Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI
Những tìm tòi và thử nghiệm

Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ những người cầm bút đa số sinh sau 1975, họ có tuổi đời trên dưới 40, có sáng tác và thành danh từ những năm 2000 tới nay như Lê Thiếu Nhơn, Vi Thùy Linh, Phùng Hiệu, Bình Nguyên Trang, Ly Hoàng Ly, Trần Lê Nguyên Vũ, Trần Võ Thành Văn, Trang Thanh, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thanh Vân, Ngô Thúy Nga, Lê Hưng Tiến,Nguyễn Phong Việt, Hoàng Anh Tuấn, Lữ Mai, Đồng Chuông Tử, Trần Đức Tín, Phạm Vân Anh, Trương Trọng Nghĩa, Ngô Thị Hạnh, Trần Lê Sơn Ý…
Họ đều là những nhà thơ có những tìm tòi, thử nghiệm và có những đóng góp nhất định với văn học, được ghi nhận qua những giải thưởng của Hội nhà văn cũng như nhiều các cuộc thi thơ của các tổ chức chính trị- xã hội. Bên cạnh đó, ở các địa phương cũng có một đội ngũ người viết trẻ rất đông đảo, họ cũng được ghi nhận với nhiều tìm tòi, thử nghiệm và mang đến sự đa dạng, phong phú cho thi đàn như các tác giả Bùi Việt Phương, Tịnh Bình, Trần Huy Minh Phương, Trần Văn Lợi, Trần Xuân Trường, Nguyễn Văn Song, Lê Thành Văn, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Trần Thùy Linh, Nguyễn Việt Nga, Bùi Thụy Đào Nguyên, Vân Phi, Tâm An, Bùi Thị Nhài, Cầm Thị Đào, Vũ Tuyết Nhung…
20 năm đầu thế kỷ XXI cũng là giai đoạn đất nước có những chuyển biến quan trọng về văn hóa, kinh tế, xã hội cùng với đó là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, intenet, các mạng xã hội, báo chí, xuất bản, in ấn … phát triển cũng góp phần cho đời sống văn học phát triển nhất là văn học trẻ. Bên cạnh đó, nhiều các diễn đàn văn nghệ, các trại sáng tác, các cuộc thi thơ, các nhóm bút… cũng đã góp phần không nhỏ trong việc phát hiện những tài năng thơ ca trẻ. Sự hình thành một đội ngũ đông đảo của các nhà thơ, các tác giả trẻ góp phần cho sự đa dạng của nền văn học Việt Nam đương đại cũng như thể hiện một đời sống tinh thần phong phú. Việc nhìn nhận, đánh giá lại chặng đường đã qua là rất cần thiết để chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về thơ trẻ.
Tình yêu quê hương, đất nước trong thơ của các nhà thơ trẻ
Cũng như các giai đoạn trước, mảng thơ về quê hương, Đất nước vẫn chiếm số lượng lớn hơn nhưng với cách cảm nhận đầy tươi mới. Đó là Đất nước với sự chuyển mình mạnh mẽ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như tiếp tục phát huy những thành tựu của thời  kỳ  đổi mới từ hơn một thập kỉ trước. Đó là Đất nước với bề dày văn hóa, lịch sử, có truyền thống bất khuất, kiên cường nhưng cũng có nhiều những thách thức, khó khăn đang phải đối mặt. Bên cạnh đó là sự đổi thay của làng quê trong cơ chế thị trường cũng như đô thị hóa với cả mặt tích cực và tiêu cực. Tất cả những vấn đề đó đều được các nhà thơ trẻ hôm nay quan tâm đề cập trong nhiều tập thơ, bài thơ của các cây bút trẻ như Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Quang Hưng, Đoàn Văn Mật, Trương Trọng Nghĩa, Phạm Vân Anh… Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng với hành trình hơn hai mươi năm cầm bút đã đóng góp cho nền thơ đương đại một lượng tác phẩm khá lớn cùng sở hữu những giải thưởng đáng nể với một người trẻ: Vườn ánh sáng, thơ, NXB Hội nhà văn;  Mùa Vu Lan, thơ, NXB Hội nhà văn; Nước non mặt biển, trường ca, NXB Lao động; Chia ngũ cốc, NXB Hội nhà văn;  Cột mốc trong người, thơ, NXB Quân đội nhân dân; Gió ngũ sắc, thơ, NXB Văn học. Anh cũng đạt được nhiều giải thưởng: Giải Nhì cuộc thi “Thơ ca và nguồn cội”, làng Chùa 2016 – 2017, Giải Nhì cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ quân đội 2015 – 2016, Giải Khuyến khích văn học nghệ thuật của Bộ quốc phòng 5 năm 2014 – 2019, giải Nhì về biển đảo- biên giới năm 2020 với trường ca Nước non mặt biển cùng nhiều tập tản văn cũng đẫm chất thơ.  Thơ Nguyễn Quang Hưng rất giàu cảm xúc, đẫm hơi thở cuộc sống đương đại, luôn là tiếng nói trách nhiệm trước vấn đề cuộc sống, về chủ quyền biên giới, biển đảo. Ẩn sâu dưới mỗi dòng thơ, con chữ là những vỉa tầng trầm tích văn hóa ngàn đời của quê hương, đất nước. Đó là những vần thơ về Ba Vì, Kinh Bắc, Hà Đông, Thăng Long…
Nơi này nghìn năm vỡ trời nắng chói
Nơi này vạn năm tầng không biếc xanh
Phả vào lớp lớp mặt đá rỗ
Xếp lên nhau gân guốc những đời người
Người lên đây như đang ngược nguồn
Bước vào rừng thênh thang hoang thú
Trôi đi tan loãng như sương khói
Nghe gọi tên mình trong tiếng chim
(Hướng Ba Vì)
Những vấn đề lớn của đất nước, chủ quyền biển đảo, biên giới luôn được các cây bút trẻ quan tâm với nhiều cách nhìn, cách tiếp cận khác nhau, đem lại cho nền thơ ca đương đại những tiếng nói công dân đầy trách nhiệm: Lùa căng vồng ngực đất nâu/ Ai ra phía sóng bạc đầu/ Trên vai đỡ cả xa sau tìm về (Nước non mặt biển – Nguyễn Quang Hưng). Nguyễn Quang Hưng suy ngẫm về chủ quyền từ nơi dọc dài biên giới để rồi tự nhận ra: Đường chủ quyền đâu chỉ dọc biên giới/ Mỗi chúng ta mang cột mốc trong người (Cột mốc trong người).
Vấn đề trách nhiệm công dân của giới trẻ cũng được nhà thơ Đoàn Văn Mật đặt ra một cách nghiêm túc trong rất nhiều bài thơ của anh trên các báo, tạp chí trong những năm qua. Thơ Đoàn Văn Mật như truyền đến người đọc những cảm hứng truyền thống về Đất nước, con người, cuộc sống nhưng với một tinh thần mới mẻ, mang hơi thở của đời sống đương đại: Tuổi hai mươi chúng ta nhiều khao khát/ những giấc mơ chưa dừng lại bao giờ/ tuổi hai mươi chúng ta còn quá trẻ/ để nghĩ cuộc đời phía trước lớn lao hơn/ để nghĩ ngày mai đứng giữa Sinh Tồn/ cùng hát vang bài ca đất nước (Sóng trầm biển dựng – Ðoàn Văn Mật). Nhìn từ chiều dài thời gian, Ðoàn Văn Mật cảm nhận Đất nước như một bè trầm, các thế hệ nối tiếp nhau để bảo vệ chủ quyền: Đất nước ngàn năm vang khúc bè trầm/những mộ gió mọc lên dài mãi/những thân xác vẫn không thôi nằm lại/chụm nhau vào, kê đảo thêm cao(Đất nước bè trầm).
Trong số các nhà thơ trẻ ở phía Nam, chúng tôi thấy những đóng góp đáng kể của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn với những đóng góp đáng kể ở cả  thơ, văn, lý luận phê bình. Nhưng trước hết Lê Thiếu Nhơn là một nhà thơ với những tìm tòi, sáng tạo mới mẻ đem đến cho thi đàn thơ đương đại những bài thơ trữ tình để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Hành trình thơ của Lê Thiếu Nhơn được đánh dấu qua các tập Bài ca phía mặt trời (tập thơ, 1997), Dốc gió (tập thơ, 1999), Phố tình riêng (tập thơ, 2003), Trong bóng người xưa (tập thơ, 2006), Bản tường trình giấc mơ đi vắng (tập thơ, 2009), Gió heo may ngày nắng gián đoạn (tập thơ, 2020). Cũng vẫn là tình yêu đất nước nhưng Lê Thiếu Nhơn có cách đặt vấn đề mới mẻ cùng những trăn trở, suy tư của người trẻ trước những vấn đề đang đặt ra:
Con lúc nào cũng yêu day dứt đất nước này
Đất nước như mẹ giản đơn và chịu đựng
Từ cổng nhà mình, con khiêm nhường bước đi
Lo ngày trở lại không còn cao thượng!
(Mẹ dạy con yêu đất nước)
Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, một người con của Tiền Giang với những vần thơ quê hương sâu lắng, trữ tình cũng luôn luôn trăn trở trước những vấn đề đặt ra với quê hương, Đất nước trong hoàn cảnh mới, trước những biến động của các giá trị văn hóa truyền thống, những thay đổi của cuộc sống khi cảnh quan làng quê đang bị phá vỡ, người nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng để Tôi đi về phía làng/ Mang lên phố những nỗi buồn ruộng rẫy… Những băn khoăn, lo lắng ấy đem đến cho con người những ứng xử khôn ngoan và tích cực nhưng trên hết vẫn là tình yêu quê hương, đất nước không hề thay đổi với những vần thơ ngọt ngào về làng quê cũng như tuổi thơ của mình:
Bên cánh võng ngày xưa tiếng mẹ ru hời
Tuổi thơ tôi gửi hồn làng giữ hộ
Vòng quay cuộc đời nghiệt ngã
Cuốn những mảnh đời lam lũ xa quê
Đàn cò về trong tiếng mẹ à ơi
Cổ tích của bà, ca dao của chị
Những mùa trăng dịu dàng xa lắm
Trong lời ru sau lũy tre làng…
Con trở về tay chạm mảnh hồn làng
Đau đáu giấc mơ trong nỗi nhớ
Đêm nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi
Nuối tiếc cho một thời ấu thơ…
(Làng)
Đó là những hiện trạng ở các làng nghề truyền thống khi ít người nối tiếp bởi nỗi lo cơm áo cũng như khát vọng đổi đời, đó không chỉ là nỗi buồn ở một làng nghề mà còn là thực trạng ở rất nhiều làng quê trong cơ chế thị trường:
Ông nói vui mà tôi nghe thật buồn
“Bây giờ cha truyền nhưng con cái chắc gì chịu nối…”
Sông càng chảy càng xa nguồn cội
Con sãi ở chùa chẳng còn quét lá đa
Những chàng trai bỏ làng lên phố
Khát cháy giấc mơ đổi đời
Những cụ già sống bằng kí ức
Nửa đêm trở dậy nhóm lửa lò
Ngày mai đất sẽ nở hoa
Hết đêm nắng lại chan hòa đấy thôi…
(Viết ở một làng nghề)
Phạm Vân Anh sinh năm 1980 tại Hải Phòng, Hội viên Hội nhà văn Hải Phòng, chị là người thành công trên nhiều lĩnh như thơ văn, báo chí, phim ảnh… nhưng trước hết là nhà thơ đầy nữ tính với các tập Tôi chào tôi (tập thơ, NXB Hải Phòng), Mùa tình (tập thơ, NXB Hội Nhà văn), Góc (NXB Hội Nhà văn, 2009), trường ca Sa mộc (NXB Lao động, 2016)… cùng nhiều giải thưởng Giải thưởng: Giải thưởng dành của Uỷ ban toàn quốc các Hội LHVHNT Việt Nam năm 2005 cho tập thơ Tôi chào tôi, Giải Tư cuộc thi thơ và truyện ngắn năm 2005 của tạp chí Cửa Biển, Giải ba thơ (không có Nhất, Nhì) cuộc thi thơ do Hội nhà văn Việt Nam và TW Hội chữ thập đỏ phối hợp tổ chức.  Suy ngẫm về Đất nước trong thơ Phạm Vân Anh là những suy ngẫm về lịch sử, về thời đại để từ đó thêm tự hào và tin tưởng vào Đất nước: “Căn cớ gì mà trầm mặc cố đô ơi/ Cứ lãng đãng hồn lau/ Cứ rêu phong cổ mặc/ Bao vương triều định đô trong hưng mạt/ Dậy sóng ba quân quyết tử trước bệ rồng/ Được mất của người xưa đâu dễ luận bàn/ Vận nước thế cờ chiều tay người khởi nghiệp/ Luận anh hùng há chỉ vin thành bại…? (Bình yên Hoa Lư) và vẫn một niềm tin sau mưa nắng lại chói bừng “Tổ quốc tôi mạnh mẽ hồi sinh/ Giông bão mang đi những rác rưởi bất tài/ những đớn hèn mục ruỗng/ tái tạo sinh lực cho đất mẹ/ sung mãn tràn trề/ Tre già cho măng ấm bụi/ Rừng lại lên xanh” (Bài ca mặt trời).
Có thể nói tình yêu quê hương, Đất nước trong thơ của các nhà thơ trẻ cũng là dòng chủ lưu trong nền thơ đương đại, thơ trẻ đã tiếp nối các thế hệ trước và có những bước phát triển mới được ghi nhận. Sự phong phú, đa dạng ấy còn thể hiện trong rất nhiều các tác phẩm của các nhà thơ trẻ mà trong khuôn khổ bài viết chúng tôi chưa đề cập hết.
Thơ tình yêu, thế sự, đời tư trong thơ trẻ
Thơ tình  cũng là một thành tựu nổi bật của thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI với những tên tuổi như Lê Thiếu Nhơn, Trần Võ Thành Văn, Đồng Chuông Tử, Trần Đức Tín, Lê Thành Văn, Bùi Việt Phương, Lê Hưng Tiến, Trần Xuân Trường đặc biệt với sự xuất hiện của đông đảo các cây bút nữ với những giọng thơ ấn tượng, thu hút sự quan tâm của độc giả trong đời sống văn chương đang bị xâm lấn bởi các loại hình giải trí khác. Thơ nữ cất lên như một luồng gió mới với những tên tuổi Vi Thùy Linh, Trang Thanh, Bình Nguyên Trang, Ly Hoàng Ly, Nguyệt Phạm, Ngô Thanh Vân, Ngô Thị Hạnh, Trần Lê Sơn Ý, Lữ Thị Mai, Huỳnh Thị Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Việt Nga, Trần Thùy Linh…
 Trong số các nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh là gương mặt thơ nữ tiêu biểu, chị được coi là “hiện tượng Vi Thùy Linh” từ những năm 2000, hành trình thơ Vi Thùy Linh được đánh dấu qua những tập: Khát (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999), Linh (Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 2000), Đồng Tử (Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2005), ViLi in love (2008), Phim đôi – Tình tự chậm (2011), tập thở nổi tiếng “đắt nhất Việt Nam”, Chu du cùng Ông nội (2011)… Thơ Vi Thùy Linh được coi là “bạo động chữ” (Văn Giá) khi chị đem lại cho ngôn ngữ thơ những mã nghĩa mới mẻ, những sáng tạo, cách tân độc đáo về tình yêu, nhục cảm. Những vấn đề nữ quyền luận, ái quyền xuất hiện dày đặc trong các tập thơ với một tinh thần hiện đại, mới mẻ đem lại cho thơ ca đương đại những luồng gió mới:
về đi anh
Cài then tiếng khóc em bằng đôi môi anh
Đưa em vào giấc ngủ nồng nàn, quên đi những đêm chập chờn, trĩu nặng
Ngày nối ngày bằng hi vọng
Em là người dệt tầm gai…
(Người dệt tầm gai)
Anh tô son môi em chín chín lần trong một buổi tối bằng môi anh
Điệu Samba thôi miên mùa thu
Rượu Bohème đổ không biết cạn
Tha bổng mọi ưu phiền ma mị.
(Bản đồ tình yêu)
Ly Hoàng Ly sinh năm 1975, là nhà thơ, hoạ sĩ, tác giả của nhiều triển lãm sắp đặt và trình diễn. Tập thơ Cỏ trắng của chị ra đời năm 1999 từng đoạt giải Mai Vàng của báo Người lao động, tập Lô lô (2005) từng đạt giải thưởng Hội nhà văn nhưng chị từ chối nhận giải, chị từng đạt giải nhất thi thơ báo Tuổi trẻ. Thơ Ly Hoàng Ly nữ tính mà mạnh mẽ, bạo dạn khi viết về nhục cảm, bản năng tuy nhiên chị biết tiết chế cảm xúc trong thơ mình để không chìm đắm trong đó mà vươn lên khát vọng tình yêu và những điều cao đẹp. Nhiều bài thơ của Ly Hoàng Ly có những tìm tòi, đổi mới cả nội dung và hình thức thể hiện để phù hợp với bạn đọc trẻ, với sự năng động của cuộc sống đương đại, có thể kể ra Tiếng đàn đêm, Đêm của chúng mình, Mùi đêm, Mưa hát, Trầm cảm, Sợ, Cắt… thử đọc lại một số câu tiêu biểu trong số ấy:
Đêm là của chúng mình
Tình yêu thắp sáng đêm
Đêm là của chúng mình
Sao nở ngủ
hở anh.
(Đêm là của chúng mình)
Mở mãi, muốn mở mãi
Mà bầu ngực vẫn trắng, không đêm.
Mở mãi, muốn mở mãi
Bầu ngực này căng đêm
Soi vào gương
bất lực và khóc
Trong vô vàn những giọt nước mắt
Một giọt đêm ứa ra từ bầu ngực trắng.
(Mở nút đêm)
Cùng viết về tình yêu nhưng ở mỗi nhà thơ nữ thời kỳ này lại có những cách thức thể hiện rất lạ, rất riêng nếu Nguyệt Phạm mạnh mẽ, táo bạo với Mắt giấy, Phơi riêng tư thì Ngô Thanh Vân lặng lẽ trở về những ẩn ức đêm đầy ma mị, đêm của hò hẹn, kiếm tìm, gặp gỡ, khao khát, khoái cảm… Đọc thơ đêm của Ngô Thanh Vân như được trở về với bản thể nguyên sơ, ngỡ gặp  của thuở Adam và Eva trên vườn Địa đàng:  Bức tranh đêm – anh vẽ miền hoang sơ cổ tích – bằng mắt môi, hơi thở nồng nàn – lồng lộng đàn ngựa hoang tung vó – ngả nghiêng một cõi nhân gian! (Vũ khúc) hay những diễn ngôn của giới nữ với : “em mềm như sợi nắng – óng ả đường cong- mời gọi- hoá thân thành người con gái – em mơn mởn lụa là – ngà ngọc – rút ruột tằm – em lên ngôi cao hoàng hậu – che giấu mọi điều bí ẩn -rừng thiêng – núi cao – sông ngòi – khe rạch -khơi nguồn -những sợi tơ dan díu – trói buộc em với số phận con người -tinh tuý một đời -em dệt hình hài trong nỗi đau tê dại – người khoác lên em. Em khoác lên người -sợi tình mỏng manh -chạm mạnh tay sẽ đứt” (Lụa). Rồi một Ngô Thúy Nga táo bạo trong ngôn ngữ tình yêu với nhiều cung bậc trong tập thơ Nốt lặng mà vang ngân tiếng nói ái tình: Có đôi lần anh vén váy em làm gối / Ngủ vùi sau cơn say hư ảo đời người/  Đêm vẫn ngọt / Anh vẫn say / Em đi về rất vội  (Phố núi ngọt) hay rất tình với trả áo cho nhau: Ta lặng im bên nhau/ Em trệu trạo nhai bóng đêm đổ ập bên song cửa/ Đáy mắt anh rơi giữa khoảng trống hai chỗ ngồi chưa kịp ấm/ Ta trầm ngâm/  Nghe thinh không vỡ òa/ Em cởi áo mình trả áo cho anh…(Trả áo cho anh) có lúc nhận mình cuồng điên khi mang giới tính nứ: Đàn bà có khi như cơn bão/ Cuồng điên xé lòng mình đổi lấy an nhiên cho những điều không thật/ Cấu rách bản năng để nắm tay người chơi trò cút bắt/ Già mất một cuộc tình vừa bắt đầu những vết son (Ngược sáng). Rồi một Ngô Thị Hạnh đầy sáng tạo với những tập thơ có sức nặng như Rơi ngược, Vang vọng, Nắng từ những ngón chân… chị được đánh giá là gương mặt thơ nữ trẻ tiêu biểu của thàng phố Hồ Chí Minh suốt hai mươi năm qua. Đọc thơ Ngô Thị Hạnh luôn bắt gặp trong đó một người con gái da diết với khát vọng tình yêu, hạnh phúc nhưng cũng đủ tỉnh táo nhận ra hạnh phúc mong manh rồi tự cầm lòng: Em thả tình theo anh/ gió chẳng nói điều gì/ ngu ngơ rạn vỡ/ Chẳng biết làm gì cho đỡ nhớ/ bởi gặp anh rồi nhớ lại gấp ngàn xưa/ em giũ áo bao lần sao cơn khát chẳng ngủ yên?/ Với anh, em như chuồn chuồn xanh/ mỏng manh tựa sóng/ khi sóng qua rồi anh lại như xưa! (Vu vơ).
Em yêu anh như Van Gogh yêu hoa hướng dương
cả đời giông bão
nỗi trở trăn nào khiến em khát đại dương?
Em chẳng hiểu gì về những điều anh nói
những chiếc lông ngỗng vô tình dắt anh đi tới
gọi tên tình yêu
xa xăm niềm vui kề cận nỗi buồn
chỉ biết bám víu vào những ngày thơ dại
liệu có còn niềm tin?
(Yêu)
Rồi một Trần Lê Sơn Ý với những bài thơ “trữ tình xã hội” với những lời thơ thô ráp của đời sống thường nhật rất gần gũi với giới trẻ, chị cũng luôn ý thức sự cách tân, sáng tạo trong thơ:
Tôi chỉ thấy quanh mình hoa mùa xuân và cỏ mật
Thôi ước làm chi một đời bất tận
Chỉ mong một ngày biết nắng tháng tư
Chẳng bao giờ tôi dám ước mơ
Được một lần sống trong đời nhau sống hết
Chỉ xin làm con phù du đơn độc
Một lần bay chạm mặt bình minh
(Đồng thoại)
Trong số những gương mặt thơ nữ tiêu biểu thời kỳ này không thể không nhắc đến Bình Nguyên Trang, chị có sáng tác từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bền bỉ hơn hai mươi năm cầm bút với một gia tài văn chương và những giải thưởng đáng nể, riêng về thơ đã có các tập Lối về, Chỉ em và chiếc bình pha lê biết, Những bông hoa đang thiền, Những người đàn bà trở về. Thơ tình của Bình Nguyên Trang rất dung dị, tự nhiên, đầy nữ tính nhưng không kém da diết, mãnh liệt:
mỗi bước em đi cỏ bời bời quấn lối
níu mênh mang những buổi anh về
hoa hồng đỏ thẫm dần bóng tối
nụ hôn anh mở ra mọi chân trời
em ngập vào anh như loài cây ngập vào bến bãi
xanh ngút ngàn phù sa
chúng ta thành con sông tận cùng dâng hiến
mùa sinh sôi cho mặt đất thiên đường.
(Tình Yêu)
Trong nỗi gì như thương nhớ
tháng Giêng trở về đúng hẹn
em quàng khăn xuống phố
mùa trên vai
Mùa về trên vai xanh như mắt anh nhìn em
trong như mắt anh nhìn em
giọt mưa xuân tràn vào cây viết
em vẽ tình anh lên trời
Chúng mình còn nhau trong câu hát người ơi
bao duyên nợ buộc lòng sau mưa bão
sau cách chia
và ngậm ngùi cơm áo
con tim đau chiều nay bật chồi
(Tự tình tháng Giêng)
Các nhà thơ nam viết về tình yêu có khi mang nét trong trẻo, lãng mạn và khát khao như thơ của Lê Thiếu Nhơn (Ngõ về nhạt nắng, Dịu dàng ơi…), Phùng Hiệu (Ngõ thời gian, Mảnh trăng quê, Lạc bến thương yêu…), Trần Đức Tín (Nước mắt có mặn lắm không em, Van em, Trăng ru tình…) cùng nhiều những bài thơ của các tác giả khác làm nên sự phong phú của thơ tình trong hai thập kỷ này.
Bên cạnh mảng thơ tình yêu rất đa dạng, phong phú những cảm hứng thế sự, đời tư cũng xuất hiện khá nhiều trong thơ thời kỳ này, đó là những lo toan cơm áo thường nhật xuất hiện nhiều trong  tập thơ Trong bóng người xưa của  Lê Thiếu Nhơn:
Đất nước có bao nhiêu người đang buồn
Xuôi ngược áo cơm không ai kịp nhớ
Tôi làm thơ đẩy đưa giông bão
Khói hương đầu đình trôi dạt cuối sông
Bà mẹ nghèo buổi chợ chậm bước chân
Đồng tiền mỏng manh che lòng trắc ẩn
Ơn nghĩa ở đời nhiều như muối biển
Đám giỗ thánh thần sốt ruột trẻ con!
(Trong bóng người xưa)
Nhà thơ Phùng Hiệu từng bước chắc chắn khẳng định mình qua những tập thơ: Tình không dám ngỏ, Thức giấc, Dấu chân biển cả, Trong thế giới ngụy trang,  Biên bản thặng dư cùng những giải thưởng uy tín của Hội nhà văn thành phố Hò Chí Minh. Bên cạnh những bài thơ tình hồn nhiên, tươi trẻ anh còn dành nhiều sự quan tâm đến những người lao động trong cuộc sống đầy khó khăn nhất là cuộc sống của những người công nhân nơi đô thị: Anh lê những bước chân về phía công trường/ Lót vào lòng nắm xôi lên giá/ Anh không dám châm vào chiếc xe cà tàng giọt xăng đắt đỏ/ Đành đi bộ mỗi ngày đến trước bình minh… và: Chị rã bời rời khỏi xưởng may/ Và vội vã bước chân về sáng/ Đêm đã lắng tiếng đời đã cạn/ Phố sang ngày/ Trăng ngả phía tăng ca…
Trong số các cây bút thơ trẻ ở các địa phương chúng tôi quan tâm đến Bùi Việt Phương, Trần Huy Minh Phương. Họ là những cây bút rất giàu sức sáng tạo và đang sung sức. Nhà thơ Bùi Việt Phương hiện là phó chủ tịch hội văn học nghệ thuật Hòa Bình, trong những năm gần đây bên cạnh những trang văn xuôi, thơ anh xuất hiện khá đều đặn trên các báo, tạp chí ở trung ương và địa phương. Anh đã xuất bản hai tập thơ Ngày lạ, NXB Hội nhà văn, 2019; Mắt trong, NXB Hội nhà văn, 2020. Anh từng nhận giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật với tập thơ Ngày lạ. Thơ Bùi Việt Phương đem đến những nhận thức mới lạ cũng như những suy tư, triết lí về cuộc sống:  Chỉ có chạm vào/ Cánh hoa bưởi trắng/ Rơi, một chiều gió lặng/ Thế mà tần ngần/ Đau/… Đâu cứ mùa Xuân/ là phải xanh” (Hoa bưởi). Bùi Việt Phương cho rằng cuộc sống cần sự dấn thân, trải nghiệm: Dở dang là hạt hoa hy vọng/ Bay được bao xa thì cứ bay/ Trôi được bao lâu thì cứ trôi/ Đừng níu vào lắng đọng/… Đi được bao nhiêu thì cứ đi/ Đừng hỏi/ đời còn đợi ta với bất ngờ nào?” (Nguyên đán).
Trong số các tác giả đương đại, Trần Huy Minh Phương đem đến nét riêng mới cho thi ca, là một tác giả trẻ nhưng thấm nhuần tư tưởng triết học Phật giáo đặc biệt những giá trị căn cốt của tinh thần Thiền tông luôn được anh thể hiện trong rất nhiều sáng tác gần đây của mình. Trần Huy Minh Phương coi cuộc đời như một sàn diễn, trên đó con người đóng các vai rồi cũng hết đừng để tham lam, ích kỷ chi phối đến nghiệp của mình, mỗi người hãy sống cuộc đời chân thật, sống trọn với mình để được thăng hoa: Trên sàn diễn cuộc đời, vai nào rồi cũng hết/ xấu tốt, thiện ác, phật ma, đại ngã vô ngã/ tùy vào sự chọn lựa của mình/ trang phục, phấn son rồi sẽ nhàu nhĩ và tì vết/ tham lam, ích kỷ – nghiệp đen đẩy luân hồi biền biệt/ sống thật với đời, sống trọn với mình cho nhân cách thăng hoa. Có lúc trước hoa huệ trắng trong, Trần Huy Minh Phương cũng nghĩ đến cõi ta bà, nhịp Thiền như để gột rửa lòng mình thanh tịnh, trở về bản ngã Chân như: Rung rinh hương gọi nắng hồng/ mà nay từng búp rụng vòng chân nhang/ lời thơm như đã thật gần/ trút tâm sám hối tựa lần chia xa/ áo lam, tràng chuỗi thành hoa/ ta còn ôm cả ta bà ngả nghiêng/ huệ hương đã trút nhịp thiền/ mình vừa sụp lạy bóng mình đó thôi (Chợt nghĩ bên hoa huệ).
Về mặt nghệ thuật
 Bên cạnh sự đa dạng về nội dung, Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI cũng có hình thức thể hiện rất phong phú nhất là về mặt ngôn từ, nhiều khẩu ngữ được đưa vào thơ khiến những câu thơ gần với câu giao tiếp thường ngày, nhiều câu thơ không theo ngữ pháp truyền thống mà lược bớt thành, rút gọn tới mức tối giản. Hiện tượng này gặp nhiều trong thơ Vi Thùy Linh, Nguyệt Phạm, Ngô Thị Hạnh, Ngô Thúy Nga… Về thể thơ, qua khảo sát chúng tôi nhận thấy thể thơ tự do chiếm ưu thế hơn cả, thơ tự do không bị gò bó vào câu chữ, vần nhịp nên phù hợp với cách giãi bày, với mạch cảm xúc của thơ hiện đại. Các bài thơ viết thể thơ truyền thống như năm chữ, bày chữ, tám chữ, lục bát xuất hiện ít hơn nhưng lại có nhứng cách thể hiện mới mẻ đem lại lý thú cho người đọc. Thơ lục bát của Nguyễn Quang Hưng, Trần Xuân Trường, Nguyễn Văn Song… là những ví dụ cụ thể.  Các nhà thơ trẻ giai đoạn này cũng vận dụng linh hoạt các biện pháp tu từ như so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, đối lập… giúp bài thơ có tính hàm súc cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những tác giả, những bài thơ còn có những cách diễn đạt ngô nghê, dễ dãi, ít cảm xúc, ít tính hình tượng. Nhiều tác giả sa đà vào các vấn đề nhục cảm, tình dục một cách lệch lạc, thái quá không phù hợp với truyền thống văn hóa. Nhiều nhà thơ trẻ chưa ý thức đầy đủ  trách nhiệm công dân của mình trước những vấn đề của Đất nước, dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
20 năm là khoảng thời gian không dài nhưng đủ để chúng ta nhìn nhận, đánh giá thành tựu thơ trẻ qua  một chặng đường để có những tổng kết kịp thời trong chính sách văn học nghệ thuật, tất nhiên mọi sáng tác cần có độ lùi thời gian để sàng lọc. Trên đây là một vài cảm nhận bước đầu của chúng tôi về diện mạo thơ Trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI, thơ trẻ vẫn đang vận động và phát triển nột cách phong phú và sôi động trong những năm gần đây, thiết nghĩ để có cách nhìn nhận và những đánh giá toàn diện hơn rất cần những cuộc hội thảo khoa học, những chuyên luận mang tính nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học để từ đó đúc kết những kinh nghiệm trong sáng tạo và tiếp nhận thơ Trẻ nói riêng và Văn học Việt Nam đương đại nói chung.
31/7/2023
Nguyễn Quỳnh Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Người thơ rượu núi đã mây bay

Người thơ rượu núi đã mây bay

Tôi biết đến nhà thơ Lò Cao Nhum khi ở cùng anh hai mươi ngày tại trại viết Văn nghệ quân đội Đồ Sơn – Hải Phòng năm 1995. Lò Cao Nhum được bầu là người hiền nhất trại. Anh suốt ngày cứ im im như đá núi. Chính ở trại viết này, Rượu núi đã ra đời và đoạt giải Cuộc thi thơ Văn nghệ quân đội để mọi người, nhất là giới nhà thơ biết tới Lò Cao Nhum với thương hiệu Rượu núi.
Bạn đến
Mời ngồi xếp bằng tròn giữa chiếu
Chiếu đan bằng tia mặt trời
Bát rượu trăng rằm
Mong hồn vía bạn đừng thất lạc
Cầu cụ ông, cụ bà, cây si, cây đa
Gái bản nụ hoa, trai mường cây nghiến
Ngửa bàn tay cũng da
Úp bàn tay cũng thịt
Rượu nhà tôi
Ủ từ lá sắc rừng gai
Chắt từ củ mài hốc đá
Vợ tôi nấu thơm từ lửa đêm dài
Trong các cuộc tôi đi Hòa Bình hoặc Lò Cao Nhum xuống Hà Nội đều dành thời gian gặp gỡ, thơ ca và nhất là khoản rượu. Luôn thêm các anh Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Tấn Việt, Nguyễn Thành, Nguyễn Thành Tuấn, Đào Bá Đoàn… thâu đêm suốt sáng chuyện thi ca. Toàn chúng tôi nói là chính còn Lò Cao Nhum vẫn vậy, chỉ mủm mỉm cười trước ba hoa của cánh bạn văn nghệ. Mà ngày ấy, tôi còn ở tận Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên xa xôi mà các anh toàn xe máy đường trường tới thăm cậu em út.
 Một ngày, Lò Cao Nhum chỉ nói chừng bảy tám câu không đầu cuối. Vậy mà, trên các diễn đàn trang nghiêm hàng trăm người, Lò Cao Nhum đọc diễn văn hoặc phát biểu rất mạch lạc khang trang. Cái nết đón bạn của anh mới cực kỳ trọng thị. Chúng tôi còn vài ngày mới tới lịch đi Hòa Bình mà anh đã rục rịch tổ chức đón, dự kiến các địa điểm, thông báo cho toàn thể bạn hữu còn đích thân từ Mai Châu lên thành phố đợi người. Khi ấy tôi còn là phóng viên truyền hình, công việc quay phim bận rộn, song Lò Cao Nhum đều sẵn sàng đi theo đoàn phục vụ. Một lần tôi đã rất xúc động khi anh “canh gác” cho tôi cẩn thận đến mức khó tin.
Thơ Lò Cao Nhum tưởng chừng chất phác nôm na kỳ thực đọc kỹ đều là kim giấu trong bông, ngọc ẩn trong đá, cứ mưa dầm thấm lâu khiến người đời ám ảnh: Một phần ba mới giầu nửa chừng/ Vừa ăn vừa dụm sinh dè sẻn/ Vừa làm vừa nghĩ ngày mai đến/ Khách đi khỏi, vợ ngồi cạo niêu (Người trên núi); Ngày ấy ai dại khờ/ Nghe trăng xui. Bẽn lẽn/ Chọc sàn trăng. Trăng mơ (Sàn trăng); Cột tre mùa xuân/ Vòng mặt trời mùa xuân/ Dải còn chấp chới (Tung còn); Soi cây lim già/ Hiện diện ở lòng mình/ Ngôi đình bão tố (Soi gương núi);  Cao ốc khoe đủ mọi dáng màu/ Ban công biếc bồ câu hội tụ/ Đàn chim bay lướt trên ghế đôi/ Người bãi biển lấy cớ tình tự (Bồ câu bay xanh trời thành phố); Nhận ra anh em/ Nhận ra họ hàng/ Nhận ra đồng tộc/ Khi nóc nhà có hoa khau cút/ Đấy là tín hiệu vui/ Tín hiệu máu mủ/ Anh có thể cởi dép/ Rửa chân lên thang/ Tìm chỗ ngồi của mình nơi góc chiếu... Rồi anh đi/ Ngoái nhìn ngọn hoa mưa nắng/ Thơm thảo nơi mái lá nhà sàn/ Văng vẳng níu chân lời hát/ Người ta chỉ muốn gần nhau thôi. (Nóc nhà ta có hoa khau cút);  Vòng xoè/ Gương mặt bừng ánh trăng/ Nụ cười hồng ngọn lửa/ Trẻ, già, trai, gái kết hoa/ Vòng nguyệt quế bản mường/ Vòng nguyệt quế trao người hùng của bản/ Tặng người gan của mường/ Người hùng, người gan/ Cột lim, cột nghiến/ Kết đan phên rào, phên giậu/ Chắn bão, ngăn giông/ Xua mây, đuổi nắng (Vòng xòe)…
Lò Cao Nhum không chỉ bền gan bền chí với thơ ca mà cách anh chăm chút cho anh em văn nghệ trẻ mới thực là đáng quý. Anh cùng các nhà văn nhà thơ Lê Va, Nguyễn Tấn Việt, Bùi Minh Chức, Nguyễn Anh Nông là những trụ cột văn chương Hòa Bình luôn vừa kính trọng hỏi han các bậc tiền bối, đàn anh; vừa giao lưu bè bạn khắp các tỉnh thành; vừa chăm chút các hạt nhân văn nghệ trẻ trong tỉnh khiến ai cũng rưng rưng cảm động. Nhà thơ Bùi Tuyết Mai là như vậy. Khi được tin nhà thơ Lò Cao Nhum mất (14/6/2023) đã nghẹn ngào điện báo tin cho tôi trong nước mắt. Thân quý nhau đến tận cùng. Thuộc thơ của bạn hơn thơ của mình chính là Lò Cao Nhum và Bùi Tuyết Mai. Cánh văn nghệ cả nước mỗi khi tới Hòa Bình đều ghé thăm bản Lác – Mai Châu, nơi có vợ chồng con cháu nhà thơ Lò Cao Nhum ở đó.
Không hiểu sao, các ông anh văn nghệ rất quý tôi. Có khi gặp gỡ liên tục có khi vài năm mới gặp nhau song điện thoại vẫn thường xuyên khi thấy nhau trên báo đài, truyền thông hoặc liên thông ông nọ dắt díu điện thoại ông kia trong các cuộc rượu. Hôm tôi hẹn với nhà thơ Lê Va đi tặng sách ở một bản xa xôi tỉnh Hòa Bình quê của nhà thơ Bùi Tuyết Mai không thể nào ngờ được bà con nhân dân đón tiếp rất nồng nhiệt. Rượu vào lời ra, đến khoản thi đọc thơ bạn, Lê Va và Bùi Tuyết Mai đã rất kinh ngạc khi tôi gần như thuộc sạch thơ của Lò Cao Nhum và Nguyễn Anh Nông. Chỉ có điều trong men rượu, các anh chị kia đã không nhận ra, hoặc nhận ra thì cũng bỏ qua là tôi đã trà trộn cả thơ của mình khi đọc. Ăn gian như thế, các anh chị kia cầm chắc phần thua, nhưng ai cũng rưng rưng vì bè bạn, vì văn chương nghệ thuật. Ở đời có ba loại bạn khăng khít đến lúc nhắm mắt tắt hơi. Đó là bạn lính chiến từng vào sinh ra tử. Đó là bạn tù kẻ trước người sau được tự do vô cùng gắn kết. Loại thứ ba chính là bè bạn văn nghệ bất kể Đông, Đoài, Nam, Bắc… nhiều khi chỉ mới đọc tác phẩm của nhau đã như thân quý tự kiếp nào, rồi hẹn hò dụ khị đón rước cứ như đúng rồi, cãi cọ đấy rồi lại ôm nhau ngủ trong hơi men, trong thơ ca tâng bốc nhau đến tận mây xanh. Đối với tôi, còn có những ca vô cùng đặc biệt. Đó là trường hợp nhà thơ Văn Thùy. Khi tôi còn ở Như Quỳnh, có khi nửa đêm, Văn Thùy tằng tằng xe máy đến không buồn gõ cửa cứ thế lăn ra ngoài hiên đánh giấc nồng, đến sáng cháu bé bảy tuổi mở cửa đi học đã phải chết khiếp thấy một cụ lão râu ria tóc tai như người rừng nằm gối đầu trên khúc gỗ ngoài hiên ngáy ò ò nồng nặc hơi men.
Nhà thơ Lò Cao Nhum cũng không ít bận phải chịu cái rét căm căm trên nền nhà tôi lạnh cóng gió thông thốc thổi. Khi đó tôi vừa xây được nhà, nhưng chưa có tiền đóng cửa, cứ thế các anh đến thơ rượu, rồi đêm khuya lấp vào một góc cho tới sáng. Thế là cứ nguyên giày, tất, mũ, bông, có ông còn đội cả mũ xe máy kềnh xuống manh chiếu đã sờn. Tờ mờ sáng hôm sau đã dắt nhau ra quán đầu làng tiếp tục rượu – thơ vô thiên lủng. Ôi chao ngày ấy cũng đã xa rồi!
Quay trở lại ngày trại viết ở Đồ Sơn với các anh chị Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Mạnh Lê, Phùng Kim Trọng, Như Bình, Trần Thanh Hà… thì xem chừng chỉ có Lò Cao Nhum là hiền nhất. Các anh chị kia thơ văn tới tấp, ăn mặc xanh đỏ tím vàng, lướt ra biển đến sóng cũng xôn xao, chỉ riêng Lò Cao Nhum củ mỉ cù mì im im như đá núi. Vậy mà, chùm thơ đoạt giải trong đó có Rượu núi đã như bức tượng đội núi nhô lên. Rồi từ đó, Lò Cao Nhum viết tới tấp như rượu trong chum sành vò vại cứ thế chảy thảo thơm miên man không dứt với các tập thơ: Giọt sao trở về; Rượu núi; Sàn trăng; Theo lời hát về nguồn; Gốc trời… đã làm lên thương hiệu Lò Cao Nhum. Và nhất là, khi anh đảm đương cương vị Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ Hòa Bình, chúng tôi lại được thấy một Lò Cao Nhum khác: chững chạc, trọng thị khách văn chương, tâm huyết với văn hóa các dân tộc Hòa Bình và quy tụ được đội ngũ anh chị em làm văn chương nghệ thuật.
Lò Cao Nhum sinh năm 1954, tại Bản Lác, Mai Châu, Hoà Bình, người dân tộc Thái. Anh đã trọn một đời sáng tác và công tác với những đóng góp cho văn chương nghệ thuật. Ở mảng khảo cứu sưu tầm văn học dân gian, Lò Cao Nhum cũng có những đóng góp đáng ghi nhận. Lò Cao Nhum đã nhận nhiều giải thưởng Trung ương và địa phương cho các sáng tác của mình. Với người cầm bút đồng thời, anh luôn đáng quý trong sự chân thành tin cậy đúng như những sáng tác thơ ca của anh. Anh em văn nghệ sĩ tỉnh Hòa Bình và bạn bè văn nghệ các vùng đất rất nhiều người yêu quý Lò Cao Nhum và vẫn nghĩ anh sẽ còn cống hiến nhiều cho văn chương nghệ thuật. Song con người chân tình và hiền hậu ấy đã đột nhiên gió núi mây ngàn ở tuổi bảy mươi.
Nhà thơ Lò Cao Nhum, người thơ rượu núi đã mây bay, nhưng các tác phẩm và nhất là tấm lòng anh luôn còn đọng mãi trong lòng bè bạn. Bài viết này xin được làm nén hương thơm của anh em bè bạn văn nghệ tiễn đưa anh.
31/7/2023
Phùng Văn Khai
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Niềm vui vì được cùng tên

Niềm vui vì được cùng tên…

Một. Có bao giờ bạn thấy tên mình, mà thực tế đó là tên của người khác, trên sách vở, và nói rộng hơn, trên một phương tiện truyền thông, một nhật báo online chẳng hạn? Và nếu có, lúc ấy, bạn cảm thấy vui!? Nếu thế, thì tôi đã được khá nhiều niềm vui như vậy. Nói là vui, nhưng thật ra, lòng tôi còn hơn thế nhiều…
Cách đây khoảng hơn bảy năm rưỡi, tôi đã viết ngắn “Một hình ảnh quê nhà” để ghi lại niềm vui vô bờ của tôi khi tôi tình cờ đọc thấy tên đệm và tên của tôi là tên của một xã của huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, quê ngoại của tôi: xã Duy Thành trên VnExpress. Khỏi phải nói, lúc ấy không những tôi vui mà còn yêu mến thêm quê mẹ của tôi…
Hai. Cách đây hơn bốn năm, một niềm vui gần giống như vậy đã lay động tâm trí tôi khiến tôi đã viết “Chuyện tình cờ” vì tình cờ, khi ghé vào một quán café trong một chung cư trước kia tôi từng ở và bắt gặp ở đó một cuốn sách có cái tên rất hay: “Đừng Vì Cô Đơn Mà Yêu Một Ai Đó”. Đó là một tuyển tập gồm 16 truyện ngắn của những tác giả còn khá trẻ ở độ tuổi 8X, 9X… do nhà xuất bản Văn Học phát hành trước đó hai năm. Nhìn chung, đó là những truyện ngắn khá hay và nhiều chỗ khiến cho độc giả phải suy ngẫm. Thế nhưng, điều duy nhất tôi muốn nhắc lại là trong số 16 truyện ngắn đó, có truyện “Yêu Một Bình Minh Mới” của một tác giả có bút danh khiến tôi phải… chú ý: Hamlet Duy Thành. Đó là câu chuyện về một chuyện tình tay ba gồm nhân vật Tôi, H. và V. có thể tóm tắt: Trong khi sống với H., nhân vật Tôi lại luôn nghĩ về… V. Câu chuyện tưởng chừng như đơn giản nhưng, theo tôi nghĩ, tác giả của nó muốn người đọc thấy được sự khác biệt giữa hai khái niệm tình cảm mà xưa nay người ta hay… lẫn lộn, đó là “thương” và “yêu”. Nhân vật Tôi yêu V. và thương H. Thế nhưng, khi cuối cùng để quên V, cô đã “chuyển” H từ người cô thương thành người cô yêu. Câu chuyện còn ẩn chứa tấm lòng bao dung của H: anh vẫn yêu thương nhân vật chính khi biết rằng tuy sống với anh, trong trái tim nàng vẫn ẩn hiện hình ảnh của V. Tuy nhiên, sự chân tình của anh đã thắng cuộc khi tin rằng, một ngày nào đó, họ sẽ cùng nhau “yêu một bình minh mới”.
Lúc đọc xong truyện, trong tôi cũng có “một bình minh mới” khi biết tên khai sinh của tác giả cũng giống với tên đầy đủ của tôi…
Ba. Hôm nay, tôi cố ý đọc báo Phụ nữ để tìm kiếm một điều gì đó, một đề tài nào đó khả dĩ có thể khiến tôi viết cho Ngày Phụ nữ của chúng ta. Và tôi một lần nữa lại có một niềm vui rất… khó tả khi tôi đọc một bài viết của một tác giả mà tôi có thể nghĩ rằng anh (chị) ấy đã chia sẻ tên họ với mình: Trần Duy Thành.
Bài tản văn viết về một cuốn sách có tựa đề “Có một ngày bố mẹ cũng già đi”, một tuyển tập của nhiều tác giả do Nhà xuất bản Thế Giới ấn hành. Tôi chưa có dịp đọc cuốn sách, nhưng phải nói là tôi đã hết sức đồng ý với hai chuỗi ý tưởng của nó:
Một, từ sách: “Năm tháng vẫn mãi trôi, thời gian không trở lại. Bạn chẳng bận rộn như bạn nghĩ, năm tháng cũng không dài như bạn tưởng. “Có một ngày, bố mẹ cũng già đi ” và “Người già là hạt nhân của gia đình, người già còn, trong lòng mọi người đều nhớ, vì thế sẽ không đi quá xa. Người già không còn, ai lo việc nấy, tình cảm cũng dần nhạt phai”.
Hai, nhiều hơn, từ bài viết: “Luật tử sinh vốn bất tuân ý nguyện con người. Dù ta có thương cha mẹ, người thân nhiều đến đâu thì rồi cũng đến lúc họ rời đi. Nghiệm ra điều này sớm, ta sẽ trân quý hơn những phút giây còn được kề bên, xem đó như may mắn trong đời.”, “Con người, trong mọi hoàn cảnh, rồi cũng phải sống tiếp nhưng ký ức sẽ nuôi dưỡng hoặc bào mòn ta, tùy cách ta trải qua. Nếu sống hiếu-lễ-nghĩa với người thân thương, ta sẽ không phải ân hận về sau. Việc chứng kiến sự già đi hay phải “sinh ly tử biệt” dẫu buồn nhưng sẽ không làm ta đau khổ vì day dứt, hối tiếc.”
Tôi không còn cha mẹ già vì song thân của tôi đã khuất bóng. Mẹ tôi mất cách đây gần 10 năm, còn cha tôi thì gần 3 năm. Thế nhưng, tôi vẫn thường nhớ tới hình ảnh của hai người tôi vẫn thương yêu nhất. Tuy không phải ân hận hay hối tiếc vì điều gì sai trái, nhưng tôi biết rằng những gì tôi đã làm cho cha mẹ tôi, chỉ như những thìa muối mà tôi đã hòa vào đại dương bao la. Tình nghĩa của cha mẹ tôi dành cho tôi vô bờ bến, tôi đã không thể nào bù đắp nổi. Giờ đây, nhớ đến công lao sinh thành, dưỡng dục của song thân, tôi chỉ còn biết nhang khói mỗi ngày…
Trở lại với những cảm xúc của mình, tôi chân thành cám ơn những ai đã có tên giống tôi với những sáng tác dù đã khiến tôi phải nghĩ suy về việc này, việc nọ; thậm chí, phải “tự kiểm” bản thân về phương diện này, phương diện khác, tôi vẫn cảm thấy vui như được chia sẻ tâm tư, tình cảm của những tác giả đó.
Và, tôi cũng muốn chia sẻ niềm vui này với tất cả mọi người. Biết đâu, còn sống còn hy vọng, niềm vui này không phải chuyện “tày gang”…
1/8/2023
Trần Danh Thùy
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Mưa tháng bảy - Thơ Tịnh Bình

Mưa tháng bảy - Thơ Tịnh Bình

Phong sương luống nỗi ngậm ngùi/ Chiều in dáng núi không vui không buồn/ Lệ trời hay nỗi mây buông/ Đồng khô ruộng cạn đất cằn hồi sinh…
Mưa tháng bảy
Chắt chiu tháng Bảy giọt ngâu
Dùng dằng nắng hạ đôi câu tạ từ
Nặng lòng mây xám hình như
Sợ cơn mưa ướt mùa thu chưa về
Tiếng gà quạnh quẽ trời quê
Cánh đồng thơ bé mải mê cánh chuồn
Quen rồi nắng táp mưa tuôn
Quen rồi nửa mảnh trăng suông đêm thầm
Thương ngâu tháng Bảy trầm ngâm
Nhặt hương hò hẹn gió cầm về đâu
Lòng ai chưa bắc nhịp cầu
Trông vời con nước nghìn sầu trôi xuôi
Phong sương luống nỗi ngậm ngùi
Chiều in dáng núi không vui không buồn
Lệ trời hay nỗi mây buông
Đồng khô ruộng cạn đất cằn hồi sinh…
Tiếng vọng kinh chiều
Chiều ơi cá nhỏ lội đâu?
Sông quê nước ròng nước lớn
Thương nhánh lục bình mắc cạn
Hoàng hôn tím cả dỗi hờn
Phác họa cánh diều thơ ấu
Ngỡ như ngày cũ vọng về
Gió chiều phất phơ áo lá
Đâu rồi đám trẻ triền đê
Thèm nghe câu chuyện mùa màng
Quê mình hai mùa mưa nắng
Tảo tần nương khoai rẫy sắn
Nhọc nhằn lúa trải đầy sân
Cánh cò bay vào ráng đỏ
Nao nao tiếng vọng kinh chiều
Lòng ơi nỗi niềm quê xứ
Thuyền trăng gối bãi cô liêu…
Kiếp bụi
Cô đơn chỉ một mình tôi
Ba đường sáu nẻo mồ côi luân hồi
Hợp tan ly biệt rồi thôi
Trùng trùng sinh tử chia phôi hỡi người
Cũng đành gió rụng hoa rơi
Nửa đời say mộng nửa đời tịch nhiên
Tiễn mây về chốn non thiêng
Tiếng chuông chầm chậm cửa thiền đợi ta
Trăng xanh thoáng chốc trăng già
Trăm năm hạt bụi đâu nhà hư không
Chuyện đời chẳng có lúc xong
Nhân gieo quả gặt xoay vòng mà thôi
Ngược dòng Người thả bát trôi
Bồ đề tĩnh tọa chỗ ngồi an nhiên
Chợt ta kiếp bụi hữu duyên
Nghìn năm bắt chước tọa thiền cội cây…
1/8/2023
Tịnh Bình
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Những khúc cảm - Chùm thơ Lê Đỗ Lan Anh

Những khúc cảm
Chùm thơ Lê Đỗ Lan Anh

Người đàn bà con vẽ bằng ký ức hôm qua/ Trốn tìm giữa hai tường vôi trắng/ Như thể lời nguyền rạn nứt/ Đổ sầm những bước chân/ Mẹ ở đâu?/ Con ở đâu?
Những khúc cảm
IV.
Mẹ ơi!
Trên khung toan con vẽ con
Rã rời manh áo
Đường kỷ hà dòng kẻ đen
Không dấu chân trời
Một gam màu nuốt bóng 
Con chuột con đỏ lên vì lạnh
Mặt đất với đường biên không giới tính
Ủ dụ đám mây rơi xuống từ mặt người cười khóc
Như kẻ không nhà
Con trườn khỏi bóng con đường
Vết sẹo nứt thân thể mờ đục
Ánh sáng nuốt mất con
V.
Mẹ ơi! Giá như có thể tìm nhau
Trên cánh đồng mất dấu
Vệt bùn khét nắng
Con giun chết khô phận người dìm trong cỏ
Con nghe tiếng đất vỡ
Loài châu chấu ngủ lại trên cánh đồng sinh ra
Có người hỏi về chúng ta
Những di chứng không tên
Như thể ánh lên
Đêm xuyên vào mạch nước những vết sẹo
Con cá tròi lên vũng bùn nghiến ánh sáng quên thân mình
VI.
Mẹ ơi! Con không thể kể mẹ nghe
Về chiếc đồng hồ treo trên đỉnh tháp
Những con người nắn trái tim thành quả lắc
Những khuôn mặt đung đưa
Cái chết dị tật
Hàng số dãy hình lập phương lơ lửng
Cây lúa tróc rễ cánh đồng rụng xuống
Con không thể kể cho mẹ nghe
Về người đàn bà khỏa thân đi trong đêm
Hát bài hát của chúng ta
Người đàn bà con vẽ bằng kí ức hôm qua
Trốn tìm giữa hai tường vôi trắng
Như thể lời nguyền rạn nứt
Đổ sầm những bước chân
Mẹ ở đâu?
Con ở đâu?
2/8/2023
Lê Đỗ Lan Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Thú vị bảy nổi ba chìm kiểu Nguyễn Bắc Sơn

Thú vị bảy nổi ba chìm
kiểu Nguyễn Bắc Sơn

Nguyễn Bắc Sơn là một hiện tượng văn chương độc đáo. Nói thế có quá không? Thưa không. Bởi vì mãi đến năm 1998, khi đã 57 tuổi, anh mới trình làng tập truyện ngắn đầu tiên. Khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam là khi anh đã về hưu được hơn một năm, vì đã 61 tuổi. Chỉ 4 năm sau khi in tập sách đầu đã được vào Hội.
Chưa hết. Từ khi in tập đầu đến khi in hồi kí, nhà văn đã kịp sản xuất và công bố 24 cuốn truyện ngắn, tùy bút, bút kí, tiểu thuyết và cuốn thứ 25 Bảy nổi ba chìm 496 trang khổ to 15 x23 cm chữ cỡ vừa. Chưa hết, nhà giáo, nhà quản lí (chức bé thôi – Trưởng phòng) lĩnh 9 giải thưởng to đùng, đặc biệt là giải tiểu thuyết danh giá của Hội Nhà văn Việt Nam. Nguyên những chuyện đó đã hứa hẹn hồi kí của Nguyễn Bắc Sơn chắc chắn sẽ thú vị.
Tôi đã đọc một số hồi kí của nhà văn, nhà chính trị. Sức hấp dẫn của loại văn này trước hết là độ tin cậy, tính trung thực. Bạn đọc muốn biết hoàn cảnh lịch sử, sự kiện xảy ra với những ai, kết quả thế nào? Người viết hồi kí đã suy nghĩ thế nào, xử lí ra sao, kết cục? Một vài người viết khi tuổi đã cao, trí nhớ giảm sút; lại có người đưa sự kiện, nhưng người trong cuộc thì đã mất, bạn đọc không thể kiểm chứng được. Chính việc thiếu chính xác do trí nhớ, việc không kiểm chứng được đã làm giảm tính thuyết phục của tác phẩm.
Với nhà văn Nguyễn Bắc Sơn, đây không chỉ là dạng hồi kí thuần túy. Tôi cho rằng đây là TỰ TRUYỆN của tác giả viết khi tuổi đã cao, nhưng trí nhớ vẫn hoàn toàn minh mẫn. Mặt khác tất cả các chuyện được kể đều là chuyện của nhà văn với các thành viên gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học sinh cũ… Không có “sự kiện” gì to tát, lớn lao. Tôi có biết một số nhân vật như con gái chị Vĩnh Nga, anh Kim Hệ nhà ở 5 Quang Trung (cùng cơ quan Vụ Giáo dục trung học), anh Đinh Văn Định ở Thái Nguyên, em trai anh Đinh Quang Ấn… Tôi thấy tác giả Bắc Sơn kể chuyện về họ rất trung thực và sinh động. Đấy là cái duyên trời phú cho anh.
Vấn đề không phải là Hồi kí thuần túy, mà là tự truyện. Vì vậy truyện có sự hấp dẫn riêng của nó. Và độc đáo của hồi kí này chính là nó gồm hàng loạt những truyện trong đời sống thường nhật, đời sống giáo dục, đời sống văn hóa và đời sống văn chương… Cũng là độc đáo khi người viết hồi kí thường xưng tôi, hoặc kể lại ở ngôi thứ ba “biết tuốt”. Còn nhà văn Bắc Sơn thì xưng “chú”. Vì anh vốn là thành viên út ít của Đoàn thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước từ thời kháng chiến chống Pháp mà khi tham gia mới 9 tuổi (năm 1950, phải khai tăng 1 tuổi). Nay anh làm Trưởng ban liên lạc gồm 11 người và đã viết cuốn Đoàn thiếu niên nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên (NXB Quân Đội Nhân Dân, 2019).
Nhà văn có vẻ hơi phàn nàn về tiểu thuyết Gã Tép riu: “16 báo in, một báo hình (chuyên mục mỗi ngày một cuốn sách VTV1), không kể báo điện tử không theo dõi được, tịnh không nhắc đến tính tự chuyện của Gã tép riu” (tr.424). Nhưng không thể trách các tác giả. Vì dù các truyện có thật 100% nhưng đã được tiểu thuyết hóa rồi. Gã tép riu đó nếu có những gì liên quan thì chỉ là “yếu tố” có tính tự truyện, chứ không phải là TỰ TRUYỆN. Chính vì lý do đó mà mới còn đất cho hồi kí TỰ TRUYỆN này. Tôi cũng không đồng tình khi ai đó cho rằng “hồi kí là tập văn để tác giả nói thêm cho rõ về mình…”. Với ai đó thì đúng. Còn với Nguyễn Bắc Sơn thì không. Đây là một tác phẩm độc lập, có giá trị như mọi tác phẩm khác của nhà văn, thậm chí còn hơn nữa… Tác phẩm này cho biết Nguyễn Bắc Sơn thế nào và tại sao Nguyễn Bắc Sơn?
Nguyễn Bắc Sơn tự nhận “Không có chí làm quan, không có gan làm giàu”. Bởi thế mà chức vụ cao nhất bên Giáo dục là Phó hiệu trưởng cấp 3 mà giờ là Trung học phổ thông (Dân gian cười rằng phó có như không). Bên văn hóa là Trưởng phòng của Sở. Có thể gọi là quan đấy, nhưng tác giả tự nhận là “đầu binh cuối cán” thôi!
Nhưng Nguyễn Bắc Sơn vừa có gan, vừa có chí làm nhà báo, nhà văn. Anh tự đánh giá “Chỉ miệt mài chữ nghĩa, lại hay quan sát tỉ mỉ chi tiết, thích tò mò khám phá, không ngờ đó lại là phẩm tính cần thiết của một nghề – không, hai nghề: viết báo, sau đó là viết văn” (tr.48).
Một con người bình thường, tự nhận là tép riu, nhưng là người sống nghiêm túc, kỷ luật, không ai có thể chê trách. Tạt về nhà đêm 30 Tết, giữa thời buổi chiến tranh, nhưng vẫn dứt áo ra đi vì tôn trọng kỉ luật quân đội. Vì thể thủ trưởng cũng tôn trọng người lính mang một ba lô tiền cho đơn vị có mặt sáng mùng Một Tết… Không hiếm những đoạn vui khi tác giả khá hài hước. Ví dụ vừa khoe, lại vừa tự diễu mình về chuyện “nghiện”:
“Hơn sáu mươi năm rồi như vẫn còn dư vị trên đầu lưỡi (ăn xu hào thái chỉ xào với trứng – VN chú) Bởi nó là chỉ dấu khi lần đầu tiên nhìn thấy em – mối tình đầu cũng là mối tình cuối để bây giờ 80 tuổi vẫn không nghiện rượu, bia, thuốc lá, chè, cà phê. Không xổ số, không lô đề, cờ bạc. Chỉ nghiện em – vợ chú bây giờ. Việc này hơn nửa thế kỉ nay, em là nhân chứng” (tr.184). Vâng, nghiện thì có cai lắm. Ấy vậy mà anh chàng nghiện Bắc Sơn vẫn đủ lí trí, nghị lực để cai, để vợ đi chuyên gia nước ngoài cứu nhà… Dù sau này anh tự đánh giá là một sai lầm không sửa chữa được…
Cái anh giáo cấp 3 tưởng hiền lành nhưng cũng rất đáo để. Gặp lại người cũ (một anh bánh mì bình phương) giờ làm Hiệu trưởng, chào hỏi, có Quyết định nhưng không chìa ra. Rồi không bắt tay, đi thẳng. Gặp Trưởng phòng Tổ chức anh phân bua: “Tôi không xin về gần với bất kì giá nào… Về đấy để làm việc dưới quyền một Hiệu trưởng như thế thì thà không về còn hơn […] Anh có biết tôi với ông ấy từng cùng một phòng ở Trường Sư phạm Trung cấp không? Và tôi từng dạy ông ấy học đấy ạ!” (tr.210)… Cái chi tiết này không có gì lớn, nhưng tôi rất chú ý, vì nó liên quan đến tính cách, đến nhân cách của Nguyễn Bắc Sơn. Ấy là khi Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội về hưu. “Tân quyền Giám đốc bảo: “Bác Bắc Sơn gặp tôi có việc!”. Không đợi mọi người ra khỏi phòng, mặt đối mặt, nói ngay:
– Tôi biết bác là người của bác Vĩnh Cát. Tôi cũng biết bác có ý định xin đi…
Cũng trả lời ngay, không chậm một giây:
– Anh Vĩnh Cát xin tôi về đây. Nhưng tôi không phải là người của anh ấy mà là người của công việc. Tôi có ý định xin đi, nhưng chưa có chỗ phù hợp. Khi nào thích, tôi sẽ đi!” (tr.357)
Thật tự tin và đường hoàng. Nhà văn là người của công việc. Chính vì làm tốt công việc và chức trách của mình, đặc biệt là giải quyết vấn đề “xin họp báo” một cách có lý có tình, đúng luật. Với một quan chức cỡ Phó thủ tướng và con trai cụ Trịnh Văn Bô thì khá đơn giản. Gay cấn và thú vị nhất là trả lời đơn xin họp báo của ông P.Q.D, người đại diện cho làng Tử Dương, tục gọi làng Tía (tr.343-344). Nhân chuyện chuyên môn, phải đọc kỹ Hiến Pháp để xem công dân có quyền biểu tình không, thì lại phát hiện sách Hiến Pháp nhà in đóng lầm tay sách. Thế là lại thu hồi tất cả các bản in sai…
Không phải ngẫu nhiên mà ông Lê Xuân Tùng, Bí thư thành ủy Hà Nội đưa Nguyễn Bắc Sơn vào tổ “Biên tập văn kiện Đại hội Đảng thành phố lần thứ XII” (tr.347-350).
Cuốn sách chỉ có một chương ngắn vỏn vẹn 42 trang nói về những người bạn văn chương. Nhưng ở đây cho thấy tấm lòng của Nguyễn Bắc Sơn với bạn và bạn với Nguyễn Bắc Sơn. Mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng những cái tên trong phần này đều được nhà văn nhắc đến với tất cả sự trân trọng, mến yêu của những người cùng làm công việc chữ nghĩa.
Có thể nói cuốn tự truyện hồi ký của Nguyễn Bắc Sơn là một cuốn sách thú vị, hấp dẫn. Cuốn sách cung cấp nhiều tư liệu quý để chúng ta hiểu một nhà văn đã sống, đã tích lũy, đã mơ ước, đã viết như thế nào, đã “lên bờ xuống ruộng” ra sao. Nó sẽ có ích cho các nhà nghiên cứu, cho bạn đọc. Đặc biệt là nếu có thời gian, ta hãy đọc cuốn sách này như lời khuyên của nhà văn đàn anh Ma Văn Kháng “cần phải đọc nhẩn nha, đọc không vội vàng, vừa đọc vừa thưởng thức, vừa ngẫm ngợi suy xét” (tr. 417). Chắc chắn là sẽ tìm thấy thêm nhiều điều hấp dẫn và thú vị.
3/8/2023
Vũ Nho
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Về Huế mùa này

Về Huế mùa này

Mình sẽ được ăn món chi rứa em?
Là câu chị hỏi trong điện thoại hôm qua. Em kể một hơi làm răng hết. Gần hai ngàn món ăn của Huế người ta đã liệt kê. Từ dân giã cho tới sơn hào hải vị, từ bình dân cho tới quý tộc thượng lưu, cung đình. Ẩm thực Huế đã là một đẳng cấp vượt trội. Em mời chị một vòng xe với mấy món nhỏ nhỏ thương thương nếm trải hương vị ẩm thực mùa hè xứ kinh kỳ chị nhé.
Bình minh từ phía bên tê sông Hương. Ngọn gió mát lành buổi sớm đưa chân xuôi về Đập Đá. Phía bờ Nam như còn ngái ngủ vì những con phố đi bộ nhộn nhịp khuya hôm qua thì nắng đã cài lược mấy nhịp Trường Tiền đổ qua chợ Đông Ba người mua kẻ bán. Đây đó những gánh bún bò cơm hến bánh canh từ miệt Thủy Dương, Chợ Mai chợ Nọ lúc thúc hối hả toả ra khắp các con hẻm nhỏ. Chạy xe qua Cồn Hến đi chị. Mình hít hà mấy nồi bắp mới luộc khói lên nghi ngút rồi sà vô quán bên đường kêu mấy tô cơm hến. Thương ai gà gáy đến đứng trưa tay cào tay xách bãi bồi bến sông gánh về ngâm kĩ luộc chín tách vỏ.Thịt hến được xào nhỏ lửa với mỡ, hành, măng khô và thịt ba chỉ thái sợi. Vài lát gừng thơm cho vị nước dậy mùi. Và vũ hội của các loại rau thơm, rau răm, bạc hà, rau chuối, khế chua xoài xanh trên tô cơm trắng săn hạt với ruốc, đậu phộng, mè rang, tóp mỡ và cả bánh tráng nướng… Còn thiếu vị chi nữa hè, chua cay mặn ngọt âm dương đủ cả. Mùi vị này là thương nhớ bao năm cho người xa xứ đó em. Chị xuýt xoa chảy nước mắt vừa cười nói. Ăn món Huế ri xa Huế sao đành!
Mới biết Huế mình dễ thương chi lạ. Có những món ăn mới kêu tên dù trưa nắng 38- 40 độ cũng dựng dậy mà đi.
Khó tả hết được hương vị thiệt Huế mà bước chân vô quán đã nức mùi thơm.  Từng bày đặt bún, nuốc chân, rau thơm, dưa leo bánh tráng tôm thịt nạc chả quế… đôi lần, nhưng vị ở đây thật lạ. Cũng đủ mặn ngọt chua cay thanh đậm mới chịu. Nói rứa thôi, làm răng tả hết. Chị phải tay đũa tay bưng trộn đều lên, hít hà một chút cho tứa nước miếng rồi mới gắp vô miệng. Cái thơm tho của rau vườn Huế, cái sần sật của nuốc chân trong veo, mùi chả quế thịt tôm kho đánh… Huế đó chi nữa! Làm biếng không vô bếp chứ mạ nấu món ni đã mấy chục năm. Chỉ Huế mình mới có rổ rau thơm ngon như này vì nguồn nước ngọt của sông Hương. Con sứa giòn sật đậm vị nước mặn mòi xứ Tam Giang ra biển. Và chỉ trong những con hẻm Huế  vườn Huế, tô bún giấm nuốt thay bữa trưa mới đậm đà như ri.
Ui chao, thêm ly nước me đá  sữa dừa thanh ngọt, mắt chị ngơ ngác ngắm khu vườn có nạp chè tàu xanh mướt không muốn bước lui.
Chiều chiều ngọn nắng hiu hiu cùng gió. Con đường hai bên bờ sông Hương rợp bóng cây xanh và hoa. Xứ mình gắt gao nắng gió, để trở thành ” thành phố bốn mùa hoa” cũng là công sức của những người tha thiết với mảnh đất này. Hoa nở sáng công viên, dọc lối đi bộ, đan xen với những gốc cổ thụ trên các tuyến phố. Phượng đỏ nghiêng nghiêng đổ bóng dòng nước trong veo. Bánh bèo nậm lọc và hàng chục món cho bữa lỡ có khắp nơi trong phố. Từ Kim Long về những khu vườn Vĩ Dạ, bánh bày trong các tiệm ăn nườm nượp khách du lịch hay  theo gánh bánh canh Nam Phổ về các con hẻm đầy gió và tiếng con nít vòi quà. Những dĩa bánh bèo xếp trong mẹt tre trong veo màu nước mắm tóp mỡ giòn rụm bột tôm chấy hấp dẫn; bánh cuốn rau thơm thịt nướng nức mũi theo làn gió; thêm ly nước chanh đá, mà là chanh Huế mới có vị chua thơm vừa quyện. Chị tủm tỉm cười ngắm mặt sông đổ xuôi từ bến chùa Thiên Mụ. Dòng nước màu ngọc in bóng vài vệt mây từ núi Phụng trôi về. Ôi Huế!
 Mình về Thuận An đón trăng rằm trên biển, ngang phá Tam Giang Cồn Tộc Cồn Tè dùng bữa chiều với tôm mực gỏi rong gỏi sứa hay em nấu tô canh tôm rau tập tàng mới hái sau vườn, dĩa thịt heo kèm dưa giá tôm chua và đĩa cá bống thệ kho rim nước mắm đường tiêu xay sệt sệt. Ừ về cơm nhà đi thay vì ra quán cơm niêu cũng y chang mùi vị mạ nấu ngày xưa. Phố mình chừ thèm món mỳ Ý, bánh mỳ sốt kem nấm hay tô bún mắm nêm, đọi bánh canh cua đều dễ kiếm. Nhà hàng món Tây dọc ngang đôi hàng phố lớn nhưng món Huế vẫn cuốn hút thực khách và cả dân bản địa bởi sự phong phú và riêng biệt “không nơi nào có được”. Chị xuýt xoa sau bữa cơm chiều và nhắc đến những con phố bán chè mà bấy lâu cả trong mơ người ta vẫn khó quên mùi vị.
Hơn năm chục món chè, chị nhớ không? Chúng mình ghé quán mợ Tôn Đích thử món chè thịt quay hay vô chè Hẻm ăn chè thập cẩm?
Chúng tôi cầm trên tay mùi hương Huế trong ly chè sen. Từ Bến Thương Bạc ngó phía trăng lên lấp loáng mấy nhịp Tràng Tiền. Cây cỏ uống nước sông Hương như thấm đẫm vị ngọt lành thơm tho đêm hạ. Về Huế mùa nào thức đó, những món ăn mang hồn cốt quê hương mãi là thương nhớ của người đi xa.
Huế, 3/8/2023
Bạch Diệp
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...