Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Chuyện liêu trai

Chuyện liêu trai

Chiếc xe khách thả tôi xuống ở đầu dốc phố Việt Trì. Người thanh niên chung xe mách cho tôi một khách sạn gần lối vào Đền Hùng. Hội Hè trên đất Bắc, giỗ Tổ Hùng Vương là ngày đông người nhất. Tuy đã dự Hội năm ngoái nhưng năm nay lại đi tiếp, có lẽ tôi bị lôi cuốn bởi một tiêu đề bản tin trên truyền hình: "Linh Diệu muôn đời đất Tổ Hùng Vương".
Phải đến khách sạn thứ ba mới có phòng, những ngày lễ hội, giá phòng tăng gấp đôi mà đôi lúc không đủ. Tối mai lễ khai mạc sẽ diễn ra ở sân vận động thị xã, sau đó chương trình Giỗ Tổ kéo dài suốt 5 ngày. Sắp xếp mọi thứ thật nhanh, tôi đi xuống phố tìm mua tờ báo địa phương để có đầy đủ tin tức chương trình tuần lễ hội.
Về chiều, thành phố miền Trung Du như tái đi, đồi núi ngoài xa phủ kín sương mù, trời hơi lạnh. Phố nhiều nhà tầng mà sao vắng vẻ. Buôn bán không có gì tấp nập. Tôi đang lủi thủi đi thì nghe tiếng hỏi: "Hai người đi xe không?". Có tiếng trả lời: "Dạ không". Tôi quay qua, một cô gái xinh xinh, mang kính trắng, cách tôi không xa. Tôi mỉm cười, tiếp tục bước. Mấy giây sau, cô gái đến sát bên tôi:
- Bác đi đâu vậy bác?
- Tôi đi tìm một tờ báo địa phương.
- À, tờ Phú Thọ, Bưu Cục dưới đây chắc có bán.
Tự nhiên tôi muốn bắt chuyện:
- Thế cháu đi đâu?
- Cháu đi bộ.
Tôi mỉm cười, "Thì cô chả đi bộ là gì". Cô gái như đọc được ý nghĩ của tôi, vội giải thích:
- Cháu vừa gây chuyện với người bạn nên muốn đi bộ một lúc, cháu đi với bác nhá?
Bổng nhiên có người bạn nhỏ song hành, tôi vui hẳn ra:
- Vâng, dẫn bác tìm mua tờ báo. Nãy giờ bác chẳng thấy hiệu sách nào cả.
- Còn một đoạn nữa đến Bưu Điện bác sẽ có.
Cô gái quay qua nhìn tôi hỏi:
- Bác có sợ cháu không?
Trong nháy mắt, tôi suy nghĩ về người con gái lạ lùng này. Tôi chưa hiểu rõ ý câu nói, chưa biết trả lời sao thì cô đã giải thích:
- Xã hội bây giờ sống trong nghi kỵ, cháu là sinh viên thật đấy.
- Cháu học ngành nào?
- Sư phạm khoa văn ở Hà Nội, cháu lên đây thực tập.
Ngang qua Bưu Cục chúng tôi vào, quầy có nhiều sách báo nhưng không có tờ Phú Thọ. Tôi thắc mắc hỏi người bán báo:
- Sao một tờ báo cần thiết cho khách trẫy hội lại không có?
- Dạ, thưa chú tờ báo đặc biệt chỉ in phát về các cơ quan.
- Thế tôi muốn có một tài liệu đầy đủ thông tin về ngày hội, tìm ở đâu?
- Chú có thể gặp ban tổ chức...
Cô gái đi với tôi nói nhỏ: "Dưới đây còn một bưu cục nữa bác ạ". Chúng tôi tiếp tục sóng đôi, mãi một lúc khi tôi sực nhớ hỏi tên cô sinh viên thì chợt nhận ra một cảm giác âm ấm, êm êm trên cánh tay. Cô gái đã khoác vào tay tôi tự lúc nào. Tôi hỏi một cách tự nhiên:
- Cháu tên gì?
- Cháu tên Mai.
- Gì Mai?
- Dạ, Phương Mai.
Tôi cười nói đùa:
- Vậy cháu là Công Chúa rồi.
- Bác trêu cháu.
- Thật mà, Phương Mai là Công Chúa của Vua Bảo Đại.
- Nhưng cháu xấu xí làm sao sánh với Công Chúa hả bác?
- Bác chỉ nói vậy thôi, biết đâu cháu không đẹp hơn Công Chúa!
Tôi chưa biết mặt Công Chúa, nhưng chắc chắn Phương Mai bên cạnh tôi có một vẻ đẹp hiếm thấy. Đẹp cách nhu thuần, mềm mại, phảng phất nét xưa. Đầu quấn búi tóc khá lớn, vóc dáng cao mà không đầy, tôi nghĩ thầm: "Mặc chiếc áo dài thì đẹp phải biết". Lại một bưu cục nữa, chúng tôi vào rồi ra nhanh, vẫn không có tờ Phú Thọ.
- Cháu à, kiếm chỗ nghỉ chân, nãy giờ cũng hơn cây số rồi.
Cô gái không phản đối, tôi mừng. Quán giải khát bên đường vắng khách. Thị trấn Việt Trì, mỗi con đường Hùng Vương là phố kinh doanh buôn bán, nhưng hiền hòa và hơi quê quê, không rộn rịp như các nơi khác.
- Cháu uống gì, nước lon hay chai cứ gọi.
Phương Mai làm thinh, lúc tôi kêu một Lipton nóng không đường thì cô gái gọi một Lipton lạnh. Ra khỏi quán Phương Mai bảo tôi:
- Dưới này có con đường đẹp lắm bác ạ. Bác biết con đường Hòa Phong?
- Không, đây là lần đầu bạc dạo phố Việt Trì.
- Thế bác chưa đi hội Đền Hùng bao giờ à?
- Năm ngoái có, nhưng xe đưa bác đến ngay ngã ba vào Đền. Chiều bác đón xe cũng từ đấy về luôn Hà Nội.
- Lát nữa mình đi trên con đường đó bác sẽ thấy nó đẹp như thế nào.
- Có xa không?
- Còn chừng cây số nữa thôi. Bác ngại đi bộ à?
- Trái lại bác sợ gần quá, ngắn quá mất vui.
Phương Mai "vâng" một tiếng, rồi cười. Cười như biết hết mọi thứ trong tôi. Hai tay tôi cho vào túi áo Jacket, tay Mai vẫn choàng vào tay tôi, thân mật và tình cảm. Qua chỗ đông người tôi nói to lên để mọi người hiểu rằng bác cháu tôi đang bát phố. Ánh sáng nhạt dần, trời lạnh thêm, chưa bao giờ tôi được đi tản bộ trong không khí êm ả, lý thú như vầy. Có những lúc tôi mãi nghĩ điều gì đó thì Mai vừa nói vừa giặc mạnh tay tôi như nhắc nhở. Cảm giác ấm áp vỗ về thật dễ chịu. Những giây phút xem ra đơn giản, bình thường nhưng không phải dễ gặp. Một mùi thơm thoang thoảng, nhè nhẹ, không biết từ đâu, chẳng rõ hương vị.
- Kia bác, con đường ngang trước mặt mình.
Con đường hai chiều, giữa có bồn cỏ trồng cây, gạch lát hai lối đi bộ hai bên.
- Đường đẹp thật, có dài không?
- Chưa tới cây số, nó nối đại lộ Hùng Vương với đường Nguyễn Tất Thành. Mình đi hết con đường rồi quay về, bác mỏi chân chưa?
- Đã thấm gì (thật ra đã thấm mệt), ở nhà bác phải mang ba lô đi bộ sáng chiều, mà sao cháu lại muốn nói chuyện với bác?
- Ra đường thường cháu cúi đầu đi, không nói chuyện với ai, nhưng bác, cháu không hiểu sao. À mà bác ở đâu đến bác?
- Bác ở xa lắm,
Phưong Mai cười cười, thầm hiểu không hỏi nữa. Tự nhiên Mai nói: "Tóc cháu dài lắm bác à". Tôi dừng lại nhìn búi tóc của Mai và lặng đi một lúc. Làm sao cô gái này lại biết được ý nghĩ của tôi. Từ lâu tôi vẫn mơ ước gặp một mái tóc dài. Nhiếp ảnh gia tiền bối Phạm văn Mùi đã có bộ ảnh tóc làm nhiều người ngẩn ngơ. Nhà thơ Phạm Thiên Thư đã tình tứ:
Mượn em tơ khói tơ tằm,
Đem về dệt mộng võng nằm tịch nhiên.
Năm trước khi về thăm mộ cụ Nguyễn Du, tôi đã gặp Vân Huyền, cháu 7 đời của cụ Tố Như, có mái tóc dài bén gót, nhưng tóc thiếu mượt mà, lại có vẻ già dặn, chưa khơi dậy được những rung động thầm kín của người kiếm tìm. Giờ đây tôi đang lẩn quẩn về đầu tóc của Mai thì nàng lại mở lời..tôi không do dự:
- Cháu thử buông ra xem.
Người con gái lẳng lặng nghiêng đầu tháo giây búi, một suối tóc đổ òa xuống. "Oh my God", tôi không tưởng tưởng được, một thảm tóc đen mướt, mềm mại óng ả, thoang thoảng hương thơm.... Một mái tóc đáng giá ngàn vàng, có một không hai. Tôi quả thật may mắn. Tôi lấy máy ra thật nhanh, sẵn chiếc ghế gỗ công viên, Phương Mai ngồi xuống, những ngón tay nho nhỏ lùa tóc về một bên... Chiều qua vội vàng, tôi hồi hộp, tay máy run run, chưa khi nào tôi phải chụp ảnh trong trạng huống mong manh thấp thỏm như vầy. Chỉ mấy giây thôi, màn đêm sẽ xuống, biết ngày mai có còn.
Tôi thở phào, mọi việc đã qua, tạm ổn. Mai quấn tóc trở lại, chúng tôi tiếp tục thả bộ dọc con đường Hòa Phong. Con đường bây giờ như đẹp thêm. Trời sụp tối. Tôi ca ngợi đời sống yên tĩnh, khí hậu trong lành. Phuơng Mai giọng nghiêm trang: "Không đâu bác ạ, đây là khu công nghiệp hóa chất, mùa nắng chất thải tràn ra, thối nồng nặc, không trong lành đâu". Quả thật Việt Nam ngày nay nơi nào cũng phát triển, chung cư nhà máy mọc lên ào ạt, thôn quê, thị thành, đời sống bùng ra mọi mặt, song bấp bênh không nền tảng. Lên cao nhưng dễ sụp, cứ theo tin báo hàng ngày, từ giáo dục, y tế, giao thông, môi trường, đang càng ngày càng bất ổn, như một cơ thể nhiễm trùng, chữa nơi này bệnh nơi khác.
- Cháu à, mỗi ngày cháu rảnh vào lúc nào?
- Sáng, 10 giờ đến 12 giờ chiều từ 3 giờ. Để làm gì bác?
- Không, bác muốn biết, mai sáng đi xem Hội Chợ với bác?
- Vâng, bác đợi cháu.
Về gần khách sạn, tôi mời Phương Mai ăn tối:
- Chúng ta kiếm gì ăn, bác đi từ sáng đến giờ, bụng cồn cào lắm rồi.
- Bác ăn phở nhé. Kia có quán phở.
Ngồi vào bàn, Mai lau đũa: "Bác ăn đũa ngược nha". Lại thêm một chuyện làm tôi ngạc nhiên, lâu nay tôi vẫn có thói quen như thế. Tuy có khác người nhưng an toàn hơn, làm sao Mai biết. Mới mấy tiếng đồng hồ mà tôi nghĩ gì Mai biết nấy. Khó hiểu! Ngồi ăn nhưng đầu óc tôi nghĩ ngợi lung tung. Mọi khi đói, tôi ăn hơi nhanh, giờ thì chậm rãi như muốn cho bữa ăn kéo dài. Thỉnh thoảng liếc nhìn gương mặt của Phương Mai, màu da có trắng hơn ban chiều. Ra khỏi bàn, Mai hỏi: "Ăn được không bác?" - "Không những ăn được mà còn ngon nữa". - "Cháu thấy lúc ăn bác nghĩ gì ấy". Tự nhiên tôi thấy sờ sợ. Đến đầu dốc, Mai bỏ tay ra rồi dặn dò tôi:
- Bác nhớ đi xe ôm cẩn thận đấy. Mai cháu kể chuyện xe ôm cho bác nghe. À, bác biết chiều nay mình đi bao nhiêu cây số không?
- Chắc vài ba cây.
- Tám cây.
Mai quay nhìn xuống đồng ruộng tối thui có một hai ánh đèn, bảo tôi:
- Nhà cháu ở dưới kia, chỗ đèn sáng ấy.
- Mai cháu nhớ nhá.
Đứng nhìn đến lúc bóng người con gái mất hẳn trong đêm tối, tôi mới quay về phòng. Trong tôi có cái gì đó hơi không thăng bằng, như người không biết uống rượu nhấp phải rượu. Đi nằm một lúc không chợp mắt được, tôi dậy mở Laptop xem lại ảnh chụp Phương Mai hồi chiều có không. Ảnh rõ ràng và không thiếu kiểu nào. Vẫn không ngủ được, trằn trọc mãi với những câu hỏi không câu trả lời. - "Chả biết thật hay giả" - "Đợi trưa mai là biết chứ gì".
Đúng 10 giờ hôm sau, cô gái tóc dài hiện ra, tôi thở phào nhẹ nhõm. "Cứ nghĩ vớ vẩn". Xuống đường, Mai nói cách tự nhiên: "Bác để cháu mang túi xách cho". Tôi không ngần ngại, lại mừng thầm.
- Đây về Hội Chợ Trung Tâm bao xa cháu?
- Dạ, 6 cây.
- Bác cứ tưởng gần, thôi, đi xe ôm cho đỡ mất thời gian nhé?
- Vâng (cười)
Mai chủ động trong việc mặc cả xe, nhường tôi ngồi trước. Tôi dặn hờ: "Ngồi có vững không, nhỡ..." - "Không sao đâu bác". Tôi cười thầm: "Ban ngày mà có sao thì bác lấy gì đền cho người và máy". Không sao thật. Hội chợ rộng mênh mông, người đông ngẹt, vé vào cửa 2000 đồng. Cách trưng bày tôi thấy hay hơn, sáng sủa hơn Festival Tây Nguyên (Buôn Ma Thuột), hơn Festival Biển (Nha Trang) (1). Hai bác cháu đi hết hàng này qua hàng khác, xem, chụp ảnh, chứ không mua gì.
Chừng hơn nửa giờ sau, tôi quay lại không thấy Mai, tôi hoảng lên, bươn bã đi tìm. Càng lúc càng cuống, mắt đổ hoa, đầu nóng bừng, bao nhiêu ý nghĩ không tốt ập tới, rồi những câu tự xỉ vả mình. Ai làm không biết, trăm tội đổ cho thân. Đang lo lắng rối cả ruột thì thấy cô bé khom khom xem trong khu gốm sứ. Giụi mắt nhìn kỹ, đúng "y thị" rồi, lại mừng như vớ được của. Mà được của thật, tìm không ra là mất đi cả gia tài. Đến bên Mai tôi cố nói cách nhẹ nhàng:
- Nãy giờ đi tìm cháu muốn hết hơi.
Cô gái nhìn tôi tinh nghịch:
- Chắc bác sợ cháu mang đồ của bác đi luôn chứ gì?
Tôi khựng lại như người gian bị bắt quả tang. Tôi cố phân bua:
- Không phải thế đâu, không thấy cháu bác phải đi tìm, với lại mình còn qua hội chợ bên kia nữa.
- Lại chả thế!
Mai vừa nói vừa cười như đi guốc trong bụng tôi. "Cô bé này tinh quái lắm chứ chẳng chơi đâu". Tôi bảo Mai cứ tiếp tục xem để chụp mấy ảnh. Hay lắm, người đẹp, sứ đẹp chả biết ai hơn ai. Nhiều gian hàng miền núi bán Thuốc Nam, Đá Quí, Rượu Cần. Qua gian hàng Thổ Cẩm, hai cô ăn mặc y phục Thái rất xinh. Một cô thân mật chào tôi:
- Chào chú, chú lại về.
Tôi ngờ ngợ một lúc mới nhớ ra:
- A Thao ở Mai Châu phải không? Chú xin lỗi, có lẽ hôm nay trang phục có khác, đẹp hẳn ra...
- Chú đi nhiều, gặp nhiều cô nên không nhớ chứ cháu làm sao quên.
Tôi khỏa lấp câu trách móc bằng cách quay qua Mai:
- Đây là cháu của chú. Đây là Thao có cửa hàng ở Bản Lác Mai Châu.
- Chú có cháu xinh thế, ước gì cháu được một phần của chị ấy.
Mai đáp:
- Chị nói thế chứ em thấy chị đẹp hơn em nhiều.
Hai cô không ai chịu nhận mình đẹp, chỉ có người ngoài là thấy chẳng ai kém ai. Tôi bảo Mai:
- Cháu thích gì cứ chọn, áo khăn, túi xách, bất kể thứ gì, bác tặng.
Mai không chọn gì cả, nài lắm, cô lấy cái túi nhỏ bằng bàn tay có giây đeo trước ngực. Lại trùng hợp với món quà tôi chọn hôm lên Bản Lác Mai Châu. Rắc rối là Thao biếu chứ nhất quyết không lấy tiền. Sau đó hai bác cháu phải tìm mua hộp bánh làm quà đáp lễ.
Suốt ba ngày liền, sáng chiều, tối, Phương Mai đều theo mang máy cho tôi, vừa làm người mẫu. Lúc nào Phương Mai cũng sẵn sàng giúp tôi, ngay cả đi về Hội Chợ Quê tân thôn Sơn Vi xa mười mấy cây số. Mỗi tối lúc chia tay ở đầu dốc, Mai không quên nhắc lại : "Nhà cháu ở dưới ấy, chỗ có ánh đèn đó bác". Qua ngày thứ tư, Mai nói với dáng vẻ không vui:
- Chieu nay cháu phải về bác ạ.
- Cháu về nhà? Nhà cháu ở đâu?
- Dưới xuôi.
- Bao giờ cháu lên lại?
- Thứ hai, nay đã thứ sáu.
- Thứ hai bác cũng về lại Hà Nội, thôi được, cho bác địa chỉ trường cháu thực tập, bác sẽ gửi ảnh. Cảm ơn cháu nhiều lắm.
Tôi bắt tay giã từ cô người mẫu, bàn tay lạnh tanh, tôi hơi ớn ớn, may kịp nhớ câu nói của bác si tôi : "Tay tôi lạnh mà lòng tôi ấm" (Cold hand but warm heart).
Sáng hôm sau tôi vào Đền lúc trời còn mờ sương để chụp rước kiệu. Nghĩ rằng hôm nay Mai không còn thì giờ để theo nên tôi ở lại trong khu lễ hội cho đến 4 giờ chiều mới về khách sạn. Vừa tháo bỏ máy móc nằm một tí thì chợt nghĩ : "Sao không tìm chỗ ở của Mai, biết đâu cô ấy chưa đi". Tôi mặc vội áo quần rồi đi xuống đồng ruộng sau lưng khách sạn.
Men theo lối mòn triền đồi, tôi đi qua mấy nhà ở rải rác lụp xụp nghèo nàn, vắng người. Cánh đồng lúa xanh um, có nhiều cụm đá mọc lúp thúp như những ngôi mả vôi cũ. Áng chừng vừa đúng tầm cô gái bảo tôi mỗi buổi tối: "Nhà cháu ở dưới ấy, chỗ có ánh đèn đó bác", nhưng không thấy dấu hiệu gì là nơi cho sinh viên ở trọ. Mãi một lúc mới gặp người đàn bà đi qua tôi hỏi: "Thưa bà quanh đây có nhà nào cho sinh viên thuê không?". Người đàn bà nhìn tôi ngạc nhiên rồi vừa đi vừa lằm bằm: "Làm gì có nhà cho thuê ở giữa đồng vắng vẻ này!". Tôi lẽo đẽo theo cố hỏi: "Bà biết cô Mai, Phương Mai?". Không nghe tiếng trả lời, người đàn bà rẽ qua lối khác đi lên đồi. Tôi hoang mang, người tự nhiên toát mồ hôi, tôi đi như chạy về khách sạn. Tôi dồn nhanh đồ đạc, mang xuống phòng "lễ tân". Mọi người ngạc nhiên thấy vẻ gấp rút của tôi.
- Lễ Hội còn hai ngày nữa, chú trả phòng à?
- Vâng, chú có việc phải về Hà Nội ngay.
Qua bên kia đường đợi một lát, có chiếc xe khách đến, xe từ từ chậm lại. "Đi đâu, đi đâu"? Tôi lên xe, chẳng phải trả lời. Đâu cũng đi, trời sụp tối rất nhanh, nhưng nhanh gì thì đêm nay tôi cũng về đến Hà Nội. Ngồi vào ghế rồi mà người cứ lắc lư, đầu óc tê cứng, áo thấm mồ hôi mà lạnh muốn run. Tôi lẩm nhẩm:
"Linh diệu muôn đời Đất Tổ Hùng Vương...".
Trần Công Nhung
Nguồn: Trích Quê Hương Qua Ống Kính tập 4
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chợt ta hóa thành gã lừa đảo – Chùm thơ Phan Duy 17 Tháng Bảy, 2023 Đ úng/ một căn cước công dân/ túng tiền chơi ngông. Chợt ta hóa th...