Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Kim Long có gái mỹ miều

Kim Long có gái mỹ miều

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Nam Trân

Vào cuối thế kỷ XIX - đầu XX, Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879-1954), con vua Dục Ðức và bà Từ Minh Hoàng hậu Phan Thị Điểu, nhờ khôn khéo của thông ngôn Diệp Văn Cương cạnh khâm sứ Rheinart được đưa lên ngôi vua lấy hiệu Thành Thái, Hoàng đế thứ 10 triều Nguyễn (1889-1907) lúc 10 tuổi. Ông là một nhà vua được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và vì chống Pháp, từng bị chính phủ bảo hộ quản thúc ở Vũng Tàu, rồi đày sang đảo La Réunion 31 năm (1916-1947) đồng thời với con là vua Duy Tân.

Ngày còn tại vị, Ngài rất bình dân, gần gũi dân chúng, không ngần ngại cải dạng rởi hoàng cung ra ngoài thành dạo chơi trong dân gian, vui vẻ chuyện trò với thường dân. Để qua sông Hương, Ngài phải lấy đò vì cầu Thành Thái tức cầu Trường Tiền khá xa Kim Long và đi đò có cái thú đặc biệt của nó, nhất là cho một ông vua ngày ngày như bị cầm giữ trong cung cấm. Thế là Ngài bước lên đò chùng chình suýt té nhưng đôi má ửng hồng như cánh sen, dáng bộ tha thướt yêu kiều, quý phái của cô lái đò tuổi đôi mươi không ngớt quyến rũ cặp mắt liến thoắng của chàng trai. Tuy quen cách đối xứ với các công nương trong nội, lòng xao xuyến, Ngài không khỏi thẹn thùng trước điệu bộ của cô gái quê mộc mạc và đánh bạo thổ lộ tâm tư của mình qua một câu hỏi bâng quơ như trò chơi, không chờ đợi một câu trả lời nào: Nì o tê, có ưng lấy vua không, (Cô kia, có muốn lấy vua không?) tôi sẽ làm mối cho o! Sau giây phút ngỡ ngàng trước câu hỏi thình lình, thảng thắn, nói chơi của người lạ mặt qua đường, cô gái ngại ngùng mặt càng đỏ thêm, rồi lễ phép cúi đầu lẩm bẩm để cho qua chuyện, không có chút nghiêm nghị: Đừng nói bậy, vua đem chém đầu. Thấy cô gái thật thà, đáng yêu, Ngài khuyến khích cứ bằng lòng đi để xem ra sao, cô gái đánh bạo trả lời: Dạ ưng! (đồng ý) rồi phá lên cười, để lộ một hàm răng đen lánh khêu gợi. Lập tức chàng trai ra dành lấy mái chèo: Rứa thì để Trẫm chèo đưa quý phi về cung! Thế là vua đưa cô về bến Nghinh Lương ở Phu Văn Lâu, vào Đại nội, đi dạo vườn Thượng uyển... như trong một giấc mơ. Không biết chuyện thực hư ra sao nhưng những cô gái Huế lãng mạn thường thích kể lại như một giấc mơ thần tiên.
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi...


Ðể sinh sản những cô gái vui tính và dễ thương như vậy, đất Kim Long ắt phải có địa hình tốt đẹp mà chúa Nguyễn Phúc Chu tức chúa Thượng cảm thấy và, sau Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1600), Dinh Cát (1600-1626), Phước Yên (1626-1636) là những nơi các vị tiền bối đã đóng đô, năm 1636 cho dời kinh đô đến đó. Kim Long trở thành thủ phủ đầu tiên của các chúa Nguyễn, tọa lac trên tả ngạn sông Hương, đối chiếu với đồi Long Thọ bên kia hữu ngạn. Thế đồi nầy được cho là đặc thù phong thủy khóa giữ thượng lưu sông Hương và được các nhà địa lý gọi là kiểu đồi thiên quan địa trục, nghĩa là trổ cửa lên trời và là trục xoay của các vùng đất (Ðại Nam nhất thống chí). Ðứng từ kinh thành Huế nhìn theo ngược dòng sông lên nguồn dưới chân trời, khách ngắm đồi núi tiếp nhau từng dãy, màu sắc thay đổi tùy nắng mưa, khi xanh đậm, khi xanh lạt trông như bức tranh sơn thủy bốn mùa. Hai bên sông, hai ngọn đồi mạnh dan vững chân án ngữ: một bên là ngọn đồi Thiên Mụ (Hà Khê) với tháp Phước Duyên, bảy tầng ngất ngưỡng như chọc thủng trời xanh để đưa xuống những nguồn phúc lộc, và bên kia hữu ngạn là mô đất Long Thọ, trường sinh bất tử. Mô đất này cũng có những đặc tính nhiệm màu kỳ lạ mà sau này các thầy địa lý của triều đình Việt Nam cũng công nhận. Vì nó án ngữ nguồn chảy của sông Hương, tưởng như nó đang gối đầu lên dòng nước và nghiêng nghiêng đối diện với đồi Thiên Mụ tạo thành một thế phong thủy gọi là cánh cửa thông thiên và trục xe địa phủ (Ðỗ Trinh Huệ dịch). Núi và sông ôm lấy nhau để tạo nên cảnh trí thơ mộng như cụ Tả Ao giải thích trong sách địa lý gia truyền: có núi mà không có nước là cô sơn, ngược lại có nước mà không có núi sẽ thành cô thủy (Hữu sơn vô thủy, vị chi cô sơn, Hữu thủy vô sơn, vị chi cô thủy).Tốt nhất vừa có núi vừa có sông nước liền nhau để núi nghênh thủy (sơn cố thủy) và thủy in bóng núi (thủy cố sơn) mới thật là đất tốt (dung kết chi địa dã).


Vua Thành Thái với anh em và 
hai thứ phi Giai Triệu, Chi Lạc
Vậy Kim Long có đủ yếu tố sơn thủy như cụ Tả Ao nêu. Mà thủy ở đây đủ thế tĩnh và tụ nên sinh ra người trong vùng thanh lịch, giàu có (thủy tĩnh nhân tú, thủy tụ nhân phú) khác với chỗ nước xoáy xô bồ ào ạt, hoặc nước chảy rì rào như tiếng khóc tỉ tê suốt ngày sẽ sinh ra kẻ bần tiện, đói nghèo (thủy trọc nhân mê, thủy khứ nhân bần). Thật vậy, đây là đất Kim Long từ khi trở thành thủ phủ. Sau này, khi dời về Phú Xuân (cũng nằm bên tả ngạn sông Hương), Kim Long chỉ còn để lại các tên đất gợi nhớ thời lập phủ như: Thượng Dinh, Trung Dinh, Hạ Dinh, Cồn Kho, Mô Súng, vườn Nghênh Hôn... và các hậu duệ ông hoàng bà chúa làm nhà thờ, lập vườn hoa trái thành một vùng ngoại ô xinh đẹp. Tại đây, vua Thành Thái đã đến góp một trang tình sử. Kim Luông dãy dọc tòa ngang. Em chèo một chiếc thuyền nan về Sình. Đôi lứa mình lỡ hẹn ba sinh. Có mần răng đi nữa cũng hãy trọn tình với nhau. Dãy dọc tòa ngang nhắc nhở thời Kim Long thủ phủ của các chúa Nguyễn. Nhưng thủ phủ không chỉ là nơi giao lưu văn hóa mà còn là trung tâm hành chính, quân sự đất Nam Hà. Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn tự điển Việt-Bồ-La, mô tả quang cảnh Kim Long như một thành phố lớn, đông đúc dân cư, nhà cửa, phố xá, chợ búa, bến nước và buổi lễ đón tiếp những người Tây Ban Nha, những nữ tu và bản thân ông vào một buổi chiều tháng 2.1645 bên bờ sông Hương. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan mời Alexandre de Rhodes và những người trong đoàn bữa tiệc theo cung cách cung đình với rất nhiều món ăn sang trọng. Yến tiệc được bày ra với các vũ nữ Kim Long vây quanh biểu diễn các điệu múa điêu luyện khiến những người Tây Ban Nha có mặt phải trầm trồ khen ngợi. Ðến khi trời sập tối, chúa ra lệnh thắp đuốc sáng rực khắp dinh. Sau đó, chúa đã cho diễu binh trên bộ với khoảng 6000 binh lính và dân chúng tham gia đi rợp cả Kim Long, cùng lúc dưới nước 20 chiến thuyền tập trận trông rất ngoạn mục.

Cô lái đò Kim Long vào nội cung, làm quý phi của Vua Thành Thái. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giai thoại do dân gian tạo ra chứ kỳ thực, vua Thành Thái mê muội một kiều nữ đất Kim Long con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Ðộ. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Nga, sau này được nhà vua đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con... Còn có một bà phi nữa được nói đến nhiều là bà Dương Thị Ngọt được xếp vào bậc cửu giai tài nhân tức là bậc cuối cùng trong số 9 bậc. Bà Dương Thị Ngọt là con gái ông Dương Quang Xứng, một vị quan trải qua nhiều đời vua triều Nguyễn. Cùng với con đường thăng tiến của ông Xứng, đến chức Bố chính tỉnh Khánh Hòa, bà Ngọt từ một cô thôn nữ quê mùa bỗng trở thành một bà trong cung cấm là chuyện dễ hiểu nhưng bà có một số phận hết sức bi đát, sinh ra bên dòng sông mối tình sử Ô Lâu. Theo lời kể cua một người cháu, vua Thành Thái không để tóc dài như các vua khác mà đã cắt tóc ngắn. Một hôm, sau khi đã cắt tóc xong, vua dạo một lượt qua các bà phi, hỏi xem có đẹp không. Bà nào cũng khen đầu vua đẹp. Chỉ riêng bà Ngọt đã không khen lại còn buột miệng bảo: Trông giống như kẻ cướp ấy. Mất thể diện, vua nổi giận, liền buộc tội xử trảm bà Ngọt. Dù vậy vua vẫn lo cho lễ mai táng bà chu đáo, theo đúng nghi thức xứng với một bà vua. Đám tang bà Ngọt được đưa từ Huế về Quảng Trị bằng đò theo đường sông Ô Lâu, về cập bến chợ Hôm, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Từ chợ Hôm, người ta gánh bộ quan tài bà Ngọt đi trên chiếu hoa rải cho đến tận thôn Hội Kỳ, bên kia sông Ô Lâu là thôn Mỹ Cang làng ngoại của mạ tôi. Chi phí mai táng, xây dựng lăng tẩm, nhà vua chịu hết. Vua còn cấp cho 4 người từ phu coi lăng, mỗi người được cấp 3 sào ruộng miễn thuế và ngoài ra còn được miễn các thứ sưu dịch. Bia mộ trong lăng của bà đặt tại thôn Hội Kỳ, Hải Chánh đã ghi rõ tên thụy của bà là Thục Thuận.

Sau cùng vua Thành Thái còn có hai bà thứ phi sống với ông suốt thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion, cũng như những năm cuối đời ở Sài Gòn. Đó là bà Giai Triệu và bà Chi Lạc. Bà Giai Triệu là mẹ của Hoàng nam Vĩnh Chương. Theo huyết thống thì ông phải gọi hai bà là cô. Hai bà có tên thật Công Tằng Tôn Nữ Nhàn và Công Tằng Tôn Nữ Mừng, chắt nội của tiên đế Minh Mạng. Trong hoàng tộc, vị thế của hai bà sánh ngang với bên nam giới có chữ lót Ưng. Theo một số ghi chép, để hợp pháp hóa cuộc hôn nhân cô cháu này, hai bà phải đổi sang họ Hồ rồi cuối cùng là họ Nguyễn Công. Bia mộ của hai bà hiện nay ở An Lăng cũng được khắc với họ Nguyễn Công. Hai bà đã chung sống và tận tụy với Thành Thái suốt thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion nên được cựu hoàng yêu mến. Trong thời gian ở đảo Réunion, bà Giai Triệu sinh thêm Vĩnh Giêu. Còn bà Chí Lạc sinh cho cựu hoàng 5 con trai: Vĩnh Lưu, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Khôi, Vĩnh Giu, Vĩnh Cầu. Chuyện kết hôn trong nội tộc làm ta liên tưởng đến chế độ hôn nhân bảo thủ, phản động thời Trần do lo sợ ngoại thích, nhưng ở triều Nguyễn, tình huống hi hữu này đã xảy ra dưới thời Thành Thái... Dù hậu cung không hùng hậu như thời Minh Mạng, nhưng chuyện các bà vợ của vua Thành Thái cũng phát sinh thật nhiều giai thoại! Đó có thể là những cái kết bi ai của chốn hậu cung cay độc, cũng có thể là câu chuyện dân gian nhẹ nhàng và có hậu, đi vào lòng người bước qua thăng trầm lịch sử...


Thành Thái là một nhà vua ham học, cả chữ Nho lẫn chữ Pháp, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, lái xe hơi,... nói chung sống trong bầu văn minh phương Tây. Không ưa xu nịnh, ông bị thực dân Pháp nghi ngại như khi cậy họa sĩ Lê Văn Miến vẽ hình mẫu các khẩu súng. Lúc rảnh rổi Ngài thích dạo chơi, về sau muốn tận mắt chứng kiên cuộc sống của nhân dân, đồng thời xem mặt những giai nhân có tiếng trong vùng. có khi cải trang thành thư sinh hay nhà sư khất thực. Theo truyền thuyết, Ngài chiêu nạp được 4 đội binh nữ, mỗi đội 50 cô. Sau khi luyện tập quân sự thành thục, 50 nữ binh ấy được giao trả về gia đình, đợi khi cần thì nhập ngũ chống Pháp, sau đó tuyển thêm 50 nữ binh mới. Người ta cũng còn kể chuyện vua có cách tuyển binh rất đặc biệt. Ông thường đích thân mang ngự lâm quân ra khỏi hoàng thành, đến những nơi có phụ nữ đẹp đưa họ về cung, sau một thời gian lại thả về nhà. Những cô gái đó được nhà vua tổ chức thành đội quân tóc dài. Nhà vua tự bỏ tiền ra lo chi phí, ăn ở cho đội nữ binh, cho ăn mặc áo quần theo kiểu riêng và hàng ngày chăm lo luyện tập võ nghệ. Việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức bí mật. Ðể cho chắc chắn, Ngài cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc họ và gia đình. Nếu được chấp thuận, vua cho dàn cảnh bắt cóc, chỉ định hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đến đón đưa vào cung cấm. Cũng để bảo mật, các cô gái gọi là bị bắt cóc thường được đưa vào cung bằng cửa Hữu của Thành nội, gần làng Kim Long. Con đường chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân chúng. Vua còn ngụy trang cho tổ chức ở Đại nội các chợ bán vải do các nữ binh ấy dệt trong cung. Một mặt, nhà vua dễ dàng lừa thực dân, mặt khác để cho nữ binh có công việc, trang trải chi phí.

Những hành động khả nghi của nhà vua không qua mắt Thượng thư bộ Lại Trương Như Cương thường xuyên mật tấu lên Tòa khâm sứ. Lấy cớ Ngài không chịu phê chuẩn những đề nghị thăng quan một số tay sai, khâm sứ thấy phải hạ bệ nhà vua, bảo Thành Thái mắc bệnh điên, buộc phải thoái vi, tước quyền phê chuẩn, giao lại cho Hội đồng Thượng Thư: hai chính phủ đã quyết định như vậy để bảo vệ lợi ích của quốc gia, cũng như chính bản thân nhà vua! Biết trước sẽ thua cuộc, ngày 2.9.1907 Ngài thản nhiên phê chuẩn vào chiếu thoái vị rồi từ bỏ ngai vàng ra đi. Từ đây, Ngài khuây khỏa nổi buồn ở chốn Kim Long, từ ngày hết còn thủ phủ vùng trở nên đất hứa cho việc an cư sinh tư thất của các hoàng tử, công chúa, công thần, khanh tướng. Kim Long một vùng đất quyền quý nổi danh với những vườn phủ đệ và sinh thành nhiều giai nhân, vẫn còn bảo lưu hàng chục vườn phủ đệ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo như: Phủ Ðức Quốc Công, Cẩm Xuyên quận vương, Diên phúc trưởng công chúa, Khoái Châu quận công... và nhiều nhà vườn của các gia đình danh gia vọng tộc như An Hiên, Thường Lạc Viên, Xuân Viên Tiểu Cung, Tĩnh Dật Cơ, Phú Mộng Viên... Những ngôi nhà vườn ở Kim Long thể hiện sự kết hợp giữa kiến trúc (ngôi nhà) và cảnh quan (khu vườn) một cách dụng ý tạo thành một không gian sống theo tính cách Huế với những yếu tố tuân theo quy luật phong thủy, bao gồm cổng ngõ, hàng rào, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà chính, nhà phụ và vườn. Có thể nói kiến trúc nhà vườn Kim Long giống như một Kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả... mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc.


Từ những giá trị độc đáo về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa của hệ thống nhà vườn Kim Long, chính quyền địa phương đã và đang thiết kế những mô hình khai thác sản phẩm du lịch nhà vườn một cách có hiệu quả, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, hứa hẹn sẽ là những điểm đến lý tưởng với du khách trong nước và quốc tế. Ngoài việc chuẩn bị chỗ ăn, ngủ chu đáo, du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua những hoạt động cộng đồng đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa làng cổ Kim Long. Vườn hợp thể với kiến trúc, che bớt những đường nét khô cứng, hạn chế của công trình, tạo nên sự hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên. Nét đặc trưng của nhà vườn Kim Long là tính pha tạp, đa chủng loại một cách có tính toán với các hệ cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu xứ Huế với những loài rau có thể sử dụng chế biến các món canh giàu chất dinh dưỡng trong các bữa cơm gia đình; những cây hoa phục vụ cho các buổi lễ cúng kỵ diễn ra thường kỳ tại nhà vườn; hoa lấy hương; cây dược liệu để trị bệnh hay làm gia vị; cây cảnh tạo thế, cây ăn trái... Ngoài ra, gia chủ cũng kết hợp trồng các loại cây lấy gỗ nguyên liệu xung quanh vườn để tạo bóng mát quanh nhà. Ngày nay, cho dù diện mạo nhà vườn Kim Long đã có những thay đổi trong quá trình đô thị hóa, vẫn còn đó những ngôi nhà vườn danh tiếng hàm chứa biết bao điều kỳ bí cần phải khám phá, để du khách được cảm nhận một cách trọn vẹn thần thái, lối sống của người Huế. Nhà vườn ở Kim Long thành hình do tài năng, trí tuệ và công sức của những người thợ tài hoa và sử dụng những vật liệu địa phương quý hiếm, nó không chỉ là thành tựu của sự chọn lọc những giải pháp tối ưu trong xử lý kỹ thuật mà còn là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ.
Phần lớn ảnh chụp ở tư thất An Hiên của bà Lan Hữu.
Tiết Thanh Minh 2019
Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/

Nhạc sĩ Leonardo Da Vinci (1452 -1519)

Nhạc sĩ Leonardo Da Vinci
(1452 -1519)
Leonardo Da Vinci

Leonardo da Vinci là một họa sĩ và khoa học gia nổi tiếng. Mọi người biết đến thiên tài đa dạng của ông, nhưng tư tưởng và hoạt động âm nhạc của ông chưa được nghiên cứu một cách nghiêm túc và có hệ thống. Nhân kỷ niệm 500 năm ông từ trần, người viết thử tìm hiểu khía cạnh này của ông để có một cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về người nghệ sĩ tài hoa lỗi lạc. 
Thật ra ông quan tâm rất sâu rộng đến âm nhạc. Ông trình diễn và dạy nhạc, đặc biệt là về âm học, với những thử nghiệm ảnh hưởng lớn đến âm nhạc. Ông trăn trở về thời gian âm nhạc. Ông sáng chế một số nhạc cụ độc đáo cũng như canh tân nhạc cụ sẵn có. Ông có suy nghĩ mới lạ về triết lý âm nhạc rất mật thiết với triết lý hội họa của ông. Trong Paragone, phần dẫn nhập của khảo luận về hội họa, ông xếp âm nhạc đứng thứ hai sau hội họa, trên cả thi ca. 
Không thấy có tư liệu về giáo dục âm nhạc của Leonardo ở Florence, nhưng điều có ý nghĩa là ông lớn lên trong xưởng họa của Andrea del Verrocchio, và ông này còn là một nhạc sĩ. Nguồn tiểu sử sớm nhất của Leonardo, Annonimo Gaddiano, thế kỷ XVI, có nhắc đến Leonardo như một nhạc sĩ: 
"Ông nói năng lịch sự, và là một nghệ sĩ đàn lira nổi tiếng. Ông là thầy dạy đàn lira cho Atalante Migliorotti. Lorenzo il Magnifico phái ông cùng với Atalante Migliorott tới Quận Công Milan để dâng quà tặng là một đàn  lira, vì ông là một người trình diễn đàn lira rất độc đáo". 
Đàn lira da braccio (hơi giống đàn violon, nhưng gồm 7 dây, cần đàn  rộng hơn và cầu đàn thấp hơn) thời Trung Cổ là nhạc cụ thịnh hành để ứng tấu. 
Vasari trong sách Le Vite (Cuộc Đời Các Nghệ Sĩ) cũng ghi rằng Leonardo "dành nhiều nỗ lực cho âm nhạc; trên hết là quyết tâm học chơi đàn lira, vì bẩm sinh ông có một  tâm hồn cao nhã; ông hát xuất thần không cần chuẩn bị, ứng tấu đệm nhạc trên  đàn lira". 
Vasari cũng ghi rõ rằng sau khi Lodovico Sforza lên làm Quận Công Milan, Leonardo rất nổi tiếng lúc đó, đã được phái đến trình diễn vì "Quận Công rất thích tiếng đàn lira, và Leonardo đã mang đàn do chính tay mình thiết kế, phần lớn làm bằng  bạc, hình sọ ngựa - mới lạ, dị kỳ - để cho có tiếng kêu lớn hơn. Nhờ vậy ông vượt hẳn các nhạc sĩ khác cùng trình diễn lúc đó. Ngoài ra, ông còn là người ứng tấu giỏi nhất  đương thời". Quả thực, thời đó chơi nhạc có nghĩa là hát giai điệu buồn và đệm đàn ứng tấu sâu lắng. Với tài ứng tác điêu luyện, ông đúng là một siêu sao đương thời, giống như Jimi Hendrix và các nhạc sĩ blue của thời hiện đại.
Portrait of a Musician by Leonardo Da Vinci
Nhà toán học Luca Pacioli mà sách De Divina Proportione của ông được Leonardo tham khảo để vẽ những hình kỷ hà, cũng mô tả Leonardo như là một nhạc sĩ. Họa sĩ Giovanni Paolo Lomazzo cũng xưng tụng ông là bậc thầy xuất sắc về đàn lira. Nhạc sĩ Gaffurius có lẽ là người trong bức chân dung Portrait of A Musician của Leonardo (mặc dù có người cho rằng trong tranh chính là  Leonardo vì giống ông và ông cũng là nhạc sĩ), thân với ông và thường cho  ông mượn sách. Khi so sánh nhạc cụ hơi và thanh quản, ông có nhắc đến sách về các nhạc cụ, có lẽ là muốn nói đến quyển De Harmonia Musicorum Instrumentorum của Gaffurius. 
Có nhiều lý do khiến phương diện âm nhạc của Leonardo chưa được nghiên cứu và đánh giá đầy đủ. Nhà lịch sử nghệ thuật ít để ý đến âm nhạc thời Trung Cổ  vì kỹ thuật chưa cao và nhạc cụ còn thô sơ, nhạc chưa phổ thông đại chúng. Nhà lịch sử âm nhạc cũng ít nhắc đến nhạc sĩ không để lại tác phẩm nào. Tuy nhiên, mặc dù không được đề cập nhiều trong các sách âm nhạc, nhưng ứng tác trình diễn  là một mảng hoạt động âm nhạc khá phổ biến và đòi hỏi tài năng đặc biệt, như thấy  trong nhiều bức tranh vẽ nhạc cụ ứng tấu trong tay thiên thần, vua  David, nhân vật huyền thoại như Apollo, Orpheus, Amphion cũng như các Nữ Thần Nghệ Thuật. 
Suy nghĩ về âm nhạc của Leonardo nằm rải rác trong các sổ tay ghi chú (notebook), từ các ý nghĩ bất chợt, bên lề đến hoạch định nghiên cứu đàng hoàng, cùng là kết quả của giả thuyết, thử nghiệm đã phần nào chứng nghiệm. Phải nắm được kỹ thuật và khoa học tự nhiên thời đại ông mới có thể hiểu rõ các ghi chép này. Xem xét có hệ thống và liên kết chúng với nhau cho thấy ông rất quan tâm đến âm nhạc.
Mechanical Drum by Leonard Da Vinci
Leonardo thường tự coi mình là một người không được học hỏi chính quy (uomo sanza lettere). Ông không phải là nhà nhân bản hoặc triết gia theo nghĩa triệt để. Về lý thuyết âm nhạc cổ xưa thì chỉ thấy âm vang nhè nhẹ của Pythagoras và Boethius trong sổ tay của ông. Ông tìm hiểu nguồn gốc của âm thanh. Đâu là tính chất của âm thanh phát ra từ thổi hơi? Ông khảo sát tương tác âm thanh giữa hai vật thể, mở rộng khái niệm của Pythagoras. Ông nghiên cứu hiện tượng dao động âm thanh và dao động đồng cảm, và nhận thấy gõ một vật thể làm nó dao động và truyền dao động này đến không khí chung quanh hoặc chất lỏng hay chất rắn khác.
Ông nhận định lan truyền của sóng âm thanh khác sóng ánh sáng, nghiên cứu phản xạ, khúc xạ của sóng âm, và hiện tượng âm vang (echo), tốc độ của âm thanh, các yếu tố quyết định cường độ âm thanh mạnh yếu. Đặc biệt trong lãnh vực này là ông đã thiết lập được cái gọi là luật "phối cảnh âm thanh" (perspective of sound), nghĩa là nhỏ dần của âm thanh tỷ lệ với quãng cách giữa tai và nguồn âm, tương tự  như luật phối cảnh trong hội họa. Ông suy nghĩ về tỷ lệ trong âm nhạc vượt ra ngoài lý thuyết cổ truyền về quãng âm (interval) và di sản của Pythagoras. 
Là nhạc sĩ dĩ nhiên ông quan tâm đến các yếu tố quyết định cao độ của âm thanh (pitch) và thử nghiệm với những chiếc bình có hình dạng khác nhau, miệng rộng khác nhau. Ông đã tiên đoán từ ba thế kỷ trước, khi Chladni (thế kỷ  XVIII) tìm ra rung động cộng hưởng trên một mặt phẳng tạo nên những miền dao động nghịch hướng, qua thí nghiệm: kéo cây cọ vĩ cầm dọc mép một đĩa thủy tinh dúi trong cát sẽ thấy hình kỷ hà hiện trên mặt cát. 
Leonardo nghiên cứu về cơ thể học nên hiểu rõ cấu trúc và chức năng của bàn tay nhạc sĩ. Mổ xẻ bộ phận hô hấp của súc vật giúp ông có những hiểu biết lý thú về phát âm giọng hát, mặc dù thiếu các hóa chất bảo trì khiến ông không thể biết nhiều hơn về thanh đới (vocal cord). Có lẽ cũng vì thế nên không thấy ông nói đến cái nội nhĩ (inner ear). Ông có bàn đến các cơ quan phát âm ngoại vi, như bắp thịt trên mặt, miệng và lưỡi, cũng như tương tác giữa chúng. Hiểu biết về lưỡi cho  phép ông khảo sát cao độ của giọng, so sánh chức năng của khí quản giống như của nhạc cụ hơi (vd. ống đàn phong cầm hay trompet trượt - một loại trumpet có ống trượt như trombone). Có người còn cho ông là tác giả của De Vocie, một khảo luận về giọng hát, nhưng cũng có người cho là không phải. Theo ông, âm nhạc phù du, là cái đẹp lướt qua nhanh. Ứng tác trình diễn là chính và hình như ông có để lại vài câu nhạc. 
Nắm vững kỹ thuật khiến ông có thể kiến tạo nhạc cụ mới và cải tiến nhạc cụ cũ. Sổ tay ông có rất nhiều hình các nhạc cụ như vậy, từ phác thảo sơ khởi rất  khó ước đoán nó sẽ hình thành ra sao, đến chỉ dẫn chi tiết đầy đủ để thực hiện nhạc cụ trong xưởng. Tất cả cho thấy ông làm việc có hệ thống nhắm mục đích: tự động hóa một số nhạc cụ và sử dụng rộng rãi kích thước khác nhau của phím đàn (keyboard) để thao tác trình diễn được dễ dàng; gia tăng tốc độ chơi đàn; mở rộng  giới hạn âm thanh như chơi giai điệu trên trống; khắc phục tình trạng  âm thanh của  tiếng đàn khẩy thường chóng tắt tiếng, không ngân lâu.
Viola organista by Leonard Da Vinci
Ông đã thiết kế sáo trượt, sáo có hệ thống nút bấm như Boehm phát minh ba thế kỷ sau, chuông với cao độ âm thanh khác nhau, trống có thể thay đổi cao độ tùy theo trình diễn hoặc có thể chơi cả hợp âm. Đặc biệt là đàn viola organista, một đàn phím mà dây của nó được khởi phát dao động bởi một ma sát không ngừng, nghĩa là kết hợp chức năng của harpsichord và cello, cho phép chơi đa thanh với cường lực khác nhau, thật đúng như là một dàn nhạc dây điều  khiển  bởi 10 ngón tay. Ông luôn luôn cố gắng tạo nhạc cụ có thể chơi nghe như nhiều nhạc cụ phối hợp. 
Thư Viện Quốc Gia ở Madrid năm 1967 có trưng bầy 2 sổ tay của ông, gồm 700 trang, cho thấy các ý nghĩ tân kỳ về cấu tạo nhạc cụ. Trong đó có vẽ các kiểu bễ mới cho đàn organetti và đàn phong cầm thính phòng, cũng như bản vẽ khác của đàn viola organista, và đàn viola a tasti (kiểu đàn phím mà các dây thao tác trên những phần gồm các bánh xe răng cưa). 
Năm 2013 nhà làm đàn Balan Slawomir Zubrzycki mất 5000 giờ để thực hiện đàn viola organista. Đàn gần như một kết hợp harpsichord, phong cầm và viola da gamba, với các dây bằng thép đè trên 4 bánh xe răng cưa bọc lông ngựa (nhờ thế tiếng đàn ngọt êm), chức năng như cây cọ, chuyển động nhờ bàn đạp chân của người trình diễn. Đàn gồm 49 phím và âm vực từ F1 đến F5. 
Suy nghĩ sáng tạo và sâu sắc của Leonard về âm nhạc có thể dễ hiểu hơn nếu ta biết rằng ông đã định nghĩa âm nhạc như là định hình của cái vô hình (figurazione delle cose invisibili).
Phạm Đức Thân
Nguồn: Emanuel Winternitz
Theo http://chimvie3.free.fr/

Chơi Bà Nà

Chơi Bà Nà

Lên khu nghỉ dưỡng Bà Nà ở ngoại ô thành phố Đà Nẵng, du khách dễ dàng cảm nhận bốn mùa luân chuyển trong một ngày đêm: sáng xuân, trưa hạ, chiều thu, tối đông. Và còn gì nữa?.

Mùa hè 2003, gặp tôi ở khách sạn Sông Hàn, nhà báo Phạm Phúc - thư ký tòa soạn tạp chí Du lịch thành phố Đà Nẵng - vồn vã:
- Anh Phanxipăng chơi Bà Nà lần nào chưa? Chưa hả? Vậy hãy đi đi. Mùa hè, khi nhiệt độ tại trung tâm Đà thành nóng bức 320C thì trên Bà Nà ban ngày chỉ xê xích 20~250C và ban đêm còn 170C.
Xuôi quốc lộ 1A, chúng tôi tới cầu An Lợi. Từ đó, ô tô vượt thêm 39km đèo dốc nữa là đến đèo Vọng Nguyệt. Bước vào cabin cáp treo, chúng tôi "bay" 800m trong 3 phút để đặt chân lên đỉnh Bà Nà có độ cao 1.478m so với mặt biển. Hệ thống cáp treo này do Công ty Doppelmayr của Áo thực hiện với tổng kinh phí 22,5 tỉ đồng, khánh thành cuối tháng 3-2000. Cáp treo, vé một lượt giá 25.000đ, vé khứ hồi chỉ trả 35.000đ.
XUẤT HIỆN, KHUẤT BÓNG, RỒI HỒI SINH
Núi Bà Nà được nhìn từ cảng Đà Nẵng. 
Nguồn: BAVH 1924
Từ tháng 2-1900, đại úy bộ binh Marine Debay được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer giao nhiệm vụ: thám sát dãy Trường Sơn trong vòng bán kính 150km tính từ Đà Nẵng ra Huế nhằm tìm điểm nghỉ mát, dưỡng sức và chữa bệnh tại chỗ cho Pháp kiều thay phải về chính quốc nghỉ phép hằng năm vừa xa xôi, vừa khó khăn, vừa tốn kém. Sau nhiều đợt thăm dò thực địa đầy gian nan, đến tháng 11-1901, Debay báo cáo đã xác định được vị trí thích hợp tại vùng cao Túy Loan. Đó là núi Lô Đông, tức Bà Nà - tên gọi theo tiếng dân tộc Bana.
Công cuộc kiếm tìm và tiến trình xây dựng Bà Nà thành nơi nghỉ dưỡng ở miền Trung nước Việt, cùng những đặc điểm của khu vực này về khoáng sản lẫn lâm sản, về khí hậu - thời tiết, về vệ sinh - y tế, về địa chất và động thực vật, v.v..., từng được Henri Cosserat, A. Sallet, L. Gaide trình bày chi tiết trong bài La montagne de Bana, station d’altitude de l’Annam central (1) trên tờ Bulletin des Amis du Vieux Hué (2) năm 1924. Bác sĩ Sallet cũng ghi nhận rằng thuở xa xưa, Nguyễn Ánh - tức vua Gia Long về sau - từng đến đây hạ trại thâu nạp những người dân tộc thiểu số trung thành và một bà phi của Nguyễn Ánh đã khai khẩn 50ha đất canh tác tại đây trong giai đoạn chống chọi quân Tây Sơn. Còn bác sĩ Gaide nêu nhận định: "Bà Nà thật sự không thua kém gì các nơi an dưỡng khác về sự mát mẻ của khí hậu, sự tốt tươi của cảnh sắc, sự thích thú của vui chơi, và nhất là nó rất cần thiết cho sự nghỉ ngơi khoan khoái của người Âu châu tại Huế, Đà Nẵng, lẫn các địa phương lân cận".
Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896-1992; họ tên thật Huỳnh Thị Thái, quê xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang) là một trong những phụ nữ Việt Nam đầu tiên sáng tác tiểu thuyết bằng chữ quốc ngữ - cuốn Tây phương mỹ nhơn xuất bản năm 1927 (3). Sau chuyến nghỉ mát cùng gia đình tại Bà Nà, Huỳnh Thị Bảo Hòa đã viết Bà Nà du ký đăng tạp chí Nam Phong số 163 phát hành tháng 6-1931. Du ký nọ ghi nhận thêm chi tiết: hồi bấy giờ, thực dân Pháp còn xây dựng cả "Nhà giam tù quốc phạm" tại vùng núi cao này.
Ngày 28-7-1932, kỹ sư Girald phát hiện một điểm cao lý tưởng kế bên Bà Nà: núi Bạch Mã thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên. Những năm 1942-1946, trên mặt bằng 900ha ở Bạch Mã đã liên tiếp mọc lên 139 lâu đài sang trọng của các quan chức người Pháp cùng các danh gia vọng tộc Nam triều. Bấy giờ, tuy nhỏ thua Bạch Mã, Bà Nà cũng đã trở nên thị tứ đảm bảo tiện nghi cho du khách như điện, nước, đường sá, trạm y tế, nhà bưu chính, sân vận động. Tập đoàn Grand Hôtel - có khách sạn cao nhất thế giới ở Las Vegas (Hoa Kỳ) đã được ghi vào sách kỷ lục Guiness - bấy giờ cũng đầu tư xây dựng khách sạn tại Bà Nà mà dấu tích hiện vẫn còn. Ngoài khách sạn phía đầu cầu Trường Tiền ở Huế, anh em Morin còn tạo lập thêm khách sạn trên Bạch Mã và Bà Nà.
Một nhóm biệt thự ở Bà Nà gồm các nhà gỗ
mang tên Thụy Sĩ, Nước Đá, Sức Khỏe, Mỹ Quan. 
Nguồn: BAVH 1924
Sau Cách mạng tháng 8-1945, Pháp rút khỏi Đông Dương, Bà Nà vắng bóng người. Khi thực dân Pháp lăm le tái chiếm Việt Nam, quân dân các huyện Đại Lộc và Hòa Vang theo chủ trương tiêu thổ kháng chiến đã triệt hạ thị trấn Bà Nà. Từ đấy, khu nghỉ mát này biến thành bình địa hoang phế, rồi dần bị cây rừng trùm lấp suốt thời gian dài.
Mãi tới năm 1992, Công ty Du lịch - dịch vụ Đà Nẵng (Danatours) đề xuất dự án khôi phục khu nghỉ mát Bà Nà nhưng bất thành vì thiếu nguồn tài chính. Tháng 4-1997, Sở Du lịch Đà Nẵng trình dự án tương tự, kêu gọi đầu tư xấp xỉ 60 triệu USD. Ngày 11-10-1997, UBND TP. Đà Nẵng ban hành quyết định số 3754 phê duyệt dự án đầu tư tái thiết tuyến đường lên núi Bà Nà, cắm mốc hồi sinh cho một điểm du lịch đầy triển vọng. Đầu năm 1998, UBND TP. Đà Nẵng ra tiếp quyết định xây dựng lại khu nghỉ mát Bà Nà và giao Danatour quản lý, khai thác. Ngày 1-9-1998, khu nghỉ mát Bà Nà tiến hành lễ khai trương.
Ông Nguyễn Hồng Duy Phượng – Giám đốc Trung tâm du lịch Bà Nà trực thuộc Danatours – cung cấp cho tôi vài số liệu:
- Hiện nay, Danatours thường xuyên đón khách lên chơi Bà Nà theo 2 chương trình. Chương trình gói trọn trong ngày với giá 150.000đ/ khách nội địa, hoặc 15USD/ khách nước ngoài. Chương trình 2 ngày 1 đêm với giá 265.000đ/ khách nội địa, hoặc 30USD/ khách nước ngoài. Thời gian qua, lượng du khách tới Bà Nà không ngừng tăng. Năm 2000, đón 20.000 lượt khách. Năm 2001, đón 35.000 lượt khách. Năm 2002, số khách tăng gấp bội năm trước, là 70.000 lượt khách.
HÔM NAY VÀ NGÀY MAI
Là người từng nhiều chuyến "ăn dầm, nằm dề" trên ngọn Bà Nà để săn hình, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Lạc cười nói với tôi:
- Đã lên Bà Nà mà theo tour đi về trong ngày, cầm bằng ở nhà quách! Chơi Bà Nà, bét nhất cũng phải sống trọn vẹn hai ngày một đêm. Lâu hơn càng "phê". Rứa mới cảm nhận đủ đầy lắm thứ tê mê chánh hiệu Bà Nà chớ.
Trên đỉnh Bà Nà giờ đây có những cơ sở lưu trú được tạo lập theo nhiều dạng thức: biệt thự (villa), khách sạn (hotel), nhà nghỉ (rest houses), nhà sàn (bungalow). Nếu thích, du khách cũng có thể tự tay căng bạt cắm trại để ngả lưng ven rừng. Thức ăn cùng các loại nước giải khát đã có nhà hàng cùng quầy bar gần bên cầu treo sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào. Câu lạc bộ ở đây cũng bố trí một số phương tiện để khách giải trí sau những giờ băng ngàn lội suối: billard, roton, karaoke, trò chơi điện tử, v.v...
Đối tượng khiến tôi chú ý đầu tiên khi đặt chân lên đỉnh Bà Nà là loài hoa đặc hữu nơi này: những đoá hoa hình dạng tợ quả chuông, nở thành chùm màu hồng, thoải mái đong đưa giữa gió và sương mù, nom đẹp lạ!
Giám đốc Nguyễn Hồng Duy Phượng cho biết:
- Hoa đào chuông đó. Hầu như chỉ Bà Nà mới có loài hoa đào độc đáo đó. Đã tốn công đưa giống xuống chân núi trồng thử, vẫn không sống nổi. Hoa đào chuông trổ bông rộ nhất vào dịp Tết Nguyên đán, ai nhìn cũng... ngẩn ngơ.
Tôi reo vang:
- Ồ! Thế thì tại sao khu nghỉ mát Bà Nà không chọn hình ảnh hoa đào chuông làm biểu tượng riêng nhỉ?
Loài thực vật này được định danh khoa học Enkianthus quinqueflorus Lour. thuộc họ Đỗ quyên (Ericaceae) (4). Do đó, gọi đỗ quyên chuông ắt phù hợp hơn đào chuông. Nhiều người gọn hoá nên hoa chuông. Tên khác là trợ hoa. Kỳ thực, Bạch Mã ở tỉnh Thừa Thiên - Huế cùng một số địa phương khác trên toàn quốc cũng có loài hoa này sinh sống. Đất nước Trung Hoa cũng có nhiều cây này, với tên 吊鐘 - bính âm phát diào zhōng, âm Hán Việt phát điếu chung.
Chiều buông. Sương giăng mỗi lúc một đậm đặc. Không khí dần se lạnh, khiến mọi người phải quàng thêm áo ấm. Chúng tôi quây quần trên vuông sân trước bungalow, đốt lửa, chuẩn bị đêm rượu cần. Ngước nhìn xa xa về hướng đông, thấy một quầng sáng lấp lánh: phố phường Đà Nẵng vừa lên đèn.
Khuya. Rét cóng. Nhiệt độ nơi đây lúc thấp nhất đo được 110C. Phạm Phúc giục:
- Vô bungalow trùm mền nằm ngủ thôi. Giành sức để mai còn trèo núi Chúa mí lỵ tắm thác Tóc Tiên.
Du hý Bà Nà mùa hè 2003. 
Phải qua: Trương Công Ánh, Nguyễn Đình Lạc, Phạm Phúc, 
Phanxipăng, Trần Minh Trị
Sớm tinh mơ. Chúng tôi hào hứng rẽ sương mù, đạp mây, vạch cỏ cây, leo lên núi Chúa ngắm bình minh. Trong Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, núi Chúa được ghi bằng các tên Chủ Sơn, Giáo Lao và Giáo Đao, kèm dòng giải thích: "Vì hình núi nhọn như ngọn giáo mác nên gọi thế".
Đứng trên đỉnh núi Chúa, tha hồ phóng tầm mắt quan sát toàn cảnh bức tranh thiên nhiên cực kỳ hoành tráng: từ cù lao Ré (huyện đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi), cù lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp ngoài khơi Hội An của tỉnh Quảng Nam), Ngũ Hành Sơn (Non Nước), Vũng Thùng (vịnh Đà Nẵng), đến các cánh đồng, cồn cát, cùng đầm phá duyên hải Thừa Thiên - Huế. Ngoái sang hướng tây, du khách có thể trông thấy đỉnh A Tuất cao nhất vùng (2.500m) nhô lên trên rặng Trường Sơn, giữa biên giới Việt - Lào.
Ông Nguyễn Văn Đến - Trưởng ban quản lý khu du lịch Bà Nà - gợi ý:
- Khu du lịch này, hồi trước gọi Bà Nà - núi Chúa, nhưng nay đổi thành Bà Nà - suối Mơ. Quý vị đã cất công tới Bà Nà, đương nhiên gặp núi Chúa. Phải quay ngược một đoạn kể từ cầu An Lợi để tham quan suối Mơ, kẻo bỏ qua thì... tiếc lắm!
Tuyến suối Mơ mới mở, bao gồm chuỗi suối Mơ - hồ Thùy Dương - thác Kim Hiền - thác Tóc Tiên trải dài quanh co giữa đại ngàn hoang dã, thu hút khá đông học sinh và sinh viên đến du ngoạn cuối tuần. Dưới chân thác Tóc Tiên, mặc dầu có bảng cảnh báo "Khu vực nguy hiểm - Xin đừng leo lên thác", nhưng tôi vẫn thấy mấy đôi nam nữ bám gờ đá, leo lên cao tít.
Một nhân viên bảo vệ ở đây lắc đầu bực dọc:
- Nói mỏi miệng, họ vẫn không thèm nghe. Chỉ sơ sểnh tí ti là trượt chân, cả đôi lôi nhau từ đỉnh thác lao tuột xuống... chín suối. Phút đó mà hối, e quá muộn!
Giám đốc Nguyễn Hồng Duy Phượng trưng mấy phép so sánh (mà bác sĩ Sallet từng nêu trong BAVH 1924) cốt làm nổi bật những ưu thế của khu nghỉ mát Bà Nà:
- So với những nơi nghỉ mát nổi tiếng khác ở nước ta, như Đà Lạt hoặc Tam Đảo, thì Bà Nà có điểm thú vị được nhiều người khen ngợi: tầm nhìn bao quát cả một vùng không gian rộng lớn. Bà Nà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng không xa, chỉ 40km, trong khi điều kiện giao thông hiện nay khá nhanh chóng và tiện lợi.
Tôi hỏi:
- Vậy so Bà Nà với Vườn quốc gia Bạch Mã kề bên thì sao?
Ông Phượng đáp:
- Bạch Mã cách trung tâm cố đô Huế cũng chỉ 40km, nhưng do độ dốc cao nên đường ô tô từ Cầu Hai lên núi khúc khuỷu, phức tạp hơn. Nếu xét về cảnh quan, môi trường, nhiệt độ, khí hậu, đặc biệt là hệ thống động vật cùng thảm thực vật, quả thật Bạch Mã phong phú và đa dạng vượt trội. Năm 1991, Bạch Mã được công nhận là Vườn quốc gia với tổng diện tích 22.031ha, có nhiệm vụ chính là bảo tồn hệ sinh thái, bảo tồn nguồn gène thiên nhiên. Tuy rất giàu tiềm năng, Bạch Mã cũng chỉ khai thác du lịch xanh/ green tourism trong giới hạn nhất định. Còn Bà Nà đây lại là khu nghỉ mát, tổng diện tích 8.425ha thôi, chức năng chủ yếu là thỏa mãn nhu cầu nghỉ dưỡng, giải lao, giải trí cho các tầng lớp nhân dân và góp phần phát triển kinh tế du lịch - dịch vụ bằng nhiều loại hình hấp dẫn phù hợp.
Xem xét thực địa cũng như nghiên cứu bản đồ địa lý tự nhiên, dễ nhận ra rằng Bà Nà với Bạch Mã là một quần thể gắn bó chặt chẽ, bất khả phân ly. Hướng tới tương lai xa rộng, thiển nghĩ Bạch Mã - Bà Nà cần phối hợp xây dựng kế hoạch hành động đồng bộ, làm sao để vừa phát huy những giá trị thiên nhiên và văn hóa bản địa, vừa quản lý bền vững môi trường sinh thái, vừa thúc đẩy "Nền công nghiệp không khói" tiến triển đạt hiệu quả tối ưu. 
Chú thích:
1.  Núi Bà Nà, khu nghỉ mát trên cao ở Trung Trung Kỳ.
2. Tập san của Hội Những người bạn cố đô Huế, thường được gọi Đô thành hiếu cổ, viết tắt BAVH.
3. Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Trương Duy Hy, cùng tổ chức kỷ lục Việt Nam đều khẳng định Huỳnh Thị Bảo Hòa là phụ nữ Việt Nam đầu tiên dùng chữ quốc ngữ viết tiểu thuyết nhan đề Tây phương mỹ nhân vào năm 1927. Cần xét lại điều này, bởi nữ sử Đạm Phương đã dùng chữ quốc ngữ viết tiểu thuyết Kim tú cầu đăng nhiều kỳ trên tờ Trung Bắc Tân Văn từ 25-5-1923 đến 21-7-1923 rồi xuất bản thành sách năm 1928.
4. Cây đào trổ hoa vào dịp Tết Nguyên đán có tên khoa học Prunus persica (L.) Batsch thuộc họ Hoa hồng (Rosaseae).
Núi Bà Nà được nhìn từ cảng Đà Nẵng. 
Nguồn: BAVH 1924
Một nhóm biệt thự ở Bà Nà gồm các nhà gỗ 
mang tên Thụy Sĩ, Nước Đá, Sức Khỏe, Mỹ Quan. 
Nguồn: BAVH 1924
Du hý Bà Nà mùa hè 2003. 
Phải qua: Trương Công Ánh, Nguyễn Đình Lạc, 
Phạm Phúc, Phanxipăng, Trần Minh Trị
Phanxipăng tại nơi từng là khách sạn 
Morin trên núi Bà Nà hè 2003. 
Ảnh: Phạm Phúc
Phanxipăng ở Bà Nà, hậu cảnh là 
cầu treo, hè 2003. Ảnh: Phạm Phúc
Hoa đào chuông. 
Ảnh: Phanxipăng
Phanxipăng trên cầu Vàng ở Bà Nà xuân 2019
Ảnh: Mỹ Lan

Phanxipăng
Nguồn: Đã đăng trên tạp chí Thế Giới Mới 535 /12-5-2003
Theo http://chimvie3.free.fr/

 

Chùa Từ Đàm, nơi khởi xướng đấu tranh bảo vệ Đạo pháp

Chùa Từ Đàm, nơi khởi xướng
đấu tranh bảo vệ Đạo pháp

Từ Đàm quê hương tôi miền Trung
Sớm hôm chuông chùa nhẹ rung
Tiếng muôn đời hồn tổ tiên kiêu hùng
Ôi uy nghiêm bóng chùa Từ Đàm
Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng
Qua bao dông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn
Nguyễn Thông (Từ Đàm Quê hương tôi).

Một ngôi chùa được liệt kê vào danh sách các danh lắm thắng cảnh đất đế đô, lại là một nơi hoạt động náo nhiệt chính trị từ ngày Mặt trân Bình dân Pháp đạt chiến thắng năm 1936 lập một chính phủ đầu tiên với Léon Blum lãnh đạo đảng xã hội SFIO. Cũng vào năm ấy, chùa Từ Đàm trớ thành trụ sở hoạt động của An Nam Phật học hội (sau trở thành hội Phật học Trung Việt) và qua năm 1951 một đại hội toàn quốc ở chùa đặt nền móng cho Tổng hội Phật giáo Việt Nam thống nhất. Trong những năm đầu dành độc lập, bắt đầu từ những năm thập niên 60, từ chùa phát khởi những phong trào chống độc tài của những chính phủ liên tiếp miền Nam. Mùa hè 1963, bảo chí đưa tin chùa Từ Đàm bị phong tỏa. Từ cầu Nam Giao lên đến chùa, người qua lại bị lục soát hỏi giấy tờ ở mỗi hàng rào dây thép gai chặn đường, giữa những xe tăng, xe bọc sắt. Tấp nập Cảnh sát, Cảnh chính, máy ảnh trong tay, súng lục bên túi quần có lúc lẫn lộn với tín đồ trong sân chùa. Bên trong chùa, trong lúc các Ôn, các Thầy, các Cô, các Bác tụng kinh cầu nguyện, các đoàn thể thanh niên, sinh viên phật tử, học sinh phật từ, hướng đạo phật tử, gia đình phật tử họp bàn phân công canh gác, bảo vệ chùa với đùi gậy thô sơ, không biết mệt nhọc, không quản thì giờ. Sau một tuần chia sẽ vui, buồn, tuy lúc đầu không quen biết nhau, những Phật tử thấy gần nhau, thân yêu nhau hơn, cùng nhau chia sẻ khổ sở, vui mừng trong đại gia đình Phật giáo.Sau cuộc đàn áp của chính quyền buộc dân Huế hạ cờ Phật giáo, sau tuyên ngôn của các vị lãnh đạo đòi quyền bình đẳng xã hội, cuộc đấu tranh bảo vệ đạo pháp chuyển vào Sài Gòn, đặt trung tâm tại chùa Xá Lợi. Khởi xướng từ chùa Từ Đàm, phong trào đòi bình đẳng và tự do tín ngưỡng lan tràn ra quần chúng, quân binh, học sinh các trường trung học, sinh viên đại học rồi trở thành cuộc đấu tranh của sinh viên toàn quốc. Trước thái độ của chính phủ Ngô Đình Diệm tiếp tục đàn áp các chùa chiền, bắt bớ giam cầm chư tăng và đồng bào Phật tử, toàn quân, toàn dân nổi dậy, lật đổ chính quyền ngày 1.11.1963.
Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung (?-?), là người tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), thuộc thiền phái Lâm Tế đời thứ 34, đi theo Thiền sư Nguyên Thiều sang hoằng hóa ở Đàng Trong.Từ khi Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung khai sơn cuối thề kỷ XVII, qua tên chùa Ân Tôn, có ý nghĩa lầy sự truyền tâm làm tôn chỉ, chùa Từ Đàm bảo tồn và phát huy Phật giáo xứ Huế rồi cả miền Trung. Trong công cuộc truyền bá giáo pháp, vai trò của chùa rất quan trọng đối với mạng mạch Phật giáo Thừa Thiên Huế và cả Phật giáo Việt Nam. Chùa tọa lạc ở số 1 đương Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế. Ngay từ năm 1702 lúc ban đầu, Thiền sư Minh Hoằng đã đón một đệ tử, nhà sư Liều Quán, về sau trở thành một cao tăng Một năm sau, thiền sư cho trùng tu chùa. Ngay sau đấy chúa Nguyễn Phúc Chu ban cho chùa tấm biển Sắc Tứ Ấn Tôn Tự. Khi thiền sư tịch, theo lời phó chúc, một đệ tử của Ngài, thiền sư Việt Linh - Bửu Bạnh lên làm trù trì. Năm 1802, vào lúc nhà Tây Sơn bị đánh đổ, chùa Ấn Tôn cũng như nhiều chùa khác trong vùng bị hư hại nhiều. Mãi đến năm 1813 (Gia Long XII), Thiền sư Đạo Trung - Trọng Nghĩa mới lại có khả năng trùng tu chùa. Năm 1841, vua Thiệu Trị, do kỵ tên húy của vua là Miên Tông (hay Miên Tôn) đổi tên chùa Ân Tôn thành Từ Đàm có nghĩa đám mây lành của Phật pháp. Năm 1897 (Thành Thái IX) vua cho mở đường lên Nam Giao. Vì đường nầy xuyên qua khuôn viên chùa Từ Đàm, vua ban hành Thiền sư Thanh Hiệp - Tường Vân dời 5 bảo tháp của chùa chứa di cốt chư Tổ sang khuôn viên chùa Bảo Quốc cạnh bên. Nhân dịp nầy, chùa lại được trùng tu. Từ những năm thập niên 20, phong trào chấn hưng Phật giáo trên toàn quốc, chùa Từ Đàm trở thành trung tâm chấn hưng Trung Kỳ. Năm 1932, An Nam Phật học hội, sau đổi lại Hội Phật học Trung Việt, thành lạp ở Huế, chùa Từ Đàm được chọn làm trụ sở. Năm 1938, nhân đại trùng tu, đồng thời đúc tượng Phật Thích Ca, giảng đường, nhà tăng được xây dựng. Năm 1951, Gia đình Phật tử từ Gia đỉnh Phật Hóa Phổ từ 1943 mà ra, cùng lúc Hội Phật giáo Việt Nam thuộc Hội Phật giáo thế giới ra đời. Mười năm sau, chùa Từ Đàm trở thành trung tâm các hoạt động đòi quyền bình đẳng xã hội đồng thời bảo vệ đạo pháp.


Từ Đàm là mây lành. Đức Phật như mây lành, đem bóng mát đến cho thế gian. Trên bước đường Nam tiến của dân tộc, hãy tưởng tượng đến những người đầu tiên chọn đất dựng chùa. Trước mắt là đất mới, trên đầu là trời xanh. Có lẽ người đặt tên chùa đã tưởng tượng như vậy. Trên bầu trời xanh của nắng mới phương Nam, có bóng mây lành tỏa bóng im xuống mặt đất. Đây rồi, nơi bóng im này, ta sẽ dựng chùa. Đây rồi nơi bóng im này, tiếng lành của Đức Phật sẽ âm vang trên đất mới. Nhận định sâu sắc của anh Cao huy Thuần, đúng là của một Phật tử lớn lên với chùa cho đến thời tranh dấu 1963. Suy tư của anh còn sâu đậm thơ văn xứ Huế. Ai nghe trong tiếng chuông Từ Đàm sẽ thấy mây bay ba trăm năm trước, trăng tròn Phật đản ba trăm năm sau, và tiếng gió đong đưa trong lá cây bồ đề trước sân, như gieo tiếng an vui vào lòng mọi người. Từ Đàm thay đổi để Từ Đàm còn mãi. Những người mộc mạc như tôi, tuy là dân Huế, đi xa lâu ngày, chỉ biết Huế cũng như chùa Từ Đàm qua báo chí. Năm 1995, nhân theo nhà tôi về Huế tìm tài liệu cho luận văn, để biết thêm về hoạt động các chùa, tôi sử cô đi dự một buổi đọc kinh sáng chủ nhật ở chùa. Tưởng cũng chỉ dài khoảng một tiếng đồng hồ như lễ trong nhà thờ Công giáo ở Pháp, chúng tôi lại chùa Từ Đàm lúc 8 giờ sáng, không ngờ buổi đọc kinh kéo dài đến trưa. Nhà tôi quen dự thiền Zen nên dễ dàng ngồi luôn mấy giờ, tôi không quen nên phải đứng dậy đi tới đi lui. Hết mỗi chương sách tôi mừng tưởng đã dứt, không dè còn qua chương sau, hết cuốn sách lại trở về chương đầu... Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Nghe nói ban đầu chùa chỉ là một tịnh thất nhỏ làm bằng cây lá. Từ ngày ấy đến bây giờ chùa không ngớt trùng tu. Cổng tam quan ba ra lối vào, mái ngói thanh nhã, chẳng hạn chỉ được xây năm 1965. Phía sau cổng có cây bồ đề chiết ra từ cây nơi Phật đắc đạo do Trưởng lão Narada lấy giống từ cây bồ đề ấy tặng cho Hội Phật học Trung phần và trồng tại đây trong dịp sang thăm Huế năm 1939. Cùng đi với vị Trưởng lão ấy có bà Karpelès trong phái đoàn Phật giáo của Campuchia. Ngôi chánh điện rộng 7,4m, dài 18m, mặt tiền hướng về đông nam, năm 2006 được tái thiết và khánh thành năm 2012. Công trình mới rộng 35,9m, dài 42m, gồm có ba gian, hai chái, Tiền đường được xây trên nền móng bằng đá hoa cương, cao 1,5m; mái xây kiểu cổ lầu tạo cho ngôi chùa có hình dáng cao hơn bình thường. Ở các bờ mái và trên nóc chùa là những cặp rồng uốn cong, mềm mại đối xứng nổi lên trên những dãy ngói âm dương trông rất cân đối, hài hòa và đẹp mắt. Dưới mái cổ lầu là những bức tượng đắp nổi về sự tích đức Phật, bố cục gọn gàng trên các khung đúc. Dọc theo các cột trụ tiền đường là các bức câu đối dài nét chữ chạm khắc sắc sảo. Hai bên trái và phải sát với tiền đường có hai lầu chuông trống. Chuông chùa đúc vào thời Gia Long (1813), đề 4 chữ Ấn Tôn Tự Chung, nặng khoảng 300kg, hiện còn lưu trữ. Nhân đại lễ An vị Phật tổ chức năm 2007 chùa cho đúc một quả chuông khác, đề 4 chữ Từ Đàm Tự Chung, nặng 1500kg, hiện đang sử dụng. Phía bên mặt chánh điện là nhà khách và phòng Tăng. Ở giữa vườn tược nhà khách có tượng bán thân bằng thạch cao trắng của cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, người có nhiều công lao với chùa, với phong trào phục hưng và phát triển Phật giáo Trung Việt. Năm 2008, tháp An Tôn 7 tầng (mỗi tầng thở một tượng Phật) cao 27 được khởi công xây dựng ở sân chùa và khánh thành năm 2010.
Điện Phật trong chính điện được bài trí tôn nghiêm, nhưng đơn giản. Chính giữa chỉ thờ duy nhất một tượng Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát là Văn Thù và Phổ Hiền. Phía trên chánh điện có treo tấm biển sơn son thiếp vàng đề ba chữ Hán: Ấn Tông Tự. Hai bên tấm biển này là cặp câu đối cũng sơn son thiếp vàng. Ngoài ra, ở ngoài hiên chùa còn có cặp đối của nhà yêu nước Phan Bội Châu và của cư sĩ Tâm Minh. Năm 1938 chùa Từ Đàm được trùng tu theo đồ án do hoạ sư Tôn Thất Sa thiết kế. Đứng ngoài nhìn vào, có lầu chuông và trống hai bên, chính giữa là tiền đường không có cửa. Chỉ trước chính điện có ba cửa để vào Điện Phật, trên cửa giữa treo tấm biển lớn nền sơn đỏ chữ thếp vàng Thừa Thiên Tỉnh Hội. Chùa Từ Đàm vẫn được kiến trúc theo truyền thống, nghĩa là nóc chùa vẫn có đắp hai con rồng xoay đầu quay nhìn về mặt nã ở giữa đội pháp luân. Hai mái trên được lợp ngói âm dương. Các góc mái lợp trên và dưới đều có chạm đủ bộ tứ linh long, lân, quy, phụng được khảm sành sứ trông rất mỹ thuật. Bên trong chùa lại được kiến trúc theo kiểu chánh điện nối dọc với tiền đường, không có hậu tẩm, không có trụ cột, tạo mặt bằng rộng hơn, đơn giản hơn và kết hợp lối kiến trúc có vẽ hiện đại hơn; về sau trở thành là mô hình của các chùa Hội quán.Sau khi triệt hạ chùa cũ, ngày 10 tháng 6 năm Bính Tuất (2006) lễ đặt đá xây dựng chùa Từ Đàm được tổ chức long trọng. Đại trùng tu chùa Từ Đàm lần này rất quy mô và kiến trúc theo kiểu Trùng thiềm điệp ốc như các ngôi Tổ đình xưa. Chùa có một tầng hầm rất rộng dùng để sinh hoạt các Lễ Hội của chùa. Phía trên tầng hầm; ngoài sân đi vào phải bước lên 15 cấp xen giữa một cấp chờ, vẫn thấy có lầu chuông và trống hai bên, tiền đường chính giữa tương tự như chùa cũ. Nhưng kiến trúc theo kiểu nhà rường 5 gian 2 chái, tiền đường có 5 gian có 5 bức cửa bàn khoa, bên trong có 3 dãy kết cấu theo thứ lớp: tiền đường - chánh điện - hậu tẩm, mỗi dãy có nóc mái riêng, được lợp bằng ngói âm dương rất công phu và mỹ thuật. Trên mỗi nóc của 3 dãy ấy có hai con rồng chầu, đắp bằng sành sứ. Riêng nóc của tiền đường có đắp hai con rồng hồi, quay đầu nhìn vào mặt nạ đang đội pháp luân. Các góc cù giao mái trên có hình con rùa và các góc cù giao mái dưới có hình con phượng chân bước xuống, đầu quay lên, ở giữa mái trên và mái dưới có hình con lân đang chạy. Tất cả đều được đắp nổi, khảm sành sứ rất tinh tế và mỹ thuật. Dưới mái trước có năm khung chữ nhật bằng đá: khung chính giữa là bức hoành sao khắc lại theo bức hoành Ấn Tôn Tự của chùa xưa, còn bức hoành nguyên bản làm vào năm 1703 vẫn còn và đang được treo bên trong chánh điện. Bốn khung còn lại, mỗi bên hai khung chạm nổi hình ảnh sự tích đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Chùa Từ Đàm ngày nay là một ngôi già lam tráng lệ. Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Chính giữa thờ tượng đức Phật Thích Ca, hai bên có phù điêu hai vị Bồ tát Văn Thù và Phổ Hiền. Chùa có nhiều hoành phi và câu đối.
Trước hiên chùa, cặp đối do bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám soạn:
- Phật chính biến tri, vô lượng thọ, vô lượng quang, vô lượng công đức.
- Học chân thật nghĩa, như thị văn, như thị tư, như thị tu trì.
Nghĩa: 
- Phật là bậc Chánh Biến tri, Vô lượng thọ, Vô lượng quang, Vô lượng công đức.
- Học theo nghĩa chân thật, nghe như vậy, tư như vậy, tu trì như vậy.
Lê Đình Thám (1897-1969) là bác sĩ, pháp sư, cư sĩ Phật giáo và là nhà hoạt động hòa bình; quê làng Đô Mỹ/ La Kham nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh bộ Thượng thư Lê Đỉnh ở triều Tự Đức. Tốt nghiệp y sĩ Đông Dương (đậu Thủ Khoa) tại Hà Nội năm 1916, và sau đó y khoa bác sĩ năm 1930, ngạch Pháp quốc, tại Y khoa Đại học đường Hà Nội. Khi ra trường đúng lúc phong trào Duy Tân khởi nghĩa bị thất bại, bào huynh y sĩ Lê Đình Dương bị Pháp tù đày tại Buôn Mê Thuột, riêng ông bị tình nghi và luôn bị theo dõi. Từ năm 1916 đến năm 1923, ông được bổ nhiệm và làm việc tại các bệnh viện Hội An, Bình Thuận, Sông Cầu, Quy Nhơn, Tuy Hòa. Chính trong thời gian này, ông nghiên cứu thêm về triết lý Đông phương như Khổng, Lão và Phật giáo... Năm 1926, ông phụ trách điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam). Nhân một buổi viếng cảnh tại chùa Tam Thai tại Ngũ Hành Sơn, ông đọc được bài kệ của Tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa.
Trước hiên chùa, còn có cặp đối do cụ Phan Bội Châu tặng:
- Bát nhã bổn vô ngôn, ly tứ cú, tuyệt bách phi, ứng hóa tùy duyên thuyết vô lượng vô biên diệu pháp;
- Bồ đề tiên hữu nguyện, chứng tam minh, cụ ngũ nhãn, câu viên phước quả thành đại hùng đại lực từ tôn.
Nghĩa: 
- Bát nhã vốn không lời, rời bốn vế, trừ trăm không, ứng hóa tùy duyên, giảng diệu pháp vô lượng, vô biên;
- Bồ đề cần có nguyện, chứng tam minh, đủ năm mắt, tựu thành quả phúc, thành từ tôn đại hùng, đại lực.
Phan Bội Châu (1867-1940) là một danh sĩ và là nhà cách mạng Việt Nam, hoạt động trong thời kỳ Pháp thuộc. Vốn tên Phan Văn San, vì San trùng với tên húy vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu. Hai chữ Bội Châu trong tên của ông lấy từ câu: Thành trung nga mi nữ châu bội hà san san. Ông có hiệu là Hải Thụ, về sau đổi là Sào Nam. Tên gọi Sào Nam được lấy từ câu Việt điểu sào nam chi nghĩa là Chim Việt làm tổ cành Nam. Ông còn có nhiều biệt hiệu và bút danh khác như Thị Hán Phan Giải San, Sào Nam Tử, Hạo Sinh, Hiếu Hán... Sinh năm 1867 tại làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông nổi tiếng thông minh từ bé, năm 6 tuổi học 3 ngày thuộc hết Tam Tự Kinh, 7 tuổi ông đã đọc hiểu sách Luận Ngữ, 13 tuổi ông thi đỗ đầu huyện. Thuở thiếu thời ông đã sớm có lòng yêu nước. Năm 17 tuổi, ông viết bài Hịch Bình Tây Thu Bắc đem dán ở cây đa đầu làng để hưởng ứng việc Bắc Kỳ khởi nghĩa kháng Pháp. Năm 19 tuổi (1885), ông cùng bạn là Trần Văn Lương lập đội Sĩ tử Cần Vương (hơn 60 người) chống Pháp, nhưng bị đối phương kéo tới khủng bố nên phải giải tán. Gia cảnh khó khăn, ông đi dạy học kiếm sống và học thi. Khoa thi năm Đinh Dậu (1897) ông đã lọt vào trường nhì nhưng bạn ông là Trần Văn Lương đã cho vào tráp mấy cuốn sách mà ông không hề biết nên bị khép tội hoài hiệp văn tự (mang văn tự trong áo) và bị kết án chung thân bất đắc ứng thí (suốt đời không được dự thi). Sau cái án này, Phan Bội Châu vào Huế dạy học, do mến tài ông nên các quan đã xin vua Thành Thái xóa án. Nhờ vậy, ngay khoa thi hương tiếp theo, năm Canh Tý (1900), ông đã đậu đầu (Giải nguyên) ở trường thi Nghệ An.
Trong điện Phật, có cặp đối của cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu soạn: 
- Bát nhã bổn vô ngôn, ly tứ cú, tuyệt bách phi, ứng hóa tùy duyên thuyết vô lượng vô biên diệu pháp;
- Bồ đề tiên hữu nguyện, chứng tam minh, cụ ngũ nhãn, câu viên phước quả thành đại hùng đại lực từ tôn.
Nghĩa: 
- Bát nhã vốn không lời, rời bốn vế, trừ trăm không, ứng hóa tùy duyên, giảng diệu pháp vô lượng, vô biên;
- Bồ đề cần có nguyện, chứng tam minh, đủ năm mắt, tựu thành quả phúc, thành từ tôn đại hùng, đại lực. 
Thích Thiện Siêu (1921-2001) là một vị hòa thượng lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tên thật Võ Tọng Tương, sinh trong một gia đình mộ đạo Phật ở làng Thần Phù, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 14 tuổi (1935), Thầy xuất gia học học Phật pháp tại chùa Trúc Lâm, Huế. Năm 23 tuổi (1944), Thầy trở thành giảng viên của trường Phật học nói trên. Từ năm 1950 đến năm 1955, Thầy được cử làm Chánh Hội trưởng Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên. Thầy được cử làm Đốc giáo Phật học đường Trung Việt tại chùa Hải Đức, Nha Trang. Năm 1962, Thầy trở lại Huế và làm giảng viên Phật học và tham gia công tác của Tổng trị sự Phật giáo Trung phần và Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên - Huế. Năm 1963, Thầy bị Chính quyền bắt giam vì phản đối chính quyền này đàn áp Phật giáo. Đến khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Thầy mới được thả. Thầy tham gia giảng dạy các lớp Phật học ở nhiều tỉnh miền Trung. Từ năm 1973 đến năm 1974, Thầy được cử giữ chức vụ Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Hải Đức, Nha Trang. Từ năm 1981 đến năm 1984, Thầy được mời giảng dạy tại Trường Cao cấp Phật học ở chùa Quán Sứ. Từ năm 1984 đến năm 1988, Thầy được cử làm Phó hiệu trưởng Trường Cao cấp Phật học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1988, khi Viện Nghiên cứu Phật Học Việt Nam được thành lập, Thầy được cử làm Phó Viện trưởng. Từ tháng 4-1987 đến khi qua đời, Hòa Thượng được bầu vào Đại biểu Quốc hội liên tiếp ba khóa VIII, IX và X. Từ năm 1994 đến năm 2001, Giáo hội cử Hòa thượng làm Hiệu trưởng Trường Cơ Bản Phật học (nay là Trường Trung cấp Phật Học), Thừa Thiên - Huế. Năm 1997, Hòa Thượng được Giáo hội cử làm Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế và đảm nhiệm vị trí này cho đến ngày qua đời. Trưởng Lão là tác giả và đồng tác giảm một số tác phẩm về Phật học và nhiều bài biên khảo, đã dịch một số kinh điển Phật giảo ra tiếng Việt.

Tâm Minh
Lê Đình Thám

Hòa thượng
Thích Thiện Siêu

Sào Nam
Phan Bội Châu

Chùa Từ Đàm được khai sáng vào hát triển Đạo pháp và Dân tộc Việt Nam.
Đầu thế kỷ XX, qua các Phật sự Xã hội, Văn hóa, Giáo dục, Nghệ thuật và Kiến trúc Phật giáo chùa này trở thành trung tâm Phật giáo quan trọng của cả nước, đặc biệt 13 tỉnh miền Trung. Hơn thế nữa, chùa Từ Đàm cũng là nơi in đậm các diễn biến lớn của lịch sử Phật giáo Việt Nam. 
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, chùa Từ Đàm đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử. Vì vậy, năm 2006 chùa đã được trùng tu quy mô hơn, rộng lớn hơn để đáp ứng các nhu cầu Phật sự cho mọi sinh hoạt của chư Tăng Ni tại Thừa Thiên - Huế và Phật tử các giới trên mọi miền đất nước.
Mùa Vu Lan 2018
Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...