ từ từng nét từng chữ trong bức mật mã diệu huyền.
24/7/2019
Đào Lê Na
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Nhắc lại một lần nữa: Biển Đông không phải là ao nhà của Trung Quốc"

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Nhắc lại một
lần nữa: Biển Đông không phải là
ao nhà của Trung Quốc"

– Thưa ông Trần Đăng Khoa! Trong chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Quốc gia VTV1, tối ngày 19-7-2019 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã chính thức lên tiếng về tình hình Biển Đông. Cũng theo lời bà Thu Hằng, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực. Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam. Ông nghĩ sao về hành động mới này của Trung Quốc?
Trước hết, cần phải nói ngay rằng, đây không phải hành động mới của Trung Quốc. Mà là một việc cũ rích. Trung Quốc thường xuyên quấy phá, xâm lấn. Từ hàng ngàn năm nay, chúng ta chưa bao giờ được yên vì ông láng giềng này. Tôi đã có lần nói, nói một cách đắn đo, cân nhắc, chứ không phải nói bừa, nói ẩu rằng, cái bi kịch lớn nhất của chúng ta là phải ở bên cạnh một ông hàng xóm rất xấu tính mà không biết dọn đi đâu để yên thân được.
– Là một cựu lính biển, lính Trường Sa, cũng từng viết và nói rất nhiều về biển đảo, đặc biệt là Trường Sa, với góc độ một người lính, một cựu chiến binh, ông thấy sao?
Cũng như trước đây, tôi không ngạc nhiên và bất ngờ trước những hành động của Trung Quốc. Xin các vị hãy nhìn lại các sự kiện vào những năm 1974, 1979 và 1988, rồi cả trước và sau đó nữa thì sẽ thấy rất rõ mưu đồ của Trung Quốc là muốn gặm dần lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đất liền và biển đảo. Hoàng Sa, Trường Sa luôn là những chảo lửa, không biết sẽ bùng lên lúc nào. Đây cũng là vùng lãnh hải thiêng nhất và cũng bất an nhất của nước ta. Nếu đất nước của chúng ta có những biến động thì sẽ bắt đầu từ vùng sóng gió này.
Việt Nam và Trung Quốc luôn bắt tay nhau, coi nhau như những người bạn tốt. Giữa ta và nước láng giềng có 16 chữ vàng: “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện”. Nhưng dường như người bạn láng giềng đã phản bội điều đó, dối trá một cách trơ trẽn…
Chúng ta đã tôn trọng, thực hiện đúng cam kết, nhưng Trung Quốc luôn nói một đằng làm một nẻo. Trung Quốc luôn chửi các nước tư bản, lấy đó răn đe nhắc nhở ta rằng hãy vì Đại cục. Nhưng “tiểu cục” còn nhem nhuốc chẳng ra gì thì làm sao có được một “đại cục” tử tế. Hãy nhìn các nước khác trên thế giới, mà trong đó hầu hết là các nước tư bản, họ sống với nhau rất êm đềm, hòa thuận. Tôi đi từ Pháp sang Đức, từ Đức sang Bỉ, hay từ Anh sang các nước khác, không thấy biên giới, cũng không có hải quan. Cứ đi thẳng một lèo. Khi nhìn lên biển chỉ đường, thấy dòng chữ khác, mới hay mình đã sang nước khác rồi. Ngay cả kẻ thù của chúng ta xưa như Pháp và Mỹ, mặc dù có lúc rất tàn bạo, nhưng họ không chiếm của ta một mét đất nào, một vốc biển nào. Còn ta với Trung Quốc thì sao? Mang danh anh em “môi hở răng lạnh”, luôn nêu cao 16 chữ vàng, nhưng họ lấn của ta từng gốc cây ngọn cỏ.
Họ nắn cả dòng chảy của sông suối để nước xói mòn sang phía ta. Đấy là trò rất trẻ con và rất bẩn thỉu. Ấy thế mà rồi cứ như tằm nhấm lá dâu, cả một vùng đất đai cương giới của ta nằm gọn trong túi họ. Xin đơn cử: Cửa Ải Nam quan, cột cây số không, nơi Nguyễn Trãi chia tay cha là Nguyễn Phi Khanh, giờ đã nằm sâu trong đất Trung Quốc. Thác Bản Giốc vốn từ bao đời là danh thắng của chúng ta, giờ Trung Quốc đã gặm một nửa. Rồi Hoàng Sa là của chúng ta, Trung Quốc cũng đã cướp và chiếm đóng trái phép mấy chục năm nay. Và bây giờ, Trung Quốc lại đưa giàn khoan Hải Dương 8 lấn sâu vào thềm lục địa của ta, rồi ngang nhiên tấn công các tầu thuyền chức năng của ta, vu vạ ta gây hấn với họ. Đó là một hành động ngang ngược và vô cùng bẩn thỉu. Cũng như hồi họ cắm giàn khoan 981 cách đây mấy năm. Đúng là “vừa ăn cướp vừa la làng”.
– Đằng sau mỗi hành động của Trung Quốc đều có những tính toán. Bây giờ họ lại đưa giàn khoan Hải Dương 8 vào sâu thềm lục địa của chúng ta. Họ có âm mưu gì? 
Họ có âm mưu gì thì chúng ta cần theo dõi. Lại nhớ hồi họ đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa của ta. Chúng ta đấu tranh, đòi họ rút ra khỏi thềm lục địa. Thế giới cũng lên tiếng. Hoá ra đó chỉ là trò nghi binh. Họ lừa ta, kéo sự chú ý của ta và dư luận thế giới vào cái giàn khoan để xây hàng loạt đảo nhân tạo. Bây giờ họ lại đưa giàn khoan Hải Dương 8 ra. Cần phải theo dõi xem đằng sau chiêu trò này là gì? Phải chăng họ lại xây đảo nhân tạo, hay mang vũ khí ra Biển Đông. Trung Quốc hiện đang xiêu điêu vì cuộc chiến thương mại với Mỹ. Dân Trung Quốc đang ngao ngán. Biết đâu họ đẩy sự chú ý của dân họ ra ngoài nội địa. Cũng có thể họ phá ta không cho ta khai thác dầu khí cùng với các đối tác trong vùng đặc quyền kinh tế của ta. Hoặc cũng có thể họ gây hấn rồi lấy đó mặc cả, đòi ta cho họ đầu tư đường cao tốc Bắc Nam, rồi nhấn chìm chúng ta trong khối nợ nần, bắt ta phải phụ thuộc họ vĩnh viễn. Chúng ta cần tỉnh táo. Chuẩn bị mọi phương án đáp trả. Trung Quốc thường mềm nắn, rắn buông. Vậy chúng ta cần phải rắn chứ không phải cứ mềm mãi. Khôn khéo, mềm mỏng nhưng rắn. Nếu cần chúng ta cũng sẽ phải làm như Philippine, kiện Trung Quốc ra tòa án Quốc tế. Rồi nhân thể đòi lại Hoàng Sa, Trường Sa bằng con đường hoà bình. Kiện là Trung Quốc sẽ thua. Dứt khoát thua. Vì Trung Quốc chẳng có cơ sở pháp lý nào để tranh dành với ta về vùng biển của ta, hải đảo của ta với cái lưỡi ma chín đoạn. Trong bản đồ địa giới, hải giới của chính Trung Quốc, từ đời nhà Thanh và trước nữa cho đến năm 1904 cũng không có Hoàng Sa, Trường Sa và cả cái đường lưỡi bò ma quỷ. Đấy là những bằng cứ hùng hồn, phủ nhận những trò tháu cáy của kẻ tiểu nhân. Trung Quốc đã tự cô lập mình trước cộng đồng quốc tế, đặc biệt là với các nước trong khu vực, cùng thở chung một bầu khí quyển Biển Đông.
– Ông đã từng nói Trung Quốc rất hùng mạnh rồi, nhưng họ vẫn tìm cách xâm lấn từng mét đất của ta, chẳng khác gì một lão hàng xóm rất giàu có nhưng lại có tính tắt mắt, ăn cắp vặt. Tới lúc ăn cắp không được nữa thì ăn cướp, sẵn sàng đạp lên mối quan hệ ngoại giao với nước ta, đạp lên cả dư luận quốc tế. Theo ông những biện pháp đàm phán hoà bình mà nước ta áp dụng thời gian qua liệu đã đủ mạnh để ngăn chặn ý đồ bành trướng của Trung Quốc?
Tôi đồng ý với quan điểm của một học giả rằng Việt Nam chẳng sợ gì Trung Quốc. Trung Quốc rất mạnh nhưng chưa bao giờ thắng chúng ta. Cha ông họ xưa đã từng phải chui vào ống đồng để mong thoát thân. Bây giờ họ còn mạnh gấp ta đến cả chục lần. Nhưng họ vẫn khó khăn vì họ ở xa. Ngay ở Trường Sa hay bãi Tư Chính đang tranh chấp, nếu máy bay quân sự của họ có ra được đến bơi để oanh kích thì cũng sẽ không còn nhiên liệu để quay về. Không lực chỉ phát huy được sức mạnh khi có tầu sân bay. Nhưng tầu sân bay lại là điểm yếu khi xảy ra chiến tranh thực sự. Tên lửa diệt hạm, tên lửa tầm xa của ta chỉ phóng ở bở biểm dọc từ Bắc xuống Nam cũng đã đủ thổi bay máy hòn đảo nhân tạo và mấy cái tàu sân bay rồi. Ấy là chưa kể sức mạnh của tình đoàn kết ở Việt Nam đã từng đánh bại nhiều kẻ thù sừng sỏ mà Trung Quốc từng sợ hãi. Tuy nhiên, chọn con đường chiến tranh để giải quyết vấn đề Biển Đông là hạ sách mà không khéo lại mắc mưu Trung Quốc. Trung Quốc muốn gây hấn với ta, rồi lấy đó mà răn đe các nước khác. Tôi đồng ý với cách xử lý khôn ngoan nhất, là phải bình tĩnh, cảnh giác, tỉnh táo, không để Trung Quốc lừa phỉnh, giành lại và bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ bằng con đường hòa bình. Việc làm trước tiên là quốc tế hóa biển đông. Đây là vấn đề Trung Quốc ngại nhất, bởi họ khuất tất. Cần đoàn kết, liên minh với các nước trong khu vực cùng có quyền lợi ở Biển Đông, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, rồi kéo cả thế giới vào cuộc. Mặt khác, chúng ta cũng cần thông tin rộng rãi để 1,3 tỷ dân Trung Quốc hiểu vấn đề Biển Đông thực chất thế nào. Người dân Trung Quốc đang bị bưng bít. Sẽ rất nguy hiểm khi họ bị chính quyền Trung Quốc xuyên tạc và kích động, như họ đang rêu rao là chúng ta xâm phạm vùng kinh tế Trung Quốc, tàu ta đâm tàu Trung Quốc. Thật có lý khi một nhà báo đã đề nghị các báo điện tử của ta nên có trang bằng tiếng Trung Quốc, để giúp người dân Trung Quốc hiểu được thực chất vấn đề và không bị kích động. Ngay trong giới học giả Trung Quốc, cũng có người hiểu được vấn đề, họ đã yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!.
25/7/2019
Hồng Minh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...