Lang thang “Ngày xưa Hoàng Thị”
Sáng nay, một ngày không như mọi ngày, khi tôi bước ra khỏi cửa, trước mắt
tôi tràn ngập không khí mùa thu lãng đãng “Nghĩa là nắng thì nắng, nhưng gió
thì cứ như dịu dàng vuốt má ấy”. Ngay khoảnh khắc ấy tự nhiên giai điệu của
“Ngày xưa Hoàng Thị” ào đến, ngân vang trong tôi. Tôi luôn thích những ca khúc
giàu chất thơ và đẹp như phim thế này.
“Ngày xưa Hoàng Thị” nguyên là một bài thơ của Phạm Thiên Thư,
trong một dịp tình cờ, bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Vào giai đoạn
đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bài hát đã từng gây xôn xao trong đời sống
âm nhạc miền Nam. Cả thơ lẫn nhạc đều rất tuyệt vời...
Một câu chuyện về tình yêu học trò trong sáng, đẹp đến ngẩn ngơ
như mơ - như thực. Và tôi lại bắt đầu thả hồn vào những giấc mơ giữa một ngày
thực trong giai điệu bài hát ấy.
“Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay”
Trong những năm tháng học trò, chẳng có ai không thầm cảm mến
một ai đó. Và chắc hẳn chẳng có ai chưa từng được (thầm) cảm mến. Tôi sẽ
không bao giờ biết được điều này, nếu không phải lần lượt - một cách trực
tiếp hoặc gián tiếp được sống trong những cảm xúc như thế. Và khoảng thời
gian ấy thật sự đẹp, tôi đã bước qua những tháng năm học trò xanh ngời xanh
như thế…
Có lẽ nhà thơ Phạm Thiên Thư đã từng trải qua những ngày xưa như
thế, những ngày trên con đường trải nắng vàng, một chàng trai trẻ lẽo đẽo
theo chân cô gái tên Ngọ có mái tóc dài xoã ngang vai… chỉ biết lặng lẽ đi
theo sau cô gái hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ
ai biết để rồi làm nên những vần thơ “Ngày xưa Hoàng Thị” lung linh và dễ
thương đến thế.
Anh theo Ngọ về
Chân anh nặng nề
Lòng anh nức nở
Mai vào lớp học
Anh còn ngẩn ngơ ngẩn ngơ”
Qua thu, đông, xuân, hạ, cứ thế thôi, tình cảm học trò thanh
khiết và mơ hồ, tựa như một thứ gì đó ngập tràn trong không khí, để tận
hưởng, hít thở. Nhưng, chỉ thế thôi… Có cảm giác như bất kỳ điều gì khác đều
có thể như đá ném xuống mặt hồ phẳng lặng, làm vỡ tan thứ không khí
diệu huyền mờ ảo ấy.
“Bao nhiêu là ngày
Theo nhau đường dài
Trưa trưa chiều chiều
Thu đông chẳng nhiều
Xuân qua rồi thì
Chia tay phượng nở sang hè
Rồi ngày qua đi qua đi qua đi”
Khi cậu học trò ngày nào trở lại con đường cũ, mọi thứ vẫn mơ
màng tựa hồ như xưa. Nhưng ngày nay hiển nhiên không phải là ngày xưa. Người
xưa không còn và ngay cả cậu học trò ngày đó cũng chẳng còn nữa. Chỉ còn
người đàn ông đi qua sóng gió cuộc đời để thốt lên:
“Xưa tan trường về
Anh theo Ngọ về
Nay trên đường này
Đời như sóng nổi
Xóa bỏ vết người
Chân người tìm nhau tìm nhau”
Và cũng chính lúc nhẩm theo những câu ấy, tôi lại thấy mình đang
tìm về ngày cũ… quá khứ và thực tại càng đối nghịch nhau thì càng lẫn lộn
nhau, không thể phân biệt được giữa tiếc nuối, niềm vui, giữa mơ và thực.
Chìm vào khung cảnh “Ngày xưa Hoàng Thị”, tôi như cảm nhận được sợi mưa, vạt
nắng với mọi giác quan. Rồi ngay lúc chìm trong câu chuyện của người xưa, tôi
gặp lại tuổi hoa của mình. Không phải mọi chuyện tình học trò đều là lẽo đẽo
theo nhau ngày mưa - ngày nắng… Trong câu chuyện của tôi, có cậu bạn hồi lớp
năm trèo cây bằng lăng chỉ để hái một bó quả bằng lăng khô cho tôi… chơi đồ
hàng. Có cậu bạn khác, lớp bảy, tự dưng đưa tặng một chiếc bút bi, chỉ để… bị
tôi ngờ vực: “Cho tớ bút hết mực chứ gì?”...
Trong câu chuyện của bạn, có thể, là một cậu chàng quanh năm chỉ
“bóng banh” bỗng đâu gù lưng cặm cụi tập ghitar chỉ để đàn bản nhạc mà ai đó
yêu thích, hoặc một cô bạn luôn canh chừng chuyến xe buýt sớm mỗi ngày, chỉ
để gặp ai kia…
“Xưa theo Ngọ về
Mái tóc Ngọ dài
Hôm nay đường này
Cây cao hàng gầy
Đi quanh tìm hoài
Ai mang bụi đỏ đi rồi
Ai mang bụi đỏ đi rồi
Ai mang bụi đỏ đi rồi”
Dẫu bụi đỏ không còn cũng như tuổi xanh đã đi xa thì những mảnh
ký ức trong trẻo ngày nào vẫn ở lại mãi mãi như một khoảng xanh lấp lánh
trong tim. Những ký ức đã đi qua thường luôn luôn để lại một dấu vết mà người
ta phải tìm hoài.
Sáng nay, một ngày không như mọi ngày...!.
|
Lý Thu Hằng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét