Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Chiếc nhẫn

Chiếc nhẫn

Nói chung, Trấn có vẻ khi dễ mọi việc làm của tôi. Khi nghe tin tôi sắp đi Tây nguyên đóng phim, Trấn nói, bỏ đi. Bỏ đi thì không khó.
Nhưng ở lại Sài Gòn lúc này để làm gì? Lại nghe họ tộc trách móc tui bay giỡn mặt vừa thôi, thiệp cưới tung đi khắp nơi lại đi thu hồi. Lại nghe má ngồi thở dài chẳng thiết nói năng mỗi khi tôi chường mặt về nhà. Lại cảm giác hao đi cái tình yêu gì mà như một cách hủy hoại nhau giữa Trấn và tôi.
Thế là tôi đi, như tự thưởng mình một chút giải lao ngắn giữa bao bộn bề công việc cuối năm. Khi máy bay hạ cách, ngó sơn cúc xưa vàng ngát từng vạt tôi nhẹ bớt nỗi lo những ngày tới phải hòa nhập trên ba mươi con người chưa quen biết. Ngay cả đạo diễn phim, quay phim và chủ nhiệm phim cũng chỉ biết tối qua mấy tấm hình và vài câu trao đổi trên điện thoại. Đoàn làm phim cùng ở trong một khách sạn quân đội cách thị trấn hơn 10 cây số. Cần kiếm ngay một chiếc xe thồ hay một trạm điện thoại công cộng, có khi phải đi bộ đến vài cây. Suốt một tuần rảnh rang, gọi về cho Trấn đủ các giờ chẳng bao giờ gặp. Phố chợ nhỏ, kêu xe ôm đi vài vòng đã hết.
Trước khi tôi lên đây, một người bạn nói cứ đi gặp Ạ, kiếm X. sẽ được giới thiệu những chỗ đi chơi. Gọi điện thoại mấy lần, nghe hai bà vợ diễn tả hai ông chồng có vẻ như không còn thì giờ để thở, nên những ngày vô cùng thong thả ở đây, bạn đồng hành dến các thác, suối với tôi chỉ là những chú xe thồ. Chuyên đề trao đổi giữa chúng tôi thường là về những vụ án và cách phá án mới nhất vừa được đăng trên báo Công An thành phố, như là một cách tạo lòng tin cho nhau giữa hai người khác phái chưa quen nhau bao giờ, cùng đưa nhau đến những nơi vắng vẻ hoang vụ Anh nào cũng khẳng định: xe thồ chưa giết ai bao giờ mà chỉ bị giết để giựt xe thôi, mới có mấy vụ gần đây nè, ở Biển Hồ, ở khu sân bay cũ, ở Bàu Cạn, Đức Cơ.
Những con suối lũng hồ hoang sơ thì đẹp mê hồn, với tôi. Nhất là khi tôi được đến trong những khoảnh khắc chẳng có khách vãng lai nào chịu tới. Có những lúc mất dấu đường mòn, lách vào lau sậy mà đi, cỏ quều rát mặt... Đi đâu rồi tôi cũng dặn tạt về điểm quay trước khi mặt trời lặn. Mỗi lúc đó, chú T. quay phim thường bắt tôi khoác áo, choàng khăn đi lẩn thẩn giữa dã quỳ hay thảo nguyên, lau dại để quay cảnh toàn có bóng tối nhập nhoạng giữa chiều tà. Ông đạo diễn nói riêng với tôi, cuối năm, tiền quay ngoài Hà Nội chưa chịu chuyển vào, phim sắp cạn mà ông ấy cứ thích bày ra quay thêm nhiều cảnh đẹp, tôi chẳng biết dựng vào đâu đây vi cảnh đẹp không có người thì cũng vứt đi. Tóm lại, ông muốn tôi cứ xênh xang đi chơi, lố giờ mặt trời lặn một chút cũng không sao, để trốn ông quay phim duy mỹ.
Tôi sống ròng rã với những cảnh đẹp không người (trừ tôi và các anh xe ôm khác nhau) như vậy suốt mấy ngày. Có những cái thác an nhiên hoang tàn phóng nước tới độ chỉ thèm được đứng trên đầu thác, trượt theo... Có những ngày nắng từng vạt nhiều sắc độ trải trên đồi, đồi vút đụng mây, mây đôi khi rùng rùng kéo nhau đi nhanh tới chóng mặt và đôi khi trời, mây, núi dường như xanh biếc một màu như những gợn sóng trắng xanh hòa trong biển, đảo... Sống ở đây, hẳn người ta không thể hẹp hòi.
Đạo diễn báo đêm nay, từ 12 giờ mới có điện, Nhụ Hương sẽ quay cảnh đầu. Ngày hôm ấy tôi xin sang một tỉnh khác chơi, cách đó hơn 50 cây, hứa về trước 5 giờ. Lần này tôi đón xe. Ven đường ít nhà ở đến nao lòng. Tôi ngúc ngoắc giữa những bao lớn nồng nàn hương chanh cạnh những con người phụ nữ gùi trẻ con trước ngực, giương các đôi mắt nâu thăm thẳm ngó người... Đến bến xe, hỏi thăm, người ta cho biết ở đây ngoài thác, suối, cầu tre, làng người dân tộc,... còn có nhiều nhà thờ đẹp.Đến ngôi nhà thứ hai, hoàn toàn bằng gỗ, tôi tấp vào một đám Tây ba lô, hỏi tụi bay đi đâu cho đi với. Họ chỉ sang một người thông dịch kiêm hướng dẫn viên. Anh ta hỏi đi bộ trên mười cây số có nổi không? Tôi gật đầu, rồi chỉ vào mình nói: "Nhụ Hương!". Anh ta bảo, gọi anh ta là Quốc. Phần giới thiệu coi như là xong.
Lâu lắm rồi tôi mới đi một chuyện như vậy. Tay không, tiền trong túi, đi ven đường, ven suối, mỏi thì nghỉ, khát thì uống, đói thì ăn, tai lại nghe những lời dẫn giáo. Chỉ khác hồi xưa, lời bây giờ không phải là tiếng nước mình, và những người đi cùng bước chưa phải bạn mình.
Quốc có vẻ thân thuộc với tất cả mọi người, từ nam phụ lão ấu. Anh bày thêm vài câu tiếng Anh cho bọn trẻ reo hò khi bọn người lạ đi quạ Một vài cô nữ sinh đi ngược chiều gật đầu chào thầy.. Quốc càu nhàu: "Tôi đã không nhận dạy nó nữa. Ỷ ba má làm lớn, bỏ học hai buổi, tôi đuổi ngay, mặc kệ ba nó tới xin". "Anh dạy gì?". "Anh văn!". "Anh phát âm gần với người Mỹ". "à, tôi có học ở đó ba năm. Hồi đó tôi đẹp trai hơn bây giờ nhiều. Nhiều cô mê tôi nhưng chẳng cha mẹ nào của các cô chịu gả. Họ lên đây, liếc sơ qua nhà tôi rồi chê không bằng nhà bếp của họ. Tôi bỏ cô người yêu đó ngaỵ Sau này tôi bị lỡ dở bao mối cũng vì một chữ nghèo đó".
Trong lúc những người cùng cùng đi lo chụp hình cảnh sinh hoạt bên suối, tôi bổng kể về anh. Hồi đó tôi cũng có người yêu "lựu đạn" như anh. Anh ấy đào ngũ, đi lao công đào binh... Chết rồi. Ở đây. Má tôi nói cho tới giờ ngày tôi chưa lấy chồng có lẽ vì bóng ma người đó ám. Chuyện này tôi chưa kể cho Trấn.
Bọn ngoại quốc lao nhau phân bì, hai đứa bay nói chuyện gì vui quá, cho tụi tao nghe với. Quốc nói: "Chuyện tình, tao có một túi đầy ắp chuyện tình. Tụi bay nghe không, tao kể". Những chuyện tình được kể bằng tiếng Anh sau đó của Quốc khiến tôi bị cuốn hút theo vì nó hấp dẫn và mới hơn những chuyện tôi đã được đọc. Tôi hỏi nhỏ Quốc, đọc ở sách nào vậy? Quốc vênh mặt, tự hào, toàn là những chuyện của chính anh.
Bây giờ tôi mới nhìn kỹ anh. Người cao, to, đen, lưng thẳng như cột nhà nám bồ hóng. Nước da đen tím làm nổi bật chiếc nhẫn vàng nơi ngón tay áp út. Cũng có thể tin được người này trước đây có một quá khứ đẹp trai. Lâu nay tôi vẫn tự hào về những mối tình dang dở của tôi. Nếu Quốc nói thật, có lẽ đây là một nhân vật không kém gì tôi về việc làm vỡ những mối tình, mà gốc xuất phát từ lòng tự trọng và ít nhiều vụng về, mà nói theo má tôi, thì bị ma nó ám.
Đến cầu treo Đà Linh, Quốc bổng ngồi phệt xuống giữa cầu, xúc động: "Hôm nay là ngày giỗ của cô ấy.. Đó là người con gái tôi yêu nhất và dường như tôi chỉ yêu cô ấy mà thôi". Mấy người khách, nhất là anh chàng nhóc người Hà Lan tóc vàng sậm như thảo nguyên thung lũng A Sầu háo hức: "Kể đi, anh kể đi!".
Quốc cố tháo chiếc nhẫn ra nhưng không được. "Đây là chiếc nhẫn cưới cô ta mua cho tôi. Chiều thứ bảy, cô nói với em về rước má lên gặp ba má anh. Tự dưng tôi can: đừng đi em! Cổ tròn con mắt: thì cuối tuần nào em cũng về để đầu tuần lên đi học, có sao đâu. Sáng thứ hai, đi đến gần cầu đó, tôi nghe dân chúng xôn xao. Đêm qua xe đò chạy đến đây, lính gác cầu xin tiền, tài xế không cho, nó bắn dọa chơi mà có một cô bị đạn xuyên cổ chết thật. Đó là vợ sắp cưới của tôi... " Quốc hạ giọng: "Tôi đã tìm ra được thằng đó, bắn què chân. Từ đó, tôi sợ những chiếc cầu. Từ đó, mỗi lần tôi định cưới ai, tay bổng phồng to không kéo nổi chiếc nhẫn ra để đổi chiếc khác. Dường như cô ấy sợ những cô gái kia không đem lại hạnh phúc cho tôi".
Đó là câu chuyện tình cuối cùng Quốc kể trong ngày.. Trưa đó, chúng tôi ghé chợ ăn vớ vẩn rồi đi ngược hướng Tây, nơi có cái nhà rông cao nhất và nơi có cây đa tương truyền là đã sống được ngàn năm. Quốc kéo tôi suýt ngã khi tôi định ngồi tựa vào những rễ đa to: "Rắn độc sống nhiều trong đó!".
Quốc bổng ngó xuống hai tay tôi: "Nhẫn đâu? Cô không có chiếc nào sao?" Tôi xòe tay, khoe khoang: "Lúc nào cũng có một chuyện gì đó xảy ra trước khi có người định trao nhẫn cho tôi, nên từ lúc tôi sinh ra tới giờ, chưa được bao giờ tôi đeo nhẫn cả".
Khi trở lại khu nhà mồ cuối cùng, Quốc kêu cho tôi một chiếc xe thồ. Rồi bổng rút chiếc nhẫn ra khỏi ngón tay một cách dễ dàng, đưa cho tôi: "Cho cô nè, Nhụ Hương! Chiếc nhẫn bỗng nhiên tháo ra được, vậy là cô ấy đã nhẹ nhàng ra đi. Vậy là lời nguyền đã được giải. Cô cũng nên giữ đi, để giải lời nguyền của riêng cô... "
Tôi vẫn không dám đeo vào tay và đặt nhẫn vào sợ dây gỗ đeo nơi cổ. Trời tối nhanh và lạnh khủng khiếp trên đường về mặc dù tôi đã trang bị đầy đủ áo khăn găng vớ. Lần này câu chuyện không xoay quanh những vụ cướp xe giết người nữa bởi dạ đã yên khi thấy người chở mình quen Quốc. Ông già lên tiếng trước:
- Sao cô quen ông Quốc "mát" đó?
Tôi giật mình:
- Ông ấy điên à?
Ông già lắc đầu:
- Không phải điên. "Mát" khác!
- Là không giống ai! Một thời đạp xích lô, đi xe thồ như tụi này, cực lắm. Sống với lũ trẻ mồ côi. Hiện giờ lại dạy Anh văn nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, thường kể chuyện xạo cho mọi người nghe, và cứ nhận mình là nhân vật chính trong các câu chuyện đó.
- Còn vợ con?
- Nghe nói vợ chết, nhưng chết cách sao chẳng ai hay.
Trời tối đen khi tôi chưa tới được nơi đóng phim. Ông già nói:
- Cô cảm phiền đi xe khác về. Tôi phải quay về lại vì đường xa, trời lạnh và tối, trễ nữa không đi được đâu!
ông quày quả đi sau khi giao tôi cho chiếc xe thồ khác. Đến nơi, đạo diễn giục tôi hóa trang ngay rồi vào bàn tập thử cảnh đạp chiếc mỏ hàn xì để làm đồ vàng bạc. Chị Nhơn hóa trang nói nhỏ có người tên Trấn vừa gọi lên kêu Nhụ Hương về gấp ngày mai để kịp gặp mặt mẹ anh ở Đà Lạt xuống gặp mẹ tôi dàn xếp lại ngày cưới. Mai cũng là ngày quay cảnh tôi trở lại hòn đá đen giữa vạt sơn cúc năm nào.
Tôi tập đạp chiết mỏ hàn xì. Cảnh này thì tôi đã hết mộng du, nghĩa là đã qua gai đoạn mà Y Linh cứ đứng bên ngoài cười kêu chị Hương ngơ ngơ như con bò đội nón. Tôi tháo chiếc nhẫn của Quốc bỏ vào lửa. Chiếc nhẫn đỏ rực không tan. Những bà mẹ chồng hụt của tôi cứ canh những lúc tôi không thể về để đến. Nhưng mà không sao, lời nguyền đã được giải. Gió luồn đám bạch đàn gần đó kêu rầm rì suốt đêm như sóng. Giữa hai cảnh quay, Y Linh đưa ngón tay lên trên, khen tôi số một, em nghi coi xong phim này sẽ có nhiều ông khùng cầu hôn chị.
Có thật không, mẹ Trấn sẽ đến sáng mai? Có thật không, Quốc? Có thật không, tôi đang mộng du ngồi đây bày trò cho lửa phừng to táp mắt? Có thật không những đồi lũng suối nguồn rực rỡ hoang dã mấy ngày nay? Đã được giải hẳn chưa lời nguyền?
Điều chắc chắn là chiếc nhẫn đang đỏ trên tay tôi là vàng thật. Và dã quỳ sơn cúc xưa của tôi vẫn còn hực hỡ vàng bát ngát mùa đông Tây nguyên. Cùng đất thì đỏ như máu. Nhiều người năm xưa chết quanh quất đâu đây chưa tan được. Cũng như tiếng gió vẫn rì rầm kêu hát suốt đêm tàn đông còn lại tôi sống ở đây.
 Nguyễn Thị Minh Ngọc
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...