Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

Đóa hoa vàng giữa hoang mạc lặng lẽ sắc hương

Đóa hoa vàng giữa hoang
mạc lặng lẽ sắc hương

Từ đất nước Kuwait, Chử Lê Hoàng Điệp đã gửi về chùm thơ 1-2-3 đầu tiên như một thể nghiệm. Phiêu bạt ở xứ sở Trung Đông, nơi thời gian đôi lúc giao thoa “Mặt trời hồng và vầng trăng biêng biếc”, người thơ ẩn hiện sau đồi cát như “Đóa hoa vàng giữa hoang mạc lặng lẽ sắc hương”. Qua thơ Chử Lê Hoàng Điệp, một vùng thiên nhiên và văn hóa khác lạ cũng mở ra với nhiều bí ẩn như “Adhan vang lên trầm lặng từ tháp chuông lấp lánh nắng mai”…  
Cuộc vận động sáng tác thể thơ mới 1-2-3 sau 3 tháng phát động đã nhận được hơn 250 chùm thơ của 110 tác giả khắp trong và ngoài nước gửi về tham dự và đã đăng tải giới thiệu gần 220 chùm thơ trên VHSG.
Trong vòng hơn một tháng qua tiếp tục xuất hiện nhiều cây bút tham gia những chùm thơ 1-2-3 chất lượng như: Mai Thìn, Nguyễn Ngọc Hưng, Đỗ Toàn Diện, Nguyễn Trọng Văn, Lê Thanh Hùng, Lê Văn Hiếu, Từ Dạ Linh, Nguyễn Tấn On, Nguyễn Quỳnh Anh, Nguyễn Thị Thanh Long, Trần Thanh Dũng, Đinh Hạ, Nguyễn Thị Thanh, Lương Mỹ Hạnh, Vũ Lam Hiền, Khét, Phạm Quỳnh Loan, Vũ Hà, Trần Mai Ngân, Đỗ Quảng Hàn, Phạm Hồng Soi, Hồ Loan, Nhất Mạt Hương, Quách Mộc Ngôn, Nguyễn Bá Hòa, Vương Thanh Lan, Cao Ngọc Toản, Hoài Thơ, Hồ Trung Chính, Chử Lê Hoàng Điệp…
Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm tác giả muốn biểu hiện.
Đặc biệt khuyến khích tính độc lập từng câu thơ trong mối tương quan toàn bài, đồng thời giữa câu 1 và câu 6 có tính hô ứng để nội dung bài thơ chặt chẽ, thống nhất trong một không gian thẩm mỹ riêng biệt.
Hàng tháng, Ban biên tập VHSG sẽ chọn những chùm thơ 1-2-3 hay để trao Tặng thưởng, ưu tiên khuyến khích những tác giả có nhiều chùm thơ được chọn đăng. Đồng thời, trên cơ sở toàn bộ thơ 1-2-3 đăng trên VHSG cả năm sẽ tuyển chọn mỗi tác giả 5 bài vào chung khảo để cuối năm bầu chọn ít nhất là 5 tác giả trao Giải thưởng “Thơ hay 1-2-3” và xuất bản sách. Hội đồng chung khảo gồm các cây bút có kinh nghiệm và uy tín.
Giá trị tặng thưởng và giải thưởng gồm tiền mặt và quà lưu niệm, được sự tài trợ của các đơn vị: Báo Đất Việt, Tạp chí Môi Trường & Đô Thị Việt Nam, Công ty TNHH Dược phẩm Phú Mỹ – PMPHARCO, Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Thiên Bút, Công ty TNHH Luật Thành Văn.
Chúng tôi chân thành cảm ơn các nhà tài trợ cùng sự tham gia nhiệt tình của bạn thơ và mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ 1-2-3 mới trên tinh thần “Sáng tạo và Nhân văn”!.
Lang thang hoa vàng sa mạc
Sương lấm tấm rắc cườm lá cỏ
Mặt trời hồng và vầng trăng biêng biếc
Tạ từ nhau trên vồng ngực đám mây
Ẩn hiện bóng em sau đồi cát
Đóa hoa vàng giữa hoang mạc lặng lẽ sắc hương
Thập thò cửa hang nhỏ
Con bọ đen cánh cứng bò ra
Ngơ ngác nhìn lưỡi nắng xòe lửa
Da cát rạn nham nhở
Như tấm bản đồ in hằn bụng mẹ
Tách vỏ cằn run rẩy cỏ hồi sinh…
Tôi chạy trong tiếng chuông trên cát
Mải miết đuổi theo đàn cừu
Chân trần lấm lem bụi đỏ
Chàng du mục buộc chặt shumangh* trên đầu
Tay cầm cây roi nhỏ gió quất ù ù bên tai
Adhan** vang lên trầm lặng từ tháp chuông lấp lánh nắng mai
Chú thích:
* shumangh: chiếc khăn kẻ ca rô trắng đen hoặc trắng đỏ của đàn ông Islam thường đội đầu để che nắng, cát bụi.
** Adhan: lời gọi đến giờ cầu nguyện, được gọi từ các tháp chuông nhà thờ Islam năm lần mỗi ngày.
12/8/2020
Chử Lê Hoàng Điệp
Theo https://vanhocsaigon.com/

Phạm Thị Kim Khánh thao thức nỗi bờ bên bồi bên lở

Phạm Thị Kim Khánh thao thức
nỗi bờ bên bồi bên lở

Mỗi dốc thác cho sông dòng kỳ thú/ Mỗi hàng cây cho bóng nước nên thơ/ Trông bóng sông ta nhớ về bóng núi/ Nơi cửa sông điệp điệp sóng cửa rừng/ Ta nhìn thấy lững lờ con nước chảy/ Nỗi gập ghềnh bao thác lũ đi qua.
Viết ở cửa sông
Sông đi xa
Ta cũng đi xa
Sông về nơi không còn là sông nữa
Giữa mênh mông rộng dài hội tụ
Sông còn không thao thiết phía thượng nguồn?
Thao thức nỗi bờ bên bồi bên lở
Đất mỡ màu hiến sông những phù sa
Mỗi dốc thác cho sông dòng kỳ thú
Mỗi hàng cây cho bóng nước nên thơ
Trông bóng sông ta nhớ về bóng núi
Nơi cửa sông điệp điệp sóng cửa rừng
Ta nhìn thấy lững lờ con nước chảy
Nỗi gập ghềnh bao thác lũ đi qua.
Sông Mã khúc thượng nguồn
Sông Mã
Sông muốn túa mát trong soi hoa ban hoa trẩu
Nhưng đá dựng sông chĩa kiếm ghếch trời
Đá dốc lưng, bắt sông làm vực xoáy
Hết nợ, xuống thung sâu sông bắt điệu tình ca
Cô gái Thái Sơn La vai trần giỡn nước
Noọng ơi… ríu ran nhảy sạp, múa xòe
Sông khỏa nỗi nhọc nhằn dốc đứng, truông xa
Sông Mã
Đá lên mặt chia dòng Mường Luân, Tuần Giáo
Sông len núi mà đi
Sông lách đá mà về
Sông trườn về nô nức chợ phiên
Cô gái Thái, Mường khăn thùa, áo khóm
Thổ cẩm tươi màu ngũ sắc làm duyên
Chợ chưa tan, hội còn bịn rịn
Váy Hmông xòe quạt điệu múa khèn
Sông vào đất bạn
Chiềng Khương trong sương thoi đưa lách cách
Cô gái Chăm-pa bước ra từ khung cửi
Đổ áng tóc vào sông ve vuốt
Rối lòng không mà sóng sánh, sông ơi!
Sông trở về đất ta
Mường Lát, Mai Châu núi vây, mây phủ
Sông mê điệu khặp, sông mê khua luống
Cứ ngỡ sông say giấc dưới sương mờ
Nghe trai bản đóng bè, kéo mảng
Choàng khỏi sương mê, sông vặn thác đẩy luồng xuôi
Không trở mặt, bất thường, chẳng muốn mình thác lũ
Nhàn nhã trôi, sông mở rộng lòng
Nghe áng xường, lời đang mang mang mường nước
Thương xiết thương nồng, anh ơi!
Sông vào Giêng Hai chùng chiềng trống hội
Thong thả áng trôi nhuốm hoa cải bãi bồi…
Viên phấn
Lời đau trắng
Mài ruột gan mà khắc
Niềm vui trắng
Mài thân tròn mà chép
Vẹt kiệt cùng
Thành mẫu
Thành bụi
Thân trắng thành bụi trắng
Vui
Đau.
Trầm hương
Kiến đục
sấm sét
đạn cắt
thuốc độc
Cây dó bầu (1) đau
Máu rỉ lệ nhỏ
Dồn cục, thành u
Ủ thành kiếp trầm
Trầm hương, ơi à
Vết thương xù xì
Vết đau rỗng ruột
Thành hương trầm kỳ
Thành hương trầm tốc
Nỗi đau kết đọng
Trầm mặc năm màu
Đốt đau thành khói
Ngát lời ấm thơm
Ước có một lần
Nỗi đau chân thật
Thành mẫu trầm thơm!
Giá được một lần
Khúc đau đời ấy
Thắp thành khói thơm!
Chú thích:
(1) Dó bầu: loại cây cho trầm hương.
Gặp lại hoa dẻ
Bất ngờ cơn mưa đầu hạ
Đánh thức ngọt thơm hoa dẻ ngõ nhà
Thức dậy mùa thơm tho nông nổi
Đánh thức hão huyền bay bổng cánh đồi xa
Thơm ngọt thế làm sao lẫn được
Hoa dẻ ơi, vằng vặc tuổi thơ ta
Con gió thơm dẫn lối tìm hoa
Nón trẻ chăn trâu hương đồi ăm ắp
Hối hả mùa
Cơn sốt cuộc đời hầm hập
Ập vào ta những hương vị không chờ
Nhưng hoa dẻ nói lời thơm ấm lắm
Quen như là hơi ấm mẹ ta.
4/4/2020
Phạm Thị Kim Khánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Cuộc đời và sự nghiệp của đại thi hào James Joyce

Cuộc đời và sự nghiệp của
đại thi hào James Joyce

Đại thi hào James Joyce được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất tới phong trào văn mới của thời kỳ đầu thế kỷ XX…
Ireland có một nền văn học và thi ca lâu đời và nổi tiếng, và đã có những đóng góp cho nền văn học thế giới. Đất nước nhỏ bé với hơn 4 triệu dân này đã sản sinh ra nhiều nhà văn, nhà thơ lớn như nhà văn châm biếm Jonathan Swift (1667–1745) là tác giả của Những cuộc phiêu lưu của Gu-li-vơ (Gulliver’s Travels) (1726); Oscar Wilde (1854–1900) với các vở kịch, tác phẩm văn xuôi và thơ được tiếp tục trình diễn và tìm đọc trên toàn thế giới; nhà soạn kịch và viết tiểu thuyết George Bernard Shaw (1856-1950); và nhà thơ nhà viết kịch William Butler Yeats (1865–1939), tác giả của những tác phẩm truyền cảm hứng đến thời kỳ phục hưng hiện đại của văn học Ireland.
Đại thi hào James Joyce (1882–1941)
Nhắc đến văn học Ireland, không ai không biết đến James Joyce (1882–1941). Với những tác phẩm bất hủ như Ulysses (1922), Người Dublin (1914),  Chân dung một chàng trai trẻ (1916), Finnegans thức giấc (1939), James Joyce được coi là một trong những nhà văn có ảnh hưởng lớn nhất tới phong trào văn mới của thời kỳ đầu thế kỷ 20. James Joyce sinh tại Rathgar, khu ngoại ô Dublin, vào ngày 02 tháng 02 năm 1882. Ký ức thời thơ ấu của James Joyce sau này đã đi vào các tác phẩm văn học của ông.
1- Gia đình: James Joyce là con cả của gia đình John Stanislaus Joyce và May (Murray) Joyce. John Joyce nổi tiếng ở Dublin vì tài kể chuyện và tính cách vui vẻ, cũng như các kế hoạch kinh doanh không may mắn của mình. Khi James được sinh ra, gia đình của ông tương đối khá giả, được thừa kế nhiều đất đai, nhưng của cải của John Joyce mất đi nhanh chóng kể từ khi James đi học. John và May Joyce có tới 9 người con là em của James. James rất gần gũi với mẹ và ông đã bị tác động mạnh bởi cái chết của bà năm 1903, mặc dù vậy ông từ chối theo đạo Thiên chúa giáo cho dù nó rất quan trọng đối với mẹ của ông.
Tác phẩm bất hủ “Ulysses” của James Joyce
2- Dublin: Trong suốt tuổi thơ của Joyce, Dublin là trung tâm hành chính của sự thống trị của Anh tại Ireland và nó trở thành trung tâm kể từ khi Đạo luật Liên hiệp giữa hai nước được thông qua năm 1800. Thành phố này là nơi xảy ra các cuộc tranh giành giữa các phong trào văn hóa khác nhau, nhiều người trong số họ muốn hình thành một tương lai tự trị cho quốc gia này. Trong khi việc sáng tác ban đầu của Joyce được mô tả bởi sự thất vọng của ông với tình trạng tê liệt và chật hẹp của thành phố, nhưng sau đó ông lại nói một cách đầy hào ứng về vẻ đẹp của nó, với lịch sử hào hùng và lòng mến khách sâu sắc. Joyce rời Dublin vào tháng 10 năm 1904 cùng với người vợ tương lai, Nora Barnacle. Ông ít khi trở về, và lần cuối cùng là vào năm 1912. Ulysses là một trong những bức chân dung chi tiết và trìu mến nhất về một thành phố trong các tác phẩm văn học, mặc dù Joyce không hề viết phần nào của tác phẩm tại thành phố này.
3- Trường học: Là con cả trong gia đình, Joyce được hưởng từ sự thịnh vượng ngắn ngủi của gia đình. Năm lên 6, ông được gửi tới Trường Clongowes Wood, một trong những trường đặc biệt nhất của Ireland, nhưng ba năm sau đó thì gia đình ông không còn đủ khả năng chi trả các khoản chi phí. Có một thời kỳ ông học tại Trường O’Connell ở Dublin, trước khi chuyển tới trường Belvedere. Sau đó ông chuyển tới học tại Trường Đại học tổng hợp Dublin, và tốt nghiệp năm 1902. Joyce là một học sinh giỏi có năng khiếu nhưng cũng là một học sinh thất thường. Mặc dù các bài luận của ông thường giành giải, nhưng khi lớn lên niềm say mê nghề nghiệp như một nhà viết văn đầy sáng tạo đã làm lu mờ khả năng theo đuổi học thuật.
James Joyce lúc sáu tuổi rưỡi
4- Ulysses người anh hùng: Mặc dù khi còn là một cậu bé Joyce đã bị mê hoặc bởi câu chuyện cổ tích Odysseus, một chiến binh Hy Lạp phải chiến đấu một cách bất đắc dĩ trong cuộc chiến Trojan và sau đó phải mất 10 năm để trở về nhà. Năm 20 tuổi, khi Joyce được yêu cầu viết về một người anh hùng yêu thích của mình, ông đã chọn Odysseus, người đã chiến thắng bằng chính sự khéo léo và thông minh hơn là dùng bạo lực. Khi ông viết cuốn Ulysses (một cái tên La mã cho cùng một tính cách), Joyce đã bảo với các bạn của mình rằng Odysseus là một tính cách toàn diện và mang tính nhân văn nhất trong văn học. Trong Ulysses, Joyce đã tạo ra Odysseus là một người đàn ông bình thường, và thiên sử thi Odysseus đấu tranh trước những thử thách nhỏ của một ngày bình thường.
5- Chính trị và Độc lập: Trong những năm đầu của Joyce, Ireland đấu tranh giành độc lập từ Anh. Một trong những anh hùng trẻ tuổi là Charles Stewart Parnell, lãnh đạo của Đảng Ireland tại Westminster. Parnell đưa người Ireland tới gần với “Tự trị” nhưng đã mất ảnh hưởng khi vụ ly dị của ông bị nêu lên – ông mất năm 1891. Joyce tự hào là một người Ireland và muốn thấy đất nước của mình được độc lập, nhưng cũng hoài nghi về những cách thức mà các phong trào chính trị thường phủ nhận tự do cá nhân. Joyce cảm thấy cảm xúc cá nhân là động cơ cho tất cả mọi điều, kể cả nghệ thuật và triết học.
6- Ibsen và những ảnh hưởng Châu Âu: Khi còn ở trường đại học, Joyce trở nên say mê nhà viết kịch người Na Uy Henrik Ibsen. Ông bị thôi thúc bởi tính chân thật dũng cảm của Ibssen trong việc đại diện cho cuộc sống của tầng lớp trung lưu hiện đại và học học tiếng Na Uy để có thể đọc được các vở kịch bằng ngôn ngữ gốc. Khi ông 18 tuổi (1890) ông cho đăng bài phê bình cho vở kịch Khi cái chết thức tỉnh của Ibsen trên một tạp chí văn học quan trọng. Ibsen tự đọc bài phê bình và gửi cho Joyce một bức thư cảm ơn. Việc này đã khích lệ Joyce và khẳng định ước mơ của ông trở thành một nhà văn.
7- Ngày 16 tháng 6 năm 1904: Năm 1902, Joyce tới Paris để học về y khoa và để viết, nhưng ông lại quay trở về năm 1903, do mẹ ông mất vì bệnh ung thư. Ngày 10 tháng 6 năm 1904, ông gặp một người phụ nữ xinh đẹp tên là Nora Barnacle đang đi bộ trên phố Nassau tại Dublin, và ngày 16 tháng 6 họ gặp nhau trong buổi hẹn hò đầu tiên. Ulysses được ra đời vào ngày đó, ngày 16 tháng 6 năm 1904, kỷ niệm ngày mà cuộc đời ông thay đổi. Kể từ khi Ulysses được xuất bản, ngày 16 tháng 6 được độc giả trên thế giới tổ chức kỷ niệm như là ngày Bloomsday.
12/7/2023
Anh Kiệt
Nguồn: ĐSQ Ireland
Theo https://vanhocsaigon.com/

Những điểm nhấn của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thế Quang

Những điểm nhấn của tiểu thuyết
lịch sử Nguyễn Thế Quang

Nhà văn Nguyễn Thế Quang sinh năm 1942 ở Thanh Chương, Nghệ An. Đến tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông đã gây ấn tượng với văn đàn, liên tục ra mắt 4 tiểu thuyết lịch sử: “Nguyễn Du” (năm 2010), “Khúc hát những dòng sông” (2012), “Thông reo Ngàn Hống” (2015); “Đường về Thăng Long” (2019). Các tiểu thuyết đều được tái bản và được nhiều giải thưởng uy tín trong nước lẫn khu vực. Riêng cuốn “Thông reo Ngàn Hống” đoạt hai giải danh giá: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2015 và Giải thưởng Văn học ASEAN 2016. Vanvn.vn trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Những điểm nhấn của tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Thế Quang” của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hùng.
Nhà văn Nguyễn Thế Quang
Cho đến nay, tên tuổi của Nguyễn Thế Quang không còn quá xa lạ với độc giả yêu văn chương bởi sự xuất hiện đều đặn của các tác phẩm cũng như nhiều giải thưởng đạt được.
Là một nhà giáo nghỉ hưu, sau mười năm bén duyên cùng văn chương (2010-2020), ông đã trình làng 4 tác phẩm, tất cả đều là tiểu thuyết lịch sử: “Nguyễn Du” (năm 2010); “Khúc hát những dòng sông” (năm 2012); “Thông reo Ngàn Hống” (năm 2015); “Đường về Thăng Long” (năm 2019). Tuy chưa trở thành một “hiện tượng lớn” khuấy động văn đàn, song những sáng tác của ông vẫn nhận được sự quan tâm và đánh giá tích cực từ giới sáng tác, phê bình và đông đảo độc giả.
Không những được tái bản liên tục, tác phẩm của nhà văn còn nhận nhiều giải thưởng uy tín: Giải A Giải thưởng Hồ Xuân Hương lần thứ IV (2005-2010) dành cho “Nguyễn Du”; Giải C Cuộc thi sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2013 dành cho “Khúc hát những dòng sông”; Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015, Giải thưởng văn học ASEAN năm 2016 dành cho “Thông reo Ngàn Hống”. Có thể nói, trong lúc tiểu thuyết lịch sử đang nở rộ với số lượng tác giả và tác phẩm không ngừng gia tăng, Nguyễn Thế Quang và tác phẩm của ông vẫn tìm được chỗ đứng, góp một tiếng nói quan trọng trong tiến trình vận động, phát triển thể loại.
Khác với nhiều nhà văn cùng thời sáng tác về đề tài lịch sử, Nguyễn Thế Quang trong các tác phẩm của mình đều lựa chọn “lịch sử gần” để khai thác. “Nguyễn Du”, “Thông reo Ngàn Hống” lấy bối cảnh thế kỷ 19 dưới sự trị vì của vương triều Nguyễn thời kỳ đầu; “Khúc hát những dòng sông”, “Đường về Thăng Long” khai thác các sự kiện lịch sử diễn ra trong 50 năm đầu thế kỷ 20. Có thể thấy, so với các triều đại trong lịch sử dân tộc, đây là những thời kỳ khá gần chúng ta hôm nay. Đó vừa là lợi thế, vừa là khó khăn với ngòi bút Nguyễn Thế Quang. Do là “lịch sử gần” nên hệ thống tư liệu khá phong phú và đa dạng, đặc biệt tính chân xác, đầy đủ có thể kiểm chứng và bảo đảm. Tuy vậy, nhà văn cũng gặp không ít thử thách, bởi các sự kiện và nhân vật lịch sử dường như đã ít nhiều định hình trong kinh nghiệm và hiểu biết của cộng đồng độc giả, khoảng trống dành cho hư cấu, tưởng tượng trở nên hẹp hơn rất nhiều. Tận dụng những lợi thế, đồng thời tìm tòi lối đi riêng, Nguyễn Thế Quang đã tái hiện chân dung lịch sử vừa quen thuộc, gần gũi, vừa mới lạ, hấp dẫn. Nhà văn vẫn dựa trên nền các sự kiện, biến cố lịch sử đã qua, tập trung nhiều cho việc khai thác thế giới nội tâm phong phú, phức tạp với những cảm xúc, suy nghĩ, trăn trở, mâu thuẫn, giằng xé của nhân vật trong từng thời khắc chuyển vần của lịch sử. Nhờ vậy, những chân dung lịch sử tiêu biểu một thời như Hoàng Thị Loan, Nguyễn Sinh Cung (“Khúc hát những dòng sông”); Nguyễn Du, Gia Long, Ngô Thời Nhậm, Đặng Trần Thường, Hồ Xuân Hương (“Nguyễn Du”); Nguyễn Công Trứ, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Cao Bá Quát (“Thông reo Ngàn Hống”); Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Tường Tam, Bảo Đại, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Bội Châu (“Đường về Thăng Long”) đều hiện lên vô cùng sắc nét, chân thực và sinh động.
Không chỉ tái hiện chân thực bối cảnh thời đại và chân dung nhân vật lịch sử, một trong những thành công lớn nhất của Nguyễn Thế Quang là tư duy lịch sử nhất quán, đa chiều, sâu sắc. Ông không viết tiểu thuyết lịch sử để minh họa chính sử hoặc tiểu thuyết hóa lịch sử, càng không chọn cảm thức chiêm bái, ngưỡng vọng một chiều, mà tác phẩm của ông hướng tới sự phân tích, giả định, luận giải và đối thoại lịch sử. Nhờ vậy, các sáng tác của nhà văn đã góp phần giải minh nhiều sự kiện và nhân vật trong lịch sử.
Viết theo lối truyền thống, ít sự cách tân, thể nghiệm, Nguyễn Thế Quang tập trung bút lực nhằm luận giải các chủ đề, tư tưởng quan trọng mang tinh thần thời đại. Tác giả lựa chọn bối cảnh là những giai đoạn biến động, những thời khắc trọng đại của lịch sử dân tộc: Những ngày đầu mới hình thành vương triều Nguyễn với vô vàn rối ren, khó khăn (“Nguyễn Du”); dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đất nước bắt đầu ổn định, phát triển, song phải đối diện với muôn vàn thách thức bên trong và bên ngoài lãnh thổ (“Thông reo Ngàn Hống”); thời điểm thực dân Pháp từng bước đặt ách đô hộ Việt Nam, triều đình phong kiến rệu rã, bất lực, các cuộc nổi dậy của nông dân, sĩ phu yêu nước lần lượt thất bại và bị đàn áp (“Tiếng hát những dòng sông”); khoảng thời gian sau khi Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) thành công, một trong những thời khắc quan trọng nhất của lịch sử cách mạng Việt Nam, liên quan đến sự tồn tại của nhà nước non trẻ, đằng sau đó là cả một nền độc lập, thống nhất, hòa bình của dân tộc (“Đường về Thăng Long”).
Không những phục hiện chân thực, sinh động bối cảnh thời đại, Nguyễn Thế Quang còn khai phóng, luận giải nhiều vấn đề quan trọng không chỉ đối với quá khứ mà còn có ý nghĩa đương đại: Khát vọng mở mang bờ cõi và thống nhất giang sơn của bậc đế vương; trách nhiệm của người trí thức với mệnh vận dân tộc và số phận nhân dân; vai trò của người nghệ sĩ với văn hóa truyền thống và tinh thần thời đại; sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng; cội nguồn văn hóa, truyền thống quê hương, tình yêu thương gia đình trong việc hình thành nhân cách, ý chí của các yếu nhân lịch sử. Không chỉ luận giải các vấn đề lịch sử, văn hóa, tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang còn khám phá số phận con người từ điểm nhìn nhân bản sâu sắc. Mỗi tác phẩm trưng ra những “gương mặt người” luôn đau đáu, trầm tư, vui buồn cùng từng bước thăng trầm của dân tộc và đời người: Số phận vương giả trước những thời khắc quyết định của dân tộc; thân phận kẻ sĩ giữa vòng vây quyền lực quân vương; số phận nhân dân trong cơn bão táp lịch sử; thân phận người trí thức trước những ngả đường, bước ngoặt lịch sử.
Tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang không mạnh về hình thức nghệ thuật. Lối viết có đôi chỗ còn nặng về tính biên niên sử; vài nơi ông để cho nhân vật nói quá nhiều về quan điểm, đạo lý, cách nghĩ thời đại, khiến một số trang viết rơi vào sơ lược, thiếu tự nhiên. Tuy vậy, bằng sự tâm huyết, nghiêm túc, đặc biệt là tình yêu, trách nhiệm với lịch sử dân tộc, Nguyễn Thế Quang đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, tưởng tượng, tái hiện những bức tranh lịch sử hấp dẫn, giàu chất tư tưởng, thẩm mỹ. Kết nối nhiều vấn đề từ quá khứ đến thực tại, tiểu thuyết của ông gợi cho người đọc không ít suy tư, trăn trở khi nhìn về cuộc sống hôm nay cũng như dự phóng về tương lai.
17/11/2022
Nguyễn Văn Hùng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Osho - Hành trình đi tìm ý nghĩa sống của bậc đạo sư

Osho - Hành trình đi tìm
ý nghĩa sống của bậc đạo sư

Trong các bậc đạo gia, Osho có lẽ là vị tu sĩ nhiều tranh cãi nhất nhưng khó có thể phủ nhận sức ảnh hưởng và lan tỏa tư tưởng, triết lý của ông đến các thế hệ bạn đọc.
Một đứa trẻ từ lúc sinh ra đã bị nhồi nhét lý tưởng về một xã hội khuôn mẫu. Trong giai đoạn trưởng thành, đứa trẻ đấu tranh giữa phần nổi loạn bên trong và những định hướng, chuẩn mực đầy phán xét bên ngoài. Cuộc đời đứa trẻ trở thành bi kịch, bắt nguồn từ những thứ dường như dễ dàng nhất như tình yêu và hạnh phúc. Đứa trẻ trở nên ghét chính mình, chúng buộc phải lựa chọn cái được gọi là “thiện” và kìm hãm bản thân để xa rời cái “ác”.
Bậc thầy tâm linh Osho
Trong khi đó, đáng lẽ lúc này đứa trẻ nên trở thành một phần của dòng chảy sự sống, bình thản tự do, nhảy múa hoan ca đầy lòng nhiệt thành. Đây là những thông điệp mà Osho – một nhà triết học, một thiền sư, một đạo sư… đã dành trọn đời mình để thuyết giảng và trò chuyện.
Osho – bậc đạo sư không khuôn thước
Acharya Rajneesh, hay Bhagwan Shree Rajneesh, người về sau được thế giới biết đến với cái tên Osho, sinh năm 1931 ở làng Kuchwada, bang Madhya Pradesh, thuộc miền Trung Ấn Độ. Là con trai cả trong một gia đình Kỳ Na Giáo (Jaina), một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, Osho chưa từng theo bất kỳ tôn giáo nào. Khi còn nhỏ, Osho đã là một đứa trẻ thông minh, nổi loạn, tự lập, hiếu kỳ về những lễ nghi tín ngưỡng cổ truyền và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ bà ngoại, một người phụ nữ sắc sảo.
Sau khi có học vị thạc sĩ Triết học tại Đại học Saugar năm 21 tuổi và đạt tới giác ngộ (Samadhi) vào năm 1970, Osho du thuyết nhiều nơi trên đất Ấn. Ông bắt đầu truyền giảng những khái niệm tâm linh mới mẻ gây tranh cãi, như thông qua dục (Sex) để đạt siêu tâm thức (Super-Consciousness) và đưa ra phương pháp thiền mới, gọi là thiền động (Dynamic Meditation) – một sự pha trộn các tư tưởng triết học và đạo giáo lớn đương thời. Tư tưởng của Osho lan tỏa khắp mọi nơi, thu hút hàng ngàn môn đệ trên toàn cầu.
Qua nhiều biến động, Osho di cư từ Ấn Độ sang Mỹ để chữa bệnh, rồi bị trục xuất quay về Pune (Poona) ở nước nhà. Osho yếu dần và “rời thân thể” năm 1990. Ông để lại cả một gia tài sách và những bài giảng ghi hình ghi âm lên tới 7000 giờ lưu trữ bằng 47 thứ tiếng, các hình thức tập thiền và một trung tâm tu học rộng 16 mẫu đất (khoảng 162.000 m2) cách Bombay 100 dặm.
Osho không theo bất kỳ tín ngưỡng nào. Ông cũng không truyền giảng bất kỳ đạo giáo nào. Thứ duy nhất ông thuyết giảng là Đạo, với quan niệm Thượng Đế nằm trong vạn vật. Với sứ mạng tạo một thế giới tỉnh thức, Osho đưa ra và muốn phổ biến hình ảnh về con người mới – được ông gọi với cái tên Phật Zorba.
Nhóm “người mới” là hình ảnh những người trỗi dậy thay thế thế hệ đang hấp hối, họ chấp nhận bản ngã của chính mình – vừa nhảy múa vui ca giữa cuộc đời, vừa cảm thấy an tịnh khoan hòa. Osho tin tưởng đó là một tương lai hoàng kim của nhân loại, khi con ngời ngừng tự hỏi về tương lai của chính mình và con em họ.
Nhiều đạo lý thuyết giảng của Osho vẫn còn gây tranh cãi trong cộng đồng và gây tai tiếng trong thời gian ông còn sống. Nhưng không thể phủ nhận, với trí tuệ, kỹ năng thuyết giảng đầy cuốn hút, một lối văn giản dị cùng óc hài hước và nhân cách của mình, Osho đã lay động trái tim và thay đổi cuộc sống của hàng triệu người.
Từ trái tim thinh lặng này sang một trái tim thinh lặng khác
Trong một cuộc phỏng vấn khi còn tại thế, Osho chia sẻ: “Tất cả những gì tôi muốn nói với bạn, là ở trong những ‘khoảng hở’ của tôi. Tôi sử dụng lời nói để tạo ra ‘khoảng hở’. Người ta sẽ tin vào bất cứ điều gì, nếu bạn thì thầm nó. Nhưng tôi đi một bước xa hơn, nếu bạn thật sự muốn diễn đạt chân lý thì đừng nói gì về nó cả. Thay vào đó chỉ để lại ‘khoảng hở’ – đó là cách để mọi người nghe thấy dù không một lời nào từ bạn thốt ra. Đấy là cách duy nhất chân lý luôn được truyền tải, từ trái tim im lặng này tới trái tim im lặng khác”.
Osho diễn giải: “Sự im lặng hoàn toàn này là cách duy nhất để bạn có thể chạm tới, hoà nhập, chia sẻ với tận cùng bản chất của người khác. Khi bạn kể một câu chuyện đùa, mục đích của chuyện đùa không phải là để đùa mà là tiếng cười theo sau đó. Bởi trong tiếng cười đó, mọi suy nghĩ của bạn sẽ dừng lại. Khoảnh khắc trong tiếng cười, bạn không còn thêm tâm trí nữa. Ngay sau tiếng cười là một ‘khoảng hở’ rất nhỏ và tôi có thể chạm tới cốt lõi sâu nhất bản thể của bạn”.
Bộ 5 tác phẩm quan trọng về tư tưởng của Osho.
Kỳ thực, Osho không viết sách. Thay vào đó, ông chỉ thực hiện các buổi nói chuyện trực tiếp và tất cả sách đều được những học trò của Osho ghi lại dựa trên băng ghi âm của ông. Với những người đọc sách Osho, thì sự thinh lặng sau mỗi lần đọc sách chính là những “khoảng hở” mà thông qua đó, họ có thể tiếp nhận trí tuệ từ nhà hiền triết.
Các cuốn sách của Osho viết về nhiều đề tài khác nhau, đề cập, bàn luận về sự thân mật, sáng tạo, lòng can đảm, hạnh phúc, và “đạo”… Một số sách nổi bật trong kho tàng tri thức mà Osho để lại phải kể đến Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc, Sáng tạo – Bừng cháy sức mạnh bên trong, Đạo con đường không lối, Hạnh phúc tại tâm, Can đảm – Biến thách thức thành sức mạnh …
Với hai tập sách Sáng tạo – Bùng cháy sức mạnh bên trong và Can đảm – Biến thách thức thành sức mạnh, Osho đưa ra quan điểm mỗi con người cần dấn thân tự khám phá ra cuộc đời mình, vượt qua tâm lý đám đông và những cám dỗ, để đi đến bến bờ an lạc trong cuộc sống, hòa vào một vũ điệu của niềm hân hoan.
Với cuốn sách Thân mật – Cội nguồn của hạnh phúc Osho chia sẻ cách để mỗi người vượt qua cảm giác lạc lõng, tìm được sự tự tin cho bản thân, từ đó từ bỏ chiếc áo giáp sắt, trở thành người khởi xướng để kết nối bạn bè và những người thân yêu.
Với Hạnh phúc tại tâm, toàn bộ kiến giải của Osho về hạnh phúc được tóm gọn trong một câu nói: “Hạnh phúc là niềm vui từ bên trong. Nó không đến từ sự tìm kiếm và đòi hỏi”.
Đạo – Con đường không lối là sách mà Osho chia sẻ năm câu chuyện ngụ ngôn trong cuốn cách của Liệt Tử – một nhân vật tiêu biểu cho Đạo gia sống ở thế kỷ 4 TCN. Trong cuốn sách, Osho đề cập đến bản ngã, bản chất của trí tuệ, những giới hạn của triết học: sự đối lập thực sự giữa lý trí – phi lý trí, giữa tính dương – tính âm, giữa sự tuân thủ luật lệ – sự tự nhiên nhi nhiên…
Một số tư tưởng Osho không quá mới, nhưng ông có cách truyền đạt dễ hiểu.
Những vấn đề mà sách của Osho đề cập có thể không quá mới mẻ với những người yêu thích tìm hiểu triết học, hoặc các đề tài lý luận. Tuy vậy, chân lý được truyền đạt từ một trái tim im lặng này sang một trái tim im lặng khác. Điều đặc biệt ở một nhà triết học như Osho là ông có khả năng “thổi” vào những đề tài quen thuộc những diễn giải mới mẻ, thậm chí hài hước nhưng rất chân thực.
Khoa học công nghệ phát triển, nhưng càng phát triển chúng ta dường như càng thiếu thời gian cho bản thân mình. Có bao giờ bạn từng cảm thấy mắc kẹt trong thế giới của riêng mình? Có bao giờ bạn hoài nghi về cách mà xã hội nỗ lực kiếm tiền, nỗ lực tiêu tiền? Có bao giờ bạn cảm thấy ngột ngạt với những thước đo thành công và chuẩn mực hạnh phúc?
Khi đó, có thể những cuốn sách và lời khuyên của Osho sẽ là cơ hội để bạn dành thời gian tĩnh lặng cho chính mình, bình tâm nhìn nhận đoạn đường mình vừa qua, hướng suy niệm vào bên trong. Và rồi đến một lúc bạn có thể kết nối chính mình, an lòng bởi thấy được bản thân cuộc sống vốn đã là mục đích cuối cùng của chính cuộc sống.
28/6/2021
Tấn Huyền
Nguồn: Zing
Theo https://vanhocsaigon.com/

Cần ăn xuống, muống ăn lên

"Cần ăn xuống, muống ăn lên"

Đây là một câu tục ngữ liên quan tới hai loại rau thông dụng được nhà nông ta trồng và sử dụng rất phổ biến trong các bữa ăn hàng này.
“Cần” tức là rau cần, một loại “cây thân dài, hoa họp thành tán, thường trồng ở ruộng lầy hoặc ao cạn, dùng làm rau ăn” (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Còn “muống” là rau muống, “loại cây thân rỗng, lá hình mũi mác, trồng ở dưới nước hay trên cạn, ngọn và lá dùng làm rau ăn” (Từ điển đã dẫn).
Chắc đa số người Việt đều quen “như cơm bữa” với hai loại rau này. Rau cần có nhiều vào mùa Đông. Rau muống là loại rau chủ lực mùa Hè. Ngày xưa, cần và muống chỉ thấy ở 2 mùa vụ khác nhau về nhiệt độ (nóng và lạnh). Nắng Hè lên là rau cần ít hẳn. Còn muống thì cứ heo may, mưa phùn gió bấc là các bè rau muống dưới ao hay các vạt rau muống ngoài ruộng lụi dần, bước vào thời kỳ “ngủ Đông” đợi mưa Xuân, nhất là mưa rào tháng 3 mới đâm chồi nảy lộc. Bây giờ thì ta có thể ăn 2 loại rau đó quanh năm. Nếu liên hoan dùng món lẩu thì trong “thực đơn rau” không thể thiếu cả 2.
Giới thiệu sơ bộ “trích ngang” 2 chàng rau cần và rau muống thế là tạm ổn. Trở lại câu tục “Cần ăn xuống, muống ăn lên”, nó có ngụ ý gì?
Rau muống. Ảnh: Internet
Có phải dân gian dùng câu này để nói về chuyện sinh trưởng của hai loại rau? Chẳng hạn, có thể hiểu, với rau cần thì rễ của chúng thường “ăn xuống phía dưới” (vì cần ưa ruộng sâu, có nhiều bùn nước), còn rau muống lại có thói quen ngoi lên mặt nước (dưới ruộng rộc, ao, hồ) hoặc phát triển lên cao (nếu ruộng cạn)?
Lý giải như vậy phần nào cũng có cơ sở. Trong Từ điển tiếng Việt (đã dẫn) có thống kê tới 14 nét nghĩa của từ “ăn” trong đó nét nghĩa thứ 12 phù hợp với cách giải thích trên: “lan ra hoặc hướng đến nơi nào đó [nói về khu vực hoặc phạm vi tác động của cái gì]”. VD: Rễ mạ ăn nông, sông ăn ra biển. Nhưng ăn trong tục ngữ này lại hướng về nghĩa khác, chỉ việc “tự cho vào cơ thể thức nuôi sống”, một hành động cần thiết, thường nhật của người và vật muốn duy trì cuộc sống. Đói ăn rau, đau uống thuốc. Vậy câu tục ngữ trên hẳn là hướng tới chuyện ăn thông thường trong ngôn ngữ toàn dân.
Từ điển Tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2010) giải nghĩa câu “Cần ăn xuống, muống ăn lên” là “(Rau) cần thì nên ăn thấp xuống phần gần gốc; (rau) muống thì nên ăn cao lên phần ngọn (vì đó là phần giòn nhất/ngon nhất)”.
Với rau cần, phần thân của nó quan trọng hơn phần lá. Khi chế biến rau này làm các món như nấu canh (cá), xào (thịt trâu), muối dưa, nấu lẩu… người ta vặt bỏ gần như hết lá, chỉ lấy thân và cuống (mà thực ra lá cần khi thu hoạch cũng ít, để lại cũng chẳng sao). “Cần tái cải nhừ”. Thân và cuống rau cần nhúng tái ăn rất giòn. Muối dưa (thường dưa bắp cải có thêm rau cần, rau răm) mà để cần nhiều lá dễ ủng, khú, kém ngon. Còn với rau muống, phần phía dưới gốc là phần thân già, cứng, ăn không được. Nấu nhừ ăn cũng khó lại kém ngon. Với rau muống, người ta chọn đoạn giữa cây trở lên phía ngọn, bỏ đoạn gốc. Nhưng chỉ lấy ngọn non không thì không những không tận dụng được rau mà cũng kém ngon. Nên chọn đoạn rau bánh tẻ (còn khá non, vừa tay nhặt, còn bấm được) hất lên.
Thế mới có món rau muống (luộc, xào, nấu canh) mềm, ngọt, đậm đà hương vị quê hương (Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương). Dù có ăn cao lương mĩ vị cao xa đến mấy, chúng ta vẫn không quên những món rau dân dã quê mình.
Cũng vì vậy, dân gian còn câu tục ngữ “bổ sung” cho cách hiểu của câu trên: “Cần ăn cuống, muống ăn lá”. Câu này, theo Việt Chương (Từ điển Thành ngữ, Tục ngữ, Ca dao Việt Nam, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2003), thì “Rau cần ngon ở cái cuống, còn rau muống thì ngon ở cái lá. Mỗi loại rau đều có cách ăn khác nhau”.
Nếu cô dâu nào đó chưa rành việc nội trợ gia đình, trước khi đi lấy chồng ít khi vào bếp, nhớ “thuộc nằm lòng” mấy câu này nhé. Bài học giản đơn, nhưng phản ánh kinh nghiệm làm món rau trong mỗi gia đình.
Cần, muống hái ở vườn nhà
Nhìn rau mà nhặt mới là người ngoan.
28/8/2020
Phạm Văn Tình
Nguồn: TT-VH
Theo https://vanhocsaigon.com/

Đời đàn bà như vừng dương xuống núi

Đời đàn bà như
vừng dương xuống núi

Không chỉ quan sát, lắng nghe, chiêm nghiệm mà điều quan trọng là Vũ Thanh Thủy đã chuyển hóa những cung bậc đời sống thành thơ một cách tự nhiên. Ngôn ngữ thơ hòa quyện ngôn ngữ hội họa. Đó là thế mạnh quý hiếm của Vũ Thanh Thủy khi mỗi bài thơ 1-2-3 nén lại có khả năng “bung nở” thành một bức tranh sinh động và quyến rũ những tâm hồn đồng điệu.
Thơ 1-2-3 mỗi bài thơ là chỉnh thể độc lập gồm 3 đoạn, 6 câu.
Đoạn 1 chỉ có 1 câu gồm tối đa 11 chữ hoặc ít hơn, đồng thời cũng là tên bài thơ, nhằm tránh trùng lắp tên những bài thơ đã xuất hiện.
Đoạn 2 có 2 câu, với mỗi câu tối đa 12 chữ hoặc ít hơn. Còn đoạn 3 có 3 câu, với mỗi câu tối đa 13 chữ hoặc ít hơn. Chữ càng tinh lọc càng đa nghĩa càng giá trị.
Đề tài Thơ 1-2-3 hoàn toàn tự do, nội dung chủ yếu đi từ ngoại cảnh dần vào chiều sâu nội tâm của tác giả muốn biểu hiện.
VHSG mong tiếp tục đón nhận các chùm thơ mới của bạn thơ trên tinh thần “Sáng tạo và Nhân văn”!.
Giọng hát buồn ngưng tụ một niềm đau
Từ “Khúc mùa thu” ngân lên
Xao xác gió vặn mình thương cõi tạm
Chị da diết miên man khao khát
Giọng hát buồn ngưng tụ một niềm đau
Tự đáy người, nhạc thoát xác tìm nhau!
Đời đàn bà bước qua nắng quái
Vệt nắng xiên qua thẩm thấu vị cuộc người
Đời đàn bà như vừng dương xuống núi
Rùng mình mở chiếc tủ quá khứ
Lục tìm chiếc áo ảo nhất mặc vào hiện tại
Say đày ngắm lại bỗng vui
Bức tranh con quánh màu no ấm
Bức tranh con quánh màu no ấm
Vạt đồng xa trâu thong thả gặm chiều
Lô nhô nón dập dờn trên ruộng chín
Cánh trai làng vác bó nắng lên cao
Máy tuốt hạt vàng mùa điện sáng thay sao
Cái mình sống cạn lòng với núi
Chảo thắng cố sùng sục giữa chợ
Những con ngựa cam chịu chỉ nhìn tới bắp chân phụ nữ
Men ngô đã bò lên mềm môi mắt
Bọn đàn ông khua mép chuyện trên giời
Líu lưỡi vẫn tìm lưng ngựa đổ xuống
Mượn lạ vay quê
Mẹ đến với người ta rồi
Con bỗng thành thừa trên đời
Nơi xa họ rước mẹ về
Con sớm thành người bên lề
Từ nay mượn lạ vay quê
Tiếng xe trên đường cao tốc
Rèn rẹt! rèn rẹt!…
Vụt qua nhau vội vã
Mặt đường. Mặt người hối hả
Hành trình vun vút lạ, quen
Ngày anh đến loang loáng phố dở dang em đày đọa!
Ta có nhau tình ái phiêu bồng
Tàu rẽ đêm loang loáng ánh đèn test ngang số phận
Thương gia luyến tiếc thị trường còn bung cửa trời khuya
Ga bừng đón vội vàng bước chân năm tháng mỏi
Anh nửa đời lầm lụi kiếm thăng hoa tập vẽ buồn vui
Ta có nhau tình ái phiêu bồng cái chớp mắt rồi thôi.
3/6/2020
Vũ Thanh Thủy
Theo https://vanhocsaigon.com/

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...