Thứ Bảy, 29 tháng 9, 2018

Bến sông vàng

Bến sông vàng
Hơn ba mươi năm tôi gặp lại bạn. Bạn bảo, nhớ hồi ấy một mình xuống cuối làng Hòa Hương, mình rất hạnh phúc là đã tận ngắm ráng chiều trùm lên bầu trời ánh chiếu màu đậm nhạt pha nền bến sông vàng tuyệt đẹp! 
Chẳng biết giờ còn không? Ừ, vẫn thế. Duy có điều đổi thay là chuyện muôn đời của bể dâu, làm sao ta cưỡng nổi. Hay tại ông hoài câu văn trác việt: Ráng chiều sa xuống cùng cánh cò đơn chiếc đều bay; làn nước sông thu, với bầu trời kéo dài một sắc của Vương Bột mà đau đáu dằn lòng mình thấm đẫm nỗi u hoài lâu đến vậy chăng? Hoặc ông nhớ Cảm thu của Đinh Hùng mà tưởng tiếc: “Từ hôm rời chân ở bến sông vàng, từ biệt con thuyền phiêu bạt, tôi đã hết nhớ dãy núi xanh phơn phớt đằng xa và bâng khuâng trở lại con đường quê thân mật”... 
Dường như bạn còn vương vít: Thật lạ, cái vàng chiều thuở ấy trôi theo với mình như từ vô thỉ; mỗi khi chợt bắt gặp cái màu như màu vàng trong tuyệt phẩm Mùa thu vàng Levitan nó không thôi làm mình xao xuyến bồi hồi. Nhưng đâu phải hết, mình còn thấy màu sắc vàng trong tổ khúc Bốn mùa của Vivaldi. Nghe không biết bao nhiêu lần rồi mà hễ khi tấu lên vẫn phát hiện đôi điều mới mẻ và thú vị. Dòng âm thanh róc rách như tiếng suối ngàn, rúc rích như đôi chim đùa vui trên cành đang kẻ dòng lộc biếc, ngân rung chồi tơ... Làn gió mơn man mang ấm tình nồng ong bướm vờn quanh những khóm hoa tươi cười chúm chím đong đưa dưới ngàn tia nắng sớm...
Mai bạn về rồi. Mình gửi chiếc CD để lúc buồn bạn mở ra hít thở một tí màu sắc thanh âm trong trẻo quên đi bao phiền muộn cuộc đời. Nhưng ông rất nhớ bến sông vàng Tam Kỳ kia mà? Không, Vivaldi nói hộ cho mình. Ông biết không, Vivaldi là người “họa sĩ” dùng âm thanh vẽ nên thiên nhiên đẹp chẳng kém gì Levitan đặc tả khung cảnh vàng thu nước Nga trong trứ tác của mình. Âm nhạc Vivaldi bất tử vì lẽ đã làm chức năng trao truyền “Trữ nguồn năng lượng sống”...
Đêm Huế chìm sâu. Tôi và bạn râm ran thâu đêm; mãi khi kịp nghe tiếng rao hàng vọng đầu ngõ phố mới biết ngày dần sáng. Như câu chuyện âm nhạc của Vivaldi chưa chịu lắng, nên bạn khẽ đẩy chiếc đĩa vào case và điều chỉnh âm lượng đầy lên một tí; tức thì nguồn âm thanh The four seasons reo lên. Chuỗi thanh âm tràn ngập căn nhà, luồn qua khe cửa lá sách, trèo qua ô thông gió, mơn tròn tay bạn, tay tôi, nhung mềm non tơ, trong trẻo tinh mơ, điệu hòa cuộc sống...
Tiễn tôi về, bạn dặn lòng câu hát: Mình về có nhớ ta chăng? Và rồi vào một chiều nào ấy tôi men về ngả đò Ba Bến để nghiệm ra lời bạn. Đúng là nơi đây có Bầu trời vàng, Chuỗi ngày vàng, Bến sông vàng hay muôn vàn Vàng nhớ thương... Tôi hỏi rồi tự trả lời với chính mình: “- Hạc vàng ai cưỡi đi đâu? - Hạc vàng đi mất từ xưa...” 
Mới vừa hôm qua, tôi gặp người bạn nữa. Anh cũng trút tâm tình: Mình sống nơi đây gần cả cuộc đời. Thế mà đâu phải lúc nào lòng ta cũng thanh thản. Chỉ vô tình chạm nhẹ miền ký ức lung linh một chút thôi cũng sẽ gây cho ta xúc động. Như bạn biết: chiến tranh đã làm hàng cừa ngày ấy bị cháy trụi bây giờ dấu tích còn mảng sém đen trơ gốc to bằng mấy vòng tay ôm phơi sương mấy chục năm qua, tưởng chẳng còn gì, vậy mà cây làm cuộc hồi sinh kỳ diệu. Mầm sống vươn lên, đời cừa sinh sôi vượt qua năm tháng. Thời gian con nước sụt xuống trồi lên vỗ vàm vạp ngày đêm, nghiến nát hàng cây, sạt trôi bờ bãi làm ta đớn đau ghê lắm; mỗi lần như thế nghe như trăm nghìn dao cứa sống lưng...
Bạn biết không, xưa kia con đường dẫn xuống làng của mình đẹp lắm. Ngày mưa nước sông đầy bọn mình đi con đường trên, có hàng sưa ken dày bóng mát. Ngày nắng hàng cừa phía dưới lộ gốc rễ hiện lên trông giống bức tranh thủy mạc kỳ thú. Thuở nhỏ, mỗi khi đi học về mình thường trèo qua cành nhánh một lát hoặc chơi đùa tắm mát ở đây. 
Đẹp nhất là vào mùa hè dòng sông trong xanh. Chúng ta có thể băng qua ngóc ngách cây tạo nhiều lối đi bên dưới. Không biết cừa từ đâu mà về bén rễ nhiều quá. Cừa ôm triền sông. Rễ dài từ những cành cao thòng xuống đất. Rễ cắm tầng một, rồi tầng hai, ba... Mỗi tầng đều rẽ lối đi. Và hình cây thẳng quỵ khum cong đẹp đến lạ kỳ. Bạn có thể ngắm cừa thu nhỏ qua chậu bonsai để thấy họ rễ khí dễ thích nghi và sống đời rất mạnh mẽ. Cừa sum suê đan kết không biết đâu là cành nhánh, đâu là thân rễ. Rễ đan cành, thành thân; thân ôm rễ, thành cành... 
Cây nghiêng nghiêng soi bóng thầm thĩ con nước xa nguồn: Sông ơi, em chảy bao giờ... Cuộc sống chợt vui buồn mừng giận. Cũng có khi đang ngày vui êm ả bỗng đâu gió nổi đùng đùng. Nước ngoạm táp vào thành bờ dài cơn đau rạn vỡ đời người đời cây. Nhưng cừa sinh ra là để chở che làng, kiên gan cùng nắng mưa, ngăn trở mỗi khi giông gió thổi về. Con người làm ra lắm kỳ công mà cũng tàn phá lắm kỳ quặc. Cừa mất dần. Nhà lấn sông. Cảnh đẹp một thời trôi đi, còn chỉ đọng trong ký ức...
Hai góc quay tái hiện đoạn hồi tưởng của hai người bạn. Bất chợt hôm nào lòng bỗng dưng tự vấn: Đâu là điểm khởi đầu; đâu là vạch cuối cùng? Không có câu trả lời. Phật nghe rằng: Hạt giống sẵn có (Bản hữu chủng tử) thì gốc có sẵn tự thời vô thỉ kia. Vậy nên không có cái bắt đầu. Chúng ta đang sống trong một khung thời gian và không gian và cảnh ấy đều do mình tạo nên. Để sau này nhà bác học Einstein cũng nói: thời gian và không gian không là hai thực thể riêng biệt.
Ráng chiều nhuộm vàng đẫm bàng bạc đò Ba Bến. Ngậm ngùi sẻ chia lan man chút tình hoài của hai bạn từ cảnh là những gì đang xảy ra ở trước mắt ta và từ tưởng là những gì hơn ba mươi năm trước. Tôi tự hỏi: có thể nào giữ thái độ vô tâm khi có cái gì đang xảy ra trong lòng ta hay đang xảy ra chung quanh ta hay ta đang ý thức về con đường cừa ba tầng nghiêng soi bóng nước của ngày xưa giờ không còn nữa. Những biến cải bể dâu khôn lường nhưng rất hiển nhiên dịu dàng âm thầm gieo hạt mầm hạnh phúc trao truyền cho ta tự ngày ấu thơ.
Trên cao dưới thấp nước vỗ chảy mãi ngày đêm.
Đình Quân
Theo https://giacngo.vn/

“Đạo văn” dưới con mắt của người cầm bút

Đạo văn” dưới con mắt của người cầm bút
“Đạo” (văn/thơ/nhạc/họa…) là một vấn đề được nhắc đến khá nhiều trên báo chí trong nước thời gian qua, gây sự chú ý của cả giới sáng tác lẫn đông đảo độc giả yêu nghệ thuật.
“Cây thơ” Thanh Tâm Tuyền tại sân thơ trẻ, Văn Miếu, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ V (2007), do Phan Huyền Thư viết
Mới đây, talawas đã đăng tải bài viết của nhà phê bình Hoàng Ngọc Tuấn (Úc) về chuyện “đạo văn” của nhà thơ Phan Huyền Thư (trong poster Thanh Tâm Tuyền, Ngày Thơ Việt Nam), và thư xin lỗi của Phan Huyền Thư.
Hai bài viết đó, vì “sức nặng” vấn đề mà nó đặt ra, một lần nữa đưa “đạo văn” vào tâm điểm của sự quan tâm.
Nhân dịp này, NCTG đã đặt câu hỏi sau cho một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, cũng như những cây bút, CTV của báo: trên tư cách người cầm bút, họ có quan điểm như thế nào về vấn đề “đạo” nói chung, hoặc/và trường hợp Phan Huyền Thư nói riêng, đặt trên thực tế, “mặt bằng” của Việt Nam hiện tại.
Sau đây là phần trả lời của một số tác giả.
* LÊ MINH HÀ (nhà văn - Berlin):
Hoàng Ngọc-Tuấn đúng khi cất lời lên án từ Úc. Phan Huyền Thư “khôn” khi nói lời xin lỗi ở Việt Nam. Nếu chúng ta thống nhất rằng cái nước mình nó thế, và Internet muôn năm.
Tôi thấy ai thích thì cứ nói thôi. Cô Phan Huyền Thư rất có thể chả tâm huyết hay có “ý đồ” gì trong việc này. Làm việc và có khi, kiếm cơm thôi. Mà kiếm cơm ở Việt Nam cần rất nhiều thứ, cần nhất là không được ở “đỉnh cao trí tuệ”, không được profi. Nhưng là người làm thơ, có thể không đọc thơ nhau nhưng đọc thơ nhiều, lý nào không biết ông Thanh Tâm Tuyền là ai. Nên việc Phan Huyền Thư đưa tên ông ấy vào, theo tôi, cũng muốn “luồn lách” để vượt lên cái tầm tầm. Có điều, không thể làm khác được (như Hoàng Ngọc Tuấn yêu cầu). Nếu đã nói thì phải đủ và đúng thì ở Việt Nam chắc còn lâu lắm mới tới cái ngày đó. Khéo ông Hoàng Ngọc Tuấn lúc đó hết sức nói rồi.
Internet cho người ta ẩn danh, nhưng buộc người có danh phải giữ mặt trước một đám đông đông hơn nữa. Nên Phan Huyền Thư xin lỗi là đúng và “khôn”, và câu chuyện chưa kịp tới cao trào sẽ kết thúc nhanh chóng. Tốt cho cô ấy, chưa chắc tốt cho Hoàng Ngọc-Tuấn vốn thích tư duy trên vấn đề thật “nổ”.
* NGUYỄN THỦY MINH (tiến sĩ, giảng viên, tác giả nhiều truyện ngắn, thơ… - Hà Nội)
Ý kiến của tôi về đạo văn (tiếng Anh: plagiarism) (từ quan điểm của một người làm nghiên cứu, chứ không dám nhận là người cầm bút): không chấp nhận được, không thỏa hiệp được, không có lý do bao biện!
Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận có những người đạo văn có ý thức, nhưng cũng có những người không ý thức được là mình đang đạo văn vì họ không có khái niệm thế nào là đạo văn.
Ở nước ngoài, nếu chép nguyên một đoạn văn của người khác mà không để vào ngoặc kép thì kể cả có trích dẫn tên tác giả vẫn bị coi là đạo văn (vì đây không phải là lời văn của anh). Còn việc chép ý tưởng mà không trích dẫn nguồn thì đương nhiên là đạo văn rồi.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, vì chúng ta không có một “văn hóa” tôn trọng quyền tác giả nên khái niệm đạo văn còn rất mơ hồ với nhiều người. Chỉ lấy ví dụ trong giáo dục, từ bậc phổ thông không được dạy thế nào là đạo văn (không phải chỉ chép nguyên xi mới là đạo văn, như tôi đã nói ở trên), làm thế nào để tránh bị rơi vào trường hợp đó. Sự “vô ý thức” hình thành nên một thói quen xấu là cứ thấy ở đâu có cái gì hay thì chép lại và vô tư “quên” ghi nguồn. Khi chấm bài, nhiều khi tôi gạch cả đoạn trong bài của sinh viên và bảo: “Em đạo văn”, làm các em ngớ người ra, “như thế là đạo văn hở cô, chúng em không biết…”
Trở lại trường hợp của Phan Huyền Thư, tôi không rõ động cơ đạo văn là gì, do thiếu hiểu biết hay có những điều khó nói ở “hoàn cảnh riêng” của cô ấy. Nhưng ở đây, Phan Huyền Thư đã có lời xin lỗi công khai trên báo thì tôi nghĩ, độc giả nên nhìn nhận một cách rộng lượng hơn.
Nhưng, đáng phê bình nhiều hơn nữa là những kẻ núp danh làm khoa học, nghệ thuật đã đạo văn của người khác mà còn ngoan cố không chịu thừa nhận. Ở nước ngoài, nếu sinh viên đạo văn là bị đuổi học, giảng viên mà đạo văn là mất việc, nhà văn mà đạo văn thì phải bồi thường “chết thôi”, nên sự đạo văn cũng hạn chế bớt.
Tôi nghĩ chỉ khi nào Việt Nam thực thi Luật Tác giả một cách nghiêm túc thì may ra mới hết vấn nạn này!
* TỪ NỮ TRIỆU VƯƠNG (nhà văn, nhà báo - Hà Nội):
Chẳng có gì đáng nói! Vì như tôi biết, từ thời Thơ Mới đã bị ảnh hưởng của Pháp. Đến kháng chiến thì theo một cái ba-rem: 10 truyện giống nhau cả 10. Hiện đại có khác nhau, nhưng khác nhau nhưng vẫn trong một vũng nước: chuyện trùng ý tưởng, trùng câu, đoạn là chuyện bình thường. Và mấy đứa mới tập viết như tôi gọi đấy là “văn chương đương đại”.
Copy hay “đạo” thì sẽ không thành vấn đề nếu tác phẩm sau đó hay hơn tác phẩm có trước. Còn nếu muốn chấm dứt tình trạng, copy, “đạo” ý tưởng, câu, đoạn văn, cách tốt nhất nên siết về luật. Đừng bắt tôi hay nhiều ai đó khác là “mày không được ăn cắp”, “nếu mày ăn cắp là không tốt” - bắt thế thì thật vui đấy! Tôi và nhiều ai đó vẫn “ăn cắp”. Vì có thể tôi (hay nhiều ai đó) không coi cái “tốt” kia là giá trị, vì giá trị đó có hay không lại phải do văn hóa và góc nhìn.
Cách tốt nhất, nếu muốn tôi hoặc nhiều người không ăn cắp, thì hãy bao bọc cái đấy thật kỹ (có thể qua phương tiện luật pháp). Nhưng mà văn nghệ sĩ nước tôi hiện nay, chỉ cần lời xin lỗi là thu xếp ổn thỏa. Nếu tôi có lỡ chép của anh 1 chương, tôi xin lỗi. Tôi có lỡ lấy ý tưởng của anh, tôi xin lỗi. Hình như văn nghệ sĩ chúng tôi coi trọng chữ “Tín” không nhiều lắm, nên thường xuyên phải “Xin Lỗi”. Mà thôi, tôi cũng phải biết dân mình sống Duy Tình nó quen rồi. Cần cảm thông cho nhau chứ!
Tôi thật tệ! (cười)
Một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, cũng như những cây bút, CTV của báo NCTG bày tỏ suy nghĩ về vấn đề “đạo” (văn/thơ/nhạc/họa… nói chung), hoặc/và trường hợp Phan Huyền Thư nói riêng, đặt trên thực tế, “mặt bằng” của Việt Nam hiện tại. 
* NGUYỄN HOÀI PHƯƠNG (nhà văn - Đức):
Cũng giống như như món xúc xích của Tây, món lạp xường của Tầu hay của ta, muốn ăn ngay cũng được hay là muốn chế biến thêm một chút cho thành các món khác thì cũng chẳng sao. Nhưng nếu có thái nhỏ ra như người ta vẫn thường hay làm để cho thêm vào nồi xúp mỳ hay vào chõ xôi, và dẫu trong mỳ, trong xôi… còn nhiều loại gia vị khác nữa, thì cũng không vì thế mà không nhận ra hương vị của xúc xích hay là của lạp xường nữa.
Trong cái món (chưa biết gọi tên là gì) được chế biến để tiếp đón các quan khách gần xa trong đêm thơ Nguyên Tiêu vừa qua ở Văn Miếu, Hà Nội… của nhà thơ Phan Huyền Thư, không cần phải là người có khiếu thưởng thức lắm cũng vẫn có thể nhận ra được cái chất của xúc xích hoặc lạp xường có dán mác Đặng Tiến. Ai cũng biết thế. Nhưng cũng không phải vì thế mà cái món (hay cứ tạm gọi là xúp đi) kia của nữ nhà thơ lại kém hấp dẫn. Ngược lại là đằng khác. Vậy thì việc gì mà người ta cứ nằng nặc bắt chị phải đổi món khác. Mà làm sao còn có thể đổi được nữa khi mà ngoài món xúp đã dọn ra, chẳng ai tìm thấy ở trong bếp có món gì khác. Cũng có nhiều người, sau khi thưởng thức thấy ngon ngon (phần nhiều là vì có chất lạp sường của Đặng Tiến chăng?), lại muốn Phan Huyền Thư lấy tên ông mà đặt cho món xúp. Đòi hỏi thế thì cũng khó cho chị. Bởi món xúp này là do chị nấu, chị dọn… không có chị thì cũng chẳng ai trong bữa tiệc hôm ấy biết được cái món lạp xường Đặng Tiến (được dùng làm nguyên liệu kia), là cái gì.
Đã gọi là xúp thịt thì nguyên liệu chính tất nhiên phải là thịt rồi. Và đã gọi là thịt thì dẫu là thịt nguyên chất hay là thịt đã qua một vài công đoạn chế biết… thì về bản chất cũng vẫn chỉ là thịt mà thôi. Hay là cái món lạp xường rất đặc trưng của bác Đặng Tiến không được chế biến từ một loại thịt nào đó? Câu hỏi thật là vớ vẩn!
* NGUYỄN VÕ LỆ HÀ (nhà văn, nhà báo, dịch giả - Hà Nội):
Trong các loại ăn cắp tôi ghét nhất là những kẻ ăn cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc!
“Đạo Chích” thường là dùng để gọi những loại kẻ cắp, bọn chuyên lợi dụng khi người ta sơ hở mà len lén rút ở trong túi ta cái ví tiền, hoặc là đột nhập vào nhà ta để lấy đi những đồ vật quý giá. Mất đi tiền nong, vàng bạc châu báu, kim cương, của cải mà ta phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, phải tích lũy bao thời gian, có khi phải đánh đổi bằng cả lương tâm, tình yêu, hạnh phúc của một đời người để có được… Liệu ta có thể không “thâm thù đại hận” những kẻ BẤT LƯƠNG ấy không? Vì, có thể do bị mất cắp mà ta trở thành kẻ khốn cùng…
Nhưng nói gì đi nữa thì tiền bạc của cải vẫn là “vật ngoài thân”, mất hết vẫn có thể làm lại từ đầu nếu quỹ thời gian còn cho phép (nếu đã già thì ta sống nhờ bằng lòng từ thiện của người đời). Còn những kẻ ăn cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc thì lại khác, bởi vì đó là những sản phẩm của cải phi vật chất: mỗi tác phẩm là “độc nhất vô nhị”, là trí tuệ và tâm hồn của một con người. Theo tôi nghĩ, đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh, đạo phim, v.v… là “ăn cắp linh hồn người khác”.
Tội này còn nặng hơn kẻ cắp vật chất, vì họ đã lấy đi niềm tin của người thưởng thức, hâm mộ. Ăn cắp linh hồn của người khác không những bị chính người bị mất cắp thâm thù đại hận, mà còn bị cả số đông những người thưởng thức, hâm mộ căm ghét…
Đó là cái giá mà những kẻ cắp văn học, nghệ thuật, âm nhạc phải trả!
Một số nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, cùng các cây bút, CTV của báo NCTG bày tỏ suy nghĩ về vấn đề “đạo” (văn/thơ/nhạc/họa… nói chung), hoặc/ và trường hợp Phan Huyền Thư nói riêng, đặt trên thực tế, “mặt bằng” của Việt Nam hiện tại. 
* TRANG HẠ (Đài Bắc):
Phan Huyền Thư không cần phải xin lỗi ai cả!
Việc ông Hoàng Ngọc Tuấn ba lần nhấn mạnh cụm từ  “Phan Huyền Thư chép nguyên văn” có thể hiểu là cá nhân ông khẳng định nhà thơ Phan Huyền Thư đang làm một việc không nên làm.
Còn với những người đọc không thích “tầm chương trích cú” như tôi chỉ thấy rằng: cho dù “Phan Huyền Thư chép nguyên văn”, tôi nghĩ chị cũng không cần phải xin lỗi ai cả.
Mục đích của chị đâu phải để kiếm lợi nhuận, nhuận bút, không để mời gọi quảng cáo thương mại. Chị cũng chỉ sử dụng các lời giới thiệu về nhà thơ Thanh Tâm Tuyền với mục đích để giới thiệu chính nhà thơ Thanh Tâm Tuyền, việc đó có thể được coi là một sự sử dụng nội dung văn bản rất hợp lý (và hợp tình). Vì thế, nhà thơ Phan Huyền Thư chỉ có một sơ suất là chưa ghi trích dẫn nguồn thông tin ghi trên cây thơ mà thôi.
Một khía cạnh khác, về việc ông Hoàng Ngọc Tuấn nói “… và cô đã ký tên đến hai lần trên bài viết”, phải chăng là một cách đánh lạc hướng độc giả nhìn theo hướng ông đang nhấn mạnh: “Phan Huyền Thư + chép nguyên văn + ký tên”? Thực tế, Phan Huyền Thư trích dẫn thông tin và vừa là người biên tập vừa là người thực hiện phần nội dung cho cây thơ Thanh Tâm Tuyền. Chị hoàn toàn có quyền ghi tên trên cây thơ với tư cách là tác giả, biên tập, thực hiện và tất nhiên có trách nhiệm về các nội dung chị đã biên tập lại để đưa lên cây thơ đó.
Những nội dung chị Phan Huyền Thư trích dẫn đều có thể được coi là tài liệu công khai, không vi phạm vào việc xúc phạm hình ảnh, tiết lộ đời tư hoặc bóp méo hình ảnh cá nhân của tác giả cũng như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền. Ngược lại, chị Phan Huyền Thư biên tập lại theo một nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, ngôn từ gần gũi với tiếng Việt hiện đại, đó cũng là một đóng góp cho việc truyền bá và trân trọng các giá trị thơ đích thực.
Tóm lại, Phan Huyền Thư chỉ thiếu một dòng chữ này dưới bài: “Nguồn…” hoặc “Trích…”.
Một việc bản chất là Thiện Chí thì không nên phê bằng một cái nhìn Không Thiện Chí!.
 Theo http://nhipcauthegioi.hu/

Đến với bài thơ hay: "Tống biệt hành" của Thâm Tâm

Đến với bài thơ hay: 
"Tống biệt hànhcủa Thâm Tâm
"Tống Biệt Hành" là bài thơ nổi tiếng và được ưa thích nhất của Thâm Tâm. Có người không ngần ngại liệt nó vào một trong mười bài thơ tiền chiến hay nhất. "Tống Biệt Hành" cũng được xếp trong tuyển chọn năm mươi bài thơ trữ tình tiêu biểu của mười thế kỷ thơ ca Việt Nam.
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.
Ta biết người buồn chiều hôm trước
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
Một chị, hai chị cũng như sen
Khuyên nốt em trai dòng lệ sót (*).
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Mây thu đầu núi, gió lên trăng (**)
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm (***)

(1941)
(*) Có bản chép là "dòng lệ xót".
(**) Có bản chép là "giá lên trăng".
(***) Khổ cuối bài thơ thường không được biết đến. Theo "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95" (Hà Nội, 1989), trong một bản in "Tiểu thuyết thứ Bảy" (1940) có đoạn này.
"Tống Biệt Hành" là bài thơ nổi tiếng và được ưa thích nhất của Thâm Tâm. Có người không ngần ngại liệt nó vào một trong mười bài thơ tiền chiến hay nhất (1). Chục năm nay, "Tống Biệt Hành" cũng được xếp trong tuyển chọn năm mươi bài thơ trữ tình tiêu biểu của mười thế kỷ thơ ca Việt Nam (2).
Đề tài bài thơ là một trong hằng hà sa số những cuộc ly biệt được đưa vào "Thơ Mới" thời 1930 - 1945. Nhưng có lẽ trong văn học Việt Nam, trước và sau Thâm Tâm, không ai viết về chia ly đầy tính bi hùng, trữ tình và mãnh liệt đến như thế.
Đưa người, ta không đưa qua sông.
Từ bao đời nay, con sông, bến nước vẫn là địa điểm của những cuộc tiễn biệt. Chẳng những vì xưa kia, phương tiện giao thông chủ yếu của người dân quê là chiếc thuyền. Con sông còn như một ranh giới, một vành đai bao phủ và che chở mỗi vùng làng mạc. Mỗi người, khi qua sông, cũng là lúc rời bỏ quê hương cùng gia đình và người thân của họ. Chẳng phải là ngẫu nhiên khi dòng sông, con tàu đi vào tiềm thức mỗi người như một biểu tượng của giã biệt, xa cách. Trong thơ ca cũng vậy:
Anh Khóa ơi,
Em tiễn anh xuống tận bến tàu...
("Anh Khóa", Trần Tuấn Khải)
Biệt ly,
Sóng trên dòng sông,
Ôi còi tàu như xé đôi lòng,
Và mây trôi, nước trôi, ngày tháng trôi,
Càng lướt trôi.
("Biệt ly", Dzoãn Mẫn)

Nhưng lần này, tác giả không đưa bạn mình qua sông. Vào những năm cuối của thập kỷ ba mươi, khi Nguyễn Bính viết "Những bóng người trên sân ga", nhiều cuộc đi xa đã khởi đầu trên một bến xe, một sân ga nào đó.
Tuy thế hình ảnh con đò, bến nước trong văn chương và cuộc đời đã hằn sâu trong tác giả tự bao giờ, khiến anh phải thốt lên:
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Hỏi đấy, nhưng chỉ để bộc lộ nỗi lòng buồn bã pha chút vị ngây ngất của anh. Tiếng sóng ấy chưa đến độ như "tiếng đời xô động, tiếng hờn câm" ở đoạn kết, nhưng đã tựa như tiếng đàn khuấy động những cung bậc bi phẫn giữa người đi và kẻ ở.
Đã hay rằng "người" buồn đấy, còn "cảnh" ra sao? Buổi chiều ấy, dù "không thắm, không vàng vọt", nhưng "đầy hoàng hôn trong mắt trong", và có thể rất đẹp đấy. Nhưng nó vẫn đượm vẻ gì man mác vô định. Có điều, vào lúc ấy, nào ai còn để ý đến cảnh vật bên ngoài. Họ mải "giã gia đình" và "dửng dưng". Đối với tác giả, chỉ còn người đi là tồn tại, anh chỉ "đưa người ấy", ngoài ra mọi thứ khác nào có nghĩa gì.
Cuối cùng thì giờ phút chia tay cũng phải đến. Người đi hùng dũng lắm, hăng hái và hăm hở lắm:
Ly khách! Ly khách! Con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không,
Thì không bao giờ nói trở lại!

Anh thề thốt thật ghê! Người đọc không biết anh đi đâu, anh làm gì. Chắc sự nghiệp của anh lớn lắm. Có gì làm ta nhớ lại chàng Kinh Kha vào Tần qua sông Dịch lạnh tê tái, khảng khái làm hớp rượu, rồi bước thẳng không quay đầu lại:
Phong tiêu tiêu hề, Dịch thủy hàn,
Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục hoàn.
(Gió hiu hiu chừ, sông Dịch lạnh ghê,
Tráng sĩ một đi chừ, không bao giờ về.)
Ta thấy anh đi khí thế thật đấy, nhưng sao cô đơn quá! Đi thì cứ đi, nhưng nào có rõ tương lai:
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Anh lên gân vậy thôi, chứ thực ra, anh thương mẹ lắm. Và khi đi, nào phải anh không day dứt. Anh còn chị, còn em. Những người chị "như sen" và người em "ngây thơ đôi mắt biếc", đâu muốn anh đi. Hẳn nhà anh nheo nhóc và cực nhọc lắm, anh đi rồi, ai lo?
Tất nhiên, chí trai bốc đồng, anh tỏ ra quyết tâm lắm. Nhưng dễ thấy đó chỉ là vẻ bề ngoài. Kỳ thực, lòng anh thật mềm yếu. Anh đã buồn, chắc là từ lâu, chứ đâu phải chỉ từ "chiều hôm trước" với "sáng hôm nay".
Và cảnh sắc bầu trời mùa hạ sang thu ấy thật đẹp. Anh nhất quyết phải từ giã gia đình, bạn bè trong khung cảnh ấy sao? Đích của anh nào có chắc chắn gì? Đâu phải anh không có những day dứt, ràng buộc bịn rịn?
Nhưng rồi anh vẫn dứt áo ra đi. Đi lúc nào mà người tiễn chẳng hay:
Người đi! Ừ nhỉ? Người đi thực!
Như một cơn mơ, lúc bừng tỉnh chẳng còn gì. Anh đã đi, đi thực. Làm người ở lại đắm trong nỗi thẫn thờ. Cuộc đời sao như tỉnh, như mơ! Đành phải chịu!
Tất cả dẫn đến một cao trào. Nhịp thơ trở nên gấp gáp, rắn rỏi, mãnh liệt, nhưng đượm vẻ chua chát và bi phẫn:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượi say.
Anh muốn quên lãng đi mọi thứ. Quên đi cho hết nỗi sầu. Như người lữ khách trong "Chiều" của Hồ Dzếnh. Nhưng thử hỏi: có quên được không?
Mây tha đầu núi, gió lên trăng,
Cơn lạnh chiều nao đổ bóng thầm.
Thời gian qua đi. Bóng hoàng hôn không còn nữa. Cơn lạnh và bóng tối trùm lên mỗi bước anh đi. Lúc ấy, người lữ khách còn lại một mình. Âm thầm. Lặng lẽ. Cái đích vẫn xa vời. Và nhuệ khí xưa đâu còn nữa. Anh muốn bật khóc, muốn gào lên tức tưởi:
Ly khách ven trời nghe muốn khóc,
Tiếng đời xô động, tiếng hờn câm...
Chẳng biết lúc ấy, anh trách ai? Trách mình, hay trách cuộc đời cay nghiệt?
Ông Hoài Thanh trong "Vài suy nghĩ về thơ" (3) đã thú nhận khi viết "Thi nhân Việt Nam", ông rất khoái "Tống Biệt Hành". Chẳng những vì "điệu thơ gấp gáp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc. Không mềm mại, uyển chuyển như phần nhiều thơ bây giờ" (4), mà chủ yếu bài thơ mang phong vị "bâng khuâng khó hiểu của thời đại". (5)
Không rõ "Tống Biệt Hành" có gì "khó hiểu"? Nhưng rõ ràng khi đọc, tôi thấy thật "bâng khuâng". Vẻ trầm hùng, cổ kính của bài thơ cùng những hình ảnh "mong manh, ghê rợn, như những nhát dao xiết vào tâm hồn, tưởng là rất nhẹ hóa ra lại rất nặng" (6) gây nên một ấn tượng thật mạnh và sâu đến người đọc.
Ít năm trước đây, nhà thơ Lương Trúc (7), một người bạn của Thâm Tâm, có tiết lộ rằng "Tống Biệt Hành" là bài thơ Thâm Tâm viết tặng ông khi ông đi hoạt động. Tạm cho là như vậy. Ở vào hoàn cảnh bấy giờ (1941), hành động cách mạng của những thanh niên độ tuổi hai mươi như họ, có thể coi là một sự dấn thân đầy mạo hiểm. Nó mang hình ảnh các tráng sĩ thời xưa, vào cuộc chiến "lạnh lùng theo trống dồn" ("Chiến sĩ vô danh", Phạm Duy), với lòng hăng hái thiêng liêng "chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" ("Tây Tiến", Quang Dũng). Và cũng chẳng khác gì mấy hình ảnh thật đẹp và oai hùng của lứa văn nghệ sĩ đầu tham gia kháng chiến, nửa thập kỷ về sau:
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội,
Những phố dài xao xác hơi may,
Người ra đi đầu không ngoảnh lại,
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
("Đất nước", Nguyễn Đình Thi)
... Nhớ đêm ra đi đất trời bốc lửa
Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng
Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng
Hồn mười phương phất phơ cờ đỏ thắm
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Mái đầu xanh hẹn mãi tới khi già
Phơi nắng gió và hoa ngàn cỏ dại
Theo tiếng gọi của những người Hà Nội
Trở về
Trở về chiếm lại quê hương!
("Ngày về", Chính Hữu)
Cuộc đời Thâm Tâm thật ngắn ngủi. Ông viết chưa nhiều (8). Cái chết cướp ông đi ở tuổi 33. Ông đã lao vào cuộc chiến đấu của dân tộc một cách nhiệt thành. Từng là biên tập viên tạp chí "Tiên phong" (1945-1946) rồi thư ký tòa soạn báo "Vệ quốc quân", ở Chiến dịch Biên giới (1950), Thâm Tâm bị sốt rét nặng trong lúc không có thuốc men. Vô phương cứu chữa, ông bị bỏ lại trong một căn nhà sàn tại bản Nà Po cùng một người liên lạc. Anh này là người duy nhất có mặt khi ông qua đời và xin được bà con dân bản một mảnh vải trắng để làm khăn tang (8).
Cái chết của Thâm Tâm thật bi thảm. Nhưng nó cũng thật đẹp và bi hùng ở khía cạnh một tráng sĩ nơi sa trường. Đẹp và bi hùng như "Tống Biệt Hành" của ông vậy!.
Chú thích - Giới thiệu tham khảo:
1. Vũ Quần Phương: Thâm Tâm và "Tống Biệt Hành" ("Quân đội Nhân dân", 1990).
2. "Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-95" (Hà Nội, 1989).
3, 4, 5. "Tuyển tập Hoài Thanh", tập 2 (Hà Nội, 1983).
6. Vũ Cao: "Tản mạn dọc đường văn học" ("Văn nghệ Quân đội" tháng 6-1988).
7. Tên thật Phạm Quang Hòa, sinh năm 1915. Xin xem thêm bài của Hoàng Tiến: "T.T.Kh. là ai?" ("Nhân dân Chủ nhật" ngày 16-7-1989).
8. Sinh thời, thơ Thâm Tâm chưa được in thành tập. Mãi đến năm 1988, tập "Thơ Thâm Tâm" sưu tầm một số thi phẩm tiêu biểu của ông mới được ấn hành.
9. Theo Từ Bích Hoàng: "Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học", tập 1 (Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Hà Nội 1985).
Nguyễn Hoàng Linh
Theo http://nhipcauthegioi.hu/


Mưa ngâu trái mùa

Mưa ngâu trái mùa
Đêm rớt xuống nhanh khi cơn mưa ngâu chưa dứt như giăng chiếc màn trắng làm buồn cả đất trời. Thoảng trong đó cảnh vật xõa mình trong mưa làm cho không gian thêm ảm đạm, khi đó tôi tự hỏi có phải mưa ngâu trái mùa.
Những cơn mưa ngâu bao giờ cũng đến thật nhanh, nhưng dai dẳng mãi. Hình như nỗi lưu luyến của mưa với đất trời trở nên nặng trĩu, cơn mưa kéo dài âm ỉ mang theo từng màn sương bụi giăng kín tất cả mọi cảnh vật, làm ướt đẫm cả những con đường đã dậy mùi cỏ đất.
Người ta thường nhắc nhau mỗi độ mưa ngâu kéo về kín ngõ. Mưa ngâu mang cái trọng trách gieo rắc nỗi buồn cho những ai đang mải miết lo toan. Từng hạt mưa rơi xuống nhẹ nhàng chẳng thể làm ướt nổi bờ vai ai đang vội vã trên đường nhưng từng ấy thôi cũng đủ làm run rẩy lớp ký ức đã giấu kín trong lòng về những hoài niệm xa xăm chẳng thể gợi lại được, là những tiếng tí tí tách tách, như thể hợp hợp rồi tan tan.
Mưa ngâu để lại trên cỏ cây những 
“hạt ngọc” trong lành. Ảnh: Đinh Đức Thọ
Ngày xưa cứ vào mỗi đêm hè, khi anh em chúng tôi trải chiếu nằm giữa sân hóng gió khuya. Nhìn lên bầu trời thăm thẳm muôn triệu vì sao nhấp nháy. Lung linh, huyền ảo. Mẹ thường chỉ cho chúng tôi xem dải ngân hà ở mãi tận trên cao, nơi có cây cầu Ô Thước mà nàng Chức Nữ vẫn hò hẹn gặp chàng Ngưu Lang trong sụt sùi mưa gió. Ấy là vào mỗi độ ngâu về. Mỗi năm một lần. Chỉ vào tháng Bảy, vậy mà chẳng hiểu sao, năm nay mưa ngâu kéo dài, tràn cả ra sắc trời nồng nàn của thu. Giống như là mối tình trái ngang của Ngưu Lang - Chức Nữ ngàn năm còn đó những buồn đau, nên trời làm mưa để an ủi vỗ về. Mỗi giọt mưa ngâu được ví như "giọt nước mắt" của Chức Nữ. Người ta buồn thương bởi mưa ngâu, vì mưa ngâu là cây cầu nối những thực tại truân chuyên lưu luyến của lòng người gửi vào đó những yêu thương nhung nhớ của những ngày xa cách, đợi chờ và lại chia xa. Mưa ngâu như một lời ước hẹn mãi mãi chẳng thể đổi thay cho dù thời gian có mỏi mòn theo năm tháng.
Mùa ngâu về với những trận mưa dầm dề, thâu đêm, rả rích, buồn đến dai dẳng, mẹ vẫn hay thở dài. Mẹ cứ lo hoài, thương cho đàn gà con liếp nhiếp cứ rúc mãi trong lòng gà mẹ mà lông ướt sũng, lẩy bẩy, rẩy run. Người lớn chẳng yên lòng với nỗi lo của những ngày mưa gió mãi. Lo cho đám lúa non mới vừa kịp bén rễ chưa đủ cứng cáp đã lại phải gánh chịu những hạt mưa sa. Dây phơi quần áo thì càng trĩu hơn, chật căng chờ ngày nắng hé. Anh em tôi buồn thiu vì tiếc nhớ những chiều được lang thang rong ruổi thả diều bắt bướm trên cánh đồng. Nhớ những bông hoa thiên lí dịu dàng, buông mình vàng óng trong ánh chiều dần xuống núi.

Với tôi, dẫu đã đi qua bao mùa, nhưng mỗi mùa mưa ngâu về, vẫn khắc khoải trong lòng. Mưa ngâu như cây cầu đi từ mùa hạ sang mùa thu. Cây cầu mưa ấy không thể đưa ngược về quá khứ, nhưng lại mang nặng trĩu biết bao nỗi niềm. Và mỗi lần như thế, lòng tôi lại bỗng chênh chao những hình ảnh quen thuộc thuở còn thơ.
Đó là hình ảnh chị em cái Gái, hàng xóm ngay cạnh nhà bà tôi. Cứ mỗi độ mưa ngâu kéo về, chị em nó lại kéo nhau ra cái sạp trước hiên nhà, vừa ngồi vừa lẩm nhẩm hát: Trời mưa bong bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai? Thế rồi, lần nào cũng vậy, cái Gái sẽ òa lên khóc nức nở để bà nó lại từ nhà trong vội vã ra dỗ dành. Bố nó mất đã lâu, ngày mẹ nó đi lấy chồng mưa rơi tầm tã, mưa như trút hộ nỗi lòng người đi kẻ ở. Con mương đầu nhà ngập trắng nước, trước sân nhà bong bóng trắng xóa, phập phồng từng đợt, lại từng đợt nổi lên, vỡ tung ra. Người ta bảo mưa bong bóng thường dai dẳng. Và người ta cũng bảo kiếp mồ côi khổ lắm. Tôi thường thấy cái Gái trốn sau rặng tre cạnh bờ sông khóc nức nở mỗi khi mẹ nó về thăm, nó thường tránh mặt mẹ, có lẽ cũng bởi nỗi day dứt, uất ức ở trong lòng. Rồi lặng thinh, tôi hay cùng nó ném những hòn đá ven bờ sông xuống nước. Chẳng cười đùa như mỗi ngày, chỉ lặng lẽ lặp lại động tác đó như thể mang những nỗi khắc khoải, những nặng trĩu bấy lâu nay cất giấu đem đổ xuống sông, nhờ dòng nước giữ hộ và mang đi xa.
Cơn mưa ngâu ngày ấy, có lẽ cũng mang nỗi buồn của Gái từng hạt vơi đi theo năm tháng, càng lớn lên, con người ta lại càng hiểu rõ chân lý của cuộc đời. Và có lẽ, Gái cũng hiểu được nỗi lòng của mẹ nó, sau những tháng ngày buồn tủi dưới gốc tre năm nào.
Thu xênh xang, ươm nỗi buồn vào ô cửa sổ ít nắng. Mấy ngày nay, mưa ngâu chẳng hiểu từ đâu lại kéo về, mang hương vị mùa thu như tràn ra cả mọi con đường nhỏ, len lỏi vào tâm hồn mỗi người làm sống dậy lớp ký ức đã cũ, đánh thức cả nỗi niềm về những cơn mưa ngâu trong lòng tôi mạnh mẽ.    
Thủy Tiên
Theo http://www.baocaobang.vn/

Đà Lạt - Một sớm mai thức giấc

Đà Lạt - Một sớm mai thức giấc
Đà Lạt trong sương sớm với những nét bình dị làm tâm hồn ta như được tươi mới hơn.
Nếu nhắc đến Đà Lạt, bạn có thể kể ra được bao nhiêu cái tên dành cho thành phố này? Có lẽ đó là thành phố ngàn hoa, xứ sở tình yêu, 
thành phố buồn, thành phố mộng mơ… Thiên nhiên và con người Đà Lạt đi vào những áng thơ, những bức tranh, đi vào nghệ thuật và ngay cả trong tim mỗi người. Nhưng dù có cố gắng miêu tả thế nào, chỉ khi tự mình đặt chân đến thì bạn mới có những cảm nhận nhất định, chân thật nhất của riêng mình.
Một góc nhìn của thành phố từ đỉnh Hòn Bồ
Săn mây, cuộc hành trình cho những tâm hồn phiêu lưu

Có một Đà Lạt sáng sớm ẩn mình trong màn sương dày vào buổi sớm khi bình minh ló dạng, sự mờ ảo của sương, bồng bềnh mây khói và lấp lánh khi những tia nắng đầu ngày ló dạng. Hòn Bồ là một trong những nơi điển hình như thế trên Đà Lạt. Đường lên Hòn Bồ là một con đường mòn nhỏ, nhưng khi lên đến đỉnh núi thì có khoảng đất rộng, quang đẵng và việc ngắm bình minh trong biển mây bao quanh sẽ thật là thú vị. Trên đỉnh núi, bình minh biến chuyển rất nhanh. Bầu trời tối mịt dần sáng, từ dãy núi xa xa ló dạng những ráng trời đỏ vàng rực rỡ. Đến khi mặt trời nhô lên hẳn, những cảm xúc trong tôi như vỡ òa khi các biển mây xuất hiện bao quanh đỉnh núi. Thiên đường chính là nơi đây!.
Bình minh trên đỉnh Hòn Bồ
Hòn Bồ của chạng vạng tối là khi những ngôi nhà dưới núi lên đèn ẩn hiện trong màn sương mù bao quanh. Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy như chính mình đang lạc vào khung cảnh của chuyện cổ tích.
Cảnh về đêm của thành phố sương mù
Trong danh sách hành trình “săn” mây của những phượt thủ ắt hẳn sẽ không thể thiếu được cái tên Trại Mát. Vẻ mộc mạc bình yên của chốn này sẽ làm lòng ta bình yên đến lạ.
Trại mát trong ánh bình minh
Bạn hãy thử một lần rời xa sự ồn ào của phố thị, tìm về nhịp sống bình dị và mộc ạc nơi Trại Mát yên bình. Ở đây, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người nông dân cần mẫn trên các vườn rau trải dài khắp sườn đồi tựa như ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc xa xôi, ó còn là hình ảnh những cô gái mặc áo len bên luống hoa, hình ảnh học sinh đến trường trong chiếc áo len ấm áp, hay hình ảnh của những ngôi nhà gỗ có những cánh cửa màu xanh lẩn khuất trong làn sương mờ ảo giữa cánh đồng rau… Cảm giác bắt gặp được ánh nắng xuyên qua những tán lá sẽ làm bạn ngỡ ngàng pha lẫn chút thích thú, rồi chuyển sang trầm trồ với nét đẹp rất bình dị, trong trẻo.
Thành phố của những trái tim lỗi nhịp  
Đà Lạt trong tôi là hội tụ đủ 4 mùa trong một ngày, khi buổi sáng là hiện diện của mùa xuân, hè đến là khoảng thời gian lúc trưa, xế chiều với những cơn gió se se lạnh như mùa thu đến và mùa đông sang cùng với cái lạnh buốt trong từ cơn gió của buổi tối.
Ánh nắng Mặt Trời trải dài trên đồng cỏ ở
Khi Đà Lạt yên ả đúng với vẻ đẹp vốn có của thuở ban đầu. Đà Lạt cứ thế ngủ vùi trong màn sương mờ, để những vì sao trong đêm cố gắng thi nhau tỏa sáng sau lớp vải mỏng trắng ảo mờ mờ giữa buổi đêm, nhưng lại tỉnh giấc rực rỡ trong ánh ban mai. Cuộc hành trình săn mây cứ mãi làm ta lạc trong cái ảo ảo thực thực trên Đồi Thiên Phúc Đức ấy. Nó làm ta một thoáng rùng mình vì cái đẹp đến ngây ngất lòng người, từ màn đêm lấp lánh ánh sao đến không gian bừng sáng soi rọi mọi ngóc ngách rừng thông giữa ban ngày, và mơ màng trong màu tím đỏ khi hoàng hôn buông xuống nhường cho màn đêm để kết thúc chu trình một ngày. Tất cả đều khiến trái tim của những vị khách lữ hành lỗi nhịp.

Đà Lạt, nơi thơ mộng cho những kẻ lang thang kiếm tìm sự bình yên.
Không lấy làm ngạc nhiên khi nói Đà Lạt là thành phố thơ mộng của những kẻ si tình. Đà Lạt ẩn hiện trong bình minh sương sớm với những ánh nắng trải dài trên đồi thông, có khi lại cất giấu vẻ đẹp cổ điển của Tây phương khi trời chạng vạng tối. Nhưng lại có một Đà Lạt xanh biếc trong trẻo bên bờ hồ với núi non xanh rờn cùng những chú vịt trắng cho những vị khách muốn thưởng ngoạn giữa chốn bình yên ấy.
Hồ Suối Vàng - Cây cô đơn

Thiên nhiên hòa cùng bầu trời
trong xanh tại Suối Vàng
Hồ Tuyền Lâm
Cuộc sống Đà Lạt cứ yên ả như thế bên những mái nhà, chiếc ghe, bến phà… Ngay cả thưởng thức ly cà phê nóng bên lề đường trong một sớm cũng đủ làm ta cảm nhận trọn vẹn những thi vị của cuộc sống.
Nhịp sống ở thành phố Đà Lạt này như làm chúng ta sống chậm lại một nhịp so với phố thị ồn ào thường ngày. Có lẽ cũng nhờ vậy mà khi muốn tìm đến nơi yên ả để lòng mình lắng lại, để cân bằng cuộc sống, ta lại tìm về nơi bình yên, gần gũi với thiên nhiên thế này, và biết đâu cũng từ đây, ta biết được mình muốn làm gì, đã làm được gì trong cuộc sống.       
Theo http://m.xonefm.com/

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...