Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Ly kỳ những vị vua Việt bị mỹ nhân chối từ tình cảm

Ly kỳ những vị vua Việt 
bị mỹ nhân chối từ tình cảm 
Tiền bạc, quyền uy không hẳn lúc nào cũng giành được trái tim người đẹp. Một số bậc thiên tử vì bị mỹ nhân chối từ tình cảm đã phải rút lui trong thế bại.
Nắm uy quyền tối cao trong thiên hạ, có thể ban phúc giáng họa cho mọi người, những tưởng có thể muốn gì được nấy, thế nhưng có một số vị vua không có được người đẹp mà mình yêu thích vì bị từ chối bởi có những cô gái muốn làm một người bình thường của những người bình thường, có cuộc sống dân dã trong cuộc đời của người dân dã. Trong số những cô gái không màng đến vinh hoa phú quý, danh phận cao sang đó đã được dã sử, dân gian truyền lại, có 3 người con nổi danh nhất là Phạm Thị Toàn, Nguyễn Thị Hoa Nương và Nguyễn Thị Hạnh.
Người không muốn làm bậc “mẫu nghi thiên hạ”
Nếu như giàu sang, danh vọng, địa vị, quyền lực có sức hấp dẫn khiến không ít phụ nữ có nhan sắc sẵn sàng hy sinh, đánh đổi để đạt được thì có người lại coi tất cả những cái đó là phù phiếm, hư ảo.
Vào thời giặc Lương đô hộ nước ta, ở trang Vân Lộng xứ Đông (nay là làng An Ninh, xã An Bình, huyện Nam Sách, Hải Dương) có ông Phạm Lương là người có chí khí, vợ mất sớm, ông ở vậy nuôi người con gái tên là Phạm Thị Toàn lớn khôn và luôn nhắc nhở con về nỗi đau mất nước.
Năm Tân Dậu (541), khi nghe tin hào trưởng Lý Bí ở đất Thái Bình dựng cờ khởi nghĩa, lãnh đạo nhân dân nổi dậy đánh đuổi bọn đô hộ, cha con ông Phạm Lương liền bán tài sản, nhà cửa để mộ quân tham gia ứng nghĩa cùng với hào kiệt, tù trưởng, thủ lĩnh các địa phương.
Với sự tham gia đông đảo đó, thanh thế nghĩa quân rất lớn nên chỉ trong vòng 3 tháng đã khiến chính quyền đô hộ của giặc Lương tan vỡ khắp nơi, tên thứ sử Tiêu Tư khiếp sợ phải bỏ chạy về phương Bắc.
Vì có công lao, ông Phạm Lương được phong làm bộ chủ châu Hoan (nay là Nghệ An, Hà Tĩnh) nhưng chỉ được vài năm thì mất, thi hài được đưa về an táng tại quê nhà.
Còn Phạm Thị Toàn, trong các trận chiến đánh giặc, tuy là phận nữ nhi nhưng luôn dũng cảm xông pha tên đạn, không quản gian khổ hiểm nguy và trở thành một nữ tướng nổi danh được quân dân mến trọng còn kẻ thù nghe tiếng nàng đã kinh hãi.
Sau khi đất nước giành được quyền tự chủ không lâu, tháng 12 năm Nhâm Tuất (542), Phạm Thị Toàn lại tham gia phá giặc Lương nơi địa đầu biên giới lúc chúng cho quân tiến xuống xâm lược định tái lập ách đô hộ và đến tháng 4 năm Qúy Hợi (543) nàng theo lão tướng Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp ở phía Nam.
Khi đã ổn định được tình hình đất nước, tháng giêng năm Giáp Tý (544) Lý Bí lên ngôi tự xưng là Nam Việt Đế; ông chính là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nước ta (sử quen gọi là Lý Nam Đế) và lấy niên hiệu là Thiên Đức.
Với mong muốn đất nước vững bền lâu dài, trường tồn mãi mãi, Lý Nam Đế đặt quốc hiệu là Vạn Xuân “có ý mong xã tắc truyền đến muôn đời vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư), ông còn dựng triều nghi, đặt trăm quan, xây dựng thiết chế chính quyền có sự phân định cụ thể.
Về chuyện hôn nhân, nghĩ đến người con gái xinh đẹp, nết na, lại giỏi văn chương, côn quyền từng lập không ít công trạng, Lý Nam Đế liền cho người đón Phạm Thị Toàn vào cung định lập làm vương phi nhưng nàng một mực chối từ mà nói rằng:
“Vì sự nghiệp phục quốc mà phận gái liễu bồ nghĩ cũng phải góp phần gánh vác, đó là tâm nguyện lớn lao không mong gì hơn. Nay việc lớn đã thành, chỉ xin cho thiếp ở lại chốn quê hương chăm sóc phần mộ cha mẹ, vui với cảnh ruộng đồng, hàng ngày nghe câu kinh tiếng kệ!”.
Biết khó lay chuyển ý định của nàng, Lý Nam Đế không muốn làm chuyện gượng ép nên đã chấp thuận thỉnh nguyện của Phạm Thị Toàn; từ đó bà ở lại quê nhà lập chùa tịnh tu cho đến khi mất. Sau khi bà qua đời, người dân đã lập đền thờ tôn bà làm thành hoàng.
Năm Quý Mùi (1103) niên hiệu Long Phù thứ 3 đời vua Lý Nhân Tông đã ban sắc phong cho Phạm Thị Toàn là “công chúa ni cô”, tương truyền bà rất linh thiêng, từng hiển linh giúp cho quân tướng nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông.
Còn ngôi chùa do bà lập ra còn tồn tại cho đến tận ngày nay, chùa có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Vĩnh Khánh, chùa Trăm Gian, chùa An Ninh và là một danh tích nổi tiếng của xứ Đông.
Không muốn nhập cung, đành tự vẫn để chối từ
Ít ai biết rằng, Đinh Bộ Lĩnh người được suy tôn là Vạn Thắng vương trong các trận chiến đánh dẹp “loạn 12” sứ quân để thống nhất đất nước rồi lên ngôi, trở thành hoàng đế đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ lại không thể chinh phục trái tim của một cô gái nơi thôn dã.
Người phụ nữ từ chối tình cảm của Đinh Tiên hoàng đế có tên là Nguyễn Thị Hoa Nương, quê ở trang An Lạc, đất Quảng An thuộc Ái châu (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa).
Tương truyền rằng cha mẹ cô là ông Nguyễn Nhân và bà Hoàng thị, ăn ở hiền lành, tu nhân tích đức, ham làm việc thiện, họ lấy việc cấy cầy làm nghề nghiệp, cuộc sống tuy không đầy đủ nhưng rất an hòa, hạnh phúc, chỉ hiềm một nỗi mãi không sinh được mụn con nào.
Một hôm, vào giữa trời tháng 6 rất nóng nực, oi bức, bà Hoàng thị mới ra ngồi hóng mát trên một cái gò đất nhỏ trong làng có hình một con rùa, thường được gọi là gò Kim Quy; được một lát thì bỗng thấy trong người bàng hoàng, bụng đau ngâm ngẩm.
Từ đó bà có mang, đủ 9 tháng 10 ngày, đúng giờ Ngọ ngày 12 tháng 2 năm Canh Tuất (950) bà Hoàng thị sinh hạ một người con gái, bấy giờ hương thơm ngào ngạt lan tỏa khắp nhà, ai ai cũng cho đó là điềm lạ, phúc lành. Hai vợ chồng ông Nguyễn Nhân đều rất vui mừng, họ đặt tên con là Hoa Nương và nâng niu, chăm sóc cô bé chu đáo, cẩn thận.
Thời gian dần trôi qua, cô bé Hoa Nương ngày nào càng lớn càng trở nên xinh đẹp lạ thường, tóc dài đen nhánh, mắt phượng mày ngài, môi đỏ như son, miệng cười tươi như hoa chúm chím nở.
Dân làng ai cũng yêu quý nàng, nhớ đến chuyện lạ về mùi hương thơm khi Hoa Nương sinh ra, họ đồn rằng có lẽ cô là một nàng tiên nữ giáng xuống trần gian. Chuyện kể rằng vào năm Hoa Nương tròn 16 tuổi, một hôm vào giữa trưa nắng gắt, khi cô gái đang thả trâu ăn cỏ ở bãi ven sông thì bỗng đâu xuất hiện một người đàn ông mặc quan phục tiến đến nói rằng:
“Ta với nàng có nhân duyên tiền định, chẳng bao lâu sẽ được gặp nhau”. Nói xong thì người đó biến mất, Hoa Nương cho là điềm quái gở, lấy làm lo sợ bèn về kể lại cho cha mẹ biết rồi làm lễ cúng giải hạn.
Hai năm sau, khi bước vào tuổi 18, nhan sắc của Hoa Nương lại càng lộng lẫy, kiêu sa, biết bao chàng trai xa gần nghe tiếng đồn về cô gái xinh đẹp, tài giỏi đã tìm đến làm quen, xin cầu hôn nhưng nàng không nhận lời ai cả.
Vẻ đẹp của Hoa Nương còn đồn đến tận kinh đô Hoa Lư, vua Đinh Tiên Hoàng lúc đó dù đã lập 5 hoàng hậu là Đan Gia, Trinh Minh, Kiều Quốc, Cồ Quốc và Ca Ông, chưa kể các phi tần khác nhưng cũng muốn có thêm một mỹ nhân trong chốn hậu cung của mình.
Nhà vua cho người mang lễ vật đến tận trang An Lạc mời vợ chồng ông Nguyễn Nhân về triều, ngỏ ý muốn tuyển con gái họ vào làm vương phi. Được hoàng đế để mắt đến, khác nào nhận được vinh dự lớn lao, vợ chồng ông Nguyễn Nhân mừng rỡ trở lại quê nhà thuyết phục, rồi cố gò ép nhưng Hoa Nương nhất quyết từ chối.
Nàng nói rằng: “Con quen vui sống cảnh thôn quê, khó mà chịu được những gò bó, lễ nghi trong cung đình; sống như thế khác nào cảnh chim lồng, con nguyện ở vậy để chăm sóc, phụng dưỡng song thân cho đến tuổi trời, chứ không vì phú quý mà đem thân mình vào chốn nhung lụa lắm thị phi”.
Chẳng còn cách nào khác để con gái thay đổi chủ ý, cha mẹ Hoa Nương đành viết đơn gửi về triều xin nhận tội nhưng vua Đinh có lẽ hiểu được tâm sự của cô gái nên không nhắc đến chuyện đó nữa.
Còn Hoa Nương, sợ rằng vì mình mà cha mẹ bị vua trừng phạt nên đã tìm đến cái chết để kết thúc sự khúc mắc, khó xử khi ấy. Một đêm nàng ra sau nhà ngửa mặt than trời rồi tự vẫn; sáng hôm sau cha mẹ và hàng xóm đi tìm thì thấy Hoa Nương vẫn ngồi như lúc còn sống.
Mọi người ai cũng lấy làm xót thương, liền đưa thi hài cô gái hồng nhan mà mệnh bạc về táng trên gò đất Mộc Tinh ở làng. Đúng ba tháng sau, dân làng thường nghe văng vẳng tiếng Hoa Nương ca hát, vui cười trên không, biết là nàng hiển linh, mọi người mới bàn nhau lập miếu thờ phụng gọi là miếu bà Chúa tối linh.
Đến thời Lê Hoàn thay triều Đinh trị nước, một lần vua thân cầm quân đi đánh giặc quấy nhiễu biên cương phương Nam có qua miếu bà Chúa, bèn sắm hương hoa, làm lễ cầu khấn thần âm phù tế độ cho quan quân thắng trận.
Sau đó quân đi đến đâu, giặc tan vỡ đến đó, cho là được bà Chúa phù hộ, trên đường trở về Hoa Lư, vua Lê Hoàn đã cho lập đàn tạ lễ, lại ban tiền bạc để tu sửa miếu và sắc phong bà chúa Hoa Nương mỹ hiệu là:
“Hiển tế Anh linh Tiên thiên Thánh nữ Hiển ứng Thượng đẳng tối linh Công chúa”. Các triều đại sau này cũng cấp tiền và miễn tạp dịch cho dân làng An Lạc một vài năm để tu sửa miếu mạo và lo việc tế tự bà chúa.
Giả điên để không phải sánh duyên cùng chúa Nguyễn
Khi nhắc đến chính quyền của họ Nguyễn người ta thường nói tới “9 chúa, 13 vua”. Điều đó không sai nhưng chưa chính xác bởi thực ra họ Nguyễn có tới 10 đời chúa; tháng 9 năm Đinh Dậu (1777), vị chúa thứ 9 là Định Vương Nguyễn Phúc Thuần trong một trận đánh ác liệt với quân Tây Sơn đã bị bắt, sau đó bị giết.
Sự nghiệp phục dựng quyền bính của họ Nguyễn đặt hết lên vai Nguyễn Phúc Ánh, đây chính là người duy nhất trong lịch sử Việt Nam làm chúa rồi lại làm vua.
Sau một thời gian tổ chức lại lực lượng, tiến hành tái chiếm nhiều vùng đất và làm chủ cả vùng Gia Định, đến năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh chính thức lên ngôi chúa và xưng vương, dùng niên hiệu Cảnh Hưng của vua Lê trong các văn bản giấy tờ, cho đúc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” để sử dụng.
Trải nhiều năm tháng với các trận chiến ác liệt, đến tháng 5 năm Nhâm Tuất (1802) Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn rồi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long (1802-1819), lập ra triều Nguyễn.
Trong thời gian còn bôn ba tẩu quốc, lo việc khôi phục, Nguyễn Phúc Ánh nhiều lần phải lẩn tránh khắp vùng sông nước Cửu Long trước sự truy đuổi của quân Tây Sơn. Năm Đinh Mùi (1787), một lần ông về trú tại làng Tân Long xứ Sa Đéc nằm ở ngã ba sông tên gọi Hồi Oa Thủy (Nước Xoáy), thấy nhân dân thuần hậu mới đổi tên là làng Long Hưng (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp).
Tại đây, Nguyễn Phúc Ánh được sự giúp đỡ, phò trợ hết lòng của ông Nguyễn Văn Mậu, tự là Hậu, một bậc hào phú, giữ chức tri thâu (thu thuế), được tín nhiệm nên kiêm luôn chức Trùm cả trong làng Tân Long.
Gia đình ông Mậu đã mở cả kho lúa của mình làm lương thực, xuất tiền của để chu cấp cho quan binh chúa Nguyễn suốt mấy tháng ròng, lại còn còn vận động con cháu và trai tráng trong làng đến đầu quân. Cảm ơn cao nghĩa cử của Nguyễn Văn Mậu, chúa Nguyễn Phúc Ánh đã gọi ông là “Ông Bõ”, có nghĩa là cha nuôi, còn người dân trong vùng gọi thì gọi là “Ông Bõ Hậu”.
Ngoài giúp đỡ về hậu cần, ông Mậu còn có ý muốn đem con gái út của mình làm Tấn nhân (vợ lẽ) cho chúa nhưng cô gái không bằng lòng, đã nói với cha rằng: “Đành rằng Ngài không chê phận con thấp hèn, nhưng tính đến chuyện sánh đôi với Ngài, coi sao cho phải? Bấy lâu con vẫn có lòng thương mến Ngài như tình anh em mà thôi!”.
Từ đó cô gái có ý tránh mặt Nguyễn Phúc Ánh, rồi sau đó cô giả điên, thường lấy bùn đất, lấy lọ than bôi lên mặt, xõa tóc rũ rượi, làm những điều quái dị.
Chúa Nguyễn buồn đau, ngẩn ngơ thầm thương tiếc cho một đóa hoa đồng nội chẳng may lợt sắc phai hương, còn ông Mậu cũng không hiểu thâm ý, tưởng rằng con mình ưu tư đến mất trí, lòng cũng đau xót vô cùng. Không ngờ trước còn giả điên, sau cô gái phát cuồng thật, tâm trí rối loạn, quẫn trí mà thành bệnh rồi qua đời.
Không rõ cô gái đó tên là gì, nhưng có người nói rằng cô tên là Nguyễn Thị Hạnh, cái tên đẹp nhưng số phận lại hẩm hiu không mang đến hạnh phúc cho cô mà chỉ là sự bất hạnh. Dù không may mắn nhưng người con gái đó đã trở thành một tấm gương của sự tiết tháo, đoan chính với khát khao tự do hôn nhân, tự do yêu thương trước những khắt khe, gò bó của tư tưởng Nho giáo đương thời.
Sự giả điên và cái chết của cô con gái ông Bõ Hậu là một từ chối bi thương trước tình cảm của Nguyễn Phúc Ánh. Năm Nhâm Tuất (1802), sau khi lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Nguyễn, lấy hiệu là Gia Long. Nhớ đến công thuở trước của ông Nguyễn Văn Mậu, vua Gia Long có sắc chỉ mời ông ra Kinh đô nhận chức nhưng ông mượn cớ tuổi già sức yếu xin được miễn ra chầu.
Vua bèn gửi tặng cho ông một bộ phẩm phục, một bộ chén trà hiệu năm Giáp Tý (1804), một số tiền và sắc phong tước Đức hầu. Năm Kỷ Tị (1809), ông Mậu qua đời, vua Gia Long lệnh cho bộ Công cử người vào xây mộ cho ông và cho cả người con gái vắn số của ông.
Còn có một thuyết khác kể rằng, do không dám cãi lại lời cha nên chấp nhận chuyện “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, cô gái đành chịu lấy chúa Nguyễn, nhưng khi đoàn thuyền đi rước cô từ nhà ra chốn hành cung của Nguyễn Phúc Ánh ở bên sông Long Hồ; thuyền đi được nửa đường thì nhân khi đêm tối cô gái đã nhảy xuống dòng sông trầm mình mất tích!
Thuyết khác kể rằng có người thương cảm tâm sự của cô gái đã tổ chức cuộc “đánh tráo”, đem theo hòn đá lên thuyền, lúc đêm tối ném hòn đá xuống sông rồi báo rằng người con gái ấy vì từ chối cuộc hôn nhân đã chọn lấy cái chết. Cô gái đã có sự chọn lựa của riêng mình và hẳn người đời quên đi với sự bằng lòng, tha thứ, khoan dung tấm tình trong trắng của người con gái đất Tân Long.
Ni sư trốn khỏi kiệu vàng để không phải vào cung làm vợ vua
Trong số những câu chuyện, giai thoại về hoàng đế Lê Thánh Tông, có một chuyện vì quá yêu mến sắc đẹp và tài thơ văn của một người phụ nữ mà vua đã ép nàng vào cung làm phi, bất chấp việc người đó đã xuất gia tu hành.
Truyền rằng, một lần vua Lê Thánh Tông đi thăm trường Quốc Tử Giám, lúc ra về ghé thăm ngôi chùa có phong cảnh cực kì u nhã ở gần đó là chùa Ngọc Hồ (còn gọi là chùa Bà Ngô, nay nằm trên phố Nguyễn Khuyến, phường Văn Miếu quận Đống Đa, Hà Nội).
Vào tới sân chùa, vua nghe thấy có tiếng người tụng kinh, giọng trong trẻo diệu kì như vút lên tận từng mây, lại gần thì ngây ngất, sững sờ khi thấy ni cô đẹp như một tiên nữ giáng trần khiến cho tâm thần đức vua không khỏi xốn xang.
Ni cô quay lại, làm lễ, nhận thấy đôi mắt nhà vua nhìn mình đăm đắm, bèn lấy bút đề vào vách chùa hai câu thơ Nôm với nét chữ bay bướm: “Tới đây mến cảnh mến thầy/Tuy vui đạo Bụt, chưa khuây lòng trần!”.
Câu thơ nói đúng tâm trạng của vua lại càng làm Lê Thánh Tông xao xuyến, vua liền sai các quan hầu cận làm thơ vịnh để ghi nhớ buổi kì ngộ. Bài của Tao Đàn phó nguyên soái Thân Nhân Trung làm nhanh nhất và hay nhất viết rằng:
“Ngẫm sự trần duyên khéo cực cười/ Sắc không, tuy Bụt, ấy lòng người/Chày kình một tiếng tan niềm tục/Hồn bướm ba canh lẩn sự đời/Bể ái nghìn tầm mong tát cạn/Nguồn ân muôn trượng chửa khơi vơi/Nào nào cực lạc là đâu tá?/Cực lạc là đây chín rõ mười”.
Khi bài thơ đọc xong, ni cô liền phê rằng: “Hai câu thực và luận còn thiếu ý lại chưa thanh, nên sửa là: Gió thông đưa kệ tan niềm tục/Hồn bướm mơ tiên lẩn sự đời”. Vua Lê Thánh Tông thật sự cảm phục trước sự mẫn tuệ và cao khiết của ni cô, bèn một mực rước mời ni cô lên xa giá về cung để lập làm phi.
Biết khó có thể chối từ ngay được, ni cô đành thuận theo nhưng tìm cách thoát khỏi tình cảnh khó xử này. Không rõ bằng cách nào, khi xa giá vừa đến cửa Đại Hưng (khu vực Cửa Nam, Hà Nội ngày nay) thì trong xe không còn thấy bóng ni cô đâu nữa.
Vua Lê Thánh Tông ngạc nhiên tin chắc ni cô là một tiên nữ giáng trần. Lòng ngài ngơ ngẩn tiếc nuối mãi, rồi truyền lệnh cho xây lầu Vọng tiên ở ngay đó để kỷ niệm và cũng để ngóng trông, hi vọng có dịp tái ngộ với người con gái tài sắc ấy…
Đời sau, vào thời Tây Sơn có bài thơ chê cười Lê Thánh Tông về chuyện này như sau: “Phật đường săn gái chuyện làm càn/Đắc ý nhà vua chuyện những toan/Người ngọc nhà vàng thành mộng hão/Duyên may lại kém bác đồ gàn”. Trong sáng tác nghệ thuật dân gian cũng có một bức tranh mô tả về câu chuyện lạ kỳ đó.
Câu chuyện về những người con gái từ chối làm vợ vua đã cho thấy tiền bạc, quyền uy không phải lúc nào cũng có thể giành được trái tim của người phụ nữ bởi tình yêu chỉ có thể đến từ tình yêu chân chính và sự đồng cảm thì niềm hạnh phúc mới thực sự đong đầy.
BKT
Theo http://foxspirit.info/




9 ông vua si tình nhất trong lịch sử nhân loại

9 ông vua si tình nhất
trong lịch sử nhân loại 
Cho dù là những vị hoàng đế gánh trên vai trọng trách quốc gia, nhưng không ít ông vua luôn dành tình cảm của mình cho người mà họ yêu quý. Họ có thể có tam cung lục viện, được vây quanh bởi các mỹ nữ nhưng trái tim của họ chỉ dành cho một người mà thôi.
1/ Lý Công Uẩn (974 - 1028)
Chúng ta được biết đến Lý Công Uẩn như vị vua mở đầu triều Lý và dời đô về Thăng Long, mở ra một thời đại thịnh trị cho Đại Việt, thế nhưng, ít ai biết rằng ông cũng là một vị hoàng đế chung tình. Trước khi lên ngôi vua, ông lọt vào mắt xanh của nàng công chúa con gái vua Lê Đại Hành là Lê Thị Phất Ngân. Lý Công Uẩn trở thành hoàng đế nhưng vẫn rất mực sủng ái Phất Ngân. Ông phong bà làm Lập Giáo hoàng hậu (cùng ba vị hoàng hậu khác - truyền thống từ thời Đinh và Tiền Lê, các vị vua đều phong hoàng hậu cho các vợ của mình), con trai bà (dù ít tuổi hơn những người con khác của ông) vẫn được phong làm thái tử và sau này lên ngôi là Thái Tông Lý Phật Mã.
Những đồ dùng của bà từ y phục đến nghi trượng, kiệu xe đều hơn hẳn các hoàng hậu khác, tôn thất nhà Tiền Lê cũng nhờ sự sủng ái của Lý Thái Tổ đối với bà mà giữ được địa vị của mình.
2/ Hoàng Thái Cực (1592 - 1643)
Hoàng Thái Cực (Thanh Thái Tông) là vị vua sáng lập triều đại Đại Thanh ở Trung Quốc. Ông là một vị vua uy võ nhưng lại đưa ra nhiều chính sách hòa bình để hòa giải mâu thuẫn giữa người Mãn và người Hán, nhờ thế mà nền móng của triều Thanh được vững bền ở Trung Nguyên. Nhưng ông đồng thời cũng là một vị vua rất si tình. Lịch sử và thơ ca đều ghi dấu mối tình của ông và cô gái có tên Hải Lan Châu. Hải Lan Châu cũng còn là cháu gái của Hiếu Đoan Văn hoàng hậu Triết Triết và là chị gái của Hiếu Trang Văn Hoàng Hậu, vợ cả của Hoàng Thái Cực. Do tài sắc của mình, nên cô mau chóng được phong là Thần Phi. Mặc dù vào cung muộn nhất, nhưng Hải Lan Châu lại có địa vị cao nhất trong tứ phi và đứng thứ 2 trong hậu cung, chỉ sau hoàng hậu. Hải Lan Châu lâm bệnh mất sớm, Hoàng Thái Cực chấp nhận mang tiếng hôn quân, sẵn sàng bỏ lại chiến trường Ninh Viễn nóng bỏng cùng trăm ngàn binh mã để về nhìn Hải Lan Châu lần cuối, nhưng ông không về kịp. Về đến nơi thấy Hải Lan Châu đã trút hơi thở cuối cùng, ông hôn mê tại chỗ, các thái y dốc hết công sức cấp cứu suốt hai ngày mới cứu tỉnh.
3/ Thuận Trị (1638 - 1661)
Thuận Trị là vị vua kế vị Hoàng Thái Cực. Chuyện si tình của ông là minh chứng rõ ràng cho tình trạng “Con hơn cha”. Nếu Hoàng Thái Cực chỉ vì muốn nhìn mặt quý phi của mình trước khi qua đời thì Thuận Trị còn liêu xiêu một đời vì Đổng Ngạc Phi. Đổng Ngạc Phi được Thuận Trị hết mực yêu quý và sủng ái. Đổng Ngạc Phi mất sớm, Thuận Trị ngừng thiết triều trong 5 ngày để để tang cho bà, cả ngày lẫn đêm phải có người trông chừng ông, để phòng ông quá đau buồn mà tự sát. Không lâu sau khi Đổng Ngạc Hoàng quý phi lâm bệnh rồi mất, Thuận Trị Đế cũng quá đau buồn mà băng hà.
4/ Trụ Vương (1154 TCN - 1123 TCN)
Trụ Vương là vị vua kết thúc triều đại nhà Thương ở Trung Quốc và luôn bị lên án là hôn quân trong lịch sử. Ông say mê Đát Kỷ, vì nàng mà không màng cả triều đình. Đát Kỷ thường bị coi là hồ ly tinh biến hóa thành để mê hoặc Trụ Vương. Theo “Phong thần diễn nghĩa”, ngay khi nàng vào cung, Trụ Vương đã cho chém đầu bất cứ ai làm mếch lòng nàng, từ hoàng hậu, các hoàng tử, các cung phi đến các trọng thần trong triều đình. Khi các vương hầu nổi dậy đòi ông phải giết Đát Kỷ, Trụ Vương sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Đát Kỷ. Xét về phương diện triều chính, Trụ Vương quả là nỗi thất vọng lớn, nhưng xét về mặt si tình thì của ông thật đáng kinh ngạc. 
5/ Napoleon Bonapard (1769 - 1821)
Napoleon là vị hoàng đế nước Pháp mà quyền lực bao trùm cả châu Âu trong thế kỷ 19, nhưng ông còn nổi tiếng là một ông hoàng si tình. Trái tim của ông hướng về quý cô Rose Tascher de la Pagerie, một góa phụ đa tình, hay còn biết đến với cái tên thân mật là Josephine. Napoleon đã viết trong một bức thư gửi Josephine như sau: “Josephine, quyền lực lạ lùng của em đối với anh không thể so sánh được, đó là quyền lực gì vậy hả em?”.  Josephine bản tính trăng hoa nên thường xuyên ngoại tình trong khi Napoleon chinh chiến, ông biết nhưng vẫn bỏ qua và rất mực chiều chuộng bà, thậm chí còn phong cho bà là hoàng hậu. Về sau, khi buộc phải li dị Josephine vì bà không có khả năng sinh con và không giữ chừng mực trong các mối quan hệ với tình nhân, Napoleon vẫn bị ám ảnh về bà cho đến lúc chết. Trước khi mất, người ta ghi lại lời trăn trối của ông: “Pháp, quân đội, người chỉ huy quân đội, Josephine”. Ông vẫn luôn nhớ về Josephine cho dù bà ta không hề tới thăm ông khi ông bị lưu đày và vẫn trác táng trong các mối quan hệ trăng hoa.
6/ Ramesse The Great (1303 TCN - 1213 TCN)
Ramesse Đại Đế là một trong các vị vua vĩ đại nhất của Ai Cập cổ đại, người đã mở rộng lãnh thổ của Ai Cập với sức mạnh quân sự hùng hậu và là một trong các vị vua tổ chức xây dựng các công trình kiến trúc kỳ vĩ, trong đó đáng kể là bức tượng nhân sư nổi tiếng. Ramesse có rất nhiều vợ (giống như các vị vua Ai Cập khác) nhưng chỉ có một bà vợ duy nhất được ông xây lăng mộ là Nefetari. Khu lăng mộ của Nefetari là khu lăng mộ đỉnh cao của nghệ thuật hội họa và kiến trúc Ai Cập.  Ramesses cũng xây dựng một ngôi đền cho bà tại Abu Simbel bên cạnh tượng đài khổng lồ của chính ông ở đó, đây là một tiền lệ chưa từng có ở Ai Cập cổ đại. Theo truyền thuyết, bà không chỉ là một hoàng hậu có nhan sắc mà còn là một người có tri thức và rất giỏi ngoại giao, giúp đỡ cho Ramesse Đại Đế trong các công việc triều chính.
7/ Shah Jahan (1592 - 1666)
Shah Jahan là người xây lăng mộ Taj Mahal nổi tiếng, được xếp vào danh sách các kỳ quan của thế giới. Lăng mộ Taj Mahal này là để dành cho người vợ yêu quý của Shah Jahan, hoàng hậu  Mumtaz Mahal. Tới thăm Agra năm 1663, nhà du lịch người Pháp François Bernier đã viết: “Tôi sẽ kết thúc bức thư này với những dòng miêu tả về hai lăng mộ tuyệt vời và chúng chính là sự vượt trội đáng kể nhất của Agra trước Delhi. Một lăng được Jehan-guyre [sic] xây lên để vinh danh người cha Ekbar; và Chah-Jehan đã xây lăng kia để tưởng nhớ vợ mình Tage Mehale, một phụ nữ đẹp và nổi tiếng khác thường, người được chồng yêu thương rất mực tới mức có ghi chép rằng trong suốt cuộc đời và khi bà chết đức vua đã luôn ở bên và hầu như đã muốn theo bà vào trong mộ”.
8/ Ngô Phù Sai (? - 473 TCN)
Ngô Phù Sai là vị vua kiêu hùng và thiện chiến vào cuối thời Xuân Thu. Ông nổi tiếng với mối si tình dành cho nàng Tây Thi. Tây Thi là gián điệp của nước Việt được dâng lên cho Phù Sai theo mỹ nhân kế của Phạm Lãi. Lúc này, nước Việt bị thôn tính, Câu Tiễn (vua nước Việt) bị bắt làm con tin. Mặc dù biết thân phận của Tây Thi nhưng Phù Sai vẫn rất sủng ái nàng, vì nàng mà nhiều lần tha chết cho Câu Tiễn cùng Phạm Lãi. Cũng chính vì quá sủng ái Tây Thi mà Phù Sai không quan tâm đến triều chính, đến nỗi thua trận và sụp đổ cả nước Ngô.
9/ Đường Minh Hoàng (712-756)
Đường Minh Hoàng là vị vua nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Cuộc đời ông say đắm hai người phụ nữ là Võ Huệ Phi và Dương quý phi. Sau khi Võ Huệ Phi mất thì Dương quý phi Dương Ngọc Hoàn xuất hiện với thân phận là… con dâu của ông. Đường Minh Hoàng quá say mê nàng nên đã sắp xếp đủ mưu kế để tách nàng khỏi chồng nàng, đưa nàng đi tu rồi cho vào cung để dạy âm nhạc cho cung phi, sau đó mau chóng được phong chức quý phi. Đường Minh Hoàng xây cung điện riêng cho nàng rất tráng lệ, thường cùng nàng hẹn ước và nguyện sống bên nhau đời đời kiếp kiếp. Những cung phi trong tam cung lục viện đều được Đường Minh Hoàng cho xuất cung còn Dương quý phi giữ vị trí độc sủng. Sau khi Dương quý phi bị quan lại nhà Đường bức tử trong đình Mã Ngôi, Đường Minh Hoàng vẫn luôn nhớ tới nàng cho đến khi ông qua đời trong cô độc. Mối tình của Đường Minh Hoàng và Dương quý phi và chủ đề chính cho nhiều tác phẩm Trung Quốc và Việt Nam, trong đó có bài thơ “Trường Hận ca” của Bạch Cư Dị:
“Trên trời nguyện làm chim kết cánh
Dưới đất nguyện làm cây liền cành
Trời đất vô cùng có lúc hết
Hận tình dằng dặc khó nguôi quên” 
Cáo Hà Thành
Theo http://foxspirit.info/





Người đàn bà bí mật của vua Lê Thánh Tông

 Người đàn bà bí mật 
của vua Lê Thánh Tông
Vua Lê Thánh Tông nổi tiếng anh minh, sáng suốt, ngay đến cả người tài là khuê nữ cũng được ông trọng dụng trong việc hệ trọng. Thế nên dư luận xưa mới đồn rằng, Kim Hoa học sĩ Ngô Chi Lan là người đàn bà bí mật của Vua Lê Thánh Tông.
Yêu hiền tài hay yêu tình?
Vua Lê Thánh Tông sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất 1442, mất ngày 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ 1497. Ông vốn là vị Hoàng đế thứ năm của nhà Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1460 đến 1497. Ông tên thật là Lê Tư Thành, còn có tên khác là Lê Hạo. Ông nổi tiếng là vị minh quân, là người đã đưa Đại Việt lên tới thời hoàng kim của chế độ phong kiến. Sử sách chép rằng, vua Thánh Tông là một ông vua thông minh, có hiếu với cha mẹ… Ông trị vì được 38 năm, sửa sang được nhiều việc chính trị, mở mang sự học hành, chỉnh đốn các việc vũ bị, đánh dẹp nước Chiêm, nước Lào, mở thêm bờ cõi…
Trong lúc trị vì, Lê Thánh Tông đã để lại tiếng thơm về sự anh minh của mình như đã đề xuất nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và pháp luật. Ngoài ra, ông đã mở mang bờ cõi Đại Việt bằng cách đánh chiếm kinh đô của vương quốc Chiêm Thành (năm 1471), sáp nhập một phần lãnh thổ Chiêm Thành vào Đại Việt; đồng thời có cuộc hành quân về phía Tây đất nước (năm 1479). Thụy hiệu do người kế vị ông, Lê Hiến Tông truy tôn là Sùng thiên Quảng vận Cao minh Quang chính Chí đức Đại công Thánh văn Thần vũ Đạt hiếu Thuần hoàng đế.
Lên nắm triều chính, Lê Thánh Tông nhanh chóng chấm dứt tình trạng chia rẽ của triều đình. Ông làm việc không biết mệt mỏi, làm gương cho các quan lại. Lê Thánh Tông khẩn trương tổ chức củng cố và xây dựng nền hành chính Đại Việt mạnh mẽ, táo bạo. Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trường đại học đầu tiên của xã hội phong kiến Việt Nam, trên một tấm bia đá có ghi một danh sĩ nổi tiếng thời nhà Lê, đó là Thân Nhân Trung, người quê Việt Yên, Bắc Giang.
Ông có sớ dâng vua chiêu nạp hiền tài và cho rằng hiền tài là nguyên khí quốc gia. Sự kiện này được khắc trên bia đá dựng thời Lê Thánh Tông. Điều này nói lên rằng, ông là người rất trọng dụng nhân tài và thực tế dưới thời trị vì của ông, những người tài thường được trọng dụng và đã cùng ông đoàn kết xây dựng một Đại Việt trong yên vui, ngoài yên ổn, dân chúng rất mến mộ vị Hoàng đế của mình.
Lê Thánh Tông bắt đầu cho phép tôn vinh việc học bằng các cuộc lễ xướng danh (lễ đọc tên người thi đậu), lễ vinh quy bái tổ (lễ đón rước người thi đậu về làng) và nhất là lệ khắc tên và lý lịch tiến sĩ vào bia đá Văn Miếu (bắt đầu từ 1442). Vì thế khuyến kích mọi tầng lớp cư dân đua nhau học hành để tên tuổi được ghi vào bảng vàng, để gia môn được vinh dự và để làng quê được vinh hiển. Với sự yêu mến nhân tài đó, vua Lê Thánh Tông đã tin dùng cả những người đàn bà có tài vào việc hệ trọng của đất nước cũng như việc của hoàng gia, nhưng chính vì tin dùng cả hiền tài là phái nữ nên mới xảy ra việc nhiều người cho rằng ông trọng dụng cả nữ tài danh là do vì tình chứ không phải vì mến tài thực của họ?
Người đàn bà bí mật của vị vua anh minh
Người con gái được vua Lê Thánh Tông ưu ái tên đầy đủ là Ngô Chi Lan, bà còn có tên là Nguyễn Hạ Huệ, tự là Quỳnh Hương, là người làng Phù Lỗ, huyện Kim Hoa, trấn Kinh Bắc (nay là huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Sử sách chép, bà Ngô Chi Lan rất đẹp, lại giỏi thi ca, từ khúc. Bà là vợ của Đông các Đại học sĩ Phù Thúc Hoành, là cháu gái ruột của Thứ phi Ngô Thị Ngọc Dao.
Khi Thái tử Tư Thành, con trai của bà Ngọc Dao lên ngôi vua, bắt đầu triều đại Lê Thánh Tông (1460 -1497), thì Ngô Chi Lan thường vào cung bái kiến cô mình. Cũng như nhiều cung cấm các triều, vua Lê Thánh Tông cho tuyển những trí thức phụ nữ vào cung làm chức học sĩ để dạy dỗ các cung nữ. Thế là bà Ngô Chi Lan được tuyển chọn, thậm chí nhà vua còn cho hầu nghiên bút và dự nhiều cuộc xướng họa thơ văn. Theo sử sách, bà không những được Thái hậu Ngọc Dao vô cùng yêu chiều, mà vua Lê Thánh Tông cũng rất đỗi mến mộ.
Tương truyền, có lần nhà vua đi dạo, dừng chân thưởng ngoạn tại Thanh Dương Môn, chợt thấy làn mây biếc là đà trên mái điện bèn sai quan thị họ Nguyễn làm từ vịnh cảnh. Khi từ khúc “Uyên ương” dâng lên, nhà vua không vừa ý và truyền ngay nữ học sĩ họ Ngô làm bài khác. Ngô Chi Lan vâng mệnh, thảo luôn một chương, trong đó có hai câu kết rất đắc vị: “Điện ngọc ngói mời mây biếc phủ /Cẩm Giang sóng lụa sắc hồng dâng”. Nghe xong, nhà vua lấy làm hài lòng, khen tài văn hay chữ tốt của bà và ban hiệu là Phù gia nữ học sĩ (họ của chồng bà).
Kể từ buổi đó, tên tuổi của Phù gia nữ học sĩ Ngô Chi Lan ngày càng vang dội khắp kinh kỳ. Nhiều tao nhân mặc khách vô cùng kính nể, nhưng cũng không ít kẻ tiểu nhân ganh ghét, đố kỵ. Và có lẽ vì thế, bà bỗng… vướng phải thị phi. Người ta đồn rằng, một ông vua trẻ có tâm hồn thi sĩ Lê Thánh Tông gần gũi với người đẹp tài hoa Ngô Chi Lan - có lẽ không ít lần cái nghĩa vua tôi đã xảy ra trong “màn loan giường ngự”. Cụ thể, dân gian đã loan truyền một câu thơ rất kín đáo, mà cũng rất sỗ sàng: “Quân vương muốn được khuây buồn nản/ Hãy gọi Kim Hoa học sĩ vào”. Điều này nghĩa là khi vua thấy thiếu thốn thế nào, thì phải gọi bà học sĩ vào trò chuyện…
Không dừng ở đó, dư luận còn có câu “ác” hơn: “Lầu rồng, thơ cạn, tiệc tàn/ Năm canh bảnh mắt còn khan giấc nồng”. Năm canh là suốt đêm; bảnh mắt là gần sáng thì mở mắt ra, nhưng vẫn “khan giấc nồng” - còn muốn ôm nhau ngủ nữa. Vậy, nữ học sĩ Ngô Chi Lan có phải là người đàn bà bí mật của Vua Lê Thánh Tông hay không? Nhiều sử gia thời đó cho rằng, những vần thơ vô danh bội nhọ trên thực chất là có ý châm chọc và xuyên tạc về phẩm hạnh của Phù gia nữ học sĩ.
Tiến sĩ Thái Thuận, phó súy Tao đàn Nhị thập bát tú và là tác giả của tập thơ Lữ Đường, đã lên tiếng khuyên giải bà: “Nào phải một mình phu nhân mới bị khốn vì ngòi bút trào lộng của những kẻ ác mà các bậc trinh liệt xưa nay đã thường bị những lời thơ khinh bạc trây bẩn, song nước Ngân Hà dễ gì khuấy cho nhơ, nên nữ học sĩ cũng chẳng cần bận tâm làm gì”.
Được người đời tôn thờ
Tuy nhiên, những tin đồn đó đã làm cho nữ sĩ Chi Lan vô cùng buồn rầu. Có lúc, bà đã mượn giấc mộng để thổ lộ tâm tư tình cảm của mình với mọi người trong nội cung: “Bấy nay tôi chầu hầu Thuận đế, thi phụng tôn vương. Nghĩa cả là vua tôi, song vẫn còn tình thâm đồng tộc, lại vốn Ngô gia phép tắc; Phù gia trọng đạo”. Thế mà lẽ nào trong giới thi văn lại có hạng đơn bạc, đặt giọng quàng xiên, tệ hại cho đành? Bách khoa toàn thư mở viết: Theo “Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa” của Nguyễn Dữ, năm ngoài 40 tuổi, bà Ngô Chi Lan mất, táng ở cánh bãi Tây Nguyên. GS. Trịnh Vân Thanh ghi Phù gia nữ học sĩ mất năm 41 tuổi, còn Ngô Văn Học chép bà mất ở tuổi ngoài 50. Sử liệu lại ghi, Vua Lê Thánh Tông mất ở tuổi 55. Nếu bà sinh trước vị vua này và bài thơ “Điếu vua Lê Thánh Tông” cũng đúng là của bà, tức bà mất sau vua Lê, thì thông tin của Ngô Văn Học là phù hợp hơn cả.
Để tỏ lòng tiếc thương và ngưỡng mộ bà, nhân dân Phù Lỗ đã dựng đền thờ với tên đề Kim Hoa nữ học sĩ. Ngôi đền đó hiện nay được đặt ngay trên nền nhà ở ngày xưa của gia đình bà.
Thành Văn
Nguồn: báo Người đưa tin
Theo http://foxspirit.info/


Johann Sebastian Bach (1685 - 1750): Thiên tài âm nhạc

Johann Sebastian Bach (1685 - 1750) 
Thiên tài âm nhạc
Johann Sebastian Bach là nhà soạn nhạc người Đức, được hậu thế coi là một thiên tài âm nhạc lớn lao nhất trong thời đại Baroque. Giống như các loại nghệ thuật khác của thời đại này, âm nhạc Baroque nhấn mạnh vào dòng nhạc liên tục. Trong các sáng tác âm nhạc, J.S. Bach đã đưa các kỹ thuật âm nhạc như đối điểm (counterpoint) và tẩu khúc (fugue) lên các trình độ cao nhất. Đối điểm là cách trình diễn hai hay nhiều tiết điệu (melodies) đồng thời với nhau còn tẩu khúc là cách sáng tác trong đó các nhạc cụ khác nhau lặp lại cùng một tiết điệu với một chút biến  đổi (variations).
J.S. Bach là một nhạc sĩ kiêm nhạc trưởng, đã sáng tác hàng trăm bản nhạc gồm cả 300 hợp khúc thanh nhạc có tính tôn giáo và thế tục, được gọi tên là cantatas.
I/ Cuộc đời của J.S. Bach.
Bach chào đời vào ngày 21/3/1685 tại Eisenach, miền Thuringia nước Đức, là người con út của ông Johann Ambrosius Bach và bà Elizabeth Laemmerhirt. Vào năm 1695 do cả hai cha và mẹ qua đời, J.S. Bach đã sống với người anh cả tên là Johann Christoph Bach (1671- 1721), một nhạc sĩ chơi đàn organ tại Ordruf. Ông Christoph này là học trò của nhạc sĩ sáng tác đàn keyboard tên là Johann Pachelbel. Như vậy J.S. Bach bắt đầu đi tới trường vào năm 1692 hay 1693 và đã học các bài nhạc đầu tiên với người anh cả, được học cách sử dụng đàn clavichord, hapsichord và đàn vĩ cầm (violin).
Sự học của Bach khá tiến bộ, tới năm 1700 nhờ giọng ca hay, Bach được chọn vào ban hợp ca gồm các học sinh nghèo tại nhà thờ Michaels ở Luneburg. Khi bị vỡ tiếng, Bach tiếp tục sống tại Luneburg trong một thời gian, thường vào đọc sách tại thư viện của nhà trường, đây là nơi có bộ sưu tập loại âm nhạc tôn giáo rất đầy đủ và hiện đại. Có lẽ vào thời gian này Bach cũng được nghe Georg Boehm biểu diễn, ông này là nhạc sĩ đàn organ của nhà thờ Johannis. J.S. Bach cũng thăm viếng Hamburg để tham dự các buổi trình diễn của nhà soạn nhạc và nhạc sĩ đàn organ danh tiếng Johann Adam Reinken tại nhà thờ Katharinen, nghe ban nhạc hòa tấu người Pháp của Bá Tước Von Celle.
J.S. Bach trở về Thuringia có lẽ vào cuối mùa hè năm 1702. Nhờ các kinh nghiệm tại Luneburg, lúc này Bach đã là một nhạc sĩ đàn keyboard có hạng, thường hay biểu diễn nhạc tôn giáo. Ngoài ra, ông còn là nhạc sĩ giúp vui cho giai cấp thượng lưu và một nhà giáo dục âm nhạc. J.S. Bach không chủ trương sáng tác âm nhạc cho hậu thế, đã không cầu mong các tác phẩm của mình được các nhạc sĩ đời sau trình diễn.
Từ ngày 4/3/1703, Bach là một nhạc sĩ trong ban nhạc hòa tấu của ông Johann Ernst, Bá Tước miền Weimar rồi từ năm 1703 tới 1707, được chính thức bổ nhiệm làm nhạc sĩ xử dụng cây đàn organ mới của nhà thờ Arnstadt thuộc miền bắc xứ Thuringia. Vào năm 1707, J.S. Bach kết hôn với cô em họ Maria Barbara, họ có 7 người con nhưng bà Barbara qua đời vào năm 1720. Trong số các người con này, 4 người là các nhạc sĩ sáng tác danh tiếng.
Tại gia đình, J.S. Bach là một người cha tận tụy nhưng khi ra ngoài xã hội, ông lại là một người nóng tính khi gặp phải sự chống đối hay bất tài của các người khác. Tại các thị xã Anstadt và Mulhausen, Bach đã cãi nhau với các ông chủ rồi trở về miền Weimar vào năm 1708, làm việc trong triều đình Saxe-Weimar trong 9 năm với chức vụ nhạc sĩ đàn organ và nhạc sĩ thính phòng. Nhiệm vụ của J.S. Bach là sáng tác nhiều hợp khúc tôn giáo cantatas. Chính trong thời gian này đã xuất hiện các bản nhạc xuất sắc dùng cho đàn organ. Nhưng Bach đã có lần cãi cọ với Bá Tước nên rời triều đình này vào năm 1717. Từ 1717 tới 1723, Bach phục vụ Hoàng Tử Leopold của xứ Anhalt-Cothen với chức vụ giám đốc âm nhạc. Các công việc tại triều đình này rất đơn giản, không đòi hỏi nhiều nhạc tôn giáo vì vậy Bach có thể dành thời giờ sáng tác các bản nhạc thế tục dùng cho vài loại đàn phổ thông.
Vào năm 1721, J.S. Bach kết hôn với cô Anna Magdalena Wilcken, một ca sĩ chuyên nghiệp. Họ đã có thêm 13 người con. Trong số 20 người con của Bach, 9 người đã sống tới tuổi trưởng thành. Các người con này đã giúp cha trong việc chép hàng trăm bản nhạc cantatas dùng trong các buổi lễ tại nhà thờ, cũng như vô số bản nhạc khác dùng vào các dịp Lễ Giáng Sinh, Lễ Phục Sinh, các lễ hội hay vào việc giảng dạy âm nhạc tại các gia đình.
Tới năm 1723, Bach dọn nhà về Leipzig và sống tại nơi đây tới cuối cuộc đời. J.S. Bach là giám đốc của trường âm nhạc St. Thomas, một nơi đào tạo các nhạc sinh cho các nhà thờ của thành phố. Từ năm 1740, Bach bị bệnh mắt nên gần như bị lòa vào các năm cuối đời rồi qua đời vào ngày 28 tháng 1 năm 1750 vì bị xuất huyết não (stroke).
II/ Các công trình âm nhạc của J.S. Bach.
J. S. Bach là một nhạc sĩ đàn organ xuất sắc, một bậc thầy về sáng tác âm nhạc, một người đứng đầu về bộ môn đối điểm của thời đại đó và cũng là một nhà giáo dục âm nhạc có tài. J.S. Bach còn là một tín đồ đạo Lutheran thuần thành, có các cảm xúc tôn giáo biểu hiện qua các sáng tác âm nhạc. Giống như nhiều nhạc sĩ thời Baroque, niềm tin và việc làm của Bach đều mang tính cách tôn giáo bởi vì những người này cho rằng loại tôn giáo này đã che chở cho con người tránh khỏi bị các tư tưởng khoa học, tìm hiểu duy lý của thời kỳ Phục Hưng. Cũng vì Bach thường coi các tài năng của mình là do Thượng Đế ban cho, vì vậy ông ký tắt trên các sáng tác, ngay cả trên các bản nhạc thế tục, bằng 3 chữ INJ có nghĩa là “sáng danh Chúa Jesus” (In the Name of Jesus).
Các người đương thời thường ngợi khen J.S. Bach là một nhạc sĩ đàn organ có tài mà thường quên đi các sáng tác âm nhạc của Bach, những công trình này gồm 60 tập (volumes) nhưng chỉ có 9 hay 10 tập được xuất bản trong thời gian Bach còn sống bởi vì vào thời đại này, người ta cho rằng các bản nhạc của ông quá phức tạp, họ ưa thích loại nhạc phong đơn giản, sống động hơn. Tài năng sáng tác của Bach chỉ được xác nhận đầy đủ vào năm 1829 khi nhạc sĩ người Đức Felix Mendelssohn khám phá ra bản nhạc “Nỗi Khổ Cực của Thánh Matthew” (Passion According to St. Matthew).
J.S. Bach không quan tâm soạn ra lý thuyết âm nhạc cũng không thí nghiệm các thể loại mới mà chỉ dùng các hình thức âm nhạc đương thời, ngoại trừ thể nhạc kịch (opera) nhưng tài năng của Bach đã bao gồm một tầm rộng lớn, từ các đối điểm phức tạp nhất tới các hợp âm đơn giản. Bach cố gắng diễn tả cảm xúc của bản nhạc, cho rằng mục đích của âm nhạc là tạo nên một thứ ảnh hưởng tác dụng (affect). Thứ ảnh hưởng này thường được xác nhận ngay tại phần đầu của bản nhạc rồi tới phần thân bản nhạc trình bày các chi tiết. Đây là sự khác biệt với các bản giao hưởng (symphonies) của Beethoven trong đó bộc lộ rõ sự tương phản về nhạc phong (style) và các nội dung cảm xúc (emotional content) tại mỗi phần của nhạc phẩm. J.S. Bach đã dùng một loại tốc ký âm nhạc tại các hợp âm có bè trầm (the bass part) được chỉ định bằng các con số. Phương pháp này được gọi là bè trầm ghi số (figured bass hay basso continuo = bè trầm liên tục).
Trong các sáng tác, J.S. Bach cẩn thận duy trì dài lâu phong thái âm nhạc (the mood) để diễn tả đặc tính của bản nhạc, dài lâu hơn các nhạc sĩ thời sau, kể cả Beethoven. Bach thường hay trình bày lại một giai điệu bằng cách bắt chước (imitation), lặp lại giai điệu gốc bằng một giọng cao hơn hay trầm hơn, và Bach cũng dùng một nhịp không đổi. Các tác phẩm âm nhạc của Bach hàm chứa sắc thái âm nhạc quốc gia của thời đại, phần lớn là Pháp, Đức, Ý và Anh.
J.S. Bach tin tưởng rằng nhờ âm nhạc, ông có thể phục vụ nhà thờ, cộng đồng và chủ nhân, vì vậy các sáng tác của Bach không chỉ mang lại niềm vui cho người nghe mà còn có giá trị giáo huấn cho các nhạc sĩ trình diễn các bản nhạc đó. Vào thời đại của Bach, ban hợp ca thường nhỏ, gồm 12 người với ban nhạc hòa tấu cũng nhỏ, vì vậy Bach đã tập trung vào cách tạo nên một cảm giác tinh thần hơn là dùng tới tính cách lớn lao của ban nhạc như thời nay.
Các tác phẩm của J.S. Bach được xếp đặt theo chỉ số BWV (Bach-Werke-Verzeichnis) đặt ra do học giả Wolfgang Schmieder, căn cứ vào loại âm nhạc mà không theo thứ tự niên biểu. Nhưng cuộc đời của nhạc sĩ J.S. Bach lại được chia theo 5 giai đoạn. Mỗi giai đoạn lại có các đặc tính do nhiệm vụ của tác giả phải hoàn thành.
1/ Giai đoạn thứ nhất (1703 - 1708): gồm các sáng tác viết tại Arntadt và Mulhausen. Những tác phẩm này chưa theo một đường hướng nhất định mà chịu ảnh hưởng của nhà soạn nhạc Dietrich Buxtehude, một nhạc sĩ bậc thầy tại Lubeck. Hợp khúc cantata mang tên Gottes Zeit, với chủ đích của tác giả là để trình diễn tại các buổi lễ an táng, là một sáng tác mạnh, bộc lộ, của thời gian này.
2/ Giai đoạn thứ hai (1708 - 1717): gồm các sáng tác viết tại Weimar với nhiều hợp khúc cantata và các bản nhạc rực rỡ dùng cho đàn organ, đa số mang nhạc phong của miền Bắc Âu nhưng cũng có một số tác phẩm phản ánh tính trong sáng của loại nhạc Ý. Bản nhạc danh tiếng “Toccata và Tẩu Khúc Rê thứ” (Toccata and Fugue in D minor) được viết trong thời gian này.
3/ Giai đoạn thứ ba (1717 - 1723): gồm các sáng tác viết tại Anhalt-Cothen, đây là những bản nhạc dùng cho nhạc cụ, trình diễn độc tấu hay hòa tấu. J.S. Bach đã hoàn thành vào năm 1722 Tập I của Tác Phẩm “The Well-Tempered Clavier” (Bàn phím dùng thang âm đều theo đó một quãng tám được chia thành 12 bán âm (semitones) cách đều nhau).
Tập II được viết xong vào năm 1744, mỗi tập gồm 24 bản dạo khúc (preludes) và tẩu khúc (fugues) viết theo 12 âm giai trưởng và thứ. J.S. Bach còn phổ vào trong các sáng tác những bài thánh ca Lutheran, tập trung trong cuốn “Sách Nhỏ Đàn Organ” (The Little Organ Book). Sáu Concerto Brandenburg (six Brandenburg Concertos) viết vào năm 1721 được Bach đề tặng cho nhà cai trị của thành phố Brandenburg. Bach cũng viết 4 tổ khúc hợp tấu (4 orchestral suites) hay khai khúc (overtures), 6 sonatas dùng cho đàn vĩ cầm độc tấu (solo violin) và 6 tổ khúc (suites) dùng cho đàn hồ cầm độc tấu (solo cello). Ngoài ra còn có các “Tổ Khúc Pháp” (French Suites) dùng cho đàn hapsichord. Cách viết nhạc trong giai đoạn này cho thấy tác giả đang tăng dần việc dùng đối điểm (counterpoint) để thêm phần chất lượng và cấu trúc cho tác phẩm.
4/ Giai đoạn thứ tư (1723 - 1745): gồm các sáng tác viết tại thành phố Leipzig. Đây là các tác phẩm chính dành cho ban hợp ca và dàn nhạc hòa tấu (orchestra) nhưng cũng gồm các bộ bản nhạc độc tấu. Các hợp khúc cantata của Bach vào thời gian này mang tính quy củ hơn các sáng tác trước kia.
Ý tưởng của J.S. Bach muốn diễn tả một câu chuyện bi hài mà không dùng sân khấu hay các dàn cảnh, đã được thể hiện qua bản nhạc “Nỗi Khổ Cực của Thánh John” (The Passion According to St. John, 1723) và “Nỗi Khổ Cực của Thánh Matthew” (The Passion According to St. Matthew, 1729). Các sáng tác này là các chuyện kể, giống như hợp khúc “Coffee Cantata” (Thanh Nhạc Cà Phê) có nội dung khác biệt với các hợp khúc cantata tôn giáo. Loạt 6 cantatas viết vào năm 1734 có tên là “Christmas Oratorio” là các suy tư về Lễ Giáng Sinh hơn là một câu chuyện về Lễ Giáng Sinh. Trong các phân đoạn của các bản nhạc, J.S. Bach thường dùng tới các giai điệu (melodies) hay hợp âm (chords) để một tả một sự việc (event) như lúc gà gáy sáng, hay tình trạng được đưa lên thiên đường. Qua bản nhạc “Thánh Lễ theo cung Si thứ” (Mass in B minor), Bach đã dùng các hình thức giống như nhạc kịch (opera) vào mục đích tôn giáo, đã diễn tả ý tưởng toàn cầu của tinh thần Thiên Chúa giáo. Tập nhạc “Thực Hành Keyboard” (Keyboard Practice) là cách phối hợp cách luyện tập âm nhạc với việc thờ phượng. Tập nhạc này gồm có bản nhạc “Concerto theo nhạc phong Ý” (Concerto in the Italian style), nhạc phẩm danh tiếng “Aria với 30 Biến Khúc” (Aria with 30 Variations), còn được gọi là “Các Biến Khúc Goldberg” (Goldberg Variations) và 6 Partitas (biến đề) dùng cho đàn hapsichord.
J.S. Bach đã cho thấy khả năng đưa các loại sáng tác từ thuở ban đầu lên độ hoàn hảo cao hơn, chẳng hạn vào năm 1723, ông đã viết ra bản nhạc rực rỡ “Magnificat” rồi 15 năm sau là tác phẩm “Thánh Lễ cung Si thứ” rất danh tiếng. Tập II của bộ sách nhạc “The Well-Tempered Clavier” của Bach đã không trình bày một cách hệ thống các cung như trong tập I. Trong giai đoạn thứ tư này, Bach cũng viết các concertos dùng cho 1, 2, 3 hay 4 đàn hapsichords, với phần đệm của dàn nhạc.
5/ Giai đoạn thứ năm (1745 - 1750): gồm 5 năm cuối đời của Bach. Các sáng tác trong giai đoạn này thường dùng một giai điệu nhưng trình bày rõ ràng đường lối tổ chức với các tác phẩm chính là “Nghệ Thuật của Tẩu Khúc” (The Art of Fugue), “Các Biến Khúc Canonic viết cho bài đồng ca Von Himmel hoch” (Canonic Variations on the chorale Von Himmel hoch), “Dâng Cúng Âm Nhạc” (Musical Offering). Riêng trong tập nhạc “Nghệ Thuật của Tẩu Khúc”, chưa hoàn thành nhưng gồm 18 phần, xếp đặt theo độ khó tăng dần, với tất cả bản nhạc được viết căn cứ vào một dòng giai điệu.
Âm nhạc của J.S. Bach có nội dung chuyển chở các ảnh hưởng (affects) tới người nghe, giống như nhà hùng biện muốn làm thay đổi ý định, thành kiến của các thính giả. Như vậy một sáng tác âm nhạc là một loại hùng biện về cung điệu (an oration in tones). Nhà tiểu sử học đầu tiên viết về Bach vào năm 1802 là ông J.N. Forkel đã khen ngợi J.S. Bach không chỉ là một nhạc sĩ sáng tác có tài, mà còn là “một nhà thơ âm thanh và một nhà hùng biện âm nhạc lớn bậc nhất, xưa và nay chưa từng có”.      
Phạm Văn Tuấn
Nguồn: Vietsciences 
Theo http://foxspirit.info/ 



  Fukushima: Thảm họa vẫn còn tiếp diễn 4 Tháng Chín, 2023 Trích từ tiểu thuyết “Trò chuyện với thiên thần” của Trương Văn Dân Ba đang...