Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Huế - Những sắc lá nguyên sơ

Huế - Những sắc lá nguyên sơ...
"Vườn ai mượt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền"
Màu ngọc trúc trong thơ Hàn Mặc Tử sẽ còn xanh biếc đến muôn đời...Vâng,"ngọc trúc" theo cách gọi của người Huế xưa. "Màu nền" nguyên sơ của những khu vườn - hiếm hoi dần theo nhịp sống xô bồ - vẫn phần nào còn lưu dấu đến ngày nay.
Trong quán tính thưởng ngoạn đơn giản của người đời, biên giới giữa hoa và lá tưởng như không phải cần phân biệt. Rất lắm khi, "hoa lá" đã trở thành chung nhất. Lá, khiêm tốn nhường cho hoa mọi ưu ái nâng niu và ngợi ca huyền thoại...Những huyền thoại chỉ để dành múa bút làm văn, lắm khi vượt xa ngoài thực tiễn.
"Miếng trầu là đầu câu chuyện". Có thể nói, vườn Huế truyền thống không thể thiếu dáng đứng của dăm ba ngọn cau và một đôi khóm trầu xanh ẩn khuất. Mọi nghi lễ cổ truyền đòi hỏi sự hiện diện của những ngọn lá nồng nàn kia. Hoa có thể thiếu vắng hoặc tuỳ tiện, bất kỳ. Nhưng ngược lại, trầu và cau bất khả...
Một mâm trầu, phẩm vật tối thiểu đủ để hai gia đình từ chỗ xa lạ nhau trở thành cật ruột, thông gia. Đấy là lúc sự tồn tại mọi loài hoa, dù cao sang đến đâu cũng cầm bằng vô vị. Lá - thật bất ngờ - trở thành giá trị của ấn chứng tối cao không gì thay thế nổi. Những ngọn lá trầu đơn sơ ấy đã ấn chứng cho biết bao giềng mối tình thân trong cộng đồng xã hội...
Điển tích "trầu cau" từ ngàn xưa khiến những ngọn lá dường như tầm thường ấy - như một thông điệp bất thành văn - lưu giữ mãi bài học cổ điển suốt mấy ngàn năm chưa dễ đã phai nhoà. Bài học làm người luôn được "nhẩm lại" trên cửa miệng người đời khi giao tiếp cùng nhau. Đạo nghĩa.
"Dĩ thực vi tiên". Lấy ăn làm đầu ư ? Câu chữ xưa để lại vẫn còn đây song có khi, ta chưa hẳn đã đi sâu vào thâm ý của tiền nhân. Khi "miếng trầu là đầu câu chuyện" thìlời khuyên "Dĩ thực vi tiên" kia bỗng nhiên thành sâu sắc...Ăn miếng trầu và mời nhau thứ phẩm vật đơn sơ ấy chắc hẳn không phải để no lòng. Đấy là cách tỏ bày thuận thảo, hoà đồng một cách lặng thầm và đơn giản. Thông điệp bình dân đề cao đạo nghĩa và thuỷ chung như nhất. Sự sẵn sàng cho những mối chân tình trao gởi, sẻ chia ...
Phải chăng? Để thật sự "Cái ăn làm đầu" ấy được tựu thành mặt ý nghĩa sâu xa, tưởng không dễ trong cuộc sống đa đoan đầy phức tạp. Từ đó, nghĩa lý "ăn" đã không còn dung tục, hẹp hòi...Để biết "têm, gói" đúng nghĩa một miếng trầu, người xưa còn nghiêm túc bảo nhau "học ăn, học nói, học gói, học mở". Vâng, cái học về đạo nghĩa, ân tình thật mênh mông chẳng ai tự cho mình đã tinh thông, hoàn mãn.
Lá bồ đề. Những gốc cây cổ thụ ẩn mình bên biết bao mái chùa rêu phong xứ Huế. Có ai đứng thật lâu dưới một tán lá đặc biệt kia nghe muôn chim ríu rít? Đấy cũng là lúc thực sự thấy cõi lòng đầy thanh thản, bình an. Không tán lá nào xanh, đẹp đầy đặn như tán lá bồ đề. Cảm nhận thật nhiều, ta mới nhận ra rằng dẫu với biết bao hoa kiểng đi nữa thì không gian vườn chùa vẫn không thể thiếu một gốc bồ đề cổ thụ.
Nhà thiền chuyên giải trừ thanh, hương, vị... đem chúng sinh thoát ra khỏi quấy nhiễu của căn trần, phiền não. Bồ đề, không hương hoa và là loài cây từng được bậc Đại giác chọn làm nơi gần gũi. Những ngọn lá kỳ lạ, không khác hình quả tim mang ấn tượng siêu thoát từ hơn 25 thế kỷ đến ngày nay. "Tâmbồ đề". Sự tôn quý không thị hiện qua hương hoa rực rỡ. Những ngọn lá tượng trưng thanh tịnh và đức từ bi bát ngát. Hình ảnh nhà sư thong thả quét lá cội bồ đề bên triền đồi, dốc núi từ lâu đã nằm trong tiềm thức của Huế...
Liên diệp. Lá sen...Hồ Tịnh tâm trong Thành nội vào những tháng mùa hè, khi hoa đã biến thành từng đài gương đơm hạt. Lá sen bây giờ không non màu như trong tháng giêng, hai. Lá sen già, đẹp thứ màu sắc chỉ tìm ra trên nước men xưa, đồ cổ...Nhạt và bóng mịn hơn sắc "vỏ cua" nhưng đậm và nhuận trơn hơn màu xanh "lá mạ". Đấy là thứ màu xanh "lục hà" hơi đậm cho cảm giác hiền hoà, hết sức an nhiên.
Một ngọn gió lướt qua hồ, phả vào tận linh hồn ta hơi mát đẫm đầy hương vị từng ngọn lá sen kia...Thứ cảm giác chưa từng nghe diễn tả nên lời. Ta chợt hiểu, vì sao? Các bậc đế vương trước đây rời hoàng cung để lặng lẽ đến đây, tìm ổn định tâm hồn. Vâng, hoa chỉ nở định kỳ nhưng sắc "lục hà" lá sen không mấy khi thiếu vắng nơi nầy.
Những chiếc lá sen tròn, to "ngưỡng thiên" đọng lại không ít những hạt sương tinh khiết của đêm trường. Dưới nước, trên trời. Một chòi nhỏ nhô lên giữa ngàn sen và chiếc ghe nan thả lững mặt hồ...Lão già canh hồ với ngọn đèn và bếp dầu leo loét trong sương. Đun trà bằng thứ nước được thu gom từ những chiếc lá "ngưỡng thiên" kia, người độc ẩm giữa trăng sao khi bình minh vẫn còn chưa hé lộ.
Không một ngọn lá nào như sen, đủ lớn để tự gói lấy những bông hoa chính nó. Người ta ngắt hoa, thêm ngọn lá úp xuống và rồi buộc túm lại tất cả bằng lạt tre chuốt nhỏ. Chục hoa cúng Phật đã sẵn sàng cho quý khách ghé qua...
Gần gũi hơn hết, phải chăng là lá chuối trong vườn. Bao nhiêu hình ảnh quê hương là cũng bấy nhiêu lần sắc lá kia ẩn hiện...
"Gió lay bụi chuối sau hè
Mẹ già tựa cửa nghe ve kêu sầu".
Người phụ nữ Huế đi làm dâu xứ người, trọn một đời tận tuỵ chồng con. Để rồi trong cuộc sống ngô khoai, dẫu có lúc :
"Cắn tàu lá chuối che mưa
Hai ta có cực cũng chưa ướt đầu".
Quả thực không còn lời khuyến khích, động viên nào cụ thể mà thiết tha yêu thương hơn thế...
Khi Tết đến xuân về cũng là lúc những tàu lá chuối được bàn tay người phụ nữ công phu gom góp khắp vườn. Lá Bồ ngót (Bông ngọt) giã nhừ, chắt lấy nước màu xanh, dịu và đượm mùi vườn tược...Gạo nếp thơm đem nhuộm.
Đêm trừ tịch, những đòn bánh cổ truyền dân tộc và ánh lửa lung linh khắp mọi nhà, đây đó...Phải chăng? Khi khai mở ngày đầu tiên năm mới, cũng là lúc ta trịnh trọng khai mở chính thứ lá ấy vào giờ phút thiêng liêng, đầy cảm xúc xuân về. Những đòn bánh mang quá nhiều ý nghĩa thân thương...Từ mỗi hạt nếp thơm tho cho đến tàu lá chuối trong vườn.
Phải chăng? Duy nhất những tàu lá chuối mộc mạc hiền lành ấy mới là thứ lá ta tiếp xúc đến hai lần khi xuân về Tết đến...Một, để kết thúc năm cũ và một, để bắt đầu một năm mới an lành, thịnh vượng. Ngọn lá ấy trao gửi đến mọi nhà lời chúc xuân thầm lặng: Có trước, có sau "thuỷ chung như nhất".
(Thành Nội - Huế. Tết Mậu Tí 2008)
Trần Hạ Tháp
Theo http://chimviet.free.fr/



Tiềm thức Huế - Trịnh Công Sơn và tâm vô trú

Tiềm thức Huế - Trịnh Công Sơn và tâm vô trú
Thời gian tương đối hoặc tuyệt đối cứ vẫn là nỗi ám ảnh mênh mông, khắc khoải chưa bao giờ chịu ngủ yên trong tiềm thức nhân loại. Bởi lẽ thân phận con người đan bện vào trong từng lát cắt bí hiểm ấy. Những lát cắt trích ngang giữa một dòng trôi về vô tận. Dòng chảy của thời gian.
Thao thức thời gian nói rộng - hay hẹp, thực tế hơn - cũng chính là thao thức về thân phận, mệnh vận của con người. Có thể minh chứng sự tiếp diễn thao thức kia bất chấp lịch sử tiến hóa qua mọi nền văn minh. Có khác chăng, con người thẳng thừng đối diện nó hay tự lừa dối tiềm thức bằng tìm cách lãng quên. Ứng với mỗi nền văn hóa khác nhau, mỗi cách thể hiện thao thức ấy cũng không hề đồng bộ.
Ai trải qua cuộc nhân chứng lâu dài, phức tạp giữa thời gian, đất trời xứ Huế mới thấy rằng ở rốn đất miền Trung này - không như dòng Hương Giang đầy thanh thản - lại là nơi dồn dập truân chuyên với vô vàn chuyển biến... Những chuyển biến đặc biệt khó tồn tại ở một nơi nào khác nó.
Khởi đi từ Ô, Lý thuở nào đến cuộc dong ruỗi về nam của họ Nguyễn, tiềm thức Huế đã chuẩn bị cho bao sự cố khôn lường ... Trong đó còn canh cánh nỗi niềm thiên tai bão lụt.
"Ô châu ác địa" - đất trích - chốn lưu đày cho những thân phận không may.Hai trăm năm phân tranh Trịnh Nguyễn. Mỗi bên bờ sông Gianh mang một tâm thế khác nhau. Cuộc giằng co không lấy gì lường trước được thịnh, suy giữa Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Ánh ? Lịch sử đi qua và lịch sử trả lời, song mệnh vận và thời gian không đợi chờ ai cả.
Vì thế, đã hẳn người Huế hay lo xa và ít nói nhưng vẫn thể hiện nhẹ nhàng, điềm đạm. Họ thuộc về bản chất của trầm tư và chiêm nghiệm...Thân phận, mệnh vận luôn là câu "thoại đầu" không hề ngừng lên tiếng hỏi tâm tư.
Sự nhạy cảm đặc biệt về thời gian của con người Huế đã trở thành bản sắc.Chiêm nghiệm để tĩnh tâm và tĩnh tâm giúp tự mình chiêm nghiệm lấy... Phép biện chứng đã ăn sâu trong tiềm thức Huế. Có gì tương tự hồn nhạc Trịnh ở đây chăng?
Rất khế hợp.Từ đó mênh mông một nỗi niềm cô đơn không thể nói.
Cô đơn trước thời gian và mệnh vận của con người...Thân phận!
Qua nhạc Trịnh, bạn có thể "quen Huế" nhiều hơn - dẫu có khi - vẫn chưa từng đến Huế.Tiềm thức Huế tự nhiên đã chan hòa trong hồn nhạc của ông. "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi để một mai vươn hình hài lớn dậy". Thao thức nào? Khi chợt "Đêm nghe tiếng khóc cười của bào thai".
Có thể cảm nhận chăng? Dòng chảy rất thân quen - dòng sinh mệnh - nhưng cũng mịt mù đến, mịt mù đi kiểu "Đêm thấy ta là thác đổ". Ông đã nói về loại hình thông tin cố hữu của đất trời. Thông tin thường tình nhất nhưng dường như vẫn cứ mới giữa đại gia đình nhân loại. "Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người". Vâng, biết bao chất xám nhân loại vẫn còn phải tổn hao trong hành trình cố làm vơi đi bao nỗi niềm mang "nặng" ấy...
Dẫu sao, hãy coi đó như một niềm hy vọng mới vì tất cả nhân loại đều phải sống, đang sống mỗi ngày "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng".
Trịnh không đại ngôn, ông trước hết đã tự nhắn nhủ lấy mình "Người ngồi xuống nghe tiếng ru. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ" hay "Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khung trời vắng chân mây địa đàng".
Đấy là lúc "Đường trần rồi khăn gói mai kia chào cuộc đời nghìn trùng cơn gió bay". Dù là "gió bay", "gió cuốn đi" chăng nữa... Gió vẫn luôn tồn tại. Gió vẫn cứ chuyển dịch hồn nhiên ngay giữa cuộc đời này và không ai cầm giữ được. Vì thế gió thay người ở lại chốn trần gian. "Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi...".
Những tư tưởng ấy đi về tương giao nào trong tiềm thức Huế ? Đấy chính là nỗi ám ảnh đậm đặc về thân phận, mệnh vận của kiếp người. Một phần "mã khóa" để mở ra mối tương giao khắng khít mà nhạc Trịnh đã kết tinh từ lòng văn hóa Huế.
Ấn tượng về thời gian xuyên suốt ca từ nhạc Trịnh. Chỉ trong một câu có thể đã gặp gỡ đủ bốn mùa "Rồi mùa xuân không về, mùa thu cũng ra đi, mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây". Đấy là "phông" màu rất đa sắc để nổi bật lên trên đó... Hoạt cảnh "con rối thân phận" mà các sợi dây nối buộc chúng - như chiêm nghiệm Trịnh Công Sơn - vốn đến từ hoang vu và vô tận.
"Tiếng muôn trùng" nào? Ra sao? Đấy là thứ tiếng có thực, không riêng gì Trịnh Công Sơn mà tự nó đã âm vang lâu dài trong tiềm thức của Huế. Vâng, chỉ cần một đêm nghe mưa trong ngôi nhà vườn lặng lẽ. Còn nữa, thêm một cõi lòng không xô bồ, đầy lắng dịu trước thời gian. Đó chính là lúc ta sẽ được nghe thứ tiếng lạ lùng kia lên tiếng. "Thoại đầu" bí hiểm của thời gian. "Có nhiều khi...Từ vườn khuya bước về. Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa..."
Nhưng quan trọng hơn tất cả là thái độ sống, sau biết bao miệt mài chiêm nghiệm ấy. "Dù đến rồi đi tôi cũng xin tạ ơn đời, tạ ơn người" Trọng nghĩa, nặng tình nhưng không hề ảo tưởng trước thời gian. Đi tìm cái đẹp song đồng thời là chiêm nghiệm sự mong manh của nó... Và "Đóa hoa vô thường" là bi kịch lớn của những con mắt tinh anh, thấu thị chuyện đời. Bi kịch chứ không là thảm kịch. Bi kịch của thời gian. Có những nét đẹp mà khi tìm gặp cũng là lúc thời gian xác lập một hiện thực vô thường "Vừa đến nơi chia lìa". Cuối cùng còn lại gì trong nhạc Trịnh Công Sơn?
Là cái Tâm bao dung, chứa đựng được rất nhiều... Bởi trước hết, cái Tâm không chấp trú một nơi nào. Cái Tâm buông xả tự ngã, lúc đã thấy rõ bi kịch thời gian từ vô thủy đến vô chung. Tâm vô trú nhà Phật.
Khi chập chùng giữa muôn ngàn phiền ngộ của mệnh vận khóc cười, giữa các thái cực chông chênh khổ đau và hoan lạc, giữa đong đưa của con lắc thành công, thất bại. Giữa mỏi mệt đến và đi... Cần cái Tâm trầm lắng để không thấy ngữa nghiêng chóng mặt. Thuộc tính của người Huế phản ánh cái Tâm của cửa thiền như ảnh hưởng bàng bạc lâu đời nơi đây.
Chiêm nghiệm Trịnh Công Sơn, không khác chiêm nghiệm một phần tâm hồn người Huế. Ta dễ dàng thấy một hình thái nội tâm khu biệt trong nhạc Trịnh, biểu đạt nổi tiềm thức Huế. Sự đối thoại độc thoại - hay tự nói, tự trao đổi với chính mình - như một nguồn vỗ về, động viên và thăm hỏi...
"Đừng tuyệt vọng.Tôi ơi đừng tuyệt vọng...". Đó là sức mạnh nội tâm, là bản lĩnh tiềm tàng khi đối diện với cô đơn. Nội lực và chiêm nghiệm..
(Thành Nội - Huế) 
Trần Hạ Tháp
Theo http://chimviet.free.fr/

Chợ tình Sapa

Chợ tình Sapa
Bài "Thơ nhạc" dưới đây, không ghi nốt nhạc (music scores). Người đọc hay thi sĩ, ca sĩ nếu nhã hứng có thể tùy hứng ca ngâm tự do, theo ý riêng của mình. Câu chuyện có ghi bên dưới bài thơ nhạc.
Chợ Tình Sapa
Anh lên vùng núi Sapa
Gặp cô sơn nữ hái hoa bên đồi
Anh tìm lại hỏi thăm thôi
Cô sơn nữ chỉ nhẹ cười rất xinh
Đêm về anh đến Chợ Tình
Lại gặp sơn nữ múa quanh lửa hồng
Bập bùng, bập bùng bên ánh lửa hồng
Nàng sơn nữ H'Mong ca múa
Chập chùng, chập chùng mây núi chập chùng
Đây Sapa mịt mùng khói sương
Nhịp nhàng, nhịp nhàng xiêm áo nhịp nhàng
Đoàn sơn nữ cùng ca cùng múa
Hò hờ, hò hờ, vang tiếng hò hờ
Đoàn trai tráng ngồi quanh hò hờ
Chợ Tình hò hẹn gái trai
Những cô sơn nữ tìm người tìm duyên
Anh là khách ở viễn phương
Những cô sơn nữ biết đường nào tin
Một mình thơ thẩn nhìn quanh
Chợt thấy sơn nữ đã bên một chàng!
Chợ Tình, Chợ Tình anh đến Chợ Tình
Rồi anh cũng về, không sơn nữ!
Một mình, một mình, anh bước một mình
Rồi anh vẫn cô đơn một mình! 
Chuyện tình của "anh"
Anh 30 tuổi, vẫn còn độc thân. có hai cuộctình lận đận!
Anh là tư chức trung cấp của một Công Ty khá lớn. Nghèo nhưng anh có tâm hồn một nghệ sĩ, làm thơ làm nhạc có đăng trên mạng lưới và một vài tờ báo. Thơ nhạc của anh vẫn chưa được ai đặc biệt chú ý. Một phần vì trên các mạng lưới, bài vở nhiều và nhân tài cũng nhiều.
Cuộc tình đầu, anh quen thân rồi yêu thương một cô thư ký trẻ, đẹp cùng làm tại Công Ty. Cô có tên đẹp là Kim Hương. Cũng như một số cô gái khác, Kim Hương thích mua sắm, ăn mặc thời trang, muốn xe hơi nhà đẹp và đặc biệt thích nữ trang có kim cương hột xoàn. Thân thương được gần 2 năm, Kim Hương chê anh nghèo. Cô lập gia đình với một ông chủ tiệm Kim Hoàn, cũng còn trẻ tuổi, đã tặng cô một nhẫn hột xoàn 9 ly vào ngày cưới.
Cuộc tình thứ hai khởi đầu do một bài nhạc của anh, phổ biến trên mạng lưới và trên một tờ báo Xuân. Một nữ độc giả qua mạng lưới, liên lạc làm quen anh. Cô có tên rất miền Nam là Ngọc Ba. Ngọc Ba mới 20 tuổi, còn mơ mộng, giúp mẹ buôn bán tại một sạp vải tại Chợ Bến Thành. Ngọc Ba có làm vài bài thơ, hy vọng quen anh rồi anh đem thơ cô vào nhạc. Mơ mộng một ngày nào thơ cô cũng thăng hoa nhờ tài âm nhạc của anh, như bài Thuyền Viễn Xứ. Quen nhau được gần một năm, Ngọc Ba nhận ra tài năng của anh cũng chưa "cao cấp", nói theo tiếng Sàigòn bây giờ. Bà mẹ Ngọc Ba thấy anh hơn nàng cả 10 tuổi, bạn bè nhiều, lại hút thuốc lá uống rượu. Anh nói là để có cảm hứng làm thơ văn. Bà mạnh mẽ ngăn cản cô con gái, không cho tiến xa. Nàng cũng có chút lưu luyến, tội nghiệp khi chia tay anh để lập gia đình với một chủ tiệm may thời trang, vẫn thường mua vải, mua lụa tại sạp vải của nàng. Ngọc Ba thành bà chủ một nhà may đang phát đạt, có nhiều thợ may dưới sự quản lý của nàng.
Thất tình. "Khi anh buồn anh đi lang thang". Anh hay hát câu "Đời tôi cô đơn nên đi đâu cũng cô đơn". Nghe nói hàng năm, tại vùng sơn cước Sapa, có Chợ Tình. Anh dành dụm đủ chi phí để lên Sapa 10 ngày, hy vọng nếu hữu duyên sẽ gặp một sơn nữ, ít nhu cầu, ít đòi hỏi hơn một số cô gái Sàigòn chăng. Bên một sườn đồi, anh gặp cô sơn nữ khá xinh. Người miền núi mà cô lại có làn da trắng hồng, khỏe mạnh. Cô đang hái hoa để cài đầu tối ngày hôm đó tại Chợ Tình. Anh dừng lại làm quen, hỏi thăm. Cô chỉ cười vì không biết tiếng của người Sàigòn. Qua cậu bé hướng dẫn viên thông dịch, anh và cô sơn nữ cũng trao đổi được ít câu. Anh thấy có thật nhiều cảm tình với cô sơn nữ. Nhưng rồi chuyến đi Chợ Tình Sapa của anh có kết quả như bài thơ nhạc ghi trên. Người viết chúc "anh" sớm có một cuộc tình thật đẹp, hạnh phúc với "thơ anh làm em hát".
Kính mời quý độc giả và quý thân hữu yêu nhạc thưởng thức nhạc phẩm Chợ Tình Sapa, được nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu, phổ thơ Khanh Phương và thực hiện hình ảnh. Ca sĩ Kyra Nguyễn trình bày:
Chợ Tình Sapa - Nguyễn Minh Châu 
Phổ thơ Khanh Phương - Ca sĩ Kyra Nguyễn 

Chợ tình SA PA - YouTube

Trần Văn Khang 
Theo http://chimviet.free.fr/

Học im lặng

Học im lặng
Đệ tử phái Thiên thai thường học thiền định. Khi phái này chưa du nhập vào Nhật bản, có bốn người đệ tử giao hẹn nhau không nói một lời nào trong bảy ngày. Đệ tử phái Thiên thai thường học thiền định. Khi phái này chưa du nhập vào Nhật bản, có bốn người đệ tử giao hẹn nhau không nói một lời nào trong bảy ngày.
Ngày đầu bốn người đều im lặng. Họ chú tâm thiền định. Nhưng khi trời tối và những ngọn đèn dầu mờ dần, một người đệ tử không thể giữ im lặng được nữa, bảo người giúp việc: "hãy sửa đèn đuốc lại đi!"
Người đệ tử thứ nhì ngạc nhiên khi nghe người đệ tử thứ nhất nói, anh ta bèn nhắc bạn: "Chúng ta đã giao hẹn nhau không nói câu nào kia mà".
Người đệ tử thứ ba nói: "Cả hai anh đều ngu xuẩn. Tại sao các anh lại nói chuyện?"
Người đệ tử thứ tư kết luận: "Tôi là người duy nhất không hề nói chuyện".
Trích quyển "101 truyện thiền" (zen flesh, zen bones; trang 92)
Lời bàn của Tung Sơn
Câu chuyện thiền trên đây khiến Tung Sơn nghĩ đến nhà xí thư viện Sorbonne. Nguyên là trên tường nhà xí thư viện này lúc nào cũng đầy những câu văn, những hình ảnh trình bày những suy tư, những cảm tưởng thuộc tình tự, chính trị, triết học... và tình dục dĩ nhiên! Có lẽ vì nhà xí là một khung cảnh thích hợp cho sự suy tư chăng? Rất có thể vì ở đó người ta được dịp cô đơn để gặp gỡ chính mình, đối thoại với chính mình một cách rất ư là thành thực mà không sợ cái nhìn soi mói của người khác.
Những tư tưởng nhà xí cao siêu đó, dĩ nhiên, như tất cả mọi tư tưởng cao siêu khác, không làm vừa lòng tất cả mọi người, nhất là đối với những người cho rằng tư tưởng là cái chi thanh cao vượt khỏi không gian và thời gian, nhất là khi đó lại là không gian và thời gian nhà xí, vốn chật chội, hẹp hòi và có hương "nồng" và không "thanh thanh" như một nhà thơ đã tả. Sự phẫn nộ rất chân chính nói trên được phát biểu bằng nhiều cách khác nhau. Khi thì đứng đắn, nghiêm trang: "N'écrivez pas sur les murs"(1) (dĩ nhiên chính câu này được viết trên tường). Khi thì bao hàm một phán đoán đạo đức, khá tục tằn: "C'est con d'écrire de telles conneries sur les murs" (2) (dĩ nhiên câu này cũng được viết trên tường)... Nếu đọc qua những tư tưởng viết trên tường, người ta phải công nhận rằng những nhận định trên đây là đúng. Nhưng chúng bao hàm một mâu thuẫn lô gích trầm trọng: viết trên tường để phản đối sự kiện viết trên tường có nghĩa là tự mình phản đối mình, cũng mâu thuẫn như người dân đảo Crète khi anh ta tuyên bố rằng mọi người dân đảo Crète đều nói láo!
Câu chuyện thiền trên đây cũng có một giá trị tương tự câu chuyện nhà xí mà Tung Sơn vừa kể. Thật vậy, các người đệ tử thứ hai, thứ ba, thứ tư, bằng những lời phản đối khác nhau, đều làm một việc in hệt như người đệ tử thứ nhất: phá vỡ sự im lặng mà đáng ra, theo lời giao hẹn, họ phải giữ.
Câu chuyện này, về một phương diện khác, đã diễn tả khá rõ lý thuyết nhân duyên sinh của nhà Phật: câu nói của người thứ nhất đã gây ra những phản ứng của ba người bạn. Và trùng trùng duyên khởi! Ba người bạn khi phản ứng tưởng là mình đã làm một chuyện tốt ngờ đâu cũng chỉ gây thêm ồn ào, và không đủ khả năng thiết lập lại sự im lặng muốn có. Câu mắng của người đệ tử thứ ba, sự tự hào ngu xuẩn của người đệ tử thứ tư không khỏi làm người thức giả bực cười.
Câu chuyện còn đặt ra một vấn đề khó giải quyết: trước câu nói của người đệ tử thứ nhất, ba người đệ tử kia phải làm gì để phản đối hoặc để làm cho người này thấy được giá trị của họ (đã im lặng)? Họ có thể hành động nhiều cách khác nhau ngoài lời nói. Hoặc trang nhã: bấm lưng người bạn làm dấu nhắc anh ta phải im lặng. Hoặc bạo động hơn: đá đít cảnh cáo anh ta đã phá vỡ im lặng (nhưng dĩ nhiên đừng hét!)... Hoặc...hoặc...
Nhưng thật ra mọi biện pháp nói trên đều vô ích khi người ta đặt câu hỏi: im lặng để làm gì? Câu trả lời đã rành rành: im lặng để tĩnh tâm thiền định. Ôi, tâm đã không tĩnh, đã còn bị ngoại vật chi phối, đã còn muốn mắng nhiếc người khác, đã còn muốn khoe khoang thì im lặng để làm gì?
Ôi! Nếu cái áo không làm nổi thầy tu, thì sự im lặng cũng không làm nổi một vị thiền sư. Và dĩ nhiên lời nói...!
(1) đừng viết lên tường
(2) Viết những diều ngu xuẩn như vậy lên tường thì thật là ngu
Tung Sơn
Theo http://chimviet.free.fr/

Ðối thoại trong im lặng

Ðối thoại trong im lặng
Tại một ngôi chùa kia, có hai sư huynh đệ trụ trì. Người anh thì thông minh uyên bác, nhưng người em thì đã dốt đặc cán mai, lại chỉ còn có một con mắt.
Một hôm, có một nhà sư đi ngang qua chùa và xin cho ở đậu. Tục lệ thời bấy giờ là muốn được đón nhận vào chùa, người khách phải toàn thắng người chủ trong một cuộc so tài về giáo lý. Nhà sư khách xin được so tài về giáo lý.
Người anh mệt mỏi vì học kinh điển suốt ngày, nên nhờ người em ra thay mặt mình. Ông quá biết rõ sự ngu dốt của em mình, nên dặn dò rất kỹ lưỡng:
- "Ðệ nhớ cứ giữ im lặng là hơn cả."
Người em vâng lời, và bước ra ngồi đối diện với người khách. Chẳng bao lâu, người khách chạy đến tìm người anh, mắt tròn xoe, và nói:
- "Xin thán phục! Sư đệ ngài quả là tinh thông giáo lý! Tôi xin chịu thua rồi."
- "Vì sao vậy?", người anh đưa mắt hỏi.
- "Ðây, để tôi kể cho ngài nghe cuộc đối thoại bất hủ này! Ðầu tiên, tôi giơ một ngón tay lên, để chỉ Ðức Phật, đấng Từ bi Giác ngộ. Sư đệ ngài liền giơ lên hai ngón tay, ý nói Ðức Phật và Giáo lý của Ngài không thể nào tách rời nhau được. Tôi liền giơ lên ba ngón tay, tượng trưng cho Tam Bảo là Phật Pháp Tăng. Thì tuyệt diệu thay! Sư đệ ngài liền xòe bàn tay phóng lên không trung, để phá tan tất cả và thu Chân Không vào một mối! Giáo lý của các ngài đã đạt tới mức Thượng thừa! Tôi xin bái phục, và cũng xin hẹn ngày sau tái ngộ."
Người khách bỏ đi rồi, thì chỉ một lát sau người em hùng hổ chạy tới:
- "Ðâu? Hắn đâu rồi?"
- "Hình như đệ đã thắng hắn rồi phải không?", người anh hỏi.
- "Thắng cái khỉ khô! Ðệ sắp cho hắn một trận bây giờ đây này..."
Người anh ngạc nhiên hỏi nguyên do.
Người em trả lời, giọng ấm ức:
- "Huynh có thể nào tưởng tượng, hắn hỗn xược đến thế này là cùng. Ðầu tiên, hắn mỉm cười chế riễu đệ, và giơ một ngón tay lên chê là đệ chỉ có một mắt. Ðệ cố nén giận, vì nghĩ dù sao mình là chủ, hắn là khách, cũng nên giữ lễ với hắn một chút. Nên đệ giơ hai ngón tay lên mừng cho hắn còn đủ hai mắt. Nhưng quá quẩn thay! Hắn lại giơ lên ba ngón tay, ý nói cả hai người cộng lại cũng chỉ có được ba con mắt! Tới đó, đệ không còn chịu nổi nữa, liền vung tay lên định ban cho hắn một chưởng thì hắn vùng bỏ chạy mất..." (*)
Lời bình của Nguyên Si
Tục ngữ ta có câu: "Ông nói gà, bà nói vịt", thiết tưởng rất thích hợp với câu chuyện trên đây. Nhưng gà với vịt còn có thể nấu nướng như nhau, chứ Phật Pháp Tăng và con mắt chột của nhà sư thì làm sao mà bỏ chung vào một lò được? Cũng vì vậy mà trong chùa nọ suýt xẩy ra một trận đấu chưởng kinh hồn!
Nguyên Si tôi le lưỡi, lắc đầu, gãi tai, mà than thở: Ôi! cuộc đối thoại trên có phải chăng là một cuộc đối thoại giữa hai nhà sư đi tìm Chân Lý, hay rốt cục cũng chỉ là hai cuộc độc thoại của hai tâm hồn bị ám? Sự cảm thông giữa những con người mới thật là khó khăn thay! Cũng như mỗi khi bàn chuyện Thiền, Nguyên Si muốn nói bao nhiêu điều với độc giả. Nhưng nặn óc ra lời rồi, mà ngòi bút những ngập ngừng trên giấy trắng, chẳng hiểu rồi đây độc giả có cảm thông cho hay chăng?
Thở than xong, thì lại trộm nghĩ: phàm ở đời, muốn cảm thông nhau, thì chỉ có hai cách là nói vàkhông nói (theo nghĩa rộng).
Nói tức là dùng một phương pháp biểu tượng để diễn đạt tư tưởng của mình. Thường tình, người ta dùng lời nói (ngôn ngữ), chữ viết (văn tự), hoặc nếu không nói không viết được (hay lười nói lười viết), thì dùng dấu hiệu (hiệu ngữ). Nhưng trong trường hợp nào cũng dùng một cái này để chỉ định một cái kia. Do đó, thật là một phương pháp vô cùng thiếu sót, một chiếc cầu thông cảm mỏng manh và tạm bợ.
Xin kể một câu chuyện vui, xảy ra tại một trạm xe lửa bên Anh. Một bà già nghễnh ngãng hỏi người xếp ga:
- "Xe lửa đi Luân đôn mấy giờ mới tới và ngừng ở đây bao lâu, thưa ông?"
- "Thưa bà, từ hai giờ kém hai phút tới hai giờ hai phút (from two to two to two two)."
- "Chèng đéc ơi! Ông này nghễnh ngãng thiệt. Tôi có hỏi ông còi xe lửa kêu ra sao đâu mà ông cứ tu-tu hoài vậy."
Câu chuyện này nói rõ được sự thiếu sót của ngôn ngữ.
Nhưng dù mỏng manh thiếu sót, tạm bợ đến đâu chăng nữa, từ ngữ cũng là một phương tiện cần thiết để tiến lại gần Chân Lý, và gây cảm thông giữa những con người. Ðã "nhập thế cục" thì "bất khả vô văn tự"; ngày xưa Ðức Phật cũng đã do dự nhiều trước khi thuyết pháp, nhưng rốt cục Ngài cũng phải dùng đến ngôn ngữ. Ðối với người Phật tử, ngón tay của Ngài tuy không phải là mặt trăng, song phải lần theo mới thấy được mặt trăng; đến khi tới đầu ngón tay rồi, mới có thể từ bỏ ngón tay mà nhảy qua mặt trăng. Ðó mới là giai đoạn phá bỏ mọi chấp trước vào văn tự, cũng như mọi phương pháp giả lập. Như vậy, tu Phật là cả một công trình lâu dài, lần bước từ giai đoạn này qua giai đoạn khác, từ "hữu luận" qua tới "vô luận" rồi mới tới "duyên giác", đâu có phải một sớm một chiều mà đã thấu được lẽ Chân Không!
Riêng về các phương tiện diễn đạt tư tưởng hay tình cảm, thì phải công nhận rằng lời nói và chữ viết đích xác, tinh vi hơn dấu hiệu nhiều lắm. Dùng dấu hiệu thay từ ngữ, tức là muốn trở lui về thời kỳ thượng cổ! Thật vậy, mỗi lời, mỗi chữ chỉ có thể chỉ định một vài khái niệm, trong khi đó mỗi cử chỉ có thể chở theo hàng trăm ngàn ý nghĩa, tùy theo trí tưởng tượng của con người, nhất là những con người bệnh hoạn, mê sảng, bị ám, như hai nhà sư trong câu chuyện nói trên. Nhà sư chột mắt mang nặng mặc cảm về sự chột mắt của mình, nên nhìn đâu cũng ra sự chê bai, chế riễu: dù là giơ ngón tay hay vẫy ngón chân, vỗ bụng hay rung đùi, tất cả sẽ được thâu vào con mắt chột oái oăm. Nhà sư kia thì lại bị ám ảnh bởi những giáo điều, nên nhìn đâu cũng ra giáo lý "cao siêu": một là Phật, hai là Pháp, ba là Tam Bảo, bốn là Tứ Ðế, năm là Ngũ Minh, sáu là Lục Nhập, bảy là Thất Bồ Ðề Phần, tám là Bát Chánh Ðạo, v.v... (cứ như thế cho đến tận tám vạn bốn ngàn là Bát vạn tứ thiên Pháp Môn).
Như vậy, theo ý Nguyên Si, nếu có nói, thì hãy tránh dấu hiệu, dùng ngôn ngữ, cho đích xác, cho hợp lý, cho thông dụng, tránh những từ ngữ mơ hồ - chỉ định rất nhiều mà thật ra không chỉ định gì cả. Nhất là cố gắng cởi bỏ mặc cảm, thành kiến trong khi đối thoại. Mới nói như vậy thì cảm thấy dễ, nhưng thực hành mới thấy là khó vô cùng.
Còn nếu không nói ? Nếu không nói, thì tức là giữ im lặng. Im lặng cũng có thể cảm thông được. Hơn nữa, im lặng, nếu tuyệt đối, vì không còn thuộc vào thế giới hiện tượng mà đi sâu vào bản thể, nên sẽ có thể dẫn tới Chân Lý tuyệt đối.
Nhưng phải kể đến những loại im lặng giả hiệu.
Ðiển hình cho loại im lặng giả hiệu đầu tiên là câu chuyện "đối thoại trong im lặng" trên. Các nhà sư trong câu chuyện đều hiểu sai chữ "tĩnh". Thật tình, họ không im lặng chút nào vì chính tâm hồn họ còn bị xáo trộn bởi những mặc cảm, sự giận hờn, lòng tranh chấp.
Loại im lặng giả hiệu thứ hai là loại lợi dụng cái im lặng trong sáng, để che đậy một cái im lặng vẩn đục. Ta nhớ tới người xưa đã có câu: "Kẻ cực hiền giống như kẻ cực ngu" hay "Người biết thì không nói"... Thật vậy: kẻ cực ngu không biết gì hết nên dĩ nhiên phải im lặng rồi, còn người cực hiền thì đâu thấy gì đáng nói nên giữ im lặng. - giữa hai thái cực, ngu và hiền đều lên tiếng nói. Nhưng ngu nói ngu, và hiền nói hiền, tương đối còn dễ nhận ra, chứ trong cái im lặng thì làm sao phân biệt được người cực hiền với kẻ cực ngu? Có lẽ vì vậy cho nên mới có lắm kẻ lợi dụng sự im lặng đó, như lợi dụng tinh thần "bất lập văn tự" (không dựa lên chữ nghĩa) của Thiền tông, để che đậy cái rỗng tuếch, ngu xuẩn của mình! Than ôi! Nếu có phải than về Thiền tông, thì Nguyên Si tôi sẽ than như vầy: Ôi! Thiền quả là một nơi lẫn lộn vàng thau; một nơi mà lắm kẻ bịp bợm tha hồ dựa lên tinh thần "vô niệm", "pháp chấp" mà tung hoành, lấn áp lên những tinh thần thanh tịnh, cao minh. Họ thẳng tay dán nhãn hiệu "Thiền" vào những lời nói, những hành động phi lý nhất, và dần dần "Thiền" sẽ có thể bị đồng hóa với "lẩn thẩn", "điên rồ"...
Nhưng còn im lặng thật sự? Im lặng thật sự, thì còn gì đáng nói nữa...
Xin mượn, để kết luận, một bài thơ của Ðiều Ngự Giác Hoàng, sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên tử, đời Trần, tả một cuộc "đối thoại" trong im lặng, đầy thi vị và giải thoát:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai, bất vấn nhân gian sự,
Chỉ bạng lan can khán thúy vi. (1)
Dịch thơ (Ngô tất tố):
Chim hót dễ dà, liễu tả tơi
Thềm hoa mây phủ bóng nhà dài.
Khách vào, chẳng hỏi niềm nhân sự,
Tựa bức lan can, chỉ ngắm trời.
(*) Dịch thoát theo quyển "101 chuyện Thiền" ("Zen flesh, Zen bones") do Paul Reps soạn.
(1) Bông liễu nở đầy, chim hót chậm rãi. Trước bóng thềm nhà trồng hoa, mây chiều bay lơ lửng. Khách đến thăm, không hỏi đến việc đời, việc người. Mà chỉ tựa lan can, ngắm bầu trời xanh biếc.
  Nguyên Si 
Theo http://chimviet.free.fr/

Vũ Thanh Hoa - Con Ngựa trắng của Ravilious ở Vũng Tàu

Vũ Thanh Hoa - Con Ngựa trắng của Ravilious ở Vũng Tàu
Nhắc đến Vũng Tàu, nhiều văn nghệ sỹ và độc giả nghĩ ngay đến cái tên Vũ Thanh Hoa. Có thể chưa từng gặp gỡ hoặc quen biết nhà thơ nữ xứ biển Đông Nam Bộ, nhưng đa số họ có cảm giác quen thân vàyêu mến chị. Cũng phải thôi, nhất là trong thế giới phẳng, con người kết nối nhau bất kể không gian thời gian chỉ bằng vài cái nhấp chuột. Vũ Thanh Hoa là tên tuổi quen thuộc trong làng blogger Việt từ thuở đầu, những trang yahoo, vnweblogs, wordpress của chị khá "hot" với lượng bài vở và hình ảnh được cập nhật thường xuyên, đáng phục. Vài năm trước, chị còn cho ra đời trang web vuthanhhoa.net chuyên về văn hóa nghệ thuật Việt Nam và tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thu hút đông đảo người xem. Xu hướng chọn lựa và post bài của chị rất cá tính, thể hiện một Vũ Thanh Hoa bản lĩnh, mạnh mẽ và không thể thiếu một đặc tính cố hữu của bất kỳ người nghệ sỹ nào: Nhạy cảm. – Đó cũng là một khía cạnh tính-cách-thơ của Vũ Thanh Hoa.
Nhiều người cho rằng thơ nữ Việt Nam thường nhẹ nhàng, thậm chí là yếu đuối. Thiên về bộc lộ cái "sâu sắc như cơi đựng trầu" trong thế giới tâm tình đàn bà Á Đông: Yêu thương, hờn giận, nhung nhớ, tương tư, chia ly, sum vầy, hạnh phúc, phục tùng,… Nhiều người cho rằng thơ của những cây bút miền biển đậm chất nồng nàn "muối mặn" và tuần hoàn thường thức như thủy triều. Thi sỹ là người dám từ chối sự đánh đồng, cương quyết đứng ngoài đám đông. Người đọc ấn tượng gì ở Vũ Thanh Hoa người đàn bà làm thơ bên biển?
Trước bão giông em bình thản
Trước thị phi em mỉm cười
Trước núi cao, biển rộng, vực sâu em cắn răng bước đi
đôi chân trần rướm máu
Thế nhân đổi trắng thay đen, thế nhân ô trọc,
thế nhân lọc lừa, em ngẩng đầu kiêu hãnh 

(Trước Anh)
Đã có nhiều bài viết công phu và tỉ mỉ nhận định về thơ Vũ Thanh Hoa. Nhà thơ Hoàng Quý vốn cẩn trọng khen chê, cũng phải thốt lên: "Có một người đàn bà khác trong Vũ Thanh Hoa, đó là người đàn bà thơ của tín ngưỡng thơ mới, hiện đại và mạnh mẽ – đó là thơ quyết tìm hướng khác với ngôn ngữ, thi ảnh và nhịp điệu đang thúc bách để ứng xử tương thích với thời đại không giống hôm qua. Người đàn bà khác ấy có tự vấn thì cũng tự vấn và tự trả lời không thể như cái nếp sống chậm, mơ mơ của văn hóa đình làng, bến nước, cây đa và tre lũy, hay nhịp một hai trong đô thị nho nhỏ, xinh xinh với ôn hòa trước đó". Thơ và truyện, kể từ Trong em có người đàn bà khác, Vũ Thanh Hoa đã dũng cảm thừa nhận bản thân, một sự thừa nhận để phủ nhận và thoát hẳn. Linh hồn chữ nghĩa của chị, con người "khác" của chị không co chân chạy trốn như mợ còng trên cát nữa, mà đi gần tới cái kính phân tâm rất ư khổ nhọc và hạnh phúc của J.D. Salinger. Mảnh vỡ khổ nhọc hay mảnh vỡ hạnh phúc đều có thể khiến con người ta đứt tay:
Góa phụ âm thầm
đếm
mảnh
vết thương 

(Ký sinh)
Thuở nhỏ, Vũ Thanh Hoa theo cha mẹ sống ở nhiều nước (cha chị là đại sứ ở một số nước Phi châu và Đông Âu), chị được tiếp xúc nhiều nền văn hóa, cụ thể là nhiều phương thức ngôn ngữ, nhịp điệu và hình ảnh hoàn toàn khác Việt Nam. Sự tiếp xúc ban đầu ấy, cũng có thể xem là một sự "ký sinh" ban đầu dấu ấn Tây phương lên tâm hồn cô gái Việt. Nó không vồ vập, ồn ào mà lặng lẽ như nước thấm vào lửa. Sáng tác của Vũ Thanh Hoa về sau, đặc biệt là thơ, chất hiện đại tự trỗi dậy theo cách tự nhiên và tự do nhất, nhẫn nại nhất. Không cầu kỳ, không e sợ. Con chim đã hiểu cành cong thì sẽ kiêu hãnh neo tiếng hót mang tên mình trên ấy.
Tôi ấn tượng nhất với thơ Vũ Thanh Hoa ở tính logic – lí lẽ của tâm hồn. Nhiều tác phẩm của chị khiến độc giả thán phục lẫn hơi e ngại, không phải vì mùa màng câu chữ tốt tươi mà chính bởi sự đầy đặn dần lên sau mỗi nhát liềm thu hoạch đầy tỉnh táo.
Đời thực, Vũ Thanh Hoa dường như không khác trong thơ là mấy. Có lẽ chỉ có một thứ khiến người đàn bà có đôi mắt sáng trong đầy kiêu hãnh và giọng nói ấm áp đặc trưng Hà Nội phải phục tùng là lý lẽ cuộc đời. Chị không chạy theo đám đông và cũng không bỏ rơi nó. Chị khai thác ánh sáng mặt trời chiếu rọi trên đỉnh đầu mình để vẽ bức tranh đời và thơ, rồi trình bày trước thiên hạ mặc họ nhìn theo ánh sáng của họ. Phần nào đó, tính cách và số phận Vũ Thanh Hoa lấp lánh hình ảnh chú ngựa trắng trên đồi của Eric Ravilious. Chữ nghĩa và tâm hồn chị chưa nguôi khao khát đồng cỏ và bụi hồng.
Mấy trăm chữ quá ít để nói về tác giả và tác phẩm Vũ Thanh Hoa. Độc giả có thể tìm đọc chị, biết đâu chẳng nghe vang vọng tiếng vó ngựa thúc giục ánh sáng tâm hồn mình. 
Ngựa trắng
Bức tranh Con ngựa ở Westbury (Westbury Horse, 1939) – Tranh của Eric William Ravilious (1903-1942) là thiên tài mỹ thuật đồ họa của nước Anh, họa sĩ màu nước hàng đầu thế kỷ XX.
Trịnh Sơn
Theo http://chimviet.free.fr/

Mùa Xuân nói chuyện về thiền và vài nhà "thơ rượu"

Mùa Xuân nói chuyện về thiền và vài nhà "thơ rượu"
Trời đất sinh ra rượu với thơ, 
Không thơ không rượu sống như thừa (1)
Bình rượu, túi thơ là những vật liệu luôn luôn mang bên mình của nhà thi sĩ. Rượu và thơ không thể tách rời nhau, vì rượu mang lại nguồn cảm hứng cho hồn thơ lai láng, mang lại khí hào sảng của đấng trượng phu, và làm toại nguyện ước mơ của người xưa, là: ngâm nga câu thơ dưới ánh trăng, cùng người tri kỷ chuốc rượu...
Nhưng rượu không phải chỉ đem lại nguồn cảm hứng, khí hào sảng, tình tri kỷ. Rượu còn mang lại sự say sưa, quên lảng. Quên sự đời mang đầy ảo tưởng, thất vọng, bất bình. Những nhà "thơ rượu" đa số quả là những nhà thơ bất đắc chí.
Dù là Horace nâng ly ca tụng mùa xuân, khi tuyết tan chảy trên đỉnh đồi, giữa tiếng cừu dê kêu trên đồng nội, dù là Lý Bạch say khướt dưới ánh trăng đến khi tỉnh giấc, lại chuốc rượu hát ca một mình, dù là Tản Đà cất chén quỳnh mải mê đi tìm người tri kỷ:
Rượu thơ mình lại với mình,
Khi say quên cả tấm hình phù du (2).
tất cả đều tìm trong cơn say lúy túy, một giấc mộng bé, trong giấc mộng to...
Vì cuộc đời chẳng là một giấc mộng lớn ư?
Xử thế nhược đại mộng,
Hồ vi lao kỳ sinh?
Sở dĩ chung nhật túy,
Đồi nhiên ngọa tiền doanh... (3)
Một giấc mộng dài đả làm đau lòng nhiều người, vì xấu nhiều đẹp ít, vì thường là một cơn ác mộng, một giấc mộng lắm phiền hà. Khác xa với cái mơ mộng của tuổi thơ, đó là cơn thực mộng phũ phàng của người từng trải:
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng mệt. (4)
Phải, thất vọng vì cuộc đời, vì con người, ai nấy đều đả trải qua, hơn trong một giây phút. Ai nấy đều đả thoáng nhìn thế sự như mây nổi, bèo trôi, nhìn công danh phú quí như đóa hoa phù dung, như con phù du, sớm tối đả tàn:
Tuồng ảo hóa đả bầy ra đấy,
Cảnh phù du trông thấy mà đau (5).
Chỉ vì định luật vô thường của vũ trụ, với sự biến đổi không ngừng của sự vật, khiến cho "mái tóc sớm như tơ xanh, mà chiều đả thành tuyết" 6, khiến cho "cây cì tươi tốt lúc xuân sang, thu tới đả khô cằn" (7).
Qua Héraclite, qua các nhà hiền triết "n độ Dravidiens với quan niệm samsâra (luân hồi) và mâyâ (ảo giới), tính chất vô thường đả được xác định, cho đến khi được Phật Thích Ca bổ túc bằng thuyết vô ngả, là một giai đoạn quan trọng vô cùng.
Thật vậy, nếu chỉ hiểu vạn vật vô thường, thì con người sẽ suốt đời than thân trách phận, dù lắm khi vì một mối "sầu vạn cổ" vượt khìi thân phận cá nhân mình:
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất chi lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc thương nhiên nhi lệ hạ (8).
Ai người trước đả qua?
Ai người sau sẽ tới?
Ngẫm trời đất khôn cùng
Một mình rơi giọt lệ.
Nhà "thơ rượu" cũng vậy, vì thấy cuộc đời đầy những bụi bậm tranh giành, chỉ vì công danh tiền bạc hảo huyền, trong khi thế giới đảo điên, quốc gia tao loạn, nên tìm quên trong thơ trong rượu, dưới ánh trăng tưởng chừng như trong sáng muôn đời. Cứ như thế: tỉnh rồi lại say, say rồi lại tỉnh. Khi say, thấy "lòng vui cùng cực, sống chết ngang nhau" (9), nhưng lúc tỉnh lại cảm thấy "nỗi sầu muôn vạn mối"(10):
Trừu đao đoạn thủy, thủy cánh lưu
Cử bôi tiêu sầu, sầu cánh sầu (11).
Rút gươm chém nước, nước vẫn trôi
Nâng chén tiêu sầu, sầu càng sầu.
Than ôi! Rượu chẳng tiêu được sầu, ngược lại rượu để lại sau cơn cuồng nhiệt hứng tình, một nỗi buồn ray rứt, khó quên. Trước vò rượu ngổn ngang, túi thơ nhầu nát...
Chỉ vì thi sĩ không quên được cái bản ngả to lớn của mình, không biết thản nhiên trước sự thịnh suy của sự vật chỉ "như hạt sương trên đầu ngọn cỏ" (12), và không hiểu được rằng: nếu thực là mộng, thì mộng cũng chính là thực.
Và nếu cho rằng sống Thiền là sống thực, sống hiện tại, thì còn gì ngược lại tinh thần thiền hơn là trốn tránh thực tại? là để tâm hồn chìm đắm trong một thế giới mộng ảo, say sưa? Thật chẳng khác chi thay vì tự thức tỉnh mình, lại đi sâu vào một giấc mộng con trong giấc mộng lớn! Các nhà "thơ rượu" làm như vậy, chẳng là làm cho cuộc đời đả ngắn ngủi rồi, lại còn ngắn ngủi thêm ư?
Mà dẫu đời người ngắn ngủi đi chăng nữa, đâu có thể nào đo ví bằng thời gian. Cứ xem như con rùa sống hơn trăm năm, cây cổ thụ sống cả ngàn năm, đâu thể nào so sánh với con người sống mấy chục năm? Dĩ nhiên (hay không,... tùy bạn), đả là con người, thì phải sống một cách mảnh liệt, trọn vẹn, không để phí một giây một phút, lại càng không thể tìm quên sự sống trong rượu chè ma túy. Nếu cần, xin lấy con ve sầu làm gương: người ta cho nó tên là "sầu" nhưng nó không sầu chút nào. Trái lại, sau bảy năm đầy đọa dưới đất, nó chỉ sống bảy ngày trên cây, nên suốt ngày chú ta kêu inh ìi, như muốn gửi vào từng tùm cây kẽ lá bức thông điệp của mặt trời và sự sống.
Người tu Thiền, coi mình cũng như mọi sinh vật, nên ý thức được sự quí báu của mỗi giây phút sống trên thế gian này, nhưng tuyệt nhiên không chấp chặt vào sự sống đó, cũng như không chấp chặt vào một vật gì. Điềm nhiên, tự nhiên, và hồn nhiên sống, trong một niềm vui nhẹ nhàng, giải thoát. Không lo, không sợ, không sầu. Cuộc đời tuy như "một vì sao mờ dần buổi bình minh, một ngọn đèn dầu leo lét, một tia chớp trong đám mây hè, một bóng ma, một giấc mộng..."(13), nhưng tiếng hát chim hoàng anh hôm nay thanh hơn bao giờ hết, hương thơm hoa mộc hoa trà hôm nay dịu hơn bao giờ hết!
Và chẳng cần chuốc rượu ngâm thơ, vị Thiền sư cũng thấy lòng vui man mác khi nhìn mặt trăng trong sáng chiếu qua cửa sổ túp lều tranh.  Còn chúng ta? Ngày hôm nay, Xuân đả trở về với bao bải cì non, bao đóa hoa hàm tiếu. Hảy thưởng thức cái đẹp hiện tại nhiệm mầu để rồi khi hồng thưa, xanh rậm, không còn "tiếc làm gì những đóa hoa rơi" (14). Và cũng xin trong một nụ cười cởi mở, cùng một vài nhà "thơ rượu" nhấm nháp, ngâm nga:
Còn thơ còn rượu còn xuân mải
Còn mải xuân còn rượu với thơ. (15)
(1) Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu.
(2) Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu.
(3) Lý Bạch: Xuân nhật túy khởi ngôn chí.
(4) Cao bá Quát: Ngán đời.
(5) Ôn như Hầu: Cung oán ngâm khúc.
(6) Lý Bạch: Tương tiến tửu.
(7) Vạn Hạnh thiền sư.
(8) Trần tử Ngang: Đăng U châu đài ca.
(9) Lý Bạch: Nguyệt hạ độc chước III.
(10) Lý Bạch: Nguyệt hạ độc chước IV.
(11) Lý Bạch: Tuyên châu tiễn biệt hiệu thư Thúc Vân.
(12) Vạn Hạnh thiền sư.
(13) Kim Cương Bát nhả Ba la mật đa.
(14) Vương Duy: Tống xuân từ
(15) Tản Đà: Ngày Xuân thơ rượu.
Nguyên Si
Theo http://chimviet.free.fr/

Thứ Sáu, 30 tháng 10, 2015

Ngôi chùa Thiên Mụ quê tôi

Ngôi chùa Thiên Mụ quê tôi
Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò, 
Em đi: cảnh vắng hẹn hò cùng ai?

ôi còn nhớ hôm nhà tôi bảo vệ luận văn trên đề tài ngôi chùa Thiên Mụ, nghe các giáo sư trong ban giám khảo và thí sinh vui vẻ tranh luận về mấy chữ "anh đi", "em đi", ai đi, ai đợi, ai hẹn, ai buồn trong câu ca dao quen thuộc, có lẽ là người đi lại nhiều nhất ngôi chùa nầy trong số các thính giả ở giảng đường hôm ấy, tôi thầm lặng thú vị thấy ngôi chùa thân thương tuổi trẻ của mình nay được trình bày trong viện đại học giữa kinh thành ánh sáng Paris. Nói cho đúng, chùa Thiên Mụ không đồ sộ như đài Borobudur bên Java, bí ẩn như kim tự tháp Ai Cập, mỹ miều như đền Taj Mahal xứ Ấn Độ, lâu đời như nhà thờ Đức Bà Paris, ... nhưng thiền tự duyên dáng nầy âm thầm quyến rũ khách lại xem, luôn gây ra một ấn tượng nhớ nhung dạt dào trong lòng người đến viếng. Đừng nói đến những trai thanh gái lịch đã từng dắt nhau lại vãn cảnh sân chùa, đạp lá vàng khô, hay ngắm nhìn sông núi, tình tự thề ước, chùa Thiên Mụ luôn vẫn là nơi chứa đầy kỷ niệm êm đềm, suốt đời khó quên.
Về mặt lịch sử, ngôi chùa nầy là một cơ sở quan trọng của thành Huế và từ năm 1993, cùng với thành phố, chùa đã được Cơ quan Văn hóa Liên hiệp quốc công nhận làm Di sản Nhân loại. Thật vậy, được xây dựng trên đồi Hà Khê năm 1601, từ thuở Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, năm 34 tuổi, vài năm sau từ ngoài Bắc vào đây trấn thủ, chùa trở thành nhà thờ chính thức của triều Nguyễn. Liên tục chứng kiến những bước thăng trầm, những thời thịnh suy của vương triều cuối cùng nước ta, góp phần vào cuộc phát triển Phật giáo ở Việt Nam, chùa Thiên Mụ đã để lại nhiều tài liệu trong sách sử, tuy ngày nay lắm nhà học giả đang còn suy luận, bỏ công tìm hiểu nhiều chi tiết ngay tại chỗ. Ngay tên ngôi chùa đã là một huyền thoại có ý nghĩa. Từ lâu, năm 1719, Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa Chiêm (1659-1736) đã có viết trong cuốnNam triều công nghiệp diễn chí: " ....Đêm hôm ấy bỗng có một người đàn bà trông thể sắc thì còn trẻ, nhưng mày tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ quần xanh ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng to : đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều, thì nên lập chùa thờ Phật, cầu thỉnh linh khí trở về nơi núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo...Người đàn bà ấy nói xong liền biến mất...." Non 200 năm sau, năm 1910, ..trong bộ Đại Nam nhất thống chí, cũng có kể lại sự tích nầy. Tuy lời của người đàn bà có phần khác " ...Sau sẽ có vị chân chúa đến sửa sang dựng lại chùa nầy, tụ linh khí để giữ vững long mạch cho được bền vững. Nói xong thì biến mất, nhân đó mà núi nầy được gọi là Thiên Mụ sơn . Chúa thượng cho rằng đất nầy có linh khí, bèn dựng chùa gọi là Thiên Mụ tự...." nhưng không ngoài mục đích của các vua chúa Nguyễn dựa vào thiên nhiên, thần thánh để hợp pháp hóa bá quyền của mình, tin tưởng ở lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585): Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.

Đồi Hà Khê nằm về phía tây thành phố Huế, khoảng 6km, trên bờ tả ngạn sông Kim Trà hay Linh Giang tức là sông Hương bây giờ, hướng về dãy Trường Sơn hùng vĩ, còn mang những tên Hương Oản, Uyển Sơn huyền bí, được xem như điểm sơn triều thủy tụ giữa sông và núi, nơi phát xuất một nền văn hóa Phú Xuân phong phú lưu truyền mấy trăm năm. Tục truyền Cao Biền (821-887), thuở làm tiết độ sứ Giao Châu, đi ngang qua đây thấy cánh đồi giống như một đầu rồng trong thế long hồi cố tổ khoa địa lý phong thuỷ, bèn cho đào núi cắt đứt long mạch, cố ý yểm phá một sự nghiệp lớn có thể bột khởi trong tương lai. Dân địa phương trước kia đã có dựng trên nền một tháp Chăm cũ một thảo am thờ tự mang tên chùa Thiên Mỗ, nóc ở đỉnh núi chân gối dòng sông. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) nắm cơ hội tự xưng mình là chân chúa, liền cho lấp núi, dựng lên nền cũ thảo am ấy một ngôi chùa đặt tên chùa Thiên Mụ, trên bản viết Thiên Mụ Tự, cầu thỉnh linh khí trở về nơi núi nầy để bảo toàn long mạch, phúc dân giúp nước. Hành động khôn ngoan của Nguyễn Hoàng không những đem lại an cư lạc nghiệp cho dân quanh vùng Hóa Châu mà còn làm thành điểm phát xuất một vương triều Nguyễn trước 13 đời chúa, sau 9 đời vua, thống nhất đất nước thu về một mối. Chỉ một đời sau, trong thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635), dân cư đã đến đông đúc quanh vùng. Nhưng phải đợi đến đời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) mới lại nghe nói đến chùa với kỳ trùng tu năm 1665, vào lúc thiền sư Tạ Nguyên Thiều dòng Lâm Tế từ Quảng Đông đến hoằng dương Phật pháp ở Đàng Trong và qua trù trì chùa Hà Trung ở huyện Phú Lộc dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1650-1691).

Phật giáo chỉ phát triển mạnh mẽ từ đời Quốc Chúa Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) là người có tiếng mộ đạo. Năm 1695 chúa mời Thạch Liêm Hòa Thượng tức Đại Sán Hán Ông lại ở chùa tám tháng. Theo miêu tả của hòa thượng, chùa Thiên Mụ hồi ấy là đã là điện đài tuy lợp tranh, tường vách ván đố, nhưng kèo, cột, rui, mè bằng gỗ quý, chạm trổ hoa văn theo phong cách mỹ thuật truyền thống, quanh vườn trồng cây cổ thụ. Năm 1710, chúa cho đúc chuông lớn cung phụng Tam Bảo, nhân tứ nguyệt Đản nhật, tức lễ Phật đản tháng tư năm Canh Dần. Năm 1714, chúa cho san bằng đỉnh đồi Hà Khê, huy động quan chức, tuyển chọn quân lính, tìm gỗ đá ở các tỉnh về chạm trổ, sửa chữa chùa rộng đẹp trong hơn một năm. Chính ngay chúa đã thống kê những điện lầu xây dựng sau thời kỳ trùng tu trong một tấm bia đá cẩm thạch đặt trên lưng tượng một con rùa : " Từ cửa núi đi vào có đìện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, bảo điện Đại Hùng, nhà thuyết pháp, lầu Tàng Kinh. Hai bên là lầu Chuông và lầu Trống, rồi điện Thập Vương, nhà Vân Thủy, nhà ăn, nhà tọa thiền, rồi điện Đại Bi, điện Dược sư, nhà ở của chư tăng, nhà trọ cho khách, không dưới vài mươi sở. Bên sau là vườn Tì Da, trong vườn có nhà Phương trượng, và các chỗ cũng không dưới vài chục sở. Tất cả đều sáng chói rực rỡ, khiến cho người xem phải kinh ngạc sợ hãi. Thật là một tòa Quang Minh trong thế giới toàn sắc vàng rực vậy." Chúa đổi tên chùa thành Thiên Mụ Thiền Tự. Tuy là quốc tự và là nơi thừa tự dòng họ các chúa Nguyễn, sau chúa, chùa bị bỏ hoang, gỗ hư mọt, ngói lỡ sụt, và qua năm 1775, lúc Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777) chạy trốn vào nam, kinh thành Phú Xuân bị quân Trịnh tàn phá thì chùa hoàn toàn đổ nát, kinh luận hủy hoại tiêu tán. Thời Tây Sơn (1786-1801), Phan Huy Ích (1750-1822) đã từng đau lòng trước cảnh hoang tàn lạnh lẽo (1788): Am xưa nay biển tế đàn, Chùa xưa thờ Phật nay toàn để xe.

Khi Gia Long (1762-1820) lên ngôi (1802), nhà vua đợi đến năm 1815 mới cho sửa chữa chùa. Bửu điện Đại Hùng được xây lại nhưng vẫn giữ chổ cũ từ thời Nguyễn Hoàng, vua cho xây thêm các điện Di Lặc, Quán Âm, Thập Vương, Tàng Kinh Lâu, Lôi Gia, lầu Chuông, lầu Trống hai bên Nghi Môn. Năm 1825, vua Minh Mệnh (1791-1841) lại cho sửa chữa tiếp rồi nhiều lần cho thiết trai đàn. Việc làm đáng kể của vua Thiệu Trị (1807-1847) là cho xây tháp Phước Duyên năm 1844-1845 "Ta vốn chẳng phải kẻ sùng đạo, chỉ vì sủng nguyện của dân nên cho lập chùa mà thôi". Ngày nay, tháp thờ Phật nhưng nghe theo di chiếu của vua Minh Mệnh thì phải là một công trình hỗn hợp hài hòa tam giáo và tín ngưỡng dân gian. Ngoài ngôi tháp, nhà vua đã cho sửa chữa nhiều, xây điện đài mới vào thay thế những sở nhà hư sập. Trước ngôi tháp được dựng đình Hương Nguyện trên nóc có pháp luân luôn quay theo chiều gió, hai bên có hai bi đinh hình tứ giác, từ bến sông đi lên có bốn trụ hoa biểu rất cao. Nói chung kiến trúc chùa đã thật hoàn hảo và gần giống như ngày nay trừ vài thay đổi. Đồng thời vua cũng cho tổ chức nhiều lễ lớn, Lạc thành, Đảo vũ, Vu lan. Trong bảng kê 20 thắng cảnh đất Thần Kinh kèm theo 20 bài thơ ca tụng, chùa Thiên Mụ qua bài Thiên Mụ chung thanh được sắp số muời bốn. Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương. Mỗi lần lên chùa với con, em, gia đình, vua hay làm nhiều bài thơ, cho khắc vào bia đá. Năm 1862, vua Tự Đức (1829-1883) sợ chữ Thiên phạm đến Trời nên cho đổi tên Thiên Mụ Tự ra Linh Mụ Tự, hy vọng có con nối dõi, từ đấy dân gian có hai danh từ để gọi chùa. Năm 1899, vua Thành Thái (1879-1947) lại cho sửa chữa, năm 1920 cho dựng bia ghi bài thơ ca tụng vẻ đẹp của chùa. Nói chung, người nhiều kẻ ít, phần lớn các vua chúa nhà Nguyễn đều có lo chăm sóc ngôi quốc tự này.

Ngày nay, đi bộ từ thành phố lên chùa, khách hết còn phải len lóc cây cối hoang rậm như thuở trước, gần đây cũng hết được dạo xem những quán hàng dọc lòng sông được giải tỏa, chỉ còn ngắm nhìn phong cảnh sông nước bao la, xa xa những dãy núi Xước Dũ, Kim Phụng yên lặng soi bóng sông Hương. Tuy nhiên, nếu tò mò tìm thì còn thấy đuợc cổng vào ngôi nhà-vườn truyền thống An Hiên của bà Lan Hữu nay được ghi làm Di tích quốc gia, viếng thăm trong khu Đại Chủng viện Kim Long ngôi mộ của cha Léopold Cadière (1869-1955), người đã khảo cứu sâu rộng văn hóa Phú Xuân và đóng góp nhiều trong hội Đô thành Hiếu cổ Association des Amis du vieux Hué. Lại gần thì từ xa đã thấy bóng tháp chùa thấp thoáng sau mấy hàng cây. Rõ ràng hơn là đến chùa bằng đò, nhìn từ sông tháp không bị che. Chỉ khi cập bến, nếu khách lại mùa hè thì mục kích được những cánh hoa phượng đỏ chói làm tăng vẽ cổ truyền của ngôi tháp rêu phong. Leo lên mấy tầng cấp, sau hai trụ đá, khách bước vào khuôn viên chùa qua bốn trụ biểu cao gần 8m, có gắn gạch hoa tráng men, với bốn vế đối của vua Thiệu Trị đánh dấu "ngự chế" phát huy tinh thần Phật giáo "dạy dỗ cho muôn loài biết đạo". Sau những trụ biểu một sân cỏ có viền mép đá thanh là nền cũ đình Hương Nguyện được dựng vào những năm 1844-1845 nghĩa là đồng thời với bửu tháp Phuớc Duyên nhưng bị trận bảo năm Thìn (1904) đánh đổ, sau nầy được cất lại phía sau điện Đại Hùng. Gọi là đình vì không phải nhà thờ, cũng không phải đình làng mà là nơi nghỉ chơi của nhà vua. Hai bên nền là hai bi đình, nhà vuông xây gạch, nền ghép đá thanh: bia phía đông kể chuyện dựng tháp Phước Duyên, bia phía tây khắc thơ của vua Thiệu Trị vịnh chùa Thiên Mụ. Toàn khuôn viên nầy là một nơi dạo chơi thoải mái, trước mặt có sông Hương êm đềm, những con đò nhỏ lướt nhẹ trên sóng, vào chiều in bóng trong nước, trước dãy núi hùng vĩ bao la, không khỏi gợi trong lòng khách một trạng thái thảnh thơi, nhẹ nhàng nơi chốn Tiên Phật.

Đứng ngay sau nền Hương Nguyện là bửu tháp Phước Duyên, lúc đầu mang tên Từ Nhân, (người Pháp gọi "tháp Khổng Tử"?) bảy tầng bên ngoài hình bát giác (tám góc), bên grong hình tròn, cao hơn 20m, kể từ mặt nước sông Hương thì cao gấp đôi. Ngó lên ngọn tháp bảy tầng, Một đêm em dậy mấy lần nghe chuông... Tháp có tường bằng gạch nung già để trần không tô, dùng mạch vôi hồ kết dính, xây trên nền đá thanh cứng với một lớp móng chôn vùi dưới đất không biết dày bao nhiêu, trông tương tự tháp Chăm. Cả tám mặt đều có lan can, hai cửa trước và sau, trang trí bằng gạch hoa tráng men Long Thọ hay pháp lam. Mỗi tầng tháp có cửa tò vò cho ánh sáng lọt vào, cửa tròn thông gió không hoàn toàn cân đối, lại có hoa văn khác nhau : chữ thọ (tầng dưới cùng), chữ vạn (tầng tư và tầng trên cùng), hoa thị 4 cánh (các tầng năm và sáu) hay 6 cánh (tầng ba). Muốn lên tầng trên, khách phải trèo một cầu thang xoắn ốc hướng tay mặt chứ không phải hướng tay trái như thường lệ. Lên càng cao, tháp càng nhỏ lại nhưng kiến thiết các tầng đều giống nhau. Cầu thang xoắn ốc không đưa lên đến tầng chót, muốn lên phải dùng một cái thang gỗ bắc trong một ô cửa và di động được. Nghe nói lúc trước tầng nầy được bảo vệ chặt chẽ, có ổ khóa do bộ Lễ quản lý ! Vậy mà tượng Phật bằng vàng (nếu có) đặt ở đây vẫn bị mất ! Trên cửa tò vò có bức hoàng phi đề Tự Tại Thiên xác định đây là cõi Trời. Qua cửa tò vò khách được chiêm ngưỡng vừa một quang cảnh sông núi hùng vĩ chốn đế đô, vừa một bức tranh hữu tình của đất nước Hương Bình, nơi gặp gỡ sông nước và non cao.
 
Ở mỗi tầng, một bức hoành phi đặt giữa hai vế đối. Hoành phi tầng dưới cùng đề tên của tháp : Phước Duyên Bảo Tháp. Lần lượt sáu bức hoành phi khác cũng có ba hay bốn chữ : Phúc bị quần sinh, Hóa thông vạn loại, Thiện căn hữu khế, Phước quả thường viên, Cực lạc cảnh, Tự Tại Thiên. Mỗi tầng thờ một Kim thân Thế tôn, theo bia đá Ngự chế Thiên Mụ Tự, từ trên xuống dưới : đệ nhất QuáKhứ Tỳ Bà Thi Phật (Vispasin); đệ nhị Thi Khí Phật (Sikhin); đệ tam Ty Xá PhúPhật (Vessabhu); đệ tứ Câu Lưu Tôn Phật (Krakuchanda); đệ ngũ Câư Na Xá Mâu NiPhật (Kanakamuni); đệ lục Ca Diếp Phật (Kashyapa); đệ thất Trung Thiên Điền Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật (Sakyamuni), Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương (Amitabha), bồi chi hữu A Nan (Ananda), Ca Diếp (Kashyapa) tôn giả. Vậy thì có tất cả 9 hay 10 pho tượng. Dù sao, những tượng nầy bằng vàng (theo tiếng đồn ít nhất cũng có một pho và bị mất) hay bằng đồng sợ bị trộm cắp nên một dạo được thỉnh vào thờ ở điện Đại Hùng và thế vào tháp những tượng bằng thạch cao sơn màu đồng. Hình dạng và y phục các vị Phật quá khứ nầy không mấy khác nhau, tất cả tóc đen trừ một vị tóc vàng, chỉ phân biệt ở ấn quyết nơi hai tay. Năm 1999 tôi chỉ chụp được ảnh 8 pho tượng nầy. Từ năm 2007, những tượng bằng đồng đã được thỉnh về lại tháp.
Ngang hàng với tháp, hai bên có hai nhà lục giác xây sớm hơn và cũng lớn hơn bia đình tứ giác Thiệu Trị. Vách tường bằng gạch, kết dính với mạch vôi hồ như ngôi tháp, sáu măt nhà có sáu cửa tò vò. Nhà phía đông chứa đựng tấm bia chúa Nguyễn Phúc Chu kể chuyện xây cất chùa, chạm trổ điêu khắc có mỹ thuật, được dựng trên lưng một con rùa bằng đá cẩm thạch trắng đẽo gọt sinh động. Viền bia có chạm ngọn lữa vươn lên và bốn con rồng năm móng chạm trổ tỉ mỉ, toàn thân uyển chuyển. Đầu bia cũng có chạm mây rồng có đuôi uốn lượn trên làn sóng. Nhà phía tây là gác treo chiếc chuông lớn gọi Đại Hồng Chung, một kiệt tác về trình bày mỹ thuật cũng như kỹ thuật đúc đồng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Cao 2,50m, chu vi trung bình 4m, chuông có quai mang hình mãng xà, chim phụng hoàng, rồng năm móng. Thân chuông có vành rồng, những ô mang chữ thọ, khắc những chữ Hoàng đồ cũng cố, Đế dạo hà xương, Phật nhật tăng huy, tên người dựng chuông, mục đích dựng chuông. Phía dưới có hình mặt trời tròn là nơi vồ gỗ đánh vào khi thỉnh chuông, hai bên có ngọn lửa tóe ra, xa lưỡi gần vầng. Dưới cùng trang trí tám quẻ bát quái trước miệng chuông chạm trổ hoa văn thủy ba sóng nước trình bày tinh hoa nên rất linh động. So về cả hai mặt mỹ nghệ và kỹ thuật, Đại Hồng Chung hơn xa chuông Gia Long trong lầu Chuông cạnh Nghi Môn. Tiếng chuông lại ngân nga, thanh thoát dễ gợi buồn nơi người nghe. Nghe chuông Thiên Mụ lại buồn, Ngó về Thành Nội khói tuôn lại sầu...

Sau lưng bảo tháp Phưóc Duyên, vua Khải Định (1885-1925) có cho dựng năm 1919 một tấm bia nhỏ lộ thiên kể sơ lược sự tích chùa. Ngay sau bia là một tam quan gọi là Nghi Môn, phía đông có lầu Chuông, phía tây có lầu Trống. Rộng gần 5m, dài gần 15m, cao gần 4m, trần bằng gỗ, cửa chính vào chùa nầy gồm có ba gian, có vách phân cách, trong mỗi gian có tượng hai vị Hộ pháp Dharmapala rất sinh động, dáng điệu, bộ mặt , xiêm áo, giáp trụ khác nhau. Phía trên bên kia cửa là ba tò vò, ở chính giữa có biển gỗ đề Linh Mụ Tự, chạm hoa văn rồng, nét sơn son thấp vàng nay đã phai màu, hai biển phía đông đề Đại Từ Bi, biển phía tây đề Đại Trí Tuệ, đều đắp vôi nổi. Một cái thang dẫn lên lầu, mặt trước đóng đố gỗ, phiá sau xây vào chùa để trống, nhìn từ dưới chẳng thấy rõ, lên trên lầu khách ngạc nhiên phát hiện được một tượng Ngọc Hoàng, mặc dầu nghe nói chùa chỉ giữ lai những hình tượng Phật giáo, bảo vệ đằng sau là một vị Hộ Pháp to lớn, chống kiếm, uy nghi nghiêm nghị.
 



Qua khỏi Nghi Môn, khách đạt đến một khoảng trống với ba lối đi và hai bên hai nhà Lôi Gia, loại miếu thờ đối diện xây năm 1815 dưới đời Gia Long. Mỗi Lôi Gia chứa ba pho tượng Kim Cương có nhiệm vụ bảo vệ Đạo pháp, đuổi dẹp ác quỷ. Được đắp bằng đất sét trộn với trấu và rơm, mỗi tượng lớn bằng người thật, có một thế ngồi, một cách để chân, một ấn quyết hay dụng cụ ở hai tay khác nhau. Tuy là những vị thần lúc trước mang chùy kim cương Vajrapanis, áo, mão, hia, giáp trụ, vũ khí, vòng quanh thiên thần, màu sắc tô vẽ sặc sỡ biệu lộ một sắc thái Trung Quốc. Như để khuyến khích khách gạt bỏ mọi ưu phiền, ác tính trước khi vào chùa, mỗi vị được trình bày đạp chân lên một con thú nhỏ : cóc, rắn, khỉ, hổ, rùa, lân tượng trưng cho thú tính. Như vậy, trước lúc bước vào điện Đại Hùng tất là cõi Phật, đi ngang trước nhà Lôi Gia, khách mang một đầu óc thư thái, thanh thảng rũ sạch mọi bụi trần.
Lối giữa từ Nghi Môn dẫn thẳng vào Bảo điện Đại Hùng (người hùng là đức Phật, có quyền lực chế ngự mọi quỷ sứ), một tòa nhà lớn gồm có hai phần : tiền đường năm gian hai chái và chính đường, ba gian hai chái họp lại thành bốn mái, hai mái chồng nhau, nóc chính điện cao hơn nóc tiền đường. Trên nóc tiền đường có hai con rồng chầu một Pháp Luân trong có chữ Phật. Trên nóc chính điện cũng có hai con rồng chầu một mặt trời giữa bảy ngọn lửa sắp dọn thành búp hoa sen trong có chữ Vạn. Hai đầu chái chính điện và tiền đường có hình con dơi gắn sành mảnh sứ. Trong thiền đường trang trí giản dị, có hai vế đối 12 chữ của vua Thiệu Trị và hai vế đối 21 chữ của triều đình vua Bảo Đại (1913-1997). Ở chính giữa, một tượng đồng rất lớn đức Phật Di Lặc Maitreya, tai lớn dài, cao 0m80, đặt trên một bệ lớn bằng gạch cao hơn 1m. Ngài ngồi vui thích, chân mặt co lên, chân trái xếp bằng, áo trạc ra cho lòi cặp vú và cái bụng phệ, miệng cười thoải mái. Treo trên pho tượng là bức hoành phi sơn son chữ lớn Linh Thứu Cao Phong (đỉnh núi nơi đức Phật chuyển pháp lần thứ hai, giảng bộ Kinh Diệu pháp liên hoa), thủ bút của chính chúa Nguyễn Phúc Chu, lúc trước treo trong chính điện. Một bảo vật còn xưa hơn trong tiền đường là cái khánh đồng dài 1m60, rộng 0m55, treo trên một cái giá gỗ, đúc ở Phường Đúc, trang trí hai mặt : một mặt đề tên Bình Trung Quán Khánh và niên hiệu Vĩnh Trị nhị niên tuế Đinh Tỵ (tức là 1677)trọng thu tạo ;  mặt kia đề tên người phụng cúng Hội chủ Trần Đình Ân đạo hiệu Minh Hồng, pháp danh Tịnh Tín, Thập phương công đức và hình sao Bắc Đẩu nằm giữa nhị thập bát tú, trên một mặt trời với bốn ngọn lửa. Đông Triều Hầu Trần Đình Ân (1626-1707) là nhạc gia của Nguyễn Khoa Chiêm, cả hai đều làm quan to trong triệu Minh Vương. Có thể tin là khánh đã được đúc cho chùa Bình Trung và sau đưa qua chùa Thiên Mụ.
Chính đường hay thượng điện chiếm toàn chiều dài ba gian của điện, dài 30m, rộng 12m, lúc trước cột, kèo, xuyên, trếnh đều làm bằng gỗ lim, gỗ sao, nền lát gạch Bát Tràng, từ ngày trùng tu năm 1958, được thay bằng xi măng cốt sắt. Ở tiền đường khách thấy ngay một bức hoành phi mang ba chữ Đại Hùng Điện. Trên bàn thờ Phật đặt trong cùng có ba tượng Tam Thế thể hiện Tam Thân, bằng đồng, giữa là đức Thích Ca Mâu Ni Sakyamuni, bên trái có đức A Di Đà Amitabha, bên mặt có đức Di Lặc Maitreya, tất cả đều ngồi thiền trên hộp sơn đỏ, hai chân chéo nhau, mỗi vị một ấn quyết khác nhau. Cơ thể dỏng cao, dáng đầu thanh trên một cổ dài, những nếp áo che lấp vai chỉ để lộ những nút giây giữ vạt áo dưới,... nhiều chi tiết kê sắp các tượng nầy trong số hình tượng Phật giáo đẹp nhất ở Việt Nam. Năm 1999, trước bàn thờ nầy có bảy vị Phật nhỏ cũng bằng đồng, khó thấy, lúc trước đặt trong tháp Phước Duyên, nay đã được thỉnh về lại tháp. Trước các vị nầy năm 1999 còn có một tượng đồng Di Lặc tương đối nhỏ hơn và trong tủ kính tượng đức Thế TônSakyamuni. Hai bên bàn thờ, hai vị bồ tát nắm hoa sen Phổ Hiền Samantabhadra cỡi con thanh sư bên mặt, vị Đại Thế Chí Manjushri cỡi con sư tử bên trái, đều được đặt trong tủ kính. Hậu điện chỉ có một bàn thờ Thạch hòa thượng. Theo các sách xưa, thượng điện còn chứa nhiều hình tượng khác, không thuộc về Phật giáo như các thần Nam Tào, Bắc Đẩu đã được loại ra. Tượng Ngọc Hoàng ở Nghi Môn là một tàn tích còn sót.
Sau bảo điện Đại Hùng là điện Địa Tạng Kshitigarbha dài hơn 28m, rộng gần 20m, xây năm 1815 trên nền điện Di Lặc, với bộ sườn đình Hương Nguyện dời vào. Dấu tích xưa, gồm có mười sáu cột, bốn cột mệ ỡ giữa, bốn mái, bốn kèo mái, trần hình bát quái, điện là một lầu vuông, chạm trổ hoa lá hay hình bát bửu (cây đàn, bầu rượu,...). Khoảng đố giữa các cột được chia thành hộc hình chữ nhật và ô vuông khắc dưới 96, trên 32 câu thơ bằng chữ Hán của vua Thiệu Trị, chạm hoa lá mai, lan, cúc, trúc, bút lông, ống sáo, gươm, khánh, đàn,... Điện nầy lúc trước được thiết kế để thờ đức Quan Công tức Quan Võ, Quan Vân Trường hay Quan Thánh (thường kèm theo Trương Phi và Quan Bình), không hẳn phải thần Phật giáo, vì vậy vào khoảng thập niên 50 đức Quan Công được dọn đi và điện được đổi thờ Địa Tạng là vị bồ tát tự nguyện xuống Âm phủ để cứu khổ cứu nạn những âm hồn đang bị quỷ sứ đày đọa. Năm 1999, khi chúng tôi viếng chùa, điện để trống không, chỉ thấy hai chú tiểu ngồi học trên hai cái bàn nhỏ.

Nhà thờ sau cuối khu Thiên Mụ là điện Quán Âm Avalokitesvara, xây trong lùm cây, từ đời Gia Long. Sân, tầng cấp lọt gạch Bát Tràng, điện dài gần 20m, rộng 13m rưởi, ba gian, hai chái với ba cửa ra vào, hai cửa nách, trang trí giản dị không có hoa văn. Tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát lớn, bằng đồng, ngồi trên tòa sen, nét mặt dịu dàng, đặt trước bức hoành phi Quán Âm Điện. Còn có một tượng Quan Âm bằng đá, thế đứng, đặt trước tượng kia, trong tủ kính, cũng không kém phần nghệ thuật nữ phái, ngón tay thon dài, tay mặt để thỏng xuống, tay trái đưa lên ngang ngực, đều có ấn quyết. Hai bên có hai bàn thờ Thập Điện Vương, mỗi bên 10 vị, 5 vị ngồi trước bằng đất nung sơn vàng, nhỏ, cũ hơn, 5 vị ngồi sau bằng đất sét nhiều màu, có râu cằm và trêu mép. Áo, mũ giống nhau, mỗi vị có một bộ măt khác nhau nhưng đều nghiêm nghị như những ông quan ra tòa. Những tượng nầy có thể thỉnh từ hai dãy Thập Vương ở cạnh và bị phá đổ cùng lúc với điện Di Lặc. Phía sau điện thờ Địa Tạng, một tượng lớn bằng đồng vàng chói, ngồi trên ghế, tay trái đặt trên thành ghế, tay mặt một ấn quyết. Rất có thể tượng nầy lúc trước được đặt thờ trong điện Địa Tạng xây lại trên nền điện Di Lặc.
Vị trù trì sau cùng của chùa lãnh đạo Phật giáo Huế có tiếng tăm là Hòa thượng Thích Đôn Hậu có phần mộ và ngôi tháp sau cuối khu chùa, núp bóng dưới nhiều cây yên tĩnh. Một vị tu hành có tiếng khác là Hòa thượng Thích Quảng Đức, tự thiêu ở Sài Gòn ngày 11 tháng sáu năm 1963, hiện có mặt qua bảng giải thích bằng hai thứ tiếng Việt và Anh đặt trước một chiếc xe hơi đã chở Ngài. Trong khuôn viên chùa còn có nhà bếp, vườn rau. Con Rùa Mốc thường được nhắc đến, ngày nay chỉ còn những đám gạch sụp đổ ngoài tường chùa. Sau cuối chùa còn có hai ngôi nhà xưa thấp thoáng trong lùm cây gợi lên ý nghĩ quang cảnh của ngọn đồi khi chùa mới được xây dựng thành. Với một kiến trúc tuyệt diệu, những báu vật mỹ thuật, chùa Thiên Mụ thật là một kiệt tác nghệ thuật tinh vi vùng Phú Xuân hài hòa giữa môi trường êm dịu đất Thần Kinh. Tôi rất mừng khi nhà tôi chọn ngôi chùa quê tôi làm đề tài luận văn vì là một dịp để cô ta tìm hiểu sâu xa hơn tâm hồn Phật giáo nói chung, phong cách xứ Huế nói riêng, từ đấy tôi cũng hưởng lây được kiến thức mà cô ta đã gom góp. Khi luận văn được in thành sách (*) bà Hội trưởng Hội Những Người Bạn Viễn Đông AFAO không ngần ngại cho in dấu của Hội lên bìa sách với lời giới thiệu cho khách chỉ biết tiếng Pháp cần có cuốn sách nầy trong tay khi đến viếng Huế!.


Tham khảo
- (*) Vo Quang Liliane, Le temple de la Dame Céleste (Chùa Thiên Mụ) à Hué sanctuaire bouddhique et miroir de l'ancienne capitale du Vietnam, Université de Paris VII 1998, Cahiers de Péninsule 6 2004
- Nguyễn Đắc Xuân, Bốn trăm năm chùa Thiên Mụ, nxb Thuận Hóa Huế 1998
- Hà Xuân Liêm, Chùa Thiên Mụ, nxb Thuận Hóa Huế 1998.
- Hà Xuân Dương, Kiến trúc chùa Thiên Mụ, nxb Đà Nẵng 1998
- Phanxipăng, Leo tháp Phước Duyên, Tc Nghiên cứu và Phát triển 3(80) 2010; Chim Việt Cành Nam 42 2011.
Bài và ảnh Võ Quang Yến
Theo http://chimviet.free.fr/



Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...