Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

Bình bài thơ Đợi của Vũ Quần Phương

Bình bài thơ Đợi của Vũ Quần Phương
ĐỢI
Vũ Quần Phương                                            
Anh đứng trên cầu đợi em
Dưới chân cầu nước chảy ngày đêm
Ngày xưa đã chảy, sau còn chảy
Nước chảy bên lòng, anh đợi em.
Anh đứng trên cầu nắng hạ
Nắng soi bên ấy lại bên này
Đợi em. Em đến? Em không đến?
Nắng tắt, còn anh đứng mãi đây!
Anh đứng trên cầu đợi em
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em quen thành lạ
Nước chảy...Kìa em, anh đợi em!. 
(100 bài thơ hay thế kỷ XX, NXB Giáo dục-2007) 
Lời bình:
Nhà thơ Vũ Quần Phương có nhiều bài thơ hay nhưng "Đợi" là bài nổi tiếng nhất. Nó được bình chọn xứng đáng đứng vào hàng ngũ "100 bài thơ hay thế kỷ XX".
"Đợi" đã có duyên may, được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc từ 1986, ngay khi mới ra đời. Bằng cách hoán đổi vị trí nhân vật trữ tình giữa "Anh" và "Em" và với chất liệu ca trù tạo nên giai điệu thiết tha, ngọt ngào, trong sáng, ca khúc "Đợi" dành riêng cho phái đẹp hát, đã làm rung động bao trái tim yêu, đã là "một trong những tượng đài tuyệt đẹp về người phụ nữ Việt Nam trong âm nhạc" (Châu An)
Từ bài thơ, ta lại cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của chàng trai qua hình ảnh "đứng trên cầu đợi em". Những chiếc cầu bắc qua sông, suối đã là nơi hẹn hò, chờ đợi của bao đôi lứa xưa nay. Nhưng cái tài của nhà thơ là ở chỗ khai thác ý nghĩa mới mẻ của những thi liệu quen thuộc ấy. "Anh" được đặt giữa một không gian, thời gian nghệ thuật và một trạng huống đặc biệt để bộc lộ phẩm chất tốt đẹp trong tình yêu của mình. Cuộc hẹn gặp tưởng sẽ đầy tình tứ, lãng mạn của hạnh phúc tình yêu hóa ra đã lỗi hẹn! Thế mà giữa ngày"nắng hạ", chàng đã đứng đợi nàng từ lúc ban mai khi "nắng soi bên ấy" cho đến trưa, đến chiều nắng soi"lại bên này" và... cho đến cả lúc "nắng tắt", hoàng hôn buông xuống vẫn cứ đứng đấy mà đợi, mà chờ. Sự bền bỉ ấy được diễn tả qua hàng loạt điệp ngữ và sự tăng cấp của các hình tượng vừa sóng đôi vừa đối lập. Dù có phấp phỏng, băn khoăn "Đợi em. Em đến? Em không đến?" thì anh vẫn sẵn sàng:
Đứng một ngày đất lạ thành quen
Đứng một đời em quen thành lạ
Với  đất, "đứng một ngày" cũng khiến cho những gì xa lạ trở thành gần gũi, quen thân. Với em, anh biết, khi anh "đứng một đời" để đợi thì em có thể đã nhiều đổi thay, khiến cho"em quen thành lạ". Nhưng anh vẫn cứ "đứng mãi đây" để đợi, để chờ. Em đây là em của " cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên" (Thế Lữ), em của tình yêu tuyệt đẹp trong anh. Anh sẽ đợi em cho đến khi có thể thốt lên: "Kìa em, anh đợi em!".
Đây quyết không phải là sự đơn phương của kẻ tình si. Nhân vật có một tư thế trữ tình thật đẹp, tư thế đứng đợi đầy bản lĩnh: đàng hoàng, đĩnh đạc, tự tin! Mới hiểu, trong tình yêu, việc bền bỉ đợi chờ, thủy chung son sắt cũng là phẩm chất, là sức mạnh của phái mày râu. Cứ nghĩ, giá có nhà nghệ sĩ điêu khắc lấy cảm hứng từ bài thơ dựng lên bức tượng một chàng trai đẹp khỏe khoắn, lành mạnh đứng trên chiếc cầu dưới có dòng nước chảy, dõi tầm mắt ra xa, đăm đắm đợi chờ...và đề vào đó một chữ "ĐỢI". Tượng đài này sẽ "trơ gan cùng tuế nguyệt", cùng với tình yêu bất tử!
Giữa thi phẩm và nhạc phẩm "Đợi" đã cùng có chung một hằng số: cả chàng và nàng đều biết yêu bằng tình yêu đích thực, biết lấy cái bất biến của tấm lòng mà ứng xử với mọi cái vạn biến của cuộc đời để giữ lấy một tình yêu lý tưởng. Cái ý tưởng ấy đã được thể hiện bằng một cấu trúc ngôn ngữ thơ thật là hoàn mỹ. Cả một hệ thống từ ngữ thuần Việt được chọn lọc, gọt dũa, tinh luyện đến hàm súc tối đa. Tên đề chỉ một từ "Đợi". Và ba khổ thơ láy đi láy lại cũng cốt thể hiện cho được tình cảm và ý chí "đợi" của chủ thể trữ tình. Khi đã  "đợi", ta chẳng những giữ trọn lời hẹn ước, mà cao hơn, còn chờ đón một điều gì tốt đẹp, còn hướng về một điều kỳ diệu ở tương lai. Từ hoàn cảnh ra đời, từ ngôn ngữ, hình tượng thơ và tình cảm của câu chuyện tình yêu, người đọc còn liên tưởng đến một tầng nghĩa khác. Thời gian trôi làm biến đổi tất cả, dòng đời  cứ chuyển biến như nước dưới chân cầu "xưa đã chảy, sau còn chảy", như ánh mặt trời cứ soi, tắt ngày ngày. Nhưng người ta khi đã có một định hướng đúng đắn, đẹp đẽ về một sự nghiệp, một khát vọng sống, một lý tưởng xã hội, một lý tưởng nghề nghiệp, một lí tưởng thẩm mỹ... thì hãy biết giữ vững niềm tin và hy vọng; hãy biết kiên tâm, bền chí "đứng đợi" trên chiếc cầu nối đôi bờ hạnh phúc ấy; cũng giống như văn hào Victor Hugo đã từng nói: "Mơ ước là hạnh phúc, chờ đợi là cuộc đời". Đó là triết lý, là tư tưởng tỏa sáng đằng sau giọng thơ trữ tình của bài thơ. Bằng sự trải nghiệm của thế hệ nghệ sĩ nửa sau thế kỷ trước, chứng kiến bao nhiêu cuộc đợi chờ, có mất mát, có hội ngộ; chứng kiến bao nhiêu biến đổi lớn lao của nhiều số phận và cộng đồng, Vũ Quần Phương  nhắn gửi chúng ta thông điệp này.
"Đợi" vừa là một bài thơ tình tuyệt đẹp vừa là một bài thơ trí tuệ sâu sắc. 
Phạm Văn Chữ
Theo http://www.ttgdtxlaocai.net/



1 nhận xét:

  1. http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2021/11/net-ep-cua-bai-tho-oi-qua-lang-kinh-ky.html

    Trả lờiXóa

Trần Hoài Dương: Tiếng hạc giữa miền xanh thẳm

Trần Hoài Dương: Tiếng hạc giữa miền xanh thẳm Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Văn chương của ông chân th...