Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

Huy Cận - Lấp lánh Lửa thiêng sáng tạo

Huy Cận - Lấp lánh Lửa thiêng sáng tạo
Huy Cận - nhà thơ, nhà văn hoá lớn đã ra đi cách đây 10 năm - 2/2005. Ngày ấy, giới văn nghệ tiễn đưa ông với niềm tin về sức sống của một nguồn thơ sáng láng: "Lửa thiêng không bao giờ tắt" (Mai Quốc Liên).
Giờ đây, với độ lùi lịch sử đáng kể, chúng ta vẫn thấy lấp lánh ngọn lửa sáng tạo thơ Huy Cận.
Năm 1938, bài thơ đầu tiên Chiều xưa được đăng trên báo Ngày nay và sau đó là hàng loạt bài tiếp theo của Huy Cận được trình làng.
Tập thơ Lửa thiêng ra mắt bạn đọc vào tháng 11/1940, được in tại nhà xuất bản Đời nay và được phát hành khoảng 3000 cuốn. Đây là thành quả xuất sắc bước đầu của đời thơ Huy Cận. Bạn tri âm Xuân Diệu đề tựa tập thơ đã "nghe" và "cảm" được sâu sắc hồn thơ Huy Cận. Sau đó, tác phẩm còn được đánh giá cao trong Thi nhân Việt Nam, (Văn học, 2004, được in lần thứ 22). Trên Tràng an số 12 (3/1941), Lượng An coi Huy Cận là "một thi nhân có đặc tài".
Vậy mà, khi đi theo cách mạng, nhà thơ "được mùa chính trị", song lại "mất mùa thi ca". Đó là một sự thực đã được nhà thơ bộc bạch qua Hồi ký song đôi (Hội Nhà văn, 2003).
Ngọn lửa thơ "bập bùng", "leo lét" qua mấy năm kháng chiến đã được thắp sáng, bùng cháy vào đầu thập kỷ 60 - khi nhà thơ nhập thân thực sự vào cuộc sống mới. Trời mỗi ngày lại sáng là bằng chứng sinh động của sự sống lại và phát triển sức sáng tạo nghệ thuật mới.
Thế giới nghệ thuật thơ Huy Cận lại được khai mở với mọi chiều kích "trời rộng, sông dài" như những khoảng bao la trong hồn thơ Huy Cận và cả những tầng cao, chiều sâu như " trời đất vô cùng" của khám phá sáng tạo.
Hồn thơ Huy Cận chín lại. Mùa thơ mới lại ra hoa kết trái. Liên tục theo các giai đoạn là 5,7 đến 12, 14 rồi ... 18, 20, 26 tác phẩm xuất hiện cả trong nước và ở nước ngoài.
Năm 2002, nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương, nhà thơ tuổi đã ngoài 80 còn cho xuất bản tập Cha ông nghìn thuở. Đó là chưa kể còn hàng trăm bài chưa in.
Sức viết khoẻ, bền bỉ, lâu dài thể hiện thật rõ rệt. Sức ấm nóng của tấm lòng tin yêu làm tăng độ sáng láng của tâm trí sáng tạo.
Ta dễ nhận ra những điều này qua một số phương diện cơ bản nhất.
Hiển nhiên, Huy Cận là một hồn thơ lớn. Hồn thơ ấy hết sức phong phú, đa dạng về hình thái cảm thụ, thức nhận lại rất linh hoạt trong lĩnh hội, nắm bắt.
Nhà thơ mạnh về trực giác, cảm xúc. Xưa kia, Huy Cận đã từng có những sự chuyển đổi cảm giác tinh tế kiểu nhà thơ lãng mạn Pháp Bea udelaire qua bài Buồn đêm mưa:
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn
Từ "nghe trời" (giọt mưa) được chuyển tới "nghe lòng"!
Điều quan trọng là, càng sau này, nhà thơ càng đi hết tận cùng cảm giác, khai thác triệt để mọi sắc thái xúc cảm.
Trước kia, có thể quy cái buồntrong thơ Huy Cận vào hai trạng thái lớn: "sầu vạn cổ" và "sầu nhân gian" để bao quát toàn diện về thời gian, không gian.
Nếu phân tích kỹ, ta sẽ thấy những trạng thái, sắc điệu buồn khác biệt: buồn man mác (Trường giang), buồn miên man (Buồn đêm mưa) và cả buồn vô cớ.... Khung cảnh không như nhau.Ở Đẹp xưa: "Trơ vơ buồn lọt quán chiều". Ở Chiều xưa: "Buồn gieo theo gió veo hồ".
Ngày nay, cái vui cũng đủ mọi cung bậc. Đoàn thuyền đánh cá là thơ vui toàn câu, toàn bài. Có cái vui của đất trời, sự vật – từcây buồm lan đến bầu trời: "Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng... Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long" tới con người: "Câu hát căng buồm cùng gió khơi". Bài thơ ca ngợi niềm vui lao động, nhưng lớn hơn là sự tôn vinh con người hoà hợp với thiên nhiên, làm chủ tự nhiên một cách đầy ý thức:
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng sao
Đã có nhận xét Huy Cận về Những đối cực trong một hồn thơ (Trần Khánh Thành): Vũ trụ và cuộc đời; sự sống và cái chết; trầm tư suy tưởng và hồn nhiên, tươi trẻ; nỗi buồn và niềm vui; hiện thực và lãng mạn. Điều đó đúng, nhưng chưa đủ và cần phân tích thêm cho thoả đáng.
Chẳng hạn, trong vũ trụ có bầu trời và mặt đất. Rồi đất, nước và cả lửa. Nước gồm sông và biển. Đất có núi, đèo, đồng, bãi. Tình cảm cũng mang nhiều sắc thái.
Ở đây xin chỉ dẫn qua đôi vần thơ trong Messages stéllaires et terrestres(Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất - Québec - Canada, 1996):
... Trời xanh ran lá biếc, biển chóa ngập buồm vàng
Gió thổi miền bất diệt, mây tạnh đất hồng hoang
... Anh tặng em buổi sáng hôm nay
Có hoa sen nở Hồ Tây trắng hồng
Tặng em trời mát như sông
Trong veo chảy giữa hai hàng cây xanh
Đó là tâm hồn đa cực trong vũ trụ thơ Huy Cận. Lại như quan hệ cảnh và tình, sự phong phú vô cùng, vô tận của cảm nhận tinh diệu:
Mây không bay thương nhớ cũng không màu
Nắng không xế và lòng sầu mất hướng
Câu thơ có đủ cả nỗi buồn, niềm cô đơn, sự băn khoăn, day dứt. Câu thơ cũng được xác định qua cái mơ hồ, bảng lảng, bất định.
Ngay từ Lửa thiêng, những cảm hứng thiên nhiên thường gắn với lẽ đời. Cảm hứng Nước gắn nỗi buồn và tình yêu; Cảm hứng Đất gắn suy tưởng về lẽ sống và cái chết...
Xưa kia buồn đời nhưng không chán đời, thậm chí thấp thoáng nét vui đời. Nay vui sống nhưng vẫn xen trộn suy tư, âu lo, băn khoăn, trăn trở, bức xúc. Đó là tình cảm, cũng là nhận thức: "Em ơi ong một ngày không làm xong đõ mật/ Trái một ngày chưa làm xong nhân hạt/ Sông một ngày chưa xong bãi phù sa/ Thai một ngày chưa đầy thịt, đầy da" (Chân lý).
Là nhà thơ, chiến sĩ, cùng với đội ngũ, Huy Cận đã thực sự dấn thân. Có những đợt đi thực tế gần 6 tháng trời ba cùng với công nhân vùng mỏ, lao động thực thụ như một người thợ: xúc than, đẩy xe goòng, ngủ lán, ăn cơm bụi,... Nhà thơ đã ngộ được nhiều điều, và nhận ra cuộc đời "xanh tươi".
Thời kháng chiến chống Mỹ, có lần Huy Cận bám trụ trên cầu Hàm Rồng nhiều ngày. Đã có bài thơ được làm ra ngay trong bom đạn. Những ngày đêm Điện Biên Phủ trên không nhà thơ kể chuyện đêm đêm ngủ dưới hầm nhà Bảo tàng Mỹ thuật (số 68 Nguyễn Thái Học), tưởng tượng như có sự tụ hội náo nức của những Phù Đổng Thiên Vương, những Trần Quốc Toản, những Kim Đồng, những Võ Thị Sáu... Đêm Noel giữa hàng chùm bom Mỹ huỷ diệt, nhà thơ đã viết xong bản trường ca Thiếu niên anh hùng họp mặt
Huy Cận có được "Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ" (Chế Lan Viên). Vì vậy, thơ của ông mang "chất thép" của thời đại.
Nổi bật nhất là sau này, khi nhà thơ đã lặn lội vào đời sống, thơ không chỉ có thêm chất sống mà còn thêm nhiều trí tuệ mà nổi bật nhất là lý tưởng cách mạng. Thơ Huy Cận đã bám sát sự sống hơn. Triết lý, triết luận cũng đậm màu sắc nhân sinh, nhân thế của cuộc đời mới.
Huy Cận được xem là nhà thơ đắm mình giữa nhân gian và vũ trụ. Bình luận về tập thơ đã dẫn trên (Thông điệp từ vừng sao và từ mặt đất), Louise De Gonzague Pelletier viết: "Thiên nhiên ca hát trong cảm hứng của Huy Cận. Những bài thơ của ông mang tính phổ quát và những chủ đề của ông mang tính nhân bản sâu sắc" [1; 447].
Là nhà thơ có cá tính sáng tạo mạnh mẽ, ngay từ khi sáng tác, Huy Cận đã có khuynh hướng tạo dựng một phong cách thơ độc đáo như đóng góp có ý nghĩa của sáng tạo nghệ thuật thi ca.
Thi pháp nghệ thuật được hình thành đồng thời với phong cách nghệ thuật và giữa chúng có mối quan hệ hữu cơ.
Như Chế Lan Viên từng nhận xét, từ lâu Huy Cận đã thích suy nghĩ về những thế kỷ, những vòm trời. Đỗ Lai Thuý định nghĩa: Huy Cận, sự khắc khoải không gian [1; 329 ]. Ta có thể thấy, từ Lửa thiêng cho đến sau này là một cảm hứng vũ trụ mạnh mẽ, tuy nội hàm có biến đổi. Cũng từ lâu, không gian nghệ thuật trong thơ Huy Cận mang nhiều đặc điểm mà rõ nhất là tính chất mở, có sự tương giao giữa con người và không gian. Ở mức độ nhất định, đó là sự kết hợp không gian tự nhiên với không gian tâm tưởng.
Không gian là nơi nghiệm suy triết lý, cũng là nơi thể nghiệm mơ mộng, khát vọng và tình yêu. Đó là cách chiếm lĩnh không gian đặc thù của Huy Cận: "Chở hồn lên tận chơi vơi/ Trăm chèo của Nhạc, muôn lời của thơ" (Trăng lên).
Khi cảm hứng hiện thực đã là chủ đạo thì thiên nhiên, tạo vật tôn cao vẻ đẹp con người, con người được nâng lên tầm vũ trụ: "Thuyền ta lái gió với buồm trăng/ Lướt giữa mây cao với biển bằng/ Ra đậu dặm xa dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăng" (Đoàn thuyền đánh cá).
Không gian thường gắn liền với thời gian.
Trong Lửa thiêng, thời gian như ngưng kếttrong không gian, làm nổi bật thời gian là những hoài niệm (Bergson): Đẹp xưa, Chiều xưa,... Đó là vòng thời gian nhân thế, dòng đời. Thời gian nghệ thuật trong Lửa thiêng chủ yếu là quá khứ: Tựa trường, Trò chuyện,...
Sau Cách mạng, nhà thơ quan tâm nhiều nhất tới thời gian hiện tại, trân quý nhất là Ngày hôm nay. Thời gian hiện tại chính là biểu tượng của niềm vui, hạnh phúc. Thời gian là hình tượng để chiêm ngưỡng say đắm: Cây thời gian xanh, Chín tròn mặt nguyệt, Sợi thời gian óng ánh buông mành, Thời gian đang chớm nụ đầu cành. Hiện tại cũng thường được liên tưởng với quá khứ: Lại thấy thần tiên đất nở hoa, Các vị La Hán chùa Tây phương,...
Nhìn chung, cái mới ở đây là sự quan tâm của nhà thơ tớithời gian lịch sử xã hội và thời gian đời người, thời gian nhân thế.
Huy Cận là nhà thơ có nhiều sáng tạo về thi pháp thể loại và ngôn ngữ.
Hình thức thể hiện thơ Huy Cận rất đa dạng: thơ tình, thơ tự sự - trữ tình, thơ sân khấu (Người bác sĩ, Người thợ ảnh). Có thơ cách luật, có trường ca, có thơ tự do. Nhìn chung, nhà thơ có nhiều tìm tòi dạng thức biểu hiện mới để diễn đạt cảm xúc mới, tình ý mới của con người thời đại.
Thời Thơ mới, thơ 7, 8 chữ chiếm lĩnh hàng đầu trong các thể loại như một sự cách tân táo bạo của thơ. Huy Cận vận dụng chắc tay thể trường thiên thất ngôn – vừa có phong thái mới Âu Tây, vừa mang âm hưởng Đường luật. Thời này, ban đầu thơ 6/8 có phần bị xem nhẹ, nhưng sau đó lại nổi lên với Huy Cận.
Xưa nay, trong các thể loại thơ, lục bát được coi là dân tộc nhất. Trong tay Huy Cận, thể thơ này lên ngôi, vừa mang giọng điệu dân gian, vừa mang hơi thở cổ điển.
Say mê, tôn sùng tiếng mẹ đẻ từ xưa - "Nằm trong tiếng nói yêu thương/ Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời" (Nằm trong tiếng nói, 1943), thơ Huy Cận là cả một sự sáng tạo, góp phần làm giàu thêm cho tiếng Việt.
Các phép tu từ, điệp ngữ được ông vận dụng rất giỏi. Nghệ thuật điệp thật tài tình: "Gió đưa hơi, gió đưa hơi/ Lá thơm như thể da người lá thơm", "Buồn gieo theo gió veo hồ". Huy Trâm trong Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại [1; 403 - 407] chỉ phân tích ba bài – Buồn đêm mưa, Đẹp xưa, Chiều xưa để làm rõ được cái hay, cái đẹp đặc sắc từ vần, điệu, nhịp thơ đến từng con chữ "châu ngọc" ngời sáng.
Chữa thơ là chuyện thường tình của người làm thơ, Huy Cận cũng không phải là ngoại lệ. Nhưng nhà thơ chữa đi chữa lại, thậm chí "chữa nát" một bài thơ.
Chỉ riêng bài Tràng giang: bản thảo đầu tiên ghi: 6/12/1939, bản thảo thứ 15 ghi: 27/2/1940. Ghi chú của nhà thơ: "Bài này hình thành dần qua 17 bản thảo cả thảy. Bản thảo ở trang này là bản thảo thứ 15. Hà Nội, 5/10/1971". Sửa chữa thơ như vậy thật ghê gớm!
Cũng như một số nhà thơ lớn, Huy Cận là một phong cách lớn, một phong cách thơ đa dạng.
Tuy có nét nổi bật, nhưng thơ Huy Cận là sự thống nhất của nhiều phẩm chất. Thơ vừa có chất suy tưởng triết lý, vừa có chất trữ tình tha thiết nên người ta coi Huy Cận là nhà thơ tâm tưởng. Tâm luôn mở rộng ra trong vũ trụ bao la, nhưng vẫn hướng về cuộc đời là chủ yếu - Huy Cận viết về Bài thơ cuộc đời.
Cuộc đời mới mở ra cho Huy Cận nhiều hướng sáng tạo: thơ và chính trị, thơ và lý tưởng, thơ và thời đại,... Cảm hứng vũ trụ hoà cùng cảm hứng cuộc đời. Suy tưởng triết học hoà trong cảm xúc hồn nhiên giữa các mảng sáng tác, xuyên suốt cả đời thơ.
Cảm hứng lịch sử mạnh mẽ gắn với văn hoá dân tộc. Trong Khảo luận văn chương (Khoa học xã hội, 1937), Hà Minh Đức nhận xét: "Huy Cận đã có nhiều thành tựu và sáng tạo mới, nhưng có nhiều lúc, thơ không theo kịp đời hoạt động của tác giả... Mong rằng thơ ông sẽ là một nụ hồng giữa một thế kỷ nhiều biến động và nhà thơ luôn khát vọng sáng tạo vì cuộc đời, vì con người" [1; 227].
Huy Cận là nhà thơ đồng nghĩa với nhà sáng tạo ngôn từ nghệ thuật. Ông luôn miệt mài, đam mê tìm tòi, đổi mới như một động lực mãnh liệt suốt một đời. Ông còn sáng tạo đường thơ độc đáo để đi vào con đường lớn của thơ ca, sáng tạo trên từng vần điệu, con chữ như nét chạm khắc nghệ thuật.
Nhà thơ để lại cho chúng ta tấm gương sáng về nhà văn – chiến sĩ, cũng là mẫu mực về nhà thơ – nghệ sĩ.
Với thử thách khắc nghiệt của thời gian, Huy Cận vẫn lấp lánh mãi ngọn Lửa thiêng sáng tạo nghệ thuật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Huy Cận (2000) - Về tác gia và tác phẩm - Giáo dục.
Huy Cận (2006) - Cuộc đời và sự nghiệp - Hội Nhà văn.

Đoàn Ngọc Huy
Theo http://llc.tdu.edu.vn/



Cái nhìn từ sự đa chiều trong truyện Kiều

Cái nhìn từ sự đa chiều trong truyện Kiều
Tự sự không chỉ giản đơn là kể chuyện mà còn truyền cho người nghe, nguời đọc cảm giác được chứng kiến, được nhìn ngắm sự việc và con người, được cảm xúc với diễn biến, tình thế, vì thế điểm nhìn tự sự có ý nghĩa rất quan trọng. Bất cứ tự sự nào cũng đều có người kể chuyên mang nhiều loại điểm nhìn đến cho người đọc. Truyện Kiều là một truyện thơ, một tác phẩm tự sự, thế nhưng lâu nay các nhà nghiên cứu ít bỏ công nghiên cứu đặc sắc của nó từ phương diện này. Nói đến tác phẩm Truyện Kiều thì người ta hoặc tóm tắt truyện theo chương mục, hoặc so sánh sự thêm bớt giữa truyện Tàu và Đoạn trường tân thanh. Xem cách tả cảnh, tả tình, miêu tả tâm lí, khắc hoạ nhân vật sao cho giống, cho hệt, cách sử dụng từ ngữ khéo léo, tài tình thế nào, xem đó như là những yếu tố riêng biệt. Điều đó là cần thiết, song nghệ thuật là thế giới điểm nhìn được thể hiện ra một cách toàn vẹn. Người kể chuyện và điểm nhìn trần thuật trong truyện cũng ít được xem xét. Đó là vì lí thuyết điểm nhìn mới có ở phương Tây trong khoảng từ những năm 20 đến những năm 70 thế kỉ XX. Tuy nhiên tự sự học phương Tây thiên về phân tích điểm nhìn người kể và điểm nhìn nhân vật có tính kĩ thuật, nhưng cần nhìn nhận điểm nhìn trong văn bản tự sự theo một quan điểm rộng rãi hơn. Theo Thi pháp học kết cấu của nhà kí hiệu học Nga Boris Uspenski thì điểm nhìn tự sự còn bao gồm điểm nhìn tư tưởng hệ, điểm nhìn không gian, thời gian, điểm nhìn tâm lí, điểm nhìn ngôn ngữ (hoặc quán ngữ, phrazeologie). Theo chúng tôi, cần xem xét điểm nhìn thể loại, bởi mỗi thể loại có một kiểu điểm nhìn riêng. Ví như tự sự sân khấu chỉ cho người xem nhìn thấy một phía trước, là phía người ngồi xem, không được xem từ phía cánh gà. Như thế diễn viên dù nói với ai cũng đều không thể quay lưng về phía người xem. Truyện phật thoại truyện giáo huấn chỉ được nhìn theo đối lập thiện ác, kẻ ác dù ác thế nào đều có thể “phóng hạ đồ đao, lập địa thành phật” (buông dao sát sing, lập tức thành phật), nhưng không thể có chuyện ngược lại, người đã thành phật không thể trở thành kẻ ác. Tam quốc diễn nghĩa cũng chỉ có chuyện trung vua nhất quán, không có điểm nhìn ngược lại. Điêu Thuyền chỉ biết hi sinh cho liên hoàn kế của Vương Tư đồ, không có mảy may suy nghĩ riêng tư, thiếu hẳn điểm nhìn cá thể.
Xét về mặt này Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự đặc biệt, tự sự đa điểm nhìn hay điểm nhìn nhiều chiều. Mới nhìn thì có vẻ mâu thuẫn, những xem kĩ thì lại thống nhất rất tinh vi. Truyện Kiều trước hết là một tác phẩm truyện thơ Nôm, sáng tác trên cơ sở một tiểu thuyết văn xuôi chương hồi của Trung Quốc, cho nên trước hết nó mang trong mình vừa con mắt thơ của truyện thơ, vừa con mắt văn xuôi đậm chất tiểu thuyết.  Thứ hai, Truyện Kiều vừa mang quan điểm đạo đức quan phương trung hiếu tiết nghĩa, vừa mang quan điểm của người dân bị chà đạp và khao khát muốn tháo cũi sổ lồng, cho nên chứa đựng nhiều mâu thuẫn mới lạ, sảng khoái. Thứ ba, Truyện Kiều mang tư duy tu từ của lối sáng tác theo câu chữ, hình ảnh có sẵn, vừa mang tư duy có tính cá thể hiện đại tươi mới. Thứ tư, Truyện Kiều vừa tao nhã, quý phái vừa thế tục, suồng sã. Truyền Kiều vừa kết tinh tinh hoa tiếng Việt dân dã, trữ tình, vừa bao gồm tinh hoa ngữ liệu Hán với rất nhiều điển cố thơ văn cổ điển. Thứ năm, Truyện Kiều về triết lí, vừa có quan điểm nho gia, vừa có phật gia, đạo gia. Chính nhờ có nhiều điểm nhìn trái chiều phối xen mà thế giới tác phẩm đa nghĩa, đa chiều, thẩm mĩ phong phú thỏa mãn những cách cảm thụ và diễn giải khác nhau.
1. Theo cặp điểm nhìn thứ nhất ta thấy, Truyện Kiều vừa giống tiểu thuyết mà nó dùng làm lam bản, lại vừa không giống, bởi vì nó là một truyện thơ. Và vì nó là truyện thơ cho nên nó đã tích hợp cả một truyền thống thi ca rất phong phú, vừa có ở trong kho tàng thi ca Trung Quốc, vừa có trong kho tàng thi ca và ngôn ngữ Việt Nam. Mới nhìn thoáng qua, hầu như các chi tiết, sự kiệnTruyền Kiều đều đã có sẵn, vay mượn từ tiểu thuyết  của tác giả Trung Hoa. Nhưng nhìn kĩ, thì tất cả các sự kiện chi tiết ấy đã được nhìn từ nhãn quan thi ca. Chân dung nhân vật chính là những chân dung thi ca, khác hẳn chân dung văn xuôi của Thanh Tâm Tài Nhân. Cô Kiều thì: “Làn thu thủy, nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm. liễu hờn kém xanh”. Còn Kim Trọng: “Tuyết in sắc ngựa câu giòn, Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời”, những hình ảnh rất đẹp, không có chút gì văn xuôi và cũng không có trong nguyên tác.
Cuộc gặp mặt đầu tiên, rồi phong cảnh buổi chơi xuân, nỗi buồn vẫn vơ của mối tình chớm đậu thấm vào trong cảnh. Từ đó về sau, các cảnh nhớ nhà, cảnh ngắm trăng, cảnh đi sớm, cảnh ngồi một mình, cảnh tiễn biệt, niềm vui tái ngộ, tất tật đều có hơi hướng thi ca từ trong truyền thống thơ Đường, điều mà nguyên tác không thể có được. Cái cảnh đi trốn cùng Sở Khanh cũng đầy chất thơ: “Đêm thu khắc lậu canh tàn, Gió cây trút lá trăng ngàn ngậm gương. Lối mòn cỏ lợt màu sương, Lòng quê đi một bước đường một đau”. Cảnh chia tay Thúc Sinh: “Người lên ngựa, kẻ chia bào, Rừng phong thu đã  nhuốm màu quan san”. Cái nhìn trong cách xưng hô cũng rất thơ. Đối với Kiều, Kim Trọng người kể chủ yếu là xưng chàng, nàng, cách xưng hô dành cho nhân vật con nhà gia thế, đồng thời rất gần gũi về mặt tâm tình. Tương ứng với cách xưng hô này là cách gọi tên Kiều một cách thân mật, mà không gọi là Thúy Kiều như trong nguyên tác. Chỉ Tam hợp đạo cô, một kẻ nắm vận mệnh Kiều, đứng rất xa nàng mới gọi nàng bằng Thuý Kiều. Cái nhìn thơ mộng này là điều mà một số nhà nghiên cứu trước đây và nhà nghiên cứu Trung Quốc chưa từng nhận thấy rõ. Nhưng Truyện Kiều không chỉ là thơ, mà còn là tiểu thuyết. Ở đây có cảnh vu oan, bắt người tra tấn, cảnh cướp phá, cảnh bán người, cảnh đánh đập bắt tiếp khách, cảnh báo ân báo oán với những chi tiết cụ thể. Có cử chỉ vờ vịt của Mã, Sở, của Bạc Hạnh, cảnh đánh ghen hiểm ác của Hoạn Thư. Có chi tiết “nước vỏ lựu, máu mào gà”, có lối xưng hô “Chẳng văng vào mặt mà mày lại nghe” rất là tiểu thuyết. Nhưng tự sự cũng rất thơ, không hề văn xuôi, bởi vì đăng đối hô ứng, thi vị. Nó rất nhanh gọn và nhịp nhàng. Ví dụ việc Kiều nhân cha mẹ và hai em đi sinh nhật mà sang với Kim Trọng. Chỉ sáu câu mà kể đủ: “Nhà lan thanh vắng một mình, Gẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay. Thì trân thức thức sẵn bày. Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường. Cách hoa sẽ dặng tiếng vàng, Dưới hoa đã thấy có chàng đứng trông”. Hay như cảnh Kiều tự tử ở lầu xanh lần thứ nhất. Khi mụ Tú đánh đập, Kiều liền: “Thôi thì thôi có tiếc gì, Sẵn dao tay áo tức thì giở ra. Sợ gan nát ngọc liều hoa, Mụ còn trông mặt, nàng đà quá tay. Thương ôi tài sắc bậc này, Một dao oan nghiệt dứt dây phong trần. Nỗi oan vỡ lỡ xa gần, Trong nhà người chật một lần như nen. Nàng thì bằn bặt giấc tiên, Mụ thì cầm cập mắt nhìn hồn bay”. Chỉ có 10 dòng mà sự lí rõ ràng, kịch tính sắc nét, lại có chút hóm hỉnh, mỉa mai của văn xuôi. Ở đây cái nhìn thơ và văn xuôi đan bện trong ngôn ngữ kể chuyện chứ không phải truyện kể văn xuôi xen lẫn với thơ của các nhân vật như một phép cộng giản đơn như trong nguyên tác và các truyện truyền kì khác. Cách kể bằng thơ cũng gọn gàng, nhịp nhàng rất thú vị. Chẳng hạn cảnh Kiều thấy Kim lần đầu: “Chàng Vương quen mặt ra chào, Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa”. Hoặc cảnh Kim Kiều tình tự, bổng nghe người nhà về thì “Vội vàng lá rụng hoa rơi, Chàng về viện sách, nàng dời lầu trang”. Một lối kể chuyện gẫy gọn chỉ có trong truyện thơ của Nguyễn Du và đem lại một nghệ thuật bậc thầy  khó ai sánh được.
2. Truyện Kiều kể về chuyện một người phải bán mình làm nghề gái đĩ và một tướng cướp chống lại triều đình cuối cùng bị lừa và bị giết, nhưng cách nhìn của người kể rất đặc biệt. Hầu như mỗi sự kiện đều có song song hai điểm nhìn khác nhau. Khác với các truyện giáo huấn, truyện cổ tích, truyện diễn nghĩa con người chỉ nhìn theo một chiều theo đánh giá chính diện, phản diện theo quan điểm tác giả. Trong Truyện Kiều có cái nhìn nhiều chiều. Về việc bán mình, có cái nhìn từ phía luân lí đạo đức: “Làm con trước phải đến ơn sinh thành”, nhưng từ góc độ cá nhân thì nổi lên sự không đành lòng: “Ôi Kim lang, Hơi Kim lang, Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”. Chuyện cậy em thay lời vừa muốn vừa không muốn: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Chi tiết này là của Nguyễn Du. Đối với chữ trinh khi thì một mặt, “Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”, mặt khác, “Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường”. Khi thì lại như không cần trinh tiết nữa: “Biết thân đến bước lạc loài, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Chi tiết này cũng của Nguyễn Du, không có trong nguyên tác. Đối với việc đi tu cửa Phật, có quan điểm tin vào phép Phật nhiệm màu: “Cho hay giọt nước cành dương, Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên”. Nhưng từ quan điểm cá nhân thì đi tu là một sự hủy hoại tuổi xanh: “Đã đem mình bỏ am mây”; “Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi”. Đi tu là một sự bất đắc dĩ. Đây là điểm nhìn của cô Kiều của Nguyễn Du, không có trong nguyên tác. Và đó không phải là quan điểm của người mộ đạo.  Khi có điều kiện Kiều liền báo ân và báo oán, nhiều kẻ chết thê thảm, khác xa lí tưởng nhà Phật vốn là giới sát. Đến cuối truyện nhà  Kiều lập am và Kiều dầu đèn chờ Giác Duyên theo chữ “nghĩa” của nho gia, chứ không hẳn là tu phật, vì nàng đâu có xuất gia, nàng về danh nghĩa vẫn đang là vợ chính thức mới cưới của Kim Trọng. Như thế là đối với mỗi sự kiện đều có những cách hiểu khác nhau. Đối với Hồ Tôn Hiến lúc đầu giới thiệu rất trang trọng: “Có quan Tổng độc trọng thần”, nhưng liền đó lại thấy con người tráo trở: “Lễ nghi dàn trước, bác đồng phục sau”. Lại có cái nhìn phát hiện ra y là kẻ tầm thường: “Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình”. Những điểm nhìn khác nhau vẽ ra những con người lập thể, đa diện. Phức tạp hơn hết là cái nhìn đối với nhân vật Từ Hải. Theo quan điểm quan phương thì Từ là một tướng cướp, là giặc, nhưng chỉ có họ Đô là xưng Từ là giặc, còn người kể chuyện ngay từ đầu đã gọi Từ là khách biên đình, là anh hùng, cho đến khi Từ đã chết, trước mặt Hồ Tôn Hiến Kiều vẫn nói: “Rằng Từ là đấng anh hùng, Dọc ngang trời đất, vẫy vùng bể khơi”. Khi khóc than chuẩn bị gieo mình xuống sông Tiền Đường Kiều đều gọi Từ là “Từ Công”, giống như khi trước gọi Hồ Tôn Hiến là Hồ Công, không hề phân biệt “địch ta”. Đối với việc khuyên Từ Hải hàng, cũng có nhiều quan điểm. Khi thì gọi đó là “việc nước”, theo quan điểm quan phương, khi thì thì thấy đó là sự “giết chồng”, khi thì thấy là “có công”, khi lại thấy là “có tội”: “Nghĩ mình công ít tội nhiều”. Nhưng nghĩ kĩ thì thấy hành động của Kiều là nhẹ dạ: “Nàng thì thật dạ tin người, Lễ nhiều nói ngọt, nghe lời dễ xiêu”. Điểm nhìn của Nguyễn Du, không có trong nguyên tác. Đối với ông Trời, quan điểm định mệnh của Nguyễn Du là rất rõ và nhất quán, tuy vậy cũng có lúc cho rằng “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều.” Trời của Nguyễn Du không đồng nhất với Thiên của nho giáo, vốn là một “thiên lí” siêu hình, mà là một kẻ biết xúc động với với hiếu tâm của Kiều, sẵn sàng nghiêm trị bọn bạc ác tinh ma. Đối với bọn Tú, Mã, Sở thì tội của chúng là do chúng tự chuốc lấy, chứ không phải tại trời. Trước đây các nhà phê bình Mác xít Việt Nam thường có thói quen duy vật là chỉ thừa nhận những tư tưởng tiến bộ của nhà văn, còn những tư tưởng lễ giáo hay định mệnh thì coi là những hạn chế của thế giới quan phong kiến. Thực ra nếu thừa nhận nhãn quan định mệnh, tư duy lễ giáo là tất yếu lịch sử thì sẽ thấy nhà thơ của chúng ta đã vượt lên trói buộc của thời đại để có những nhận thức mới phù hợp với quan điểm nhân văn mới đúng.
3. Xem chân dung Thuý Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng, Từ Hải ai cũng thấy đó là các chân dung có sẵn đâu đó trong văn học trung đại, không mang chút cá tính cụ thể nào. Những “mai cốt cách, tuyết tinh thần”, “Làn thu thủy nét xuân sơn”, “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”… đều là những sáo ngữ. Ngay hình ảnh được nhiều người ca tụng “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà”  thì cũng là sáo ngữ, nói chung người con gái nào mà không như thế. Có thể nói đó là điểm nhìn tu từ học cổ điển, miêu tả theo lối ước lệ có sẵn. Nhưng nếu dựa vào đó để chê Truyện Kiều thiếu cá tính, thiếu ý thức cá nhân thì lại nhầm to. Nguyễn Du có một điểm nhìn trái ngược với quan điểm tu từ ấy khi miêu tả nhân vật, đó là miêu tả nhân vật từ bên trong, từ điểm nhìn nội tại có tính cá thể cao độ. Tôi đã có nhận xét rằng, trong Truyện Kiều, con người bên trong cụ thể cảm tính hơn con người bên ngoài, lời nói bên trong cụ thể hơn lời nói bên ngoài, phong cảnh bên ngoài có xu hướng nội tâm hóa. Thế giới nội tâm của Truyện Kiều là rất cụ thể, không lặp lại. Cảm xúc của Kiều khi gặp chàng Kim, cảm xúc khi phải bán mình, tình cảm lúc cậy em thay lời, cảm xúc khi buộc phải tiếp khách, cảm xúc khi phải chuyện trò với chàng Thúc chỉ biết hưởng thụ thân thể nàng. Toàn bộ thế giới tâm tình của nhân vật ai đã đọc đều không thể cho là ước lệ, đó là “con người này”, là một cá tính không lặp lại. Ở đây không còn là quan điểm tu từ của chủ nghĩa truyền thống, mà đã là quan điểm văn học theo kiểu cá nhân luận cận hiện đại. Không chỉ một mình Kiều như thế mà các nhân vật khác như Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, kể cả nhân vật Mã Giám Sinh, mụ Tú Bà cũng đều có một cuộc sống riêng bên trong, mà ngoài cái vẻ bề ngoài khuôn sáo thì chỉ có dòng ngôn ngữ nội tâm, độc thoại nội tâm mới miêu tả ra được. Ngay phong cảnh, sự việc đều hiện ra qua cảm thụ của con người. Hãy nhìn kĩ cách tả cảnh trong truyện sẽ thấy cảnh không phải là tĩnh tại, được đưa ra như là có sẵn, mà là xuất hiện dần dần theo bước chân, con mắt của nhân vật. Chẳng hạn, Bước lần theo ngọn tiểu khê, Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh. Nao nao dòng nước uốn quanh, Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang. Sự vật hiện ra qua sự phỏng đoán của nhân vật, ví dụ: Bóng hồng nhác thấy nẻo xa; Trông chừng thấy một văn nhân; Thưa hông rậm lục đã chừng xuân qua… Miêu tả hay trần thuật cái gì cũng lấy sự cảm nhận của con người làm trung tâm. Đây chính là giá trị đỉnh cao của tác phẩm về phương diện chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn trên phương diện nghệ thuật.
4. Truyện Kiều kề thừa quan điểm chữ Thân trong Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, nhìn con người qua quan điểm hình nhi hạ. Nếu lấy cuối thế kỉ XVII đầu thế kỉ XVIII là dấu mốc chia văn học Việt Nam trung đại làm hai giai đoạn thì ta thấy từ thế kỉ XVII về trước con người trong văn học chỉ được quan tâm từ hình nhi thượng, tức là con người sống theo đạo lí, nhìn người theo đạo lí. Còn văn học từ thế kỉ XVIII trở đi lại nhìn người chủ yếu theo hình nhi hạ, tức là nhìn người theo tấm thân. Thân đây là thân thể, cái phần vật chất sẽ bị thời gian tàn phá, sẽ có thể mua bán, có thể bị giày xéo, hư nát, khổ đau. Truyện Kiều là tác phẩm tự sự theo điểm nhìn chữ Thân. Những người hiểu nhân vật qua chữ tài, sắc, chữ tình, chữ hạnh đều không hiểu gì Truyện Kiều. Những người bám vào câu “tài mệnh tương đố” cũng không hiểu được Truyện Kiều. Bởi Truyện Kiều là tác phẩm kể về một Tấm thân quằn quại vũng lầy, Thân lươn bao quản lấm đầu, kể nỗi đau của Tấm lòng trinh bạch từ nay cũng chừa. Xót thân chìm nổi đau lòng hợp tan. Truyện Kiều là sự phát triển sâu sắc nhất của dòng văn học chữ Thân trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII. Nguyễn Du đã nâng tư tưởng tài mệnh tương đố lên mệnh đề thân mệnh tương đố rất sâu sắc.
5. Truyện Kiều cũng tự sự theo quan điểm chữ Tâm. Chữ Tâm khiến nàng thương khóc Đạm Tiên, nể lời Kim Trọng, chữ Tâm khiến nàng bán mình chuộc cha, cậy em thay lời, chữ Tâm khiến nàng chịu nhẫn nhục, không buông thả theo lối tà dâm, khiên nàng khuyên Từ Hải hàng, lại chết theo Từ Hải. Trong truyện của Thanh Tâm tài nhân thì khi hầu rượu Hồ Tôn Hiến, Kiều liếc mắt đưa tình, lung lạc hắn, khác với Kiều Nguyễn Du. Nhìn theo chữ Tâm để kết truyện có thể nói “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Từ điểm này nhìn lại đoạn tả chị em Thuý Kiều, nhất là Kiều: “Thông minh vốn sẵn tính trời, Pha nghề thi hoạ đủ mùica ngâm, Cung thương làu bậc ngũ âm, Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương, Khúc nhà tay lựa nên chương, Một thiên bạc mệnh lại càng não nhân, Phong lưu rất mực hồng quần” thì thấy điểm nhìn lời kể có phần tung hô, quảng cáo theo lối cậy tài, thị tài  thái quá, tương phản với câu Có tài mà cậy chi tài sau này. Đó là phục bút để cho người nhẹ dạ tưởng Nguyễn Du chỉ ca ngợi tài Kiều, mà không thấy nhà thơ đã dùng lời lẽ khác thường. Nhưng cái cảnh xem tài đàn là cái “lầm người bấy nay” thì thật khó hiểu và quá oan cho tài đàn của nàng. Cái tài bị ghét một cách oan uổng lại là điểm nhìn mâu thuẫn về thế giới quan thật.
6. Truyện Kiều là truyện kể vừa tao nhã, quý phái vừa là thế tục, vừa nhã vừa tục. Nói quý phái tao nhà là khi miêu tả nhân vât với những đường nét cao sang như mai cốt cách, tuyết tinh thần, Kiều xuất hiện khi nào cũng có mùi hương quyến rũ, một điều mà nguyên tác không có. Lời nói nhân vật chủ yếu là văn hoa, điển cố. Trang phục nhân vật, hoàn cảnh xung quanh đều sang trọng, như “Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng”, “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”, thật là tao nhã quý phái rất mực. Theo nguyên tác Trung Hoa thì gia đình họ Vương chỉ là viên ngoại, thường thường bực trung, Kiều không phải là tiểu thư khuê các, không có a hoàn theo hầu, cô Kiều trong tranh minh họa có khi miêu tả là người mặc áo ngắn tay. Nhưng nếu miêu tả theo quan điểm đó thì tác phẩm thiếu đi cái đẹp sang trọng tao nhã, không hợp với cái gu quý tộc vốn có của tác giả Nguyễn Du. Nhưng mặt khác Truyện Kiều nguyên là sản phẩm của dòng tiểu thuyết ra đời trên nền tảng thị hiếu thị dân, phong khí thế tục rất thịnh, kể những chuyện đời thường, có trộm ngọc cắp hương, có yếu tố sắc dục, có tình tiết mưu lừa, các kế sách mua gái nhà lành, lừa ép tiếp khách, đánh úp kẻ xin hàng. Nguyễn Du rõ ràng đã tước bỏ đi rất nhiều các mưu mẹo lọc lừa, các chi tiết “intrigue” gây hấp dẫn, nhưng tính chất thông tục của cuốn truyện vẫn không thay đổi. Bởi vẫn còn chuyện bán mình chuộc cha, bị lừa bán cho lầu xanh, bị đánh ghen, lại vào lầu xanh lần hai, làm vợ tướng giặc, bị ép gả cho thổ tù, nhục nhã phải gieo mình tự tận. Đó là một số phận đời thường mà ai cũng hiểu được, ai cũng quan tâm. Những khi nhục nhã ê chề, thanh lâu hai lượt thanh y hai lần, Kiều không còn gì là sang trọng, quý phái nữa, mà chỉ còn là con người đau khổ nhục nhã nói chung, đại diện cho bao thân phận phụ nữ  bị dập vùi. Đó là truyện thông tục, bình dân, ai cũng hiểu. Đặc biệt Truyện Kiều tự sự từ chữ Thân, tức là thân thể, cái phần đau đớn, dễ bị mua bán, hành hạ, hủy hoại của kiếp người, cái phần sung sướng và đau khổ. Trong dòng văn học chữ Thân của Việt Nam nảy sinh từ thế kỉ XVIII với Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Truyện Kiều đã đi xa nhất, thể hiện một cái thân phổ quát nhất, do đó tác phẩm vừa là văn học đại chúng vừa là văn học tinh hoa cao cấp.
7. Gắn với tính chất cao nhã Truyện Kiều có một hệ thống ngôn ngữ (trường ngữ vực) chi tiết rất đẹp, với những thềm hoa, lệ hoa, trướng gấm, buồng thêu, tiếng vàng, giọt ngọc, con người thì mặt hoa, ngọc thốt, nhạc vàng, hài văn, đầy tính trang sức rất cao quý, tao nhã. Cũng với đó là các điển cố cầu lam, chương đài, chim xanh, Trang Chu mộng bướm, Đỗ Quyên khóc máu, hồn mai, giấc hòe, kim mã ngọc đường, tác phẩm như một đồ vật quý khảm vàng bạc châu ngọc rất quý giá. Nhưng mặt khác Truyện Kiều dày đặc những lời kể rất Việt Nam: “Đau đớn thay phận đàn bà, Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. “Vui là vui gượng kẻo là, Ai tri âm đó mặn mà với ai”. “Người yêu ta xấu với người, Yêu nhau mà lại bằng mười phụ nhau”, đọc lên hết sức gần gủi như những bài ca dao. Đặc biệt ngôn ngữ nhân vật trong truyện đều có tính chất cá thể hóa cao độ. Lời kể, lời tả, đều rất dung dị, thiết tha, đau đớn, thấm vào gan ruột người đọc.
Truyện Kiều là một tác phẩm tự sự đa chiều, nhiều giọng, nhiều điểm nhìn. Một mặt là những điểm nhìn có sẵn của truyền thống tự sự trung đại. Đó là điểm nhìn tu từ học, điểm nhìn tiểu thuyết chương hồi, điểm nhìn lễ giáo, quan phương. Nhưng mặt khác Nguyễn Du đã đem vào những điểm nhìn mới lạ, điểm nhìn thi ca, điểm nhìn cá nhân, cá thể, thế tục của nhân vật, điểm nhìn nhân văn, điểm nhìn thân thể, điểm nhìn nội tâm, điểm nhìn tao nhã và điểm nhìn thông tục đời thường. Các điểm nhìn mới đó đã làm mới câu chuyện, làm mới hình thức và nội dung tác phẩm, biến một tác phẩm thường thường bậc trung thành một kiệt tác tầm cỡ thế giới.
Nguồn: Bài đọc trong Hội thảo kỉ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du tại Thư viện Quốc gia Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2015.
Trần Đình Sử
Theo http://llc.tdu.edu.vn/




Chế Lan Viên - Độc đáo một tiếng thơ giàu sắc điệu

Chế Lan Viên - Độc đáo 
một tiếng thơ giàu sắc điệu
Quan niệm về giọng điệu văn chương đã được đề xuất và bàn luận từ lâu trong văn học dân tộc cũng như văn học thế giới. Đặc biệt là sự xác định qua các công trình lý luận văn học.
Khi đi sâu vào nghiên cứu Giọng điệu trong thơ trữ tình, Nguyễn Đăng Điệp đã đề xuất hệ thống các khái niệm cụ thể, có ý nghĩa như công cụ để tiếp cận, nhận diện và xác định những tiêu chí thẩm mỹ cho giọng điệu thơ ca. Công trình đã góp phần củng cố một cơ sở lý luận thống nhất và phần nào phát huy được những suy nghĩ cá nhân để tiếp tục mời gọi các nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, có mấy vấn đề cần được đề xuất và nhấn mạnh thêm về quan điểm, định hướng và phương pháp đặc thù để khám phá và nhận diện giọng điệu thơ ca.
Cần đặc biệt chú ý cái tạng riêng và cảm hứng chủ đạo của từng tác giả. Thao tác khám phá cần phải được tiến hành một cách toàn diện, vì sự biểu hiện của giọng điệu trong thơ là ở tất cả - từ cấu trúc, ý tưởng, tứ thơ đến hình ảnh, ngôn ngữ, nhất là ý ngoài lời – phạm vi đòi hỏi sự cảm thụ tinh tế. Tâm trạng riêng nhưng tâm thế chung. Giọng điệu trong thơ bao giờ cũng mang tính lịch sử cụ thể.
I.TIẾNG THƠ BIẾN HOÁ MỘT ĐỜI THƠ
Sự vận động của cái tôi trữ tình trong thơ Chế Lan Viên
Trước hết, ta cần phân tích rõ chủ thể sáng tạo thơ.
Theo dõi quá trình sáng tác trong đời thơ Chế Lan Viên, có thể phân chia theo thời gian trên đại thể như sau:
- Cái tôi trữ tình trong thơ trước Cách mạng Tháng 8.
- Cái tôi trữ tình trong thơ giai đoạn 1945 – 1975.
- Cái tôi trữ tình trong thơ những năm cuối đời.

Cũng xét trên đại thể, từ sau năm 1945 đã là khởi đầu cho sự hình thành cái tôi kiểu mới trong thơ ca cách mạng. Đối với Chế Lan Viên, đó là sự chuyển biến từ tôi sang ta, từ tháp ngà cá nhân ra cuộc đời chung. Điều đó cũng có nghĩa là "từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui". Chế Lan Viên đã tự xây dựng được cái tôi công dân –tức cái tôi trữ tình yêu nước. Sự chuyển biến này cũng mang dấu ấn riêng của nhà thơ – "Đi xa về hoá chậm",thực chất mang tính cách mạng rất quyết liệt:
"Ta là ai?" như ngọn gió siêu hình
Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt
"Ta vì ai?" khẽ xoay chiều ngọn bấc
Bàn tay người thắp lại triệu chồi xanh
Hai câu hỏi
Nói một cách thậm xưng, nhà thơ đã trải qua một cuộc lột xác. Cách mạng đã đổi đời, đổi thơ cho Chế Lan Viên. Quá trình tự cải biến mình phải trải qua biết bao nhiêu dằn vặt, tiếc nuối, xót xa và đau đớn: "Ta lấn từng nỗi đau như mùa chiêm lấn vành đai trắng/Lấn tật bệnh mà đi, máu đỏ lấn da xanh". Thơ có giọng ngậm ngùi, day dứt là vì vậy.
Sự biến chuyển của nhà thơ có thể thâu tóm qua mấy cuộc hành trình lớn:
Cái tôi hoà nhập vào cái ta cộng đồng
Đây là thời đoạn từ cái tôi tự ca hát chuyển sang cái tôi tập nói. Gửi các anh là bằng chứng cho sự chuyển giọng điệu ấy – từ cái tôi cao đạo, kiêu sa trở thành cái tôi quần chúng. Chế Lan Viên bắt đầu nói về những người khác: "Các anh ơi! Các anh, những người đã khuất". Chào mừng có điệp khúc mở đầu: "Các anh ơi!", và sau đó mới là "Chúng ta/ Anh em chúng ta". Nhà thơ đã có đối tượng giao tiếp mới: Gửi các anh, Gửi mẹ trong vùng tạm chiếm...
Cái tôi ca hát về cuộc sống mới
Thời đoạn này bắt đầu từ tập Ánh sáng và phù sa. Cuộc đấu tranh nội tâm tiếp tục diễn ra một cách quyết liệt.Nhật ký một người chữa bệnh đã có những bứt phá mạnh mẽ để tạo được sự hồi phục – cũng có nghĩa là sự hồi sinh. Chế Lan Viên đã mượn lời đau để nói lên niềm vui: "Nhưng ngày mai tiếng hát kịp theo lòng/ Thì lấy câu vui mà dệt đời hồng". Nhà thơ tâm niệm: "Mỗi câu thơ đều phải vượt lên mình". Thơ Chế Lan Viên có rất nhiều lời ca trong cuộc đời chung: "Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát".
Cái tôi đã dần dần tìm lại được chính mình. Và, tiếng hát tâm hồn bắt đầu cất cao thành khúc hát cuộc đời mới.

Đất nước đi vào một thời kỳ lịch sử mới - vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Cao trào chống Mỹ cứu nước đã huy động tổng lực sức mạnh của nhân dân, đánh dấu sự hiện diện của nhà thơ trong tư thế mới.
Cái tôi thi sĩ – chiến sĩ
Đây là thời đoạn thơ đầy thử thách của nhân cách:
Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến luỹ
Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi
Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?
Cái tôi sử thi - cái tôi đạo đức thế sự.
Những năm cuối đời, nhà thơ mang tư thế mới, cũng như có tâm trạng mới.
Vẫn còn chừng mực nào đó của cái ta, nhưng giờ đây, nhà thơ trở lại cái tôi nhân danh chính mình. Có đối thoại, nhưng bao trùm là độc bạch trong thơ.
Cái tôi tự nói với mình về thế sự, nhân tình, về số phận riêng trong cuộc đời, qua đó thể hiện dấu ấn đời tư khá rõ. Trong thơ còn có cả những vướng mắc, trăn trở - Tháp Bayon; Ai? Tôi!... và cả sự thách thức, đối mặt với bệnh tật, với cái chết – Các mùa hoa, Từ thế chi ca,...
2/ Sự vận động và biến hoá giọng điệu thơ
Sự vận động của cái tôi trữ tình chính là sự xuất hiện của những vị thế, những gương mặt tâm hồn khác nhau. Kèm theo đó là sự diễn biến đa dạng của các phương tiện biểu hiện trữ tình: thay đổi cảm hứng, sự tiến hoá của giọng điệu, ngôn ngữ, sự biến hoá của hình ảnh, hình tượng thơ.
Thật khó có thể khái quát và định danh một giọng điệu chung cho một thời kỳ sáng tác trải dài và đầy biến động phức tạp.
Tuy nhiên, một cách tóm lược, ta có thể nhận diện được giọng điệu cơ bản như âm hưởng thơ của một thời. Sau đây là một cái nhìn đại thể:
- Thời kỳ đầu đời: Giọng điệu sầu hận, kinh hoàng, gay gắt.
- Thời kỳ từ sau Cách mạng: Giọng điệu oai nghiêm, tha thiết, hào sảng.
- Thời kỳ cuối đời: Giọng điệu thâm trầm, suy tưởng, day dứt.
Mỗi thời kỳ, giai đoạn những giọng điệu ấy lại mang những sắc thái, những cung bậc phong phú nội tại theo những càm hứng đa dạng, cụ thể khác nhau.
Có sự đan xen tiếp diễn những sắc điệu, thậm chí có khi ta bắt gặp sự trở lại của giọng thơ cũ nhưng đã mang sắc thái khác. Chẳng hạn như sự tiếp nối nhưng hạ dần sắc d0ộ sư thi vào cuối đời. Lúc này, ta dễ dàng nhận ra sự trở về của giọng buồn đau mông lung thời Điêu tàn nhưng nét mới là có sắc thái rắn rỏi hơn nhiều với niềm tin thiết tha: "Tro tàn đẻ ra lửa/ Em hãy tin ở đời" (Ngũ tuyệt về lòng tin – Hoa trên đá), "Như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên" (Từ thế chi ca – Di cảo thơ I).
Thơ trước và sau 1975 là sự đổi giọng một cách có ý thức:
Giọng cao bao nhiêu năm, giờ anh hát giọng trầm
Giọng trầm – Di cảo thơ I
Sự đổi giọng ấy là sự thay đổi thế ứng xử của nhà thơ.
Sau đây là một vài khảo sát cụ thể về hành trình giọng điệu thơ:
Giọng buồn đau sầu não uất hận trong Điêu tàn (và Thơ không tên)
Lấy tư cách người dân Chăm than khóc cho đất nước Chiêm Thành quá vãng, nhà thơ có những câu hỏi cho những hồn ma, bóng quỷ trong những ảo tưởng, ảo giác, ảo vọng.
Những câu hỏi thảng thốt, hãi hùng mơ hồ đầy rẫy: "Mi nhớ gì, tưởng gì trong đêm tối/ Mi trông mong ao ước điều chi" (Cái sọ người), "Ai kêu ta trong cùng thẳm Hư Vô?/ Ai réo gọi trong muôn sao, chới với?" (Ngủ trong sao). Thậm chí Ta như hoảng loạn: "Hồn của ai trú ẩn ở đầu ta?... Ai bảo giùm: Ta có Ta không?". Hỏi ngoại cảnh, không có lời đáp, thi sĩ đành quay về hỏi lòng mình: "Mảnh hồn ta tiêu diệt tự bao giờ?" (Điêu tàn – thoát ra cõi ta để tìm về cái ta, Hoàng Diệp).
Với hồn thơ cô độc, Chế Lan Viên tìm tới cảnh ngộ buồn đau. Đó cũng là tình trạng bế tắc của cả một thế hệ thi sĩ lãng mạn. Giọng điệu thơ Chế Lan Viên mang sắc độ uất hận kinh hoàng, gay gắt, chối bỏ hiện tại thật quyết liệt.
Giọng ân hận chân thành, say sưa ca ngợi đất nước và cuộc đời mới
Có khúc dạo đầu khởi xướng thật vui tươi,đầy khí thế:
Ánh sáng và phù sa là một bản tự kiểm đầy nuối tiếc, ân hận như một cái tôi trăn trở khôn nguôi.Ngoảnh lại mùa đông, Ngoảnh lại mười lăm năm là cái nhìn xót xa với quá khứ. Nhưng từ đây đã dấy lên một sắc diện mới, một tư thế mới và từ đó là một giọng điệu mới: "Soi gương hồng cả gương soi/ Đứng, đã với cành cao ngất/ Đi, mơ những bước dài". Tiếng chim hót đã là tiếng hát tâm hồn. Ta chứng kiến những giọng điệu say sưa, hào hứng, hoà hợp: Tiếng chim, Tiếng hát con tàu,...
Chất giọng mới này là của con người gắn bó với cuộc sống hiện tại trong niềm vui giữa muôn người. Cái tôi từ chỉhướng nội trong thế giới tưởng tượng của riêng mình đã chuyển sang hướng ngoại với đất nước, với cuộc đời chung rộng lớn, tạo nên giọng đa thanh trong thơ Chế Lan Viên, kể cả màu sắc và triết lý nhân sinh mới: "Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương".
Tuy nhiên, giọng điệu trong thơ Chế Lan Viên chỉ thực sự cất cao từ Hoa ngày thường Chim báo bão. Ngay lập tức, nó đã trở thành giọng điệu tiêu biểu cho khuynh hướng thơ sử thi một thời.
Nổi bật trong giọng điệu ấy là âm hưởng chủ đạo: giọng điệu trang nghiêm, tha thiết, hào sảng. Ta có thể thấy rất rõ điều này qua cụm ba bộ thơ: Hoa ngày thường Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mớivà phần nào coi như vĩ thanh qua Hái theo mùa (1973 – 1977).
Thích hợp với khuynh hướng sử thi là giọng điệu trữ tình sử thi tạo nên giai điệu nhất quán trong cả một giai đoạn sáng tác. Trên dải phổ giọng điệu, ta có thể nhận ra những gam màu chủ đạo ứng với nội dung cảm hứng. Trữ tình nhân bản nổi bật gam giọng tha thiết, đằm thắm (Hoa ngày thường...), trữ tình chính luận – dạng trữ tình chính trị đậm chất – sẽ có gam giọng hào sảng (Chim báo bão...).
Nền tảng của cảm hứng sử thi thơ Chế Lan Viên là bao quát, từ cảm hứng cách mạng; cảm hứng về Tổ quốc; cảm hứng về Đảng, về Lãnh tụ, về lịch sử, dân tộc. Đây cũng là cảm hứng của thể tài lịch sử dân tộc gần gũi với cảm hứng chủ đạo thơ Tố Hữu.
Thơ Chế Lan Viên là tiếng nói, là lời kêu gọi, tuyên bố đầy sức mạnh, khí thế, quyền uy - một thời đưa nhà thơ lên hàng ca sĩ hào hùng bậc nhất:
Ôi! Tổ quốc, ta yêu như máu thịt
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng!
Ôi, Tổ quốc! Nếu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...
Sao chiến thắng
Tên Tổ quốc vang ngoài bờ cõi
Ta đội triệu tấn bom mà hái mặt trời hồng
Thời sự hè 72, bình luận
Tổ quốc được định nghĩa với nhiều tầm vóc lịch sử - Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?; Con mắt Bạch Đằng, con mắt Đống Đa... Nhân dân, Dân tộc cũng được đặt trong thời đại: "Nhân dân không có thanh gươm vung một cái đến trời mây/ Nhưng lại gánh lịch sử đến nghìn lần lớm hơn đời họ":
Nhân dân – cơn bão lớn chuyển rung thời đại
Nhân dân – nguyên tử năng và sức mạnh dây chuyền
Thơ bổ sung
Nhà thơ quan niệm: "Thần chiến thắng là những người áo vải/ Những binh nhất, binh nhì mười tám tuổi" (Sao chiến thắng). Thật bình dị và hào hùng!
Ở một đối cực khác, thơ Chế Lan Viên mang giọng điệu tha thiết và chân thành. Người chiến sĩ kiêu hùng cũng là một người tình đằm thắm. Tình ca ban mai là bài thơ tình yêu cho muôn đời. Chùm thơ về tình yêu của người thi sĩ, cũng là thơ về tình người và tình đời. Chất anh hùng ca và tình ca hoà quyện trong một tiếng nói của thời đại: DIỆT MỸ LÀ CAO CẢ CỦA TÌNH YÊU (Suy nghĩ 1966).

Chủ đề: Đảng và Lãnh tụ được thể hiện với một giọng điệu đặc sắc: vừa trang trọng, linh thiêng lại vừa ân tình, tha thiết: "Đâu chẳng đất lành Tổ quốc/ Chẳng tình Đảng dạy dân nuôi" (Ngoảnh lại mùa đông). Tập thơ Hoa trước lăng Người thấm đượm một giọng thành kính, thiêng liêng. Tiêu biểu nhất là Người đi tìm hình của Nước, Người thay đổi đời tôi, Người thay đổi thơ tôi, Ta nhận vào ta phẩm chất của Người, Trong Lăng và ngoài lăng.
Thơ từ sau 1975 của Chế Lan Viên có thể coi là thuộc mảng thơ trữ tình – thế sự.
Một sự hạ giọng cố ý kèm theo một chủ định tạo giọng điệu thơ mới với cảm hứng thế sự - cảm hứng đời thường.
Nổi lên giọng điệu thâm trầm, suy tưởng day dứt trong thơ vào cuối đời
Thực ra, có sự tiếp nối của giọng cao mang tính sử thi. Giọng cao ấy có hai khía cạnh chủ yếu: yêu và căm. Một mặt là giọng hát say mê, tự hào cao độ khi ca ngợi Tổ quốc, nhân dân trong sự nghiệp chiến đấu anh hùng. Mặt khác, đó là giọng phẫn nộ giận dữ, căm hờn như trút lửa để lên án, tố cáo, luận tội kẻ thù. Ở đây, ta cũng thấy một mạch rẽ: giọng đanh thép phê phán về ý thức hệ như chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa bành trướng khi nêu cao lý tưởng chiến đấu: "Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá/Những nhiệt tình xuống quá độ âm!/Có nghe tiếng ngư lôi và cao xạ?"(Sao chiến thắng)"Bịp thế giới bằng số tỉ dân, bằng khối thịt biển người đồ sộ/ Lũ "thái thú" tân trang bằng một ngọn cờ hồng" (Thần chiến thắng).
Giọng thơ Chế Lan Viên hạ dần. Giọng chính luận trước đây mang khí vị hào hùng đã chuyển sang triết luận thầm trầm, kết lắng, chất hùng biện được thay bằng sự suy tưởng.
Sự chuyển biến giọng thơ là dấu hiệu rõ rệt của điệu tâm hồn nghệ sĩ. Nhà thơ về với đời thường là con người trầm tư, nhìn đời với con mắt trải nghiệm và một thế ứng xử mới.
Có những niềm vui vẫn nuôi dưỡng tâm hồn và khí phách nhưng nhà thơ cũng có không ít trăn trở, bức xúc và buồn đau.
Giọng trầm giờ đây mang nhiều cung bậc khác nhau. Có khi đều là trầm – trầm ấm, lắng đọng nhân tình, lại có lúc là trầm buồn đau, xót xa. Khi nhà thơ đi sâu vào cõi tâm linh thì đó lại là thâm trầm, hư tưởng, hoài nghi hoặc trầm tĩnh, an nhiên, siêu thoát.

Thơ thiên về tâm sự, tâm tình nên có cả sắc thái trần tình, thuật hứng, cảm hoài, nhất là ở những bài tứ tuyệt. Từ không gian quảng trường về với không gian đời tư, không gian tâm tưởng là một sự thay đổi lớn. Đã nhiều lúc, nhà thơ đối diện với chính mình, đối thoại với bản thân – tức độc thoại.
Từ "hát" chuyển sang "nói", rồi từ "nói to" chuyển thành "nói nhỏ" – thầm thì, tỉ tê là những trạng thái, những tâm thế khác biệt. Tuy nhiên, ở Chế Lan Viên thường có sự đan lồng, xen kẽ giọng điệu với những sắc thái linh hoạt: trầm buồn man mác, bâng khuâng, u hoài – Côn Sơn, Lau biên giới, Mồ mẹ nhưng vẫn trầm ấm, yêu thương. Giọng thơ có lúc mang khí vị mỉa mai, chua xót, đắng đót – Bị lừa, Cuội, Thời thượng, Lộn trái,... như tiếng cười gần gũi với tiếng khóc.
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả phức tạp, thế sự, nhân tình thế thái vẫn là một giọng trầm ngâm triết luận thanh thản. Người đọc như cùng nhà thơ đi đến một thế giới mông lung, kỳ ảo, đầy suy tưởng – Hỏi. Đáp, Siêu thực, Các mùa hoa, Lãng quên, Sóng,...
II/ VỀ ĐẶC TRƯNG GIỌNG ĐIỆU VÀ HIỆU ỨNG NGHỆ THUẬT
1) Tiếng thơ Chế Lan Viên là một quá trình biểu hiện của một giọng điệu biến hoá đa thanh sắc
Là nhà thơ mang tâm hồn cực kỳ nhạy cảm, Chế Lan Viên thích ứng rất nhanh nhạy với các tiến bộ trong nghệ thuật.
Thơ là tiếng nói cá nhân trước cuộc đời như một sư vang ứng. Đó chính là tiếng nói của cuộc sống dội vào nội cảm thi nhân. Giọng điệu thơ, tuy là điệu hồn của cá nhân nhà thơ, nhưng bao giờ cũng có sự tác động của nhịp điệu đời sống. Hơn nữa, đó cũng là sự vang ứng với chất giọng thời đại.
Nhìn chung một đời thơ của Chế Lan Viên là giọng thơ trữ tình chính – triết luận. Đó cũng là phát ngôn của một chủ thể thiên về duy lý hơn duy cảm, với mạch chính là dòng suy tưởng trên nền cảm xúc.
Nổi lên trong từng giai đoạn là giọng trữ tình cá nhân, trữ tình công dân, theo khuynh hướng là trữ tình sử thi và trữ tình thế sự. Trong mỗi giai đoạn thường có sự đan lồng, kết hoà hoặc tương tác như trữ tình nhân bản và trữ tình sử thi – Hoa ngày thường Chim báo bão.
Hiện tượng thơ Chế Lan Viên không phải là duy nhất, nhưng là một trong những biểu hiện rõ nhất của tiến trình hiện đại hoá thơ theo tiến bộ của nghệ thuật. Mảng thơ về thơ có rất nhiều quan niệm của một ý thức cách tân thơ ca.
2) Sự thể hiện một cá tính sáng tạo mạnh mẽ
Giọng điệu thuộc về hình thức, về phương tiện biểu hiện của thơ. Đây ;à hình thức mang tính quan niệm, tức là nét thi pháp nghệ thuật thơ Chế Lan Viên.
Giọng điệu thơ Chế Lan Viên mang đặc sắc cá tính sáng tạo của chủ thể, cũng bộc lộ rõ nét phong cách nghệ thuật thơ. Gam giọng đặc hiệu mang bản sắc Chế Lan Viên là trữ tình chính – triết luận như một chất lượng mang giá trị nghệ thuật. Tiếng thơ góp phần hiệu quả cho việc nhận diện gương mặt thơ độc đáo - Chế Lan Viên.
3) Hiệu ứng nghệ thuật của một tiếng thơ đa sắc điệu
Chế Lan Viên có nhiều đóng góp về đổi mới thơ hiện đại. Hiện tượng chung nhất là sự chuyển biến từ thơ điệu hát thành thơ điệu nói như chuyển động có tính lịch sử. Không hẳn chỉ về hình thức mới – tương tác thơ và văn xuôi mà đây còn là một chất giọng mới của nhà thơ. Ảnh hưởng này lan toả trên thi đàn, có tác động đến nhiều thế hệ thi sĩ – từ thời chiến đến các lớp trẻ sau này. Đặc biệt, những năm 60, 70 có những hiệu ứng khá rộng rãi và mạnh mẽ của Chế Lan Viên với lớp nhà thơ trẻ thời chống Mỹ. Chất chính luận và triết luận gia tăng trong trữ tình sử thi, cũng như trữ tình thế sự.
Hiện tượng thơ Chế Lan Viên như về giọng điệu cũng mang đặc trưng rất linh hoạt trong định nghĩa, nhận diện, vận dụng và phân tích. Đó là những khái niệm "nhoè, mờ" chẳng khác nào Toán – là một môn khoa học chính xác mà cũng có Tập mờ.
Chẳng hạn, giọng điệu thể hiện thuộc hình thức nghệ thuật nhưng thể hiện được rất rõ tư tưởng, tình cảm, kể cả tư thế nhà thơ (Anh, Tôi, Ta, Ai,...). Giọng điệu như vậy có tính chất giao thoa giữa thi pháp và phong cách.
Mặt khác, Chế Lan Viên rất có ý thức lập nên một điển pháp thơ về rất nhiều lĩnh vực nội dung và hình thức thơ –Quan niệm thơ, Thơ thế kỷ, Thi pháp (Thi pháp ồn, Thi pháp trẻ,...), Vần, Vần... và chữ... ở Di cảo thơ (3 tập) như muốn tổng kết đời thơ. Riêng về giọng điệu thơ, như đã trình bày, có rất nhiều khái niệm vừa có tính chất lý luận, vừa là thể nghiệm thực tiễn của bản thân.
Ta có thể thấy được giọng điệu của nhà thơ ở các cấp độ: giọng điệu tác phẩm, giọng điệu nhà thơ, giọng điệu cá nhân, giọng điệu thế hệ, giọng điệu thời đại... Tóm lại, điển pháp thơ Chế Lan Viên được trình bày rất sâu, rất rộng về các nhận thức và các quan niệm nghệ thuật một cách sáng tạo.
Có thể thống nhất nhận định: Chế Lan Viên như đang đồng hành với chúng ta. Là bậc thi hào mà những sáng tạo nghệ thuật chưa có hồi kết.
Tài liệu tham khảo:
(1) Nguyễn Đăng Điệp (2002) – Giọng điệu trong thơ trữ tình – Văn học.
(2) Đoàn Trọng Huy (1993) – "Đôi điều về quan niệm nghệ thuật của Chế Lan Viên" – Tạp chí Nghiên cứu văn hoá nghệ thuật số 111.
(3) Đoàn Trọng Huy (1993) – Khuynh hướng vận động thơ Chế Lan Viên từ sau 1975, in trong Chế Lan Viên - Về tác gia và tác phẩm – Giáo dục, 2002.
(4) Đoàn Trọng Huy (2006) – Nghệ thuật thơ Chế Lan Viên – ĐHSP..
(5) Đoàn Trọng Huy (2009) – "Tiếng cười trong thơ Chế Lan Viên" – Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 304.
(6) Phùng Quý Nhâm (2003) – Văn hóa và văn học từ một góc nhìn – Văn học, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học.
(7) Lê Ngọc Trà (1988) – Lý luận và văn học – Trẻ.
                                                Đoàn Trọng Huy
Nguồn: VHNN
Theo http://llc.tdu.edu.vn/



Ẩn dụ về con người trong ca dao Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa

Ẩn dụ về con người trong ca dao 
Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa
Ngôn ngữ và văn hoá: "Mối quan hệ biện chứng lẫn nhau"
Ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu âm thanh đặc biệt, là phương tiện giao tiếp cơ bản và quan trọng nhất của các thành viên trong một cộng đồng người; ngôn ngữ đồng thời cũng là phương tiện phát triển tư duy, truyền đạt truyền thống văn hóa – lịch sử từ thế hệ này sang thế hệ khác [1]. Từ định nghĩa trên, chúng ta không chỉ nhận ra được tầm quan trọng của ngôn ngữ trong đời sống của con người mà bên cạnh đó, chúng ta còn nhận ra được mối quan hệ mật thiết giữa ngôn ngữ và văn hóa – một "mối quan hệ biện chứng lẫn nhau"[2]. Nghiên cứu ngôn ngữ nói chung dưới góc độ văn hóa đã trở nên phổ biến trong giới ngôn ngữ học hiện nay, hướng tiếp cận ngôn ngữ - văn hóa không chỉ có ý nghĩa về mặt nghiên cứu, khoa học mà nó còn đem lại nhiều giá trị về mặt nhận thức, thực tiễn.
Ca dao là một trong những thể loại tiêu biểu của văn học dân gian Việt Nam. Ca dao vốn là một thuật ngữ Hán Việt, trước đây, người ta còn gọi ca dao là phong dao bởi vì có nhiều bài ca dao đã phản ánh những phong tục, tập quán của từng địa phương, của từng thời đại lịch sử. Có nhiều định nghĩa khác nhau về ca dao nhưng tựu trung lại, chúng ta có thể định nghĩa ca dao như sau: Ca dao là những bài văn vần do nhân dân sang tác tập thể, được lưu truyền bằng miệng và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân[3]. Những bài ca dao với những vần điệu trữ tình, đằm thắm không biết tự bao giờ đã đi vào đời sống văn hóa – tinh thần của người dân Việt Nam như một món ăn thanh tao nhưng đậm đà hương vị; nó không chỉ tái hiện trước mắt người đọc những danh lam thắng cảnh, những bức tranh làng quê bình dị của đất nước Việt Nam với bao cảnh vật nên thơ mà đó còn là những khúc hát tâm tình nhẹ nhàng mà sâu lắng, da diết của những người dân lao động hiền lành, chất phác. Ca dao được ví như một chuyến đò ân tình chuyên chở biết bao tình cảm của người dân Việt từ xưa đến nay; và nó cũng chuyên chở trên những vần thơ trữ tình ấy bao nét tinh hoa của văn hóa Việt Nam.
Chúng ta có thể nhận thấy rằng ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ mật thiết, "biện chứng" và không thể tách rời. Không phải ngẫu nhiên mà W. V. Humboldt nhận định rằng: Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc. Không có ngôn ngữ nào nằm ngoài văn hóa cũng như không có văn hóa nào mà lại không được biểu thị thông qua ngôn ngữ. Do đó, muốn tìm hiểu đặc trưng và bản sắc nền văn hóa ta không thể không nghiên cứu ngôn ngữ và các hình thức biểu hiện của nó. Vì vậy, nếu chúng ta muốn giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc cũng đồng nghĩa với việc chúng ta không thể lơ là, không coi trọng đến việc bảo vệ và phát triển ngôn ngữ.

Kế thừa những thành tựu của những công trình khoa học đi trước, chúng tôi đã tiến hành khảo sát ca dao Việt Nam dưới góc độ văn hóa để tìm ra những ẩn dụ về con người, nhân dân lao động. Vén mở tâm tình của người dân lao động qua những vần ca dao, chúng ta thấy được cái ý nhị, tinh tế trong tâm hồn, trong suy nghĩ, tình cảm của ông bà ta đã gửi gắm kín đáo qua những ẩn dụ, biểu tượng mang đậm đà bản sắc văn hóa Việt. Qua khảo sát như vậy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn những đặc trưng của văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người Việt. Đó là lí do chúng tôi chọn đề tài "Ẩn dụ về con người trong ca dao Việt Nam dưới góc độ văn hóa"
Ẩn dụ về con người trong ca dao dưới góc nhìn văn hóa
Ẩn dụ là phương thức tu từ được sử dụng rất phổ biến trong ngôn ngữ nói chung, đặc biệt là trong ngôn ngữ nghệ thuật - các tác phẩm văn chương nói riêng. Với bản chất giàu tính hình tượng và hàm súc, ẩn dụ làm cho ngôn ngữ trong văn, thơ trở nên bóng bẩy, trau chuốt, chứa đựng nhiều tầng nghĩa tinh tế, đẹp và gợi cảm hơn.
Trong công trình Phong cách học và các phong cách chức năng Tiếng Việt, tác giả Hữu Đạt đã định nghĩa "Ẩn dụ là kiểu so sánh không nói thẳng ra...thực chất của phép ẩn dụ chính là việc dùng tên gọi này để biểu hiện sự vật khác dựa trên cơ chế tư duy và ngôn ngữ dân tộc". Ở đây, tác giả nhấn mạnh việc đặt ẩn dụ trong mối tương quan chặt chẽ giữa ngôn ngữ với bối cảnh văn hóa, truyền thống dân tộc. Nếu như không am hiểu về văn hóa Việt Nam với những đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa nông nghiệp, văn minh lúa nước thì ắt hẳn sẽ không thể hiểu được:
Bây giờ mận mới hỏi đào
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa
Mận hỏi thì đào xin thưa
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào

(Ca dao)
Hay
Hôm nay lan huệ sánh bày
Đào đông ướm hỏi liễu tây một lời
Lạ lùng ướm hỏi nhau chơi
Một mai cá nước chim trời gặp nhau

(Ca dao)

Những mận, đào, lan, huệ, đào đông, liễu tây, cá nước, chim trời....là những hình ảnh rất quen thuộc của làng quê Việt Nam, và ấy cũng chính là những hình ảnh ẩn dụ - những biểu tượng - mộc mạc giản dị mà rất đỗi gần gũi, thân thương cho những người lao động bình dân – những con người suốt ngày "chân lấm tay bùn" nhưng tâm hồn thanh tao và có một đời sống tình cảm phong phú, sâu nặng nghĩa tình.
Ở những phần tiếp theo, chúng tôi sẽ đi sâu phân tích những ẩn dụ về con người – những ẩn dụ đã được khái quát hóa qua những biểu tượng, hình ảnh tiêu biểu – trong ca dao để thấy rõ hơn nét đặc trưng văn hóa nông nghiệp của Việt Nam.
1. Biểu tượng "HOA"
Trong công trình Người phụ nữ qua những hình ảnh so sánh trong ca dao Việt Nam của Lưu Thị Nụ (1992), tác giả đã đưa ra kết luận sau khi khảo sát 3506 lời ca dao là trong bốn hình ảnh thường được ví với người phụ nữ: "hoa", "chim", "cây", "quả" thì "hoa" xuất hiện với tần số nhiều nhất.
Hoa thơm trồng dựa cành rào
Gió nam, gió chướng, gió nào cũng thơm
Hoa kia tươi tốt rườm rà,
Tuy rằng tươi tốt, khi mà ong châm.

Có thể nhận định rằng "hoa" là một biểu tượng nổi bật trong ca dao Việt Nam, trong đó hoa nhài là một biểu tượng thẩm mĩ đặc biệt, nó gắn liền với quan niệm thẩm mĩ – văn hóa của từng thời đại; bên cạnh đó chúng ta cũng bắt gặp nhiều hình ảnh ẩn dụ tinh tế khác như hoa sen, hoa dâm bụt, hoa hồi, hoa bèo, hoa cúc.. trong ca dao.
Hoa nhài/ hoa lài
Trong ca dao, hoa nhài thường được ví với nụ cười duyên dáng, đáng yêu của người con gái:
Miệng em cười như cánh hoa nhài
Như nụ hoa quế như tai hoa hồng
Ước gì anh được làm chồng
Để em làm vợ, tơ hồng trời xe.

Hay
Miệng cười như cánh hoa nhài nở nang
Nếu ở những câu ca dao trên, hoa nhài chỉ xuất hiện với vẻ đẹp thuần túy bên ngoài thì ở những câu ca dao sau đây, cùng với những ẩn dụ tinh tế, hoa nhài nổi bật lên một "vẻ đẹp lâu bền, khó phai" bên trong; điều này cũng tựa như tâm hồn của những cô thôn nữ chốn làng quê Việt.
Càng thắm lại càng mau phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu

Trong thế giới tự nhiên cũng như trong ca dao dân gian, hoa nhài không phải là loài hoa chiếm ngôi vị "nữ hoàng", đó không phải là loài hoa hương sắc nhất, càng không phải loài hoa kiêu sa, đài các như hoa hồng thế nhưng trong cái ngôi bậc "khiêm nhường" ấy của mình, hoa nhài lại càng khẳng định cái "duyên ngầm" đáng yêu của mình:
Hoa lí là chị hoa lài
Hoa lí có tài, hoa lài có duyên.
Đào kia chưa thắm đã phai
Thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm lâu...
Anh đừng tham bông quế, bỏ phế cái bông lài
Mai sau quế rụng, bông lài thơm xa...

Vẻ đẹp bình dị, hiền hòa của hoa nhài còn được ví von với vẻ đẹp của đôi lứa xứng đôi
Đôi ta lấm tấm hoa nhài
Chồng đây vợ đấy kém ai trên đời

Không chỉ có vẻ đẹp thanh tao cùng tâm hồn tinh tế, hương hoa nhài còn là biểu tượng của vẻ thanh lịch, cao quý:
Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Như vậy, trong tư duy của người dân lao động thời xưa, hoa nhài/ hoa lài là một loài hoa đẹp, cao quý, thanh tao. Qua ý nghĩa của hoa nhài, chúng ta thấy được quan niệm thẩm mĩ, văn hóa và đạo đức của nhân dân lao động. Đó là truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam: quý trọng thủy chung, tình nghĩa sắt son, thích "cái nết đánh chết cái đẹp", "tốt gỗ hơn tốt nước sơn"; quý cái tình, cái duyên bên trong hơn là những vẻ đẹp hào nhoáng, sáo rỗng, vô hồn.
Các loài hoa khác
Bên cạnh biểu tượng hoa nhài/ hoa lài tiêu biểu trong ca dao, chúng ta còn bắt gặp nhiều hình ảnh ẩn dụ "hoa" khác như hoa cúc, hoa sen, hoa lan, hoa huệ... về người dân lao động, những hình ảnh vốn rất quen thuộc, bình dị của nông thôn, làng quê nhưng không hề thiếu sự tinh tế, thể hiện những nét đẹp dân dã cùng phẩm chất tốt đẹp, nhân hậu của người dân lao động, chẳng hạn như trong các câu ca dao sau:
Hôm nay lan huệ sánh bày
Đào đông ướm hỏi liễu tây một lời
Lạ lùng ướm hỏi nhau chơi
Một mai cá nước chim trời gặp nhau

(Ca dao)
Hoa sen mọc bãi cát lầm
Tuy rằng lấm láp vẫn mầm hoa sen
Cánh hồng bay bổng trời thu,
Thương con chim gáy cúc cu trong lồng.
Duyên may, tay bế tay bồng,
Thương ai vò võ trong phòng chiếc than.

Cũng có khi tác giả dân gia mượn "hoa" để châm biếm nhẹ nhàng:
Có đỏ mà chẳng có thơm
Như hoa dâm bụt, nên cơm cháo gì!
Vì hoa tham lấy sắc vàng,
Cho nên hoa phải muộn màng tiết thu.
Trên đời gì rẻ bằng bèo,
Chờ khi nước lụt, bèo trèo trên sen.
Trên đời gì đẹp bằng sen,
Quan yêu, dân chuộng, rã bèn cũng hư.

2. Biểu tượng "CON VẬT"
Con cò
Trong ca dao Việt Nam, có rất nhiều bài nói đến hình ảnh con cò. Có khi là con cò lặn lội bờ ao, có khi là co cò bay lả bay la, có khi là con cò trắng bạch như vôi, con cò bay bổng bay cao, con cò kì, con cò quăm...
Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
- Nàng về nuôi cái cùng con
Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng
Ở nhà có nhớ anh chăng?
Để anh kể nỗi Cao Bằng mà nghe.
Cái cò là cái cò con
Mẹ nó yêu nó, nó còn làm thơ,
Cái cò bay bổng, bay bơ,
Lại đây anh gửi xôi khô cho nàng
Đem về nàng nấu, nàng rang,
Nàng ăn có dẻo thời nàng lấy anh.

Không phải ngẫu nhiên mà nhân dân lao động lại hay nhắc đến con cò như vậy. Như Vũ Ngọc Phan từng nhận định trong Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam: Trong các loài kiếm ăn ở đồng ruộng, chỉ có con cò thường gần nhiều người nông dân hơn cả. Những lúc cày cuốc, cấy hái, người nông dân Việt Nam thường thấy trên đồng lúa bát ngát, con cò đứng trên bờ ruộng rỉa lông rỉa cánh, ngắm nghía người nông dân làm lụng.
Một đàn cò trắng bay tung
Đôi bên nam nữ, ta cùng hát lên!...

Hình ảnh con cò trắng "tuy ngày đêm lặn lội, nhưng nhiều lúc lại bay lên mây xanh. Nó cũng vất vả, nhưng nó có vẻ trong trắng, thanh cao, có những lúc nó vẫy vùng thoải mái, nó sống một cuộc đời mà người dân lao động nước ta thời xưa hằng mong ước"[4].
Trong khi lao động vất vả, thấy đàn cò trắng cùng nhau sum họp, người nông dân lại cất lên những câu ca dao trữ tình, thắm thiết:
Một đàn cò trắng bay quanh
Cho loan nhớ phượng, cho mình nhớ ta
Mình nhớ ta như cà nhớ muối
Ta nhớ mình như Cuội nhớ trăng.

Sự đoàn tụ của đàn cò là hình ảnh ẩn dụ cho niềm mong ước được gần gũi và tâm tình với nhau của những người lao động chất phác, hiền lành. Trong con mắt của người lao động thời xưa, con cò và những con chim đồng loại với nó như con bồ nông, con hạc, con vạc có tình bạn thắm thiết với nhau, chúng túm tụm sum họp với nhau đều có sự gần gũi với cảnh tình của người nông dân. Số phận "con cò lặn lội bờ sông" cũng tựa như số phận những con người lao động ngày đêm vất vả lao động để làm ra hạt thóc hạt gạo thế nhưng lại hẩm hiu, bèo bọt
Con cò mày đi ăn đêm,
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao,
- Ông ơi ông vớt tôi nao,
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong,
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con.
Nước non lận đận một mình,
Thân cò lên thác, xuống ghềnh bấy nay.

Những câu cao dao trên đều rất kín đáo, ý nhị, tác giả dân gian không hề đả động gì đến con người và cũng không nhắc đến giá trị lao động của học nhưng chúng ta đều ngầm hiểu cái "thân cò" ấy chính là than phận người nông dân sớm nắng chiều mưa, đầu tắt mặt tối. Hình ảnh "con cò" không gì khác ấy chính là hình ảnh những người nông dân Việt Nam muôn đời, những con người cần cù, chăm chỉ, chất phác, kiên cường, luôn bền bỉ nhẫn nại cả trong lao động sản xuất lẫn trong đấu tranh chống những thế lực đàn áp mình.
Ai làm cho bể kia đầy,
Cho ao kia cạn, cho gầy cò con.
Cái cò là cái cò con,
Mẹ đi xúc tép, để con ở nhà,
Mẹ đi một quãng đồng xa,
Mẹ sà chân xuống, phải mà con lươn,
Ông kia có chiếc thuyền nan,
Chở vào ao rậm, xem lươn bắt cò..
Ông kia chống gậy lò dò,
Con lươn tụt xuống, con cò bay lên...

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, ngoài nghề nông, người dân còn làm nghề buôn, nghề thủ công. Không kể người dân ở bất kỳ ngành nghề gì, bọn giai cấp thống trị tham lam, độc ác, chúng không vơ vét, bóc lột tận xương những người dân khốn khổ.
Cái cò cái vạc cái nông
Ba cái cùng béo, vặt lông cái nào!
Vặt lông cái vạc cho tao!
Hành, răm, nước mắm bỏ vào mà thuôn.

Chúng sẵn sàng bóc lột, tra tấn thậm chí là giết chóc nhẫn tâm có khi chỉ vì một lí do cỏn con
Cái cò cái vạc cái nông
Sao mày dẫm lúa nhà ông, hỡi cò?
Không không tôi đức trên bờ
Mẹ con các diệc đổ ngờ cho tôi!
Chẳng tin ông đứng mà coi
Mẹ con nhà nó còn ngồi ở kia.

Người dân lao động trong cái xã hội ấy bị rẻ rúm đến mức chết cũng chẳng nguyên vẹn, toàn thây. Cái chết tang thương ấy có khi lại thành trò, món béo bở cho bọn nanh độc.
Con cò chết rũ trên cây,
Bồ cu mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Bao nhiêu cóc nhái nhảy ra chia phần,
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích mặc quần vác mõ đi rao...

Nhưng trong các bài ca dao của mình, không phải lúc nào hình ảnh "con cò" cũng dung để ví von với những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân mà các tác giả dân gia cũng có khi dung "con cò" để nói về những kẻ xấu như: những kẻ hay ăn quà như "con cò kỳ"; những kẻ hay đánh vợ như "con cò quăm". Chẳng hạn như trong câu ca dao sau:
Cái cò là cái cò quăm,
Mày hay đánh vợ, mày nằm với ai?
- Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm!

Lời ca dao tuy để châm biếm, trách móc, giễu cợt nhưng cũng dí dỏm, hài hước nhẹ nhàng; đúng tinh thần nhân ái của người dân Việt
- Có đánh thì đánh sớm mai
Chớ đánh chập tối, chẳng ai cho nằm!

Như vậy, qua những câu ca dao trên, chúng ta thấy rằng người dân lao động thời xưa đã mượn hình ảnh con cò để nói về cuộc sống của chính mình, dùng hình ảnh con cò để "gợi hứng, để tỏ sự mong muốn của mình, nói lên những đức tính của mình, nông nỗi khổ cực của mình và cả những thói xấu của mình nữa" [5].
Con bống/ cái bống
Con bống (hay cái bống, cá bống) cũng là hình ảnh tiêu biểu thường xuyên xuất hiện trong ca dao Việt Nam. Theo Vũ Ngọc Phan, đối với người Việt, nếu như con cò có thể là hình ảnh nói chung của người dân lao động, có thể là nam hoặc nữ; thì cái bống hay con bống là biểu tượng đặc trưng cho người thiếu nữ hay thiếu phụ. Nhà nghiên cứu quả là đúng đắn khi đưa ra nhận định "nói chung đối với người nông dân, con cá bống có vẻ xinh xẻo, hiền lành, cho nên mỗi khi nói đến cái Bống là người nông dân nước ta nói bằng một giọng nâng niu" [6]. Tiêu biểu như những câu ca dao như sau:
Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng.
Chú lái ơi, cho tôi mượn cỗ gầu sòng,
Tôi tát nước cạn cho chồng tôi lên.
Cái bống mặc xống ngang chân
Lấy chồng kẻ chợ cho gần xem voi

Các con vật khác
Trong ca dao Việt Nam, ngoài hình ảnh con cò, cái bống là những hình ảnh tiêu biểu, chúng ta còn bắt gặp những hình ảnh của các con vật khác – những hình ảnh ẩn dụ cho người dân lao động thời xưa như: con nhện, con tằm, con tép, con tôm, con tép, con cua, con cóc,con gà, con rùa, con tò vò, con cá, con chim, ong, bướm, loan phượng... Mượn những hình ảnh quen thuộc của làng quê, người dân muốn gửi gắm vào trong những tôm tép, con tằm, con nhện.. ấy những tâm tư, tình cảm của chính mình. Chẳng hạn như những câu ca dao như sau:
Thương thay thân phận con rùa
Trên đình đội hạc, dưới chùa đội bia.
Lươn ngắn lại chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng, chê trai lệch mồm.
Xa xôi dịch lại cho gần,
Làm thân con nhện mấy lần vương tơ.
Chuồn chuồn mắc phải tơ vương,
Nào ai quấn quýt thì thương cho cùng.
Có nên thì nói là nên
Chẳng nên sao để đấy quên đây đừng
Làm chi cho dạ ngập ngừng,
Đã có cà cuống thì đừng hạt tiêu.
Cá trong lờ đỏ hoe con mắt,
Cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô.
Tung tăng như cá trong lờ,
Trong ra không được ngoài ngờ là vui.

3. Biểu tượng "CÂY"
Cây trúc, cây mai
Hình ảnh trúc, mai là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt và cũng xuất hiện rất nhiều lần trong ca dao. Tác giả dân gian nhắc đến trúc, mai; nhưng không phải để tả thực cây trúc cây mai, cũng không phải bàn chuyện trúc mai phong cảnh, mà họ mượn mai, trúc để nói về con người.
Thân em như tấm lụa đào
Dám đâu xé lẻ vuông nào cho ai
Em vin cành trúc, em tựa cành mai
Đông đào tây liễu biết ai bạn cùng.

Trong ca dao, khi trúc đứng một mình, thường đó là biểu tượng cho người con gái xinh đẹp, thướt tha, duyên dáng:
Trúc xinh trúc mọc bờ ao
Em xinh em đứng nơi nào cũng xinh

Hình ảnh trúc mai quấn quýt bên nhau chính là ẩn dụ cho tình cảm đôi lứa thắm thiết, mặn nồng của người dân lao động
Hôm qua sum họp trúc mai
Tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm.
Đêm qua nguyệt lặn về tây
Sự tình kẻ đấy, người đây còn dài...
Trúc với mai, mai về, trúc nhớ
Trúc trở về, mai nhớ trúc không?
Bây giờ kẻ Bắc người Đông
Kể sao cho xiết tấm lòng tương tư!

Mượn hình ảnh trúc mai, tác giả dân gian khéo léo lột tả nhiều cung bậc cảm xúc, tình cảm của những đôi lứa yêu nhau.
Có khi đó là lời nhắn nhủ, niềm hy vọng
Đợi chờ trúc ở với mai,
Đợi chờ anh ở với ai chưa chồng.
Cũng có khi đó là tâm trạng vui mừng, hân hoan:
Trầu này trúc, cúc, mai, đào,
Trầu này thục nữ anh hào sánh đôi
Có khi nó thể hiện ước mơ sum họp của tình yêu
Bao giờ sum họp trúc mai
Lòng nguyền kết tóc lâu dài trăm năm
Đó cũng là tâm tình gửi gắm
Có lòng tạc một chữ vàng
Thiếp đưa duyên lại đôi đàng cậy anh
Tìm nơi trúc tốt mai xanh
Tìm nơi bóng cả lắm ngành dựa nương.
Lòng lại dặn lòng dù non mòn biển cạn
Dạ lại dặn dạ dù đá nát vàng phai
Dù cho trúc mọc thành mai

Em cũng không xiêu lòng lạc dạ, nghe ai phỉnh phờ
Cũng có khi mai trúc tượng trưng cho nỗi buồn của con người
Lênh đênh chiếc bách giữa dòng,
Thương than góa bụa, phòng khi lỡ thì.
Gió đưa cây trúc ngã quỳ
Ba năm trực tiết, còn gì là xuân!
Cũng có khi đó là những lời trách móc, giận hờn nhau
Những là lên miếu xuống nghè
Để tôi đánh trúc, đánh tre về trồng.
Tưởng rằng nên đạo vợ chồng.

Nào ngờ nói thế mà không có gì
Như vậy, hình ảnh trúc, mai trong ca dao Việt Nam thường được dùng để ví với đôi bạn trẻ, cho tình yêu lứa đôi. Mượn hình ảnh trúc, mai, người dân xưa đã khéo léo nói lên tâm trạng của chính mình một cách tinh tế, ý nhị.

Các loại cây khác
Bên cạnh hình ảnh cây trúc, cây mai, trong ca dao, ông bà ta còn lấy hình ảnh các loại cây, trái, quả khác để tượng trưng cho người dân lao động như: quế, hương, mận, đào, cây đa, cây tùng, cây xoan đào, cây liễu, chanh, cam, lê lựu, gừng, bòng, cau trầu....
Hai bên bên liễu bên đào
Mặc tình ý bạn thương bên nào thì thương.
Bao giờ cho chuối có cành,
Cho sung có nụ cho cành có hoa.
Già thời bế cháu đỡ con,
Già đâu lại ước cau non trái mùa.
- Già nay ước những của chua
Cau non trái mùa già vẫn muốn ăn
Quý chi một nải chuối xanh
Nam bảy người giành cho mủ dính tay
Vên vên cứng, dành dành cũng cứng
Mù u tròn, trái nhãn cũng tròn.
Vàng thau tuy lộn một bồn
Anh là tay thợ lựa lòn phải ra.

4. Một số hình ảnh ẩn dụ khác trong ca dao Việt Nam
Trong ca dao, chúng ta còn bắt gặp rất nhiều hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam được các tác giả dân gian sử dụng rất khéo và tinh tế để tượng trưng cho người dân lao động, để gửi gắm những tâm tư, tình cảm thầm kín của họ vào những câu ca dao mượt mà, đằm thắm, trữ tình.
Đó có khi là hình ảnh thuyền bến, bờ sông
Em thương ai nấp bụi nấp bờ
Sớm trông đò ngược, tối chờ đò xuôi
Thuyền anh đậu bến lâu rồi
Sao em chưa xuống mà ngồi thuyền anh.
Một thuyền một bến một dây
Ngọt bùi ta hưởng đắng cay chịu cùng.
Đói lòng ăn nắm lá sung,
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng
Một thuyền một lái chẳng xong
Một chĩnh đôi gáo còn nong tay vào.
Có khi đó là hình ảnh của mây, núi, gió, trăng
Vì mây cho núi lên trời
Vì cơn gió thổi hoa cười với trăng
Vì chuôm cho cá bén đăng
Vì tình nên phải đi trăng về mờ
Chim xanh ăn trái xoài xanh
Ăn no tắm mát đậu cành cây đa.
Cực lòng em phải nói ra,
Chờ trăng, trăng xế, chờ hoa, hoa tàn.

Có khi đó lại là những hình ảnh rất mộc mạc của hạt gạo, nước cà, bát sứ, bát đàn, của gối chăn, gương lược
Chăn kia nửa đắp nửa hờ,
Gối kia nửa đợi nửa chờ duyên em
Tiếc thay hột gạo trắng ngần
Đã vo nước đục lại vần than rơm
Tiếc thay hột gạo tám xoan
Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà.
Có bát sứ tình phụ bát đàn
Nâng niu bát sứ vỡ tan có ngày
Trách người quân tử bạc tình
Có gương mà để bên mình biếng soi.
Có khi ấy là giếng nước, mảnh chĩnh, cái chuông
Tiếc thay cái giếng nước trong
Để cho bèo tấm, bèo ong lọt vào.
Khen ai khéo đúc chuông chì,
Dáng thì có dáng, đánh thì không kêu.
Chuông khánh còn chẳng ăn ai,
Nữa là mảnh chĩnh bỏ ngoài bờ tre.
Chuông khánh còn chẳng ăn chè,
Nữa là mảnh chĩnh rò rè ăn xôi.

Hình ảnh cây đa, con đò cũng là một biểu tượng cho tình yêu đôi lứa
Trăm năm đành lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa

Như vậy, trong ca dao chúng ta thường bắt gặp những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam như trầu, cau, lan, huệ, trúc, mai, nhài... Tác giả dân gian không mấy khi nói đến hình ảnh trúc mai, lan huệ để tả thực cây trúc, cây mai mà ở đây mai, trúc... đã trở thành những biểu tượng thân thương nhằm thể hiện con người – người lao động bình dân với những tình cảm tha thiết, chân thành, mộc mạc mà rất đỗi ân tình. Ẩn dụ này trong ca dao Việt Nam cũng gắn liền với những đặc trưng tiêu biểu của nền văn minh lúa nước. Những hình ảnh rất đỗi quen thuộc và dung dị của làng quê Việt: những thuyền, bến, những cây đa, mái đình, giếng nước;những con cò, cái bống, con trâu, con nghé, con cá, con tằm; những hoa sen, hoa cúc, hoa hồi; những con ong, cánh bướm... đã bước ra từ làng quê mộc mạc, đơn sơ đi vào những câu ca dao đằm thắm và trở thành những hình ảnh ẩn dụ tinh tế - những biểu tượng trữ tình, gợi cảm – cho những con người lao động chất phác, hiền lành mà chan chứa thương yêu, ân tình sâu sắc. Họ đã mượn những hình ảnh gần gũi, quen thuộc để giãi bày, để tâm sự, để gửi gắm và sẻ chia những tâm sự thầm kín trong lòng; tất cả những tình cảm ấy đậm đà qua từng vần ca dao, nó da diết mà vẫn kín đáo, ý nhị; thể hiện rõ nét văn hóa tinh tế trong đời sống tinh thần của người dân Việt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A.SÁCH
1. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), Văn học Việt Nam văn học dân gian những tác phẩm chọn lọc (Tái bản lần thứ tư), NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2004.
2. Bùi Mạnh Nhị (chủ biên), Văn học Việt Nam văn học dân gian những công trình nghiên cứu (Tái bản lần thứ tư), NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
3. Đinh Trọng Lạc (chủ biên), Phong cách học tiếng Việt (Tái bản lần thứ sáu), NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2006.
4. Mã Giang Lân (tuyển chọn và giới thiệu), Tục ngữ ca dao Việt Nam, NXB. Văn học, Hà Nội, 2009.
5. Nguyễn Thiện Giáp, Giáo trình ngôn ngữ học, NXB. ĐHQG Hà Nội, 2008.
6. Nhiều tác giả, Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt (Tái bản lần thứ tư), NXB. Giáo dục, Hà Nội, 2001.
7. Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam (Tái bản lần thứ hai), NXB. Giáo dục, Hà Nội, 1999.

8. Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (Tái bản lần thứ mười lăm có sửa chữa và bổ sung), NXB. Văn học, Hà Nội, 2007.
B.WEBSITES
1. http://www.vanhoahoc.edu.vn/content/view/1607/37/: Phan Mậu Cảnh
ĐẶC TRƯNG VĂN HÓA, CỘI NGUỒN VĂN HÓA VÀ SỰ THỂ HIỆN CHÚNG TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT
1. www.thivien.net
2. www.google.com
3. www.wikipedia.com: ca dao dân ca Việt Nam
[1] Nguyễn Thiện Giáp, Giáo trình ngôn ngữ học, NXB. ĐHQG Hà Nội, 2008, tr.10.
[2] Nguyễn Thiện Giáp, Giáo trình ngôn ngữ học, NXB. ĐHQG Hà Nội, 2008, tr.86.
[3] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (Tái bản lần thứ mười lăm có sửa chữa và bổ sung), NXB. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.20.
[4] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (Tái bản lần thứ mười lăm có sửa chữa và bổ sung), NXB. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.46.
[5] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (Tái bản lần thứ mười lăm có sửa chữa và bổ sung), NXB. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.50.
[6] Vũ Ngọc Phan, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam (Tái bản lần thứ mười lăm có sửa chữa và bổ sung), NXB. Văn học, Hà Nội, 2007, tr.50.
 Trần Thị Minh Thu
Theo http://llc.tdu.edu.vn/


Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trên hành trình đất không đổi màu Nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời cách đây 2 năm vì Covid-19, được Hội Nhà văn...