Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Chuyện đời

Chuyện đời

- ... Nói thật với em, sắp tới mẹ chị bán mảnh đất ở quê đi cho con cái không nhiều mỗi đứa cũng phải hơn chục cây vàng, chị bỏ ra một ít chạy cho anh ấy đi làm chắc chỉ vài năm sau sẽ mua được nhà. Nói vậy để mình em biết thôi nhá... các cháu ở nhà hư nên chị giấu. Chúng nó mà biết có khi giết cả mẹ đẻ đấy...
Người đàn bà nói xong nhìn trân trân vào ngọn lửa đang cháy, đôi mắt chị ta hõm sâu ngỡ như chỉ còn hố mắt. Gò má cao không một lớp mỡ, đen đúa theo quãng đời phong trần. Chị già trước tuổi 45 của mình. Đôi vai mỏng mảnh khô cứng khoác chiếc áo nâu màu của thầy tu chốc chốc so lại. Mỗi lần cười, khuôn mặt và khối hình chị mới có dịp tươi tắn lên đôi chút trong âm thanh đùng đục phát ra từ cổ họng. Ly góp chuyện vẻ dè chừng. Năm tháng sống ở xóm nhỏ giữa đô thành hoa lệ này cô không lạ gì người đàn bà mang cái nhìn sành đời ấy. Chị có khả năng đón bắt ý nghĩ người khác rất giỏi. Nhiều lần, chính Ly phải giật mình vì bị chị ta đoán trúng tâm trạng, sau đấy như vô tình chị chỉ buông cho vài ba câu pha trò hóm hỉnh cũng đủ sợ. Gia đình chị con cái tù tội cũng là lý do nhiều người không dám gần. Họ ngại liên lụy. Mặc dù vậy, Ly thấy thương cảm với chị. Tội nghiệp cho một kiếp người. Cả tháng có 30 đêm thì hơn 20 đêm Ly nghe thấy lời nhiếc mắng vợ của anh ta. Ban ngày cái tấm thân nhão nhoét, béo tròn như bao trấu ấy ngủ khì để mặc vợ cặm cụi với bữa cơm bụi. Gọi là bữa cơm bụi bởi vì ngày hai lần, khi nấu cơm chị đều nấu dôi ra để bán thêm. Trong xóm những người nhỡ bữa không ăn cơm ở đó. Họ biết cái cảnh cơ hàn của nhà chị nên sợ chị chỉ dám mua đồ cặn đồ thừa ở chợ để nấu. Khách hàng thường là người vãng lai đi qua ghé vào ăn. Họ ngồi chung mâm trên dãy bàn ăn bé con con với gia đình chị mà không biết. Có hôm đang ăn, anh chồng say rượu đập bát đĩa xoong nồi đổ vỡ lẻng xẻng. Khách bỏ dở bữa trả tiền rồi chạy, có khi quên cả đồ đạc. Quán cơm của chị không thấy mặt khách đến lần thứ hai. Mỗi bận như vậy, y như rằng, anh chồng diễn vở bỏ nhà đi hai, ba hôm liền, lúc về câu đầu tiên bao giờ cũng phân trần với mọi người xung quanh rằng mình không may lấy phải vợ đoảng, chẳng nết na chiều chồng:
- Cô ta chỉ sống được với con thôi, người khó tính không ai chấp nhận đâu ạ. Bà không biết chứ con phải chịu đựng ghê lắm đấy... Một lần mẹ chồng Ly góp ý, anh ta chắp tay vái bà ba cái như tế sống, đoạn cầm chai rượu khiến bà hoảng quá bỏ cuộc khuyên giải. Ly thì hãi người đàn ông ấy. Con người dở tỉnh dở say, nửa thật nửa đùa cứ gọi cô là Tây Thi với đôi mắt ngó như mắt lợn luộc. Khốn thay, cái “ổ” của người đàn ông đó lại là cái giường kê cùng với đống bàn, ghế, chạn và các đồ lỉnh kỉnh khác của gia đình họ ở lối đi dưới ngõ. Nó chiếm hai phần ba con đường chung của cả xóm, người đi ra đi vào không thể không gặp. Gia đình nhà đấy còn có một căn phòng trên gác hai, cửa sổ đối diện với cửa sổ nhà Ly. Cứ sáng sáng hết bố rồi đến thằng con trai súc miệng òng ọc nhổ ra ban công. Hai thằng nữa nghiện hút ngày nằm ngáp dài, đêm leo qua cửa sổ xuống nóc mái bê tông của nhà dưới viện cớ trong nhà nóng quá, ngủ đấy cho mát, đến sáng dậy thì không thấy tăm hơi đứa nào đâu cả. Ly không dám mở cửa sổ nên căn phòng vốn là cái gác lửng, thấp lè tè của nhà cô lúc nào cũng tối om như hũ nút, luôn phải dùng đến ánh sáng đèn ngay cả ban ngày.
- Chuẩn bị dọn đồ về nhà mới!
Chồng Ly nói như tuyên ngôn. Ba ngày sau mọi đồ đạc được đóng thùng cẩn thận. Ông trời đã không phụ công sức gần chục năm dành dụm cộng với tiền bán nhà đang ở, vợ chồng Ly giờ cũng được toại nguyện. Ngôi nhà mới mặc dù không to tát nhưng cũng là ngôi nhà có được ánh sáng ban ngày. Tối trước hôm dọn đi, mẹ chồng cô phấn khởi nói con dâu sang chào hàng xóm. Ly tự nhủ: “Ừ cũng phải đi thôi, chỉ còn nốt hôm nay’’.
Bảy giờ tối, cơm nước xong Ly gọi đứa con gái lên 6 tuổi đi cùng. Việc chào tạm biệt hai nhà sát vách thật đơn giản. Cuối cùng tiễn biệt vẫn là những lời chúc mừng vui vẻ. Con gái Ly xin phép mẹ về trước để học bài. Ly chưa về ngay, cô vòng ra ngoài ngó sang lối ngõ. Một dáng hình đàn bà đang đổ sụp xuống bất động. Ngọn lửa từ chiếc bếp kiềng ba chân cháy bập bùng bên cạnh. Ly lại gần đánh tiếng:
- Đun nước à chị Tài?
- Ừ... em đấy à...
Giọng nói của người đàn bà linh hoạt trái ngược với chị ta ban nãy.
- Sắp chia tay nhau rồi phải không? - Người đàn bà vồn vã - Chị đã biết từ mấy hôm nay, mừng cho vợ chồng em đấy, em còn trẻ mà được sung sướng như vậy là may mắn hơn người rồi... Thật là đổi đời!
Trong ánh lửa chập chờn, Ly thấy luồng sáng sắc vụt ngang mặt khiến phản xạ tự nhiên của cô là chớp nhanh mắt để tránh, người đàn bà vừa nói dứt lời quay ngoắt đi im lặng. Ly ái ngại đoán chắc chị đang chạnh lòng nghĩ đến bản thân chăng?
- Nhà em chật chội quá nên từ lâu cũng đã nghĩ đến việc chuyển nhà, nhưng ở đâu thấy quen đấy, bây giờ đi cũng buồn chị Tài ạ!
- Thôi đi được là mừng, chị cũng tính chuyện nay mai anh nhà chị mà xin được cái chân chạy vật tư ở cơ quan... chậc...
Tiếng người đàn bà âm âm bên tai. Ngồi một lúc, Ly chào chị về nhà. Lúc bước lên cầu thang vô tình nhìn xuống, Ly thấy chị vẫn ngồi bên chiếc bếp kiềng lửa đang cháy rừng rực, bất động như lúc đầu cô tới.
Đêm.
Những giờ cuối cùng trong ngôi nhà gắn bó với Ly chục năm qua khiến cô cảm thấy khó ngủ. Một phút, hai phút..., một giờ, hai giờ, ba giờ... đôi mắt cô vẫn trơ khấc. Gió lạnh ngoài kia thổi ù ù. Bỗng có tiếng người nói thì thào bên dưới. Một lúc thì giọng người phụ nữ hơi gay gắt:
- Không, ông đã hứa mà đến giờ ông làm được gì nào...?
Ly nhận ra giọng chị Tài. Chị khóc tức tưởi sau câu nói. Người đàn ông hình như đang ra sức dỗ dành.
- Anh hứa, đến giờ anh vẫn hứa, nhưng em phải để cho anh suy nghĩ xem đưa chồng em vào bằng con đường nào cho tiện... Em phải hiểu, bây giờ cơ quan đang cần người có trình độ chứ không phải đơn thuần chỉ là người chạy vật tư... Em có còn muốn anh ngồi ở ghế giám đốc hay không?
- Thế ông tính đi rồi hãy đến gặp tôi!
Giọng chị Tài buông lạnh lùng. Người đàn ông lại rì rầm điều gì đó Ly cố lắng nghe nhưng không thể nghe rõ hơn câu chuyện của họ nữa. Chồng Ly bên cạnh trở mình. Cô ôm anh và ngủ thiếp đi lúc nào không rõ...
Bộp! Tiếng một viên gạch bị ném rất mạnh, tiếp theo đó là giọng người đàn ông la thất thanh dưới ngõ:
- Ối! .. Gi...ời... ơi...
Ly giật mình choàng tỉnh. Cả nhà cô cũng dậy chạy vội ra phía cửa sổ. Hai, ba ô cửa sổ khác trong xóm bật tung cùng lúc, nhiều cái đầu ngó xuống lối đi ở ngõ. Tiếng bước chân rầm rầm chạy xuống cầu thang... Chồng chị Tài! Anh ta hoàn toàn tỉnh táo:
- Con điếm... Ông bắt được chúng mày rồi nhé! Con điếm kia... mày đuổi ông lên trên này ngủ để dắt giai vào phải không... Ông giết cả hai... Giời ơi là giời... mọi người dậy mà xem... Con điếm này... mày còn già họng hay không...
Tiếng khóa cửa sắt dưới ngõ mở gấp gấp. Thằng con út chị Tài gào lên trên cửa sổ trước mặt nhà Ly:
- B...ố...ố... B...ố l...àm g...ì đấ...y? Cứ ầm ầm... ầm ầm... còn để hàng xóm ngủ nữa chứ...ứ...
- Thằng kia... mày dậy mà xem mẹ mày... Mấy thằng n...ữ...a đâu, chết đâu rồi...
Anh ta thở hồng hộc, thét gào, chửi bới. Ai đó xuống ngõ đang khuyên ngăn. Lời chửi bới còn kéo dài rất lâu sau rồi chìm dần vào bóng tối. Gần sáng Ly mới chợp mắt tiếp được. Trong giấc ngủ cô thấy ngọn lửa bùng cháy trên lưng áo người đàn bà. Chị ta ngồi im như không hề hay biết.
- Dậy đi con, Ly ơi. Mẹ chuẩn bị sẵn muối, gạo, con dao với cái bếp trong thùng giấy rồi. Con mang xuống trước xong thắp nén hương lên cho ấm nhà con ạ!
Mẹ chồng Ly đã dậy từ bao giờ, bà là người mê tín nên chọn giờ và chọn người để xông nhà mới. Kéo lại chăn đắp cho chồng và con, Ly chui ra khỏi màn. Trời sáng tờ mờ, cô bê chiếc thùng giấy khệ nệ buộc vào xe máy, vừa dắt ra khỏi nhà xe được vài bước, chân Ly bỗng khựng lại. Một vũng máu loang kèm mảng tóc bạc ngắn rớt xuống lối đi. Ly rùng mình nghĩ đến những lời thì thầm đêm qua. Người đàn ông kia là ai mà đến với một người đàn bà như chị Tài. Liệu ông có là khách qua sông nhỡ đò?.
Thời gian thấm thoát trôi đi, phải hai năm sau cái đêm kinh hoàng Ly mới có dịp về thăm cái xóm nhỏ giữa đô thành ấy nhưng không gặp được chị Tài. Nghe đâu chị đã về sống cùng người chồng mới. Mẹ chị bị ốm liệt giường gần năm trời thì mất. Hai thằng con trai vào trại cai nghiện. Thằng con út được bố dượng xin cho đi lao động ở nước ngoài. Căn phòng trên gác hai để lại cho chồng cũ sử dụng. Mọi người trong xóm nói rằng, thỉnh thoảng đêm đêm vẫn thấy bóng một người đàn bà mang thức ăn, có khi cả tiền bạc đến để ở cửa nhà anh ta. May thay, nhờ trời người đàn ông ấy cũng còn có một nghề - đó là nghề sửa chữa xe đạp...
Nguyễn Thị Thanh Tâm
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chợt ta hóa thành gã lừa đảo – Chùm thơ Phan Duy 17 Tháng Bảy, 2023 Đ úng/ một căn cước công dân/ túng tiền chơi ngông. Chợt ta hóa th...