Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Mây khói vàng son: Dệt lịch sử qua từng câu chữ

Mây khói vàng son: Dệt
lịch sử qua từng câu chữ

Chúng ta chẳng bao giờ hiểu được đêm trước ngày lấy chồng lần hai, Công chúa Chiêu Thánh nghĩ gì? Vua Trần Thái tông Trần Cảnh đang nghĩ gì nếu không đọc Mây khói vàng son? Liệu giữa họ đã bao giờ có tình yêu gái trai hay chỉ có mưu toan quyền lợi…
Tập truyện ngắn “Mây khói vàng son” của Đào Thu Hà
Tốt nghiệp khoa lịch sử, Đào Thu Hà một nhà văn trẻ hiện đang công tác tại Đắk Nông vẫn luôn ấp ủ trong mình tình yêu với mảng đề tài truyền thống này. Từng xuất bản vài cuốn sách ở hàng loạt các đề tài khác như: truyện thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của ỉn hồng, tiểu thuyết Ma tình hay các đề tài trẻ ở tập truyện ngắn Chúng ta cùng chung một đoạn đường…
Ở bất cứ đề tài nào, chị cũng cho thấy một bản lĩnh sáng tác đa dạng, với sự đầu tư kỹ lưỡng trong cốt truyện, ngôn từ. Chính vì vậy, trải qua một thời gian dài ấp ủ, Đào Thu Hà đã cho ra đời tập truyện ngắn Mây khói vàng son do NXB Hội Nhà văn và Tri Thức Trẻ Book phát hành năm 2021 gồm 10 truyện ngắn mang những sắc thái khác nhau trải dài suốt chiều lịch sử của đất nước.
Từ thời Hai Bà Trưng dựng cờ khởi nghĩa, tới Đinh, Lý, Trần, Lê muôn đời xây độc lập. Chẳng ai biết lịch sử đang che giấu những gì chờ người giải đáp. Và Đào Thu Hà như người vẽ tranh, lần lượt gom nhặt tư liệu mà phác họa lại cuộc đời lắm trái ngang của Lý Chiêu Hoàng, Lý Ngọc Oanh, nữ Xuân Nương những ngày tuổi già, cả nỗi đau của Lê Tư Tề trong hành trình đi giành bờ cõi cùng Lê Lợi…
Chúng ta chẳng bao giờ hiểu được đêm trước ngày lấy chồng lần hai, Công chúa Chiêu Thánh nghĩ gì? Vua Trần Thái tông Trần Cảnh đang nghĩ gì nếu không đọc Mây khói vàng son? Liệu giữa họ đã bao giờ có tình yêu gái trai hay chỉ có mưu toan quyền lợi. Một câu chuyện tình được kể lại bằng ngòi bút sắc sảo chẳng nhiều tình tiết nhưng nặng nỗi tâm tư.
Buồn phận người. Giận cho ông trời trêu ngươi. Rồi lại thương những người con gái không bao giờ được làm chủ đời mình như Thuận Thiên Hoàng Hậu khi phải bỏ chồng, bỏ con gả cho người trong “Tiếng gọi phía mờ sương”. Ai mà thấm hết nỗi đau khôn cùng. Ai mà hiểu hết trái ngang cuộc tình. Những người phụ nữ thời xưa hiện ra qua từng câu chuyện nhỏ, tái hiện lát cát lịch sử của một thời loạn lạc đầy biến động.
Nữ tướng Xuân Nương với những hồi tưởng cuối đời được chắt lọc qua “Ngân Giang” và tháng năm binh đao trên lưng ngựa. Thời buổi tưởng chừng chỉ có cánh mày râu gửi thân sa trường. Mà đâu ai ngờ, phận nữ nhi cũng phơi thây hoang mạc. Rồi câu chuyện về nàng Dương Vân Nga giữa việc chuyển giao quyền lực của hai triều đại. Tự sự người tỳ nữ trong đêm cuối cùng trước khi bị bức tử. Những con người sống lầm lũi qua ngày tháng gian truân như con rối chẳng thể vui cười.
Biết bao nỗi niềm của những nhân vật sống cách đây cả ngàn năm được Đào Thu Hà tái hiện. Mỗi người một vẻ, một sắc thái khác nhau. Những tâm tư rất đỗi đời thường đọc sách sử chẳng bao giờ thấy. Từ cái hữu tri đến cái vô tri, trơ lỳ như gỗ đá vào văn chị cũng trải lòng xót xa. Có thể nói rằng, Đào Thu Hà đã thổi hồn cho những tư liệu lịch sử khô khan trở nên sinh động gần gũi hơn rất nhiều.
Đọc tập truyện Mây khói vàng son, ngoài những nhân vật cụ thể góp phần quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước thời xưa như Huyền Trân công chúa thì còn có cả những nhân vật rất nhỏ bé. Họ là tầng lớp dân thường chịu cảnh chiến tranh mà xa lìa người yêu của Chợ ký ức hay cô đào hát mua vui trong doanh trại quân thù…
Mỗi người, một số phận khác nhau. Nhưng cái tâm tư muôn đời lại giống nhau đến kỳ lạ. Từ niềm riêng đời mình lan ra cả thời cuộc. Có lẽ lịch sử vốn dĩ không khô khan như chúng ta vẫn tưởng. Chỉ là có người biết cách khai thác không thôi. Riêng tôi nghĩ, Đào Thu Hà đã thành công với cuốn sách này. Văn phong đẹp hút hồn, kỹ thuật điêu luyện, cốt truyện được đầu tư tỉ mỉ với các tình tiết lôi cuốn.
Nếu sau này vẫn giữ tình yêu sâu đậm với lịch sử nước nhà như bây giờ, có lẽ Đào Thu Hà sẽ còn dệt lịch sử qua từng câu chữ thêm nhiều năm sau nữa và ngày càng thành công hơn như Mây khói vàng son muôn đời rực rỡ. 
8/3/2022
Lê Ngọc
Theo https://vanhocsaigon.com/

Cung đường mùa xuân

Cung đường mùa xuân

Có ai miên man đi trong tất tả cuối năm chợt giật mình thấy đường phố hôm nay rất lạ? Con đường ta qua biết bao lần, ngỡ như nó vô tâm trước vui buồn cuộc sống thì hôm nay cũng tưng bừng đón xuân về. Một mùa xuân mới hiện diện trên khắp các ngả đường. Những chậu hoa tươi, những bonsai, những xanh đỏ rợp con phố cũ đang theo người mang xuân đi khắp nẻo quê hương.
Nhà văn trẻ Thuận Ánh
Những vạch kẻ đường đã được tô sơn lại. Không chỉ là những vạch chỉ đường trong bảng quy ước các tín hiệu giao thông, nó trở nên lung linh, phả hơi xuân vào từng con phố. Tôi đi dạy xa nhà, ngày ngày thường xuyên tham gia giao thông nên thường để ý những biển báo và vạch kẻ đường. Tôi nhớ nhất là đoạn đường bị xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông đến mức mùa mưa năm ấy đã có lần người dân ven đường tự cắm biển cảnh báo ngay cạnh một “ổ voi” bằng 2 chữ “ao cá”. Cho đến khi đường Hồ Chí Minh khởi công xây dựng và hoàn thành, đoạn đường này đã được khoác trên mình tấm áo nhựa mịn như nhung khiến ai ai đi qua đây cũng hân hoan. Nhưng cô bạn đi cùng xe với tôi chỉ thực sự reo lên khi chúng tôi đi đến đoạn đường đã được kẻ những vạch sơn mới. Nếu đơn thuần chỉ để nối những chuyến đi thì con đường dường như vô tri vô giác. Nhưng những vạch kẻ ấy lại khiến nó như có tâm hồn. Và con đường lại lung linh mỗi dịp xuân về khi những vạch kẻ đường được thay đổi màu sơn mới. Để rồi, dù bạn có vô tâm, bận rộn đến mức nào thì vẫn kịp nhận ra xuân đang rộn rã ngay trên chính con đường mình đi qua.
Như thông lệ, cuối năm, người người, ngành ngành, nghề nghề đều hối hả. Người xa quê gom nhớ nhung vào vội vã-vội vã hoàn tất công việc để lên đường về quê sum họp gia đình. Con đường về quê xa tít tắp khi khó khăn chồng chất khó khăn trong từng tấm vé tàu xe. Người ta cứ nôn nao rằng biết bao giờ mới được trở về con ngõ nhỏ, nơi mẹ già ngày đêm vò võ mong chờ. Tôi còn nhớ cảm xúc vui sướng tràn trề trên từng hàng cây của con đường tôi đi. Con đường vào xuân từ khi tôi được trở về với mẹ hay lòng mình se sẽ xuân như thế, để ngập tràn niềm vui trên khắp các ngả đường. Xuân quê hương đang ngập lòng những người xa xứ, để rồi cung đường nào cũng đượm hương của mùa xuân, giản dị như mùi trầu cay của bà, mùi vôi sơn lại ngôi nhà của bố, mùi hành kiệu thơm trong vại dưa của mẹ. Những cung đường mang sắc xuân quê hương.
Tôi lại đi trên những con đường. Trong từng xóm nhỏ, người ta đang quét tước, dọn dẹp, vun cành lá khô thành đống để đốt lửa sưởi ấm cho những ngày lạnh giá còn sót lại. Hay là họ đốt lên những đốm lửa hồng cho đường làng ngõ xóm ấm hơi xuân, như bao năm nay vẫn thế? Và cũng ở những xóm nhỏ này, chỉ nay mai thôi, trên những cung đường sẽ là hình ảnh sục sôi những nồi bánh chưng xanh. Tết đã đến, xuân đã về trên khắp các ngả đường ngõ xóm lung linh…
31/1/2020
Thuận Ánh
Theo https://vanhocsaigon.com/

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ: Từ chợ quê đến… vợ quê

Nhà thơ Đoàn Văn Cừ:
Từ chợ quê đến… vợ quê

Nói tiếng Pháp rành như tiếng mẹ đẻ, bôn ba không ít ở nơi phồn hoa nhưng thi sĩ Đoàn Văn Cừ vẫn luôn hướng về làng quê Việt bình yên, lam lũ. Nhờ vậy, ông có “Chợ tết” và một dòng chảy thi ca theo lối riêng, giữa thời văn chương nở rộ với nhiều gương mặt thi nhân xuất sắc. Cũng nhờ vậy, mà ông tìm được “một nửa” của mình, người đàn bà yêu thơ chồng đến mức thuộc làu. Bà đã 100 tuổi, vẫn sống trong ngôi nhà xưa cũ.
Vợ nhà thơ Đoàn Văn Cừ và con trai – họa sỹ Đoàn Văn Nguyên – đang soạn lại kỷ vật của ông.
“Chợ tết”: Vẻ đẹp tích hợp
Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên, người con trai được Đoàn Văn Cừ dành trọn niềm tin tưởng, kể rằng: “Cha tôi không người nhà quê tí nào, ông vốn là một người tây học. 7 tuổi Đoàn Văn Cừ đã theo bố, vì mẹ mất sớm, bố giỏi tiếng Pháp, đi làm thông ngôn cho người Pháp ở Hà Nội. Bắt đầu bập bẹ tiếng Pháp từ đó, rồi được bố cho học tiếng Tây, ngay tại nơi cụ làm việc, khách sạn Metropole. Học đến năm 17 tuổi, bố mất, Đoàn Văn Cừ về quê bắt đầu dạy tiếng Pháp. Hơn 10 năm sống ở quê, ông cho ra đời “Chợ tết”.
Nhưng “Chợ tết” không thuần là chợ ở vùng quê Nam Định.  Trong quá trình rong ruổi theo cha trên những chặng đường công tác thời thơ ấu, Đoàn Văn Cừ đã được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của những vùng quê Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ… Những bức tranh thiên nhiên ấy đã ám ảnh ông, để rồi đi vào  “Chợ tết” bằng những câu thơ mở đầu với núi đồi xinh đẹp: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/Người các ấp tưng bừng ra chợ tết”.
“Nếu như cảnh thiên nhiên được lấy ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ… thì cảnh chợ  chính là chợ Viềng, chợ Trung Lao, chỗ ông dạy học với “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ”, “Con trâu đứng vờ rim hai mắt ngủ”, “Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ” v.v…”, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên kể. Tuy nhiên, một câu hỏi mà nhiều người thắc mắc: “Bài “Chợ tết” có được sáng tác đúng dịp tết không?” thì Đoàn Văn Nguyên cũng chưa kịp hỏi cha. Chỉ biết rằng, bài thơ nổi tiếng này không có nhiều phiên bản, giống như một số bài thơ khác của Đoàn Văn Cừ thường được ông sửa đi sửa lại. Chỉ có một chi tiết nhỏ: Ông loay hoay giữa “Những người quê” và “Lũ người quê”. Về sau trong bản chép tay trước khi mất ông quyết định để “những người quê”: “Trên con đường đi các làng hẻo lánh/ Những người quê lũ lượt trở ra về”.
Viết về nông thôn, giữa thời văn chương khởi sắc, để tạo dấu ấn khác biệt, Đoàn Văn Cừ có ý thức chọn cho mình lối đi riêng:  Khắc họa nông thôn lam lũ. Cho nên không chỉ trong “Chợ tết” mà trong nhiều bài thơ khác của Đoàn Văn Cừ người ta thấy hình ảnh nông thôn Việt Nam đích thực, khó nghèo nhưng ấm áp.
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ và vợ – cụ Nguyễn Thị Miều.
Người vợ quê trăm tuổi, thuộc thơ chồng
Theo tây học nhưng tâm hồn thi nhân vẫn quẩn quanh chốn quê. Ngay cả việc chọn vợ, thi sĩ chọn vợ quê. Đoàn Văn Cừ có hai người vợ, đều xinh đẹp. Vợ đầu mất sớm, do hậu sản. Sau ông lập gia đình với một người con gái xinh đẹp, nết na, hay lam hay làm, chính là mẹ của họa sỹ Đoàn Văn Nguyên: “Mẹ tôi là người dân quê nhưng thông minh. Bây giờ cụ vẫn sống ở ngôi nhà của hai vợ chồng ngày xưa. Bà yêu thơ đến mức thuộc tất cả thơ chồng. Mỗi khi Đoàn Văn Cừ quên thơ, bà nhắc lại cho mà nghe. Có cô phóng viên hỏi: Bác ơi, bác có nhớ thơ Đoàn Văn Cừ không? Khi đó mẹ tôi đã gần 90 tuổi, vẫn đọc vanh vách: “Tôi yêu cô gái xứ quê/ Ngày ngày đội chiếc nón mê ra đồng/ Chăn trâu cắt cỏ vừa xong/ Về nhà cô lại ra sông vớt bèo/ Làm ăn chăm chỉ sớm chiều/ Thái khoai nấu cám mọi điều đảm đang…”. Đoàn Văn Nguyên tiết lộ đây chính là bài thơ thi nhân sáng tác để tán người con gái  quê, sau này thành vợ ông. Bài thơ  được kết thúc bằng những câu rất đẹp nói về mộng ước sánh đôi của thi sĩ: “Mùa xuân đi đón nắng hồng/ Mùa hè tìm bưởi, tìm hồng chín thơm/ Mùa đông đi kín nước nguồn/ Mùa thu nghe tiếng chim luồn trên cây”. Họa sỹ Đoàn Văn Nguyên nói về mối tình của bố mẹ: “Ở quê, có cây đa. Chủ nhật không dạy học, bố tôi thường ngồi dưới tán cây nghỉ ngơi, ngắm các cô gái đi qua, ông chọn cô xinh nhất, tên cô ấy là Miều. Cô Miều cũng yêu văn chương, nên đã đồng ý làm vợ thi sĩ”.
Đoàn Văn Cừ không nhớ chính xác mốc thời gian sinh các con, ông thường lấy năm 1945 làm mốc. Như Đoàn Văn Nguyên được ông xác định: Sinh sau đói. Để qua được nạn đói năm 1945, thi sĩ cũng nhờ đến người vợ yêu chồng, mỗi lần về thăm nhà ngoại, vốn có của ăn, của để, bà lại cắp chút gạo cháy, mang về nuôi chồng. Sau này, Đoàn Văn Cừ làm việc ở Hà Nội, bà vẫn ở quê, chăm lo vườn tược, nuôi lợn, chờ đến tết  mổ lợn, tụ họp gia đình: “Những ngày cận tết vui lắm, mẹ tôi gọi hàng xóm sang giết lợn. Chúng tôi đứng xem, điếu đóm, đun nước sôi, sân nhà đầy lá bánh chưng, làng quê bốc mùi thơm rơm rạ. Giết lợn xong, đưa ra ao, những đứa trẻ con của hàng xóm, họ hàng vác rá chờ lấy thịt về. Lũ trẻ chúng tôi chờ suốt đêm 30 ăn bánh cóc, được làm từ gạo bánh chưng thừa”, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên kể.
Những bữa ăn ngày tết ở quê thường linh đình, được chia làm hai mâm, thi sĩ Đoàn Văn Cừ ngồi cùng anh vợ và những người hàng xóm lớn tuổi ở mâm trên, mâm còn lại cho lũ trẻ ăn uống, quậy phá với nhau dưới sự “cai quản” của phu nhân Đoàn Văn Cừ. Thi sĩ không biết uống rượu. Mâm cỗ được chế biến từ thịt lợn của nhà: Giò nạc, giò mỡ, nem chạo gồm thính làm từ gạo nếp, thịt mỡ thái chỉ, bì lợn luộc, hạt tiêu, gừng, bóp lại thành nắm: “Món nem chạo mở ra đĩa thơm nức, ăn ngọt ngon không món nào sánh bằng nhưng bây giờ đã mất hút vì nguồn nguyên liệu tươi không còn”, họa sỹ Đoàn Văn Nguyên nuối tiếc.
Ngày tết, Đoàn Văn Cừ mặc áo dạ, dẫn các con đi chúc tết. Đầu tiên tới nhà bà ngoại, tức cụ ngoại của Đoàn Văn Nguyên. Nhà bà ngoại đã từng đi vào thơ Đoàn Văn Cừ: “Bà tôi ở một túp lều tre/ Có một hàng cau chạy trước hè/ Một mảnh vườn bên rào dậu nứa/ Xuân về hoa cải nở vàng hoe/ Bà thấy tôi sang cảm động cười/ Hai hàng lệ ứa chập chờn rơi/ Đường trơn mưa gió trời ơi, rét/ Tết nhất làm gì khổ cháu tôi”.
Nếu các thi sĩ ở thành phố cứ đến tết lại bận rộn với  việc đi sắm hoa thì Đoàn Văn Cừ lại thong thả ra vườn ngắm hoa, chọn loại hoa ông thích mang vào nhà cắm. Vợ ông trồng rất nhiều loại hoa, các loại hoa quen thuộc đều có. Đoàn Văn Cừ yêu hoa hồng nhung. Thi sĩ chọn bông hồng nhung to, bóng mượt, cắm vào lọ gốm. Trong bức tranh Đoàn Văn Nguyên vẽ cha đang ngồi sáng tác, bằng chất liệu sơn mài có cả bình hoa hồng khi xưa cha anh thích.
Giản dị, khiêm tốn
Đức tính nổi bật của tác giả “Chợ tết” là giản dị, khiêm tốn hết mức. Ông bắt con gọi tất cả những người bạn của bố là bác, mặc dù họ kém xa tuổi thi nhân. Đoàn Văn Nguyên đã từng thắc mắc: “Cậu ơi, cậu nhiều tuổi hơn, phải gọi chú chứ?”. Ông nhắc con: “Không, con cứ gọi bác”.
Cho đến nay, Đoàn Văn Nguyên chỉ vẽ 5,7 bức về cha, trong đó có 2 bức dùng chất liệu sơn mài, vốn là chất liệu quen thuộc của họa sỹ. Thường vẽ một lần đã thành công luôn, không phải vẽ lại. Anh cũng đầu tư một khoản tiền không nhỏ để làm Đoàn Văn Cừ toàn tập (đoạt giải sách đẹp 2004), in 1.000 cuốn nhưng vẫn để kho, không mang ra thị trường. Có cậu sinh viên gọi điện hỏi Đoàn Văn Nguyên: “Chú ơi, cháu muốn mua Đoàn Văn Cừ toàn tập, mua ở đâu?”. Đoàn Văn Nguyên bảo: “Cậu yêu chữ nghĩa à? Đến đây tôi cho, không bán nhé”. Họa sĩ cười buồn: “Bây giờ mấy ai để ý chuyện văn chương, người ta chỉ quan tâm ăn và uống thôi”.
Thơ Đoàn Văn Cừ
Chợ tết
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon,
Vài cụ già chống gậy bước lom khom,
Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,
Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ,
Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu,
Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.
Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa,
Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa,
Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh,
Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh.
Người mua bán ra vào đầy cổng chợ.
Con trâu đứng vờ lim dim hai mắt ngủ,
Để lắng nghe người khách nói bô bô.
Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ,
Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán.
Một thầy khóa gò lưng bên cánh phản,
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân.
Cụ đồ Nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu,
Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu.
Áo cụ lí bị người chen sấn kéo,
Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra.
Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà.
Quên cả chị bên đường đang đứng gọi.
Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,
Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa.
Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha,
Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết,
Con gà trống mào thâm như cục tiết,
Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.
Chợ tưng bừng như thế tới gần đêm.
Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh,
Trên con đường đi các làng hẻo lánh,
Những người quê lũ lượt trở ra về.
Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê,
Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.
15/7/2022
Nông Hồng Diệu
Nguồn: Báo Tiền Phong 12.2016
Theo https://vanhocsaigon.com/

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Phía trước nhà có giàn mơ dại

Cánh cổng gỗ thôi màu sơn, tróc từng mảng, lập cập mở ra cùng tiếng kẹt dài hút sâu về phía mênh mông cả cánh đồng vẫn ngập trong bóng tối. Một bóng người mảnh gầy lặng lẽ xuất hiện từ quầng sáng mờ của bóng điện tròn đầu hồi căn nhà gạch babanh lợp proximang đứng im lìm trong bóng sẫm của cây bồ kết, lắng về phía cửa, nghe tiếng ho rít lên từng hồi, tiếng thở nhọc nhằn, rồi khoác túi lên vai. Cổng khép lại. Tất cả chìm trong yên lặng, không nghe thấy cả tiếng bước chân người.
Bây giờ đã là cuối thu. Con đường mòn xuyên qua cánh đồng gập gồ đá sỏi, ướt đẫm đìa cả hai bên vạt cỏ trĩu hơi sương. Sương càng lúc càng quánh lại, chui vào lồng ngực, tức đến khé phổi. Cái bóng gầy vẫn cúi đầu mê mải bước, xuyên qua tầng sương mù quẩn sát mặt đất về phía xa, nơi có những ngọn đèn đường nối tiếp nhau thành một dòng sông lung linh, hắt ngược quầng sáng vàng cam lên nền trời đùng đục.
Đó là một cô gái. Còn trẻ lắm. Chỉ chừng ngoài hai mươi tuổi. Bàn tay gầy kéo chiếc mũ vải sậm màu sụp xuống chút nữa để che bớt hơi sương đang tạt cay lòng mắt. Cô ngửi thấy mùi sương khét và nồng. Thấy vị sương nhan nhát chát. Sương kéo trĩu bước chân. Con đường hai cây số băng đồng càng rảo bước càng dài hun hút. Chuyến xe khách cô cần đón thường đỏng đảnh sớm muộn thất thường. Đã trừ dư cả tiếng vẫn phải dồn chân trong nỗi lo nhỡ chuyến.
Nhà văn Nguyễn Hải Yến
Dưới chân vạt đường cao sừng sững bắt lên quốc lộ, trong đục lờ màu sương bỗng xuất hiện chập chờn quầng lửa. Lúc đầu còn leo lét. Sau bùng lên rừng rực. Bốn giờ – chưa là sáng và cũng chẳng là đêm. Một người đàn bà ngồi vun lá khô bên rệ, tấp vào đống nhìn cô im lặng, đôi mắt chập chờn những đốm đỏ làm cô sờ sợ, phải dấn thêm một đoạn nữa, ngược chiều gió rồi mới cắt chéo mặt cỏ lên đường, thu mình trong chiếc áo gió mỏng manh màu tím nhạt, dõi mắt về phía xa ngóng chiếc xe khách có biển hiệu nhấp nháy đỏ và vàng.
Có ánh đèn pha ô tô, nhưng không phải chuyến xe  đang đợi vì cô nghe thấy tiếng động cơ đùng đục, nặng và trầm, tiếng bánh xe rùng rùng lăn trên gờ đường giảm tốc. Một chiếc xe đầu kéo lừng lững xuyên qua màn sương, lướt qua cô, rồi bỗng chậm dần lại, tiếng phanh hơi phì lên giận dữ: “Này! Cô kia!”. Cô gái giật mình nhìn lên phía trước, người lái xe mở cửa, thò nửa người ra khỏi buồng lái, gào lên át cả tiếng động cơ: “Đi đâu?”. “Cháu chờ xe khách.”. “Tôi hỏi đi đâu?”. “Đi chùa Hà ạ!”. “Đi mấy bước xem nào?”. “Để làm gì cơ?”. “Bảo đi thì cứ đi! Hỏi nhiều!”. Cô bước lên mấy bước. Bòng đèn gầm soi rõ đôi chân bé nhỏ với đôi giày nhựa đẫm sương. “Được rồi! Lên tôi cho đi nhờ!”. Cô hơi lùi lại: “Không! Cháu chờ xe khách. Chuyến sớm sắp qua.”. Xe Linh Nga chứ gì? Qua lâu rồi!”. “Sao bác biết?”. “Nó vượt tôi nửa tiếng rồi. Thằng điên ấy hôm nay không biết có việc gì, đi ẩu lắm! Chuyến sau của nó là tám giờ. Có lên không? Tôi đổi ý bây giờ!”.
***
Và thế là cô lên xe.
Cánh cửa khép lại. Tiếng ầm ầm nhức óc lùi sâu xuống dưới chân. Cô đặt cái túi căng phồng nhưng nhẹ xọp vào lòng, de người sát mép cửa. Chiếc xe rùng rùng chuyển động, tiếp tục lên đường. “Cô đi sớm thế, không sợ sao?”. “Sợ gì ạ?”. “Ma ấy!”. “Bác nghĩ có ma à?”. “Không phải nghĩ mà có thật. Cô có biết vì sao tôi bắt cô đi mấy bước trước khi lên xe không?”. “Vì sao ạ?”. “Nếu là ma, chân cô sẽ lửng lơ trên mặt đất! Lái xe đường trường như tôi, chuyện gì chả gặp”. “Bác có sợ không?”. “Lúc đầu thì có. Giờ cũng thường thôi! Ma cũng có dăm bảy loại. Mà không ác như người.”.
Lặng đi một lúc rất lâu. Chiếc xe khổng lồ vẫn lừ lừ trôi trong biển sương mù càng lúc càng quánh lại. “Chuyến này tôi chậm ít nhất nửa tiếng. Mù quá. Không dám đi nhanh. Nếu đi cao tốc, gần hơn hai chục cây nhưng phí đắt. Vòng xa, lại chỉ được đi nửa đêm về sáng nhưng tính chi li vẫn còn dư được ít. Thời buổi này cái gì chả khó khăn”. “Lái xe các bác nhiều tiền lắm mà!”. “Là cô nghĩ thế! Nhiều thì vợ tôi đã chẳng đi Đài Loan, rồi bỏ bố con tôi, lấy chồng bên ấy, chẳng về. Mà cô đừng gọi tôi bằng bác. Chắc tôi chẳng hơn cô mấy tuổi đâu. Năm nay cô bao nhiêu tuổi?”. “Hai ba bác ạ!”. “Chồng con gì chưa?”. “Chưa ạ! Ở quê, tầm như cháu ế rồi!”.
Người lái xe xoay người nhìn thẳng vào cô gái, trái tim đang bình an bỗng dưng lỡ nhịp khi bắt gặp ánh mắt trong thăm thẳm nhưng buồn hoang hoải như nước đầm Mực quê anh lúc vào thu: “Nhà cô ở đâu?”. “Ở làng Bùi, Bái Thượng.”. “Làng Bùi ven sông Luộc ấy có phải không?”.
Vâng. Làng cô ven sông Luộc, cách Thị trấn một thôi chừng mười cây số men đê, cách đường lớn chừng hai cây số xuyên đồng, nơi đồng trũng nước chua, đất lì như đá, lúa ngô cũng bợt bạt như mặt người, gái trai lớn lên là khăn gói dạt trôi tan tác, nhọc nhằn đất lạ xứ người, bỏ lại toàn người già và trẻ con quẩn quanh trong cái vòng tròn xóm trên thôn dưới tĩnh như mặt ao tù với những con đường lát gạch gồ sống trâu trơn trật mắt vẫn còn nguyên những hàng rào râm bụt, cúc tần um xum giăng đầy dây tơ hồng và những giêng hai hoa xoan lại rắc nỗi nhớ lên khăn lên áo, nhuộm tím gan tím ruột những đoàn người lầm lũi lên đường, khởi lại cuộc hành trình lạc bước thiên di.
“Lâu lắm tôi chỉ đi ngang mà không về mạn ấy. Quê cô dạo này đã khá chưa?”. “Vẫn thế bác ạ! Người trẻ đi làm ăn xa, mỗi năm dành dụm về quê một lần là hết. Làng cháu mãi nghèo thôi!”.
***
Đêm dần trôi về sáng. Đèn đường vàng bệch như hoàng hôn, sương mù vẫn xám mờ buông chùng nếp võng phủ lên những ngôi nhà gạch mái tôn đứng thui thủi bên đường. Đồi núi xác xơ, cỏ cây ngơ ngác đợi chờ. Người lái xe liếc nhìn sang bên, lại bắt gặp hoàng hôn sẫm màu trong đôi mắt loang loáng nước. “Sao cô buồn thế?”. Cô gái vuốt dọc mép túi xách căng phồng: “Hôm qua cháu về vội, mua cho em hai bộ quần áo, chưa kịp thử, chẳng biết có vừa không.”. “Thế cô đi làm xa, chẳng mấy khi về?”. “Vâng! Cháu là công nhân, lại tranh thủ làm thêm nữa.”.
Hai năm trước, cô lên đường vào một buổi sáng đầu thu. Con đường mòn xuyên qua cánh đồng ra đường lớn không hanh hao heo may mà cũng giăng sương mù nghẽn lối. Hai đứa em khóc ríu bước chân bên người mẹ liêu xiêu như cái bóng, cố nghiêng lòng mê nón che một nửa gương mặt vẫn tím bầm vì trận đòn ghen. “Con sẽ để dành tiền về đưa mẹ và các em đi. Nhất định thế! Mẹ chờ con nhé!”.
Cô đã hứa nhất định sẽ trở về đưa mẹ và các em thoát khỏi cái địa ngục mà mẹ cô vẫn gọi là nhà. Nơi đó có hai đứa em gái chưa bao giờ biết đến tuổi thơ và một người mẹ đã từ lâu quên mất nụ cười.
Nhà cô ở cuối xóm ven cánh đồng, cuối con ngõ cụt lạnh lẽo âm u trong bóng cây, ngoài hàng xóm duy nhất là nhà chú ruột thì quanh năm chẳng có người lai vãng tới. Cuối vườn còn có một gian xây bằng gạch ba banh, lợp Proximang quanh năm nồng nặc hơi người ốm liệt quẩn trong cái ai ai của khói bồ kết trong cái ang đất cuối chân giường. Bà nội cô nằm đấy, mười năm có lẻ. Từ lúc còn nhúc nhắc lê từng gang trên nền gạch, đến lúc thối xương thối thịt và hoàn toàn tỉnh táo cho đến tận phút cuối cùng. Bao năm tháng tuổi thơ của chị em cô đều quẩn quanh trong gian nhà ấy – gian nhà có cây bồ kết bên hiên mỗi năm xòa thêm một tầng bóng – cây bồ kết nếp cổ thụ cho quả từng chùm treo đầy gác bếp, đủ đốt cho bà quanh năm để xua bớt hơi người. Ba chị em trong mớ quần áo bèo nhèo, thâm đen nhựa cây, đầu tóc, da thịt đẫm mùi bồ kết cháy chẳng bao giờ dám lên nhà trên bởi ở đấy có bố cô – người đàn ông không bao giờ nhúng tay vào việc gì nhưng phải đủ ngày hai cữ rượu, luôn mồm chửi tục và sẵn sàng lao vào vợ trút những trận đòn trong cơn ghen hoang tưởng. Mẹ cô – người đàn bà quanh năm chỉ thấy cúi đầu nhẫn nhục, chẳng hé nửa lời nhưng cô biết hết căn nguyên nông nỗi khi bà nội, trong một buổi chiều mùa đông ẩm xì, vừa nắm tay cô, vừa nghệu ngạo khóc: “Bố mày thất đức lắm con ạ! Ngày xưa cũng đi làm cán bộ đấy nhưng đổn đời, lòng thòng trai trên gái dưới với cả mấy đứa cùng cơ quan. Có thằng chồng một đứa rình bắt được, cho mặc mỗi manh quần cộc rồi dong về tận nhà. Trẻ con người lớn xa gần biết hết. Nhục nhã lắm! Thằng ấy nó còn bảo mẹ mày: “Toàn người quen cả! Ngày xưa anh mê em, thương em thì em không đồng ý, đi lấy nó. Hôm nay anh cho em tận mắt thấy nó là người như thế nào. Bỏ nó ngay đi! Người như em lấy đâu chả được chồng. Nếu em không chê thì về với anh càng tốt!”. Lại còn phải kí vào giấy nợ, phải bán mảnh đất giữa làng dọn về đây. Rồi bỏ việc chẳng dám vác mặt đi đến đâu. Rồi rượu rồi chè, chửi con đánh vợ, chỉ ngồi lù lù một đống hốc cho đầy mồm mà lúc nào cũng ghen, ai cũng ghen, nghi ngờ cả em trai thì không còn ra cái giống người. Nó cứ nghĩ ai cũng khốn nạn như nó. Mẹ mày bồ côi bồ cút, bà bảo chẳng lưu luyến gì, dắt chúng mày đi cho thoát nhưng nó lại khóc bảo: “Còn bà con biết làm sao?”. Mà bà cũng khốn nạn lắm con ơi! Ngày mới ốm cũng lết được ra đến bờ ao rồi mà không dám chết. Bây giờ nằm liệt đây, lúc nào cũng thèm ăn như ma đói. Thịt thối đến đâu biết đến đấy. Muốn chết mà không chết được…Con ơi!”.
Người con gái ngừng lời. Xung quanh hai người bỗng dưng im lặng hết. Chẳng còn tiếng rùng rùng, chiếc xe đen thẫm thành một khối khổng lồ trôi. Sương lọt qua khe cửa cabin, quẩn vào trong buồng lái. Bóng đèn trần vàng nhợt không che nổi những giọt nước mắt lăn dài trên má người con gái mảnh như cái bóng mờ nép sâu vào lòng ghế. “Cô cứ khóc đi! Khóc cho nhẹ bớt!”. “Vâng! Cháu thương bà lắm! Đi xa thế này cháu chỉ biết mang theo mấy chùm bồ kết, thỉnh thoảng đốt lên, ngửi mùi khói cho đỡ nhớ. Mà bác có ngửi thấy mùi gì không?”. “Có.”. “Mùi bồ kết nếp bác nhỉ? Cháu đốt cho bà từ bé nên chỉ ngửi thoáng thôi cũng đã nhận ra. Ai đốt sớm thế? Mà khói bồ kết quẩn sương càng khó tan bác ạ!”. “Thế bà cô giờ ra sao?”. “Bà cháu mất lâu rồi!”.
Bà cô nhất quyết ra đi sau đúng nửa tháng nhịn ăn. Dầu cơm dầu cháo đút vào cũng nhè ra bằng hết mặc cho mẹ cô quỳ xuống: “Con lạy mẹ! Mẹ đừng làm thế! Tội con lắm mẹ ơi!”. Trước khi mất, bà chỉ gọi một mình cô: “Mẹ mày nhu nhược lắm, không dám làm gì đâu. Bà chết rồi nhớ đưa các em đi nhé! Đừng để chúng nó ở lại mà chết ở đất này! Bà chẳng có gì, cầm lấy cái này, bán đi mà lo cho em!”.
Bà lần mãi, kéo ra sợi dây bạc mảnh xỉn màu đặt vào tay cô rồi cứ thế quay mặt vào tường, không dậy nữa. Cô cứ ngồi gục cạnh bà rì rầm nói mãi. Cô hứa với bà sẽ đưa mẹ và các em thoát khỏi ngôi nhà ấy- ngôi nhà có người đàn ông cô gọi là bố – không bao giờ làm gì cả nhưng mỗi khi mẹ cô đi phụ hồ, bốc gạch thuê hay cấy mướn trở về lại hầm hè sấn đến lột đến đồng bạc lẻ tiền công cuối cùng, chỉ để đến khi cần gì mẹ cô lại phải ngửa tay xin, từ tiền mắm muối đến gói băng vệ sinh như ăn mày xin bố thí, để không còn cảnh như ngày mẹ đẻ em út, hai chị em cô phải đặt nó vào lòng chăn, đung đưa thay võng đến rã rời dỗ cho nó nín kẻo bố cô không ngủ được, để quên đi lần ấy mẹ giấu mấy đồng lẻ mua cho em thanh kẹo que, bố cô trông thấy gầm lên, đạp con bé chúi đầu xuống đất: “Mày lừa tao, giấu vốn riêng hả? Tiền ở đâu ra? Thằng nào cho?”, rồi rút xoẹt con dao bài mỏng như nước kề vào cổ em cô đang khóc chết lặng: “Mày có tin tao cắt cổ nó ngay không?”. Mẹ cô lê lết ôm chân bố: “Em xin lỗi anh! Em sai rồi! Lần sau em không dám thế nữa!”. Thanh kẹo que em cô đang mút dở bật ra, nhầy nhụa trên nền đất như con mắt mở trừng trừng. Chị em cô sẽ giã từ cả một tuổi thơ tắm gội bằng xà phòng bột vì bố cô không cho phép mua dầu gội đầu, mua xà phòng thơm: “Đẹp làm gì? Đẹp mà đi đánh đĩ hết với nhau à?”.
Năm ấy cô mười bảy tuổi…
Cô gái cứ rì rầm kể.
Nhà cháu nhìn ra cánh đồng, bên cạnh một gò đất hoang, chị em cháu trồng một giàn mơ dại, hoa nở từ đầu hè lan sang hết mùa thu. Chúng cháu chỉ quẩn quanh với hoa mơ kết tràng đeo cổ, với vòng mơ đội đầu, với dải hoa mơ buông chùm như rèm công chúa cũng đủ vui. Hai em gái cháu xinh lắm. Bác biết không, lúc chúng nó đội lên đầu vòng hoa mơ trắng trông giống hệt thiên thần.”. Lần đầu tiên cô gái cười, nhìn người lái xe, mắt sáng lên, lấp lánh. “Tôi biết chứ! Cứ nhìn cô là biết! Cô mà đội vòng hoa mơ trắng cũng giống hệt thiên thần.”. “Cháu chẳng biết nữa. Nhưng hôm qua cháu về, chúng nó làm cho cháu đây!”.
Người con gái cẩn trọng và khẽ khàng mở túi xách, nâng trên tay một chiếc vòng mơ dại với những dây hoa bé bỏng xòe cánh hình chuông như hạt bắp biến màu, lấm tấm những nụ nhỏ như hoa cau trắng – những bông hoa cánh diềm xếp hình công chúa từng đưa bước chân tuổi thơ của chị em cô qua khu vườn âm u, ra ánh sáng, chạm mặt với thiên đường…rồi lại thẫn thờ: “Cháu đã từng hận bố cháu. Thề hận đến chết. Cháu đã hứa sẽ trở về đưa mẹ và các em đi!”. “Sao bây giờ vẫn nhùng nhằng chưa được hả? Có chuyện gì sao?”. “Bây giờ thì không cần nữa…”.
Cô gái thẫn thờ, nhìn ngang qua cửa kính rồi bỗng chợt chỉ tay về phía trước: “Bác ơi! Đến lối rẽ phía trước cho cháu xuống. Cháu đến nơi rồi!”. “Đã bảo đừng gọi tôi là bác! Tôi hơn cô có tám tuổi thôi! Cô kể nốt đi!”. “Không kịp đâu bác ạ! Lần tới cháu kể sau!”. “Sắp tới tôi chạy chuyến Nam. Mới nhận tuyến chiều qua. Đi ba tháng, chắc giáp tết mới về. Biết bao giờ mới gặp lại?”. “Giáp tết cháu cũng mới về. Nhà chùa cho nương nhờ, cháu phải ở lại dọn dẹp, trông nom…”.
Xe dừng lại bên con đường mòn vẫn mờ mịt trong sương. Người lái xe xoay người, nhìn thẳng vào đôi mắt thăm thẳm của người con gái: “Nhìn tôi này! Đừng gọi tôi là bác! Em cho tôi số điện thoại. Tôi sẽ liên lạc! Hai bẩy tết tôi sẽ đến tận đây đón em về.”. “Không! Phải ba mươi! Hay bẩy em chưa về được!”. “Ừ! Ba mươi! Em hẹn rồi nhé! Không gặp, tôi sẽ đến tận nhà tìm.”. “Sao anh tìm được?”. “Nhà em ở làng Bùi, Bái Thượng, giáp đồng, có cây bồ kết góc vườn và trước nhà có giàn mơ dại. Đúng không? Chỉ cần tên em nữa thôi!”. “Em tên Hoài! Em sẽ chờ anh!”. Người con gái nâng vòng hoa mơ li ti trắng trên những ngón tay mảnh mềm rồi bước xuống, mỉm cười: “Em đi đây! Muộn rồi! Cám ơn anh!”- Tiếng cô gái lãng đãng trôi về từ biển sương rồi hút hẳn. Chiếc xe dừng lại rất lâu rồi mới rùng rùng chuyển bánh. Ngôi chùa nhỏ như một khối đen mờ dần khuất dạng trong sương.
***
Hôm nay là ba mươi tết. Anh quay về đây với lời hẹn đón người. Ba tháng dài hun hút, gọi điện chỉ thấy một câu trả lời: “Chị em đi làm. Quên điện thoại ở nhà. Anh đừng gọi nữa! Chị em không về đâu!”. Đêm nào anh cũng mơ gặp người con gái có đôi mắt trong veo như hai đầm nước, thấy cô đứng bên lối rẽ đợi anh. Mái tóc cắt ngắn, vòng mơ trắng trên đầu rủ xuống khuôn mặt bầu bĩnh thiên thần.
“Nhà chùa cho con hỏi!”. “Bác hỏi ai?”. “Con đến đón em Hoài.”. “Hoài ở làng Bùi, Bái Thượng?”. “Vâng!”. “Thảo nào hôm qua cô ấy gọi nhà chùa.”. “Cô ấy đâu ạ?”. “Xin bác theo tôi!”.
Anh lạnh dần người đi khi theo bóng áo nâu sồng của sư thầy qua con đường mòn sẫm bóng quéo già, mở cổng sau. Ở góc vườn âm âm bóng cả cô đơn một nấm mộ tròn: “Cô ấy nằm đây!”. “Sao thế được? Rõ ràng con gặp cô ấy. Cô ấy hẹn con ba mươi tết đón cơ mà?”. “Ừ! Cô ấy linh lắm đấy! Cách đây một năm, vào một đêm cuối tháng tám, nhà chùa nghe gọi cổng. Rồi cô ấy dẫn đi. Cô ấy bị tai nạn. Không giấy tờ, không người thân nên nhà chùa mang về cho nương nhờ ở đây. Mãi sau này mới biết cô ấy tên là Hoài, làm công nhân nhà máy bên kia, tranh thủ về thăm nhà nhưng chẳng may như thế. Mẹ và các em cô ấy đến đây luôn. Có lần dẫn theo cả ông bố nữa. Ông ấy bị đột quỵ, liệt nửa người, không nói được, chỉ biết khóc. Đau lòng lắm!”.
Anh quỳ gục xuống ôm lấy nấm đất tròn: “Sao thế được nhà chùa ơi! Cô ấy hẹn con ba mươi tết đến đón về!”. “Thế thì bác phải chờ đến tối! Bây giờ khí dương nhiều, cô ấy không đi được đâu!”.
Vậy là anh ngồi đây với cô, cả ngày, trong vườn cây âm âm hơi đất, rì rầm kể những câu chuyện không cuối không đầu. Đêm ba mươi sẫm dần nhưng tết ở đâu xa lắm. Ở đây chỉ có gió và sương. Rồi bỗng chợt anh thấy từ cuối con đường đêm thăm thẳm, cô xuất hiện, thoăn thoắt đôi chân nhỏ trong đôi giày nhựa đẫm sương, miệng cười, khoác túi trên vai, vòng mơ dại rủ từng chùm trên tóc lấp lánh: “Anh chờ em có lâu không?”. “So với ba tháng thì một ngày lâu gì chứ? Đã hẹn là sẽ chờ! Nào đi thôi! Anh đưa em về! Xa nhà lâu rồi chắc mọi người mong nhiều lắm! Sắp giao thừa rồi em biết không?”. “Anh nhớ đường về nhà em chứ?”. “Anh là lái xe, đừng hỏi điều thừa thế! Nhà em ở làng Bùi, Bái Thượng, giáp cánh đồng, phía trước nhà có giàn mơ dại…”. “Vâng! Giàn mơ ấy vẫn đợi em về! Đến nơi anh sẽ thấy hoa trái mùa mà buông rèm nở trắng đón mùa xuân…”.
19/4/2020
Nguyễn Hải Yến
Theo https://vanhocsaigon.com/

Hiểu thêm về nguồn gốc và ý nghĩa Vu Lan báo hiếu

Hiểu thêm về nguồn gốc
và ý nghĩa Vu Lan báo hiếu

Vu Lan là ngày của các nước Á Đông thường được tổ chức vào ngày rằm tháng 7, với mục đích lễ tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tỏ lòng hiếu thuận với các bậc sinh thành.
Nguồn gốc lễ Vu Lan
Theo quan niệm của Phật giáo rằm tháng 7 gắn với lễ Vu Lan, xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ.
Kinh Vu Lan chép rằng Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Ý nghĩa ngày lễ Vu Lan
Sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành, năm 2021), tác giả Bùi Xuân Đính cho rằng rằm tháng Bảy có sự giao thoa giữa các yếu tố của tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo và Phật giáo. Trong đó Phật giáo thể hiện thông qua Vu Lan báo hiếu, nghi lễ này được thực hành tại nhà và ở chùa.
Mâm cúng cỗ gia tiên ngoài đồ mặn, đồ chay, còn có đồ mã như tiền, vàng, bạc, ngựa, trang sức… Nhiều địa phương cúng gia tiên có thể tiến hành từ ngày mùng 7 trở đi, không nhất thiết phải cúng vào đúng hôm rằm.
Tại chùa người ta tổ chức cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng… Hiện nay ngoài những nghi lễ truyền thống, vào dịp lễ Vu Lan khi đến chùa người ta sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng: màu đỏ tượng trưng cho người còn mẹ và màu trắng cho ai đã mất mẹ.
Như vậy lễ Vu Lan báo hiếu là một tục lệ gắn với Phật giáo, hình thành dựa trên truyền thống hiếu nghĩa của người Việt. Lễ thức cúng trong dịp Vu Lan bao gồm thực hành tại gia và tại chùa, lễ vật dâng cúng đơn giản, miễn sao thể hiện sự thành tâm là được.
11/8/2022
Lý Việt Trường
Nguồn: Báo Lao Động 8.2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

Hoang dại sống dường như hạnh phúc

Hoang dại sống
dường như hạnh phúc

Nhân dịp Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức diễn ra tại Đà Nẵng, nhà thơ Thanh Thảo đã có bài viết dành riêng cho các bạn văn trẻ. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà thơ Thanh Thảo: “Mình chỉ muốn sống hồn nhiên hoang dại, mình viết cũng hoang dại hồn nhiên, và mình đưa thơ mình tới người đọc cũng với tâm thế dại hoang hồn nhiên như thế”
Tôi là người hiền lành, đi qua chiến tranh vẫn lành hiền như vậy. Nhưng tôi yêu tự do, và luôn muốn sống tự do. Điều đó có khiến tôi gặp trở ngại, nhưng tôi coi như vậy cũng là đương nhiên. Mình sống thế nào thì mình được thế ấy. Đó là mình được, chứ không phải mình trả giá.
Thời tôi còn đi học ở miền Bắc, thầy má tôi đã biết tôi sống tự do. Nhưng hình như ông bà cụ thân sinh tôi cho đó cũng không phải điều gì quá trở ngại. Thầy tôi từng ở tù Tây 10 năm, nên hơn ai hết, ông là người thấm thía giá trị của tự do. Ông không bao giờ la mắng hay khuyên nhủ tôi phải sống khác như tôi đang sống và sẽ sống. Bởi sống tự do không làm hại đến ai cả, không làm mất tự do của ai cả.
Bây giờ, khi đã về già, tôi mới nhận thấy cách sống ấy của mình khá hoang dại, nhưng bản tính tôi là như thế, không cần phải khác đi, dù khác đi sẽ được cái gì. Cách sống hoang dại ấy bắt đầu từ khi tôi học đại học đi sơ tán trên núi rừng Việt Bắc, và phát triển tới mức cao hơn khi tôi vào chiến trường Nam Bộ.
Môi trường chiến tranh ở dải đất phương Nam quả có khác với chiến tranh ở miền Trung quê tôi, dù độ tàn khốc thì như nhau. Người Nam Bộ yêu thích sống tự do, mà cái ấy thì quá hợp với tôi, ngay từ đầu tôi xung phong đi chiến trường Nam Bộ, hình như đã linh cảm là mình sẽ được sống đúng như bản chất mình mong muốn. Chiến tranh có thể bẻ gãy mọi thứ, nhưng người thích sống tự do thì chiến tranh cũng không bẻ gãy làm gì, vì anh chỉ là cá nhân đơn độc, anh lại không làm hại đến phe kháng chiến mà anh đang là thành viên.
Tôi làm việc hết mình ở chiến khu, rất chịu “ lao” khi xuống chiến trường, điều này trong lý lịch tôi được cấp trên “phê” rất rõ, nhưng cấp trên còn phê thêm: “tôi sống tự do”. Cái ấy hoàn toàn đúng, và tôi không những công nhận, mà còn tự hào về điều đó.
Tôi sống tự do trong tâm hồn, nhưng rất hòa đồng với đồng đội, với anh em cùng chiến tuyến với mình, cũng rất mủi lòng thương cảm khi tiếp xúc với những tù binh Sài Gòn bị ta bắt và đang ở các trại cải tạo. Tôi làm công tác binh vận, phải thường xuyên tiếp xúc với tù binh đối phương, nên tôi biết mình phải trò chuyện với họ thế nào để họ có thể kể những câu chuyện đời mình. Tôi đã viết những câu chuyện phần nhiều là buồn ấy của những người lính phía bên kia cho hai Đài phát thanh Giải phóng và Tiếng nói Việt Nam mà tôi đang công tác. Điều đó khiến cấp trên của tôi rất hài lòng khi xếp tôi chuyên viết những câu chuyện về hòa giải hòa hợp dân tộc. Và chính tôi cũng tìm thấy những khoảng rộng cho mình khi viết về đề tài này.
***
Nếu tôi cứ chỉ là nhà báo, thì dù tôi sống hơi tự do, cũng chẳng ai nói gì. Khổ nỗi, tôi xung phong đi chiến trường vì khát vọng muốn làm thơ về cuộc kháng chiến quá gian khổ và chết chóc. Tôi muốn nói lên tiếng nói trung thực nhất bằng thơ về cuộc chiến tranh này. Dù tôi chưa một lần nói với cơ quan binh vận là tôi có làm thơ, thơ ấy tôi viết trong sổ tay, chỉ mình tôi biết. Nhưng không ai khao khát làm thơ mà có thể giấu mãi được thơ mình. Tôi cũng vậy.
Gần cuối cuộc chiến tranh, tôi có lặng lẽ công bố thơ mình khi gửi tập thơ đầu tay Dấu chân qua trảng cỏ cho các anh bên Ban Văn nghệ R đọc, chỉ với mục đích nhờ góp ý hay chia sẻ. Vậy thôi. Dù suốt mấy năm chiến tranh, tôi vẫn khao khát sẽ có lúc thơ mình được đọc trên sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam trong mục Tiếng Thơ, và thầy má vò võ ở Hà Nội chờ đợi mình sẽ nghe để vơi bớt nỗi thương nhớ con.
Từ trái sang: Lý Hữu Lương, Nguyễn Hải Yến, Phan Hoàng, Vũ Thị Huyền Trang, Hoàng Hiền tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X – Đà Nẵng 6.2022
Ước mơ ấy, khi tôi thực hiện được, thì cũng là lúc mà một bài thơ trong tập bản thảo thơ Dấu chân qua trảng cỏ bị… đánh. Tôi rất ngạc nhiên không hiểu vì sao mình viết bằng cả trái tim một người yêu nước và tham gia kháng chiến, mà bị đánh. Các anh bên Ban Văn nghệ R trực tiếp biên tập và in bài thơ tôi trên tạp chí Văn nghệ giải phóng chắc cũng ngạc nhiên như vậy, vì chính họ đã rất vui khi chọn bài thơ ấy của một người làm thơ “hoàn toàn trẻ” như tôi. Nghĩa là họ tán thành bài thơ này, không chỉ vì thơ, mà còn vì cách thể hiện hiện thực chiến tranh trong thơ.
Khi tôi chịu mang tiếng, chịu một chút khổ sở về tinh thần, thì các anh làm tạp chí Văn nghệ giải phóng bên Văn nghệ R cũng chịu giải trình và kiểm điểm. So với hồi đang chiến tranh, thì “tai nạn thơ” ấy không nhỏ, nhưng rồi may quá, không chỉ tôi mà các anh chịu liên lụy với tôi cũng vượt qua, khi tình hình chiến sự đã nghiêng thuận lợi về phía ta. Người ta quên nhanh vụ thơ hoang thơ dại này, và tôi như thoát nạn.
Nhưng đó chính là thời gian thử thách xem tôi có tiếp tục sống tự do nữa hay không. May quá, tôi vẫn tiếp tục như thế, nhưng tôi làm việc còn hăng hái hơn thế, và được đánh giá là làm báo nói có hiệu quả. Cơ quan tôi lại là cơ quan Binh vận, không phải cơ quan thơ phú văn vẻ gì, nên mọi người không hề thấy chuyện đó là lớn. Nếu tôi ở bên Ban Văn nghệ khi làm bài thơ ấy, tôi chắc phải chịu nhiều rắc rối hơn. Người lãnh đạo cao nhất ở Ban binh vận lúc ấy là ông Bảy Dự – một ông “trùm tình báo” – dù có mời tôi lên nhà ông giữa rừng để đọc và trao đổi thơ tôi theo hướng phê phán, nhưng ông Bảy lại là người âm thầm bảo vệ tôi, vì ông thấy, chuyện này chẳng có gì mà người ta muốn làm lớn, trong khi tôi đang công tác rất tốt ở Tiểu ban tuyên truyền Binh vận.
Tạm coi như tôi làm thơ và làm báo cùng lúc với nhau, kể cả khi “thơ báo nhiều khi cũng tháo bơ”, thì tôi vẫn thấy ổn khi mình sống hơi hoang dại và làm thơ hay làm báo bằng cả trái tim mình.
***
Người ta nói, với người làm thơ, thì thơ có thể là số phận mình. Và “Với nhà thơ chúng ta, phần thưởng/ Chính là số phận mình”. Một nhà thơ Nga – Xô viết đã viết như vậy.
Tôi nghĩ cũng đúng. Mình làm thơ trước hết là cho mình hạnh phúc. Còn khi thơ ấy có người đọc, họ sẽ cảm nhận cùng với mình về những gì mình không nghĩ ra khi làm thơ.
Bây giờ, thơ ít người đọc. Nhưng theo tôi, chẳng có gì phải lo lắng. Ngay lúc thơ được nhiều người đọc nhất, thì người làm thơ cũng vẫn sáng tác từ trái tim, từ linh cảm và xúc cảm của mình, chứ không sáng tác từ xúc cảm của người đọc. Trong câu chuyện này, thì tự do của nhà thơ phải là tuyệt đối. Chẳng ai bắt anh làm thơ cả. Đó là anh tự chọn. Vậy thì có gì phải lo buồn hay sốt ruột vì thơ mình ít người đọc. Còn nổi tiếng ư? Cái ấy không thuộc về anh muốn, nếu nó đến, nó sẽ đến ngoài anh, và anh được (hay bị) nổi tiếng cũng không do anh muốn.
Cứ hoang dại sống, tự do làm thơ, và cái gì đến nó đến. Mình chỉ muốn sống hồn nhiên hoang dại, mình viết cũng hoang dại hồn nhiên, và mình đưa thơ mình tới người đọc cũng với tâm thế dại hoang hồn nhiên như thế.
Tôi cũng đã từng là một người làm thơ trẻ, và tôi hiểu điều này.
24/6/2022
Thanh Thảo
Theo https://vanhocsaigon.com/

Đôi bờ vùng vẫy

Đôi bờ vùng vẫy

“Con đường duy nhất đưa những đứa trẻ tự kỉ về với cuộc sống này. Đó là sự yêu thương xuyên suốt của gia đình và sự quan tâm của đồng loại”.
1. Người đàn ông lao về phía tôi. Đôi mắt đỏ sọc. Ông ta nghiến hàm răng sin sít miệng không phát ra lời. Sau mỗi hơi thở gấp gáp, ông ta lại cấu mạnh bờ vai tôi lắc mạnh. Ông ta như một con thú điên lên vì vừa bị cướp mất con mồi. Tôi đã cố nhìn thẳng vào mắt ông ấy. Cố giải thích cho ông ấy là không ai cướp gì của ông cả. Ông hãy bình tĩnh, hãy nghe lấy lời tôi, đừng nghiến răng, đừng cào cấu như vậy nữa. Nhưng tôi càng cố giải thích, ông ta càng điên tiết, đôi tay di chuyển từ bờ vai lên cổ tôi siết chặt như muốn bóp nghẹt những lời giải thích của tôi. Tôi lịm dần. Nhưng trong những mơ hồ ảo ảnh đang trước mắt. Tôi thấy người phụ nữ sau lưng ông ta lao đến. Bà ấy ra sức kéo đôi tay đang lên gân của ông ta ra khỏi cổ tôi. Những la hét, nước mắt, những đôi mắt đỏ sọc, những mạch máu màu đỏ tía hằn qua da, những gân guốc như mạng nhện xô đẩy nhau theo từng nhịp thở gấp. Cho đến khi tôi hoàn toàn không cảm nhận được sự hiện diện của bất kì luồng không khí nào qua cổ họng. Mọi thứ trở nên im bặt.
Nhà văn trẻ Trần Ngọc Đức ở Quảng Nam
2. Tôi sinh ra trong một ngôi nhà tạm nhỏ gia ở ngoại ô thành phố. Nơi mà ranh giới giữa phố và quê chính là con kênh đen ngòm, quanh năm bốc mùi hôi thối. Bên kia kênh, phố xá đông đúc với những con người xúng xính áo quần, soi phấn, vội vội vàng vàng cười nói ở những ngôi nhà cao vút chọc cả nền trời xanh trên kia. Bên này kênh, lúp xúp những căn nhà tạm bợ, ngột ngạt với những đám người quanh năm khẩu trang, khăn trùm đầu kín mít. Họ, những con người bên này, có tốp từ sáng u mờ đã sang bên kia kênh làm việc cho đến khi dãy đèn cao áp nhập nhoạng sáng mới về. Tốp còn lại, lầm lũi cả ngày ở trong những ngôi nhà tạm lụp xụp nóng bức, hì hục hàn xì, hì hục chao nấu, hoặc có khi chỉ là ngồi không trong nhà nhìn ra dòng chảy đen ngòm của con kênh mà đếm thời gian trôi.
3. Thôi nôi tôi xong, bà ngoại về quê, tôi bắt đầu những chuỗi ngày tự lập của một đứa trẻ ở xóm nhà tạm bên này sông. Ba mẹ tôi đều làm công nhân ở bờ bênh kia. Buổi sáng, ông ấy – ba tôi – đánh thức tôi dậy từ rất sớm; bà ấy – mẹ tôi, vắt cạn những giọt sữa trong bầu vú đã nổi gân xanh, cố ép tôi uống thật nhanh. Sau đó, ông ấy bắt đầu múc những muỗng cháo xanh ngắt, nhíu mày, cố dồn nó thật nhanh vào miệng tôi. Tôi cảm nhận được sự vội vả qua nét mặt của họ. Cả đầu tôi lắc lư, miệng lúc nuốt, lúc lè ra chảy cả nước mũi, tay chân huơ loạn xạ. Bửa ăn kết thúc khi mắt tôi trào ngược lên trắng bệch, ông ấy giận dữ hất tô cháo về phía bà ấy. Bà ấy lũi thũi cho tôi uống một ít nước, thả vào cụi cùng mớ đồ chơi. Khi tiếng cửa đóng sầm lại, tiếng xe máy xa dần, đó sẽ là lúc tôi ở với thế giới của mình, thế giới trong chiếc cũi gỗ với vài ba con thú nhồi bông đã nhàu nát. Ở đó, tôi sẽ ngủ, tỉnh dậy sẽ cố hất tung những con thú qua thanh cũi. Và khi con thú cuối cùng được hất ra, tôi sẽ áp sát mặt vào những thanh gỗ ấy, tay cố thò ra ngoài kéo những con thú ấy lại về phía mình. Nhưng chưa lần nào tôi với tới, mặt tôi bao giờ hằn lên hai đường thẳng song song vô định của hai song cũi. Bất lực, tôi khóc. Mệt. Tôi lại ngủ. Mọi thứ, kể cả đại tiện và tiểu tiện đều trong chiếc cũi đó. Qúa trưa. Bà hàng xóm ục ịch bên nhà sau khi đi phụ bếp về sẽ ghé qua nhà, đánh thức tôi dậy. Bà ta nhai từng miếng cơm đựng trong một hộp xốp nhựa, nhèo nhèo những nước miếng, rồi đút nhanh vào miệng tôi. Tôi, lúc đó nếu đang đói thì sẽ ăn thật mau. Còn nếu ương bướng sẽ phải ăn trong nước mắt nước mũi, bởi bàn tay to bè của bà ta bóp vào cạnh hàm. Sáu giờ tối. Khi ông ấy và bà ấy trở về trong những lấm lem của bụi đường. Tôi sẽ được cho đi tắm rửa. Lại ăn trong nước mắt. Không có những tiếng cười nhiều. Họ lại nhìn tôi với ánh mắt bất lực. Tiếng ru của bà ấy chưa làm tôi thiếp giấc thì phía ngoài ông ấy đã ngáy. Tiếng ru lịm dần, có lẽ bà ấy cũng đã mệt. Họ ngủ, có lẽ họ mệt. Còn tôi, sau một hồi tự chơi, u ơ trong bóng tối cũng thiếp dần trong cơn mơ loạn….
4. Cuộc sống kéo dài như thế cho đến lúc tôi năm tuổi. Vào một ngày đầu mùa thu. Họ đánh thức tôi dậy thật sớm, rồi nhanh chóng đưa tôi đến một tòa nhà cao tầng phía bên kia con kênh. Đón tôi trong tòa nhà đó là một người đàn ông cao lớn có bộ ria dày quanh mép. Ông ta nhìn thật kĩ rồi lấy một loại dây có in những con số nhỏ li ti vòng qua chân, tay, và nhất là trán của tôi. Sau đó ông ta dùng những tấm giấy nhiều màu sắc đưa qua đưa lại trước mặt tôi, dùng đèn pin chiếu thẳng vào mắt tôi. Cuối cùng ông ta ghi ghi chép chép gì đấy vào một quyển sổ có chia những cột thẳng dài rõ ràng. Ba mẹ tôi ra về sau khi ông ta mỉm cười, gật đầu với họ. Kể từ hôm đó, cứ phải cuối tuần họ mới đón tôi về căn nhà bên kia kênh. Còn lại, tôi ở đây với rất nhiều những đứa trẻ khác. Chúng tôi ở đây rất đông, nhưng hầu như không bao giờ chơi chung hay nói chuyện với nhau. Mỗi đứa đều cố mang theo những con vật hoặc đồ chơi quen thuộc tại nhà đến và chơi riêng. Đến bửa ăn, có đứa lớn tòng ngỏng nhưng chẳng bao giờ tự xúc ăn được. Có đứa chỉ ăn khi phải khóc thật to, lại có đứa chỉ thích bốc ăn bằng tay và để thức ăn dưới sàn nhà. Mỗi buổi sáng, họ gọi chúng tôi dạy, bày cách vệ sinh thân thể, rồi tập thể dục. Những bài tập dễ ợt, nhàm chán nhưng ở đây chả đứa nào có thể nhớ để ngày hôm sau có thể làm lại. Tôi, tức nhiên là tôi nhớ kĩ, nhưng mỗi sáng họ lại cố tình chỉnh sửa tôi theo ý họ.
5. Lên bảy tuổi. Bố mẹ lại đón tôi về bên kia kênh, lần này họ lại dẫn tôi đến một dãy nhà hai tầng nhiều hoa và hình vẽ, họ gọi nơi đó là trường. Trường có rất đông những đứa trẻ sâm sấp tuổi tôi, với tôi, chúng chỉ như những con vịt đồ chơi của tôi mà thôi. Suốt ngày chúng chỉ biết xếp hàng ngay ngắn, miệng răm ráp đọc theo những gì cô giáo nói trên bảng. Khi có tiếng “tùng tùng” chúng chạy loạn xạ, đứa lò cò trong những vòng ô dưới sân, đứa nhảy lắc lư theo những lọng dây chuông, đứa chăm chú nhìn vào những quyển sổ nhiều hình vẽ. Nhiều đứa tụ tập kể những gì đó, rồi lại phá lên cười khoái trá vang cả góc sân. Dĩ nhiên, với tôi, tất cả chúng đều khác biệt, quái dị. Tôi thích sống như lúc ở cái tòa nhà cao tầng bên kia kênh. Ngồi một mình suy ngẫm, phán đoán những chuyện đang xảy ra. Tôi thấy cái mà nơi đây bọn họ gọi là môn học đều rất dễ. Nào phép tính, nào chữ cái. Chỉ cần cô giáo nói qua một lần là tôi đã hiểu. Nhưng lạ, cô chẳng bao giờ gọi tôi lên bảng làm chúng cả. Cô chỉ chăm chú giảng, sửa bài cho tất cả học sinh trong lớp, nhưng khi bắt gặp ánh mắt tôi cô lại lãng tránh. Tại sao những bài học dễ thế mà chúng nó lại không làm được nhỉ? Tôi sẽ bày cho bất cứ đứa nào, chỉ cần chúng nó hỏi tôi. Nhưng hình như chẳng đứa nào hỏi cả. Thấy tôi ngồi bất động trong lớp, lâu lâu có mấy đứa đến huơ huơ tay trước mắt tôi rồi lại phá lên cười. Chúng nó đâu biết, tôi không chỉ có thể bày chúng nó, mà còn có thể giải được theo nhiều cách khác. Tại sao cô giáo lại không gọi tôi lên bảng?
6. Ngôi trường cuối cùng tôi học là dãy nhà năm tầng bên kia kênh khá đẹp. Lúc này không còn những đứa trẻ, thay vào đó, con người cũng bắt đầu khác biệt. Có người mặc quần áo như cũ, nhưng cũng nhiều người thay bộ quần áo cũ bằng những chiếc áo xẻ tà rất dài, trắng muốt. Những con người này không còn vô tư chạy nhảy như trước. Chơi theo phe nhất định, áo trắng quần xanh một phe và còn lại là phe áo dài. Vẫn những môn học với tôi rất dễ, nhưng sự nhăn nhó, vò tai bức tóc là điều tôi ngày nào cũng thấy ở chúng. Cô giáo vẫn chưa bao giờ gọi tôi lên bảng, và lờ đi ánh mắt của tôi mỗi lần vô tình chạm phải. Một lần có một đứa cố tình lấy đi quyển vở của tôi cầm lên để cô kiểm tra bài tập về nhà. Thú thật, dù mất vở nhưng tôi rất mừng, lần này chắc chắn cô giáo sẽ thấy được những bài giải của tôi, chắc hẳn cô và cả lớp sẽ vỡ òa khi họ biết tôi rất giỏi. Quyển vở cuối cùng được cô cầm lên, đó là quyển vở của tôi. Cô giáo chăm chút đọc, trán nhăn lại, mày nhíu đi, nhưng như tôi dự đoán, mặt cô giãn ra nhanh chóng, nụ cười xuất hiện nhìn xuống cả lớp. Cô giương cao quyển vở của tôi trước lớp, những lời giải được tôi hệ thống hóa theo nhiều chiều có lẽ đã làm cả lớp nức nở. Một tràng vỗ tay vang lên, lòng tôi sung sướng vô cùng. Cô giáo nhẹ nhàng đi về phía tôi, lần đầu tiên cô không lãng tránh ánh mắt tôi. Cô để quyển vở của tôi xuống nhẹ nhàng rồi quay lên. Mọi ánh mắt lại dồn về phía tôi, rồi bỗng chốc cả lớp phá lên cười thật to, có đừa lè lưỡi, có đứa nguệch ngoạc theo những lời giải được hệ thống hóa của tôi trong vở. Cô giáo nghiêm nghị bảo cả lớp trật tự. Nhưng cô lại không gọi tôi lên bảng, nếu được lên bảng tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng họ đã sai. Những lời giải được hệ thống hóa của tôi sẽ chứng minh cho họ thấy rằng việc học rất đơn giản nếu ta biết tịnh tâm tư duy và hệ thống các vấn đề theo bài giảng của thầy cô. Tôi lại ngồi đó trong im lặng, chăm chú nghe những lời cô giáo giảng, tư duy, hệ thống hóa các vấn đề theo cách mà bao năm qua tôi vẫn làm cho đến mùa hè cuối.
7. Họ đón tôi về bên này kênh sinh sống sau mùa hè cuối ở ngôi trường năm tầng. Họ vẫn sáng đi, tối mịt mới về, tóc đã bắt đầu lấm tấm bạc. Những bửa sáng vội vả trước đây được thay bằng một nồi cơm to, đồ ăn được nấu sẵn, đói lúc nào thì ăn lúc ấy thôi. Những bửa cơm tối không tiếng nói cười, ba con người cặm cụi ăn, không ai nhìn ai. Ông ấy, dạo này hay uống rượu, say thì trừng mắt nhìn tôi đôi lúc rồi lại nhanh chóng say giấc. Bà ấy, sau những cơm nước giặt giũ, đấm đấm cái lưng có vẻ đang đau, nhìn tôi âu yếm, xoa xoa vầng trán tôi, tự nói điều gì đó rồi cũng thiếp đi. Tôi lại nằm đó trong bóng tối, lại u ơ với những suy nghĩ riêng của mình trên trần nhà, rồi lại chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Nhưng với tôi lúc này ở nhà, thay vì ngồi trong cũi, đã chuyển sang ngồi bên cửa sổ nhìn ra dòng nước kênh đen ngòm. Tôi vẫn ngồi đó, tư duy, hệ thống những vẫn đề theo những suy nghĩ của mình. Tại sao mọi người không tin tôi. Rằng tôi là một đứa trẻ bình thường, vầng trán hơi hóp đó chỉ có thể là do thiên tạo. Và tôi sẽ chứng minh cho họ thấy, rằng tôi đúng, rằng cuộc sống của họ sẽ không tẻ nhạt, u ám như thế, rằng dòng kênh kia sẽ sạch hơn nếu chúng ta đem hết thái độ tích cực của mình vào cuộc sống.
8. Tôi bắt đầu mọi việc bằng cách tháo chiếc cụi khỏi vách, lắp cho nó những mảnh phao hai bên và bắt đầu lội xuống dòng kênh đen ngòm trước nhà. Những núi rác ngầm được vớt lên trên cũi để đưa vào bờ, dòng chảy bắt đầu mạnh dần, rút nước về phía cửa xả. Trời về trưa, nắng hầm hập, tôi phải cố vớt cho xong, vì theo dự tính của tôi, khi thủy triều lên, nước về, sau đó rút mạnh chắc chắn dòng kênh sẽ được rửa sạch. Cái nắng cuối hè oi ả, chiều nhanh chóng xuống giông, mây đen xô nhau đuổi gió nờm đi xa. Mưa. Mưa to. Nước bắt đầu trút xuống mạnh. Biển nhanh chóng ngậm nước, triều dâng nhanh hơn thường lệ. Dòng kênh bắt đầu đổi màu. Cái màu đen cố hữu đã chuyển sang xanh lơ. Tôi đứng trơ giữa dòng. Nhìn thấy cá bắt đầu tung tẩy. Những bụi hoa đồng tiền hai bên triền sông hôm qua còn xơ xác, thì chiều nay đã trổ bông, xòe to hứng nước mưa trong sung sướng. Nước tới đùi tôi. Rồi dâng đến bụng. Nước lại dâng đến ngực. Cuộc sống mới dễ chịu làm sao. Mát mẻ quá. Tiếng búa, tiếng hàn xỉ đã tắt lịm. Tôi có cảm nhận được mọi người cùng đổ ra khỏi những căn nhà tạm ngột ngạt, nóng bức. Họ đứng trên cầu la hét vì sung sướng trước sự thay đổi của con kênh. Những tiếng hò reo, chỉ chỏ hướng về phía tôi. Có lẽ họ cảm ơn tôi. Cảm ơn những hành động của một con người lâu nay chỉ ở trong cũi hay chỉ biết ngồi bên cửa sổ nhìn cuộc đời. Tôi vẫy tay về phía họ ra dấu không cần phải cảm ơn tôi. Vì đó là những gì tôi có thể làm cho họ đến lúc này. Nước bắt đầu dâng cao ngang cổ. Nước làm tôi khó thở. Một dòng mạnh xô lấy tôi chới với. Đôi chân bị nhấc lửng lên. Cả thân hình tôi chúi vào lòng nước sâu. Tôi cảm nhận được nước luồng sâu vào khoang mũi, xuống họng, rồi dạ dày mình. Tôi bắt đầu thấy sợ. Chân tay cố gắng vùng vẫy. Phía trên bờ, bặt hẳn tiếng tán dương của mọi người. Chỉ còn tiếng la hét nhỏ dần trong làng mưa xối xả. Rồi mọi thứ im bặt.
9. Tôi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Nghe loáng thoáng tiếng của bà mụ béo bên nhà nói với ông ấy và bà ấy rằng tôi đã tự tháo cái cũi trong nhà, mở ổ khóa cửa, đập phá nhiều nhà cửa trong khu nhà tạm để lấy thau, phao, rồi mang tất cả cùng cái cụi lao xuống kênh nhảy múa. Có lẽ nên khóa tôi vào một chiếc cụi lớn hơn, chặc chắn hơn hoặc cũng có lẽ nên gửi tôi đến bệnh viện tâm thần để điều trị. Mụ béo nhắc lại một lần nữa với họ rồi đi nhanh. Tôi nhắm mắt lại. Cho đến lúc ông ấy hùng hổ xông vào phòng tôi nằm, đôi tay cấu mạnh, mắt sòng sọc đỏ tia như muốn cố hỏi tôi tại sao không ở yên trong nhà, không làm bạn với chiếc cụi đã bao năm…?. Khi mọi thứ im bặt dưới bàn tay ông ấy. Tôi chỉ còn nghe trong sâu thẳm tim mình lời ru hụt hơi của bà ấy sau một ngày lao động mệt nhọc. Và rằng ai cũng có thể sống, nhưng sẽ không ai nên người nếu thiếu đi tình yêu thương xuyên suốt của gia đình và sự quan tâm của đồng loại.
11/11/2021
Trần Ngọc Đức
Theo https://vanhocsaigon.com/

Giáo dục và lòng tin xã hội

Giáo dục và lòng tin xã hội

Có thể nói giáo dục không chỉ là thước đo sự phát triển, thịnh vượng của một quốc gia, nó còn là hàn thử biểu cho những biến động kinh tế – xã hội tương lai. Vì thế, không một nhà chính trị nào, không một tập thể, không một cá nhân nào không mong muốn giáo dục phát triển, giáo dục đi trước một bước, đặt nền móng cho tương lai.
Từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, các nhà kinh tế học giáo dục Hoa Kỳ đã tính toán được lời lãi trong đầu tư cho giáo dục, tại thời điểm đó, một đồng đầu tư vào giáo dục sinh lãi cho xã hội 8 đồng. Người Việt, khi nói về sự lời lãi trong buôn bán, câu của miệng là một vốn bốn lời. Sinh lãi như cách đầu tư vào giáo dục vừa kể trên gấp đôi cái lãi kỳ vọng trong buôn bán của người Việt. Xem ra, đầu tư cho giáo dục đáng được lưu ý, và lao động trong nghề dạy học là một trong những ngành nghề lao động đáng kính và không phải ai cũng làm được.
Năm rồi, TPHCM dự định bỏ học phí bậc phổ thông. Đó là một ý tưởng tốt, nhất là khi thu nhập bình quân của người dân thành phố lớn nhất cả nước ngày càng được nâng cao. Giảm hoặc bỏ khoản thu học phí đối với đối tượng học sinh phổ thông cũng chính là giảm gánh nặng nỗi lo chi phí giáo dục cho các gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp, đồng thời thể hiện được sự quan tâm của TPHCM đối với giáo dục phổ thông, phù hợp với mong muốn của xã hội. Chỉ vài ngày nữa (15-2-2020) Luật Giáo dục đại học sửa đổi sẽ được thực thi. Giữa năm 2020, Luật Giáo dục 2019 cũng có hiệu lực. Cả xã hội trông vào những biến đổi của giáo dục nước nhà sau những điều chỉnh của Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Luật Giáo dục 2019. Cũng trong năm học 2020-2021, chương trình giáo dục lớp một phổ thông mới sẽ được thực thi trên phạm vi cả nước. Những sách/bộ sách giáo khoa mới đã được biên soạn theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội. Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sẽ được thực thi sau nhiều năm bàn cãi. Giáo dục phổ thông sẽ bước sang trang mới. Người học, phụ huynh và xã hội có quyền đặt kỳ vọng vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá trong dạy học. Thầy cô giáo, học sinh sẽ đứng trước những thử thách mới ngay từ năm đầu của thập niên 20.
Sự phát triển của giáo dục là sự cộng hưởng của người dạy (thầy cô giáo), người học, cha mẹ học sinh (đối với bậc học phổ thông), nhà nước và xã hội. Nếu chỉ có một bên hoặc một hai bên cố gắng thì khó có thể có hiệu quả cao. Vì thế, ngoài sự cố gắng của thầy và trò còn cần những chính sách phát triển giáo dục của nhà nước, sự quan tâm của phụ huynh và cộng đồng. Chỉ khi nào tất cả những thành tố vừa nêu, đều quan tâm đúng mức đến giáo dục thì những thành quả sẽ tới.
Bước sang những năm 20 của thế kỷ 21, thành quả của trí tuệ loài người, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó có giáo dục. Điều đó đòi hỏi thầy cô giáo phải không ngừng học tập, sáng tạo và lao động một cách có hiệu quả, giúp học sinh nắm vững tri thức, khả năng tự học, sáng tạo, đổi mới – hình thành năng lực cho mỗi học sinh, giúp học sinh đứng vững và phát triển cá nhân, góp sức mình cho xã hội ngay trong và sau khi học.
Tương lai của mỗi cá nhân phụ thuộc vào khả năng học tập của họ. Nhà nước, các tổ chức xã hội, các cá nhân trong đó có thầy cô giáo chỉ là người tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi học sinh phát triển. Nhưng nếu thiếu sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội, của tập thể và cá nhân quan tâm tới giáo dục thì giáo dục không thể phát triển.
Thầy cô giáo, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, họ trước hết là người thấm nhuần những tư tưởng mới trong chương trình, biết cách tìm kiếm và giúp học sinh tìm kiếm tài liệu học tập, biết tổ chức dạy học, thay đổi phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá mới hy vọng đáp ứng được yêu cầu mới trong giáo dục phổ thông.
Năm học mới 2020-2021 đang chờ đón các em học sinh lớp 1, chờ đón thầy cô cùng các em thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhà nước và xã hội có quyền hy vọng và đòi hỏi sự thành công của đổi mới giáo dục lần này. Tương lai đất nước ở trong tay các em. Hãy cùng cố gắng để các em, những công dân lớp một năm nay và những năm tiếp sau sẽ là nguồn lao động có chất lượng cao.
Cả xã hội đặt niềm tin vào giáo dục. Tương lai đất nước phụ thuộc vào các em - lứa học sinh đầu và các năm tiếp sau.
1/2/2020
Nguyễn Kim Hồng
Theo https://vanhocsaigon.com/

  Lời đồng vọng giữa hai cõi tâm linh 26 Tháng Bảy, 2023 Ngày thương binh-liệt sĩ lại đến, tôi nghĩ về biết bao ngời con đã ngã xuống ch...