Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Đâu chỉ "Một trà, một rượu, một đàn bà"

Đâu chỉ "Một trà, một rượu, một đàn bà"

Chừa được cái gì hay cái nấy. Có chăng chừa rượu với chừa trà...
Hôm nay 5 tháng 9 năm 2012, cách đây đúng 142 năm nhà thơ Tú Xương ra đời. Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Tên khai sinh là Trần Duy Uyên, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định). Ông chỉ sống ở trên cõi đời này có 37 năm nhưng đã để lại cho hậu thế hơn trăm bài thơ đủ mọi thể loại thơ từ Thất ngôn bát cú; tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.
Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc “thần thơ thánh chữ”. Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau ba thi hào dân tộc (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương) và Đoàn Thị Điểm.
Nhân dịp sinh nhật ông, Cười 24H (từ lâu vốn ngưỡng mộ ông, coi Tú Xương như ông tổ của dòng thơ hài hước, châm biếm Việt Nam) xin mạn phép múa trộm “bàn phím” ít dòng để tỏ lòng tưởng nhớ đến tiền nhân.
Tú Xương rất đẹp trai!
Trong tất cả các tài liệu nói về Tú Xương tuyệt nhiên không thấy có ảnh, nhưng dáng hình cụ Tú chắc chắn là cực kỳ đẹp trai, phong độ. Điều này được Cười 24H “suy luận” qua bài thơ của người bạn học tên Lương Ngọc Tùng tả về ông:
“Cùng làng, cùng phố, học cùng trường
Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.
Mấy chục năm trời đà vắng bóng,
Nghìn năm còn rạng dấu thư hương”
Không đẹp trai sao được khi: Trán rộng, da trắng, mồm tươi, mũi thẳng, mắt sáng, thư sinh? Cũng chính vì đẹp trai như vậy nên các cô gái mê Tú Xương như điếu đổ, đến nỗi mới 16 tuổi Tú Xương đã phải lên giường - xin lỗi, lên đường lấy vợ.
Tú Xương cũng mê tín?
Cả cuộc đời Tú Xương hầu như chỉ gắn liền với thi cử, tổng cộng 8 lần, đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm). Sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi vẫn trượt vỏ chuối, Tú Xương đã cáu sườn đến độ thốt ra thơ:
“Tế đổi làm Cao mà chó thế,
Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!”
Tên Tú Xương được dùng để quảng cáo lò luyện thi!
Ăn theo câu chuyện Tú Xương nổi tiếng thi hỏng, ngày nay có một trung tâm luyện thi đã quảng cáo rằng: “Bạn có biết rằng có những người thi tới 8 lần không đỗ, mặc dù họ không hề kém, đó là ai, xin thưa đó chính là Tú Xương! Vậy tại sao Tú Xương thi 8 lần đều trượt? Bởi vì Tú Xương đã không tới luyện thi đại học tại trung tâm của chúng tôi. Hãy đến trung tâm luyện thi đại học X, địa chỉ Y, số điện thoại Z để có số phận khác Tú Xương”.
Tú Xương là nhà báo!
Tú Xương có thể coi như là một nhà báo đầu tiên ở Việt Nam vì tính báo chí trong thơ ông thể hiện rất rõ (trộm vía, nếu sống ở thời nay thì chí ít ông cũng là tổng biên tập một tờ nào đó).
Thơ Tú Xương như một tấm ảnh ghi lại những gì xung quanh, nào là ăn cắp vào nhà pha, nào sư ở tù, mán ngồi xe, nào cảnh mẹ vợ ngủ với chàng rể, cô ký lấy lẽ v.v...
Cũng rất gần báo chí là cái tư duy bám sát hiện tượng và sự vật của thơ Tú Xương. Ông thích mô tả, mà không thích tổng hợp vội, khái quát non. Nhân vật ông nói tới phải có cái tên cụ thể (ông ấm Điềm, ông cử Nhu, ông đồ Bốn...), địa điểm xảy ra hành động cũng là những phố, những làng có thật (Hàng Lờ, Hàng Nâu, Hàng Sắt v.v...). Đặc biệt, với Tú Xương bắt đầu cả loạt thơ chân dung viết về đủ loại: ông đốc, ông phủ, ông đội, ông lang, ông cò, cô đầu, lái buôn, bợm già, công chức thuộc địa v.v... Những con người có thật đó vào thơ ông sống động linh hoạt như ở ngoài đời mà vẫn gợi ra những ý nghĩ khái quát mà các bài báo sắc sảo phải có. Nhiều sáng tác của Tú Xương hình như được viết rất nhanh. Sự việc vừa xảy ra là ông có thơ ngay. Lại có những bài ông làm theo theo đơn đặt hàng của người khác, mà vẫn chân thành, sâu sắc và gửi gắm được tâm sự riêng của mình. Cái lối viết có vẻ như không cần cảm hứng này đích thị là một kiểu rất gần với báo chí hiện đại. Nếu là nhà báo, Tú Xương sẽ là một nhà báo viết được nhiều đề tài, thể loại khác nhau. Trong khi bị gò bó ở thể thơ thất ngôn, ông vẫn tỏ ra là một ngòi bút phóng túng, có thể “xoay phỏm” đủ kiểu, từ phóng sự, đặc tả cho tới tạp ghi, phiếm luận, nhàn đàm... thậm chí là cả dịch thuật nữa.
Tú Xương là “thần tượng” của đàn ông Việt!
Chỉ với 4 câu thơ, Tú Xương đã làm đàn ông Việt Nam đến tận hàng trăm năm sau vẫn tỏ rõ sự “ngưỡng mộ, biết ơn” khi ông đã nói rõ lòng họ một cách đầy công khai nhưng cũng thật... tinh tế trong bài thơ Ba cái lăng nhăng đáng được lọt vào top những bài thơ đi cùng năm tháng:
Một trà một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì hay cái nấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà!
(Xem một số bài họa)
Tú Xương là người tình tuyệt vời của vợ
Với đàn ông thì Tú Xương đã thành tấm gương cao cả, với phụ nữ Tú Xương cũng khiến họ có thể dâng hiến cả đời cho nhà thơ bởi những “tuyệt phẩm siêu nịnh vợ” với những dòng thơ như rút từ gan ruột của mình, đó là các bài “Thương vợ”, “Văn tế sống vợ”, hình ảnh người vợ trong thơ Tú Xương hiện lên đẹp đến mẫu mực như hình ảnh phụ nữ VN điển hình với những câu:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông...”
(Thương Vợ)
Dâng hiến cho chồng (ở đây là Tú Xương) cả vật chất lẫn tinh thần chưa đủ, trên thực tế vợ của nhà thơ còn dâng hiến cho ông đến tận 8 người con (6 trai, hai gái) chứ “năm con với một chồng” là nhà thơ tài hoa và khỏe mạnh phong độ của chúng ta còn chưa “liệt kê” hết ở thời điểm sáng tác bài thơ “nịnh vợ” siêu kinh điển này. Cười 24H tin chắc rằng bất kỳ một người vợ Việt Nam nào “vô tình” đọc được những dòng thơ biết ơn và ngưỡng mộ vợ đến vậy trong nhật ký bí mật của chồng mà không nở một nụ cười mãn nguyện đồng thời nhũn như con chi chi và mất hết sức chiến đấu thì không thể nào là phụ nữ! Càng nói càng phục cái tài Tú Xương đến sát đất. Nói không ngoa thì đây có thể coi là một trong những “diệu kế” hàng đầu của “Binh Pháp trị Vợ”. Chỉ riêng điều này đã đủ để Tú Xương trở thành một Hưng Đạo Vương trong Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Chỉ duy nhất Tú Xương làm được
Tú Xương còn là hiện tượng hiếm trong lịch sử thơ phú Việt Nam: Tú Xương Có "môn Phái", "môn đệ". Tên của ông là Trần Tế Xương, có lúc đổi thành Trần Cao Xương. Nhưng đây là chữ “xương” với nghĩa "thịnh vượng" (còn có nghĩa là đẹp, thẳng). Sách xưa có câu "Đức giả xương" (người có đức, thịnh vậy). Không phải là xương theo nghĩa “xương thịt”. Nhưng người đời sau, mấy vị chuyên làm thơ trào phúng đã cố tình đùa nghịch và "hư cấu", gắn cho cái nghĩa xương thịt, để rồi tự nguyện suy tôn Tú Xương (thịt) lên bậc tổ sư, còn mình là môn đệ. Và như thế là lịch sử văn học Việt Nam ở thế kỷ 20, 21 bỗng nhiên có một "môn phái" gồm Tú Xương, rồi Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc... và ngay cả ở 24H cũng có Cử Tạ và Tú Jap, dù không nổi tiếng nhưng cũng nổi... tai tiếng (viết tệ)!
Với tinh thần ngưỡng mộ cụ Tú Xương cao độ, người viết bài này xin dẫn lại một bài thơ của chính mình phỏng theo lối thơ của cụ Tú để nói về những người đang ngày đêm noi gương cụ viết tiếp những dòng trào phúng, hài hước, châm biếm trên Cười 24H.
Chém cha cái kiếp viết truyện cười
Hai tay ôm phím, mặt ngửa trời
Ngó giống đười ươi cười sằng sặc
Rặn ra một đống “những vui tươi”
Chém cha cái kiếp viết truyện cười
Ruột gan dẫu héo mặt phải tươi
Mỗi ngày phục vụ bao độc giả
Làm dâu trăm họ mệt đứt hơi
Chém cha cái kiếp viết truyện vui
Sếp chê truyện viết rất... dở hơi
Dăm ba độc giả khen... thâm thúy
Nhẫn tâm kẻ phán: “Viết như b...” (bò)
Chém cha cái kiếp viết truyện hài
Gà chưa kịp gáy đã đăng bài
Đêm hôm khuya khoắt bò trên Net
Rình rập post tin buổi sáng mai
Chém cha cái kiếp viết tiếu lâm
Người yêu, kẻ ghét, đứa chê... hâm
Vài cô ngúng nguẩy: “Trình hơi thấp”
Dăm chị ỉ ôi “chuyện quá... dâm”!.
5/9/2012 
Theo https://www.24h.com.vn/

Chén trà trong sương sớm

Chén trà trong sương sớm

Uống trà là cái thú thứ nhất đối với nhiều người: “Một  trà, một rượu, một đàn bà/ Ba cái lăng nhăng nó quấy ta” (Trần Tế Xương).
Nâng chén trà, ít ai uống vội vàng, uống một hơi (như người cày đồng về nhà, khát nước, “kéo gáo” bên vò nước lã) mà thường uống khoan thai, chậm rãi để lắng nghe hương vị của trà: Trà có vị đậm đà? Có hương thơm? Trà lài hay trà sen? Trà ngây hay trà ngọc lan? Trà Lâm Đồng hay trà Bắc Thái?…
Chiều hôm trước, Hòa thượng Tịnh Như đã bơi thuyền ra giữa hồ sen trước cổng tam quan chùa Viên Giác, đặt những túi trà Đài Loan nho nhỏ (gói trong giấy quyến) vào các búp sen hàm tiếu, đặng ướp cái hương nhụy của sen qua đêm.
Sáng ngày sau, Hòa thượng lại bơi thuyền ra, thu lại những gói trà ấy và hứng luôn những giọt sương đêm đọng trên lá sen, lá súng để rồi đem cả hoa, cả nước vào chùa quạt lò, đun nước, pha trà và đợi khách mộ đạo về chùa chùng ngồi đối ẩm chén trà “hầu tàn” vừa mới dâng cúng Phật.
Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cũng đi tìm cái thú thanh cao không kém khi ông đi tìm một “áng hương trà”: “Hương biếc tràn quanh nắp đậy hờ/ Ấm sành nho nhỏ khói lên tơ/ Hồn sen thoảng ngát trà dâng đượm/ Ai biết mình sen rụng xác xơ” (Qua áng hương trà).
Nhà thơ Quách Tấn tiễn bạn ra đi: “Hương trà chưa cạn chén hàn ôn/ Thuyền đã buông theo tiếng sóng dồn/ Ngắm vọi mây thu ùn mặt biển/ Gác chuông thành cổ động hoàng hôn” khiến những người trong cuộc bịn rịn tấc lòng, không muốn chia tay nhau.
Uống chén trà trong sương sớm (Bình minh sổ trảng trà) là cái thú của người dậy sớm để chào đón ngày mới, tận hưởng vẻ đẹp rực rỡ của một buổi bình minh.
Uống trà cũng như uống rượu, ít khi người ta chịu uống một mình (độc ẩm). Mà dẫu có độc ẩm thì cũng tìm bạn nơi chính mình (là hai), với vầng trăng tình tứ nữa (là ba). Trong mỗi cuộc trà, tùy theo số người “đối ẩm” mà có tên gọi khác nhau: “Song ẩm” (hai người, có chén tống, chén quân) “tam, tứ ẩm” hay “quần ẩm” (ba, bốn người…).
Và cũng bởi người ta uống trà “vị nghệ thuật” như thế cho nên mới có đủ thương hiệu trà. Trà Bắc Thái, trà Lai Châu… cho người ưa trà Bắc; trà Lâm Đồng, trà Bảo Lộc… cho dân nghiện trà cao nguyên. Trà lài, trà ngâu hay trà sói, trà ngọc lan hay trà sen…
Mỗi người, mỗi giới ưa chuộng ở trà một hương vị riêng. Lại còn trà của hãng nào nữa? - Xưa, có Kim Tiền, Đài Loan… là trà hảo hạng; nay có Ô Long, Tín Thái, Việt Nam Danh Trà… là trà có tiếng. Đó thật là cả một sự cố công của giới kinh doanh trà.
Giới đệ tử của trà (vì bên Nhật có Trà đạo) đâu chỉ nghiện nước trà mà còn nghiện cả cái thú chơi đồ trà. Tôi ở Quy Nhơn, bạn tôi trong giới đệ tử nhỏ của trà, ở thị trấn Bình Định. Tôi lên chơi nhà bạn thường mỗi năm cũng mươi lần. Mươi lần tôi lên chơi, mươi lần bạn đem ra bộ ấm chén “bóc tem” giới thiệu và pha trà thết tôi để chứng tỏ rằng, mình là dân chơi đồ trà danh bất hư truyền.
Dân buôn đồ cổ và dân chơi đồ trà xưa nay vẫn chưa làm sao thay đổi được câu xếp hạng những bộ đồ trà “độc”: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần” đã lưu truyền từ xa xưa.
Người bạn thâm giao đã thuyết cho tôi nghe tới trăm lần về cái đặc điểm của ấm Thế Đức gan gà mà gia đình anh đã “thủ đắc” tới đời anh là đời thứ năm.
Anh bảo: “Giống ấm đó khi chùi thì đừng có chùi lòng ấm vì đó là chỗ vị trà lưu cữu; thử cho biết có phải ấm này thứ thật thì hãy cứ úp xuống mặt gương của bàn anh đang ngồi uống trà, nếu thấy bộ ba vòi-miệng- quai ấm mà nằm cắn chỉ tăm tắp trên mặt gương, thì đó là ấm Thế Đức gan gà chính hiệu; ấm trà nóng mới pha tức thì mà đưa tay sờ da ấm, sẽ thấy lạnh tanh như anh đang sờ tay vào vỏ bình thủy; khi đi mua ấm trà hãy coi chừng tay bán hàng phỉnh anh, nó giấu cái nắp ấm mà chỉ bán cái thân ấm, để bữa sau lại đem bán một mình cái nắp ấm, buộc anh mua với giá chém ngọt cái cần cổ của anh”.
Nhà nghiên cứu sưu tầm văn hóa ẩm thực Nguyễn Phúc vẫn khoe bộ đĩa trà mà đĩa và ba chén trà đều sứ men xanh, vẽ tiều phu gánh củi. Chủ - khách, ba người, mỗi người một chén trà, hô một hai ba, cầm trôn chén “bong” như bong vụ, rồi thả chén ra mặt chiếu cho nó xoay tít, xoay tít… Thét một chặp, chén hết “tua” ngã lăn, rồi tự đứng dậy cho ông rót ba chén trà Ô Long, tiếp khách quý.
26/10/2008
Huỳnh Kim Bửu
Theo http://www.phattuvietnam.net/

Trần Tế Xương, “bậc thần thơ thánh chữ”

 Trần Tế Xương, "bậc thần thơ thánh chữ"

Ba mươi bảy năm cuộc đời với tám khoa thi đều hỏng, dấu ấn lều chõng cùng với cảnh nghèo vừa là nguồn đề tài phong phú vừa là nỗi đau dằn vặt giúp ông làm nên những vần thơ tuyệt tác để Nguyễn Công Hoan suy tôn là “bậc thần thơ thánh chữ”.
Trần Tế Xương (1870-1907) tự là Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh; lúc nhỏ bố mẹ đặt tên là Trần Duy Uyên, người làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Ðịnh; nay thuộc phố Hàng Nâu, Nam Ðịnh). Ông đậu Tú tài năm Giáp Ngọ (1894) nên người đời thường gọi ông là Tú Xương.
Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, tổ tiên ông lập công lớn dưới thời Nhà Trần nên được phong quốc tính (đổi theo họ nhà vua). Ông lận đận về đường khoa cử: đi thi từ năm 15 tuổi nhưng hỏng hoài, mãi tới năm 24 tuổi (1894) mới đỗ Tú tài; sau đó lại trượt Cử nhân 5 khoa liền.
Ông cưới vợ rất sớm, bà Phạm Thị Mẫn, một cô gái quê, có với nhau 8 người con - 6 trai và 2 gái. Nhà nghèo, con đông, nghề dạy học của ông lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học suy tàn nên mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú quán xuyến. Bà được xem là một phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa: tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình… Chính bà đã đi vào thi phẩm của chồng như một nhân vật điển hình hấp dẫn: Lặn lội thân cò khi quãng vắng,/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông./ Một duyên hai nợ âu đành phận,/ Năm nắng mười mưa dám quản công… (bài Thương vợ).
Cuộc đời ông gắn liền với lều chõng, tính ra có tất cả 8 lần. Sau 3 lần hỏng, mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đỗ Tú tài, nhưng cũng chỉ là Tú tài thiêm thủ (lấy thêm). Mãi sau đó dù kiên trì đeo đuổi, ông vẫn không đỗ được Cử nhân. Khoa Quý Mão (1903), ông đổi tên thành Trần Cao Xương với hy vọng bớt vận đen, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phải cáu gắt lên trong bài “Hỏng thi khoa Quý Mão”: “Tế” đổi làm “Cao” mà chó thế!/ “Kiện” trông ra “Tiệp” hỡi trời ôi! (Kiện và tiệp là hai chữ Hán viết hơi giống nhau, chỉ cần viết nhầm chữ này sang chữ kia là dù bài thi có hay mấy cũng cứ bị đánh hỏng).
Đang lúc còn đeo đuổi nghiệp khoa cử thì ông đột ngột qua đời năm 1907. Cuộc đời 37 ngắn ngủi của ông toàn nằm trong giai đoạn bi thương của đất nước, ông dũng cảm dùng ngòi bút trào phúng giễu mình, giễu đời, tung hê mọi cái nhố nhăng của xã hội, từ dân chí quan, không chừa một ai.
Tú Xương được xem là hiện tượng hiếm trong lịch sử tác gia Việt Nam, là người tạo ra “môn phái” thơ ca riêng với nhiều “môn đệ” hậu sinh. Chữ Xương trong tên ông có nghĩa là “thịnh vượng” (còn có nghĩa là đẹp, thẳng); nhưng những người chuyên làm thơ trào phúng về sau đã cố tình “xuyên tạc” một cách đáng yêu, cho đó có nghĩa là xương thịt. Từ đó, họ tự nguyện suy tôn Tú Xương (thịt) lên bậc tổ sư một “môn phái” quy tụ những môn đệ “ăn theo” học vị khoa bảng như: Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc, rồi Tú Poanh, Đồ Phồn…
Câu nói bất hủ của nhà văn Nga M.E. Saltykov-Shchedrin (1826 - 1889) “Văn học nằm ngoài những định luật của băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”, hay câu thơ Nguyễn Khuyến khóc Tú Xương “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn” đã vận vào số phận thơ văn của con người bước không qua tuổi 37 ấy.
Xuân Diệu xếp Tú Xương thứ 5 sau ba thi hào dân tộc (Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương) và Đoàn Thị Điểm. Ðặng Thai Mai khen Tú Xương là “Thầy Tú biết cười”. Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam. Nhưng có lẽ, suy tôn ông là “bậc thần thơ thánh chữ” như Nguyễn Công Hoan thì mới xứng đáng với thi tài của một tâm hồn đầy nhân bản, một tấm lòng nghệ sĩ đôn hậu thủy chung nơi ông.
Từ trước năm 1975, thành phố Đà Nẵng đã có con đường mang tên ông dài 192m, rộng 7m, nối từ đường Ngô Gia Tự đến đường Triệu Nữ Vương, nay thuộc phường Hải Châu 2, quận Hải Châu. Nhưng, bảng tên đường lại ghi thành Trần Kế Xương (ĐNCT sẽ giải thích trong mục Cửa sổ tri thức ở những số báo tới).
Lê Gia Lộc
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

Ngẫm về lời chúc "giàu sang" trong thơ Tú Xương

 Ngẫm về lời chúc "giàu sang"
trong thơ Tú Xương

Nhà thơ Tú Xương (Trần Tế Xương, 1870-1907), trong bài thơ “Chúc tết”, đã biểu cảm về những lời chúc “giàu” và “sang” của… thiên hạ, cách nay hơn một thế kỷ, trong xã hội thực dân nửa phong kiến ở nước ta. Về lời chúc “giàu”, ông viết những câu bức xúc: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu/ Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu/ Phen này ắt hẳn gà ăn bạc/ Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu”. Còn về lời chúc “sang”, ông hạ những dòng nhức nhối: “Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang/ Đứa thì mua tước, đứa mua quan/ Phen này ông quyết đi buôn lọng/ Vừa bán vừa la cũng đắt hàng” (Có bản in là: “Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng” - ĐNĐ). Ngẫm ra, thơ “Chúc tết” của Tú Xương là những lời tiên tri. Những tác phẩm văn học có giá trị thường có tính tiên tri, có khi vài trăm năm sau vẫn có tính thời sự, tính hiện đại.
Chuyện người giàu, người nghèo, kẻ sang, người hèn trong xã hội cũ làm cho Tú Xương đau đầu, phẫn uất. Có chân thực “đau đời”, biết yêu - ghét hết mực, rạch ròi và dám viết, dám nói ra điều ấy - đấy là nhân tố đầu tiên và cực kỳ hệ trọng để người ta viết được tác phẩm hay, mới trở thành nhà thơ, nhà văn đích thực! Thôi thì chuyện văn chương, “bếp núc” ấy đã đành một nhẽ, sẽ bàn luận dài dài về sau. Nhưng, từ lời chúc “giàu”, “sang” trong thơ Tú Xương, mà suy ngẫm về cái sự “giàu” và “sang” ngày nay, cũng có lắm chuyện để… thời đàm.
Phải thừa nhận rằng, trong xã hội xưa nay, có những người giàu một cách chính đáng. Bằng sự cần cù lao động, tiết kiệm, bằng trí tuệ sáng tạo, biết sử dụng đồng vốn một cách hợp lý và khả năng nhạy cảm kinh tế, có “chí làm giàu”, giữ được chữ “Tín” trong kinh doanh, nhiều người từ chỗ thường thường bậc trung, thậm chí hàn vi, đã trở thành những tỷ phú! Giàu chính đáng là rất đáng trân trọng, đáng khuyến khích. Song, lại có rất nhiều kẻ “giàu” bất chính, nhất là trong thời buổi nền kinh tế thị trường đang ở giai đoạn sơ khai và sự quản lý xã hội còn lỏng lẻo hiện nay ở nước ta!
Có hai loại người “giàu” bất chính: Một là những chức sắc “ranh nghiệp”, “ranh nhân” (không phải là những “doanh nghiệp” và “doanh nhân” chân chính! - ĐNĐ) và những người buôn bán siêu mánh làm ăn kinh tế. Họ lợi dụng những sơ hở trong luật pháp, trong quản lý kinh tế và sẵn thói ranh ma, lại móc ngoặc với những quan chức biến chất, đã buôn gian bán lậu, hàng xấu nhưng lại tăng giá vô tội vạ, hoặc được “ưu ái” nhận những dự án, những hợp đồng béo bở; hoặc ra rả “kêu lỗ” để vòi vĩnh nhà nước bù giá, cấp vốn, giảm thuế và những ưu đãi này nọ v.v... Hai là các quan chức tham nhũng ở các cấp, các ngành, các địa phương. Cuộc sống “đế vương”, vênh váo và huênh hoang rởm của loại “giàu” bất chính - chỉ là “chuyện con thỏ”! Bởi thế, mà Tú Xương đã viết: “Phen này ắt hẳn gà ăn bạc”. Loại “giàu” bất chính bây giờ, mỗi “đại gia” có khi sở hữu nhiều chục, nhiều trăm tỷ đồng, chưa kể xe hơi đắt tiền, trang trại, nhà lầu nhan nhãn. So với đại bộ phận người dân nước ta, nhất là nông dân, người miền núi, các đối tượng chính sách và cả các cán bộ - viên chức chân chỉ hạt bột với đồng lương quèn, thì thật là phát… khiếp! 
“Giàu” bất chính, hầu hết là loại “trọc phú”, còn gọi là “giàu” mà ngu. Đi đêm lắm, cũng có ngày gặp ma. Mọi sự ở đời, đều có cái giá của nó. Có nhân (nguyên nhân) thì có quả (kết quả). Khối vị “giàu” bất chính đã phải vào nhà đá ngồi bóc lịch. Báo chí đã phản ánh, tòa án cũng đã xét xử nhiều; nhưng làm sao cho xuể? Chiếm đoạt tiền bạc, tài sản công hoặc tư, ranh ma làm ăn buôn bán, lừa đảo, là loại bất lương, cố nhiên rồi; nhưng suy cho cùng-quả là “đại ngu”! Đấy là chưa kể, có không ít vị giám đốc, tổng giám đốc các “ranh nghiệp” nọ, thông thường trình độ văn hóa chỉ cấp 2, cấp 3, cũng có người là “cử nhân” (mua bằng và học vị bây giờ… hơi bị dễ!). Nhưng thôi, bằng cấp không nói lên được trí tuệ và lương tâm con người. Điều muốn nói ở đây, là cái sự “giàu” bất chính!
Còn từ “sang” của Tú Xương? “Sang” đối lập với “hèn”. “Giàu” bất chính, bất lương, do tham nhũng, vơ vét, lừa đảo, như nói ở trên -đâu phải là “sang”. Chớ hiểu nông cạn: cứ “giàu” là “sang”! “Giàu” bất chính là loại “giàu hèn”, bị người đời khinh ghét, thậm chí căm giận. Ngay cả nhiều người “giàu” chính đáng, cũng có thể không “sang”. “Sang” là vừa có nhiều tiền bạc, của cải do chính mình làm ra một cách lương thiện, nhưng đồng thời lại phải có danh vọng, được đông đảo người đời khâm phục, kính trọng. Thông thường, cái “sang” phải có cơ sở là cái “giàu” chân chính, nhưng “giàu” chưa phải là điều duy nhất để trở thành “sang”. Cái “sang” thuộc phạm trù tinh thần, nó nghiêng về sự nổi danh đích thực- bởi một nhân cách cao thượng, có học vấn và sự lịch lãm. Ví như nhân vật Trạng Quỳnh huyền thoại, nhà nghèo, nhưng vì vợ ốm mà phải đến cầu thành hoàng làng giúp cho vợ khỏi bệnh. Ông đã chỉ mặt thành hoàng mà rằng: “Chú là kẻ cả trong làng/ Ta là người sang trong nước”! Tuyệt vời chưa!
Tuy nhiên, bàn cho kín kẽ, ở đời xưa nay cũng có nhiều cái “sang… mượn”, “sang… rởm” và cái “sang… xin”. Nhiều kẻ ranh ma, cơ hội, dùng tiền bạc và lời nịnh bợ, hoặc nhan sắc, cầu cạnh cấp trên mà leo lên ghế ông nọ bà kia, để nhằm đạt đến mục đích “tối thượng” là “vinh thân phì gia”. Vì thế, Tú Xương đã viết: “Đứa thì mua tước, đứa mua quan”. Hạng người đó, không thể là “sang” được!
Đảng và Nhà nước ta chủ trương mở mang các thành phần kinh tế, khuyến khích mọi người làm giàu chân chính, nhưng kiên quyết chống tham nhũng, chống gian lận thương mại, chống suy thoái về đạo đức và lối sống, nhằm xây dựng một xã hội có văn hóa, xây dựng một nền kinh tế minh bạch và vững mạnh, đảm bảo sự công bằng và an sinh xã hội. Chủ trương ấy rất đúng đắn, sáng tỏ. Cho nên, từ bài thơ nổi tiếng của Tú Xương mà bàn về chuyện “giàu” và “sang” xưa nay, âu cũng là theo tinh thần ấy.
Đào Ngọc Đệ
Theo https://doanthuan.wordpress.com/ 



Tú Xương bi kịch trăm năm

 Tú Xương bi kịch trăm năm

Trăm năm nay đọc thơ của nhà thơ sông Vị, người đời vẫn nghĩ rằng Tú Xương có hai bi kịch lớn: Nhà nghèo và hỏng thi. Nghĩ thế không sai nhưng là cách nghĩ nông nổi của thế nhân thường tình. Nếu chỉ dừng lại ở lớp vỏ của những câu thơ, ta thấy rằng Tú Xương quả thật nghèo, nghèo đến mức như con chim cuốc khạc ra máu, ông nôn ra những câu thơ than nghèo vào loại đau đớn nhất của thơ ca Việt Nam: Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông/ Một tuồng rách rưới con như bố rồi Vợ lăm le ở vú, con tấp tểnh đi bồi và cung độ cao nhất của tiếng than đó là Van nợ lắm khi trào nước mắt, chạy ăn từng bữa toát mồ hôi! Nhưng xin hãy cảnh giác, với nhà thơ thì giữa những bài thơ than nghèo và cái nghèo thật, thường có khoảng cách. Ta hãy xem thử gia cảnh nhà thơ xem sao?
Tú Xương sinh trong ngôi nhà tổ phụ tại 247 phố Hàng Nâu Nam Ðịnh, ngôi nhà lá, có vườn. Năm Giáp Ngọ Tú Xương 25 tuổi, đỗ tú tài, còn người em rể là Mai Công Hoán đỗ cử nhân. Ngôi nhà bị cháy. Liền ngay đó, thân sinh nhà thơ làm lại nhà bằng gạch. Như vậy là cùng một khoa thi mà trong gia đình, con rể đỗ cử nhân, con trai đỗ tú tài, nhà tranh vừa cháy xong làm luôn nhà gạch, gia cảnh như vậy phải chăng là nghèo? Sau này, do buôn bán thua lỗ, ông thân sinh phải gán nợ nhà 247 thì nhà thơ vẫn có ngôi nhà 280 Hàng Nâu, được bà nhạc chia. Theo nhà văn Nguyễn Công Hoan thì người đương thời mô tả nhà thơ như sau: “Thường ngày Tú Xương vẫn ăn vận lịch sự, áo the quần trắng, giầy gia định. Ðến tết ông mặc áo xuyến tàu màu tam giang và áo bông nhiễu.” ( Tú Xương thơ và đời tr. 215) Một phong độ như vậy liệu có thể có ở kẻ nghèo? Một thời gian dài chưa tường gia cảnh nhà thơ mà chỉ dựa vào thơ ông, tôi cũng ngờ ngợ cái cảnh nghèo của ông. Người nghèo không thể có cuộc sống phong lưu nay cao lâu mai cô đầu nhà hát. Dù nhà thơ có viết cao lâu thường ăn quỵt, thổ đĩ lại chơi lường thì ta cũng hiểu không dễ gì mà quỵt mà lường ở chốn ăn chơi! Như vậy cái nghèo không phải là bi kịch thực sự trong cuộc đời nhà thơ. Cái nghèo trong thơ Tú Xương chỉ là thủ pháp mỹ học phóng đại, ngoa ngôn trong thơ trào phúng của ông. Nhà thơ lấy cái nghèo muôn thuở vận vào mình để làm nên những câu thơ bất hủ.
Hỏng thi cũng là điều được người đời cho là bi kịch lớn của nhà thơ. Có thể đúng như vậy, nếu nhìn bề ngoài. Trần Tế Xương vác lều chõng đi thi từ năm 15 tuổi và từ đấy nghiệp thi cử gắn liền với cuộc đời ông. Nó mang tới hy vọng, nó như cứu cánh mở ra cho ông con đường duy nhất thăng tiến trên đời. Có lúc nhờ nó ông đã vênh vang:
Ông trông trên bảng thấy tên ông,
Ông nốc rượu vào ông nói ngông
Xướng danh tên gọi trên mình tượng,
Ăn yến xem ra có thịt công…
Ðấy là cái lần đỗ duy nhất trong cuộc đời nhà thơ, nhưng cũng chỉ đỗ tú tài, cái học vị giở trăng giở đèn chẳng có ý nghĩa gì trong xã hội. Và cũng chính nó khiến nhà thơ như con bạc khát nước, đốt cháy cả cuộc đời mình vào lều chõng:
Gặp thời gặp vận nên bay nhảy,
Cho thỏa rằng sinh chẳng lỗi thì.
Và:
Mở mặt quyết cho vua chúa biết,
Ðua danh kẻo nữa mẹ cha già.
Năm nay ta học năm sau đỗ,
Chẳng những Lương Ðường có thủ khoa!
(Than thân chưa đậu)
Nhà thơ đi theo số mệnh mình như con cá bám theo cái mồi vinh hoa thực thực ảo ảo: Hỏng rồi thi, thi rồi hỏng… Việc thi cử nó ám lấy nhà thơ như ma ám cho đến chết! Như hai mặt của tấm huy chương, thi cử đem đến cho ông những nỗi đau đến tận cùng:
Ðau quá đòn hằn,
Rát hơn lửa bỏng.
(Hỏng thi khoa Canh Tý)
Không chỉ đau mà tới mức phẫn uất, tuyệt vọng:
Phen này tớ hỏng tớ đi ngay,
Giỗ tết từ đây nhớ lấy ngày!
(Mai ngày tớ hỏng)
Tuy vậy, chính lều chõng cũng lại là lẽ sống của ông trong cuộc đời bế tắc. Với Tú Xương, học và thi đã thành cái nghề, nếu không có việc học hành thi cử thì ông còn biết làm gì? Một cái nghề quái đản, không làm ra tiền mà còn tốn kém. Ðiều duy nhất cái nghề học hành thi cử đem lại là tạo cho nhà thơ tiếng sang cùng hy vọng. Việc thi cử với Tú Xương giống như người chơi xổ số: sáng mua chiều bỏ! Nhưng giữa mua và bỏ ấy, người ta luôn le lói chút hy vọng. Chính vì vậy, suy cho cùng, việc hỏng thi không hề là bi kịch mà lại là cái may của nhà thơ vì nhờ đó ông mới viết được những vần thơ hỏng thi đến độ tuyệt tác. Và phải nói rằng chính việc hỏng thi đã tránh cho ông cái bi hài kịch mà chúng ta có thể hình dung được: Một Tú Xương sau khi ngỏng đầu rồng trong lễ xướng danh sẽ xênh xang áo mũ gia nhập quan trường ra luồn vào cúi. Thảm thương thay cho hồn thơ cuồng phóng phải chịu giam hãm trong cái xác phàm tầm thường! Mà đâu đã yên, trong một giờ xấu (hay tốt?) nào đấy, con người cuồng phóng trong ông sẽ nổi loạn, tung hê tất cả… Nhà thơ không còn mà quan cũng mất!
Nghèo không tới mức bi kịch, hỏng thi không phải là bi kịch vậy phải chăng cuộc đời Tú Xương hạnh phúc? Tôi không nghĩ thế. Bi kịch lớn của Tú Xương chính là ông không tự biết mình!
Tú Xương, ông là ai? Ðã nhiều lần tôi vẩn vơ với câu hỏi đó. Rồi lúc lọc qua sắc cầu vồng huyền ảo của những bài thơ, nhận ra ông là một con người thích hưởng lạc:
Một trà một rượu một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta,.
(Ba cái lăng nhăng)
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ,
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh.
(Tự cười mình)
Biết ngồi Thông Bảo, biết đi ả đầu,
Biết thuốc lá biết chè tàu,
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi.
(Hỏi ông trời)
Trong con người thích hưởng lạc ấy lại là một gã cực ngông: Ðối với trời thì bán trời không văn tự Lúc túng toan lên bán cả trời. Ðối với người thì bất cần đời Ai chơi chơi với chẳng cần chi. Và trong cốt cách của con người ngông nghênh thích hưởng lạc ấy là một trang phong lưu tài tử:
Kìa thơ tri kỷ đàn anh nhất,
Nọ khách phong lưu bậc thứ nhì.
Ăn mặc vẫn ra người thiệp thế,
Giang hồ cho biết bạn tương tri.
(Tự đắc)
Chàng trẻ tuổi tự xưng đàn anh nhất về thơ này dường như sinh ra để không bằng lòng với cuộc đời thực tại nên đã dùng thơ để châm chích, chửi vung tung hê mọi thứ, từ thói đời đen bạc đến chuyện thi cử, từ quan tham lại nhũng đến những cái nhố nhăng… Những tưởng chán ghét cuộc đời như thế thì ông sẽ thành người ở ẩn độc thiện kỳ thân, mặc cho thiên hạ đục, một mình mình trong như nhà nho xưa vẫn làm. Nghịch lý thay, tuy chán đời, ghét đời đến vậy nhưng ông vẫn năm năm đèn sách, khóa khóa đi thi để mong được ngỏng đầu rồng phía dưới những bà đầm ngoi đít vịt, không khác gì những kẻ ông từng chế diễu và mong hưởng cái phú quý tầm thường: Ví cho thi đỗ làm quan lớn/ thì cũng nhỏ to cưới chị hầu (!)
Bi kịch của Trần Tế Xương là cố đấm ăn xôi mong chút vinh hoa phú quý tầm thường nhưng không thuộc về mình. Ta thấy ở đây còn đâu cái sĩ khí cái cốt cách của nhà nho của kẻ sĩ từng treo cao giá trong quá khứ! Xin đừng ai nghi ngờ rằng Tú Xương hỏng thi là do quan trường đì nên đánh rớt. Ông Tú rất biết mình:
Rõ thực nôm hay mà chữ dốt,
Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy.
(Buồn thi hỏng)
Trường quy là cái luật chơi ở thời Tú Xương đã trở nên cứng nhắc đến ngặt nghèo, khước từ mọi mầm mống sáng tạo. Trong khi đó Tú Xương tài hoa phóng túng như là gió . Bi kịch lớn nhất trong trong đời Tú Xương là ông không tự biết mình là gió lại cố tình đem giam mình trong phòng giam chật hẹp của cái lề thói bị ông báng bổ mà giam cũng không xong. Ðấy là bi kịch của con người mất phương hướng trong cuộc đời, bi kịch của một thế hệ kẻ sĩ hết thời.
Với Tú Xương, bi kịch còn ở lẽ khác, thuộc về thân phận của nhà thơ trào phúng. Thơ trào phúng là thơ thời sự, lấy chất liệu trực tiếp từ những sự trái khoáy của cuộc sống, từ những thói hư tật xấu của người đời. Thời đại Tú Xương là giai đoạn khủng hoảng của xã hội Việt Nam, xã hội phong kiến cổ truyền tan rã trước sức tấn công của văn minh phương Tây. Trước mắt con người Việt biết bao nghịch cảnh bày ra. Với tài năng của nhà thơ trào phúng, Tú Xương thu nhận những nét hiện thực ấy đem vào thơ. Thời đại không chỉ cho ông chất liệu, thời đại còn cho ông những điều kiện để trở thành nhà thơ trào phúng lớn nhất trong lịch sử văn chương Việt, đấy là sự tự do sáng tác. Có lẽ Tú Xương là nhà thơ cuối cùng xuất bản thơ qua lối truyền miệng. Ngay lập tức thơ ông đến với nhân dân và được nhân dân truyền tụng, bảo vệ, không chịu sự kiểm duyệt, sự cấm cản nào. Mặt khác, cũng do buổi giao thời mà thiết chế quản lý xã hội của chính quyền thực dân chưa chặt chẽ, còn có những kẽ hở tự do, điều mà người làm thơ sau này không thể có. Nếu lúc đó chế độ kiểm duyệt ngặt nghèo hơn thì những bài như Ông cò, Chế ông đốc học, Ông Ấm mốc, Chế ông huyện… không thể ra đời vì đụng tới ông cò là đụng tới công cụ bảo vệ chế độ, đụng tới những ông ấm ông huyện là xúc phạm cá nhân, ra tòa như bỡn! Với những cấm cản như vậy, thơ trào phúng sẽ khô chồi.
Như hai mặt của tấm huy chương, thời buổi đã cưng chiều tạo cho nhà thơ điều kiện tốt nhất để làm thơ thì cũng chính sự nghiêm nhặt của thời gian đã tính sổ với thơ ông. Có thể ví thơ là dây đàn còn người đọc là hộp đàn. Phải kết hợp hai yếu tố này mới tạo nên âm nhạc. Thơ Tú Xương sở dĩ được người đương thời ưa thích bởi lẽ nó đáp ứng được tâm trạng công chúng lúc đó. Nhưng hôm nay thời cuộc đã khác. Nhiều cái mà ngày xưa là kệch cỡm đáng cười thì nay được chấp nhận như chuyện bình thường thậm chí còn cao giá. Thông, ký, phán trở nên quen thuộc, thành nghề mưu sinh được tôn trọng. Ngay cả việc thi cử với cử nhân dốt, tiến sĩ giấy cũng chả là cái đinh gì so với học giả bằng dỏm hôm nay. Việc bán tước mua quan cũng không còn là chuyện thường ngày ở huyện… Trong bối cảnh của tâm thế xã hội hiện thời, phần lớn thơ trào phúng của Tú Xương không còn gây cười được nữa! Ðiều này không phải do nhà thơ bất tài mà do tâm thế của xã hội đổi thay. Con người luôn luyến tiếc quá khứ, thường coi quá khứ tốt hơn hiện tại. Ngay ở thời mình, Khổng Tử đã tiếc phong tục thuần phác của nhà Chu. Còn chúng ta lại ngưỡng vọng về thời cụ Khổng! Hình như con người càng sống thì thói đời càng xấu đi? Vì vậy cái xấu ngày xưa bị chính cái xấu của hôm nay phủ định. Cũng vì thế mà tuổi thọ của thơ trào phúng thường ngắn. Tú Xương cũng không thoát khỏi quy luật chung này.
Nhưng là một thiên tài thi ca, Tú Xương vẫn lừng lững in dấu ấn của mình trong lịch sử văn chương đất nước. Dù không còn gây cười hào hứng được nữa thì thơ Tú Xương vẫn là những bức tranh của quá vãng gợi lên trong người đọc nụ cười buồn thông cảm. Nhớ về ông, người đọc mai sau sẽ ngâm ngợi:
Vẳng nghe tiếng ếch bên tai,
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò!
Và:
Một ngọn đèn khuya trống điểm thùng…
Hà Văn Thùy
Nguồn: Newvietart
Theo https://doanthuan.wordpress.com/



Tú Xương với tài dịch thơ chữ Hán

 Tú Xương với tài dịch thơ chữ Hán

Nhà văn Nguyễn Công Hoan trong bài “Thơ Tú Xương” in trên tạp chí Văn nghệ tháng 1 năm 1963 đã suy tôn nhà thơ non Côi Sông Vị là bậc “Thần thơ thánh chữ”.
Xưa nay, trên văn đàn, sự trọng thị, liên tài là cách ứng xử của những người có nhân cách lớn, có biệt nhỡn và cả tài năng trác việt. Tú Xương “trong con mắt xanh thời gian”, việc nhìn nhận đánh giá những cống hiến của ông cho Văn học Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX còn cộng hưởng thêm từ các tuyển tập, các công trình nghiên cứu của các soạn giả trong Nam, ngoài Bắc nhiều thập kỷ qua.
Đặc biệt, lời biểu dương Tú Xương của Nhà văn Nguyễn Tuân trong bài “Thời và thơ Tú Xương” ngay từ những năm sáu mươi thế kỷ trước đã được nhiều người tán thưởng: “Tú Xương, một người thơ, một nhà thơ vốn có nhiều công đức trong trường kỳ xây dựng lâu đài ngôn ngữ Việt Nam” (Tạp chí Văn nghệ, tháng 5/1961).
Còn Giáo sư người Anh Albert Smith đã đánh giá: “Tú Xương xứng đáng đứng vào hàng những nhà thơ trào phúng lớn của thế giới”. (1)
Sinh thời, ông Tú Vị Xuyên trong việc “tự phê bình” chuyện học hành thi cử đã viết rằng mình “Rõ thực Nôm hay mà chữ dốt”, “Tám khoa chưa khỏi phạm trường quy”…
Điều gì đã khiến Tú Xương, một người thông minh, mẫn tiệp thành người “lạc đệ” trong buổi Nho học suy tàn, “nhà nước bảo hộ” bắt đầu áp đặt cách thức “tuyển trạch nhân tài” phục vụ cho bộ máy thống trị hà khắc kiểu “thực dân - nửa phong kiến” trên toàn cõi Việt Nam kể từ sau Hiệp ước Patenôtre 1884, ký với triều Nguyễn?
Giáo sư Nguyễn Đình Chú trong tiểu luận “Tú Xương, nhà thơ lớn của dân tộc” cho rằng: “Tú Xương hỏng thi… chính là do sự vênh nhau giữa con người nghệ sĩ phóng khoáng, hồn nhiên với cái chế độ thi cử vốn có phép, có tắc của nó, dĩ nhiên là thứ phép tắc gò bó, thủ tiêu cá tính tài năng con người trong xã hội cũ.
Việc hỏng thi đã thành vấn đề đối với cuộc đời Tú Xương”. (Tú Xương - tác phẩm Giai thoại, Hội VHNT Hà Nam Ninh, 1986).
…“Một việc văn chương thôi cũng nhảm/ Trăm năm thân thế có ra gì…”. (Buồn hỏng thi - Tú Xương)
Có người lại cho rằng việc “hỏng thi” của ông Tú lại là cái “được” của văn học. Mất một “ông Cử” đội mũ cánh chuồn cung phụng Nam triều những được một nhà thơ lớn:
“Ông Nghè, ông Thám vô mây khói/ Đứng lại văn chương một Tú tài”.
(Đọc thơ Tú Xương - Xuân Diệu)
“Đọc thơ Xương, ăn chuối Ngự”, ai cũng biết câu phương ngôn của người Nam Định yêu quý những đặc sản vật chất, tinh thần vùng đất đã sinh ra cùng với giai thoại từ thuở cậu bé Trần Duy Uyên ngồi trước thềm hoa năm sắc “Đình tiền ngũ sắc hoa” nhập tâm chữ nghĩa thánh hiền…
Năm 1962, tại phòng đọc Thư viện Nam Định, tôi đã chép bản dịch thơ Đỗ Phủ của nhà thơ Trần Tế Xương trong cuốn “Tú Xương, con người và nhà thơ” (NXB Văn hóa, 1961) của Trần Thanh Mại, Trần Tuấn Lộ. Sách không in bản phiên âm nguyên tác chữ Hán “Xuân dạ hỷ vũ” của Đỗ Phủ. Chỉ có bản dịch của Tú Xương:
Mừng mưa đêm xuân
Khen thay con tạo khéo chia mùa
Hoa sớm mưa xuân những hẹn hò
Đưa nhẹ một cơn bừng giấc thắm
Rơi ra từng sợi thấm cành khô
Đồng không lối tắt mây nghi ngút
Sông vắng thuyền ai lửa thập thò
Phơi phới thành xuân ban sáng tạo
Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa.
Thử hình dung ông Tú trong màn mưa bụi Thành Nam đêm xuân, quay về phía dãy hàng hiên có bóng đèn lồng và đôi câu đối đỏ:
“Môn ngoại vãng lai xa mã khách/ Đình tiền xuất nhập quế khôi nhi” (2)
Ngôi nhà mái ngói số 247 Hàng Nâu, khu Định Hữu, Vị Xuyên hãy còn hé cửa. Bên tràng kỷ, trên án thư người nhà đã bày sẵn nghiên sứ, thỏi mực đen ánh và cây bút Tảo Thiên Quân cùng “ánh đèn xanh” với “những quyển vàng”.
Ông dịch thơ Đỗ Phủ, thần hứng lâng lâng, tấm áo bông treo mắc áo hãy còn đính những hạt mưa xuân bé tí lấp lánh. Một đêm xuân bao nhiêu tình tứ:
“Ai ơi còn nhớ ai không
Trời mưa một mảnh áo bông che đầu
Nào ai có tiếc ai đâu
Áo bông ai ướt khăn đầu ai khô
Người đi Tam Đảo, Ngũ Hồ
Kẻ về khóc trúc Thương Ngô một mình”…
(Áo bông che đầu - Tú Xương)
Bài thơ “Xuân dạ hỉ vũ” của thi hào Đỗ Phủ tả một đêm mưa xuân có thể là ở đất Kinh Triệu, gần Kinh đô Tràng An nhà Đường, nơi ông được làm một chức quan nhỏ coi kho vũ khí trước ngày xảy ra loạn An Lộc Sơn.
Đỗ Phủ (712-770) sao có thể biết sau hơn một nghìn năm ở phương Nam xa xôi này có một nhà thơ trẻ yêu quý ông, có thể gọi dậy sức sống tinh khôi ở một bài thơ cổ.
Ở đây, đồng đất ngoại thành Nam Định cũng vừa bừng thức sau làn mưa xuân dìu dịu mùi hương cỏ nõn. Sông Vị Hoàng êm lắng, đầu mom cối bãi lơ mơ sương khói, thuyền ai thắp lên ánh lửa sáng vào trang thơ:
Đồng không lối tắt mây nghi ngút/ Sông vắng thuyền ai lửa thập thò…
Không biết đây là thành xuân phương Bắc xa lắc xa lơ hay là Thành Nam với những xóm Phù Hoa, Vị Khê… lối cửa Đông, cửa Nam sớm mai như vẽ:
Phơi phới thành xuân ban sáng dạo/ Chồi sương nặng trĩu mặt hoa đưa…
Đưa bản dịch “Xuân dạ hỷ vũ” của Tú Xương vào tiểu luận “Đọc thơ Tú Xương” trong “Các nhà thơ cổ điển Việt Nam” tập II (NXB Văn học 1987, trang 184), nhà thơ Xuân Diệu viết: “Trước hết là khâm phục Đỗ Phủ, tiếp liền sau là khen Tú Xương, ngôn từ nhanh nhẹn, lời văn rất mới; mới đây không phải ngông nghênh, tân thời “mô đéc” thì gọi là mới; mới đây nghĩa là trẻ, trẻ thì nhất định luôn luôn mới, trẻ là tồn tại muôn đời, mở ra lúc nào mới lúc ấy!
Chao ôi, không biết khen ai, khen cả hai tác giả! Mưa xuân ban đêm hẹn với nhau nảy sớm mùa; cái mưa xuân ấy đưa nhẹ một cơn, thì hoa bừng giấc thắm, tỉnh dậy và nở thắm; cái mưa xuân ấy rơi ra từng sợi thấm cành khô, cha chả là hay! Hai câu đối nhau, đọc liền một lúc mới thấy lộ hết cái hay”.
Tú Xương còn bao nhiêu bài dịch nữa? Khó có thể liệt kê đầy đủ bởi vì ngay những sáng tác của ông lúc sinh thời còn được bạn đọc hôm nay tìm đến chủ yếu do những người quý trọng tài năng thi ca xuất chúng nơi ông mà nhập tâm, ghi chép lại. Thơ ông ở trong trí nhớ, trong tâm thức người Nam Định, trong các bản chép tay tủ sách của các gia đình.
Nhà thơ Trần Lê Văn trong “Tú Xương, khi cười, khi khóc, khi than thở” (NXB Lao động, 2002, tr84) cho biết “Năm 1930, Trần Duy Lãng, một trong những người con của ông Tú, bị Tây bắt vì bị tình nghi hoạt động cách mạng, gia đình sợ đem đốt hết cả tập thơ. Đốt tại số nhà 280 phố Hàng Nâu, Nam Định”.
Giáo sư Nguyễn Lộc trong “Lịch sử văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX” (NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, 1987, trang 323) cho biết: “Ở Thư viện Khoa học Xã hội (Hà Nội) có một cuốn sách ký hiệu AB 194 ghi là của Trần Tế Xương, nội dung có phần Nam giao cổ kim lý hạng ca dao chú giải chép ca dao nước ta có chú thích bằng chữ Hán, ngoài ra có phụ một số câu đố.
Cũng trong cuốn sách này có một phần tên là Đường thi ngũ ngôn giải âm dịch 83 bài thơ trong bộ Đường thi hợp tuyển cũng ghi là của Trần Tế Xương”.
Mặc dù không khẳng định tư liệu thành văn này của Tú Xương, Giáo sư Nguyễn Lộc vẫn quả quyết: “Nhưng một điều dứt khoát có thể khẳng định được là Tú Xương rất am hiểu ca dao” (Sđd).
Chúng tôi chưa được tiếp cận tư liệu quí giá này. Nếu quả thật đây đúng là di cảo của nhà thơ Tú Xương thì “thật là hay”! Chúng ta đều biết, Tú Xương là nhà thơ sử dụng ca dao, tục ngữ, thành ngữ… vào các sáng tác văn học đến mức thần tình.
Ông xứng là bậc thầy trong lao động sáng tạo ngôn ngữ thi ca tiếng Việt, một “bút lực đại gia” trong việc sử dụng và biên dịch tác phẩm chữ Hán qua các văn bản hiện hữu.
Trong “Thơ Đường tập 1” (NXB Văn học 1987, tr.137) có in bài thơ “Thập thất dạ đối nguyệt” của Đỗ Phủ, bản dịch thơ của Tú Xương.
Nguyên tác của Đỗ Phủ:
THẬP THẤT DẠ ĐỐI NGUYỆT
Thu nguyệt nhưng viên dạ
Giang thôn độc lão thân
Quyển liêm hoàn chiếu khách
Ỷ trượng cách tùy nhân
Quang xạ tiềm cầu động
Minh phiên túc điểu tần
Mao trai y quất dữu
Thanh thiết lộ hoa tân
Dịch nghĩa:
NGẮM TRĂNG ĐÊM MƯỜI BẢY
Trăng thu đêm nay vẫn tròn
Thân già côi quạnh ở xóm bên sông
Cuốn rèm, trăng còn ngó khách
Chống gậy, trăng vẫn theo mình
Ánh rọi xuống, làm con cầu long đã lặn phải cựa quậy
Bóng sáng soi vào, khiến con chim ngủ xoay mình luôn
Lều tranh dựa bên cây quýt, cây bưởi
Đêm lạnh hạt móc mới đọng như hoa.
Dịch thơ:
NGẮM TRĂNG ĐÊM MƯỜI BẢY
Vành vạnh trăng thu chút chửa sai
Xóm sông lụ khụ một mình ai
Cuốn rèm trông thấy như chào lão
Chống gậy ra chơi lại đón người
Soi suốt rồng nằm dòng nước chảy
Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi
Nhà tranh ngồi tựa bên chồi quýt
Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời.
Trần Tế Xương
Bài thơ thể ngũ ngôn được “dịch” sang thể thơ thất ngôn thêm “đất dụng võ” cho dịch giả. Đỗ Phủ “Ngắm trăng đêm mười bảy” một mình từ túp lều tranh quạnh quẽ bên dòng sông trăng thu đầy ắp.
Hình như Đỗ Phủ khi ấy đang ở rất gần con sông thơ “Khúc Giang” nổi tiếng “Triều hồi nhật nhật điểm xuân y” (Khỏi bệ vua ra cố áo hoài - Tản Đà dịch), trong cảnh ngộ “thân già cô quạnh ở xóm bên sông” xa lánh hẳn cái thuở làm chức gián quan tháp tùng vua Đường chạy loạn An Lộc Sơn.
Những năm cuối đời, nhà thơ lâm vào cảnh khốn khó, gia đình ly tán. Đỗ Phủ phải vất vả mưu sinh, nếm đủ cơ cực, thiếu đói, bệnh tật hành hạ, nhưng phẩm cách của bậc “Thi Thánh”, tư tưởng nhân văn lại càng tỏa sáng. Thơ ông vươn tới đỉnh cao của nghệ thuật thơ Đường.
Tú Xương dịch bài thơ “Thập thất dạ đối nguyệt” của Đỗ Phủ có thể cũng vào một đêm thật trăng sau những đêm “Nhạt nhèo quang cảnh ánh trăng suông”. “Trời không chớp bể với mưa nguồn”… là cái đêm bình yên trở lại sau “Đêm rằm tháng tám chúng vây ai?” rậm rịch bước chân đám lính “khố đỏ, khố xanh” lùng sục các phố xá Thành Nam, vây ráp như “Đèn kéo quân” tìm bắt cả những người bị tình nghi có hành vi chống đối Nhà nước bảo hộ.
Cái đêm chừng như vầng trăng trong thơ Đường về tròn gương bên bến nước sau nhà, trăng dạt dào tiếng sóng vỗ mom sông. Bản dịch của Tú Xương sáng đẹp lạ thường trong lời thơ Việt có cả những làn sóng ánh sáng:
Soi suốt rồng nằm dòng nước chảy/ Sáng choang chim ngủ bóng cành phơi
Và ở câu kết “Đêm lạnh hạt móc mới đọng như hoa” Tú Xương dịch thành “Móc trắng lòng ta cũng trắng ngời” khiến cho sự sáng trong lòng ta ngời lên như những hạt ngọc!
Tài năng xuất chúng của Trần Tế Xương không chỉ ở những thơ, phú, câu đối… mà còn ở những bài dịch thơ chữ Hán trác tuyệt của ông.
Chú giải: (1) Dẫn theo Nguyễn Thị Hòa Bình (trong luận văn “Con đường từ Nguyễn Khuyến đến Trần Tế Xương của văn học trào phúng” - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội 1999).
(2) Câu đối trong bức tranh “Đối Pháo” của họa sĩ Nguyệt Hồ (1905 - 1992).
Nam Định, 10/2007
Phạm Trọng Thanh
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

 

 


Tú Xương nhà thơ trào phúng (1870-1907)

 Tú Xương nhà thơ trào phúng 
(1870-1907)

Trần Tế Xương sinh tại số nhà 247 phố Hàng Nâu thành phố Nam Định với tên húy là Trần Duy Uyên. Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần là bởi vào đời Nhà Trần lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông đi học sớm và nổi tiếng thông minh Thân sinh của Trần Tế Xương là nhà nho Trần Duy Nhuận. Ông Nhuận có 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng.
Ngày nay chúng ta không có ảnh Tú Xương, chân dung ông được đồng môn Lương Ngọc Tùng tả:
“Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,
Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,
Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.
Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,
Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.”
Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả 8 lần). Sau 3 lần hỏng thi mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, những lần thi cử nhân sau ông đều trượt. Thời ấy, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ nên Trần Kế Xương (chữ xương với nghĩa “thịnh vượng” sống trong cảnh, vợ thì:
“Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.”
Mỗi khi Tết đến:
“Tiền bạc trong kho, chửa lĩnh tiêu.
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.
Bánh đường sắp gói, e nồm chảy,
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu .. .”
Trần Lê Văn nói Tú Xương: ”Khi cười khi khóc khi than thở”. Tú Xương là nhà thơ trào phúng Việt Nam, sống cuộc đời nghệ sĩ:
Một trà, một rượu, một đàn bà
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta
Chừa được cái gì hay cái ấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà.
Không biết hỏi ai, ông
Hỏi ông trời:
Ta lên ta hỏi ông trời:
Trời sinh ta ở trên đời biết chi?
Biết chăng cũng chẳng biết gì:
Biết ngồi Thống Bảo, biết đi ả đầu
Biết thuốc lá, biết chè tàu
Cao lâu biết vị, hồng lâu biết mùi.
Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn.. Bà sinh cho ông được 8 người con, trong đó có 6 trai và 2 gái. Bà Tú tần tảo, thương chồng, thương con, nhẫn nại quên mình, bà đã đi vào thi phẩm của ông chồng như một nhân vật điển hình hấp dẫn:
Quanh năm buôn bán ở mom sông,
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng,
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không
(Bài Thương vợ)
Tú Xương rất trân trọng vợ mình, ông viết về vợ như một sự tri ân. Tình thương vợ sâu nặng của Tú Xương thể hiện qua sự thấu hiểu nỗi vất vả gian lao của người vợ buôn bán lẻ ven sông ( Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu: Tiền bạc phó cho con mụ kiếm hoặc là Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ)
Thời kỳ Tú Xương sống là thời kỳ thực dân Pháp bắt đầu đặt nền móng thống trị ở miền Bắc Việt Nam, Với giọng văn châm biếm sâu cay, ông đã đả kích bọn quan lại làm tay sai cho giặc, bọn bán rẻ lương tâm chạy theo tiền bạc trong buổi giao thời:
Nhà nước ba năm mở một khoa,
Trường Nam thi lẫn với trường Hà.
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ,
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa.
Lọng cắm rợp trời, * quan Sứ đến,
Váy lê quét đất, mụ đầm ra.
Nhân tài đất Bắc nào ai đó?
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà!
(Bài Vịnh khoa thi Hương)
** ÔNG NGHÈ ÔNG THÁM VÔ MÂY KHÓI
ĐỨNG LẠI VĂN CHƯƠNG MỘT TÚ TÀI
Tú Xương sống trong lúc giao thời. Nho học tàn lụi, lối sống mới hình thành:
Nào có ra gì cái chữ nho!
Ông nghè ông cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm ông phán
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò!
(Bài Chữ nho)
Thơ Tú Xương là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình. Ở Tú Xương, ta chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.
– Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ
– Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau bốn thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm.
– Tản Đà khi còn sống phục nhất Tú Xương” (Xuân Diệu kể vậy). Tản Đà tự nhận trong đời thơ của mình “mới địch nổi Tú Xương một lần thôi bằng chữ vèo trong bài thơ Cảm thu.
- Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam.
Lương Văn Hồng
Nguồn: Newvietart
Theo https://doanthuan.wordpress.com/


 

Bức chân dung tự họa Trần Tế Xương trong thơ tự trào

 Bức chân dung tự họa 
Trần Tế Xương trong thơ tự trào

Trong thơ tự trào của Tú Xương nổi bật lên đó là tính hình tượng độc đáo. Tính hình tượng ấy thể hiện qua hình tượng ông Tú tự trào. Qua hình tượng này người đọc nhận thấy bức chân dung tự họa của Tú Xương. Đến với thơ tự trào Nguyễn Khuyến chúng ta thấy nhà thơ luôn có sự khẳng định bản ngã của một nhà Nho chuẩn mực đạo đức Nho gia. Ở Nguyễn Khuyến, dù là tự trào trực tiếp hay kín đáo thì thơ ông lúc nào cũng thể hiện rõ hình ảnh của một nhà Nho cao đạo đang tự cười mình. Đó là nụ cười nhỏ nhẹ mà chan chứa suy tư. Khác với Nguyễn Khuyến và nhiều nhà thơ khác, Trần Tế Xương trong kiểu tự trào ta thấy nhà thơ không có giọng thâm trầm, kín đáo mà ông luôn thẳng thắn. Ông trực tiếp cười mình một cách hả hê, khi thì phủ định, lúc lại ngông ngạo. Là một nhà thơ tào hoa có học vấn nhưng không hợp thời. Ông cũng không nằm trong mẫu người an phận, thủ thường, không chấp nhận sự nhiễu nhường lố bịch của xã hội. Chính vì vậy mà Tú Xương trở thành một kẻ thừa thãi, “vô ích” trong xã hội. Nhà thơ ý thức rõ sự dư thừa này:
Trời đất sinh ra chán vạn nghề.
Làm thầy làm thợ lại làm thức
Bác này mới thật thái vô tích.
Sáng vác ô đi tối vác ô về
(Vô tích).
Xã hội nhiễu nhường, thất điên bát đảo đã góp phần làm cho nhà thơ rơi vào bi kịch. Làm thầy thất vọng vì: "Mô phạm tiên sinh quần dính đít. Bù xu tiểu tử khố cong buồi". Còn làm thợ cũng không được vì bản thân ông là dạng “dài lưng tốn vải” không quen làm công việc chân tay. Còn đi làm thuê cho nhà nước thì ông khinh thường vì sợ làm nhem nhuốc khí tiết nhà Nho. Bởi vậy mà cách duy nhất là “Sáng vác ô đi tối vác về”. Tú Xương sống trong cái vòng luẩn quẩn của một con người thừa, tuy ý thức được sự thừa thãi ấy nhưng đành bất lực. Chính vì thế mà ông luôn tự phủ định bản thân. Bức chân dung tự họa của ông được dựng lên bằng lối “hí họa” và ông đã đóng góp cho thơ ca trào phúng một hình tượng tự trào độc đáo. Râu rậm như chổi Đầu to tày giành (Phú thầy đồ dạy học 1). Bằng những nét chấm phá ngộ nghĩnh gây cười, Trần Tế Xương khi thì hóm hỉnh, khi lại hiện ra với những: đầu to, rậm râu, mắt tháo láo, mặt thời xanh; có lúc trông ngẩn ngơ, đần độn, có khi lại lên mặt vểnh râu… Chẳng phải quan chẳng phải dân.
Ngơ ngơ ngẩn ngẩn hóa ra đần (Tự trào). Nhà thơ tự bôi xấu mình qua nhiều hình tượng khác: Ông phỗng sành, thằng cuội…Ở phố hàng nâu có phỗng sành
Mặt thì lơ láo, mắt thi nhanh (Tự cười mình). Những thói hư tật xấu của mình, nhà thơ đã phơi bày hết mà không cần che đậy. Ông không hề có ý định che giấu những hành vi của mình như nhiều kẻ khác. Đó là những hành vi trái đạo đức, trái lại ông còn tự đắc lên mặt khoe cái xấu:
Vị Xuyên có Tú Xương.
Dở dở lại ương ương.
Cao lâu thường ăn quỵt
Thổ đĩ lại chơi lường
(Tự Vịnh)
Tú Xương ngông nghênh, ngang nhiên phơi bày cái xấu, cái thói trác lạc uyên bác của mình cho thiên hạ thấy: Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ. Rượu chè trái gái đủ tam khoanh. Ông cho mình có lối sống hơn hẳn người đời:
Nghiện chè, nghiện rượu, nghiện cả cao lâu. Hay hát, hay chơi, hay nghề xuống lõng. Quanh năm phong vận, áo hàng tàu, khăn nhiều tím ô lục soạn xanh. Ra phố nghênh ngang, quần tố nữ bít tất tỏ giày Gia Đinh bóng (Hỏng khoa Canh Tý).Ông đã tung hê, phơi bày hết cái xấu của mình để đối lập với lũ “phường nhơ” mặt người bụng cáo. Ông ngông nghênh tự hào và tự coi mình là bậc thánh về các món ăn chơi: Cũng lắm phen đi đó đi đây thất điên bát đảo. Cũng có lúc chơi liều chơi lĩnh tứ đốm tam khoanh. “Con nhà lính, tính quan ăn rặt những thịt quay lạp xưởng, mặc rặt những quần vân áo xuyến” (Phú thầy đồ dạy học). Ông còn đem rặt những món ăn chơi ấy dạy đời:
Dạy câu kiều lẩy. Dạy khúc lý kinh. Dạy nhưng khi xuống ngựa lên xe đứng ngồi phải phép. Dạy những khi cao lâu chiếu hát ăn nói cho sành (Phú thầy đồ dạy học).
Bởi vì không phù hợp với guồng quay của xã hội nên nhà thơ tìm mọi cách đối lập mình với xã hội. Ông đối lập với xã hội ngông ngạo, đối lập bằng cách tự bôi nhọ, nói xấu bản thân. Thực chất ẩn đằng sau thái độ đó là một nỗi đau, một sự phẫn uất đến nghẹn ngào: Có một thầy đồ Dốt chẳng dốt nào Chữ hay chữ hỏng Sách vở mập mờ Văn chương lóng ngóng” (Hỏng khoa Canh Tý). Còn đau đớn nào hơn khi chính mình đi nối xấu, bôi nhọ, tự phủ định bản thân mình. Nhà thơ đau cho mình, nỗi đau một con người có ý thức rõ về bản thân mình: Tấp tểnh người đi tớ cũng đi. Cũng lều, cũng chõng cũng đi thi. Tiễn chân cô mất ba đồng chẵn. Sờ bụng thầy không một chữ gì” (Đi thi). Ông tự coi mình là kẻ khốn nạn, một kẻ vô tích chỉ biết ăn bám vợ. Ông không hơn gì mấy đứa con ông, ông hơn chúng ở chỗ ông là đứa con “cao cấp” của vợ...
Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ.
Đem chuyện trăm năm giở lại bàn.
(Quan tại gia).
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc.
Có chồng hờ hững cũng như không
(Thương vợ).
Thật ra nhà thơ không phải là một kẻ dốt nát như ông tự bôi nhọ vì thời thế làm cho ông bất đắc chí. Mỗi lần thi hỏng là một lần nhà thơ trượt dốc. Để rồi tự chửi mình, tự thóa mạ mình, đồng thời thóa mạ xã hội. Nhà thơ mỉa mai cảnh nhốn nháo nơi trường thi, mỉa mai những kẻ hỏng thi trong đó có mình. Qua những vần thơ tự trào, bằng cách tự chế giễu, bôi nhọ những cái xấu xa hèn kém hay có những khi tỏ ra ngông nghênh trước cuộc đời. Ông tự hạ mình xuống nhưng không phải là để tự đề cao. Bằng cách ấy, Tú Xương đã tạo ra một tiếng cười của riêng mình, một người tự trào “phi ngôn chí”. Không hề là một kiểu cười bông phèng, cười mua vui và không chỉ dừng lại với nhu cầu “tự giải thoát”, tiếng cười của ông có mục đích và có đối tượng rõ ràng. Tiếng cười trong thơ tự trào của Tú Xương cũng không phải là một tiếng cười đơn nhất một giọng mà là tiếng cười lắm cung bậc, nhiều sắc thái, vừa nhẹ nhàng vừa uyển chuyển. Nguyễn Đình Chú cho rằng: “Tú Xương làm cho tiếng cười trong thơ mình trở nên đặc sắc vào loại nhất trong thơ ca dân tộc. Nói đặc sắc nhất cũng là nói đến cái bản sắc riêng, cái tính đa thanh, lắm giọng”. Với Trần Tế Xương bất cứ sự việc, hoàn cảnh nào cũng tạo nên cảm hứng cười cho nhà thơ. Trần Tế Xương đã tự cười mình một cách hồn nhiên, dí dỏm: Hình ảnh nhân vật Tú Xương trong thơ văn Tú Xương có thể coi như đã trở thành một hình ảnh nhân vật điển hình của văn học. Một hình ảnh con người đặc biệt thời đại Tú Xương. Đó là hình ảnh của con người trí thức biết yêu nước thương nòi, mang một nỗi phẫn uất sâu sắc nhưng vì bản chất cầu an, vì tự thấy mình bất lực trước thời cục, sinh ra chán nản đau buồn, cố gắng giấu diếm tâm trạng của mình trong nụ cười châm biếm, khôi hài. Đọc những bài thơ tự trào của Tú Xương, ta thấy một hình tượng ông Tú tự trào với giọng thơ ngông nhưng cũng đầy nước mắt.
Trong những vần thơ tự trào của Tú Xương tác giả đã dùng các chất liệu ngôn ngữ lấy từ cuộc sống bình dị, trần trụi. Tác giả cũng đưa cả một kho từ vựng trào phúng độc đáo, đa dạng, có sức biểu cảm cao, sắc nhọn mà hóm hỉnh. Ngôn ngữ đời thường tràn vào thơ ông một cách tự nhiên, giữ nguyên vẻ sống sít của nó. Chính vì vậy mà sức mạnh nghệ thuật trong thơ trào phúng nói chung và thơ tự trào nói riêng của Trần Tế Xương chính là sức mạnh của ngôn.
Phong Cầm
Theo https://doanthuan.wordpress.com/

  Cà phê bên sông Cà Ty – Chùm thơ Thanh Tâm 31 Tháng Mười Hai, 2023 Mây xa nhớ nắng mây đen/ Ta gần mà chẳng ai thèm nhìn nhau… Cà ...