Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Có một chút gì... Như khói thuốc đắng đầu môi

Có một chút gì... Như
khói thuốc đắng đầu môi

Những buổi sáng thật sớm đầy sương mù, Huy vẫn thích ra đây, nơi quán cóc dọc theo vỉa hè này, ngồi kiên nhẫn đợi bạn tới. Tuy không hẹn nhưng biết thế nào Hùng cũng ghé qua đây, trên lộ trình đi giao bánh thường ngày của hắn. Những buổi sáng mà độ nhìn rõ chỉ còn thu lại một "block" phố. Huy có cái thú ngồi một mình nhìn khách qua lại. Đa số họ là dân buôn bán chạy hàng rong vội vã trong số đó có Hùng người bạn cùng đơn vị với anh thủa trước.

Huy đưa ly cà phê lên môi, anh nhìn rõ mầu nước đen sóng sánh trong lòng chiếc ly bằng sành. Nhấm từng ngụm nhỏ, vị đắng và mùi thơm bốc lên từ ly càphê nóng, Huy liên tưởng đến những kỷ niệm anh có với Hùng. Bình thản, Huy thong thả đặt chiếc ly xuống bàn. Mùi Càphê tuy không thơm và đượm tình người bằng những ly càphê "phin" bé nhỏ ngày xưa. Nhưng hôm nay vô tình, nó đã kéo anh về với dĩ vãng. Thủa Hùng và anh còn tung hoành sát cánh bên nhau trên bầu trời quê mẹ. Thời kỳ của những cánh đại bàng hiên ngang vào trận tuyến nóng bỏng. Thời gian lý tưởng của tuổi thanh niên hăng hái vào đời. Hùng luôn luôn vẫn là một phi công liều lĩnh và gan dạ nhất phi đoàn.

Có những buổi sáng trời lất phất mưa_ những hạt nước vừa đủ làm ướt mặt đường nhựa đen_chiếc xe Vespa của Huy chạy vội đến đón Hùng để cho kịp giờ trực hành quân. Lần nào cũng vậy, Hùng gạt đi "ngày nào mà chúng mình lại chẳng đánh nhau, vào đây ăn một chút, nếu có chết thì cũng không thành ma đói". Huy chỉ cười, dựng chiếc xe cạnh lề đường và theo Hùng vào cái quán cóc nghèo nàn bên đường Công Lý. Chênh chếch phía bên kia là quán bánh bao ông Cả Cần. Ngọn đèn dầu nhỏ tờ mờ tỏa ánh sáng yếu ớt nhưng vẫn đủ soi rõ hơi nóng bốc lên từ ly càphê nhỏ và dĩa cơm tấm nóng hổi.
Điểm tâm xong, hai đứa lại lên xe, lượn trên con đường quen thuộc dẫn vào phi trường Tân Sơn Nhất. Ngày nào cũng thế, hàng chục chiếc máy bay đậu trong ụ lộ thiên ướt hơi sương, trông như những con cá lốc đen bóng loáng. Những quân nhân kỹ thuật đang có nhiệm vụ săn sóc con tầu, bận rộn với chiếc xe bồn xăng to lớn đậu nghêng ngang giữa đường. Những bộ quân phục loang vết dầu và những chiếc thang cao mầu vàng cũ rích lăn trên bốn bánh xe vững chắc, di chuyển từ chiếc phi cơ này sang chiếc khác. Mồ hôi nhễ nhại với chiếc áo lính bạc mầu, trách nhiệm và tinh thần của họ rất cao. Đáp ứng với niềm tin vững chắc của phi công tác chiến khi họ thi hành những phi vụ hiểm nguy hàng ngày.
Khi Huy và Hùng vào tới phòng họp thì phi hành đoàn túc trực xuống ca đã sẵn sàng để ký sổ bàn giao và thuyết trình qua loa về những phi xuất có đêm qua. Bọn anh lên ca trực, bắt đầu một ngày mới. Ngồi gác chân lên thành ghế, Hùng nghịch ngợm quay tròn chiếc bút nguyên tử trên tay, chỉ cuốn sổ trực, nói với Huy:
- Bao nhiêu phi vụ đêm qua tụi nó làm sạch, chắc hôm nay chúng mình được phây phả.
Huy trả lời:
- Chắc mày biết trước nên hôm nay mới tình nguyện túc trực như thế này.
Hùng cười khẩy giải thích:
_ Tao đổi lấy ngày trực hôm nay, để mai còn phải đi với đào.
Huy ngồi đối diện, trên chiếc ghế quay ngược, khoanh tay tì trên lưng ghế, nhìn sang Hùng nói đùa:
- Con đào mới hay vẫn dùng đồ cổ?
Hùng chỉ cây viết về phía Huy:
- Sư mày Huy ạ! Sao mày nói thế?. Mày vẫn biết trên con đường tình, tao là thằng trung thành nhất của phi đoàn này.
Huy cười:
- Nghĩa là mày vẫn đi với con bé áo vàng?
Hùng gân cổ cãi:
- Con bé áo vàng là em họ tao.
- Gia đình mày đông nhỉ, mà toàn là gái đẹp.
Huy đứng dậy đi về hướng tủ, lấy cuốn sổ ghi giờ bay cá nhân rồi nói:
- Bắt đầu từ ngày mai tao gọi mày bằng anh là vừa.
Hùng ngó lên hỏi:
- Muốn làm quen hả, dễ lắm, chỉ vài tô phở thôi. Mỗi sáng dẫn tao đi "thanh tra" mấy tiệm phở là mọi sự xong hết.
Huy quay mặt lại nhìn Hùng nghi ngờ:
- Thật không?
Hùng gật gù đầu, trầm ngâm như một ông đồ già:
- Ừ...phi đoàn này nghĩ ra chỉ có mỗi mình mày là tin cậy được.
Nháy mắt với Huy, Hùng nói tiếp:
- Trong đám mù thì thằng chột phải làm vua, đó là lẽ đương nhiên. Thằng chột này, mày hên đấy.
Huy nói giỡn:
- Tao có phải là thằng chột đâu. Hay là tại mày thấy tao hay nhíu mắt khi gặp những người con gái đẹp. Vả lại mày cũng biết đó, tao ngoan từ tấm bé cơ mà.
Huy cười nhẹ, chẳng ai hỏi tội mà chàng cũng khai:
- Mầy biết không, ngoan thì có ngoan thật đấy nhưng chỉ trừ có một lần tao dại dột.
Huy ngưng ở đó, lững thững đi ra phía cửa. Hùng chờ đợi, tò mò hỏi:
- Rồi sao?
Huy quay lại thở dài nói:
- Chỉ trừ có một lần dại dột lúc mới ra đời, tao ba gai dám đái vào mặt... mụ đỡ.
Hùng cười, phụ họa:
- Nước đái trẻ thơ, vô tội mà.
Nhìn Hùng, lắc đầu Huy tiếp:
- Vậy mà con mẹ ấy nó tức, nó "nẹt" tao một cái đau điếng người. Tao khóc thét lên, rồi tao nghe có tiếng cười, xen với tiếng oang oang của mụ nói với mẹ tao. "Con trai". Tao dật mình, nín khóc nhìn xuống. Mẹ kiếp! tao là...con trai thật mày ạ.
Hùng phì cười hỏi lại:
- Có muốn thì trả lời đi, đừng đánh trống lảng.
Không đợi tiếng bạn trả lời, Hùng bắt đầu vào đề:
- Kể từ sáng mai, những ngày nào tao bay chung với mày, hãy dẫn tao đi ăn phở
Rồi Hùng gật gù đầu nói tiếp như ân nghĩa:
- Cậu tha cho phần tiền "Càphê" đấy. Đừng dại trêu cậu, cậu mà đổi ý là mày chết.
Buổi hẹn đầu, đúng như Hùng sắp xếp, Huy tới quán sinh tố này để "vô tình" gặp Quế. Lời Hùng dặn, Huy nhớ nằm lòng "mày nhớ nhé, Quế sẽ mặc áo vàng tươi cái mầu mày thích. Khi thấy nàng đến mày phải chạy ra liền. Tao đã đưa hình mầy cho nàng xem rồi. Bố khỉ! cả ngàn tấm hình chỉ có một tấm coi được vì nhờ có bộ đồ bay. Cái áo nó làm mày cao giá đấy". Ngưng một chút rồi Hùng tiếp "Quế sẽ nhận ra mày. Nhớ nhé mày phải thật tự nhiên như đã quen nhau từ kiếp trước. Đừng làm cho nàng bỡ ngỡ là hỏng chuyện đó con. Mấy tô phở của mày coi bộ nuốt khó trôi quá". Rồi Hùng ân cần dặn thêm "Này nhớ nhé khi đưa nàng tới bàn rồi hãy giới thiệu tên, rồi sau đó...quỳ xuống mà van nài tình yêu. Đó là phần của mày. Trả công ông có vài tô phở mà hành hạ ông đến thế này. Ông chỉ giúp cho đến đó thôi. Mày mà không làm được việc thì đừng bao giờ nhìn mặt ông nữa nhé". Và hôm đó Quế đến thật. Nàng đến, khép nép trong chiếc áo vàng tươi. Đón Quế ngay tại cửa vào, Huy nói:
- Mình vào trong kia đi Quế.
Quế dịu dàng gật đầu trả lời anh:
- Dạ.
Huy phục tài anh thật, cái giây phút ban đầu vừa qua anh tưởng rằng sẽ bối rối vô cùng. Nhưng Huy đã qua được rất nhẹ nhàng. Đưa Quế tới chiếc bàn khuất trong một góc, anh kéo ghế mời Quế ngồi. Huy sửa soạn cho một câu nói vào đề, bắt đầu cho một cuộc tình. Những giây phút vừa trôi qua, anh nghĩ rồi mọi sự sẽ có trớn và trơn tru như thế. Nhưng không Huy đã lầm, những câu nói đã được xếp đặt từ trước trong đầu nay oái ăm thay cậy mãi cũng không ra. Cái tự nhiên ban đầu qua đi thật mau. Ngồi đối diện với Quế, chỉ cách một mặt bàn bé nhỏ, Huy thấy khớp. Tim chàng đập mạnh, Huy cố che dấu sự lúng túng của mình mà không hiểu tại sao anh vẫn thấy chân tay thừa thãi. Huy loay hoay thế nào mà quên bẵng đi tất cả. Những dự tính của chàng khi gặp nàng. Những câu nói tưởng rằng chàng sẽ thốt ra dễ dàng, thật mượt mà và chơn chu như giòng suối chảy. Những câu nói chải chuốt đã được sắp xếp sẵn từ lâu, nay không biết chúng chạy đâu hết. Quế thì vẫn ngoan ngoãn ngồi chờ. Huy lúng túng quá muốn nói đại một câu gì, bất cứ một lời gì để phá vỡ bầu không khí ngột ngạt này. Bí quá Huy đành thú nhận với Quế:
- Huy dự định nói rất nhiều với Quế mà không hiểu tại sao khi thấy Quế là Huy quyên tất cả.
Quế cười:
- Thì anh đã nói rồi đó. Anh mở lời thật tự nhiên và thành thật.
Nói xong, Quế cúi mặt mỉm cười, nàng vân vê xâu chìa khóa trên tay. Quế nghĩ thầm cái anh chàng này hay thật, chưa chiến đấu mà đã đầu hàng. Quế thấy ngồ ngộ và bắt đầu có cảm tình với Huy. Lời anh nói thật mộc mạc và thân mật. Câu nói vừa qua đã đánh gục những ý nghĩ ngờ vực của Quế đã có từ trước. Nàng có thành kiến là những ông phi công thời chiến thường coi trời bằng vung. Bây giờ trước mặt Quế sao Huy hiền lành và dễ thương đến thế. Quế ngẩng đầu lên nhìn Huy hỏi như để khuyến khích:
_ Anh đợi Quế lâu chưa?
Huy trả lời:
- Huy cũng chẳng biết có lâu hay không nhưng thấy Quế đến là Huy mừng rồi.
Nhìn Quế, rồi nhìn đôi bàn tay nàng. Những ngón tay búp măng thon dài thật đẹp. Khuôn mặt trái soan với làn da trắng mịn và bờ môi mộng đỏ. Quế quay mặt sang phía khác tránh đôi mắt đậm tình của chàng
- Quế học trường nào nhỉ?
- Nguyễn bá Tòng anh ạ.
- Năm nay Quế có đi thi không?
- Dạ có.
Huy hỏi đến đó là hết. Bao nhiêu dự định không hiểu vì sao chúng chấp cánh bay đi thật xa, bây giờ thêm một lần nữa Huy như người đứng ở ngõ cụt, chật chội. Thời gian như đứng lại một chỗ làm Huy thấy ngộp thở. Anh đang lúng túng tìm lối ra. Lời nói đùa của Hùng chiều qua trên đường về "Gặp nàng, mày phải hỏi em bao nhiêu tuổi? Sáng dậy ăn cơm nguội chưa? em học lớp mấy? có hay bị thầy cô đánh đòn không?". Nhớ tới bộ mặt của Hùng hôm qua mà anh phì cười. Huy cảm thấy vô duyên lạ, đã không nói được gì mà bây giờ lại cười vô cớ. Túng quá chàng nói đại một câu cho qua lúc bối rối này. Lời Hùng nói đã vô tình ăn sâu vào tiềm thức Huy từ lúc nào không biết để bây giờ nó như mảnh gỗ trôi trước mắt, anh là người sắp chết đuối, vội vàng chụp lấy cơ may.
- Thế em có hay bị thầy cô đánh đòn không?
Nói xong Huy mới biết là lỡ lời. Hai tai Huy nóng bừng, không hiểu tại sao anh thốt ra câu nói ấy. Huy nghĩ thôi hỏng rồi. Hùng nó hại mình, cứ nhét vào đầu óc anh những câu nói chẳng giống con giáp nào cả. Bây giờ Huy lãnh tật. Huy im lặng như một tội nhân đang ngồi chờ kết án của quan tòa. Quế nhìn anh. Huy cười gượng nhún vai thú tội:
_ Anh đâu biết nói gì hơn
Quế ngạc nhiên nhìn anh một lúc rồi cũng bật cười:
- Anh Huy, anh vui thật. Thế anh muốn Quế trả lời anh như thế nào?
Huy bình tĩnh hơn và cũng không ngờ câu chuyện lại thay đổi nhẹ nhàng đến thế.
- Quế trả lời thế nào cũng được, miễn nghe giọng nói của Quế là Huy vui rồi.
Nàng trêu anh:
- Thế thì Quế không trả lời anh nữa đâu. Quế sẽ ngồi yên và bắt đầu tập giận anh đấy...
Nói xong Quế làm bộ ngoảnh mặt đi nơi khác.
Huy nói:
- Giận anh hả?
Quế im lặng chẳng trả lời. Huy đưa tay lên lấy chùm chìa khóa trên mặt bàn, vô tình đụng phải tay nàng. Quế giật mình quay lại, nhìn anh, mặt nàng bắt đầu đỏ. Huy thấy bồn chồn. Khuôn mặt người con gái đỏ hồng, cặp mắt thật ngây thơ và đôi môi thật tình, chưa có một nét son. Quế lúng túng cúi mặt. Huy nói nhỏ:
- Quế giận anh thật hả?
Quế ngập ngừng, thật ngây thơ:
- Dạ chưa_ nàng mỉm cười_ nhưng sắp có triệu chứng.
Huy cười vui vẻ:
- Anh tưởng em giận nên tính xin lỗi Quế đây.
- Bằng cách nào?
Huy ngập ngừng:
- Hay là gọi cho Quế...một cây cà rem nhé.
- Để hối lộ Quế?
- Không, nhưng để dỗ Quế và cũng để chuộc tội vì đã lỡ lời.
Quế nhìn lên, dáng thật ngây thơ:
- Anh có tội gì đâu?
Huy nói đùa:
_ Nếu không, thế thì đỡ được một cây kem rồi đấy.
Câu chuyện cứ luẩn quẩn loanh quanh, lẩm cẩm như thế rồi Huy chợt nhớ việc phải làm, chàng gõ nhẹ tay xuống bàn và chỉ tờ thực đơn ở phía dưới tấm kính.
- Quế dùng gì?
Quế cúi xuống, nhìn tờ thực đơn in bằng Ronéo mầu mực tím nhạt đã bị nhòe.
- Chè đậu xanh.
Huy vui vẻ :
- Anh cũng vậy.
Quế trêu anh:
- Bây giờ nếu Quế đổi ý, không ăn chè nữa mà ăn kem_ hất đầu nhìn Huy_ Quế nói tiếp:
- Anh có theo Quế không?
- Theo chứ, nhất định theo chứ, chết bỏ mà.
Hai chén chè đậu xanh để trên bàn. Mầu vàng có lốm đốm mấy hạt vừng nâu nhạt. Chiếc kem sầu riêng Quế cắn dở, nàng đưa cho anh, thật tự nhiên:
- Lạnh quá, anh ăn dùm em đi.
Huy đưa lên miệng, nhìn Quế rồi từ từ cắn ngay vào chỗ có dấu răng của nàng. Như một phản ứng tự nhiên của ngày đầu chưa thân, Quế dơ tay cản yếu ớt:
- Anh!
Rồi Quế im lặng, bén lén. Một cảm giác lạ đến với nàng, Quế thấy dạo dực, cúi mặt, như hưởng trọn niềm vui nhột nhạt vừa chợt đến...
Những kỷ niệm của phút ban đầu ấy Huy vẫn còn nhớ rõ như ngày hôm qua, chàng chẳng bao giờ quyên. Rồi ngày tháng qua đi thật nhanh và biến chuyển đến cũng lẹ, cô em họ của Hùng hai năm sau đó bước lên xe hoa về nhà chồng. Hồi ấy Hùng trách Huy, coi chàng là người không có lập trường vững chắc. Không có can đảm để chiến đấu cho tình yêu chân thật. Hùng ở cùng phi đoàn với Huy thêm một năm, rồi theo nhu cầu bành trướng của Không Quân. Hùng thuyên chuyển đi Đànẵng, sang phục vụ phi đoàn khác với chức vụ lớn hơn. Và từ đấy hai người ít có dịp gặp nhau nữa. Đến tháng tư bẩy mươi lăm cảnh tan đàn rã nghé, Hùng bị kẹt lại tại Đànẵng và phải đi tù. Xa cách cả chục năm, may thay hai người bạn cũ vô tình gặp lại nhau trên đất khách quê người. Hùng sang đây thật trễ và vô tình lại đến cư ngụ trong cùng một thành phố với Huy.
Hôm nay ngồi đây, Huy vẫn còn nhớ đến những ly cà phê bốc khói và những câu nói của Hùng dạo nào "Phở chùa sao ăn vừa miệng tao thế, nó ngon tuyệt lại vừa khẩu vị của tao. Ê Huy mày lấy cho tao cọng rau húng quế, đừng lấy giá. Mày gọi thêm cho cậu ít hành trần. Thứ hành này cậu thích, cậu ăn không bổ ngang thì cũng bổ dọc...". Cái cảnh "mày trả tiền phở, tao trả tiền càphê" không còn nữa, Huy nghĩ mà thấy tiếc. Nửa trái địa cầu bên kia, quê hương của Huy đó bây giờ ra sao? Huy thở dài. Tiếc rẻ thời thanh niên đầy thú vị, nó qua đi nhanh như gió thổi. Con bé áo vàng có tới thật nhưng cũng chẳng ở lại được lâu. Ngày giã từ trong nước mắt "em vẫn yêu anh" và "em nói thật đấy, ngàn đời em vẫn yêu anh" cũng chẳng làm họ gần nhau. Lúc đầu không ai biết được cái lý do tại sao họ thương nhau đậm đà đến như thế mà lại phải xa nhau. Có một điều là từ ngày đó trở đi bạn bè nhận thấy Huy yêu chiếc áo bay nhiều hơn. Huy đã xông xáo và liều lĩnh hơn trước. Những trái bom Huy thả ngoài trận địa cũng đẹp và chính xác hơn. Chiếc tầu Huy bay, bị lôi cuốn, hung hăng với dàn súng máy nổ dòn hơn trước. Con bé áo vàng đã ảnh hưởng khá đậm đến lối sống của Huy. Sau những chuyến bay mệt nhọc, đứng trên cánh máy bay anh thường âu yếm vuốt cái huy hiệu cánh bay thêu trên ngực áo mà mỉm cười hãnh diện. Chỉ có Hùng mới hiểu rõ mối tình giữa người bạn mình và cô em họ hơn ai hết, nhưng cũng đành chịu bó tay. Sau này người ta mới hiểu chính cái nghề bay bổng đã chận lối con đường tình của Huy, tưởng rằng sẽ đi đến một hôn nhân tốt đẹp. Gia đình Quế sợ đời phi công ngắn ngủi, ảnh hưởng đến tương lai của con gái họ. Huy chán nản, khép cửa lòng, đến bây giờ thì đã cả chục năm rồi mà Huy vẫn còn độc thân. Vẫn chung thủy với hình bóng người con gái áo vàng thủa trước.
Chờ mãi rồi Hùng cũng tới. Như mọi lần sau khi nói vài câu chuyện chẳng có đầu có đuôi. Hùng đứng dậy vội vã hòa mình vào đám đông cho kịp chuyến xe, bôn ba với cuộc sống hàng ngày. Sáng nào cũng vậy Hùng hấp tấp như thế để kịp đi giao bánh cho mấy tiệm ăn của người Việt ở vùng này. Hùng đã hứa với họ là sẽ giao hàng trước giờ làm việc của các công tư sở của thành phố này. Nhìn Hùng với nét cần cù kiên nhẫn chịu đựng, Huy thấy lòng mình se lại. Hoàn cảnh của Hùng thật tội nghiệp. Sau những ngày tháng tù tội, xé tròn tám cuốn lịch, Hùng sang đây muộn màng. Mọi việc đều lở dở không như ý anh mong muốn. Vợ Hùng và ba đứa con còn nhỏ chưa giúp đỡ được gì. Chị Hùng ở nhà chỉ lo cho con thôi cũng đủ mệt. Tính tình chị thật hiền lại hơi nhút nhát. Sinh ngữ lại chưa thông thạo, thế cho nên mọi việc đều phải trông cậy vào bàn tay của chồng. Hùng đầu tắt mặt tối làm việc suốt ngày nhưng không lấy đó làm buồn, anh an phận với cuộc sống mới. Cực nhọc nhưng hạnh phúc. Anh có niềm vui riêng, Hùng thấy rõ được cái tương lai chắc chắn của đám con anh sau này.
° ° °
Huy nhìn ly càphê bỏ dở và những tàn thuốc nằm ngổn ngang Hùng để lại trên bàn. Vẫn mùi khói thuốc quen thuộc ấy, nhưng Hùng thì đã khác nhiều. Con người ngày xưa một thời, chẳng ai ngờ được, là một phi công của một không lực mạnh đứng vào hàng thứ tư trên thế giới mà bây giờ... Huy chẳng dám nghĩ tiếp nữa, lơ đãng đưa ngón tay, nối những giọt càphê còn vương trên mặt bàn. Huy nhớ lại câu của Hùng nói với anh ngày nào "Cậu tha cho phần tiền càphê đấy, đừng có dại trêu cậu, cậu mà đổi ý là mày chết". Huy đứng dậy đi vài bước, rồi bất chợt quay lại nhìn chiếc ly càphê. Gật gù trầm ngâm nói lẩm bẩm một mình "nó cũng có khác với những ly càphê tại khu trại gia binh năm xưa thật". Hình ảnh ngày qua tưởng đã trôi mất, nay bỗng trở về mãnh liệt. Huy thấy xót xa trong lòng. Cả một góc trời kỷ niệm ụp xuống, bao lấy Huy. Hình ảnh Quế đang đứng chờ anh nơi góc phố, đón Quế đi học vào những ngày anh được nghỉ bay. Nụ cười của cô bé áo vàng và mầu nắng hanh buổi sáng. Những lúc nàng đợi anh dưới mái hiên sân trường, những ngày mưa, ngày nắng, ánh mắt ấy và những hạt mưa sa. Những lần anh đến đón trễ, Quế vẫn kiên nhẫn chờ anh, vạt áo dài ướt đẫm nước mưa. Quế vẫn ôm chồng sách trên tay, bồn chồn mắt ngóng nhìn về nơi cuối phố. Ôi kỷ niệm! Hồng Quế cái tên gọi của một loài dược thảo mà anh đã vấn vương. Nơi đất khách quê người, Huy tin rằng anh sẽ giữ được mãi hình ảnh Quế, như hành trang sẽ theo anh suốt cuộc đời. Hồng Quế, cô bé áo vàng, cái dấu vết duy nhất lưu lại cho một mối tình lỡ. Hôm nay đã có lần anh định hỏi thăm Hùng về Que,á nhưng không hiểu tại sao Huy không nói ra lời. Anh thở dài, lời ca của một bản nhạc tình nào vang vọng trong anh "một ngày nào, cho tôi được gặp lại em, đôi môi ấy đến nay còn nồng. Một lần nào cho tôi được gặp em, có chút tình xin đốt một lần." lời hát nhỏ dần và tan trong sương mù buổi sáng của thành phố này. Huy lắc đầu thở dài, dường như có một chút gì còn đọng lại như khói thuốc đắng nơi đầu môi.
Trời cũng bắt đầu sáng tỏ, Huy nhìn chiếc xe buýt vừa vào bến đậu. Đám hành khách chuyển vội sang chuyến khác để đi cho kịp giờ làm việc. Huy gạt bỏ điếu thuốc dở, theo dòng người ngược xuôi, lên xe. Anh không vội vã như Hùng sáng nay, vì anh biết chậm thế nào thì chiếc xe buýt này cũng đưa anh đến nơi làm việc thường ngày. Huy sẽ lầm lũi đi vào căn phòng có bốn bức tường kín, có máy lạnh, có những bộ mặt của những người không cùng quê hương, nói không cùng ngôn ngữ với anh. Trả đủ tám tiếng đồng hồ "tù tự do" xong, anh lại về nhà, sửa soạn cho ngày mai để đón nhận tám giờ khác. Anh như chiếc kim quay đều trên mặt đồng hồ vô tri. Hết vòng quay này rồi sẽ sang vòng quay khác. Huy rùng mình, rồi đây anh sẽ dần dần trở thành con người máy ngây ngô.
laoboc Y 1284406902 Edit Delete
Đào Quang Vinh Bố Mẹ Tôi
Bố Mẹ Tôi
Đêm hôm nay, mười bốn trăng tròn. Tôi tưởng tượng như thế. Nếu quả thật như vậy thì ngày mai nhất định phải là ngày rằm. Ngày rằm tháng tám, ngày tết trung thu, trăng sẽ sáng và thật tròn. Ánh trăng sẽ tỏa ngập trần gian. Thành phố này, nơi tôi vừa đến, tôi nhìn lên cao mà mường tượng, dường như thấy rõ cả khuôn mặt chị hằng nơi cung điện...
Với bao mùa trung thu qua, xa quê nhà tính ra đã cả hai mươi lăm năm trời, tôi đã trở thành "người khác" từ lúc nào không hay biết. Bây giờ giật mình, tôi thấy tôi đã bắt đầu chớm già. Không phải già vì tuổi tác mà già vì cuộc sống tranh đua từng ngày. Có lẽ vì vậy mà Tết Trung Thu chẳng còn ý nghĩa sâu đậm trong tôi như ngày nào, thủa tôi còn bé. Hình ảnh những chiếc bánh nướng mầu nâu, bánh dẻo mầu trắng và mùi thơm của tách trà tầu mạn sen bốc khói và nhất là nụ cười thật tươi của cha tôi cũng chẳng còn. Nhớ tới cha tôi là nhớ tới miền bắc xa xôi của người.
Hànội ngày ấy, tôi còn nhỏ, trời có mưa phùn bay và gió lạnh hiu hắt thổi nhẹ. Tôi vẫn còn nhớ cái mũ nồi mầu xám đậm kéo phủ mang tai, lốm đốm có những li ti bụi nước long lanh mầu vẩn thạch. Chiếc khăn quàng cổ rộng và dài, dầy cộm, quấn quanh chiếc cổ bé xíu, hồi tôi lên bẩy, trông thật ngộ nghĩnh. Cứ ba tháng trời mới được một lần dời nhà nội trú, để theo bố tôi về nhà, hưởng những ngày đầm ấm bên gia đình.
Tôi nhớ có lần bố đón, trên con đường vắng quen thuộc, ẩm ướt, bố dắt tay tôi qua đường vội vã và dục "nhanh lên con, về ăn bún riêu mẹ nấu". Theo chân bố, tôi bước những bước thật dài mà vẫn còn lẻo đẽo ở phía sau. Tôi muốn đi nhanh hơn nữa, có lúc phải chạy, vì biết giờ này mẹ đang mong ngóng chờ đợi tôi về. Mỗi năm chỉ có vài lần được sung sướng như thế. Ở lại nhà với mẹ vài ngày, hạnh phúc thật to lớn. Tôi muốn xà vào lòng mẹ ngay từ lúc mới bước vào cửa, nhưng không được. Bố tôi nghiêm khắc quá. Lúc nào thì ông cũng một mực "là con trai thì phải cứng rắn, không được làm nũng mẹ". Lần nào cũng vậy, đợi cho bố tôi vừa đi khuất, mẹ vẫy tôi lại ngay. Tôi ngập ngừng sợ hãi, dường như lời nói của ông vẫn còn văng vẳng đâu đây. Mẹ hiểu tâm trạng của tôi, vội với tay kéo tôi vào lòng. Những giờ phút ở cạnh mẹ, tôi thấy được bao bọc, được che chở mọi chiều, được đền bù cho những giây phút cô đơn một mình. Hằng đêm trước khi đi ngủ, tôi vẫn thường khóc, mơ ước được nằm trong cánh tay ấm áp của mẹ. Mẹ xoa đầu tôi, trìu mến nhìn thẳng vào mắt tôi, xuýt xoa. "Con của mẹ chóng lớn quá". Không khí gia đình luôn luôn vẫn thế, ấm cúng, khác xa với nơi nội trú tôi ở, nhất là về mùa đông có những ngày dài lê thê lạnh lẽo. Cơn mưa nhỏ làm mờ cửa kính, chỗ tôi vẫn thường đứng đó hằng đêm mà ngóng về hướng nhà cha mẹ tôi đang ở, nơi có một mảnh vườn nhỏ và đôi guốc gỗ bé vừa bằng bàn chân tôi. Tôi đã dấu thật sâu nơi bụi cây hàng rào chỉ vì nó dính bùn. Tôi sợ mẹ tôi nhìn thấy vì người đã cấm tôi không được ra chơi ngoài mưa.
Những ngày ở lại nhà, mẹ thường nấu cho tôi những món ăn lạ. Cái bụng nhỏ bé của tôi không bao giờ làm tôi vui lòng, nó nhỏ quá so với những thức ăn thật ngon mẹ dành cho tôi. Nhiều thứ lắm nhưng tôi chỉ thích món bún riêu cua mà thôi. Có lẽ vì tôi đã góp công lớn trong đó. Mẹ nói không có tôi chưa chắc món canh riêu cua lại đượm đà như thế. Lần nào cũng vậy, trong bữa cơm, mẹ vẫn thường tìm cách để tuyên dương công trạng của tôi. Tôi hãnh diện lắm và cảm thấy như đã là người lớn.
Tôi thích món bún riêu cua. Mà phải chính tay mẹ tôi nấu mới được. Nhìn những con cua đồng ngâm trong chậu nước đầy. Mẹ tôi đưa tôi chiếc đũa cả và dặn "Con cẩn thận nhé, đừng để tay sát mặt nước, khoắng cho đều để xả nước bùn". Tôi đỡ lấy chiếc đũa cả dài to bản, bắt đầu nhúng vào nước. Mấy con cua dơ tay lên cao như phản đối. Tôi gạt mạnh chúng sang một bên, hùng dũng như người vào trận địa. Rồi cười thích thú, bắt đầu quậy nhanh hơn cho chúng chóng mặt. Làn nước xoáy nhẹ chạy theo vết di chuyển của chiếc đũa to bản, làm thành những vòng tròn tù hãm trong chậu. Bọt bong bóng nhỏ dính từng chùm, nhả từ miệng mấy con cua mầu xám bóng loáng, nổi nhẹ trên mặt nước rồi trôi theo vòng quay, bám vào thành chậu. Mẹ biết tôi vẫn thích nghịch nước như thế. Mà thật vậy, trò chơi này tôi đã say mê từ khi nhìn thấy mấy con cua ngoan cố, tinh nghịch trèo lên thành chậu ngồi chơi, dương đôi mắt tròn như hai hạt é đen ướt át nhìn tôi khiêu khích. Tôi vội vã hất nó vào lại phía trong nhưng khó quá. Cặp chân như hai gọng kìm bám sát vành chậu. Tôi dơ chiếc đũa cả lên cao, đập cho vài cái thật mạnh trên chiếc mai cứng nhưng dường như chẳng thấm vào đâu. Con cua vẫn nghêng ngang trêu tôi, nó bò ra khỏi chiếc chậu nhôm cũ. Rồi rớt xuống sàn xi măng, chạy loạng quạng. Bối rối, sợ hãi tôi không biết phải làm gì, nhảy vội lên chiếc ghế thấp, la cầu cứu ầm ĩ. Mẹ tôi đang bận tay rửa chiếc cối đá gần đó, giật mình hốt hoảng chạy tới, tưởng tôi bị cua kẹp. Mặt tôi vẫn còn tái xanh, chỉ con cua đang tìm đường lẩn trốn, lắp bắp mách mẹ. Người cười, xoa đầu tôi, rồi mới thong thả đưa tay ra bắt lại con cua, ném nó vào trong chậu nước như cũ. Tôi phục mẹ tôi quá, việc gì người cũng làm được. Thật nhanh nhẹn, tháo vát. Lúc nào mẹ tôi cũng đến đúng lúc khi tôi cần đến người. Khuôn mặt hiền từ của mẹ và cử chỉ âu yếm ấy cứ luẩn quẩn theo tôi suốt năm tháng còn ở nội trú trong trường nhà dòng. Dạo ấy, cứ vào mỗi buổi chiều có cơn mưa phùn dai dẳng, tôi lại lên cơn nhớ nhà và nhớ hương vị thơm ngát của những món ăn. Đầu óc tôi lúc nào cũng luẩn quẩn bên bát bún riêu nóng mà mẹ tôi đã cẩn thận nấu dành cho tôi. Nhớ những cộng rau muống chẻ cong vút bám chặt, như những ngón tay búp măng đan vào nhau của đôi bàn tay đang kính cẩn nguyện cầu, hòa với mầu lá xanh của rau kinh giới vị nồng thơm, lác đác vài ba khoanh hoa chuối xắt mỏng mầu tím hoa sen. Mùi khói thơm bốc lên từ chiếc nồi đun sôi lăn tăn sủi bọt. Mẹ tôi nhanh nhẹn gắp bún bỏ vào tô, rắc ít hành hoa và gạch cua trưng rưới lên trên, rồi chan riêu cua cho ngập mặt bún. Mầu vàng sẫm của váng cua nổi bật trên mầu trắng của bún tươi. Tô bún gia đình, tô bún của mùa đông ẩm ướt có gió lạnh ngoài trời. Làm sao tôi quên được.
Rồi ngày lên đường, tôi trở lại trường cũ mà nước mắt quanh tròng. Mẹ tôi dịu dàng bao nhiêu thì trái lại, bố tôi nghiêm khắc bấy nhiêu. Bố tôi nhắc khéo "Con trai không được khóc đấy nhé". Tôi đã cắn gần như nát bờ môi và nguyện với lòng là nhất định không khóc. Bố tôi lặng lẽ đưa ra xe. Chiếc xe xích lô đạp xa dần căn nhà thân yêu mà tôi biết chắc mẹ tôi vẫn còn thấp thoáng nơi cửa sổ đang nhìn theo. Tôi không dám quay lại, sợ dòng nước mắt sẽ tuôn rơi. Rồi sẽ nhận lời khiển trách của bố. Tôi âm thầm chịu đựng ngồi cạnh người trong lòng chiếc xe mà nhịp tim đập mạnh hơn lúc thường. Dẫu sao đi nữa, tôi vẫn chỉ là một cậu bé lên bẩy bịn rịn lúc xa nhà.
Nơi tôi đến chẳng xa gì với chỗ bố mẹ tôi ở. Có nhiều lúc tôi nghĩ, thà như đám bạn tôi. Họ từ các tỉnh lỵ xa xôi khác tới, không biết đường về để dứt khoát khỏi nghĩ ngợi. Còn tôi, biết nơi nội trú và nhà tôi ở cùng trong một thành phố, chỉ cách nhau bằng một con sông nhỏ mà sao tôi phải chịu cảnh cách xa. Nhiều lúc lòng xôn xao tôi muốn trèo qua cái hàng rào bọc quanh trường, để chạy về nhà gặp lại mẹ tôi. Cái hàng rào làm bằng song sắt, thấp lè tè ngang tầm ngực, có mầu sơn đen đã bạc, nhiều chỗ sơn đã tróc đang chuyển sang mầu nâu rỉ xét. Cái hàng rào thấp ấy tôi có thể trèo qua một cách dễ dàng. Nhưng không hiểu tại sao dường như có một lực vô hình nào đã cản bước chân, giam hãm tôi, tù túng ở lại trong sân nhà trường. Tôi thấp thỏm đợi lần sau bố tôi đến đón như người đã hứa. Ngày tháng chờ mong thật dài, cái mũ nồi xám rộng vẫn nằm nguyên trên bàn và lời dặn dò của bố, tôi vẫn còn nhớ nằm lòng "Chịu khó học, lần sau bố đón về sớm. Nhớ đội nón khi ra sân chơi. Đừng nghịch mưa". Và đặc biệt không bao giờ người đề cặp tới giọt nước mắt của tôi khi người vẫn còn ở quanh phạm vi sân trường, nhất là trước mặt đám bạn bè nhỏ của tôi. Lúc ấy tôi chỉ biết bịn rịn nắm chặt tay bố. Người xoa đầu tôi, bế bổng tôi lên cao và hôn nhẹ vào má. Rồi thả lại tôi về với đám đông.
Tuổi quá non, tôi chẳng nhớ được nhiều những gì khi còn bé. Lớn lên tôi biết rất ít về Hànội, thành phố cổ kính rêu phong, có ngôi trường đồ sộ và những căn phòng nội trú lạnh lẽo. Sau này, nhiều lần nghe bố tôi kể lại, lúc ấy Hànội dần dần thành hình, để bồi đắp thêm cho vùng kỷ niệm đơn sơ của tôi, cái dĩ vãng của thằng bé xa nhà có nhiều nước mắt tủi thân hơn những nụ cười trẻ dại. Những hình ảnh gượng gạo của Hànội xa vời không rõ nét trong tôi. Bố chỉ kể cho tôi nghe loáng thoáng như thế, nơi có hồ Hoàn kiếm và những con đường nhỏ đông người. Phố Huế với đường xe điện chạy lên xuống, qua khu chợ Hôm. Chợ Đồng Xuân đông người tấp nập ngược xuôi. Những cảnh náo nhiệt ấy vẫn vô tình không thấm nhập hẳn vào tâm hồn bé bỏng của tôi. Những hình ảnh thật đơn sơ so với những trang sách sau này viết về Hànội. Cái kỷ niệm đậm nhất của thành phố cổ còn vương trong tôi, có lẽ, chỉ là buổi chiều ngày chót, bố đón tôi về nhà, để rồi từ đó tôi chẳng bao giờ có dịp trở lại nơi nội trú nữa. Tôi vẫn tiếc tấm hình mầu "Zorro" để trên đầu giường mà tôi thường mân mê trước khi đi ngủ. Bàn tay rắn chắc của chàng đang vung làn roi da quất mạnh vào không khí. Cái âm thanh sắt bén cao vút xé trời mà tôi đã tưởng tượng. Với bộ mặt nghiêm nghị, tự tin, "Zorro" như sẵn sàng thách thức với mọi biến chuyển của cuộc đời. Tôi dời nơi đó không một lời giã từ. Bỏ lại đằng sau tất cả trong vội vàng. Mải chơi, tôi quên mất lời bố đã dặn, đó là năm học chót, bãi trường sớm không chờ hết niên học. Tôi thương cho mấy con ve sầu trong hộp diêm chắc cũng chết queo vì đói và lạnh, tôi vẫn còn thấy tội nghiệp cho chúng.
Rồi tôi xa Hànội để theo gia đình vào Nam, tôi quyên đi thật lẹ thành phố tôi đã ở, quên dẫy nhà nội trú hàng ngày với tiếng chuông kẻng quen thuộc đều đặn nhắc nhở giờ sinh hoạt, giờ thức dậy, giờ đi học, giờ ra chơi, giờ ăn, giờ đi ngủ, để làm quen khí hậu mới với nắng mưa hai mùa. Saigon với những cơn nắng cháy da, và những trận mưa chiều dòng dã ướt át. Bố tôi đi làm vất vả hơn và mẹ tôi cũng vậy, lo cho chúng tôi đủ thứ. Chỉ có tôi là sung sướng, khỏi phải đi học, không phải trở về căn phòng bé nhỏ quạnh hiu ngày xưa nơi nhà nội trú nữa.
Tuổi thơ đi qua nhanh quá. Thời gian chẳng chờ đợi ai. Tôi đã lập gia đình và có đứa con trai đầu lòng cũng vừa bẩy tuổi. Sau giờ học, tôi giữ nó ở nhà, vui chơi với nó vài giờ rồi mới đi làm ca đêm, tôi vẫn sợ nó cô đơn như tôi thủa bé. Có những đêm nửa khuya, đi làm về tôi không hiểu đã nghĩ gì mà vội chạy vào phòng nó. Có lẽ tôi sợ nó như tôi ngày trước. Nửa đêm dựt mình thức giấc rồi nằm nghĩ vẩn vơ để dòng nước mắt rơi ướt gối. Bố tôi ngày ấy nghiêm khắc quá, vô tình đã tạo nên một khoảng cách xa giữa tôi và người. Bây giờ người đã mất. Lớn lên tôi mới hiểu được cái lý do tại sao người luôn luôn nghiêm khắc với tôi như thế. Cái mục đích duy nhất của cha tôi là tạo cho tôi trở thành con người cứng rắn và biết tự lập. Nhưng có một điều, theo tôi, có lẽ người đã bắt đầu quá sớm khi tôi vỏn vẹn mới sáu, bẩy tuổi...
Đêm nay, tôi đến đây, thành phố này, nhân một chuyến đi công tác của sở. Ngồi bên bờ hồ Eola, của thành phố lạ, Orlando vẫn rực sáng với ánh đèn mầu và làn nước phun nhân tạo. Những hạt nước li ti được gió đem đi xa, như những hạt mưa phùn vụn vỡ làm mát làn da mặt. Cảm giác lâng lâng ấy đã trôi hồn tôi về dĩ vãng. Tôi chợt nhớ đến những cơn mưa phùn Hànội. Ngày ấy còn nhỏ, những kỷ niệm bé xíu chứa chưa đầy vũng bàn tay mà bây giờ tôi phải nâng niu như một kỷ vật hiếm quí còn sót lại của thủa ấu thơ. Tôi nhớ cha tôi và nhớ cả đứa con trai đầu lòng. Ba thế hệ liên đới hòa nhập trong tôi cùng một buổi chiều tối xa nhà. Tôi lang thang đi vòng quanh bờ hồ, nơi đây một mình, rồi ngồi nghỉ chân trong một góc tối của bóng cây mà hồi tưởng đến những mùa trung thu đã đi qua trong đời. Thành phố Hànội buồn tẻ với cơn mưa phùn, như những hạt nước nhỏ đang bay quanh đây.Và một Saigon ngợp ánh nến lung linh của ngày tết trung thu. Đám trẻ nhỏ cùng lớp tuổi với tôi, hồi đó, đang hí hửng rước đèn, sức nóng của cây nến tỏa ra, làm căng tờ giấy bóng kính mầu. Đèn con cá, con tôm, đèn ngôi sao đủ mầu, có cả đèn kéo quân kồng kềnh. Những chiếc đèn xếp hình trái bí, trái bầu có sắc thái đặc biệt của đường giấy xếp gợn sóng. Tiếng cười đùa, tiếng la hét thỏa thê của đám trẻ nhỏ vô tư. Hình ảnh đó vẫn còn phẳng phất trong tâm khảm tôi, bất chợt hôm nay nó chạy vội tới, và tôi biết, ngày mai nó sẽ lặng lẽ đội nón ra đi chẳng một lời chào. Tôi không sợ những cơn giông to lớn mà chỉ ngại làn gió nhẹ thoảng qua mơ hồ. Hình ảnh tết trung thu ngày xưa, bây giờ chính nó đã làm lòng tôi xao xuyến, nhiều lúc đến độ day dứt khôn nguôi. Ôi! tuổi trẻ vô tư, nó đi qua thật mau. Những bài hát thủa tôi còn nhỏ bây giờ vẫn còn nghe trên đài phát thanh nơi quê người, cứ mỗi độ trung thu về
Tết trung thu thắp đèn đi chơi
Em thắp đèn đi thăm phố phường
Đèn ông sao với đèn cá chép...
Trăng đã lên cao, thật tròn tỏa ánh sáng trên vạn vật. Thế giới trẻ thơ là vùng đất của thần tiên, của ánh trăng vàng, của ngây thơ vụng dại. Ai đánh mất tuổi thơ, hoặc không có tuổi thơ mới thấy tuổi ngà ngọc ấy là quí. Chúng ta có trong tay, mà tội nghiệp thay cho những người không cảm nhận được những gì mình đang có. Để một ngày nào, nó vượt khỏi tầm với rồi mới thấy tiếc. Hạnh phúc của con người không phải góp nhặt bằng những hờn dỗi vu vơ, những bực bội vô tưởng mà bằng những yêu thương nồng ấm. Những thứ đó chúng đóng bè lại, tạo thành một vùng kỷ niệm của một thời, rồi chúng sẽ rủ nhau trôi đi thật xa. Thời gian bay nhanh quá, chúng ta có níu lại được không. Để một ngày nào đó, một cơn gió thoảng, một hạt mưa bay hay có một khoảng khắc bâng khuông nào chợt đến đã làm tâm hồn mình rung động. Mình nhận ra sự hiện hữu của chính mình, con người chỉ là cây sậy mền yếu. Loài cây cỏ ấy cho nhau được những gì ngoài những phiền muộn.
Tuổi thơ! tôi cũng như bạn đã ra khỏi lớp tuổi này từ lâu để hội nhập vào một thế giới khác nhiều lọc lừa và ganh đua. Chán nản, nhiều lúc tôi muốn quay về với những ngày xưa xa cũ, để cố tìm lại hình ảnh của cậu bé ngây thơ dạo nào. Tìm lại bát canh riêu cua mẹ nấu và những lần bịn rịn chia tay với cha tôi nơi văn phòng của nhà nội trú. Tôi có lấy lại được gì nữa đâu ngoài những trống vắng và cô đơn, như đêm nay với những bước chân âm thầm lặng lẽ trên lối đi bên bờ hồ vắng lạnh này.
Đêm rồi cũng qua và bình minh sẽ ló dạng. Trăng cũng chẳng còn treo trên cao và tâm hồn tôi cũng thế, chẳng còn là tôi của những ngày xa xưa cũ.
Đào Quang Vinh
Trích "Phiêu Bồng"
Xuất bản Tháng Tư/2002
Type: Nguyễn Hồng Liên
laoboc Thank You Adm. Y 1283540757 Edit Delete
Đào Quang Vinh Giấc Ngủ Trưa Giấc Ngủ Trưa
Orlando, thành phố du lịch thuộc tiểu bang Florida, có nắng ấm hầu như quanh năm. Chẳng bù cho nơi Huy ở tuyết phủ cả bốn mùa. Nghe người ta nói khí hậu Florida tốt đẹp nên Huy tò mò thử đến một lần xem sao. Và anh đã quyết định chọn nơi đây cho lần nghỉ thường niên năm nay. Chẳng cần phải đợi đến mùa hè, anh lên đường vào dịp Tết nguyên đán. Đến đây giữa mùa xuân có nắng ấm, có hoa vàng như ở quê anh. Huy thấy lòng rộn ràng xao xuyến như có sức sống mới lạ đang len vào thân thể, anh hân hoan chào đón mùa xuân mới trong lòng.
Tình cờ nhìn thấy tấm "Post Card" bầy bán trong khu du lịch gần Disney Land. Cái tấm ảnh vừa mua, hình ngôi chùa trông thật đồ sộ. Thành phố du lịch này mà có được một ngôi chùa Việt Nam to lớn như thế kể cũng là một kỳ công. Cầm tấm bản đồ của thành phố lạ trên tay, Huy dò dẫm đi tìm đường. Với bầu không khí trong sạch mát lành, con đường xa lạ đã dẫn Huy tới ngôi chùa. Huy ghé thăm cũng chỉ vì tọc mạch. Cái mầu áo vàng tươi sáng của vị sư già và hình ảnh mái chùa cong bốn góc đã đập vào mắt và lôi kéo anh về đây, để bây giờ yên lặng ngồi nghe tiếng mõ gõ đều đều trong buổi lễ đúng vào giờ ngọ. Huy kiếm một chỗ ngồi thật khiêm nhượng nơi góc phòng trong chánh điện rộng lớn. Bức tường đằng sau vô tình đã là điểm dựa lưng lý tưởng, chẳng bù cho mấy ngày lang thang ngoài nắng gió. Chàng thầm nghĩ giờ đây là giây phút thần tiên nhất trong ngày. Huy nhắm mắt lại không để tĩnh tâm nhưng chỉ vì con mắt của anh quá mỏi với những giờ vừa qua. Cơn nắng của Florida đã hành hạ và làm đôi mắt anh cứng lại. Bây giờ trong khung cảnh này, Huy thoải mái để đôi mắt nghỉ ngơi mà tai anh vẫn còn nghe được tiếng tụng kinh đều đều. Dường như tiếng mõ đã mở đường và dẫn dắt những câu tụng bằng tiếng "Phạm" đang đua nhau ùa tới như sóng biển rì rào mời gọi. Trong âm điệu lôi cuốn ấy phút chốc đã đưa anh sang một thế giới khác biệt. Men theo âm vang trầm bổng, đôi lúc văng vẳng đâu đây, trà trộn lén vào, là những nốt nhạc trần tục của một bản nhạc tình nào đó anh ưa thích, chúng đã vô tư đan vào với tiếng mõ, tiếng chuông từ lúc nào anh không biết.
Mùi hương nhang phẳng phất thơm dịu du hồn Huy chơi vơi, chàng hé mắt nhìn chung quanh. Gần khu giữa nơi sát bàn thờ chánh điện, Huy thấy một bé gái khoảng ba bốn tuổi đang ngoan ngoãn ngồi cạnh một thiếu phụ. Đầu nó tựa vào lòng mẹ, mắt ngước lên nhìn anh bẽn lẽn. Không hiểu tại sao vô tình Huy dơ tay vẫy. Đứa bé giúc đầu vào lòng mẹ rồi bất chợt kéo nàng, chỉ tay về phía Huy, bi bô mách câu gì không rõ. Người thiếu phụ đưa mắt về phía anh. Thoáng nhìn thấy cặp mắt nàng, tim anh đập mạnh, bối rối Huy vội gật đầu chào. Vẫn chắp tay trước ngực và như một phản ứng rất tự nhiên nàng mấp máy đôi môi đáp lại "mô Phật". Với dáng dấp ấy, Huy thấy như có một liên hệ nào thật gần. Khuôn mặt trái soan và đôi mắt to đen láy, bờ môi mộng đỏ nổi bật trên làn da trắng mịn. Người thiếu phụ vẫn ngồi đó nghiêm trang, mái tóc đen dài buông xỏa che khuất một nửa khuôn mặt liêu trai. Miên man suy nghĩ, Huy nhận thấy đôi mắt ấy thật quen. Rồi bỗng, anh nhớ đến con bé hàng xóm ngày xưa. Thoáng chốc trong cảnh tự tạo, đã đưa Huy về với ngày tháng cũ. Dĩ vãng dồn dập trở về, lập lòe ẩn hiện như một bức tranh lập thể hòa trộn mầu sắc không theo một lề lối nào nhất định. Thôi đúng là Lan rồi! Lan của những ngày tháng cũ. Đứa con gái mảnh khảnh với bước chân chim vô tư thánh thót nhảy từ ô này sang ô khác. Cái trò chơi nhẩy lò cò mà nó nhất định bắt Huy phải tập. Hình ảnh ấy đã in đậm trong Huy và từ đó anh vẫn hãnh diện coi như một kỷ niệm, ngày lạc bước vào con đường tình thô sơ, ở cái tuổi ấu thơ non dại miệng còn đầy hơi sữa. Lớn lên theo tháng ngày và cứ mỗi lần bắt gặp đôi mắt đẹp nào là anh lại hình dung đến con bé Lan ngày xưa. Con bé thò lò mũi xanh hàng xóm ở cái đường Duy Tân gần trường Luật. Huy vẫn nhớ cái hàng dậu xanh cao ngang tầm lớn của anh và cái tổ chim nhỏ trong bụi dậm. Chính cái tổ chim quái ác ấy đã làm anh và nó giận nhau để rồi chẳng bao giờ còn nhìn thấy nhau nữa. Đúng lúc mà nỗi giận hờn vừa kết tụ chưa kịp tan thì chuyến xe năm nào đã đưa con bé xa thành phố Saigon trong mùa di tản. Cái con chim non còn đỏ hỏn với đôi mắt chưa mở hết, mềm mại làn da non hồng nhăn nheo, nằm trong tổ kín đáo giữa hàng rào, chiùnh là cái nguyên nhân của sự giận hờn.
Ngày ấy Huy đã đem con chim vô tội nhốt vào cái lồng đan vội bằng những que tre, lấy từ chiếc đèn trung thu cũ. Con bé đã giận anh vì đã "ăn cắp" của trời. Nó đã cáu và trong giọng nói phụng phịu, nước mắt chảy xuống gần tới mũi, nhìn anh mặt đăm đăm "biết thế tao đã không chỉ cho mày biết cái tổ chim ấy đâu". Lâu lắm Huy mới nghe lại được chữ "mày tao", chắc Lan nó giận anh ghê lắm.
Ngày nó lên đường Huy đã nhìn theo mà ân hận nhớ đến những lần anh trêu Lan. Huy thầm nghĩ chắc nó vẫn còn giận anh về chuyện đã ăn cắp cái tổ chim non trong bụi. Nhưng không, khi Lan vừa nhận ra Huy đang nép sau phía hàng dậu ngăn cách đôi nhà, nó đã vội dơ tay vẫy anh. Cái vẫy tay từ biệt không hiểu có phép lạ gì mà đã khiến Huy nhẩy vọt ra vừa đúng lúc chiếc xe bắt đầu chuyển bánh. Lan đã thò tay ra ngoài khung cửa sổ thành xe, cố bắt lấy tay anh nhưng không kịp. Huy chạy theo chiếc xe, cố chạy cho thật nhanh, nhưng đã muộn. Huy thấp quá, không đủ cao lớn để bàn tay anh chạm tay con bé lần cuối cùng. Khi chiếc xe xa hẳn tầm tay với, anh đã đứng khựng lại bực tức, vùng vằng dậm chân tại chỗ rồi hậm hực bỏ ra về. Huy giận Huy, nếu anh nghe lời bố mẹ, chịu ăn uống cho chóng lớn thì chắc anh đã nắm được tay nó rồi. Chiếc xe chạy đi đã xa mà Huy vẫn còn hình dung thấy cái bàn tay nhỏ xinh xắn đang chìa ra về hướng anh. Cái bàn tay thật nhỏ và mềm đã có lần đấm thùi thụi vào lưng Huy khi anh dọa sẽ liệng con "sâu kèn" về phía nó ngày nào. Nó sợ đến nỗi co dúm cả người lại, mặt xanh không còn một giọt máu. Huy đã cười khoái chí và đã trêu nó cả một mùa hè. Anh đã chẳng ân hận gì, hồi đó, vì sự sợ hãi của nó đã vô tình xác nhận Huy ở vị thế... đàn anh. Sau ngày hôm ấy nó cũng đổi cách xưng hô rồi quên dần chữ "mầy tao" thường ngày. Huy bắt đầu gọi nó bằng tên và coi nó như một đứa em gái. Huy là con một trong gia đình, anh vẫn ước ao có một đứa em gái như Lan. Huy vẫn thường nói với mẹ như thế. Lần nào cũng vậy, mẹ chỉ cười, xoa đầu Huy và lảng sang chuyện khác. Mẹ sửa lại chiếc gối cho ngay ngắn và nhắc nhở Huy đến giấc ngủ trưa hàng ngày. Huy gật đầu ngoan ngoãn gục đầu vào chiếc gối ôm, đi tìm giấc ngủ trưa hè. Nhưng ngay khi mẹ vừa khép cửa lại là anh mở mắt ngay, nằm nghĩ vẩn vơ, vân vê viền gối, thắt thỏm đợi chờ tiếng Lan gọi ngoài kia vọng từ bên sân nhà nàng. Huy lơ đãng nhìn mây bay qua cửa sổ, lắng nghe tiếng chim hót sau hè và tiếng gió động ngoài sân. Lan hay ra sân chơi vào giờ này và thường bẻ cho anh những mẩu bánh ngọt màu nâu hoặc chia cho vài viên kẹo ngọt. Đổi lại Huy thường cho Lan những tấm hình mầu tuyệt đẹp, thiên thần có đôi cánh trắng như bông. Huy đã cố học để được những tấm hình ấy như một phần thưởng nhỏ của những lần dơ tay trả lời đúng một câu hỏi trong lớp. Lần nào cũng vậy, khi có tấm hình mới trong tay là Huy nghĩ ngay đến Lan. Lúc đầu Huy còn cho Lan những tấm hình trùng Huy đã có, về sau dường như Huy quên mất điều này. Mỗi khi lãnh được tấm hình mới là Huy nghĩ ngay tới Lan và luôn luôn thấy hình bóng nó mờ mờ chạy nhảy phía sau tấm ảnh. Lan thường rủ Huy chơi những trò chơi con gái như nhẩy giây, nhẩy ô, đánh đũa. Mới đầu Huy còn do dự nhưng sau quen đi để dễ dàng nhập cuộc. Huy đã say mê nhìn trái banh nhỏ đang nhẩy múa khéo léo trong bàn tay Lan với những đôi đũa tre mầu nâu đậm.
Hôm nay vô tình tới đây, không hiểu có phép lạ nào đưa đẩy để anh được dịp gặp lại nàng. Nhìn đứa bé gái đang nói nhỏ với mẹ câu gì, rồi người thiếu phụ đứng dậy dắt nó đi vào phía hậu liêu. Huy không bỏ lỡ dịp may, đứng dậy đi theo. Thấy nàng đang lấy nước cho con uống, Huy xà tới đứng phía sau chờ đợi, lòng hồi hộp, rồi Huy gọi khẽ:
- Lan!
Người thiếu phụ quay lại, nhìn anh bằng đôi mắt xa lạ, nói một câu rồi quay mặt về phía đứa nhỏ:
- Sao ông biết tên tôi?
Huy hơi lúng túng nhưng biết chắc là Lan ngày xưa:
- Lan không nhận ra tôi sao?
Người thiếu phụ ngước mắt lên nhìn anh. Huy mạnh dạn hơn, đổi cách xưng hô:
- Anh là Huy trước ở đường Duy Tân cạnh nhà em.
Nàng ngỡ ngàng nhìn Huy một hồi rồi reo lên:
- Anh Huy!
Lan đã nhận ra chàng, Huy mừng rỡ cho giây phút gặp gỡ thần tiên này. Thân mật Huy đưa tay ra nắm lấy bàn tay nhỏ bé búp măng của nàng. Lan lúng túng chưa biết phải làm gì. Bàn tay Huy nắm chặt lấy tay Lan như sợ nó vụt khỏi tay anh lần nữa. Huy nói vội vàng trong niềm hân hoan:
- Gặp lại em, anh mừng quá.
Nhìn đứa bé gái Huy hỏi tiếp:
- Lan đã có gia đình?
Lan không trả lời thẳng vào câu hỏi, nàng nói:
- Chuyện dài lắm anh ạ
Huy không muốn hỏi thêm vì sợ sự thật sẽ làm mất đi niềm vui vừa chợt đến với anh. Huy hỏi giọng vẫn chưa được tư nhiên:
- Bây giờ em ở đâu? Trong thành phố này?
Lan lắc đầu:
- Không.
Rồi nàng nhìn anh ngập ngừng:
- Còn anh?
Huy rộn ràng sống lại với tiếng xưng hô ngày nào. Huy cho nàng biết thành phố nơi Huy ở và anh cũng kể luôn về những lần nghỉ hè hàng năm của chàng. Lan cười thật tươi:
- Thế tại sao năm nay anh lại lạc lối về đây?
Huy cười theo:
- Anh cũng chẳng hiểu tại sao anh lại về đây nữa, nhưng có lẽ một phần cũng là để chạy cái lạnh nơi anh đang ở.
Nhớ đến tấm "Post Card" có hình ngôi chùa, anh vội lấy ra đưa cho Lan xem:
- Cũng may mắn nhờ vào tấm hình này.
Lan nhìn, mắt thật sáng, ôm tấm hình vào lòng trông thật dễ thương:
- Anh cho em nhé.
Nhìn cử chỉ của Lan và ánh mắt của nàng, Huy gật đầu, vui mừng tìm lại được giây phút ngày xưa. Con bé hàng xóm với đôi mắt đen láy và những tấm hình thiên thần có đôi cánh trắng. Con bé ấy bây giờ hiện ra đứng trước mắt Huy với một thân hình nẩy nở của thiếu phụ một con đầy nhựa sống. Huy nhắc tới những ngày qua:
- Ngày xưa anh cho em nhiều hình mầu thiên chúa và cả thiên thần...
Lan ngắt lời:
- Em vẫn còn giữ những tấm hình Huy cho.
Huy ngạc nhiên, cảm động hỏi:
- Thật không?
Lan rất tự nhiên, bạo dạn khác hẳn với lúc nàng ngồi nơi chánh điện, nhìn Huy nháy mắt thật thân mật rồi hất đầu như ra lệnh:
- Ra xe với em
Huy cười sung sướng ngoan ngoãn đi theo nàng. Lan chợt nhớ ra điều gì quay lại hỏi Huy:
- Còn xe anh đậu đâu?
Huy lắc đầu:
- Anh đi Taxi tới.
Lan nhún nhẩy theo bước đi, quay xâu chìa khóa trên ngón tay, cử chỉ thật yêu đời, nàng bắt đầu hát nho nhỏ một khúc nhạc tình. Lan thẩy cho Huy chùm chìa khóa rồi chỉ chiếc xe mầu đỏ đắt tiền đang đậu dưới bóng cây. Chụp lấy chùm chìa khóa Huy nói đùa:
- Chìa khóa nhà, chìa khóa xe, còn chìa khóa trái tim, em để đâu?
Lan cười nhún vai không trả lời. Nàng đi về phía bên kia xe và chờ Huy mở cửa.
Chiếc xe chạy vòng ra xa lộ, vận tốc cao gió thổi lùa vào tóc Lan, Huy ngây ngất với mùi tóc nàng hòa với mùi thơm của đồng cỏ xanh ngoài kia. Những đóa hoa dại đủ mầu đang thi nhau chạy vùn vụt về phía sau chiếc xe. Tiếng Lan cười khúc khích, làn tóc xỏa man dại bay về hướng anh. Huy đưa tay vuốt nhẹ mái tóc mềm rồi theo cổ, lần tay xoa nhẹ đôi bờ vai nàng. Lan nép vào người Huy mắt lim dim như chú mèo con cần giấc ngủ. Huy mỉn cười lòng phơi phới. Lan đổi lại thế tựa cho thoải mái, gục hẳn đầu vào vai Huy, bàn tay mặt để lên ngực chàng. Huy cảm thấy hơi ấm từ lòng bàn tay Lan đang truyền sang thân anh và nghe rõ cả tiếng tim mình đang đập mạnh trong lồng ngực. Có một ước muốn mong manh vừa chợt tới. Huy ước một ngày nào đó rất gần, anh sẽ dọn về đây để sống với Lan và có cả miền nắng ấm hiền hòa này. Lan vỗ nhẹ vào ngực Huy giọng thật nũng nịu:
- Huy xuống "exit" tới nghe anh, cho em ghé qua chợ mua một ít thức ăn, chúng mình sẽ ăn trưa tại nhà.
Huy gật đầu liếc mắt nhìn sang phía Lan, đôi mắt nàng vẫn nhắm với hàng mi cong đẹp tự nhiên. Lan thoải mái như vừa kiếm được một nơi nương tựa tin cậy. Huy cười bâng quơ, chữ "chúng mình" Lan dùng rất tự nhiên và thân mật. Lòng xao xuyến rộn ràng Huy đón nhận tình yêu trở lại thật tình cờ.
Trong căn phòng ấm cúng nhỏ bé và thân mật dưới ánh nến mập mờ, nơi bàn ăn, một chai rượu vang nhỏ với hai cái ly thủy tinh cao cổ trong như pha lê. Mầu rượu chát kinh kiệu óng ánh bên ánh sáng vừa đủ của cây nến hồng, Huy đưa ly rượu lên cao nhìn Lan thật lâu và tình tứ nói:
- Chúc em có sức khỏe dồi dào và đẹp mãi như ngày hôm nay.
Lan nhìn anh, nháy một bên mắt, đưa ly rượu lên cụm ly với Huy. Trong lớp áo mỏng Lan trông như một thiên thần. Rượu làm ướt bờ môi xinh xắn đang mấp máy. Theo hương nồng, Lan lặng lẽ kể cho Huy nghe câu chuyện của đời nàng. Chuyện đẹp như một giấc mơ thần thoại và kết thúc thật khéo ở chỗ gặp lại Huy, hoàng tử của lòng nàng. Huy ngây ngất với men rượu, với men tình, chơi vơi với hạnh phúc.
Từ chiếc lò điện, mùi bánh thật thơm đang độ chín bay tỏa khắp phòng. Lan đứng dậy với tay lấy chiếc đĩa bằng xứ trắng có in hình những bông hoa tím nhạt. Thế đứng ấy, Lan vô tình để lộ thân hình căng đầy nhựa sống, thật khiêu gợi. Dáng hình thướt tha của nàng với bờ áo mỏng và ánh lửa hồng hắt ra từ chiếc lò nứơng bánh. Làn da trắng của Lan và mầu nâu của chiếc bánh thơm mùi quế. Huy đắm say nhìn nàng, chàng như lạc vào thế giới thần tiên nhạt nhòa với hình bóng con bé ngày xưa trong vườn đang đứng bẻ chiếc bánh nhỏ chia cho anh. Huy chất ngất trong hạnh phúc, anh muốn gom tất cả dĩ vãng và tương lai trong tay anh hôm nay để được say đắm, bước sang bến bờ yêu đương nồng cháy. Huy sẽ giã từ cuộc sống cô đơn cũ kỹ của chàng để về đây. Huy đứng dậy mon men lại gần Lan. Chiếc áo hở cổ để lộ một khoảng trắng da thịt ngọt nồng. Lan ngước mắt lên như một con nai vàng mời mọc, đôi môi như chờ đợi. Huy như bị thúc dục, kéo nàng vào sát anh hơn, hơi ấm của da thịt Lan truyền sang thân thể anh. Hơi thở nàng dồn dập. Lan run lẩy bẩy trong vòng tay cứng chắc của Huy.
Trong một phút không kìm hãm được lòng ham muốn, Huy đặt nụ hôn đầu lên chiếc cổ trắng ngần của nàng. Tay anh men theo bờ gáy, vuốt nhẹ qua phần cổ phía trước rồi xuống vùng thấp hơn. Lan bủn rủn làm rơi đĩa bánh trên tay. Âm thanh va chạm của chiếc đĩa xứ vỡ tan từng mảnh trên sàn đá hoa...
Huy đang bơi lội với những cảm giác chơi vơi ấy thì tiếng chuông vang lên vô tình trộn với tiếng vỡ vụn của chiếc đĩa sành, đã kéo anh ra khỏi trạng thái chập chờn giữa mộng và thực. Huy giật mình tỉnh giấc, liếc nhìn quanh những bộ mặt xa lạ đang miệt mài ngồi trang nghiêm tụng kinh. Huy choáng váng mắt hướng về phía bàn thờ Phật. Không thấy bóng dáng người thiếu phụ đâu cả. Hốt hoảng đưa mắt tìm kiếm, Huy chẳng thấy gì ngoài tiếng mõ, tiếng kinh nhật tụng vẫn đều đều vây quanh anh. Lưng Huy vẫn dựa vào thành tường, đôi tay khoanh trước ngực, Huy nhận ra anh vừa thiếp đi trong giấc ngủ trưa vội vàng. Huy nhìn xuống tấm hình "Post Card" nằm trơ vơ trên sàn thảm, mầu áo vàng của vị sư và mái chùa cong bốn góc. Lượm lấy tấm hình bỏ vào túi áo, anh đứng dậy vội đi vào phía hậu liêu. Cái bình nước "Sun rock" vẫn nằm đó thờ ơ. Huy châu mày suy nghĩ một lúc rồi chạy nhanh ra sân. Bóng mát tàng cây còn đó, chẳng thấy chiếc xe mầu đỏ đâu cả. Huy đứng chơ vơ giữa sân chùa. Anh lắc đầu tiếc "giấc ngủ trưa" ngắn ngủi. Đối với anh dường như đời chỉ toàn là mộng mị. Huy thở dài thầm nghĩ, những gì có trong giấc ngủ trưa nay, anh đã không nắm được khi tỉnh dậy, nó đã vuột thoát khỏi vòng tay. Huy thấy tiếc lạ. Ngày tháng nào đã qua đi thật nhanh, hình ảnh con bé Lan ngày xưa rồi cũng sẽ chẳng còn rõ nữa. Huy lặn lội đi tìm kiếm Lan và hơn hai chục năm, hôm nay anh mới thoáng thấy bóng nàng và thêm một lần nữa anh vẫn là người bị bỏ lại đằng sau.
Đường vào chùa, có một dẫy hoa cúc vàng mọc dọc theo lối đi. Huy cúi xuống hái lấy chiếc bông lớn nhất, cái lộc đầu năm của chàng. Huy cài vào túi áo trên, mỉm cười và nguyện sẽ giữ bông hoa này mãi mãi như một dấu vết của lần trở về được ở bên Lan. Huy nhìn đám hoa vàng tươi đang phất phơ theo gió, rồi xách túi hành trang lên xe taxi, nhìn lại cổng chùa lần chót. Anh cúi đầu quay đi, tiếp tục cuộc hành trình đang bỏ dở cho lần nghỉ thường niên năm nay nơi thành phố lạ này.
Đào Quang Vinh
Nguồn: Trich "Phiêu Bồng"
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tình khúc tháng Bảy – Chùm thơ Nguyễn Đại Duẫn 19 Tháng Bảy, 2023 Tháng Bảy thưở học trò khép lại bồi hồi/ Tiếng ve râm ran chênh chao...