Thứ Hai, 31 tháng 10, 2022

Tin vào thế hệ @XXX

Tin vào thế hệ @

Phỏng vấn Phan Huyền Thư, tác giả kịch bản phim tài liệu "Thế hệ @", Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương, 2003

Ý tưởng làm một kịch bản về thế hệ @ từ đâu tới? Chắc chắn, bạn phải sống cùng nó, thở hơi thở của nó, vui và buồn cùng niềm vui và nỗi buồn của cái thế hệ @ đó nên mới "sinh đẻ" ra một ý tưởng, một kịch bản như thế...
Trước hết, cho phép tôi được nhắc đến thế hệ @ không phải với tư cách của một nhà biên kịch. (Cho dù đúng là tôi đã hoàn thành kịch bản đó và bộ phim đang được quay). Tôi muốn được chia sẻ với các bạn với tư cách của một @, tôi tự nhận như vậy, mặc dù những thanh niên thuộc thế hệ @ thường được khoanh vùng sinh ra từ khoảng những năm 80. Năm 1993 tôi bắt đầu viết bằng máy tính, sau đó kết nối với hộp thư điện tử của Việt nam, lúc ấy, tôi nhớ là cái account của bưu điện Việt Nam còn rất dài (bdvn.vnn.vn... thì phải). Khi tôi "nâng cấp" cái địa chỉ email bằng cách chuyển sang hòa mạng Internet thì quả là đã có một cuộc cách mạng trong cuộc sống của mình.
Trên thực tế, có một thế hệ ra đời và dần trưởng thành trong sự hình thành và phát triển của khoa học công nghệ thông tin ở Việt Nam. Gọi họ là "Thế hệ @" cũng được mà không gọi họ bằng định danh ấy cũng không thể chối bỏ cả một thế hệ con người trực tiếp chịu ảnh hưởng của khoa học công nghệ thông tin. Bởi vì, không còn nghi ngờ gì nữa, thành tựu của khoa học công nghệ thông tin là thành tựu vĩ đại nhất của con người trong thế kỷ XX. Theo tôi, thế hệ trẻ của chúng ta được hưởng những lợi ích gì, tạo ra những giá trị tương ứng nào trước sự chi phối của ngành công nghệ ấy cũng là điều cần phải bàn đến.
Theo chị, những lợi ích từ CNTT (IT) đó là gì? Bởi bây giờ ghé ngang bất kỳ một dịch vụ Internet nào, cũng có thể nhận ra bằng trực quan rằng, không dưới 90 % người trẻ đến đó để tán gẫu. Các chatters có phải là một @ theo quy chuẩn của chị? Hoặc giả, đó cũng là cách @ trốn chạy thực tế?
Tôi nghĩ, chưa bao giờ con người Việt nam lại thích sống riêng cho mình như hiện nay. Tôi tin rằng, với 90% bạn trẻ thường xuyên "chat" trên mạng, số người trở về nhà sau buổi tan trường có bố mẹ chờ sẵn bên mâm cơm là ...quá ít! Hơi ngoa ngoắt, nhưng, một @ đã bình luận trên diễn đàn "Thế hệ @" mà tôi đọc được cho rằng, thời đại này là thời đại "Party on". Các thế hệ con người Việt nam đang có xu hướng biến cuộc sống thành một bữa tiệc tưng bừng sau những năm dài chiến đấu gian khổ và cuộc sống vật chất khó khăn thời hậu chiến, xây dựng đất nước. Nền kinh tế thị trường đang kéo các ông bố đến các bàn tiệc, các cuộc nhậu, các sân ten-nít, các phòng karaoke, các bể bơi, xông hơi mát -xa..., kéo các bà mẹ đến các siêu thị, câu lạc bộ thể hình, khiêu vũ, các tiệm may, tiệm uốn tốc, sửa móng chân hay thẩm mỹ viện...Bọn trẻ mới lớn đã quá cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Vào lứa tuổi luôn cần hỏi ý kiến, luôn cần tâm sự và hướng dẫn thì chúng buộc phải làm bạn với máy vi tính, điện thoại di động, xe máy đắt tiền, quần áo hợp mốt...nhưng, rõ ràng cái nhu cầu được chia sẻ một cách thực sự của giới trẻ hiện nay là quá lớn. Tôi chưa thấy dấu hiệu gì nguy hại đến đạo đức xã hội một cách trầm trọng khi thế hệ trẻ tán gẫu với nhau trên mạng. Dẫu sao ngay cả những cái xấu chúng ta nhìn thấy bằng mắt cũng chưa chắc đã đáng sợ. Ðiều cần thiết hơn là một vài chuẩn mực của đạo đức xã hội đang dần được đánh giá lại cho phù hợp với sự phát triển chung của đất nước. Một thế hệ mới ra đời, có nghĩa là một loạt những giá trị mới sẽ chứng minh cho sự tồn tại của họ.
Chân dung của lớp trẻ @ ấy như thế nào, thưa chị?
Ra đời và trưởng thành sau chiến tranh, họ được hưởng một nền hoà bình vô giá mà biết bao thế hệ cha anh đánh đổi bằng cả cuộc đời, thậm chí cả sinh mạng của mình để giành cho được. Họ có quá nhiều thuận lợi khi được hưởng một nền giáo dục tốt, một cuộc sống đầy đủ vật chất mà các thế hệ đi trước nằm mơ cũng không thể có được. Họ thừa biết giá trị của chiếc máy tính điện tử không phải chỉ là chiếc máy chữ hay chiếc bút vẽ tự động... nó cho phép họ đối thoại trực tiếp, công khai và góp một tiếng nói của chính mình vào một thế giới đại đồng, không phân biệt sắc tộc, biên giới hay đẳng cấp giầu nghèo. Sự bình đẳng ấy (cho dù chỉ tồn tại trên một thế giới ảo của mạng Internet thôi) cũng khiến cho họ tự tin, muốn vực đất nước lên một tầm cao mới bằng kiến thức và nhiệt huyết tuổi trẻ của mình. Nhìn chung, mục đích lớn nhất của họ là muốn trở thành người thành đạt. Họ muốn khẳng định cái "tôi" bằng một thành quả cụ thể, bằng một giá trị kép "vật chất đồng thời là tinh thần; kinh tế đồng thời là văn hoá..." chứ không đơn thuần chỉ là một trong hai thứ đó.
Khái niệm giá trị kép chị vừa nhắc đến, có khi, lại cực đoan. Trả lời trên một tờ báo khác, chị từng cho rằng, thần tượng của @ không phải là ông Balzac nữa, mà là Bill Gates. Hẵn không thể chê nhà tỷ phú năng động này vào đâu được, nhưng, liệu giá trị tinh thần mà Bill Gates mang lại cho @ có đủ để dung dưỡng tâm hồn? Người lớn hay phán rằng, giới trẻ bây giờ kém lãng mạn và thực tế quá. Dĩ nhiên, ranh giới giữa thực tế và thực dụng là một ranh giới thật sự mong manh ...chị nghĩ gì?
Bạn sẽ "thực dụng" một cách vô thức nếu xung quanh bạn, mọi sản phẩm của xã hội đang có xu hướng qui chuẩn về giá trị sử dụng nhiều hơn là giá trị tinh thần.
Về Bill Gates, năm 2002, ông đã từng gửi cho thanh niên Việt Nam bốn thông điệp "riêng tư" của mình. Tôi xin nhắc lại bốn thông điệp này để cùng các bạn bình xét xem liệu Bill có mang lại cho thế hệ @ những nhu cầu tối thiểu để dung dưỡng tâm hồn hay không. Thứ nhất: Hãy thư giãn thật tốt. Thứ hai: Hãy theo đuổi đến cùng điều mà bạn muốn làm. Thứ ba: Hãy sử dụng máy vi tính và kết nối với mạng Internet. Và thứ tư, sau một hồi suy ngẫm, Bill viết thêm: Ðọc là một kỹ năng quyết định. So với Tấn trò đời của Balzac vào thời điểm hiện nay, cuốn Tốc độ tư duy của "nhà văn" Bill Gates có vẻ hấp dẫn giới trẻ hơn. Tôi nghĩ, Bill Gates sẽ không thể trở thành thần tượng của giới trẻ nếu ông ta chỉ đơn thuần là người giầu nhất thế giới, thừa kế một tập đoàn dầu mỏ, hay là một hoàng tử kế vị... Giới trẻ "mê mẩn" Bill còn ở chỗ, thành tựu khoa học của Bill, tài năng của Bill đã mang về những giá trị vật chất cụ thể, có ích lợi cho loài người. Bill dám theo đuổi đến cùng điều mình yêu thích, ông ta đã bỏ dở năm thứ ba đại học để thành lập Microsoft, ông ta đã tự học trong thư viện.
Tôi rất thích thú khi đọc được câu này: "Bọn trẻ hay bị lừa bởi của giả. Lớp già thường không tin vào những điều có thật". Trên thực tế, có được khoảng bao nhiêu phần trăm con người biến hoài bão, ước mơ của mình thời tuổi trẻ thành hiện thực? Bao nhiêu phần trăm con người đã bội ước với tuổi trẻ của mình?
Nó sẽ là tốt hay là xấu? Nó có kế thừa một chút gene nào của tổ tiên? của cái gọi là bản sắc văn hoá cội nguồn? Hay là nó đại đồng và tất yếu của quá trình lịch sử? Bạn có ủng hộ thế hệ @ đó?
Người quyết định phẩm chất tốt xấu cho họ, không ai khác chính là thế hệ cha anh đi trước. Không ai sống được bằng kinh nghiệm của người khác, nhưng cũng không thể không biết những kinh nghiệm của người khác. Ðể làm gì? Ðể tìm ra kinh nghiệm của chính mình. Nếu các thế hệ đi trước trả lời một cách trung thực câu hỏi: Ngoài nền độc lập tự do của Tổ quốc ra, họ đã làm được những gì, để lại những di sản gì (cả tốt lẫn xấu) cho các thế hệ đi sau ...? Chúng ta sẽ thấy, bên cạnh những điều kiện nhìn bên ngoài có vẻ đầy đủ, may mắn về vật chất, trong vận hội mới của đất nước, nhiệm vụ đặt trên vai thế hệ trẻ không nhẹ nhàng chút nào.
Cá nhân tôi rất tin tưởng rằng thế hệ trẻ trong tương lai sẽ biết dựa vào những giá trị văn hoá truyền thống lâu đời của dân tộc để tạo nên một diện mạo Việt Nam đầy bản sắc trên trường quốc tế. Lịch sử không bao giờ bỏ rơi dọc đường những giá trị đích thực. Cách đây 100 năm, chúng ta đã có những phong trào Ðông du, Duy Tân: cải cách giáo dục, cải cách kinh tế, văn hoá... Từ Nguyễn Trường Tộ cho đến Vua Hàm Nghi, Thành Thái cũng đều rất muốn tạo ra những vận hội để thay đổi diện mạo đất nước...Nếu như sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam, sự kiện quốc khánh 2-9 năm 1945 cho đến ngày thống nhất đất nước 30-4 năm 1975 là một tất yếu của lịch sử thì tại sao chúng ta lại băn khoăn quá nhiều về sự hình thành và ra đời của một thế hệ thanh niên mới, biết tìm cách thích ứng với hoàn cảnh của đất nước để hoà nhập với thế giới.
Tôi đương nhiên là cổ suý cho "Thế hệ @" vì biết rằng bất kỳ một thế hệ nào trong bánh xe của lịch sử cũng tồn tại với đỉnh cao và những niềm tuyệt vọng của riêng họ.
Những niềm tuyệt vọng ...?
Theo con số thông kê công khai của UNDP tôi đọc được trên mạng, hiện nay Việt nam có xấp xỉ 47% dân số sống dưới mức đói nghèo. Các khoản nợ quốc tế, các khoản vay dài hạn đang chờ thế hệ con cháu sau này phải lao động cật lực để trả nợ...Tài nguyên thiên nhiên dần cạn kiệt. Trong khi đó, chúng ta lại đang tiến hành sự nghiệp "Công nghiệp hoá, hiện đại hoá"; phấn đấu "Tất cả vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hộ công bằng, dân chủ, văn minh" thế hệ @ không thể ngủ mê trong các hàng cà phê Internet. Chính vì hoà nhập được với thế giới, họ ý thức được rõ hơn vị trí của mình để phấn đấu. Niềm tuyệt vọng ư? Theo tôi, đấy là khi họ không thể làm được điều mình mong muốn nữa.
Kịch bản ấy đã được dựng phim? Phim ấy sẽ công chiếu lúc nào? Bạn có theo dõi các forum về thế hệ @? Có cảm giác gì về những thái độ và chính kiến trái ngược nhau, thậm chí là cực đoan?
So với những gì tôi được đọc trên các diễn đàn của mạng Internet về "Thế hệ @", bộ phim của chúng tôi được xem là một "liều hy vọng" tiêm thẳng vào những bi quan, yếu đuối và mất phương hướng của tuổi trẻ thời đại tiêu thụ, toàn cầu sặc mùi vật chất hưởng thụ và bế tắc. Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương của chúng tôi có một nhiệm vụ rất căn bản là đưa ra những vẫn đề mang tính thời sự và tìm kiếm lời giải đáp. Vì được xây dựng trên chất liệu thật của cuộc sống, tôi tin rằng đây sẽ là câu trả lời thuyết phục nhất.
Nếu bạn nhận ra chân dung một thế hệ khẳng định được mình khi còn rất trẻ: Thiết kế lại toà nhà Quốc hội; Vô địch cuộc thi Robot lần đầu tiên của sinh viên thế giới; Vô địch thế giới võ thuật năm 14 tuổi; Tạo ra một thương hiệu sản phẩm đầu tiên của Việt Nam tiên trên thị trường thế giới...vv và vv. Họ đã góp phần không nhỏ vẽ nên diện mạo của một Việt Nam trẻ trung, mới mẻ trong con mắt của bạn bè quốc tế. Tôi không tin đằng sau những suy nghĩ trái ngược, thậm chí cực đoan ấy lại không phải là một tấm lòng "màu cờ sắc áo" hướng về đất nước. Những điều tưởng như cực đoan, bi quan của các cuộc tranh luận sẽ khiến cho thế hệ trẻ có một cái nhìn tỉnh táo hơn vào chính mình để tự điều chỉnh lấy những định hướng cho bản thân.
"Chúng ta" sống chung hòa bình với nó? Sống chung, có cần giải pháp đột biến nào? Hay cứ để nó tiệm cận và trộn lẫn vào cuộc sống này?
Liệu có cần thiết phải băn khoăn và lo âu quá nhiều như vậy về một thế hệ mới xuất hiện trong xã hội hay không? Thay vì hồ nghi, xin hãy tin tưởng. Thay vì xét nét chúng ta hãy hướng dẫn họ bằng những tấm gương cả tốt lẫn xấu của các thế hệ đi trước. Tôi rất phục các bậc tiền bối khi quyết định dựng Bia Tiến Sĩ trong Văn Miếu Quốc tử Giám với mục đích để răn đe hậu thế: Người thực tài có công với đất nước sẽ được vinh danh, người không thực tài sẽ chịu nhục vì cái hư danh của mình đến muôn đời.
Khi một đứa trẻ được nhận đầy đủ sự quan tâm, chăm sóc của gia đình và xã hội, đứa trẻ đó đã nhận được chính nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước cuộc sống để rồi đến một giai đoạn khác trong cuộc đời chúng sẽ bàn "giao lại" cho một thế hệ mới. Muốn con ngoan thì bố mẹ phải gương mẫu. Muốn con thể hiện được giá trị của cá nhân mình thì bố mẹ phải khuyến khích, tạo điều kiện và tôn trọng. Chúng ta không nên đề ra bất cứ "biện pháp" gì ngoài việc mỗi người hãy tự sống cho thật tốt. Một xã hội tốt đẹp luôn cần phải "biết cách" tồn tại trên những giá trị xấu(xấu cũng là một giá trị chứ!) và điều này không có luật. Ðấy là những suy nghĩ chủ quan của tôi.
7/2/2004
Phan Huyền Thư
Nguồn: Tuổi trẻ chủ nhật, 4.10.2003
Theo http://www.talawas.org/

Người trẻ với tình yêu nhạc Trịnh

Người trẻ với
tình yêu nhạc Trịnh

Trong tâm khảm của nhiều bạn trẻ, họ vẫn nhớ như in những ngày đầu tiên được biết đến Cát bụi, Biết đâu nguồn cội, Để gió cuốn đi…

Nhạc Trịnh ôm ấp, chia sẻ với người nghe
Anh Nguyễn Minh Duy (26 tuổi, quận 3) nhớ lại thuở lên năm, những đêm ngủ với cha mẹ, tối nào cha cũng mở nhạc Trịnh cho anh nghe, cảm giác lúc ấy rất khó tả. Anh cũng là người thường xuyên tổ chức những đêm nhạc về cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dành cho nhiều đối tượng, đặc biệt là những người trẻ tại TP.HCM.
Anh Duy cho biết: “Tôi thấy nhạc Trịnh có khả năng ôm ấp, chia sẻ với người nghe, hệt như là kể chuyện. Bây giờ, khi đang được sống trong thời bình và nghe Bài ca dành cho những xác người hoặc Ta đã thấy gì trong đêm nay thì tôi có thể hình dung ra được chiến tranh nó khổ đau như thế nào, khiến tôi cảm thấy biết trân trọng cuộc sống này hơn”.
Nguyễn Ngọc Minh Tú biểu diễn các ca khúc 
Như hòn bi xanh, Ở trọ, Con mắt còn lại theo 
phong cách A cappella và nhận được tín hiệu tốt 
từ người nghe. Ảnh: TÚ NGÂN
“Thông thường đa số mọi người khi nói đến nhạc Trịnh thì sẽ nghĩ đến tượng đài là ca sĩ Khánh Ly hay ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh. Nên tôi nghĩ mình nên tạo cho giới trẻ bây giờ, thế hệ gen Z có cơ hội thể hiện được phong cách, cá tính của mình, cũng như là sự cống hiến cho âm nhạc. Vì tôi nghĩ âm nhạc không có giới hạn. Mong rằng thế hệ sau hãy lắng nghe nhạc Trịnh và mở lòng ra để đón nhận sự sáng tạo, sự cống hiến cho âm nhạc của những người trẻ” - anh Duy nói.
Nguyễn Ngọc Minh Tú (22 tuổi, quận Bình Thạnh) là cô nàng cá tính với giọng hát đầy sâu lắng. Minh Tú cùng người em song sinh là Nguyễn Ngọc Minh Thư đã mạnh dạn thể hiện lại một số ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo phong cách A cappella.
Được biết A cappella là phong cách hát không cần có nhạc đệm, người nghệ sĩ sẽ dùng giọng hát của mình để kết hợp, hỗ trợ cho nhau bằng hòa thanh, bè phối để tạo nên nhạc điệu. Khi thể hiện đòi hỏi người thực hiện phải có khả năng thẩm âm và kiến thức thanh nhạc tương đối tốt.
Minh Tú chia sẻ thêm: “Tôi yêu mến và kính trọng âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi mong muốn tiếp nối lời ca tiếng nhạc chân thật, như âm nhạc của bác Trịnh. Bởi tôi nghĩ khi nội tại của mình được chính mình lắng nghe, được nuôi dưỡng, được nếm trải đủ, nó sẽ học cách lớn lên. Đến một ngày, nó cứ là chính nó và cất lên tiếng nói bằng âm nhạc. Tôi sử dụng âm nhạc để kể chuyện, để kết nối mình với đời. Mà muốn kết nối được, mình phải hiểu và chân thật với chính mình, với những cảm xúc, suy tư và với tất cả mọi điều xảy đến”.
“Đối với những người yêu nhạc nói chung và yêu mến nhạc Trịnh nói riêng, tôi hy vọng các bạn thính giả sẽ mở lòng mình hơn, lắng nghe âm nhạc bằng cảm xúc và con tim, cũng đừng nên bó hẹp khuôn khổ cho âm nhạc: nhạc Trịnh phải hát y chang bản gốc hay bài này phải hát thế này, phải hát như thế kia... Hãy cứ lắng nghe cởi mở bằng chính con tim của mình” - Minh Tú bộc bạch.

Nhân kỷ niệm 21 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, gia đình cố nhạc sĩ tổ chức đêm nhạc tưởng niệm ông.
Địa điểm: Đường sách TP.HCM. Thời gian: 16 giờ 30 ngày 1-4-2022.

Tìm thấy bản thân trong nhạc Trịnh
Còn với bạn Tăng Ngọc Châu Nhi, sinh viên Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, là người thường xuyên thể hiện rất tình cảm những ca khúc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, lại mang những nỗi niềm riêng. Với Nhi, lời ca của cố nhạc sĩ như thể đang nói hộ lòng mình, tìm thấy được sự đồng cảm, khiến cô nàng bồi hồi nhớ lại tháng ngày khi còn là một học sinh cấp 3 với những tình cảm đầu đời dở dang của chính mình.
Châu Nhi tâm sự: “Tôi thấy cái mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn làm được chính là thể hiện được góc nhìn của ông. Theo tôi, góc nhìn này rất đặc biệt, không phải đi tìm những cái gì đó nó mới, không phải đi làm những cái việc mà chưa ai làm, cũng không phải đi tìm những cái gì nó quá xa xôi. Ông nhìn những điều ở rất gần và ở ngay chính trong mỗi người. Đôi lúc người ta lại thường bỏ quên những điều đó nên khi ông viết lên những điều đó, người ta sẽ giật mình và nhận ra mình có cái này ở trong người mình, cảm xúc mà bấy lâu nay mình bỏ qua, mình không thật sự đối diện với nó. Tôi nghĩ khi mà những điều vốn đã có trong mỗi người được khơi dậy thì nó sẽ luôn ở đó thôi và đó là lý do tại sao nhạc Trịnh Công Sơn luôn luôn tồn tại lâu dài đến ngày nay. Đó cũng là giá trị của nhạc Trịnh Công Sơn đối với tôi”.
Bộc lộ và nuôi dưỡng khả năng âm nhạc từ những ngày bé, ngoài việc học, Phan Nguyễn Sang Sang còn tham gia ca hát tại một số CLB âm nhạc của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Cô nàng hào hứng chia sẻ: “Đối với tôi, nhạc Trịnh là một thứ gì đó rất kỳ diệu, nó giúp mình cảm thấy thật sự dễ chịu, giải tỏa được hầu hết áp lực, căng thẳng về cuộc sống bộn bề ngoài kia. Sự tinh luyện và tỉ mỉ trong từng câu chữ, từng thanh âm chính là điều khiến nhạc của Trịnh Công Sơn trở nên bất hủ”.
“Bản thân đang theo học chuyên ngành biên kịch điện ảnh truyền hình, sắp tới đây thị trường phim cũng cho ra mắt bộ phim Em và Trịnh. Đây thực sự là điều làm tôi cảm thấy rất hứng khởi và vô cùng đón chờ. Chẳng có gì tuyệt vời hơn khi được kết hợp giữa thứ mình yêu thích với chuyên môn của mình cả” - Sang bày tỏ.
1/4/2022
Tú Ngân
Theo https://plo.vn/

Trịnh Công Sơn - Người của mọi người

Trịnh Công Sơn
Người của mọi người

LTS: Nhân kỷ niệm 21 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm (1-4-2001 - 1-4-2022), PLO xin trích đăng bài viết "Trịnh Công Sơn - Người của mọi người" của cố nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng (Bài viết năm 2010, 9 năm sau (2001-2010) ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - PV). 

Được sự đồng ý của nhà thơ, nhà báo Từ Nguyên Thạch (anh ruột của cố nhà thơ, nhà báo Đoàn Vị Thượng), chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài viết này.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ảnh tư liệu

“Bàn chân nhỏ bé. Hôm qua hôm qua. Chung vui hội hè. Bàn chân nhỏ bé. Hôm nay hôm nay. Đã quên đường về”. Đã tròn 9 năm (2001-2010) bàn chân ông không còn chung vui hội hè với cái nơi chốn mà trước đó hàng ba mươi, bốn mươi năm ông cũng đã tiên liệu “trong hội trần gian ôi bao ngày yêu dấu cũng không còn. Trong cuộc bể dâu ôi trăm ngày phố xá cũng trôi theo”.
Bàn chân nhỏ bé
Trong căn phòng nhỏ ở Hội Âm nhạc TP.HCM, ông nói như than cùng nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu: “Mình biết cả cái chân ni hắn cũng vô thường, nhưng trước khi tan rã thiệt, hắn hành mình đau quá không chịu nổi”.

Bàn chân ấy vốn rất nhạy cảm, dễ đau trước đường trần, “người đi chùng chân đã bao lần”, đã từng cảm giác “mệt quá đôi chân này tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi” và trong những ngày trước khi rời cõi tạm, nó đã... đau thiệt.

Cơn đau hành hạ ông cả trong ngày kỷ niệm sinh nhật cuối cùng hơn một tháng trước khi ông ra đi. Nó lan tỏa, làm đau đến cả những người bạn thân của ông: “Khuôn mặt và nụ cười của Sơn rạng rỡ và ấm áp giữa những người thân, bạn bè. Thỉnh thoảng Sơn nhăn nhó vì đau ở chân. Mỗi lần như thế, tôi rùng mình theo Sơn, theo cái chân của Người hát rong mà tôi thú thật không biết phải làm gì. Đơn giản vì tôi không phải là thượng đế...” (Sâm Thương).
Trước cơn đau của ông, người ta đã phải nhắc đến thượng đế như một lời oán trách, một niềm bất mãn, một bày tỏ bất công, đủ hiểu “người ta” đã thương yêu ông như thế nào.
Đừng tin tôi nhé
Vì sao ông được thương yêu như thế? Được trở thành người của mọi người như thế?
Nếu Trịnh Công Sơn còn ở lại với chúng ta, ắt hẳn nghe câu hỏi đó ông lảng tránh từ xa, tìm chỗ ngồi riêng tư trong bóng tối nhỏ nhoi nào đó. Nhưng chúng ta nên và cần thiết đi tìm câu giải đáp. Không phải cho ông mà là cho chúng ta, những người đang sống, khi bao lâu trần gian này mỗi ngày vẫn còn cảnh “bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm” dị hợm.
Dư luận và mọi người vẫn dễ dàng nhất trí với nhau rằng tài năng âm nhạc của ông, hay nói cách khác, là sự cống hiến của ông trong âm nhạc đủ khiến xã hội quý trọng, thương yêu ông lâu bền. Đó là điều hiển nhiên, song là sự hiển nhiên thời nào cũng có. Sự hiển nhiên dành cho một tài năng. Nhưng Trịnh Công Sơn đã bước qua cánh cửa tài năng - theo nghĩa thực tế là giữa thiên tài và nhân tài - để đứng vào một vị trí tót vời hơn nhưng vốn rất gần với mọi người mà vì nhiều lý do điên khùng vọng động, chúng ta chẳng chịu... đứng vào đó nên phải chịu cách xa ông.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly
người phụ nữ tương tri nhất của ông. Ảnh tư liệu
Đó là..., tôi phải mượn ngay lời của người phụ nữ tương tri nhất của ông để tạm thời lý giải: “Bởi vì ở ông Trịnh Công Sơn, điều vĩ đại nhất, vĩ đại hơn cả những tác phẩm của ông là nhân cách, nhân phẩm của ông. Ông là người duy nhất đã sống trong cuộc đời này với một tấm lòng không thù hận” (Khánh Ly).
Không hẳn ai trong chúng ta cũng “thấy” ông vĩ đại về tác phẩm hay về nhân cách, nhân phẩm, nhưng điều đáng ghi nhận nhất về Trịnh Công Sơn phải chăng là ở chỗ ông chọn tác phẩm (âm nhạc) để chuyển tải, rao truyền những giá trị về nhân cách, nhân phẩm, về tấm lòng không thù hận và trong khi làm thế ông cũng tự biết rằng hơn ai hết, chính ông, với tư cách là tác giả, người rao sứ điệp, phải mang trong mình một tâm hồn thuần khiết đứng cao trên giá trị (tiết tấu, ca từ, văn bản) một ca khúc, dù có lúc ông cũng đã tự “khiêu khích” mình về điều đó: “Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”; “Đừng tin tôi nhé vì lời nói. Đừng yêu tôi nhé vì tiếng cười”.
Sự hợp nhất
Trong cõi sống này đây, ít có một hiện tượng kỳ lạ như trường hợp của Trịnh Công Sơn, ấy là đã có một sự hợp nhất tròn trịa ngay từ thuở ban sơ giữa ý nguyện và sự thực hành của một con người khi chớm lọt thân vào đời. Ắt hẳn từ nỗi ám ảnh mang tính chất siêu hình (từ kiếp nào?) mà với ông, khi oe oe ra đời đã là một kiểu “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”, dù kinh điển có gọi đó là “phúc âm” (tin mừng) thì ông cũng thêm vào: “phúc âm buồn” - một lối chơi chữ tài tình một cách nghiêm trọng.
Trước phúc âm buồn, buộc lòng ông phải vin lấy một cái gì đó để đỡ nâng cho sự hiện tồn mỏng manh của mình, và cái đó không phải là thần thánh nào, con người nào mà vốn là cái bình thường được cấu thành bởi âm thanh và tiếng nói do con người sáng tạo ra từ hàng nghìn năm nay, mệnh danh là bài hát, là ca khúc.
Ông “hợp nhất” với nó từ đó. Sự hợp nhất trải dài ngót 63 năm. Kể từ lúc mang nặng kiếp người ông đã thấy “số phận” của các ca khúc rồi sẽ song hành sinh tử với mình. Ông nói về điều đó rất sớm như một khế ước tiên thiên: “Ca khúc là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành.
Trên mảnh đất nhỏ nhắn này tôi tìm thấy tự do và tôi nghĩ rằng ở đây, tôi có thể bày tỏ được với người khác về những niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống”. Để rồi từ đó ông luôn ước mơ và cật lực thực hiện cho cái ước mơ “một ngày nào đó trên hành tinh này tiếng hát sẽ được trả về với vẻ đẹp thuần khiết của nó. Đó là tiếng hát bay qua các lục địa, các đại dương, mang trong lòng nó tình yêu và tình nhân ái”.
Ai dâng hiến trọn vẹn mình với cái gì sẽ được đáp trọn cái ấy. Vì thế, có cảm tưởng hơi cực đoan rằng không phải tài năng mà chính tấm lòng, chính sự hợp nhất giữa tác giả và bài hát đã khiến âm nhạc của Trịnh Công Sơn cất cánh. (Cất cánh có khi chưa phải là nhạc hay). Chính các học giả nhiều lần thảng thốt cất tiếng rằng không phải ông viết mà là một cái gì viết ra qua ông, điều đó trong ngôn ngữ đạo học gọi là sự mặc khải.
Điều đó cũng có thể lý giải e đây là một sự hạnh nguyện sâu xa ngân lên cùng lúc với phút giây ông cất tiếng chào đời, nên mới có một vị sư đã nói vui về ông: “Lúc ấy, trong tiếng khóc nghe ra đã có giai điệu trầm thống của những bài hát mang chất kinh kệ sau này”.
Mà quả thật, ngay từ những ca khúc đầu tay cho đến những bài cuối đời, từ tình ca cho đến nhạc phản chiến của ông, bàng bạc trong hầu hết là tính tự sự nặng trĩu không chỉ trong ca từ mà cả trong giai điệu, gần như trở thành một dạng kinh kệ đều đều dễ hát, dễ thuộc, dễ lan tỏa, thẩm thấu vào tâm thức nhiều người, nhiều giới...
Nhà thơ
Bài viết "Trịnh Công Sơn - Người của mọi người" 
đã in trong tập "Đoàn Vị Thượng - Thơ". Ảnh: N.TÝ
Nhà văn Nguyễn Tuân khi nói đến ca khúc Trịnh Công Sơn chỉ dùng có một từ: “Thơ!”. Chỉ với một từ ấy thôi ông đã đẩy ngót một trăm nhà thơ hay nhất của thế kỷ (được Hội Nhà văn Việt Nam tuyển chọn 2008) lâm vào cảnh bối rối và buộc chúng ta phải bình tâm rà xét lại cái gọi là thơ mà lâu nay chúng ta vẫn tự hào mình là tác giả của chúng.
Nói một cách khác, ca khúc của Trịnh Công Sơn đã giúp ta có cái hạnh phúc là biết thưởng thức thế nào là thơ thực sự. Nó giúp tìm thấy lại giá trị cao quý của thể loại này mà lâu nay đã bị tầm thường hóa đi rất nhiều. Nhưng tôi tưởng cũng nên nói thêm một chút về chữ “thơ” mà cụ Nguyễn Tuân dùng.
Như cụ đã có lần phân tích, trong ý niệm của cụ, “thơ” có dính líu đến tuổi thơ, đến sự thơ ngây và niềm thơ mộng. Và khi nói đến chất thơ trong nhạc Trịnh, hẳn cụ cũng đã nhận ra trong đó sự trong sáng, vẻ thuần khiết, niềm mộng mơ qua những ca từ, ý tưởng và giai điệu.
Và trong tinh thần đó, tôi buộc phải thêm một ý lý giải - phải chăng đông đảo người ta tìm đến nhạc Trịnh thì cũng là vì họ muốn tìm về bản chất thuần phác cổ sơ dễ vui dễ buồn dễ xúc động mộng mơ của tuổi thơ mình vốn đã bị phai nhạt từ lâu trong cõi sống đua chen của người lớn mà Trịnh Công Sơn là người ở một mức độ nào đó còn neo giữ được và cũng thể hiện được.
Rất nhiều người trong chúng ta từ lâu đã đánh mất nụ cười chân thiện của mình rồi. Như chính ông cũng từng đã nhận thấy và hằng cảnh báo: “Một ngày tiếng nói âu lo ra đời, nụ cười vội cất cánh bay. Một đời với những chen đua lâu dài, người người còn tiếp nối người”.
Người người còn tiếp nối người như là một dòng cộng sinh, nhưng là những sinh mệnh riêng rẽ, và là những phàm nhân không có “của cải” gì cứu chuộc mình. Chúng ta “nghèo nàn” quá. Trịnh Công Sơn chẳng đã từng dặn: “Người hãy nhớ mang theo hành trang qua khung trời vắng chân mây địa đàng” sao?.
Tác giả bài viết - nhà thơ Đoàn Vị Thượng 
đã qua đời ngày 16-2-2021. Ảnh: LÊ VĂN DUY
Còn Trịnh Công Sơn, ông đã rời “cõi tạm” 9 năm, nhưng đã có vô số “sinh mệnh” ca khúc tiếp nối đời sống xương thịt của mình sau cuộc hóa thân kia. Và nói như nhà văn Nguyễn Quang Sáng: “Lúc sinh thời, Sơn vắng mặt chỗ này chỗ kia, nhưng khi Sơn ra đi, Sơn có mặt khắp mọi nơi”.
Vậy thì rõ ông là người của mọi người, người của mọi thời rồi!.
1/4/2022
Đoàn Vị Thượng
Theo https://plo.vn/

"Một cõi đi về" qua lăng kính Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm

"Một cõi đi về" qua lăng kính Thiền Quán
Như Không Thích Nhuận Tâm

LTS: Nhân kỷ niệm 21 năm ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm (1-4-2001 - 1-4-2022), PLO xin trích đăng bài viết 'Một cõi đi về' của Thiền Quán Như Không Thích Nhuận Tâm, trụ trì Chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM).

Trong buổi sinh hoạt dã ngoại văn nghệ của sinh viên Chùa Lá (Gò Vấp, TP.HCM), một học viên thể hiện bài hát Một cõi đi về của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhận được nhiều tràng vỗ tay tán thưởng kéo dài.
Sau đó có một học viên đứng dậy hỏi: Bạn hát rất hay, nhưng có hiểu được nội dung bài hát này mang ý nghĩa gì không? Tất cả 500 học viên đều ngơ ngác, quay nhìn lại hỏi tôi: Sư phụ biết không? Phân tích cho chúng con nghe.
Đây là một điều khá nan giải. Nhạc Trịnh mang một màu sắc, thể điệu vô cùng lạ, ca từ mênh mang trừu tượng, ý tưởng siêu nhiên khúc chiết, ẩn ngữ mà phiêu bồng làm sao giải thích. Nhưng nghĩ trường phái hội họa siêu thực vẫn chứa một nội dung hiện thực sâu sắc ẩn tàng trong tác phẩm, nên tôi mạo muội đem ra phân tích cho các em học viên hiểu thêm một ít về tác phẩm “Một cõi đi về“.
Chân dung Như Không 
Thích Nhuận Tâm. Ảnh: NVCC
Nơi nào diễn đạt không trọn nghĩa hoặc sai lầm, mong cố nhạc sĩ và mọi người niệm tình lượng thứ. Nhân dịp ngày mất của cố nhạc sĩ để thay nén nhang tưởng nhớ.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng quy y Phật
Đầu tiên ta tìm hiểu sơ qua hoàn cảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi tuổi thơ nỗi buồn mất cha thường hay lên chùa tụng kinh cầu siêu và quy y pháp danh Nguyên Thọ, nghĩa là thọ nhận từ suối nguồn phật pháp, cùng học nghi lễ âm nhạc phật giáo qua âm điệu tán tụng với hai vị kinh sư nổi tiếng thời bấy giờ đó là Hòa thượng chùa Hiếu Quang và chùa Phổ Quang. Từ đó tâm hồn thơ ngây của nhạc sĩ mang âm hưởng cung điệu thiền ca của Phật giáo.
Trong bài viết năm 2001 trên tờ Nguyệt san Giác Ngộ, Trịnh Công Sơn đã nói trực tiếp: “Tôi là một Phật tử ở trong một gia đình có tôn giáo chính là Phật giáo. Từ những ngày còn trẻ, tôi đã học kinh và thuộc kinh Phật”.
Vậy chúng ta minh chứng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một phật tử thuần túy mang nhiều ảnh hưởng tư tưởng phật giáo như diễn đạt hình ảnh Mẹ Quan Âm.
“Tìm trong vô thường có đôi dòng kinh, sấm bay rền vang.
Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn.
Tôi mời em về đêm gội mưa trong.
Em ngồi bốn bề thơm ngát hương trầm” (Đóa hoa vô thường).
Kiến thức có ba giai đoạn: Bước đầu bị bội thực, thứ hai được tiêu hóa, thứ ba đến giai đoạn tiêu dung biến thành cơ nhiệt, thành hơi thở sức sống chất liệu riêng mình. Nhạc sĩ Trịnh nghiên cứu kinh điển phật giáo hòa với triết học di sản văn hóa đông tây kim cổ đã được tiêu dung mất dấu ngữ ngôn sách vở, biến thành dưỡng chất nhạc ngữ; khác biệt âm ba trong trái tim đủ đầy thiền ca, thành một bản kinh đặt trên nền tảng luân hồi, hóa thân vào âm nhạc một triết lý sống lung linh với những ca từ huyền nhiệm, đưa con người từ khổ đau đến cõi an vui.
Ta xét sơ qua đề tài “Một cõi đi về” là một cõi để ta đi về đến nơi, hay một cõi để ta Đi và Về? “Vậy, Một cõi không phải một nơi chốn, một tỉnh thành, một nước, một địa chỉ cụ thể… một cõi ở đây gọi như: cõi trời, cõi tiên, cõi phật, cõi người ta… và một cảnh giới chỉ cho tâm linh.
Chúng ta đặt lại vấn đề thời gian tác giả viết: “Bao nhiêu năm rồi…?” là một năm, hai năm hay hàng tỉ tỉ năm đến vô lượng kiếp năm chỉ thời gian đã đi qua. Vậy đến đâu, để làm gì, mà lộ trình cứ mãi ra đi?
Theo thuyết luân hồi của Phật giáo sau khi chúng ta chết đầu thai trong sáu đường đó là: Thiên, nhơn, atula, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vì còn trôi lăn trong lục dục chi phối bởi nghiệp dĩ lôi kéo bị đày đọa đớn đau thân phận phải chịu nhiều mệt mỏi.
Tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cao 2,4m 
bên bờ biển Quy Nhơn. Ảnh: TTXVN
“Ôi! cát bụi mệt nhoài, tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi” (Cát bụi). Cuộc đời là một hành trình ném đủ đầy dâu bể cứ lặn hụp giữa dòng nhục vinh còn mất, loay hoay vòng kiếp phù sinh.
“Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”. Người ta thường ví người nào khổ đau, trách nhiệm nhiều là gánh nặng trên hai vai. “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt”.
Đến đây chúng ta thấy nhạc sĩ thâm hiểu triết lý Phật giáo một cách sâu sắc có hai ý: Ý nói trên đôi vai gánh hai vầng nhật nguyệt là chỉ cho sự chi phối âm và dương, ngày và đêm, khổ đau và hạnh phúc tròn và khuyết của vần xoay nhân duyên tan hợp.
Tuy đôi vai gánh nặng nhưng mặt trời và mặt trăng tỏa cho ta ánh sáng, tính năng của mặt trời là nóng, tính năng của mặt trăng là lạnh, ý nói đời người luôn chịu đựng hai thái cực nóng và lạnh, phiền và nã, nhưng triết lý phật giáo, phiền não tức bồ đề, theo chữ hán thì bộ nhật và bộ nguyệt kết lại thành chữ ”minh “, chữ minh nghĩa là sáng bên trong, là trí tuệ bừng nở tỉnh thức tâm hồn, mới có ánh sáng.
Đi về cội nguồn thế giới tự tâm
“Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Vậy đi về đâu cần trí tuệ soi đường? Phải chăng chỉ rõ đi về cội nguồn thế giới tự tâm. Khi tâm được trí tuệ soi sáng, thì nghe ra tất cả muôn loại vạn vật đều có sự sống, có ngôn ngữ riêng, lắng nghe sâu sắc âm thanh lạ thường của núi thở, non nước hòa âm ngôn ngữ trăng sao cùng cỏ cây reo hát.
“Lời nào của cây, lời nào cỏ lạ”. Khi hòa nhập với vạn thể, vạn hữu ta đắm mình say sưa, không vướng bận buộc ràng bởi việc thịnh suy nhân thế, nên một chiều ngồi say, thấy một ngày thanh thản trôi qua.
“Một chiều ngồi say, một đời thật nhẹ ngày qua”. Khi nhìn ra sự vận hành tự nhiên bốn mùa của vũ trụ, dịch chuyển tuần tự thay nhau màu sắc đất trời, ta không còn lo âu sợ hãi, an nhiên để nhìn.
“Vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ”. Chân ngựa từ xa chạy về, trong thuật ngữ Phật giáo thường ví tâm con người lăng xăng vọng tưởng như con vượn chạy nhảy lung tung suốt ngày như con ngựa, gọi là: “Tâm viên ý mã”, từ xa đang chạy về nơi cội nguồn giác ngộ.
Nhiều hoạt động kỷ niệm 21 năm ngày mất 
nhạc sĩ Trịnh Công Sơn diễn ra trong hôm nay (1-4)
“Một ngày đầu thu nghe chân ngựa về chốn xa”. Con người tỉnh thức sống trong chánh niệm, phúc báo đủ đầy tự nhiên có sự bảo hộ của đất trời. Trong Phật giáo thường tụng (tùy xứ kiết tường vân) kiết tường vân là mây lành thường che chở an ổn cuộc sống: “Mây che trên đầu”, chúng ta đặt lại vấn đề, mây che trên đầu rồi mà còn nắng trên vai?
Đoạn đầu nhạc sĩ dùng nhạc ảnh diễn tả trên đôi vai hai vầng nhật nguyệt, bây giờ lại nắng trên vai, tại sao hai lãnh cực đối nhau như thế? Khi chúng ta gặp điều gì phập phồng sợ hãi đôi vai bị ớn lạnh làm cơ thể tiêu mất nhiệt năng, ý nói từ vô lượng kiếp đến nay sống hoang mang kiếp nhược, nay buông xả lo âu, lòng thanh tịnh thắp năng lượng tràn đầy thì nắng về sưởi ấm bờ vai: “Mây che trên đầu và nắng trên vai”. 
Nắng về đậu cho lòng an tịnh mở ra muôn trùng cuộc lữ, cho đôi chân chánh niệm bước vững chãi đến phương trời tỉnh giác, vượt qua những khúc quanh dâu bể thịnh suy, bỏ lại sau lưng con sông mê muội trầm luân.
“Đôi chân ta đi, sông còn ở lại”. Đôi chân khi đến bên kia bờ giác thảnh thơi, chuyển hóa vô minh, mở lòng bi nguyện rộng lớn, yêu thương phát từ con tim không điều kiện, không đối đãi, như con tim yêu thương của mẹ không cần đáp lại.
Nguyên bản tác giả viết “con tinh” người miền Trung nói chung, thường hay mắng yêu những đứa nhỏ gái ngỗ nghịch, phá phách thường gọi là “con yêu tinh” gọi tắt là con tinh. Tại sao tác giả gọi con tinh? Trong con người có hình ảnh thiện và ác: Ác là tham lam thường nóng nảy đố kỵ ganh ghét, khi chúng ta chuyển hóa trở về bản chất yêu thương, bao dung tha thứ, hỷ xả vô phân biệt nên gọi là vô tình chợt gọi để bùng vỡ trong tâm thức hiện cái bóng của con người. Mới thấy dấu của cái bóng chứ chưa phải hình thật, vậy bóng của ai hiện trong ta? Chính cái bóng của bản thể cội nguồn khuôn mặt xưa nay, là Phật tính, là bản lai diện mục.
“Lại thấy trong ta hiện bóng con người”. Đến đây mở cho ta nhìn thấy bóng dáng nửa chặng đường của “Một cõi đi về” bùng vỡ khai nguyên suối nguồn nội tại được cơn mưa pháp tưới tẩm dưỡng nuôi kết mùa hoa trái.
Kinh Pháp Hoa trong phẩm (thí dụ) lời thuyết pháp như cơn mưa, như nắng hạn lâu ngày, nay cơn mưa tưới tẩm cho vạn vật cây cỏ hồi sinh nên gọi là “mưa pháp”, khi hành giả trên lộ trình tỉnh giác, ngồi đâu cũng nghe được tiếng pháp, từ tiếng hót của chim, lời reo ca trong gió, sự biến đổi vô thường dâu bể… cũng đều “thuyết pháp “tức là mưa pháp. Tại sao ngồi nghe mưa nơi này còn lại nhớ mưa xa, mưa ở đâu mà nhớ?
Theo quan niệm vũ trụ quan Phật giáo, có hằng hà sa số thế giới, có những thế giới chư Phật đang thuyết pháp, tâm niệm hành giả luôn nhớ nghĩ đến mười phương cõi, từ nơi này nhớ đến tận chốn xa. Nếu nhạc sĩ dùng tiếng mưa đổ, mưa xối xả, thì có lẽ bão bùng lụt lội thiên tai là phá sản tâm hồn, chỉ dùng một động từ nhẹ.
“Mưa bay trong ta bay từng hạt nhỏ”. Hạt nhỏ ở đây hành giả diễn đạt nghĩa lý sâu xa. Miếng đất tâm (tâm địa) bị khô hạn từ vô lượng kiếp đến nay, chỉ có cơn mưa nhỏ, không đủ sức dập tan phiền não cho cây tuệ giác ngời soi để nhìn ra cội nguồn hội ngộ.
Hội ngộ cái gì, ở đâu, để làm chi, có ích không? Một câu hỏi trọng đại kiếp người, không đơn thuần như sự hội ngộ bạn bè, anh em, gia đình… Đây là cuộc hội ngộ vỡ bùng đại mộng tử sinh, đường đời thăm thẳm vô biên, bão giông nghẽn lối, não phiền ngăn che, nên: “Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ”. Bị vô minh che khuất dày đặc chưa hội ngộ bến bờ miên viễn, thì cuộc lữ dạt trôi trăm suối ngàn sông, mịt mờ dặm bước nghiêng mông mênh chiều, khơi đèn soi bóng tịch liêu, đường xưa mù mịt hắt hiu quê nhà.
“Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”. Hành giả muốn nói ”quê nhà“ ở đây là bản thể tự tính chân như, giống như ý tưởng của nhà thơ Bùi Giáng: “Hỏi rằng: quê ở nơi đâu? Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà". Bị mê muội não phiền che lấp từ vô thủy đến nay lên xuống sáu đường, lang thang tam giới mịt mờ cố quận, đành phải chạy loanh quanh, một vòng của kiếp người một đời thêm tiều tụy.
“Đường chạy vòng quanh một vòng tiều tụy”. Đời là biển khổ đầy mồ hôi và nước mắt. Khi sinh ra và lớn lên bon chen trong đời sống, nếm đủ đầy nhục-vinh, được-thua, còn-mất, tranh giành phú quý công danh, khi xuôi tay nhắm mắt. Trăm năm có nghĩa gì đâu? Hai bàn tay trắng về đâu bến bờ? mới biết cơn đại mộng luôn bám víu theo ta, từ thời tuổi còn thơ "bờ cỏ non” đến khi kết thúc cuộc đời.
“Một bờ cỏ non một bờ mộng mị ngày xưa”. Đời người ngủ thì mơ thức thì mộng, không nhìn ra chân lý sống, khi hoàng hôn tắt bóng xế chiều ngả xuống cô thôn, đời người cuối nẻo chân mây mới thảng thốt nghe ra: “Từng lời tà dương là lời mộ địa”. Lời tà dương là lời vô thường thúc giục, cấp bách, nhắc ta nhanh lên, thời gian không còn đợi chờ, từ đó ta mới ra sức nỗ lực tinh cần tìm cầu con đường thảnh thơi giác ngộ.
Lời mộ địa là lời cuối cùng một đời người, thành bại, nhục vinh rồi cũng chôn kín dưới đáy mộ cô quạnh. “Ngoảnh nhìn lại cuộc đời như giấc mộng. Được mất bại thành bỗng chốc hóa hư không”. Giấc mộng do vọng tưởng sinh ra hư ảo mê muội, giờ đây định tỉnh truy nguyên ra chân tướng của vạn vật mới nghe ra.
“Từng lời bể sông nghe ra từ độ suối khe”. Nước trào dâng trăm sông ngàn biển, dài đến vô tận rộng đến vô cùng, mênh mông không ngằn mé, có những dòng đục và trong, lẫn lộn hương vị mặn và ngọt, phát xuất từ suối khe là suối nguồn chân tâm thật tướng, bản thể của muôn loài, như mặt đất sinh ra vạn vật, cỏ cây.
“Trong khi ta về lại nhớ ta đi”. Có phải đây là một cảnh giới tác giả phác hoạ lên bức tranh tuyệt mỹ, đi và về đều ung dung xuyên suốt. Trong 10 bức tranh thiền chăn trâu (Thập mục ngưu đồ), từ khi tìm trâu đến khi chứng đạo trở về cội nguồn. Ta lại phát nguyện ngược lại độ sinh trong ba cõi, sáu đường, thõng tay vào chợ. Nơi nào khổ đau ta ban vui, chốn nào trầm luân thả thuyền từ cứu vớt, nơi nào vô minh trao đuốc tuệ soi đường.     
“Đi lên non cao đi về biển rộng”. Đi cùng khắp chứng kiến nhiều cảnh bi thương thống khổ đọa đày, kiếp nhân sinh nổi trôi trăm bờ vạn bến, bão tố thiên tai dịch bệnh chiến tranh quái ác, chưa một lần thứ tha.
“Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng”. Đôi tay nhân gian là đôi tay trong phạm trù đối đãi, sinh và diệt, sống-chết, tối-sáng, tăng-giảm được-thua, còn-mất… luôn thay nhau hành hạ dày vò chi phối kiếp nhân sinh chưa giây phút buông tha độ lượng, nên hắt hiu cho thân phận đời người.
Như Không Thích Nhuận Tâm, Trụ trì chùa Lá, 
phát gạo và nhu yếu phẩm cho những người có 
hoàn cảnh khó khăn trong giai đoạn 
đại dịch bùng phát. Ảnh:
“Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì”. Ngọn gió hoang vu là ngọn gió vô thường có sức tàn phá từ nội tâm bản chất đến hiện tượng bên ngoài, từ rực rỡ đến điêu tàn.
Nhưng vô thường ẩn tàng chơn thường, ta biết tận dụng tuổi xuân thì, tuổi có sức bậc mãnh liệt, một nhựa sống tràn đầy, để chuyển hoá ngọn gió vô thường từ xấu đến tốt, từ khổ đau đến an vui, từ trầm luân đến bờ giải thoát như kinh Bát Nhã bất sinh, bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm, thị cố không trung…
Một cõi đi về, một trang kinh được lồng chuyển bằng năng lượng nhạc ngữ hòa âm thể điệu trái tim bồng bềnh sương khói, lan tỏa sâu trong tiềm thức, quyện với gió núi mây ngàn, cho vạn hữu hồi sinh, khai thông nhập vào bản thể không sinh không diệt, nhiếp dẫn cội nguồn Một cõi Đi và Về vô biên tự tại.
1/4/2022
Nhuận Tâm
Theo https://plo.vn/

Thanh niên với tổ quốcXXXX

Thanh niên với tổ quốc

Kẻ thanh niên tân học nước ta muốn giúp ích cho tổ quốc phải làm thế nào?
Hiện nay ở nước ta, nhất ban dân chúng đối với kẻ thanh niên tân học đương có một lời trách bị. Kẻ thanh niên tân học khi nghe được lời trách bị ấy, hình như cũng làm thinh mà thừa nhận đi. Đại khái họ vì cực chẳng đã mà thừa nhận, chớ chẳng phải vui lòng; họ muốn tránh cho khỏi lời trách bị ấy lắm chớ, có điều chẳng biết cách nào tránh khỏi, thôi thì phải thừa nhận.
Lời trách bị như vầy: Các ông thanh niên đi du học về, lãnh những bằng cấp nọ, bằng cấp kia, học đến bực cao như thế, mà chẳng thấy làm ra được cái gì gọi là giúp ích cho ai, cho xã hội cho đồng bào!
Kẻ thanh niên tân học nghe lời ấy rồi tự nghĩ lại mình thì quả thật như vậy. Một người học ở bổn quốc độ 20 tuổi, sức học đã khá rồi, bắt đầu xuất dương sang Pháp. Ở đất Pháp mau thì đôi ba năm, lâu thì sáu bảy năm, nếu là người thông minh có chí, ít nữa cũng lấy được vài ba cái bằng cấp vừa cử nhân vừa tấn sĩ rồi về. Về rồi, kẻ thì làm việc nhà nước, kẻ thì làm việc tư, lương mỗi tháng từ hai trăm đồng cho đến bốn trăm năm mươi đồng chẳng hạn. Trong khi đó, cưới vợ giàu sắm xe hơi, anh học sanh ngày xưa thì hôm nay đã nhảy lên cái địa vị sang trọng danh tiếng. Kể về dương danh hiển thân, như thế cũng đã được lắm. Song le, nói về sự đối với xã hội, đồng bào, tổ quốc, thì làm như vậy đó, có thể gọi được rằng giúp ích gì đâu?
Trong đám thanh niên tân học hoặc giả cũng có người nghĩ như vầy: Ủa hay! Hồi mình đi học, cha mẹ mình cho tiền, còn mình thì ra công thức khuya dậy sớm, ngày nay là ngày trồng cây đã có trái, thì mình và cha mẹ mình hái mà ăn, chớ lại có giúp ai? Tổ quốc, đồng bào hồi đó có thí cho thằng này đồng nào đâu mà bây giờ hòng kể lể?
Người nào nghĩ như vậy thì thôi, chúng ta cũng đừng nói tới họ nữa. Nhưng, không phải là không có người nghĩ khác.
Mục đích của sự học có phải là để hiển thân dương danh, vinh thế ấm tử mà thôi chăng? Hẳn không phải thế. Sanh ra làm người trong xã hội, ai cũng có một phần trách nhiệm đối với xã hội hết, mà những người có học thức cao chừng nào, lại càng có trách nhiệm nặng chừng ấy. Xã hội đương ở vào lúc thua sút tổ quốc đương ở vào lúc khó khăn, nhất ban dân chúng ở trong đó thấy không biết làm thế nào, thì cái lòng trông cậy ở hạng học thức lại càng nhiều. Trông cậy nhiều mà chẳng thấy được gì thì họ phải thất vọng; thất vọng thì hẳn có những lời trách bị theo sau.
Vị thanh niên nào đã nghĩ như tôi mới vừa nói thì cũng đã thừa nhận những lời trách. Có kẻ đã phàn nàn riêng về phần mình trong khi đàm đạo với chúng bạn:"Tôi nghĩ mà xấu hổ quá, hồi bước chân ra đi, định học về rồi làm thế nọ thế kia, té ra bây giờ cũng"một ngày hai buổi" như người ta!"
Biết thừa nhận lời trách và biết trách mình như vậy, con người ấy, ta phải nhìn nhận là người có lòng với tổ quốc đồng bào lắm. Thế thì ta thử nói với họ rằng: "Ông đã biết vậy, sao ông không làm gì đi?"- coi thử họ nói ra sao.
Tôi đã nghe người ta nói nhiều lần rồi. Người thì đổ cho thời thế khó khăn; người thì bực mình không có địa vị, không có quyền hành động; người khác nói mình có trí tài mà không có tiền; người khác nói nữa trình độ quốc dân ta còn thấp kém quá, hoá một vài tay học thức cũng chẳng đủ làm gì. Còn nữa, nhưng hẵng kể bốn cái thuyết đó thôi, bốn cái cũng đều có lý hết.
Tuy vậy chúng ta nên rủ nhau trở lại ban đầu, hỏi thử hai chữ "giúp ích" trong lời trách bị trên kia là muốn chỉ về điều gì, thế nào là giúp ích? Có phải người ta mong cho các ông đi du học về một cái, tức thì rinh cái nước Việt Nam này mà để lên một cái địa vị sang trọng chăng? Có phải họ mong mấy người đậu tấn sĩ luật về thì hãy thay đổi những cái luật pháp cũ đi chăng? Có phải họ mong mấy ông kỹ sư về thì lập ra rất nhiều xưởng máy để chế tạo quốc hoá chăng? - Có lẽ dân chúng không mong những điều đó. Không phải là họ không thích mà không mong; có điều họ biết chắc là mong như vậy không được, nên họ mong thế khác, họ nói "giúp ích" là nói cách khác.
Ai nấy đều biết rằng các nước phương Đông ta từ hồi gặp người phương Tây đến giờ thì tâm sự gì cũng thua kém họ hết. Lần lần lại hiểu thêm rằng người phương Tây sở dĩ họ hơn ta như thế là tại cái học của họ hơn ta. Duy có biết vậy mới rủ nhau qua Tây mà học; bằng không thì sự du học chẳng đã thành ra vô nghĩa?
Nguời Nhật Bổn và người Trung Hoa lại còn du học trước ta nữa. Cũng một ý ấy, họ biết cái học của Tây là hay, nên mới lặn lội đi tìm cho được để mang về xứ sở mình. Thì quả nhiên họ đã làm đạt đến mục đích rồi: bao nhiêu du học sanh của Nhật và Tầu từ trước đến giờ đã đem cái học sở đắc ở bên Tây ra mà truyền bá cho người trong nước. Nước của họ đã bỏ cũ theo mới, và đã tấn bộ gần bằng các nước phương Tây, cũng là nhờ đó.
Phải, một nước mà tấn bộ được, là nhờ ở phần đông dân chúng. Mà lũ dân chúng ấy, họ có thể kéo nhau hết đi ngoại quốc để tìm lấy sự khôn ngoan đâu. Thế thì cái sự nhờ ở mấy người đi học về rồi truyền bá lại cho họ, là sự đương nhiên lắm.
Nói đến đây đã rõ nghĩa hai chữ "giúp ích" là thế nào rồi. À! Dân chúng Việt Nam không mong các ông thanh niên đổi pháp luật hay lập xưởng máy, nhưng họ chỉ mong các ông bày biểu cho họ biết pháp luật là gì, xưởng máy là gì đó thôi. Nói tóm lại đại ý như vầy. mỗi một vị thanh niên tân học hãy đem vài phần mười của cái mình đã lấy được ở ngoại quốc ra mà truyền bá cho dân chúng, để nâng cao cái tầng trí thức của họ lên, như thế gọi là giúp ích.
Nếu vậy thì thời thế có khó khăn mấy mà ngại chi? Ai có địa vị và có quyền, như nhũng người làm đốc học làm giáo sư, thì giúp ích được rồi; còn kẻ không có địa vị và quyền, há phải là không phương làm được? Tiền vẫn là vật cần nhưng trong việc truyền bá tư tưởng học thuật cho đồng bào, tưởng nó cũng chưa phải là vật cần nhất. Còn nói chi trình độ quốc dân thấp kém thì hẳn là thấp kém rồi ; chính vì sự thấp kém đó mà họ mới mong cấ ông giúp ích cho.
Nói rõ ra như vậy rồi cái cớ kẻ thanh niên tân học xứ ta không làm gì được, không giúp ích được cho đồng bào tổ quốc, không phải ở bốn cái thuyết cho rằng có trên kia, mà ở nơi khác.
Đã nhiều lần thấy người ta viết lên trên báo mà phân bì rồi. Họ phân bì thanh niên ta với thanh niên Nhật, thanh niên Tầu: Sao thanh niên hai nước ấy đi du học về có nhiều kẻ đã làm sách làm vở ra, lấy tư tưởng của mình mà day động cả xã hội, còn thanh niên của ta, sau khi du học đã thành tài, lại không làm được như thế?
Tôi biết tại sao rồi. Không phải tại thời thế và địa vị, không phải tại không tiền, nhưng tại chỗ khác. Cái chỗ ấy, trong khi đem thanh niên ta so sánh với thanh niên của Nhật của Tầu thì nó lòi ra. Đại phàm muốn thâu thái một cái văn hoá khác để bồi bổ cho cái văn hoá sẵn có của mình, thì một điều cần yếu trước hết là phải biết rõ cái văn hoá sẵn có ấy ra sao, phải ngấm ngầm trong cái văn hoá ấy, phải lấy chính mình dính dấp với nó mới được. Nói ví mà nghe, cũng như ta muốn sửa sang một cái nhà cũ, thì tất nhiên ta phải thấy rõ trong cái nhà ấy, chỗ nào nên để, chỗ nào nên thay. Người Nhật người Tầu họ hiểu cái lẽ đó, cho nên trước khi bọn thanh niên xuất dương, họ đã lấy giáo dục bổn quốc mà tạo cho mỗi người một cái tư cách đúng đắn rồi.
Nói riêng về nước Tầu: Ở trong nước, từ ấu học nhẫn lên cho tới đại học, đều dạy bằng chữ bổn quốc, từ trung học trở lên mới có dạy tiếng ngoại quốc, nhưng chỉ là phần phụ. Địa dư, sử ký, phong tục, chế độ của nước mình từ xưa đến nay ra sao, đại khái một trò cao đẳng tiểu học trở lên đều biết hết, và lên đến trung học, đại học lại còn phải biết nhiều hơn. Thường thường là một người đã tốt nghiệp đại học ở nước nhà mới xuất dương du học. Trong khi họ học được điều gì ở ngoại quốc, có thể đem mà so sánh với điều đã học ở bổn quốc mà thấy hơn thua lợi hại thế nào; chớ không phải là học tới đâu biết tới đó mà cho rằng đủ.
Bọn ấy, khi về nước rồi, làm gì thì làm, nhưng cốt nhất là họ không quên sự dịch sách và làm sách. Việc dịch thuật của họ là việc làm có ý thức, cho nên cũng thâu được nhiều hiệu quả rất lớn.
Nguyên người Tầu thuở xưa chỉ chịu kém người Tây về sự đóng tàu đúc súng, chớ còn về văn học triết học thì họ khinh đứt đi. Ấy là một sự lầm. Từ Nghiêm Phục dịch những sách triết lý của người Anh người Pháp ra, Lâm Thư (người này không du học, không biết chữ Tây, nhờ kẻ khác cắt nghĩa cho mà dịch) dịch những sách văn học ra, đến đó mới mở mắt thấy rõ sự tình trong thế giới và địa vị nước mình hơn hồi trước. Nội một cái thấy rõ được như vậy đã là quan hệ cho nước Tầu chẳng vừa, cho nên công trạng của hai người ấy cũng chẳng vừa.
Nước Tầu từ trước vẫn có triết học, song chưa có ai làm triết học sử. Không có triết học sử thì cái trí thức của quốc dân về đường ấy lộn xộn lắm, cũng là một sự thua người ta và bất lợi cho mình. Hồ Thích, sau khi đậu bác sĩ triết học ở ngoại quốc rồi, thông thạo những triết học của ông Descartes, ông Kant rồi về nước dạy khoa triết học, còn làm ra bộ Trung Quốc triết học sử đại cương. Từ đấy bên Tầu mới có triết học sử như bên Tây.
Ấy là kể những sự lớn lao mà nghe. Còn nói cho hết thì không biết thế nào cho hết được. Cho đến những người đi học khoa nuôi gà, về cũng làm sách dạy nuôi gà ; người đi học nuôi thỏ, về cũng làm sách dạy nuôi thỏ. Đại để mỗi một người du học sanh Tầu không lớn thì nhỏ, cũng có làm ra một việc chi ảnh hưởng đến đồng bào tổ quốc mình. Mà sở dĩ như vậy là nhờ ở cái giáo dục của nước họ, trước khi du học, đã làm cho họ dính dấp với đồng bào tổ quốc mình vậy.
Nước ta thì khác hẳn. Giáo dục của nước ta chưa hề cho thanh niên ta ngấm ngầm trong văn hoá cũ của xứ mình. Một người học sanh từ ấu học lên đến cao đẳng (chỉ trường cao đẳng Hà Nội) vẫn có đọc sử ký bổn quốc; địa dư bổn quốc; vẫn có làm bài luận bằng chữ quốc ngữ; nhưng đó là một môn chương trình ở lớp học mà thôi. Một ngưòi học sanh tốt nghiệp ở trường cao đẳng Hà Nội ra, đố ai dám bảo đó là một người Việt Nam đúng đắn; có đủ tri thức về văn hoá Việt Nam đúng đắn.
Không, không đâu. Ở dưới cái chế dộ giáo dục này, họ dầu muốn làm một người Việt Nam đúng đắn, muốn có đủ tri thức văn hoá Việt Nam đúng đắn, cũng không được nữa.
Cũng thì là danh nhân trong chánh giới, nhưng về ông Richelieu, tể tướng của vua Louis XIII ở hồi thế kỷ XVII thì một người học sanh Việt Nam biết rõ hơn ông Nguyễn Tri Phương hay ông Phan Thanh Giản là đại thần của vua Tự Đức ở thế kỷ XIX, về thời gian và không gian đều gần hơn. Cũng thì đường xe hoả, mà hỏi ở ga lớn Paris có tẽ ra mấy nhánh thì họ nói mau hơn là cũng một câu hỏi ấy mà hỏi về ga lớn Hà Nội.
Cho những người tốt nghiệp ở cao đẳng Hà Nội đó đi du học rồi về cũng còn chưa chắc giúp ích cho đồng bào được gì thay; huống hồ nữa là thứ trẻ con mười, mười hai tuổi, sang Pháp ở luôn đến ba chục tuổi rồi về, thì bảo còn thiết gì với cái xứ sở này mà mong họ?
Có nhiều kẻ lúc về đây rồi, cho đến cái tiếng An Nam cũng không muốn nói, là phải lắm, ta cũng chẳng nên phiền trách họ làm chi.
Thật quả là không được. Một người Việt Nam dầu du học hay chẳng du học cũng vậy, họ chữ Pháp giỏi mấy mặc lòng, mà nếu chẳng ngấm ngầm trong văn hoá Việt Nam, thì quyết là không làm gì cho xã hội này nhờ được hết. Người ấy nếu trời phó cho một cái lòng ái quốc, muốn cung cúc tận tuỵ với nước với nòi, là cũng chẳng biết làm cách nào cho có ảnh hưởng mảy may đến anh em chị em con nhà Hồng Lạc. Lẽ ấy sờ sờ ra; không còn hồ nghi gì nũa. Những người không biết gì về văn hoá bổn quốc hết mà học Pháp văn giỏi, thì họ có mặt trong xứ này cũng như một người ngoại quốc có mặt mà thôi, ta không khi nào mong người ngoại quốc ấy giúp ích cho ta, thì ta quê gì lại đi mong những người vốn là đồng bào với ta ấy ?
Thật, ai đã tự cắt đứt cái dây liên lạc với tiền nhân và đồng loại rồi thì khó lòng mà mong rằng một ngày kia sẽ lấy sự quan hệ. Thanh niên ta bây giờ hầu hết không coi được cái phó ý của nhà mình; thói tục trong họ trong làng nhất giai không biết tới, trở về tổ quốc mà lại như chim chích vào rừng, thì còn nói chuyện giúp ích gì cho ai!
Nghĩ như vậy rồi thì không nảy ra câu hỏi. Câu hỏi ấy tức là câu nêu lên làm cái phó đề trên kia :Kẻ thanh niên tân học nước ta, muốn giúp ích cho tổ quốc, nên làm thế nào?

Theo sự lý trong bài này, tôi tưởng, trước hết phải nhờ ở sự tu dưỡng riêng. Mục đích của sự tu dưỡng riêng này cốt ở nối lại cái dây liên lạc với tiền nhân và đồng bào... Ta tu dưỡng làm sao cho ta thành ra một người Việt Nam đúng đắn, nghĩa là ngấm ngầm trong văn hoá cũ Việt Nam, có đủ tri thức về văn hoá ấy. Ta tu dưỡng làm sao cho ta thành ra một người có quan hệ với dân chúng, đi đến làng nào trong nước cũng như đi buồng học hay là phòng thí nghiệm của ta, không có ngớ nghếch chút nào. Kẻ thanh niên tân học nên lưu tâm ở chỗ đó trước rồi sau mới nói chuyện đến giúp ích cho tổ quốc đồng bào được.
Một bài sau tôi sẽ nói thêm.
24/2/2003
Phan Khôi
Nguồn: Phụ Nữ tân văn, bộ 4, 
số 172, 13-10-1932, tr. 5
Theo http://www.talawas.org/

  Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn 4 Tháng Chín, 2023 Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang...