Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Con chuột không hang

Con chuột không hang

Không bao giờ tôi muốn nhớ lại cái ngày đầu tiên tôi theo mẹ cầm cây chổi cán dài ra chợ. Trời tối sập, đổ mưa, người bán kẻ mua chỉ còn lác đác, mẹ tôi buông dao xuống rổ khoai gọt dở, bảo: "Ði, con". Ðó là lần duy nhất trong đời người mẹ lạnh lùng và nhiều đau khổ của tôi nhẹ nhàng tròng vào cổ tôi mảnh áo mưa và đội lên đầu tôi chiếc nón mê đã được viền lại bằng mảnh vải quần cũ.
Tôi chưa bao giờ được đến trường, chẳng ai cố công nhét vào đầu tôi những điều xa lạ, cao siêu trong các trang sách, nên bao chuyện xảy ra hàng ngày quanh cuộc sống của tôi, dù chỉ lướt thoáng qua, nghe lõm bõm và không hề để tâm ghi nhớ, vẫn cứ bám chặt lấy cái đầu bé xíu nhưng quá sức rộng rãi của tôi.
Cả một khu chợ rộng lớn và dơ bẩn được giao cho chỉ mình mẹ tôi quét dọn. Mẹ đẩy thùng xe rác đi trước, tôi vác cây chổi dài chạy sau, vừa buồn rầu vừa hăm hở với ngày làm việc đầu tiên của mình.
Những đống rau quả già héo và thối rữa nằm lổn nhổn la liệt nơi chợ trời sau một ngày mua bán của hàng chục nghìn người. Tôi đứng mấp mé đầu cán chổi, chân chổi dài hơn chân tôi. Tôi quét thật lực, chốc chốc dừng tay trước một củ khoai lang hay miếng bí còn chưa hỏng hết, nhặt lấy bỏ vào chiếc bị cói đeo bên hông. Tôi nhặt cả một ít lá hành, ngò và rau răm héo, những thứ mà trước đây mẹ tôi chẳng bao giờ đem về. Mẹ nấu ăn không cần đến gia vị và rau thơm, nhưng tôi sẽ rất lấy làm hả hê nếu được bưng lên một tô canh nóng, ghé sát mũi và hít lấy hít để mùi thơm nồng nàn của những vòng hành lá xắt nhỏ và nhúm rau răm tỏa hơi cay ấm. Tôi rất thích và nhạy với những mùi thơm. Trên những lối mòn thường đi tha thẩn lúc còn bé xíu, tôi luôn dừng lại và dí sát mũi vào những bông hoa bên đường. Tôi còn tỉa lấy một vài cánh đẹp cho vào miệng và ăn thật khẽ. Ngửi một mùi hương với tôi chưa đủ, tôi còn muốn ăn mùi hương đó và nuốt từ từ cho nó trôi vào bụng. Nên có lần tôi chạy về mẹ với cái mũi đỏ ửng, sưng phồng và chiếc lưỡi bỏng rộp. Sau năm lằn roi vào đít, mẹ nói rõ cho tôi biết, dù mọi bông hoa đều thơm và sặc sỡ nhưng nhiều loại trong số đó có chất độc. Với mẹ con tôi, hai cái mũi suốt ngày đêm hít thở mùi hôi hám và tanh tưởi của những đống rác chợ, thì hương hoa chả có ích gì cả. Tốt nhất là khép chặt hai cánh mũi lại, đến không ngửi thấy mùi gì nữa thì chẳng còn gì hay hơn.Tôi biết đó là ước ao không phải lớn nhất nhưng thường trực nhất của đời mẹ, ước ao hằng ngày cho đến giờ bà nằm xuống...
Tôi không ân hận nhiều vì có một vài điều tôi không nghe lời mẹ, ví dụ như ngửi những bông hoa hay mở rộng cánh mũi trước bát canh nóng nghi ngút có hành ngò.
Trở lại ngày làm việc đầu tiên. Vì chân chổi dài hơn chân tôi nên tôi vấp phải đám lua tua đó trong khi đang ủn những nhát chổi nặng những rác, ngã đập mông xuống một quả bí ngô thối rữa. Khi tôi chống tay đứng lên, sau mông tôi ướt nhe nhép, vàng hươi bí đỏ. Sau tất cả những việc đó, tôi không dám kêu lên một tiếng với mẹ mà buông chổi, chạy một mạch ra vệ cỏ bên đường, ngồi ệp xuống và lết đi một quãng dài, để lại sau lưng đám cỏ giập nát, cõng nặng oằn mình lớp bí đỏ vàng hươi bốc mùi nhức mũi, vẫn ướt loét nhoét và dính bết vào mông, tôi chạy một mạch nữa xuống con suối gần đó, đứng chống tay nơi hai đầu gối, nhúng mông xuống dòng nước chảy. Cúi mặt, cong lưng nhìn ra sau theo dòng nước, tôi bật cười hi hi với ý nghĩ, giống như mình đang pha màu vào dòng nước suối. Khi tôi lướt thướt chạy về chợ, cả hai vạt áo còn nhỏ giọt loi thoi, mẹ nắm hai tai và kéo bổng tôi lên, ném vào thùng xe rác. Năm ấy tôi chỉ nặng độ mười lăm ký lô, nhẹ hơn cả một trái bí ngô to các bà ở chợ vẫn xẻ bán mấy ngày mới hết.
Ngày thứ hai theo mẹ quét chợ, khi tôi ngửa cổ hắt từng xẻng rác vào thùng xe thì hai cổ tay mỏi nhừ, run run buông xuôi chiếc xẻng. Nguyên đống rác đổ xóa vào mặt và một con cá ươn rơi tõm vào hai hàm răng đang há hốc của tôi. Tôi cắm mặt xuống đất, móc họng nôn cạn ruột mà chưa ọe được con cá chết ra. Mẹ tôi đi lại, trở sống tay chặt mạnh một cái vào vai. Con cá văng tọt ra ngoài. Ngồi thỏ lỏ mắt nhìn, tôi nôn thêm một lúc nữa, đổ ra toàn mật vàng.
Ngày thứ ba..., ngày thứ tư... ngày thứ năm... Mỗi ngày đều có nhiều chuyện cho tôi nhớ và sợ hãi.
Tôi ở chợ, nhưng không khôn lanh như con thiên hạ mà hơi ngơ ngẩn, nhìn vào đâu mắt đều mở to và nhìn lâu không dứt. Nhờ vậy mà bớt buồn khổ vì hoàn cảnh của mình. Nhưng đến năm mười lăm tuổi tôi vẫn bị cạn hết nước mắt, không còn một giọt. Trở về sau nếu buồn khổ quá cũng chỉ khóc khô, mắt rát như bị cát bay.
Mười sáu tuổi tôi bị mẹ đánh và mắng mỗi ngày. Tôi muốn bỏ túp lều nơi góc chợ - chỗ trú ngụ của hai mẹ con từ ngày tôi còn là cái bào thai - đi đâu thật xa. Nhưng gom nhóp mãi mới được một nhín tiền, rồi bị một chuỗi hạt nhựa tròn nhẵn, sáng lóng lánh mê hoặc nên dốc hết số tiền đó ra mà mua lấy, đeo vào cổ. Từ đấy tôi cảm thấy ngấn cổ là nơi đẹp đẽ nhất trên cơ thể mình và quên luôn ý định để lại một mình bà mẹ chưa già nhưng suốt ngày than trách số phận và chửi rủa con gái vì lỗi lầm của mình và sự tệ bạc của một người đàn ông đi hoang vô định. Lúc nhỏ, trong một trận đòn, đang khóc tu tu đột nhiên tôi nín bặt, nhìn mẹ lom lom với mớ tóc rối, áo quần nhàu nhĩ và cây chổi lông gà rách tướp trên tay, tôi sửng sốt kêu lên: ‘"Mẹ, trông mẹ giống hệt như một con quạ đen!". Mẹ tôi vứt cây chổi, ngã xuống nằm bẹp tai suốt bảy ngày, tôi phải đẩy xe đi quét rác một mình đến tối khuya mới được nửa chợ. Sáng tinh sương trở dậy quét được nửa chợ nữa, chưa đến cửa lều nhà mình thì hai tay không còn đưa nổi cây chổi. Từ đó, tôi không bao giờ bảo mẹ giống với bất kỳ điều gì, dù mỗi ngày hình ảnh mẹ có thể gợi cho tôi hàng chục liên tưởng khác nhau.
Mười sáu tuổi, tôi bị mẹ đánh và mắng mỗi ngày. Mẹ muốn tôi lấy gã con trai bẩn thỉu, có bàn chân to nặng và luôn ngái ngủ làm bốc vác ở chợ, tối tối leo lên nằm ngáy ồ ồ ở sạp chuối bà Hường. Ngoài cái tên Thổ Nghệ của hắn ra, còn nữa mọi thứ ở hắn đều làm tôi nhăn mũi. Dù tôi chưa lưu tâm gì đến bọn con trai đầy nhong nhóc ngoài chợ bằng một bông hoa có mùi hương và màu sắc mọc bên đường, nhưng mẹ vẫn cứ ráo riết và cấp tập kiếm chồng cho tôi. Mẹ nói mãi về đàn bà, về sự yếu đuối, cám dỗ, cạm bẫy và sa ngã. Tôi cứ ngồi nghe như bị thôi miên, càng nghe càng mù mịt không tìm thấy lối ra giữa đống kiến thức xa lạ, chả liên quan gì đến một bà già khô đét và đứa con gái chưa hết run sợ về lần chảy máu đầu tiên trong đời.
- Mày không chịu lấy thằng Thổ Nghệ, mày không chịu lấy thằng Bá Hùng, mày cũng không ưa thằng Tí Ngọ. Mày muốn lêu lổng cho đến bao giờ? Mày muốn đời mày ra khốn nạn như mẹ mày phải không?
- Không, không phải. Những thằng con trai đó không xứng đáng với con.
Miệng mẹ tôi há hốc.
- Thế mày nghĩ ở khu chợ này, mày xứng đáng với ai?
- Con không tin hễ là con của bà quét chợ thì chỉ xứng lấy chuột làm chồng.
- Nhưng mày cũng là chuột. Một con chuột không hang! - Mẹ giận dữ la lên.
Tôi kéo chăn trùm kín mặt, dù biết ngay sau đó mẹ sẽ lôi tuột mảnh chăn đi, trở cán chổi lông gà quất mạnh vào người tôi và nhắc nhở: "Mày đừng quên mày là một con chuột không hang".
Một ngày có nắng, ông lão ăn mày lạ đi ngang và ngồi xuống ở một góc chợ, để ngửa chiếc mũ rách bẩn dưới tầm mắt mình. Chiều tối vãn người, tôi đẩy xe rác ra, đưa cho ông những mẩu khoai nhiều vết dao cắt gọt đi chỗ sùng hà hư thối, còn bốc hơi nóng. Ông ăn xong, nhìn tôi chăm chú rồi nói như tặng lại tôi một món quà: "Con đừng buồn. Dáng vẻ của con không bần hàn như hoàn cảnh của con". Ông hỏi tên tôi rồi giận dữ đi về phía mẹ đang quét rác ở khu chợ cá, nắm lấy cán chổi của bà, la lớn bất ngờ: "Mụ này, sao mụ lại dám đem cái tai ách của mụ để choàng vào cuộc đời của con bé ấy?". Mẹ tôi buông chổi nhảy xổ vào đánh ông lão ăn mày. Tôi muốn can nhưng trong đám bụi vẩn mịt mù, hai người đã bấu lấy nhau thành một khối chuyển động kỳ quái không ngừng, làm tôi chẳng còn biết đâu mà gỡ. Và khi ông lão người đầy vết cào xước đã bị mẹ tôi lẳng vào vũng nước tanh, nằm rên hờ hờ thì mẹ tôi búi lại tóc, xong ngồi sụm xuống khóc ồ ồ. Từ đó bà gọi tôi bằng một cái tên mới.
Bằng nghề ăn mày, ông lão đã đi khắp nơi, khắp hang cùng ngõ hẻm của nước Việt và cái chợ của mẹ con tôi là nơi cuối cùng ông đặt chân tới. "Từ đây lão sẽ về quê, đào cho mình một cái lỗ và nằm xuống đó, không bao giờ đi thêm một bước nào nữa. Lão ước được bàn tay một cô bé như con lấp đất xuống cho lão". Vì câu nói của ông lão mà lần đầu tiên trong đời, tôi thả rơi cây chổi, hướng đôi bàn tay về phía có ánh sáng, ngắm nhìn trân trối. Tôi nhìn mười ngón tay, từng ngón một, từng đốt tay một. Lật lại, tôi đưa đầu ngón trỏ rê nhẹ và chậm trong lòng bàn tay kia, thấy gập ghềnh và gồ lên những cục chai, với những con đường nhỏ rằng rịt, ẩn sâu, đỏ hồng.
- Ðôi bàn tay con có gì khác biệt?
Xòe hai bàn tay như hai chiếc lá hình răng cưa mở rộng hết cỡ trước mặt ông lão, ông nhắm mắt không nhìn, chỉ nói:
- Vì nó thuộc về con.
"Cần phải đến già mới hiểu được lời của một người già". Tôi có tật xấu nói lên thành tiếng những ý nghĩ của mình, nếu trước đó không tự ra lệnh: "Không được nói. Im đi. Im đi". Ông lão nghe thấy, cười ha ha, để lộ dăm ba chiếc răng còn lại, dài như răng ngựa va nhau lung lay như cùng nghiêng ngả trong một trận cười. Rồi ông lão moi, moi mãi trong cái bị của mình, lôi ra một bọc gói nhiều lớp giấy báo và giẻ rách, đưa cho tôi:
- Giữ lấy, con.
Ông ăn mày đã đặt vào tay tôi quyển vở, cây bút và cuốn sách vỡ lòng trước khi ông lặng lẽ rời khỏi chợ, không một con mắt nào được chứng kiến. Tôi biết ông về quê mình, tự đào một cái hố và nằm xuống đó, không bao giờ đi thêm một bước nào nữa, sau ròng rã tháng năm in dấu bàn chân dọc ngang hẻm hóc. Tôi ở lại băn khoăn: Vì sao ông mong ước được bàn tay phả đất lên người là bàn tay tôi, mà không tìm cách cho điều ấy thành hiện thực?
Như tôi đã một lần nói, tôi chưa bao giờ được đến trường, nhưng tôi đã có thể đọc hết những gì mình muốn đọc và viết chính xác những gì mình muốn nói, nhờ vào những thứ ông lão ăn mày đặt vào bàn tay mình. Nhờ biết chữ, mà tôi đã có nước mắt trở lại, vào tối ngồi thu lu dưới ánh đèn chợ, bập bõm đánh vần tờ giấy rối rít chữ ông lão cho tôi. Và nhờ vào cái bọc gói nhiều lớp giấy cùng giẻ rách ông lão đưa cho với lời trao gửi: "Giữ lấy, con. Dùng thật có ích". Tôi và mẹ đã thoát khỏi cuộc sống bần hàn, cái cuộc sống có quá nhiều thứ chúng tôi cần đến mà không thể có.
Bằng nỗi thúc đẩy của sự ăn năn, ông đã khập khiễng đi tìm mẹ con tôi trên khắp mọi nẻo đường. Và bằng lòng oán hận, mẹ đánh bật ông ra khỏi cuộc đời của mẹ và tôi. Nhưng ông không buồn vì ông đã viết: "Ta chết nhẹ nhàng vì đã biết, trong tâm hồn con không một nỗi oán hận, thù ghét mảy may. Và vì vậy, không như chúng ta, chắc chắn cuộc đời con là rất tốt".
Hơn cả những gì cụ thể ông lão để lại cho tôi, ông khiến tôi tin chắc rằng mình không phải là một con chuột, càng không phải là một con chuột không hang. Và may mắn thay, mẹ tôi cũng bắt đầu nghĩ đúng như tôi vậy.
Hải Miên
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...