Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

 

Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng

24 Tháng Năm, 2023

“Thấu Huế rồi.”

Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt mênh mông chỉ để hét lên như thế khi con Honda Blade của mình điềm nhiên lướt qua khúc cua cuối cùng dưới chân Hải Vân Quan. Vậy là thấu Huế. Thấu Huế thật rồi.

Bên ni đèo với bên tê đèo chỉ cách một bước chân trong không gian địa lý nhưng với tôi là cả một sải dài tâm tư. Tôi nhớ những lần về Huế dịp tết, ngồi trên xe hoặc tàu hỏa qua hầm, vừa chạm đến Lăng Cô là phải khoác thêm áo, quàng thêm khăn, cái lạnh như một cú sốc hoặc là một lời nhắc nhở, vừa sâu vừa ngọt, “Huế đây rồi và Huế đang mưa”. Mưa tháng Chạp miên miên thâm thâm cứa vào lòng kẻ xa quê, vịnh nhỏ im im, núi đồi lặng lẽ chỉ có lũ chúng tôi cõi lòng vốn dĩ đã mênh mang như nước giờ gặp phải một cú sốc nhiệt bỗng chòng chành, bỗng trào dâng, bỗng hồn nhiên thác lũ. An, một người chị phương xa của tôi thỉnh thoảng có về Huế thăm quê ngoại, bảo rằng chị đã trải qua nhiều cái lạnh ở nơi này nơi kia nhưng không nơi đâu như Huế, lạnh cắt da cắt thịt, lạnh dấm dứt dai dẳng, lạnh thê thiết nhớ nhung, lạnh như u hoài của ngàn năm trước rỏ xuống ngàn năm sau. Cái lạnh không làm con người ta lơ đễnh hay lãng quên sự tồn tại của mình, mà ngược lại, nó khiến con người ta bật dậy như chồi cây, một chồi cây lặng lẽ trong thế giới chừng như thu hẹp dưới một chái hiên, một vết nứt từ bức tường cũ hay biết đâu là một kẽ hở thời gian, giữa các niên đại. Tôi đã bổ sung thêm với An rằng cái lạnh ở Lăng Cô là “đay nghiến” nhất. Phần nhiều khí lạnh không vượt đỉnh Hải Vân mà quần tụ dưới chân đèo khiến giá buốt ken đặc không trung và mưa, vừa dày vừa nhọn châm chích vào nỗi nhớ.

Bây giờ đang là đầu tháng tám, chẳng có cái lạnh nào cứa vào da thịt chỉ có một khoảng trời cam vàng lộng lẫy và chỉ có một buổi chiều lộng lẫy sau khi gió biển thổi bay hết mọi xót xáy trên đường. Bụng đã đói meo vì cả ngày chưa ăn uống gì, tôi đành phải làm đầy đôi mắt để quên đi cảm giác trống trải trong dạ dày. Tôi ngắm hết, ngắm ngấu nghiến những ngôi nhà lấp ló sau hàng tre, hàng dừa, hàng chè tàu, hàng bông bụt… Mỗi ngôi nhà ươm vào lòng tôi một câu chuyện. Tôi chợt cười khi lướt qua một khoảng sân vuông có bức bình phong phía trước và ở một góc sân có cái am nhỏ với mái che. Về Huế, đi đâu cũng thấy những am thờ như thế. Am thờ cô, thờ cậu thường có mái che kèm thêm hình chạm trổ mà tôi vì quan sát và bận tâm chưa đủ nhiều nên chưa thể hiểu hết ý nghĩa của từng thứ một. Am thờ trời đất thường là một trang thờ nhỏ không có mái che. Bây giờ ngẫm lại thấy tuổi thơ mình “ngủng ngẳng” vô cùng, chiếc am vuông vức dựng giữa trời, lù lù như cái ti vi thuở còn màn hình đen trắng rồi đứa nọ truyền tai đứa kia đi “sửa ti vi”. Đứa nào trong đầu cũng có một kho chuyện ma, và đứa nào cũng tin cũng sợ cũng khiếp vía khi bị dọa ma vậy mà cũng có lúc thò tay vào am xin nải chuối hay chùm nho chùm nhãn.

*

Tôi về đến nhà lúc đã hơn tám giờ tối. Mạ mở cổng, vừa mở vừa mắng “ui cha, ra chi mà lạ ri bây…”. Với mạ tám giờ là khuya khoắt lắm rồi. Tôi cười, biết mạ đang vui. Đẩy xe vào sân xong, tôi lướt nhìn khoảng sân quen thuộc của mình vài giây. Một mảnh đất chẹo chẹo hình thang, cuối góc sân hai cái am đã có từ mười mấy năm trước lặng lẽ nép bên bụi đinh lăng ba mới trồng mà lá đã sum sê lấn lướt. Trong am, bóng đèn quả ớt hắt ra một thứ ánh sáng dịu nhẹ, ảo mờ, thanh tịnh, và ấm cúng. Tôi nhìn ra xa, đèn đường đổ lên bụi tre hóp thứ ánh sáng màu trắng, bàng bạc dưới sương. Ba hỏi tôi “lạ lắm đúng không con?” Hai năm rồi vì dịch giã nên tôi chẳng về Huế lần nào. Trong những lần chuyện trò vội vã qua điện thoại, ba đã phong thanh kể cho tôi nghe thôn xóm mình bữa nay khác lắm nhưng tôi đâu ngờ cái xóm nhà cách nhà gọi hết hơi không tới, cái xóm đêm rớt xuống là tối bưng bưng, đứng trong nhà nhìn ra, ngoài ánh điện từ mấy ngôi nhà hắt ra le lói thì chẳng thấy gì ngoài một màu đêm hun hút. Và, cái xóm của những mùa trăng rộn ràng khi trẻ con đổ ra đường đi lạo xạo từ nhà này sang nhà khác, đá banh, bẻ bắp, trộm mía, “sửa ti vi” bây giờ không còn nữa, ít nhất là dưới góc nhìn của một đứa xa quê như tôi. Cảnh “sửa ti vi” vất vả ấy có lẽ đã thành chuyện của ngày xưa và chỉ còn trên trang viết thơm tho kỷ niệm. Bây giờ, đường đã bê tông rộng rãi cho xe tải đi, điện cũng đã chạy miên man lên tới núi, thanh niên không phải chờ những mùa trăng để hẹn hò, trẻ con không phải chờ những mùa trăng để í ới, làng tôi, xóm tôi sớm thôi sẽ rộn ràng sầm uất. Ba kể người ta mở rộng khu công nghiệp Phú Bài, cả một vùng nương đồi rộng mênh mông giờ đã thuộc về dự án. Nhiều người trúng đất dự án khấm khá đổi đời nhanh còn hơn trúng số. Ngày trước, nương đồi bạt ngàn như thế, ai có sức thì khai thì khẩn nhưng sức người có hạn thiên nhiên lại vô chừng, từ gieo trồng cho đến gặt hái là cả một quãng dài cười khóc. Sau này, nhiều người đầu tư cho chăn nuôi nhưng chẳng ăn thua mấy, lại còn thêm khoản nợ nần làm sao bì được với việc trúng đất dự án. Bây giờ, Internet phủ sóng, các dịch vụ mua hàng chuyển phát tận nhà cũng nở rộ, ở đây có khác phố là bao, ba nói. Tôi nghĩ về những ngôi nhà mới mọc kín cổng cao tường như biệt phủ, rồi thì những chiếc ô tô bóng lộn hay những buổi tiệc tùng. Ôi, một góc Huế của tôi đang thay đổi. Tôi có mừng, lẽ dĩ nhiên, nhưng cũng ngậm ngùi. Rồi đây những con người vốn quen việc tay chân đơn sơ và trầm lặng sẽ xoay xở thế nào để thích nghi trong một nhịp sống mới? Như mạ chẳng hạn, không biết đến khi nào thì tám giờ tối mới thôi khuya khoắt. Quê hương còn những trầm và ấm cho tôi. Trầm và ấm như hương gỗ bạch đàn. Một loài hương an ủi. Cả giấc mơ tôi. Cả cuộc đời tôi. Cả trang viết tôi.

“Rồi ôn nằm ở mô, ba?”

Tôi sốt sắng khi trong đầu hiện lên hình ảnh của nội. Tôi có ôn nội và mệ nội nhưng tôi chỉ thích dùng một từ “nội” cho cả ôn và mệ và ngôi từ đường trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên. Về thăm nội là về ngôi nhà ấy, cũng là về thăm mệ, thăm ôn. Bây giờ thì tôi chỉ nghĩ về ôn. Nội đội cái nón lá đã cũ, hơi móp và rách, tua rua xòa ra đây đó dọc theo vành nón. Cái nón đội đi nương khác với nón đội đi làng đi họ. Nội có cái nón xịn và cả cái dù nữa, dù rất táy máy nhưng có vài thứ nội dùng dè xẻn và trân trọng đến nỗi tôi không dám đụng vào. Áo quần cũng thế, những bộ tươm tất thường treo riêng cùng khăn đóng, áo dài. Áo dài đi họ ban đầu là áo dài đen, sau này là áo dài xanh chữ thọ khi nội đã làm ông Cả họ Lê làng Phù Bài. Bộ đồ đi nương là bộ đồ hạng bét, từ màu trắng nó đã chuyển sang màu ươm vàng và sờn rách. Trong đầu tôi, nội còn khỏe lắm. Nội cầm cái rựa đi phăng phăng trên giường ruộng chặt lạt dưới tán bạch đàn. Trong đầu tôi có một khoảng trời thu hẹp và đóng khung nơi vạt nương xanh bên khe Chứa. Phía trên là hàng mít và chỗ trồng khoai sắn, đậu mè, bình tinh, phía dưới là thửa ruộng ngăn cách với khe bằng hàng tre hóp rậm rì. Thửa ruộng hình chữ nhật, bốn cạnh đều trồng bạch đàn, ruộng chỉ canh tác một vụ và thường chỉ được một chút lúa lép, có lẽ ba trồng để nuôi tụi gà thôi. Mùa mưa ruộng đầy nước, nước trong vắt nhìn thấy từng chiếc lá, từng cọng bạch đàn, từng con rô, con lia thia nhỏ, tụi cá từ khe lạc vào. Trong đầu tôi, khoảng trời ấy bao giờ cũng có nội. Nội ngậm điếu thuốc do tự tay nội vấn bằng loại giấy chuyên dùng hút thuốc, mỗi lần hết giấy thì vấn tạm bằng tờ lịch mỏng. Có năm, nội trồng cây thuốc lá trong nương, lá phơi đủ nắng rồi đem quấn thành điếu to nhìn rất thích. Tôi cũng tập tành hút thuốc như nội, tôi vấn thuốc, châm lửa y chang nội. Người lớn ai cũng bảo “chơi dại, sứt môi lọng chừng”. Vậy là thôi, tôi chỉ ngồi bên phụ nội cắt thuốc, vấn thuốc, tìm bật lửa… Ngày tháng ấy sao mà cổ tích!

Lần này tôi về thì đã không còn nội. Nội mất khi đại dịch đang căng thẳng nên chẳng đứa cháu nào ở xa về được. Hôm đưa nội đi, tôi chỉ ngồi cầu nguyện. Tôi chưa từng hỏi ba mộ của nội ở đâu bởi tôi biết nội luôn có dự tính cho mình trong những chuyện này và tôi nghĩ dự tính của nội sẽ không đi xa mấy khoảng nương tôi đã thuộc làu: Trạng Mè, Nương Gần, Cồn Ông Cải…

“Ôn ưa nằm ở Trạng Mè nhưng không được.”

Ba nói khi mắt dõi xa xăm. Dù đất ở Trạng Mè hiện không nằm trong dự án nhưng đã có công văn không được chôn cất hay xây lăng đắp mộ gì ở đó nữa. Vậy là di nguyện không thành, nội phải đi xa. Chẳng ai biết chắc bên kia cái chết có gì nhưng tôi tin không mối bận tâm nào trong thế giới vật chất này trở thành quan trọng nơi thế giới của linh hồn, ngay cả mối bận tâm về mộ phần sau cái chết. Đã nghĩ vậy, sao lòng vẫn bùi ngùi?

Tôi muốn được thắp nén nhang trên mộ nội nhưng ba xua tay.

“Nơi ấy toàn chim kêu vượn hú, cảnh buồn và hoang vu lắm. Ba đi loạng quạng còn lạc huống chi con…”.

Nội nằm xa lắm tuốt trong rú lận, một mình tôi không lên đó được mà ba thì đang mệt trong người không thể dắt tôi đi.

*

Nhà văn Lệ Hằng

Khuya. Gió núi thổi ra dìu dịu. Ba đã lên giường nằm nghỉ. Đây là khoảng thời gian dễ chịu nhất trong ngày khi ngôi nhà chìm vào tĩnh vắng, lặng lẽ giải phóng hết bao nhiêu cái nóng nảy, oi bức, lào xào, bực dọc trong ngày. Lâu quá mới lại về nhà khiến tôi thao thức. Tôi nằm đây mà thấy tôi của nhiều năm trước, cúi lom khom ngậm cây đèn pin chỉ lớn hơn ngón tay cái một chút trùm chăn viết nhật ký, dù là giữa mùa hè. Tôi giấu đèn pin và cuốn sổ trong gối, tối nào cũng lôi sổ ra tâm sự, có khi còn viết cả “thơ” nữa. Giường của chị em tôi sát bên cửa sổ, mùa hè cửa chẳng đóng bao giờ để đón gió núi về khuya. Thi thoảng, tôi tỉnh giấc giữa khuya, mở mắt ra thấy mảnh trăng bạc treo bên cửa sổ chênh chếch sau đọt bạch đàn ngoài xa, trăng đẹp quá, có lần tôi ngồi dậy nhòm ra cửa sổ thấy tàu lá chuối loang loáng dưới trăng, sương sõng sượt phủ lên mặt lá, có con chàng hương nép vào bẹ chuối cánh bụng hóp vào hóp ra. Tôi tưởng mình đã đi xa, không còn ở trong không gian ấy nữa nhưng không hẳn, bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn âm thầm tìm về đó, tái tạo lại thế giới của mình qua những lần đắm chìm vào trang viết, như Khu Vườn Ươm Ánh Sáng của tôi chẳng hạn. Thời gian thật kỳ lạ, vừa bôi xóa vừa khiến thứ bị mình bôi xóa được hiển hiện, tái sinh. Nếu tôi không lớn lên, tôi làm sao biết được mình đã có một tuổi thơ, và làm sao biết được tôi sẽ còn trở về sẽ còn tái hiện nó thêm nhiều lần nữa.

Tuổi thơ tôi con đường nào cũng đầy dáng nội. Đều đặn, tuần nào nội cũng đạp xe ra chùa Phù Bài rồi đi làng đi họ, thăm người này người kia. Dáng nội lom khom, đầu hơi chúi về trước, cái nón nhiều khi không đội mà úp trước giỏ xe. Nhiều lần tôi đứng bên này sông Phù Bài nhìn sang phía trường Đình và nhận ra ngay là nội đang đạp xe băng qua Đình, nội sẽ đạp lên thôn Bảy, qua cầu Ông Rồng và về nhà. Sau này, khi tôi đã rời quê, mỗi lần về thăm nếu chưa gặp nội thì chỉ cần hỏi ba đúng một câu “ôn còn hay đạp xe đi họ không ba” là biết ngay nội còn mạnh hay không. Nếu xem cuộc đời mỗi người là một chuyến hành hương về bên kia sự sống thì nội đã hành hương ngót nghét một thế kỷ nay. Và ngót nghét thế kỷ buồn vui của một người gói trọn nơi ruộng đồng, nương rẫy, làng họ, đặc biệt là từ đường. Nội sinh ra, lớn lên trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên, sống và thác trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên, mọi niềm vui và mọi nỗi bận tâm đều xoay quanh nơi ấy. Cái tráp gia phả, cái tủ thờ, những bát nhang, kỵ giỗ, chạp mộ, nhang đèn, trầm hương, những rằm, mùng một… năm năm tháng tháng chật vật lo toan trong bấy nhiêu công việc, bấy nhiêu nỗi niềm. Một người bạn từng nói với tôi đại ý rằng người Huế sống cho người chết nhiều hơn cho mình, lo cho phần âm nhiều hơn phần dương. Tôi không đồng ý khi bạn tôi khái quát hóa về “người Huế” như thế, nghe rất cực đoan, nhưng có lẽ bạn tôi đang muốn nói đến những điển hình như nội. Và bây giờ là ba, dù ba chưa ở hẳn bên từ đường. Sứ mệnh của cuộc đời nội là chăm lo cho từ đường. Kho lẫm của nội cũng nằm ở đó. Cả hy vọng. Cả tương lai nữa. Vì bạn tôi là người ngoài đứng trông vô nên không hiểu được những người như nội lo cho “người sống” cho “phần dương” đến thế nào, chỉ là mọi thứ luôn phải được đặt trong mối tương quan kín đáo mà mãnh liệt với tổ tiên.

Và những người như nội không chỉ lo cho người đã khuất mà còn lo cho phần mình khi khuất núi. Tôi không nhớ rõ tự khi nào, nhưng lâu lắm rồi khi tôi còn long nhong trên nương dưới ruộng, tôi đã biết nội lo cho hậu sự của mình. Ở làng tôi, chuyện một người đang sống nhắm trước và thậm chí dọn sẵn cho mình một vạt đất để nằm xuống không có gì là lạ. Nhiều người còn xây sẵn lăng, đắp sẵn mộ rồi đến ngày con cháu sẽ đặt quan tài xuống. Vài gia đình khi xây lăng đắp mộ cho cha ông mình thì cũng làm luôn một ngôi y chang ngay bên cạnh cho mẹ cho bà dù người vẫn đang vui vẻ bên con cháu. Tôi lớn lên trong không gian ấy, nơi những câu chuyện về xây lăng đắp mộ luôn là phần sinh động nhất của những buổi chuyện trò từ lớn đến nhỏ, từ cuộc tâm tình chỉ có hai người là ba và chú cho đến những cuộc họp dòng họ mà tôi lén núp sau hè nghe lỏm. Rồi tôi đi xa, học hành, giao tiếp, đón nhận những tư tưởng mới, nếp sống, nếp nghĩ mới, đã có lúc tôi nghĩ sao người quê mình khổ thế, sống không lo phần sống mà suốt ngày lo cho phần chết. Phần chết của người đã chết và phần chết của người đang sống, là mình. Nhưng giờ đây khi đã trải qua vài nốt thăng trầm trong cuộc sống, khi những ý niệm đầu tiên về sự hữu hạn của trăm năm bắt đầu nhen nhóm trong tôi, tôi khám phá ra một lối nhìn mới mẻ cho những sự “khổ” thường tình ấy. Tôi hình dung trong những bước chân xao xác của nội trên nương, giữa vồng khoai vồng sắn, giữa vồng đậu vồng mè hay dưới tán bạch đàn, bên bờ tre hóp… là những buồn vui như mưa nắng của một kiếp người. Và, trong những lúc nghỉ tay hay trong những giờ khom lưng cuốc đất nội đã chọn cho mình một góc nhỏ bình yên, một nơi mà nội tin tưởng rằng sự an nghỉ của mình sẽ mang lại tốt lành và hy vọng cho con cháu. Như thế, mỗi ngày trôi qua, nội đi dần về bên kia sự sống với tâm thế an nhiên, khoảng cách giữa hai bờ sinh – tử không còn là mênh mông sợ hãi. Cuộc đời quá đỗi vô thường, con người có thể làm gì hơn nếu không phải là chọn cho mình một cách đối mặt nhẹ nhàng và vui sống. Tôi thấy lòng mình nhẹ bẫng đi khi nghĩ rằng trong niềm tin của nội, cố tôi, sơ tôi, tổ tiên tôi vẫn luôn bên cạnh để dìu dắt nội bước qua bên kia đường đời.

*

Chiều nay, vừa làm xong vài công việc quan trọng và chọn ngày rời Huế, tôi lại về từ đường thắp hương. Huế mưa. Mưa rả rích mặt đường. Mưa châm chích dưới ruộng. Mưa tí tách trên lá. Mưa trầm ngâm mái ngói. Mưa rỉ rách bên hiên. Mưa tỉ tê hàng trầu. Mưa ngậm ngùi vòm bưởi. Mưa miên man vườn chè, bông trang, bông chuối, thanh long, vạn tuế… Mưa nhòe nhoẹt khung trời xanh thẫm lá. Khung trời ấy là khu vườn của nội, trên mảnh đất hương hỏa tổ tiên này. Tôi đã từng tự bạch trong một trang viết của mình rằng “nếu bạn nhìn sâu vào tuổi thơ tôi, bạn sẽ chỉ thấy màu xanh”, đó là lời tự bạch chân thành. Màu xanh của khu vườn này là nỗi ám ảnh đối với tôi, ai đó có thể nói vậy, và nó là nỗi ám ảnh có tính chữa lành, tái sinh và tha thứ. Tôi nhìn khu vườn mướt mát dưới mưa lòng dấy lên một thứ cảm xúc dìu dịu, long lanh và ấm áp. Chẳng có gì thay đổi so với trước đây ngoài việc cây bưởi già oằn mình hơn vì sây trái, tán rậm rì như một mái nhà con. Chẳng có gì thay đổi, kể cả sự vắng mặt của nội bởi tôi không thấy cô đơn trống trải chút nào mà ngược lại, tôi thấy lòng mình như nắng hửng sau mưa khi nhìn lên di ảnh nội. Trăm năm có là dài hay chỉ như một cánh chim xanh thoắt ẩn giữa trời xanh? Ý niệm về thời gian lúc này đối với tôi thật mơ hồ, tôi chỉ thấy mình vẫn gần nội, như ngày xưa.

Tôi vòng quanh từ đường thắp hương. Sự ấm cúng ngày nào còn đây sao nguyên vẹn. Tôi đã có thói quen thắp hương ở từ đường từ khi còn rất nhỏ, tôi nhớ là vào cuối năm lớp một. Khi ấy, tôi được chọn làm một trong bốn học sinh giỏi của lớp tham dự một kỳ thi đặc biệt để chọn ra người xuất sắc nhất khối. Đó là một phần thưởng danh dự mà Ủy ban xã và hội khuyến học của làng phát động để khích lệ chúng tôi, giúp chúng tôi ý thức hơn tầm quan trọng của sự học khi mà nhiều thầy cô chủ nhiệm phải về tận nhà học sinh dỗ dành học sinh đừng bỏ học. Cả nhà tôi ngạc nhiên khi tôi được công nhận là học sinh giỏi và đại diện cho lớp đi thi. Tôi nhớ, hồi ấy, mạ mải bán buôn dưới chợ tối mịt mới về tới nhà. Ba mải lo nương vườn ruộng trưa, lâu lâu mới nhòm đến bài vở của tôi, tôi thường học “thuội” theo chị gái, năm ấy chị học lớp năm. Buổi trưa, tôi trịnh trọng thông báo tin quan trọng với cả nhà là chiều nay tôi đi thi học sinh giỏi, chị cho tôi mấy cặp giấy trắng để làm bài, ba dặn tôi kiểm tra cây bút và bơm mực cho đầy, mạ dặn ba chở tôi về từ đường thắp hương trước khi đi. Từ đó, tôi hình thành thói quen thưa trình với tổ tiên. Bất cứ việc gì tôi cho là quan trọng, dù chỉ là một bài kiểm tra, tôi cũng đều về từ đường thắp hương trước khi lên đường. Từ đường có rất nhiều bát nhang, tôi không dám trỏ tay đếm nhưng khi tôi đã có thể tự mình bật lửa đốt nhang thắp thì tôi đã có một cảm giác gần như chuẩn xác mỗi khi rút nhang ra. Tôi thường đi vòng quanh từ bên này sang bên kia, các bát nhang được xếp cao thấp theo đời, nhiều bát nhang cao tôi phải kê hai cái đòn chồng lên nhau mới vói tới. Những cây nhang tôi cắm từ xiêu vẹo dần dà dựng đứng theo thời gian, đến ngày tôi rời Huế đi học xa thì cây nhang đã cắm đúng tâm, nghiêm túc, thẳng thớm. Tôi thường dừng lại rất lâu trước một di ảnh trong từ đường, một bức đen trắng to vào khoảng trang giấy vở học sinh, di ảnh của ôn sơ. Cố tôi, nội tôi, ba tôi, ai cũng kể nhiều về ôn, về sự hiếu học và ân tình mà người làng đã dành cho ôn lúc sinh thời và về một đám tang làm chay đông hiếm thấy trong làng. Tôi thường nhìn sơ rất lâu, ai cũng nói tôi giống ba nhất nhà, giống ở cái kiểu nhăm nhắm đôi mắt khi nói chuyện để lộ ra đuôi mắt và giống ở nụ cười với hai cái răng cửa như hai cái “cuốc tượng” hơi chìa ra trước. Thật ra, tôi không chỉ giống ba mà còn giống nội, giống cố, giống sơ tôi nữa. Chỉ vậy thôi mà tôi thích ngắm hoài.

Tôi đã thắp nhang xong trong từ đường, còn hai cái am ngoài sân và cuối cùng là vòng ra bếp thắp cho ấm bếp. Tôi chợt cười khi nhớ lại câu mà lúc nào tôi cũng khấn mỗi khi thắp hương trước các kỳ thi. Tôi khấn thế này: “Thưa cố, thưa sơ, thưa ôn mệ tổ tiên, hôm nay con đi thi, xin phù hộ cho con làm bài tốt, cho con tỉnh táo không quên mấy cái con đã học…”. Đó là câu tôi đã khấn từ kỳ thi học sinh giỏi năm lớp một ấy cho đến mãi sau này, thi đại học. Ngẫm lại, tôi có chút tự hào nho nhỏ vì mình không đến nỗi nào, không khấn xin những điều không tưởng, cũng không xin ông bà tổ tiên nhắc bài cho hay làm bất cứ điều gì gian lận dù là trong lời cầu nguyện âm thầm. Tôi hình dung tổ tiên có linh thiêng chắc sẽ mỉm cười với đứa cháu khờ này.

Niềm tự hào lớn nhất của tôi với tổ tiên mình đến vào năm tôi học lớp bốn. Nhờ kỳ thi khởi đầu cho sự học của tôi năm lớp một ấy mà những năm sau ba để ý đến việc học của tôi nhiều hơn. Năm lớp hai, tôi giành được giải danh dự nhất khối và ba năm liên tiếp duy trì ngôi quán quân nên năm lớp bốn tôi được công nhận là nhất toàn trường – vinh dự lớn nhất của tôi lúc ấy và phần thưởng cũng lớn nhất, đủ để mua một chiếc xe đạp ngon ơ. Tôi sung sướng mang tất cả giấy khen và phần thưởng về “méc” với tổ tiên. Cả mùa hè tôi không treo giấy khen lên cũng không động đến bất kỳ phần thưởng nào, tôi trân trọng mở ra xem các thứ rồi cẩn thận gói lại để vào một góc trong từ đường, kể cả những bì thư tôi được nhận ở làng và họ mình. Niềm vui đơn sơ đến thế. Niềm tự hào cũng đơn sơ đến thế. Ý nghĩa của từ đường, của tổ tiên, của thờ cúng cũng đơn sơ đến thế.

Tôi ra chái sau nhìn ra phía đìa và cây thị. Bao lâu rồi, phải hơn cả chục năm, tôi chưa lượm trái thị nào. Mưa đã vơi một phần, nước từ đuôi lá rớt xuống thảm mục bên dưới chầm chầm, chầm chậm như những giọt thời gian. Chợt tôi thương nội quá, cái khuôn viên này là cuộc đời của nội, nội hằng kỳ vọng ba tôi sẽ có một đứa con trai, nghĩa là nội có đích tôn và cái đứa đích tôn ấy sẽ tiếp nối nội và ba, năm năm tháng tháng sớm sớm chiều chiều gắn bó với từ đường như nội đã từng nhưng nội chỉ có đứa cháu nữ tôn là chị gái tôi và chị đang sống tại Hà Lan. Cuộc sống vận hành theo lộ trình riêng của nó, đấng tạo hóa có lý lẽ riêng của mình mà con người thường không thấu được. Tôi cũng đã không còn buồn vì mình mang thân phận nữ nhi. Nhiều khi, tôi nghĩ nếu đong đếm buồn vui của mỗi kiếp người thì có lẽ là có một hằng số tương đối cho cuộc đời của nội, của ba, của chị, và của tôi nữa.

Tôi nhìn lên, năm nay thị sum sê quá. Cây thị làm tôi nhớ những ngày rằm tháng bảy khi bàn thờ tươm tất, ba và nội đặt những trái thị vừa mới trảy sắp trên nải chuối vừa chín hườm ngả màu thiên lý, vàng vàng xanh xanh đượm đà thơm thảo cả gian thờ. Tôi nhớ một người thường giữ những quả thị bên mình, để trên giường ngủ gần chỗ kê đầu nằm. Mệ cố của tôi. Với tôi, quả thị lúc nào cũng hao hao cổ tích nhưng không phải vì cô Tấm mà vì mệ cố, trong đầu tôi hình ảnh đẹp nhất về cố là khi cố tỏm tẻm nhai trầu và đưa cho tôi trái thị, cố già, già lắm, già hơn hết thảy người già trong các truyện cổ tích. Kỷ niệm chợt về, gợn vào lòng mấy nỗi xôn xao.

Mệ cố mất khi tôi đang thi cuối kỳ lớp hai. Lần đầu tiên trong đời tôi ý thức về sự biến mất của người thân khỏi thế giới này. Tôi ngơ ngác đội lên đầu mình chiếc mũ của nỗi mất mát đầu tiên, nỗi buồn thứ nhất. Tôi thích được quấn khăn tang như chị tôi hoặc mặc áo tang trắng như mạ hay các o tôi nhưng tang phục cũng chia theo tuổi và thứ bậc, tôi chỉ được nhận một chiếc mũ thôi. Tôi đi học về thì cố đã an vị trong quan tài, tôi đưa tay lên đầu, sửa lại chiếc mũ, biết từ đây mình không còn được mân mê hai trái tai to và dài của cố nữa. Ai cũng bảo, trái tai dài và dày như cố là sống thọ lắm, tôi không biết sống thọ liệu có phải là điều gì đó hay ho nhưng tôi muốn giống cố nên thường xuyên kéo tai của mình cho nó được dài ra. Tôi cũng thích mân mê lớp da ram ráp của cố, tôi có thể kéo nó ra bên này bên kia rồi chạy những ngón tay như cù léc nhưng cố không nhột chút nào. Tôi chợt nghĩ đến vỏ chay ăn trầu, da của cố sần và ấm y chang vậy. Phát tang xong thì từ sáng đến tối ngôi từ đường vang tiếng kèn đám, tiếng trống và tiếng khóc. Người và xe đông từ trong nhà ra tới đường cái, lần đầu tiên trong đời tôi biết mình có nhiều họ hàng đến vậy. Dù chỉ đang học lớp hai, nhưng tôi cũng có bạn đến thăm đám. Tôi được gọi vào, được người lớn chỉ bảo rồi đứng bên quan tài lạy tạ. Ôi, tôi không thể quên được cái cảm giác của mình lúc ấy, cảm giác về sự trưởng thành với chiếc mũ ngay ngắn trên đầu, tưởng như mình có thể lớn lên ngay lập tức. Suốt cả đám tang, tôi cùng mấy đứa khác, cũng đội mũ như tôi, lăng xăng từ vườn sau ra sân trước ngày không biết bao nhiêu bận, cảm giác mất mát dường như vẫn chưa kịp hình thành trong những bộ óc non nớt chỉ biết ăn và ngủ và thò thò theo mấy người thổi kèn đám. Đến khi người ta khiêng quan tài đi tôi mới bật khóc tức tưởi chạy theo. Người ta khiêng cố của tôi lên Cồn Ông Cải nhưng tôi không được đi theo, tôi phải thi cuối kỳ môn toán. Lúc ấy, tôi không biết đường lên Cồn Ông Cải bao xa nhưng tôi biết mình xa cố, xa thật rồi, có thứ gì đó nhoi nhói trong lồng ngực tôi, lần đầu tiên…

Nỗi buồn thứ nhất ấy nó khiến tôi xao xuyến hơn cả bùi ngùi hơn cả là khi tôi cầm trên tay những dải tang trắng nhỏ đi quanh vườn cột vào từng cây, mỗi cây một dải trên nhánh lá. Người lớn bảo cho cây để tang kẻo cây buồn cây chết. Tôi đi giữa những hàng tiêu rồi ra dãy trầu, vạt ổi, cây đào, cây thị, cây khế, cây mít, cây mai… Có những cây như mạch sống của vườn, tuổi cây không chừng cũng bằng tuổi cố. Một thế kỷ là bao xa? Chiều nay, tôi đứng dưới màn mưa trắng mỏng thấy một dải khăn trắng vừa bay qua đời mình.

*

Mai tôi rời Huế, còn một đêm nhỏ để gói ghém lòng mình. Mưa vẫn lâm thâm thổn thức suốt mấy ngày chưa dứt. Giường tôi nằm sát chái hiên sau, nghe rõ tiếng nước mưa rớt xuống nền gạch cũ, từng hồi từng hồi… Mưa mỏng như tấm voan trắng phủ lên chái hiên, nước mưa tụ lại rồi xuôi theo mái chảy đến đuôi tấm ngói và rỏ xuống nền từng giọt một như đang rỏ xuống lòng tôi. Lần này tôi về, quê hương như ưu ái cho tôi được sống cả hai mùa mưa nắng. Tôi nằm nghe mưa, xem lại những tấm ảnh mình chụp trong điện thoại từ hôm về đến nay. Có tấm tôi chụp vào buổi sáng khi nắng vàng lúng liếng bên hiên. Có tấm tôi chụp vào buổi trưa khi trời hầm hập nóng. Có tấm tôi chụp trên cánh đồng mùi nắng khét quyện trong tóc. Có tấm tôi đi săn hoàng hôn, bắt được một ráng chiều mọng đỏ. Có tấm tôi chụp ở từ đường, chiều ướt mi, mưa kể chuyện thì thầm trên lá. Hôm nay có người nói với tôi ai cũng nói Huế mưa buồn như đứt ruột đứt gan nhưng không phải cái mưa nào cũng buồn. Mưa sầm sập trắng đồng tháng chín chỉ có lo mà không có buồn. Mưa lớt phớt bụi bay đêm giáp tết chỉ có trông có ngóng mà không có buồn. Mưa cuống quýt vội vàng chiều tháng sáu chỉ có nhớ mà không có buồn. Mưa như hôm nay, ngay lúc này mới thật là mưa buồn. Tôi đồng ý. Và tôi nói thêm rằng nỗi buồn này đẹp đến nỗi đay nghiến tim tôi.

Ngoài kia, ếch nhái oàm oạp, dế giun rỉ rả thâu đêm. Tôi nghĩ rồi sẽ có một ngày tôi về quê mà không còn được nghe ếch nhái kêu đêm nữa, khi ấy chỉ mong lòng không không ngậm ngùi cô quạnh.

Thật, không có gì da diết như quê hương.

Theo Lệ Hằng/ Tạp chí Sông Hương

 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Thứ Hai, 29 tháng 4, 2024

 

Trong tàng thư của Borges

25 Tháng Năm, 2023

Năm 1996, nhà văn Mỹ Susan Sontag đã viết một bức thư gửi cho Jorge Luis Borges đúng 10 năm sau khi văn hào Argentina này qua đời. Bức thư như một tiểu luận nói về sự phi thường của Borges – nhà văn “mang dấu ấn vĩnh cửu”.

Susan Sontag cho rằng: “Ở thời đại này, chính ông là một nhà văn được sắp đặt để trở nên bất tử trong văn chương”.

Borges đến Việt Nam

Đã có nhiều người dịch Borges, rải rác từ nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng để gọi là dịch và giới thiệu nhà văn này một cách tập trung, tương đối đầy đủ, thì cần quay lại thập niên 1990, với câu chuyện cảm động về cố dịch giả Nguyễn Trung Đức.

Trong một thời gian dài thập niên 1990, Nguyễn Trung Đức đã âm thầm tuyển dịch thơ, truyện, tiểu luận của Jorge Luis Borges cùng tác phẩm quan trọng của những tác giả Mỹ Latin khác như Gabriel García Márquez, Juan Rulfo… Chuyện cảm động: Sau khi tận tay giao bản dịch Tuyển tập Borges (dịch từ tiếng Tây Ban Nha) cho những người bạn làm xuất bản ít lâu, thì dịch giả qua đời. Ông chưa kịp nhìn thấy cuốn sách được ấn hành.

Trong ấn bản Tuyển tập Borges do Nguyễn Trung Đức dịch và giới thiệu (NXB Đà Nẵng, 2001), Nguyễn Trung Đức có những dòng nhận định tinh tế về văn chương của Borges đại ý rằng: Đây là một nhà văn có kiến văn sâu rộng, thông kim bác cổ và ôm trùm từ Đông sang Tây cộng với một trí tưởng tượng trời phú trời cho. Nhờ đó, ông “chỉ chơi hai khái niệm then chốt: thời gian và không gian, sự hòa trộn giữa thời – không gian thực với thời – không gian ảo tạo nên một thực thể văn học phong phú, đa dạng…”. Trong bối cảnh văn học Việt Nam thời điểm đó, giới thiệu tác phẩm của Borges với một thi pháp đặc biệt như thế, là một điều hết sức mới mẻ và chấp nhận thử thách.

Năm 2015, Tuyển tập Borges được NXB Hội Nhà văn cho tái bản, dày dặn và kỹ lưỡng hơn.

Sự trở lại của Borges

Đầu năm 2023, Borges trở lại cùng độc giả Việt Nam. Lần này là hai tác phẩm tiêu biểu nhất: Truyện hư cấu (tựa gốc: Ficciones) và Aleph (El Aleph, sắp xuất bản) đều do Nguyễn An Lý dịch từ tiếng Anh, có đối chiếu với nguyên tác tiếng Tây Ban Nha và có phần chú giải khá công phu.

So với văn chương của Márquez, Rulfo… – những bậc thầy trong nghệ thuật tiểu thuyết, truyện ngắn khu vực Mỹ Latin, thì Borges khó đọc hơn hẳn bởi ở trên trang viết của ông, mọi con đường dẫn về hiện thực, những mặc định của chủ nghĩa hiện thực đã bị xóa dấu triệt để. Ông tạo tác một thế giới riêng, thiết lập một trật tự, quy luật riêng cho văn chương mình. Đây lại là một thử thách lẫn gợi mở thú vị đối với người đọc và ngay cả giới cầm bút đang theo đuổi sáng tạo văn chương đích thực.

Trong tập Truyện hư cấu (Phanbook & NXB Hội Nhà văn, 2023), Borges trình bày một thế giới không thuộc cái logic của thế giới mà người đọc ông đang bị chi phối. Ông cho thấy rằng, văn chương không có trách nhiệm viết lại hay giải trình trước hiện thực, mà thực sự phải là một cuộc tìm kiếm trật tự mới của tinh thần. Không còn ý niệm quá khứ, hiện tại hay tương lai, không còn những tham chiếu cụ thể không gian trong hiện thực mà lắm khi chỉ chú mục vào kiếm tìm một địa danh đầy hoài nghi trên tấm địa đồ cổ xưa. Cuộc kiếm tìm một cái tên Uqbar dẫn qua nhiều mục từ, pho sách, bách khoa thư, từ điển… đặt cạnh sự xâm nhập trở lại của một thứ “ngôn ngữ nguyên thủy” có tên Tlon cho thấy một thứ ký ức hư cấu đã thay chỗ cho ký ức thông thường… (Tlon, Uqbar, Orbis Tertius).

Tâm lý con người, tính cách nhân vật theo lẽ thường đã trở nên vô nghĩa và thừa thãi trong một bầu khí quyển mà Borges tạo ra. Quyền năng của hư cấu, sức mạnh tưởng tượng đã tràn vào hiện thực, chiếm lĩnh đời sống, trong một thứ mỹ học riêng của Borges.

Trong thế giới của Borges, ta cũng thấy cả sự phi lý của những bộ khung thể loại. Ông viết hư cấu như người làm tiểu luận và viết tiểu luận văn chương như người viết nghiên cứu khảo cổ học hay triết luận. Người viết không từ chối người đọc, nhưng chắc chắn một điều: Ông ta không chiều lòng người đọc nào cả. Ông tạo ra mê cung để người đọc hoặc khước từ hoặc lạc lối. Khu vườn của Thôi Bản trong truyện Khu vườn những lối đi rẽ đôi là một mê cung như thế. Ở đó, một nhân vật đã diễn giải cảm nghiệm về thời gian: “Thời gian không ngừng rẽ nhánh về những tương lai vô số. Một trong số đó tôi là kẻ thù của anh”.

Tác phẩm của Borges còn là cuộc du hành giữa những cảo bản, sách cổ, tàng thư. Borges coi vũ trụ trong một mốc thời gian xa xưa nào đó, có thể được cấu tạo như một thư viện hình lục giác, nơi có những cuốn sách chi tiết nhưng người ta lại không ngừng đi tìm kiếm cuốn sách toàn thể, cuốn sách của mọi cuốn sách. Ông viết: “Có thể tôi đã bị đánh lừa bởi tuổi già và sợ sệt, nhưng tôi ngờ rằng giống người – giống sinh vật duy nhất – sắp tuyệt chủng rồi và chỉ có Thư viện còn tồn tại: thắp sáng, cô độc, vô tận, bất động hoàn hảo, chất đầy những pho sách quý báu, vô dụng, không thể hủy hoại và bí mật” (Thư viện Babel).

Trong bức thư gửi Borges, nhà văn Mỹ Susan Sontag cho rằng, từ Borges, có thể nhận thấy sách là một hình mẫu để chúng ta vượt ra khỏi chính mình, không phải chỉ để thoát khỏi thực tại, mà còn để-sống-là-người-hơn.

Jorge Luis Borges (1899 – 1986) là nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả nổi tiếng người Argentina. Ông được coi là một trong những nhà văn hàng đầu của văn học Mỹ Latin, một tác giả lớn của văn học thế giới thế kỷ 20.

Theo Nguyễn Vĩnh Nguyên/ Báo Thanh Niên

 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Giải thiêng – Truyện ngắn Vũ Thiện Khái

25 Tháng Năm, 2023

Nửa đêm về sáng. Đầu giường nổ dòn dã một hồi chuông điện thoại. Đúng lúc tôi đang chìm vào giấc mơ cụ muỗm cổ thụ đầu xóm đổ cái rầm. Không giông, không bão, mà cây dăm trăm tuổi lăn đùng ra chết, lạ thật.

Ngồi bật dậy, cầm ống nghe, tôi nhận ra tiếng thằng cháu ngoài quê gọi vào. Giọng nó hoảng hốt gấp gáp như sợ có người cướp máy: Chú ơi, làng ta xẩy ra chuyện lớn rồi. Căn nhà ông Chuột Nhắt bạn chú, bị đào sâu hoắm. Vàng bạc, châu báu chúng nó cuỗm sạch bách. Chỉ còn một cái vỏ chum không với đống nhựa thông lổn nhổn. Tôi ngắt lời cháu: Lão ấy ba đời nghèo rớt mồng tơi, lấy đâu ra vàng bạc? Nó chả thèm giải thích, lại còn lên giọng coi thường tôi đã là lão già lẩn thẩn: Giời ạ… Đến bây giờ chú còn tư duy cũ kỹ vậy. Cái gì mà chẳng thể xẩy ra. Thì chú cứ về quê sẽ thấy. Nói qua điện thoại không hết câu chuyện ly kỳ này được đâu chú ơi! Rồi nó cúp máy.

Ngồi ngẩn người lìên hệ với giấc mơ vừa rồi, bất giác tôi kinh ngạc nhận ra có một sự thông linh đến lạnh sống lưng. Cây muỗm trước cửa miếu Bà Nàng gốc to mấy người dang tay nối  nhau mới khít một vòng, tự nhiên đổ kềnh trước mắt tôi. Chóp ngọn nó cao vút tưởng chạm mây xanh, nháy mắt đã nằm rạp, cách mép hè nhà Chuột Nhắt chỉ vài gang tay. Căn nhà ngói ba gian cũ kỹ của lão rung bần bật mà không đổ sập. Đã biết chỉ là chuyện trong mơ, tỉnh rồi, ngồi tần ngần giữa gian buồng kín đáo, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Bên trong hai lỗ tai còn lùng bùng tiếng dội kinh hoàng của cả cái thân cây đồ sộ nghêu ngoao những cành to bằng cột đình bổ nhào, cắm phập vào mặt ruộng nứt toác đang kỳ khô hạn.

Hơn nửa thế kỷ trước, Tôi với Chuột Nhắt là bạn chăn trâu cắt cỏ. Nó kém tôi dăm tuổi. Vẫn bị tôi xếp vào loại chíp hôi. Bố Chuột Nhắt nuôi rẽ con bò cái, khi nào có bê con, chủ bò bán bê chia cho một nửa. Năm hai vụ, giống bò chỉ cày bừa được vài đám ruộng màu, đồng sâu lún thụt chịu chết không lội nổi, nên chả kiếm được mấy đồng. Từ cha chí con tứ thời đói rách như tổ đỉa. Tôi học lên cấp hai, Chuột Nhắt mới vào lớp một. Nhưng mà nó khôn lỏi nhí nhắt hơn chuột nhắt. Bọn chúng tôi chỉ được mẽ lêu đêu to xác, chẳng đứa nào ranh ma bằng nó. Nhớ một chiều mấy đứa nằm duỗi dài chụm đầu vào nhau trên mặt đê, úp nón che mặt thiu thiu ngủ. Bỏ mặc đàn trâu bò vẩy đuôi thung dung gặm cỏ ngoài bãi sông Nguồn. Bỗng nhiên thằng Chuột Nhắt ngồi bật dậy ré lên một tràng cười chói tai. Ngớt cơn cười, nó lật nón từng đứa thì thào hớt lẻo: Em biết chuyện này hay lắm cơ. Các anh muốn xem em chỉ chỗ cho.

Tôi làu bàu: Thằng nhóc phá bĩnh, để cho chúng ông ngủ. Em nói thật đấy, trắng trắng là, ban đêm tối om mà nhìn tay chân mình mẩy cứ như củ cải ấy. Thằng lớn nhất bọn háo hức nghển cổ tò mò: Mày bảo cái gì trắng lôm lốp? Nhưng mà anh không được bảo em lẻo mép đấy nha. Em thấy họ hôn  nhau chùn chụt rồi lủi vào bên trong miếu Bà Nàng. Lát sau em nghe tiếng xột xoạt, tiếng rúc rích cười, tiếng thở phì phà đằng sau bệ thờ Bà. Em hết sợ ma, lén mò vào sát hậu cung, eo ơi, một người lưng như cánh phản đen kịt đè lên một người trắng như lợn cạo. Em vớ cục phân bò khô ném vào trong ấy rồi chạy biến. Chuyện ấy tôi chả quan tâm, lại úp nón ngủ tít. Chả biết hai thằng hẹn nhau thế nào, buổi chăn trâu hôm sau chúng nó cứ nhìn nhau cười tủm tỉm. Thằng kia dứ dứ nắm tay chỉ vào mặt Chuột nhắt: Bí mật, đừng rủ đứa nào, tối nay chờ tao nhá.

Chả biết chúng nó có bép xép với ai không. Dưng mà cả làng đã biết từ tám hoánh cái đôi lén lút tư tình ấy là ông trưởng xóm và vợ ông hàng mã. Đâu như vào năm ta tiến hành tiêu thổ kháng chiến chống Pháp, vợ chồng ông hàng mã ấy chạy tản cư đến làng tôi. Nhắm gần chợ, lại xa đồn bốt giặc, ông ta xin ở nhờ căn nhà nhỏ ông tôi cất ngoài cổng làng cho cô tôi làm chỗ bán hàng lặt vặt, bấy giờ loan lạc bỏ không. Lúc ấy tiếng rằng vẫn bì bọp tiếng súng chỗ này chỗ nọ, nhưng chợ Xanh vẫn đều đặn họp mỗi ngày. Làng vẫn có ma chay, giỗ chạp vẫn phải cần đến giấy tiền, giấy bạc cúng kiếng vong linh. Nên vẫn có việc cho ông hàng mã khéo tay ngày ngày gò lưng cặm cụi từ sáng sớm đến canh khuya làm những con ngựa, những hình nhân mỹ nữ cho cô vợ sáng sáng xếp vào đôi bồ quảy đi các chợ. Do phải ngồi riết trong nhà như cây cớm nắng, nên ông ta nước da xanh rớt, chân tay gầy ngẳng và ho sù sụ suốt.

Vợ ông thì ngược lại, về đường nhan sắc, chị ta chỉ có mỗi nhược điểm hai con mắt nhỏ tí, nhưng được hai hàng lông mi dài muợt phủ bóng nhung huyền, lại hoá ra ưu diểm mơ màng quyến rũ đến chết người. Các bộ phận khác trên cơ thể chị ta đều hoàn hảo không chê vào đâu được. Từ đôi lông mày lá liễu, khuôn mặt nhẹ nhõm với đôi má hồng hồng, cho đến tứ chi, đoạn thì mây mẩy, đoạn thì tròn lẳn, trắng nõn như búp măng vừa bóc vỏ. Hình như chị ta cũng biết được ưu điểm vượt trội của mình ở chỗ nào, quyến rũ ở chỗ nào. Mỗi lúc nhà có đông những ông khách đến chơi, ngồi dai, uống nước vặt, chị ta hay kiếm cớ đong đưa đi lại ngầm khiêu khích. Trời không nóng lắm, cũng kêu nực đổ mồ hôi, rồi xắn hai ống tay áo lên cao, để lộ hai búp tay mịn màng tròn trịa. Khiến từng đôi mắt đàn ông không giấu được vẻ thèm thuồng, cứ như bị chị ta quệt hồ dán vào những chỗ da thịt cố tình để hở. Tới ngày chiến tranh chín năm kết thúc, vợ chồng ông hàng mã không hồi hương, nói rằng ở đây dễ làm ăn hơn. Mấy năm sau, làng xây dựng hợp tác xã, vận động xoá bỏ mê tín dị đoan, cấm ngặt đốt vàng, đốt mã. Chị hàng mã ấy chỉ dùng độc một chiêu xắn tay áo, xắn ống quần lên cao đúng lúc, đúng chỗ, thế là đôi bồ hàng như có phép thần cứ nhún nhảy lọt qua mấy anh quản lý thị trường, có mặt khắp chợ xa chợ gần, úp úp mở mở bán những xấp áo chúng sinh bằng giấy xanh xanh đỏ đỏ.

Vào khoảng đầu thế kỷ trước, một sớm có đôi vợ chồng trẻ chẳng rõ gốc tích, dắt nhau đến làng tôi xin ngụ cư. Anh chồng dáng vẻ thư sinh, mặt mũi sáng sủa nhưng đôi mắt toét nhoèn đỏ nhỡn. Chị vợ cục mịch kiểu người lam lũ. Ông lý trưởng ra điều kiện: Chịu làm chân rao mõ thì ưng thuận. Anh chồng xin vâng. Bên ngoài lũy tre đầu làng tự thượng cổ đã sẵn một cái gò rộng chừng hơn sào bắc bộ, mặt gò cao hơn mặt ruộng chừng vài thước ta. Trên ấy mọc chẳng ra hàng lối nào toàn một loại cây duối họp thành rừng cổ thụ. Ông lý bảo: Tạm giao cho anh khu gò duối. Để làng cắt dân phu làm cho một nếp nhà ở đấy. Nhớ đừng động chạm vào những cây duối ấy. Ma vật gẫy cổ đấy. Chợt nhớ đến phận sự, ông lý hỏi tiếp: À mà anh tên gì để làng ghi vào sổ? Dạ con tuổi Tý, xin cụ cho con tên Thử. Anh biết chữ Nho à? Dạ phận mõ khán con đâu dám ạ.

Sau này, người ta nhận thấy nhà khán Thử có hai điều lạ. Thứ nhất, con cháu ông ta đều sinh năm Tí. Đời nào cũng được nhõn một thằng con. Khán Thử lấy tên Tí đặt cho con mình. Khán Thử về già, khán Tí nối nghiệp rao mõ, cũng chỉ được một thằng con, lại cũng sinh đúng vào năm Tí. Khán Thử lấy tên Chuột đặt cho cháu nội mình. Tức thằng Chuột bây giờ. Bọn trẻ chúng tôi thấy nó ranh mãnh, nhí nhắt nên gán cho cái biệt danh Chuột Nhắt. Cái lạ thứ hai, ba đời nhà thằng Chuột Nhắt đều mắt toét. Ông nội mắt toét. Bố nó mắt ba vành sơn son. Đến thằng Chuột Nhắt lại mắt cạp tây điều. Ngày ấy mấy bà hàng tấm chợ Xanh đưa về bán loại vải phin chiều ngang rộng một mét, mỗi đầu cây vải in hình ông Tây đội mũ phớt, vểnh râu dê, màu trắng gọi là vải Tây cống, màu đỏ gọi là vải Tây điều. Hễ ai mắt toét người làng ví von mắt cạp tây điều. Chúng tôi đã gọi nó Chuột Tây điều. Sau thấy đùa kiểu ấy tội nghiệp quá, mới đổi thành Chuột Nhắt.

Thời điểm chiến tranh chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt, tôi học chuyên môn cầu đường, được điều vào chiến trường phụ trách kỹ thuật của đoàn dân công hỏa tuyến dặt ống xăng dầu dọc tuyến Trường Sơn. Thằng Chuột Nhắt mắt toét không đủ tiêu chuẩn đi bộ đội, phải biên chế vào đơn vị ấy. Tôi và nó trở thành đồng đội với nhau. Ngày ngày làm việc bên cạnh những quả bom nổ chậm. Không hiếm lần chúng tôi nằm che cho nhau dưới những chùm bom u ú trên đầu. Nhiều đêm phải vật lộn tới sáng hàn gắn những đoạn ống bị bom phá huỷ. Sự sống, cái chết cách nhau gang tấc. Hiếm hoi được đêm yên tĩnh, chúng tôi mắc võng song song bên nhau ôn chuyện quê nhà. Năm ấy Chuột Nhắt đã ngoài hai chục tuổi rồi. Một tối nó rủ rỉ: Có thể em sẽ chết mà không biết mùi gái gú anh ạ. Tôi mủi lòng: Thế mày đã có hẹn hò với em nào chưa? Nó tủi thân bộc bạch: Mắt cạp Tây điều như em, gái nào nó thèm lấy. Nghe vậy, tự nhiên tôi thấy thương nó vô cùng. Tôi im lặng giả vờ ngủ. Nhưng mà nó nhoài người ghé sát võng tôi hổn hển: Anh ạ, chẳng hiểu sao đêm nào em cũng mơ thấy chị vợ ông hàng mã trắng lôm lốp như cục bột nằm rên ư ử trong hậu cung miếu Bà Nàng ngày ấy. Được lấy chị ta làm vợ thì mới thoả đời em. Tôi gạt phắt: Tư tưởng bệnh hoạn. Chị ấy hơn mày gần hai chục tuổi đấy. Tỉnh lại đi. Đồ nhóc con dở hơi.

Sáng hôm sau máy bay B52 ném bom rải thảm chà đi chà lại. Tôi bị thương gẫy chân. Không có thằng Chuột Nhắt liều chết cõng tôi vượt qua hai quả đồi thì đã thành liệt sĩ rồi. Tôi chịu ơn nó từ những ngày gian lao máu lửa ấy.

Sau giải phóng Sài Gòn, tôi về học tiếp chương trình bỏ dở, rồi được phân công vào thành phố Hồ Chí Minh công tác. Ngày ấy thông tin cho nhau chỉ bằng thư từ. Mà cũng chệch choạc lắm, nên khoảng chục năm sau, tôi về thăm quê mới té ngửa chuyện vợ thằng Chuột Nhắt chính là chị vợ ông hàng mã năm xưa. Ông anh tôi kể: Đúng là cả mái hại sống. Ông hàng mã khò khè ấy bị chết vì chứng thượng mã phong đã mấy năm rồi. Chưa đoạn tang chồng, bụng chị vợ đã to lùm lùm. Chị ta khai cha đứa bé là thằng Chuột Nhắt. Thằng Chuột Nhắt hớn hở công nhận như vậy. Thấy nó lớn tuổi rồi vẫn lêu têu không vợ không con, chúng tao vun vào cho họ nên vợ nên chồng. Bây giờ nhà nó thêm đứa con gái nữa rồi. Đứa con đầu của nó trắng trẻo, bụ bẫm lắm. Nhưng mà sau gáy thằng bé có cái bớt bằng vảy ốc nhồi, đen đen như da chó. Giống y chang miếng bớt đóng dưới dái tai anh hàng thịt chó ngoài chợ Xanh. Ai cũng nghi nghi thằng nhỏ không phải con Chuột Nhắt.

Tôi đến chơi nhà Chuột Nhắt đúng lúc vợ nó đang cho con gái bú. Bỏ vú mẹ, đứa bé lón cón chạy xà vào lòng bố. Gặp tôi, Chuột Nhắt mừng rỡ, híp mắt cười hở cả hai hàm răng chuột. Chị hàng mã hình như có ý ngượng, núng nính cặp mông đi xuống bếp đun nước mời khách. Tôi nhìn theo chị, đang vào độ sắp mãn xuân thì, mình mẩy chỗ nào cần nảy nở thì da thịt cứ nây nây hết cỡ. Nhờ có nước da trắng nõn nên trông chị vẫn phơn phớn mỡ màng bất chấp tháng năm, tuổi tác. Quay sang thằng Chuột nhắt, hai vai nó mỏng dính, cái lưng xùm xụm gợi cho tôi thoáng nhớ tới ông hàng mã năm xưa, thầm xót xa lo lo cho nó. Nhưng bắt gặp ánh mắt nó lấp lánh mãn nguyện hạnh phúc, tôi lại có bụng mừng mừng. Chợt nhớ lời tâm sự nóng bỏng nó phả sang võng tôi đêm Trường Sơn ấy, tôi định nói: Bây giờ mày được thỏa đời rồi chứ? Nhưng im lặng.

Dăm năm sau, tôi về làm đám tang ông anh. Xong xuôi công việc, tôi ra thăm thằng Chuột Nhắt. Cảm thấy không khí nhà nó lạnh tanh, vắng vẻ. Chưa hỏi nó đã kể lể, giọng điệu chẳng vui, cũng chẳng buồn: Bỏ đi rồi. Vợ em nó bỏ đi rồi. Đi theo thằng bán thịt chó ngoài chợ Xanh rồi. Bây giờ em nuôi hai cháu. Bị vợ bỏ mà phúc tổ nhà em, anh ạ. Em hết chịu nổi. Em ho hen khò khè tưởng chết đến nơi. Bà ấy thì cứ như chiếc nùn rơm ngún lửa, đêm nào cũng nóng bỏng đòi hỏi. May mà thằng thịt chó bỏ con vợ già, quyến người tình cũ lặn mất tăm mất tích. Hai năm rồi. Bây giờ em chỉ còn lo làm ăn gây dựng tương lai cho hai đứa nhỏ thôi. Tôi nhìn thằng bạn, đôi mắt buốn buồn, chân tay, người ngợm đã có da có thịt, không cóm róm nhem nhếch như lần trước tôi gặp nó.

Năm ngoái tôi về quê ăn tết. Đến nhà Chuột Nhắt, tận mắt chứng kiến gia cảnh nó đổi mới đến ngỡ ngàng. Chỉ còn dỡ tung ba gian tre nứa ọp ẹp, đúc bê tông nữa là chẳng còn tí dấu vết cái nhà tranh rách nát kinh niên một thuở. Vừa gặp mặt, nó đã nở nụ cười rất tươi chỉ chỏ khoe đủ thứ. Ngồi chưa nóng chỗ, nó đem ra bình rượu to đùng màu vàng ánh, bên trong lơ lửng củ nhân sâm cỡ bông hoa chuối. Tí tởn khoe: Của mấy anh kỹ sư cho đấy. Nghe nói giá chục triệu. Rồi kể thêm: Thằng con lớn được bổ nhiệm trưởng trạm khuyến nông huyện. Lương lậu chẳng là bao, nhưng mấy tháng nay được ba chuyên gia nông nghiệp người nước ngoài về làng mình triển khai dự án thí điểm cánh đồng sản xuất các giống lúa chất lượng cao, cũng kiếm được khơ khớ. Họ trực tiếp đầu tư vốn liếng, dân mình chỉ biết góp ruộng, làm công cho họ. Tiền thuê ruộng họ tính cao giá lắm. Ký kết rồi, nhưng chưa hộ nào lĩnh được tiền. Họ bảo sẽ khai phá gò duối để xây toà nhà đồ sộ mấy tầng lầu làm viện nghiên cứu tổng hợp zen. Tạm thời họ ở tạm nhà em. Bàn ghế, giường tủ đời mới này họ mua sắm cả đấy.

Lúc ấy thằng con trai Chuột Nhắt đang ở cơ quan. Nhà chỉ có đứa con gái đã hai mươi mấy tuổi vẫn chưa chồng con gì. Lúc con bé đỏ mặt hí hí cười một mình đi ra đi vào, lúc đứng vịn tay vào cành duối cạnh ngõ quay mặt ra đường, vẻ nôn nóng chờ ai đó. Con gái nhà nông mà nó diện quần zin áo thung bó sát người thế này, xem ra vận hội nhà Chuột Nhắt đang hồi phát đạt. Phải công nhận con bé giống mẹ như đúc. Nếu không bị đôi mắt toét ba vành thì nó còn đẹp hơn mẹ. Tôi hỏi Chuột Nhắt: Thời buổi thành tựu y học tiến vù vù, sao không cho con bé đi chữa mắt? Chuột Nhắt thở dài: Ngày nó còn nhỏ, lo ăn còn chẳng xong. Bây giờ cứng tuổi rồi. Đi mọi chỗ rồi. Họ bảo do zen di truyền, Hết cách. Tôi an ủi: Con bé xinh xắn thế, chắc mày kén chọn kỹ quá nên nó muộn chồng? Kén chọn gì đâu anh ơi, nó bị dở người đấy. Cả ngày không cười hi hí thì nhởn nhơ đuổi bướm, đuổi chim trong rừng duối. Tôi chẳng biết mở miệng an ủi nó thế nào nữa. Lúc ra về, vòng qua lối miếu Bà Nàng, tôi phải lách chân tránh chiếc xe mô tô kềnh càng, hai bánh to như bánh ô tô du lịch đậu chắn ngang đường. Cạnh chỗ cái xe, một người đàn ông cầm tờ giấy rộng bản vẽ những đường ngang dọc, vẻ mặt đăm chiêu. Hai người kia cùng nhướng hai đôi mắt một mí ngước lên ngọn muỗm, tay chỉ chỏ về phía nhà Chuột Nhắt. Rồi cả ba chụm đầu tranh luận với nhau bằng thứ tiếng tôi nghe giống giống ngày còn học phổ thông, chúng tôi thường đùa nhau: Lảo xư, lảo xư lưa tí xỉn, hảo xư cù.

Cây muỗm trước cửa miếu Bà Nàng cách sân nhà Chuột Nhắt chừng vài trăm mét. Lúc ấy chiều đã muộn, nắng hoe hoe nhuộm màu vàng nhạt mấy tầng lá trên cao. Ruộng ngô nằm giữa nhà Chuột Nhắt với miếu Bà Nàng đang kỳ trổ cờ lắt lay trước gió. Tán cây Muỗm đổ một vùng đen xậm tới sát chân gò duối. Tự cổ, giữa gốc muỗm và ngôi miếu Bà Nàng đã có cái giếng rộng cỡ gian nhà. Thành giếng xây bằng đá ong. Miếu Bà Nàng có tự bao giờ, cây muỗm đã bao nhiêu tuổi, chả ai biết được. Cụ tôi bảo các cụ xưa truyền lại, ông tôi bảo cụ tôi kể lại, đến cha tôi lại bảo ông tôi kể rằng: Cụm quần thể gồm cây muỗm, ngôi miếu, cái giếng và khu rừng duối là chỗ ông quan thái thú chôn giấu vàng bạc chưa kịp đưa về nước. Chả ai biết chum châu báu ấy ở chỗ nào. Chỉ truyền tai nhau rằng chốn này thiêng lắm. Rằng ngày xưa bọn nó bắt một cô gái đồng trinh, cho ngậm nhân sâm rồi nhốt dưới hầm sâu cùng với một chum nước. Sau một trăm ngày, chum nước cạn, cô gái ấy chết, hoá thành nữ thần canh giữ kho vàng bạc cho chúng. Lúc còn nhỏ, nhiều đêm tôi đi qua gốc muỗm, qua khu gò duối um tùm, chưa bao giờ gặp chuyện gì rùng rợn. Vậy mà cứ hỏi mười người làng thì ba, bốn người xưng xưng tận mắt thấy ma hiện hình chỗ ấy, chỗ nọ. Người bảo nửa đêm gặp một bầy lợn con vàng óng ánh từ dưới lòng giếng ngoi lên, chạy lũn cũn trước mặt. Liều vồ một con, đuổi hụt hơi suốt đêm vẫn tay không. Hôm sau ốm liệt giường mấy tháng, phải biện lễ cúng miếu Bà mới khỏi. Người bảo giữa trưa đụng thằng bé lên ba mặc quần áo xanh giang tay đứng ngáng giữa đường. Người nói chính mắt thấy cô gái trẻ mặt trắng nhởn ngồi vắt vẻo trên cành muỗm cao ngất hát véo von, nghe ai oán lắm.  Tóm lại toàn những chuyện ma lảng vảng khu chôn cất vàng bạc đầy bí hiểm. Ai dại dột động vào, chỉ có nuớc chết.

Sau cuộc điện thoại lúc nửa đêm của thằng cháu, kết hợp với giấc mơ khác thường, linh tính bảo tôi nhà Chuột Nhắt xẩy ra sự biến rồi. Hai hôm sau tôi đã về đến đầu làng. Còn cách xóm chừng cây số, ngước nhìn thấy tán cây muỗm như dám mây xanh rì vươn khỏi những ngọn tre ven đường, tôi đỡ hồi hộp lo lắng phần nào. Tới chỗ ba tay kỹ sư đứng chỉ chỏ ngày nào, nhìn sang gò duối, một quang cảnh tan hoang hiện ra trước mắt tôi. Những gốc duối gốc to cả người ôm, từ thượng cổ dân làng tôi chả ai dám động vào dù chỉ một cành làm củi, giờ bị nhổ bật lên nằm la liệt bên những cái hố sâu hoắm. Tôi vào nhà Chuột Nhắt, nó đang ngồi bệt giữa sân, mái tóc xác xơ cúi gục giữa hai đầu gối lêu lếu, nhô cao quá gáy. Mở choàng đôi mắt trắng bợt màu khói, nhận ra tôi, nó khoát tay: Bọn kỹ sư lừa đảo ấy chuồn rồi. Nó đưa máy về nhổ hết khu rừng duối, khoan tứ tung bao nhiêu lỗ, bảo là khảo sát để tính toán độ chịu lực của móng nhà. Ai dè nó khoan tìm chum vàng ngày xưa tổ tiên bè bối nó chôn giấu. Châu báu ấy là xương máu của ông cha mình đấy. Thì ra xưa nay dân mình cứ u mê canh giữ đống của cho bọn nó. Gian buồng đầu hồi nhà em còn một lỗ sâu với cái vỏ chum chúng để lại. Anh vào mà xem. Đêm ấy, chúng cho hai bố con em uống thuốc mê, ngủ như chết. Ba thằng đào huyệt rồi vơ vét sạch sành sanh, chả biết những của cải gì. Nửa đêm nó lên xe chạy tuốt luốt. Tiếng máy xe nổ đùng đùng mà dân làng chẳng ai hay. Báo công an rồi. Nghe nói họ đang ráo riết truy đuổi chúng.

Từ ngoài cổng, đứa con gái Chuột Nhắt cười hi hí đi vào, hai bàn tay xoa nhẹ vồng bụng nhô cao. Tinh ranh ai bằng thằng Chuột Nhắt giờ cũng bị bọn chúng lừa gạt. Thật khốn khổ thằng bạn bé nhỏ của tôi. Thật khốn khổ cho cái bụng mang dạ chửa của đứa con gái ngây ngô của nó. Mấy tháng nữa con bé sẽ sinh ra cái giống mắt ti hí, giọng nói lí lớ nghe đầy vẻ thâm tình mà chả biết lúc nào trở mặt.

Theo V.T.K/ Van.vn

 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Nhà văn Milan Kundera và một văn bản gây sốc

26 Tháng Năm, 2023

Vụ bê bối bắt đầu ngày 13 tháng mười 2008, khi tạp chí Respekt, một ấn phẩm báo chí nghiêm chỉnh của Cộng hòa Séc, đăng ở trang đầu Bản ghi nhận ký ngày 14 tháng ba 1950, liên quan đến Milan Kundera, sinh năm 1929, nhà văn Pháp lừng danh gốc Tiệp.

Hai ngày tiếp theo, các cơ quan truyền thông chủ yếu của nước này tiếp tục công bố “Bản triệu tập Milan Kundera ra Tòa án Lịch sử”. Hệ thống báo chí truyền thông toàn cầu vào cuộc ngay.

Vụ việc được quốc tế hóa và chưa biết khi nào có hồi kết. Đáng ngạc nhiên, “Bản án tử hình công cộng một tác giả bậc thầy” được tung lên mạng từ 12 tháng mười, bởi chính Viện nghiên cứu các chế độ độc tài của CH Séc, chủ sở hữu những hồ sơ tương tự.

Hiện tại, nó chấn động không chỉ giới văn bút ở Séc, quê hương của Kundera, và Cộng hòa Pháp, Tổ quốc thứ hai của văn hào.

Công chúng văn chương và vô số dân thường tại nhiều quốc gia tập trung nghe ngóng và khám phá những bí mật của vụ việc gần 60 năm trước và cuộc đời và văn nghiệp của Mila Kundera, một nghịch lý văn chương kỳ lạ nhất thế kỷ.

Việc làm trắng đen rõ ràng Bản ghi nhận gây sốc, theo đó, Kundera lừng lẫy thực chất là một tên chỉ điểm tầm thường, sẽ giải mã tối ưu những bí ẩn của một con người cực kỳ kín đáo, của một cây bút bản lĩnh mà mỗi tác phẩm là một sự kiện văn học quy mô toàn cầu.

Milan Kundera, mà người ta đề cử cho Nobel nhiều lần, vẫn được truyền tụng là nhà văn đương đại số một của Cộng hòa Séc. Một đôi lớp trẻ hiện tại của Séc không biết mấy về ông.

Bây giờ, “Bản tố cáo ông tố giác bạn bè” đang “phanh phui” theo yêu cầu của hàng ngàn vạn thanh thiếu niên Séc quá khứ và hiện tại. Ông chào đời ở Brno, Mondavia, Tiệp khắc cũ, trong một gia đình mà nghệ thuật và văn hóa chiếm ưu thế.

Cha ông, một nhà nghiên cứu âm nhạc kiêm tay chơi dương cầm gạo cội, truyền thụ cho ông tình yêu nghệ thuật và nhiều kiến thức âm nhạc quan trọng. Nhờ vậy, ông chơi giỏi piano.

Về sau, khi ông bị khai trừ khỏi Đảng cộng sản và bị hất ra đường, ngón đàn điêu luyện giúp ông không chết đói và lụn bại. Chính quyền công nông được thiết lập tại Tiệp Khắc cũ năm 1948.

Năm đó, ông bắt đầu học văn chương và mỹ thuật ở Đại học Nghệ thuật. Song ông bỏ dở và chuyển sang Đại học Điện ảnh Praha. Tốt nghiệp năm 1952, ông bị quy kết “chống đối” và bị hoạn nạn như nói trên.

Năm 1956, ông được Nhà trường thu hồi trở lại, nhưng đến 1970, thì bị gạt bỏ vĩnh viễn. Xin lưu ý, ông không chống Đảng cũng như chính quyền. Song phương pháp tư duy và sáng tác của ông bộc lộ trong văn chương bị coi là “cổ vũ lật đổ” và gây cho ông nhiều rắc rối.

Năm 1953, ông cho ra mắt tập thơ Con người, khu vườn mênh mông, không giấu giếm nỗi lo ngại về những ấu trĩ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Năm 1955, vở kịch Tháng năm cuối cùng của ông xúc động đông đảo khán giả vì nó ca ngợi thuyết phục Julius Fucik, anh hùng chống phát xít để lại câu nói bất hủ: “Hỡi nhân loại, tôi yêu tất cả mọi người. Hãy cảnh giác !”. Năm 1958, truyện ngắn giá trị đầu tiên của ông ra đời.

Đấu tranh cho tự do và độc lập của văn hóa, ông mất việc ở Đại học Điện ảnh Praha như đã đề cập. Từ đó, các tác phẩm của ông bị rút khỏi các hiệu sách và thư viện. Ông không được xuất bản gì nữa. Tuy nhiên uy tín một nghệ sỹ ngôn từ cự phách được quảng đại dân thường quý trọng đã giữ được an toàn cho ông.

Năm 1975, ông cùng vợ được phép rời Tiệp khắc, tới Pháp giảng dạy văn chương trong một số trường đại học. Năm 1979, quốc tịch Tiệp của ông bị tước bỏ.

Nhân đọc vài bản dịch tiếng Pháp các tác phẩm của mình, ông buồn nản về việc người dịch vô tình xuyên tạc và giết chết những đứa con tinh thần mang nặng đẻ đau.

Năm 1981, ông được nhập quốc tịch Pháp. Vốn sành sỏi ngôn ngữ của Hugo, Balzac, Flaubert và Aragon, ông quyết định sáng tác bằng tiếng nói của các bậc tiền bối mà ông ngưỡng mộ.

Từ đầu những năm 1990 cho đến nay, ông chỉ viết bằng tiếng Pháp. Có điều, ông kỹ tính có lẽ còn hơn tác giả Bà Bovary, thai nghén, thể hiện, sửa chữa tác phẩm cẩn thận đến sốt ruột.

Ông thường xem lại bản thảo đã hoàn chỉnh vài năm rồi mới cho ấn hành. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, ông mới cống hiến cho bạn đọc muôn phương 10 cuốn tự sự, 3 vở kịch, 4 tập tiểu luận và 2 tập thơ. Song, hiếm cây bút như ông, sành điệu cả trong lý thuyết lẫn thực hành.

Với ông, “văn học tác động vô bờ đến cuộc sống”, “tiểu thuyết xé toạc tấm màn thần kỳ treo trước nhân loại”, “nhà tiểu thuyết không phải đầy tớ của các nhà lịch sử”, “vai trò của nhà tiểu thuyết là diễn giải, chất vấn, viết lại lịch sử, cho nó hiện ra chân thực và sâu sắc hơn nhiều”…

Những phát hiện nhân tình thế thái của ông mỗi độ một thời sự. Đấy ví như, do chỉ sống có một lần, người ta thích sống nhẹ nhõm, càng ít trách nhiệm càng hay, và coi mọi chuyện đều là phù phiếm, dễ chấp nhận và cho qua. Thế nhưng, một trò đùa vô tâm có thể làm điêu đứng không chỉ một thân phận.

Trong lời tựa của tiểu thuyết Đùa, 1967, ông viết thật chí lý: “Tất cả sẽ bị quên đi, nhưng không gì vãn hồi nổi”. Ông không xưng tụng sự tiêu vong của thế giới và chiến thắng của quyền con người, mà lại công kích văn minh phương Tây và bảo vệ các dân tộc nhược tiểu. Lập trường kiên định ấy của ông giờ đây đang buộc ông phải trả giá?

Không ít chuyên gia khẳng định Bản ghi nhận 1950 còn nhằm “đánh” ông ở một chuyện buồn. Thực tế, ông luôn nặng lòng với quê cha đất tổ. Văn chương của ông hiện nay vẫn thấm đẫm chất Séc muôn thuở. Song đồng bào của ông giờ đây rất ít được đọc sách của ông, ngoài một số tác phẩm ban đầu viết bằng tiếng mẹ đẻ.

Ông không muốn cho người khác dịch tác phẩm của ông ra tiếng Tiệp. Do vậy, mới đây, ông phiền lòng vì cuốn Căn cước, 1997, được dịch lậu sang ngôn ngữ quê hương và lưu truyền thoải mái trên mạng.

Công chúng Séc bắt đầu “giành lại” ông như vậy đó. Song đôi nhà nghiên cứu cho rằng chừng một trăm năm nữa, dân Séc mới được thưởng thức những áng văn hay nhất của ông.

Thực ra, ông hiểu chỉ ông mới chuyển ngữ thành công tác phẩm của mình, nhưng ông quá bận. Đầu năm nay, một đoàn kịch Séc muốn công diễn một vở kịch của ông thời sinh viên tưởng thất lạc mãi mãi.

Ông không chịu, rồi yêu cầu vở kịch phải đạo diễn do ông chỉ định dàn dựng. Vở kịch được phục vụ khán giả Séc từ cuối tháng 9.2008 như một kiệt tác kinh điển.

Chính giới Séc đánh giá cao những ý kiến của ông về nơi chôn nhau cắt rốn. Ông cũng băn khoăn về chuyện trở về. Song chuyện ấy xem ra vẫn xa vời vợi.

Người ta tức giận và tìm cách thóa mạ ông bằng vụ tung hê quá khứ chẳng sạch sẽ gì của ông? Theo Bản tố tội nói ở đầu bài, Milan Kundera có một bạn gái sinh viên tên là Iva Militka.

Militka tình cờ gặp lại bạn trai Miroslav Dvoracek. Qua câu chuyện, Miltka biết Dvoracek trốn đi tị nạn tại Đức từ lâu, giờ anh làm việc cho tình báo Mỹ và về Tiệp thu thập thông tin cho chủ. Militka hứa cho Dvoracek qua đêm trong phòng ký túc xá của cô để tránh nguy hiểm cho bạn.

Cô báo cho người yêu Miroslav Dlask, bạn của Kundera, đêm đó đừng tới như thường lệ. Dlask nói lại với Kundera và Kundera đi báo cảnh sát. Cảnh sát chờ sẵn và khi Dvoracek về phòng, Militka phải tra tay ngay vào còng.

Dvoracek bị kết tội phản quốc, suýt bị tử hình, may được giảm xuống 22 năm khổ sai. Thụ án 13 năm ở một mỏ quặng, Dvoracek được thả, đến định cư  ở Thụy Điển.

Được hỏi về Biên bản chết người đang ầm ỹ, qua vợ ông, Dvoracek đã 80 tuổi cho hay dĩ nhiên ông bị tố giác, song ai làm việc ấy giờ không còn ý nghĩa gì. Cộng hòa Pháp, CH Séc và Milan Kundera đều bị sốc.

Nhà văn từ mấy chục năm “cạch hẳn” phỏng vấn, liền chủ động nói điện thoại với  Hãng tin CTK của Séc, khẳng định ông không liên quan gì tới vụ Dvoracek và cho đó là một âm mưu “ám sát” ông về tinh thần.

Dư luận Séc và Pháp mỗi ngày một sôi nổi. Người bán tin bán nghi, kẻ thẳng thừng bác bỏ Bản ghi nhận kỳ quặc. Một nhà sử học Séc già cả đang nằm viện, khẳng định chính bạn tình Miroslav Dlask hiện là chồng của Militka đã tố cáo Dvoracek.

Một cuộc điều tra tính xác thực của văn bản lạ lùng đã mở. Nhiều câu hỏi đang được công luận đặt ra. Ví dụ, Milan Kundera không phải một người cuồng tín, vậy ông lập công chuộc tội để làm gì? Hay ông muốn giúp bạn Miroslav Dlask? Song nếu vì ghen, Miroslav Dlask tự đi báo cảnh sát mới hợp logic?…

Theo Từ Bình Tâm/ Báo Tiền Phong

 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

 

Văn hào Nga Anton Tsekhov: Niềm yêu không thỏa

26 Tháng Năm, 2023

Không ai biết trong đời mình, một nhà văn đã từng yêu bao nhiêu người. Nhưng chúng ta có thể biết, nhà văn ấy đã từng đau đớn vì những ai trên tình trường. Với văn hào Nga Anton Tsekhov, nhận định này càng đúng. Ông từng nổi tiếng thế giới với những truyện ngắn và kịch về tình yêu. Tuy nhiên, cho đến phút cuối cùng của cuộc đời, Tsekhov vẫn chưa viết xong nổi tác phẩm nhiều dư vị nhất của mình: mối tình giữa ông với nữ nghệ sĩ sân khấu Olga Knipper.

Lần đầu tiên Tsekhov nhìn thấy người vợ tương lai là vào năm 1898. Khi đó, ông tới xem vở diễn Sa hoàng Fiodor Ioannovich trên sân khấu của Nhà hát nghệ thuật hàn lâm Mátxcơva (MKHAT) mà hai tên tuổi lẫy lừng Stanislavsky và Nemirovich – Danchenko vừa lập ra.

Ấn tượng còn lại trong lòng nhà văn đa cảm về vở diễn như sau: “Tôi cảm thấy khá xúc động với giọng điệu trí thức của vở diễn và hơi hướng của một thứ nghệ thuật đích thực phảng phất từ sân khấu, dẫu rằng những diễn viên tham gia không phải là những tài năng lớn. Chân thành, thanh cao, tử tế – thật thú vị, thậm chí trong họng còn cảm thấy nghèn nghẹn. Nếu tôi ở lại Mátxcơva, có lẽ là tôi sẽ phải lòng nàng Irina ấy”. Irina, hoàng hậu của ông vua chập mạch Fiodor là vai của nữ nghệ sĩ vừa bước vào tuổi tam thập Olga Knipper trên sàn diễn MKHAT hôm ấy.

Tsekhov, lúc đó 38 tuổi, vẫn còn ở trong tình trạng sức khoẻ chưa đến nỗi nào dù ông đã bị mắc bệnh lao. Bác sĩ chữa bệnh cho ông, Isaak Naymovich Altsshuller, kể lại rằng, Tsekhov “vẫn giữ được vẻ ngoài khá hồ hởi, và dẫu đi lại hơi bị cóm róm một chút nhưng dáng vẻ vẫn tương đối thanh thoát. Chỉ có những nếp nhăn hiện lên ở khóe miệng và góc đôi mắt, cái nhìn đôi khi mỏi mệt, và nhất là hơi thở dốc mỗi khi phải bước lên cao một chút cùng những cơn ho độc địa mới làm lộ ra căn bệnh quái quỷ”.

Bệnh lao đã không cho phép Tsekhov sống ở Mátxcơva nên ông đã rời khu trang trại ngoại ô Malekhovo, xuống Yalta tạo dựng “tổ ấm” mới của mình với cái tên “Ngôi nhà trắng”. Xa mặt mà chẳng cách lòng, trong nỗi nhớ thành phố Mátxcơva thân thuộc, Tsekhov bỗng thấy thích thú với hình ảnh người vợ ngoan hiền nhẫn chịu của Sa hoàng Fiodor trên sàn diễn MKHAT và dần dà, từ chỗ yêu nhân vật Irina, ông cũng bắt đầu quyến luyến người diễn viên đã tạo dựng nên nhân vật đó…

Lửa đổ thêm dầu là việc người em gái Maria của Tsekhov lại gửi thư khuyên ông “nên làm quen với Olga Knipper, vì đó là một phụ nữ rất thú vị”. Số là, Maria cũng rất mê sân khấu, mà Olga Knipper lúc đó đang được lãnh đạo MKHAT là Danchenko “sủng ái”. Maria hy vọng rằng, nếu anh trai mình gây được cảm tình với “ái nữ” của Danchenko thì mình cũng sẽ có thể nhờ nói đôi lời với ông để ông lưu tâm và dành cho vai diễn nào đó đáng kể. Về sau, Maria đã rất ân hận vì mình đã hành động như thế…

Tsekhov đến với Olga  Knipper thoạt đầu cũng chỉ là chơi chơi thôi. Nhà văn viết thư gửi cho nàng luôn với giọng hơi hài hước: “Xin chào, trang cuối cùng của cuộc đời tôi, người nữ diễn viên vĩ đại của đồng quê Nga!”. Olga Knipper được mời tới khu trang trại Melikhovo và nàng đã ở chơi tại đó ba ngày với những dự tính xa xôi…

Mùa hè năm 1899, hai người cùng đi du lịch tàu thủy từ Novorosisk tới Yalta, rồi từ đó lại trở về Mátxcơva. Bỗng nhiên, tại đây, Tsekhov được nghệ sĩ Vishnievsky, đồng hương của ông, cũng đang làm tại MKHAT, kể lại lời Olga diễn tả về nỗi thất vọng khi đi du lịch cùng ông. Tsekhov cảm thấy kinh ngạc khi biết Olga đã than thở: “Người đang ngồi tại đây chỉ là cô Knipper bất hạnh, một nghệ sĩ đầu và tim rỗng tuếch, lại còn đầy những vết quầng thâm hằn dưới đôi mắt láu lỉnh”.

Ông không hiểu nổi, tại sao Olga lại nói với đồng nghiệp của mình về ông bằng cái câu: “Đừng kể với tôi về cái cụ chết tiệt đó nữa”. Ông có làm gì nên tội đâu?! Hóa ra là, Olga Knipper rắp tâm “hạ gục” ông nhưng ông lại dửng dưng, không tỏ tình với nàng. Thế là để “kích động” nhà văn, Olga Knipper đã làm như vô tình nói với người đồng hương của ông rằng, cô đang dan díu rất mặn nồng cùng Danchenko (cái thói kích động tình yêu rất đàn bà này tới nay vẫn có người áp dụng!).

Thế nhưng, cuộc trăng hoa đó từ lâu đã còn là bí mật với ai nữa đâu, kể cả với Tsekhov. Nhà văn vốn có những mối giao lưu bằng hữu với gia đình Dancheko, biết rõ cả hai vợ chồng họ nên ông cũng không quá quan tâm tới “cuộc tình công vụ” giữa Danchenko với Olga Knipper. Và chính ông lúc đó cũng chỉ định quan hệ với  cô một cách “hoa lá cành” thôi.

Với một nữ diễn viên tỉnh táo và đầy tính toán như Olga Knipper, nếu được trở thành hôn thê của một nhà văn lớn, một kịch tác gia như Tsekhov thì đó sẽ là một công giải quyết luôn nhiều việc. Chính vì thế nên nàng đã bày tỏ dồn dập những mối quan tâm của mình đối với nhà văn đang đau yếu. Tsekhov thoạt đầu nhìn mọi sự như một hoạt cảnh mới có thể giúp ông quên được bệnh tật. Thế nhưng, cái duyên dáng tới ma mị của một nữ diễn viên bẩm sinh đã dần dà làm cho nhà văn lớn trở nên quyến luyến nàng hơn.

Sau chuyến du diễn của MKHAT xuống Yalta với các vở Cậu Vabnia và Hải âu của ông, Olga Knipper đã trở lại sống với Tsekhov tới cả tuần. Và nàng đã làm được một việc “kỳ vĩ” (!): từ chỗ chỉ coi mối quan hệ giữa hai người là chuyện chơi bời, Tsekhov đã thực sự đam mê nàng, bỏ qua cho nàng không ít vụ trăng hoa nghệ sĩ – khi ta yêu, ta hay tìm đủ mọi lý lẽ để bào chữa cho những điểm yếu của ý trung nhân.

Trở về Mátxcơva, nàng nhận được những lá thư mà Tsekhov gửi tới với lời mở đầu đã mang hới hướng âu yếm: “Olga thân yêu của tôi! Niềm vui của tôi, xin chào em!”. Mọi sự cứ thế mà ngày một thắm thiết. Tuy nhiên, nếu Tsekhov vì nhiều lý do không muốn công khai hóa mối quan hệ giữa hai người bằng một đám cưới thì Olga Knipper lại vô cùng muốn được mang họ của ông.

Nàng viết cho ông: “Em cứ nghĩ mãi về anh, về bản thân mình và về cả tương lai nữa… Chúng ta ít nói với nhau về tương lai quá, mà mọi sự lại cứ  chẳng rõ ràng gì cả… Anh có thấy như vậy không?”. Tsekhov không thấy như vậy vì ông mải sáng tác. Lúc đó, ông đang mải mê viết tác phẩm sân khấu bất hủ của mình, kịch bản Ba chị em. Vai chính trong vở kịch này ông muốn dành cho chính Olga Knipper…

Trong khi đó, nàng lại luôn luôn làm ông phiền nhiễu bởi những trò giận dỗi rất đàn bà. Nàng trách ông hững hờ, bỏ rơi nàng… Những lá thư nàng viết cho ông khi đó đầy những hờn tủi: “Anh biết không, ở Mátxcơva người ta ai cũng quấn lấy em mà hỏi. Họ cứ nghĩ là anh và em đã làm lễ đính hôn trong nhà thờ rồi. Họ tới chúc mừng gia đình em, làm ai cũng ngớ người ra…”.

Rồi trong lá thư tiếp theo, Olga Knipper tuyên bố rằng nàng sẽ không xuống Yalta nữa “vì em không biết mình xuống đó với tư cách gì”. Tsekhov có lẽ là cáu lắm nên mới trả lời: “Em yêu à, em không muốn xuống thì thôi, anh không ép em đâu”. Viết thì viết vậy nhưng ông thực sự đã cảm thấy gắn bó với nàng: “Hãy giữ gìn sức khỏe, em yêu, đừng giận anh, đừng phản bội anh!”.

Chao ôi, một nhà văn hiểu tâm hồn con người như thế mà khi yêu vẫn trở nên ngây thơ: làm sao một nữ nghệ sĩ như Olga lại có thể chung thủy với người tình ở xa của mình?! Tuy nhiên, có lẽ ông cũng không quá coi trọng những lúc “thân xác làm chủ tâm linh” của Olga. Thậm chí, có lúc ông còn viết đùa cợt trong thư: “Em ít viết thư cho anh rồi, điều này chứng tỏ là em đã chán anh. Còn nhiều người khác tán tỉnh em nữa. Thế cũng được, em giỏi lắm, gái ạ!”.

Trong một cuộc gặp gỡ với nhà văn  Ivan Bunin, Tsekhov cứ trăn trở: “Này ông, liệu ông có thể cưới một nữ nghệ sĩ làm vợ được không?”. Bunin biết bạn đồng nghiệp định nói tới ai nên tế nhị không trả lời…

Tình yêu quả thực quái ác, ngay cả một người anh minh như Tsekhov cũng đã có lúc không biết mình phải ứng xử như thế nào với cô nghệ sĩ oái oăm nhất của đời mình. Ngày 7.1.1901, Tsekhov viết thư cho Olga Knipper: “…Anh nhận được một lá thư nặc danh nói rằng em ở thành Piter mê ai đó tới ngất ngây. Chuyện này thì chính bản thân anh từ lâu cũng đã nghi rồi… Anh yêu em mà… Em hãy nhớ điều đó…”.

Olga trả lời: “Em hay phải lòng giai và phản bội anh ở mọi nơi mọi chỗ,- điều này đúng. Nhưng vì thế em là con người và là phụ nữ”. Tsekhov cay đắng đáp lại: “Em phản bội anh thường xuyên, như em viết, vì em là con người và là phụ nữ. Thôi cũng được, cứ phản bội đi… Anh già rồi, không thể không phản bội anh. Điều này anh hiểu rất rõ…”.

Tệ hại vậy nhưng cuối cùng thì Tsekhov cũng vẫn không tránh khỏi cuộc hôn nhân mà thực tâm có lẽ ông không muốn. Ma lực của Olga Knipper đã làm mụ mị nhà văn đang ngày một đau yếu. Có điều, sau đám cưới chỉ có hai tháng thôi, ông đã buồn bã viết: “Ta hiện đang phải sống cô đơn, hệt như khi ta một mình trong mộ”… Cô em gái Maria của ông đã rất ân hận vì cô đã từng góp tay vào để Tsekhov làm quen thân với Olga Knipper. Còn nhà văn Ivan Bunin hay tin Tsekhov đã làm đám cưới, thốt lên: “Sự tự sát này tồi tệ hơn tất cả!”.

Tình yêu, ngay cả của một văn hào như Tsekhov, cũng không thể làm thay đổi được bản chất trăng hoa của một nữ nghệ sĩ như Olga Knipper. Hai người sống như vợ chồng ngâu: Tsekhov dưỡng bệnh ở Yalta, còn Olga ở lì tại Mátxcơva, ngay cả khi tình hình sức khoẻ của chồng trở nên nguy kịch cũng không buồn bỏ việc xuống chăm sóc.

Lý do thì nhiều, có thể nàng bận thực, nhưng có thể là nàng đã không được Danchenko, vị thủ trưởng hay ghen, cho phép (có những ông sếp nghệ thuật như thế, không muốn cưới nghệ sĩ dưới quyền làm vợ nhưng lại muốn bắt họ “thủ tiết” với mình như vợ!)…

Không có gì lạ là sức khoẻ của Tsekhov giảm sút nhanh chóng với một người vợ như Olga Knipper. Tuy nhiên, ông vẫn làm việc. Mùa hè năm 1903, Tsekhov bắt tay vào viết Vườn anh đào theo yêu cầu rất khẩn thiết của MKHAT và của cả Olga Knipper. Lúc này bệnh ông đã rất nặng. Vậy mà vợ ông cứ giục giã: “Anh ơi, cả Mátxcơva đang chờ vở kịch mới của anh, anh hãy viết nhanh lên!”.

Vườn anh đào thêm một lần mang lại vinh quang cho MKHAT và cả Olga Knipper. Còn Tsekhov thì đã gần đất xa trời: ông đã vắt sạch cả tâm hồn và thân xác cho những tham vọng và tội lỗi của vợ mình. Tháng 4/1904, theo lời khuyên của bác sĩ gia đình, Olga Knipper cực chẳng đã phải đưa chồng mình sang Đức dưỡng bệnh. Nhưng mọi sự đã trở nên quá muộn màng…

Ngày 15.7.1904, gần một giờ đêm, Tsekhov chợt mở mắt và yêu cầu gọi bác sĩ tới. Bác sĩ người Đức bước vào. “Tôi đang hấp hối”- nhà văn nói bằng tiếng Đức. Vị bác sĩ liền tiêm một liều thuốc an thần cho ông và gọi mang sâmpanh tới. Văn hào Nga cầm ly rượu đầy lên và mệt mỏi mỉm cười: “Lâu rồi tôi không uống sâmpanh”.

Ông làm một hơi cạn ly, rồi nằm nghiêng về phía bên trái và thiếp đi… Lúc đó đã là ba giờ sáng… Không ai nhớ là có giọt nước mắt nào lăn trên má Olga Knipper hay không…

Theo Huyền Anh/ Van.vn

 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

 

Lối mòn – Tản văn của Lương Mỹ Hạnh

27 Tháng Năm, 2023

Lối mòn dẫn lên dầu nguồn nước, luôn là lựa chọn yêu thích của tôi mỗi buổi chiều rảnh rỗi. Con đường nhỏ xíu, mảnh như một tia nắng uốn lượn trên cái nền xanh ngút ngát, hút theo trùng điệp núi đồi.

Háo hức sỏ giầy, buông bỏ nhà cửa, phố xá, xe cộ ồn ào lại đằng sau. Tôi từ từ hít vào thật sâu, thở ra thật chậm để thụ hưởng cái cảm giác thư thái khi được hòa mình với thiên nhiên. Bước chân vừa chạm lối mòn, tôi đã thấy phảng phất mùi thơm dìu dịu của hương hoa, hương cỏ, mùi ngai ngái, hăng hắc của nhựa cây. Được đi dạo một mình trong tiết xuân dịu mát trên con đường mòn thân thuộc còn gì tuyệt bằng. Cơn gió mùa xuân như mang theo một luồng sinh khí mới ngấm vào từng chân tơ, kẽ tóc. Một cảm giác tươi trẻ ùa về.

Hàng ngàn chiếc lá nheo mắt dõi theo từng bước chân tôi, có đôi lúc chúng đụng  vào tôi thật hiền lành và thân thiện. Hai bên lối mòn mọc rất nhiều cây hoa ban.  Giờ đang cuối xuân, ngước lên ngọn cây ban, mở căng hết mắt mới nhìn thấy vài bông hoa lẻ loi, cô độc. Những bông hoa ban còn sót lại, đang cố gắng xòe hết cỡ khoe chiếc cánh mỏng manh cuối cùng trước khi bay về trời. Đi qua những bụi cây lúp súp bghe thấy tiếng lũ chim cãi nhau thật vui tai. Hình như trong thế giới loài chim cũng có con hiền lành, con đanh đá, con hiếu thắng, con nhịn nhường.

Đường ống dẫn nước bằng thép không gỉ cũng men theo lối mòn leo dần lên cao. Sau khi tìm được nguồn nước, người ta rẽ lau, bẩy đá làm một lối đi, đầu tiên chỉ để lắp đặt đường ống dẫn nước về thị trấn. Sau đó theo qui luật phát triển, người sinh thêm, đất đai có hạn, nên rừng hai bên lối mòn được phát quang trồng ngô, sắn, có những khoảng đất bằng phẳng nhiều hộ trong bản gần đấy còn chuyển đến dựng nhà để tiện việc trông coi, canh tác nương, ruộng.

Đi bộ đến nguồn nước mất tầm hơn một tiếng đồng hồ, đi tiếp gần hai tiếng nữa sẽ đến một bản người dân tộc HMông,  nơi bắt đầu của con đường . Để có được con đường dài mấy chục cây số là công sức, xương máu của rất nhiều người, rất nhiều thế hệ.

Tôi được nghe người dân bản xứ kể lại câu chuyện cảm động về hai vợ chồng người dân tộc HMông đã bỏ công sức ròng rã cả tháng trời để san, sửa con đường lên bản, khi con đường bị bịt kín bởi một quá đồi sạt xuống.

Vợ chồng họ cần mẫn cả tuần từ sáng sớm đến tối mịt, mà đống đất đá chẳng vơi đi được mấy. Người trong bản cũng không quan tâm vì họ vẫn còn một con đường khác lên bản, mặc dù nó xa hơn con đường bị vùi lấp rất nhiều.

 Vợ chồng nhà nọ quá mệt mỏi, có lúc họ bất lực nhìn đống đất đá to như trái núi nằm chình ình thách thức, chỉ muốn vứt bỏ cuốc, xẻng, xà beng đầu hàng. Nhưng rồi  không hiểu vì lý do gì, họ lại quyết tâm không ngại vất vả, kiên trì làm tiếp công việc lẽ ra là việc chung của cả bản.

Ý chí của đôi vợ chồng nhà nọ đã lay động được sức lỳ của dân bản. Mỗi người trong bản góp một chút công sức, con đường gần nhất từ thị trấn lên bản đã mau chóng được khai thông. Sau này đoạn đường đó được đặt tên là đường ông Páo, tên người chồng. Có lẽ suy nghĩ, việc làm của hai vợ chồng nhà nọ giản đơn và trong như nước suối đầu nguồn, chứ không hề có tham vọng trở thành tấm gương cho mọi người noi theo, và mong muốn được báo chí để ý, tụng ca.

Tôi vừa đi, vừa suy nghĩ miên man chuyện đời, chuyện mình, vẽ ra trong đầu rất nhiều lối đi khác nhau. Những lối đi trong tưởng tượng có vẻ dễ đi và có rất nhiều điều thú vị, vì mình muốn đến đích nào, nó sẽ dẫn mình tới đúng đích đó. Trong cuộc sống thực, nhiều khi mình muốn đi lối này, nhưng số phận xô đẩy, khiến mình trôi dạt sang một hướng  khác.

Lối mòn tôi đang đi là lối chính, nó như trục xương sống rẽ ra nhiều lối, hướng khác nhau. Đọan đường mòn đoạn này dốc chưa gắt, chỉ thoai thoải như mai rùa. Đi chừng ba mươi phút, mồ hôi đã hơi nhớp nháp sau lưng. Tôi sắp tới được mục tiêu đầu tiên. Đích đến đầu tiên của tôi là cây mạy hụn cổ thụ tầm hai người ôm.Cây mạy hụn này có số phận may mắn hơn những cây khác, vì nó mọc ngay dưới chân một đoạn dốc khá cao. Những cái cây to khác đã lần lượt bị đốn hạ, nhưng có lẽ người ta qui ước ngầm với nhau để lại cây mạy hụn này làm chỗ tránh nắng và nghỉ tạm lấy sức, tiếp tục chinh phục con dốc cao và hiểm trở.

A path through a forest

Description automatically generatedẢnh minh họa

Ở dưới chân kẻ khác chưa chắc đã không tốt.

Đích đến thứ hai của tôi là con suối đầu nguồn, nơi người ta mang đủ các loại ống to, ống nhỏ, ống gang, ống thép, đặt chồng chéo lên nhau, nơi có mạch nước ngầm đùn lên, để lấy nước.

Đi được tới được đầu nguồn cũng quá nửa chiều. Những tia nắng yếu ớt cuối cùng đùa giỡn nhau trên tán lá, chao đảo, nhạt dần rồi biến mất. Con đường, khoảng đồi nhuộm miên man một sắc tím trầm. Có tiếng bò mẹ gọi tìm con dội vào vách đá, nghe như tiếng nắng rơi…

Về nhà thôi, muộn rồi.

Trăng chiều như mảnh ký ức được uốn cong, treo lơ lửng phía trên những dãy núi  xa xa. Ngày xưa mẹ tôi thường gánh cả buổi chiều bước vội trên con đường mòn gập gềnh sỏi đá. Bó cây nặng trên vai cha xiêu đổ cả bóng rừng.

Từng đàn trâu bò, dê chen vai nhau đi trong bóng hoàng hôn chập choạng, mắt chúng trong như giọt trăng chiều vương trên lá hoa.

 Người ta thường nói về “lối mòn” trong sáng tạo Nghệ thuật như một sự lười nhác, chỉ quen hưởng sẵn những gì người đi trước đã nghĩ ra. Lối mòn của tôi mặc kệ thời gian, mưa nắng dãi dầu, sương sa giá buốt, luôn trổ ra những kỷ niệm tươi xanh, lưu dấu những dáng hình thân thuộc.

 

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

  Dưới bóng quê hương chợt lòng mưa nắng – Bút ký của Lệ Hằng 24 Tháng Năm, 2023 “Thấu Huế rồi.” Tôi háo hức suốt cả quãng đèo xanh bạt ...