Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

Giếng Chùa ngoại sử

Giếng Chùa ngoại sử

Nhà văn Nguyễn Thành Tài sinh năm 1980, hiện sống và làm việc tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Anh là đại biểu Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII năm 2011.
Nguyễn Thành Tài đã in tập truyện ngắn đầu tiên Nhành lan trên tường rêu năm 2011, được nhận một số giải thưởng văn học của tỉnh Bình Thuận và hai lần nhận Giải Khuyến khích Cuộc thi Truyện ngắn Đông Nam Bộ lần 1 – 2021, lần 2 – 2022.
Nhà văn Nguyễn Thành Tài
Khi quyển sử làng Giếng Chùa ra đời, làng trên, xóm dưới tỏ ra coi thường lão Bộc do chuyện lão ấy huyễn hoặc tộc Nguyễn là “khai quốc, công thần”. Trước đây, thấy lão ở đâu, người ta chào từ xa chào lại, cung kính từ lúc giáp mặt đến khi khuất dạng. Bây giờ, lão ấy có đứng chình ình trên đường làng, gió thốc tốc váy áo, ruồi bu mép vo ve, dân thấy cũng vờ đui. Người đi qua ném lại tiếng xầm xì, “cái đồ nhận vơ, nhận váo công lao người khác vào họ mình mà không biết xấu hỗ, sao tiền hiền, hậu hiền làng này không vặn cổ chúng nó ra”. Còn các trưởng tộc khác, khi thấy từ xa liền lẩn vào đâu đó, chờ lão đi qua. Né không kịp thì tụt dép, rớt nón, cúi xuống lượm, để khỏi gật đầu, “chào cụ ạ”.
Lão Bộc biết, căm lắm. “Người quân tử không chấp kẻ tiểu nhân. Đừng có giậu chưa đổ mà bìm đã leo. Ông mà nhất hô thì có người bá ứng”. Nghĩ bụng vậy, lão Bộc phớt tỉnh ăng lê. Cầm quyển sử đưa lên mũi hít hà mùi giấy mới, nâng ngang trán, xá ba xá, đặt lên ban thờ tổ, thắp nén nhang, gõ hồi chuông boong boong, lão Bộc lầm rầm khấn, “con kính cẩn bẩm báo tổ tiên, tộc Nguyễn đã được chép vào sử làng, từ đây con cháu nở mày, nở mặt cùng thiên hạ. Tổ tiên khai hoang, mở đất làng Giếng Chùa này, mà thiên hạ xổ toẹt công ơn, xin bề trên mặc kệ miệng lưỡi ganh ghét thế gian”.
Mỗi tối cơm nước xong, lão Bộc lại thắp nén nhang, mang sách trên ban thờ xuống, bật đèn sáng choang, rót ly trà nóng thơm phức chiêu một ngụm, tay cầm bút bi, lật từng trang, sờ từng chữ. Thỉnh thoảng gật gù tâm đắc, gạch chân chỗ nào viết về tộc Nguyễn.
***
“Trong kháng chiến, chùa Rồng là nơi lui tới của nhiều cán bộ cấp cao suốt thời gian dài. Do đó, chùa đã được công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh”.
Lão Bộc đọc đi, đọc lại, cầm bút bi đồ tới, đồ lui dòng chữ nhiều lần muốn rách trang sách, rồi lẩm bẩm, “chùa Rồng được công nhận di tích lịch sử thì cây rơm tộc Nguyễn chí ít cũng được gắn bia lưu niệm chứ nhỉ”.
Bữa rượu tại nhà thờ tộc Nguyễn có mặt đầy đủ mọi người trong tộc tụ họp theo lệnh triệu tập của trưởng tộc. Ngồi mâm trên, bưng ly khề khà với đám con cháu đến lúc cao hứng lên, lão Bộc vỗ ngực quát:
– Tao đã cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho làng, xã này. Năm mười lăm, mười sáu tuổi, tao từ chối đi theo đám bạn chăn trâu rủ nhau ra cứ, cầm súng vào chỗ bom rơi, đạn lạc. Tao lấy lý do bận nuôi cha mẹ già, là tao nói vậy, chứ có dại mới theo tụi nó.
Cả đám ngóng cổ nghe phụ họa, “đúng đấy ạ, cụ ra đi có khi, chưa được đỏ ngực đã phải xanh cỏ”.
– Một chiều đang lùa trâu về chuồng thì có một người lạ mặt lấp ló sau đám lúa trổ đòng, đưa tay ra hiệu tao lại gần. Người đó muốn vào làng gặp người thân, đường đường chính chính vào làng thì sợ tụi lính hạch sách gây khó dễ. Muốn lẻn vào làng nhưng chưa biết cách nào qua mặt bót gác đầu làng. Tao lắc đầu lia lịa từ chối. Bọn lính bót gác đầu làng rất hung dữ, sẽ đánh bầm dập khi phát hiện ai dám qua mặt chúng. Người đó nhìn mấy cái bao bố cột chặt miệng đang nằm trên lưng trâu, bảo rằng sẽ chui vào bao, nếu xảy ra chuyện sẽ không để liên lụy đến tao.
Một đứa hỏi, “mấy cái bao cụ chứa gì trong đó”.
– Cứt trâu chứ còn gì nữa. Tao canh chừng từng con bĩnh ra đất còn nóng hôi hổi, hốt cả buổi chiều mới được dăm bao, đem về phơi làm chất đốt. Tao trút ra đất. Người đó chui vào bao. Tao tiếc rẻ đống cứt trâu nằm trên đất, bảo người đó ngồi yên, chịu dơ, để tao hốt đổ lại vào bao mang về.
Cả đám chầu rìa rú lên ầm ĩ. Có cả tiếng khạc nhổ như mình dính phải cứt trâu, “ọe ọe, sao cụ lại làm thế, dính đầy người ta thì sao”.
– Lúc đó tao chỉ tiếc công sức mình hốt cực bỏ mẹ. Giờ nghĩ lại thấy cũng hơi quá đáng. Người đó cũng hơi bất ngờ khi nghe tao nói, nhưng cũng phải chịu làm theo. Về đến đầu làng, bọn lính trong bót đang uống rượu, nhào ra định xét hỏi nhưng bị dội lại mùi đặc trưng bốc ra từ đàn trâu, cùng mấy bao cứt trâu tươi. Tụi nó xua đuổi tao đi càng nhanh càng tốt cho khuất mắt, để khỏi phá hỏng bữa nhậu đang ngon trớn.
Tiếng cười ồ, chen lẫn bình luận, “công nhận cụ tài thiệt, chiêu giấu người trong bao cứt trâu mất vệ sinh nhưng lại đánh lừa được tụi lính”.
– Về đến chuồng, sợ bọn lính đi tuần phát hiện, nhẹ thì nhừ đòn, nặng thì tù như chơi, nên tao mở bao giục đi khỏi đây. Người đó ấm ớ rồi hỏi tao chỗ nào an toàn xin ở nhờ đêm nay, mai đi sớm. Tao lấy làm lạ, nghi ngờ hỏi dồn một hồi, té ra là cán bộ ở trên về làng gây dựng phong trào. Cán bộ khen tao dũng cảm, có tinh thần giúp đỡ người khác, sẽ báo về trên để khen thưởng, rồi rủ tao tham gia tổ liên lạc. Được khen dũng cảm, lại được hứa thưởng, tao thích lắm nhưng không thích làm liên lạc gì đâu, sợ bọn lính bốt gác đầu làng bắt được thì chết.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Một đứa gật gù, “cụ nghĩ vậy cũng phải. Bọn lính mà bắt được thì ốm đòn, cụ nhỉ”.
– Ông cán bộ không ép tao hay không làm phiền gia đình, chỉ xin ngủ lại cây rơm gần chuồng trâu rồi tờ mờ sáng đi. Tao định không cho, nhưng thây kệ, lính đi tuần phát hiện, có hỏi thì tao sẽ chối. Sau này, tao mới biết ổng lần mò đến chùa làng. Bẵng đi một dạo, tao gặp lại ông ấy cũng vào một buổi chiều. Ổng đưa tao gói kẹo nói là quà thưởng việc hôm trước, kèm theo một mẩu giấy nhỏ nhờ đưa sư trụ trì chùa làng. Tao nhận kẹo, không nhận thư. Ổng năn nỉ tao giúp, lấy bùn trét lên lưng trâu giấu mẩu giấy nhỏ. Cực chẳng đã, tao trở thành liên lạc.
Một đứa chêm vào, “số phận đưa đẩy cụ phải làm liên lạc, vậy mà hay”.
– Ừ, nhờ làm liên lạc mà cụ chúng mày mới có những ngày tháng sau này. Giải phóng về, ông ấy làm chức to trên tỉnh. Bởi mù chữ nên tao chỉ được làm đội trưởng đội sản xuất hợp tác xã, chứ không là xin theo ổng làm lớn rồi. Ban ngày đi làm, ban đêm học bổ túc, dần dần tao trở thành trưởng ban kiểm soát, phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm hợp tác xã, rồi phó chủ tịch, phó bí thư, chủ tịch, bí thư cái xã này. Ngót nghét hơn chục năm ấm cật, ngon lành cành đào. Sau cái vụ án trồng rừng keo lá tràm, người ta muốn đưa tao về huyện. Tao biết mình mà đi khỏi làng, khỏi xã này sẽ mang vạ vào thân. Nhân đợt giảm biên chế, tao nghỉ cái rụp, nhường con cháu thể hiện tài năng, lui về đứng sau lưng bày vẽ được rồi.
Một đứa ôm chầm lão Bộc, “ôi cụ tâm lý quá ạ, nhờ có cụ mà con cháu tộc Nguyễn mới được như ngày hôm nay”.
– Tao kể chuyện này ra để thấy rằng, chùa Rồng có công nuôi giấu cán bộ được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh, thì cây rơm gần chuồng trâu cũng được cán bộ lần đầu đến đó, nó cũng là di tích lịch sử chứ, đúng không tụi bây.
Cả đám lao nhao, “cụ dạy chí phải ạ, tộc Nguyễn ta làm đơn đề nghị trên xem xét công nhận cây rơm là di tích lịch sử đi ạ”.
Lão Bộc rung đùi, bưng chén rượu lên chiêu một ngụm, rồi cười khà khà.
***
“Việc trồng cây chắn cát được tỉnh triển khai xuống xã. Các hợp tác xã phân công xã viên tham gia công việc, tính công điểm, cuối năm trả bằng thóc. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện có xảy ra tiêu cực, trên về kiểm điểm Bí thư xã, ban quản trị hợp tác xã”.
Đọc đến đoạn sử này, lão Bộc gấp trang sách lại, nhấp ngụm trà, cười thầm, “làm sao xã, làng nắm được nội tình chuyện này. Chẳng trách, cán bộ viết sử chỉ biết chép theo báo cáo”.
Trồng rừng keo lá tràm xảy ra khi Nguyễn Bộc làm Chủ tịch xã. Phía đông làng Giếng Chùa được chắn ngang bởi động cát kéo dài. Giữa làng và động cát là vài mẫu ruộng lúa, ngô, khoai, sắn. Qua hết động cát này đến động cát khác. Qua hết động cát khác đến vài động cát nữa. Qua hết vài động cát nữa thì đến biển. Động cát lúp xúp cây bụi, nhiều khoảng trống huơ trống hoác dưới nắng. Mùa gió bấc hốt cát bay rào rào che phủ đất trồng, chui vào đầy nhà dân. Sản xuất khó khăn. Sinh hoạt cực khổ. Bưng chén cơm lên và một miếng, miệng nhai nghe lạo xạo. Bưng ly trà mới chế còn bốc khói lên, chưa kịp uống đã lấm tấm vài hạt cát trong đáy ly.
Thấu nổi khổ của dân, tỉnh đưa chương trình phủ xanh đất trống đồi trọc về xã. Xã xuống hợp tác xã triển khai. Đang lên sổ phân công trồng rừng thì Ban quản trị hợp tác xã nhận được lệnh ngầm của Chủ tịch xã, chỉ cho một nhóm nhân khẩu làng Giếng Chùa trồng rừng. Đêm đến, số con cháu họ Nguyễn tham gia trồng rừng về nhà thờ tộc họp kín. Công việc nhân văn, cấp thiết được biến thành chỗ kiếm chác, khai khống diện tích trồng, cây con bị chết, bổ sung cây mới…quy tất thành Việt Nam đồng chạy qua túi đám con cháu họ Nguyễn, chạy vào túi Chủ tịch xã. Khi vụ việc bể bạc, trên về xử hơn chục người vào khám. Bí thư xã, Ban quản trị hợp tác xã đứng ra vạch tội Chủ tịch xã chỉ đạo sai, ăn chặn tiền trồng rừng.
Chỉ đạo bằng lời, không tờ giấy lộn làm chứng, Chủ tịch xã tố ngược lại:
– Đồng chí Bí thư không thích tôi nên mới đổ vấy cho tôi, gây mất đoàn kết nội bộ. Ban quản trị hợp tác xã xin tôi trực tiếp quản lý việc trồng rừng không được nên ganh ghét đặt điều cho tôi, chứ tôi không bao giờ chỉ đạo việc ưu tiên người thân trong dòng tộc tham gia trồng rừng, tôi chỉ phân xuống, bên dưới triển khai.
Con cháu tộc Nguyễn thà đi tù thay cho người đã đem lại công ăn, việc làm cho mình chứ không chịu nhận việc đem tiền chia chác cho Chủ tịch xã. Ngoạn mục vượt qua các đòn đánh tới tấp của đối phương, Chủ tịch xã thở phào, nhưng cũng phải tìm một cái tội nào đó để người ta nhìn vào mình cũng có khuyết điểm. Chứ bầu đoàn xe pháo rầm rộ từ trên về mà không tìm ra chút khuyết điểm nào, coi sao được. Đứng giữa cuộc họp, Chủ tịch xã giọng ăn năn, hối cải:
– Qua chuyện này, tôi thấy mình có khuyết điểm sâu sắc khi không kiểm tra, giám sát chặt chẽ để xảy ra sai phạm. Tôi xin nhận lỗi, chịu mọi hình thức kiểm điểm của cấp trên.
Màn hạ. Chủ tịch xã chỉ bị khiển trách. Ít lâu sau, Bí thư xã được đổi đi nơi khác. Chủ tịch xã lên làm Bí thư. Con cháu trong tộc biết ít chữ nghĩa, đang công tác trong xã được cất nhắc lên các vị trí chủ chốt. Nghe phong phanh trên sẽ điều chuyển mình về huyện công tác khác. Đánh hơi lành ít, dữ nhiều, Nguyễn Bộc làm đơn xin nghỉ mất sức. Trước khi nghỉ, giới thiệu đứa cháu trong tộc lên kế vị.
***
“Thời gian này xảy ra việc một số dòng họ trong làng Giếng Chùa tự ý lấn chiếm trái phép đất chôn người chết trên động cát của xã. Đảng ủy, Ủy ban xã đã xử lý, nhưng thiếu kiên quyết với một vài hộ dân”.
Lão Bộc ghét cay, ghét đắng mấy câu trên. Nó nói một chuyện liên quan đến tộc Nguyễn. Nhớ lúc được mời dự hội thảo góp ý quyển sử, lão Bộc đề nghị bỏ ra mấy câu đó ra khỏi bản thảo. Ban biên soạn vẫn giữ lại, không nêu rõ danh tính người sai phạm. Cho dù không chỉ đích danh, nhưng đọc đến đây, bất cứ ai trong làng Giếng Chùa đều biết là trưởng tộc Nguyễn. Cũng từ động cát phía đông làng Giếng Chùa mà ra.
Ban đầu, nhà ai có người vừa qua đời, hội nghĩa trũng đến lo hậu sự, rồi khiêng ra đồng làng. Mả tổ tộc Nguyễn cũng nằm trên bãi tha ma giữa đồng làng. Ngặt nỗi, đồng làng để trồng lúa, ngô, khoai, sắn chứ không phải chỗ chôn người chết. Cho nên dần dần người chết hết chỗ nằm, phải khiêng lên động cát, chọn chỗ nào trống, địa thế đẹp đào huyệt. Rồi chỗ trống, địa thế đẹp cũng hết, phải chặt hạ cây keo lá tràm.
Trong một lần đưa tang lên động cát, lão Bộc nhìn quanh, trầm ngâm hồi lâu, quên cả bốc cát bỏ xuống huyệt người quá cố. Tối hôm đó, cuộc họp gấp diễn ra tại nhà thờ tộc. Mấy ngày sau, trai tráng tộc Nguyễn lên động cát giang nắng, dầm mưa, đổ mồ hôi, sôi con mắt chặt cây, cuốc cát, khoanh vùng. Làm đến trưa, lão Bộc xách bánh mì thịt lên, cả đám trệu trạo nhai, xong lại tiếp tục quần quật xế chiều mới nghỉ. Được dăm bữa, có đứa lầm bầm, “làm chi mà rộng dữ vậy, bỏ công sức ra cuối cùng xã cũng lấy lại thôi, ông ấy lẩm cẩm rồi”.
Lời than vãn lọt tai lão Bộc. Cái đứa lỡ miệng lầm bầm bị gọi lại nhà thờ tộc nghe chửi rát cả mặt, “chỉ được cái giỏi ăn nhậu, làm biếng, làm nhác, mở miệng ra là than trời nắng, trời mưa, bàn lùi. Làm ít thì đủ tán mả cha chúng mày vào. Trứng mà đòi khôn hơn vịt”. Các dòng tộc khác thấy lão Bộc làm, hiểu ra chuyện, liền vội kêu con cháu vác cuốc, xẻng leo lên động cát đào đào, xúc xúc.
Đến khi xã “hiểu ra chuyện”, trên động cát đã mọc lên ba, bốn tường rào gạch đá chẻ bao quanh khoảng cát trống, có cổng gắn hai cánh cửa đóng im ỉm. Khu đất cát cây cối được quây rào cẩn thận gần một ngàn mét vuông là của tộc Nguyễn. “Dòng tộc chúng tôi khai phá làng Giếng Chùa đầu tiên, nên phải có chỗ để chôn cất người trong tộc. Nếu làng, xã không chấp thuận giải quyết là coi thường tiền nhân, chà đạp lên công lao tiền nhân”. Lão Bộc khai pháo khi xã mời lên làm việc. Mấy trưởng tộc khác cũng lao nhao theo.
Bí thư xã liếc Chủ tịch xã, Chủ tịch Mặt trận. Con cháu tộc Nguyễn ngồi xử việc tộc mình lấn chiếm đất trái phép. Nhấn nhá một hồi, Bí thư xã tuyên bố “giữ nguyên hiện trạng”. Xã sẽ chặt hạ một số keo lá tràm để quy hoạch đất làm nghĩa trang cho người dân. Các trưởng tộc khác ra về mặt hầm hầm, chửi con cháu trong tộc, “đã bảo dòm lão Bộc làm bao nhiêu thì mình làm bấy nhiêu, cuối cùng đất giành được bé tí teo, chả đáng để bỏ công sức”.
***
Lão Bộc ôm mớ đơn trương, hình ảnh lên huyện, tỉnh xin công nhận di tích lịch sử cho cây rơm gần chuồng trâu nhà thờ tộc Nguyễn. Ít lâu sau, lão Bộc được thông báo việc của mình không đủ điều kiện để xem xét. Lão điên tiết xé bỏ giấy tờ, “nhà nước không công nhận thì ông công nhận”. Lão thuê thợ tìm một tảng đá to, đem về đặt cạnh chuồng trâu. Ngày khánh thành “địa chỉ đỏ” của tộc Nguyễn, lão Bộc mở tiệc kính báo tổ tiên, ăn nhậu ồn ào. Lão khật khờ, khật khưởng ngó đám con cháu, nhếch miệng cười rồi kéo tấm vải đỏ đang trùm lên tảng đá. Trên tảng đá lộ ra mấy chữ:
ĐỊA CHỈ ĐỎ
Trong kháng chiến, nơi đây đã từng che giấu cán bộ cấp cao 
Hàng ngày, lão Bộc đứng ngắm tảng đá cạnh chuồng trâu. Thỉnh thoảng lại lấy khăn nhúng nước lau chùi cho sạch sẽ. Lão làm với tâm trạng vui vẻ, hài lòng. Vừa lau tảng đá, lão vừa ngó ra đường làng xem chừng có ai đi ngang qua thì vẫy tay gọi vào chiêm ngưỡng “địa chỉ đỏ” của tộc Nguyễn.
Tối đến, lão lại lấy quyển sử làng từ ban thờ xuống, kính cẩn lật từng trang, từng trang. Chỗ nào viết khen tộc Nguyễn thì đọc đi, đọc lại. Dù đọc không biết bao nhiêu lần, lão vẫn thấy mới, thấy hay, thấy sướng tê cả người. Đoạn nào chê tộc Nguyễn thì lật nhanh qua. Thậm chí sẵn cây bút bi trên tay, lão gạch ngang dòng chữ, phê vào bên lề sách: “láo”, “bố láo”, “viết không đúng sự thật”.
NGUYỄN THÀNH TÀI
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/

 

Gội đầu cho mẹ

Gội đầu cho mẹ

Trương Văn Tuấn ở Bến Tre là một trong những đại biểu tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X vừa qua ở Đà Nẵng do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Truyện ngắn xúc động “Gội đầu cho mẹ” của Trương Văn Tuấn vừa được trao Giải khuyến khích Cuộc thi viết Sống đẹp lần II – 2022 do Báo Thanh Niên tổ chức, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Nhà văn trẻ Trương Văn Tuấn
Anh lại đến. Anh ngồi đó và chờ đợi – sau liệu trình của bác sĩ là phần của anh.
Cái kiểu ngồi của anh ngày càng khép nép, e dè. Càng ngày anh càng sợ, sợ mình không còn được vào đây để gội đầu, cắt tóc cho người già – dẫu là miễn phí. Anh làm việc này hơn một năm rồi. Anh tự nhủ phải cẩn thận thái độ, lời nói sao cho không mất lòng một ai. Đồ nghề anh mang theo chỉ là cái lược, tông-đơ, một chậu, một xô, một chai dầu gội – cũng phải giữ sao cho không vướng víu cản trở một ai. Anh phải biết giờ giấc, tính nết của bảo vệ, nhân viên ở từng bệnh viện mà anh đến.
Cộc tính, thêm cái tự ái của người đứng tuổi, nhưng anh vẫn phải xởi lởi để lấy lòng từng bảo vệ.
Có lần anh ngồi nhìn một điều dưỡng trẻ, tay cầm điện thoại tay đẩy xe lăn xuống dốc nhưng không chịu quay người lại cho lưng bệnh nhân tựa vào xe. Bệnh nhân khốn khổ ấy cứ bị đổ người về trước, suýt ụp mặt xuống đất. Định nhắc nhưng thôi. Chỉ là đôi lời nhỏ nhẹ không phải hơn thua nhưng biết đâu sau này anh không được vào đây gội đầu cho ai nữa.
Có lần anh ngồi bên ngoài nghe một bác sĩ trẻ gắt gỏng, chán ngán vì bà cụ giường trong cùng cứ ngơ ngác hỏi một đằng trả lời một nẻo, kêu hít mạnh vào nhưng cái lưng trơ xương không chút động đậy. Người nhà thì thầm: bệnh viện tự thu tự chi nên nợ lương bác sĩ ba tháng rồi đó, vật tư cũng thiếu đủ thứ…
Anh định nói với người bạn trẻ kia: sau tất cả, mỗi sáng sớm vẫn được đi làm đã là vui rồi… Nhưng thôi, biết bao người già còn chờ anh gội đầu giúp.
Người già sức yếu nên rất sợ lạnh, ít khi nào tắm vào buổi chiều. Nên anh tranh thủ vào buổi sáng rồi giúp họ đến đầu giờ chiều. Anh từng nuôi ba, rồi nuôi mẹ nhiều ngày, ở nhiều bệnh viện nên hiểu cái khát khao được gội đầu, cắt tóc của người già. Nằm ngồi một chỗ, thậm chí phải đi vệ sinh trong tã, nên người họ lúc nào cũng rít rắm, ngứa ngáy, tự tủi hờn vì thấy mình hôi tanh. Mỗi lần muốn tắm gội là cả một công trình vất vả gian nan, cần đến hai ba người bê đỡ.
Trước đây mẹ anh không thể ngồi lâu nên đành xê đầu ra mép giường, mấy anh chị em kề chậu vào rồi nhè nhẹ vo đầu, rửa tóc. Không được mạnh tay nhưng thao tác cũng phải nhanh nhẹn để bà không phát lạnh vì gội lâu nước ngấm vào người. Mỗi lần gội đầu xong bà như trút được cả ngàn cân gánh nặng, ăn ngon, ngủ ngon được vài hôm.
Lúc trước anh chỉ gội đầu giúp người già thôi, sau anh còn nhận cắt tóc giúp nữa. Tóc các cụ ông không nhiều, nhưng cũng chính vì loe hoe nên làm ngứa tai ngứa cổ. Anh chỉ cần dùng kéo hoặc tông-đơ đi vài đường là xong.
Những năm đi nuôi bệnh, thêm cả khoảng thời gian chăm chỉ gội đầu này anh được tiếp xúc với nhiều người già. Trong cái chung yếu ớt, nhăn nheo vẫn hiện ra mỗi người một nết.
Có người đến cuối đời vẫn không dám ho hen lớn tiếng, môi cứ mím chặt hư hư hự hự, tiếng nôn ói cũng khe khẽ riêng tư. Nhưng cũng có người tận giây phút cuối đời dường như vẫn còn gì uẩn ức, cuồng nộ, tiếng ho tiếng nôn cứ lanh lảnh vọng khắp hành lang.
Có người cứ cả một đời giận dỗi, cho mỗi mình là đúng, con cháu làm gì cũng sai, cũng dở tệ. Có người sáng mai trút hơi thở cuối cùng nhưng chiều nay vẫn co ro, sợ con sợ cháu.
Có người, mới chớm già, cứ nhắm mắt là giật thót người ú ớ gọi chồng rồi chửi bới, trách hờn, kể lể. Những ghen tuông, căm hờn cố kìm nén thời trẻ, vô tình ngấm sâu trong từng hơi thở nặng nhọc lúc về già. Ông ngồi đó nhìn xa xăm, không rõ là đang ăn năn hay đang tưởng tượng về ngày tự do khi bà chìm trong giấc ngủ sâu.
Rồi anh chứng kiến cả những mối tình già. Hai ông bà ở hai nơi xa lạ, gặp nhau ở cái hành lang nội trú này, rồi thương nhớ nhau. “Chỉ là thương nhớ thôi, nên để bả về sống chung, chứ yêu đương gì tuổi này” – ông giải thích thế khi thấy con cháu bưng mặt phản đối. Lần chữa trị này con cháu chưa thuận ý, nên họ hẹn lần sau, lần sau lên chữa bệnh rồi tính tiếp. Người già cứ một hai tháng lại đi viện trùng tu sức khỏe ấy mà. Nhưng tháng sau chỉ có một người quay lại ngồi chờ ở hành lang cũ, người kia không kịp lên nữa.
Tranh của họa sĩ Lê Kiệt
Ba mẹ anh cũng quen biết thêm nhiều người già khi điều trị tại bệnh viện dân tộc. Họ hằng ngày cùng nhau được làm thuốc, con cháu người này đẩy giúp xe lăn, đổi giúp bình nước nóng, mua giúp phần cơm chay cho người nọ. Đêm đêm họ rì rầm tâm sự chuyện đời xưa. Hết một tháng, hoặc hết một liệu trình, họ được về nhà ít hôm rồi quay lại làm thuốc tiếp. Mỗi lần chia tay là họ hẹn nhau, ráng nha anh, ráng nha chị, tụi mình gặp nhau thêm vài lần nữa. Như bao cuộc hẹn khác, có khi gặp lại, có khi không.
Mỗi lần vào bệnh viện gội đầu giúp người già, anh đôi khi gặp lại người cũ. Anh gặp những người con cháu, trước thì họ nuôi ông, nay nuôi bà. Anh cũng gặp lại những bệnh nhân trước nằm cùng phòng với mẹ anh.
– Mẹ con khỏe không?
– Dạ mẹ con mất rồi.
Bà cụ im lặng. Rồi vu vơ:
– Trước mẹ con bị sao, quên rồi?
Hỏi cho hỏi thế thôi, chứ người già quanh đi quẩn lại cũng có chừng ấy bệnh.
Đau nhức nên mất ngủ, mất ngủ thì lại đau nhức, tim mạch, huyết áp, suy nhược, khó ăn… Rồi thành ra tồi tệ, cứ đau, cứ rên.
Riêng mẹ anh thì cứ ám ảnh về bệnh tiêu hóa. Có lần mẹ anh đi tái khám, bà kể tận mắt chứng kiến một người phụ nữ ngang ngang tuổi đi đại tiện ra quần, ngay tại sảnh chờ. Mùi hôi, chất bẩn không cách nào che giấu. Biết bao ánh mắt hốt hoảng lẫn e dè bao vây người phụ nữ đơn độc kia. Bà khủng hoảng đến mức quay cuồng, đi sang trái rồi sang phải, không biết hướng nào là nhà vệ sinh. Mẹ anh cũng già cả yếu ruột, ngoài cái tã quần đang mặc, trong túi xách lúc nào cũng mang theo quần dự phòng. Mẹ anh đã cố đi theo người phụ nữ ấy để đưa cho bà thay, nhưng bà xấu hổ, cứ cuống cuồng đi miết, rồi mất hút ở cuối dãy hành lang.
– Rồi sau này tao cũng vậy đó – Bà thở dài suốt dọc đường về nhà.
Bà ám ảnh đến mức đêm ngủ mà ú ớ, thảng thốt. Ruột người già vốn không khỏe nay càng yếu hơn vì ám ảnh, sữa không dám uống, rau không dám ăn, nước súp lề đường không dùng được… Anh chị em nhà anh hay kêu trời: Do tư tưởng nên sinh bệnh thêm đó thôi!
Lần ấy mẹ anh bệnh liên hoàn, chứng nọ kéo chứng kia. Cả gia đình dốc sức theo đuổi các liệu trình từ bệnh viện công đến bệnh viện tư, từ tuyến tỉnh đến thành phố lớn. Mẹ anh nằm đó thiêm thiếp, truyền dịch này dịch khác, chuyển từ phòng nọ sang phòng kia. Bốn tháng trời bỏ công bỏ việc, thức ngày thức đêm, cả nhà thay nhau bê đỡ, thay tã, lau mình.
Cuối cùng mẹ anh cũng về nhà được.
Tưởng thế là mừng.
Rồi một hôm anh nhận được thông báo từ chị gái rằng mẹ đang cùng các bạn già ngồi xe đi thăm khám bệnh tiêu hóa ở một địa chỉ rất hay ho nọ. Nỗi bức bối của người già vì phải thường xuyên đi đại tiện còn ám ảnh nặng nề trong bà. Cái hay ho của liệu trình mới chưa thấy đâu, chỉ thấy bà mệt nhọc vì đường xa dằn xóc, gập ghềnh. Mọi thứ trong bà dường như gãy đổ hết, bà lại mệt, lại nằm liệt. Anh có cằn nhằn, trách móc vì tiếc công sức trước đó của cả gia đình và của bà.
Hôm trước bà nhắc anh về gội đầu giúp, anh dạ nhưng rồi chần chừ: mới đi làm về còn mệt, chưa thay đồ, chưa tắm giặt… nên hẹn sáng mai. Sáng hôm sau anh về thì mẹ không còn nữa.
Lạ vậy đó, nhà là nhà mình, mà mỗi lần về thăm lại hay chần chừ vì những lý do không đâu, còn bận, còn mệt, còn chưa tắm rửa…
– Thôi cũng mừng cho mẹ con, hết đau hết mệt. Chứ cô còn mệt quá…
– Dạ.
Nhưng mỗi khi chạm vào nước, anh cứ thấy có cái gì đó trong suốt vướng vướng ở giữa những kẽ tay, như sợi tóc bạc của mẹ mình. Anh đưa tay lên ngang mặt, nhìn thì không thấy gì.
Lần cuối gội đầu cho mẹ, anh hẹn nhưng không kịp.
Rồi một xế chiều anh ngồi ở nhà chờ sân bay, lướt điện thoại. Một người dùng mạng xã hội nhặt được đâu đó cái clip đã cũ quay tại bệnh viện, và đăng lên với dòng cảm thán: Khổ thân bà cụ!
Đoạn clip ngắn quay lại cảnh người phụ nữ lớn tuổi bất hạnh đi đại tiện ra quần, ngay tại sảnh chờ. Mùi hôi, chất bẩn không cách nào che giấu. Biết bao ánh mắt hốt hoảng lẫn e dè bao vây người phụ nữ đơn độc. Bà quay cuồng, đi sang trái rồi sang phải, không biết hướng nào là nhà vệ sinh.
Và đó chính là mẹ anh. Người phụ nữ bất hạnh trong câu chuyện hôm đó bà kể lại là chính bà. Vì xấu hổ mà bà không nói thật. Lúc đó anh ở đâu? Đang tranh thủ đi làm việc nọ việc kia rồi hẹn: chút con quay lại?
Anh co rúm người đứng giữa nhà chờ, rồi luống cuống sang trái, sang phải để tìm lối ra. Anh hả họng khóc nhưng không ra tiếng như lúc bé nghịch dại để lá cỏ cứa đứt kẽ tay.
Anh loanh quanh khắp thành phố rồi ghé vào tiệm tạp hóa bên đường, mua chậu, mua xô. Anh ghé vào khoa lão của bệnh viện gần nhất, giọng giấu chút nức nở:
– Gội đầu không cô ơi! Gội đầu không bà ơi! Gội đầu miễn phí không bà ơi!…
Rồi cứ rảnh là anh đi, bệnh viện này bệnh viện kia, ai gọi gấp anh cũng vào.
Đôi khi gặp lại những người quen xa lạ.
Đôi khi nước cũng chảy ướt lớp khẩu trang.
TRƯƠNG VĂN TUẤN
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 
 

Mã thơ Bùi Việt Phương

Mã thơ Bùi Việt Phương

Bùi Việt Phương sáng tác thơ, truyện, tản văn, song có lẽ độc giả biết đến anh nhiều hơn trong tư cách nhà thơ. Việc phủ sóng hầu khắp các báo văn hiện thời cho thấy, Phương đang có một nội lực sáng tạo mạnh mẽ.
Nhà thơ Bùi Việt Phương ở Hòa Bình
Bùi Việt Phương từng đạt nhiều giải thưởng văn chương: Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam 2019; Giải nhất Cuộc thi Bút kí và Truyện ngắn Tạp chí Cửa Việt 2018-2019; Giải thưởng Văn học nghệ thuật 5 năm của UBND tỉnh Hòa Bình; Giải thưởng thơ Đài truyền hình Việt Nam 2020…
Sáng tác và có thơ đăng báo từ rất sớm, song phải tới khi chạm ngõ tuổi bốn mươi, Bùi Việt Phương mới chính danh định vị bản mệnh người thơ bằng hai tập thơ liên tiếp, đầy ấn tượng: “Ngày lạ” (NXB Hội Nhà văn, 2019) và “Mắt trong” (NXB Hội Nhà văn, 2020). Mỏng mảnh về số bài (“Ngày lạ” 48 bài, “Mắt trong” 43 bài) song cả hai đều nặng đồng cân về xúc cảm và thi tứ. Từ “Ngày lạ” đến “Mắt trong“, Bùi Việt Phương cho thấy sự triển hiện thành công lối thơ suy cảm đặc trưng. Dầu mỗi tập, mỗi phần đều mang ý vị riêng, song về cơ bản, vẫn có thể tìm thấy “mã thơ Bùi Việt Phương” như một mẫu số chung ở cả hai tập thơ này.
Bùi Việt Phương xác lập hồ sơ thi nhân qua hồi ức định mệnh về một “cậu bé nhìn mưa”: “Hai tuổi thôi/ Con còn nhỏ quá/ Sao lúc này không chịu chơi trò gì?…/ Chỉ gạt bàn tay đóng chốt cửa của cha/ Rồi quả quyết: – Con ngắm mưa!” (Cơn mưa đầu). Để rồi, khi đi qua giông gió cuộc đời, khi “sợi tóc bạc vào thương nhớ“, cái cảm thức ấy vẫn uyên nguyên trong khóe mắt, con tim, nhưng tuyệt không còn hồn nhiên được nữa: “Ta nghe được rạn nứt, đổ vỡ là trật tự/ Mảnh gốm nhặt hồn ta góc vắng cô đơn” (Gốm nghĩ)…
“Ngày lạ” của Bùi Việt Phương bắt nguồn từ nỗi sợ cái quen, cái nhạt, cái nhịp điệu tẻ buồn: “Sợ tra tên mình vào ổ khóa/ Nhàm chán nào rồi cũng thành tàn nhẫn/ Tàn nhẫn nào cũng dễ quen” (Người không lạ); “Anh sống với thành phố bỏ hoang/ Những nhựa sống chỉ biết xanh vô cảm/ Những khuôn mặt lạ qua đường thành lịch lãm/ Và cả những nhói đau/ cũng chỉ còn tàm tạm” (Vắng).
Như thế, với nhà thơ, ngày không lạ, mà chính cái cảm thức về cuộc đời mới tạo nên điều lạ. “Ngày lạ”, hóa ra chỉ là một ẩn dụ của Phương: Ta theo trẻ đi nhặt cái lạ của ngày; Mắt em không buồn, ngày có lạ được không?; Lạ lùng nhặt được ta dưới chín tầng mây (Ngày lạ). Cứ thế, thi tứ “ngày lạ” bao trùm hai tập thơ, dẫu có là Chợt, Thức, Nghĩ, Tìm… thì suy cho cùng đều là những cách thể khác nhau để nhà thơ nhìn đời, nhìn mình bằng con mắt khác và kiếm tìm sự lạ hóa tâm tư ấy bằng thơ.
Đọc Bùi Việt Phương, thấy một điểm đặc sắc trong thơ anh là những ám ảnh thời gian. Thời xa xăm đã mất, ký ức và thực tại, sự chảy trôi của kiếp người. Để hiện thể thời gian, nhà thơ thường chọn những thời khắc, hoặc dễ chạm vào thương nhớ, hoặc lắng đọng tâm tư: “Đêm tháng Giêng”, “Chiều cuối năm”, “Sớm xuân”, “Năm mới”, “Thời gian”… Trên hết là thời gian mênh mông của nhớ thương khắc khoải: “Mất ngủ một đêm mà ngỡ thức trăm năm/ Thao thức đến tận cùng, khóe mắt em là nắng/ Nhưng là nắng vườn mình cho cây có bóng/ Cớm nắng, mầm thương trắng muốt lòng anh” (Nắng). Và, bên nỗi niềm đầy vơi là chất ngất những suy tư, tiếc nuối, hư hao: “Thế mới biết con người rất vội/ Háo hức trăm mùa xuân/ rồi quỵ gối…” (Thảo nguyên); “Chiếc ly thủy triều dâng vội/ Tay còn nắm chặt làn hương/ Người ta bắt đầu dỡ tuổi/ Chất đống ngất ngư bên đường” (Tiệc cuối năm)…
Thơ như chiếc hàn thử biểu của cảm xúc. Trong thơ, thời gian không chỉ được đo bằng ngày, tháng, năm, mà chủ yếu được đo bằng trái tim và ngôn ngữ riêng của nhà thơ. Về mặt này, có thể nói, Bùi Việt Phương có những sáng tạo thi ảnh đặc biệt: “Cách một nhành hoa là chạm Tết” (Sớm xuân); “Đi qua Tết bước ra gặp tháng Giêng” (Giêng)… Bùi Việt Phương có nhiều câu thơ hay và lạ, thể hiện sự thính nhạy đặc biệt trước những rạn vỡ thầm thì của thời gian: “Trái tim ai cũng mang hình hạt cây nào đó/ Vẫn biết những ban mai đang nứt vỏ” (Chợt); “Ai từng rút cả bóng mình ra đan/ Mới biết mùa xuân ngắn ngủi” (Với mùa xuân sẽ đến)…
Bìa tập thơ “Ngày lạ” của Bùi Việt Phương.
Thơ Bùi Việt Phương là một khung trời nhớ thương mộng ảo, đẹp và buồn. Một vô thức, một ám ảnh về tuổi thơ, góc phố, nhành cây, về những nỗi niềm da diết mơ hồ: “Ở phố nào tán bàng cũng xanh vồn vã như nhau/ Thế mà cuối năm đương rét dở/ cành bàng vắng tanh, thăm thẳm nhớ trên đầu” (Vắng). Đọc Bùi Việt Phương, thấy chủ thể trữ tình trong thơ anh dường như luôn mang một ẩn ức, một ám ảnh về bóng hình một người con gái xa xăm trong tiền kiếp: “Cô gái ấy hình như chưa hát/ Một kí ức mờ xa, sao ta đã thuộc lời/ Còn lại cúc họa mi trên bàn và trắng/ Lấp lánh bên nhau phía cuối đất cùng trời” (Với cúc họa mi); Em về phố rồi/ Dốc đổ, đèo nghiêng/ Suối thảng thốt/ Tan chảy mùa hoa/ Theo nhau mà chẳng kịp” (Đà Bắc); “Tháng Giêng ở phía một người/ Đã xa lắm mà tường tận lắm” (Giêng).
Không phải ngẫu nhiên, thơ Phương thường đau đáu khắc khoải về một mối tình đã hư hao. Và trong không gian tâm tư ấy, là những cung bậc điệp trùng của niềm thương nỗi nhớ, nỗi xa xót khôn khuây: “Gió cô đơn đi gãy lá, cành/ Giọt nhựa ứa đến tận cùng đơn độc” (Dấu hỏi); “Mùa cũng như sông thấp thỏm từng ngày” (Ngày lạ); “Lại nhớ em/ Lẳng lặng tha nỗi buồn về chật chỗ” (Nghĩ dưới tán bàng); “Em một lần đò, yếu ớt như ngọn gió/ Giờ chạm vào ánh mắt nào/ Dẫu có mềm như cỏ cũng đau” (Người cùng quê)…
Thơ Bùi Việt Phương ngập tràn nỗi niềm quê hương xứ sở. Từ “Ngày lạ” đến “Mắt trong“, không gian Tây Bắc với con người, cảnh vật, văn hóa, dòng họ, nơi “ủ cả trăm năm ký ức” hiện ra với bao thương nhớ đầy vơi: “Những người già cười xòa như thác/ Đến hận thù cũng không giữ nổi/ Lòng như bầu rượu đi nương/ Rót cho bạn cả điều chưa nói được” (Người già); “Những đỉnh non cao nhịn khát kể Mo/ Ngàn đêm sử thiêng ra đến bể” (Sông)… Đôi khi, Tây Bắc trong thơ Phương còn là những cảm xúc công dân đầy trách nhiệm với lịch sử được thể hiện qua một tâm hồn thi nhân lấp lánh: “Hai mươi tuổi, em sinh sau trận mạc/ Hái một nhành hoa có nhớ vết tăng cày/ Hai mươi tuổi, có người xuyên lửa đạn/ Đi hết cánh rừng mận trắng để thành mây” (Biên thùy)…
Viết về Tây Bắc, thơ Bùi Việt Phương trôi chảy tự nhiên như suối nguồn, da diết như máu thịt. Cả trong “Ngày lạ” và “Mắt trong“, Bùi Việt Phương đều có những câu thơ rất hay về cội nguồn của mình: “Đêm nay mình lén ngược lên miền Tây/ Đường ruột mào, mắt căng dây nỏ/ Ngại thung nói sâu, ngại đèo nói gió/ Chợt ngẩng lên, trăng rọi tim mình” (Trăng rừng); “Bản em ở cheo leo chiều Àn Mạ/ Gió Lào khua khô khốc mõ trâu về/ Anh gánh trăng tưới lại mùa con gái/ Nghe tiếng mầm trong khe khẽ thịt da” (Tây Bắc)…
Không phải ngẫu nhiên, thơ Bùi Việt Phương thường lặp lại mô típ “ra đi – trở về”, như một niềm tín mộ, một khắc khoải, tin yêu, qua giông gió lại “đi về phía ngày lộc nõn”, “sống giữa thung lành gieo gì cũng ra hoa”: “Một ngày đi hồi hộp từng bóng cây/ Dòng sông nào tắm gội?/ Thương con chó nhà sủa từ cánh rừng hoang/ Nó đi đón ta mà tiếng sủa vọng về gốc khế” (Một ngày xuống núi); “Những bông hoa biết lối đi nương/ Biết bến sông, đình làng, miếu thờ chiến tướng…/ Để mà rụng xuống/ Đón tháng tới/ Đợi ngày lui/ Nhớ vía mùa màng/ Xong việc của mường/ Lại đi về phía ngày lộc nõn” (Cây gạo của mường); “Lội vào mưa/ Để về lại ngày xưa/ Lại gặp đường mòn mở về bóng mẹ/ Như chẳng biết chiều hôm/ Đã chôn nắng cuối rừng/ Mẹ lại ra vườn xới một ban mai bất tử” (Đường mòn).
Thơ Bùi Việt Phương lãng mạn nhưng không nổi nênh cảm xúc, suy tư mà không lý tính khô khan. Về thi ảnh, Phương có những sáng tạo độc đáo, đặc biệt là đôi mắt và đôi bàn tay. Có thể nhận ra, hình ảnh đôi mắt, đôi bàn tay với những sắc điệu khác nhau được trở đi trở lại trong thơ anh như những dấu chỉ thẩm mỹ đặc thù.
Nếu trong “Ngày lạ”, có đến 14 lần “mắt”, “đôi mắt” xuất hiện trực tiếp, thì ở “Mắt trong” có khoảng 20 lần: Mình mắc cạn trong mắt ai quen lắm; “Mắt thì buồn/ Dáng đi rất mảnh; Mai nữa, mùa xuân cũng phải đi rồi/ Thế mà đáy mắt em làm sao tin nổi; Mất ngủ một đêm mà ngỡ thức trăm năm/ Thao thức đến tận cùng, khóe mắt em là nắng”… Cùng với đôi mắt, Bùi Việt Phương diễn tả rất hay những suy cảm nội tâm qua hình ảnh bàn tay với bao cung bậc của buồn thương, nhớ tiếc, xót xa: “Những ngón tay chưa thương nhớ đã gầy” (Những ngón tay); “Cách bàn tay em là điều tiếc nuối/ Anh cũng lao đao nửa cuộc đời” (Sớm xuân)…
Bùi Việt Phương ưa dùng thể tự do, song ngôn ngữ và cấu trúc thơ anh không vì thế mà trở nên phóng túng. Trái lại chính sự chặt chịa, gạn lọc, giàu suy tưởng là điều căn cốt làm nên bản sắc thơ Phương, và cũng bởi thế, thơ anh hay nhưng không đọc dễ, hẳn rồi: “Người kín tiếng như lưỡi dao/ Khắc lên chuyến xe kỷ niệm” (Nguồn sáng); “Người có thể nhai dở miếng trầu/ Vôi vì ai cũng trầm mình cốt đỏ” (Ông bình vôi)… “Về cấu trúc, Phương có nhiều trục kết hợp và trục lựa chọn bất ngờ, độc đáo, tài hoa: cành bàng vắng tanh/ thăm thẳm nhớ trên đầu” (Vắng); “Mắt ta đương mầm, túi ta đầy hạt/ Vụng trộm gieo vào phố mọc thành cây” (Một ngày xuống núi); “Mường ủ cả trăm năm ký ức/ Mỗi bếp nhà sàn giữ lửa một lời ca/ Rượu men lá rót ra lời chim hót/ Mỗi tên người tha thiết một màu hoa” (Đồi Thung)…
Có thể nói, từ “Ngày lạ” đến “Mắt trong“, Bùi Việt Phương đã thiết dựng thành công một không gian thơ suy cảm đặc thù. Có lẽ, sự dồn nén chặt chẽ của cảm xúc, chất suy tưởng bay bổng và những sáng tạo ngôn từ, thi ảnh, cấu tứ đã giúp Bùi Việt Phương bước chân vào thế giới thi ca khắc nghiệt một cách vững chắc, phải vậy chăng?
PHÙNG GIA THẾ
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 

Viết văn là mang thế giới trong tâm trí mình đến với người đọc

Viết văn là mang thế giới trong
tâm trí mình đến với người đọc

The Red Star Impromptu là cuốn tiểu thuyết đầu tay được viết bằng tiếng Anh của nhà văn trẻ Thu Ngân vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Tiểu thuyết cho thấy sự tài năng và triển vọng của một cây bút đương đại.
Nhà văn trẻ Thu Ngân
Cuốn sách không chỉ dành cho tuổi học trò
Cuốn tiểu thuyết có nội dung xoay quanh một nhóm bạn trẻ, là học sinh của một ngôi trường danh giá bậc nhất Hà Nội. Họ được tuyển chọn vào câu lạc bộ báo chí của trường, ở đó mỗi người đã thể hiện những khát vọng, hoài bão lớn lao và xa vời của riêng mình. Cũng ở đó, những rắc rối, những góc khuất của mỗi người, mỗi mối quan hệ được bộc lộ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Họ cùng đi tìm một chân lý xa vời trong cuộc sống tầm thường, mỗi bước tiến lại mở ra một cánh cửa tăm tối trong kí ức và con người của những thanh niên với vẻ ngoài hào hoa. Câu chuyện chuyển từ bức tranh đời thường của tuổi học sinh thành một thực tại mịt mờ, không thể nắm bắt. Nhà văn đã tạo ra được nhiều chi tiết, nhiều bối cảnh, tổng hòa từ những sự trải nghiệm của chính mình.
The Red Star Impromptu chứa đựng nhiều suy ngẫm, ước muốn của tuổi trẻ. Những câu chuyện trong tác phẩm đều đến từ trải nghiệm thực tế của nhà văn nhưng đã được tác giả phóng đại, biến tấu các tình tiết đi để hình tượng hoá vào trong tác phẩm. Những ý tưởng chợt đến với Thu Ngân khi nghe nhạc, khi trò chuyện với bạn bè, và cô đã tưởng tượng ra trong đầu những mẩu truyện ngắn, những nhân vật, và liên tưởng đến đời thực rồi xây dựng thành câu chuyện của riêng mình. Trước khi viết, Thu Ngân có lên dàn ý về cuốn sách nhưng khi bắt tay vào viết thì cảm xúc đã dẫn dắt cô theo một hướng khác xa ban đầu, đó là lúc những trang viết được thăng hoa. Những nhân vật ngoài đời thực qua lăng kính của nhà văn đã trở nên rất khác, và trở thành nhân vật của nghệ thuật. Thu Ngân đã bộc lộ tài năng trong việc nâng đỡ hiện thực thành nghệ thuật qua cách xây dựng những hình tượng nhân vật mang tính cách đặc trưng, tiêu biểu, mới lạ.
Ở độ tuổi có nhiều háo hức, nhiều chờ đợi nhưng cũng phải đối mặt với không ít sự phức tạp, thì viết là cách để Thu Ngân giãi bài những suy nghĩ, ước muốn và sự phức tạp của lứa tuổi mình. Văn chương Ngân rất đương đại, từ những tình tiết của hiện thực cô đã làm mờ đi sự rõ ràng để cái đọng lại trong bạn đọc là một sự mơ hồ nhiều ám gợi. Ngôn ngữ mà Thu Ngân lựa chọn là ngôn ngữ thiên về cảm giác, tạo ra cảm giác cho người đọc, chứ không thiên về tả thực. Ngân rất giỏi tạo ra được không khí văn chương của riêng mình, cái mơ hồ, hư ảo ấy đưa bạn đọc đi được xa hơn. Thu Ngân cũng chủ ý hướng đến sự không rạch ròi cho mỗi câu chuyện, giống như tâm trí của chính nhân vật trong tác phẩm. Ngân muốn nhìn một chiếc lá mà nghĩ đến cơn gió, nghĩ đến tiếng chim, nghĩ đến phận người… Từ đó, văn chương như những nhịp cầu bắc qua dòng sông tưởng tượng để nói được những câu chuyện mà thông thường người ta khó giãi bày hoặc không thể giãi bày.
The Red Star Impromptu – Tiểu thuyết của Thu Ngân
Đọc The Red Star Impromptu bạn đọc sẽ bị cuốn vào tâm trí của mỗi nhân vật bởi điều gì vừa thân thuộc như ý nghĩ của chính ta lại vừa mới lạ, khác biệt và đầy thu hút. Mỗi nhân vật đều có cá tính mạnh, riêng. Bắt đầu từ Na là học sinh nghèo nhưng do một bối cảnh đặc biệt, hài hước nên vào được trường danh giá. An, anh trai của Na là người giấu kín cảm xúc, nhưng cũng như Na, tính cách khá vòng vo, không rõ ràng, đặc trưng của lứa tuổi mới lớn, họ chưa thể dứt khoát, quyết liệt trong những tình huống của chính mình. Thu là nhân vật có nhiều điểm xấu, lạnh lùng, vô cảm, khó được mọi người chấp nhận. Tình cảm giữa Thu và Na là một cái gì đó rất đặc biệt và khó nói. Hai anh em Phong, Quang là một hình mẫu của sự danh giá, họ có vẻ đạt được nhiều điều trong cuộc sống nhưng thực ra họ rất trống rỗng và nhận ra đỉnh cao cũng không mang lại niềm vui gì cho mình. Khải Linh, nhân vật quan trọng được nhắc đến nhưng không hiện diện mà chỉ xuất hiện một cách mơ hồ như một hình ảnh phản chiếu của những nhân vật khác. Có quá nhiều nhân vật để gợi nhớ về Khải Linh, ý nghĩ ấy vang lên trong kí ức của Na. Và những câu hỏi về Khải Linh sẽ chỉ dẫn đến nhiều nhân vật hơn nhưng không ai rõ ràng, cụ thể. Nhân vật ấy lại là lí do cho mọi nguồn cơn và kết thúc mọi thứ. Đó là nhân vật vừa có thể tồn tại, vừa không thể. Mỗi người đọc sẽ tự có những câu trả lời riêng cho mình trước những câu hỏi được đặt ra.
Truyện kết thúc khi không nhân vật nào có cái kết rõ ràng. Như thể chính lứa tuổi của họ không thể hứa hẹn trước điều gì, ở lứa tuổi ấy họ không thể hứa hẹn với nhau, khi có những chân trời khác mở ra, họ sẽ bị cuốn đi. Cái kết ấy gợi nhiều liên tưởng, suy ngẫm. Đó có thể là một cái kết buồn bã nhưng nó khiến cho mỗi nhân vật sẽ nhận ra con đường mình phải đi và cũng làm cho họ trưởng thành hơn. Thu Ngân đã dành rất nhiều suy tư cho cái kết của tiểu thuyết và có thể thấy, cả trong thực tế và trong văn chương nó đều phù hợp. Cuốn sách không có cấu trúc cụ thể rõ ràng. Nó vòng vo một cách cố ý, có hài hước, có bi kịch và có hi vọng.
Có thể nói, đây là tác phẩm của một nhà văn ở lứa tuổi học trò, viết về tuổi học trò, tuy nhiên Thu Ngân đã đi được xa hơn giới hạn ấy rất nhiều. Những câu hỏi mà tiểu thuyết đặt ra là vấn đề mà ngay cả những người lớn với sự từng trải cũng phải suy ngẫm, nó cũng gợi lại những điều mà chúng ta đã có và đã mất trong quá khứ. Bên cạnh đó, tác phẩm còn đưa đến những góc nhìn riêng về đời sống, giáo dục, xã hội, con người hết sức sâu sắc.
Viết văn là mang thế giới trong tâm trí mình đến với người đọc
Thu Ngân như một nhà văn hiện đại, đọc và viết bằng tiếng Anh rất tốt. Tuy nhiên tố chất văn chương bộc lộ cả trong sự tinh tế của tiếng Việt. Làm nên sự mới mẻ cho văn chương Việt. Thu Ngân đã rất tài hoa trong việc miêu tả những thứ hiện diện thực mà như không thực. Ngôn ngữ tự nhiên, tinh tế, đương đại tạo nên sự chân thực, ấn tượng, cuốn hút.
Cuốn tiểu thuyết được Thu Ngân hoàn thành trong thời gian khoảng một năm. Mỗi trang sách đều cho thấy sự nỗ lực và đam mê tuyệt vời của nhà văn trẻ. Thu Ngân đang là học sinh lớp 12 của một ngôi trường THPT song ngữ ở Hà Nội. Bắt đầu yêu thích văn chương từ khi còn học lớp 6, Thu Ngân dường như đã trở nên sâu sắc và tinh tế hơn lứa tuổi của mình. Những khoảnh khắc thoáng qua, những con người thoáng gặp, những xao động, rung cảm trước vẻ đẹp của đời thường, hay những thoảng buồn thoảng vui của tuổi học trò… tất cả đều để lại những suy tư trong lòng Thu Ngân và cô đã lắng lại vào những trang văn của mình.
Thu Ngân quan niệm, viết văn là một cách để mang thế giới trong tâm trí mình đến với người đọc. Mọi thứ trôi quá nhanh, Ngân muốn đóng khung những nhân vật ấy trong ký ức của tuổi học trò. Ngân tiếc nuối thời gian, cô muốn dành nhiều hơn cho bạn bè, cho đam mê riêng và cô cần thêm cả thời gian cho cảm xúc của mình.
Có thể nói, cuốn sách đầu tay cũng đã tạo nên một bước ngoặt lớn, một dấu ấn lớn trong tuổi trẻ của Thu Ngân. Ngân có những suy tư sâu lắng, già dặn về đời sống học đường. Có những điều tưởng như là nghiễm nhiên, là bình thường thì với Ngân lại là những điều đáng phải suy ngẫm. Trong môi trường của mình Ngân hiểu, có những học sinh sống trong các ngôi trường tưởng như êm đềm ở thành thị nhưng thực tế lại rất khác. Nhiều bạn có vấn đề về tâm lí nhưng không được giải quyết, không có nơi tin cậy để chia sẻ. Ngân đã nghĩ rất nhiều về điều này, và cô nhận ra, văn chương là nơi tin cậy. Có những câu chuyện mà có thể bạn bè gia đình cũng không thể chia sẻ được nhưng văn chương thì có thể gửi gắm và trút bỏ tất cả. Các nhân vật trong tiểu thuyết từng kỳ vọng chạm đến đỉnh cao nhưng thực tế thì họ lại đi xuống. Cuốn sách còn chứa đựng một niềm tin rằng, dù mình có bị rơi vào khoảng đen như thế nào nhưng mình vẫn phải tìm ra lối đi, tìm cách để tiếp tục sống.
Nhà văn đã cố gắng để thấu hiểu nhân vật của mình từ những hình tượng ngoài đời. Ngân từng luôn đặt ra câu hỏi, tại sao người ta làm thế này mà không làm thế khác. Nhà văn đương đại tài danh Milan Kundera quan niệm, tiểu thuyết là những khả năng khác của đời sống. Ở đây, Thu Ngân đã gặp gỡ với quan niệm này. Cô chia sẻ, ở ngoài đời mình không đồng cảm được với những lựa chọn như thế nhưng qua văn chương cô sẽ thấu hiểu hơn. Bên cạnh đó, một số ứng xử trong tác phẩm là những cách mà Thu Ngân cho rằng mình muốn làm nhưng không bao giờ làm. Những nhân vật luôn bị giới hạn và không thể đi đến tận cùng những lựa chọn của họ. “Tôi cũng bị giới hạn nhưng sự tự do sẽ dẫn đến những xiềng xích mới”, Thu Ngân nhấn mạnh. Đó là một suy nghĩ sâu sắc và thấu suốt mà không phải ai ở lứa tuổi Ngân cũng cảm nhận được và dám nói ra.
Với cuốn sách đầu tay này, Thu Ngân cũng chia sẻ với bạn đọc những khó khăn mà cô gặp phải. Đó là tự tác giả phải chỉnh sửa, gần như biên tập cho chính mình, do viết bằng ngoại ngữ. Ít có ai tổng quát được cuốn sách bằng sự thành thạo ngoại ngữ và đồng thời thấu hiểu văn chương. Bạn bè của Ngân không nhiều người đam mê văn chương dù ngoại ngữ thì rất giỏi nên Ngân cũng không chia sẻ được. Vậy nên, ngay từ những bước đầu tiên trên con đường văn chương dường như Ngân đã đi một mình một lối. Tuy nhiên, trong những câu chuyện nói với bạn bè, mặc dù chỉ nói mà không có chuyện, nhưng quá trình ấy mang lại cảm giác tốt cho Ngân khi viết. Đó cũng là một yếu tố của sự hồn nhiên, trong trẻo, là nguồn nội lực nuôi dưỡng tâm hồn văn chương đầy nhạy cảm của Ngân. Và Ngân đã cùng bạn bè sống trong câu văn bằng bối cảnh thực ấy. Chính những lúc như thế đã cho Ngân nghĩ sâu hơn về những ý tưởng của mình.
“Cuốn sách này phản ánh những cảm xúc của tôi và tôi kỳ vọng một số người sẽ cầm cuốn sách lên và đọc nó”, Thu Ngân bày tỏ. Mỗi chúng ta, dù ở lứa tuổi nào cũng sẽ tìm thấy được những điều có ý nghĩa với riêng mình ở trong tiểu thuyết này. Đó chính là giá trị mà văn chương đem đến cho con người. Thu Ngân một lần nữa cho chúng ta thấy được sự bảo toàn của văn chương trước mọi biến động của đời sống và thời đại. Làm được điều này nghĩa là Thu Ngân đã bước đầu khẳng định và định danh được chính mình trong dòng chảy không ngừng của văn học đương đại.
ĐÀO BÁ ĐOÀN
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 
 

Giấc mơ - Truyện ngắn của Hà Hương Sơn

Giấc mơ - Truyện ngắn
của Hà Hương Sơn

Ánh nắng đi xuyên qua đám mây màu tro, rơi xuống ngọn núi Hình Móng Cọp những sợi lóng lánh vàng. Núi hứng không trọn vẹn dòng nắng vì bị mây che, nghiễm nhiên ôm ấp vào lồng ngực những cụm khói trắng bảng lảng, chờn vờn. Cảnh vật xung quanh khu nghĩa địa đẹp như một bức tranh, sự thanh vắng gợi lên trong Toàn những viễn mơ.
Ba à! Điều làm con suy nghĩ đắn đo nhiều nhất, là làm sao để chăm dưỡng được mẹ ba, nhưng hiện thực nào có dễ dàng, đơn giản, bình dị như những gì nội tâm con đang khe khẽ nói. Con đã trải qua những tháng ngày tồi tệ nhất của tuổi trẻ, tệ đến mức, con không thể nào trả ơn được cho mẹ ba.
Nhà văn trẻ Hà Hương Sơn
Tháng mười năm ấy, cái mùa đông rét mướt, con nghe trong lồng ngực non trẻ của mình có những cựa động, giống như những hạt mầm ba đã gieo trên cánh đồng ngày xưa, đến thời điểm thích hợp thì lại nhu nhú lên trên mặt đất, rồi từ đó đâm chồi, phát triển thành một cây non, vươn lên trở thành một giống cây.
Khi đang là sinh viên, mẹ ba vẫn nghĩ rằng con ổn, tất cả mọi thứ đều suôn sẻ. Chỉ có con mới biết rõ, điều bất thường đã đến. Con âm thầm ôm giữ điều bất thường trong nỗi cô đơn. Những tiết giảng bài của giảng viên trường đại học không đủ truyền cảm hứng để níu con trở về thực tại. Mọi hoạt động diễn ra như một con robot được lập trình sẵn, đến giờ con lại đi học, hết giờ lại về. Mọi kiến thức thầy truyền giảng chảy qua tai con như người ta đổ nước qua một đường ống rỗng.
Con biết! Việc con quyết định bỏ học giữa chừng là một cú sốc quá lớn đối với Ba. Người cha già đáng kính. Con biết, niềm tự hào vì có đứa con học giỏi đang âm thầm rơi rụng trong Ba, niềm hãnh diện mang tiềm kích thành tích giữa một nơi có quá ít người được vào học đại học cũng dần tan biến đi. Điều đó là lỗi nơi con. Những khó khăn, nhọc nhằn mà Ba đã chịu đựng; những khi ăn uống nhín nhịn để con có tiền ăn học nơi đất khách quê người; những gia sản ít ỏi của một gia đình nghèo, Ba đã bán đi để lo cho con. Tất cả những chắc chiu, cuối cùng cũng vì một mục đích cao cả là mong con trở thành một con người có ích cho xã hội, một người không còn giống như Ba, còng lưng mưa nắng trên ruộng đồng bạc màu, cằn cỗi, làm lụng cả đời không dư dả nổi một chỉ vàng.
Mười hai năm trôi qua, hơn ngàn lần tự hỏi, nếu được chọn lựa lại, liệu con có quyết định bỏ học? Câu trả lời trong con, chắc chắn là có.
Mày bị điên à? Thằng bạn thân trong lớp đại học chửi con như thế. Con biết, mình không bị điên, nhưng ở vào trạng huống lúc đó, thật khó để có thể tiếp tục theo học. Có lẽ, con bị trầm cảm, rất nặng.
Thời gian trôi qua, con đếm từng ngày. Thực sự, con không biết mình phải làm sao cho thoả mãn đôi đường. Từng tiết học trôi qua thật vô vị biết bao. Niềm động lực phấn đấu trong con lặng ngấm, như ngọn đèn đã tắt. Con không còn cách nào có thể vực dậy chính mình. Vì lòng con đã có một giấc mơ khác. Bi kịch của con người thường nằm ở chỗ này, Ba nhỉ? Một giấc mơ khác.
Đừng đứng núi này trông núi nọ. Thằng bạn thân lại răn đe con. Nó mến con, không muốn để cho con trượt dốc. Ba ạ! Nó là một thằng bạn tốt.
Nội tình bên trong con là cả một đại dương đang trong cảnh huống bão tố, lốc xoáy. Con ước gì có thể tự lực vươn lên, không còn nhờ đến sự dè sẻn từng đồng từng cắc của ba mẹ. Nhưng đó chỉ là ảo tưởng, là sai lầm lớn trong cuộc đời con. Cái giá của sai lầm là con đã đi qua những tháng ngày lênh đênh đầy sương gió, trải qua những giây phút tái tê, sầu úa, và đôi khi, con tuyệt vọng. Ngày con từ bỏ giảng đường đại học, là ngày đen tối nhất.
***
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Ngày mùa thu năm đó, con quyết định ra đi, sau nhiều tháng ôn tập chẳng đâu vào đâu, chuyện bỏ học đại học đã vào dĩ vãng. Con ôn thi lại đại học là theo ý của ba mẹ, của anh chị, riêng con, con thực tình không khao khát gì nữa cả. Năm ấy, con hai mươi tuổi tròn, tính theo Tây lịch. Ôi! Mộng ước tuổi hai mươi thật lớn lao làm sao. Trước khi cất bước lên đường vào Nam, trong tim con bùng lên ngọn lửa ước muốn lớn lắm, con muốn trở thành một người nghệ sĩ nổi tiếng. Thực tình, con nghĩ, sự nổi tiếng chỉ là phù phiếm, điều cơ bản là mình có sống được với đúng điều làm cho mình trở nên hạnh phúc thực sự hay không. Cá tính còn quan trọng hơn sự nổi tiếng hàng trăm lần. Con chỉ khao khát trở thành một người nhạc sĩ, ca sĩ, như con từng ao ước từ năm con mười lăm tuổi, năm con tự chế cây đàn và con vừa đánh vừa hát ca khúc do tự con sáng tác. Được sống đúng với chính mình, là điều làm cho con thực sự hạnh phúc. Nhưng con đường con đi lại dẫn con đến với những đau khổ.
Con lên xe khách vào đúng lúc cơn mưa rào chợt đến, nắng vàng bị mây che chỉ còn lại những gợn sáng nhờn nhợt. Mưa kéo dài hơn trăm ki-lô-mét, khi con đã đi qua địa phận của tỉnh, thì trời mới ngưng rớt những giọt nước buồn.
Lần đầu tiên, Sài Gòn hiện ra trong tầm mắt con. Những tòa nhà, những con đường, lớp lớp người vụt qua trong phút giây con nhìn ngắm. Hi vọng của con là đây, giấc mơ của con là đây.
– Toàn định vào đây làm gì vậy? Đến bến xe, Tùng ra đón con.
– Đến nhà trọ của bạn ở tạm ít ngày, rồi tính.
Lúc đó, trong đầu con hiện lên những hành ảnh đẹp đẽ về một bầu trời, một tương lai như con từng mơ ước. Ý tưởng sẽ gặp được người nhạc sĩ mà con yêu mến, bằng bất cứ giá nào, phải làm sao để cho người nhạc sĩ dạy nhạc cho con, và đào tạo con trở thành một người nghệ sĩ. Như trong những bộ phim mà con đã xem, mà chính xác hơn, là như trong mộng tưởng huyễn hoặc của con.
Tùng đưa con đi về bằng xe buýt. Đến con hẻm nhỏ, hai đứa cùng nhau đi vào một lối rất hẹp. Phòng trọ ở trên tầng hai của một gia đình làm nghề cơ khí, những người thợ đang lao động, ánh lửa toé lên sáng chói.
Đêm ấy, Tùng và con tâm sự với nhau rất nhiều, gần đến sáng. Kỷ niệm tuổi thơ của hai đứa từng chăn bò, bắt dế, đào còng cứ tuôn ra, vui buồn lẫn lộn. Khung cảnh làng quê yên bình, nên thơ, những con người chân chất, mộc mạc hiện lên trong trí nghĩ. Ba à! Đến nơi đất lạ quê người, gặp được người bạn thân thuở nhỏ, thật quý biết bao.
Thành phố không đẹp như trong một bức tranh con đã vẽ nên, trong sự phồn hoa hào nhoáng ấy, có những mặt tối, một người nhà quê như con không dễ gì biết được. Thật xui xẻo thay, dù Tùng đã bảo con, hãy cẩn thận, nhưng vì tính cả tin và sự bồng bột của tuổi trẻ, con đã bị lừa.
Chiều đầu đông miền Trung có cơn gió lạ, con ngồi ủ rũ như một kẻ mất hồn. Ba đâm lo. Ba đi xem Thầy. Thầy bảo, con không sao, sau này học rất giỏi. Ba yên tâm về con. Từ đó, Ba bắt đầu thúc giục con học hành trở lại. Ôi cha! Nhà đã quá nghèo, nợ nần chồng chất, giờ mà lo con học nữa sao Ba?
Thời gian ôn thi kéo dài đằng đẵng suốt gần hai năm, con cố gắng nỗ lực trong trạng thái lòng con đã nguội, nhiều lần con tự đặt câu hỏi, một người muốn trở thành nhạc sĩ, ca sĩ thì cần gì phải học giỏi Toán. Con đường nào dẫn con đến nơi mà con muốn, sự phấn đấu của con sao mà giống dã tràng se cát quá vậy, cố lắm thì kết quả cũng thế, một con số rỗng. Đó là khoảng thời gian con thường làm thơ, sáng tác bài hát, như một con dế gáy te te, bản năng trong con muốn trào tuôn.
Con đậu vào cao đẳng, lịch sử cuộc đời con đã sang trang mới. Giờ đây, con cố gắng nỗ lực để trở thành một người giáo viên Anh ngữ. Như một thân cây bị mùa đông che phủ bao tháng ngày đông giá, rét mướt, giờ có ánh nắng mặt trời làm cho tươi ấm, tia nắng đầu tiên lại xối lên thân cây những luồng hừng hực nhựa sống. Nhưng con vẫn không nguôi giấc mơ trở thành một người nghệ sĩ.
Run rủi sao, một lần nữa con lại bỏ học. Ngày Ba nằm viện vì cơn tai biến, con nghĩ suy, đắn đo. Hoàn cảnh của gia đình mình sao mà éo le thế, người đau, người học, nhà nghèo, không có người làm ra thu nhập. Tất cả những chi phí thuốc thang đều do anh chị góp. Làm sao con có thể chuyên tâm, tiếp tục con đường?
Ngày Ba ra đi vì cơn tai biến mạch máu não, một dạng biến chứng của tai biến, đất trời trong con sụp đổ. Con nhìn thấy đột tre không còn cố vươn lên trời cao nữa, mà gãy quỵt xuống đất, cứ thế mà đâm thẳng xuống lòng đất sâu. Ba ơi! Vậy là từ nay con không còn được nhìn thấy Ba nữa. Cơn bất an quá lớn. Con chưa làm gì được, chưa đền đáp ơn nghĩa sinh thành. Một chàng trai hai mươi tuổi, mang trong mình cơn hoang tưởng rồ dại, để rồi giờ đây Ba đã về với ông bà, lòng con đau đớn sao nguôi. Trái đất trong tâm tưởng con đã biến dạng, hình hài lưỡi dao đâm thẳng vào tim, bổ trái tim ra thành trăm ngàn mảnh vụn, rơi vải khắp mọi châu lục. Ngày Ba im lặng nằm ở nơi đây. Vĩnh viễn. Con không biết, rồi cuộc đời sẽ dẫn con đi về đâu. Con đường con đang dấn thân, chỉ có một màu đen. Sinh ly tử biệt, nỗi đau này sao vơi? Con hiểu ra, ngày Ba từ giã cõi đời, là ngày đen tối nhất.
***
Con không thể nào đi học trở lại. Học để làm gì? Trong khi giấc mơ nằm một nơi, hướng đi nằm một nơi khác. Con quyết định đi làm công nhân. Nhiều người trong công ty bảo, con bị điên, học đại học lại bỏ, đi làm công nhân lao động chân tay, phí cuộc đời. Con không nghĩ những tháng ngày đi làm công nhân là phí. Dù nhọc nhằn, gian khổ lắm.
Con đã từng đọc Thép Đã Tôi Thế Đấy, những lao khổ sẽ cho con một cái gì đó. Một cái gì đó sẽ có giá trị về sau. Nghĩ thế, lòng con phấn chấn hơn. Tháng lương đầu tiên, con mang về nhà, được tám trăm nghìn, niềm vui vỡ òa trong mẹ, hai khoé mắt mẹ ngân ngấn nước.
Giờ đây con phải ra đi, Ba à! Năm ấy, Thầy bảo, sau này con học giỏi lắm, đúng không Ba? Con muốn đi học trở lại, dù tuổi đã hơn ba mươi.
Mày bị điên à?  Bạn bè bảo con điên, vì sao người ta hay thích dùng từ điên để nói về một cái gì đó không giống số đông? Hơn mười năm con vun vén cho một đam mê lớn nhất cuộc đời. Biết bao năm con không ăn chơi, tiêu pha. Tất cả mọi nỗ lực chỉ vì một mục đích duy nhất. Con không thể để giấc mơ trong trái tim úa tàn. Đây là cơ hội cuối cùng, trước khi cưới vợ và sinh con, như Ba đã từng…
HÀ HƯƠNG SƠN
(Trích từ tập truyện ngắn Dòng sông mùa giông bão)
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 

 

Mẹ gom nỗi buồn như chắt chiu từng kỷ niệm

Mẹ gom nỗi buồn như
chắt chiu từng kỷ niệm

Nước mắt lặn vào lòng/ ngày tháng hanh hao/ Mẹ gom nỗi buồn như chắt chiu từng kỷ niệm/ dõi mắt trông phía hoàng hôn bịn rịn/ tháng năm xanh, khát giọt mưa mùa.
Nhà thơ Lê Minh Vũ ở Bình Dương
Mẹ phơi nỗi buồn
 
Mẹ phơi nỗi buồn tóc trắng xác xơ
xếp phẳng phiu từng chăn đơn gối chiếc
“Ba tụi bây, đi xa biền biệt
ngẫm vậy mà có phước, khỏe hơn tao!”
 
Nước mắt lặn vào lòng
ngày tháng hanh hao
Mẹ gom nỗi buồn như chắt chiu từng kỷ niệm
dõi mắt trông phía hoàng hôn bịn rịn
tháng năm xanh, khát giọt mưa mùa.
 
Mẹ lần tay đếm ngọn gió lùa
nghe thời tiết bằng cơn đau xương khớp
đo thời gian bằng cơn ho bóp nghẹt
tiếng thạch sùng vọng nỗi đơn côi.
 
Các con bất hiếu, mẹ ơi!
nước mắt cứ chảy xuôi
chẳng đứa nào ở bên chăm lo cho mẹ
vòng xoáy áo cơm
bon chen hối hả
có bao giờ nghĩ về nỗi buồn của mẹ hôm nay?
 
Mẹ phơi nỗi buồn qua năm tháng lắt lay
trắng nỗi cô đơn héo khô nước mắt…
 
28.3.2021
 
Chợ phiên của mẹ
 
Mẹ mua vài thứ mình cần
Miếng thịt nạc, bó rau cần nấu canh
 
Mẹ tôi hào phóng lòng thành
Cuộc sống nghèo khó lo dành mai sau
 
Người ta mua trước bán sau
Thặng dư cả khoảng trời cao đất dày
 
Mẹ tôi thô kệch luống cày
Mỏng manh gian dối, cao dày nghĩa nhân.
 
Người ta bán cái bất cần
Mẹ tôi gom hết nhọc nhằn lại mua
 
Cả đời không tính hơn thua
Chợ phiên của mẹ dư thừa niềm vui!
 
11.4.2021
 
Đi suốt đời mẹ vẫn dõi theo con!
 
Ngửa cổ uống ngụm nước mội Miểu ngọt ngào
Mùi rạ rơm như ướp vào da thịt
Mấy mươi năm quê không còn dáng cũ
Câu ca dao lạc giữa phố cao tầng.
 
Mẹ ra đồng khi sao trên bầu trời chưa tắt
Bên song thưa con say giấc ngủ tròn…
Những giọt mồ hôi trộn lẫn vào trong đất
Mẹ chia nhọc nhằn trong tất bật lo toan.
 
Mẹ chia yêu thương bằng từng bữa cơm ngon
Lo cho các con tấm áo lành sạch sẽ
Dạy dỗ điều hay từ thơ bé
Uốn măng mọc thẳng với đời…
 
Qui luật muôn đời nước mắt chảy xuôi
Mẹ chỉ học trường làng nên ít lời hoa mỹ
Chẳng tính toán chi li so đo hơn thiệt
Gom đong đầy lòng nhân ái, yêu thương.
 
Quê đổi thay
Mẹ đã già rồi
Tóc bạc trắng bởi thời gian đã gội
Chỉ yêu thương muôn đời không thay đổi
Đi suốt đời mẹ vẫn dõi theo con!
 
07.4.2021
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Mẹ và câu chuyện tháng tư
 
Mẹ lại kể chuyện ngày này năm ấy
Gánh lúa trên vai bỏ lại sân đời
Chiếc xe lam chở đầy, cố chạy
Phía làng vẫy gọi – mẹ ơi!
 
Bao nhiêu năm câu chuyện không thể cũ
Con chó Ki già đói rã vẫn chạy theo
Chỉ thời gian thêm vui buồn, bồi lở
Lúa lên xanh bên mái tranh nghèo.
 
Mẹ lại kể những ngày ăn khoai sắn
Bầy con thơ như cây cỏ xanh mầm
Đứa lớn trông em, đứa lớn hơn ra ruộng
Miếng ăn cái mặc cứ vây quanh.
 
Những địa danh Chợ Cây Dừa, Cầu Ông Đành, Chánh Hiệp
Chợ Bình Dương, Miễu Tử Trận, bến Bạch Đằng…
Đã lâu rồi (có lẽ) mẹ đâu trở lại
Mà sao suốt đời khắc cốt ghi tâm.
 
Mẹ và câu chuyện tháng Tư
Như chứng nhân hào hùng một thuở
Khi vết thương đã lành, sang trang lịch sử
Cuộc sống thanh bình trên đất mẹ tươi xanh.
 
29.3.2022
 
Bữa cơm của mẹ
 
Mẹ ngồi nhai nỗi cô đơn
Lặng từng nhịp thở u buồn xót xa
 
Các con khôn lớn bay xa
Quẩn quanh mẹ với căn nhà rộng thênh
 
Bữa cơm mẹ với bóng mình
Thời gian nào xoá được hình bóng cha?
 
Nghẹn ngào chan nước mắt và
Nuốt trôi không những vỡ oà đớn đau
 
Mẹ ngồi đó với ngàn sau
Sợi dây máu mủ kết vào yêu thương
 
Mẹ ngồi với nỗi cô đơn
Cho con cúi lạy vô thường nhân sinh!
 
Mẹ ngồi đó với lặng thinh
Bao la bóng mẹ tạc in nhập nhoà!
 
31.12.2020
LÊ MINH VŨ
 
29/6/2021
Hoàng Việt Hằng
Theo https://vanvn.vn/
 

  Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn 4 Tháng Chín, 2023 Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang...