Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2023

Thơ Phạm Tiến Triều với không gian văn hóa xứ Mường

Thơ Phạm Tiến Triều với
không gian văn hóa xứ Mường

Phạm Tiến Triều đến với thơ từ rất sớm. Dường như từ khi là một chàng trai biết rung động trước ánh mắt xa xăm của người bạn khác giới anh đã làm thơ – những bài thơ tình học trò trong sáng, hồn nhiên đã từng hiện hữu trong tập thơ đầu tay “Thơ tình gửi mùa đông” xuất bản từ khi anh còn là chàng sinh viên năm thứ tư trên giảng đường đại học. Lâu mới gặp anh, cầm trên tay tập thơ mới mà anh vừa xuất bản, một cảm giác tò mò thú vị đến ngay từ cái tên “Bùa lá”. Và khi lần lượt trải nghiệm các tập thơ anh xuất bản suốt từ năm 2014 trở lại đây cùng tập thơ mới này, người đọc sẽ xác lập được một không gian văn hóa xứ Mường in đậm, dẫn dụ người đọc đi vào thế giới nghệ thuật thơ anh.
Thơ xưa và nay đã có nhiều khác biệt. Nếu như ngày trước người sáng tác chú trọng vào câu, chữ, họ sẵn sàng đánh đổi hàng năm để có một câu thơ khiến “quỷ thần kinh hãi”: “Cho đời nhớ được một câu/Bạc đầu người viết dễ đâu đã thành” (Huy Trụ). Tiêu chí nghệ thuật sáng tác với lớp thi nhân ngày nay đã khác. Họ đến với thơ hồn nhiên, bạo dạn nhưng cũng chính vì thế họ sẽ áp lực hơn, khó khăn hơn trong việc tìm đường: làm thế nào để ra được cái tạng riêng không lẫn vào những cái na ná thơ. Sáng tác văn thơ, đối với những người hiện đại giống như một cuộc chơi tao nhã mà không ai muốn làm người ngoài cuộc, nhưng trong nhóm “tao nhân” ấy vẫn có những “mặc khách” âm thầm hướng tới tính chuyên nghiệp, tạo văn nghiệp. Sự chuyên nghiệp tất nhiên là một đòi hỏi thiết yếu nhất của mọi ngành nghề. Với thơ, đòi hỏi cuối cùng với một cây bút là phải tạo được ngữ hệ mang trong nó trường lực đủ sức hấp thụ và phát sáng lên một giọng điệu, mà chúng ta thường định danh là phong cách. Và tất nhiên, để khẳng định được phong cách, điều tối thiểu đòi hỏi tác giả phải có một hệ thống bài thơ dựng được khoảng không gian – thời gian nghệ thuật mang giá trị mỹ cảm ngôn ngữ riêng.
Nhà thơ trẻ nào cũng hướng tới sự khác biệt. Thơ Phạm Tiến Triều cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Từ hai tập thơ gần nhất là tập “Ta là người của núi” và “Mùa bông trăng” đến tập thơ “Bùa lá” gần đây nhất, người đọc dễ dàng nhận ra một “đường viền ngôn ngữ” mang dấu ấn đậm nét của một không gian văn hóa xứ Mường – đó là cơ sở ban đầu cho việc xác lập giọng điệu thơ anh.
Nhà thơ Phạm Tiến Triều
Nếu ai theo dõi hành trình sáng tạo của nhà thơ họ Phạm này sẽ nhận thấy trong tập thơ đầu tay “Thơ tình gửi mùa đông” xuất bản năm 2002 khi còn là chàng sinh viên năm cuối, giọng thơ của anh chưa có điểm riêng biệt, những bài thơ tình dù nồng nàn, say đắm xúc cảm vẫn nhàn nhạt, na ná với trăm ngàn bài thơ mà người đọc có thể dễ dàng tìm thấy được ở bất cứ trang thơ nào. Mãi đến mười hai năm sau (2014), anh mới cho ra đời tập thơ thứ hai “Ta là người của núi”. Có lẽ từ đây anh mới thực sự tìm ra con đường riêng của mình.
Mỗi nhà thơ thường lựa chọn cho mình những “vùng” riêng trong sáng tạo, có người hướng tới vấn đề lớn nhưng cũng có tác giả chỉ viết nhuyễn chuyện đời thường, cái đã và đang xảy ra hàng ngày mà họ được can dự. Với Phạm Tiến Triều, tôi nghĩ anh thuộc dạng sau, anh viết về công việc, về tình yêu, về những bâng khuâng, hẫng hụt, tiếc nuối, cả những khổ đau còn chất chứa trong tim như cách người ta ghi lại những cảm xúc bằng thơ vậy. Điều đặc biệt nhất ở thơ anh là không gian văn hóa Mường với sự in dấu đậm nét của lời rang, lời xường, câu bọ meẹng…
Cũng là tình cảm tha thiết của người cha dành cho đứa con bé nhỏ nhưng anh đã lựa chọn cách diễn đạt khác đi hay nói đúng hơn là trở về cách nói nôm na, gần gũi quê hương mình, dân tộc mình sinh ra:
Ngủ đi con ơi
cho trái bưởi chín vàng, buồng nang chín chói
cho mụ Dạ Dần thương quẳng cho câu xường ru
ngủ đi con khép đôi mắt tròn như trái đu
mặt con xinh như cánh bông trăng tháng ba hoa nở
màu hoa đẹp sẽ nhắc con niềm thương nỗi nhớ
chuyện nàng Ờm trong trắng của mường ta.
(Ngủ đi con ơi)
Những hình ảnh buồng nang, trái đu, bông trăng, mụ Dạ Dần, nàng Ờm và câu xường ru có thể còn xa lạ với nhiều người nhưng với người Mường thì nó không chỉ gợi những nỗi niềm thương nhớ mà còn có nhiều ý nghĩa sâu xa. Nếu không được trang bị những hiểu biết nhất định về văn hóa Mường, người đọc sẽ không nhìn thấu hết tình cảm người cha dành cho đứa con bé bỏng. Từ lâu, trong tiềm thức của người Mường, câu xường ru – mụ Dạ Dần nhắc đến một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường. Nguồn gốc của xường được các già làng truyền lại rằng: Xưa có mụ Dạ Dần (nữ thần sáng tạo) gánh xường đi qua miền đất xứ Thanh. Không ai biết mụ sẽ trao xường ở đâu và cho ai. Bỗng nhiên gánh xường đứt quai, một đầu rơi xuống mường Ai, còn đầu kia rơi xuống mường Ống, gánh xường còn rơi vãi khắp nơi, dân mường Ống, mường Ai bèn rủ nhau ra nhặt. Do đó, xường mường Ống và mường Ai được cho là xường gốc. Bởi vậy, người Mường Thanh Hoá từ bao đời nay rất trân trọng và tự hào với di sản văn hóa – xường của các thế hệ cha ông truyền lại: “Đất thì xường, mường thì rang/ Kẻ Chợ, Mường Ngoài còn đang có tiếng”. Cả một vùng Mường quê Thanh nơi đâu cũng cất cao khúc hát tâm tình. Bắt rễ từ suối nguồn văn hóa dân tộc, trong lời ru của người cha Mường trong câu thơ của Phạm Tiến Triều có những nét văn hóa vốn đằm sâu trong hồn dân tộc, có bóng dáng của nàng Ờm với tình yêu trong trắng, thủy chung dành cho chàng Bông Hương với cánh bông trăng tinh khiết của tháng ba hoa nở. Mỗi lời ru là một lời dặn dò, là mong muốn con được lớn lên trọn vẹn trong tình yêu, trong ngọn nguồn văn hóa của xứ Mường chảy mãi.
Hai nhà thơ Phạm Tiến Triều, Phan Hoàng ở hồ Bến En – xứ Mường, Thanh Hóa 5.2022
Vẫn là nhà thơ với những câu thơ tình tha thiết, nhưng đến tập thơ “Bùa lá”, những câu thơ đã mang chất hồn riêng của núi của rừng, đã mang âm hưởng trong lời tỏ tình chân chất thật thà của những chàng trai xứ Mường. Một không gian tình tự thơ mộng với những câu xường yêu bên suối. Dòng suối trong mát hòa lẫn vào thương vào nhớ, vào câu xường thiết tha vang vọng cả một đời người:
Những chiếc lá thương lá yêu
cho anh câu xường hẹn buổi gặp nhau bên suối
để anh biết em đêm nào cũng bứt lá đếm yêu
lá quấn thương vào nhớ
lá quấn em vào anh
một đời
(Bùa lá)
Trong sân chơi chữ nghĩa, mỗi nhà thơ không cần phải hoàn hảo nhưng cần phải có cá tính, cần phải tạo nên điều khác lạ. Ý thức được điều đó, Phạm Tiến Triều đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo câu chữ và anh nhận ra thơ không chỉ đơn thuần là những rung động, thơ ca muốn neo đậu nơi tâm hồn độc giả phải mang những thông điệp về văn hóa. Bởi vậy, trong một lần nói chuyện với phóng viên, nhà thơ Phạm Tiến Triều đã không ngần ngại bày tỏ: “Người cầm bút phải có sứ mệnh mang văn hóa của dân tộc mình đến với mọi người. Bởi xét đến cùng, cội rễ của thơ ca phải xuất phát từ ngọn nguồn văn hóa của dân tộc mình sinh ra. Dòng chảy ấy là bất tận. Nhà thơ phải biết hòa điệu giữa dòng chảy văn hóa dân tộc với điệu hồn cảm xúc của cá nhân mình. Anh không thể trở thành nhà thơ chân chính nếu thoát khỏi dòng chảy văn hóa ấy. Mọi thứ cứ để con chữ chảy ra tự nhiên từ mạch nguồn văn hóa mà thành thơ ca. Trên đời này không có thứ thơ ca gượng ép, nhào nặn câu chữ mà thành. Thơ ca chỉ nảy mầm, đơm hạt từ những gì tự nhiên vốn có và phải được tắm đẫm trong dòng chảy văn hóa bất tận của dân tộc để lớn lên”.
Để khắc họa một không gian văn hóa Mường, ngòi bút của nhà thơ đã tập trung biểu đạt cảm xúc về những ngày lễ Tết, các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, đặc sản vùng miền, cảnh sắc thiên nhiên, địa danh văn hóa… Đó là những trải nghiệm, những trăn trở với một miền quê yêu dấu. Anh đã đưa tâm hồn người Mường vào thơ, anh tư duy theo cách của người Mường với thi pháp thơ hiện đại, vừa làm giàu bản sắc dân tộc, vừa mang hơi thở của hiện thực. Đọc thơ anh ta thấy sông, thấy suối, thấy đá, thấy rừng cây, thấy thấp thoáng bản nhỏ người Mường bình yên, thấy cái cách trở, nghèo khó của rừng núi và lời dặn, lời hát, câu xường, câu rang văng vẳng đâu đây. Đặc biệt, bao trùm lên tất cả là tình người mộc mạc, chân chất mà vẫn lãng mạn, bay bổng:
Nàng yêu à!
ta đã phải lòng tiếng xường trong trẻo đêm trăng
say lời xường bên áng
tiếng nàng có bùa yêu
giọng nàng có men tình
buộc ta vào lời thương
(Lời yêu bên dốc núi)
Người Mường vốn sống gần gũi với thiên nhiên, vì vậy cũng sớm hình thành cho mình những hình thái sinh hoạt văn hóa khác nhau. Trong đó phải kể đến những quan niệm về vía và phong tục buộc vía. Lễ buộc vía bao giờ cũng được tổ chức một cách trang trọng, bởi nó mang theo niềm tin về sự bình an và may mắn trong suốt cuộc đời mỗi người. Sợi chỉ mảnh cha mẹ buộc trên tay con trẻ như lời nguyện an yên. Nhưng hành trình thơ Phạm Tiến Triều không phải là hành trình sưu tầm, diễn giải về phong tục tập quán, về văn hóa tộc người mà là ý thức, là niềm tự hào về vẻ đẹp của phong tục, về văn hóa nguồn cội để đưa vào thơ mình tự nhiên như cuộc sống, như hơi thở:
Mẹ ơi
bố à
ngày con đi
mẹ dặn con giữ vía cho chắc
bố bảo con cầm vía cho bền
đừng lạc theo người mường lạ
đừng nghe theo người không quen
(Lạc vía)
Sở hữu biển ngôn từ giàu đẹp của dân tộc, nhưng kết hợp từ thế nào để cho hay cho đẹp thì không phải chuyện dễ dàng. Phạm Tiến Triều có lẽ ý thức rất rõ điều đó. Bởi vậy, mỗi bài thơ của anh đều là những cố gắng, tìm tòi, sáng tạo cách diễn đạt mới, không lặp lại người khác và cũng không lặp lại chính mình một cách nhàm chán. Nhiều hình ảnh so sánh vì thế lạ nhưng vẫn rất tự nhiên:
Chưa cho cha được miếng canh ngon
lưng người đã cong như vành trăng cuối tháng
chưa cho mẹ được tấm áo thơm
mắt người đã mong manh như lọn khói lưng chiều
(Nợ quê hương)
Hay:
Anh như ngọn đồi khát
cỏ cháy khô đến cạn cả giấc mơ
nụ cười em như cơn mưa ngày hạ
tưới tắm giấc mơ mùa
(Em cơn mưa ngày hạ)
Độc giả biết đến Phạm Tiến Triều bởi nhiều vần thơ viết về tình yêu. Nhưng đến cái tuổi ngoại tứ tuần, thơ viết về tình yêu của anh đằm hơn, sâu hơn, kín đáo hơn. Đó là tiếng nói của một trái tim từng tha thiết yêu thương và cũng đã tột cùng đau khổ: “Đâu thể dối lòng/khi mỗi ngày em đi vào giấc mơ của anh/như người lữ khách đi vào khu vườn không cánh cổng/em dắt giấc mơ anh đi qua dặm dài/phiêu lưu”… để rồi đau đớn khi “ngày có người đàn ông phương xa/cầm tay em chạy ngang qua khu vườn không cánh cổng/giấc mơ anh chới với/bay về phía xa xôi…” (Khu vườn không cánh cổng), “Và em cứ bình tâm quên ngày cũ/Quên nụ hôn vội vã buổi chiều hoang”, “Anh sẽ về những đêm suông nhạt nhẽo/Vít cần rượu xóa hết dấu môi hôn” (Anh sẽ đợi em về). Có những niềm yêu không bộc lộ thành lời, có những niềm đau gào thét trong tim, có chút tiếc nuối, có chút chênh vênh mơ hồ, vô định được anh thể hiện rải rác trong thơ. Và người đọc phải kết nối, xâu chuỗi lại mới có thể phần nào nhang nhác hình dung.
“Bùa lá” không phải bài bài nào cũng hay, nhưng nó đánh dấu bước trưởng thành của một ngòi bút. Trong lúc những giá trị tinh thần phần nào bị người hiện đại xem nhẹ, nhà thơ nhiều khi phải đối diện với những bạc bẽo của nghề, thì những nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của nhà thơ Phạm Tiến Triều là một điều rất đáng trân quý. Những tín hiệu văn hóa trong thơ anh không phải ai cũng “dung nạp” được, mỗi người đọc bằng những phông nền văn hóa, những trải nghiệm khác nhau sẽ có những ấn tượng, cảm nhận khác nhau về thơ anh. Sau tập thơ đầu khai lộ đến những tập thơ gần đây xác lập hình hài, giọng điệu, và cho đến khi “Bùa lá” xuất hiện anh đã dần hé mở ra trước người đọc một chân trời thơ mới. Cất lên và tôn cao cái nền vốn có trong bề dày văn hóa, tôi tin thành tựu của Phạm Tiến Triều sẽ không chỉ dừng lại ở những cái mà anh đã có.
9/6/2022
Hồng Nguyễn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Tiểu luận của Vũ Quần Phương: Đặc sắc Yến Lan

Tiểu luận của Vũ Quần Phương:
Đặc sắc Yến Lan

Yến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ mới, năm 1937. Khi ấy ở Bình Định có nhóm bạn trẻ làm thơ khá nổi. Họ kết thân với nhau, gọi là Bàn Thành tứ hữu, cái tên toàn chữ Hán, nghĩ ra danh xưng này chắc là Quách Tấn, người chuyên làm thơ Đường luật. Quách Tấn cao tuổi nhất trong nhóm, sinh năm 1910. Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, Yến Lan năm 1916, ít tuổi nhất là Chế Lan Viên năm 1920. Đất Bình Định không lớn, nhưng ảnh hưởng của nhóm thơ này, đặc biệt là Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên, vào nền thơ Việt hiện đại lại không nhỏ.
Với Yến Lan, đóng góp vào giai đoạn thơ trước 1945, thường được nhắc đến ở đơn vị bài, bài Bến My Lăng. Bài thơ được Hoài Thanh tuyển in vào tập Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942 và có mặt trong tập thơ đầu của ông, tập Những ngọn đèn xuất bản năm 1957.
Nhà thơ Yến Lan (1916 - 1998)
My Lăng là một bến đò trong tưởng tượng. Ông lái đò, hẳn là đò ngang, lại có phong thái một ông đạo sĩ, lúc câu cá, lúc đọc sách, uống rượu, ngắm trăng, thổi tiêu và say ngủ giữa trời trăng trong tiếng gọi đò của khách quá giang. Người khách gọi đò trong cái đêm trăng mông lung ấy, cũng đặc biệt: một chàng kị mã, nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu li. Tiếng gọi đò hối hả, khẩn thiết làm run rẩy cả ngành trăng cũng chỉ vì chàng sợ trăng vàng rơi khuất lối. Tình huống ấy, nhân vật ấy đúng là một cơn mơ trong cổ tích. Nó lãng mạn, nó huyền ảo và giàu sức gợi thẩm mĩ vào cõi mộng của người đọc. Không nên tìm ý nghĩa hiện thực hay tư tưởng tác động xã hội của bài thơ này. Không tìm, vì nó không có. Không có vì nó không thực, nhưng nó đủ lí do để tồn tại. Đó là thơ, là chức năng mộng ảo vốn có của đời thực con người.
Nhiều nhà phê bình nhận xét: thơ Yến Lan không có câu non lép. Tôi nghĩ đó là một nhận xét đúng. Đúng từ những bài viết ở chặng đầu, trước Cách mạng tháng Tám, đến suốt cả đời thơ ông. Bài khi hay, khi xoàng nhưng câu bao giờ cũng kĩ càng, cẩn trọng. Yến Lan đầu tư công sức vào đơn vị câu. Ông chọn chữ, đổi sắc thái các chất liệu thơ bằng các động từ, ông tác động chất liệu này lên chất liệu kia một cách khác biệt, tạo nên bối cảnh thơ kì lạ từ các chi tiết quen. Xin lấy một ví dụ ngẫu nhiên, từ bài Bình Định 1935:
Cây lặng lẽ gượng làm bầy hải đảo
Thuyền bồ câu nghiêng buồm trắng trôi ven
Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo
Rượu ân tình – Bình Định – xứ lên men.
Thơ tả gì? Tả cây, tả thuyền, tả dòng sông. Ờ mà dòng sông hay dòng rượu? Bình Định có rượu Bầu Đá nổi tiếng. Sông mà sớm chiều nổi tăm (tăm chiêu mộ) thì là sông rượu rồi. Mà nếu chưa phải rượu thì ở câu thứ tư nó cũng thành rượu vì cả Bình Định này là xứ lên men. Cây như đảo, thuyền như chim, sông như rượu. Nhưng ông không dùng chữ như dễ dãi như tôi vừa dùng. Ông miêu tả bằng cách cho cây gượng làm bầy hải đảo. Chữ bầy cũng là một dấu vết lao động. Ghép thuyền với bồ câu và cho nghiêng cánh. Đấy là phép đan cài tung trên hứng dưới khá tỉ mỉ của Yến Lan. Ông làm mới câu vì ông vốn ham chi tiết. Mỗi câu miêu tả một chi tiết, ngang cấp về ý tưởng, ngang cấp về tình cảm. Bài thơ thường bị kéo dài và rất dễ bằng phẳng. Bằng phẳng vì nội lực các câu thơ vốn bằng nhau. Để tránh đơn điệu, ông kì hóa chất liệu, sáng tạo chữ, đôi khi cao hơn, sáng tạo cảm giác, tạo nên câu thơ lạ mang cái hay đột xuất giữa mạch thơ đang thường thường bậc trung của toàn bài, trong bài Bình Định 1935 nói trên, bỗng vụt lên:
Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc
Em nằm thương xanh biếc của trời buồn
Nhưng sao phải ham chi tiết, ham kể, ham tả. Trước hết là do tạng cảm xúc của từng nhà thơ. Riêng với Yến Lan, tạng mê chi tiết ấy ngay trong thơ trước Cách mạng tháng Tám đã có. Sau này ở chặng thơ viết từ các chuyến đi thực tế sau cuộc đấu tranh tư tưởng Nhân văn – Giai phẩm, lại càng đậm, tính ghi chép đời sống khá rõ, chắc ông cũng thấy thế nên có bài ông ghi là bút kí thơ. Bài thơ khi ấy, như một báo cáo thu hoạch thực tế. Kể nhiều để thấy thu hoạch nhiều, để thấy cuộc sống mới đã tràn vào tâm hồn nhà thơ đầy chật và phong phú như thế nào. Đây cũng là một kiểu đánh giá thơ hồi ấy. Yến Lan, thương điểu kinh cung, ông hạn chế bộc lộ riêng tư để chuyển tải đời sống mới:
Những hồi kẻng vang lừng thôn hợp tác
Những mái nhà ngói đỏ cả lùm tre
(…) Bè gỗ thuyền câu kín giàn mặt nước
(…) Chở nụ cười quê lên giàn giáo công trường
 Là một nhà thơ tài năng, ông biết sở đoản của lối thơ kể việc nên dựa vào sở trường của mình, ông nâng cấp nó. Ông đầu tư công sức vào câu để lạ hóa, để kì hóa nó. Đó là một sáng kiến, một ưu điểm nữa, khi nền thơ chúng ta lúc đó đang khá dễ dãi về câu (Lục cục lào cào/ Anh cuốc em cuốc/ Đá lở đất nhào/ Nào anh bên trai/ Nào em bên nữ/ Ta thi nhau thử/ Ai tài hơn ai). Nhưng sa vào câu mà quên mất bài thì lại là nhược điểm. Yến Lan đây đó cũng vấp nhược điểm ấy. Tôi coi đấy như sự trả giá để có những thành tựu mà ông đạt được với Mùa xuân lên cao, Theo gió xuân lên biên giới, Bài ca hợp tác thôn tôi… Ở những bài thơ này, câu thơ không chỉ tinh xảo trong miêu tả thực tế mà được ảo hóa ngay trong khâu thu nhận, nghĩa là cảm xúc ông đã nhập chúng vào thế giới thẩm mĩ mơ mộng của tâm hồn. Chi tiết là hiện thực (chỗ xuất phát) nhưng tác động vào bạn đọc (chỗ đến) lại do yếu tố phi thực. Trong bài Mùa xuân lên cao, đoạn đầu ông tạo ấn tượng, rất thực mà cũng rất gợi:
Mới nghe đã sợ
Những tên chẳng hiền
Trái Hút, Mậu A, Ngòi Hóp
Tên như tên của hang beo hốc cọp
Bóng ma theo gót thày then
Sâu quảng sùi lên
Biệt kích còn moi sào huyệt
Lưỡi lê chọc tiết
Chặn đường thổ phỉ cướp xe
Đoạn giữa, một cơn say trùng điệp:
Ta qua những làng
Máng rủ suối sang
Chàm ngâm tím vại
Trâu kéo gỗ về sông Yên Bái
Bến Âu Lâu thóc trẩy sáng đò
Ta đứng trên những nương ngô
Phấn bay giếng nước
Giàn su quả dày
Vườn cam quả sây
Cam hay chim nở
Cam hay em nhỏ
Trên cành múa lay
Cam hay má đỏ
Tay sờ mát tay
Đoạn cuối, thực ảo biến hóa tài tình, dào dạt:
Tay ai dắt ngựa ra phiên tết
Năm cũ người Mèo mai trẩy hết
Năm mới về theo những điệu khèn
(…) Ta mang miền ngược về thành phố
Miền ngược nằm trong những búp đào.
Bài thơ viết tháng Giêng năm 1958, ngay sau cuộc đấu tranh tư tưởng mà đối với Yến Lan không phải không nặng nề. Có được mạch cảm xúc thênh thênh thơ mộng ấy là một bản lĩnh thi sĩ, một biểu hiện tài năng đáng khâm phục. Bài thơ hay trong ý, trong tình, trong nhịp điệu. Câu thơ dài ngắn xuống lên như tiếng reo, tiếng hát hòa quyện ngoại cảnh với hồn người, tung tẩy xa rộng, thênh thang, đầy chủ động.
Bài ca Hợp tác thôn tôi là một nhập cuộc tiêu biểu của nhà thơ, rộng hơn của người trí thức, với bà con cày cuốc chân lấm tay bùn. Chúng ta từng khâm phục cụ Tam nguyên Nguyễn Khuyến đã bấm ngón trên bàn tay tiến sĩ tính liệu với bà con lam lũ thôn Bùi:
Quanh năm làm ruộng vẫn chân thua
Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa
Phần thuế quan thu, phần trả nợ
Nửa công đứa ở, nửa thuê bò
Nay thấy Yến Lan lấn nước chân chiêm, ngã mềm chân hóa. Ông sử dụng lời ăn tiếng nói nông dân, ông nhìn làng xóm ruộng đồng bằng cái nhìn của người cùng hai sương một nắng:
Tre khép chuồng bèo – trâu nhai bóng mát
Ta đi nhổ cói dệt chiếu ta ngồi
Rót ấm chè tươi mời đón thêm người
Ta bàn chuyện đan nia, phất quạt.
Bút pháp mạch thơ này, tôi có cảm giác nó không dính dáng với Bến My Lăng mộng ảo mà có lẽ nó là bước phát triển của khuynh hướng hiện thực từ Lại về tỉnh nhỏ. Lại về tỉnh nhỏ viết năm 1956, nó là một nhịp lạ tài hoa giữa giàn thơ ca khi ấy. Lạ, trong cách cảm nhận thực tại: cảm vào lõi của hiện thực, nắm bắt được cả phần hồn hư ảo của hiện thực. Lạ trong thể hiện: một ngôn ngữ sáng rõ, rành mạch, mà lại giàu sức gợi, đẫn tưởng tượng người đọc đi rất xa. Âm điệu cũng tạo nên nội dung, cái cuộc sống cũ kỹ, ngưng đọng, chỏng chơ, rơi rụng của tỉnh lẻ thời Pháp thuộc hiện rõ chỉ trong tám chữ rơi trên bốn bậc thơ này:
Tỉnh nhỏ
Cô em
Nằm xem
kiếm hiệp
Cuộc sống mới sau ngày giải phóng miền Bắc, ở đoạn sau bài thơ, được tác giả đặc tả với khá nhiều chi tiết, tuy tỷ trọng ấn tượng của cái mới chưa đậm đặc bằng khi tả cuộc sống cũ. Nhưng trong toàn thể: cảm xúc bài thơ tươi mới lắm và câu thơ kết bài trí tuệ như một biểu tượng.
Mặt trời không muốn lặn
Mặt trời len vào mắt con người
Sau ngày thống nhất đất nước, Yến Lan về sống với quê nhà Bình Định. Thơ ông có một bước chuyển. Một bước chuyển có tính tổng kết, ngẫm nghĩ lại đời người. Ông không làm thơ dài. Không kể và tả chuyện ngoài đời nữa mà nói lòng mình. Thơ như viết cho mình. Nói thật, nói hết những nông nỗi dâu bể đời người mình đã trải. Ông tìm về cách nói cổ điển, hàm súc, đôi khi ước lệ trong thi pháp thơ Đường tứ tuyệt. Cảm xúc phóng khoáng, ung dung, thoáng chút ngậm ngùi năm tháng và nỗi cô đơn của tuổi già:
Tàu ngang quê cũ
Khói quyện đầu ô, nửa xóm nhòa
Tàu dừng đổ khách, sắp rời ga
Đồng hương kẻ xuống, người ra đón
Mình suốt đời đi chửa tới nhà
Sinh nhật 1989
Năm nay sinh nhật chẳng ra thơ
Xót bạn, mong con, ốm dật dờ
Đón khách những toan ra mở cổng
Giật mình con nhện đã giăng tơ
Chèo
Vò rối tơ rồi, gỡ rối tơ
Gỡ không ra mối lại đem vò
Nàng Vân giả dại, nàng Vân dại
Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ
Trong thời đất nước cắt chia, nhà thơ Yến Lan xa quê Bình Định, ra sống ở Hà Nội, nhiều năm là cán bộ biên tập thơ của Nhà xuất bản Văn Học, khi ấy là Nhà xuất bản chủ lực trong việc giới thiệu thơ. Lứa chúng tôi đều được ông biên tập cho những tập thơ đầu. Ông sửa chữa góp ý tận tình, tỉ mỉ. Có người nghĩ ông kỹ tính? Tôi nhớ tập thơ đầu tiên của Phạm Tiến Duật được ông biên tập, Duật có nói trước với ông, nếu cần sửa đổi gì ông cứ bàn với tôi. Duật vào chiến trường, ông đưa tôi xem cách sửa của ông với bài “Công việc hôm nay”. Ông thấy câu thơ Duật ở bài này lòng thòng văn xuôi quá, ông thu gọn lại một số câu làm mẫu và bảo tôi sửa tiếp. Tôi nghe, về hì hụi làm. Được nửa chừng thấy bài thơ mang dáng dấp khác. Bớt lòng thòng nhưng hình như mất đi cái vẻ lôi thôi rất văn xuôi của ngày thường đời sống. Tôi thưa lại với ông. Ông bảo để xem. Hôm sau ông đồng ý để nguyên như cũ. Và không chỉ với bài này, mà với cả tập, giúp cho chất thơ mang nguyên cát bụi chiến trường do Duật khởi xướng được nhanh chóng đến với mọi người. Ông ít nói, ngay cả khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm hồi Thơ Mới, ông trả lời rất tóm tắt như muốn khép lại những chuyện đã qua. Chúng tôi nhớ ông. Chúng tôi biết ơn ông.
12/6/2022
Vũ Quần Phương
Theo https://vanhocsaigon.com/

Thanh Thảo - Thơ ngoài thơ

Thanh Thảo - Thơ ngoài thơ

Lững thững tuổi già, Thanh Thảo chầm chậm kéo thơ ra ngoài thơ trong thi phẩm Hát giữa gió mưa (NXB Hội Nhà văn) vừa trình làng.
Tôi bắt đầu đọc thơ Thanh Thảo sau ngày thống nhất, thấy rõ ở anh một giọng điệu thơ chiến tranh nhưng khác hẳn nhiều nhà thơ thành danh trước anh, một giọng thơ cách tân, hiện đại, từ chối sự lớn lối, cao giọng mà thủ thỉ, chia sẻ nhỏ nhẹ, thành thực giãi bày. Ở thơ anh, cái bình thường bước lên ngôi vương: “Người ta đi tìm vàng/ còn anh/ anh tìm cát/ một hạt cát bình thường/ trong bình thường mặt đất”. Qua thơ anh, người ta nhận ra cái phi thường trong cái bình thường.
Với xác tín ấy, Thanh Thảo đã thăng hoa trong sáng tạo, tìm kiếm cho thơ những nơi trú ngụ bất ngờ, khiến người đọc luôn luôn đón đợi ở anh những phát hiện mới lạ trong hành trình thơ của mình. Hành trình dẫn tới việc kéo thơ ra ngoài thơ hôm nay.
Nhà thơ Thanh Thảo
Để nhận ra đóng góp này, tôi muốn bàn tới bài thơ Miền Trung. Trước Thanh Thảo đã lâu, người bạn đồng môn Tổng hợp văn của anh – Phạm Đình Ân đã có Đi dọc miền Trung khá hay từ thời chống Mỹ. Rồi những năm đầu đổi mới, Hoàng Trần Cương đã có chương Miền Trung nằm trong trường ca Trầm tích đầy ám ảnh và đã được chính Thanh Thảo ủng hộ thành tâm cho giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1999. Người đọc hẳn không bao giờ quên câu thơ Hoàng Trần Cương: “Miền Trung mỏng và sắc như cật nứa” – một câu thơ tuyệt cú. Ở đây, cảm hứng sử thi anh hùng ca hòa cùng cảm hứng trữ tình đã dựng tượng đài cho miền Trung một thời chiến tranh vang dội.
Còn Miền Trung của Thanh Thảo thì lại làm về cái nạn lũ lụt ngàn đời của eo đất này, cái nạn lũ lụt ngày càng khủng khiếp khi nạn phá rừng hoành hành nhiều năm qua. Phải yêu miền Trung đến cùng cực thì mới cảm thấy nấc nghẹn bởi kiếp nạn phá rừng đưa đến muôn nỗi tang thương khi mở đường cho lũ lụt tàn phá đời sống dân lành đến cùng cực. Cái nấc nghẹn hóa khô lạnh như cục cồn trong cái bếp đun sôi nồi lẩu ở các nhà hàng bây giờ. Nếu Hoàng Trần Cương viết:
Miền Trung
Bao giờ em về thăm
Mảnh đất nghèo mồng tơi không kịp rớt
Lúa con gái mà gầy còm úa đỏ
Chỉ gió bão là tốt tươi như cỏ
Không ai gieo mọc trắng mặt người.
Đấy đã là rất hay, đã là rất thơ. Nhưng ở tâm thế của Thanh Thảo trước nạn lũ năm 2020, anh đã không còn muốn làm thơ nữa, mà chỉ muốn rỉ rả với mọi người về sự thê thảm này đến mức không thể khóc nổi, mà nghẹn cười:
Bây giờ miền Trung đang lũ lụt
Nước dâng ngập mái nhà
Có đám cưới cả chú rể cô dâu
Dắt tay nhau chạy nước
Cười vui trong khổ cực
“Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”
Cái niềm tin kỳ lạ của con người.
Một cái hay trong thơ. Một cái hay ngoài thơ.
Đặc điểm miền Trung là đặc điểm núi và biển bên nhau độc đáo. Hoàng Trần Cương viết:
Miền Trung
Đã bao đời núi với bể kề đôi
Ôi Biển Đông giọt nước mắt của muôn ngàn thế hệ
Nóng hổi như vừa lăn xuống
Theo những tảng đá cụt đầu của Trường Sơn uy nghiêm
Còn Thanh Thảo kể:
Nước mắt nào dài hơn nước mắt miền Trung
Nụ cười lại hiền thơm hoa mộc
Nơi tôi sinh biển trào tiếng nấc
Mà nắng vui đùa như trẻ thơ
Miền Trung tôi yêu đến dại khờ
Núi nhào xuống biển
Đột ngột bay lên thiếu đường băng cất cánh
Bay lên là giải pháp sau cùng
Kể mà không kể. Thơ ngoài thơ.
Tập thơ “Hát giữa gió mưa” của Thanh Thảo
Suốt cả thi phẩm Hát giữa gió mưa, Thanh Thảo đã bao lần gằn lên những nỗi niềm về thiên tai lũ lụt. Anh không thiết tha du dương gì nữa trước “mỗi cảnh đời đau miền Trung đều xót”. Những cảnh đời thơ không thể nói hết được. Phải ngoài thơ.
Suốt thi phẩm, toàn những bài viết về những điều bình thường, nhỏ nhặt như Rau càng cua, Ổi, Quả mít, An táng hai con gián và đặc biệt là Một bữa ăn của người Việt. Việc người trẻ gắp thức ăn cho người già, rồi người già lại gắp miếng ăn ấy cho trẻ nhỏ, bản thân nó đã nói về cái đức “nhường cơm, sẻ áo” của người Việt Nam – cái đức lớn lao lại hóa thành điều nhỏ nhặt khiến ta không nhìn ra, nhưng người nước ngoài lại nhìn ra và khâm phục. Chúng ta đang đánh mất mình và cố biến mình thành người khác. Phải với “thơ ngoài thơ”, Thanh Thảo mới tìm thấy nghị lực cảnh tỉnh:
Chúng ta đừng tự hào những điều to tát
Hãy cúi đầu trước những điều nhỏ nhặt
Vì đó là Việt Nam
Một điển hình “thơ ngoài thơ” trong thi phẩm này là bài Thầy tôi. Người cha thân sinh trong mắt Thanh Thảo lớn đến mức không thể bất kính tuôn ra những lời ngợi ca véo von được, mà chỉ còn được quyền kể ra một cách chân thành về ông. Ông là nhà cách mạng Hồ Thiết, người cùng lao tù với nhà cách mạng Phan Đăng Lưu, người bạn thân thiết đồng hương Mộ Đức, Quảng Ngãi với cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông là một nhà cách mạng với lý tưởng mang hạnh phúc đến cho mọi người:
Một đời thầy vất vả
Chỉ mong gió nồm lên chia mát cho mọi người
Ai cũng có một cái bóng
Dù nhỏ nhoi khi đứng dưới mặt trời
Ai cũng có một tiếng nói
Như chim trên cành mỗi sớm mai trôi
Ông đã đánh đổi cho lý tưởng cháy bỏng ấy bằng sự hiến dâng trọn vẹn đời mình:
Bấy nhiêu đó đổi mười năm tù ngục
Bao nhiêu năm cơ cực giữa đời
Bấy nhiêu đó kèm theo bao uất ức
Gió thoảng mây bay lặng mỉm cười
Suốt trong thi phẩm toàn những bài “thơ ngoài thơ” như thế. Người đọc dễ dàng cảm thấu mà không cần phải cố gắng tìm tòi “ý tại ngôn ngoại” gì cả. Cái hay không dễ nhìn thấy đã được Thanh Thảo xới lật ra bằng lưỡi cày “thơ ngoài thơ”.
Tôi muốn khép lại bài viết nhỏ này bằng việc giãi bày về bài thơ “Những bức tường như số phận chúng ta” mà chính tôi là người khơi nguồn cho nó.
Vào những năm 80 thế kỷ trước, Thanh Thảo đã được phân một căn buồng trong khu tập thể cao tầng ở Quy Nhơn. Căn buồng ấy cũng là nơi tá túc của tôi những khi vào Quy Nhơn chơi với Thanh Thảo. Khi chia tỉnh Nghĩa Bình thành hai tỉnh như xưa: Bình Định và Quảng Ngãi, Thanh Thảo rời căn buồng đó về nhận căn buồng mới ở thành phố Quảng Ngãi. Căn buồng ở Quy Nhơn chỉ còn trong ký ức. Mùa Hè 2019, tôi vào Quy Nhơn, tình cờ đến uống cà phê tại một quán nhỏ ngay đằng sau khu nhà Thanh Thảo ở khi xưa. Nhìn lên, thấy căn buồng cũ của Thanh Thảo đã lở lói, thấy buồn nhớ quá vãng tụ quần ngày nào kinh khủng. Tôi nhắn tin cho Thanh Thảo: “Nhìn tường nhà chúng ta từng ở lở lói. Buồn lạ”. Không ngờ tin nhắn ấy lại khơi nguồn cho bài thơ Những bức tường như số phận chúng ta. Cuộc đời thế hệ chúng tôi đã đi qua bao bức tường như thế trong chiến tranh, để bây giờ đi đến bức tường cuối cùng là tuổi già. Và Thanh Thảo đã cảm thán:
Những bức tường bơ vơ
Tao thấy trước ga Vinh tháng Giêng năm bảy mốt
Ở Lộc Ninh tháng ba năm bảy tư
Ở Lạng Sơn tháng hai năm bảy bảy
Ở nơi nào không nhớ nữa
Những bức tường như số phận chúng ta
Những bức tường tuổi già
Nhìn ta trân trối
Bác Ba Hinh đã khuất
Thằng Tạo “lẫn” đi rồi.
Bác Ba Hinh là anh Trần Hinh – một đàn anh rất yêu quý của chúng tôi ở Quy Nhơn. Anh là kỹ sư cầu đường nhưng làm nhạc, làm thơ. Đã từng là đại biểu quốc hội. Anh mất vào năm 2019, sau nhà thơ-nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo – mà chúng tôi hay gọi đùa là “Tạo lẫn” – mấy tháng. Một cảm thán được viết ra như không, như chẳng cố ý làm thơ, nhưng đọc lên là thấy kỷ niệm ùa về tràn ngập:
Nhớ hồi đó tao với mày mạnh mẽ bao nhiêu
Uống rượu gạo suốt đêm không biết mệt
Cứ lướt qua thời gian xe lao dốc
Tưng bừng rất dại khờ…
Cùng hành trình thơ đi tới ngày hôm nay, có lẽ sự hồn nhiên và chân thành đã dinh dưỡng trong thơ Thanh Thảo một nguồn năng lượng để kéo thơ ra ngoài thơ như thi phẩm này.
Tự tin vào từng trải, không câu nệ tu từ, không cần tạo tuyệt cú, chỉ đi tìm chất thơ ở những hiện thực ngỡ không thể có thơ, những hiện thực bình thường nhưng sau khi đọc xong, ta luôn cảm thấy rưng rưng. Thơ Thanh Thảo đã đạt đến độ đốn ngộ, thơ ngoài thơ.
14/6/2022
Nguyễn Thụy Kha
Nguồn: Báo Thể Thao và Văn Hóa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975

Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu
trong văn học miền Nam 1954 -1975

Với một thể chế chính trị đa nguyên, chấp nhận mọi sự khác biệt nên ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã hình thành một nền văn học khá cởi mở. Sự cởi mở ấy không chỉ thể hiện ở việc tiếp nhận nhiều hệ hình lý thuyết của các nền văn hóa Đông, Tây và văn hóa Mỹ mà còn thể hiện ở việc tiếp nhận một cách khách quan, công bằng, khoa học đối với giá trị của nhiều hiện tượng văn học, trong đó có tác phẩm của các nhà văn/ thơ thời Tiền chiến và thời kháng chiến chống Pháp đang sống, làm việc ở miền Bắc, dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Đây chính là căn tố để hình thành một nền văn học đa khuynh hướng, đa giọng điệu, đa trường phái và không giới tuyến ở miền Nam. Đó cũng là những nội dung cơ bản mà bài viết hướng đến.
1. Mở
Không biết có dân tộc nào trên thế giới lại chịu nhiều nỗi đau chia cắt như dân tộc Việt Nam. Có người cho rằng sự chia cách ấy là định mệnh của dân tộc đã được “dự báo” từ trong truyền thuyết!? Tin hay không còn tùy vào sự tín niệm của mỗi người. Song, dù muốn hay không, sự chia cách ấy là một thực thể hiện hữu trong hành trình lịch sử dân tộc, không thể phủ nhận. Nhiệm vụ của chúng ta hôm nay là phải xóa bỏ sự chia cắt ấy trong tâm thức của mình trên mọi bình diện của đời sống xã hội, trong đó có đời sống văn học. Bởi, đối với người Việt Nam sự chia cách ấy chỉ có nghĩa về mặt địa chính trị mà hiệp định Genève tháng 7/1954 với việc lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến phân chia hai miền Nam Bắc là một xác chứng nhưng trong tiềm thức mỗi người không bao giờ có sự phân chia giới tuyến. Chính vì vậy, suốt hai mươi năm chia cắt, tình dân tộc, nghĩa đồng bào vẫn hằng sống trong tâm cảm mỗi người Việt Nam con Lạc cháu Hồng như một ý thức về giống nòi: “Các con sẽ không bao giờ quên/ Đã cùng sinh ra trong một bọc / Một trăm trứng /Một trăm con/ Các con sẽ không bao giờ quên…” [7, tr. 50-51]. Và, cho dẫu đất nước có bị cắt chia thì văn học dân tộc vẫn vẹn nguyên và không bao giờ có sự chia cắt. Thế nên, nhiều nhà văn/ thơ Việt Nam dù sống “bên kia vĩ tuyến” vẫn hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975, vẫn được quan tâm nghiên cứu, được đưa vào sách giáo khoa Quốc văn giảng dạy trong nhà trường, được tôn vinh như những giá trị cao quí của văn học dân tộc mà không có bất cứ sự kỳ thị nào. Vì vậy, trong lời “phi lộ” gởi độc giả viết ngày 1/5/1967, khi tái bản tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận tại Sài Gòn, người biên soạn đã chia sẻ: “Gần đây một số thi phẩm của các Thi nhân Tiền chiến được tuyển chọn làm tài liệu tham khảo văn chương cho chương trình Đại học Văn khoa. Trong số những thi phẩm ấy, có một số của các thi nhân mà hiện thời, họ đang sinh sống bên kia giới tuyến, nơi phân nửa của lòng đất mẹ cách ngăn! (…) Đứng trong địa hạt văn chương - đối với thi nhân - chúng tôi quan niệm rằng: Đây là những bông hoa tươi sắc ngát hương của “Vườn Hoa Tiền Chiến” thì, không lý nào chúng tôi lại dang tay ngắt bỏ đôi cành! Mà trái lại, chúng ta còn có cái trách nhiệm vun bồi, và vun bồi mãi mãi để cho Vườn Hoa Đất Nước ngày càng thêm phô Sắc ngát Hương… Có quan niệm và nhận chân được như thế, chúng ta mới có thể hy vọng sẽ làm tròn bổn phận của kẻ “chăn Vườn” hiện đại” [1, tr.6 -7]. Và đây là một thực thể hiện hữu trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975.
2. Văn học miền Nam và việc nghiên cứu các nhà văn/ thơ miền Bắc
2.1.Văn học miền Nam với các nhà thơ/ văn Tiền chiến ở miền Bắc
Xuất phát từ bầu khí quyển văn học cởi mở, dân chủ cùng với tinh thần trân quý các giá trị văn học dân tộc, nên trong văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, hầu hết tác phẩm của các nhà văn Tiền chiến dù họ đang sống ở miền Bắc vẫn được xem là di sản văn chương, được nghiên cứu, tìm hiểu trong nhiều công trình khảo cứu, lý luận phê bình văn học ở miền Nam mà chúng ta có thể nhận biết sau đây.
Xuất hiện khá sớm trong đời sống văn học miền Nam 1954-1975, Biệt ly qua thi ca Việt Nam của Nguyễn Hữu Chi, (Nam Chi Tùng Thư  Xb, Sài Gòn, 1961), khi bàn đến cảm thức biệt ly trong thơ Việt, tác giả đã viện dẫn Tràng giang của Huy Cận; Viễn khách của Xuân Diệu; Giây phút chạnh lòng của Thế Lữ cùng thơ của Thanh Tịnh; Yến Lan, Tế Hanh; Nguyễn Bính; Lưu Trọng Lư… là những nhà thơ Tiền chiến (theo cách gọi của các nhà nghiên cứu văn học ở miền Nam) đang sống và làm việc ở miền Bắc lúc bấy giờ để luận giải, minh chứng. Còn trong Thi ca việt Nam hiện đại của Trần Tuấn Kiệt, (Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1967), ta cũng thấy sự hiện hữu các nhà thơ Tiền chiến đang sống ở miền Bắc, dù họ ở cương vị nào trong xã hội. Đó là nhà thơ Phan Khôi với Tình già, Chơi thuyền sông Tân Binh; Thế Lữ với Nhớ rừng, Tiếng gọi bên sông, Bên sông đưa khách, Cây đàn muôn điệu; Lưu Trọng Lư  với Thơ sầu rụng, Thú đau thương, Nắng mới, Xuân về, Tiếng thu; Vũ Đình Liên  với Lòng ta là những thành quách cũ, Ông đồ; Thanh Tịnh với Mòn mõi; Anh Thơ  với Chiều xuân – Trưa hè;  Xuân Diệu với Viễn Khách, Huyền Diệu, Nhị hồ, Lời kỷ nữ, Hư vô, Nguyệt Cầm ; Yến Lan  với Bến My Lăng; Huy Cận  với Tràng Giang, Chiều xưa – Thu rừng, Ngậm ngùi – Hồn xa; Hồ Dzếnh với Ngập ngừng – Xuân ý, Phút linh cầu, Tình xưa, Phong Châu, Lỡ đò; Nguyễn Bính  với Xa cách, Tương tư, xuân về, Giấc mơ anh lái đò; Chế Lan Viên với Mơ trăng, Đêm tàn, Những sợi tơ lòng, Ngủ trong sao, Đêm xuân sầu, Xuân, Cõi ta ; Tế Hanh với Lời con đường quê, Ao ước, Vu vơ và kể cả Tố Hữu với Mồ côi, Tiếng hò sông Hương, Chiều…
Ở Hồn thơ nước Việt Thế kỷ XX, (Sơn Quang Xb., SG., 1967), Lam Giang và Vũ Tiến Phúc đã luận giải Hồn thơ nước Việt như một dấu ấn tâm linh của hồn dân tộc qua thơ của Phan Khôi, Thế Lữ, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Anh Thơ; Vũ Đình Liên, Nguyễn Xuân Sanh… và xác quyết đây là những giá trị tiêu biểu của hồn thơ nước Việt. Còn ở công trình khảo cứu khá đồ sộ, có giá trị về lịch sử văn học như Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Q. hạ) Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945), (Nxb. Trình bày, SG, 1967) của Thanh Lãng, khi phân chia các khuynh hướng văn học, ông không quên đề cập đến các nhà văn đang sống ở miền Bắc như: Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyên Hồng; Nguyễn Tuân, Thế Lữ,… Và trong cái nhìn tinh tế và uyên áo của Thanh Lãng “với Gió Trăng ngàn, Thế Lữ muốn chúng ta tìm lại không phải cái nếp sống vừa mất đi như Nguyễn Tuân đã ghi nhận trong Vang bóng một thời mà là mất đi đã từ lâu. Cuộc đời trầm lặng ngây thơ, hồn nhiên hoang dại của đồng bào miền sơn cước, cái đời ấy là cái đời của tổ tiên chúng ta ở một cái thời đã xa lắm. Cái đời ấy mới đẹp, mới say sưa. Những mối tình ở đấy, mới là mối tình chân thật. Thế Lữ đưa chúng ta trôi dạt trong thế giới của gió, của trăng, của rừng, của núi, của tất cả cái gì hoang dại” [4, tr. 750].
Là một trong những nhà nghiên cứu chuyên sâu về thi ca Tiền chiến (1932-1945), Nguyễn Tấn Long – Phan Canh trong chuyên khảo Khuynh hướng thi ca tiền chiến, biến cố văn học 1932-1945, (Sống mới Xb., SG, 1968) đã luận bàn về Tình già của Phan Khôi; Lửa thiêng của Huy Cận; Điêu tàn của Chế Lan Viên; Thơ thơ của Xuân Diệu; Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính; Nghẹn ngào của Tế Hanh; Tiếng thu của Lưu Trọng Lư; Mấy vần thơ của Thế Lữ và Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh. Đặc biệt, trong phần luận giải về khuynh hướng xã hội, các tác giả đã phân tích bài thơ “Vú em; Tiếng hò sông Hương; Dững dưng” của Tố Hữu và cho rằng: “Người thi nhân khuynh hướng xã hội không có quyền khách quan trước cái khổ của loài người, mà phải đem tình cảm mình trộn lẫn vào nỗi khổ cực của xã hội. (…) Nguồn thi cảm của họ đi tìm cái đau đớn chan hòa: Vú em: “Nàng gửi con về nương xóm cũ/ Nghẹn ngào trở lại đẩy xe nôi/ Rồi ừ hôm ấy ôm con chủ/ Trong cánh tay êm, luống ngậm ngùi” [5, tr.540 – 543]. Còn trong công trình khảo cứu của riêng mình với bộ ba tác phẩm Việt Nam Thi nhân tiền chiến (Q.Thượng) Sống mới Xb., SG,1968, Nguyễn Tấn Long đã luận bàn khá sâu, rộng về cuộc đời, văn nghiệp và trích dẫn thơ của các nhà thơ: Phan Khôi, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Thanh Tịnh,  Xuân Diệu, Anh Thơ; Ở Việt Nam Thi nhân tiền chiến (Q. Trung) là sự góp mặt của các nhà thơ: Huy Thông, Chế Lan Viên, Vũ Đình Liên, Huy Cận và ở Việt Nam Thi nhân tiền chiến (Q. hạ) là sự hiện diện của các nhà thơ: Yến Lan, Đoàn Văn Cừ, Hồ Dzếnh, Hằng Phương, Tú Mỡ, Tế Hanh. Có thể nói, với hàng ngàn trang viết và những tư liệu cùng sự luận giải của Nguyễn Tấn Long về đời và thơ của các nhà Thơ Mới, có thê nói, đây là một trong những công trình nghiên cứu công phu, có giá trị về mặt tư liệu và khoa học trong những công trình nghiên cứu về phong trào Thơ mới, không chỉ đối với văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 mà còn có giá trị trong đời sống nghiên cứu, phê bình văn học của dân tộc. Và dù không nghiên cứu chuyên sâu về thi ca Tiền chiến như Nguyễn Tấn Long, nhưng Huy Trâm ở công trình khảo cứu Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933 -1963), (Nxb. Sáng, Sài Gòn,1969), cũng đã phân tích một số bài thơ như: Bươm Bướm ngày xưa (Nguyễn Bính); Ngập ngừng (Hồ Dzếnh) Buồn đêm mưa, (Huy Cận); Thu (Xuân Diệu); Tiếng Thu (Lưu Trọng Lư); Ông đồ (Vũ Đình Liên) … Đặc biệt Huy Trâm đã phân tích bài thơ Chiều của Tố Hữu, một lãnh đạo cao cấp trên mặt trận tư tưởng – văn hóa – văn nghệ ở miền Bắc với những lời chia sẻ khá trân trọng: “Lão ngồi bên cửa sổ (…) Đôi chiếc lá vàng rơi/ Vô tình qua trước mắt/ Lão buông lạt trông trời…”, và nhận xét: “Một bài thơ viết theo lối tả thực làm chúng tôi nhớ đến bài “saison de semailles, le soir” của Victor Hugo” [9, tr.153].
Bùi Giáng, một trong những “quái kiệt” của văn học miền Nam 1954-1975, vốn không dễ ngợi ca ai, vậy mà trong công trình nghiên cứu được xem như một sự hợp hôn diệu kỳ giữa thi ca và triết học có tên Thi Ca Tư Tưởng, (Ca dao Xb., Sài Gòn, 1969), khi luận bàn đến các nhà thơ/ văn Tiền chiến ở miền Bắc, Bùi Thi Sĩ cũng dành cho họ những lời “có cánh” mà nếu không thật sự nễ phục tài năng của họ, chắc Bùi Tiên sinh sẽ không “hết lời” ngợi ca như thế!? Đây là lời Bùi Giáng viết về thơ Xuân Diệu: “Sau ba mươi năm dài, trải bao phiêu du ngoài đời, cũng như lưu ly trong thi ca tư tưởng, ngày nay cầm lại cuốn Thơ Thơ, tại hạ cảm thấy một cái gì không thể tả. Đọc lại thơ Nguyễn Bính, thơ Lưu Trọng Lư, có thể không bồi hồi chi mấy. Nhưng đọc Thơ Thơ lại khác hẳn. Dường như toàn thể tuổi xuân bỗng sống dậy kêu gào. (…) Thơ hồn nhiên rộng rãi như thế đúng là thơ của thiên tài tuổi trẻ”[3, tr.32]. Còn với Hoài Thanh, người gắn liền tên tuổi mình với phong trào Thơ Mới qua tác phẩm phê bình văn học nổi tiếng Thi Nhân Việt Nam, Bùi Thi sĩ đã xác quyết: “Ngôn ngữ thơ Việt Nam thành tựu bởi Nguyễn Du. Văn xuôi Việt Nam đạt tới cõi thâm viễn với Hoài Thanh. Hoài Thanh bình kiều, Hoài Thanh viết Thi nhân Việt Nam có những lời bất hủ. Thiên tài Hoài Thanh đủ tư cách dựng sừng sững những thiên tài đứng lên chót vót. Và ông mở ra không biết bao nhiêu con đường cho những thi sĩ và phê bình gia đi sau” [3, tr.65]. Viết về Huy Cận, một trong những nhà thơ Tiền chiến, Bùi Giáng rất “mê”, rất trân quí, và tình cảm đặc biệt nầy thể hiện rõ trong Thi Ca Tư Tưởng  khi ông dành rất nhiều trang viết về thơ Huy Cận. Với Bùi Giáng: “Thơ Huy Cận quả có như là cõi miền huyền bí nhất của tinh thể Đông Phương” [3, tr.89]. Đây cũng là điều khá lý thú mở ra những hướng nghiên cứu mới về thi tài của Bùi Giáng và Huy Cận đối với những ai quan tâm đến đời và thơ của hai thi sĩ kỳ tài nầy.
Hoàng Diệp, một người bạn thơ cùng thời, đã có những năm tháng sống và hoạt động văn học với Chế Lan Viên, trong khảo luận: Chế Lan viên – thi sĩ tiền chiến, (Khai Trí Xb, SG,1969) đã có những cảm nhận sâu sắc về thơ Chế Lan Viên mà theo Hoàng Diệp: “Hơn một phần tư thế kỷ, Sự hiện diện của Chế Lan Viên đã khuấy động và làm đảo lộn thật sâu xa một thế hệ Thi ca. Giữa đại dương của các trào lưu lãng mạn thời tiền chiến. Lan Viên đến như một dũng tướng từ một cõi xa lạ nào. Với một nguồn suối mới, một khuynh hướng riêng biệt, chàng đã gây ngạc nhiên không nhỏ đối với các nhà phân tâm học, nhất là về phương diện thần bí” [2, tr.117].
Uyên Thao, một trong những nhà nghiên cứu văn học có uy tín ở miền Nam, với công trình khảo cứu Thơ Việt Nam hiện đại 1900 -1960, Hồng Lĩnh Xb., SG, 1969 cũng đã có những trang viết luận giải khá tinh tế về thơ của các nhà thơ đang sống và hoạt động văn nghệ ở “bên kia chiến tuyến”. Đó là Xuân Diệu với Thơ thơ, Gửi hương cho gió; Huy Cận với Lửa thiêng; Thế Lữ với Mấy vần thơ; Nguyễn Bính với Lỡ bước sang ngang; Lưu Trọng Lư với Tiếng thu; Vũ Đình Liên với Ông Đồ; Anh Thơ với Bức tranh quê; Tế Hanh với Nghẹn ngào; Chế Lan Viên với Điêu tàn; Tố Hữu với Qua cổ tháp; Một tiếng rao đêm…Những bài thơ nầy được người đọc đón nhận nồng nhiệt như món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn chương.
Trong Mười khuôn mặt văn nghệ, (Tác giả Xb., SG,1970), một công trình nghiên cứu khá ấn tượng về thể loại chân dung văn nghệ, Tạ Tỵ đã dành những trang văn giàu tâm cảm với tất cả sự quí trọng hiếm có của tình văn chương không giới tuyến cho những bạn văn của mình mà ông luôn thương nhớ dẫu rằng sự chọn lựa “chí hướng” của họ hoàn toàn khác biệt với ông. Đó là hình ảnh Nguyễn Tuân với bài viết “Nguyễn Tuân và thái độ kẻ sĩ trước Cách mạng qua tác phẩm Chùa đàn” mà qua cái nhìn của Tạ Tỵ: “Nguyễn Tuân là một trong những khuôn mặt lớn của văn học Nghệ thuật Việt Nam ở trước và trong cuộc chiến. Nói đến Nguyễn Tuân là nói một giá trị hiển nhiên, là khơi sáng lại dòng thời gian chìm khuất, là nhắc nhớ đến một vùng trời xôn xao của thanh âm ngôn ngữ. Nguyễn Tuân đứng sửng trước mặt chúng ta với vóc dáng kiêu kỳ, với từng ngón tài hoa, với đôi cánh chập chờn bay lượn trên đỉnh cao nghệ thuật. Hành trình đi vào tác phẩm Nguyễn Tuân như hành trình đi vào một cung điện tráng lệ đầy màu sắc diễm ảo” [10, tr.31]. Hay bài viết: “Nguyễn Bính một thiên tài lỡ dở” và “Văn Cao một tinh cầu giá lạnh” mà trong tâm thức Tạ Tỵ: “sự hiện diện của Văn Cao ở một hàng ngũ Cách Mạng nào đó trước 1945, người ta đừng lấy làm lạ, phải coi như một lẽ đương nhiên. Kẻ thù đã đẩy, chẳng riêng gì Văn Cao mà cả Dân Tộc đứng lên đòi quyền sống” [10, tr.178].
Bên cạnh các công trình khảo cứu, lý luận phê bình, gương mặt của các nhà văn/ thơ Tiền chiến ở miền Bắc, còn hiện hữu ở các công trình nghiên cứu mang tính chất văn học sử. Đó là gương mặt  của Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Tú Mỡ… trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên tập 3 văn học hiện đại 1862-1945, (Quốc học Tùng thư Xb., SG, 1965), của Phạm Thế Ngũ. Hay gương mặt của Nguyễn Tuân, Xuân Diệu trong Văn học Phân tích Toàn thư, (Lá Bối Xb., SG, 1973), của Thạch Trung Giả. Và gương mặt của Xuân Diệu, Tú Mỡ, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Tuân, Trương Tửu – Nguyễn Bách Khoa, Phan Khôi, Huy Cận, Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Vũ Đình Liên, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Huy Thông, Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan… trong Lược sử văn nghệ Việt Nam – Nhà văn tiền chiến, (Vàng Son Xb., SG, 1974), của Thế Phong. Còn trong Văn học sử Thời kháng Pháp (1858 -1945) của Lê Văn Siêu, (Trí Đăng Xb., SG, 1974), là gương mặt của Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân, Anh Thơ, Chế Lan Viên, Nguyễn Xuân Sanh, Nguyên Hồng, Tú Mỡ…
Đặc biệt hơn cả là sự hiện diện của các nhà văn/ thơ ở miền Bắc trong sách giáo khoa Quốc Văn giảng dạy ở các trường trung học miền Nam như: Việt Văn toàn thư Tú tài I Ban ABCD của Vũ Ký, Á Châu Xb., có trích giảng thơ của các nhà thơ: Phan Khôi với Tình già, Thế Lữ với Giây phút chạnh lòng; Nhớ rừng; Cây Đàn muôn điệu, Tiếng sáo thiên thai; Xuân Diệu với Đây mùa thu tới, Chiều, Tương tư chiều ; Vũ Đình Liên với Hồn xưa; Huy Cận với Tràng giang; Quốc Văn 12ABCD, Trường Thi xuất bản, nhóm Giáo sư Quốc Văn, Sài Gòn, 1974, trích giảng Ngậm ngùi của Huy Cận; Trưa vắng của Hồ Dzếnh; Ông Đồ của Vũ Đình Liên; Giây phút chạnh lòng; Nhớ rừng của Thế Lữ; Tình già của Phan Khôi; Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Nằm vạ của Bùi Hiển; Tắt đèn, Việc làng, lều chõng của Ngô Tất Tố; Tắt lửa lòng, Bước đường cùng, Kép tư Bền, Cô giáo Minh của Nguyễn Công Hoan; Quê người, O chuột, Xóm giềng ngày xưa của Tô Hoài; Bỉ vỏ, Bảy Hựu, Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng; Quê Mẹ, Ngậm ngãi tìm trầm của Thanh Tịnh; Quốc Văn lớp tám của Nguyễn Quế Viên, Tác giả Xb., 1974, có Nguyễn Tuân, (Chơi hoa, Vang bóng một thời); Nam Cao (Chí Phèo) Phan Khôi (Học với chung quanh ta); Thế Lữ, (Nhớ rừng); Giảng Văn lớp bảy, do Đỗ Văn Tú biên soạn, Việt Nam Tu Thư, Sài Gòn, 1974, có các tác giả: Thế Lữ (Mấy vần thơ, Vàng và máu, Gói thuốc lá) Tô Hoài (Quê Người, O chuột, Xóm Giềng ngày xưa, Dế mèn phiêu lưu ký)… Riêng công trình Văn học từ điển, Nxb.Khai Trí, SG, 1974, của Thanh Tùng đã đề cập hầu hết tiểu sử và văn nghiệp các nhà văn sống ở miền Bắc như: Anh Thơ, Bùi Hiển, Chế Lan Viên, Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Đoàn Văn Cừ , Hằng Phương, Hoài Thanh, Hồ Dzếnh, Huy Cận, Huy Thông, Lưu Trọng Lư, Mạnh Phú Tư, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Nguyễn Công Hoan, Phan Khôi, Tế Hanh, Thanh Tịnh, Thâm Tâm, Thế Lữ, Tồ Hoài, Vũ Đình Liên, Vũ Ngọc Phan, Xuân Diệu, Yến Lan… Ngoài ra, còn có các số báo chuyên đề về cuộc đời và hành trình sáng tạo văn chương của các nhà văn, nhà thơ đang sống ở miền Bắc lúc bấy giờ như: Văn học số 100 (1/1/1970) về Nguyễn Bính; Văn học số 114 (1/11/ 1970) về Văn Cao; Văn học số 105 (15/4/1970) về Nguyễn Tuân; Văn học Giai phẩm (20/8/1970) về Chế Lan Viên; Văn số 4/1973 về Hồ Dzếnh; Thời tập số ra ngày 15/11/1974 về Nguyễn Tuân; Văn học giai phẩm/1974 về Thế Lữ; Văn học giai phẩm/1974 về Hồ Dzếnh …
Có thể nói, trong đời sống văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, Các nhà văn/thơ Việt Nam thời Tiền chiến (tên gọi định danh cho thời kỳ văn học 1932-1945) đều xuất hiện trong các công trình nghiên cứu văn học mà không có một sự phân biệt đối xử, phân biệt giới tuyến. Không những thế, các sáng tác của họ đều được tái bản ở miền Nam mà không hề bị cấm đoán, được người đọc trân trọng tiếp nhận, được xem như một bộ phận “trung tâm” của văn học miền Nam chứ không “bị” đẩy ra khu vực “ngoại biên”. Điều nầy cũng cho thấy tính “phi giới tuyến” của nền văn học miền Nam mà chúng tôi đã đề cập đến ở phần tóm tắt của bài viết.
2.2. Văn học miền Nam với các nhà văn/ thơ kháng Pháp sống ở miền Bắc
Không chỉ có các nhà thơ/ văn Tiền chiến mới hiện hữu trong văn học miền Nam 1954-1975 mà trong nền văn học không giới tuyến ở miền Nam còn có sự hiện hữu của các nhà thơ/ văn trong kháng chiến chống Pháp. Bộ phận văn học này cũng được các nhà lý luận, phê bình văn học miền Nam rất trân trọng, với những đánh giá khá cao, xem đây là một phần không thể thiếu để tạo nên hệ giá trị của văn học dân tộc như Uyên Thao trong Thơ Việt Nam hiện đại 1900 -1960, Hồng Lĩnh Xb., Sài Gòn, 1969 đã xác quyết: “Những cái gì đã hình thành nên do một phần xương máu của chúng ta, của anh em, đồng bào ta, ta phải giữ lấy, và phải đặt nó vào vị trí xứng đáng của nó. Văn nghệ kháng chiến trong dòng sinh hoạt nghệ thuật của dân tộc là một mắc xích giữa hai chuỗi mắc xích. Như các giai đoạn khác, nó là những gạch nối để giòng sinh hoạt nọ được gọi là một giòng. Thiếu nó giòng sinh hoạt nọ chỉ xứng với cái tên là “những đoạn không gắn bó, đứt quảng (..) Phủ nhận văn nghệ kháng chiến chúng ta sẽ trở thành những tên bói mù” [8, tr.311].
Xuất phát từ điểm nhìn này, nên ở văn học miền Nam có khá nhiều công trình lý luận phê bình quan tâm nghiên cứu đến sáng tác của các nhà văn/ thơ thời kháng Pháp như Hồn thơ nước Việt Thế kỷ XX, (Sơn Quang Xb., Sài Gòn, 1967) của Lam Giang và Vũ Tiến Phúc đã luận bình về các bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng; Viếng bạn của Hoàng Lộc; Màu tím Hoa sim của Hữu Loan. Hay trong Thi ca Việt Nam hiện đại, của Trần Tuấn Kiệt, (Nxb. Khai Trí, Sài Gòn, 1967) đã đề cập đến thơ Quang Dũng với kẻ ở, Đôi bờ; Hoàng Cầm với Em bé lên sáu tuổi; Văn Cao với Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, Những ngày báo hiệu mùa xuân; Phùng Quán với Lời mẹ dặn; Hữu Loan với Cùng những thằng nịnh hót.  Còn Huy Trâm trong Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933 -1963) (Nxb. Sáng, Sài Gòn, 1969) thì phân tích thơ Quang Dũng với Đôi mắt người Sơn Tây; Kẻ ở ; Nguyễn Đình Thi với  Đất nước, Hữu Loan với  Đèo cả; Tố Hữu với Ngày về mà trong sự cảm nhận của Huy Trâm thì so với “Ngày về” của Guy de Maupassant, nội dung câu chuyện trong bài xem ra có phần cay đắng hơn” [9, tr. 171].
Uyên Thao với Thơ Việt Nam hiện đại 1900 -1960, (Hồng Lĩnh Xb., Sài Gòn, 1969) đã luận bàn khá sâu sắc về văn học kháng Pháp qua phân tích Dọn về làng (Nông Quốc Chấn); Mùa cốm Mới, Lên Cấm Sơn (Thôi Hữu); Màu tím hoa sim (Hữu Loan); Tháng năm ra trận, Đồng chí (Chính Hữu); Tây Tiến, Đôi mắt người Sơn Tây (Quang Dũng); Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm); Đất nước (Nguyễn Đình Thi); Cá nước, Bầm ơi, Phá đường (Tố Hữu)…Và theo Uyên Thao: “Đối với lịch sử, văn nghệ kháng chiến là một tấm gương soi sáng xã hội Việt Nam, soi sáng tâm hồn cũng như tinh thần người Việt trong một giai đoạn cần nhiều máu đổ. Nó chứng minh với ngàn sau, tinh thần bất khuất và kiên cường của người Việt Nam trước giông tố (…)  Đối với văn học, đối với lịch sử, vị thế của văn nghệ kháng chiến là thế. Phủ nhận vị thế đó, chúng ta sẽ là những kẻ phản bội ngay cả cái phần gọi là NGƯỜI trong con người mình” [8, tr.313].
Ngoài những công trình nghiên cứu có đề cập đến thơ văn kháng Pháp đã nêu, trên lĩnh vực báo chí cũng có một số bài nghiên cứu về một số tác phẩm của các nhà văn/ thơ trong kháng chiến chống Pháp. Cụ thể, trên tạp chí Phổ Thông số 44 (Bộ mới) ra ngày 15/10/1960, trong mục “Những áng thơ hay” có bài viết về bài thơ Nhà tôi của Yên Thao do Nguyễn Thu Minh giảng bình. Và đây là lời bình khá tinh tế và sâu sắc của Nguyễn Thu Minh : “Tôi có người mẹ già…. Tơ tằm rút mãi cho lòng heo hon” . Thử hỏi trong cuộc đời này, ngoài tình yêu tổ quốc, còn tình yêu thương nào hơn được tình gia đình, nghĩa vợ chồng nữa đâu? Yên Thao của chúng ta đau buồn, luyến nhớ là phải. Mà càng nhớ bao nhiêu lại càng lo âu, thắc mắc bấy nhiêu. Vì những người thân yêu của chàng hiện đang sống trong vùng giặc chiếm đóng, chả biết ra sao, liệu còn yên ổn sống hay đã không may trong cuộc đời ly loạn (…) Đọc bài thơ trên, chắc đã làm các bạn thỏa mãn từ lời thơ cho đến ý thơ của tác giả, dầu với hình thức tơ tự do. Và lòng chúng ta không khỏi rộn lên niềm thương vui, luyến nhớ lẫn lộn, với thi nhân Yên Thao, lúc thì man mác dìu dịu như làn hương thơm quyện lấy tâm hồn, lúc lại rộn rã, tha thiết ngập tràn lòng như ánh mai vừa ló ở chân trời xa mênh mông sáng đẹp của một ngày mới bắt đầu!” [6, tr.98 -99].
Đặc biệt, trong tiểu luận “Thi ca trước tình cảnh cực đoan”, (Ý Thức số 11 ra ngày 15/3/1971), Huỳnh Hữu Ủy đã đánh giá cao giá trị một số bài thơ viết trong những năm kháng Pháp của các nhà thơ đang sống ở miền Bắc như: Xuân Diệu, Huy Cận, Văn Cao, Phùng Quán, Nguyễn Đình Thi; Hữu Loan; Hoàng Cầm…Trong đó, Tố Hữu là nhà thơ mà Huỳnh Hữu Ủy quan tâm đặc biệt với những câu thơ  mà nhà nghiên cứu rất ám ảnh: “Em là con gái Bắc Giang/ Rét thì mặc rét nước làng em lo”; và “Ai về thăm mẹ quê ta/ Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm” hay “Đợi anh về (dịch thơ Simonov). Đó còn là hình ảnh anh bộ đội trong thơ Quang Dũng hay Chính Hữu: “Súng bên súng đầu nép bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ”… mà Huỳnh Hữu Ủy đã xác quyết: “Ai dám bảo chiến sĩ chỉ biết chiến đấu và nuôi dưỡng căm hờn? Cuộc kháng chiến trường kỳ trước đây của dân tộc là một giấc mơ to lớn đẹp đẽ, vô ngần thơ mộng, đủ cả thất tình. Tình cảm đấu tranh, tình dân tộc, tình tự gái trai, tất cả đều chất ngất quyện vào nhau, tạo thành một trường ca vĩ đại … “Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành” Quang Dũng [11, tr.21]. Trong cảm thức của Huỳnh Hữu Ủy: “Thi ca của giai đoạn kháng chiến (mà những trích dẫn trên chỉ là một phần rất nhỏ của kho tàng to lớn này) đã đóng góp một phần rất lớn trong việc cổ xúy một cuộc đấu tranh trường kỳ. Nền thi ca ấy đã hoàn thành sứ mệnh cao đẹp của nó, đã để lại cho chúng ta những viên hồng ngọc quí giá như minh chứng của một phần hồn thiêng dũng cảm phi thường của dân tộc, một dân tộc của những người không khuất chí, luôn sẵn sàng đứng dậy, trước bất cứ hoàn cảnh và chông gai nào” [11, tr.22]. Và cũng như các nhà thơ/ văn Tiền chiến, thơ văn của các nhà văn kháng chiến thời chống Pháp cũng hiện hữu trong các công trình nghiên cứu về lịch sử văn học và sách giáo khoa Quốc văn trung học mà chúng tôi đã nêu ở trên. Ngoài ra một số báo tạp chí cũng ra số đặc biệt về các nhà thơ / văn thời kháng Pháp như tạp chí Văn học, một tạp chí nghiên cứu, phê bình khá uy tín trong văn học miền Nam đã dành hai số 125/1971 và 145/1971 giới thiệu về đời và thơ Quang Dũng và số 139/1971 giới thiệu về nhà thơ  Hữu Loan…
Có thể nói, hình ảnh các nhà thơ / văn trong kháng chiến chống pháp sống ở miền Bắc cùng sáng tác của họ hiện hữu trong văn học miền Nam 1954-1975 đã xác tín tính “phi giới tuyến” của văn học miền Nam, trong việc góp phần tôn vinh, gìn giữ và lan tỏa giá trị của văn học cách mạng và kháng chiến ở miền Nam suốt hai mươi năm chia cắt. Chính điều này đã góp phần thức nhận lòng yêu quê hương đất nước và tình tự dân tộc trong tâm thức người dân miền Nam mà lẽ nào hôm nay chúng ta có thể lãng quên!?
3. Thay lời kết
Như tên gọi của bài viết: Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975 và với những gì đã minh chứng qua các tư liệu xuất bản ở miền Nam trước1975 được khảo sát trong điều kiện có thể, đã phần nào đặt ra vấn đề: “Phải chăng không có “giới tuyến” trong văn học miền Nam 1954-1975?. Rõ ràng qua những tư liệu này có thể xác quyết trong giai đoạn 1954-1975, cho dẫu đất nước bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, nhưng trong văn học miền Nam hình như không có “vĩ tuyến” đó. Bởi, trong tâm thức nhân dân miền Nam, trong đó có các nhà nghiên cứu văn học, văn chương của các nhà văn/ thơ đang sống ở miền Bắc luôn hiện hữu như một hệ giá trị của văn học dân tộc. Đây là một vấn đề cần được khẳng định trong văn học miền Nam 1954-1975 mà dường như lâu nay đã bị “chôn vùi” bởi những định kiến thiển cận về văn học miền Nam ở một thời không xa khi cho rằng, đây là bộ phận văn học “đồi trụy” “phản động” mà không thấy được Tinh hoa của văn học dân tộc vẫn tiềm ẩn trong bộ phần văn học nầy. Phải chăng, đến lúc cần thay đổi cách nhìn về văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975, để nhận ra những giá trị đích thực của nó, với một cái nhìn khoa học, khách quan trên tinh thần nhuần thấm tình tự dân tộc, để làm thế nào tạo nên một nền văn học Việt Nam “không giới tuyến” cũng như đất nước chúng ta đã từ lâu không còn giới tuyến!?
Và để khép lại bài viết nầy, chúng tôi muốn viện dẫn ý kiến Uyên Thao trong Thơ Việt Nam hiện đại 1900 -1960, (Hồng Lĩnh Xb., SG, 1969), khi ông đặt vấn đề tiếp nhận tác phẩm của các nhà văn miền Bắc trong văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975 mà theo ông nếu “vì chính trị mà chạy quá xa, chối bỏ ngay cả tác phẩm của giai đoạn trước chỉ vì ngày nay tác giả còn ở bên kia chiến tuyến. Tính chất liên tục của một sự nghiệp nghệ thuật, một giòng sinh hoạt không có tận cùng buộc chúng ta không được làm thế, dù với lý do nào. Vì, nếu đắp đất chặn ngang một con sông thì nửa trên sẽ biến thành đầm, thành hồ, trong khi nửa dưới bơ vơ lạc lõng, không có phát nguồn. Chẳng sớm thì chày cái phần bơ vơ lạc lõng này sẽ cạn mà thôi” [8, tr.308]. Nhận định ấy, có thể không còn nguyên ý nghĩa của nó như trước đây khi đất nước còn bị chia cắt nhưng dẫu sao, cũng là một lời nhắn gởi bổ ích, hữu dụng với chúng ta ngày nay, trong việc nhìn nhận giá trị của văn học miền Nam 1954-1975, một di sản của văn học dân tộc không thể phủ nhận…
Tài liệu tham khảo:
(1) Huy Cận (1967), Lửa thiêng, (tái bản tại miền Nam), Sài Gòn.
(2) Hoàng Diệp (1969), Chế Lan viên – thi sĩ tiền chiến, Khai Trí Xb., SG
(3) Bùi Giáng (1969), Thi Ca Tư Tưởng, Ca dao Xb., Sài Gòn
(4) Thanh Lãng, (1967), Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Q. hạ) Ba thế hệ của nền văn học mới (1862-1945), Nxb. Trình bày, SG
(5) Nguyễn Tấn Long – Phan Canh (1968), Khuynh hướng thi ca Tiền chiến biến cố văn học 1932-1945, Sống mới Xb., SG
(6) Nguyễn Thu Minh (1960),“Bình giảng bài thơ Nhà tôi của Yên Thao”, Phổ Thông, số 44 (Bộ mới) ra ngày 15/10/1960
(7) Đỗ Nghê (1970), Tâm sự Lạc Long Quân, Ý Thức số 04 ra ngày 15/11/1970
(8) Uyên Thao (1969), Thơ Việt Nam hiện đại 1900 -1960, Hồng Lĩnh Xb., Sài Gòn
(9) Huy Trâm (1969), Những hàng châu ngọc trong thi ca hiện đại (1933 -1963), Nxb. Sáng, Sài Gòn
 (10) Tạ Tỵ (1970), Mười khuôn mặt văn nghệ, Tác giả Xb., Sài Gòn
(11) Huỳnh Hữu Ủy (1971), “Thi ca trước tình cảnh cực đoan”, Ý Thức số 11 ra ngày 15/3/1971
Gò Vấp, 9/4/2022
Trần Hoài Anh
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học Viện văn học số 5/2022
Theo https://vanhocsaigon.com/

"Đố kỵ": Một bí ẩn mang tên con người

"Đố kỵ": Một bí ẩn
mang tên con người

Sẽ ra sao nếu Dostoevksy cùng Charlie Chaplin và James Joyce hòa nhập làm một? Câu trả lời có lẽ là họ sẽ trở thành Yuri Olesha, nhà văn Nga vĩ đại, “người cuối cùng của thế kỷ [mười chín]” – như ông tự gọi mình.
Olesha từng tấn công Joyce thế này: “Người nghệ sĩ phải nói với con người rằng “Vâng, vâng, vâng”, nhưng Joyce lại nói “Không, không, không”, “Mọi thứ trên Trái đất này đều tồi tệ”. Và vì thế, dù ông ấy thiên tài cỡ nào, tôi cũng không cần ông ấy.” Olesha chỉ trích cách Joyce gọi phô mai là xác của sữa. “Hãy nhìn đi, các đồng chí, kinh khủng làm sao. Nhà văn Tây phương ấy nhìn thấy cái chết của sữa. Ông ta bảo rằng sữa có thể chết.” Với Olesha, đó là cách viết hay, và có lẽ cũng đúng, nhưng ta không cần đến sự đúng đắn ấy. Cái ta cần là một chân lý biện chứng đẹp đẽ, rằng sữa từ bầu ngực của người mẹ chảy sang con, sữa là bất tử.
Thế nhưng, ông đã bắt đầu tiểu thuyết Đố kỵ theo đúng cách mà Joyce đã bắt đầu Ulysses. Nếu như Buck Mulligan của Joyce bước xuống cầu thang với chiếc bát đựng bọt xà bông cùng tấm gương và dao cạo râu thì Andrei Babichev của Olesha cũng xuất hiện đầu tiên khi đang làm vệ sinh buổi sáng, vừa làm vừa hát “ta ra…ta ra”. Và rõ ràng lời buộc tội Joyce của Olesha không chính xác, bởi Ulysses đã kết thúc bằng lời độc thoại nội tâm của Molly Bloom rằng “rồi anh hỏi tôi có đồng ý nói vâng không bông hoa miền núi của tôi và đầu tiên tôi vòng tay quanh anh vâng và kéo anh xuống để anh cảm nhận được ngực tôi mùi nước hoa vâng và trái tim anh sẽ trở nên cuồng dại và vâng tôi nói vâng tôi sẽ vâng.” Còn chính Đố kỵ của Olesha mới kết thúc trong sự hoài nghi tột bực khi Kavalerov nhân vật kể chuyện dù đã nhận ra mình suy vi tới nhường nào, và mình lười biếng và gian dối biết bao, và mặc dù anh đã hiểu tất cả, nhưng rốt cuộc một lần nữa, anh lại thấy mình bước vào sự vô nghĩa, trầm cảm cùng cái hầm tăm tối nơi xuất phát điểm của anh. Ai mới là kẻ sa sút ở đây?
Tiểu thuyết “Đố kỵ” của Yuri Karlovich Olesha (dịch giả Đào Minh Hiệp) do NXB Hội Nhà văn phối hợp với Phanbook xuất bản. nguồn: Netabook
Nước Nga luôn sản sinh ra những nhà văn lớn kiêm bậc thầy tâm lý học, có Dostoevsky, có Nabokov, những cái tên mà độc giả Việt Nam đã quen thuộc, và giờ đây, ta được giới thiệu thêm Yuri Olesha. Nhân vật Kavalerov của ông thiếu tín nhiệm chẳng thua gì Humbert Humbert trong Lolita, còn mối bất hòa của anh ta với thế giới cũng trầm trọng không kém tay công chức mà bên trong “lúc nhúc những yếu tố tương phản nhau” ở Bút ký dưới hầm. Anh ta, sau một trận say xỉn vật vã, được Andrei Babichev, một giám đốc công ty công nghiệp thực phẩm, hình mẫu cho một công dân xuất sắc của xã hội, chìa tay cứu giúp, đưa về nhà sống chung và giao cho một công việc hèn mọn nhưng sạch sẽ. Thay vì cảm thấy biết ơn Andrei Babichev, Kavalerov ghê tởm anh ta, thậm chí muốn ám sát anh ta.
Yuri Olesha đã đặt một ống kính văn chương ở tư thế rất kỳ quặc, kiểu như cách một con bọ hung tức tối nhìn mọi thứ quanh nó. Mọi thứ hiện ra đều bị bẻ cong méo mó, cay nghiệt, tím tái, bị o ép trong cái nỗi sợ rằng bất cứ lúc nào, mình cũng có thể bị những thế lực khác đập cho bẹp rúm. Con bọ hung đó vừa bị thiêu đốt bởi mong muốn được trở thành ngôi sao được thế giới trọng vọng, vừa ngùn ngụt lòng ghen ghét đố kỵ muốn phá hủy cái trật tự thế giới không thừa nhận nó. Nó muốn hòa nhập với thế giới đến mức nó căm ghét thế giới.
Thế nhưng, khi đọc kỹ hơn, ta sẽ cảm thấy có một điều gì không đúng đắn lắm ở Kavalerov. Anh ta hiện ra là một kẻ thất bại toàn tập thì rõ rồi, nhưng anh ta hình như còn là một thi nhân. Nếu không phải là một thi nhân, một nghệ sĩ, làm sao anh ta có thể mô tả thế giới phập phồng sống động đến thế: anh ta thấy mọi món đồ nội thất đều bắt nạt mình, anh ta so sánh máy bay như một con cá nặng nề, những tán lá như một thiên thần, tàu điện như một con dao cắt vào bánh gato – anh ta nhìn ra những mối quan hệ kỳ dị giữa vạn vật, trí tưởng tượng của anh ta thuộc lòng mọi đường tắt xuyên qua những logic vuông vắn thông thường, và đây là những khả năng chỉ có thể có ở một nhà thơ đại tài. Vậy thì điều đó có ý nghĩa gì?
Hãy đọc một trong những đoạn hay nhất mà Olesha đã viết khi Kavalerov được Babichev giao cho mang một thanh giò lụa giá 35 xu tới chỗ chủ một kho hàng. Kavalerov không thể hiểu nổi tại sao một thanh giò tầm thường lại trở thành thành tựu chói lọi đưa Babichev thành một vĩ nhân: “Vậy mà niềm vinh quang trong cái thế giới mới này lại xuất phát từ bàn tay của người thợ làm giò chả để làm ra loại giò chả chất lượng mới. Tôi không hiểu về sự vinh quang đó, rằng nó có ý nghĩa như thế nào? Các sự tích, các tượng đài kỷ niệm và lịch sử không nói gì với tôi về niềm vinh quang như thế.”
Kavalerov đương nhiên không thể hiểu. Anh là một thi nhân. Một thi nhân thì không thể hiểu được thực tế, càng không thể hiểu được thứ nghệ thuật “giò chả” nần nẫn, tròn lẳn, ố vàng những hạt mỡ đang được tuyên truyền rộng khắp, thanh giò đó là ẩn dụ cho thứ điển phạm mới, đỉnh cao mới của nghệ thuật, một “Mona Lisa” của chủ nghĩa Hiện thực Xã hội sắp cập bến. Kavalerov khác với Humbert Humbert ở điểm này. Humbert Humbert là người kể chuyện không đáng tin. Kavalerov bề ngoài cũng bệnh hoạn và không đáng tin, nhưng sự không đáng tin này là một động tác đánh lừa. Cách anh ta nhìn bữa nhậu của tay chủ kho hàng cùng Babichev như một bức tranh vẽ yến tiệc của Tiepolo, một họa sư thế kỷ 18, là cú nốc-ao với nghệ thuật – chiếc xúc xích quyến rũ một cách bí hiểm trong tranh của Tiepolo đại diện cho nghệ thuật như con đường vượt thoát đã bị kéo thẳng xuống mặt đất thành một mớ thịt nạc sáng bóng đại diện cho thứ nghệ thuật vì nhân dân, muôn năm lao động, cổ động sản xuất, một thứ nghệ thuật thiết thực, đúng đắn, không dành cho những quý bà phè phỡn.
Kavalerov phải có vẻ điên rồ thì anh ta mới có thể nói ra sự thật – một sự thật tưởng như luyên thuyên, lệch lạc và không hề đáng tin. Cũng như Olesha phải vờ như sỉ nhục anh ta đến tận cùng nếu muốn để Đố kỵ tồn tại.
Thật phi thường cái cách mà Olesha lèo lái để qua được ải kiểm duyệt gắt gao thời bấy giờ. Một mặt, Olesha lên những diễn đàn lớn tiếng chỉ trích Joyce, một mặt khác, ông chua xót thừa nhận mình không thể viết được nữa vì nếu ông mà viết rằng thời tiết thật xấu, thì người ta sẽ lên án rằng thời tiết như thế là tốt cho cây bông, rồi ông ngợi ca Joyce trong nhật ký riêng tư rằng “Araby là một trong những truyện ngắn hay nhất của văn chương”, và không nghi ngờ gì chuyện ông đã coi Ulysses như một nguồn cảm hứng sáng tác cho mình. Chính ông có lẽ cũng đố kỵ với vị đồng nghiệp người Ireland, rằng Joyce có được tự do để viết ra một thứ văn chương cổ xúy sự tầm thường của con người, quay lén con người trong những giờ phút trần trụi nhất như khi họ ngồi trên bồn cầu vệ sinh mà đi ngoài, nhưng chính trong sự tầm thường ấy ta thấy sự mặc khải, còn ông, phải làm bộ như hùa theo đường lối sáng tác phục vụ cái “chân-thiện-mỹ” bị đóng gói tiêu chuẩn kỹ thuật như một chiếc máy nạo khoai tây.
Cuối cùng, câu hỏi mà ta phải đặt ra là, liệu thế giới nào tốt hơn – thế giới của tất cả những con người như Andrei Babichev, thành đạt, suôn sẻ, hăng say làm việc, luôn làm tròn bổn phận với xã hội, luôn đứng ngoài ánh sáng; hay thế giới của những kẻ sa ngã như Kavalerov, những kẻ biết thương xót và biết căm ghét, những kẻ đi đến tận cùng mọi xúc cảm đẹp nhất như tình yêu nhưng cũng đi đến tận cùng mọi cảm xúc đen tối nhất như đố kỵ và căm giận? Có thật rằng thế giới bằng phẳng sáng sủa của Babichev thì tốt hơn? Có tốt hơn khi con người đốt bỏ căn hầm lắt léo trong tâm tưởng, có tốt hơn khi con người từ bỏ những hỉ nộ ái ố rất người? Hay là, khi từ bỏ sự tầm thường ấy, thì con người cũng đánh mất luôn sự thần thánh của mình, đánh mất bí ẩn sâu thăm thẳm không thể hiểu được, mãi mãi không thể hiểu được, để như chiếc xúc xích của Tiepolo, con người chỉ còn là một mớ thịt nạc bóng loáng và hoàn hảo?.
26/6/2022
Hiền Trang
Nguồn: Báo Tia Sáng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...