Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2020

Cổng trường chải mái tóc xưa

Cổng trường chải mái tóc xưa

Ba mươi lăm năm, kể từ ngày tên trường Nguyễn Hoàng không còn nữa (1972), ngày 4 tháng 8 năm 2007, trên mảnh đất trường Nguyễn Hoàng xưa, (nay là trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị) đã có một cuộc hội ngộ, trùng phùng kỳ thú, đầy ấn tượng, đầy xúc cảm với nụ cười, với rưng rưng nước mắt. Thầy giáo, cô giáo, học trò các thế hệ thuở nào xưa chừ mừng mừng tủi tủi, ngỡ ngàng gọi tên nhau trong trạng thái nghẹn ngào hay òa vỡ, buồn, vui, mơ, thực...
Ban vận động tổ chức cuộc họp mặt cựu thầy cô giáo, học sinh Nguyễn Hoàng chỉ mới dám mời chừng 300 người về dự, nào ngờ số người về lên gần 700. Thầy trò trong tỉnh Quảng Tri,.Trong nước: Sài Gòn, miền Tây, Tây Nguyên, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế... Nước ngoài...Bốn phương trời biển lại tìm đến tình nhau bằng nghĩa khí Nguyễn Hoàng. Hôm ấy trời không mưa, không nắng. Trời còn thiếu gió Lào. Ngọn gió từng xạc rào trên những rặng liễu trường tôi.    
Chuyện cũ bao giờ cũng mới. Những hồi ức. Những kỷ niệm về thầy, về cô. Về học trò một thời áo trắng, quần xạnh tại hiện nguyên mẫu, nguyên hình trong từng câu chuyện kể. Trên ánh mắt. Trên nụ cười. Trong cái siết tay, trong vòng ôm trìu ái, ấm nồng. Thế ai còn? Ai mất? Ai đi đâu? Ai về đâu? Ai làm chi? Những câu hỏi dồn dập. Những câu hỏi ái ngại với thầm mong thầy cô, bằng hữu vẫn bình yên cho dù đang nơi chốn nào xa xôi, giờ đây không có mặt. Mấy chục năm rồi biền biệt. Cách ngăn. Mấy chục năm rồi tưởng không một lần nào gặp gỡ. Nhìn lên mái đầu nhau. Những mái tóc không còn tuyền một màu đen nữa. Sương năm tháng. Muối thời gian đã nhuộm trắng tuổi xuân thì. Rồi lại mi tau. Rồi lại tau mi vô cùng thân ái. Đã có dâu rể, con cháu nội ngoại đầy đàn rồi mà chừ vẫn mi tau. Tình cảm trong ngần thuở học trò đã bắt thời gian lùi lại, lùi lại trong khoảnh khắc thiêng liêng này. Có ai ngờ rằng những cô bé học trò ngây thơ ấy mấy chục năm sau là những bà mẹ, là những mụ gia (bà nhạc), là những bà nội, bà ngoại lại có một ngày như ngày hôm nay, hồn nhiên đứng chải mái tóc xưa trước cổng trường yêu dấu rồi ngẩn ngơ hỏi nhau khi mô mới có cái tên trường Nguyễn Hoàng lại mi hè? Câu hỏi vu vơ ấy với tôi nghe như tiếng thở dài. Biết khi mô cái tên Nguyễn Hoàng quen thuôc, dấu yêu kia mới được tái hiên trên cổng trường. Trước "ba quân thiên hạ". Không gian xưa còn đó. Người người năm trước về đây mà tên trường lẩn khuất nơi mô? Ngẩn ngơ là phải lắm. Nguyễn Hoàng ơi! Tại thời điểm này, khi nhìn hình ảnh những mái tóc dài, mượt với những cánh tay cầm lượt chải của các cựu nữ sinh dưới tàng cây trước cổng trường tôi đã cầm lòng không đậu buột miệng kêu lên trời ơi đẹp quá và chạy tới gần, nhìn ngắm cho bằng được. Tôi lại còn kèo nài xin mấy o, cho tui chụp ảnh mấy người chải tóc bằng thơ: Cổng trường chải mái tóc xưa. Mi tau cùng ngẩn cùng ngơ... Nguyễn Hoàng?  
Tôi hòa tôi trong dòng người đông tứ xứ, trong mạch nguồn thầy cô và hình dung những gương mặt, giọng nói của các thầy, cô đã từng dạy dỗ tôi là các cô Mai Thị Hảo, cô Bùi Ngọc Lan, cô  Phan Ngọc Lan, cô  Tường Vy, cô Táo, cô Toàn, cô Nhã, cô Nhũ Hương, cô Nhạn, cô Lê Thị Tránh, thầy Nguyễn Đăng Ngọc, thầy Nguyễn Diên... Tôi hòa tôi trong láng lai tình học trò nhiều thế hệ. Từ đây, trong bối cảnh hội trường đông vui, hòa ái này, tôi cố lắng nghe. Lắng nghe hồn trường. Và hồn trường dường như lung linh, kỳ ảo trong nhịp thở mỗi người. Trong hoài niệm thầy trò. Nhớ lại, thời tôi học. Tiếng máy bay trực thăng lên xuống ầm ào sau sân vận động cách trường bằng một bức tường dài. Âm thanh của chiến tranh. Những giờ học bị ngắt quảng bởi âm thanh ấy. Từ bên trong lớp học, chỉ cần nhướng người lên là có thể chứng kiến những cuộc hành quân xuất phát hay trở về ở sân vận động này. Lớp học tôi thỉnh thoảng vắng một người và có lẽ những lớp học khác nữa trong trường cũng vậy. Lớp học tôi thường thì thầm với nhau khi có người bỏ học lên xanh. Những khoảng trống thiếu trên bàn học thành những dấu hỏi lớn buồn. Nhức nhối. Những bài thơ của thầy Phan Phụng Thạch viết cho học trò thời chiến xoáy vào tâm thức tôi những dòng xốn xang:
Rồi một mai nhìn mùa thu trở lại
Các em về với tuổi thơ hồng?
Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi
Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông
(Lưu bút mùa hạ - Phan Phụng Thạch)
Hết hồi tưởng, tôi trở về thực tại. Từ một nhóm khác trong đám đông tú xứ ấy. Bạn bè đang kháo nhau kể chuyện về những mối tình học trò thơ dại dưới mái ấm Nguyễn Hoàng ngày ấy.. Những trường đoạn phim hồi ức được trình chiếu một cách dễ thương, chơn chất mà sinh động. Có mối tình lặng thầm của tay nớ tay kia. Có mối tình nổi tiếng trong thành phố nhỏ. Có mối tình thành trăm năm hạnh phúc chừ đang dắt tay nhau cùng về dự hội trường. Có mối tình dở dang như ả nọ, anh này... Hai ta thương chắc mần ri, mạ cha mần rứa anh thì mần răng? "Mạ cha mần rứa..." chỉ là một trong những lý do thôi. Tuổi học trò chúng mình có biết bao nhiêu điều, biết bao nhiêu chuyện làm cho đôi lứa cách ngăn, không được đến cùng nhau trong cuộc tình dài, đằm thắm. Hồi nớ đến với tình nhau, nhiều lá thư viết vội, vụng về trên trang vở học trò. Lúc giận nhau, lại tìm trả lại thư cho người tình đáng ghét, đáng hờn làm những lá thư tình tung tóe bay trên sân trường đang gió Lào mù bụi. Giờ đây những cuộc tình dang dở ấy lại gặp nhau bồi hồi, xuyến xao, thương cảm. Ôi chao! Những mối tình học trò thơ dại  ban đầu thế mà cũng sâu lắng, vương mang. Họ ngại ngần một thoáng khi bạn bè kéo hai người vào chụp chung một khuôn hình. Liệu anh ở nhà có nói chi không? Rồi bà xã ông có ghen không? Ối dào! Chừ thì ai cũng  đã có rể có dâu, có cháu, có chắt rồi. Nói chi mà nói. Ghen chi mà ghen. Tìm lại một vầng trăng nhớ. Một áng sao xưa. Một làn hương cũ. Một sắc phượng hồng ngày ấy. Có hề chi. Có can chi cái chuyện tình cảm học trò trong veo giọt nước. Đứng gần bên nhau. Thật gần. Thật gần. Và hãy cười tươi lên nhé. Ta ghi lại khoảnh khắc trang trọng này đi! Vì em ơi! Vì anh ơi! Vì bạn thân yêu ơi! Sau giây phút tái hiệp đoàn viên kỳ diệu này biết chúng mình có còn gặp lại nhau? Tình thơ dại ai ngờ sâu nặng thế. Mai cho dù tóc trắng với ngàn lau...
Trong một góc khuất. Có giọng nói sôi nổi nhắc tên vài người học trò cá biệt nổi tiếng của Nguyễn Hoàng dạo trước. Những người ấy hôm nay không có mặt nơi đây. Họ còn hay mất? Hay đang lang bạt mưu sinh chốn nào xa trên trái đất nầy? Với tôi,  hôm nay,  những người đó vẫn đang về đây trong các mẫu chuyện vui đang được kể về sự phá phách ngang tàng, rất anh chị nhưng trọng tình bằng hữu; ngỗ nghịch, hung hản nhưng lại vô cùng nghĩa khí. Biết buồn. Biết thương. Biết giận để khi cần họ cũng thành người nghĩa hiệp diệt chằng tinh, bắn đại bàng cứu công chúa như ai.
Một đêm trước ngày họp mặt, sau bữa cơm tối thân mật tình cờ với thầy Nguyễn Viết Trác, thầy Đỗ Tư Nhơn, thầy Lý Văn Nghiên, thầy Lê Hữu Thăng (từ Mỹ về), thầy Phan Khắc Đồ  (Đà Nẵng) và các thầy cô từ Sài Gòn ra, với Tâm, Bích, Hậu, Bằng, Ngữ, Phương...tôi một mình lang thang qua những con đường trong thành phố Quảng Trị. Thành phố một thời nhỏ nhắn, bình yên như tranh lụa đã đùm bọc tôi, nuôi nấng tôi những năm tháng thiếu niên cùng khổ, bần hàn. Tại đây, tiếng rao mì, cà-rem tôi đã từng hòa thanh với tiếng rao của các bạn nghèo cùng trang lứa. Thuở thương nhau áo rách nên lành. Rạp xi-nê Đại Chúng, chùa Sắc Tứ, chùa Tỉnh hội, nhà thờ La Vang...là những tên gọi thân quen, thùng cà-rem của tôi thường được hết nhanh từ đây. Phòng Đọc Sách Công giáo tiến hành cũng là nơi tôi hay tới vùi đầu vào những trang truyện Tàu hấp dẫn, lôi cuốn để cố quên mình đã có năm năm dài thất học. Đêm ấy, tôi còn thơ thẩn trên con đường Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Phan Bội Châu... cũ, độc hành dọc dòng sông Thạch Hãn - con đường Gia Long ngày trước với áo dài trắng Nguyễn Hoàng về chợ Sãi trong mỗi trưa, chiều tan học, với sắc phượng đỏ thắm gợi tứ cho tôi viết bài thơ Nơi con sông khi trở lại thành phố có chiều sâu kỷ niệm đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá. Thành  phố - mối tình đầu hóa thân làm một. Mối tình đầu - thành phố đan quyện, nhức nhối, dằn xé tâm thức tôi trong mỗi đêm mơ. Đổ nát rồi thành phố thuở chiến tranh. Anh tiếc nuối thương từng con đường nhỏ. Như có máu trong màu hoa phượng đỏ rơi xuống đời từng mảnh đau thương.
Lại nhớ. Quảng Tri những mùa tranh đấu. Như mới hôm qua đây thôi. Quảng Trị bừng lên giữa mùa pháp nạn 63 rồi các mùa đấu tranh 64, 65, 66...Đấu tranh chống bạo quyền, đấu tranh chống bất công áp bức. Đấu tranh vì một ngày mai hòa bình, thống nhất. Và hôm nay đất nước mình đã thống nhất, hòa bình. Thầy và trò Nguyễn Hoàng chắc chắn đã có một quá khứ hào hùng, góp phần chung tay trong việc làm đổi thay vận nước. Thuở bằng hữu lên xanh thương người ở lại. Xuống đường. Hào khí tiếng loa vang. Quảng Trị rung lên mấy mùa tranh đấu. Em bên anh. Sát cánh nguyễn Hoàng.
Những câu chuyện tâm tình. Những hồi ức,  những màn chụp ảnh quay phim cứ kéo dài không chịu dứt dưới  khung trời râm mát trước hội trường. Ban tổ chức phải mời gọi nhiều lần đến khan giọng trên loa phóng thanh, gần bảy trăm con người ta mới chịu vào để tiến hành lễ gặp mặt chính thức. Trước phần đọc diễn văn, phát biểu của các thầy, cô, của các đoàn TP. Hồ Chí Minh, Huế,  Đà Nẵng... ban tổ chức đã bố trí một chương trình văn nghệ chào mừng phong phú để tạo không khí gồm các tiết mục cây nhà lá vườn thật dạt dào tình. Hay quá! Vui quá! Tiếng hát lời ca, giọng ngâm thơ của thầy, cô và trò đã ngân lên những hợp âm đồng điêu và từng độ rung truyền cảm, tâm huyết. Tất  cả được phát đi từ tiếng lòng rất mộc.Rất thật. Rất trẻ. Đã già rồi mà tiếng-hát-học-trò-một-thuở có già đâu!
Điều làm tôi xúc động nhất là khi toàn thể mọi người có mặt trong hội trường chợt trầm, chợt trang nghiêm hẳn đi khi có một phút tĩnh mặc dành tưởng niệm về các thầy cô và học trò đã vĩnh viễn ra đi, hôm nay không hiện diện nơi đây. Lắng lòng lại thật sâu. Định  tâm. Định huệ thật vi tế để vầng sáng đồng môn, sư đệ hồi quang giữa đất trời xứ Quảng thương yêu xua tan mọi dị biệt, mọi rào cản, mọi hoàn cảnh sống mà thầy, mà cô, mà học trò Nguyễn Hoàng đã sống, đã trải nghiệm; Để chừ đây, trong không khí thuần khiết, vô ngại này thầy và trò chúng ta cùng thầm gọi lên hai tiếng thiêng liêng:  Nguyễn Hoàng!
Quá khứ đẹp câu hò Ái Tử
Nơi tiền nhân khai mở nước non nhà
Tên Nguyễn Hoàng đã hồng trang sử
Lại nhân từ trong tâm khảm học trò quê
Niềm vui của người về dự hội trường được trọn vẹn hơn khi có  chương trình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn vinh ơn nghĩa các thầy cô đã một đời hy sinh, tận tụy dạy dỗ các thế hệ trẻ "ngày nay học tập, ngày mai giúp đời". Những ánh mắt học trò ngời lên niềm ngưỡng mộ kính yêu cùng hướng lên thầy cô đang nhân hậu môi cười. Những đài hoa thắm sắc, tỏa hương dâng tặng thấy cô trong xanh nguồn ân đạo. Phần tặng quà lưu niệm đến một số cựu học sinh Nguyễn Hoàng có hoàn cảnh khó khăn hiện nay trong cuộc sống cũng là một điểm nhấn quan trọng làm xúc động mọi người. Nguyên ơi! Tôi đã không dấu được khoảnh khắc mềm lòng của mình khi ướt mắt nhìn em với tà áo dài trắng trinh thơ đang nghẹn ngào, thổn thức trên chiếc xe lăn trong vòng tay bè bạn, anh em... Khi ấy tôi rất muốn em, Băng Tâm, em Tiên, chị Thúy, anh Ngân, anh Châu...trở lại một thời áo lam trên đồi La Vang lộng gió chiều chơi trò chơi lớn. Cỏ may chạm vào áo, chích vào tuổi thơ những cọng hồn nhiên. Nhưng không thể được rồi. Thương dĩ vãng qua rồi không trở lại. Từ một chéo sân  trường, tôi chỉ biết thầm cầu nguyện em Nguyên và tất cả chúng ta thân tâm thường an lạc! Cầu nguyện tên trường Nguyễn Hoàng luôn là sợi chỉ điều bền bỉ và bao dung xâu kết chúng ta thành một chuổi ngọc lành Và chúng ta cũng phải ra sức trân trọng, bảo bọc, giữ gìn sợi-chỉ-điều-bảo-bối kia em nhỉ?
Trong không khí trang trọng của buổi gặp gỡ, điều quý báu nữa đáng lưu tâm là nội dung các phát biểu trình bày trước hội trường. Hầu hết các bài viết đã phản ánh, thông tin tương đối đầy đủ, trung thực về sự nỗ lực không ngừng trên nhiều lĩnh vực của các thế hệ cựu giáo chức, học sinh Nguyễn Hoàng đang ở bên trong và ngoài tổ quốc. Các ban liên lạc, các hội ái hữu Nguyễn Hoàng được thành lập ở nhiều nơi, các ấn phẩm văn học nghệ thuật, các đặc san về trường Nguyễn Hoàng trong nước và hải ngoại được phát hành tạo nên những mối dây thân ái, nghĩa tình bền chặt, phần nào thỏa mãn nhu cầu nhớ, thương, hoài niệm của nhiều người dành cho ngôi trường Nguyễn Hoàng có quá nhiều chiều sâu, độ dày kỷ niệm. Bên cạnh những thành đạt sự nghiệp về kinh tế, chính tri, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, văn học nghệ thuật...
Nhiều người thầy, cô, cựu học sinh Nguyễn Hoàng đã đào tạo, nuôi dưỡng con cháu noi gương cha ông trên các mặt: học hành xuất sắc, đời sống mẫu mực, đạo đức, làm ăn giỏi, có hiệu quả cao trên các ngành kinh doanh, thương trường, khoa học kỹ thuật, xã hội nhân văn, công nghệ thông tin... đóng góp nhiều công sức cho cộng đồng, nơi mình đang học tập, làm việc, sinh sống...Một mặt tích cực khác, tinh thần, tình cảm hướng về Quảng Trị quê nhà yêu dấu của thầy và trò Nguyễn Hoàng đang ngày càng tỏa sáng. Một số công trình văn hóa giáo dục, các dự án kinh tế đang được triển khai thực hiện trên quê nhà với ước muốn làm một chút gì đó, dù bé nhỏ cho mảnh đất mà mình đã từng học tâp, từng gắn bó. Việc huy động các nguồn quỹ học bổng dành cho học sinh xuất sắc của tỉnh Quảng Trị cũng đã và đang được thầy trò Nguyễn Hoàng quan tâm thực hiện từ nhiều năm nay. Của ít tình đầy. Tuy chưa là bao trong cái khó khăn chung của xứ sở, nhưng bạn ơi đó là cả trời thương, biển nhớ! Thời gian tới, sau cuộc hội ngộ lịch sử này chúng ta hy vọng, tin tưỏng các thầy cô giáo,  cựu  học sinh Nguyễn Hoàng bằng tâm huyết của mình sẽ có nhiều hoạt động ái hữu thiết thực hơn nhằm huy động có hiệu quả các nguồn tài lực, xây dựng thêm nhiều quỹ học bổng hiếu học cho tuổi  trẻ học đường của quê nhà. Riêng trong sáng hôm nay, hình ảnh các thầy cô, học trò Nguyễn Hoàng tươi cười, chen chúc nhau thả phong thư vào thùng gây quỹ học bổng từ năm 2007 về sau đã tạo thêm cho toàn cảnh một nét sinh động, đầy hứa hẹn.
Trong buổi lễ hội trường trang trọng, ấm áp tình đồng môn, khi nhìn các em nữ sinh xuất sắc của trường Trung học phổ thông Thị xã Quảng Trị lên nhận phần thưởng trong tà áo dài trắng tinh khôi, không dưng lòng tôi bồi hồi, xuyến xao một tí. Tôi thoang thoáng có cảm giác mình trẻ lại thời đi học. Dễ thương, hiền thục và học giỏi quá các thế hệ học trò con gái Quảng của tôi ơi! Cơ chi trên những tà áo dài trắng nguyên sơ   kia của các em gái quê nhà chừ mang cái bảng tên trường Nguyễn Hoàng thì tôi và các thầy cô, học trò Nguyễn Hoàng cũ bốn phương tám hướng hạnh phúc biết bao! (Thật ra, tôi thầm biết tại không gian, thời điểm gặp gỡ đáng giá nầy, từ trong sâu thẳm thâm tâm thầy và trò Nguyễn Hoàng cũ ai cũng muốn trên cho khôi phục lại tên trường Nguyễn Hoàng nhưng còn e ngại, chưa chính thức kiến nghị, đề xuất. Và tôi cũng thầm trực nhận rằng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cũng đã hiểu, cảm thông trước nguyện vọng rất chính đáng, chí cốt, thiết tha ấy bấy lâu nay của chúng ta. Chúng ta cứ hy vọng và chờ đợi!). Chạnh lòng, bâng khuâng tôi nhớ câu chuyện kể của thầy Hiệu trưởng Thái Mộng Hùng mà tôi được đọc trên trang web http://www.nguyenhoang.org của Hội Ái Hữu Nguyễn Hoàng Bắc California (Mỹ): Sau năm 1975, ông Nguyễn Hữu Kiểm, người Quảng Trị vào định cư tại Bà Rịa-Vũng Tàu khi đi mua nông sản ở một vùng quê Bà Rịa, tình cờ thấy trên dây phơi nhà một thiếu phụ nghèo có tà áo trắng còn mang nguyên cái bảng tên trường Nguyễn Hoàng. Mặc dầu không phải là học trò Nguyễn Hoàng nhưng ông Kiễm cũng vô cùng xúc động trước việc người thiếu phụ đồng hương nghèo lưu lạc kia đã trân trọng nâng niu tà áo dài còn nguyên bảng tên trường của mình học thời con gái ở quê nhà. Chuyện xảy ra đã lâu, đến năm 1999, ông Kiểm đã viết thư kể chuyện với thầy Thái Mộng Hùng và kèm một bài thơ về tà áo dài trắng Nguyễn Hoàng mời thầy họa:
ÁO TRẮNG NGUYỄN HOÀNG
Bài xướng
Tuổi dại thuở nào áo trắng bay
Ai về lướt thướt dưới heo may
Phố xưa Quảng Trị đâu rồi nhỉ?
Bạn cũ Nguyễn Hoàng hỡi có hay!
Sách vở đã xa từ dạo ấy
Ruộng vườn theo mãi đến hôm nay
Mái đầu điểm trắng bàn tay trắng
Áo trắng xưa còn cất mãi đây
LINH ĐÀM  NGUYỄN HỮU KIỂM
Bài họa
Dong ruỗi miền quê một sớm mai
Phất phơ áo trắng giữa vườn ai
Đôi tà trinh bạch màu như mới
Hai chữ Nguyễn Hoàng nét chữa phai
Trường cũ đã xa từ dạo ấy
Áo dài còn giữ đến hôm nay
Xốn xang hồi ức thời thơ mộng
Thơ thẩn đường về mắt thoáng cay
THÁI MỘNG HÙNG
Kết thúc buổi hội trường là bữa cơm thân mật. Chắc chắn không có ai trong chúng ta ngờ được rằng mình sẽ có được một lần ngồi bên nhau ăn cơm uống nước ngay trên mảnh đất trường Nguyễn Hoàng tọa lạc ngày xưa. Hôm nay đây, đúng là bữa cơm hy hữu, độc đáo. Mà chỉ thầy, cô, học trò Nguyễn Hoàng mình mới có chuyện hy hữu ni thôi. Đúng là ba mươi lăm năm mới có cuộc vui này. Xin kính mời thầy cô! Nào! Xin mời các bạn! Nâng ly! Nâng ly! Nâng ly mừng hội ngộ. Nâng ly thương tưởng các thầy cô, anh chị em bạn bè ta hôm nay không có mặt. Nâng ly trân trọng đón mời dĩ vãng quý yêu từ mái trường xưa về thắp lửa trên lòng ta từng kỷ niệm buồn vui, sướng khổ học trò. Nâng ly! Nâng ly với nguồn hy vọng tràn trề cùng niềm tin yêu dành cho các thế hệ học trò đàn em thân yêu từ hiện tại này đến tương lai luôn học hành xuất sắc, tài năng, thành đạt và đức hạnh, mai lớn khôn chung tay xây dựng Quảng Tri quê nhà phồn vinh, giàu đep. Nâng ly! Nâng ly! Và đừng nói lời tạm biệt. Đừng nói lời tạm biệt. Nguyễn Hoàng ơi! Nguyễn Hoàng ơi! Hẹn nhé một ngày về!
Bạn đi rồi đâu phải đã chia tay!. 

Huế 19/8/2007
Võ Quê

Theo https://vanchuongviet.org/

Về một quãng đời thuở hàn vi của Trịnh Công Sơn

Về một quãng đời thuở hàn vi 

của Trịnh Công Sơn

Ai yêu nhạc Trịnh, hãy xem truyện này, với nhiều chi tiết rất thú vị về một quảng đời của Trịnh Công Sơn thuở hàn vi, qua lời kể lại cuả 1 bạn học  khi ở Trường Sư Phạm Qui Nhơn và làm nhà giáo tại Bảo Lộc. 
“Tôi học chung một khóa Sư phạm với Trịnh Công Sơn, khóa I, ngày 22- 4-1962 khóa đầu tiên mở ra ở Quy Nhơn. Tên gọi là khóa Thường Xuyên 2 năm. Tiêu chuẩn thi vào ít nhất phải có Tú Tài I. Tuy nhiên, khóa ấy đa số thí sinh đều đã có Tú Tài II, một số đã có một hoặc hai chứng chỉ Đại học. Trong số 300 giáo sinh được chấm đậu đa phần đều là người Huế, chiếm khoảng 60%, 40% còn lại rải rác các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Nha Trang lên tận các tỉnh cao nguyên như Đà Lạt, Lâm Đồng, Pleiku, KonTum...Đa số chúng tôi lúc ấy đều là con nhà nghèo, hoặc học hành dở dang hoặc không đủ khả năng tài chánh vào Sài Gòn hoặc ra Huế để vào Đại học. Cho nên cố thi vào Sư phạm để chắc chắn trong hai năm sẽ có công ăn việc làm nuôi bản thân và giúp gia đình. Nhắc lại ở đây, lúc ấy, Bộ Giáo Dục và Bộ Y Tế rất thiếu nhân viên. Khóa nào vừa đào tạo xong là được bổ nhiệm liền, lương lại tương đối cao. Trong khi những ngành khác như Công chánh, Nông Lâm Súc tốt nghiệp ra trường, nằm nhà nhiều năm vẫn chưa được tuyển dụng.
Trịnh công Sơn theo ban Pháp văn, tôi theo ban Anh văn. Những ngày mưa gió ủ ê,không đi ra ngoài được vì đất nhão, chúng tôi nằm khoèo ở nhà, Sơn kể cho tôi nghe về cuộc đời Sơn, nhiều chuyện vui buồn lẫn lộn. Chuyện gia đình Sơn là một trong những chuyện buồn. Cha mất sớm, gia đình khánh kiệt, má Sơn phải chật vật lắm mới nuôi nổi bầy con. Sơn phải bỏ học, về lại Huế,phụ giúp mẹ. Sư phạm Quy Nhơn là con đường ngắn nhất có thể giúp Sơn đạt được ý nguyện này. Đơn giản vậy thôi! 
Hiệu trưởng trường là thầy Đinh thành Chương. Trường Sư Phạm và trường Kỹ Thuật Quy Nhơn được ngân sách Mỹ tài trợ xây cất rất qui mô và tân kỳ, tọa lạc tại Khu Sáu, sát bờ biển, khoảng giữa đường từ phố Quy Nhơn đến Ghềnh Ráng, nơi thi sĩ Hàn Mặc Tử an nghỉ ngàn thu. Đến một chút nữa là Quy Hòa, Trại Cùi, ở đó có nhiều bà Xơ tận tụy một đời chăm sóc cho bệnh nhân mắc phải chứng nan y, bệnh phong cùi. Lúc bấy giờ, thành phố Quy Nhơn hãy còn tiêu điều, xơ xác. Ngay con đường chính Gia Long chạy từ Núi Một (ga xe lửa) đến bến Cảng hãy còn nhiều ngôi nhà đổ nát, vôi vữa hoang tàn trong chiến tranh chưa có ai dọn dẹp. Đường Lê Lợi chạy từ trung tâm phố thẳng ra biển còn rất nhiều nhà tranh, vách lá. Gợi lại một vài cảnh cũ để cho thấy chính phủ lúc ấy có dụng ý khi cho xây hai ngôi trường đại qui mô, đem về đây hơn một ngàn giáo sinh và học sinh kỹ thuật mỗi năm là để vực dậy nền kinh tế ở đây. 
Để giới thiệu và quảng bá rộng rãi cho nhiều nơi biết tiếng về trường Sư Phạm, Ban Giám Đốc trường cho thành lập Ban văn nghệ, sẽ trình diễn một chương trình độc đáo chưa từng có ở Quy Nhơn từ trước đến giờ. Trịnh Công Sơn được bầu làm trưởng ban chịu trách nhiệm tổng quát, Thanh Hải phó ban thứ nhất chịu trách nhiệm về nhạc, Võ văn Phòng phó ban thứ hai chịu trách nhiệm một vở kịch thơ nhan đề “Tiếng cười Bao Tự”. Tôi được chọn phụ trách phần thổi sáo đệm thơ trong suốt vở kịch dài hơn 45 phút. Trong dịp này tôi mới biết và quen Trịnh Công Sơn.
Buổi trình diễn được dự trù đúng vào ngày Song Thất năm đó (7/7/1962) chứ không phải đợi đến ngày mãn khóa như Đinh Cường nói.Trong thời gian này,Trịnh Công Sơn sáng tác trường ca "Tiếng hát Dã Tràng" hay gọi ngắn hơn là "Dã Tràng ca" làm tiết mục mở màn mà cũng là tiết mục đặc sắc nhất, công phu nhất. Nhạc trưởng Trịnh Công Sơn với ban hợp xướng do anh tuyển chọn gần 50 người, khổ công trong ba tháng trời tập luyện đã thành công tuyệt vời trước sự ngac nhiên đầy thích thú của quan khách và khán giả. Tôi không ở trong ban hợp xướng đó nên không thuộc bài này chỉ nhớ lõm bõm câu được, câu mất xin ghi ra đây: 
Tiếng Hát Dã Tràng :
“Dã tràng...Dã tràng... Dã tràng... Dã tràng xe cát biển Đông, Dã tràng xe cát hoài công. Trùng dương ơi... Trùng dương ơi vỗ sóng vào bờ .. Thôi còn gì nữa đâu, còn gì nữa đâu... Đời lên cơn đau... Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa làm rét mướt... Tôi gọi tên tôi giữa nước non ngàn...” 
Cũng trong thời gian học Sư phạm, anh còn sáng tác những nhạc phẩm khác như “Biển nhớ”, ” Nhìn những mùa thu đi”, “Nắng Thủy tinh” và một số nhạc thiếu nhi cho chúng tôi sử dụng đi thực tập, dạy các em nhỏ. Những bản nhạc ngắn, dễ hát, dễ nhớ như “Ông Tiên vui”, “Ông mặt trời”. Tôi xin ghi lại một bài tượng trưng: 
“Ông Tiên vui. Ông Tiên vui,ông có cái râu dài. Đêm ông về nằm yên trên đỉnh mây. Hôm em lên Ông chợt đi đâu vắng! Lúc em về, em buồn đến ngẩn ngơ. Ông Tiên vui Ông có cái căn nhà, trên ngọn đồi hằng đêm Ông ghé qua. Hôm em lên Ông chợt đi đâu vắng! Lúc em về em buồn đến ngẩn ngơ”. 
Xin nhắc lại ở đây, Quy nhơn lúc ấy còn nghèo lắm. Cả thành phố có mỗi một quán kem duy nhất, vừa bán kem, vừa bán cà phê thuốc lá, bia, trà. Đó là quán Phi Điệp, nằm trên đường Phan Bội Châu, đối diện với hội trường Quy Nhơn, nơi đã trình diễn văn nghệ. Mỗi buổi chiều hoặc tối, anh chị em nào có tiền thì vào quán kêu một bình trà ngồi với nhau nhâm nhi nghe nhạc. Khá một chút nữa thì kêu chai bia với một tô bò viên gân, ngầu pín của ông ba tàu đậu cái xe phở trước cửa quán. Thế là sang lắm rồi. Còn những anh chị nào "bô xu" thì ra biển ngồi ngắm trăng suông. Biển Quy Nhơn là biển bùn nên cát ở đó màu vàng xỉn trông dơ dáy, không trắng như biển Nha Trang. Dọc theo bãi biển là một hàng dương, chạy dài đến bệnh viện Nguyễn Huệ là xóm chài. Tuyệt nhiên không có một lều quán hay kiosque nào bán cà phê, bia rượu gì cả. Trịnh Công Sơn và Tôn Nữ Bích Khê có hẹn hò ra đó với ông Đinh Cường thì cũng chỉ để ngắm trăng vàng vỡ vụn trên sóng biển mà thôi. 
Ba năm tại Blao tức Bảo Lộc 
Sau hai năm, mãn khóa, chúng tôi tốt nghiệp ra trường. Tôi và Trịnh Công Sơn cùng bốn giáo sinh khác là Nguyễn thị Ngọc Trinh (Huế), Nguyễn văn Sang, Trương khắc Nhượng, Đỗ thị Nghiễn (Nha Trang) cùng được bổ nhiệm chung một Sự vụ lệnh đáo nhậm nhiệm sở Ty Tiểu Học Lâm Đồng. Sự vụ lệnh mang số 961-GD/NV/38/SVL tạm thời tuyển bổ do ông Nguyễn hữu Quyến, Xử lý thường vụ Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm Quy Nhơn ký ngày 4/8/1964. Sau hai năm tập sự chúng tôi được điều chỉnh tuyển dụng bằng Nghị định mang số 596-GD/NV/BC/QĐ do XLTV Đổng lý Văn Phòng, Phụ tá chuyên môn Phạm văn Thuật ký ngày 6/5/1966. Đến năm1967, chúng tôi mới được chính thức bổ dụng bằng Nghị định mang số 687/GD/NV/3BC/NĐ kể từ ngày 1/9/1966 do T.ỤN Ủy Viên Giáo Dục Đổng lý văn phòng Huỳnh ngọc Anh ký ngày 7/4/1967. 
Với chỉ số lương 320 cộng thêm phụ cấp đắc đỏ vùng cao lúc bấy giờ, chúng tôi lĩnh được 5200 đồng, tương đương 2 lượng rưỡi vàng Kim Thành. Vật giá lại rất rẻ. Tiền ăn, ở mỗi tháng chỉ hết 600 đồng. Chai bia con cọp 3 đồng. Một dĩa thịt bò lúc lắc 4 người ăn giá 7 đồng. Tô phở 3 đồng, cà phê loại ngon 1 đồng. Cơm bữa với ba món 6 đồng. Thời gian từ 64-67 chúng tôi sống sung sướng, tiêu pha rộng rãi mà vẫn còn rủng rỉnh. Tôi từ Nha Trang lên theo đường Nha Trang - Đà Lạt - Bảo Lộc. Trịnh Công Sơn từ Huế bay vào Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn đi xe đò lên Bảo Lộc. Không hẹn mà gặp lại nhau trên bến xe vắng vẻ, thưa thớt bóng người.Blao - Bảo Lộc là đây sao? Một phố quận vào chiều thứ sáu sao mà vắng lặng, buồn hiu hắt. Trời lại mưa lâm râm, lành lạnh. Hai chúng tôi, mỗi người một va ly quần áo nhẹ tênh. Lang thang tìm người hỏi thăm đường đến Ty Tiểu Học Lâm Đồng. 
Lúc bấy giờ, Thị xã Đà Lạt biệt lập với tỉnh Lâm Đồng. Tỉnh Lâm Đồng chỉ có vỏn vẹn hai quận: Blao (Bảo Lộc) và Djiring(Di Linh). Trước năm 1960, Tòa hành chánh Tỉnh đặt ở Di Linh. Sau dời về Bảo Lộc mới mấy năm khi chúng tôi đến, nên trông nó như một thị trấn nhỏ vừa mới bắt đầu tạo dựng. Chúng tôi tìm được đến Ty thì trời đã sụp tối mặc dù chưa tới 6 giờ. Sương mù bốc lên từ mặt đất, bay là đà dưới chân. Ty chỉ cách bến xe non nửa cây số. May mắn, lúc ấy bác lao công đang khóa cửa chuẩn bị ra về. Khi biết chúng tôi là giáo viên mới đổi đến, bác ân cần mời về ở tạm tại nhà bác qua đêm.
Đêm đó chúng tôi trải chiếu, chăn dưới thềm nhà, năm người bạn trẻ, trừ anh Lãng nằm trên giường, tuổi chỉ từ hai bốn đến hai sáu, cùng nhau trao đổi những câu chuyện quê hương đi dần từ Sài Gòn ra đến Huế rồi thiếp vào giấc ngủ. Lúc bừng thức dậy là đã 9 giờ sáng. 
Đến sáng thứ hai, trình diện tại Ty để chờ bổ nhiệm, chúng tôi gặp hầu hết các bạn khác từ các nơi cũng đã đến từ ngày thứ bảy, chủ nhật. Sư phạm Quy Nhơn đủ mặt: Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Đỗ thị Nghiễn, Trương khắc Nhượng. Sư phạm Sài Gòn: Nguyễn Hảo Tâm, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Tâm, Trần văn Nghị. Nữ có các cô Nguyệt, Châu, Hải. Sư phạm Long An chỉ có một ngoe là Ngô thanh Bạch. Ty trưởng đương thời là ông Trương cảnh Ngôn sắp về hưu. Tôi, Trương khắc Nhượng, Đỗ thị Nghiễn và Nguyễn hảo Tâm được bổ về trường Tiểu học Tân Bùi, cách Bảo Lộc 5km. Nguyễn Thị Ngọc Trinh bổ về trường Nữ Bảo Lộc ngay trung tâm phố. Nguyễn văn Ba ở tại Ty phụ tá kế toán. Riêng Trịnh Công Sơn được biệt nhãn hơn, bổ về một trường Sơ cấp Thượng, ở sát nách Ty chừng non cây số, với chức Trưởng Giáo. 
Nhắc lại ở đây, theo quy chế của Bộ Giáo Dục, một trường chỉ có bốn lớp trở xuống gọi là truờng Sơ cấp. Người đứng đầu gọi là Trưởng Giáo, không có phụ cấp chức vụ 200 $, nhưng vẫn phải đứng lớp. Trường từ năm lớp trở lên là trường Tiểu học. Đứng đầu là Hiệu trưởng. Trường dưới chín lớp vẫn phải phụ trách một lớp, có lãnh phụ cấp chức vụ. Từ 10 lớp trở lên, Hiệu trưởng được miễn dạy. Ngạch chúng tôi là Giáo học bổ túc tập sự. Chỉ số lương 320, do ngân sách Bộ Giáo dục đài thọ như đã nói ở trên.
Sau khi phân bổ xong, chúng tôi được Ty cho phép một tuần ở nhà để lo thu xếp nơi ăn chốn ở. Thứ hai tuần tới sẽ trình diện nhiệm sở mới. Khi về đến nhà, chúng tôi bò lăn ra cười với cái chức Trưởng Giáo của Sơn. Vì lần đầu mới được nghe cái chức này, ai cũng liên tưởng tới các chức Trưởng lão hay Giáo chủ trong Ma giáo của tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. 
Mấy ngày thong thả, chúng tôi đi dạo khắp nơi để tìm nhà trọ nhưng không nơi nào vừa ý. Nhất là nhà vệ sinh thì khiếp quá. Có ai đó mách chúng tôi, ở về phía Ty công chánh có ngôi biệt thự vừa xây xong, chủ nhà ngỏ ý muốn cho thuê, nhưng hơi đắt. Tôi và Sơn đến ngay. Nhà rất đẹp, tọa lạc trên một khu quang đãng, thoáng tầm nhìn. Chủ nhà là một người đàn bà trạc ba mươi, người mảnh dẻ, hiện là trưởng phòng kế toán của Ty công chánh Lâm Đồng. Sau khi nói chuyện dăm phút chúng tôi bằng lòng thuê toàn bộ căn nhà, trừ cho bà và đứa con gái một phòng để ở, với giá 1200 đồng một tháng. Trên đường về nhà Sơn lẩm bẩm: “Đàn bà mà tên là Phi, lại lót thị. Thị Phi... Thị Phi!". Sơn tủm tỉm cười một mình. Tôi biết Sơn đang nghĩ về bà chủ nhà, trẻ, sống một mình.Chúng tôi rủ thêm hai người bạn nữa để chia phòng, bớt tiền. Anh Nguyễn Hảo Tâm và Nguyễn Văn Ba đến xem nhà và đồng ý ngay. Tôi và Sơn có công tìm nhà nên được ưu tiên ở căn phòng trước, có cửa sổ quay ra mặt đường. Tâm và Ba căn phòng kế. Bà chủ cùng đứa con gái ở phòng trong cùng. 

Những ngày chúng tôi sống trong ngôi "biệt thự" của bà Trần Thị Phi thật là vui nhộn. Cũng chính trong căn phòng có khuôn cửa sổ ngó ra con đường đất đỏ trước mặt của căn nhà này, Trịnh Công Sơn đã sáng tác các nhạc phẩm: “Chiều một mình qua phố”, “Lời buồn thánh”, ”Vết lăn trầm”  “Ca khúc da vàng”.
Chiều Một Mình Qua Phố (Trịnh Công Sơn) - Khánh Ly
Lời buồn Thánh - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
Vết lăn trầm - Trịnh Công Sơn - Trần Thu Hà
Album Ca khúc da vàng Khánh Ly Trịnh Công Sơn

Ngày lãnh lương đầu đời 
Mới ngày nào vừa trình diện để nhận nhiệm sở, thoáng cái đã đến cuối tháng lãnh lương. Ngày lãnh lương đầu tiên, chúng tôi ai nấy đều háo hức đến Ty thật sớm để ký tên vào sổ lương, lãnh một món tiền lớn do chính tay mình làm ra, món tiền mà từ xưa tới nay cá nhân tôi chưa hề cầm được trong tay. Hai năm trọ học ở Quy Nhơn, cha mẹ tôi phải khó nhọc lắm mới dành dụm được 600$ hằng tháng để gửi cho tôi chi tiêu. Có tháng chậm tới ngày thứ mười mà tôi vẫn không dám viết thư dục, vì tôi hiểu rõ hoàn cảnh của tôi: con nhà nghèo. Lãnh lương xong, ra khỏi cửa, Sơn sải chân đi thật lẹ. Sơn vốn cao, chân dài. Tôi thấp, chỉ tới tai Sơn, chân ngắn, nên phải nhảy ba bước một, mới bắt kịp. Vừa thở, vừa kêu Sơn đợi. Sơn không đáp cứ cắm đầu đi thẳng. 
Vừa vào phòng, Sơn khóa ngay cửa lại. Tôi ngạc nhiên coi anh chàng làm cái trò gì đây. Sơn để nguyên quần áo, giầy vớ nằm vật ngửa ra đi văng, tay rút trong túi quần ra cái phong bì tiền lương lúc nãy, xé phong bì, nắm hết nắm tiền 5200$ gồm giấy 5$, 10$, 50$ tung lên trên trần nhà. Giấy bạc mới tinh, phát ngân viên Thành vừa lãnh từ kho bạc ra, rơi lả tả xuống người Sơn, rơi xuống đi văng. Sơn hốt lên, tung trở lại. Sơn cười sằng sặc. Sơn cười ha hả. Tiếng cười nghe là lạ. Nó pha lẫn niềm vui và nỗi phẫn hận. Rồi Sơn chửi thề: "Đù mạ mi! Đù mạ mi! Tiền! Tiền!". Đó là lần đầu tiên tôi nghe Sơn chửi thề. Và cũng là lần duy nhất suốt ba năm sống chung với nhau. Tôi để mặc Sơn tự do trong những giây phút ấy. Tôi không muốn xen vào để quấy rầy Sơn đang đắm chìm trong thế giới riêng tư của mình. Tôi yên lặng đếm số tiền của mình một cách chậm rải. Từng tờ, từng tờ. Tôi để mười ngón tay tôi cảm nhận đầy đủ cái cảm giác sung sướng đang rung lên từng chập với tiếng kêu sột soạt của những tờ bạc mới chạm vào nhau. Cái âm thanh sao mà dễ thương thế. Cái mùi giấy bạc mới sao mà thơm thế! Đầu tôi phát họa mau lẹ một kế hoạch. Hãy trích ra 3000$, ra bưu điện mua ngay một cái “măng-đa” gửi về cho Má. Chắc Má mừng và vui lắm khi nhận được số tiền này do thằng con gửi về. Thằng con do một tay bà nuôi nấng chắt chiu, dành dụm từng đồng của gánh hàng đè nặng trên vai bà hằng ngày, để ngày hôm nay bà sung sướng và hãnh diện âm thầm không dám thổ lộ cùng ai. Con bà đã thành ông giáo!
Chiều hôm đó chúng tôi không ăn cơm nhà. Phải tự khao một chầu linh đình mới được. Tại nhà hàng Ngọc Hương (bây giờ ông bà chủ quen mặt chúng tôi quá rồi) có mặt đông đủ những ông giáo trẻ vừa mới có được thành tích: một tháng công vụ. Đêm đó chúng tôi tưng bừng ăn uống, cười nói hả hê. Ra về lúc chín giờ, điện cúp. Bá vai nhau đi khệnh khạng, xiên xẹo giữa phố vắng dày đặc sương mù. Đến cuối dốc cầu, xếp hàng ngang, vạch quần, vừa đi vừa tè, vẽ thành rồng, rắn loang lổ trên mặt đường nhựa. Ôi! một thời tuổi trẻ vô tư, hồn nhiên. Một thầy, một cô, một chó cái. Tôi không hình dung được lúc ông Cao Bá Quát làm Giáo thụ ở Quốc Oai cái cảnh nó ra làm sao mà ông tả oán bằng những câu thê thảm: Một thầy, một cô, một chó cái. Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi. Nhưng cái cảnh ông Trưởng giáo Trịnh Công Sơn ngồi dạy học ở ngôi trường Sơ cấp. Thượng thì thật là vừa bi vừa hài. Mỗi buổi sáng, cái hoạt cảnh ông đi dạy đã là buồn cười rồi. 
Tôi và Sơn có điểm giống nhau là không bao giờ đeo đồng hồ. Tôi dạy buổi chiều nên tha hồ nằm nướng trên giường. Sơn phải dậy sớm lúc bảy giờ để đến trường. Những ngày có mặt trời thì nhìn bóng nắng mà đi. Những ngày sương mù hay mưa dầm thì lắng nghe tiếng kèn lính chào cờ ở một đồn lính nào đó rất xa vọng lại văng vẳng. Te te... Tò tí te... Tò tí te... Sơn xỏ vội chiếc áo ka ki màu vàng cụt tay (chiếc áo này tôi thấy mặc từ lúc còn ở trường Sư phạm), đôi giầy ba-ta màu nâu, nách trái kẹp cuốn vở soạn bài cuộn tròn, miệng ngậm ống vố, chân sãi bương bã đến trường. Trường không xa lắm, non nửa cây số, Sơn lội bộ hằng ngày, trên con đường đất đỏ, càng lúc càng lên dốc. Ngày nắng thì bụi đỏ mù trời, ngày mưa thì nhèm nhẹp. Đi một lúc phải tìm chỗ nào có cây hay cục đá để gạt bớt đất nhão dính vào đế giày càng lúc càng nặng. (Ấy thế mà ông Trịnh Cung đã tưởng tượng ra cảnh Trịnh Công Sơn gò lưng đạp xe đến trường, xa năm, bảy cây số). Có hôm Sơn ngồi chờ mãi mà vẫn không nghe thấy tiếng kèn đồng giục giã tò te, tí te, cứ ngồi ôm đàn tìm nốt nhạc. Đến khi sương tan hết, mặt trời ló ra thì đã gần đứng bóng. Ba chân, bốn cẳng Sơn vội vã như ngựa phi nước đại đến trường.
Một hôm tôi bỗng nảy ý định đến xem ngôi trường của ông Trưởng giáo nó ra làm sao. Leo hết con dốc ngắn, ngôi trường hiện ra trên một khoảng đất trống, xung quanh trơ trọi không một cây cối gì cả. Trường được ngăn đôi thành hai lớp học. Mái tranh, vách đất, không cửa nẻo. Trong lớp, một bàn vuông cho thầy, sáu bộ bàn ghế dài cho trò. Trên vách treo một bảng đen, màu đen bạc thếch ở giữa. Chắc trải nhiều năm tháng không ai buồn sơn lại. Bụi đỏ bám khắp nơi. Từ vách đến bàn ghế thầy lẫn trò. Tôi đến đó khoảng mười giờ. Học trò hầu hết là các em bé người Thượng, chỉ xen lẫn vài em người Kinh, có lẽ con của một vài gia đình lính đóng đồn gần đó. Tất cả đều bẩn thỉu. Có đứa ở trần, đánh độc chiếc quần xà lỏn. Có đứa cũng đủ bộ nhưng màu đất đỏ đã nhuộm từ ống quần trở lên nên không còn nhận ra được màu nguyên thủy của nó là màu gì. Thầy Sơn đang ngồi tư lự, miệng ngậm ống vố, mắt nhìn lơ đãng về phía cánh rừng xa xa mặc cho đám học trò làm gì thì làm. Một túm đang gò lưng trên bàn, méo mồm méo miệng nắn nót viết bài theo trên bảng. Một túm đang bò lê bắn bi dưới đất. Cuối lớp vài đứa đang dựa lưng vào vách, há mồm ngủ. Thấy tôi vào, Sơn cười méo miệng:
-Tới đây chi cha?
- Tới coi ông Trưởng giáo làm ăn ra sao cho biết, tôi cười cười
- Còn ông già Thống đâu?
- Ông Thống dạy buổi chiều.
- Có mấy lớp anh Sơn -
Ba, tôi dạy lớp ba, ông già Thống dạy lớp một và hai.
- Học sinh đông không?
- Thì ông thấy đó, bữa nào không đi hái trà thì được hai chục, bữa nào cha mẹ nó cần thêm nhân công thì mươi, mười lăm đứa. 
Những đứa học trò thấy có người lạ thì cứ trố mắt nhìn. Sơn gõ gõ cây thước lên bàn làm hiệu. Đám học trò ngưng hẳn cuộc chơi chờ lệnh thầy. Sơn nói: “Hôm nay thầy có khách, cho các em về sớm”. Đám trẻ con mừng hớn hở ra mặt, vội thu xếp sách vở, ùa ra khỏi cửa. Trong giây lát, tất cả trở về trong yên lặng. Sơn ngồi trầm ngâm, nán lại thêm chút nữa, đảo mắt nhìn quanh một vòng rồi tặc lưỡi đứng lên. Hai chúng tôi yên lặng xuống đồi. Trong thâm tâm có lẽ mỗi người đang theo đuổi một ý nghĩ khác nhau. Sơn nghĩ gì? Tôi thì nghĩ "May cho ông thi sĩ họ Cao ngày xưa, ngồi dạy học ở nơi khỉ ho, cò gáy còn có một cô, một chó cái để an ủi. Ngày nay ông nhạc sĩ họ Trịnh cũng ngồi dạy một nơi y như vậy mà không có gì bầu bạn ngoài một nỗi buồn cô quạnh". Trên đường về, tôi gợi ý với Sơn nên nhập hai buổi lại thành một, để có thêm ông già Thống cho vui .Sơn đồng ý là ý kiến hay. 
Sau khoảng vài tháng đầu niên khóa 64-65, ông Trương cảnh Ngôn về hưu, ông Lê cao Lợi, thanh tra kỳ cựu, có tu nghiệp ở Mỹ một thời gian, được Bộ đề cử chức Ty Trưởng thay ông Ngôn. Đây là thời gian vàng son của Trịnh Công Sơn. Ty trưởng Lợi, trung niên, có tâm hồn văn nghệ, thích thơ, nhạc, nên đối với một người như Sơn ông dành cho nhiều dễ dãi. Đôi lúc nhắm mắt làm ngơ cho Sơn dùng thì giờ dạy học làm việc riêng của mình. Việc này khiến một vài giáo viên già, lâu năm trong nghề so bì. 
Khi chúng tôi đặt chân lên Bảo Lộc, trời đã vào thu. Những tháng đầu hãy còn lạ nước, lạ cái, không biết đi đâu, làm gì để hết thì giờ vì chỉ phải dạy có một buổi, chúng tôi có suốt những buổi chiều lang thang. Cứ hết "những bước chân âm thầm" trong khuôn viên trường Nông Lâm Súc im lìm vắng vẻ với những tàn cây sao, cây gõ, cây gụ cao vút tận trời xanh, lại đến đoạn quốc lộ I chạy xuyên qua con phố Blao lèo tèo vài quán ăn dọc đường ngắn củn. Chúng tôi lại đi vòng bờ hồ cho đến khi chiều xuống hẳn, sương mù bắt đầu xuất hiện trên mặt hồ, ban đầu mỏng rồi dầy dần, cho đến lúc che khuất một chòm cây khô giữa hồ, chỉ còn thấy một thân cây khô với những cành khẳng khiu vươn lên trơ trọi giữa khoảng trời mây. Đến lúc đó ai cũng cảm thấy mỏi chân và muốn vào quán ngồi uống cà phê, hoặc uống bia nghe nhạc, chờ tối để về nhà tìm giấc ngủ. Trong cái không gian và thời gian đó Trịnh Công Sơn cảm hứng sáng tác nhạc phẩm “Chiều một mình qua phố.” Cái lạ là suốt thời gian gần ba năm làm nhạc tại Bảo Lộc, những bản “Chiều một mình qua phố,“Lời buồn thánh”, “Vết lăn trầm” và tập ”Ca khúc da vàng,” mặc dù đã có tiền nặng túi, Sơn vẫn không có nổi cây đàn (hay Sơn không muốn mua?). Sơn dùng cây đàn ghi ta của cô Đỗ thị Nghiễn. Cây đàn này đã giúp Sơn ghi lại những nốt nhạc mà Sơn thai nghén trong những lúc đi dạy hoặc lang thang với chúng tôi ban ngày, tối về chúng tôi say sưa trong giấc ngủ thì Sơn ôm đàn say sưa dò lại những âm thanh đang chập chờn ẩn hiện trong đầu Sơn. Sau những đêm như thế, Sơn phờ phạc hẳn. Một giỏ rác đầy tràn những tờ giấy bản dùng để quay ronéo Sơn chép vội những dòng nhạc vừa xuất hiện trong đầu rồi chợt biến, vo tròn, ném, lại dò tìm. Sơn sợ làm ồn giấc ngủ của tôi, nên phải chận phím để tạo những âm thanh câm.
Nhạc phẩm đầu tiên được ấn hành
Mặc dù trước đó Trịnh công Sơn đã có nhiều nhạc phẩm rất hay như "Ướt mi", "Thương một người", "Biển nhớ", "Nhìn những mùa thu đi"... nhưng chỉ chuyền tay nhau hát trong chốn bạn bè, không có điều kiện hay vì những lý do nào đó Sơn không thể xuất bản để phổ biến rộng rãi. Đến khi ở tại Blao, sau khi hoàn chỉnh nhạc phẩm "Chiều một mình qua phố", Sơn quyết định mang đứa con của mình về Sài Gòn tìm nhà xuất bản. Sơn ở rịt tại Sài gòn gần ba tuần lễ. Ông giáo già Thống chạy chiếc xe gắn máy Sach cũ kỹ, già nua không thua gì tuổi đời của ông, đến chỗ chúng tôi trọ, tìm Trịnh Công Sơn.

Khánh Ly - Ướt Mi (Trịnh Công Sơn) PBN 99
Thương một người - Khánh Ly
Biển Nhớ (Trịnh Công Sơn) - Khánh Ly
Nhìn Những Mùa Thu Đi

- Thầy ơi, thầy có biết ông Sơn ở đâu không?, ông hỏi tôi.
- Ông ấy về Sài gòn rồi, ông ta không nói gì với ông sao?, tôi đáp.
- ối giời ơi, tôi chết mất, một mình tôi phải ôm ba lớp suốt ba tuần nay, ông rền rỉ.
- Thầy có biết lúc nào ông ấy về không?
- Không thể nào biết được.
- Thế thì tôi chết mất.
Nói xong ông thất thểu dắt xe ra ngõ. Tôi nhìn theo mà ái ngại cho tuổi già của ông. Vài năm nữa là về hưu nên ông cố đeo cái nghề này trong chốn đèo heo hút gió để mong được chút tiền hưu, an hưởng tuổi già. Tình trạng này còn dài dài đến với ông và ông vẫn phải ôm ba lớp và ông vẫn rền rĩ như mọi bận. Chúng tôi gọi đùa sau lưng, ông là "Con ngựa già của...Trưởng Giáo Trịnh", nhại lại nhan đề một truyện ngắn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm miền Bắc. 
Mấy ngày sau Sơn về. Phờ phạc, hốc hác. Tôi kể chuyện ông già Thống đi tìm. Sơn nói là sẽ xin lỗi sau. Xong, Sơn ngủ vùi suốt ngày hôm đó. Ngày hôm sau Sơn kể cho tôi nghe mọi việc về nhạc phẩm "Chiều một mình qua phố". Sơn nói: "Mình bán cho cha Duy Khánh. Chả trả có ba ngàn đồng bạc, mình nài thêm, chả nói, nhạc Phạm Duy là đắt nhứt mà cũng chỉ tới năm ngàn là cùng, ông là nhạc sĩ mới, giá vậy là cao lắm rồi". Sơn tặc lưỡi nói tiếp: "Thôi cũng được, nhưng tiếc một điều là chả làm hư bài hát của mình. Mình bán đứt bản quyền rồi đâu có ý kiến chi được”. Tôi thắc mắc: “Hư là hư làm sao?". Sơn nói: "Nhạc của mình êm, nhẹ để diễn tả nỗi buồn của những ngày lang thang trên phố vắng, đìu hiu, quạnh quẽ mà chả cứ rống lên như bò rống. Sơn giả giọng Duy Khánh, tay nắm lấy da cổ họng giựt giựt, miệng rống lên "Chiều một mình qua phố... ố... ố... ố". Tôi không sao nín cười được.

Từ đó Sơn giải nghĩa cho tôi nghe về việc in ấn, tác quyền, phát hành, đại lý, gom tiền... rất là nhiều giai đoạn nhiêu khê, tác giả một nhạc phẩm hay một tiểu thuyết không thể nào tự mình làm được các việc đó, nên bị các nhà xuất bản bắt chẹt, đành phải bán bản quyền cho họ. Bây giờ tôi mới vỡ lẽ ra. Bấy lâu nay tôi cứ ngỡ các ông văn sĩ, nhạc sĩ có sách, có nhạc được in ra, đem bán khắp nơi chắc là giàu lắm. Dịp này, Sơn kể cho tôi nghe về hai người bạn ở Sài gòn mà Sơn thường về ở chung, đi ăn, đi nhảy với nhau. Đó là Đinh Cường và Trịnh Cung. Đến giờ phút ngồi viết những dòng này, tôi vẫn chưa gặp và biết mặt Đinh Cường (trừ vài tấm hình trên Internet). Trịnh Cung thì tôi có thấy mặt một lần khi ông ta ghé Blao thăm Sơn, tại phòng chúng tôi đang ở, khoảng đầu năm 1965 thì phải. 
Hạ Trắng (Trịnh Công Sơn) - Khánh Ly
Hai hình ảnh của hai ông Trịnh thật tương phản. Ông họ Trịnh Công Sơn thì xuề xòa, giản dị trong áo kaki vàng bỏ vô quần tergal, với đôi giầy bata màu nâu muôn thuở (sau này có may thêm hai áo sơ mi, một nâu, một trắng bằng vải Nylfrance). Dạo ấy, Sơn có thêm một biệt danh do chúng tôi đặt là "Chàng nghệ sĩ nhứt y nhứt qưởn”. Có lẽ một năm Sơn mới hớt tóc một lần, tôi nghĩ vậy, vì không bao giờ tôi thấy Sơn có đầu tóc mới. Vẫn mái tóc thưa, mềm chạy dài xuống gáy. Hàng râu mép hung hung nâu, không phải râu, cũng không phải lông. Khi dài thì Sơn lấy kéo cắt bớt. Hàng râu cằm lại càng khiêm nhường. Từ sợi nọ sang sợi kia có thể mắc võng được, tôi hay đùa với Sơn như vậy. Còn ông họa sĩ họ Trịnh kia (thựa ra Trịnh Cung tên thật là Nguyễn văn Liễu) thì đỏm đáng trong bộ veston thời trang lúc bấy giờ, cà vạt hẳn hoi, giầy da láng bóng. 

Trở lại câu chuyện "Chiều một mình qua phố". Sơn hỏi tôi "Ông Lợi có nói gì không?" - "Không biết". - "Nhưng ông đi lâu quá, tôi e cũng đã đến tai ông ta rồi”, tôi đáp. “Làm sao bây giờ?”, Sơn hơi lo. Tôi trấn an “Không sao đâu. Chiều nay ông lên Ty cười cầu tài một phát, nói vài lời xin lỗi rồi tặng ổng bản nhạc là xong ngay". Sơn thở phào nhẹ nhỏm. Sơn rút trong cặp ra hai bản, ký tặng ông Trưởng Ty một bản, tôi một bản. Bản đặc biệt in trên giấy láng, hai lớp. Ngoài bìa màu nâu,vẽ chàng nghệ sĩ tay trái xách đàn, tay phải vắt áo trên vai đang lầm lũi xuống con đường dốc. Hình vẽ này chắc chắn không phải của Đinh Cường hoặc Trịnh Cung, tôi nhớ vậy, vì nét vẽ chân phương không lập dị thường thấy có khuôn mặt nhọn, người dài ngoẵng và hai tay thì thường kẹp vào đùi của hai ông. Sơn ký tên đủ cả họ và tên dài theo hết bản nhạc theo chiều đứng. Cái gạch ngang chữ T trên đầu kéo dàiche hết cả ba chữ Trịnh Công Sơn (không có hình con cá như ông Đinh Cường nói). Chiều hôm đó, ở Ty về, Sơn hớn hở khoe với tôi: "Lúc vô Ty, mấy nhân viên văn phòng ái ngại cho tôi, chắc thế nào cũng bị ông Trưởng ty Lợi quạt một trận tơi bời vì tội bỏ nhiệm sở. Tôi cũng hơi lo. Nhưng lúc gặp ổng trong văn phòng riêng, tôi chìa bản nhạc ra trước và nói mấy lời phân bua lý do vắng mặt cùng lời xin lỗi. ổng cầm bản nhạc chăm chú xem, không nói gì. Lúc đó hơi yên tâm. Cuối cùng ông ta nói "Cám ơn anh bản nhạc, nhưng từ rày về sau đừng bỏ trường nữa, tội nghiệp ông Thống. Và tôi cũng sẽ khó đối xử với các giáo viên khác. Về âm nhạc mong anh thành công nhiều hơn". 
Cô nữ sinh tên Ngà, tiếng kèn đồng và lời buồn thánh 
Khoảng đầu tháng tư năm 1965 chúng tôi đau buồn tiễn biệt người bạn trẻ Nguyễn văn Ba về bên kia thế giới. Ba là người ngoan đạo. Mỗi buổi sáng, đúng 5 giờ, dứt hồi chuông, là anh đã ra khỏi nhà để đến nhà thờ dự lễ nhứt, trong khi chúng tôi còn quấn kỹ trong chăn. Rất chăm chỉ, không sót một ngày. Hôm đó, anh về Sài Gòn để thăm gia đình, Việt cọng đắp mô ở đèo Madagui. Chưa có quân đội đến gỡ, anh tình nguyện xuống gỡ, thì mìn nổ giết anh chết ngay tại chỗ. 
Cái chết của Nguyễn văn Ba, ấy thế mà lại giúp Sơn hoàn thành một bản nhạc bất hủ khác: “Lời buồn thánh”. Số là trước đó, cứ trưa thứ sáu, sau khi bãi học, Sơn đi thẳng ra bến xe, lấy vé về Sài gòn. Xe nhỏ Minh Tâm, chỉ bốn tiếng đồng hồ là Sơn đã tiếu ngạo ở thành phố hoa lệ. Mười hai giờ trưa chúa nhật, Sơn lại leo lên xe đò, đánh một giấc. Năm giờ chiều đã có mặt tại bàn bi da Cà phê Ngọc Trang. Sau cái chết của Nguyễn văn Ba, Sơn rét, không dám về Sài Gòn hằng tuần nữa. 
Những ngày bó gối nằm nhà, Sơn thường ngồi tư lự trước bàn viết duy nhất dành cho cả hai soạn bài dạy, nhìn ra con đường đất đỏ. Mùa này, bông lau nở trắng xóa khắp nơi, dọc theo con đường dốc chạy dài từ trong buôn ra tới quốc lộ, băng ngang trước nhà chúng tôi. Buổi chiều, những cơn gió nồm thổi nhẹ tới từng cơn, lướt qua rừng bông lau, xô chúng ngã nghiêng xuống, rồi chúng bật dậy, tạo thành những âm thanh xào xạc nhè nhẹ, đều đều, buồn buồn. Chiều xuống dần, những vạc nắng cuối cùng chiếu xiên trên ngọn bông lau, lấp lánh sáng ngời. Gió lắng dần, không gian trở nên im ắng, tĩnh mịch. Chợt tiếng kèn đồng xa xa vẳng lại, lúc nghe, lúc mất thật hiu hắt buồn. Đó là lúc cô nữ sinh hàng xóm, cô Ngà, đúng giờ đi lễ. Chuông nhà thờ đang dồn dập từng hồi thúc giục con chiên đến giáo đường. 
Thật đúng như tên đặt, da cô trắng ngà, người mảnh mai với mái tóc thề chấm ngang vai, khuôn mặt phảng phất như Đức mẹ Maria. Rất dịu dàng trong dáng đi, mỗi buổi chiều cô đi lễ, đều đi ngang nhà chúng tôi. Hai tay ấp quyển Kinh Thánh trước ngực, đầu hơi cúi xuống, lặng lẽ, khoan thai bước. Đã bao lâu rồi, cái hình ảnh rất đẹp ấy, cái mầu áo dài trắng nổi bật trên nền đất đỏ, thấp thoáng ẩn hiện trong đám lau trắng, đã đi ngang nhà chúng tôi bao nhiêu chiều rồi mà chúng tôi không hề hay biết. Thật uổng phí! Chẳng là, cứ ba giờ chiều là chúng tôi đã túc trực quanh mấy cái bàn bi da để dành chỗ rồi chơi cho đến khi tắt điện mới mò về, thì làm sao có thì giờ để biết bên hàng xóm có người đẹp. Cái tên Ngà mãi về sau, theo dõi, lắng nghe mấy đứa em cô gọi mới biết. 
Từ ngày Nguyễn văn Ba chết chúng tôi buồn vì thiếu vắng một người bạn, nên không còn hứng thú trong những buổi lang thang nữa. Ngồi nhà suốt một tuần nên mới phát hiện ra bên hàng dậu có người ngọc. Cả ba : Sơn, Tâm và tôi bắt đầu theo đuổi. Nhưng cả ba đều không thành công. Lý do: tuổi trẻ ham chơi nên không bỏ hết thì giờ để đeo đuổi, thứ nữa là sĩ diện, quan trên trông xuống người ta trông vào, thầy giáo mà đi chọc gái thì ê càng quá. Tuy nhiên với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ, Sơn đã thành công khi đưa tất cả những âm thanh mơ hồ của ngàn lau, của tiếng kèn đồng, tiếng chuông nhà thờ cùng dáng yểu điệu của cô Ngà hòa nhập với gió chiều nhè nhẹ để cấu thành chất liệu tuyệt vời tạo nên nhạc phẩm "Lời buồn Thánh". 
Xuất xứ vài nhạc phẩm, những mối tình một thoáng mây bay 
Ngoài những nhạc phẩm như "Biển nhớ"," Nhìn những mùa thu đi", "Dã tràng ca"... Sơn sáng tác ở Quy Nhơn năm 62-64, "Chiều một mình qua phố". "Lời buồn Thánh", "Vết lăn trầm"... Sơn làm tại Bảo Lộc thì tôi biết rõ xuất xứ và thời gian như đã lượt qua ở trên, tôi còn biết thêm một vài nhạc phẩm khá hay liên quan đến những mối tình, mà anh gọi là "một thoáng mây bay" do anh kể lại, nay một chuyện, mai một chuyện.
Thường thường những chuyện này được kể trong những chiều trời mây u ám, mưa rả rích, dai dẳng. Hai anh em chúng tôi đem đàn, sáo ra hòa điệu. Rồi cũng chán. Lại cà phê. Khói thuốc mịt mù, mờ khuôn cửa kính. Anh kể chuyện hấp dẫn, có duyên. Bất cứ chuyện gì anh kể tôi cũng đều thấy hay. Có khi khôi hài cũng rất dí dỏm. Vừa nói, vừa ra điệu bộ, làm cho câu chuyện rất sống động, lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối. 
Diễm của "Diễm xưa"

“Hai chị em, người chị là Bích Diễm, người em là Dao Ánh”, Sơn kể,” hai chị em đều đẹp và quý phái, nhưng tôi theo cô chị. Mối tình học trò kéo dài từ khi tôi còn ở Huế cho đến lúc tôi vào Sài gòn trọ học. Cha mẹ Diễm khó và không thích tôi. Nhưng tôi vẫn cứ đeo đuổi hình bóng của Diễm và Diễm cũng chưa tỏ vẻ gì xa lánh tôi. Năm đó tôi thi trượt Bac IỊ Diễm thi đậu, vào Sài Gòn để vào đại học Văn khoa. Còn tôi thì lại về Huế, bỏ ngang việc học vì gia cảnh. Phần buồn, phần tự ái tôi không còn liên lạc với Diễm nữa và Diễm có lẽ thấy tôi lâu quá không thư từ, thăm hỏi, nghĩ rằng tôi đã quên, nên Diễm cũng lơ luôn. Đâu biết rằng đó thời gian tôi đau khổ nhất. Tôi đã nén mọi khổ đau trong im lặng. Sự đau khổ và nổi nhớ nhung dày vò tôi từng đêm, tôi đã viết nên bài "Diễm xưa" để trút bớt nỗi đau khổ trong lòng. Nhưng lạ một điều là khi tôi viết xong nhạc phẩm này, lòng tôi lại thanh thản, nhẹ nhàng. Tôi cảm thấy vơi đi rất nhiều nỗi nhớ và tình yêu trong lòng tôi bây giờ chỉ còn một chút mong manh như sương, như khói. Nó không còn nồng nàn, mãnh liệt như trước. Một dịp tôi vào Sài Gòn, tìm đến cư xá Diễm đang nội trú với ý định tặng nàng bản nhạc để làm kỷ niệm một thời thơ mộng của tuổi trẻ, rồi thôi. Nhưng không gặp, tôi nhờ mấy người bạn gái đang đứng ở cổng trao lại giùm cho Diễm. Khi tôi đi được một quãng thì nghe tiếng Diễm từ trên ban công gọi theo “Anh Sơn! Anh Sơn ơi! Anh Sơn!”. Nhưng tôi không ngoái lại. Tôi cắm đầu đi thẳng. Tiếng gọi Anh Sơn, anh Sơn vẫn còn nghe văng vẳng sau lưng. Từ ấy đến nay, tôi tự nhủ lòng sẽ không bao giờ gặp lại. 
Diễm Xưa Khánh Ly Trịnh Công Sơn
Tôn Nữ Bích Khê và Biển nhớ 
Nhóm học sinh Nha Trang khăn gói ra Quy Nhơn học Sư phạm có mười một người, bảy nam và bốn nữ. Các nữ giáo sinh gồm có Mân thị Dưỡng (em gái kề của Mân Thiệu tức nhạc sĩ Thanh Châu, tác giả nhạc phẩm “Thư gửi người lính chiến”); Nguyễn thị Tảo, Tảo học chung lớp Đệ nhất B3, Võ Tánh với tôi; cô Kiều thị Đợi và Tôn Nữ Bích Khê. Bích Khê có hai người em gái cũng tên Khê, đó là Thuần Khê và Cẩm Khê.

Bích Khê dáng người nhỏ, tròn lẳn, nước da ngăm đen như Trịnh Công Sơn, thường đánh tóc rối thành một búi lớn ngược ra sau đỉnh đầu. Mang guốc cao gót, nhọn, hiệu Đakao, đi chân sáo. Đứng xa nhìn Bích Khê đi trông giống như con sáo nhỏ đang ngảy nhót trong sân. Cái búi tóc nhảy tưng tưng theo nhịp bước, người ta có cảm tưởng có lúc nó sẽ kéo người chủ nó té ngửa ra sau. Bích Khê không đẹp nhưng rất có duyên, quyến rũ. Bích Khê cũng ở trong ban hợp xướng. Người lĩnh xướng là Nguyễn thị Ngọc Trinh... Tôi không biết rõ chuyện tình của Sơn và Khê bằng ông Đinh Cường, mặc dù học chung hai năm với nhau. Bởi vì hầu như ngày nào cũng có nhiều cô đến nhà trọ của Sơn. Sau khi bản “Biển nhớ” được sáng tác và tập dượt để ra mắt buổi văn nghệ thì giáo sinh sư phạm mới lưu ý tới Bích Khê và bàn tán, vì tình cờ hay cố ý, Sơn đã viết "trời cao níu bước sơn khê" trong lời nhạc. Về sau, 1970, tôi được thuyên chuyển về Nha Trang, gặp lại Bích Khê nay đã yên bề gia thất, chồng nàng tên Chương, thợ sửa máy lạnh, có cửa hàng mua, bán - sửa chữa tại đường Quang Trung, đối diện với hiệu ảnh Photo Vỹ. Sau 1975, hai vợ chồng trở nên giàu có hơn xưa. ở Blao tôi có hỏi Sơn về sự liên quan giữa nhạc và người. Sơn nói chỉ là bạn như những người bạn khác. Chữ sơn khê chỉ là tình cờ. 
Nhìn những mùa thu đi 
Bản "Nhìn những mùa Thu đi” cũng trong trường hợp tương tự. Trong lớp tôi đã có ba cô Thu rồi. Các lớp khác cũng hai hay ba Thu, nên không biết Thu nào đã đến với Sơn hay Sơn đã yêu Thu nào. Mỗi khi có cô Thu nào đi ngang, bọn chúng tôi hát ghẹo "Nhìn những lần thu đi, anh nghe hồn anh đau đớn...”. Mãn khóa, chia tay. Không ai có thì giờ để ý đến chuyện của ai. Chăm chú, hồi hộp đợi danh sách bổ nhiệm, xem cuộc đời đưa đẩy số phận mình đến phương trời nào.  
Ca khúc da vàng
Sau vụ bị rao tìm trên đài phát thanh Đà lạt và bị quở trách tại Ty, Sơn trở nên cần mẫn hơn, khuôn phép hơn. Sơn ít đi lại Sài Gòn - Đà Lạt. Thỉnh thoảng có đi thì cũng về kịp sáng thứ hai để đi dạy. Trong thời gian này Sơn nhận được rất nhiều thư. Phong nào cũng dày cộm. Sơn dạy buổi sáng, nên người nhận thư là tôi. Nhìn con dấu bưu điện tôi biết thư được gửi đi từ Huế. Đấy là thư bạn của Sơn... Từ lúc đọc những lá thư dày cộm đó, Sơn bỗng nhiên thay đổi hẳn tâm tính. Lúc nào cũng có vẻ bồn chồn, lo lắng. ít đi lang thang những buổi chiều nữa. Có lúc ngồi trước bàn, thẫn thờ, mắt đăm chiêu nhìn qua cửa sổ hằng giờ, yên lặng với khói thuốc. Có khi điếu thuốc từ lúc châm đến lúc tàn chỉ rít một hai hơi. Chiếc gạt tàn đầy ứ, tràn ra bên ngoài. Sơn mua khóa về khóa chặt va li để cất những thư ấy. Có cái Sơn đem ra sân đốt ngay sau khi đọc. Sau đó, Sơn lại thường xuyên đi Đà Lạt hơn. Khi hai, khi ba ngày Sơn kể tôi nghe về một trang trại ở Phim Nôm, gần Đức Trọng, một quận của Tuyên Đức. Sơn ở đó với vài người bạn (Sơn không kể tên) bàn chuyện làm ăn. Có lần Sơn rủ tôi làm chung, mỗi tháng lương là mười ngàn. 

Trịnh Công Sơn - Tuổi đá buồn - Khánh Ly

Hết hè, tôi vẫn còn luyến tiếc thời gian ba tháng trôi qua quá mau. Trở lại căn phòng trên Bảo Lộc, tôi hết đổi ngạc nhiên, khi thấy Sơn đã có mặt ở đây rồi. Căn phòng bừa bộn, bẩn thỉu. Toàn là tàn thuốc. Bao thuốc Bastos xanh trống không xếp đầy chung quanh tường, cao gần tới đầu gối. Sơn nằm dài trên đi văng, mùng vẫn buông, ám khói vàng khè. Dưới gầm bàn, giỏ rác đầy ứ, toàn là giấy quay rô nê ô xỉn vàng, vo tròn, vất đầy mặt đất. Xác cà phê khô đóng mốc xanh, trắng vương vãi chổ này một nhúm, chỗ kia một tụm. Tôi nhìn Sơn ái ngại. Sơn xanh hẳn. Khuôn mặt hốc hác. Người đã ốm lại càng gầy thêm. Gầy rạc. Bộ đồ pijama trở nên rộng thùng thình, đen xỉn, nhàu nát. Có lẽ ba tháng nay không giặt! Nhưng nét mặt lại lộ vẻ vui. 
Vừa xếp dọn lại chỗ nằm của mình, tôi vừa trò chuyện với Sơn. "Ông làm gì mà nằm ép rệp ở đây đến ba tháng lận? Không buồn à?". Sơn phấn khích chìa tập nhạc ra khoe với tôi: "Công trình ba tháng đó”. Tôi cầm xấp bản thảo liếc qua trang đầu có nhan đề “Ca khúc da vàng", lật thêm mấy tờ bên dưới lại thấy những tựa rất lạ: “Gia tài của mẹ, Đàn bò vào thành phố, Người già em bé, Người con gái Việt Nam da vàng v.v...” với những lời ca lạ lẫm, khác hẳn những lời trong tình ca đến 180 độ. Tôi ngờ vực có một cái gì đó đã thay đổi con người của Sơn nhưng chưa xác định được rõ ràng nó là cái gì. Tối đó Sơn hát cho tôi nghe một vài bài tiêu biểu trong tập "Ca khúc da vàng". Đến những đoạn như “gia tài của Mẹ, một bọn lai căng. Gia tài của Mẹ, một lũ bội tình" hay như "đại bác đêm đêm dội về thành phố, người phu quét đường dừng chổi lắng nghe" hoặc như "tôi có người yêu chết trận đêm qua, chết thật tình cờ", tôi bỗng nổi da gà. Lời ca thật xúc động, nó xoáy sâu vào tim người nghe rồi chuyền lên óc làm cho rúng động tâm can, tỏa lan dần khắp cơ thể làm cho bải hoải tứ chi. 
Dần dà trong bọn chúng tôi ai ai cũng biết Sơn vừa sáng tác một tập nhạc mới. Lại chia làm hai phe. Lúc đó đâu đã có từ “phản chiến” để chỉ loại nhạc này. Chúng tôi ngâm nga hát mỗi bài vài ba câu. Phe thích thì cứ "Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, hai mươi năm nội chiến từng ngày", ca cẩm suốt ngày. Phe chê thì bảo "Xì... nhạc Việt cộng, cha nội Sơn theo Việt cộng rồi". Tuy nhiên, sau đó lại quên lãng đi. Chúng tôi lại vẫn bù khú bi da, cà phê, xập xám, vui vẻ ồn ào như xưa. 
Thời gian sau, Sơn rất bận rộn. Đi đi, về về Sài Gòn - Đà Lạt liên tục. Thường xuyên bỏ trường hơn trước, nhưng thời gian không lâu. Có khi hai, có khi ba ngày. Ông già Thống từ ngày được ông trưởng giáo hào phóng cho 100 điểm, há miệng mắc quai, không còn biết than thở với ai, đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Sơn cho tôi biết là đang chuẩn bị in tập "Ca khúc da vàng" và hé cho tôi biết thêm là giới sinh viên thích lắm, họ đang yêu cầu có những buổi hát ngoài trời gọi là "du ca". Và Sơn cũng nói đến một vài cái tên sinh viên ... sẵn sàng giúp Sơn thực hiện những buổi trình diễn ấy.
Những điều Sơn kể cùng những cái tên xa lạ không ăn nhập gì với đời sống đang tươi đẹp của tôi, nên từ tai này qua tai kia, chốc lát tôi quên hết. Khi Sơn đi, tôi còn khối bạn bè để vui chơi. Nào Tín, nào Đạo, Bạch, Lãng, Tâm mập, Tâm lùn, Hinh, Sang, Thao, Hiện, Rầm, Nhượng... Tuần này xuống Tân Hà, đến nhà ông hiệu trưởng Ngọc, hạ cờ tây. Tuần sau kéo nhau vào ấp Lam Sơn, hai bên đường vào ấp, trồng toàn hoa đào, nên còn có cái tên thơ mộng là Đào Hoa thôn, đến nhà ông Tề ngắm phong lan. Lại có lúc, cùng các cô, chúng tôi dạo suối Đại Bình, cách Blao chừng vài cây số. Cứ thế tuổi trẻ của tôi,ngoài việc dạy dỗ các học sinh, đã trải qua những ngày tháng tươi vui, đáng sống ở cái quận lÿ bé nhỏ, mà mới ngày nào tôi gặp Sơn ở bến xe một buổi chiều cuối tuần đìu hiu có mưa rã rích, buồn thúi ruột. 
Chia tay 
Hè 1967, chúng tôi đang mỗi người một nơi nghỉ hè, bỗng đồng loạt nhận được điện khẩn của Ty, nhắn lên gấp để nhận lệnh nhập ngũ. Phía dưới còn bị chú hàng chữ: Nếu trình diện trễ hạn sẽ bị đưa ra trường hạ sĩ quan Đồng Đế. Thế là chúng tôi không hẹn mà gặp nhau một ngày tại Ty. Tay trái nhận lệnh Tổng động viên, tay phải nhận phong bì ứng trước một tháng lương để có tiền ăn đi đường, lên đường nhập ngũ. Không thấy Sơn đâu. Hỏi anh Thành phát ngân viên, anh cho biết Sơn đến hôm qua lãnh lương đi rôì. Tối hôm đó chúng tôi gồm: Đạo, Hinh, Sang, Nghị, Nhượng, Bạch, Tâm lùn, Ngọc (Lãng sốt rét, Thao què giò được miễn) và tôi, uống một bữa thật say. Ai cũng ví mình là Kinh Kha đang ở bên bờ sông Dịch một đi không trở lại. Chỉ tiếc không có ai là Cao Tiệm Ly thổi đưa khúc sáo lên đường. Chúng tôi đang lúc ngà ngà, ôm nhau hát bài "Những ngày xưa thân ái" của Phạm Thế Mỹ, cứ lập đi, lặp lại điệp khúc “Chỉ còn tay súng nhỏ, giữa rừng sâu giết thù, những ngày xưa thân ái xin gửi lại cho nhau" rồi cùng nhau khóc, khóc như trẻ thơ, khóc tự nhiên không một chút xấu hổ. 
Sáng hôm sau tỉnh dậy chỉ còn lại vài mạng, say quá chưa tỉnh nổi, còn bao nhiêu thì đã đi rồi. Tôi ra bến xe, nhìn lại quang cảnh, vẫn y như cũ, không có gì thay đổi, nhưng hôm nay sao thấy buồn quá đỗi. Cái gì cũng có vẻ xa vắng, bơ thờ. Khi xe chạy ngang bờ hồ, tôi thì thầm "Giả từ Bảo Lộc mến yêu, biết bao giờ gặp lại nhau!". Xe khuất dần, tôi cố ngoái lại lần chót, chỉ còn thấy ngọn cây khô chết giữa hồ. Nước mắt tôi lại ứa ra". 
Nguyễn Thanh Ty 
Theo https://sites.google.com/

Thời gian không ở phía trước

Thời gian không ở phía trước

1. Điệp vàng kìa anh. Tôi đã nói điều này mỗi khi đi qua con đường ấy. Đó là điệp sao. Tôi cứ tưởng chỉ với mùa hè thôi.
Những dư âm của mùa đính trên cành cây, có lần điệp cả vàng cả đỏ, tôi cứ nhầm là phượng. Đẹp làm sao ấy, đứng trên tầng nhà nhìn xuống. Một rạng rỡ vô cùng. Điệp vàng, điệp vàng ơi. Hay hoa Sao nhỉ, hoa Sao vàng đất trời thơm dưới những hàng cây, tôi đi qua nơi này cùng ai, cùng anh, cùng em, tâm hồn rộng mở. Những hồn cây hồn núi, xe lướt lướt qua núi đồi, qua đam mê, qua sỏi đá. Những mùa thu hay những giao mùa thu hè, thu đông, tất cả, nấp sau một nhành hoa, một cọng lau, hay mê man trên vườn đồi hái táo, hái sơ ri chín mận. Mắt nhìn mùa thu qua những loài cây, nằm xuống những vạt cỏ, ngước lên với đất trời; nhành khô cong, nhành yêu thương, một vùng trời trống vắng lướt qua thời yêu dấu, hôn lên cỏ mềm, hôn lên màu trời, đầy mân mê.
Những người gắn với đời tôi, những bông hoa. Họ làm sao và đi đâu cả rồi.
K đợi tôi ở biển. Đứng xa cách ở một góc trời, tôi không biết nói chuyện gì. Ai cũng chứa đựng trong lòng một chuyện gì đó. Người ngồi bên lề biển, đã có hẹn, đã có chuyện trò trong cùng chủ đề chuẩn bị, nhưng không hiểu sao chúng tôi lại có một cảm giác về sự gần gũi. Tôi thấy những hình ảnh chạy dài và in vào hàng cây sự im lặng. Nhưng ở biển thì làm gì có hàng cây nào. Ở biển chỉ có những giọt nước mặn.
Chúng tôi đến từ đời sống thực, từ một công việc thực, một tính cách thực, có vẻ khắc nghiệt, nhưng với quá khứ, ai cũng mềm yếu. Trong những lần đợi chờ, tôi đã đến trước hoặc sau, nhưng không sao, lúc nào K cũng đợi tôi ở biển, như rằng, sẽ có ai đó hay điều gì đó thay thế chờ đợi người kia. Không. Tôi không nhìn vào điện thoại, không nhìn vào sự tìm kiếm, tôi nhìn vào mênh mông, để xem hôm nay chúng tôi sẽ nói gì, quá khứ nào sẽ được khai mở.
Một người đàn bà nào trong tiềm thức đã khuấy động K. Đối diện với tôi là một biểu hiện cuộc sống cũng chả phẳng lặng gì. Nhiều khi tôi thấy K nhỏ lẻ, đơn côi như một đứa trẻ. Và nếu một hôm nào đó K khóc trước mặt tôi, có lẽ cũng là chuyện thường tình. Tôi nhớ mình hình như chỉ ngồi với những người có khuôn mặt sắp khóc, tức là trong đâu đó gương mặt của họ ẩn chứa một câu chuyện, một đề tài, một ẩn ức, và nếu khơi đúng nguồn hoặc nếu giả trời mưa, trời gió, trời chuyển mà thiếu một chiếc áo khoác thì có thể chúng tôi có cơ hội khóc cùng nhau. Đó là những gương mặt dồn nén, ẩn dưới làn da màu đất, màu cát, màu phù sa. Mà khi người ta nhìn vào đó chỉ thấy dấu ấn của những chân trời, đã từng đầy cánh chim bay rồi phẳng lặng và không chừng đã bị lãng quên. Thỉnh thoảng trong ký ức có một ai đó đang đợi mình quay về đúng thời điểm lòng còn trinh nguyên, mơ hồ còn yêu thương, và chưa buông xuôi gì cả, thì khóc là minh chứng cho một điều gì thật đẹp.
Có một lần K nhắc về một người đàn bà, một người nuôi nấng anh, ký ức thoáng qua với chiếc áo người đó đang mặc, với một vài lời nói ít ỏi hay một món quà nào đó anh được nhận kèm theo những lời hỏi han và dặn dò. Tự nhiên tôi lại nhớ đến việc, làm sao người ta có thể sống mà mang trong mình một thứ gì đó chẳng ai biết.
Lúc ấy K nhìn xa xăm, hoặc giả tôi tưởng tượng ra anh đang nhìn xa xăm. Sao người ta luôn có khả năng trốn tránh một cách bản năng dù là ánh mắt, dù là nó chẳng gây hại gì cả. Sao không để long lanh ánh mắt đó mà nhìn vào nhau. Dường như phía trước là ký ức, một ký ức nào đó ùa về ắp đầy. Anh không hỏi nhưng tôi tự nói, có lần cũng như vậy, làm thế nào mà người ta có thể nhớ hoài một điều gì đó rõ ràng đến từng milimét như vậy. Trong chọn lọc của bộ nhớ, hẳn có sự can thiệp của quá khứ, dù chẳng rõ quá khứ đó là khổ đau hay vui sướng.
Và tôi cũng quay mặt đi chỗ khác. Nói, về một cái gì đó bất chợt hiển hiện. Không khí, hướng gió, người phục vụ. Thì ra ở một tuổi tác nào đó, nhờ một tình cờ hay một trải nghiệm, một nỗi đau, chúng tôi thấy được nhau. Nhờ tất cả những thứ đó mà cuộc đời kéo dài ra theo mỗi giờ đồng hồ, và vì thế con người cũng hăm hở sống, hay khác hơn, hăm hở một cái gì mình chưa biết đến nhưng ắt hẳn sẽ tràn trề. Ký ức là niềm vui sống tuyệt vời. Ở một thời điểm tôi tình cờ phát hiện, có những người tôi đã gặp họ vài ba năm, trong thời điểm tràn ngập những đau buồn của đời họ mà tôi không hề hay biết. Và thường không biết gì về nhau cho đến khi bắt đầu tìm hiểu. Mà tìm hiểu làm gì. Khoảng khắc ban đầu khi chưa thấu hiểu, nó có cái gì đó hồn nhiên hơn là dấn thân vào đời nhau. Mãi cho đến sau này tôi mới nhận ra, thời khắc tôi đi qua sự bình yên thì K đã chạm sâu vào khốn khó.
Nếu có thể, người ta nên đi đâu đó một thời gian, biến mất một thời gian trong quá trình sống của mình. Vì nói cho cùng, người ta có di chuyển đến đâu đi chăng nữa cũng mang theo quá khứ. Vậy thì sống ở nơi nào có gì là quan trọng, chẳng qua người ta muốn sống một nơi nào đó mà quá khứ hóa bình yên, hoặc là bọc quá khứ lại bằng hơi thở của một cuộc sống khác, cách sinh hoạt khác, người dân khác. Như căn bệnh viêm xoang vậy, nếu thay đổi môi trường sống, có thể bệnh sẽ tiến triển tốt hơn. Nhưng mà đâu chỉ có mình ta với quá khứ, mà quá khứ ấy còn ràng buộc giữa ta và những người hiển hiện. Làm sao tất cả có thể biến mất cùng nhau.
Tôi có nói sơ qua với K rằng sẽ đi VT một thời gian. Những đêm cách xa thành phố cũ, VT cũng gợi nhiều nỗi nhớ. Một ai đó xa nhà, một ai đó xa một kỷ niệm. Có gặp vài người. Tôi không gọi điện cho K vì biết rằng cũng chẳng để làm gì. VT hồi đó cũng giống một vài nơi tôi đã từng đi qua, cứ mưa. Sao nó cứ phải mưa khi tôi đến. Cơn mưa đổ ập vào màn kính, dính lại những giọt nước to bự, lăn xuống những hạt bụi đọng bên bậc. Hành lang vòng vèo, những giọt mưa bay xiên xẹo.
Tôi quen một người lớn tuổi với một bài hát mải miết trong đêm. Có cái gì đó chạm thật sâu vào tim. Hình như tuổi trẻ đã từng thao thức với một điều gì đó, hay một người nào đó, “cháy hết mình cánh phượng nhẹ nhàng rơi”, nghe buồn và thẳm sâu. Cái gì rơi cơ chứ, rơi thì làm sao cơ chứ, nhưng nỗi nhớ về một nơi nào đó đã từng học tập, đã từng phiêu bạt để đam mê thì là thật, không biết có trái tim nào đó có ở lại với cánh phượng không. Cuối cùng trong những đêm trăng ngập trời, tôi nhận ra rằng dường như cuộc sống hiện tại với mỗi người như vượt quá sức tưởng tượng của họ. Chỉ có trái tim và nhịp đập, một đôi mắt phong trần lúc nào cũng nheo nheo như nhìn một cái gì đó không ở phía trước mà dường như đã từng ở phía trước.
Những cây cọ với nét màu gì đó không hiểu rõ, chỉ có đêm là biết những màu sắc nói lên điều gì, dù rằng người ta thưởng thức vào khi tràn trề ánh sáng, nhưng tôi tin đó là lúc thật nhất, những nét vẽ trong tâm trí. Và thật kì lạ, nếu một trong số những họa sĩ đã nói một cách trung thực rằng, chưa từng yêu thêm một ai từ năm nào cho tới năm nào; nó làm cho những người còn lại hồ nghi và nghĩ về những năm tháng yêu đương hoặc giống như đã từng yêu đương của mình.
Trong giấc mơ hay sự thật, tất cả những điều đó cơ hồ đều làm người ta quay về với ký ức. Tại sao thành phố này lại có biển, tại sao tôi lại đến một thành phố mà khả năng giống nơi mình đang sống hơn năm mươi phần trăm. Thật kỳ lạ. Nó chứa trong lòng quá nhiều vết thương. Như một cơn bão đi qua, những thuyền bè trôi dạt, và bên bờ biển hiền lành của tôi lúc đó, xác thuyền, những linh hồn người phiêu dạt đến tận cùng đâu. Thật kỳ lạ. Bởi cách đó vài tháng chân tôi còn mân mê từng hạt cát và vòng tay còn mơn man gió trời, giờ đây có cái gì đó ngường ngượng, xa lạ hay chính xác hơn đó là cảm giác muốn lìa xa.
Tôi không thấy K bên bờ biển, tại thành phố của chúng tôi. Có lẽ K cũng đã làm một chuyến du hành. Dù cho đó là nơi nào.
2. Sáu năm về trước. Mình hẹn nhau ở VT. Anh không biết trái tim em nôn nao thế nào. Anh không biết màu sắc của đêm. Từ khi mình xa nhau. Một địa điểm mà chúng mình không bao giờ hẹn gặp. Nó giống như một điểm hẹn không bao giờ dừng. Một thành phố xa lạ với cả hai chúng ta. Và cuộc tình chúng ta đi qua. Em gọi điện cho anh khi đứng trước biển.
Không, sự lặng lẽ trong trái tim này có thể tỏ bày được. Những gì thâm trầm mà kín đáo. Nó cần nhiều hơn trong cái thành phố này. Người đông đúc. Bạc phếch. Cái lặng lẽ có thể khiến người ta chìm sâu vào nó. Anh gọi. Và nói mình đau vì mối tình sau em. Cô ấy lấy chồng, anh không gọi điện hỏi thăm. Anh nợ cô ấy. Thực ra cuộc đời cũng đầy cay đắng. Nhưng chúng mình đã già đâu, anh. Chuyện thật như đùa.
Lần đầu tiên anh nói yêu. Hay anh có nói yêu không nhỉ. Cũng không rõ. Chỉ biết ánh mắt ấy rất thật. Đời phải trải qua bao nhiêu cảm giác thật. Sao em thấy chông chênh quá đỗi. Anh là người đầu tiên em nói, em nghĩ trong đầu, rằng sẽ chẳng có lý tưởng nào, chẳng có hoàn cảnh nào, chẳng có lý do nào để dừng lại. Như thế là điên rồ. Như thế không phải là có trách nhiệm. Nhưng đó lại là tình yêu.
Em nghĩ đến anh trong những lần sáng tạo. Những con phố của chúng mình, đầy hơi biển. Em đứng trên biển. Cô đơn không nói được. Đứng lên rồi ngồi xuống. Đường biển dài gì đâu. Bấm số gọi cho anh. Âm thanh đó xao xuyến. Khi lòng mình lắng xuống, những bông hoa cũng tỏa hương nhẹ hơn. Niềm vui háo hức dễ khiến mọi điều trôi tuột, vô nghĩa. Buồn sâu đến tan ra. Thật đến độ, chẳng còn cách nào, bấm số gọi điện cho người yêu cũ. Chẳng ai hiểu mình bằng người làm mình đau. Chỉ cần một bàn tay bới cơm, mà người ta có thể sống với nhau cả đời đó sao. Chẳng phải người ta chỉ cần một người ngồi ngắm Quỳnh với mình trong đêm thôi sao. Liệu mình có thể lấy một người vì người đó thích Jazz.
- Anh.
- Anh đây.
-…
Em khựng lại. Rất nhiều thời gian vừa qua. Em không sống thực với con người mình. Nằm trên giường, nhìn xuống sàn nhà. Từng vật thể nhỏ tồn tại. Anh dắt xe. Bàn tay đầy mùi xà phòng. Xin lỗi. Tay anh vừa mới rửa chén. Tôi rùng mình. Ai đó đùa. Trong chợ đầy mùi. Chiếc lưng đàn ông. Là anh. Đúng không. Nhưng ở đây là biển mà.
Ngay giây phút mình rời thành phố ấy, mình biết cuộc đời dừng lại ở một điểm, thuộc về một điểm, vĩnh viễn. Ô cửa ở VT nó yêu thương quá. Rồi tháng năm này sẽ không lặp lại được nữa. Có cái gì thật đến đau lòng. Những tháng ngày như hơi thở sẽ ở lại.
Tôi nhìn số điện thoại K trong đêm nhưng không bấm máy.
3. Trong chuyến đi nơi này nơi kia với nhóm họa sĩ. Tôi thường nghĩ về những im lặng của sắc màu.
Họ thường nhầm tôi với một người nào đó, trong quá khứ, có lẽ là một người bạn, hay cũng có thể là một người yêu. Sự nhầm lẫn luôn làm cuộc sống đáng nhớ, nhưng lui về một mốc thời gian xa hơn. Và tôi bị gọi nhầm tên. Dần dà họ đều nhớ tôi với cái tên của một ai đó. Ban đầu tôi cũng thấy là lạ, có lẽ họ sẽ nhớ nhiều hơn tiềm thức của mình. Và tôi với một cái tên khác, một giọng nói khác, có lẽ có ích hơn đối với họ; hơn là tôi bây giờ. Liệu sau này tôi có nhớ ai đến như vậy không, có gọi nhầm tên không, ký ức có dậy lên nhanh và mạnh đến nỗi mờ đi cả những hiện thực trước mắt. Có thể lắm chứ, nếu ký ức ấy thực sự sống động, và nếu người ta thấy trong một quãng đời, có ký ức trở nên vĩnh viễn. Mãi sau rất lâu, khi đã rời VT, trong những lần gọi điện thoại, họ vẫn gọi nhầm tên tôi, không biết người con gái hay đàn bà đó có khi nào cảm nhận được tên của mình đã vang lên bằng hình ảnh của một người nào khác.
Tôi sống cùng phòng với một nàng, nàng uống ngày càng nhiều, những giọt mềm và bay, họ nói vậy. Sau này càng ngày nàng uống càng nhiều, không phải số ly mà là số người uống cùng nàng ngày càng tăng. Nhưng rồi đó cũng chẳng phải là tất cả. Những mê đắm trong cuộc đời sẽ ngưng đọng, những yêu dấu như chim bay, như tiếng ca. Cuối cùng nàng cũng chỉ là một cô gái. Khi trời bắt đầu mưa, nàng ra ô cửa và suy nghĩ, có thể chúng ta sẽ có. Một cái gì đó không rõ, có thể là tương lai, với một điều gì rõ ràng, một công việc gắn với một ngôi nhà và một địa chỉ thuộc về mình. Cũng có thể là một người đàn ông gắn với, bằng một cách nào đấy, trong sự xê dịch của thời gian. Đó là điều nàng có thể nghĩ. Nàng có nói với tôi sơ lược rằng cuộc đời trông chờ vào ngày mai và những đứa con chưa ra đời. Có thể đó là một kiểu cách sống, chăm chờ sống. Cũng có thể đó là một cách an ủi.
Tôi và nàng có đi dạo với nhau, và cùng nhau lạc vài lần, đi hụt hơi. Những đoạn lầm lạc, lý do đơn giản hơn bao giờ hết, người ta cứ tưởng đó sẽ là nơi mình đến, nhưng không phải, và thế rồi cứ mải trông ngóng, dự đoán, phán xét. Kết cục, tôi và nàng phải đi lòng vòng trong thành phố. Tay không điện thoại và cũng không tiền. Vì những tưởng cuộc đi dạo nói chuyện này sẽ kết thúc nhanh, không ngờ nó dẫn chúng tôi đi từ hàng cây trong hẻm đến hàng cây ngoài phố, rớt những giọt đèn vàng xuống đường, đến đêm biển mênh mang lúc nào không hay biết.
Nàng yêu hoa. Chúng tôi cùng yêu. Không ai nói ra điều đó, tất thảy đó là một cảm giác. Những bông hoa đính trên sườn áo, vạt váy, trong sổ tay. Mỗi bông hoa là một màu trời kỷ niệm. Chúng tôi mân mê chúng và trong vài lúc ảo giác, lại quên. Mất trí nhớ là căn bệnh mà tôi và nàng hay đùa với nhau. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, cách hồi phục nhanh nhất là đi tắm. Nàng vào nhà tắm hơn cả tiếng đồng hồ. Những tế bào chết trôi đi. Nàng nói, có lúc nhìn mình già nua theo từng giọt nước. Có thể, những êm ái và những rời bỏ dễ khiến người ta u mê hơn về cuộc đời. Có thể một mai chúng ta sẽ già đi mà không kịp làm gì để biết mình đã làm những điều mình muốn.
Nàng và tôi dần thân nhau. Lý do cũng không hẳn rõ ràng. Chắc cũng gắn với một cây cỏ trong một mùa vàng nào đó. Chúng tôi đón mùa về bằng sự kết thúc của ánh đèn đường vàng hắt xuống tầm mười giờ hơn. Nàng sợ hãi hôn nhân. Xem nó như kết thúc một cái gì đấy, hay bắt đầu một cái gì đấy. Tôi cũng mặc kệ. Và từ một lúc nào đó, dự cảm về mùa cùng những bông hoa của chúng tôi ngày càng nhiều. Nàng có nói về những tin nhắn trong máy. Ký ức về những đêm tràn trề tin nhắn nay đã không còn nữa. Những tin nhắn bay qua đêm không mang theo được những giọt nước mắt. Nhưng rồi không ai có thể duy trì một sinh hoạt như thế được. Một lúc nào đó, nàng phát hiện tất cả những tin nhắn đã gửi đi đều không được hồi đáp, và vì thế, quay trở lại dồn ứ trong hộp tin. Mơ hồ lên đến vô cùng. Và rồi một ngày nàng nằm như một đóa hoa. Vĩnh viễn. Không nhúc nhích. Tôi mang nàng lên chùa.
Tôi đã định kể cho K nghe chuyện này. Về hiện thực vụt đến và vụt đi, không thể xác định được. Nhưng hình như lúc ấy K đã không trả lời.
Một căn phòng tối. Một chiếc giường, một bức màn buông xuống, âm thầm lặng lẽ để che khuất một người đang nằm trong mê man của đêm, của men. Những gì đã cũ.
Có thể người ta sẽ tìm thấy một cái gì đó dành cho mình nếu sống không đúng theo thời khóa biểu của một công chức. Hay cũng có thể người ta phải tự tạo cho mình một thời khóa biểu mới. Dù sao cũng bằng một cách nào đó, mà họ sống tiếp.
K nói với tôi rằng, đây là có thể là lần gặp cuối cùng. Và người cũng mong tôi tìm được một ai đó (như K) cho những tháng ngày sau của mình. Tôi im lặng. Như đã nói, tất cả nhưng cũng chỉ là một người.
9/7/2020
Mẫu Đơn
Theo http://tapchisonghuong.com.vn/

  NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! 24 Tháng Tám, 2023 Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thà...