Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2016

Cảm nhận cung đàn xưa

Cảm nhận cung đàn xưa
Đâu khoảng năm 1994, trong một buổi chiều lang thang vào một nhà sách trên đường Lê Lợi, tình cờ tôi thấy một băng cassette bìa màu xanh nhạt có hình ca sĩ Ánh Tuyết. Tôi cầm lên xem, là album ca nhạc do Trung tâm băng nhạc Trẻ phát hành có tên Cung đàn xưa, gồm toàn những ca khúc tiền chiến nổi tiếng một thời.
Giọng ca Ánh Tuyết thì tôi đã được nghe cô ấy hát từ khi còn ở Huế, nhưng đây là lần đầu tiên được biết trong cuốn băng này, ca sĩ trình bày toàn những ca khúc đã một thời vang bóng của nhiều nhạc sĩ trứ danh.
Một loạt ca khúc bất hủ của những cây đại thụ trong nền âm nhạc VN nửa sau thế kỷ 20 như: Văn Cao với Buồn tàn thu, Cung đàn xưa; Dương Thiệu Tước với Bóng chiều xưa, Đêm tàn Bến Ngự; Trần Hoàn với Sơn nữ ca; Thông Đạt với Ai về sông Tương; Tô Hải với Nụ cười sơn cước, La Hối với Xuân và tuổi trẻ …
Tất cả được tập hợp để tạo nên một tổng thể giai điệu mang nhiều âm sắc khác nhau, biểu hiện nỗi lòng và nỗi niềm hoài cảm của con người…
Một Buồn tàn thu ẩn chứa tâm sự nhớ nhung của người thiếu nữ đối với người yêu đang xông pha ngoài sương gió vì nghĩa vụ; nỗi lòng đó được ca sĩ trình bày bằng giọng ca rất điêu luyện:
Ai lướt đi ngoài sương gió
Không dừng chân đến em bẽ bàng
Ôi! Vừa thoáng nghe em mơ ngày bước chân chàng, 
từ từ xa đường vắng…

Buồn tàn thu (Văn Cao) - Ánh Tuyết - YouTube

Giọng hát trong trẻo truyền cảm đó đã thể hiện trên một nền nhạc sang trọng, gợi cho người nghe những hoài niệm về một thời xa vắng, về một không gian tĩnh lặng trầm mặc được ghi lại trong từng ca từ của ca khúc Ngọc lan:
Ngọc lan dòng suối tơ vương
Mắt thu hồ dại ánh vàng
Ngọc lan nhành liễu nghiêng nghiêng
Tà mấy cánh phong nắng thơm ngoài song…

Ngọc Lan (Dương Thiệu Tước) Thái Thanh Lyric Loi bai hat ...

Xen vào đó là giai điệu rộn rã tươi vui, biểu lộ niềm tin yêu và khát vọng của tuổi trẻ trong một mùa xuân thanh bình hoan lạc:
Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…

Xuân Và Tuổi Trẻ - Ánh Tuyết [Official MV] - YouTube

Bên cạnh cũng có những ca từ thật bình dị, chân thật nhưng không kém phần lãng mạn sâu lắng trong Nụ cười sơn cước của nhạc sĩ Tô Hải:
Ai về sau dãy núi Kim Bôi
Nhắn rằng tim tôi chưa phai mờ
Hình dung một chiếc thắt lưng xanh
Một chiếc vòng sáng long lanh
Nhưng có lẽ gợi cho người nghe cảm xúc nhất là tình khúc Cung đàn xưa của nhạc sĩ Văn Cao. Đã từ lâu tôi rất thích bài hát này của nhạc sĩ. Càng nghe càng thấm vì ý tứ, hình ảnh trong lời hát thật đẹp và buồn. Có lẽ những ai đã từng yêu và rồi phải chia tay một mối tình đẹp và lãng mạn mới cảm nhận hết sự tinh tế, huyễn hoặc, lộng lẫy và buồn bã của Cung đàn xưa.
Hình ảnh người thiếu nữ trong bài hát quá đẹp và thánh thiện. Người thiếu nữ ấy được nhắc đến bằng những ngôn từ trau chuốt, huyền ảo, không phải do cô là một nàng tiên mà là do tâm tình của người nhạc sĩ rất trân trọng khi hoài vọng, nhớ thương và xưng tụng người tình.
Hồn cầm phong hương hình dáng xuân tàn
Ngày dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ người ra đi chờ vắng tin người
Từ người ra đi là hết mơ rồi…

Cung Dan Xua Anh Tuyet - YouTube

Trong những năm tháng đầu tiên của tiến trình đổi mới, Trung tâm băng nhạc Trẻ (tên cũ của Hãng phim Trẻ ngày nay) đã tiên phong mang đến cho người nghe những bài hát thật hay trong kho tàng ca khúc trữ tình của nền âm nhạc một thời vang bóng. Đó là những viên ngọc quý tồn tại mãi với thời gian, với tâm hồn con người.
Cuộc thi mời bạn đọc cùng viết cảm nhận, bình luận về những album, những chương trình của Hãng phim Trẻ sản xuất trong thời gian qua. Cuộc thi do Tuổi Trẻ Online phối hợp với Hãng phim Trẻ tổ chức, có tổng giải thưởng là 13 triệu đồng.
Để tham gia cuộc thi, mời bạn xem, nghe những tác phẩm của Hãng phim Trẻ do ban tổ chức cung cấp trên website Tuổi Trẻ Online hoặc bạn tự có được. Sau đó, bạn có thể viết bài cảm nhận về một album chương trình, một nhạc sĩ, nghệ sĩ, ca sĩ, bài hát, tiểu phẩm hài hoặc một nhân vật trong những tác phẩm này.
Tôn Thất Thọ
 Theo http://tuoitre.vn/

Nguyễn Vỹ - Nhân chứng của một thời đại

Nguyễn Vỹ - Nhân chứng của một thời đại
Qua tác phẩm của những nhà thơ, nhà văn, chúng ta thấy họ là những nhân chứng của thời đại. Nhà thơ Nguyễn Vỹ là một trong những nhân chứng của một thời đại mà ông đã từng sống.
Nguyễn Vỹ sinh năm 1910, trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước ở làng Tân Phong (Tân Hội), huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Nguyễn Vỹ là một người đa tài, suốt đời sống bằng nghề văn và báo chí. Ông ký nhiều bút danh: Tân Phong, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền, Tâm Trí… Từ những năm đầu thập niên 30 của thế kỷ 20, Nguyễn Vỹ đã xuất hiện trên văn đàn, tham gia viết trên tạp chí Văn học, Tiểu thuyết thứ Năm, Hà nội báo, Phụ nữ… ở Hà Nội. Và, là một cây bút chính luận sắc sảo trên các tờ báo thời bấy giờ như: Le Sygne, L’ami du peuple, La patrie Annamite…
Thừa hưởng truyền thống yêu nước của gia đình, dòng họ, Nguyễn Vỹ đã thể hiện tư tưởng chống Pháp, chống phong kiến và chống cả Nhật Bản trong những bài báo của mình. Chính vì vậy, năm 1937, ông bị nhà cầm quyền bắt giam 6 tháng tù ở Hà Nội vì một bài báo chống Pháp. Năm 1940, ông lại bị Nhật Bản bắt cầm tù ở Phú Yên. Năm 1945 mới được tự do. Từ năm 1946, ông sống ở Sài Gòn. Nguyễn Vỹ đã sáng lập và điều hành nhiều tờ báo: Dân ta, Bông lúa, Tạp chí Phổ thông, Tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm…
Nguyễn Vỹ bị tai nạn giao thông tại Long An, qua đời vào ngày 4/2/1971. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm với nhiều thể tài phong phú, đa dạng, phải nói là đồ sộ: Về thơ có: Tập thơ đầu – Premières Poésies (1934, thơ Việt – Pháp), Hoang vu (1962). Truyện ngắn: Vinh và nhục của Nguyễn Văn Nguyên (1936). Tiểu thuyết gồm có: Đứa con hoang (1938), Người yêu của hoàng thượng (1938), Thi sĩ Kỳ Phong (1938), Chiếc bóng (1941), Dây bí rợ (1957), Chiếc áo cưới màu hồng (1957), Hai thiêng liêng (1957), Mồ hôi nước mắt (1965). Chính luận viết bằng tiếng Pháp: Kẻ thù là Nhật Bản (1938), Cái họa Nhật Bản (1938), Tấn kịch Việt – Pháp (1947). Biên khảo: Những người đàn bà lừng danh trong lịch sử (1970). Chứng tích thời đại: Tuấn, chàng trai nước Việt (1970), Văn thi sĩ tiền chiến (1970). Thơ trào phúng, các tập Tiểu phẩm hài gồm có: Thơ lên ruột (1970), Mình ơi! (1970), Buồn muốn khóc lên (1970).
Nguyễn Vỹ là nhà thơ, nhà văn và là nhà báo lão thành trong làng báo miền Nam. Ông được người đời công nhận là một nhà báo dám nói lên sự thật. Về văn, Nguyễn Vỹ chuyên viết tiểu thuyết xã hội. Nhà văn – Nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan nhận định về tiểu thuyết của Nguyễn Vỹ như sau: “Ông là một người giàu tình cảm, nhìn cuộc đời bằng con mắt bi quan, trái tim ông rung động khá nhiều…“. Cùng với tiểu thuyết và các thể tài khác, Nguyễn Vỹ trước sau vẫn là một nhà thơ. Ông thật sự nổi tiếng về thơ. Từ năm 1941, mặc dù có những nhận định có phần khắt khe về Nguyễn Vỹ, nhưng cả Hoài Thanh – Hoài Chân và Vũ Ngọc Phan đều phải công nhận: “Nguyễn Vỹ là người có tài về thơ“.
Nhiều thế hệ yêu thích bài “Sương rơi” và “Gởi Trường Tửu” của Nguyễn Vỹ. Hoài Thanh – Hoài Chân cho rằng 2 bài thơ này thật sự là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Hai bài thơ trên Nguyễn Vỹ viết với phong cách khác nhau. Ông đã tạo ra nhạc điệu riêng trong “sương rơi”. Với bài “Gởi Trường Tửu”, theo thể thất ngôn trường thiên, Nguyễn Vỹ viết trong cơn say với tâm trạng bi phẫn, u uất: “…
Thời thế bây giờ vẫn thấy khó
Nhà văn An Nam khổ như chó
Mỗi lần cầm bút nói văn chương
Nhìn đàn chó đói gặm trơ xương…”
Lời thơ thống thiết, nói lên nỗi khổ của văn thi sỹ và những người làm báo trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp cai trị.
Trên con đường thi ca, Nguyễn Vỹ đã từng viết:
“Ta hãy truyền một thi hứng mới cho thế kỷ hai mươi
Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiếm”.

Hai câu thơ trên như một tuyên ngôn về thơ của Nguyễn Vỹ. Và, ông đã có những sáng tạo mới lạ, đầy táo bạo trong thơ. Nguyễn Vỹ là người đề xướng trường phái thơ Bạch Nga trên tạp chí tiểu thuyết Thứ Năm ở Hà Nội trong thập niên 30 của thế kỷ 20. Nguyễn Vỹ đã viết những câu thơ 2 chữ và 12 chữ (Có người gọi là câu thơ 12 chân). Sau này trên tạp chí Phổ Thông xuất bản ở Sài Gòn, Nguyễn Vỹ tiếp tục đề xướng trường phái thơ Bạch Nga và thể thơ hình đối xứng. Bài thơ mang dạng hình học, các hình ảnh ngộ nghĩnh, đầy mới lạ (Thơ hình đối xứng là lấy câu giữa của bài thơ làm trục đối xứng của những câu thơ theo thứ tự đầu và cuối của toàn bài thơ. Những bài thơ, nhìn toàn bài sau khi viết hoặc in trên giấy giống như những bức họa, hoặc có hình lục lăng, tứ giác, hình thoi…). Trường phái mới lạ này đã thoát ly khỏi những quy tắc thể thơ cổ truyền. Sau Nguyễn Vỹ, chúng ta còn bắt gặp nhiều bài thơ “lạ” như thế của Phan Phụng Văn, Ngô Hữu Đoàn và nhiều cây bút khác.
Trước khi bị tai nạn giao thông qua đời đúng một năm, Nguyễn Vỹ viết bài thơ “Quảng Ngãi, quê hương tôi”. Lời thơ tha thiết, ý thơ hùng hồn, Nguyễn Vỹ đã khắc họa được những nét đặc trưng tiêu biểu về đất và người quê hương núi Ấn sông Trà: “…
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Nhiệm màu guồng xe nước
Tha thướt chập chùng
Lên men đồng lúa mướt
Lả lướt mênh mông
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Thương thương làn mây trôi
Mơn cảnh đồi Thiên Ấn
Vương vương sầu tơ nắng
Nút Bút vùng phương khôi
Quảng Ngãi – quê hương tôi
Dòng sông rạo rực
Lưng Rồng uốn khúc
Rực rỡ ánh dương ngời
Trùng trùng gấm vóc
Huyết lệ sử dân Hời
Từ Chiêm Thành khai quốc
Dâng về ngôi Đại Việt
Trọn ân tình Chúa, Tôi
Quảng Ngãi – quê hương tôi
em>Dân tình bất ly
Dân trí bất nhược
Dân đức bất suy
Dân tâm bất khuất
Khí thiêng nung đúc
Văn chương kiệt phách hào hoa
Bất chấp cường quyền, uy vũ…”

Cùng với sự nghiệp thơ, có một tác phẩm của Nguyễn Vỹ được nhiều người yêu thích và đánh giá cao, đó là tác phẩm “Tuấn, chàng trai nước Việt”. Tác phẩm này trước khi in thành sách trọn bộ 2 tập được đăng tải từng kỳ trên tạp chí Phổ Thông đã thu hút được đông đảo người đọc. Hình minh họa trong tác phẩm là một người thanh niên khôi ngô, tuấn tú, mặc chiếc áo dài cổ truyền, đầu đội mũ cối rộng vành đã trở thành thân thuộc với người đọc thời bấy giờ. Theo Nguyễn Vỹ thì tác phẩm “Tuấn, chàng trai nước Việt” không phải là tiểu thuyết, không phải là hồi ký, cũng không phải là tự truyện. Nguyễn Vỹ đã viết về những con người, những sự kiện chân thật với tư cách là nhân chứng khách quan của thời đại. Chính vì vậy, ông gọi tác phẩm của mình là “chứng tích thời đại“. Ông viết về xã hội Việt Nam từ những năm đầu thế kỷ 20 đến năm 1945, viết về chân dung cuộc sống của một thế hệ cùng thời với ông, mà ông đã gọi là “thế hệ Tuấn – chàng trai nước Việt”. Nguyễn Vỹ đã ghi chép một cách đầy sáng tạo các sự kiện; phải nói là ngồn ngộn sự kiện, đầy hấp dẫn, phong phú và đầy chân thật trong “Tuấn,  chàng trai nước Việt“. Ông trở thành người kể chuyện tài hoa, hấp dẫn. Từ chuyện ăn mặc, thời trang, tóc tai, học hành, thi cử, chuyện làng xã, chính trị… Từ đời sống sinh hoạt của một vùng đất, của một đất nước chuyên sống bằng nông nghiệp lạc hậu, tiếp xúc với những phương tiện hiện đại, cơ giới, máy móc tự động của phương Tây; đến tình cảm và suy nghĩ của một thế hệ đối với đất nước và dân tộc.
Đọc tác phẩm này của Nguyễn Vỹ, chúng ta thấy rõ hoàn cảnh, cuộc sống của Việt Nam từ trong thời kỳ phong kiến, thuộc địa đến thời kỳ bùng nổ dân chủ, giành độc lập. Chúng ta hiểu rõ tình hình kinh tế, văn hóa xã hội, cũng như những tập quán xã hội của nước ta trong thời kỳ đầu thế kỷ 20. Tác phẩm “Tuấn, chàng trai nước Việt” đã trở thành nguồn tư liệu quý giá giúp rất nhiều cho những nhà nghiên cứu, biên soạn, trích dẫn những phong tục tập quán, những sinh hoạt trong đời sống, những chuyển biến lịch sử của đất nước Việt Nam trong thời kỳ đầu của thế kỷ 20.
Với tác phẩm “Tuấn, chàng trai nước Việt”, nhà thơ Nguyễn Vỹ là nhân chứng của một thời đại.                                                               
Tài liệu tham khảo và trích dẫn
– Nhà văn hiện đại của Vũ Ngọc Phan (1942)
– Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh – Hoài Chân (1942)
– Nguyễn Vỹ – Nhân tích của một vùng đất và một thời đại của Đỗ Lai Thúy (Tạp chí VHNT số 7/2007)
– Tạp chí Phổ thông số 233/1970.

Lê Ngọc Trác
Theo https://thinhanquangngai.wordpress.com/


Sen lạc mùa trong nắng thu phai

Sen lạc mùa trong nắng thu phai
“Này quà của vợ và con
Dòng tin bằng hữu,
 núi non, sông hồ
Khói thơm, với sáp nến khô
Tôi còn giữ lửa,
ngây ngô tuổi mình
Nổi nênh từ lúc
đăng trình
Khi giông bão,
lúc tội tình trăng sao
Văn chương mộng ước Ca dao
Sân Trình, cửa Khổng
xanh xao nghiệp thầy
Ngao du theo hạt bụi gầy
Vịn vào nắng,
vịn vào mây đỡ buồn!
Dựa lưng trăng nhấp rượu suông
Cười như thơ ấu
ở truồng tắm mưa?
Biết yêu em
tự thuở xưa
Thơ tình ghép chữ
mãi chưa thành vần
Liều như bại tướng
vong thân
Mai sau chạnh nhớ,
tình nhân, nhân tình…
Ngoài tri thiên mệnh
lung linh
Chạm vào hoa giáp
thấy mình thấy ta
Đôi khi cảm một sác na
Sợi dây hư ảo
ta bà âm dương
Đêm chong nến,
khói và hương
Giấy thơm, người trải
văn chương ghẹo đời
Ừ ta đang tuổi
hai mươi
Thơ gieo một chữ,
rượu mời người dâng
Năm mươi tám tuổi,
dần dần…
Trăng, hoa, mây, gió
bạn thân cùng trời
Cứ rong ruổi hết cuộc chơi
Tà tà, chậm chậm…
hết hơi. Rồi về!…”

Mỗi lần đọc bài thơ trên của Trần Hoàng Vy là mỗi lần trong tôi trào dâng xúc động. Đây là bài thơ Trần Hoàng Vy viết vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 58 của anh. Nội dung bài thơ như một tự khúc của Trần Hoàng Vy viết về một chặng đường đời anh đã trải qua với bao hệ lụy đầy đắng cay lẫn ngọt ngào hạnh phúc. Mà sao, chính tôi bắt gặp lại chính tâm trạng của mình…
Khi đọc thơ Trần Hoàng Vy, tôi lại nhớ về những năm 70 của thế kỷ trước, trên các báo, tạp chí văn nghệ xuất bản ở miền Nam, thỉnh thoảng, xuất hiện những bài thơ của các tác giả trẻ là những người con của miền núi Ấn sông Trà: Trần Hoàng Vy, Nguyễn Thánh Ngã, Nguyễn Tấn On… Chúng ta bắt gặp những vần thơ của Trần Hoàng Vy đậm đà hương sắc ca dao, một Nguyễn Thánh Ngã trữ tình, sâu sắc ngữ nghĩa. Với Nguyễn Tấn On là những rung động đầu đời đáng yêu của thời tuổi ngọc. Ngày ấy, qua thơ của các anh, tôi dự cảm: Trần Hoàng Vy, Nguyễn Thánh Ngã, Nguyễn Tấn On sẽ có những bước tiến dài trên con đường sáng tạo thi ca.
Quả đúng thật vậy, đến nay đã gần 40 năm, Trần Hoàng Vy, Nguyễn Thánh Ngã, Nguyễn Tấn On đã trở thành những tên tuổi thân thuộc đối với những người yêu thơ. Với Trần Hoàng Vy chúng tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong đời. Sau  năm 1975, Trần Hoàng Vy với chúng tôi cùng ở tại một vùng đất đồi quanh năm đầy nắng gió của miền cực nam Trung bộ. Trần Hoàng Vy công tác trong ngành giáo dục. Tôi làm biên tập ở cơ quan báo chí. Ôi cái thời đầy gian khổ trong cuộc sống. Cái thời mà dường như cái nghèo, cái khổ chia đều cho mọi người. Trong vất vả, gian nan của cuộc sống thời ấy, Trần Hoàng Vy vẫn âm thầm làm thơ. Năm 1980, anh gởi về tòa soạn và tôi chọn đăng trên báo Thuận Hải bài thơ “Gởi em bài ca dao xưa” (ký tên thật là Trần Vĩnh). Thời bây giờ báo chúng tôi chuyên đăng thơ “cổ động”, “Gởi em bài ca dao xưa” của Trần Hoàng Vy xuất hiện như một làn gió nhẹ. Lời thơ gần gũi như lời ru của người mẹ được nhiều người thuộc lòng:
“…
Anh gửi em bài ca dao xưa
Của mẹ ru ta những trưa hè nắng lửa
Hay đêm đông hiu hắt một ánh đèn
Và đời người trong gian khổ từng quen
Bài ca dao xưa con cò lặn lội
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
Với con vò võ héo hon
Võng nâng điệu ví Kiều còn lênh đênh
Con nước giập giềnh
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi
Cơn gió chướng mùa bông lau trắng lượn
Đàn cò bay về cuối mãi trời xa
Mẹ trong nắng táp mưa sa
Dưới đồng lầy lội thâm tà áo nâu
Bài thơ chiếc nón dãi dầu
Bên cơ cực sớm mái đầu bạc phơ”
…”

(Trích bài thơ Gửi em bài ca dao xưa)

Năm 1982, cuộc sống càng khó khăn, Trần Hoàng Vy xin chuyển công tác và đưa gia đình vào Tây Ninh sinh sống. Ngày ấy, anh Phan Chính có nhã ý tổ chức bữa cơm thân mật để tiễn Trần Hoàng Vy hành phương Nam lần thứ hai. Hẹn nhau gặp tại nhà anh Phan Chính lúc 19 giờ. Chúng tôi chờ mãi… đến mòn con mắt vẫn chưa thấy Trần Hoàng Vy đến. Tôi và anh Phan Chính “cưa” nhau nửa lít rượu gạo. Khi chúng tôi đã “sần sần” thì Trần Hoàng Vy mới đến. Vừa bước vào nhà, không kịp thở, Trần Hoàng Vy nói: “Em cảm ơn hai anh nhưng bây giờ em bận lắm, phải lo xe để sáng mai lên đường sớm. Em xin cụng ly, chúc hai anh ở lại sức khỏe.  Em không ngồi với hai anh được“. Nói xong, Trần Hoàng Vy uống liền hai ly rượu, bắt tay chúng tôi, dắt chiếc xe đạp cà tàng ra về. Nhìn theo dáng lầm lũi của Trần Hoàng Vy trên con đường đêm đầy ổ voi ổ gà, chúng tôi đành chỉ còn biết “thương bạn chiều hôm sầu gối tay”. Thế là chúng tôi xa cách nhau. Tuy vậy, vẫn thường đọc và theo dõi những sáng tác thơ văn của Trần Hoàng Vy. Đến bây giờ, Trần Hoàng Vy đã xuất bản được 6 tập thơ, 3 tập truyện ngắn. Anh đã được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Chúng tôi thật sự mừng cho anh. Và, tự hào có người đồng hương của mình thành danh ở quê người.
Sống ở phương Nam, trong thơ, Trần Hoàng Vy vẫn đau đáu nhớ về đất mẹ Quảng Ngãi:
“Chiều như chạm gió quê xa
Chút hanh hao nắng, chút da mặn thầm
Từ ta biệt xứ vô âm
Một ngày nhớ gió khóc thầm gió ơi
Quê xa mây lững thững trời
Gió rưng rức chén rượu mời lưng lưng
Nhấp môi Trà Khúc nửa chừng
Quê nhà ngọn gió kịp dừng bên sông?
Có còn ai chuyến đò đông
Chiều nay vấp sợi gió đồng từ quê…”
(Gió từ quê nhà)
Từng sống và đi qua nhiều nơi, Trần Hoàng Vy nhận ra ở đâu cũng là quê  hương mến yêu:
“Mang trong mình nấm đất màu
Rằng là quê đó dãi dầu nắng mưa”

(Trích Bài thơ quê trong tập Tự khúc +)
Thơ Trần Hoàng Vy nhẹ nhàng giai điệu, đầy sắc màu. Anh mượn cảnh để thể hiện tâm tình, làm cho người đọc xao xuyến…
“Rơi chiều, nắng nhạt, son pha
Lửng lơ, dải lụa… phù sa chân vườn
Theo sông, khói sóng mù sương
Con chim gọi bạn tiếng nương ráng hồng
Lục bình trở dạ tím bông
Ghe thương hồ giữa mênh mông nước. Chiều
Còn tôi với nắng liêu xiêu
Vó đăng lặn hụp kéo liều vầng trăng!…”

(Chiều sông Vàm)
Chúng tôi đồng cảm với nhà giáo – nhà văn Mang Viên Long khi ông nhận định về thơ Trần Hoàng Vy: “Thơ Trần Hoàng Vy truyền cảm vì sự giản dị – chân thật, sâu lắng vì sự trong sáng – hồn nhiên. Không hề dụng công trau chuốt hay cầu kỳ làm dáng…”
Riêng với chúng tôi, thơ và tâm hồn của Trần Hoàng Vy như đóa sen lạc mùa rực hồng, ngát hương trong nắng thu phai – thật gần gũi thân thương trong cuộc đời như chính anh từng viết:
“Tiền kiếp tôi bông sen lạc mùa thu dìu dịu nắng
Tắm nước cam lồ heo héo mặt ao,
Người mang tôi thuở âm dương bằng phẳng
Hương của ngày bảng lảng thấp cao.
Ước ao,
Vì sao
Lập lòe đom đóm
Băng băng đại ngàn, xanh lẫn vào xanh
Bài thơ ca dao đẫm ướt
Ngày vô ngôn
Đêm cũng vô ngôn…”

(Trích Tôi, ta và ta…)
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
– Thơ Trần Hoàng Vy
– Đọc “Giang hồ tê chân” của Trần Hoàng Vy (Mang Viên Long – tháng 7/2010)
– Hàm Tân những chặng đường (1985)
– Thơ Huy Cận.
Lê Ngọc Trác
Theo https://thinhanquangngai.wordpress.com/



Nguyễn Ngọc Hưng- Hạt thơ, Hạt bụi, Hạt vàng

Nguyễn Ngọc Hưng- Hạt thơ, Hạt bụi, Hạt vàng
(Đọc tập thơ Lá non của Nguyễn Ngọc Hưng) 
In vào cuối Đông năm 1997, nhưng bạn bè chúng tôi mang thơ Hưng đi phát hành (đi bán) đúng dịp đầu Xuân Mậu Dần (1998). Một tập thơ ra đời vào dịp Xuân, lại mang cái tựa rất Xuân (Lá non), được viết bằng một trái tim thơ tràn trề mùa Xuân nhưng lại cầm bút bằng đôi tay tàn tật và một thể xác ngày càng yếu gầy hơn…
Khi Xuân Anh (người bạn cao quý nhất trong đám bạn bè cao quý của Hưng) chở thơ từ Nghĩa Hành xuống Trường để tôi mang đi dụ khị học trò phát hành ở Quảng Trị và Đaklak, tôi đã đặt xong cái tựa đề bài viết giới thiệu này. Thế nhưng do bận đi bán thơ để Hưng hoàn vốn nhà in nên bài viết (ít quan trọng hơn) đành gát lại. Chiều hôm kia, Hưng gọi điện thoại xuống thăm tôi và báo rằng, mấy nay sức khỏe giảm sút nhiều. Nghe cái giọng khàn khàn khó thở của Hưng, tôi đâm lo. Đành dẹp hết chuyện trường, ngồi viết bài này để giới thiệu một tập thơ mới của Hưng cùng bạn đọc. Đây là tập thơ thứ hai Hưng viết cho người lớn.
Khi tập thơ người lớn đầu tiên Lời ru trắng (*) ra đời, anh em tôi thường bảo: Hưng chỉ mạnh về mảng thơ thiếu nhi. Lần này, tất nhiên không đến nỗi đột ngột vì thật ra những bài thơ cho người lớn đăng tải gần đây của Hưng đã trội lên rất nhiều. Nhất là khi may mắn cả tôi và Hưng đều lọt vào vòng chung khảo cuộc thi thơ lục bát kéo dài cả 2 năm của Báo Giáo dục thời đại; và lần sơ kết ấy, Hưng đã được nhận tặng phẩm. Thế nhưng cầm tập Lá non, tôi vẫn hơi lo, vì đây là cả một tập thơ 70 bài. Và sung sướng làm sao khi càng đọc Lá non, tôi lại càng thấy thơ Hưng bây giờ đã mới hơn và nhiều tứ lạ. Vẫn là cái thể lục bát (6/8) truyền thống đó thôi nhưng cái cấu tứ và hình tượng thơ trong câu này mới quá:
Dòng sông thiêm thiếp câu hò
Vầng trăng ngửa mặt
con đò úp lưng… 
(Lỡ khúc dạo đầu)
Cấu tứ đầy tâm trạng, mới: dòng sông xưa thì ngủ gà ngủ gật, chính vì vậy trăng lại ngửa mặt về phía trời, đò lại úp lưng – gục  mặt về phía đất. Cái thế đối lập đất - trời này thật lạ. Nhưng hình ảnh thực thì thực ra lại vô cùng gần gũi (cái con đò úp lưng ấy).
Một điều đáng mừng nữa là đọc Lá non có nhiều câu, nhiều đoạn khiến ta phải giật mình vì cái lạ đầy sáng tạo của Hưng. Từng đến thăm Hưng, tôi rất hiểu cái choãi tay nặng nề chống trên giường để đưa cái thể xác nhẹ tênh của mình ngồi lên, thế nhưng đọc đoạn thơ này tôi đâm hoảng. Cái nặng của nỗi buồn khiến ta nghe hơi lạnh:
Không thể đến sân ga
tiễn em về trong ấy
choãi tay ta ngồi dậy
buồn nghiêng một góc nhà 
(Tiễn em)
Vào cái tuổi của yêu đương, đời Hưng đã gặp bất hạnh, chính vì vậy, trên con đường tìm đến với tình yêu trong thơ, Hưng nhìn tình yêu bằng nhiều phía, lý giải ở nhiều gốc độ sáng tối khác nhau. Có cái hoang vu đến rợn người:
từng nhát chổi quét qua đời ngang dọc
chân tháng ngày răng chó cắn toạt da
phía em ở khoảng trời quên mọc tóc
chòm râu thưa che khuất nửa trăng già 
(Nụ hồng vàng)
Có cái sám hối của tuổi thơ yêu, rồi chợt bỗng nhận ra như là một triết lý, dù cho cái triết lý tình yêu này không có gì mới lắm, nhưng câu thơ lại giản dị đến dễ thương:
mình yêu nhau quá vội vàng
xa nhau cũng vội
quên…càng vội hơn 
(mưa hoàng hôn)
Trong bài  Chị mồ côi không biết Hưng viết cho ai đây mà cái bi kịch tình yêu này làm se lòng ta đến vậy:
Người ta tát gàu dai
chị tát gàu sòng
tình trăng vỡ múc hoài không thấy cạn
Vâng! Múc tình dưới trăng mà múc một mình bằng chiếc gàu sòng đơn độc thì lạnh lắm Hưng ơi!
Tình buồn trong thơ Hưng có cái thoáng buồn hơi bình lặng lúc con sáo sang sông của dân ca, nhưng sau đó đứng bên bờ này sông tiễn đưa, Hưng đang rơi vào tâm bão. Lốc. Và gió. Và chỏng chơ một cõi tâm hồn:
đành thôi, em là con sáo
một chiều theo mẹ qua sông
bỏ lại đằng sau cơn bão
hoàng hôn ta chỏng chơ lồng 
(ngậm ngùi)
Ôm cái lồng chỏng chơ, hư không đứng lại bên bờ thì đúng là thơ Hưng khiến cho cả một dòng sông, cả một hoàng hôn rỗng không, vắng lặng.
Tình yêu trong Hưng còn có cái cháy bỏng đến nhiệt cuồng:
em là cậu bé … ngu ơi
nghịch hoang nên cháy một thời trẻ thơ
(Nghịch hoang)
Và có lẽ vì thế nên thơ Hưng khát khao cả đến từng giọt hạnh phúc cho dù hơi thơ nghe thoảng chút mong manh:
em áp vào ngực anh
nhập hai cuộc đời làm một
vũ trụ cong mình thảng thốt
người run như gió lay cành 
(từng giọt)
Cái vũ trụ cong mình thảng thốt ấy, đúng là Hưng đã gom về bằng cả trái tim tràn trề yêu đương và nâng niu hạnh phúc giữa chính bất hạnh đời mình. Cái đáng quý trong thơ Hưng chính là ở đó. Đọc thơ Hưng, ta cảm nhận ra được cái vị ngọt của tình yêu, cái đáng nâng niu của hạnh phúc:         
Ta chẳng còn gì ngoài một trái tim
tha thiết yêu em… tưởng chừng có thể
hóa ánh trăng ngân
tan thành bọt bể… 
(Điều có thể)
Một nét nổi bật nữa trong tập thơ này là cái quê hương nghèo mà suốt một đời Hưng gắn bó với bao kỉ niệm đến nao lòng. Cái vùng đồi núi trung du tiếp giáp giữa núi và thị xã và biển ấy đã đi về nặng nợ trong cả tập thơ. Đó là cái quê hương đẹp như tranh, buồn như tranh với:     
tuổi thơ mũ dẻ, chùm chày
ban đêm  học đóm, ban ngày thả trâu.
(Làng tôi)
Đó còn là một ngõ quê buồn có hàng dâm bụt đỏ lời ước hẹn cùng một đôi mắt chiều dân dấn buồn tình trắng như mây. Đó là cái xóm Chùa nhiều chim sẻ, xóm Ba Gò tuổi thơ Hưng chăn trâu và vu vơ đi trong chiều ngắt cành sim tím:
Ba Gò ơi
Ba Gò ơi
Nhớ thương đâu chỉ một thời chăn trâu 
(Cánh sim rơi)
Và nhắc đến quê hương là Hưng nghĩ ngay đến mẹ. Người mẹ tần tảo nuôi con trong suốt tuổi thơ vắng cha, trong suốt những tháng năm Hưng trọng bệnh. Mẹ theo Hưng lên rừng, xuống biển, vào Phan Thiết, Nha Trang tìm thầy chạy chửa. Và rồi… dù tật bệnh, Hưng vẫn đang thời trai trẻ. Còn mẹ ? Tuổi già sức yếu nên theo con chỉ mới nửa đoạn đường mẹ đã phải dừng lại. Vâng, bạn Xuân Anh đã vội vã vào Nha Trang kịp đưa mẹ về Nghĩa Hành để mẹ trút hơi thở tàn trên cái nền đất quê hương xem như một niềm an ủi. Đây! Cái tình mẹ con được Hưng nói như thế này đây:         
xưa hai đôi đũa một mâm
giờ hai đôi đũa…
con cầm một đôi
còn một đôi nữa mồ côi
nghẹn ngào ai nuốt cho trôi chén buồn
 
(Gốc mai đôi)
Mất mẹ, Hưng chếnh choáng, cô đơn giữa trời, giữa cuộc đời, có lúc Hưng chợt đến bi quan:
Tiễn mẹ về thế giới bên kia
lá rắt
mưa rơi
âm thầm con ngửa nón cời
hứng buồn vui của cuộc đời ban cho
 
(quê hương)
và Hưng chợt nhận ra: 
Biết thương mẹ, mẹ đãvề xa ngái
đời con như hạt lép tháng ba nào
 
(Hạt lép)
rồi Hưng ước mơ:  
ước làm một đóa hoa tươi
ướp lên môi mẹ nụ cười trẻ thơ 
(Trắng tay) 
Còn rất nhiều thành công đáng nói trong tập thơ này, nhưng thôi, tôi xin nói lên một vài điều đáng tiếc. 
Đáng tiếc thứ nhất là về khách quan: tập thơ được trình bày, in, phụ bản đẹp, công phu song khâu biên tập, sửa bản in còn để quá nhiều sai sót. Những sai sót khó lòng chấp nhận cho một tập thơ. Nếu biên tập kỹ hơn nữa, chọn thơ khắc khe hơn chút nữa, đầy đủ hơn chút nữa, Lá non sẽ loại bớt những bài thơ tầm tầm, và những câu thơ mà thỉnh thoảng Hưng hay để lọt vào trong một đoạn rất hay một cách rất vô tình. Ví dụ: 
Mười mấy năm xa biền biệt xóm Chùa
tôi vẫn thấy tiếng chuông chiều cong vút
như một chiếc cầu âm thanh
nối hồn quê với cánh chim lưu lạc
nhớ thương thảng thốt gọi về 
(Chim sẻ xóm Chùa)
Cái câu thơ thứ 3 ấy, cái câu này có biện pháp tu từ so sánh, nhưng lại chính cái sự tu từ lại làm giảm mất cái chiều sâu cong vút âm thanh của tiếng chuông chiều. Cắt bỏ câu thơ này đi, cả đoạn thơ hay và sâu sắc hơn nhiều. Hoặc ở bài thơ khá hay Số lẻ. Cắt bỏ bớt cái riêng của Hưng ra (cả khổ thơ thứ năm), bài thơ sẽ trọn vẹn và giá trị nhân bản được nâng cao lên rất nhiều lần…
Đáng tiếc thứ hai là về phía chủ quan: ta còn nhớ, thuở 10 năm Hưng còn nằm trong bóng tối tập viết thơ ở Phổ Thuận, trong 15 cuốn sổ tay thơ của Hưng tôi mang về rất ít bài sử dụng được để in sau này (trừ một số bài lục bát). Lúc ấy thiếu thông tin nên thơ Hưng rất cổ. Sau này khi bạn bè đưa Hưng về Nghĩa Hành, đọc nhiều thơ đương đại, Hưng mới bắt đầu có sự chuyển biến mạnh trong nghệ thuật thơ. Nhưng có lẽ do cái tháng năm dài đăng đẳng khổ đau kia nó ám ảnh Hưng lớn quá chăng mà trong thơ Hưng thỉnh thoảng cứ rơi rót một vài câu cổ cổ! Mà bỏ nó ra Hưng lại cứ như tiếc ấy. Nhà thơ Hoàng Minh Nhân có lẽ đã cố tình bỏ câu thơ dòng sông trước nhà êm ả chảy về xuôi rất sáo mòn này ra (bài Dòng sông trước nhà). Nhưng Hưng đòi lấy lại. Tất nhiên đòi lại là vì như thế mới lôgic với cái câu kết dòng sông trước nhà sủi bọt chồm lên. Nhưng thơ đâu cứ phải cần cái lôgic quá tỉnh mỉnh kia. Đúng hông!
Vâng đến bây giờ thì tôi có thể nói là tôi không sợ Hưng buồn khi phê bình Hưng nữa vì Hưng rất hiểu tôi và cứ đòi tôi phải phê bình cái dỡ. Hơn nữa, bây giờ thơ Hưng cũng đã vượt quá xa thơ tôi viết. Vì vậy, châm huyệt mấy ý cho vừa lòng Hưng.
Chắc bạn đọc cũng sẽ cảm thông và đón tập thơ mới này của Hưng với tất cả niềm vui và lòng trân trọng. Vì ta biết Nguyễn Ngọc Hưng quan niệm thơ là hạt bụi nhưng thơ hay lại gạn hồng trần mà ra hạt vàng, hạt ngọc (hạt ngọc trong lòng trai vốn được tạo nên do vết thương của bụi hồng trần - ý của Nguyễn Tuân):
Thơ chắt lọc từ vô vàn hạt bụi
một hạt vàng - một hạt sáng tình yêu.
 
(Nụ hồng vàng)
(*) Lá non - NXB Đà Nẵng 1997.
(*) Lời ru trắng - Sở VHTTTT Quảng Ngãi - 1994.
02/4/98
Mai Bá Ấn
Theo https://thinhanquangngai.wordpress.com/



Thử bàn về câu ca “Con mèo, con chó có lông…”

Thử bàn về câu ca “Con mèo, con chó có lông…”
Thuở còn thơ, bên cánh võng, bà tôi rồi má tôi đã hát ru tôi nhiều câu hát, mà đến giờ, có những câu tôi cũng chưa hiểu nổi. Bà tôi và cả má tôi cũng không giải thích được những thắc mắc của tôi về nội dung và ý nghĩa của những câu hát ấy. Sau này, tôi cũng thử hỏi một số người, nhưng không mấy ai giải thích cho cặn kẽ. Khi lớn lên, thi thoảng tôi cũng cố giải mã vài câu hát khó hiểu mà bà và má đã hát, nhưng chẳng dễ dàng tí nào. Nhân năm Tuất tôi thử viết ra đây mấy dòng giải mã của mình về một câu ca, trong số những câu chưa hiểu đó. Đó là câu ca:
“Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai”
Quả là bạn sẽ ngạc nhiên khi tôi nói rằng câu ca này thuộc loại khó hiểu, bởi mới thoạt nghe, câu ca trên đâu có gì là lạ. Chỉ như cho trẻ con học nói. Chỉ như cho trẻ con phải biết rằng: Con mèo, con chó (thì) có lông (còn cái) cây tre (thì)  có mắt (và cái) nồi đồng (thì) có quai! Nhưng như thế thì giản đơn quá. Có lần, tôi được nghe nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng có kể lại rằng: Đương thời, lúc còn sống, nhà thơ Xuân Diệu đã hết lời “chê trách” nghệ nhân dân gian nào đó đã  sáng tác ra câu ca, mà theo ông là quá vớ vẩn này, chả có giá trị gì về nội dung và nghệ thuật, tựa như chuyện các chàng học trò cùng sáng tác bài “Con cóc”! Trời sinh ra con cóc thì phải nhảy, phải ngồi, phải nhảy ra, phải ngồi đó, phải nhảy đi, hà cớ gì lại suy ngẫm thành thơ cho mất thời gian mà chẳng có vần vè : “Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó, con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi” ?
Năm kia nhân lại đọc cuốn “Phủ tập Quảng Nam ký sự” của Mai Thị, tương truyền được viết cách đây hơn 400 năm (1), nói về công cuộc canh tân và vỗ yên vùng đất Quảng Nam xưa (tức tương đương phần đất: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và một phần đất Phú Yên hiện nay) của Trấn Quận Công Bùi Tá Hán, tôi lại thấy hình như có một mối liên hệ nào đó giữa câu ca này và những canh tân xã hội của Bùi Tá Hán.
Trong “Phủ tập Quảng Nam ký sự“, ngoài phần ghi chép về thân thế và sự nghiệp của Bùi Tá Hán, tác giả họ Mai đã dành phần lớn số trang nói về việc vỗ về vùng đất Quảng Nam, đặc biệt là chính sách của vị Trấn Quận công họ Bùi này trong công cuộc phát triển kinh tế, canh tân xã hội, khi ông được cử làm Đô tướng Quảng Nam dinh (sau lúc ông thực hiện xong chiếu chỉ cần vương “Phù Lê, diệt Mạc” vào năm Nguyên Hòa thứ 13 – Ất Tỵ, 1545).
Công cuộc phát triển kinh tế và canh tân xã hội của Bùi Tá Hán được ghi trong tài liệu này bao gồm nhiều khía cạnh, như tổ chức đời sống sản xuất và sinh hoạt; thực hành tiết kiệm để phòng lúc ngặt nghèo; tổ chức khai hoang, vỡ hóa, thủy lợi; chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí; cải tổ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng; cải tiến ăn, mặc và các sinh họat hoạt thường nhật, v.v…(2)
Ở đây chỉ xin nói riêng về cách cải tiến ăn, mặc và cả những dụng cụ sinh hoạt thường nhật cho nhân dân xứ Quảng Nam thời bấy giờ, mà tài liệu này còn ghi khá rõ. “Phủ tập Quảng Nam ký sự” cho biết, chính Bùi Tá Hán đã khuyên dân chúng là phải làm nhà theo kiểu ba gian, tám cột, lợp 4 tấm rui vuông 4 góc, các nhà nên liên kết nhau thành một xóm; mỗi xóm nên đào một cái giếng để lấy nước sạch; phụ nữ không nên dùng quần không đáy mà phải dùng quần có ống như nam giới và phải nhuộm chàm hoặc đà để phân biệt nam nữ; phải làm nồi đồng, nồi đất có quai ở cổ để khi nấu nướng tiện việc bưng lên bưng xuống…
Chính cái chỗ này đây – việc cải tiến cái nồi đồng nồi đất phải có quai – đã làm tôi nghĩ ngay đến câu ca mà bà tôi, má tôi đã ru tôi từ thuở nhỏ, như đã nói trên kia. Phải chăng câu ca ấy đã ra đời vào chính thời điểm này, tức vào gần 500 năm về trước?
Ta hãy thử đọc lại câu ca này:
Con mèo, con chó có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.

Quả là chuyện con mèo, con chó có lông là chuyện đương nhiên của tạo hóa, sinh ra là chúng phải có lông (nếu không lông thì chúng có giống con chó con mèo đâu!). Còn chuyện cây tre có mắt thì cũng vậy, cây tre nào mà chẳng có mắt? Và cả 3 thứ ấy: chó, mèo, cây tre là những thứ vốn dĩ của tạo hóa sinh ra. Chỉ riêng có cái nồi đồng thì không phải tạo hóa sinh ra. Nó được ra đời do chính bàn tay con người. Nếu đem câu ca này đưa vào trò chơi gì đó trên ti vi, mà tôi thi thoảng có thấy, để tìm ra một lời giải đáp cho sự so sánh hơi khập khiễng kia, hẳn người chơi sẽ dễ dàng loại suy ra có một thứ không thuộc phạm trù tạo hóa sáng tạo, và sẽ trả lời ngay, đó chính là cái nồi đồng. Để đồng đẳng, đáng lý ra, câu ca này có khi phải là: Con mèo, con chó có lông; Cây tre có mắt, cây hồng có gai chẳng hạn, thì bốn thứ: con mèo có lông, con chó có lông, cây tre có mắt, cây hồng có gai mới  hợp lô gích. Vì thế, có thể nói, chuyện cái nồi đồng (phải) có quai không thuộc quy luật đương nhiên đó.
Tôi nghĩ, chắc hẳn người nghệ nhân dân gian sáng tác ra câu ca dân gian này đã cố ý sắp xếp theo một trật tự  có vẻ có lý như vậy nhằm để tuyên truyền cho “cuộc vận động” làm cái nồi đồng, nồi đất có quai để tiện việc bưng, duống, như chủ trương của Bùi Tá Hán (hoặc cũng có thể của ai đó mà ta chưa có đủ điều kiện tư liệu để chứng minh khác đi). Người nghệ nhân đó, có lẽ muốn cố ý khuyên dân chúng thời ấy rằng, cái chưa phải là quy luật đương nhiên (như cái nồi đồng) thì phải làm cho nó trở thành cái có quy luật đương nhiên (tức phải làm cái quai, bởi cái nồi đồng, nồi đất trước đó không có cái quai). Mà muốn tuyên truyền cho chủ trương này, không có cách gì tốt hơn là phải làm thành văn vần để mọi người dễ thuộc dễ nhớ. Đơn giản vậy thôi. Tôi nghĩ, nếu cách đây gần 500 năm, người dân xứ Quảng khi nghe câu này sẽ hiểu ngay là tác giả câu ca muốn nói cái gì, nhưng giờ đây, cũng là câu ca ấy thôi nhưng ta không dễ gì hiểu nổi (Bởi một phần cũng do cái nồi đồng, nồi đất  đã cải tiến, là thêm vào cái quai từ lâu rồi!).
Nhưng làm sao lại nghĩ ra là phải thêm vào cái quai ấy? Đây lại là một vấn đề khác. Phải chăng, trong buổi đầu vào phía Nam lập nghiệp, trong hành trang người Việt mang theo chỉ có cái nồi đồng, nhưng không quai, để khi thấy người Chăm (hoặc  những tộc người bản địa khác) đã biết dùng nồi đồng, nồi đất có quai thì người Việt mới học tập cách làm của các tộc người bản địa này? Có thể câu nghi vấn này sẽ được khẳng định nếu chúng ta thử nhìn vào những hiện vật thuộc nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm, mà ở đó có rất nhiều loại nồi mà quanh cổ có hai quai hoặc cả bốn quai.
Tôi không dám chắc cách kiến giải như trên của tôi là hoàn toàn đúng. Vào ngày 31 tháng 1 năm 2004, tại cuộc Hội thảo khoa học “Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa – văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ” do Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên phối hợp tổ chức tại thành phố Tuy Hòa, tôi có trình bày tham luận tên là “Phủ tập Quảng Nam ký sự – giá trị tư liệu và một vài suy luận“, đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có nói về chuyện con chó, con mèo… và cái nồi đồng này. Khi trình bày đến đây, tôi có liếc nhìn GS Trần Quốc Vượng, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, GS.TS Nguyễn Xuân Kính, là những người thầy của tôi, và là những người chủ trì Hội thảo, tôi thấy các thầy tỏ vẻ rất thích thú và gật gật đầu khi nghe tôi kiến giải vấn đề này (trong đó còn nhiều người bạn của tôi nữa). Nhưng quả thật, chẳng biết những cái gật đầu ấy là để tán thưởng hay chỉ là để an ủi.
Nhân năm con chó, tôi xin mạo muội tự kiến giải đôi điều hầu chuyện cùng bạn đọc vì thấy chuyện có liên quan đến con chó, dầu hình ảnh con chó trong câu chuyện chỉ là phụ, mà cái nồi đồng (có khi là để nấu thịt chó) là chính. 
(1) Do gia tộc họ Lê ở làng Hoài An, xã Đức Chánh truyền đời gìn giữ. “Phủ tập Quảng Nam ký sự” đã được in trong cuốn “Tài liệu thư tịch và di tích về nhân vật lịch sử Bùi Tá Hán“, Sở Văn hóa Thông tin Quảng Ngãi xuất bản, 1996.
(2) Xin xem thêm bài “Phủ tập Quảng nam ký sự – giá trị tư liệu và một vài suy luận” của tác giả bài viết này trong sách “Tìm hiểu đặc trưng di sản văn hóa văn nghệ dân gian Nam Trung Bộ“, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
Nguyễn Đăng Vũ
Theo https://thinhanquangngai.wordpress.com/

  

Mùa chiến dịch Mùa văn chương của Lê Văn Thảo

Mùa chiến dịch Mùa văn chương 
của Lê Văn Thảo 
Nhà văn Lê Văn Thảo ở TP.HCM vừa qua đời, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Thị Thắng về ông. TRẦN THỊ THẮNG- Ngày 14-10-1971, chuẩn bị vào mùa khô, bảy thành viên trong đoàn viết văn trẻ khóa bốn xuống đường về khu Sài Gòn –Gia Định gọi là I4, gồm Phan An, Phan Xuân Biên, tôi, Hà Phương, Hà Công Tài, Khuynh Diệp, Nguyễn Văn Sơn đã có mặt tại Ban tổ chức Thành ủy đóng tại Chô (nước bạn).
Mọi người lần lượt nhận công tác để mùa xuân tới là vào mùa chiến dịch ở vùng sâu, còn tôi bị sốt rét và áp se nên nhập viện. Một người phụ nữ lớn tuổi thi thoảng đứng ở đầu giường, khi tôi lên cơn sốt cao, đôi lúc bà nắm tay và nói những lời an ủi. Lúc tỉnh dậy tôi mới biết đó là “bà Năm Diêu” vợ Giám đốc sở Giáo dục Sài Gòn - Gia Định (Trưởng Tiểu ban Giáo dục Miền). Sau những cơn sốt thường mệt mỏi, nhưng mỗi lần gặp bà là bao chuyện vui lại tới, những câu chuyện tuy không đầu không đuôi đôi lúc làm tôi hơi ngượng vì bà coi tôi là đứa con tiêu biểu được đào tạo tại Hà Nội (con người của Chủ nghĩa xã hội).Tôi chơi đàn măng- đô- luyn nên có trai trên năm đầu ngón tay, bà nắm tay và khen: Ngoài đó đào tạo các con sâu rộng, má mong có ngày được ra miền Bắc. Ngày ấy được đi thăm miền Bắc Xã hội chủ nghĩa là ước mong của bao người cán bộ trong rừng. Gương mặt bà đẹp cùng phong cách quý phái, đôi lúc làm tôi yêu thêm con người Sài Gòn qua dáng dấp của bà. Rồi tôi hiểu thêm về một bà mẹ : Một mình nuôi 5 con lớn bé ăn học tại Sài Gòn khi chồng đi tập kết, sau đó ông trở lại miền Nam và ở trong chiến khu, tham gia kháng chiến. Cứ mùa xuân đến bà lại lo chồng cùng đồng đội tham gia chiến dịch, hết cực Nam lại lên miền Tây về Củ Chi. Xuân qua đi có được tin tức của chồng về bà mới thở phào được đôi chút. Nỗi cơ cực nuôi con, ngóng chồng, bị Việt nam Cộng hòa theo dõi, gây áp lực lên người phụ nữ trong nội đô, vậy mà bà một mình chèo chống. Một khi các con lớn theo học trong các trường đại học Sài Gòn, ông bà muốn tìm cho con một con đường như người cha đang bước. Và thế là cả nhà theo con đường bí mật vào chiến khu, bà luôn tự hào về hai đứa con là nhà văn Lê Văn Thảo, Lê Văn Duy (là tên người con trai lớn nhất, anh là kỹ sư mỏ, trên đường đi công tác tại Yên Bái, anh đã bị lũ quấn trôi. Thương tiếc anh trai, Lê Văn Hằng đã lấy bút danh là Lê Văn Duy). Các anh các chị sau khi từ thành vào rừng đều tập trung làm việc và học tập tại trường Nguyễn Văn Trỗi của R, sau này có em vượt Trường Sơn ra Bắc học. Nhân một lá thư Lê Văn Thảo gửi cho nhà thơ Bảo Định Giang: “Cháu có hai đứa em học ngoài đó, nếu có thể cháu có đồng nhuận bút nào hai chú lãnh giùm cho hai em cháu sài đỡ. Đó là Dương Văn Đạt (giáo viên) và Dương Cẩm Thúy (học sinh) trường Nguyễn Văn Trỗi”.Trong một trận càn lớn (càn Đông Dương, 1970), người con gái lớn của ông bà là Dương Lệ Chi vừa tròn hai tư tuổi đang, đưa học sinh của trường Nguyễn Văn Trỗi chạy càn gần Công Bông Chàm( Căm phu chia). Đoàn đi vào khu rừng có rải cây nhiệt đới (loại cây “thám báo”, để máy bay hoặc pháo bầy định vị có Việt cộng mà truy kích hay bắn pháo). Khi các em vừa đi tới đó thì pháo bầy bắn phá ào ạt, Dương Lệ Chi lấy thân mình che chắn cho học sinh, chị đã hy sinh. Mấy ngày hôm sau đoàn giáo dục và các nhà báo lên thì đã được bộ đội đang làm công tác tử sỹ, Dương Lệ Chi được chôn cất long trọng. Hôm sau mấy anh em trong nhà lên mộ, họ đã khắc lên cây hai chữ Lệ Chi. Ba mươi năm sau, gia đình cùng anh em giáo dục trở lại lên thăm mộ, chữ theo cây lớn cùng tên người là Lệ Chi. Gia đình và anh em đã lấy mảng vỏ cây đó mang về để trong nhà. Trong tên các con cái của ông bà lấy họ mẹ (họ Lê) từ trong thành khi mà cha đi kháng chiến vùng xa xôi, nên bút danh hoặc một số giấy tờ khác, các anh chị vẫn giữ họ mẹ, còn họ cha là họ Dương. Ngày 21-11-1971, tôi được đưa đi mổ áp se, cắt bã đậu trong ổ và khâu 7 mũi (lúc đó mổ không tiêm thuốc giảm đau và cả không kháng sinh, nên đau và máu chảy ra nhiều), khi về gường bà Năm Diêu ngồi đợi và để dành cho tôi một chiếc bánh bông lang bày trên đĩa. Chúng tôi thăm hỏi nhau đôi ba câu thì cả bệnh viện bỗng sôi sục việc chuyển bệnh nhân, dụng cụ y tế, kho lương, kho dược ra khỏi Khum Mít khi tin tình báo sắp rải thảm B52.
Lúc này Sài Gòn- Gia Định (đóng ở Chô) đang có cuộc họp Bình Dã, tổng kết lại những mặt được và không được của công tác nội đô do đồng chí Nguyễn Văn Linh chủ trì thì có mật báo trên. Các cơ quan của Thành ủy lũ lượt trên những chiếc xe trâu, xe hon đa chuyển vùng. Bà con Căm phu chia lớp lớp người ra đi cùng gió bụi, mang gia đình, lương thực, gà lợn, chó má trên các phương tiện xe trâu, xe bò xe kéo tay, đi bộ, họ cứ cắt cánh đồng đi về hướng Nam. Tôi là bệnh nhân mới mổ ở lại cũng dược sỹ Nguyễn Thị Dung, con gái phố bà triệu Hà Nội, và y tá Tuyết, Việt kiều Nam Vang cùng bảo vệ Ba Rận, người Long Xuyên. Hai vợ chồng ông bà Năm Diêu chạy sang phòng tôi, bà biết tôi phải ở lại, khi hai chiếc xe hon đa đang chờ sẵn chở ông bà vượt ra khỏi khu báo động đỏ nguy kịch, bà nắm tay tôi và rưng rưng nước mắt. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được dòng nước mắt của bà má miền Nam thương cảm cho một người con gái miền Bắc xa quê hương vào chịu trận cùng đồng bào miền Nam. Giọt nước mắt ấy đôi lúc trong ác liệt đã đồng hành cùng tôi nhiều năm ở Củ Chi. Bà nắm tay tôi, cầu cho ở lại bình yên, bàn tay bà miết mãi trên bàn tay non trẻ của tôi và bà nó với chồng
- Có cách nào đưa T đi cùng chúng ta!
- Cháu vừa mổ, cần chăm sóc của bệnh viện!
Và rồi xe đưa hai người đi, tôi ngồi nhìn con đường đầy cát bụi, lòng tôi trống trải sợ sệt, vì đây lần đầu tiên tôi nhìn thấy một không khí di chuyển về miền sống của cả đội hình dân cư và Thành ủy Sài Gòn - Gia Định. Để lại miền chết cho bốn chúng tôi cùng bệnh viện với cái khoảng không tĩnh lặng như miền đất đang dần đi tới vùng hủy diệt, không tiếng trẻ con khóc, không tiếng chó sủa, gà tục tác, không tiếng xe máy, không cả bóng khói chiều vương trên khum. Chúng tôi xuống hầm chờ các đợt B52 rải thảm cùng chiếc bánh bông lang của bà mẹ miền Nam để lại. Chiều và đêm ấy không có B52 rải thảm, chúng ngồi nghe thấy cả tiếng lá rơi, tiếng gió thổi, tiếng hơi thở của ba cô gái ở bên nhau. Hết ngày hôm sau các cơ quan, dân lại trở về, tôi được chăm sóc tuyệt đối của bác sỹ Sơn (giám đốc bệnh viện) khi có lời gửi gắm của vợ chồng ông bà Năm Diêu. Tết đầu tiên xa nhà, tôi cũng được vợ chồng ông bà mời xuống ăn tết 1971-1972 tại Sở giáo dục Sài Gòn –Gia Định cùng anh em giáo viên miền Bắc: nhà giáo Đặng Khắc Minh, Nguyễn Thị Bích Lộc, Nguyễn Khắc Hiền, Trần Hùng, Nguyễn Đức Hùng,, Nguyễn Chí Thanh,, Nguyễn Xuân Các, Nguyễn Xuân Hồng, Nguyễn Đức Tiến.... Đó là cái tết đầu tiên xa nhà, sống trên đất bạn, tôi được ăn một cái tết đầy đủ về vật chất: Bánh chưng, dưa hành, giò chả, chè Hồng Đào, thuốc lá Điện Biên và một cây nến cháy lung linh, với giây phút cùng trầm mặc, để nhớ về miền Bắc Xã hội chủ nghĩa, đang gánh chịu bom đạn. Sau này về Sài Gòn, đôi khi đi chợ Tân Định, tôi vẫn gặp bà ngoài chợ, người mẹ ấy vẫn vui vẻ mời tôi lại nhà chơi với một niềm tin như những ngày còn trong chiến khu. Tôi hiểu người mẹ miền Nam vẫn là những con người chung thủy với với niềm tin yêu khi họ đã đặt lòng mình vào cái gì đó. Nhà văn Lê Văn Thảo, anh thừa hưởng một sự giáo dục của cha mẹ là như vậy. Các em của anh sau này người thì theo sự nghiệp điện ảnh, người là giaó sư, thày giáo, người thì học kinh tế, làm giám đốc một nhà máy bánh kẹo lớn của miền Nam. Họ, tất cả hình thành từ một gia đình trí thức theo cách mạng. Ngay từ những ngày cuối năm 1972-1973, Diệp Minh Tuyền cùng Lê Văn Thảo xuống chiến trường Sài Gòn - Gia Định (ở chiến trường thường xuống đường trước tết, lúc đó là đầu mùa khô, chúng tôi gọi: Mùa của chiến dịch thường đi xuyên suốt mùa xuân cho tới giáp mùa mưa lại trở về “nghỉ quân” là mùa viết của các nhà văn). Cái thói quen này hình như thường lặp đi lặp lại đối với Lê Văn Thảo.

Trong những sáng tác của anh một số tác phẩm được viết vào tháng 5 như truỵện ngắn Bà Nội, còn đa số truỵện ngắn của anh ra đời vào tháng 7 giữa mùa mưa như: Đồng chí (7-1970), Đi thăm chồng (7- 1971), Kỷ niệm về người chiến sỹ (7-1971), Hai người lính (7- 1972),..Sau này các truyện ngắn anh thường viết vào mùa mưa ngay cả sau ngày hòa bình: Chiếc xe đạp (7-1993), Tìm chồng cho má (7-1996), Người đàn bà khóc (9-1994), con mèo (9-1996), Một ngày đẹp trời (9-1996). Nó gần như thành thông lệ, mùa mưa Lê Văn Thảo dành thời gian viết văn xuôi, mùa xuân, mùa của đi thực tế để viết, mùa tặng bạn đọc những tác phẩm đã viết của mình. Tôi được gặp và trọng hai anh vì dẫu sao cũng là lớp đàn anh, lại là người đã có các tác phẩm in nhiều trên báo, đài miền Bắc. Đã nghe đài đọc truyện ngắn Đêm Tháp Mười của Lê Văn Thảo (viết 1969) trên đất Bắc: Đứa con ba tuổi bị cột vào xuồng cho người mẹ chở cán bộ đi công tác. Người cha chuẩn bị cho cuộc nổi dậy khi xuồng anh đầy súng và lựu đạn làm cho bao bạn đọc miền Bắc rưng rưng trước sự hy sinh của đồng bào Đồng Tháp Mười. Có được những truỵện ngắn như trên, Lê Văn Thảo đã từng là sinh viên năm thứ ba Đại học Sài Gòn rồi vào R, đi làm rẫy, xuống chiến trường để viết. Đầu tháng 5-1968, lúc đó đang là mùa xuân, Lê Văn Thảo cùng Lê Anh Xuân, Hồng Tân là những nhà văn trẻ xuống chiến trường vào chiến dịch Mậu Thân chuẩn bị đánh Sài Gòn đợt hai. Các anh bị giặc càn ở huyện Cần Đước, ngày 24-5, hôm đó Lê Anh Xuân, Hồng Tân hy sinh, Lê Văn Thảo là người ở lại chôn cất hai anh và đánh dấu lại để đồng đội ghi nhớ. Đó là mùa xuân đáng nhớ nhất trong cuộc đời của anh khi phải mai táng Lê Anh Xuân (nhà thơ), Hồng Tân (nhà phê bình), các anh đi một mũi từ huyện Cần Đước- Long An chuẩn bị tấn công vào Sài Gòn. Trên cánh đồng đầy nước xình lầy và cỏ lác, hầm bí mật của họ là những chiếc lu lớn. Sau này mỗi lần nhắc đến hai anh, Lê Văn Thảo thường kể cho chúng tôi nghe với cái giọng đầy súc động. Những truyện ngắn của anh được đánh đổi bằng lòng đam mê đi và viết, chiến trường và cây bút là lẽ sống của các nhà văn thời đó. Sức lan tỏa của tryện ngắn đôi lúc không phải là sự hành văn bóng bẩy, mà là ở sự mộc mạc của ngôn ngữ, bên cạnh là cách dẫn truyện tự nhiên. Trong truyện ngắn Con mèo (9-1996) ngắn gọn, chỉ có hai nhân vật là cha và con, “tôi” là cha thích chó, con thích mèo và một lần cha vứt hai con mèo con ra đường và sau đó là cuộc đối thoại giữa cha và con về con mèo ngủ ở đâu, ăn ở đâu. Đôi lúc đi qua chỗ vứt bỏ con mèo “tôi” lại day dứt vì không biết chúng sống ra sao. Và hàng năm qua đi, nhưng chuyện con mèo bị bỏ rơi vẫn vang vọng lại trong tâm thức hai cha con. Gữa thời buổi đồng tiền ngự trị nhiều việc đến bất thường, chuyện Con mèo nhắc chúng ta lòng nhân ái, nếu không có nhân ái thì cuộc đời này chẳng còn gì để đáng nhớ. Đọc xong truyện Con mèo, chúng ta thấy sự ảnh hưởng lòng nhân ái của người mẹ đối với Lê Văn Thảo quả là lớn, và lòng nhân ái ấy sẽ được truyền sang cả người con trai yêu mèo, lo cho cuộc sống của mèo ra sao? khi chú mèo bị đẩy ra khỏi nhà. Truyện ngắn của Lê Văn Thảo trong cách hành văn tưởng đơn giản nhưng đầy tính ẩn dụ. Mỗi câu chữ thường có ảnh có ý có hình trong đó mà người đọc, đọc văn anh không cần mất công chắt lọc mới tìm thấy, đó là mặt mạnh làm nên truyện ngắn của Lê Văn Thảo. Anh cũng thành công nhiều ở lĩnh vưc tiểu thuyết . Cơn giông (in lần đầu 2001) là tập tiểu thuyết được nhiều giải và cũng là ánh gương “lóng lánh” trong sự nghiệp sáng tác tiểu thuyết của Lê Văn Thảo. Từ một cậu bé quê nghèo Cà Mau, cậu bé Bằng được cách mạng soi dọi nhân ngày 30-4-1975, cậu bé ấy vào đời với một sự hồn nhiên, nhưng cũng là cơn giông cuộc đời ập đến: Lấy vợ bằng một sự thỏa thuận của những người khác, cũng những người khác đưa anh vào tù, vợ ly hôn, anh dùng tiền còn lại của vợ chồng mua chiếc ghe chạy trên sông Ông Trang.
Nhân chở toán công an đi làm việc, người trưởng công an bị bắn chết, anh bị nghi án, lại vào tù, đánh một cô gái ăn cắp tiền của anh, tăng thêm hình phạt tù. Dẫu bị giông tố của thiên nhiên lẫn cuộc đời dội xuống, nhưng không nhấn chìm sức sống và lòng nhân ái của con người này, anh quan tâm đến ông già trăm tuổi từng vớt xác người trôi dạt trên sông. Những ông như ông Sáu Thiên về hưu vẫn lo chạy giấy tờ chứng nhận là người có công với với kháng chiến cho những bà con nghèo khổ. Đứa con riêng của vợ anh vẫn thương nhớ anh, con nuôi của bạn tù bị kiến cắn mù mắt, trước khi mất nhờ anh nuôi dùm và chữa mắt cho cháu, hai đứa trẻ song sinh, con một lái ghe chỉ biết trông đợi vào anh với hai trẻ nhỏ và một con chó... “Đời anh chỉ còn hai nơi, chiếc ghe và trại cải tạo, không còn chỗ nào khác để trở về” nhưng cuối cùng “anh đã có chỗ để yêu thương là hai đứa con gái, chỗ để trở về là trại tôm”( trích trong tiểu thuyết Cơn giông).Trong bối cảnh đời của nhân vật chỉ toàn lừa lọc, đâm chém, du côn, gái điếm, tù tội, đói khổ, bệnh tật chết chóc... vẫn còn một ánh sáng diệu kỳ được phát sáng sau bão giông của cuộc đời, của thiên nhiên. Ánh sáng nhân bản ấy làm nơi neo đậu mọi con người tạo nên một cuộc sống với vũ điệu riêng của nó. Qua tác phẩm nó cho chúng ta nhìn cuộc đời không chỉ toàn là đẹp, nhưng cũng không chỉ là xấu. Mấu chốt cơ bản của con người là phải luôn phấn đấu vươn lên trong mọi hoàn cảnh để chúng ta có một xã hội lương thiện. Mặt mạnh của tiểu thuyết này là anh rất am hiểu về sinh hoạt, tính cách của mỗi nhân vật ở phương Nam, cùng phong thái con người với cảnh quan, ngôn ngữ, tập tục, tín ngưỡng , tất cả làm nên một tiểu thuyết có sức nặng ký. Trong một đánh giá mới đây của nhà văn Hoài Anh: “Lê Văn Thảo- người “nói thơ” bằng văn xuôi Nam Bộ (12-2006). Tôi rất đồng tình với đánh giá của ông, nhưng cũng muốn nói rõ thêm, trong truyện ngắn cũng như tiểu thuyết, nhà văn Lê Văn Thảo có hai đỉnh cao: Ông cá Hô (truyện ngắn, 1990), Cơn giông (tiểu thuyết, Giải B của Hội Nhà văn Việt Nam (2003), giải thưởng văn học Đông Nam Á (2006) 2001-2005). Chúng ta đọc thấy anh sử dụng ngôn ngữ Nam Bộ tự nhiên và ngắn gọn, nhất là lời thoại. Nhà văn không ý thức “nói thơ” bằng văn xuôi Nam Bộ, nhưng do dùng từ chuẩn xác trong thoại cũng như lời dẫn truyện cùng văn miêu tả, nên chúng ta tìm thấy chất thơ trong văn xuôi Nam bộ của anh. Hay như tôi đã nói trên: “Mỗi câu chữ thường có ảnh, có ý, có hình trong đó” nên nó lấp lánh như bài dân ca Nam Bộ. Tôi mượn câu này làm lời kết cho bài viết, cũng là đánh gia chất văn của Lê Văn Thảo.
Trần Thị Thắng
 Theo http://vanvn.net/
















Beijing lá phong vàng - Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu

Beijing lá phong vàng Tùy văn Nguyễn Linh Khiếu Tuyết đầu mùa bao giờ cũng đến cùng may mắn. Tuyết rơi Buổi trưa có một đợt tuyết đầu mùa ...