Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Ernest Hemingway và chiều kích thứ năm

Ernest Hemingway
và chiều kích thứ năm

Việc nghiên cứu phong cách văn xuôi của Hemingway phần lớn đã hoàn thành từ lâu. Phong cách nầy quá nổi tiếng và tạo nhiều ảnh hưởng, cuối cùng nó được thể chế hóa trong các chương trình viết văn sáng tạo của Mỹ. Các nhà văn Mỹ hiểu rất kỹ phong cách văn xuôi của Hemingway trong Lý Thuyết Tảng Băng Trôi  (Hemingway’s Iceberg Theory). Xin nhắc lại lý thuyết nầy trước khi đề cập đến chuyện Hemingway nói về chiều kích thứ năm trong văn xuôi…
Hemingway là nhà văn có ý thức sâu sắc về văn phong. Ông suy nghĩ rất nhiều về nghệ thuật viết văn và chưa bao giờ thể hiện duy nhất một cách viết nào lâu dài. Ông cũng tránh bàn thảo hay tranh luận về kỹ thuật viết văn vì cho rằng mang chuyện viết lách ra nói dễ gây xui xẻo cho nhà văn. Nhưng với bản chất nghệ sĩ, ông không thể kềm chế hoàn toàn để không nói về quan điểm của mình. Ông đã viết về khái niệm lược bỏ trong cuốn "The Art of the Short Story": "Bạn có thể lược bỏ bất cứ thứ gì nếu bạn biết rằng phần bị lược bỏ sẽ củng cố câu chuyện và khiến người đọc cảm nhận được điều gì đó nhiều hơn những gì họ hiểu". Bằng cách làm cho cấu trúc của câu chuyện trở nên vô hình, ông tin rằng tác giả sẽ củng cố vững chắc tác phẩm và "chất lượng của một tác phẩm có thể được đánh giá bằng chất lượng của tài liệu mà tác giả đã có ẩn ý không muốn nói ra". Và: “Nếu bạn bỏ qua những điều hoặc sự kiện quan trọng mà bạn biết, câu chuyện sẽ được củng cố. Nếu bạn bỏ đi hoặc bỏ qua điều gì đó vì bạn không biết nó, thì câu chuyện sẽ trở nên vô giá trị”. (If you leave out important things or events that you know about, the story is strengthened. If you leave or skip something because you do not know it, the story will be worthless).Phong cách nầy đã bổ sung thêm tính thẩm mỹ, sử dụng "những câu tuyên bố và những biểu hiện trực tiếp của thế giới hữu hình" với ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu, Hemingway đã trở thành "nhà tạo mẫu văn xuôi có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX" theo nhà viết tiểu sử Meyers…
Tảng băng trôi là một hiện tượng vật lý. Vấn đề của các tảng băng trôi là  luôn có nhiều thứ ẩn bên dưới bề mặt.“Lý thuyết tảng băng trôi của Hemingway” tập trung vào ý tưởng rằng một câu chuyện luôn có nhiều điều hơn những gì người đọc hoặc người xem nhìn thấy.
Hemingway bắt đầu sự nghiệp viết lách của mình với tư cách là một nhà báo được giao nhiệm vụ điều tra tội phạm cho tờ Kansas City Star. Các bài viết của ông phải hoàn toàn dựa trên thực tế, không thêm bất kỳ quan điểm hay diễn giải cá nhân nào, và Hemingway đã mang phong cách tối giản đó vào tác phẩm của mình một cách tự nhiên.Thêm vào đó, khi đọc Rudyard Kipling, Hemingway đã tiếp thu việc rút ngắn văn xuôi càng nhiều càng tốt.Những câu chuyện ông viết thật nhẹ nhàng và hạn chế câu chữ tối đa, thay vì phải nói mọi thứ cho độc giả biết.
Trên bề mặt của lý thuyết tảng bang trôi là mọi thứ mà khán giả nhìn thấy : tường thuật, cốt truyện, đối thoại và hành động. Ẩn dưới bề mặt của lý thuyết nầy, là mọi thứ khác: suy nghĩ, cảm xúc, động cơ, biểu tượng, chủ đề và ẩn ý.
Tuy nhiên, như bất kỳ ai có kiến thức về tảng băng trôi đều biết, chỉ vì nó nằm dưới bề mặt không có nghĩa là nó không có ở đó.
Thật hấp dẫn khi nhồi nhét từng chi tiết vào kịch bản của bạn, nhưng cách viết hay nhất dựa trên ẩn ý được tạo ra bởi những điều chưa được nói ra, tức là những điều có chủ đích không hiện trên trang viết. Khán giả hiện đại không muốn có tất cả thông tin; họ muốn những câu chuyện chứa đầy ẩn ý và sự tinh tế - đó là cách mà ý nghĩa sâu sắc nhất được tạo ra.
Các nhà văn sử dụng “lý thuyết tảng băng trôi của Hemingway” phải chấp nhận ý tưởng rằng họ cần biết nhiều chi tiết về câu chuyện, thế giới và các nhân vật hơn những gì có thể viết ra. Càng bỏ được nhiều thứ ra khỏi trang giấy càng có sức mạnh hơn là mổ xẻ phơi bày chúng ra.
Tóm tắt, Ernest  Hemingway đã cách mạng hóa nền văn học Mỹ với phong cách viết văn ngắn gọn, có tính khai phá. Ông đã làm rất nhiều việc để thay đổi cách viết văn xuôi Anh ngữ. Ông được trao giải Nobel năm 1954 vì “ảnh hưởng của ông đối với phong cách đương đại”. Những gì đặc trưng cho phong cách đó ngày nay được coi là đương nhiên và được đúc kết thành Lý Thuyết Tảng Băng Trôi của Hemingway (Hemingway’s Iceberg Theory). 
Người viết phải phát triển thế giới hiểu biết riêng của mình đến từng chi tiết. Phải động não, viết tự do và sáng tạo từng chi tiết nhỏ nhất của câu chuyện, sau đó áp dụng lý thuyết tảng băng trôi để lược bỏ những gì có thể lược bỏ được.  
Ernest Hemingway (Nguồn: Wikipedia)
Để có thêm những gì mới lạ hơn khi bàn về phong cách Hemingway, chúng tôi (người viết bài nầy) bắt gặp ý tưởng của Hemingway về chiều kích thứ năm.Ông thường nêu quan điểm về phong cách viết văn trong các bức thư ,các cuộc phỏng vấn hoặc đôi khi là những nhận xét bất chợt trong các bài viết hư cấu hoặc phi hư cấu. Một nhận xét như vậy về “chiều kích thứ tư và thứ năm” (fourth and fifth dimension) trong văn xuôi, khác với quan điểm về chiều kích thứ năm trong  năm chiều kích thông thường.
Như chúng ta biết,năm chiều kích thông thường của một câu chuyện trong truyện ngắn hoặc truyện dài là cốt truyện, nhân vật, cách bố trí trình bày câu chuyện, phong cách viết (ngôn ngữ) và thứ năm là chủ đề (trí tuệ nhà văn). Nhận xét của Kreeft (*) về thành công của tác phẩm The Lord of The Rings by J.R.R Tolken (Chúa tể của những chiếc nhẫn) có thể xem là tiêu biểu cho năm chiều kích thông thường của một tác phẩm. Người ta hỏi Kreeft chiều kích nào trong bộ truyện nầy khiến nó trở thành một câu chuyện tuyệt vời như vậy. Ông trả lời:
“Đủ tất cả. Để trở nên vĩ đại, một tác phẩm nghệ thuật phải vĩ đại không chỉ ở một khía cạnh mà ở tất cả, giống như một cơ thể khỏe mạnh cần phải khỏe mạnh ở tất cả các bộ phận, một tâm hồn khỏe mạnh ở tất cả các năng lực (trí tuệ, ý chí và cảm xúc), và một hành động tốt về mặt đạo đức trong tất cả các khía cạnh của nó (hành động, động cơ và hoàn cảnh)”.
Kreeft nói thêm về chiều kích thứ năm:
“Triết học và văn học thuộc về nhau. Chúng có thể hoạt động giống như hai thấu kính của một cặp ống nhòm. Triết học lập luận một cách trừu tượng. Văn học cũng tranh luận - nó thuyết phục người đọc thay đổi suy nghĩ - nhưng một cách cụ thể. Triết học nói ra sự thật, văn học chỉ ra sự thật”
“Chiều kích thứ năm” của Hemingway (Hemingway’s fifth Dimension) xuất phát từ đâu? 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “Hemingway’s Fifth Dimension” xuất phát từ tác phẩm Những ngọn đồi xanh của Châu Phi (Green Hills of Africa by E. Hemingway) do chính ông nói ra. Đây là một tác phẩm phi hư cấu (non-fiction) kể về một tháng, ông và vợ Pauline Marie Pfeiffer, đi săn vào tháng 12 năm 1933. Chúng tôi xin tóm tắt nội dung của Green Hills of Africa vì đây chính là xuất phát điểm của chiều kích nầy.
Phần lớn câu chuyện rong Green Hills of Africa mô tả cuộc phiêu lưu săn bắn của Hemingway ở Đông Phi, xen kẽ với những suy gẫm về văn học và tác giả. Nhìn chung, phong cảnh Đông Phi mà Hemingway mô tả nằm trong vùng Hồ Manyara ở Tanzania. Truyện bắt đầu với phần 1 ("Theo đuổi và Đối thoại" - “Pursuit and Conversation"), Hemingway và một người châu Âu xa xứ trò chuyện về các nhà văn Mỹ. Mối quan hệ giữa những người thợ săn da trắng và những người bản địa hướng dẫn viên, cũng như sự ghen tị của Hemingway với những người thợ săn tài giỏi hơn ông. Trong phần nầy, cuộc gặp Kandisky gây nên một cuộc tranh luận văn học sôi nổi về các nhà văn , và đề cập đến chiều kích thứ tư và thứ năm trong văn xuôi. Phần 2 ("Truy đuổi được ghi nhớ", "Pursuit Remembered") hồi tưởng về cuộc săn bắn ở miền bắc Tanzania, mô tả về Thung lũng Rift , về cách phục trang cho con mồi… Trong khi phần 1 tập trung vào các nhà văn Mỹ và Đức, các cuộc tranh luận trong phần 2 tập trung vào các tác giả châu Âu, như Tolstoy, Flaubert, Stendhal và Dostoevsky. Phần 3 ("Theo đuổi và Thất bại", "Pursuit and Failure") trở lại hiện tại với việc Hemingway không may mắn trong cuộc săn bắn. Phần 4 ("Theo đuổi và Hạnh phúc", "Pursuit and Happiness"), Hemingway và các hướng dẫn viên bản địa đến một vùng đất hoang sơ. Ở đó, ông bắn hạ một con bò tót kudu có cặp sừng khổng lồ (52 inch). Nhưng khi trở về trại, ông thấy Karl hạ một con kudu có sừng còn lớn hơn.Ông có chút ghen tị với sự may mắn của Karl, nhưng những hướng dẫn viên theo ông không để ý đến thái độ ấy         …
Green Hills of Africa được chú trọng đặc biệt vì nó lưu giữ các nhận định, quan điểm của Hemingway về văn học...
Đoạn đối thoại lý thú sau đây giữa Hemingway và Kandisky (2) trong “Green Hills of Africa” cho biết nhận đinh của Hemingway về văn học Mỹ, nhà văn Mỹ và “A Fourth and Fifth Dimension…(3)
“Còn những nhà văn (Mỹ) tài giỏi thì sao?”
“Những nhà văn tài giỏi là Henry James, Stephen Crane và Mark Twain. Đó không phải là thứ tự giá trị. Không có chuyện trên dưới đối với những nhà văn nầy.”
“Mark Twain là một người hài hước.Những người khác tôi không biết”
“Hết thảy nền văn học Mỹ hiện đại đều thoát thai từ một cuốn sách của Mark Twain gọi là Huckleberry Finn. Nếu đọc nó,ngang đoạn Nigger Jim bị đánh cắp khỏi các cậu bé, bạn phải dừng lại.Coi như kết thúc thật sự.Phần còn lại chỉ là lừa mị. Nhưng nó là cuốn sách hay nhất
chúng ta có. Những gì người Mỹ viết đều bắt nguồn từ đó. Trước đó không có gì. Sau đó cũng không có gì hay hơn”
“Còn những người khác?”
“Crane viết được hai câu chuyện hay. Con Thuyền Mở và Khách Sạn Màu Xanh (The Open Boat and The Blue Hotel). Cuốn sau hay hơn” 
“Và chuyện gì đã xẩy ra với ông ta?”
“Ông ấy đã chết. Chuyện thật đơn giản. Ông ấy chết ngay từ đầu”
“Nhưng hai người kia thì sao?”
“Cả hai đều sống đến già nhưng không khôn ngoan hơn chút nào theo thời gian. Tôi không biết họ thật sự muốn gì. Ông bạn thấy đó, chúng ta làm cho các nhà văn (Mỹ) trở thành một thứ gì đó rất lạ”
“Tôi không hiểu”
“Chúng ta hủy hoại họ bằng nhiều cách.Trước hết, về mặt kinh tế. Họ làm ra tiền. Nhà văn kiếm được nhiều tiền chẳng qua là do may rủi, mặc dù những cuốn sách hay sau cùng thường vẫn bán chạy. Sau đó khi đã kiếm được nhiều tiền và tăng mức sống, các nhà văn chúng ta chững lại. Họ phải viết để duy trì cơ sở của họ, lo cho vợ con v.v... hậu quả, họ viết cẩu thả. Xuống dốc không do cố ý mà do nóng vội. Vì họ viết khi không có gì để nói hoặc đã cạn hết ý tưởng. Vì họ còn nhiều tham vọng. Sau đó,một khi đã phản bội chính mình,họ ra sức biện minh, còn người khác thì nhận ra họ càng xuống dốc nhiều hơn. Hoặc nếu không như thế họ đọc các nhà phê bình.Nếu họ tin những nhà phê bình nói họ tuyệt vời, thì họ phải tin những người nầy nói họ đồi bại hay mất tự tin (they are rotten and they lost confidence).Hiện chúng ta có hai nhà văn tài giỏi nhưng không viết được nữa vì họ đã mất niềm tin qua việc đọc các bài phê bình.Nếu họ tiếp tục viết, hay dỡ không biết chừng, có khi hay có khi dỡ.Nhưng những lời chỉ trích khiến họ phải cố viết những kiệt tác. Những kiệt tác mà các nhà phê bình mong muốn. Tất nhiên chúng không phải là kiệt tác. Chỉ là những cuốn sách khá hay.Vì vậy, bây giờ họ không thể viết gì. Các nhà phê bình đã khiến họ bất lực”
“Những nhà văn nầy là ai?”
“Tên tuổi họ không có ý nghĩa gì đối với ông bạn và bây giờ có thể họ đã viết trở lại, nhưng trở nên  sợ hãi và bất lực”
“Nhưng điều gì xẩy ra với các nhà văn Mỹ? Xác định xem”
“Trước kia tôi không ở đây nên không thể kể cho ông bạn nghe về họ, nhưng bây giờ có nhiều thứ khác nhau. Ở một độ tuổi nhất định các nhà văn nam biến thành Mẹ già Hubbard (3). Các nhà văn nữ trở thành Joan of Arc (4) mà không cần chiến đấu…”
Bất ngờ Hemingway đưa ra một nhận xét hấp dẫn nhưng có ý nghĩa :
“Bây giờ là gì?” (Kandisky hỏi)
“Có loại văn bản có thể thực hiện được. Văn xuôi có thể tiến xa nếu bất cứ ai đủ nghiêm túc và gặp may mắn. Có một chiều thứ tư và thứ năm có thể đạt được.(There is a fourth and fifth dimension that can be gotten).
“Anh tin điều đó?”
“Tôi biết rồi”
“Và nếu một nhà văn có thể có được điều nầy?”
“Có được rồi, sau đó không có gì quan trọng.Nó (một chiều kích thứ tư và  thứ năm) quan trọng hơn bất cứ điều gì anh ta có thể làm. Dĩ nhiên nhiều cơ hội anh ta sẽ thất bại. Nhưng có một cơ hội anh ta thành công”
“Nhưng đó là thơ ca anh đang nói đến”
“Không. Nó khó hơn nhiều so với thơ.Nó là loại văn xuôi chưa bao giờ được viết ra. Nhưng có thể viết nó mà không cần phải dùng đến tiểu xảo và lừa mị.Sau đó sẽ không có gì tồi tệ”
“Và tại sao nó không được viết ra?”
“Bởi vì có quá nhiều yếu tố.Đầu tiên phải có tài năng, nhiều tài năng.Tài năng như Kipling mới được.Sau đó phải là kỷ luật. Kỷ luật của Flaubert. Sau nữa là định danh dành cho nó và một lương tâm tuyệt đối không thay đổi  như thước đo tiêu chuẩn ở Paris, để ngăn chặn giả mạo.Muốn được như vậy, nhà văn phải thông minh, không vụ lợi, và trên hết anh ta phải tồn tại.Cố gắng để có được tất cả những điều nầy trong một con người và để anh ta vượt qua tất cả ảnh hưởng tạo áp lực lên nhà văn.Khó nhất là do thời gian quá ngắn,không thể giúp anh ta tồn tại để hoàn thành công việc của mình.Nhưng tôi muốn chúng ta có một nhà văn như vậy và đọc những gì anh ta sẽ viết… Ông bạn nói gì? Chúng ta nên nói về thứ gì khác?”
“Những gì anh nói thật hấp dẫn. Đương nhiên tôi không hoàn toàn đồng ý với mọi thứ…”
“Dĩ nhiên”
Đoạn đối thoại  trong “Green Hills of Africa” trên đây cho biết có một “Hemingway’s Fifth Dimension”
Chú thích:
(1) Peter John Kreeft (sinh năm 1937) là giáo sư triết học nổi tiếng tại Đại học Boston và Đại học The King's College. Ông là tác giả của hơn 80 cuốn sách về triết học, thần học…
(2) Wassily Kandinsky, sinh năm 1866 là một họa sĩ và nhà lý luận nghệ thuật người Nga. Kandinsky được coi là một trong những người tiên phong trong trường phái trừu tượng của nghệ thuật phương Tây.Quan điểm độc đáo của ông về hình thức và chức năng của nghệ thuật: nhấn mạnh đến việc kết hợp các yếu tố thị giác và thính giác. Quan niệm này thể hiện rõ trong các bức tranh của ông với màu sắc, hình khối, đường nét và hình thức sống động truyền tải cảm xúc mà không cần đến đối tượng hay chủ thể cụ thể.Ảnh hưởng của Kandinsky đối với hội họa trừu tượng hiện đại đã tạo ra một phong trào mới, nơi các nghệ sĩ bắt đầu khám phá lý thuyết màu sắc, biểu tượng và tâm linh trong các tác phẩm của họ. Đóng góp lớn của Kandinsky cho lý thuyết nghệ thuật thể hiện trong cuốn “Liên quan đến tâm linh trong nghệ thuật” (Concerning the Spiritual In Art), một văn bản mang tính biểu tượng khám phá mối quan hệ giữa tâm linh và biểu hiện nghệ thuật.
(3) Xem nguyên bản tiếng Anh “Green Hills of Africa”,phần 1 từ trang 25 đến 31 có thể tìm trên mạng.
(4) Bài đồng dao mẫu giáo “Old Mother Hubbard” phổ biến nhất nước Anh, dùng để mua vui cho con trẻ.
(5) Joan of Arc ,tiếng Pháp Jeanne d'Arc (1412-1431) được vinh danh là người bảo vệ nước Pháp vì vai trò của cô trong cuộc bao vây Orléans.Tin rằng mình đang hành động dưới sự hướng dẫn của thần linh, cô trở thành một nhà lãnh đạo quân sự vượt qua vai trò giới tính và được công nhận là vị cứu tinh của nước Pháp.
Những tác phẩm sau đây của E.Hemingway có liên quan đến chiều kích thứ tư và thứ năm:
Death In The Afternoon, Cái Chết Vào Buổi Chiều (1932)
Green Hills of Africa, Những Ngọn Đồi Xanh của Châu Phi (1935)
Across The River and Into The Trees, Vượt Sông và Vô Rừng (1950)
Và sau cùng là The Old Man and the Sea, Ông Già Và Biển Cả: Hemingway viết năm 1951 tại Cayo Blanco (Cuba), và xuất bản năm 1952. Đây là tác phẩm hư cấu lớn cuối cùng, một  trong những cuốn nổi tiếng nhất của ông, kể về câu chuyện của Santiago, một ngư dân Cuba già nua vật lộn với một con cá cờ khổng lồ trong Dòng hải lưu Gulf Stream ngoài khơi Cuba.
Cần biết lý do những nhà phê bình chọn tác phẩm Death In The Afternoon để phân tích chiều kích thứ năm của Hemingway, mặc dù tác phẩm nầy chỉ là bước đầu, tiệm cận với chiều kích nầy. Lý do vì đó là tác phẩm mở đầu một phong cách,, muốn phân tích phải đi từ gốc…
Lưu ý thêm, các tác phẩm về sau mang phong cách chiều kích thứ năm càng hoàn chỉnh theo thời gian và thành công rực rỡ với tác phẩm sau cùng “Ông Già Và Biển Cả”…
Tóm tắt nội dung “Cái Chết vào Buổi Chiều” của Hemingway,…
Ernest Hemingway viết “Death in The Afternoon” như một nghiên cứu cá nhân về môn đấu bò tót ở Tây Ban Nha trong những năm 1920 và 1930. Ông đến TBN vào mùa hè năm 1923 và nhanh chóng tham gia vào thế giới đấu bò .Ông ở cùng khách sạn, ăn cùng nhà hàng, uống rượu cùng quán bar với các matador (võ sĩ đấu bò tót). Ông theo dõi họ khi họ biểu diễn ở các thành phố khác nhau.Sau đó,ông thực hiện các chuyến đi hàng năm đến Pamplona, nơi tổ chức các trận đấu bò liên quan đến lễ hội tôn giáo San Fermín. Pamplona trở thành bối cảnh cho những cảnh cao trào của tác phẩm Mặt trời vẫn mọc (The Sun also rises, 1926). Dựa trên nền tảng này, Hemingway viết “Cái chết vào buổi chiều” để tôn vinh “cuộc đấu bò Tây Ban Nha hiện đại” và giải thích nó “cả về cảm xúc và thực tế” cho khán giả người Mỹ. Hemingway cho rằng độc giả của ông có thể ghê tởm ý tưởng đấu bò tót, nhưng ông muốn họ cho ông cơ hội để chỉ cho họ biết nó là gì trước khi phán xét.
Tuy nhiên, “Cái Chết Vào Buổi Chiều” không chỉ là một cuốn sách về đấu bò. Nó còn là một cuốn tự truyện chứa rất nhiều thông tin cá nhân với  nhiều nhận thức, kinh nghiệm và cách nhìn về cuộc sống. Đọc nó để hiểu thêm về cuộc đời của Hemingway.
Chương 1 bắt đầu với lời tường thuật về trải nghiệm ban đầu của Hemingway về môn đấu bò tót. Ông cho biết lần đầu đến xem các trận đấu là do ảnh hưởng của Gertrude Stein. Thật ra ông không muốn đi khi nghĩ đến cảnh tượng kinh hoàng của những con ngựa bị giết trên võ đài trong trận đấu bò. Nhưng đi vì mục tiêu phục vụ nhu cầu viết lách - đang thử nghiệm cách viết những gì thực sự xảy ra trong hành động; những điều thực tế tạo ra cảm xúc.Với mục tiêu này Hemingway đến Tây Ban Nha để nghiên cứu về các trận đấu, nhưng khi đến ông thấy chúng phức tạp và hấp dẫn nên quan tâm nhiều đến lợi ích của nó.
Phần còn lại của chương 1 là sự kết hợp thú vị giữa tiểu luận và quan sát cá nhân. Về mặt đạo đức của môn đấu bò, ông viết về sự khác biệt giữa những người đồng cảm về mặt tâm lý đối với động vật (cho rằng các trận đấu là man rợ vì bò đực và ngựa thường bị giết) và những người đồng cảm đối với con người (trở nên khó chịu khi đấu sĩ thể hiện kém hoặc bị thương).Về tính thẩm mỹ của môn đấu bò , ông viết về mức độ thưởng thức nghệ thuật đấu bò tăng lên giống như cách một người phát triển khả năng nghe nhạc hoặc khẩu vị nhạy cảm với rượu vang. Chủ đề cơ bản của câu chuyện luôn là đấu bò, nhưng Hemingway còn tham gia vào những chuyện ngoài lề, kể những giai thoại và đưa ra những bình luận dài dòng về các chủ đề khác. Chính cuốn sách về đấu bò nầy đã tạo ra một nhân vật phát triển qua nhiều năm trở thành tiếng nói của “Papa Hemingway”. Trước khi viết “Cái chết vào buổi chiều”, những bức thư ông viết thường có lời xin lỗi về những lời khuyên ông dành cho gia đình và bạn bè, tự gọi mình là một người chú Hà Lan. Đến thời điểm viết “Cái Chết trong buổi chiều”,ông bỏ qua chuyện hối lỗi nầy. Xuyên suốt cuốn sách, giọng điệu của ông là giọng của một người hướng dẫn ân cần, hiểu biết,một người biết nói điều gì tốt nhất cho người đọc.
Khi viết “Cái Chết vào buổi Chiều”,.Hemingway hãy còn trẻ. Sự kiêu ngạo đã khiến nhiều bạn bè của Hemingway phải trả giá sau đó. Có những đoạn đọc lên người ta nghĩ Hemingway giống như một kẻ bắt nạt hơn là một người hướng dẫn tử tế, và ấn tượng tổng thể mà ông tự tạo cho mình là một người đàn ông lớn tuổi và từng trải hơn nhiều. Sự kiêu ngạo này thể hiện rải rác khắp cuốn sách với mức độ cực đoan trong các cuộc tấn công của ông đối với các tác giả khác. Hemingway gợi ý rằng một số nhà văn viết theo cách họ làm vì họ thất vọng về tình dục; nếu họ quan tâm đến vấn đề này, sáng tác của họ sẽ được cải thiện. Cuốn sách chứa đựng những khía cạnh xấu xa về các nhà văn đồng nghiệp như William Faulkner, Aldous Huxley, André Gide và Jean Cocteau. Cuốn sách đã bị các nhà phê bình lên án mạnh mẽ vì sự ác ý này khi nó xuất hiện lần đầu.
Hemingway cũng thể hiện niềm đam mê của mình với những câu đố kỹ thuật trong Cái chết vào buổi chiều. Ông yêu thích bất kỳ loại hoạt động nào liên quan đến việc xử dụng các thiết bị phức tạp. Với môn đấu bò, ông đã có thể khơi dậy niềm đam mê này ở một mức độ cực cao. Cuộc thảo luận của ông về các thiết bị khác nhau và các kỹ thuật được sử dụng trong đấu bò chiếm bốn chương. Hemingway cũng thể hiện kiến thức gần như bách khoa về những con bò đực được lai tạo đặc biệt cho các trận đấu bò. Ông dành bốn chương khác để thảo luận về kích thước, trọng lượng, sức mạnh và thói quen giao phối của những con bò đực.
Một ví dụ khác về tình yêu của Hemingway đối với những câu đố kỹ thuật là loạt phụ lục của cuốn sách. Một phụ lục gồm 64 trang với 81 bức ảnh đen trắng về những con bò đực, đấu sĩ đấu bò, kỹ thuật chiến đấu, và thậm chí cả vết thương do sừng đâm trên chân đấu sĩ. Hemingway chú thích chi tiết, giải thích tầm quan trọng của mỗi bức ảnh. Một phụ lục khác xác định ý nghĩa của hàng trăm thuật ngữ đấu bò Tây Ban Nha, nhưng cũng có các mục kỳ lạ về móc túi và đồng tính luyến ái (sodomites).
Khi Cái Chết Vào Buổi Chiều được xuất bản lần đầu, một số nhà phê bình chê bai Hemingway đã thêm vào cuốn sách những phụ lục không cần thiết. Dĩ nhiên có nhiều phụ lục rất hữu ích cho học viên đấu bò tót, nhưng một số trong đó có lẽ chỉ là phần đệm. Ví dụ, một phụ lục không gì khác hơn là một loạt các ghi chép từ những năm Hemingway ở Paris về phản ứng của bạn bè và các thành viên gia đình ông  khi chứng kiến trận đấu bò đầu tiên của họ.
Một trong những chủ đề chính của cuốn sách là sự suy đồi của môn đấu bò hiện đại, trái ngược với sự thuần khiết của môn đấu bò truyền thống. Sự suy đồi liên quan đến việc đấu sĩ xử dụng mánh khóe để đến gần hơn với con vật (và do đó dẫn đến nguy hiểm và cái chết). Mánh khóe của matador (đấu sĩ) làm cho đám đông người xem có cảm xúc giả tạo vì thực sự anh ta không gặp nguy hiểm lớn.
Vấn đề quan trọng đối với Hemingway, là đấu bò không thực sự là một môn thể thao, vì nó không phải là cuộc thi bình đẳng giữa người và động vật. Sức hút của cuộc chiến là bi kịch. Tỷ lệ matador (đấu sĩ) bị giết là rất nhỏ. Tuy nhiên, đấu sĩ giỏi là khi xông vào con vật với độ chính xác cao để tăng mức nguy hiểm mà không hề hấn gì. Nói cách khác, matador sẽ được ghi công nếu anh ta cố tình làm điều gì đó cực kỳ nguy hiểm. Anh ta sẽ bị sỉ nhục nếu làm điều gì đó nguy hiểm do thiếu hiểu biết hoặc lơ đễnh. Đối với Hemingway, việc một người đàn ông mạo hiểm với cái chết, trong khi cố gắng hết sức để tránh nó, khiến một trận đấu bò trở nên đáng xem.
Hemingway đánh giá matador dựa trên tiêu chuẩn về tính trung thực của họ trong việc liều chết. Ông từng thảo luận về những matador vĩ đại trong quá khứ, chẳng hạn như Joselito và Belmonte, và những matador cùng thời với ông như Sidney Franklin, một người Mỹ đang sống ở Tây Ban Nha bằng nghề đấu bò vào những năm 1930.
Trong Death In The Afternoon, có những đoạn Hemingway muốn gây sốc cho độc giả. Ông dùng hình ảnh để mô tả cảnh những con bò húc nhau trên võ đài và các hoạt động tiếp theo trong bệnh viện. Ông còn dùng một trong những truyện ngắn của mình, “Lịch sử tự nhiên của người khuất bóng” (A Natural History of the Dead) lồng vào ở cuối chương 12. "Cường độ cảm xúc và tinh thần cũng như vẻ đẹp cổ điển thuần khiết có thể được tạo ra bởi một người đàn ông, một con vật và một mảnh vải đỏ tươi quấn trên một cây gậy". Qua Hemingway, đấu bò trở thành một môn nghệ thuật, một vở ba lê được dàn dựng công phu, với những người biểu diễn từ những tay nghiệp dư vụng về đến những bậc thầy của sự duyên dáng và xảo quyệt.
Cái Chết Vào Buổi Chiều là một tác phẩm mô tả thực tế hiện tượng, hoàn toàn phi hư cấu. Hemingway đào sâu vào văn hóa và gốc rễ môn đấu bò cũng như trải nghiệm trực tiếp của chính ông. Chạy đua  với những con bò đực ở Pamplona là điều mà nhiều người như ông  muốn làm để kiểm tra dũng khí của mình. Rõ ràng ,Hemingway sùng kính và yêu mến văn hóa đấu bò. Ông nâng tầm văn hóa nầy ở cả thơ ca lẫn tôn giáo, giải thích nó bằng chính ngôn từ của mình, và vì thế, nó thuộc một trong số những tác phẩm hay nhất  viết về thể thao từng được biết đến. Độc giả còn có thể tìm biết rất nhiều thông tin kỹ thuật về đấu bò . Viết về nghi lễ và truyền thống đấu bò của Tây Ban Nha, ông cho rằng nó chứa đựng sự chiêm nghiệm sâu sắc về bản chất của sự sợ hãi và lòng dũng cảm. Xa hơn, ông cảm nhận một thứ siêu hình học xuất hiện trong môn đấu bò - một hoạt động gần như mang tính tôn giáo, được nghi thức hóa. Ông coi nó tương tự như việc nhà văn tìm kiếm ý nghĩa và bản chất của cuộc sống tức là bản chất của sự sống và cái chết.
Hemingway ngự trị ở đỉnh cao của năng lực sáng tạo và cũng ở đỉnh cao của sự kiêu ngạo. Ông không ngần ngại mô tả những gì mình thích hay không thích.Hình ảnh này không phải lúc nào cũng mang tính tâng bốc. Nó chứa đựng sự vĩ đại xen lẫn nhỏ nhen, kể cả độc ác, nhưng cực kỳ chính xác. Bất cứ ai muốn hiểu Hemingway đều phải đọc Death in theAfternoon…
Chiều kích thứ tư và thứ năm trong “Cái Chết vào Buổi Chiều”.
Nghiên cứu về “Hemingway‘s fifth Dimension”, có các nhận định, quan điểm khác nhau. Frederic I. Carpenter cho biết nhiều nhà phê bình đã phân tích các biểu tượng và ý nghĩa thần thoại trong văn xuôi của Hemingway. Một số người đã cố gắng hình dung ý tưởng của ông khi nói về “chiều thứ tư và thứ năm”. Nhưng hầu hết đều đồng ý rằng cụm từ nầy khá mơ hồ.
Malcolm Cowley đã gọi “chiều thứ năm” là một “hình tượng thần bí hoặc vô nghĩa của lời nói“. Nhưng nghệ thuật của Hemingway luôn tự ý thức, và trong những năm vào nghề ở Paris, ông thường thảo luận về nghệ thuật này với Gertrude Stein - một triết gia được đào tạo bài bản, đồng thời là người ngưỡng mộ lý thuyết của Henri Berson về hai loại “thời gian”. (Henri Berson’s theories of the two kinds of “time”). Hai loại thời gian nầy là thời gian vật lý và thời gian tâm lý. “Chiều kích thứ năm” thuộc về thời gian tâm lý...
Bản in của KIM CƯƠNG ẤN QUÁN (2023)
Jace Gatzemeyer (6) trong “The Hemingway Writing Technique You’ve Never Heard ” (Phong cách Hemingway mà bạn chưa từng nghe đến ) đã viết về chiều kích thứ năm của Hemingway. Phần đầu Jace Gatzemeyer nhắc lại lý thuyết tảng băng trôi, ảnh hưởng của văn phong Hemingway… Rồi lần lượt đi vào những gì Hemingway phát triển về sau.
Theo Jace Gatzemeyer, hành trình tìm kiếm “cái có thật” của Hemingway cần được nhấn mạnh. Đối với Hemingway, khó khăn khi viết liên quan đến việc tiếp cận “sự thật”. Chịu ảnh hưởng của Pound, Hemingway làm việc theo phong cách tưởng tượng (Imagist Style), trình bày những hình ảnh đơn độc, trần trụi bằng văn xuôi sắc nét, rõ ràng mà không cần giải thích. Tuy nhiên, ngoài dự định tưởng tượng về việc trình bày những hình ảnh xác thực, thách thức của Hemingway là tìm ra cách chính xác để cung cấp cho độc giả một tập hợp thực tế các “sự vật” khách quan, những mảnh ghép tạo ra cảm xúc. Nói cách khác, Hemingway đã cố gắng tạo ra trong văn xuôi những điều kiện mà nhờ đó người đọc có thể trải nghiệm và cảm nhận được “sự thật”.
Khó khăn đầu tiên Hemingway nhận ra, là muốn nắm bắt được “sự thật”, thì phải bằng cách nào đó thoát khỏi cách diễn giải và trình bày chủ quan về kinh nghiệm của chính mình khi viết thành tác phẩm.Ông cho rằng, với tư cách là một tác giả, bạn phải tách biệt “những gì bạn cảm thấy” với “những gì thực sự đã xảy ra” để hiểu được “sự thật... đã tạo nên cảm xúc”:
Chúng ta càng khám phá sâu hơn ý định của Hemingway đối với phong cách văn xuôi của ông liên quan đến việc nắm bắt và chuyển tải “cái thực”, thì càng thấy rõ dự tính này vượt qua bao nhiêu đặc điểm “chuẩn mực” chính của “phong cách Hemingway”như chúng ta biết. Để theo đuổi “sự thật” và sự truyền tải không qua trung gian của nó đến người đọc, rõ ràng Hemingway đã làm nhiều việc hơn là chỉ viết văn xuôi ngắn gọn. Hemingway nói rằng “việc viết những câu đơn giản xác thực không  đủ làm cho câu chuyện có những chiều kích mà tôi đang cố gắng đưa vào đó”. Như vậy,chúng ta có thể suy đoán rằng “các chiều” mà Hemingway ám chỉ ở đây có liên quan đến sự thiếu sót trong nội dung  của “lý thuyết tảng băng trôi,” hoặc thậm chí là những cộng hưởng mang tính biểu tượng mà ông đặt vào các vật thể và phong cảnh. Tuy nhiên, trong khi những đặc điểm “kinh điển” này của “phong cách Hemingway” nhất định bổ sung thêm giá trị thông thường, thì chúng cũng không đưa chúng ta đến gần hơn với việc nắm bắt và chuyển giao “sự thật”. Các chiều kích bổ sung mà Hemingway đề cập ở đây tương ứng với “chiều thứ tư và thứ năm có thể đạt được”, một khái niệm được mô tả ngắn gọn và mơ hồ trong Green Hills of Africa như đã dẫn ở trên.
Như vậy, để đạt được các“kích thước” bổ sung, Hemingway cho rằng viết những câu xác thực đơn giản vẫn chưa đủ,mà muốn tạo ra thứ gì đó tốt đẹp hơn, người ta cần phải phá vỡ “toàn bộ sự việc và xây dựng lại những gì thật bền vững... Hemingway đã cố gắng trình bày rõ ràng cách thức ông dự định đạt được mục tiêu này, nhưng vẫn nói một cách mơ hồ về các “kích thước thứ năm của một tác phẩm văn xuôi “chưa bao giờ được viết”. Ông vẫn đang tìm cách nắm bắt cái mà ngày nay chúng ta thường gọi là “ảnh hưởng” trong văn xuôi của ông, tìm cách nắm bắt các phản ứng cơ thể đối với các kích thích khách quan bên ngoài tương tác với nhận thức và sau đó tạo ra cảm xúc.
Hemingway tìm cách thực hiện mục tiêu tạo ra cảm xúc như thế nào? Việc nầy,Philip Young đã mô tả các phương tiện và phương pháp Hemingway tìm cách thực hiện để cho người đọc thấy “điều thực tế” thông qua văn xuôi của ông. Mặc dù Young không tìm được một tập hợp thuật ngữ ổn định để mô tả phương pháp này, nhưng những lời giải thích của Young rất hữu ích trong việc nhấn mạnh điều Hemingway biết cách kích thích giác quan người đọc để tạo ra một số phản ứng vật lý tích cực. Philip Young mô tả “những điều thực tế tạo ra cảm xúc” của Hemingway như sau: “Trong văn xuôi của Hemingway, nhận thức đến trực tiếp với người đọc, không trộn lẫn với bình luận, và quan trọng hơn, không có chủ ý sắp xếp lại hoặc phân tích chúng.” Theo Young, điều nổi bật về phong cách của Hemingway là tự tách mình ra khỏi quá trình chuyển tải “cái có thật” cho độc giả, không những cung cấp cho người đọc những chi tiết khách quan của thế giới bên ngoài mà còn có những kích thích vật lý để gợi ra các phản ứng của cơ thể
Baker, giống như Young, nhấn mạnh quan điểm rằng, để có được “sự vật có thật” và sau đó trao nó cho người đọc, không qua trung gian của ý thức diễn giải, Hemingway trình bày cho người đọc không chỉ một hình ảnh được mô tả khách quan, mà còn trình bày trực tiếp với người đọc bằng các kích thích giác quan vật lý. (Trong Death In The Afternoon, Hemingway đã dành hẳn 81 bức ảnh minh họa cho các cảnh tượng của trận đấu bò với các ghi chú rõ ràng trong hơn 100 trang .Cách dàn dựng tiểu thuyết như vậy khiến  một số nhà phê bình tỏ ra khó chịu lúc tác phẩm mới ra mắt,nhưng họ không hiểu mục đích của Hemingway)
Tóm tắt,Hemingway muốn đưa trực tiếp những điều kiện khách quan, vật chất của thế giới bên ngoài đến với người đọc, đặc biệt là cung cấp những kích thích cảm giác vật chất nhất định, nhằm giúp người đọc tạo ra cảm giác của riêng mình..Đây chính xác là cách Hemingway xác định “làm cho người đọc tin rằng những điều đó cũng đã xảy ra với anh ta”. Đó là mục đích tạo ra chiều kích bổ sung theo quan điểm của Jace Gatzemeyer.
Sanjay Kumar, giáo sư chuyên ngành tiếng Anh Đại Học Varanasi (Ấn Độ), một học giả ngưỡng mộ Hemingway, đã có một nghiên cứu công phu về “Chiều Kích Thứ Tư và Thứ Năm” trong tác phẩm Death In The Afternoon trên trang mạng CRITERON. Đây là bài viết đáng chú ý nhất bàn về đề tài nầy.
Trước hết, Sanjay Kumar cố gắng làm rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của cụm từ “Chiều kích thứ tư và thứ năm” trong văn xuôi Hemingway thông qua việc phân tích tác phẩm Death In The Afternoon. S. Kumar nhắc lại cuộc trò chuyện tình cờ của Hemingway với Kandinsky trong Green Hills of Africa (1935), Hemingway đưa ra một nhận xét hấp dẫn nhưng có ý nghĩa: “Có loại văn bản có thể thực hiện được. Văn xuôi có thể tiến xa nếu bất cứ ai đủ nghiêm túc và gặp may mắn. Có một chiều thứ tư và thứ năm có thể đạt được”. Bản thân Hemingway không giãi thích cụm từ nầy, chỉ nói thêm: “Nó khó hơn nhiều so với thơ.Nó là loại văn xuôi chưa bao giờ được viết ra. Nhưng có thể viết nó mà không cần phải dùng đến tiểu xảo và lừa mị.Sau đó sẽ không có điều gì tồi tệ ”Trong cụm từ nầy, chỉ có “chiều kích thứ năm” mới tạo  nhiều quan điểm khác nhau. Với chiều kích thứ tư dường như có sự nhất trí giữa các nhà phê bình.Joseph Warren Beach gợi ý chiều thứ tư phụ thuộc  và liên quan đến “yếu tố thẩm mỹ”khi nhân vật chính tham gia vào một số “nghi thức hoặc chiến lược” (ritual or strategy) truyền thống. Malcolm Cowley cũng có quan điểm tương tự, xem chiều thứ tư của thời gian liên quan đến việc thực hiện gần như liên tục các nghi thức và nghi lễ dẫn đến các mô hình kinh nghiệm của con người được lập đi lập lại.
Để đạt được chiều kích thứ tư một cách bền vững, cần phải tăng cường triệt để kinh nghiệm, như Carpenter nói: “Cảm giác về thời gian ở chiều thứ tư thường đạt được bằng cách mô tả chi tiết về các mô hình kinh nghiệm đã kết tinh trong các nghi thức, nghi lễ ,truyền thống, thói quen hành động hoặc quy tắc ứng xử”. Đấu bò tót là một trong những mô hình kinh nghiệm được nghi thức hóa như vậy. Đó là một nghi lễ được sắp xếp hợp lý mà Hemingway gọi là bi kịch liên quan đến cái chết của bò tót và mối nguy hiểm lớn mà đấu sĩ (matador) phải đối mặt trên võ đài. Trận đấu bò không chỉ liên quan trực tiếp đến matador và con bò, mà đến cả hàng trăm hàng ngàn người vô danh trong các vòng tròn mở rộng dần dần… Âm vang của chúng bao gồm gần như cả một quốc gia và một nền văn hóa trải dài hàng thế kỷ trong quá khứ. Đấu bò tót trở thành biểu tượng của dân tộc và văn hóa Tây Ban Nha. Cấu trúc tổng thể của một trận đấu bò mang tính chất của một nghi lề. Mỗi giai đoạn của hành động được thần thánh hóa bởi truyền thống và văn hóa lâu đời. Khi các chi tiết của nghi lễ nầy được kích hoạt, môn thể thao đấu bò nhắc đến các mô hình kinh nghiệm được lập lập lại của con người. Đó là cách Hemingway đạt được chiều thứ tư của cảm giác thời gian.
Với chiều kích thứ năm, Beach cho rằng đó có thể là một “yếu tố đạo đức”. Với Carpenter, văn xuối chiều thứ năm là một nỗ lực của Hemingway nhằm truyền đạt kinh nghiệm của hiện tại vĩnh cửu - the perpetual now (7). Với ý nghĩa nầy, chiều kích thứ năm là một chuyển động trong vòng tròn, tức là một lập lại, một tái diễn. Nó tăng cường trải nghiệm, tạo ra một trạng thái ngây ngất và hạnh phúc vượt qua giới hạn của thời gian và của bản thân. Chiều kích  thứ năm như vậy, nhuốm màu thần bí và có thể thực hiện được bằng cách dịch chuyển thời gian và tăng cường cảm giác trong ý thức con người!
“Cường độ chiều kích thứ năm của trải nghiệm vượt thời gian có thể đến từ một ý thức sâu sắc về việc tham gia vào những mô hình kinh nghiệm sống truyền thống”. (Carpenter) Đối với Hemingway, đấu bò được coi là một mô hình thu nhỏ của cuộc đấu tranh của con người với những thế lực tàn bạo của tự nhiên. Đó là những thế lực tử thần không hề mơ hồ và vô vị, được tạo hình cụ thể dưới dạng một con bò tót và những yêu cầu khắt khe của cuộc đấu. Matador đến càng gần đối thủ càng khiêu khích nguy hiểm chết người nhưng kiểm soát được mối nguy đó để thể hiện sự thống trị hoàn toàn đối thủ, xứng đáng được gọi là đấu sĩ giỏi. Đấu sĩ giỏi luôn luôn mang lại cảm xúc cho người xem và cuối cùng, khi đã cải thiện phong cách của mình, anh ta trở thành một nghệ sĩ. Hemingway nắm bắt ý nghĩa nầy và chuyển tải vào tác phẩm Death In The Afternoon .Nhà văn nào có khả năng nắm bắt và miêu tả cuộc sống trong tất cả khía cạnh phức tạp của nó được xem như có phong cách của chiều kích thứ năm. Hemingway thực hiện điều nầy trong tác phẩm phi hư cấu Death In The Afternoon,ngoài việc mô tả toàn diện về môn đấu bò, còn là cách nắm bắt được kịch tính của những khoảnh khắc cao trào mãnh liệt mang đến cho người đọc cảm giác về sự sống và cái chết…
“Lúc đó tôi cố gắng viết và thấy khó khăn lớn nhất, ngoài việc biết bạn thực sự cảm thấy gì, thay vì những gì bạn phải cảm thấy, là viết những gì xảy ra trong thực tế hành động; những điều thực sự đã tạo ra cảm xúc mà bạn đã trải qua…” (E. Hemingway: Death In The Afternoon)
Để thực hiện “nghệ thuật nắm bắt những cảm xúc chân thực”, Hemingway phải mất  5 năm nỗ lực  rèn luyện để  hoàn thiện kỷ  năng viết. Sau đó ông mới bắt đầu “có được sự thật ,chuỗi hành động và sự kiện tạo nên cảm xúc và sẽ có giá trị trong một năm,mười năm hoặc, nếu may mắn và nếu bạn nói đúng sự thật thì sẽ là mãi mãi”.
Kết luận, Frank DEMARCO dẫn lời Hemingway nói về chiều kích thứ tư và thứ năm trong hai tác phẩm của ông như sau:
(Về Chiều kích thứ tư)
“Được rồi… Bạn có thể nêu quan điểm theo thời gian,hoặc quan điểm vượt ra ngoài quan điểm, hoặc quan điểm tổng thể, hoặc quan điểm thực tế mà không làm biến dạng quan điểm. Bây giờ bạn có thể thấy rằng để viết  theo phong cách vượt ra ngoài quan điểm  như vậy là rất khó, vì không chỉ đòi hỏi kỹ năng và sự may mắn của người viết mà còn cả giả định, kỹ năng và sự chú ý của người đọc. Kể cả may mắn nữa, vì người đọc phải ở trong không gian tinh thần thích hợp (right mental space) mới có thể hiểu được.
Đó là những gì tôi đã cố gắng đạt được trong Across The River and Into The Trees(8). Tôi kể câu chuyện dường như từ trong đầu của Đại tá Cantwell, nhưng không chính xác. Trong tâm trí của ông ta - cơ chế phi vật lý mà tất cả chúng ta đang sống, như bạn nhận thấy - ông ta chuyển dịch qua các yếu tố quá khứ của mình, cả những gì bản thân ông ấy trải nghiệm hoặc trải nghiệm gián tiếp qua đọc sách, hoặc từ các hướng dẫn khác. Tôi tin rằng tôi đã đạt được chiều không gian thứ tư  và thật đáng thất vọng khi nó không được công nhận - tất nhiên là vì Renata” (tình nhân bé gỏng của Cantwell)”
(Về Chiều kích Thứ Năm)
“Bây giờ đây là một cái gì đó không ai nhìn thấy. Tôi đã đạt được chiều không gian thứ năm với Santiago (9), người nằm mơ thấy những con sư tử ở phần cuối. Tuy nhiên, tôi đã đạt được điều đó không phải ở phần cuối, mà là xuyên suốt, bởi vì khi kể lại cẩn thận từng khoảnh khắc hành động, suy nghĩ hoặc từng khoảnh khắc ký ức hoặc cảm xúc của Santiago, tôi đã ở rất gần với hiện tại, cảm động đến nỗi chúng ta vượt thời gian đến vô tận. Bạn có nghĩ rằng có một cảm giác kỳ lạ xung quanh câu chuyện đến từ đâu không?
Nó không được kể lại từ quan điểm của Santiago, hoặc từ quan điểm của Manolin. Nó có thể được cho là do Chúa kể lại, hoặc những người ở một cảnh giới bên trên, hoặc một phần của ông già Noel sống bên ngoài thời gian và không gian. Đó là cuộc sống của chúng tôi được mô tả không phải từ bên trong nó cũng không phải từ bên ngoài.
Vâng, đó chính là câu chuyện - ông già phấn đấu, chiến thắng, thua cuộc và giữ lại chính mình. Có ảnh hưởng đến cậu bé. Nhưng vượt trên tất cả đó là vùng tranh tối tranh sáng kỳ lạ mà mọi người cảm thấy nhưng không hiểu lắm, và điều này là do bối cảnh câu chuyện nói với chúng ta về những điều bên ngoài câu chuyện.
Tôi không thể thực hiện  câu chuyện theo yêu cầu. Nó đến như một món quà, và tôi đã chuyển tặng món quà đó. Những ai nghĩ rằng nó đơn giản hoặc đầu óc nông cạn chỉ nhìn thấy một nửa họ sẽ không thể cảm nhận được sự hiện diện của chiều bổ sung đó (chiều kích thứ năm).
Đó là một nghịch lý kỳ lạ, phải không? Để vượt qua thời gian, có một cách là ngồi ở rìa của đường chuyển động. Cũng có nhiều cách khác - Tolstoy đã làm điều đó trên quy mô khổng lồ - nhưng cách này là của tôi”.
Nếu vẫn còn mơ hồ về chiều kích thứ năm trong văn phong Hemingway, điều đó chẳng có gì khó hiểu, vì cuộc hành trình của nó vẫn: “Khó nhất là do đời người quá ngắn,không thể giúp anh ta tồn tại để hoàn thành công việc của mình”
Cuối cùng, Hemingway cho ta cảm nhận được,trí tuệ càng sâu càng tiến vào lãnh vực tâm linh vô hình. Lời ông nói về Chiều kích Thứ Năm trong The Old Man The Sea (Nó có thể được cho là do Chúa kể lại, hoặc những người ở một cảnh giới bên trên, hoặc một phần của ông già Noel sống bên ngoài thời gian và không gian. Đó là cuộc sống của chúng tôi được mô tả không phải từ bên trong nó cũng không phải từ bên ngoài), khiến chúng tôi liên tưởng đến 32 cảnh giới trong Vi Diệu Pháp của Phật Giáo…
Chú thích:
(6) Jace Gatzemeyer là một nhà văn và cựu giảng viên đại học với bằng tiến sĩ tiếng Anh.
(7) The Perpetual Now (hiện tại vĩnh cửu)là một thuật ngữ được dùng theo ý nghĩa xem câu chuyện như một quá trình phản ánh đang diễn ra kể cả những ký ức. Giã Từ Vũ Khí là một mô tả của hiện tại vĩnh cửu, vì nó là “một tác phẩm hướng nội, một câu chuyện về ý thức đang hình thành,” chứ không phải là câu chuyện tình yêu/chiến tranh như  người khác nghĩ.
Michael D. Lemonick dùng thuật ngữ The Perpetual Now làm tiêu đề cho cuốn sách của ông để kể một một câu chuyện về mất đam mê, kỷ niệm và tình yêu (a story of amnesia, memory, and love). Nhân vật Lonni Sue Johnson sống trong một "hiện tại vĩnh cửu", hầu như không có ký ức về quá khứ và gần như hoàn toàn không có khả năng hình thành những ký ức mới.
(8) Tiêu đề “Across The River and Into The Trees” (Vượt Sông và Vô Rừng) xuất phát từ tuyên bố cuối cùng của vị tướng trong Nội chiến Hoa Kỳ, Thomas J. (Stonewall) Jackson: “Chúng ta hãy băng qua sông và nghỉ ngơi dưới bóng cây.” Câu chuyện chính của truyện nầy tập trung vào mối tình lãng man của hai nhân vật chính là lão đại tá Richard Cantwell và tiểu thư Renata, một nữ bá tước. Sau ba ngày ở Venice để thưởng thức đồ ăn thức uống và làm tình với Renata, Cantwell đã trích dẫn những lời cuối cùng của Stonewall Jackson và báo trước cái chết của mình. Sau đó, ông xuống băng ghế sau xe và chết vì đau tim…
(9) Nhân vật Santiago trong Ông Già và Biển Cả của Hemingway.

19/5/2023
Phan Tấn Uẩn
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...