Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Chuyện không muốn kể 2

Chuyện không muốn kể

Nỗi đau thể xác của mẹ đã được khoét bỏ, nhưng nỗi đau trong lòng của mẹ thì lại đang nhức nhối. Mẹ vẫn thường dạy con, anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau, con đã vâng lời nên nhiều chuyện đau buồn của gia đình mình chưa ai biết. Nhưng bây giờ thì con phải nói...
Rét đồng chiêm mạ tía hơ tía hất
Mẹ ăn trầu nuốt cái lạnh vào trong
Thân mạ cắm xuống vạt bùn buốt cóng
Ngậm phèn chua bén rễ trổ đòng...
Mẹ bệnh. Một bên ngực mẹ, nơi tám chị em con bấu vào, hút kiệt và lớn lên đã được bác sĩ khoét bỏ. Khuôn ngực sáu mươi lép kẹp giờ lại thêm hõm xuống. Mẹ nằm đó, bàn chân sần sùi nứt nẻ, kẽ móng còn vương bùn đất đồng chiêm quá tương phản với giường ga trắng. Ngồi bên mẹ bây giờ chỉ có con, đứa mà mẹ đặt nhiều hy vọng và thương yêu nhất, mặc dù con chưa làm được gì cho mẹ ngoài "những bài thơ vô bổ" như lời các em con. Lúc này đây, dưới ánh đèn xám lạnh, mẹ đang trong trạng thái mê, nhưng mẹ ơi, mẹ hãy nghe lời trần tình của con.
Bà ngoại kể. Trong một chầu tổ tôm, ông lý trưởng và ông phó lý đã gật gù thoả thuận. Mẹ về làm dâu nhà ông con lúc tuổi mười lăm. Đêm tân hôn mẹ đóng chặt cửa buồng không cho cậu ấm mười tám tuổi vào động phòng hoa chúc. Ông lý trưởng đập tan tành chiếc điếu bát nõ vàng se bạc, sai người lên gọi ông phó lý. Bà ngoại tất tả mang trầu rượu xuống nhà thắp hương và quỳ sụp xuống lạy mẹ. Mẹ cuống cuồng nâng bà ngoại dậy. Cửa buồng được mở. Chúng con lần lượt ra đời...
Có một lần con xem một bộ phim hài. Có ông nhốt gà chờ vợ đẻ, và khi nghe tin con gái thì thả gà ra. Mọi người cười rần rần, còn con thì bật khóc. Con thấy bộ phim ấy như nói chuyện nhà mình. Nhưng chuyện nhà mình không được như phim. Lý, Sự, Sinh, Mong, Mỏi - năm chị em con ra đời trong sự hầm hè. Chỉ có con, con sinh ra trong tiếng bom rền và chớp lửa phòng không cùng sự hân hoan tột cùng của bố. Con sống trong sự tưng tiu, chằm bặp của cả nhà cho đến năm con vào lớp một. Một chiều con mang bộ mặt lem tím ngoét nhưng vô cùng hớn hở, nhảy chân sáo về nhà để khoe điểm mười đầu tiên. Nhưng chân con khựng lại. Nhà cửa tanh bành, nồi niêu vỡ. Năm chị của con ôm nhau rúm ró góc nhà. Lọ mực xách dây trên tay con rơi xuống sân tím toé. Bố vẫn đập bàn rầm rầm, hầm hố: "Họ nhà này mấy đời chưa có chịu độc đinh!". Mẹ ơi, đêm đó sáu chị em con đã gào khản giọng tìm mẹ khắp nơi. Mãi sau có người đi cấy về chỉ cho chúng con chạy lên Đồng Mả. Mẹ nằm vật vã, rũ rượi trên mộ ông ngoại, mười đầu ngón tay bứt cỏ máu bầm, mặt mẹ sưng húp, khóc không thành tiếng: "ới cha ơi, sao cha gả con như thế cha ơi!...". Các dì, các mợ và sáu chị em con ôm nhau khóc theo trong nghĩa địa đêm gió lùa hun hút. Mãi sau dì Thêm đứng phắt lên gạt nước mắt, gắt: "Chị cứ về tháo vòng ra mà đẻ, xem nó có nuôi được không". Hỡi ơi... Suốt ngày chỉ rượu với tổ tôm... đẻ nữa thì lấy gì cho chúng nó ăn...". "Nó đã tuyên bố thế, không đẻ mà yên được à?".
Và mẹ cắn răng mang bầu lần thứ bảy. Phú, Quý - hai em chào đời trên bờ ruộng mạ chiêm gió đông bắc lùa tím tái. Tiêu chuẩn ăn bồi dưỡng của mẹ là một ổ trứng gà mười quả và một tuần cơm không độn sắn. Mẹ ơi, đến tận bây giờ con vẫn không thể nào quên sau những buổi đi học về con trai lớn của mẹ vẫn được mẹ phần một bát cơm và nửa trứng. Trong căn buồng kín mít ấm sực khói gộc tre và khai nồng nước giải trẻ con, con ăn những miếng cơm ngon nhất trần đời, trong ánh mắt chứa chan của mẹ và nụ cười mụ dại của hai em. "Đàn ông chui vào buồng gái đẻ để cái đầu nó ngu như lợn à! Ma... a... ạt! Họ nhà này mạt đến nơi rồi!". Bố đang hỉ hả nhắm rượu với ngô rang đập bàn quá khiến con giật nảy, nhè miếng cơm nuốt giở. Bà nội lom khom chui vào mò mẫm dắt tay con ra ngoài, sịt soạt: "Đừng vào nữa cháu ơi, bố mày mà đánh thì bà cũng chịu chẳng dám can".
Mười lăm ngày mẹ đã phải ra đồng theo vụ cấy. Hai em Phú, Quý khóc ngằn ngặt trong tay chị Mỏi, chị Mong. Bà nội mắt toét nhoèm mang đĩa bột muối đen màu tro bếp ra dử dê. Hai em nhóp nhép được vài miếng lại ré lên oe oé. Buổi trưa mẹ quần xắn tận bẹn, bổ xấp bổ ngựa chạy về. Mẹ ngồi dựa lưng vào cột đỡ cho hai em bú cùng một lúc. Khi hai bầu vú xẹp lép, nổi gân xanh chằng chịt cũng là lúc mặt mẹ tái dại như dây khoai kiệt nước. Mẹ nói không ra hơi: "Mừng, con vào lấy sắn. Mẹ đói quá!". Bát sắn đen sì mang ra mẹ chưa kịp ăn thì bà Mão láng giềng bế thằng cháu bụ tròn như hạt mít sang, trên tay bà bát cơm trắng muốt: "Thím ăn rồi cho cháu tí nhờ. Cái con mẹ nó ăn thủng nồi trôi rế, béo ị như con trâu trương mà vẫn không có sữa". Mẹ bải hoải, đôi môi tái nhợt, lắp bắp: "Đợi... cháu nghỉ một tí...". Bà Mão dài môi ghé vào tai mẹ: "Thím Mừng này, mai sang nhà tôi lấy lúa về ăn. Người khác tôi lấy lãi dững năm phân, nhưng thím tôi chỉ lấy ba thôi". Mẹ nhắm mắt gật đầu, vén áo. Thằng bé háu đói ngoạm vú mút choàm choạp.
Bà Mão bế đứa cháu toe toét cười ra về, cố ý bỏ lại bát cơm. Bà vừa khuất cổng, mẹ vồ lấy bát cơm bốc vội vàng, nuốt lấy nuốt để. Bất ngờ bà Mão quay lại: "Còn cái bát...". Mẹ sững lại, miếng cơm nghẹn tắc nơi cổ phồng to như quả ổi, mắt giàn dụa nước.
Sau vụ cấy, mẹ bị một trận kiết lỵ đè cho ngã quỵ. Lá mơ lông và trứng gà vừa đỡ mẹ gượng dậy, mẹ đã phải vào rừng Găng đốn củi. Mỗi ngày mẹ gánh hai bó củi gồi to hơn người để đổi lấy một khăn vuông gạo nấu cháo cho bà và các em ăn. Một hôm tối mịt mà mẹ vẫn chưa về. Mọi người bổ đi tìm mãi sau mới ra. Một người Mường đã tìm thấy mẹ nằm gục bên bờ suối, cạnh mo cơm sắn rời rã. Thuốc thang mãi mẹ mới qua được đận ấy. Nhưng cũng từ đó mẹ mang trong mình một căn bệnh kinh niên.
Nhà thiếu đói, hai em con còi cọc, cớm rớm như cặp mèo đi kiết. Các dì, các mợ góp tiền mua sữa bột cho, thứ sữa bột đóng bao năm mươi cân thời đó thường vón cục do quá hạn. Các em con uống sữa bột đi ngoài như tháo cống. Thương con, mẹ cương quyết chỉ cho các em bú mẹ, bú đến tận 3 tuổi mới thôi. Kể từ khi biết ngồi, hai em Phú, Quý bú mẹ mỗi đứa quen một bên, đổi vú chúng dứt khoát không chịu bú. Mỗi lần trái gió trở trời, hai em cùng đau một lúc. Một ly thuốc chia đôi, mẹ cầm thìa khuấy leng keng rồi cho Phú uống trước. Đến lượt Quý, nó giãy nảy không chịu uống. Dỗ dành mãi nó mới ngọng nghịu: "Con uống cái leng keng cơ". Mẹ bật cười và lại khuấy. Leng keng, leng keng. "Nào, u ti tráng miệng nào!". Mẹ gọi, hai đứa ngồi chồm hỗm hai bên như hai con chó con kéo dài vú mẹ...
"Nhà này bảy đời đa đinh", bố gật gù mỗi ngày giỗ Tết. Những ngày đó, bốn bố con ngồi xấp bằng trên ghế phong thư với cỗ mâm đồng. Mâm chõng tre dưới đất là mâm đàn bà, cả bà nội bảy mươi tuổi cũng phải ngồi mâm đó. Và con là người đầu tiên phản đối việc này bằng việc lẳng lặng mang bát xuống ngồi mâm dưới. "Đồ mất dạy! Mày phá nề nếp gia phong nhà tao!". Xung đột giữa bố và con bắt đầu từ đó.
Con học giỏi nhờ những buổi trên lưng trâu đọc sách. Dưới tán phi lao chờ mãn buổi cày luôn có những hình vẽ toán học của con. Bố so bì: "Mày chẳng làm nên tang trạng gì sất. Nhìn thằng Thoan nhà Thụ kìa, mỗi buổi chăn trâu về nó còn bắt được mấy giỏ cua". Mẹ kêu lên: "Giời ơi! Có ai như ông không, khen đứa ham bắt cua hơn đứa ham học". Bố ngàu ngạu: "Mày có học nát xương lòi tỉ thì cũng không ai dùng mày". Lần đầu tiên mẹ văng tục để bênh vực con và nhận thêm một trận đòn nhừ tử. Còn con, con nhào vào bênh mẹ và nhận lấy cái bạt tai nổ đom đóm cùng với bao nhiêu "Chiến tranh và hoà bình", "Sông Đông êm đềm", "Dế mèn phiêu lưu ký", "Những bài toán dành cho học sinh giỏi"... bay vào hố xí. Lạ một điều là lần ấy mẹ không hề khóc. Mẹ gom góp gạo tiền cho con thi đậu cấp ba: "Con cứ học đi, ông nội ông ngoại con mang tiếng địa chủ nhưng chỉ tối ngày tổ tôm, không có nợ máu với cách mạng. Bố mày hận vì bị tịch thu tài sản. Đang sung sướng quen rồi mà". Bà nội thêm vào: "Bố mày dong dóng ăn chơi từ bé đến lớn, muốn gì được nấy. Có lần bố mày đòi ăn trứng Trời, bà phải lén bắc thang mang trứng gà đặt lên nóc nhà...".
Những tháng năm đói kém ấy con đã bấm tuột mười đầu ngón chân trên đường lầy để lên trường huyện học. Trời chưa sáng con đã phải dậy, đón từ tay bà hai củ khoai nỏng hổi hoải bò vào túi quần để vừa chạy vừa ăn cho kịp giờ vào lớp. Vào lớp rồi thì lại ngồi run. Hai củ khoai hết veo trên chặng đường năm cây số. Trong bụng thấy réo sôi lên, còn đầu thì loáng thoáng những phương trình, những tang, những sin, những cos. Con tưởng đã phải bỏ học nửa chừng nếu như mẹ không đi vay lãi mua cho con một chiếc xe đạp tòng tọc không chắn bùn, chắn xích. Lũ bạn ngoài phố huyện con nhà phe phẩy lượn lờ trên những chiếc xe Pơ-zô, Dia-man, Fa-vo-rit trề môi diễu con. Con có độc một bộ đồ xanh chéo, vừa đi học về là phải cởi treo lên ngay, chủ nhật mới đem đi giặt. Có đứa ngồi sau bàn con hỏi kháy: "Bố cậu là công nhân nhà máy dệt Nam Định hay sao mà diện độc một bộ thế?!". Con xấu hổ chống chế: "Tớ có hai bộ giống nhau thay đổi đấy". Nó không tin lén lấy bút đánh dấu rồi đem ra làm trò cười cho cả lớp. Cũng may con học giỏi hơn chúng nên chúng chưa dám khinh. Nhưng ghét thì có. ấy là từ buổi lao động ở chùa Tiên Phương. Sợ con xấu hổ với bạn bè nên mẹ cắt lá dong, lấy khuôn gói "bánh chưng sắn lát" cho con. Trưa ấy con lủi thủi ra sau gốc thông già giở "bánh chưng" ra ăn. Có đứa trông thấy, con vội vàng gói lại rồi bỏ đi, mặc cho lũ bạn con nhà phe phẩy cười hô hố gọi con là thằng ăn tham, có bánh chưng mà giấu ăn một mình. Con bị lũ bạn ghét mà đâu dám thanh minh. Thế nhưng mẹ biết chuyện. Khi hai em con đi học, mẹ thường đem chuyện này ra làm gương để các em noi theo. Bố chửi hất đi bằng điệp khúc cũ: "Có học nát xương lòi tỉ thì chế độ này cũng không dùng chúng mày. Học biết đọc biết viết là được". Nghe lời bố sau mỗi buổi học hai em con biết vác gàu ra đìa tát cá về cho bố nhắm rượu. Lớn thêm chút nữa, bố mua cho mỗi đứa một chiếc cần câu quăng ếch. Sau mỗi buổi câu về ba bố con quây quanh đĩa thịt ếch nấu chuối xanh, hai em Phú, Quý cùng tì tè uống rượu. "Tập cho chúng bay biết uống thì khi già tao mới có rượu uống". Mẹ gào tướng lên: "Giời ơi là giời! Ông làm hỏng con tôi mất!". Bố gầm lên: "Mày làm hỏng con ông thì có. Rồi xem. Hai thằng này sẽ khá hơn thằng nửa đời nửa đoạn kia!", bố ném ánh mắt hằn học về phía con. Mẹ thở dài kéo con ra ngoài: "Tuổi mày với bố mày xung khắc".
Khi bà và mẹ bàn cho con nhập ngũ, con đồng ý tức thì. Trong đầu con lúc đó chỉ có duy nhất một ý nghĩ: thoát khỏi ngôi nhà ngột ngạt này càng nhanh càng tốt. Bố mỉa mai: "Lấy máu mà viết đơn! Hai thằng chú mày bỏ mạng ở chiến trường chưa đủ à?". Bà nội mắt đã mờ loà vịn cột đứng dậy quơ quào: "Trời cao đất dày ơi! Hai đứa nó chết nên mày mới có tiền mà đổ vào họng mỗi ngày đấy!".
Ngày con lên đường, bà lần giở bao tượng dúi vào tay con: "Bà cho. Tiền tuất tháng này của hai chú mày đấy. Giờ hết giặc rồi, mày vào đó thì cố mà học. ở nhà có đậu đại học thì mẹ mày cũng không đủ sức lo cho mày đâu".
ở đơn vị, khi nghe tin bà mất con đã khóc mấy ngày liền. Và sau đó con lao vào ôn. Con về phép với tin thi đỗ Trường Lục quân. Bố khinh khỉnh: "Hữu danh, vô thực. Sĩ quan đói như ngan ấp, đang xin ra quân một lũ kia kìa". Còn mẹ thì mừng. Hai mắt mẹ ăm ắp nước.
Hai em con học đì đẹt, hai năm một lớp. Hết lớp ba đã bỏ. Bố sắm cho mỗi đứa một chiếc xe đạp và một thùng xốp. Hai đứa nhận những que kem nước lã pha đường hoá học vào tận bản Mường để đổi ngô đổi nếp. Tận bây giờ con vẫn còn nghe văng vẳng tiếng còi "kem... mút" và tiếng rao dẻo quẹo của hai đứa: "Ai ăn kem nào. Kem dừa kem sữa, ngọt lử ngọt lừ, dừa quấn dừa quít, dừa vít cong que, già ăn trẻ lại, gái ăn đắt chồng. Ai ăn kem rẻ chạy khoẻ ra mua. Kem mậu dịch đơ...ây!". Mỗi buổi chiều về, từ thùng xốp bọc cót, hai đứa lôi ra đủ nấm hương, mộc nhĩ, có khi là cả một cặp sừng hươu nguềo ngoào. Mắt bố sáng rực lên, miệng cười tấm tắc. Lúc đó thì con còn đang đắm chìm trong những phạm trù triết học. Vật chất và ý thức, cái nào chi phối cái nào?
Khi con ra trường, khoác bộ quân phục sĩ quan thì hai em con đã biết chui vào mấy bãi xe do máy bay Mỹ bắn cháy ở Miếu Môn, móc ngoặc mua xăm lốp, phụ tùng bán kiếm lời. Chúng khụng khiệng trong áo bay quần bò mũ cối trước sự thèm thuồng xoa xuýt của trai làng. Làng bên có tin đồn: Cô Hoa bán quán đầu cầu đẻ con trai giống Phú, Quý y tạc. Mẹ áo khăn te tái "đi đón cháu về". Thằng Quý lừ mắt: "Bà già hâm tỉ độ. Nó ngửa cho cả trăm thằng, biết con ai?". Bố khà một tợp rượu đế vào: "ừ, sang mà đón về. Ông thì băm cho ngan nó ăn". Mẹ bất lực thở dài, chỉ dám thỉnh thoảng lén sang thăm và dúi cho cháu chút quà bánh nhỏ.
Giỗ bà năm đó, hai em Phú, Quý mặt rượu đỏ cay đỏ cợi tuyên bố: "Mẹ kiếp Cái đất này giờ khó nhằn rồi. Hai thằng con tính vào Tây Nguyên thử xem sao". Bố rung đùi gật gù: "Có chí làm ăn lớn thế là tốt". Mẹ gàn: "Thôi, ở nhà no đói có mẹ có con. Chẳng đâu bằng quê hương mình".
Hai em đi, con năng về với bố mẹ hơn. Bố không còn hằn học với con nhưng cũng chẳng tỏ vẻ thân tình. Số phận đưa đẩy thế nào con lại chuyển qua làm báo. Mẹ tự hào về con lắm, đi khoe khắp làng. Bố xì một tiếng dài: "Tưởng theo nghiệp võ tao còn được trông cậy. Vẻ vang gì cái nghề ấy, như thằng mõ làng ngày xưa".
Mừng thọ mẹ tuổi sáu mươi, con cháu kéo về cả đàn cả lũ. Mẹ ngượng nghịu trong áo gấm dài thêu. Hai em Phú, Quý mang về biếu mẹ nhung hươu cao cổ. Mẹ thờ ơ nhận: "Mẹ bệnh đại tràng mãn tính, đâu có ăn được những thứ này". Con chẳng có gì biếu mẹ, chỉ có bài thơ đọc trước cả nhà. Thế mà mẹ vui mừng, nước mắt rưng rưng.
Bữa cơm, con hỏi chuyện làm ăn, hai em con tự hào khoe. Ban đầu vào buôn bán nhì nhằng, mua được miếng đất bỏ hoang rộng vung vinh bên đường 14. Đùng một cái tách tỉnh. Miếng đất ấy nghiễm nhiên trở thành trung tâm thị xã. Tấc đất tấc vàng, cứ việc cắt khoanh ra mà bán. Giờ giàu.
Một đứa là chủ tiệm kinh doanh Honda, một là chủ hiệu hàng kim khí điện máy. Hai đứa bảo con: "Ra quân, vào bọn tôi nhường cho miếng đất mà làm ăn. Ham hố đếch gì ba đồng lương chết đói!". Con tự ái: "Tao có lý tưởng sống của tao. Chúng mày mới giàu mà đã lên mặt dạy đời". Thằng Quý xì: "Ông chỉ được cái sĩ bọ. Ông đóng góp được đếch gì cho đất nước ngoài mấy bài báo hô hào cổ động suông? Bọn tôi đây này, thuê mỗi tháng hai triệu, chưa kể mấy ông công an, mấy thằng thanh niên, mấy mẹ phụ nữ... tháng nào cũng cử người đến xin xỏ tổ chức phong trào này nọ. Ông tưởng nhà báo mà to hả? Trong tôi ngày nào mà chả có mấy tay nhà báo đến kỳ kèo xin làm quảng cáo. thí cho mấy đồng thì bảo viết gì chả viết. Đây này...", nó móc ra một loạt bài báo cắt ép plastic đàng hoàng. Đủ những cái tít kêu như chuông: Doanh nghiệp tư nhân Hưng Phú - đơn vị đi đầu trong phong trào đền ơn đáp nghĩa; Nguyễn Hưng Phú - ông giám đốc hào hiệp với trẻ thơ; Nguyễn Hưng Quý - ông chủ doanh nghiệp giàu lòng nhân ái... "Đấy, nhà báo đấy". Mẹ gắt: "Hỗn nào! Anh mày nhờ làm nhà báo mới có tên trong Ban soạn thảo Hương ước của làng đấy". Thằng Phú bĩu môi: "Tưởng gì. Nếu mẹ thích, tên hai thằng con sẽ được khắc vào bia đá!". Nó nói và làm thật. Ngay ngày hôm sau, tấm bia đá có tên hai đứa với mức đóng góp tu bổ đình làng cao nhất: Mười triệu. Mẹ hỏi: "Mừng, sao con cũng đóng mà không được khắc?". Thằng Quý cướp lời con: "Ôi dào, ba đồng tẹp nhẹp ai khắc. Làng quy định rồi, dưới triệu ghi sổ vàng, trên triệu mới khắc vào bia đá". Mẹ kêu lên: "Giời ơi là giời! Làm thế thì bia đá toàn tên những đứa lắm tiền vô học à?". Thằng Phú vằn mắt quát: "Bà thích thì ôm thằng con lắm chữ mà húp cháo!". Mẹ điếng người, ôm ngực ho rũ rượi trước câu chửi giả bất thần. Mẹ tuyên bố từ cả hai thằng.
Suốt những tháng ngày sau đó, mẹ sống vật vờ như cái bóng. Con đã linh cảm sẽ có chuyện chẳng lành. Và đúng. Bao nhiêu mưa nắng gió sương cứ ngày ngày tích tụ dần trong người mẹ đã trở thành ung nhọt. Khi đưa mẹ từ phòng mổ ra, bác sĩ nói với bố: "Bà ấy tạm thời qua khỏi". Bố thủng thẳng: "Bà ấy sống là nhờ hai thằng con tôi, chứ như cái ngữ kia thì... có mà chôn sớm!". Con không biết nói thế nào, bởi những điều bố nói là sự thật. Đưa mẹ đi bệnh viện, túi con chỉ vẻn vẹn một tháng lương ứng trước. Tất cả chi phí cho ca mổ và giọt giọt những sự sống đang truyền vào cơ thể mẹ kia đều là tiền của hai em con gửi ra.
Mẹ ơi, khi vừa tỉnh, mẹ mở mắt nhìn khắp lượt sáu chị em con, và ánh mắt mẹ cứ lần tìm, mong mỏi. Con hiểu ý và đi gọi điện. Thằng Phú hỏi: "Mổ xong rồi hả? Thế thì ổn? Tôi nhờ ông một việc, ông nghỉ phép chăm sóc mẹ hộ bọn tôi nhé!". "Chú phải về. Lúc này mẹ cần đông đủ con cháu". "Căng quá! Độ này dân trúng mùa cà phê, mua xe nhiều lắm. Tôi về một ngày là mất đứt mấy triệu". Con điện cho Quý, nó hỏi: "Tôi đã gửi tiền về, anh nhận được chưa?". "Tiền tiền tiền! Chúng mày lúc nào cũng tiền. Mẹ không cần tiền lúc này nữa, mà cần chúng mày bên cạnh chăm sóc, hiểu chưa!". "Thì... có quái gì mà ầm lên thế? Được rồi, tôi nhờ ông thuê lấy một người đổ bô, giặt giũ cho mẹ, thế là được chứ gì?". "Khô...ông! Những thứ đó tao làm được hết. Tao cần chúng mày về thôi". "Nhưng... em không thể bỏ cửa hàng lúc này...".
Lần tỉnh thứ hai, mắt mẹ sáng lên, vì bên cạnh con còn có một người nữa. "Phú... Quý... phải không... con?". Thằng Hận, con chị Hoa, đứa trẻ ngày xưa mẹ te tái định đón về vội nhào đến ôm lấy mẹ mếu máo: "Bà nội ơi, bà đừng bỏ cháu...". Khuôn mặt mẹ giãn nở ra một chút rồi mẹ cười như mếu.
Và lần tỉnh thứ ba, con có cảm giác mẹ rùng mình khi thấy mình con bên cạnh. Các chị phải về với lũ con bìu ríu. Mẹ ú ớ và đưa tay ra dấu khiến con hoảng sợ vô cùng. Mẹ nghĩ mình sắp chết, mẹ cần gặp đông đủ các con trước lúc đi xa. Con cuống cuồng đi gọi điện. "Phú, anh van em, em về ngay. Mẹ rất mong các em. Nếu kẹt quá thì một đứa cũng được". Thằng Phú im bặt ra chiều nghĩ ngợi, trong máy vọng léo xéo "Anh Mừng, mẹ mổ vú nào?". "Vú trái". "Anh đợi em bàn với thằng Quý, có gì chút nữa em điện lại". Con đợi mãi chuông điện thoại mới reo. Tiếng thằng Quý hỏi độp con: "Anh Mừng, anh còn nhớ ngày xưa em bú vú nào không?". Con chưa hiểu nó định nói gì thì tiếng thằng Phú quát vòng vào máy: "Máy bú vú trái chứ còn ai nữa!". Con hiểu ra và con sững sờ. Còn bật khóc và con gào như vỡ máy: "Khốn nạn chúng mày! Chúng mày không phải về nữa đâu... ừ tao được bú cả hai bầu vú. Trách nhiệm với mẹ bây giờ là tao...". Con vùng chạy về bên mẹ nức nở. Mọi người tưởng con làm sao nên vội vàng chạy lại. Bác sĩ kiểm tra và động viên con: "Anh yên tâm. Nếu không để lại di căn, mẹ anh sẽ sống". Vâng, mẹ ơi, nỗi đau thể xác của mẹ đã được khoét bỏ, nhưng nỗi đau trong lòng của mẹ thì lại đang nhức nhối. Mẹ vẫn thường dạy con, anh em trong nhà đóng cửa bảo nhau, con đã vâng lời nên nhiều chuyện đau buồn của gia đình mình chưa ai biết. Nhưng bây giờ thì con phải nói. Nỗi đau nhân luân của mẹ phải được biết đến. Phải được khoét bỏ. Con phải nói... Phải nói... Mẹ ơi!.
Đỗ Tiến Thụy
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...