Thứ Ba, 31 tháng 1, 2023

Ngày thích hợp đáp lời

Ngày thích hợp đáp lời

Con chó bỏ đi đến ngày thứ năm thì Trương bắt đầu đi tìm. Thực ra trước đó anh cũng có chút sốt ruột, nhưng nó đã nhiều lần như vậy.
Bằng cách nào đó, Lucy thỉnh thoảng lại đi khỏi nhà, sau khi để lại vài dấu chân trên mép bàn ăn, bệ cửa sổ. Thảm chùi chân trước hiên thì nhàu bét, như thể nó đã xả một cơn tức giận trước khi rời đi. Lần nào nó cũng bỏ đi trong lúc Trương còn đang ở chỗ làm việc. Sau một ngày dài, anh trở về nhà khi trời đã chạng vạng. Nhà yên ắng lúc anh vừa mở cửa, vậy là anh biết nó đã chuồn đi. Lần này thì khác, nó đã đi lâu hơn các chuyến đi trước đó.
Nhà văn trẻ Nguyễn Lê Vân Khánh
Chiều muộn, anh trở về nhà một lần nữa trước khi thật sự đi tìm. Trương mở khóa và đẩy cửa, trong lòng dấy lên nỗi uể oải khó cưỡng. Anh cất tiếng gọi:
– Lucy?!
Nếu đang ở trong nhà, nó sẽ cọ bàn chân xuống sàn kêu lục cục và hí vài tiếng trong cổ họng lúc anh còn đang loay hoay mở chìa khóa. Nếu không, rõ là phải đi vài nơi rồi.
– Này em có thấy con Lucy đến không?
Trương vẫn đứng ở bậc cửa và gọi điện thoại.
– Con Lucy không thể tự mình bắt xe đến nhà em được. Không hiểu sao cứ thỉnh thoảng anh lại gọi hỏi em có thấy con Lucy đến không?!
Đầu dây bên kia có chút gắt gỏng. Tuy nhiên Trương thấy chẳng có gì khó hiểu. Nàng đã từng ở nhà anh suốt ba tháng trời, khi đó con Lucy còn nhỏ. Và khi nàng rời đi, con chó bỏ ăn suốt ba ngày. Trên thế giới đã ghi nhận nhiều trường hợp chó lang thang một quãng đường rất dài để tìm người mà nó yêu thương. Có con đi suốt tám mươi cây số, trong khi nơi nàng ở giờ đây chỉ cách Trương một quãng không xa. Chỉ phải tội đoạn đường hơi vòng vèo, để chuẩn xác và đơn giản nhất, con Lucy có lẽ phải “bắt” xe buýt chuyến 56, xuống trạm 7, đi bộ thêm vài bước, bấm chuông cửa theo số phòng, sau đó đợi nàng kiểm tra hình ảnh người bấm chuông, bấm xác nhận và mở cửa lớn, Lucy mới có thể vào thang máy, bấm số tầng, đứng trước ba cánh cửa giống hệt nhau. Từ đây nếu nó biết đọc con số, nó sẽ chọn được đúng phòng 802 mà nàng đang ở.
Ngoài nàng, anh không nghĩ ra ai khác mà con Lucy có thể chạy đi tìm. Vốn dĩ vì vậy mà lần nào Lucy bỏ đi Trương cũng gọi hỏi nàng đầu tiên và duy nhất. Nhưng nàng thì nghĩ đó chỉ là cái cớ.
– Chuyện của anh và tôi đã thực sự kết thúc rồi!
Có lần nàng đã hét vào ống nghe điện thoại như vậy. Rõ là đã kết thúc, nàng dọn hết áo quần đồ đạc ra khỏi nhà ngay sau hôm hai người quyết định chia tay. Lý do chia tay chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ là nàng mãi vẫn không chịu được thói quen hút thuốc trong nhà của Trương. Nhưng ngay sau đó cả hai đều đã rất dứt khoát, không lằng nhằng níu kéo. Rõ là đã kết thúc! Và việc anh thực sự thắc mắc là, con Lucy có đến tìm nàng hay không. Đơn giản là vậy và hoàn toàn hợp lý!
Trương tắt máy và khóa cửa nhà. Anh quyết định đi bộ vài con đường gần đây. Nếu cần, anh sẽ lái xe đi lòng vòng vài chỗ vào ngày mai. Hôm nay anh nghĩ mình chỉ nên bắt đầu ở các khu phố gần.
Bầu trời tối đen không một ánh sao, khi anh bất chợt ngước mắt nhìn. Bởi vì Trương đang đi bộ dưới những ngọn đèn đường sáng choang – một dạng ô nhiễm bao bọc mặt đất. Giữ mắt một lúc, Trương mới có thể nhìn thấy chòm sao Orion, mà thực ra anh chỉ nhìn thấy được đai lưng ba ngôi sao của người thợ săn. Bầu trời ngày nay rất khác trước đây, Trương nghĩ vậy. Khi anh đi gần đến cuối đường, chợt anh có cảm giác mình đang thiết tha nhớ bầu trời đêm thơ ấu.
Nhà ba mẹ Trương cách quốc lộ khá xa. Đi sâu vào làng khá vòng vèo. Ngay sau nhà Trương là cánh đồng, nhưng anh không mấy ấn tượng. Cho đến khi cần phải chạy đi đong cho mẹ ít gạo, Trương băng qua cánh đồng để có thể tiết kiệm được nhiều thời gian, cho kịp giờ phát sóng chương trình thiếu nhi anh yêu thích. Trong lúc chạy, đột nhiên Trương có cảm giác có gì đó bao bọc lấy mình. Trương dừng lại và ngước mắt nhìn, trên bầu trời chi chít những ngôi sao.
Một cảm giác mát lạnh đượm mùi u sầu, đến nỗi mũi Trương cũng có thể ngửi thấy được. Trương cứ thế đứng nhìn bầu trời. Ngước nhìn càng lâu, thảm trời đêm càng mở rộng lấp lánh. Anh nhìn ngôi sao sáng nhất, sau đó dần dần mở rộng tầm mắt tràn đầy những vì sao chi chít qua ngọn núi, qua áng mây xám trong, tràn đến đường chân cánh đồng. Cách thức bầu trời sao xuất hiện như kiểu tất cả đã ở đó thật lâu từ trước, kiêu hãnh thị hiện.
Tại sao những vì sao lại lấp lánh? Có phải chúng muốn đánh tín hiệu đến Trương? Lấp lánh lấp lánh! Trương đứng yên giữa cánh đồng. Mọi thứ cứ xoay vần như thế một lúc thật lâu.
Từ đó trở đi Trương đã tin mình không còn giống như trước đây nữa. Dù ý nghĩa của “tín hiệu sao” không thể thốt thành lời, nhưng anh đã nhận được và thấm đẫm nó. Chất chứa và thấy mình dường như đã vụt chạy xuyên qua hơn
10 năm ánh sáng chỉ trong vòng một chớp sáng lấp lánh của ánh sao. Sự thực là ôm ấp bí mật này không có gì bất tiện đối với cuộc sống của Trương. Anh vẫn trưởng thành, sinh hoạt và làm việc bình thường. Thậm chí đôi khi Trương quên mất chuyện đó một cách tự nhiên nhất, giống như thỉnh thoảng ta lại quên mất mình đang có một cái mũi ngự trị ngay chính giữa gương mặt vậy.
Ở cuối đường cụt đi tìm Lucy, Trương ngước mắt nhìn lần nữa. Vẫn chỉ nhìn thấy chiếc đai lưng của anh chàng thợ săn. Đây có lẽ là chòm sao dễ nhìn thấy nhất, ít nhất là đối với một người mù tịt thiên văn vũ trụ như Trương.
Thuở nhỏ có lần anh nghe thấy phát thanh viên giới thiệu về chòm sao này trên chương trình khoa học thường thức. Trương không nhớ được chi tiết, chỉ nhớ giọng phát thanh viên trên radio trong không gian nực nội của buổi trưa mùa hè. Ông ta, với chất giọng khá cao, đã cố gắng miêu tả chòm sao bằng những cái tên gắn với các vị trí: đầu, vai trái, thắt lưng, đầu gối, chóp thanh kiếm… Và từ đó mỗi khi ngước mắt nhìn trời đêm quang mây, Trương luôn tin rằng mình nhìn thấy chòm sao nghe qua sóng radio, khúc xạ qua lăng kính tưởng tượng của mình. Bao giờ cũng đi kèm một cảm giác nực nội của trưa hè rồ roẹt tiếng radio.
Lucy có thể đi đâu được nhỉ, Trương tặc lưỡi. Cách đây vài hôm nó vẫn còn đang nằm dưới chân Trương, lúc ấy anh đang đọc sách.
– Lucy?!
Vì mải nghĩ, Trương bất giác to giọng gọi con chó. Một người đàn ông trong căn nhà ở cuối đường cụt vén rèm nhìn ra. Sau lưng ông ta sáng ánh đèn vàng ấm áp, người đàn ông bận chiếc may ô trắng mỏng, chỉ tích tắc đưa ánh nhìn tò mò về phía Trương rồi nhanh chóng thả rèm đi mất.
Đôi khi đang đọc sách, Trương nhìn thấy con Lucy nằm yên dưới chân. Nó không ngủ, chỉ đưa mắt nhìn thẳng về trước. Trương dừng đọc, anh thắc mắc Lucy có biết suy tư hay không? Được một lúc, đột ngột Trương có ảo giác khoảng cách giữa mắt anh đến Lucy có vẻ xa hơn thực tế. Con Lucy trôi ra xa anh một đoạn chừng vài trăm năm ánh sáng. Trong khi trôi như thế, nó vẫn nằm yên bất động, mắt vẫn nhìn thẳng về trước.
Nếu nó thật sự biết suy tư, thật tội nghiệp, Lucy sẽ không biết mở tủ thuốc mà lục tìm aspirin khi bị đau đầu! Trương chợt nghĩ.
Có lẽ Lucy không loanh quanh ở khu phố này, Trương trở lại với việc đi tìm con chó. Thực ra còn một người nữa để hỏi, nhưng tỷ lệ Lucy đến đó rất thấp. Trương có một bà dì sống cách anh không xa, ngay lúc này có thể đi bộ đến đó.
Bà dì sống một mình trong căn hộ khá rộng. Chính bà là người đã mang Lucy đến cho Trương. Lucy từ đâu chạy lạc vào nhà bà dì. Trong lúc đang tụng thời kinh tối, bà nghe thấy tiếng rên i ỉ rồi tìm thấy Lucy đang nép mình trong đống giày dép và quần áo cũ sau sân phơi. Không biết làm thế nào, bà đành mang nó đến chỗ Trương.
Bà dì bấm chuông cửa với cái hộp các tông đựng Lucy đầy ghẻ.
– Tao không thích động vật!
Khi đó vào khoảng 9 giờ tối, Trương đang nằm kềnh ra sopha xem phim. Kênh HBO đang chiếu phim Lucy – một cô gái bị bắt cóc và gần như biến thành cỗ máy hoạt động hết công suất não. Bộ phim không mấy thú vị, ngoài việc anh phát hiện ra khi có người hoạt động hết 100% công suất não, họ sẽ tìm cách trở về mức thấp tẹt là 10%.
– Ok, tên của mày là Lucy.
Ngoài sự kiện bất thường là con Lucy đầy ghẻ lác, bà dì còn thỉnh thoảng gõ cửa nhà Trương với ít trái cây chín ruộm, bánh kẹo gần hết hạn sử dụng, áo quần cũ hoặc cái gì đó khó có thể lường trước được. Lần nào bà cũng không vào nhà, đưa hộp trái cây bánh kẹo/áo quần/hay món gì đó cho Trương và nhanh chóng đi về. Trương cảm thấy không có gì bất tiện, bởi vì lần nào bà cũng chỉ dừng lại ở bậc cửa.
Trương bấm chuông, chỉ khoảng vài giây là bà dì có mặt. Như thể bà đã đứng chờ sẵn ngay sau cánh cửa và nhảy xồ ra. Trương hỏi bà có thấy con Lucy chạy qua đây không?
– Không, nó đã hết ghẻ lác chưa? Mày cứ nấu nước chè
xanh với muối, chà xát lên da như thế này…
– Nó hết ghẻ từ lâu, con đưa nó đi bác sĩ – Trương ngắt lời.
Bà dì ngưng nói, mọi thứ yên lặng trong phút chốc. Cả hai vẫn đang đứng ở bậc cửa. Trương nhớ ra rất lâu rồi mình cũng không bước vào nhà bà dì.
– Không. Tao không thấy nó. Mà này…
Bà dì quay lưng đi. Chỉ nửa phút sau đã xuất hiện trở lại, trên tay là một con thú mỏ vịt nhồi bông.
– Tao mới gắp được nó ở siêu thị. Mà mày xem tao cần gì đồ chơi nhồi bông?
Trương không quá bất ngờ. Anh cầm lấy con thú mỏ vịt rồi chào tạm biệt. Bà dì cũng nhanh chóng đóng sầm cửa. Trương mường tượng bên trong đầy ngập các túi thực phẩm cận hạn sử dụng và quần áo cũ. Lộn xộn và quá tải. Bên ngoài, cả phố vắng tanh không một bóng người. Ánh đèn vẫn hắt ra những kẽ sáng bên trong các cánh cửa đóng kín. Một vài ô cửa sổ phát ra tiếng ti vi, tiếng nhạc hiệu vui nhộn thảy vào tai Trương vài nốt gấp gáp. Cứ thế rộn lên rồi nhạt dần khi Trương đi qua. Ngôi nhà bên kia đường thoảng mùi cá nướng, có lẽ còn đang chuẩn bị bữa tối. Trương nghĩ đang có một ông chồng ngồi sải người trên sopha xem tin tức, cô vợ loay hoay bên lò nướng trong khi những đứa trẻ con chơi trò mô hình trên sàn nhà. Giờ này mọi khi Trương cũng đang xem một bộ phim phát mặc định trên HBO, con Lucy ngủ khì trên thảm. Không ai nói gì với ai, tiếng động cứ thế hòa tan trong không khí.
Trương trở về nhà. Chìa khóa lách cách mở cửa. Anh quên bật đèn trước khi đi tìm Lucy. Lúc này bên trong căn nhà tối om, nhưng vì lẽ đó mà trong phút chốc đột ngột anh có cảm giác dễ chịu bao trùm lấy mình. Túi không khí mát lạnh và có chút gì u sầu mơn man.
– Lucy?!
Trong bóng tối, không có tiếng động nào lấp lánh trả lời! Hoặc nó đã ở cách anh vài trăm năm ánh sáng.
Trương chẳng mấy khi vận động, thành ra việc đi bộ suốt nhiều tiếng làm bắp chân anh khá tức. Ngày mai có thể sẽ mỏi nhừ toàn thân. Trương mở tủ lạnh, lấy một chai bia, khui nắp rồi ngồi uống ở phòng khách.
Ti vi không có chương trình gì thú vị, vài kênh phát bản tin cuối ngày, vài kênh chiếu dở phim không đâu vào đâu. Trương dừng lại ở kênh đang phát chương trình gì đó có vẻ là talk show. Hai người phụ nữ đang nói về chuyện mọi người thực sự thích gì trong đời sống chăn gối. Một người tóc ngắn, có vẻ là người dẫn chuyện. Cô ta bận một chiếc đầm dây dài phủ chân, ngồi hơi ngã người về sau. Nội dung người phụ nữ đang nói chẳng đọng lại gì trong Trương, dây áo của cô ta như thể muốn rơi xuống khỏi bả vai, xương quai xanh sâu như hố thẳm, cô ta có thực sự biết Trương thích gì hay không?
Trương không nghĩ những điều như vậy có thể xuất hiện trên chương trình truyền hình. Anh thở dài rồi uống một ngụm bia thật đầy, chợt thấy mình có vẻ đã ở yên nơi nào đó một thời gian khá lâu. Hai người phụ nữ mải mê huyên thuyên trên màn hình ti vi. Biết đâu mọi thứ đang được ghi hình và phát đi từ một hành tinh nào khác.
Chuông điện thoại đột ngột reo. Trương đưa mắt nhìn đồng hồ điện tử trên bàn. Bấy giờ đã hơn một giờ rưỡi sáng.
Tim Trương đập gấp gáp. Hay là ai đó gọi đến và báo tin Lucy gặp tai nạn ở đâu đó, và người ta tìm thấy số điện thoại Trương trên cổ của nó.
– Chúng tôi gọi đến từ tổng đài hỗ trợ khách hàng của công ty X. Có phải ông báo máy lạnh của ông đang bị hư không? Có thể mô tả chi tiết vấn đề đang gặp phải để chúng tôi có thể sắp xếp nhân viên hữu ích nhất đến gặp ông? Máy lạnh bị rò rỉ nước, không mát, hay là vấn đề gì, thưa ông?
Tim Trương vẫn đang đập liên hồi. Phần da đằng sau gáy có vẻ đang dựng đứng.
– A lô ông Trương. Ông có ở đó không?
Không hiểu sao Trương có cảm giác rằng một khi mình mở miệng đáp lời, bản thân sẽ bị hút vào ống nghe điện thoại ngay lập tức, như một vệt sương.
– A lô, a lô ông Trương?
“Này, tao nằm trong nhà và liên tục nghe tiếng kêu cửa: Bà ơi, bà ơi, ra đây mở cửa giúp nào!” – Ngay khi ấy Trương nhớ ra bà dì đã từng kể như vậy, trong một hôm gõ cửa nhà Trương vào lúc sáng sớm. Bà dì vẫn đứng ở bậc cửa, tiếp lời:
– Tao đứng trong nhà và vén rèm nhìn ra. Ở đó không có ai. Mày biết đó, một khi mày nghe tiếng kêu của ai đó trong bóng tối và đáp lời, mày sẽ biến mất ngay lập tức. Mẹ tao đã nói như vậy.
– Đáp lời là biến mất ngay lập tức?
– Đúng! – Bà dì khẳng định chắc nịch! – Biến-mất-ngay- lập-tức!
– Cho dù có biết trước hậu quả, mày cũng sẽ luôn có cảm giác muốn đáp lời. Cái cảm giác đó mới chính là thứ đáng sợ nhất!
– Này ông Trương, nếu ông không “mở miệng” mô tả vấn đề của ông, chúng tôi khó lòng giải quyết được đúng cái ông cần.
Giọng nói trong điện thoại đã sặc mùi cảnh báo.
Trương quả thật muốn hỏi rằng, liệu con Lucy có thể đi đâu được chứ?
Trán Trương rịn mồ hôi, hai bên thái dương cũng đã lấm tấm. Cảm giác lời nói muốn bật ra ở cửa miệng như thể sóng cuộn bên trong lòng Trương. Tim anh vẫn đang đập gấp gáp. Nhấp nháy, nhấp nháy lia lịa. Cảm giác đáng sợ mà bà dì nói không phải xuất phát từ bên ngoài cánh cửa, mà từ thứ “bí mật” bên trong lòng.
Trương đứng yên giữa nhà thật lâu. Tay vẫn áp chặt điện thoại vào tai, đến nỗi vành tai bên phải đã nóng ran. Cho đến khi đầu dây bên kia đã gác máy, chỉ còn lại tiếng báo ngắt tín hiệu, Trương vẫn đứng yên ở đó. Tiếng trái tim đập gấp gáp dội rõ mồn một trong căn nhà yên ắng. Trương khóc, ở khóe mắt lấp lánh một giọt nước mắt. Giọt nước tràn xuống gò má, rồi rơi vỡ ra khoảng không bên dưới. Như thể một tín hiệu vừa được phát đi.
27/6/2020
Nguyễn Lê Vân Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư: Nắng nghịch mùa

Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư:
Nắng nghịch mùa

Trời cứ xanh hoài, thiệt hết ham”. Bà già kêu lên, khi vịn tay ở đầu rào, ngửa mặt ngó thinh không.
Lội ngồi góc sân cạnh đám cháy tàn, nhìn ra cổng. Không thấy được con đường mà vừa nãy vợ anh đi. Bà mẹ che hết rồi, bóng bà đang ngược sáng. Cái lưng còng khiến thế đứng bà già như kền kền, giống loài lâu rồi không ghé qua xứ Nước Trong.
Ở đây giờ khó kiếm mồi. Gần nửa năm nay không khí cứ tươm mật, nền trời xanh ngắt, nếu mưa cũng là mớ nước rây ra từ vài đám mây nhã nhặn, vừa đủ cho cỏ cây ra lá non. Sau mưa nền trời càng xanh nắng càng lanh lảnh, như tráng một lớp thủy tinh.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Nhưng quang cảnh không khiến bà già vừa bụng chút nào. Cái giọng đầy bất mãn. Chắc là chưa quên cơn bẽ bàng sớm nay, bà chống gậy đi tìm bạn uống trà, nửa đường nhớ ra bạn đâu còn đằng đó chờ mình. Bạn qua đời rằm trước. Bữa đó trăng đặc tới mức để lại vệt gợn sau mỗi chuyển động của con mèo. Tính lẩn thẩn sẵn, những ngày trong veo khiến bạn sinh ảo giác rằng mình chắc đã chết rồi, cảnh này chỉ có ở thiên đường thôi. Không ăn bỏ ngủ, kiệt sức dần, bạn trút hơi tàn đúng ngày trăng nở. Bà già bị bỏ rơi, nhưng cái chân quen đường cũ cứ hay thả bộ về phía khói nhang.
Cũng đận này năm ngoái, hai bà già ngồi trên nóc nhà chia nhau nửa gói mì ướt, chờ tàu cứu hộ ngang qua. Vắt cái ống quần sũng nước, bạn khoe đùi mình thon. Bà già trề môi xì một tiếng, vỗ mớ da thịt nhão treo lòng thòng dưới khúc xương, nói Đực khen đùi tui thon hơn. Người đàn ông mà cả hai người đàn bà đều không còn nhớ rõ dạng hình, suốt sáu mươi mấy năm qua, luôn là cái cớ nhắc nhớ họ từng là tình địch. Và trong cái ký ức đầy nước, bà già vẫn nhớ hình ảnh Đực trôi ngang qua mình, bụng ngửa ra phình như bụng trống, một tay giơ lên nửa như có ý kiến với cha nội trời “mưa gió nhiêu đó đủ rồi”, nửa như vẫy tay chào cô bạn cùng xóm, “ở lại mạnh giỏi nghen, nhỏ!”. Bà lúc đó chừng mười bảy tuổi, níu ngọn cau chịu trận đã nửa ngày, muốn giơ tay ra níu người thương, nhưng tê cóng không làm sao nắm lại.
“Phải tay tui là ổng đâu trôi mất xác”, sau này bạn hay rền rĩ. Bà cười lạt, nhìn mấy con gà xõa cánh trong một vũ điệu thần bí giữa xoáy nước đục ngầu:
“Ờ, giỏi quá, sao không giở ngói chui ra sớm chút”.
Lụt năm nào cũng cuộc cãi cọ liên quan tới người đàn ông đó, rồi nước rút, hai bà già lại rủ nhau uống trà, kêu lụt năm nay không lớn như năm trước. Hay là năm trước nữa, cái đận mấy trại gà mất trắng, một nửa xóm bỏ xứ đi. Những mùa nước cứ nhịu lẫn, chồng nhòe lên nhau, cũng bão cơn nối cơn, cũng ngập tới nóc, người với vật cùng nổi trôi, và những đứa trẻ mang tên Lụt Lội Gió Giông chào đời trên xuồng cứu hộ, hết thảy mấy thứ đó không làm sao phân biệt một cách rõ ràng nữa.
Nhưng bà già có thể lấy cái tuổi bảy mươi chín của mình ra làm chứng, trời đẹp kiểu này xứ Nước Trong chưa từng. Se lạnh, tinh sạch như lau, óng mướt không tả nổi. Vàng của nắng và xanh của trời, sao chép nhau ngày này qua ngày khác, không sai lệch một sắc độ nào. Đêm thì lủ khủ sao trên cái nền đen nhức.
Tuần nắng mật đầu tiên, cả xứ như bị trúng bùa. Mấy con chó cứ ẳng lên không lý do, ai đó nói trời đẹp quá mà, người ta còn muốn sảng. Hồi đầu người Nước Trong mê mẩn, cứ muốn ngồi phơi ngoài trời cho nắng no da thịt, nhưng những ngày đẹp cứ nối nhau dài mãi, bỗng sợ. Cảm giác như đang xài phí một khoản vay mà không ai biết nay mai sẽ bị đòi lãi gấp chục hay trăm lần.
Má anh Lội ngờ lạc khỏi xóm mình khi đi qua cái đình sứt sẹo bởi đạn bom hồi chiến, giờ bỗng rờ rỡ trong nắng thu. Thứ nắng hóa vàng cả rác, mái nhà gỉ sét, bụi cây chết đứng giữa trời. Tất cả những xám xịt bỗng ngời lên. Núi tro xỉ phía xa kia nữa, vẻ hiểm độc cũng bị rửa trôi. Bà già hay thả tà tà theo lộ xóm, gặp ai cũng nói mỗi câu, “nay ông trời kỳ lắm nghen”, chờ ai đó đồng tình, “ờ đẹp kỳ, hiểu không nổi”. Thà là giông gió đi, hung tợn cỡ nào thì cũng không còn lạ. Lội khó chịu quá, kêu “má trông mưa bão chắc?”, nhưng nắng cứ sóng sánh không thôi, anh thấy bất an.
Cây huỳnh ngoài sân vàng lá một nửa, lẫn với nửa xanh kia nhìn nao cả lòng. Bữa Gấm về sớm, ngồi ngắm cây cả buổi. Ở nhà chồng ba năm, lần đầu thấy lá huỳnh đổi sắc. Mọi năm lá chưa kịp thay màu thì mưa bão tới, cây ngập gốc tuôn lá trơ cành. Như một kẻ tắm trần, trơ xương trong nước lạnh. Nghe nói huỳnh trồng ở xứ khác cho trái sai, thứ trái người Nước Trong chưa từng thấy. Không kịp thấy. Lụt xong cây cỏ chưa kịp hoàn hồn, bão lại tới, sức đâu mà cây treo hoa trái lên cành.
Thấy Gấm về không đúng cuối tuần, Lội tưởng vợ ở lại một đêm rồi đi như mọi khi, nên chạng vạng kéo vợ vô buồng ư ử. Xong phơi bụng ngáy khò, nửa đêm dậy thêm lần nữa, vì Gấm giang rộng đôi đùi trần quắp chặt lấy mình. Sáng ra thấy Gấm không còn nằm cạnh, hõm chiếu chớm lạnh, nghĩ vợ đã đi làm, ra sàn nước anh hơi giật mình thấy chị ngồi vo gạo.
“Cây huỳnh đẹp muốn xỉu”.
Gấm nói, như là lý do duy nhất khiến chị vẫn chưa rời đi. Từ nhận làm giúp việc cho một quán nhậu trong thị trấn, lần đầu tiên Gấm ở lại nhà luôn mấy ngày. Chị đem mùng chiếu ra giặt, quét rác mấy hốc nhà, dọn bồ hóng trong chái bếp. Chị gom củi về trải phơi kín sân. Hệt như hồi mới cưới nhau, xế trưa chị nhờ Lội dội nước gội đầu rồi ra sân phơi tóc.
“Phải bẹo hình dạng ngoài sân mới chịu”, bà già gầm gừ.
“Người ta đi ở đợ kiếm tiền nuôi má, còn chưa vừa?”, Lội nổi sùng, rồi sau đó là một nỗi xấu hổ khi ba năm rồi không nghĩ ra được câu nào mới. Hay anh xấu hổ vì đã nhẹ người khi nói ra câu đó, rằng Gấm phải đi làm kiếm tiền là tại mẹ chồng không thương. Đổ lỗi cho lụt lội thì ông trời ở xa, cho cái thân đàn ông mà không lo nổi ba miệng ăn lại không thể ngẩng đầu nhìn làng xóm, ngó quanh chỉ thấy bà mẹ là có thể chịu tội.
Ngay lần đầu gặp Gấm bà đã không ưng.
“Thứ đàn bà trắng ớn, xài sao được”.
Người Nước Trong, những kẻ mang dòng máu khẩn hoang lai tạp với thổ dân bản xứ mang sắc da tối màu, không ai như Gấm. Chị trắng đến nhói con mắt người nhìn, vốn đã quen ngó nhau da đồng mặt cháy. Lạc lõng giữa người đã đành, chị cũng không ăn nhập gì với thứ đất mủn nước, những ngôi nhà thấp bị trói bởi mớ sợi dây chằng chống bão, dãy núi tro xỉ của nhà máy nhiệt điện chở vào ngày một cao.
“Có đâm đầu cưới về thì nó cũng đi mất”, bà già nhai đi nhai lại trong cái bộ điệu vô vọng. Lội chỉ nói đúng một câu, “kệ tui”, rồi chạy te đi thị trấn mua nhẫn cưới bằng tiền lương mượn trước của chủ xưởng. Anh không nghĩ được thứ nào khác để giữ Gấm ở lại bên mình. Nhỏ hơn vợ sáu tuổi, nhưng dân Nước Trong đều kêu không lý nào, ngó thằng Lội già khằn, mặt có nếp có hằn, sao trẻ hơn con nhỏ trắng tinh được.
Không biết có phải vì bộ da ngậm sữa, mà ba năm sau cái đám cưới qua loa, Gấm còn giữ được cái tên của mình. Cũng có thể chị chưa có con. Chị đi ngoài đường, người ta vẫn gọi là con Gấm, không phải là vợ thằng Lội. Những con đàn bà khác tên tuổi bị bốc hơi sau cuộc theo chồng.
“Có sao đâu, kêu bằng gì thì cũng là vợ tui”, Lội thường nói mỗi khi bà mẹ bới móc. Giọng vống cao, che giấu bất an. Đám đàn ông đi nhậu ngoài thị trấn về, gặp anh vỗ vai cười, nói đúng mấy chữ, “tao mới gặp Gấm ngoài đó”. Chỉ vậy, và khoảng trống sau câu nói đó, cái cười ẩn ý, chúng rúc rỉa anh.
Và những ngày nắng mật tràn lên tàng cây, chảy qua kẽ lá nhuộm lốm đốm khoảng sân, ngó vợ nghiêng đầu phơi tóc, khoảng gáy trần làm anh thấy tức giận. Anh muốn cắn lấy cái gáy đó, cho máu loang đỏ lấp bớt khoảng da trắng nhói kia đi. Nhưng anh biết có làm vậy thì chẳng ích gì, cái tấm thân kia không cách nào che chắn hết. Không gáy thì cánh tay, hay đôi cổ chân lúc nào cũng để trần.
Lội ngờ phấp phỏng này bị nắng vàng phát tán. Bên xóm cũng nhiều người mắc. Có chị trốn miết gầm giường không nhận lấy mớ bó bông cỏ đuôi chồn anh chồng tặng. Anh chưa bao giờ tặng gì ngoài những trận đòn lúc say. Chị ngờ bó bông chỉ là mồi nhử để chồng đánh đã tay. Hay như ông già thằng Bảy Thẹo cự tuyệt mớ bánh nướng thằng con chuyên chửi thuê chém mướn gởi cho, nghi trong đó có độc. Hai cha con nó thường rượt đuổi nhau trên đường xóm, mà vị trí kẻ cầm dao phay dứ dứ đằng sau không nhất thiết thuộc về người lớn tuổi hơn. Lúc con, lúc cha, và sau cuộc đuổi đánh nhau mệt lả, chính họ cũng không nhớ lý do sao lại thành ra thâm thù.
Những câu chuyện đó được kết lại thành chuỗi, ngày mỗi dài thêm, như một chứng cứ bất thường của cái tiết thu lịm ngọt khó tin này. Từ giông mưa không tới, người Nước Trong lúc nào cũng ngó trời, họ không muốn bỏ sót bất cứ thứ gì được giấu sau cái màn xanh cao vợi trên kia. Một thứ nhọn hoắc, độc địa. Cứ cho là mùa thu lỡ dại ghé qua cái đất oan ương này, nhưng nó không co cẳng bỏ chạy thì thôi, chớ lý nào ở lại lâu đến vậy.
“Ổng toàn lấy đi, đâu cho không ai cái gì”, má anh Lội nói, tay chỉ vào gợn mây trắng mỏng tang vừa bong ra khỏi màn xanh vô tận. Ngay từ đầu bà già đã dè chừng cái thời tiết đẹp dị thường này. Thấy nắng nên chỉ mặc áo mỏng ra ngoài, chừng đi nửa đường khắp người gai lạnh, bà teo ruột quay về. Những ngày này bông cúc đá nở mãi không chịu tàn, đến ngờ chúng là hoa giả, vài ba bữa bà già lại hái vò thử coi có gãy cánh không. Cả khi đi tắm bà già cũng dòm chừng qua lỗ tường, sợ có cơn nước nào đằng chân trời ào tới. Nhưng ở nhà tắm ngó ra chỉ thấy chiều đổ bóng đám bần dại lên chòm mộ những người đã khuất, thứ duy nhất được cố định bằng bê tông cho xương cốt không trôi mất lúc nước lên. Mồ mả còn là đất còn, xóm làng còn, người nhà bà hay nói vậy. Dù là mộ gió, như mộ chồng bà. Thân xác nọ đã gửi lại một chiến trường nào đó.
Những ngày gần đây, ngó ra không còn thấy đám bần. Gấm đã xoắn áo rủ chồng chặt rụi, thêm được chục ngoài bó củi. Đứa con dâu đó bà già cự tuyệt cảm tình ngay từ đầu, vì không muốn tan nát một khi cô ta bỏ chạy. “Người vậy sao xứ này dung chứa nổi”, bà già lại thở dài, nhìn người dưng ẩn hiện trong vườn, nhớ ra cô con dâu mình không có miếng xương người thân nào được chôn ở cái đất này. Lụt đưa cô ta tới.
Lúc Gấm lấy xe đạp ra thị trấn, bà mẹ chống gậy ngược từ đằng xóm về. Cái ý thức bạn già đã ra thiên cổ làm bà ê ẩm, không thèm ngó lại ừ hử lời thưa của con dâu, “má, con đi chợ chút”. Chỉ đi tới cổng, nhìn thấy thằng con ngồi cời mớ rác cho cháy bằng hết, máu bặc hặc của bà già lại nổi lên.
“Ai biết được có đi luôn không”.
Lội nín thinh. Anh không cất tiếng nổi, bởi cơn phấp phỏng đang độc chiếm cả người mình. Vợ không nhìn thẳng vào anh lúc bảo ra thị trấn mua mấy khúc vải may vài bộ đồ cho mẹ. Quay mặt phía nào đó, vợ nói quần áo mẹ cũ rồi, toàn thứ vớt được trong lụt nên áo đông quần tây, không giống ai. Lội nhớ lại, nhìn ngọn khói rụi dần.
Mớ rác cháy tàn này Gấm vun lại từ cái nhà đã lâu không được quét dọn tử tế, bởi mỗi tuần chị chỉ về được một hai tối, sớm ra lại lóc cóc đạp xe đi. Cái nhà bị bỏ bừa, mấy bữa nay sáng rỡ trở lại. Lội cũng được đánh bóng. Gấm tẩm dầu lửa vô cái khăn cũ, kỳ cọ khắp người chồng. Chị cưng nựng mãi vết sẹo dài mà mùa lụt ba năm trước, một miếng thiếc lợp nhà bị nước vụt vào người anh, cắt ngọt bắp tay. Nhưng thằng đàn ông đẹt ngắt đó vẫn cắn răng níu cứng vạt áo người đàn bà lạ mặt buộc mình vào bè chuối từ phía núi trôi về. Mang người lên bờ mới biết chị ta còn thở. Bùn sình trên ngực chị được máu Lội rửa trôi.
“Phải nói chồng lì thiệt”, Gấm rơm rớm nhắc, áp bàn tay đầy thẹo vết của chồng vào bầu vú nóng.
Giờ Lội tự hỏi, sao bữa qua vợ lại rơm rớm. Mấy lần nhắc lại chuyện cũ, vợ có biểu cảm giống vậy không? Tất cả những gì vợ làm mấy bữa qua, cổ đã từng làm trước đó? Anh cố nhớ trong lúc ngó ra đường vắng, nghĩ về hương mật những ngày qua, nghĩ tới bữa ăn cuối của tử tù, cái khoảng lặng trong tâm bão.
Bà mẹ đã lui vào sân, đứng dưới cây huỳnh, dỏng tai coi có lời đe dọa nào được đưa tới bởi gió thu. Giờ mới nhận ra lá huỳnh đã chuyển vàng bằng hết, mớ lá chín trước giờ bắt đầu cuộc buông mình. Bà già đứng đó, ngó thằng con. Thằng con ngó ra đường. Con đường đổ dốc về thị trấn.
“Chỉ bộ đồ dính da, đi đâu được”, tự dưng Lội nghĩ, hay là anh buột miệng nói luôn thành lời, chính anh cũng không chắc. Bà mẹ cũng có thể đã nghe được, hoặc không, thở dài cái thượt.
“Thiệt không ưa nổi cái thứ nắng lạnh này”.
28/6/2020
Nguyễn Ngọc Tư
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không uổng công má

Không uổng công má!

Một. Nắng quái thường xảy ra vào lúc chiều hôm. Chiều hôm trên cục đất “Khổng tước nguyên” thì lạ lắm! Cái lạ đó trải dọc theo bờ sông Tiền từ Đông sang Tây. Má cậu Hai Thoại(1) ngồi mạng lại tấm áo cho con trong bóng nắng sắp sụp mí chiều.
– Má ơi! Ngừng tay đi má, kẻo mờ mắt!
Tiếng nhắc má của cậu Hai mang trọn cả cái tình mẫu tử được nuôi dưỡng từ những lời ru của mẹ. Lúc theo chồng về mần dâu họ Đỗ, má Năm vừa bước qua tuổi mười lăm. Dòng họ Đỗ đâm chồi nhảy ba nhánh: Đỗ Trình, Đỗ Tường, Đỗ Kiến… đã chịu đời không thấu bọn cường hào ở quê nhà, nên đành gạt nước mắt bỏ xứ Quảng Ngãi dong buồm vô Nam. Nhánh Đỗ Tường, Đỗ Kiến men theo sông Vàm Cỏ Tây tới đất Thanh Phú thì trụ lại (2); còn nhánh Đỗ Trình rẽ ngả sông Rạch Tra bám đất Hòa Bình. Má cậu Hai dồn hết sức mình mưu sinh để nuôi dưỡng tương lai cho con. Cậu Hai trì chí “sôi kinh nấu sử”, tất cả cho kỳ thi khoa Quý Mão (1843) trường Hương Gia Định. Má Năm thuộc lớp người con nhà nho, được cha khai tâm từ nhỏ. Dẫu không “‘trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” thì cũng là người hiểu biết chút chữ “thánh hiền”.
Nhà văn Trần Bảo Định
Má Năm thường nói:
“Trong cõi trời đất, chẳng có chi tự nhiên nẩy sinh, Khổng tước nguyên cũng vậy. Đâu tự nhiên mà có con công, mà có cái gò để thiên hạ gọi Gò Công! Biết bao máu mắt, xương tàn cốt rụi của người đi trước khai hoang, lập điền mở cõi…”.
Cậu Hai học ở má Năm những điều đã chắc gì nơi “cửa Khổng sân Trình” giảng dạy.
Những buổi chiều tàn, lúc rảnh rỗi, má con hay quét lá vàng khô un chiều bằng những sợi khói. Nhìn những sợi khói bay về phương vô định, má nghĩ đời người đừng như sợi khói bay; phải định cái phương mình đang sống để đủ độ yêu thương mà sống chết với nó.
– Đất nổi mặt đất thì gọi gò, đất nổi mặt nước sông thì gọi cồn (cù lao). Trấn Định Tường có gò, có cồn… tất có đủ điều kiện và tư cách gìn giữ nguyên khí đất Nam Kỳ.
Lời má Năm nói chắc cứng, cậu Hai liên tưởng:
“Đầu nước Việt ở phía Bắc, với đôi mắt là hai rặng núi Đông Triều và Hoàng Liên Sơn nhìn xương sống Trường Sơn xòe như nan quạt chồm ra biển Đông, đuôi gối lên những móng chưn núi Chứa Chan, núi Mây Tầu(3) ở phía Đông; núi Bà Rá, núi Đồng Long, núi Bà Đen(4) ở phía Tây, trước khi đuôi bất thình lình dựng đứng tạo Thất Sơn… biểu tượng Rồng Việt!?”.
Rồi, cậu Hai hình dung cái nơi cậu sinh ra và lớn lên: “Sông Vàm Cỏ Tây phía Bắc, sông Tiền phía Nam, sông Bảo Định phía Tây, biển Đông phía Đông; thiệt đúng là chốn nguyên khí tụ. Mai nầy đất nước hữu sự, nơi nầy chắc là nơi khởi sự cứu nguy!”. Đôi lần thấy con chểnh mảng việc học, má rầy cậu Hai: – Má nuôi con ăn học không vì muốn con kiếm đôi ba chữ thánh hiền để làm người. Nếu phải học làm người, thì con học trường đời hà tất học trường Hương Gia Định!
Má dằn từng tiếng:
– Đã học, thì phải đỗ đạt! Năm rồi, Phú Kiết đã có cử nhơn(5). Năm nay, Yên Luông trông cậy vào con, đừng để bà con quê mình thất vọng!
Cậu chưa kịp thưa lời, má nói nhẹ nhàng:
– Vì việc học của con, má cực nhưng không khổ. Má chỉ khổ, khi con lười biếng việc học hành!
Qua mùa trăng thu năm sau, bà con thôn Yên Luông dù nghèo khó hay khá giả thảy đều ngưng việc đồng áng, cùng nhau ăn mừng cậu Hai vừa đỗ đạt(6) và hôm đó, ngay cả tổng Khởi, tổng Hòa Bình cũng có mặt từ sáng sớm để nghinh đón tân khoa!
Mười sáu năm sau! Cậu Hai thôn Yên Luông ngày xưa, giờ đã là tri huyện Tân Hòa, xứ sở nơi ông cất tiếng khóc chào đời.
– Lạy má! Con trẻ không giữ tròn đạo trung với vua…
Huyện Thoại quỳ lạy mẹ.
Gió Gò Công thổi rạp thân dừa nước, xé lá tưa cành.
– Con là tri huyện, khác gì “phụ mẫu dân”. Cướp vô nhà, há lẽ phụ mẫu bó gối ngồi nhìn bọn cướp? Huống hồ, lũ giặc Tây dương xâm lấn bờ cõi Nam Kỳ, đánh chiếm thành Gia Định; quan quân án binh bất động chờ lịnh triều đình?
Má ngưng nói, ngắt thêm thuốc xỉa.
Ngoài bìa rừng dừa, gió mỗi lúc một mạnh và hình như, trời sắp nổi cơn thịnh nộ bão giông.
– Đánh là nghịch ý chỉ vua. Thà nghịch ý chỉ vua, vẫn hơn “thúc thủ quy hàng” để lũ giặc ngông cuồng sát hại dân, tàn phá làng mạc!
Tiếng Sáu Sanh(7) rõ mồn một ngoài hàng ba hiên nhà.
Từ lúc chồng vắn số, người quen Sáu Sanh chuyển cách xưng hô: gọi cô thay gọi bà.
– Chết! Chết! Cô Sáu quá bước ghé chơi, má con tôi không kịp đón tiếp chu đáo. Thiệt thất lễ… thất lễ!
– Người nhà cả, thím Năm nói quá!
Cô Sáu nói gần như muốn giải tỏa cái đạo trung quân của Nho gia đang chế ngự đầu óc kẻ sĩ:
– Trước đây, “trung quân ái quốc” nhưng tình thế bây giờ “ái quốc thương dân”. Nếu mất nước, mất dân thì vua còn đâu “sơn hà xã tắc” để mần vua?
Má con Huyện Thoại chưa kịp rót nước mời khách. Cô Sáu nói luôn:
– Việc vua bãi chức tri huyện của cậu Hai đã thể hiện sự bất lực của vua, cái lúng túng như gà mắc tóc trước kẻ thù xâm lược của triều đình. Quản Định (8) nói: “Huyện Thoại là trang tuấn kiệt thời loạn đất Tân Hòa. Dám làm và làm đúng theo tiếng gọi của lương tri “cứu dân, cứu nước trước khi trung với vua!”. Tui tới đây là để trao thơ của Trương Quản cơ gởi cậu Hai.
Huyện Thoại tiếp thơ, lật đật mở:
“… Đã hèn thì phải hạ mình, đã nhát thì cái gan hư hỏng. Người xưa nói hèn nhát là vậy! Ta hoàn toàn tin huyện quan là đấng trượng phu, bậc anh hùng sẵn sàng cứu dân cứu nước. Hẹn nhau ở đất Gia Thuận…”.
Hình như, ngoài bến nước sông Tra có tiếng quốc kêu gọi bạn!
 
Hai.
– Ông bà gọi thảo điền, là có ý chỉ vùng đất trũng nhiều bàng sậy, ngập bùn sình nằm giữa các giồng đất. Tháng nắng, đất khô nứt nẻ; tháng mưa, đất lầy lội. Nếu không là nông dân bổn địa thì không thể có kinh nghiệm cày trâu vỡ đất…
Cô Sáu bàn bạc việc quân với Huyện Thoại mà nghe như chừng chẳng hề đá động gì tới việc quân.
Lúc nầy, Trung tá Desvaux chỉ huy quân thủy bộ vào thành Mỹ Tho và cùng lúc đó, liên quân Pháp – Y Pha Nho (Tây Ban Nha) cũng đã đánh chiếm xong Gò Công(9) và chúng gấp rút lập đồn Gò Công.
Huyện Thoại trầm ngâm.
Cô Sáu nói tiếp:
– Đất lầy bã hèm, người ta dùng trâu đực cày đất vì trâu đực móng chưn cao khó mắc lầy. Trâu cái, móng chưn thấp ngắn dùng vào việc kéo rơm rạ sau ngày mùa… Người Gò Công có câu: “Đực trực đồng, cái trực dạ”. Hỏi ra, mới biết đó là câu thành ngữ của người đàng cựu dặn người đời sau, rằng: “Trai phá lũy đạp thành, gái lo hậu cần nuôi chí cả!”.
Cô Sáu ra về khá lâu, nhưng lời cô nói khiến đầu óc Huyện Thoại còn suy nghĩ lung lắm. Bên tách trà sen đậm đặc hương quê nhà, chuyện cũ hiện ra chầm chậm trong tâm trí của ông: Trần Thiện Chánh đậu cử nhơn trước ông một khoa(10) đã không màng tới chức tước và cũng không chờ lịnh triều đình, ông cùng Lê Huy mộ dân binh đánh phủ đầu quân xâm lược Pháp, ngay khi chúng vừa đặt chưn lên đất Gia Định…
Thấy sắc mặt con dàu dàu, má Năm biết tâm tư của con đang trong cơn chấn động. Má nói nhẹ nhàng:
– Con là người có học, là kẻ sĩ mà lại là kẻ sĩ khoa bảng; giống như cây mọc trong vườn thượng uyển. Chả lẽ, con của má, chẳng bằng loài cây mọc nơi bờ ruộng mương vườn?
Nghiêm sắc mặt, má nói tiếp:
– Người xưa thường khuyên: “Phóng hạ đồ đao, lập địa thành Phật”, có nghĩa buông dao đồ tể thì lập tức thành Phật. Buông hay không buông dao đồ tể là quyền tự do lựa chọn của con, chớ không ai có quyền bắt con phải lựa chọn.
Rồi, má nhấn mạnh:
– Thương nước, thương dân thì đánh bọn xâm lược. Quay lưng với xứ sở, với đồng bào thì hàng quân xâm lược. Cái đó, tùy con!
Dường như thấy lời mình mạnh mẽ, má Năm khẽ nhắc:
– Lúc nầy, tại đây, nếu con chần chờ không dám hành động là có lỗi với bà con làng xóm, là có tội với liệt tổ liệt tông kiến họ Đỗ nhà ta!
Những lời khuyên nhủ của má, những việc đã và đang làm của cô Sáu, khiến Huyện Thoại thôi nản lòng vì bị vua bãi quan và thôi nản chí vì Đại đồn Chí Hòa thất thủ(11). Ông chủ động bắt mối liên lạc với các nghĩa sĩ trong vùng, nhứt là với ngài Phó Quản cơ Trương Định.
Trống cầm canh rớt sang canh khuya buồn sương phụ!
Sáu Sanh thao thức ngó lên bàn thờ chồng, rồi ngó xuống giường bên, ngắm nghía đứa con gái có khuôn mặt giống cha như đúc. Mắt Sáu ngân ngấn và có lẽ, lòng thầm trách chồng: “Sao mình nỡ đi vội để tui thui thủi một mình giữa cảnh nhà tan, nước mất”.
Từ hôm nhận được mật thơ của chị Hai(12) ngoài Huế gởi về, dặn rằng: “Phải… Phải… như vầy… như vầy… Việc nước là hệ trọng, tùy thời mà thủ tiết… Và, tập trung tiền của góp sức vào việc đánh đuổi kẻ thù chung!”, cô Sáu mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên. Nhiều đêm, cô bồi hồi nhớ lại: Năm mười chín tuổi đi lấy chồng, hai mươi mốt năm sau chịu đời góa bụa. Vợ chồng duyên thắm tình nồng được chín mặt con, thì chỉ còn một đứa gái(13)… Giờ đây, “Trai vì nước quên thân, gái vì nước quên thủ tiết”, nhứt thời làm sao cô tránh khỏi băn khoăn nghĩ ngợi. Má cô thương chị Hai mồ côi mẹ nên dắt chị về nuôi từ nhỏ. Má cô dạy chị công, dung, ngôn, hạnh. Cha cô dạy chị chữ thánh hiền. Năm cô lên bốn, chị đã là mười bốn và rồi chị em xa nhau bởi chị theo cha ra Huế. Sau đó, chị được tiến cung và trở thành Gia phi Từ Dụ của vua Thiệu Trị. Bây giờ, chị là Thái hậu Từ Dụ…
Sáu Sanh xin chị Hai cho thời gian huỡn đãi, thủng thẳng sẽ thực thi chuyện bước đi bước nữa với Trương tướng quân. Còn giờ đây, việc cần kíp là hỗ trợ tiền bạc nuôi quân, khí tài chiến đấu cho Huyện Thoại đánh giặc ngay trên quê hương mình. Cô Sáu là người đàn bà giàu nứt vách đổ tường không những ở Gò Công mà kể cả toàn xứ Nam Kỳ Lục tỉnh. Nhưng, giàu nứt vách đổ tường mần chi, khi xứ sở đang sinh linh đồ thán! Cô Sáu thường trút nỗi lòng mình với Huyện Thoại như vậy!
Minh Mạng lấy vợ họ Hồ ở Thủ Đức, Thiệu Trị lấy vợ họ Phạm ở Gò Công(14). Cả hai đầu Nam-Bắc Gia Định đã cột ràng triều Nguyễn. Tự Đức nhớ quê ngoại cho đắp “con đường sứ”, nối giồng Sơn Quy lên Gia Định(15). Huyện Thoại âm thầm đi thực địa “con đường sứ” nhằm tính kế nghi binh. Đồng thời, cử Đội Lực dò ngả lộ me qua Cầu Huyện để tập kết quân. Ông cũng không quên cảnh giác tàu Pháp có thể từ Mỹ Tho xuống tiếp viện Gò Công, một khi đồn Gò Công bị nghĩa binh tấn công. Và, nếu vậy, tàu chiến của chúng chỉ có một thủy trình duy nhứt là theo sông Cửa Tiểu vô Vàm Giồng, đến vàm Vểnh Lợi rồi tiếp tới rạch Gò Công… Nghĩa binh của ông đủ sức ngăn chặn chúng!
 
Ba.
Lẽ thường, người phụ nữ sẽ mất họ tên, thứ bậc của riêng mình sau khi đi lấy chồng. Đằng nầy, cô Sáu không hẳn như vậy. Người quen biết cũ ở xứ Gò Công vẫn kêu Sáu Sanh là cô Sáu, chớ không kêu bà Bá hộ Bổn dù đã hai mươi năm sống cùng chồng. Cô Sáu ưa nói với người thân:
“Cái mạng còn chưa chắc đã giữ được, thì tiền của chắc gì mà giữ được. Nếu phải vì việc nghĩa, ta chẳng tiếc chi cái mạng”. Huyện Thoại hoàn toàn tin ở cô Sáu, người tạo mọi điều kiện cho nghĩa binh chuẩn bị tập kích quân Pháp vừa đặt chưn lên đất Gò Công. Tin mật báo cho hay, quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha sẽ chọn một trong ba ngả đường sông: Rạch Chanh, Kinh Trạm tức sông Bảo Định và sông Cửa Tiểu từ biển thọc vào để đánh chiếm Định Tường. Huyện Thoại cùng bộ tham mưu đánh giá tình hình: “Giặc không thể sử dụng Rạch Chanh vì rạch cạn, hoang vu sẽ cản trở tàu chiến. Chắc chắn giặc tập kết quân tại vàm Vũng Gù (Tân An), dùng pháo hạm phá vỡ các đập cản trên sông Bảo Định dù chúng phải trả giá thiệt đắt…”. Tuy vậy, Huyện Thoại vẫn quả quyết: “Giặc sẽ chơi trò ‘thanh Đông kích Tây’ trong tam thập lục kế của Tôn Tử”.
Rồi, ông liên tưởng tới chuyện Khổng Minh ra lịnh cho quân nổi lửa hẻm Hoa Dung, vốn tính đa nghi nên Tào Tháo cho rằng Lưu Bị dùng kế dương Đông kích Tây bèn chọn chính hẻm Hoa Dung đành sụp bẫy của quân Quan Vũ… Là người Nho học, lại là một cử nhơn đất Gia Định, thì cái bọn giặc Tây dương kia làm sao che nổi được mắt ông! Huyện Thoại mỉm cười… Ông tiên liệu và định việc:
– Đường tiến quân của giặc ở sông Bảo Định chỉ là diện, đường tiến quân của giặc từ hướng biển vô sông Cửa Tiểu mới là chính điểm. Thành Mỹ Tho sẽ hoảng loạn và thất thủ nhanh chóng bởi đường tiến quân nầy. Có khi, giặc chưa đánh mà tướng giữ thành đã bỏ chạy.
Hồi lâu, Huyện Thoại càu nhàu, cau có một mình: “Dẫu rằng biết vậy, nhưng với võ khí thô sơ làm sao đánh pháo hạm, tàu chiến giặc ngay “chính điểm Cửa Tiểu” để cứu thành Mỹ Tho?”. Đúng như dự đoán của Huyện Thoại, cả ba pháo hạm1 từ biển tiến vào Cửa Tiểu phá đập ngăn sông tại vàm Cửa Tiểu (Gò Công), vàm Kỳ Hôn (Chợ Gạo) và đồng thời, chúng đánh tan hai đồn binh giữ đập ngay trong buổi sáng, đến xế trưa cùng ngày, mũi quân đi đường biển vô Cửa Tiểu chiếm thành Mỹ Tho theo kiểu “bất chiến tự nhiên thành”. Ba pháo hạm Fussées, Lily, Sham Rock do Chuẩn Đề đốc Page chỉ huy. Ngày 12.4.1861, khoảng 13 giờ 30 phút trưa, Chuẩn Đề đốc Page cùng đoàn quân vào thành Mỹ Tho không gặp phải một sự kháng cự nào từ phía quân triều đình. Trong lúc đó, mũi quân đi đường sông Bảo Định phải chịu tổn thất nặng và hai hôm sau, mới tới thành Mỹ Tho mang theo xác Trung tá Bourdais.
***
 
Gò Công thất thủ!
Dân tình nhốn nháo nhưng không bất ngờ, bởi họ hiểu “cái gì đến tất sẽ đến” sau khi Đại đồn Chí Hòa vỡ trận. Cô Sáu tìm gặp Huyện Thoại ngay trong đêm đầu tiên bọn xâm lược liên quân Pháp – Tây Ban Nha ngả lưng lên mặt đất Gò Công.
– Chậm gì thì chậm, nhưng không thể chậm hơn hai tháng nữa, khoảng Tết Đoan Ngọ… Thoại nầy sẽ ra tay!
Tiếng côn trùng kêu rả rích từng chập từng hồi ngoài ruộng, sau cơn mưa chiều ngập nước trắng đồng. Đêm vắng lặng và hy vọng. Thỉnh thoảng có tiếng súng nổ vu vơ của bọn lính viễn chinh, có lẽ nhớ nhà hoặc giả sợ ma nơi đất lạ!
– Cô Sáu yên tâm! Cô Sáu giúp ta và nghĩa quân theo đúng kế hoạch vừa vạch ra… Chỉ cần nhiêu đó là đủ!
Mặt trời đỏ ối buổi rạng đông!
Trung úy Paulin Vial, Trưởng đồn kiêm Giám đốc bổn xứ sự vụ Gò Công, đứng trên bờ thành đất, một tay chống nạnh, một tay chỉ trỏ đôn đốc dân phu cắm cọc, dựng rào cặp theo mé hào sâu bảo vệ đồn.
Tháng nay, từ ngày bọn Tây chiếm đất, Tư Nhạn người em kết nghĩa ruột rà với cô Sáu, cầm đầu nhóm con gái xứ Tân Hòa lân la bọn Tây, phục vụ chúng những món ăn đặc sản của miền quê ngoại vua Tự Đức. Riết rồi quen dần và thân thiện. Vả lại, “gái nào đẹp cho bằng gái Gò Công” thì bọn lính viễn chinh làm sao “bình chưn như vại”!?
– Mời quan hai(16) ngưng tay, uống nước dừa xiêm, ăn mộng dừa của em, nè!
Viên Trung úy nghe “của em, nè!” kèm hai tiếng “mộng dừa” của Tư, đôi mắt sáng rỡ. Bởi, cả tháng nay, hắn quen ăn mộng dừa, một món ăn dân dã nơi vùng đất hắn chiếm đóng mà ở trời Âu, nơi quê nhà của hắn chưa từng nghe, nói chi thấy. Hắn đút tay vô túi quần, rút khăn mu-soa (mouchoir) lau mồ hôi lấm tấm trên cái bản mặt dài sọc, thoạt ngó giống như mặt ngựa. Dân phu xây đồn gọi hắn là “quan hai mặt ngựa” hoặc để kêu cho gọn, dân phu gọi “Tây mặt ngựa”. Hắn nhai ngấu nghiến một hơi hết sạch ba cái mộng dừa. Hình như, hắn “khoái chí tử” rằng, mộng dừa là mộng đẹp gì đó, thì phải!
Nhiều lần qua tên thông ngôn, Tư giải thích cho hắn hiểu cái mộng dừa mà hắn thèm ăn chết mê chết mệt!
– Trái dừa khô lên mầm, trổ cây. Thường do để ở kẹt nhà hoặc chỗ mấy cái lu nước ẩm ướt, sau thời gian ngắn, nó lên mộng nứt da. Mộng dừa chính là cái phần mầm nở bự trắng nõn nà phía trong trái dừa. Mộng dừa thoang thoảng hương thơm đồng quê, khi nhai nghe sực sực, xốp xốp… kích thích miệng và đỡ khát cổ họng.
Mọi diễn biến tiếp cận và vẽ họa đồ đồn Gò Công, Tư làm rất tốt.
Tháng Năm, theo con trăng, trời thường nắng sớm mưa chiều và đêm chưa nằm đã sáng. Huyện Thoại tính toán kỹ về thời gian, thích hợp với thiên văn để đánh vỗ mặt quân thù và nhổ đồn Gò Công.
Cô Sáu dặn dò Tư Nhạn kín đáo và khéo léo rắc bột thuốc tiêu chảy lên từng cái mộng dừa theo đúng dự kiến của kế hoạch Huyện Thoại.
Huyện Thoại không sử dụng lực lượng mấy trăm nghĩa binh đang tập kết, ém quân ở Lộ Me vì không thể đánh cường tập vào đồn Gò Công bằng võ khí thô sơ giáo mác, búa chày… chống võ khí tối tân súng đạn. Chờ thuốc tiêu chảy kích hoạt bụng dạ bọn Tây ăn mộng dừa, Huyện Thoại trực tiếp dẫn hai mươi dũng sĩ đất Gò Công xông thẳng vô đồn đánh cận chiến, giải quyết chiến trường nhanh, gọn trước lúc bình minh ló dạng.
Cơn mưa chiều tạnh từ rất lâu.
Trời trở đêm sang khuya, sương mù dày đặc!
Trung úy Trưởng đồn và đám lính chột bụng đi đại tiện liên tục khiến thân thể phờ phạc, mất sức. Thình lình, phía “con đường sứ” lửa cháy xé toạc màn đêm. Huyện Thoại cùng hai mươi dũng sĩ đạp chướng ngại vật, mở toang cửa đồn tràn vào như cơn lốc sóng thần. Bọn lính Tây trở tay không kịp, thất kinh hồn vía chạy tán loạn.
Đêm tối mịt(17), chỉ thấy nhau qua ánh chớp ngoằn ngoèo của sấm sét nổ um trời. Huyện Thoại túm tóc Trung úy đâm mạnh một phát về hướng cổ họng, nó vùng mạnh, lưỡi mác xượt xéo bả vai. Nó rống lên tiếng rống như heo bị thọc huyết! Thế trận bắt đầu giằng co, tụi Tây lần hồi hoàn hồn và mỗi lúc sự bất lợi nghiêng hẳn về phía nghĩa binh. Huyện Thoại bị dính đạn trọng thương.
Bầu trời tỏ dần, từng cụm mây trắng tản ra, nhùng nhằng kéo dài như những dải khăn sô viền quanh mặt trời từ từ nhô lên khỏi mặt nước biển tụ màu đỏ ối, đỏ hơn máu!
 
Bốn.
Huyện Thoại cùng hai mươi dũng sĩ đất Gò Công, không một ai còn sống sót để quay về!
Hôm đưa xác con về chôn cất ở đất nhà (18), má Năm cầm nắm đất buông xuống huyệt:
– Thoại ơi! Không uổng công má nuôi con ăn học thành người!
Chú thích:
1. Đỗ Trình Thoại (1815 (?)-22.6.1861) người thôn Yên Luông, tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường (nay là ấp Kim Liên, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang).
2. Nay là xã Thanh Phú Long, huyện Châu Thành, tỉnh Long An (xưa thuộc huyện Cửu An, phủ Tân An, tỉnh Phiên An và sau đó là tỉnh Gia Định).
3. Núi Chứa Chan (Long Khánh), núi Mây Tầu (Phước Tuy, nay là Hàm Tân).
4. Núi Bà Rá (Phước Long), núi Đồng Long (Bình Long), núi Bà Đen (Tây Ninh).
5. Âu Dương Xuân (thân phụ Âu Dương Lân) người thôn Phú Kiết (Định Tường), đỗ cử nhơn thứ 9 khoa Nhâm Dần, 1842.
6. Đỗ Trình Thoại đỗ cử nhơn khoa Quý Mão (1843).
7. Trần Thị Sanh (1820-1882) vợ thứ của Trương Định. Bà là con thứ sáu của ông Trần Văn Đồ và bà Phạm Thị Phụng (bà Phụng là em gái ông Phạm Đăng Hưng, cô ruột bà Phạm Thị Hằng tức Thái hậu Từ Dụ, mẹ của vua Tự Đức). Như vậy, Thái hậu Từ Dụ với bà Trần Thị Sanh là chị em cô cậu ruột.
8.Trương Định (1852) làm Phó Quản cơ đồn điền, và từ năm 1862, bà Trần Thị Sanh là nguồn hậu cần của nghĩa binh Trương Định cho tới ngày 20.8.1864, Trương Định hy sinh.
9. Ngày 14.4.1961.
10. Trần Thiện Chánh (1822-1874), người thôn Tân Thới Tây, tổng Long Tuy Thượng, huyện Bình Long, tỉnh Gia Định (nay là ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, Tp.HCM). Ông đậu cử nhơn thứ tư, khoa Nhâm Dần (1842), đồng khoa với Âu Dương Xuân (thân phụ Âu Dương Lân).
11. Ngày 25.2.1861.
12. Bà Phạm Thị Hằng, vợ vua Thiệu Trị, tức Thái hậu Từ Dụ, mẹ vua Tự Đức (15).
13. Bà Trần Thị Sanh có đời chồng trước là Bá hộ Dương Tấn Bổn (mất năm 1860), sinh được chín người con (mất 8 còn 1 là gái tên Dương Thị Hương). Sau nầy, bà Hương lấy chồng là ông Huỳnh Đình Ngươn, cha của chí sĩ Huỳnh Đình Điển (người đã giao Nam Kỳ lữ điếm cho ông Trần Chánh Chiếu làm trụ sở phong trào Minh Tân ở Mỹ Tho; đồng thời, cũng là người góp phần lo hậu sự khi cụ Phan Châu Trinh mãn phần lúc 21 giờ 30 phút ngày 24.3.1926) và tang lễ được cử hành tại Bá Huê lầu, 54 đường Pellerin, Sài Gòn (cơ sở của Huỳnh Đình Điển).
14. Phạm Thị Hằng là con dâu bà Hồ Thị Hoa.
15. Năm 1848, vua Tự Đức cho khởi công đắp “con đường sứ”, còn gọi “con đường Trạm” (sau nầy gọi đường cây dương hoặc lộ dương). Nay là Quốc lộ 50 (Tp.HCM đi thị xã Gò Công).
16. Cách gọi theo số thứ tự cấp bực sĩ quan Pháp của dân gian (thiếu úy là quan một, trung úy là quan hai… tới đại tá là quan sáu).
17. Tức đêm 21 rạng 22 tháng 6 năm 1861 (Tân Dậu).
18. Mộ Đỗ Trình Thoại, hiện nay ở ấp Kim Liên, xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
29/6/2020
Trần Bảo Định
Theo https://vanhocsaigon.com/

Gặp lại Huyền Trân

 Gặp lại Huyền Trân

Thi tốt nghiệp đại học xong, chờ lấy bằng và cũng chờ kết quả đợt thi xin học bổng vừa rồi. Nếu được học bổng sẽ du học 3 năm tại Đức, còn không thì xin việc làm mà việc ấy ba mẹ đã lo, Nguyên chẳng phải lo gì.
– Hay con ra thăm chú Bình ít ngày nghe má.
Má phì cười, hết chỗ chơi rồi hay sao mà lại đến cái trại điên ấy để làm gì. Ba cau mày, bà chỉ được cái nói bậy bạ, không phải sao, ông thì lúc nào cũng binh chú ấy không hà. Mà tôi nói thiệt, mấy người làm trong trại điên thì hình như ai cũng điên điên hay sao ấy. Bà thiệt là, ba lắc đầu. Ay là ba má đang tranh cãi về chú Bình, em trai của má hiện đang làm giám đốc một bênh viện tâm thần tại Nha Trang. Má thương chú Bình và vì vậy mà chẳng bao giờ tha thứ  chuyện chú đang công tác ở thành phố lại chuyển ra bám riết cái “bệnh viện điên” ở tận Nhà Trang, năm thì mười hoạ đi công tác mới chịu vào thành phố thăm anh chị và các cháu một lần. Nói vậy thôi, khi Nguyên đi thì má sửa soạn cơ man nào đồ, chất đầy chiếc valy của Nguyên, mặc cho cậu la oai oái. Thôi ráng đi con, chú mày nó có một mình ngoải, vợ con thì vậy đó nên ráng mang chút đồ của má cho chú để tẩm bổ. Hai vợ chồng chú ly dị khá lâu rồi, cũng vì chuyện chú đang ở thành phố rồi bỏ ra Nhà Trang mà nên vậy, nay chú ở một mình, làm và gửi tiền cho vợ nuôi con.
Nhà văn Bùi Anh Tấn
Bệnh viện tâm thần là một tòa nhà cao hai tầng, xây từ thời Pháp nên nhìn khá cũ kỹ. Người ra vô tấp nập, đời sống hiện đại nên xem ra người ta điên nhiều hơn, chú Bình nhận xét vậy. Nhìn chú, Nguyên chẳng biết chú nói thiệt hay nói chơi. Dẫn thằng cháu trai đi lòng vòng thăm bệnh viện, đến khu bệnh nhân, chú dặn, đừng có lân la vô đó làm gì, đứng xa xem được rồi, còn không nên có bác sĩ y tá hoặc hộ lý đi cùng, lỡ có chuyện gì thì phiền. Chuyện gì hả chú, thì bị cắn đó, chú nheo mắt nói, thiệt chẳng biết chú nói thiệt hay nói giả. Ngang qua một khu nhà thoáng mát, sạch đẹp mà Nguyên được biết đây là khu bệnh cao cấp giành cho người có tiền trả thêm mới đưa được người bệnh vào đây. Bệnh thì bệnh cả, nhưng có tiền vẫn hơn, chú nhún vai trả lời khi nghe Nguyên hỏi. Thốt nhiên Nguyên nhớ lời má nói, ai làm ở bệnh viện điên cũng hơi điên điên mà rùng mình.
– Chàng ơi chàng hỡi có hiểu cho chăng lòng thiếp đây…
Có một giọng ca ngọt ngào vang lên từ khu nhà bệnh sang trọng ấy làm Nguyên ngạc nhiên ngoái cổ nhìn, thế rồi một tiếng gọi vang lên bất ngờ làm cậu giật bắn người. Khắc Chung…Khắc Chung…chàng đó sao…Một gương mặt đẹp với đôi mắt sáng rực vẻ man rợ của một cô gái đang bám lấy song sắt cửa, cánh tay ngoắc ngoắc lia lịa về phía Nguyên, miệng gào ầm ĩ làm Nguyên cóng cả giò. Chú Bình lắc đầu lẩm bẩm gì đó và lôi Nguyên đi sềnh sệch, không trả lời câu hỏi của cậu, ai đó.
Được đi những năm đảo hòn Tằm, hòn Tre, hòn Mun…trong một tua du lịch do chú Kha bạn của chú Bình làm giám đốc công ty nên Nguyên còn được đặc cách lên đảo đi chơi đây đó mà không bị bó chân bó tay, cấm đoán du khách như quy định của công ty, Nguyên khoái quá. Đúng không đi thì không biết, đi rồi mới thấy đất trời bao la, đẹp làm sao.
Mai mốt chú Kha hứa với cháu sẽ thu xếp cho theo tàu ra mấy hòn đảo nằm ngoài tua du lịch, chưa ai đến, hoang sơ đẹp lắm. Nguyên khoe, vậy ah…chú Bình cười rồi nói. Nguyên nè, chú có chuyện tính nhờ cháu một chút. Chuyện gì hả chú, cháu có sợ người điên không? Uh…cháu cũng không biết. Đừng có nghe chị Hai tuyên truyền lung tung nghe, bả thì lúc nào cũng vậy. Nguyên phì cười khi nghe chú nhăn nhó nói về má, mà chuyên gì vậy hả chú. Thì chuyện cô gái hôm trước mà chú dẫn cháu đi thăm bệnh gặp đó. Nhìn đôi mắt tò mò của Nguyên, chú Bình giải thích. Là vầy nè. Bệnh tâm thần là do não bộ bị rối loạn mà gây nên những biến đổi bất thường trong cảm xúc, hành vi, tác phong … chưa kể là bị những thương tổn về hệ thần kinh như bị va đập chẳng hạn. Trong xã hội hiện đại càng phát triển thì càng có nhiều mối nguy hiểm tiềm tàng cho sức khoẻ con người, nhất là về tinh thần, khi bị stress nặng cũng có thể gọi là một dạng bệnh tâm thần với nhiều trạng thái khác nhau. Nguyên ngơ ngác khi nghe chú nói thôi một hồi mà chẳng hiểu gì cả. Để rồi chú cho biết, cô gái hôm trước Nguyên gặp là sinh viên trường cao đẳng nghệ thuật khu vực miền Trung. Lo thi cử nên nhập tâm một nhân vật để diễn, do thần kinh lẫn sức khoẻ yếu, kết quả bị stress nặng dẫn đến tâm thần. Gia đình buộc phải đưa vào đây chữa chạy, nhưng đến nay bệnh vẫn không thuyên giảm, đã thế sức khoẻ lại yếu, không ăn uống gì nên phải truyền đạm và nước biển liên tục. Không hiểu sao hôm rồi tình cơ gặp Nguyên, cô ấy một hai khẳng định chàng trai là Trần Khắc Chung và nhất định đòi gặp bằng được. Nguyên bối rối, Trần Khắc Chung nào, cháu có quen ai là Chung đâu. Không... không… chú Bình xua tay lia lịa. Đây là quan Nhập nội hành kiểm Thượng thư tả bộc xạ Trần Khắc Chung, một võ tướng đời nhà Trần ở thế kỷ 13. Thế cô ấy là ai. Là Huyền Trân công chúa, con gái của vua Trần Nhân Tông, em gái vua Trần Anh Tông và là vợ của vua Chế Mân của vương quốc Champa. Trời…Nguyên muốn té xỉu.
– Chàng thấy bộ xiêm y này của em đẹp không?
– Đẹp… à không… à đẹp đẹp lắm.
Nguyên bối rối nói cà lăm trước Huyền khi nàng uyển chuyển quay vòng tròn trước mặt chàng trai trên đôi chân nhỏ xinh xinh đứng mũi và hai bàn tay búp măng cong vút, thật đẹp, thế nhưng Nguyên chẳng còn bụng dạ nào mà ngắm nghía nữa, chỉ cố nhập tâm làm tròn vở diễn của mình. Theo chú Bình vì Huyền quá nhập tâm nhân vật Huyền Trân công chúa mà thần kinh căng thẳng dẫn đến bị stress nặng và có triệu chứng tâm thần nhẹ. Cô cứ đinh ninh mình đang là công chúa Huyền Trân và mang nặng những tâm tư của nhân vật trong vở kịch không giải toả nổi, càng làm cho bệnh nặng thêm. Lý do nào Huyền nhận ra Nguyên là võ tướng Trần Khắc Chung thì chú Bình không biết, nhưng theo chú, ít nhất thì cô đã chịu trò chuyện với Nguyên qua nhân vật tưởng tượng Trần Khắc Chung. Vì vậy chú nhờ Nguyên giúp đỡ, đóng vai trò Trần Khắc Chung để trò chuyện, giải tỏa những khúc mắc trong lòng Huyền Trân công chúa cũng tức là Huyền. Chú tin rằng với sự trợ lực của thuốc men và một khi tâm lý được giải toả thì Huyền sẽ khỏi bệnh. Thú thật, Nguyên chẳng thích thú chút nào với nhiệm vụ bất đắc dĩ này, nhưng nể chú Bình, nhất là nhìn người con gái đẹp như Huyền mà bị điên loạn thì thấy thương quá và chàng trai nhận lời.
Hu… hu… Huyền ah, sao vậy em. Nguyên hoảng hốt cầm tay nàng hỏi và nhìn ánh mắt ngạc nhiên của Huyền, Nguyên chợt nhớ nhiệm vụ, ngượng nghịu nói. Kìa… Huyền Trân, sao nàng lại khóc. Đây là lời thoại trong vở kịch được Nguyên nhắc lại nguyên xi.
Chàng có nhớ lần đầu chàng đến gặp vua cha tại Hành cung và nghe thiếp đọc bài “Hoàng hôn ở Thượng uyển” không?
Nguyên bối rối, hình như đoạn này không có trong vở kịch.
Thế rồi khi chàng theo thiếp lên chùa Võ Lâm, thăm Thượng hoàng ẩn tu ở đây thì chàng đã ngỏ lời cùng thiếp, chàng có nhớ không? Lời tình yêu ngày đó là thật lòng của chàng chứ. Trước những lời hỏi dồn dập của Huyền tức Huyền Trân công chúa, Nguyên ú ớ vì kịch bản mà chàng đọc chẳng có đoạn nào như thế này cả. May quá, y tá vừa kịp tiêm cho nàng liều thuốc an thần khi thấy Huyền có vẻ căng thẳng quá.
Cầm tập kịch bản đã học thuộc lòng, Nguyên buồn rầu rời khỏi bệnh viện.
Huyền Trân công chúa của Huyền mà Nguyên trò chuyện cả tuần nay luôn khắc khoải với Nguyên - Trần Khắc Chung những câu hỏi: chàng có thật lòng yêu nàng không? Những lời hứa ngày ấy nay chàng còn nhớ không? Sau cuộc phiêu lưu tình ái đầy hạnh phúc trên biển gần một năm, khi về triều thì trước cuộc công kích của triều thần tại sao chàng đã không dũng cảm đứng ra bảo vệ nàng. Để đến nỗi vì tránh lời dị nghị của thiên hạ, dù thương em gái nhưng Hoàng huynh Trần Anh Tông cũng đành phải nhốt nàng vào trong lãnh cung sống những tháng ngày cô đơn lạnh lẽo, chàng có biết?
Đứng trước ngôi tháp Chàm cổ kính và đầy những vết sứt sẹo của thời gian bám vào thành những vết thương loang lổ. Để giữ gìn hồn của người xưa nên quá trình tôn tạo lại, người ta đã cố gắng không dùng bất kỳ một thứ vôi vữa xi măng hiện đại nào để sửa chữa và vẫn chưa tìm ra được là người xưa đã dùng thứ keo kết dính gì để gắn kết những viên gạch lại được thành những ngôi tháp cao, chắc chắn đi qua năm tháng thời gian như thế này. Nguyên đi vòng quanh ngôi tháp Chàm cổ trong chiều nắng đang xuống chậm chạp, khung cảnh buồn thảm nhìn thật hoang liêu. Cũng chẳng biết do ma lực nào xui kiến mà Nguyên đã đón xe từ Nha Trang đi ngược ra Phan Rang để thăm mấy ngôi tháp cổ ngoài này. Không đến những ngôi tháp lớn đang phục vụ du lịch và Nguyên bỏ mấy chục ngàn theo một ông già chạy xe ôm chở chàng trai vô tuốt cái tháp nhỏ này mà theo người chạy xe ôm, còn giữ được phần hồn của tháp Chàm, còn ngoài kia, ông lắc đầu, lai tạp nhiều rồi.
Dậm chân lên mô đất, người chạy xe nói.
Nơi này khi xưa người ta lấy đất để xây dựng tháp Po Klaun Garay trên đồi Chek Hala tức đồi Cây Trầu ngày nay. Sau đó để kỷ niệm vua Chế Mân, người dựng tháp Po Klaun Garay mà người ta xây ngọn tháp nhỏ này.
Nguyên giật mình khi nghe đến tên vua Chế Mân.
Đến bây giờ thiếp cũng không biết việc làm của mình ngày ấy là đúng hay sai sau khi trốn theo Khắc Chung xuống thuyền về nước. Những tháng ngày nằm trong lãnh cung cô đơn lạnh lẽo, nghĩ đến những ân tình khi xưa Ngài giành cho, nhiều lúc thiếp ân hận lắm. Ngài đã phải dâng hai châu Ô, châu Lý cho cha và anh thiếp làm sính lễ. Lấy thiếp về, chịu bao nhiêu sự chê bai của quần thân, nhưng Ngài chấp nhận tất cả. Thế mà… phải chăng thiếp là người vô ơn? Câu hỏi khắc khoải của Huyền Trân công chúa hôm nào vang lên trong đầu Nguyên mà chàng trai vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Nghe cậu hỏi, người lái xe già liền ngồi xuống bệ đá, nói.
Cuối thế kỷ 13, tuổi già sức yếu nên vua Indravarman V thoái vị nhường ngôi cho con là Jaya Sinhavarman II. Người Việt hay gọi chữ “Chế” phiên âm từ Phạn-Cri tức là (vua), còn Sinhavarman là phiên âm sau cùng gọi “Mân”, nên gọi hoàng tử Jaya Sinhavarman II tức là vua Chế Mân sau này. Đây là một vị vua khôn ngoan, hùng mạnh và làm được nhiều điều cho dân tộc ông, chỉ có một điều duy nhất mà đến bây giờ sử sách Chăm vẫn còn chê trách, đó chính là cuộc hôn nhân giữa ông và Huyền Trân công chúa thời nhà Trần, để mất hai châu quan trọng bậc nhất của vương quốc Champa là châu Ô và châu Lý.
Thế còn Huyền Trân , bà ấy liên quan gì đến chuyện này?
Huyền Trân – Người chạy xe ôm mỉm cười – Suy cho cung bà ấy chỉ là một người đàn bà đáng thương thôi, cậu hiểu không?
Dưới ánh đèn màu mờ ảo mà khán giả là một số y bác sỹ bệnh viện, không có được vũ điệu của một diễn viên chuyên nghiệp, người cứ cứng đơ theo từng bước chân thoăn thoắt của Huyền, mặc dù trước đó Nguyên cũng đã được hướng dẫn tập sơ sơ.
Huyền Trân công chúa gục đầu khóc sụt sùi trên vai vua Chế Mân. Nhè nhẹ vuốt mái tóc thơm mềm mại của nàng, Chế Mân thì thầm.
Nàng đừng khóc nữa, ta hiểu lòng nàng và không trách nàng đâu.
Thiếp đã không xứng đáng với ngài. Để hậu thế đời sau mãi còn cười chê.
Hậu thế ư – Chế Mân trầm ngâm – Sau khi lên ngôi, việc đầu tiên mà ta lo lắng đó chính là bang giao như thế nào với nước Đại Việt hùng mạnh. Trước đó, vương quốc Champa đã bị Đại Việt chiếm rất nhiều đất và nay có nguy cơ mất nữa. Vì vậy, nhân chuyến đi thăm của hai vua Trần đến Champa thì ta đã nảy ra ý định kết thân với nhà Trần qua việc xin cưới nàng về làm vợ và Thượng hoàng Trần Nhân Tông đồng ý. Như vậy cuộc hôn nhân ta với nàng đều nằm trong sự tính toán của hai bên, nhà Trần được thêm hai châu Ô, Lý mà không mất một mũi tên hòn đạn. Còn ta được một mỹ nữ kiều diễm, nhưng quan trọng hơn là tạm giữ yên được bờ cõi trước nước Đại Việt hùng mạnh lúc nào cũng lăm le thôn tính nước Champa. Rất tiếc quần thần và thần dân của ta đều không hiểu điều đó mà sục sôi lên án, gây sức ép với ta. Họ nghĩ sao khi biết rằng thà mất hai châu Ô, Lý để giữ yên nền hòa bình cho đất nước hay là mất tất cả và sau này sự thật đã chứng minh điều đó.
Hôn nhẹ lên bờ vai tròn lẳng của Huyền Trân, Chế Mân thở dài. Ta thương cho nàng, một công chúa cành vàng lá ngọc sống quen phong thổ phương Bắc nay phải xa gia đình vào phương Nam sống với chồng trong một bầu không khí đầy thù địch, nghi kỵ. Ngoài ta ra, có  ai hiểu được tấm lòng và  sự hy sinh lớn lao của nàng khi về với ta.
Sau khi ngài qua đời…
Phải rồi, Chế Mân gật đầu. Ta còn rất nhiều kế hoạch lo toan cho đất nước phát triển lâu dài và cho cả nàng, cành liễu mềm mại của ta. Rất tiếc trời đã bắt ta đi nửa chừng để nàng lại bơ vơ. Lợi dụng sự không hiểu biết của triều Trần rằng, khi vua Chăm qua đời thì chỉ có hoàng hậu vợ cả tức hoàng hậu Tapasi mới phải hoả thiêu theo chồng mà nàng là hoàng hậu thứ ba thì làm gì có chuyện đó. Quần thần của ta liền tung tin với triều Trần rằng sẽ hoả thiêu hoàng hậu theo nhà vua để buộc hoàng huynh của nàng phải cấp tốc cử người vào rước nàng ra và nhân dịp đó họ sẽ đòi lại hai châu Ô, Lý. Những suy nghĩ thiển cận nông cạn. Tình thân thông gia giữa hai nước mất hẳn sau chuyến trở về của nàng và cuối cùng quân Đại Việt đã tấn công chiếm kinh thành Vijaya (Bình Định). Oi, đời ta chịu nhiều điều tiếng, ta không tiếc mà chỉ tiếc cho cơ đồ đất nước Champa của ta không còn nữa bởi những suy tính quá thiển cận của nhiều người. Bài học này có ai có hiểu thấu chăng?
Ngài không trách thần thiếp sao?
Không… có trách thì trách ta đây này. Đã không bảo vệ được nàng, yêu chiều nàng như đã hứa.
Nguyên diễn thật xuất thần khiến y bác sỹ ngồi bên dưới vỗ tay rào rào làm chú Bình cũng ngẩn người. Sau chuyến đi Phan Rang về, một hai chàng trai đòi chú Bình thiết kế một vở diễn nhỏ qua những đoạn thoại giữa Huyền Trân công chúa với vua Chăm Chế Mân và với võ tướng Trần Khắc Chung. Theo cậu thì vì quá nhập tâm vào nhân vật nên dẫn đến trạng thái tâm thần nhẹ của Huyền và nàng luôn sống trong nhân vật của mình với những trăn trở khúc mắc với hai con người kia. Thông qua vai trò hai nhân vật này, Nguyên sẽ giải tỏa khúc mắc của Huyền thì chắc là nàng sẽ tỉnh. Nửa tin nửa ngờ cuối cùng chú Bình cũng đồng ý, vì dù sao thì vụ này cũng do chú là người mở đầu.
Khắc Chung, bây giờ chàng ở đâu.
Ta ở đây và mãi mãi ở đây bên cạnh nàng.
Tại sao ngày ấy chàng lại nỡ nhẫn tâm bỏ thiếp.
Ta chưa bao giờ bỏ nàng cả. Tình yêu của chúng ta thật ra cuối cùng cũng chỉ là món trò chơi trong những mưu đồ quyền lực chính trị. Khi biết ta và nàng yêu nhau, các vua Trần ra sức ngăn cấm, tuy không ra mặt. Ta đã xả thân đánh quân Nguyên Mông vì nhà Trần nên công lao ấy được vua Trần ban quốc tính là Trần Khắc Chung, dù là thế nhưng nhà Trần vẫn không đồng ý chấp nhận tình yêu giữa ta và nàng bởi theo họ ta vẫn là ngoại tộc, mà nhà Trần vốn kỵ chuyện gả con cháu cho người ngoại tộc vì sợ mất ngai vàng. Thế xảy ra chuyện gả nàng cho vua Chăm Chế Mân, ta đau lòng biết chừng nào bởi hiểu rằng nàng đã trở thành vật trao đổi cho vua cha và anh mình. Thôi cũng đành an ủi, sự hy sinh của nàng cũng vì giang sơn xa tắc. Ta cố hết sức cứu vãn tình yêu của mình bằng mọi cách tác động, bàn ra và vì thế mà việc cưới xin giữa nàng với Chế Mân kéo dài đến gần năm năm (từ 1301 đến 1306) dù hai châu Ô, Lý đã về tay nước Đại Việt. Tiễn nàng về phương trời xa xăm mà lòng ta đau đớn khôn nguôi. Rồi xảy ra chuyện Chế Mân chết và triều đình Chăm đòi hỏa thiêu nàng, ta hốt hoảng báo với hoàng thượng Anh Tông và tình nguyện vào kinh thành Vijaya tìm cách đón nàng ra. Trước sự lưỡng lự của triều thần, ta đã lấy cái chết để bảo đảm. Chúng ta đã có những tháng ngày thần tiên hạnh phúc lênh đênh trên biển. Nhưng vì nàng luôn mang mặc cảm tội lỗi nên cứ đòi phải về triều trong khi ta chỉ muốn được giong buồm cùng nàng đi đến cùng trời cuối đất tìm hạnh phúc cho riêng đôi mình. Sau đó cả triều đình xúm vào chê bai tiết hạnh của nàng, gây sức ép buộc hoàng thượng phải nhốt nàng vào trong lãnh cung lạnh lẽo sống mòn  mỏi hết đến hết đời. Ta đau đớn biết chừng nào và căm giận những kẻ lúc nào cũng vỗ ngục tự xưng là chính nhân quân tử, bụng chứa đầy kinh sách, hiểu biết đạo lý của Thánh hiền mà lại ngu xuẩn cố tình bịt mắt mình, luôn mượn lý lẽ đạo lý để lên án nàng. Có ai hiểu những hy sinh lớn lao của nàng khi thân gái dặm trường ra đi vì mối bang giao giữa hai dân tộc. Cũng nhờ nàng mà nước Đại Việt mở mang thêm bờ cõi với hai châu Ô, Lý, bớt đi biết bao xương máu quân lính phải đổ trên xa trường. Bọn họ, những gã đàn ông sức dài vai rộng mồm miệng leo lẻo chê bai nàng mà không biết nhục với chính mình. Còn ta, Khắc Chung thở dài, từ lâu nhánh con cháu của Thượng quốc công Trần Quốc Tuấn vốn không ưa, nhất là sau khi Quốc công qua đời thì luôn đưa lời dèm pha với hoàng thượng những chuyện này kia của ta với ý thêu dệt có một nói mười. Chuyện tình yêu giữa ta và nàng càng làm cho bọn họ thêm căm thù bởi theo bọn họ đáng nàng sẽ lấy một trong anh em họ để bảo đảm giữ dòng giống như di huấn của tổ tiên. Sau chuyến trở về của nàng và việc nàng bị đưa vào lãnh cung thì họ càng tìm cách trút mọi tội lỗi đổ lên đầu ta. Thậm chí có lần Hưng nhượng vương Trần Quốc Tảng còn rút gươm định giết ta nhưng không được. Từ đó ta bị triều đình ghẻ lạnh, thân thế cô biết làm gì hơn và đành rút lui xa lánh mọi chuyện. Đêm đêm ta luôn nằm mộng nhớ tiếng sóng biển dập dềnh hạnh phúc ngày nào khi hai ta còn bên nhau. Đến tận cuối cuộc đời mình, ta vẫn mãi mãi gọi tên nàng trên môi, Huyền Trân ơi. Anh yêu em.
Trong một lúc không tự chủ được, Nguyên-võ tướng Trần Khắc Chung đã cúi xuống đặt một nụ hôn thắm thiết lên đôi môi hồng mượt như nhung của Huyền. Cả căn phòng như lặng đi và vài người đưa tay lên dụi mắt.
Không…Chợt Huyền ngẩng đầu lên, nhìn Nguyên căm giận, gào lên - Anh là thằng hèn, anh đã lừa dối tôi.
Trước khi Nguyên kịp hiểu ra điều gì thì bốp… và tất cả tối sầm.
– Đã tỉnh dậy chưa…
Có tiếng hỏi lao xao. Nguyên từ từ mở mắt mà đầu đau ê ẩm. Gương mặt đầu tiên mà chàng trai nhìn thấy là chú Bình. Nhìn chàng trai, chú Bình toét cười sung sướng, suốt nãy giờ ông chết điếng vì lo lắng.
Cháu không sao chứ…
Không…
Nguyên nhăn mặt lắc đầu, chỉ ê một tý thôi. Chàng trai phải nói vậy vì thấy chú lo lắng quá và mọi người đều vui mừng khi thấy Nguyên tỉnh. Theo yêu cầu của cậu, Nguyên được đỡ ngồi dựa vào tường cho bớt chóng mặt. Cũng may vết đập sượt qua đầu và yếu tay nên không gây thương tích gì đáng kể.
Kẹt… cánh cửa mở ra và Huyền run run đi vào vẻ mặt còn đầy lo sợ. Nhìn nàng, Nguyên nhoẻn cười trấn an.
Huyền… Huyền Trân công chúa.
Hãy gọi em là Huyền được rồi. Em xin lỗi anh.
Giọng nói của Huyền rất nhẹ nhàng đầy tỉnh táo. Nguyên bối rối, liệu cơn bệnh của nàng lại tái phát chăng, nhưng chú Bình đã lên tiếng.
Cháu cứ nói chuyện với Huyền bình thường đi. Chú nghĩ Huyền tỉnh rồi.
Nắm bàn tay Nguyên, siết nhẹ, Huyền nói.
Em là sinh viên năm cuối của trường cao đẳng nghệ thuật khu vực miền Trung. Em rất thích vở ca kịch “Tâm sự Huyền Trân công chúa” nên đã chọn một đoạn trích trong vở kịch để thi tốt nghiệp. Trong quá trình tập thì em nhận thấy nhiều đoạn khúc mắc trong tâm sự của công chúa Huyền Trân không được tác giả kịch bản giải đáp thoả đáng. Tuy nhiên thắc mắc thì các thầy nói là cứ tập theo kịch bản, đừng thắc mắc làm gì. Huyền cúi đầu, nước mắt chợt lăn nhanh trên má nàng. Em mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được chú thím ruột nuôi dưỡng, chú của em là Giám đốc một công ty lớn của tỉnh và đang có tham vọng sẽ còn lên nữa. Tuy nhiên sau này trong công tác quản lý ông đã có nhiều sai phạm nên bị thanh tra. Hồi còn đi học, em có một người bạn trai thân, quen nhau nhiều năm nhưng sau này không hợp tính vì em thấy anh ta ham chơi hơn ham học. Dù em đã từ chối nhưng anh ta vẫn đeo đuổi em. Khi xảy ra chuyện thì chú  cầu cứu em giúp vì cha của bạn trai em là phó chủ tịch tỉnh phụ trách trực tiếp đơn vị của chú em, nếu ông ta có ý kiến thì chú sẽ thoát nạn. Em từ chối, nhưng rồi chú thím đều năn nỉ em, gia đình nội ngoại xúm vào nói vô. Cuối cùng coi như trả chữ hiếu mà em đành chấp nhận nối lại mối quan hệ kia. Chuyện gì đến rồi cũng đến, em đã thất thân với anh ta vì lời hứa rằng anh ta sẽ nói với cha của mình giúp cho nếu như em và anh ta là vợ chồng. Kết quả cuối cùng thì chú của em bị công an bắt, nhà bị niêm phong, còn gã bạn trai kia trốn biệt tăm và em mang một cái thai vô thừa nhận ba tháng. Đau khổ, xảy thai và uất ức bị dồn nén, tự nhiên em cảm thấy mình như Huyền Trân công chúa, cũng chỉ là một vật bị người ta mang ra mua bán đổi chác mà còn chịu nhiều tiếng oan ở đời.
Chú Bình thở dài. Khi đem Huyền đến bệnh viện thì gia đình giấu biệt chuyện ấy, chỉ nói rằng vì học nhiều quá nên bị stress nặng, cần chữa trị.
Xin lỗi, nhưng nhìn thì anh rất giống gã bạn trai phản bội kia, nên lần vô tình gặp trong bệnh viện em chỉ mong gặp lại anh. Anh đã giúp em giải tỏa những khúc mắc trong tâm sự của Huyền Trân công chúa, giúp em tỉnh trí nhưng chính lúc ấy em lại nghĩ rằng anh là kẻ đã phản bội em trước kia nên đã không bình tĩnh được. Cho em xin lỗi anh. Nàng cúi xuống và những giọt nước mắt lăn nhẹ trên gò má xinh đẹp mịn như cánh lụa hồng trước xuân sang làm cho Nguyên nao lòng. Cuộc sống và số phận, tại sao cứ dày vò những ngươi đàn bà đẹp, phải chăng vì ông trời quen thói đánh đánh ghen với má hồng?
Nguyên thở dài, đột nhiên cậu nhớ đến những lời nói của người lái xe già ở Phan Rang hôm chia tay. Đã hơn 700 năm qua đi nhưng đến bây giờ nhiều người vẫn còn tranh luận về câu chuyện tình giữa Chế Mân và Huyền Trân công chúa lẫn Trần Khắc Chung. Nhưng để làm gì hả cậu, lịch sử đã sang trang lâu rồi. Nay hai dân tộc Việt-Chăm đã là một, ví dụ như tôi đây-ông chỉ tay vào ngực mình-là kết tinh của dòng máu Việt-Chăm đấy và các con của tôi nay cũng vậy. Nhắc lại quá khứ hoài niệm có chăng là nhớ đến thân phận bi thảm của Huyền Trân công chúa, bà ấy đáng được thông cảm và trân trọng hiểu biết nhiều hơn nữa mới phải.
“Đổi chác khôn ngoan khéo nực cười
Vốn đã không mất lại thêm lời
Hai châu Ô, Lý vuông nghìn dặm
Một gái Huyền Trần của mấy mươi
Lòng đỏ khen ai lo việc nước
Môi son phải giống mãi trên đời…”
(Thái Xuyên - vịnh Huyền Trân công chúa).
30/6/2020
Bùi Anh Tấn
Theo https://vanhocsaigon.com/

  Gió mùa – Tạp bút Phương Uyên 25 Tháng Mười Một, 2023 Một mình lang thang chiều cuối thu. Cơn gió đầu mùa đã về mang theo những không ...