Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

30 nhạc sĩ với 30 bản nhạc để đời

30 nhạc sĩ với 30 bản nhạc để đời
30 bản nhạc của 30 nhạc sĩ, được chọn lọc là hay nhất, nhưng tuyệt vời với người này mà chưa hẳn hay với người kia. Chúng ta hãy thưởng thức những tình khúc nổi tiếng này nhé!.
Bản nhạc MƠ HOA rất hay! Có hai người hát, link đầu là một ông... cụ hát, có lẽ tuổi cỡ 80, xem ra còn phong độ lắm! 
Nhạc sĩ Việt Nam có những người làm cả trăm bài, thậm chí nhiều trăm bài, nhưng cũng có những người chỉ một vài chục bài hoặc vài bài, nhưng "ít nhất" thì không ai có thể "qua mặt" được Lê Hoàng Long!
Nhạc sĩ Lê Hoàng Long chỉ sáng tác duy nhất một bài. Ông đúng là "Only One Song Composer", đã cảm tác "đột xuất" một bản nhạc "để đời" trong hoàn cảnh đau khổ khi người yêu đi lấy chồng!. Với chỉ một nhạc phẩm Gợi giấc mơ xưa nhưng cũng quá đủ để đưa tên tuổi Ông vào "hàng ngũ" những nhạc sĩ "Đại gia" trong Âm nhạc Việt Nam! 
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh với số Bài "đếm trên đầu ngón tay", nhưng bài Nỗi lòng của Ông đã được Đài phát thanh Đà Lạt - Tuyên Đức dùng làm nhạc nền trong suốt mấy năm liền 1965 -1966-1967... khi mở Đài ra, trước tiên ta nghe nhạc bản Nỗi lòng không lời... và được trổi lên một lần nữa khi cô xướng ngôn viên nói lời giã từ...
Những ai ở Đà Lạt vào khoảng thời gian này chắc chắn không thể nào quên (nếu là người yêu nhạc)?.
Nhạc sĩ Lê Hoàng Long:
Tôi hân hạnh được biết và gặp nhạc sĩ LHL nhiều lần. Ông là bạn thân của ông Chú ruột trên 60 năm từ những ngày trước 1954 còn ở đất Bắc. Nhạc sĩ LHL đã ngoài 80 nhưng còn tráng kiện, rất to con, nước da hơi ngăm... nhìn Ông có vẻ "Võ sĩ" hơn "Nhạc sĩ". Về "Physically", ngoài việc đi hơi "cà nhắc" vì bị vấp té trên bãi biển Nha Trang, nhạc sĩ LHL nói chung còn khỏe mạnh, nhưng "Mentally" thì cũng đã hơi... "lẩn thẩn" (?). Một ngày cuối tháng 9/2013 tình cờ tôi đang ở nhà Chú thì NS LHL ghé thăm, nhằm lúc Chú đang trong "Toilet", Ông càu nhàu: 
- Tại sao lại có sự trùng hợp vô lý đến như thế, Ngài đi cầu đúng ngay lúc Ta tới thăm? Rồi Ông quay ra gọi người xe ôm vừa chở tới, chở về luôn (cũng may chưa rồ máy đi mất). Khi ông Chú hay tin, liền nói: "Thế là Cụ giận rồi!", và lật đật bảo tôi chở tới nhà NS LHL ngay, cũng khá gần (Chú ở Ngã 3 Ông Tạ, LHL ở Ngã Tư 7 Hiền). NS LHL về tới nhà có lẽ chưa quá 5 phút, mặt còn "hầm hầm" ngồi ở quán Café Cóc ngay cạnh nhà. Chú tôi cười chã lã:
- Mình "đi đồng" thiệt chớ nào phải "đi trốn" đâu, Bác không tin thì tôi biết lấy gì làm "tang chứng vật chứng"?... thế là vui vẻ trở lại, cả hai cùng cười hồn nhiên "hớn hở"... LHL mời uống Café, nhưng tới phiên ô. Chú nhất định từ chối và về ngay, không quá 3 phút. Trên đường về Chú nói "Xong việc rồi! Ngại lắm nhưng phải đi. Bữa nay mình mà không đến là Cụ giận dai lắm đấy!"...
Tôi có cảm tưởng một mối "bang giao" thân tình giữa hai "nhi đồng lớn tuổi"!. Bạn bè "cao niên" có lẽ phần nhiều là dzui dzui như rứa? 
NS LHL an hưởng tuổi già khá ung dung nhờ có mấy Người Con ở nước ngoài cấp dưỡng, còn bảo lãnh thì Cụ nhất định "không thèm" đi!. NS LHL thật may mắn, nhưng thực tế có rất nhiều nhạc sĩ khác không được như vậy... họ sống cuối đời hẩm hiu đạm bạc và ra đi trong nghèo khó "xanh xao"!. Thật là bất công và "ngậm ngùi" cho những người đã đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà những bài hát "để đời", những tình khúc "vượt thời gian"!. Chắc còn lâu lắm Việt Nam mới thực sự biết thế nào là "Tôn trọng tác quyền"? ở trong cũng như ngoài nước!.
1/ Lê Hoàng Long - Gợi giấc mơ xưa
Gợi giấc mơ xưa (Lê Hoàng Long) - Lệ Thu - NhacCuaTui
2/ Dương Thiệu Tước - Bóng Chiều Xưa
Bóng chiều xưa (Dương Thiệu Tước) - Ngọc Hạ - NhacCuaTui
3/ Nguyễn Văn Đông - Về Mái Nhà Xưa
Về Mái Nhà Xưa (Nguyễn Văn Đông) Lưu Bích - YouTube
4/ Hoàng Trọng - Cánh hoa xưa
Cánh Hoa Xưa - Thùy Dương - NhacCuaTui
5/ Trịnh Công Sơn - Diễm Xưa
Diễm Xưa - Trịnh Công Sơn - Khánh Ly - YouTube
6/ Hoàng Thi Thơ - Đường Xưa Lối Cũ
ĐƯỜNG XƯA LỐI CŨ - HOÀNG THI THƠ - YouTube
7/ Hoàng Giác - Mơ Hoa
Mơ Hoa (Hoàng Giác) - Lan Ngọc - YouTube
8/ Văn Cao - Lỡ Cung Đàn
Lỡ Cung Đàn - Thu Hà - NhacCuaTui
9/ Y Vân - Lòng Mẹ
Lòng Mẹ - Y Vân | Hương Lan - YouTube
10/ Y Vũ - Tôi đưa em sang sông
Tôi Đưa Em Sang Sông (Y Vũ & Nhật Ngân) - Guitar Cover
11/ Cung Tiến - Thu Vàng
Thu Vàng (Cung Tiến) - Đoan Trang - NhacCuaTui
12/ Ngô Thụy Miên - Mùa Thu Cho Em
Mùa Thu Cho Em - Ngô Thụy Miên - NhacCuaTui
13/ Phạm Trọng Cầu - Mùa Thu Không Trở Lại
Mùa Thu Không Trở Lại (Phạm Trọng Cầu) - Ánh Tuyết - YouTube
14/ Trần Hoàn - Sơn Nữ Ca
Sơn Nữ Ca [Trần Hoàn] - Sĩ Phú - YouTube
15/ Lê Trọng Nguyễn - Nắng chiều
Nắng Chiều - nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn - Ca Sĩ Ánh Tuyết - YouTube
16/ Dzoãn Mẫn - Biệt ly
Biệt Ly (Dzoãn Mẫn) - Thu Hà - YouTube
17/ Vũ Đức Nghiêm - Gọi Người Yêu Dấu
Gọi Người Yêu dấu - Nhạc Vũ Đức Nghiêm, Ca sĩ Ái Vân - YouTube
18/ Lê Trạch Lựu - Em tôi
Em Tôi (Lê Trạch Lựu) - Tuấn Ngọc - NhacCuaTui
19/ Nguyễn Văn Khánh - Nỗi Lòng
Nỗi Lòng (Nguyễn Văn Khánh) - Sĩ Phú - NhacCuaTui
20/ Huỳnh Anh - Nếu Anh về bên Em
Nếu Anh Về Bên Em (Huỳnh Anh) - Mai Hương - YouTube
21/ Từ Công Phụng - Tuổi Xa Người
Tuổi Xa Người (Từ Công Phụng) - YouTube
22/ Đoàn Chuẩn Từ Linh - Tình nghệ sĩ
TÌNH NGHỆ SĨ - Đoàn Chuẩn - Khánh Ly - YouTube
23/ Nguyễn Văn Tý - Dư Âm
Dư Âm (Nguyễn Văn Tý) - Khánh Ly - YouTube
24/ Lam Phương - Bài Tango cho em
Bài Tango Cho Em (Lam Phương) - Elvis Phương & Ái Vân
25/ Tô Hải - Nụ Cười Sơn Cước
NỤ CƯỜI SƠN CƯỚC - SĨ PHÚ - YouTube
26/ Tuấn Khanh - Chiếc Lá Cuối Cùng
Chiếc Lá Cuối Cùng - Nhạc : Tuấn Khanh - Ca Sĩ : Tuấn Ngọc
27/ Minh Kỳ - Đà Lạt Hoàng Hôn
Đà Lạt Hoàng Hôn - Cẩm Ly - YouTube
28/ Trường Sa - Xin Còn Gọi Tên Nhau
Xin Còn Gọi Tên Nhau (Trường Sa - Lệ Thu) - YouTube
29/ Nguyễn Ánh 9 - Cô Đơn
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Cô Đơn - Ca sĩ Ánh Tuyết
30/ Phạm Duy - Áo anh sứt chỉ đường tà
Áo anh sứt chỉ đường tà - Thơ Hữu Loan Phạm Duy phổ nhạc Thái Thanh hát
Theo http://cob.cdcs.selu.edu/


Vầng trăng khuyết

Vầng trăng khuyết
Đầu hè, vườn hoa trước nhà bà Nghiên thi nhau khoe sắc. Những khóm đồng tiền tròn xoe, rực rỡ cùng những luống hoa cúc đủ màu vẫn còn ngậm sương đêm. Bà Nghiên cẩn thận cắt những cành hoa đẹp nhất, một phần để ở giỏ phía trước, còn lại bà chằng gọn gàng sau xe đạp, thêm một bó rơm nếp, một tập báo cũ. Bà đạp xe đi chợ sớm, hy vọng bán hết thật nhanh vì hôm nay là ngày rằm. Bà sẽ mua đồ ăn sáng về cho chồng và cô cháu gái, cái Nguyệt. Ông Năm, chồng bà thích món bánh cuốn nóng còn Nguyệt thích nhất món bánh rán ở chợ huyện. Lúc bà ra khỏi nhà, hai ông cháu vẫn còn chưa dậy. Trên đường đi chợ, bà Nghiên còn dự định sẽ mua cho Nguyệt một bộ quần áo mới. Dạo này con bé tăng cân trông thấy, quần áo cũ có vẻ ngắn và chật khiến nó cử động không được thoải mái.
Bán hết hoa, mua được đồ ăn sáng và quần áo cho Nguyệt, mặc dù còn sớm nhưng bà Nghiên không dám la cà như mọi bận. Ruột gan bà bỗng nóng ran như có lửa đốt. Không hiểu ở nhà có chuyện gì nên hai bàn chân bà nhấn mạnh trên pê đan xe đạp. Trong lòng phấp phỏng, vừa đạp xe bà vừa nghĩ đến đứa cháu gái tội nghiệp. Năm nay, Nguyệt đã 9 tuổi rồi mà nó chỉ ngồi một chỗ. Con bé bị liệt hai chân từ nhỏ. Bố mẹ nó đã tìm cách chạy chữa khắp nơi, hết bệnh viện nhỏ đến bệnh viện lớn, hết thuốc Tây lại thuốc Nam, châm cứu đủ kiểu, tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức nhưng hai chân con bé vẫn không cử động được. Bố mẹ nó mệt mỏi, đau buồn sinh ra bẳn gắt, trách móc lẫn nhau. Nhiều bận Nguyệt cũng bị mắng oan. Nó biết thân biết phận chỉ tủi thân khóc thầm rấm rứt ở góc nhà. Từ khi mẹ nó sinh đôi hai đứa em gái, công việc bề bộn, nó càng trở thành gánh nặng cho bố mẹ. Thương con, thương cháu, bà Nghiên đề nghị đón Nguyệt sang ở với ông bà để ông bà chăm nom giúp. Hơn nữa, có Nguyệt ông bà cũng thấy vui cửa vui nhà. Hồi ấy Nguyệt mới lên ba tuổi. Mọi việc vệ sinh, tắm gội của nó một tay bà Nghiên lo hết. Con bé không đi được nhưng bù lại nó rất lẻo miệng, cứ ríu ra ríu rít suốt ngày như chim hót. Nó thèm ăn gì, uống gì cũng hỏi bà rất ý tứ chứ không bao giờ vòi vĩnh. Mới hôm qua thôi, Nguyệt nhắc khéo bà nội:
- Bà ơi! Bà có thèm ăn bánh rán không? Nếu bà ăn thì bà cho con một chiếc nhé!
Nó hỏi thế thì bà nào mà từ chối được.

Ông trời không cho Nguyệt đôi chân lành lặn nhưng bù lại nó rất sáng dạ. Nó khao khát học chữ nên bà Nghiên dạy chữ nào, nó thuộc chữ ấy. Bà kể chuyện gì chỉ một lần là nó có thể kể lại vanh vách. Nhưng hễ bà thuyết phục Nguyệt đến trường để nó không thiệt thòi so với chúng bạn thì nó giãy nảy lên, cương quyết:
- Không! Con không đi đâu hết. Bà dạy con biết đọc, biết viết. Ông dạy con làm toán cộng, trừ, nhân, chia. Con chỉ cần thế thôi.
- Nhưng ông bà già rồi, lạc hậu rồi, làm sao bằng thầy cô ở trường. Với lại con cũng cần phải có bạn bè chứ.
 Mỗi lần bà Nghiên nhắc đến hai tiếng “bạn bè” là Nguyệt lại úp mặt vào hai bàn tay nức nở. Biết cháu gái tự ti, mặc cảm, bà Nghiên đành lảng sang chuyện khác. Nếu bà cố nài ép, con bé sẽ bỏ cơm. Cái cách nó dỗi làm bà phát sợ.
Hôm trước, không hiểu do sức bà Nghiên yếu hơn hay bởi Nguyệt tăng cân mà bà không thể bế nó một mạch vào nhà tắm. Bà phải nhờ ông phụ giúp. Ông Năm đang tưới vườn hoa, chạy vào, bực bội:
- Bà cứ nuông chiều nó quá thì bao giờ nó tự vệ sinh cá nhân được. Thôi! Từ mai mua xe lăn, vận động cho quen đi, chứ ông bà có sống mãi mà phục vụ được đâu.
Vào nhà tắm, chỉ còn hai bà cháu, Nguyệt ôm cổ bà Nghiên, năn nỉ:
- Bà ơi! Con không ngồi xe lăn đâu. Ngồi xe lăn hóa ra con là người tàn tật à? - nghe câu hỏi ngây thơ của cháu, bà Nghiên cảm thấy nghẹn ứ nơi cổ họng. Bà xẵng giọng để át đi những giọt nước mắt sắp trào ra:
- Chả tàn tật thì sao.
Nguyệt lặng thinh không nói. Bà Nghiên không hiểu nó nghĩ gì. Từ hôm đó con bé hay kêu đau đầu nhưng không cho bà đánh gió như mọi bận mà nhờ bà mua thuốc cảm. Bà mua cho Nguyệt cả vỉ thuốc cảm để ở đầu giường, dặn nó hễ đau đầu thì ăn no mới được uống một viên. Nghĩ đến những viên thuốc tròn, màu trắng, ruột gan bà Nghiên như cuộn lên, ngực trái đau tức. Linh cảm có chuyện chẳng lành, bà càng dồn sức đạp xe nhanh hơn.
Ngôi nhà ba gian có vườn hoa rực rỡ hiện ra trước mắt. Ông Năm đang lúi húi nhặt cỏ, bắt sâu. Bà Nghiên dựng xe đầu cổng, không kịp đánh tiếng, hấp tấp chạy vào căn buồng bên phải. Bà vội tốc chiếc chăn mỏng khỏi người Nguyệt. Con bé nằm im, bất động. Bà cuống cuồng thét lên:
- Nguyệt! Nguyệt ơi! Con làm sao thế này? Nguyệt ơi!
Ông Năm nghe tiếng gọi cháu thất thanh của bà Nghiên cũng cuống cuồng chạy vào:
- Làm sao? Làm sao? Tôi tưởng con bé thèm ngủ nên không đánh thức. Giời ơi là giời…
Bà Nghiên vội lật đầu giường. Vỉ thuốc cảm đã biến mất. Bà cứ tự đấm ngực thùm thụp rồi lại gọi tên cháu:
- Nguyệt ơi! Dậy đi! Dậy đi! Bánh rán của con đây. Quần áo mới của con đây. Sao lại ra nông nỗi này?
Ông Năm gọi hàng xóm đưa Nguyệt đi viện cấp cứu. Đứng ngoài hành lang bệnh viện, bà Nghiên cứ bồn chồn, bụng dạ rối như tơ vò. Vừa thấy con trai và con dâu, bà cứ tự trách mình:
- Tại mẹ! Tại mẹ hết
Bác sĩ an ủi bà Nghiên:
- Cũng may là bà phát hiện sớm. Cháu nó bị say thuốc, đã qua cơn nguy kịch rồi.
Khi Nguyệt tỉnh lại, bà Nghiên cứ ôm nó khóc rưng rức:
- Con không được dại dột nghe chưa?  Không có con, bà làm sao sống nổi.
Không biết bác sĩ đã nói những gì với Nguyệt nhưng sau biến cố ấy, nó thay đổi hẳn. Ra viện, bố mẹ muốn đón Nguyệt về ở cùng hai em nhưng nó nhất quyết ở với ông bà nội. Nó đồng ý ngồi xe lăn, học cách tự vệ sinh cá nhân và còn học làm việc nhà. Không lâu sau, nó có thể giúp bà nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, quét dọn và tưới hoa. Thi thoảng nó cũng tự đi xe lăn ra cổng để xem các bạn cùng xóm chơi đùa. Thời gian rảnh rỗi, nó thường chăm chỉ đọc sách. Con bé khéo tay lạ thường. Nó có thể thêu thùa, đan len hay làm những đồ thủ công rất tinh xảo. Nó bắt đầu kiếm được thu nhập phụ giúp ông bà trang trải cuộc sống hàng ngày.
Dạo này, bà Nghiên không ngạc nhiên khi thấy Nguyệt tỏ ra người lớn bởi bà nhận ra cháu gái đã bước vào tuổi thiếu nữ. Gương mặt tròn như trăng rằm. Mái tóc cắt ngắn ngang vai, dày và đen nhánh càng tôn lên nước da trắng hồng của Nguyệt. Từ ngày bố mẹ dành dụm mua cho Nguyệt cái máy vi tính và nối mạng để cô giao tiếp với thế giới bên ngoài rồi tự học tiếng Anh, cô vui vẻ khác thường. Hễ cập nhật được tin tức nào mới, đọc bài báo nào hay, Nguyệt đều kể cho ông bà nghe. Vui nhất là lần Nguyệt vô tình mở xem video cuộc thi “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết”. Cô cứ xem đi xem lại, đến lúc đi ngủ thì thủ thỉ với bà:
- Bà ơi! Lần sau con sẽ đăng ký dự thi bà nhé!
Bà Nghiên ôm Nguyệt, động viên:

- Ừ! Cháu bà vừa đẹp vừa giỏi! Phải cố gắng lên con nhé!
 Nguyệt nằm im trong vòng tay bà. Cô nhớ lại người bác sĩ đã trực tiếp cấp cứu cho cô hồi cô lên 9 tuổi. Người bác sĩ ấy có một chiếc chân giả. Tai nạn giao thông khủng khiếp đã cướp đi một phần cơ thể của ông khi ông đang ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Nhưng ông đã không đầu hàng số phận, miễn là chiến thắng được tử thần. Chỉ cần được sống thì dù có đi ăn mày ông cũng sẵn sàng làm lại từ đầu. Vậy mà đã có lúc Nguyệt nghĩ quẩn, cho rằng mình là gánh nặng của gia đình, là cái “nợ đời” của ông bà. Hôm nay được xem các thí sinh tham dự cuộc thi sắc đẹp dành cho người khuyết tật, Nguyệt càng ao ước được thể hiện mình. Giấc ngủ đến với Nguyệt một cách nhẹ nhàng, êm đềm hơn bao giờ hết.
Khi Nguyệt tỉnh dậy, chim chóc đã ríu rít đầu hồi. Mở máy vi tính ra, cô tủm tỉm cười vì nhận được tin nhắn của một người bạn qua Facebook:
- Chào buổi sáng! Bạn ngủ có ngon không?
Nguyệt lướt nhanh những ngón tay mềm mại trên bàn phím:
- Chúc một ngày tốt lành. Mình ngủ ngon lắm. Còn bạn thì sao?
Hai người nhắn tin qua lại một hồi, cho đến khi bà Nghiên giục Nguyệt đi ăn sáng thì cô mới chào tạm biệt và tắt máy.
Gần đây, bà Nghiên thấy cháu gái hay tư lự, ánh mắt xa xăm, thoáng buồn, nhất là khi vừa nói chuyện với bạn trên máy tính. Bà gặng hỏi xem có chuyện gì thì Nguyệt chỉ cười trừ, không nói. Chăm sóc Nguyệt 15 năm nay, những thay đổi nhỏ nhặt của cháu gái, bà đều tinh ý nhận ra.
- Có phải người bạn ấy muốn gặp con không? Và con chưa sẵn sàng? - bà Nghiên đã đoán trúng “tim đen” của Nguyệt.
Biết không thể giấu bà chuyện gì, Nguyệt bèn nhờ bà làm quân sư:
- Con không muốn gặp đâu bà ơi, vì anh ấy vẫn nghĩ con là một cô gái bình thường, xinh đẹp, thông minh. Nếu gặp con, anh ấy sẽ thất vọng và tình bạn đẹp của tụi con sẽ tan vỡ. Con sẽ mất một người bạn để tâm sự, sẻ chia. Bà bảo con phải làm thế nào bây giờ?
Bà Nghiên khuyên:
- Con cứ gặp đi, tình cảm phải được thử thách thì mới bền vững được. Chứ cứ nói chuyện qua lại trên máy thôi thì hóa ra các con sống ảo à?
Nghe lời bà, Nguyệt lấy hết can đảm để đến gặp người bạn trai mà bấy lâu nay cô vẫn nhắn tin mỗi tối, mỗi sáng. Hai người hẹn nhau ở quán cà phê Đôi Bờ gần chợ huyện. Vì đã biết mặt nhau qua ảnh đại diện trên Facebook nên họ dễ dàng nhận ra nhau. Cả hai cùng sững sờ, kinh ngạc, không thốt lên lời. Nguyệt không thể tin vào mắt mình bởi chàng trai ấy cũng đang ngồi trên xe lăn. Qua giây phút bối rối, hai người cùng bật cười, như thể đã thân quen từ lâu lắm rồi. Hóa ra chàng trai kia cũng muốn làm một phép thử, để rồi họ vui vẻ trước những điều bất ngờ thú vị như thế này.
Buổi tối hôm ấy, trăng đầu tháng lấp ló cuối trời xa. Vầng trăng khuyết như lưỡi liềm đang nhô dần, nhô dần lên cao. Nguyệt ngồi bên ly cà phê lách tách từng giọt chậm rãi và tâm sự với người bạn bằng xương bằng thịt cùng cảnh ngộ chứ không phải là ảo ảnh. Bao dự định đang ấp ủ trong cô, như những nụ hoa nơi mảnh vườn của bà Nghiên chỉ chờ bình minh lên là bung tỏa dưới màu nắng mới.
TRẦN THÚY LÀNH
Theo http://www.baohaiduong.vn/



Tiếng sáo mùa xuân

Tiếng sáo mùa xuân
Đêm, bầu trời đen kịt, không một vì sao, không một ánh đèn khiến cái rét như vón lại trong lòng tay tê cứng. Quang ngồi bất động, tưởng như cái rét đã khiến anh hóa đá. Chỉ mấy ngày nữa thôi là đám cưới của anh với Hiên, nhưng sao lòng anh day dứt không yên. Mùa đông năm nay như dài và lạnh hơn với anh. Vì cái ước mong được cài lên tóc Hân chùm hoa ngày cưới đã không bao giờ đến. Mấy ngày nay trong đầu Quang luôn hiện lên hình dáng Hân của đêm cuối năm nào, nhiều lần bấm số của Hân định gọi nhưng rồi Quang lại vội xóa đi, bao nhiêu lần nhấn “Delete” trên bàn phím là bấy nhiêu lần Quang muốn xóa đi hình bóng Hân trong trái tim mình. Vì Quang biết như vậy là không công bằng với Hiên. Nhưng để quên Hân là điều không thể, kỷ niệm vẫn có sức sống của riêng nó.
Ruộng nhà Hân sát cạnh ruộng nhà Quang. Mẹ Hân ý tứ không hỏi mẹ Quang chuyện cưới xin của Quang, nhưng vừa cấy được đôi mạ cóng tay lên bờ hơ lửa mẹ Quang đã thở dài thườn thượt bắt chuyện:
- Thằng Quang cứ như người mất hồn. Yêu cái Hân nhà bà bao lâu để rồi lại nên duyên với cái Hiên. Đúng là duyên số.
Mẹ Hân bối rối. Bà cũng quý Quang vì cậu ngoan ngoãn, chăm chỉ lại gần nhà, tối lửa tắt đèn vẫn hiểu lòng nhau. Bà cũng biết Quang lấy Hiên chưa phải vì tình yêu. Chuyện bọn trẻ mà khiến người lớn phải sầu não.
Tám năm trước, Quang, Hân và Hiên đều là những cô cậu học sinh lớp 10. Những ngày mùa đông tháng chạp lạnh giá, tan học về Quang và Hân phải xuống đồng giúp mẹ cấy cho kịp thời vụ và chuẩn bị đón Tết, có khi cặp sách, đồng phục của hai đứa còn lấm lem bùn đất nhưng sự đồng cảm về hoàn cảnh khiến cả hai hiểu và thân thiết nhau hơn. Còn Hiên, cô như tiểu thư con nhà khuê các, cùng trang lứa với bạn bè nhưng Hiên chỉ việc học không phải làm gì cả, nhà Hiên cũng không làm ruộng vì bố mẹ Hiên đều buôn bán trên huyện. Mỗi khi thấy Quang và Hân xuống ruộng cấy Hiên cũng muốn xuống thử nhưng nhìn bùn đất lem nhem và trời lạnh buốt nên Hiên chỉ biết ngồi co ro trên bờ nhìn xuống. Vui nhất là những ngày cánh đồng đã được cấy kín các thửa, cũng là lúc học sinh được nghỉ Tết. Cả ba vui như chưa bao giờ được vui, cùng nhau lên kế hoạch chuẩn bị đón Tết.
Đêm ba mươi, Quang qua đón Hiên sang nhà Hân để quây quần quanh nồi bánh chưng nghe người lớn nói đủ thứ chuyện trên đời. Bố Hân là người hay chuyện nên dường như mọi người khi rảnh đều qua uống trà với ông, huống chi đêm ba mươi Tết khi mà mọi việc gần như đã xong xuôi, ai cũng muốn ngồi lại với nhau để nói về một năm đã qua cũng như một năm đang đến.

Qua ánh lửa bập bùng của nồi bánh chưng đang sôi Quang thấy đôi má Hân hồng lên, ánh mắt long lanh của người thiếu nữ tuổi mười sáu khiến Quang xao xuyến. Lần đầu tiên trái tim tuổi mới lớn của Quang biết rung động những nhịp đập đầu đời. Cô bạn lém lỉnh ngày thường bỗng chốc trở nên xinh đẹp vô cùng. Hiên bắt gặp ánh mắt Quang nhìn Hân, một chút ghen tỵ thầm kín nhen lên trong lòng. Gần đến giao thừa, ai vội về nhà nấy, Quang soi đèn cho Hiên về đến ngõ, Hiên vốn sợ bóng tối cứ níu mãi vào tay Quang.
Mùa xuân ấy là mùa xuân mà cả ba nhớ nhất. Những ngày đầu năm nắng đẹp, trời se lạnh đủ để những người thiếu nữ mặc áo len cổ lọ và khoác áo choàng mỏng làm duyên. Cả ba dắt nhau lên ngôi chùa cổ trên núi. Núi mùa xuân như bức tranh thủy mặc hoàn hảo đến từng nét cọ, ngôi chùa như hiện ra từ cổ tích để trong lòng những cô cậu mới lớn rộn lên một niềm mê say kỳ lạ. Ngày xuân, người làng mải với những lễ hội đông vui ít ai đến vãn cảnh chùa nên dường như nơi đây đã trở thành thế giới riêng của ba người bạn. Trong vườn chùa những nụ đào chúm chím, Hân và Hiên như lạc vào cõi tiên, Quang đứng ngắm hai cô bạn thân mà không biết sư thầy đang bước đến.
- Hai nữ thí chủ cẩn thẩn kẻo làm rụng hoa đào.
Hân và Hiên giật mình e lệ dưới hoa, vì mải vui chạy nhảy chạm vào cành làm hoa đào rơi rụng. Khoảnh khắc ấy, trái tim Quang như ngưng đập. Có tiếng sáo da diết cất lên phía sau dãy đá, cả ba bừng tỉnh. Sư thầy trở gót vào chùa, vừa đi vừa niệm một câu gì khó hiểu. Một người con trai có đôi mắt sáng ẩn dưới hàng lông mày rậm đang ngồi trên phiến đá say sưa với những giai điệu. Anh bận bộ nâu sồng nhưng mái tóc vẫn bồng bềnh lãng tử. Ngay phút giây ấy Hân chợt cảm thấy trái tim mình nhoi nhói. Cô đứng lặng dưới hoa đào ngắm anh cho đến khi tiếng sáo đã dứt mà tâm hồn Hân vẫn còn phiêu diêu tận chốn nào. Người con trai nhận ra ba đứa trẻ đang đứng ngây ra nghe sáo, anh mỉm cười nhảy xuống khỏi phiến đá:
- Ngày xuân mà mấy cô cậu lại có nhã hứng lên núi à? Đến đây chơi nào.
Quang và Hiên nhanh chóng bắt chuyện với anh, còn Hân chỉ lặng lẽ nhìn. Hân cảm thấy có một cơn đau không thể gọi thành tên đang len lỏi trong trái tim tuổi mười sáu của mình. Hân không thấy có mối liên hệ nào giữa bộ nâu sồng anh đang mặc và mái tóc như mây trời, đôi mắt tươi vui nhưng cũng man mác như núi mùa xuân. Đôi mắt ấy thoáng dừng lại thật sâu trong đôi mắt Hân. Khoảnh khắc ấy đất trời cũng như ngưng thở, thời gian cũng như ngừng trôi.
- Hình như anh không phải người ở vùng này? Bọn em chưa gặp anh.

Câu hỏi của Quang làm tan đi khoảnh khắc ấy, khuôn mặt Hân ửng hồng, cô vờ quay ra ngắm cảnh xung quanh để trái tim trở lại những nhịp đập bình thường. Nhưng Hân biết, trái tim cô đã lỗi nhịp mất rồi. Giọng người con trai trầm ấm:
- Đây là quê ngoại của mình. Dịp Tết này mình về thăm quê và cũng muốn lên núi học thiền từ sư thầy.
Hân không nhớ người con trai ấy đã nói những gì dù anh đã kể rất nhiều câu chuyện thành phố cho Hân, Hiên và Quang nghe. Hân chỉ nhớ tiếng sáo dìu dặt tha thiết như tiếng lòng của lứa đôi. Cho đến khi tiếng chuông chùa vang lên họ mới chia tay nhau:
- Có duyên sẽ gặp lại, cô bé!
Đó là câu nói cuối cùng người con trai ấy nói thầm vào tai Hân khi tiễn cả ba xuống núi.
Mùa xuân ấy ba đứa trẻ đã lớn lên. Mùa xuân ấy với mỗi người đều mang màu thương nhớ.
Thời gian trôi đi có lúc như hối hả, có lúc như dừng lại, cảm nhận đó tùy thuộc vào tâm trạng, cảm xúc của mỗi người. Những mùa xuân sau vẫn đến và đi như quy luật vốn có, nhưng không mùa xuân nào giống mùa xuân đã qua. Bộ ba năm xưa cũng dần chia cách khi Hiên chuyển hẳn lên huyện cùng gia đình, Hân ra phố ở nhờ nhà người cô và theo học trường chuyên. Chỉ còn Quang ở lại. Nhiều năm đã trôi qua, mỗi khi trời đất sắp vào xuân trong những ngày giáp Tết Quang vẫn ngóng về con đường đầu xóm để chờ hai người bạn gái trở về. Nhưng trong những chiều tất niên Quang chỉ thấy Hiên về cùng gia đình, còn Hân vì ở quá xa nên cô chỉ về quê khi những ngày đầu năm mới đã qua. Hân về cùng người cô, đi thắp hương cho ông bà, dành một hai hôm đi thăm họ hàng rồi lại vội vàng bắt xe về thành phố cho kịp những dự định bộn bề. Quang buồn khi nhớ lại những ngày ba đứa ngồi bên nồi bánh chưng đêm ba mươi. Ánh mắt, khuôn mặt Hân đêm nào vẫn in đậm trong nỗi nhớ của Quang và mùa xuân năm ấy cũng trở thành bất tử trong những tháng năm tuổi trẻ của anh. Quang nghĩ rằng Hân đã quên chuyện cũ khi thoáng gặp nhau trong những dịp trở về Hân chỉ dành cho Quang những phút giây ngắn ngủi để hỏi thăm đôi câu vội vàng, khách sáo. Hân đẹp, vẻ đẹp của người thôn nữ càng trở nên rực rỡ hơn khi cô khoác trên mình những váy áo sang trọng chốn thị thành. Chỉ Hiên vẫn âm thầm lặng lẽ và đều đặn đến thăm Quang mỗi tối ba mươi, khi cô vừa từ huyện trở về. Nhưng câu chuyện của họ cũng chẳng còn hồn nhiên như xưa. Quang dẫn Hiên qua nhà Hân sau 6 năm. Bố Hân vẫn hay chuyện như xưa, nhìn Hiên và Quang ông thở dài:
- Chúng bây lớn rồi, cái Hân cũng đi học xa rồi nên chúng bây không qua chơi với ông bà già này nữa à? Chà! Mới ngày nào chúng bây bé xíu. Cái Hân giờ chúi đầu lo bảo vệ luận văn, lo công việc lại chăm sóc bà cô, không có thời gian cho bố mẹ nó nữa. Mà tụi bây không đứa nào chịu lập gia đình là sao. Lớn bằng từng ấy rồi. Cái Hân nhà này cũng vậy.
Quang mỉm cười nhìn đôi mắt xa xăm của ông, anh lặng lẽ buồn và thầm nhen lên mơ ước thuở nào. 
Từ ngày ra phố học Hân cố gắng tìm người con trai của mùa xuân nào. Hân bất ngờ khi người cô của Hân cho hay nhà anh ở khá gần đó, trước kia gia đình cô của Hân và gia đình anh cùng chuyển ra phố ở. Nhưng cuộc sống vốn nhiều khúc khuất và trái ngang. Người con trai của mùa xuân năm nào và tiếng sáo đã vĩnh viễn mất đi vì căn bệnh hiểm nghèo. Mùa xuân ấy là mùa xuân cuối cùng của cuộc đời anh. Trước khi mất anh còn kịp gửi vào quỹ từ thiện số tiền anh kiếm được trong thời gian đi biểu diễn sáo cho các chương trình nghệ thuật. Và một lá thư cùng bản nhạc “Ngôi chùa trên núi mùa xuân” anh gửi lại cho người thiếu nữ anh gặp ở chùa năm nào. Đó chính là Hân.
Hân không khóc, nghị lực và niềm lạc quan của anh như đã lan tỏa sang cô. Hân học và cống hiến tuổi trẻ của mình như anh đã từng làm. Mỗi dịp Tết đến Hân đều đi trao quà cho người nghèo nên không thể về quê vào dịp ấy. Hân cũng không muốn Quang và Hiên hiểu góc khuất lòng mình.
Quang đến với Hiên cũng như một định mệnh. Quang bị tai nạn khi đang kiểm tra một công trình xây dựng trên huyện do anh làm chủ. Hiên là người đầu tiên có mặt và tiếp máu cho anh khi xét nghiệm cho thấy họ cùng nhóm máu. Giữa ranh giới sống và chết, Quang thực sự cảm động và muốn bù đắp cho Hiên.
Đám cưới Quang và Hiên, thời tiết trở nên ấm áp sau những ngày giá lạnh. Hân trở về mừng hạnh phúc hai người bạn, giản dị và thân quen như Hân của thuở nào. Quang nhìn sâu vào mắt Hân và chợt nhận ra cô mãi mãi không thuộc về anh mà chỉ thuộc về ký ức trong veo.
Một năm sau, ăn Tết xong, vợ chồng Quang và Hiên lên núi lễ chùa. Dưới cành đào năm xưa họ thấy thấp thoáng gương mặt quen lộ ra dưới vành mũ nâu, áo nâu sồng còn mới vẫn tươi màu năm tháng. Hân ngẩng lên, đôi mắt trong veo, phẳng lặng:
- Chào hai thí chủ, bần ni sẽ giúp hai thí chủ đốt nhang. Cảnh chùa thanh tịnh, mùa xuân tươi đẹp, hai thí chủ từ từ vãn cảnh.
- Hân! Sao lại thế này?
Giọng Hiên thảng thốt.
- Bần ni quy y vì giác ngộ cửa Phật, vì những điều tâm đức mà nhận ra. Không vì chán nản hồng trần nên tự thấy lòng mình thanh thản. Sư thầy cũng nhận thấy bần ni hợp chốn cửa thiền nên đồng ý thu nạp. Mong hai thí chủ đừng bận lòng.
Một mùa xuân với nắng ấm cho hết thảy mọi người. Tiếng mõ chùa văng vẳng bình yên. Thi thoảng người ta vẫn lên núi lễ Phật vừa để tịnh tâm vừa để lắng nghe tiếng sáo thanh thoát của ni cô nhà chùa.
NGUYỄN THỊ KIM NHUNG
Theo http://www.baohaiduong.vn/


Cánh cò mùa xuân

Cánh cò mùa xuân
Tháng Chạp về. Những ngày giáp tết, mỗi buổi sáng sớm, không biết từ đâu từng đàn cò lũ lượt bay về đậu trắng cả những ruộng lúa giữa lòng TP. Tuy Hòa như báo hiệu mùa xuân đang về. Mặc cho dòng người, xe cộ hối hả trên đường, tất bật đua với thời gian, chuẩn bị lo sắm tết, những con cò trắng vẫn ung dung rảo bước giữa những ruộng lúa non xanh, tha thẩn tìm mồi. Bất chợt có tiếng động mạnh, hay những âm thanh khác lạ hay có tiếng báo hiệu của con đầu đàn, chúng chớp cánh bay lên chao liệng vài vòng rồi lại nhẹ nhàng đậu xuống ruộng lúa.
Lâu lắm rồi tôi mới được sống lại, cảm nhận hương vị của đồng quê thanh bình, đằm thắm hương đồng cỏ nội ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp. Bao nhiêu kỷ niệm, ký ức của tuổi thơ bỗng ùa về trong tôi cùng những cánh cò.
Làng quê nghèo bé nhỏ của tôi nằm bên bờ sông Bàn Thạch có cánh đồng lúa xanh bát ngát thẳng cánh cò bay. Hàng năm, mỗi khi tháng Chạp về, cánh đồng từ màu đất dần biến thành màu xanh của lúa non. Đây cũng là lúc từng đàn cò trắng tìm về kiếm mồi, tạo nên bức tranh quê tuyệt đẹp. Đồng ruộng bát ngát. Lũy tre xào xạc. Dòng sông ngọt mát, xanh trong. Dập dờn những cánh cò bay lả bay la hòa cùng lời ru của mẹ… Tất cả những hương vị thân thuộc, gần gũi bao năm ấy đã nuôi tôi khôn lớn.
Tôi còn nhớ những buổi sáng, từng đàn cò trắng đi ăn sớm. Chúng đậu trắng phau cả một vạt ruộng rộng lớn, tạo nên một bức tranh quê với màu xanh của lúa non, màu trắng của những cánh cò, như một tuyệt tác của thiên nhiên vô cùng đẹp mắt. Bỗng một làn gió thổi qua, những con bù nhìn lắc lư, đàn cò giật mình cùng bay lên rồi lại nhẹ nhàng hạ xuống nơi khác gần đó, thật sống động vô cùng. Khi không có gió, tôi lấy chiếc mũ mắc lên đầu chiếc roi chăn bò huơ huơ, đàn cò thấy vậy cũng chớp cánh bay lên, rồi đậu xuống. Tôi vừa rượt đuổi theo vừa gọi “cò, cò”, chúng lại bay lên, quần lượn trắng trên đầu…
Chiều dần buông xuống. Đàn cò lũ lượt kéo nhau bay về núi xa. Tôi đứng chôn chân bên dòng sông có bờ cát vàng phau mê mải ngắm những dáng bay mềm mại theo hình cánh cò, có lúc như hình mũi tên nhịp nhàng cho đến khi xa dần, xa dần và khuất hẳn...
Và cứ thế, mỗi khi chiều về, sáng đến tôi lại ra bên bờ sông, ruộng lúa ngắm nhìn từng đàn cò trắng bay đi, bay về, thả hồn mình trong không gian tĩnh lặng, tận hưởng hương vị của ruộng đồng và bầu không khí trong lành, trữ tình của miền quê tôi.
Thời gian cứ thế trôi nhanh. Tôi từ giã ruộng đồng và những cánh cò trắng thân yêu vào đại học mang theo bao hoài bão, ước mơ. Ở nơi phồn hoa nhộn nhịp của đất Sài Thành nhưng với tôi, không ở đâu đẹp bằng chốn quê nhà bình yên, mộc mạc. Cánh cò nơi quê nhà vẫn in sâu và cứ chập chờn, bay hoài trong giấc ngủ. Trong mơ, tôi thấy những con cò bé bé bay theo mẹ qua những dòng sông rộng và những cánh đồng bao la thẳng cánh cò bay... Rồi dòng sông Bàn Thạch, đồng lúa Tuy Hòa lại hiện về như dải lụa mướt xanh, có những cánh cò trắng muốt chao nghiêng. Tôi hình dung, những thân cò vất vả hôm sớm trên đồng là những người dân lam lũ quê tôi, bốn mùa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời để tạo cho đời những hạt ngọc trắng thơm; tần tảo nuôi con khôn lớn thành người. Tôi hít thật sâu để cảm nhận thật trọn vẹn mùi hương của lúa, mùi ngầy ngậy của đất mà dịu dàng, tươi nguyên, lòng sảng khoái vô cùng.
Thời gian trôi qua thật nhanh, giờ đây tôi đã hai thứ tóc trên đầu, không còn là cậu bé chăn bò nghịch ngợm hay chạy theo đuổi cò nơi đồng ruộng năm nào. Đâu đó trong cõi lặng bình yên, tôi như thấy hình ảnh của làng quê hiện lên gần gũi biết bao qua những cánh cò giữa lòng thành phố những ngày giáp Tết Bính Thân này.
XUÂN HIẾU 
Theo http://baophuyen.com.vn/

Tái ngộ mùa xuân

Tái ngộ mùa xuân
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khi đọc đến phần cuối Thúy Kiều tái ngộ với Kim Trọng, ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng vì coi như cuộc đời gian nan của Kiều đã chấm dứt. Kiều đã gặp lại người yêu xưa, câu chuyện kết thúc có hậu. Đây là lúc mà cuộc đời Kiều sau khi đã trải qua 15 năm “phong trần” bắt đầu được hưởng “phần thanh cao” theo “luật Trời” mà Nguyễn Du đã từng đưa ra:
“Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Ai mà mê bói Kiều (boikieu.com) thì lại càng ao ước được bốc trúng phần “tái ngộ” này để đời được vui hơn… Cuộc đời con người ta cũng vậy, có lẽ ai cũng đã từng trải qua bao nhiêu “thác ghềnh” trong cuộc sống (nhất lại là người Việt Nam với bao nhiêu biến cố…). Cho nên lúc “về chiều” là lúc mọi người đều muốn có cuộc sống vui tươi êm đềm.
“Sáu mươi chưa phải là già,
Sáu mươi là tuổi mới qua xuân thì”
Đó là lời mở đầu của chị trưởng lớp học hát, học “Line - Dance” dành cho quý vị ở lứa tuổi “chưa phải là già, nhưng không còn trẻ nữa” (nói nôm na là xấp xỉ chung quanh lứa tuổi 60, 70). Có tuổi chớ không phải già, một người bạn nói rằng phải nói mình là thanh niên có tuổi. Ngày trước TCS cũng không bao giờ nhận mình là già, mà chỉ là người có tuổi hơn người khác (hay ít trẻ hơn người khác). Nhưng lạ một điều là ông chủ nhà sách Khai Trí ở Saigon trước kia cũng đã từng khẳng định ” Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ, 30-40 tuổi đang trẻ, 40-50, hãy còn trẻ, 50-60 trẻ không ngờ, 60-70 trẻ lạ lùng! và trên 70 nguời ta trẻ vĩnh viễn!” (Ông nói ông đọc được câu này trong một cuốn sách…Tây từ lâu lắm rồi. Và bây giờ thì cả người nói và người nghe đều trở thành người thiên cổ từ lâu. Điều này chứng tỏ đây không phải là ý kiến mới lạ gì!). Tưởng là chỉ nói đùa, nhưng ngày nay đã thành sự thật, người già ở những nước phát triển ngày càng đông. Bây giờ tuổi lên lão phải từ 90 trở lên và thượng thọ phải trên 100 (Dạ tiệc cao niên Little Saigon Radio mỗi năm lại tăng tuổi được mời tham dự miễn phí (lúc đầu có 65, rồi 67, 70, 75… già theo không kịp.. Bây giờ năm nào dự tiệc cũng có cụ già hơn 110 tuổi). Một chị ngồi bên cạnh nhìn bạn bè chung quanh “tức cảnh sinh tình” bèn ngân nga hai câu thơ:
“Tại máu xấu nên tóc bạc ra
Chứ em ngó vậy đã đâu phải già“
Đúng vậy, có nhiều chị ở tuổi này mà trông cũng còn “mơn mởn” lắm, nhất là khi nào có “tiệc”, các chị chưng diện lên coi cũng còn phong độ lắm! Có người còn hăng hái bàn thêm: Ai nói lúc trẻ sướng? Phải lo chăm chỉ học hành, chịu sự kiểm soát của ba mẹ. Phải lo tương lai sự nghiệp… lúc nào cũng bận rộn, túi bụi với công việc. Rồi lớn lên có gia đình lại tíu tít với công việc gia đình, chăm sóc con cái… Thật ra chỉ có ở tuổi “tái ngộ mùa Xuân” này mới thực sự thảnh thơi. Con cái trưởng thành, có sự nghiệp, có gia đình hết rồi…bây giờ là lúc ta thực sự tự do muốn ăn gì, làm gì là do ta quyết định.
“Được làm những điều mình thích. Đó là tự do
Thích những điều mình làm. Đó là hạnhphúc”
Trước hết muốn ‘Tái ngộ mùa Xuân” thì cần phải yêu đời, mà ca hát là yếu tố dễ làm cho người ta phấn chấn và yêu đời nhất. Có lẽ vì thế mà những buổi tập hát được bắt đầu từ thiện chí tự nguyện của chị ca trưởng. Đó là nơi các bạn tới tập hát sao cho hay hơn, hát đúng nốt, đúng tông, đúng bài bản. Vậy mà free nha! Tới đó lại còn có dịp gặp gỡ nhiều “tri âm” cùng tần số với mình là đời vui rồi. Nhìn các chị hăng hái tập hát nghe theo lời ca trưởng để tập hít thở: Trước khi hát “nhớ phình bụng to ra lấy hơi cho đầy” rồi từ từ nhả hơi ra để hát cho đúng kiểu Pro: Tập hát chung, hát những bài hát vui tươi yêu đời, vừa hát vừa vổ tay: “Ta ca ta hát vang lên, hát lên cho đời tươi thắm, hát lên cho quên nhọc nhằn..”.
Người dạy hát cảm thấy vui vì làm được điều mình yêu thích, và có ích cho người khác. Tôi nhìn lên thấy gương mặt chị cười rạng rở tươi vui. Cái đẹp đến từ Tâm trông sáng sủa nhẹ nhàng khác với cái đẹp đến từ son phấn đậm nét. Nhìn chị bây giờ trẻ đẹp hơn là những lúc chị lên TV trong chương trình Bác sĩ gia đình (dù là có make up). Còn người học hát càng vui hơn vì được hát những bài yêu đời và thấy lòng minh như trẻ lại khi tuổi còn xuân:
“Màu xanh gieo muôn ngàn tia nắng huy hoàng, màu xanh gieo muôn niềm vui sống mênh mang… với bao nhiêu niềm tin tràn lan“
Âm nhạc ảnh hưởng tới tâm hồn con người, thay vì hát rên rỉ, than van, chuyển qua hát những bài yêu đời, rồi tha hồ được dịp hát những bài ca sinh hoạt để nhớ lại một thời tuổi trẻ hoạt động du ca, hướng đạo ngày xưa với những buổi cắm trại, picinic cùng bạn bèvới một Sài gòn ta yêu như máu thịt…
“Ca nào ca nào ta hát cho to và hay (2) Vui ca lên nào, vui ca lên nào, vui ca lên đời ta vui sướng” hay là “Nào về đây ta họp mặt cùng nhau, cuộc đời vui thú có lúc này thảnh thơi…”
Nghe sao mà “hợp tình, hợp cảnh” thế, ngoài ra còn có bài hát vừa hát vừa làm động tác” “Này bạn vui mà muốn tỏ ra thì đập đôi tay (2) (dậm đôi chân, chào anh hai, làm cả 3) Tôi nhớ đã hát bài này khi đi picnic cách đây cả 1/2 thế kỷ, lúc còn nhỏ xíu, cứ bối rối không biết cử động thế nào cho kịp vời lời bài hát… Vậy mà bây giờ hát lại vẫn thấy náo nức như xưa và thấy tràn ngập cả một trời kỷ niệm về Sài gòn của tôi, tình yêu của tôi. Các bạn nào chưa từng được hát thì thích quá. Đúng là “tái ngộ tuổi thơ”. Quả là ai đó đã nói quá hay: ”Hạnh phúc không phải là bạn tích trữ được bao nhiêu tiền, mà là mỗi ngày thể xác và tâm hồn được tự do, được làm những việc mình yêu thích.
Đó là chưa kể những lúc tập hát các bài hát về quê hương, các chị say mê hát với cả tâm tình da diết: “Chuyện Việt Nam ta mấy mươi năm, mấy trăm năm bay đã hơn ngàn năm, mấy ngàn năm chưa thấy vẻ vang, trên đường đi vẫn đầy bóng tối tăm”. Dù hết giờ rồi, lớp vẫn năn nỉ xin hát thêm một lần nữa để được khẳng định tấm lòng với quê hương: “Còn Việt Nam. Triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”
Nhà thơ Bùi Giáng đã nói chí lý:
“Ngày sẽ hết tôi sẽ không trở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Ta sẽ nhớ trần gian này mãi mãi
Vì nơi đây ta có cả vui sầu.”
Quả vậy, tôi đã trải qua một thời tuổi trẻ trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh nhưng đó vẫn là một thời dễ thương tươi vui để nhớ. Vì thế bây giờ được hát lại những bài xa xưa ấy lòng tôi bỗng dưng vui. Bao nhiêu kỷ niệm về Sài gòn của tôi, tình yêu của tôi bỗng ùa về… Rồi hoàn cảnh xả hội thay đổi, bao nhiêu “thác lũ mưa sầu” sau tháng 4/75… bao nhiêu biến cố thay đổi lớn lao từ nơi ăn chốn ở đến nghề nghiệp… Bây giờ thế hệ chúng tôi đã vào lứa tuổi sáu mươi mà chúng tôi hay gọi đùa là lứa tuổi “16” cho có vẻ trẻ trung. Mọi người đều bước qua giai đoạn xuống đồi, hay nói một cách lãng mạn là “Tuổi Thu phai” mà những người yêu mùa Thu thường hay tả như mơ: “Nắng Thu vàng óng như lụa, trong veo và dịu dàng khiến cho lòng người ngây ngất”. Mỗi lần nghe bạn than mình mẫy ê ẩm đau nhức mỗi khi gió heo may mùa Thu trở về thì tôi bèn cười hi, hi… “Tuổi Thu phai” mà, nên cái gì cũng “phai” đừng bắt nó cứ như tuổi Xuân “thắm tươi” mãi. Nhưng không sao dù trong hoàn cảnh nào:” Ta cứ yêu đời đi. Như lúc ta còn thơ”. Tới tuổi này rồi ai may mắn vẫn còn “đi về có đôi” thì mừng cho bạn hưởng được phước “như chim liền cánh, như cây liền cành“. Ngược lại nếu ai vì lý do này, hoàn cảnh nọ mà trở về tình trạng ”độc thân” thì lại càng vui hơn vì “Happiness to be Single“ tránh được cái cảnh “nội chiến từng ngày“, không phải sướng hơn sao?. Muốn đi đâu, muốn làm gì cũng chẳng bị ai có ý kiến ý cò phiền phức.
Tôi có chị bạn bị chồng ly dị, vì chồng chị thuộc loại “trăng hoa”, từ dùng của phụ nữ. Còn từ của các ông là “đào hoa”. Ông muốn được tự do bay lượn từ hoa này sang hoa khác, mà không bị vướng víu, nên không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng mệt mỏi… Chị thì cứ cố nín nhịn để níu kéo tổ ấm gia đình cho khỏi tan tác, rồi còn cần “giữ tiếng” để con cái lớn lên lấy vợ lấy chồng…Nhưng cuối cùng thì ông vẫn cầm tờ giấy ly dị về cho chị ký. Đến nước này thì chị đành phải chấp nhận thôi. Nhưng lạ một điều sau khi được thoát cảnh ràng buộc, chị sống thoải mái, được tự do vui chơi với bạn bè. Bây giờ trông chị trẻ đẹp hẳn ra (cả hơn chục tuổi) đi đâu ai cũng ngạc nhiên khen ngợi! Có người ganh tỵ và thắc mắc, chị trả lời: “Có gì đâu, cứ tưởng tượng mình phải ở trong địa ngục, bây giờ được thoát ra hít thở bầu khí tự do thì vui thú biết bao nhiêu…”. Đúng là hoàn cảnh sống và trạng thái tinh thần quyết định rất lớn đến dung nhan của phụ nữ. Bây giờ chị mới ngộ ra sao lúc trước mình khờ quá, không biết rằng: Sống trên đời, điều gì đến thì hãy quý trọng, điều gì phải đi thì nên buông tay, như thế mới sống được tự do tự tại thực sự. Sống thuận theo tự nhiên là một loại trí tuệ…”. Bạn bè thấy chị còn “mơn mỡn” và cũng có vài người để ý nên khuyên chị ” Hãy yêu lại từ đầu“, chị mỉm cười lắc đầu “Tuổi này còn yêu đương gì nữa. Hãy cho xin hai chữ bình an”. Tôi cười bảo chị: “Theo người Mỹ thì tuổi sáu mươi là cái tuổi đang làm lại từ đầu. Mà hễ cái gì từ đầu cũng hào hứng cả. Biết đâu “có lòng trồng hoa, hoa chẳng nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”. Chị là tấm gương cho các bạn đang trong tình trạng lẻ loi hay đổ vở hôn nhân. Hãy nhớ: “mất đi rồi không nên ủ rũ, càng không thể cảm thấy cả thế giới sụp đổ vì duyên đã hết, phận đã đứt, cưỡng cầu chỉ thêm đau lòng”. Đừng sợ hãi sự thay đổi vì có khi nhờ nó mà một con đường mới tươi sáng lại được mở ra. Hãy đúng dậy vươn vai:“Em về điểm phấn tô son lại. Ngạo với nhân gian một nụ cười”!
Hơn nữa tình yêu không phải là thứ tình cảm duy nhất trong đời, bởi ta còn có gia đình, anh em, đồng nghiệp, và nhất là bạn bè…Ở tuổi hoàng hôn này bạn bè chiếm một vị trí rất quan trọng. Một lần tôi được mời đến tham dự buổi ra mắt của ban hợp xướng Trưng Vương, tôi ngạc nhiên khi thấy các chị thuộc loại đã lên chức “nội, ngoại” hết rồi, nhưng vẫn trẻ trung, vui tươi rộn ràng trong những chiếc áo dài màu xanh. Các chị đang ráo riết chuẩn bị cho 2 bản hợp ca mở màn: ”Bà Mẹ Quê” và “Túi Đàn” mà các chị đã dày công tập luyện hằng tuần cả mấy tháng trời. Ai cũng có vẻ hồi họp háo hức hèn gì có người nói “xem văn nghệ không thú bằng làm văn nghệ“. Khi trình diễn, các chị hát thật to mồm tròn vo, mắt ngước nhìn theo nhịp tay ca trưởng, hát bằng cả cái tâm và cái sức của mình, nên đã được người nghe tán thưởng nhiệt liệt:
“Nhịp theo tiếng đàn
Tiếng hát vang vang lừng
Ta mang yêu đương reo về bốn phương”
Người thưởng thức và người hát đều xúc động, đều cảm nhận được niềm vui của những người ở tuổi hoàng hôn nhưng vẫn yêu đời, vẫn có thể giữ được nét thanh xuân trong tâm hồn vì biết chọn đời sống tinh thần lạc quan. Và âm nhạc chính là liều thuốc hiệu quả nhất.
Sau đó là tới các màn đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca Các chị có dịp hát lại những tình khúc mình đã từng yêu thích một thời để nhớ về một thời êm ái đã qua:
“Nhạc lòng êm ái dù đời tàn phai
Mà còn mãi mãi ngân trong đêm dài.”
Tôi biết tối nay mỗi chị đã mua 1 vé về lại với tuổi thanh xuân của mình, để thả hồn về mái cũ trường xưa, về những ước mơ mà hồi nhỏ mình chưa thực hiện được. Chị ngồi cạnh tôi thủ thỉ tâm sự, sau khi hát xong:
“Em ơi, chị hồi họp cả mấy ngày trước khi lên hát như hồi bé chị đi thi. Có lúc hát run quá, đứng không vững, em thấy chị phải đi tới đi lui…”
Tôi thấy có chị khác cứ cúi xuống mà hát không dám ngẩng lên nhìn ai vì sợ quá! Hát xong, bước xuống thở phào nhẹ nhỏm…nhưng vẫn rất vui. Nhớ lại ngày xưa còn nhỏ tôi hay cùng bạn bè thích nghêu ngao mấy câu hát của Phạm Duy: Em ước mơ, mơ gì? Tuổi 15, tuổi 16… em ước mơ... thành… ca sĩ. Bây giờ một nhóm bạn bè cùng trường tụ họp lại với nhau tập ca hát để cùng nhau thực hiện ước mơ xưa. Như vậy thì đời quá vui rồi còn gì!
Ra về, tôi thầm nghĩ Trưng Vương may mắn có chị ca trưởng yêu âm nhạc, lại có nhiệt tình và điều kiện để thực hiện ước mơ chung cho các bạn. Thật quý hóa, nhưng “trông người lại ngẫm đến ta”, còn Gia Long mình chẳng lẽ không có ai hoạt động văn nghệ phục vụ cộng đồng sao? Mấy bạn cũng nhiều tài năng lắm mà! Tôi nhớ lại lần rồi khi tham dự đêm “Hùng Sử Ca” thấy các bạn GL trong một vũ điệu Việt Nam mặc áo dài tím với nón lá trông rất đẹp!
May quá, thắc mắc đã được giải tỏa khi tuần rồi tôi được tham dự buổi văn nghệ “Thu hát cho người” do Nhóm Song Ngân và thân hữu thực hiện tại phòng sinh hoạt N.V. Nó đã thu hút khán giả đến nghe chật cả khán phòng dù giờ trình diễn chưa bắt đầu. Tôi nghe mấy người ngồi cạnh bên cho biết: Đây là show của nhóm mấy cô Cựu Nữ Sinh Gia Long chủ trương, họ thực hiện được mấy lần rồi. Ô! vậy thì vui quá, thì ra vì đam mê ca hát, nên các bạn GL muốn đem tiếng hát góp phần cho đời thêm vui. Các bạn đã bỏ tiền túi và công sức của mình để tổ chức những chương trình nhạc thính phòng và mời mọi người vào cửa tự do. Ngoài các bạn là những giọng hát chính, nhóm còn mời thêm thân hữu gồm toàn những giọng ca tài tử xuất thân từ bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, kỷ sư…, nhưng họ hát rất tuyệt, vì hát bằng tất cả đam mê và tấm lòng của mình, nên thu hút khán giả thinh lặng ngồi nghe. Giữa người nghe và người hát như cùng giao cảm trong những giai điệu của dòng nhạc xa xưa, để cùng nhớ lại một thời yêu dấu đã qua.
“Màu vàng lên, biêng biếc ánh chiều rơi.
Nhạc hoài mong, ta hát vì xa người.
Thu hát cho người, Thu hát cho người, người yêu…ơi! “
Cám ơn Song Ngân và các bạn GL chủ trương. Các bạn ơi, các bạn đã làm tôi thêm tự hào về trường Gia Long thân yêu của chúng mình nhiều lắm.
Xin chân thành cám ơn những người đã tặng cho đời những món ăn tinh thần tuyệt vời, các bạn đã biến âm nhạc thành một thứ thuốc dưỡng sinh tươi trẻ. Nó trở thành cần thiết hơn những món ăn thực phẩm... Các bạn đã làm cho “tuổi hoàng hôn” của chúng mình trở nên dịu dàng, êm đềm hơn nhiều lắm như trong lời hát:
“Tôi đi giữa hoàng hôn,
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương..
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù
Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai”
Các bạn đã cho thấy dù là ở tuổi hoàng hôn chúng ta vẫn có thể giúp đở mọi người sống đời hạnh phúc; điểm tô cho cuộc đời thêm tươi đẹp, chúng ta vẫn làm được những việc lợi ích cho đời, cho mọi người, cho xã hội. Và ở tuổi này chúng ta chợt cảm nhận được quy luật sâu xa của cuộc sống là quá trình cho và nhận. Chúng ta đã nhận từ cuộc đời quá nhiều và bây giờ là lúc ta “cho” nhiều hơn,tùy theo hoàn cảnh và khả năng riêng của mỗi người: đi làm từ thiện, volunteer dạy ESL, dạy Quốc tịch, dạy hát, dạy Line- Dance, dạy Khí công, Tài chí v.v… Khi mình cảm thấy mình có ích cho người khác tự dưng lòng minh cảm thấy vui hơn, mùa Xuân dường như vẫn thấp thoáng quanh đây! Đó là về phương diện tâm hồn, chứ thân xác thì cũng đã cảm thấy “cuồng phong cánh mỏi“. Bạn bè gặp nhau hay hỏi đến tình trạng sức khỏe, các phương pháp dưỡng sinh, những cách trị bệnh theo lối tự nhiên, và giới thiệu cho nhau những lóp exrecise vui khỏe. Trong đó Line – Dance là loại hình exercise tốt nhất, các bác sĩ và các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khiêu vũ nhờ có nhạc sẽ giúp người ta thích thú trong khi tập nên cảm thấy thời gian qua mau. Ngoài ra nó cũng góp phần đánh bại cái bịnh mà đa số ai cũng mắc phải: “Để trước quên sau, kiếm mệt đừ” ( bước đầu của Alzheimer) vì người ta phải cố nhớ điệu Mambo khác với Twist ra sao, Cha cha cha thì khác Tango chỗ nào?. Trong một vũ điệu thì lại có nhiều bước khác nhau, không rập khuôn một động tác làm cho người ta dễ chán, lúc thì khoan thai nhẹ nhàng, lúc phải bước nhanh, xoay vòng, khi thì nhịp nhàng yểu điệu, lúc thì ríu rít đôi chân…Nó thu hút người ta tập mà thấy vui và yêu đời
Khiêu vũ mà cần phải có partner thì cũng hơi phiền, vì đa số trong lớp toàn là các bà, vì các ông rất lười tâp thể dục. Do đó Line – Dance là cách giải quyết tốt đẹp nhất, mà nhảy như vậy thì lại càng vui vì nó mang tính chất tập thể. Nhờ tập Line -Dance mà tôi thấy các chị trong lớp đều có thân hình khá gọn đẹp, nhìn dáng các chị trong những điệu Valse cũng rất lả lướt, và trông trẻ trung nhanh nhẹn khi đi bebop hay Twist. Như vậy thì Line- Dance đúng là “Nhất cử mà tam tứ tiện”; vừa thể dục có lợi cho sức khỏe thân xác, cả tinh thần nữa, thân hình lại gọn gàng đẹp ra nữa thì ai mà không thich, thành thử các lóp Line- Dance được mở ra khắp nơi
Đó là chưa kể vài tháng lớp lại mở một party ở nhà hàng với giá rẻ vào buổi tối ngày thường, để mọi người có dịp vui chơi và thực tập hay trình diễn những vũ điệu mình thích với ban nhạc sống, có sân khấu có ánh đèn màu nhấp nháy đưa con người ta trở vể với tuổi thanh xuân ngày nào. Như vậy là chúng tôi đang tận hưởng niềm vui hạnh phúc của thời kỳ “Tái ngộ mùa Xuân” và quên đi những điều không tốt trong cuộc sống.
Cuộc vui với nhiều tiếng cười luôn mang đến cho người khác niềm hân hoan và hạnh phúc, mang đến sự chia sẻ về tinh thần. Ngoài ra lại còn thêm cơ hội thưởng thức những lời nhạc trữ tình đáng yêu (nghe mà thấy lòng rung động) qua các bản nổi tiếng quốc tế.:
“Near, far, wherever you are
I believe that the heart does go on…”
Lời nhạc khiến tôi nhớ đến tình cảm của lớp Line- Dance dành cho cô giáo T của mình, tôi biết T từ nhiều năm trước khi tôi còn làm volunteer cho một trung tâm cao niên. Trái đất tròn nên bây giờ tôi gặp lại T ở lớp Line -Dance, và điều làm tôi sửng sốt là T bây giờ sụt cân quá nhiều, thì ra T mắc 1 căn bệnh ung thư đã qua hóa trị, xạ trị nên tóc T gần như không còn. Nhưng điều đáng quý là T vẫn tới lớp đều đặn dạy free cho các bạn, trừ những hôm phải đến bịnh viện. T vẫn yêu đời, vẫn muốn đem niềm vui đến cho lớp. T còn order nón kim tuyến để tặng các bạn đội cho đẹp trong bửa tiệc vui. Sức khỏe T đã khá dần lên, mọi người ai cũng mừng. Lớp rất thương T luôn dành những tình cảm ưu ái đặc biệt cho T. Mỗi lần có tiệc thì những bó hoa, những bài thơ, bài nhạc yêu thương luôn được hát lên để tặng cô giáo. Vậy mà mới đây sau một lần tái khám T nói cho lóp biết là BS cho biết một khối ung thư khác bắt đầu mọc lại. T tâm tình: ”Mình nói tin túc về bịnh tình cho các bạn nghe, vì thấy các bạn luôn rất quan tâm. Các bạn ơi! đời con người ai cũng có lúc phải chấm hết, nên mình chấp nhận rồi. Do đó không có gì để buồn, đời còn cho ta ngày nào còn gặp nhau thì ta hãy cứ vui…”. Tôi thấy trong mắt T hình như có vài giọt sương long lanh. Thật là 1 tấm gương can đảm yêu đời và vẫn muốn “tái ngộ mùa Xuân” dù cho tử thần đang rình rập chung quanh. Sau đó T bắt đầu lên chương trình tập dợt các vũ điệu cho lóp để chuẩn bị cho Tiệc Giáng sinh sắp tới. Cả lớp rộn ràng chia nhóm, sắm đồng phục, khăn quàng rồi giày nón chuẩn bị bài hát…Bỗng một hôm T email cho lớp biết phải đi qua tiểu bang khác để điều trị theo lối Meditation một thời gian… Nhận được tin cả lớp đề nghị ngưng hết mọi việc chuẩn bị vui chơi để hướng lòng cầu nguyện cho cô giáo đi xa điều trị đạt kết quá tốt. T tuy đi xa nhưng vẫn email gửi những bài Line Dance cho lớp ở nhà tiếp tục tập với nhau. Tôi thấy một không khí yêu thương cảm động và gắn bó lan tràn cả lớp. Quả là T đã thực hiện quá tốt lời khuyên của TCS:
“Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui”
Thành thử không phải chỉ có những người ở tuổi hoàng hôn hay khỏe mạnh mới cần “tái ngộ mùa Xuân”, mà là từng người trong đời sống này đều cần sống với tâm tình “tái ngộ mùa Xuân”
Tôi có một cô học sinh cũ, tuổi tuy chưa già, nhưng luôn có những suy nghĩ chín chắn. em đã từng viết thư cho tôi: “Sống đến tuổi này em nhận thức không có gì là vĩnh cửu, không có gì mình khg vượt qua được, kể cả những khi mình thấy đau xót tột cùng muốn chết cho rồi… và không chỉ có một lần. Rốt cuộc mình cũng đã vượt qua hết vì cuộc đời vốn đáng sống để luôn từng ngày cố gắng sống và sống tốt hơn hôm qua. Làm việc trong bệnh viện, em thấu hiểu sâu xa một ngày sống chất lượng hơn nhiều năm sống đau ốm: sống chất lượng: khoẻ về thể xác - tinh thần - xã hội .Nhờ nghề nghiệp em còn có mắt nhìn (- chắc chắn khác với Cô nhiều vì Cô dạy văn - nhạy cảm quá). Ở đời nên có cuộc sống lạc quan hơn, cái gì quên thì nên quên đi, cho nhẹ gánh, nhìn người bệnh rất thương, thấy mình quá hạnh phúc vì còn khỏe.
“Cái gì đẹp tất nhiên là đẹp ngay cả lúc đã úa tàn, những gì ta yêu thì ta yêu dù ta đã đến giờ hấp hối”
Cô đã từng viết cho em như vậy đó! Cuộc sống cũng vậy phải không cô? em luôn nhớ Cô, dù tình cảm không phải là của thời trẻ dại nữa… đã khác theo từng giai đoạn…”
Vậy thì đúng là “Cuộc đời vẫn đẹp sao” dù là ở bất kỳ hoàn cảnh nào, lứa tuổi nào. Bạn hãy luôn làm cho cuộc sống mỗi ngày đều “tái Ngộ mùa Xuân”:
Hãy bắt đầu ngày mới
Hồn nhiên một nụ cười!
Nụ cười thành hoa nắng
Gửi đất trời.. Muôn nơi.. (TTT)
Phượng Vũ
Theo https://khoahocnet.com/


Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...