Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

Nguyễn Ngọc Tư và cuộc chơi vô tăm tích

Nguyễn Ngọc Tư và
cuộc chơi vô tăm tích

Thơ của Nguyễn Ngọc Tư là kiểu thơ tự sự, có yếu tố cốt truyện, có nhân vật trữ tình với diễn biến tâm trạng, cung bậc cảm xúc… Thơ của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu bộc lộ suy nghĩ của tác giả về những vấn đề nhân sinh. Có một số bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư giống như truyện ngắn mi-ni với những câu văn xuôi xuống dòng liên tục. 
Nhà thơ Borges người Tây Ban Nha từng nói: “Thơ có vần là phép thử của tài năng”. Mượn cách nói của Borges, tôi nghĩ rằng thơ không vần hay còn gọi là thơ tự do là phép thử của tài thơ.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã chọn lựa cách làm thơ dễ dàng, gần gũi với công việc viết tản văn của chị đó là viết những câu-văn xuống dòng thể hiện những ý tưởng nhân sinh để tạo thành những câu-thơ, bài-thơ tự do, không vần.
Sự khác biệt trong quá trình sáng tạo giữa nhà văn và nhà thơ thể hiện ở chỗ, nhà văn là người “vong thân”, chủ yếu mô tả, khắc họa thế giới nội tâm, tính cách, hành động của nhân vật và diễn biến của sự việc, câu chuyện. Nhà thơ chủ yếu “hướng nội”, khám phá chiều kích bản thể chính mình và bộc lộ sự thăng hoa của cảm xúc thẩm mỹ qua ngôn từ, hình tượng thơ. Sở trường của Nguyễn Ngọc Tư trong công việc viết văn đã trở thành sở đoản của chị khi làm thơ. Nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư không được khắc họa chủ thể trữ tình mà chủ yếu mô tả về sự vật, sự việc qua cái nhìn chủ quan của tác giả. Nhiều bài thơ của chị không có cấu tứ, ngôn từ và ý thơ rời rạc, cảm xúc đứt đoạn, thiếu sự liên kết ngầm giữa ý tứ các đoạn thơ, khiến người đọc có ấn tượng đang đọc bài tản văn ngắn với những câu văn liên tục xuống dòng.
Bìa tập thơ Gọi xa xôi của Nguyễn Ngọc Tư   
Câu hỏi lởn vởn trong đầu tôi: Thơ Nguyễn Ngọc Tư có hồn thơ và tính thơ hay không? Đi tìm câu trả lời, tôi miệt mài đọc và nghiền ngẫm hai tập thơ của Nguyễn Ngọc Tư đó là: “Chấm” (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2013) và “Gọi xa xôi” (Nhà Xuất bản Văn học, 2018). Nhiều bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư vượt khỏi ranh giới đặc trưng thể loại thi ca, tạo nên sự giao thoa giữa thơ và văn xuôi, giữa tính trần thuật thế sự và sự thi vị, bay bổng. Đọc thơ của chị, tôi nhận ra sự bí ẩn trong thế giới nội tâm của một nhà văn. Thơ của Nguyễn Ngọc Tư là kiểu thơ tự sự, có yếu tố cốt truyện, có nhân vật trữ tình với diễn biến tâm trạng, cung bậc cảm xúc… Thơ của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu bộc lộ suy nghĩ của tác giả về những vấn đề nhân sinh. Có một số bài thơ của Nguyễn Ngọc Tư giống như truyện ngắn mi-ni với những câu văn xuôi xuống dòng liên tục. Tiêu biểu như một số tác phẩm: “Nghĩ quanh từ điển”, “Nhật ký mang thai-tháng thứ ba”, “Trà mặn”, “Ví von”, “Chiều đông ở ngã tư sương”, “Chờ bay”, “Bẹo”… Xin ghi lại một bài thơ của chị để bạn đọc thưởng thức:
Ví von
Họ xây nên mê lộ bằng ví von
“Nắng giòn như tiếng cười trẻ nhỏ”
“Trời khuất mặt sau đám mây hình nấm”
“Đáy vực tối như trái tim đã bạc”
Đêm trườn qua như con mèo đen, con mèo mềm tựa người yêu, người yêu tựa con dao nhọn
Không thấy vì sao nào nhắm hướng
Những cái bóng sơ sinh
Ngờ ngợ ngắm nhau
Cây chanh ái ngại vị đắng trên lá mình
Từ được ví như mối tình tan vỡ
Này trái chua, và gai nhọn
Bao mưa rồi vị ngọt ấy đi đâu?
Một mê lộ mở ra dịu dàng
Khi người bảo “em như không khí của anh”
Bạn bỗng nghĩ vĩnh viễn là có thật
Đưa chân vào mê lộ mịt mùng
Bạn đổi màu theo những ví von
Mỗi bước mỗi nhạt nhòa hình dáng
Thơ là lĩnh vực dễ mê dụ tâm hồn của cả người sáng tác và người đọc. Cuộc chơi chữ nghĩa của Nguyễn Ngọc Tư đã dẫn dụ người đọc lạc vào miền vô tăm tích. Thơ của chị giàu chất nghĩ, ít chất cảm và thiếu hồn thơ. Theo tôi, cái hồn của bài thơ cho thấy tác giả có phải là người làm thơ được hay không. Hồn thơ chính là cách cảm, cách nghĩ biểu hiện qua sự bén nhạy của trực giác, linh cảm của nhà thơ trong mối tương quan với sự bí ẩn của con người, sự vật, thiên nhiên. Hồn thơ chính là những cung bậc cảm xúc mang tính thẩm mỹ của nhà thơ được bộc lộ mãnh liệt, dồn nén và thăng hoa thành hình tượng, ngôn từ. Bài thơ dù viết có vần hay không vần, thơ truyền thống hay thơ tự do cũng phải có hồn thơ. Hồn thơ chính là “cốt tủy” của bài thơ. Bài thơ thiếu hồn thơ chỉ là bài văn xuôi “đội lốt” bài thơ. Đọc toàn bộ hai tập thơ của Nguyễn Ngọc Tư, người đọc có thể cảm nhận về những câu thơ trong hầu hết các bài thơ của chị giống những câu văn xuôi ngắn, xuống dòng liên tục.
“Chàng vẫy nàng ríu rít bơi ra sông
Nước lạnh căm
Rồi mặc nàng ngụp lặn giữa dòng”
(Kịch của hai người)
“Trẻ con kết thân nhanh
Ráo hoảnh bạn bè xóm cũ
Sáng vật tay nhau trưa đã thành chân trời
Dại dột trồng một cây chanh
Thắt thẻo không người tưới
Bông mười giờ nở cút côi”
(Ở trọ)
Công bằng mà nói, hai tập thơ của Nguyễn Ngọc Tư có một số bài có tứ thơ và hồn thơ với những câu thơ có sức gợi và ám ảnh như: “Muối tóc”, “Rượu bên đường Mười Bốn”, “Khúc hát rời Nho Quế”, “Về”…
“Em tự trào mình lụy giống người xưa
Đi ngả nào tóc cũng rơi đằng gót
Rải lời yêu rối cỏ
Nhỏ từng sợi máu khô
Ới ơi người thương đâu
Nhanh chân theo kẻo bụi lấm đục ngầu
(Người cúi xuống sẽ không còn thấy dấu)
(Muối tóc)
Tôi nghĩ, có người sẽ bảo tôi rằng Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn làm thơ nên không thể đòi hỏi chị sự sáng tạo thơ như một nhà thơ đích thực. Đối với Nguyễn Ngọc Tư làm thơ chỉ là cuộc chơi chữ nghĩa để chị trực tiếp bộc lộ bản thể sâu thẳm của mình. Tôi đồng ý về điều này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, thơ chính là thế giới tâm linh nhiệm màu, bí ẩn nên người làm thơ đừng nên biến công việc làm thơ thành cuộc chơi chữ nghĩa vô tăm tích. Điều này sẽ đẩy thơ vào tuyệt lộ.
13/5/2020
Võ Tấn Cường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Gió thổi miền ký ức

Gió thổi miền ký ức

Sau trường ca “Phía sau mặt trời“ (NXB QĐND – 2014), nhà thơ Trần Thế Tuyển vừa hoàn thành trường ca: “Gió thổi miền ký ức”, đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2020). Văn chương phương Nam trích đăng chương ba trường ca này để giới thiệu cùng bạn đọc.
Dòng sông hò hẹn
Lộ 4 như con rắn
Từ “Hòn Ngọc Viễn Đông “trườn xuống đất“ Chín Rồng“
Những ngày cuối tháng Tư        
Nắng gió Tây Nam, bom đạn ngông cuồng     
Muốn nuốt chửng đoàn quân xung trận.
Phải cắt đứt con đường huyết mạch
Phải ngăn thù từ cuối dòng sông
Phải chặn đường tháo lui của giặc
Từ Sài Gòn về chót mũi mênh mông.
Đơn vị Thạch từ “cánh đồng chó ngáp”
Vượt sình lầy qua An Phú, Rạch Tranh
Pháo dội từ Tân An- Tân Sơn Nhất
Máu chiến binh đỏ Vàm Cỏ Đông.
Bằng mọi giá phải cắt đứt lộ 4
Phải giữ cầu, bảo vệ Tân An
Không cho địch liều mình hủy diệt
Phải giữ từng ngọn cỏ, cánh sen.
Nửa đêm Thạch dẫn đầu phân đội
Vượt Vàm Cỏ Đông móc nối địa bàn
Trong khỏanh khắc yên bình, vời vợi
Thạch bỗng nghe tiếng hát thoảng lan.
Câu hát ấy theo Thạch ra tiền tuyến
Như phép màu thôi thúc, xông lên
Ở tận sông Hồng em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông…
Dòng sông ấy bây giờ trước mặt
Lục bình trôi, phủ kín bãi vàm
Dòng sông ấy bom rơi, đạn lạc
Bìm bịp kêu, thổn thức hương tràm.
Thạch nhớ lại đêm chia tay ra trận
Lớp 10A, tổ chức liên hoan
Thạch đã hát về dòng sông ấy
Vàm Cỏ Đông, ơi Vàm Cỏ Đông” (*)
Ánh mắt ai như thôi miên, mê hoặc
Mái tóc dài, da trắng, non tơ
Dòng lưu bút gửi người ra trận
Thạch ấp iu từ bấy đến giờ.
Và hôm nay trước dòng sông hò hẹn
Thạch ngỡ mình như đang trong mơ
Ánh mắt ấy vẫn theo anh ra trận
Nỗi khát khao cháy bỏng đôi bờ.
Trong khoảnh khắc giữa hai trận đánh
Thạch nhớ về dòng sông quê hương
Ai khai phá mà gọi tên sông Múc
Để đôi bờ, ăn ắp nhớ thương.
Thạch mơ màng như trong cổ tích
Bỗng có ai khẽ gọi tên anh
Ngoảnh đầu lại nhận ra cô gái
Áo bà ba, thắt đáy lưng ong.
Cô giao liên, như bông hoa đồng nội
Ngọn gió lành xua gian nan
Hai mươi tuổi, lòng như mở hội
Trái tim, thác lũ băng tràn.
Thạch như thấy nỗi nhọc nhằn tan biến
Từ ánh nhìn con gái đôi mươi
Ngực phập phồng khiến anh bối rối
Gặp lần đầu mà thương nhớ đầy vơi.
Thạch bừng tỉnh,
đang ngoài mặt trận
Dốc Cầu Voi, chốt chặn quân thù
Dẫu khát thèm những lần hò hẹn
Vẫn giả vờ sắt đá - lính chiến khu.
Thạch như bóng bên cô giao liên
Địch trước mặt, thì thầm trao đổi
Hương tóc ai làm anh bối rối
Sức trai tơ như những đợt sóng lừng.
Trận đánh đêm nay đâu phải trận cuối cùng
Phía trước vẫn cực kỳ khốc liệt
Thạch khát khao trước khi giã biệt
Được hôn lên đôi mắt chưa
yêu.
Dẫu ra đi về chốn phiêu diêu
Vẫn thèm khát gò bồng con gái
Và còn nữa, nơi thẳm sâu tình ái
Quyền được thèm của cánh đàn ông.
Ý nghĩ phiêu diêu như sóng đáy
sông
Coi cái chết chẳng là gì cả
Chiến tranh ư chiến tranh?!
Trời vẫn xanh màu lá
Đất dưới chân vẫn nồng ấm hơi người.
Đồng đội anh bao người đã đi rồi
“Vẫn con trai, khi ngã vào lòng đất” (**)
Thạch cũng thế, anh không sợ chết
Chỉ sợ mình mãi mãi con trai.
Bây giờ cuộc chiến đã lùi xa về chốn thiên thai
Tóc đã bạc, da mồi, chân chậm
Thạch không thể hiểu giữa
thời bom đạn
Sao trái tim người lính thăng hoa?
Đạn bom, gian nan không quên được lớp 10 A
Gương mặt bạn bè, một thời diệu vợi
Ánh mắt Lan Hương hút hồn người
Da trắng hồng, mái tóc như đêm
Thắt đáy lưng ong và giọng nói dịu êm
Là Thanh, Vân, Kim, Chi, Loan, Phượng…
Năm tháng đi qua vẫn rêu phong
như tượng
Khắc sâu trong ký ức binh nhì .
Thạch không nghĩ sẽ có ngày trở về
Nên khát khao như sóng lừng mỗi lúc
Nếu có phải ngã xuống đêm nay sẽ không bao giờ khóc
Đêm chia tay, dao chém đá, câu thề.
Trận đánh cuối cùng,
đêm trước Ba mươi tháng Tư
Cả đơn vị không ai nghĩ thế
Ai cũng sẵn lòng hiến dâng tuổi trẻ
Cho mái nhà đượm khói bình yên.
Thạch cuốn hút bởi cô giao liên
Hay ngào ngạt từ hương tràm gợi nhớ
Đồng Tháp Mười đang mùa sen nở
Hương từ sen hay từ tóc của em ?
Thạch không bao giờ quên
Trận đánh ấy bạn anh ngã xuống
Vài giờ sau ngưng tiếng súng
Vài giờ sau chấm dứt chiến tranh
Bạn anh nằm lại giữa Rạch Tranh
“Như anh dân quê cày xong thửa ruộng
Ngả mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành”. (***)
Hai đứa sinh ra cùng một ngôi làng
Cùng cắp sách tới trường thời thơ ấu
Cùng “ gác bút nghiên lên đường chiến đấu”
Cùng vào Miền Đông khi cuộc chiến cam go.
Mới hôm qua thôi, bạn anh còn làm thơ
Bài thơ nói về dòng sông Vàm Cỏ
Có bóng hình cô gái nào nho nhỏ
Lái xuồng trong thoang thoảng hương sen.
Bạn anh ước khi kết thúc chiến tranh
Sẽ trở về giảng đường đại học
Sẽ trở thành nhà thơ viết về những tháng ngày cực nhọc
Đồng đội anh ngã xuống biết bao người.
Giấc mơ chưa thành, bạn anh đã đi rồi
Chỉ chốc lát chiến tranh chấm dứt
Chỉ chốc lát hết tháng ngày thao thức
Cuộc đoàn viên, hội ngộ mấy mươi năm.
Thạch nhớ như in đêm ấy không có trăng
Cánh đồng khô, mùi cỏ cháy
Anh đào huyệt, chôn bạn anh nơi ấy
Trước dòng sông, lục bình lững lờ trôi.
Lục bình ơi, ơi lục bình ơi
Hãy ghi nhớ ngày hôm nay máu lửa
Có một trái tim không bao giờ đập nữa
Đã hoá thành linh khí quốc gia.
Chôn bạn xong, Thạch chẳng muốn rời xa
Anh nhớ lại những câu thơ bạn viết
Cao xanh, núi sông ơi có biết
Chính nơi đây yên nghỉ trái tim
thơ
Thạch khẽ khàng cất tiếng ru
Ầu ơ,
Bạn ơi, hãy cứ ngủ yên
Cánh đồng ngào ngạt hương sen vỗ về
Cánh cò chở nắng ven đê
Dừa xanh rủ bóng chở che tháng ngày
Mai kia Nam Bắc sum vầy
Bạn về quê mẹ, bõ ngày khát khao…
Tiếng ru từ trái tim
Xôn xao vùng sông nước …
Trận đánh cuối cùng
Không hẹn trước
Anh đã vào thị xã Tân An
Trưa Ba mươi tháng Tư
Niềm vui vỡ òa, tỏa lan
Anh gặp bà mẹ trong chợ Lồng thị xã
Các con đã về, bà con mong quá
Ba mươi năm dằng dặc ngóng trông
Lục Bình vẫn trôi, cuối dòng sông
Vàm Cỏ Đông vẫn dạt dào điệu lý
Đất nước mình không còn giặc Mỹ
Anh em một nhà hàn gắn, yêu thương…
Thạch không tin tai mình
Khi bà má Miền Nam
Nói những điều thẳm sâu, da diết
Anh nhớ đến Mẹ
Mẹ ơi có biết.
Con đã về khi kết thúc chiến tranh.
Con lại đến trường cùng các bạn, các em
Bài học dở dang đang chờ sĩ tử
Con sẽ chăn trâu, cắt cỏ
Như một thời mang tên Ớt ấu thơ
Con sẽ là chàng trai mẹ vẫn mong chờ
Lợp cho mẹ mái nhà rơm rạ
Con sẽ có việc làm và cưới vợ
Đẻ cho bà đàn cháu gái trai
Con đã sống rồi, mẹ ơi
Đồng đội con bao người nằm lại
Những thằng Vô, thằng Nùng, thằng Đại…
Thân tan vào sông núi, đất đai
Hồn bay lên hóa linh khí, nắng mai
Cho lục bình trôi
Và hương sen ngào ngạt…
Thạch như cánh chim gieo hạt
Trời Tân An xanh như chưa thế bao giờ
Người gặp lại người mà cứ ngỡ trong mơ
Ba mươi năm và hơn thế nữa.
Em gái Tân An ơi
Xin đừng bỡ ngơ
Anh là Anh Giải phóng quân
Nón tai bèo và vòng lá ngụy trang
Hương tràm ngát một khoảng trời mái tóc
Gặp nhau rồi xin em đừng khóc
Giọt lệ rơi đôi má măng tơ
Có phải đêm đêm em vẫn mong chờ
Tiếng súng xa vọng về thành phố.
Anh đã về đây rồi, ngạt ngào hương gió
Đôi dép râu thắm đỏ bùn non
Anh như người trên trời chẳng hiểu nguồn cơn
Cái vòng xoay trên đầu hút gió
Cả vị đắng cà phê, nhạc Bolero vàng úa
Đồng đội bảo nhau chớ có đến gần
Bởi anh là Anh Giải phóng quân
Chỉ biết rừng và bàn tay cầm súng
Biết chắc chắn ngày mai chiến thắng
Nhưng trước tiên mình phải hy sinh.
Bây giờ gặp em
Tất cả đều bỡ ngỡ
Bàn tay búp măng
Mái tóc huyền thư, nắng gió…
Chú thích:
(*) Thơ Hoài Vũ
(**) Thơ Trần Mạnh Hảo
(***) Thơ Tố Hữu.
Tp HCM, 13/4/2020
Trần Thế Tuyển
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Nhớ đầy trên quãng vắng

Nhớ đầy trên quãng vắng

Trên con đường chiều nay, quãng vắng xuất hiện trước mắt tôi chính là chiếc cầu sắt cũ kỹ đã yên phận “bảo tàng” này. Cố nhiên, so với những chiếc cầu xây dựng mới đẹp đẽ, to lớn và hiện đại thì nó có bị lãng quên trong trí nhớ của người đi đường cũng là điều hợp lẽ. Nhưng tôi muốn nói về cái quãng vắng xuất hiện kia, nó không chỉ là quãng vắng trong địa lý thiếu bóng người đi qua, mà còn là một thứ vắng vẻ, kiểu như thi sĩ Lưu Quang Vũ nghe ra từ thanh vắng: Những bước chân xưa chờ thanh vắng trở về!
Có lẽ chỉ là chuyện ngẫu nhiên thôi, nhưng nó lại bắt đầu từ chiếc cầu này. Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng/ Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu (Hoài Khanh). Quả đúng là hoang vu thật! Nắng cuối chiều ửng soi, hay quang ba dòng sông Hàn biết chiếu rọi vào những ống sắt uốn hình cầu vồng sơn vàng hai bên thành cầu, để từ đó hắt lên một thứ ánh sáng vàng úa hoang liêu như soi rọi thêm xa xăm cho con đường chiều vắng vẻ lại càng thêm vắng vẻ.
Chính cái khoảnh khắc bộ hành lang thang bước qua cầu giữa màu nắng ấy, tôi ngẫu hứng hát lên như hòa ca cùng những ngọn gió hoang dại thổi lao xao qua cầu: Chiều nay em đi trong nắng thu Đà Nẵng. Tình yêu phiêu du theo nắng rơi từng bước…Đang nửa chừng bài ca, bất chợt tôi nhớ đến cố nhạc sĩ Hoàng Châu, không chỉ anh sáng tác mỗi ca khúc Chiều thu Đà Nẵng thôi đâu, mà có đến những hàng chục bài: Tiễn em qua sông Hàn, Khúc tình ca nắng mới, Nắng bình yên, Bài ca dâng mẹ…Cũng chẳng phải những nhạc phẩm ấy là sự chạy đua qua các lần Đà Nẵng tổ chức thi viết ca khúc, mà là trước đó thật xa, vào cái thời bao cấp còn đầy dẫy những thiếu thốn khó khăn.
Có thể những người yêu âm nhạc ở thành phố sông Hàn ít ai biết về người nhạc sĩ này cũng như nhiều sáng tác khác của anh, nhưng ở Sài Gòn hay các tỉnh ở Tây nguyên thì nghệ danh nhạc sĩ Hoàng Châu không mấy xa lạ. Thậm chí sự độc đáo trong biểu diễn nghệ thuật đã làm anh nổi tiếng từ những năm trước 1975. Tôi đã từng đắm đuối mê say bởi tiếng sáo, tiếng tiêu của anh vang ngân run rẫy các giai điệu: Con thuyền không bến (Đặng Thế Phong), Lòng mẹ (Y Vân), Bến xuân (Văn Cao)… Chừng như giữa mịt mù khói trắng như những làn mây mỏng mảnh bay qua gương mặt của anh ngước nhìn lên bầu trời thăm thẳm, từ đấy từng thanh âm xao xuyến mơ hồ vụt vút bay lên. Thì ra anh chơi trò “xiếc” nghệ thuật, đốt cùng một lúc nhiều điếu thuốc lá, ngậm đầy cả miệng cho tới mũi. Anh chỉ để vừa một chỗ trống nhỏ đủ cho làn hơi lướt qua ống sáo, chính từ cái lỗ trống ấy âm thanh và khói hòa quyện vào nhau vang lên những cung bậc. Và cứ thế, cùng với cây đàn, Hoàng Châu lang thang biểu diễn khắp Sài Gòn. Tưởng chừng như anh sinh ra đời là để thực hiện một cuộc rong chơi xiếc biểu diễn âm nhạc hơn là sáng tác.
Vậy rồi một chuyến lãng du, anh bất ngờ dừng chân lại Đà Nẵng. Tôi không rõ lắm có phải những chuyến đi này của nhạc sĩ, để anh lấy giấy phép của Nhà xuất bản Đà Nẵng về việc ấn hành mấy tập sách giáo khoa giảng dạy âm nhạc do anh biên soạn hay không. Nhưng sau đó ít lâu thì thấy những tập sách này phát hành tại Sài Gòn do nhà xuất bản Đà Nẵng cấp phép. Thời cơ chế bao cấp ấy, cái nghèo cứ dẫn đường để tôi đưa anh đi mông lung ngắm biển trời Đà Nẵng, không đình đám bao cuộc như bây giờ thường dắt nhau vào quán xá nhậu nhẹt. Ăn gió uống sương nhẹ nhàng vậy mà xem ra anh rất thích thú. Khi thì ngồi mải mê trên những chuyến phà qua lại sông Hàn, lúc thì tôi và anh lại lang thang qua cái cầu sắt này, rồi xuống biển Mỹ Khê ca hát với rừng dương. Thú thật, tôi cũng chẳng còn nhớ đã bao lần như thế. Vậy rồi không rõ anh viết tự bao giờ, ngày chia tay tạm biệt Đà Nẵng, anh đưa cho tôi cả một tập nhạc đến bốn năm bài, rồi bảo tôi viết lời cho những ca khúc ấy. Lật từng trang, đọc những giai điệu Hoàng Châu thường sử dụng như: andantino, moderato, rumba…, tôi nói với anh: “Không biết em có còn viết được như xưa thời sinh viên hay không?”. Nhạc sĩ bảo tôi: “Cứ viết như ngày xưa cậu từng viết, hay dở cũng tình yêu rất thật của mình, có thi thố xưng tụng gì với ai đâu mà ngại, viết xong cậu gởi vào cho mình nhé”.
Đấy là buổi chiều tôi và anh ngồi ở quán cà phê cóc bên kia đầu cầu Trần thị Lý, rồi lững thững chúng tôi vòng lên cầu sắt Nguyên Văn Trỗi. Thật lòng, không hiểu sao mà bước chân trong buổi chiều ấy, cả tôi và anh đều bước nghễnh ngãng như chẳng cần tới một nơi nào. Có lẽ những bước lãng du phiêu bồng như thế, về sau tôi đã đưa vào ca khúc Chiều thu Đà Nẵng, nói hộ tình ý chân thật của anh trong một lần rong chơi phố xá sông Hàn: Nắng vàng rơi nhẹ, sông xưa đôi người tìm nhau. Tay nâng niu mắt lệ mừng. Môi thơm tho đón nụ tình. Người gặp người lòng rưng rưng. Ta bên em giờ bạc tóc, đi bên nhau ngỡ còn mơ…”.
Có ai ngờ, cái giấc mơ ấy một lần là… trăm năm! Sau lần tạm biệt đó, sau cái vẫy tay ở sân ga bước lên tàu, dòng đời cứ thế lặng lẽ trôi, nhạc sĩ Hoàng Châu lại bước tiếp lên những chuyến tàu khác, và rồi anh đi luôn một mạch về phía… vô tận! Tôi đọc những dòng tin muộn mằn về anh qua bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên trên báo Thanh Niên. Sau đó là của một vài tờ báo khác. Chung quy lại là những thông tin về anh. Nhạc sĩ Hoàng Châu thuộc lớp với nhạc sĩ Dũng Chinh (tác giả bài Những đồi hoa sim) và nhà thơ Kim Tuấn. Tuổi trẻ họ cùng học trường Tây với nhau, nhưng rồi mỗi người một định mệnh. Mẫu nghệ sĩ Hoàng Châu sinh ra là để hát rong, âm nhạc của anh cũng là một thứ rong ca, hứng lấy cái nghèo khó lang thang mà nuôi tươi xanh niềm hoan lạc. Trên bước đường rong ruổi đó, anh đã có những ngày dừng chân lại phố phường bên dòng sông Hàn này, lưu lại đấy những thanh âm bay qua bầu trời, mong manh và nhẹ nhàng như những dấu chim bay!
Nhớ về anh trên đường tôi về chiều nay cũng như bao nỗi nhớ khác. Lạ lùng là cái cầu sắt đã yên phận “bảo tàng” này, lại chính là nơi phát đi cái tín hiệu… nhớ. Hóa ra là những nơi rêu xanh tươi tốt, thường xuất hiện những quãng vắng, nơi ấy nỗi nhớ lên tiếng thường rõ nhất.
Bạn đã từng ở giữa quê nhà mà nhớ… quê nhà lần nào chưa? Hoelderlin – Thi sĩ lừng danh của Đức đã từng kêu lên: “Quê nhà còn hay không khi con người ta đánh mất nỗi nhớ”. Tạ ơn trời! Nỗi nhớ trong tôi vẫn thường hằng như giấc ngủ, như bữa ăn. Chỉ có điều, nó lại thường hay lê la nơi những quãng vắng như bây giờ tôi gặp trên đường về!.
13/5/2020
Nguyễn Nhã Tiên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Hương xoài khô của mẹ

Hương xoài khô của mẹ

Đất Nam bộ với sông rạch chằng chịt bủa giăng như mắt lưới là miền đất mới màu mỡ phù sa, đặc biệt là vùng đồng bằng nằm cặp đôi bờ nam bắc sông Tiền, sông Hậu, được coi là những tấm thảm xanh vườn cây ăn trái trù mật, trĩu quả bốn mùa. Mỗi năm bắt đầu mùa xuân mát dịu với sầu riêng, cam, quít, bưởi… sắc hồng tươi chín mọng với hương vị thơm tho ngọt ngào luôn quyến rủ người dân cả ba miền và du khách năm châu. Nơi bờ bắc sông Hậu quê tôi, hằng năm cứ sang hè là bắt đầu mùa xoài. Tiết hạ oi nồng thuận lợi cho những trái xoài đủ loại mau chín trông vô cùng hấp dẫn: xoài cát thịt dẻo ngọt thanh, xoài thanh ca ngọt mặn, xoài tượng có bột trái to dùng để ăn sống, lại đến xoài voi, xoài mật, xoài thơm, xoài tân quan… phẩm chất riêng biệt, là loại trái cây đặc sản nhiệt đới các nước phương Tây tiết trời giá lạnh không hề được sở hữu.
Khi còn non tươi sắc xanh thắm chưa có độ ngọt, xoài loại nào cũng có vị chua. Xoài thanh ca sống có cường độ chua mạnh nên thường dùng để nấu canh chua thay me hay bần. Xoài tượng to nhất trong các loại, có trái dài gần 2 tấc, nặng trên 2 ký, ăn sống thật ngon miệng nhờ có bột và không chua thét như các loại xoài khác. Đặc biệt, xoài tượng già bằm hay gọt thành lát mỏng trộn vào nước cá kho, nước mắm kho ăn cơm hoặc gọt thành miếng chấm nước mắm đường, ăn chơi thì thật tuyệt. Vượt trội hơn cả là xoài tượng bằm trộn với khô cá sặc rằn nướng lớn con ở Ô Môn, nhâm nhi với rượu nếp than hay bia, tất cả đều là thức ăn khoái khẩu không thể thiếu ở miệt Đồng bằng. Nhớ lại thuở nhỏ, khi cò học sơ đẳng ở trường làng, chưa ra tỉnh học, đêm đêm trong lúc ngồi ê  a ôn bài một mình bên ngọn đèn dầu dừa leo lét hay giữa khuya đang ngủ say, nhiều lúc tôi không tránh khỏi giật mình thức giấc mỗi khi nghe tiếng trái xoài tượng chín to kềnh sột soạt, ục ịch rụng xuống bờ cản hoặc mương vườn sau nhà.
Mỗi năm, cứ gần tới nghỉ hè là tới mùa chín rầm rộ của các loại trái cây. Cái thú độc đáo của tôi và thằng Tý em trai tôi là ban đêm vừa đi thăm bẫy chuột, vừa thích thú tìm moi những trái xoài tượng chín quá khổ mới vừa nghe rụng trên bờ đất hoặc  nằm vùi sâu trong vũng nước đục dưới mương vườn. Nói chung, tất cả loại xoài khi còn xanh sống đều có vị chua. Tới lúc chín, loại xoài nào cũng ngọt. Chỉ có xoài tượng là dành để ăn sống lúc vừa già nhưng chưa chín; vì lẽ khi chín xoài tương mềm, thịt nhão và không đủ độ ngọt mặn mà như các loại xoài cát, xoài mật, xoài thơm… Ngày nay, người ta hay nhắc đến và tìm mua loại xoài cát nổi tiếng Hòa Lộc, hoặc xoài cát Tân Lộc trồng ở một cù lao trên sông Hậu ngang thị trấn quận Thốt Nốt – Cần Thơ.
Hằng năm, đến mùa xoài giữa mấy tháng hè, người ta thường thấy xuất hiện những chiếc ghe thương hồ bồng bềnh, bắt đầu dập dìu trên sông rạch miền quê với các chú lái buôn Thỉnh thoảng họ chịu khó cập bến từng nhà, tìm mua xoài, đem ra tỉnh bán lại cho khách hàng. Họ thường là thương lái phương xa không biết ở nơi nào, đợi đến lúc xoài già mới đến tận nhà chủ vườn hỏi mua mảo luôn từng gốc xoài có trái gần chín. Khu vườn nhà tôi chỉ có mấy gốc xoài cát lão ngon đặc biệt do ba tôi trồng chỉ để cho người nhà ăn hoặc dành cho bà con. Năm nào xoài sai trái, ở nhà ăn không hết, mẹ tôi mới chia lại cho người hàng xóm hoặc đem ra bán nơi chợ xã.
Những năm học ở thành phố về quê nghỉ hè, chưa trở ra tỉnh học, anh em tôi thường được ba tôi và anh Hai cót két chèo ghe tam bản chở hai anh em tôi đi hái xoài. Vườn xoài do nội tôi để lại khá rộng nằm sâu mút tại Đồng Khoen, cuối kênh Mười Thới. Mấy mươi gốc xoài cao lớn đủ loại, cành lá sum suê, buông thòng quả chín nặng trĩu, óng ánh lắc lư dưới nắng trưa. Đến mùa xoài chín, ngày đêm không ngớt xào xạc tiếng dơi, sóc và chim trao trảo. Nhớ lại một năm nhà tôi trúng to mùa xoài, trong mấy ngày liền, anh Hai tôi phải thức dậy từ sáng sớm, chèo ghe tam bản cũ với chiếc lồng hái xoài, cần xé, đệm …đến tận vườn hái xoài. Đôi khi phải mướn thêm người hái tiếp vì ba tôi tuổi cao, mẹ tôi không cho leo trèo lên cây cao làm việc nặng nhọc.
Ba tôi vốn tính phòng xa, đã cặm cụi làm sẵn mấy chiếc lồng hái xoài từ mấy tháng trước. Người ra mấy bụi trúc bờ ranh sau nhà, chọn chặt mấy cây trúc tốt, thân thẳng, lóng thưa và đều, đem về làm làm lồng. Làm xong, ba tôi cặm cụi đánh giấy nhám rồi đem phơi nắng vài ngày sau khi phủ lên thân nó một lớp dầu bóng để sử dụng lâu và không bị mọt ăn. Chiếc lồng hái xoài dài độ 10m, thường làm bằng trúc trông xinh xắn ngộ nghĩnh. Ở đầu nhỏ lồng bẻ xoài, ba tôi chẻ đều thành trúc thành từng miếng rộng chưa tới 2 cm, sau đó bung rộng ra bằng những vòng sắt đường kính rộng nhất ở miệng lồng chừng 15 cm. Dùng dao bén cắt bỏ bớt khoảng bốn miếng tre, chừa cửa lồng độ 10 x 15 cm để cho khi hái, trái xoài lớn vừa đủ lọt vào. Chiếc ghe tam bản khá lớn của anh Hai tôi sau mấy buổi hái xoài, giờ đây đã  đầy ắp đủ loại xoài sống, xoài chín phải chở về nhà nhiều chuyến mới hết.
Thế là mấy ngày sau, tại nhà tôi đã lù lù một núi xoài sống, chín đủ loại nằm lủ khủ trên chiếc đệm bàng trải nơi bộ ván rộng cạnh hiên nhà. Mẹ tôi và các chị chậm rãi chọn lựa từng trái, phân xoài ra ba nhóm: loại nhất gồm những trái to vượt cỡ rồi tới loại nhì, và sau hết là những trái xoài cóc bé tý trông rất dễ thương. Xoài loại nhất được đem xếp thành hàng lớp lang trật tự trên mặt bồ lúa, bên trên được phủ kín bằng một tấm đệm bàng để tạo hơi ấm cho xoài mau chín. Loại nhì trái lớn vừa, đặt nơi bộ ván cạnh góc nhà; loại út loắt choắt được cho vào những chiếc khạp sành cũ đặt ở góc nhà sau. Tất cả đều đậy kín và cảnh giác trước lũ chuột nhà phá phách. Khoảng bốn, năm hay sáu ngày tùy theo độ già của xoài nhiều hay ít, xoài sẽ chín rộ có thể ăn hay mẹ tôi bơi xuồng đem đi bán ngoài chợ Tân Quới.
Đôi lúc, tôi bồi hồi nhớ lại một năm, do thời tiết thích hợp, nhà tôi trúng to mùa xoài, cây nào cũng oằn sai trái với từng chùm bóng lưỡng trông rất vui mắt, thèm ăn. Cùng tình trạng, xoài trong vườn nhà khác trong làng cũng được mùa. Thế nên, năm ấy, chợ Tân Quới quê tôi như bị ngập lụt với xoài. Từ sáng sớm đến chiều muộn, xoài lớn nhỏ đủ cỡ từ sống đến chín nằm ngổn ngang gò đống mỏi mòn chờ người đến hỏi thăm ! Nhưng số lượng khách mua xoài có hạn, vì ở thôn quê, nhà nào ít ra cũng có được một vài gốc xoài để ăn trái trong vườn cây tạp của mình.
Xoài là loại trái cây đặc sản Nam bộ rất độc đáo: cơm mềm khi chín và có hương vị đặc biệt khiến người ta ăn nhiều cũng không ngán. Nhưng thực trạng năm ấy nhà nào cũng không bán được nhiều xoài, người trong nhà ăn hoài cũng không vô trong khi xoài lớn, xoài nhỏ chất đống đó đây cứ tiếp nối chín rồi thối lần. Ban đầu, mọi người trong nhà tôi còn cân nhắc tiếc nuối. Mỗi ngày, ai cũng lấy những trái xoài thối ít để ăn với ý định dành lại những trái còn nguyên đem ra chợ bán, kiếm thêm ít tiền. Thành thử mọi người rốt cuộc chỉ ăn mãi những trái xoài đã thối một phần, để những trái còn nguyên tiếp tục… thối… Nhưng sau cùng, tình thế cũng chẳng sáng sủa được chút nào trước núi xoài càng lúc càng chín mùi và triển vọng sẽ đem đổ bỏ một cách uổng công! Thật không còn hy vọng gì.
Mẹ tôi vốn tính chân chất hiền lành nhưng hay có sáng kiến và biệt tài ứng biến mỗi khi trong gia đình bất chợt gặp tình thế khó khăn. Trước cảnh ngặt nghèo, thấy quá chướng mắt trước đống xoài thối: trái quá mùi hứa hẹn sẽ thối, trái bắt đầu thâm quầng nơi cuống hoặc đã thối một phần nên mẹ tôi không tránh khỏi tiếc mớ của đời không nở bỏ đi ! Thôi đành tìm cách vớt vát lại chút ít thử coi, may ra biết đâu chừng. Mẹ tôi gom hết khối xoài thối lại một đống trên bộ ván nhà sau, rồi người âm thầm tự đi lấy mấy chiếc sàng, nia và con dao nhỏ đặt sẵn gần. Lặng lẽ ngồi một mình, không nhờ hay bảo ban ai điều gì, mẹ tôi lần lần gọt vỏ những trái xoài thối ít lẫn thối nhiều, lách nhẹ phần thịt xoài còn nguyên ra từng miếng dày khoảng 4 hoặc 5 ly, rồi đem trải nhẹ lớp lang trên sàng, nia. Sau đó, mẹ tôi đem tất cả ra phơi nắng trên nóc nhà như công đoạn phơi chuối khô hay bánh phồng, bánh tráng ở nhà quê trong những ngày cuối chạp. Ba tôi và các chị chắc cũng hiểu được ý định vớt vát chút của bỏ đi nhưng trong lòng cũng chưa dám tin mẹ tôi làm như thế sẽ có kết quả như thế nào.
Đống xoài thối ứ đọng một tuần qua dần được hóa giải bởi bàn tay cần cù và sáng kiến, công thêm tính quyết đoán dám nghĩ dám làm của mẹ tôi, và sau đó cộng thêm sự trợ lực nhiệt tình của các chị tôi.
Hương hồn nội tôi như đoái hoài, khiến thời tiết ủng hộ mẹ tôi. Liên tiếp mấy ngày sau, không gian bên ngoài phủ ngập nắng thủy tinh, đẹp lung linh từ sáng đến chiều. Mỗi ngày, mẹ tôi chăm chút, thường xuyên nhắc nhở các chị săn sóc, vô ra trở mặt từng miếng để xoài được khô đều… Không bao lâu, những miếng xoài chín nho nhỏ, mỏng manh tội nghiệp, được tách ra từ những trái xoài thối một phần tưởng đã bỏ đi, giờ đây trở thành những miếng xoài khô, ngọt ngào, xinh xắn.
Trước những chiếc keo thủy tinh óng ánh sạch sẽ, bàn tay mẹ tôi với những ngón gầy guộc nổi gân xanh, nhẹ nhàng tiếp nối gở từng miếng xoài khô rám hồng thơm ngon và rịn mật để xếp dần vào từng đáy keo thủy tinh sạch bóng. Một loại mứt mới lạ – mứt xoài khô, rất ấn tượng ngẫu nhiên được hình thành qua óc sáng tạo của người mẹ hiền tần tảo. Xoài khô – thơm ngọt phảng phất chua, phẩm chất tuyệt vời! Mọi thành viên trong gia đình tôi, tay cầm miếng mứt lạ chưa từng thưởng thức, đưa lên miệng, vừa ngạc nhiên xúc động, vừa trìu mến ngưỡng mộ, nhìn mẹ tôi:
– Thật tuyệt vời! một loại mứt xoài khô vô cùng độc đáo. Chuối khô hay hồng khô, nhãn nhục hay táo Tàu và cả nho khô Mỹ cũng không sao sánh kịp!
Vì những loại mứt đã quá quen thuộc này chỉ ngọt xẳng đơn điệu chất đường mía bất cứ ai hảo ngọt đến đâu cũng không thể ăn nhiều. Trong khi đó, xoài khô do mẹ tôi sáng chế độc nhất vô nhị với độ ngọt trái cây dịu dàng pha lẫn chút vị chua, có thể ăn hoài không ngán.
Trong niềm vui chung của gia đình, tôi hạnh phúc cảm nhận từ miếng xoài khô ngọt ngào trong miệng, hương thơm dịu dàng mường tượng như mùi sữa mẹ khi mình còn trong tuổi nằm nôi!.
14/5/2020
Phương Đình
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Đỗ Lợi - Những nỗi niềm trắc ẩn với mảnh đất chôn nhau

Đỗ Lợi - Những nỗi niềm trắc ẩn
với mảnh đất chôn nhau

Hồn quê là tập thơ đầu tay của nhà giáo Đỗ Lợi. Tập sách được viết bằng tất cả tình cảm, sự nhiệt huyết của một con người giàu lòng trắc ẩn, nhiều nỗi niềm trăn trở, suy tư về con người, cuộc đời và thời cuộc. 72 bài thơ trong tập sách là những giãi bày gan ruột về những gì mà anh đã nghiền ngẫm, nghĩ suy và cả những xao động bất chợt của tâm hồn trước cõi nhân sinh rộng lớn này.
Bìa tập thơ Hồn quê.
Mở đầu tập thơ là Trường ca Đất và Người, với những hiểu biết về văn hóa lịch sử, địa lý Đỗ Lợi đã đưa người đọc đến với nhiều vùng đất, những địa danh nổi tiếng với bao chiến tích và vẻ đẹp riêng. Qua đó, người đọc có cái nhìn bao quát về đất nước và con người Việt Nam. Đất nước – con người gắn bó hữu cơ với nhau tạo nên hình tượng cao đẹp là Tổ quốc. Tổ quốc là niềm tự hào, là cội nguồn sức mạnh của dân tộc mà không một thế lực nào có thể xóa bỏ được. Đỗ Lợi khẳng định:
Việt Nam rất đẹp lại rất giàu,
Cha ông để lại cho đời sau.
Nếu ai tư lợi đem nước bán,
Tội đồ muôn thuở – lũ chó trâu!
Kẻ nào xâm phạm non sông Việt,
Chúng bay sẽ bị chặt bay đầu!
Là người con sinh ra và lớn lên trên vùng quê nghèo, nên mọi sự gian khó, nhọc nhằn của tuổi thơ và cả những gì Đỗ Lợi đã nếm trải, chứng kiến càng làm cho anh biết trân quý và yêu mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình nhiều hơn. Có lẽ vì thế mà anh đã dành khá nhiều bài thơ viết về chính quê hương của mình với những tình cảm đặc biệt nhất. Nhắc đến quê hương là nhắc đến truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm. Tấm gương người anh hùng trên quê hương được Đỗ Lợi nhắc đến với sự trân trọng, ngưỡng mộ và tự hào. Nguyễn Hào Sự – Người anh hùng ấy, giờ đã có một ngôi trường mang tên ông ngay tại quê nhà. Anh xem đó là niềm tự hào của quê hương Xuân Phước: Nhỏ thêm giọt lệ ân tình/ Tràn ly chiến tích anh hùng quê ta./ Vì non sông đất nước nhà,/ Người con áo vải xông pha dưới cờ. / Ra đi nặng một lời thề,/ Cần Vương diệt Pháp cứu quê hương mình…// Bước vào trang sử hùng anh/ Xã góp sức làm rạng danh huyện nhà./ Tự hào Xuân Phước quê ta,/ Trường tên Hào Sự thật là vẻ vang! (Tự hào Xuân Phước quê ta).
Đỗ Lợi thể hiện cái tình quê của mình bằng tất cả tình yêu thương và tự hào về quê hương, xứ sở. Nơi ấy, có những người thân yêu ruột thịt, nơi ấy có những bà mẹ, người cha tảo tần hôm sớm, tất cả vì sự khôn lớn và trưởng thành của con. Những hình ảnh thân thương sẽ theo anh trên mọi nẻo đường đời, trở thành chỗ dựa tinh thần vững chải và niềm tin yêu vô bờ: Xuân Phước quê tôi đẹp lạ thường,/ Khi đi xa chín nhớ mười thương./ Nhớ từng gương mặt dầm sương/ Thương từng chiếc áo còn vương bụi nhà …// Trong tim hình bóng quê nhà/ Trường xưa bạn cũ cây đa bãi bồi./ Mẹ cho sữa ngọt từ trong nôi/ Cha cho cơm dẻo tạo hình tôi!” (Quê hương).
Cái đáng quý ở con người nhà giáo, nhà thơ Đỗ Lợi là anh không chỉ nói lên tình cảm của mình với quê hương mà anh còn dành cả sự nhiệt tình, tự giác với tinh thần cống hiến cho sự phát triển đi lên của quê nhà. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất nghèo, thời tiết khắc nghiệt, lũ bão thường xuyên. Hoàn cảnh gia đình, quê hương với bao gian khó, thiệt thòi nhưng không làm cho anh chùn bước mà đã hun đúc và rèn giũa, tạo cho anh có một bản lĩnh vững vàng. Ở cương vị nào Đỗ Lợi cũng là người chỉn chu đúng mực: Là một thầy giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người; là một người con hiếu nghĩa với bố mẹ; một người chồng có trách nhiệm, quyết đoán mọi công việc gia đình; một người cha gương mẫu bao dung nhưng cũng rất nghiêm khắc với các con.
Hình ảnh quê hương hiện lên qua thơ Đỗ Lợi mang vẻ đẹp bình dị, sáng trong, vừa ấm áp và gần gũi, lại vừa mang những nét đẹp đặc trưng của vùng miền Trung nắng lắm mưa nhiều. Khúc ruột miền Trung phải oằn mình gánh chịu bao thiên tai. Nhưng ở đó có nhiều điều thú vị mà hiếm có nơi nào ở vùng miền khác có được. Vẻ đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất này, trở thành những điểm đến hấp dẫn, ấn tượng, hút hồn biết bao lữ khách phương xa.
Bên cạnh những bài thơ viết về quê hương, Đỗ Lợi còn có nhiều bài thơ viết về tình bạn, tình yêu bằng tình cảm chân thành, hồn hậu. Ở đó có sự tiếc nuối, hoài niệm, nhớ mong và cả những nghẹn ngào. Đôi lúc có pha chút hài hước, dí dỏm. Đỗ Lợi thể hiện cảm xúc nồng nàn, mạnh mẽ trong thơ thông qua điệp ngữ, so sánh, ẩn dụ và nhân hóa:
“Tôi gặp em vào một chiều thu trút lá/ Bờ vai nghiêng tóc xõa nét mi gầy./ Ngực căng tròn đôi mắt lại thơ ngây/ Biển thì thầm cùng chúng tôi trò chuyện” (Tình thơ).
“Đất trời nghiêng ngã say cùng/ Quyết tâm anh bứng lộc vừng nhà em!” (Tình cờ).
Trước hiện thực cuộc sống thời mở cửa, đa diện, đa chiều: vui – buồn, được – mất, có – không, hạnh phúc – khổ đau, tiêu cực – tích cực, thiện – ác… Tất cả những điều đó được nhà giáo Đỗ Lợi gửi vào trang thơ với nhiều nỗi niềm day dứt. Đó không chỉ là nỗi niềm riêng mà thấm đẫm tâm sự chung.
Bài thơ Nợ và Đời như là một câu chuyện kể. Đằng sau lời tự sự ấy lại gợi ra trường liên tưởng khác vừa kín đáo, ý vị. Bởi vì hiện thực xã hội đã và đang tồn tại những điều nhức nhối: Không sợ ít chỉ sợ không công bằng/ Từ xưa đến giờ đó là chân lý.
Sắc sảo và nhạy bén trong cách nhìn nhận về nhân tình thế thái, Đỗ Lợi càng cay đắng xót xa: Khỉ trên sân khấu diễn trò/ Áo quần bảnh chảnh cười bò, vui thay!/ Ỷ mình bên cạnh quan thầy/ Đu dây nhào lộn tung quay hét bừa/ Rồi làm những chuyện khó ưa,/ Giơ tay bốc bậy ăn thừa đồ dơ (Khỉ diễn trò).
Những nhận thức về cuộc đời của chủ thể trữ tình được gửi gắm vào các sự việc, hình ảnh gần gũi trong đời sống thông qua phương thức ẩn dụ. Vì thế lời thơ càng giàu sức gợi và gây được sự cảm tình nơi độc giả.
Điều đặc biệt, trong thơ của nhà giáo Đỗ Lợi đó là anh sử dụng những câu hỏi tu từ và dấu chấm cảm với tần số dày đặc.
Thơ Đỗ Lợi là thơ của tâm trạng, thể hiện kết cấu theo dòng cảm xúc, tứ thơ được xây dựng dựa trên cơ sở những phạm trù đối lập. Những thái cực ấy luôn tồn tại trong thơ anh và đó cũng là sự biểu hiện những giằng xé, chiêm nghiệm trong tâm hồn một con người nhiều khát vọng này.
Cũng là sắc đẹp là bài thơ khá ấn tượng của nhà giáo Đỗ Lợi. Đó là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa tôi và em trong bữa tiệc cưới. Nhưng nếu ở lúc khai tiệc em là con người đẹp hoàn hảo thì sau khi tiệc vừa tàn em lại là con người khác. Đỗ Lợi rất sắc sảo khi biểu hiện những dòng tình cảm chứa đầy tâm trạng của mình qua những liên tưởng tinh tế, từ đó tạo nên ấn tượng thẩm mỹ phong phú và sâu sắc. Nhà giáo Đỗ Lợi không dừng lại ở những cảm xúc bề ngoài mà hướng vào bên trong để khám phá, phát hiện ra bản chất của vấn đề. Giờ đây con người được nhìn từ nhiều phía , đặt trong nhiều mối quan hệ và được nhìn nhận ở những góc độ khác nhau. Câu hỏi lớn đặt ra và cũng là nỗi đau đáu trong anh đó chính là bản chất và tính hai mặt trong một con người. Phải chăng đó là lời cảnh tỉnh, sự thức ngộ với tất cả mọi người. Bởi cuộc sống là một dòng xoáy khôn lường và lòng người cũng lắm quanh co phức tạp, có nhiều ẩn khuất khó nỗi tỏ tường: Tạo hóa có bất công/ Khi trao em sức mạnh/ Để giết người không dao?/ Em làm tôi xao động/ Nhưng rùng mình/ Bởi vẻ đẹp chào mời, kiêu sa, ma mị.
Trong cái nhìn về thời gian, Đỗ Lợi bộc lộ nhiều trăn trở, suy tư, tiếc nuối, hoài niệm nhớ thương. Để rồi anh phải khao khát: Giá như níu được thời gian/ Quay về quá khứ đời tràn xuân xanh (Giá như…).
Đi qua những thăng trầm của cuộc đời, anh đã ý thức sâu sắc về lẽ sinh tử, về nỗi đau và cả về sự phù du của kiếp người: Tầm tã mưa rơi/ Suốt đêm dài không tạnh!/ Giun kêu, dế khóc,/ Suốt đêm dài nhức óc/ Lòng cô quạnh,/ Suốt đêm dài vẫn lạnh/ Nước chảy, mây trôi,/ Còn và mất…/ Mầm xanh – cổ thụ, / Trẻ và già…/ Trong cái chớp! (Vô đề).
Bài thơ Đời người là một bài thơ giàu ý nghĩa. Khi tác giả có cái nhìn biện chứng về thời gian, kiếp người. Ý thức về thời gian là ý thức về sự tồn tại của con người. Nhưng thời gian là vô hạn còn đời sống con người là hữu hạn. Thời gian không chỉ đơn giản là dòng chảy một chiều mà nó trở thành mối lo âu, trăn trở đối với biết bao nhiêu người. Thời gian được hiện hữu, được cụ thể hóa thành những cung bậc gắn với những bước thăng trầm của cuộc đời. Mà từng cá nhân cụ thể có quỹ thời gian sống không nhiều nên phải sống, phải yêu, phải làm việc sao cho đúng, cho phải đạo, mang giá trị người. Bởi tranh đua, giành giật thiệt hơn, sống ác để làm gì? Rồi một ngày kia cũng chỉ là một nấm mồ xanh cỏ, rồi cũng sẽ trở về với cát bụi mà thôi. Tất cả chúng ta khi sinh hoặc tử đều nằm trong nôi thổ mộ. Ý muốn nói rằng cuộc đời một con người có dự báo đầu cuối tương ứng: Hai bàn tay trắng, bát canh, cành hoa, nôi thổ mộ…
Mở mắt khóc chào đời/ Một kiếp người hiện hữu/ Chỉ hai bàn tay trắng/ Nằm trong nôi thổ mộ/ Người thân đến chúc mừng/ Những cành hoa tươi thắm!
Nhờ ơn cha nghĩa mẹ/ Những giọt sữa mát lành/ Những điệu hò êm ả…/ Có con cò bay lả/ Giữa cánh đồng quê hương/ Bát canh mẹ gợi nhớ/ Cuộc đời quá thân thương!
Lớn lên đi kiếm sống/ Sinh giàu nghèo hèn sang/ Tranh đấu với đua chen/ Hiền lương và độc ác/ Tiếng thơm để lại đời/ Tiếng dơ lưu muôn thuở!/ Cũng một kiếp người thôi/Như gió cuốn mây trôi/ Ác tham để người cười/ Cuộc đời là ảnh ảo!
Khi nhắm mắt xuôi tay/ Giàu nghèo lẫn hèn sang/ Trở về cùng cát bụi/ Còn lại nắm xương tàn/ Và hai bàn tay trắng!/ Nằm trong nôi thổ mộ/ Tiếng kệ thầy đưa linh/ Và điệu kèn đưa đám/ Những cành hoa tươi thắm/ Có ý nghĩa gì đây?/ Ba vạn sáu ngàn ngày/ Như tia chớp đêm đông!/ Phù du một kiếp người/ Có chi đâu bận rộn?/ Mạnh Bà đợi canh quên/ Đâu còn ta hiện hữu?!…
Là một thầy giáo giàu nhiệt huyết, hơn ba mươi năm trên bục giảng, bao thế hệ học trò đã được học từ anh: Trồng cây trên bục giảng/ Phấn bảng dính đầy tay./ Bụi bay dần mái tóc,/ Gần kết thúc cuộc đời/ Đầu xanh đà hóa trắng.
Ấy vậy mà, trong số những đứa học trò anh đã dạy, sau khi ra trường hình như nó đã không còn biết, không còn nhớ đến người thầy giáo năm nào. Phải chăng đó cũng là biểu hiện của sự vong ơn? Nhà giáo Đỗ Lợi cảm thấy hẫng hụt trước sự thật chua chát ấy.
Khác hay giống tình đời/ Nghề cũng bạc như vôi?/ Chống chèo đò ngang lái,/ Khách qua chẳng quay lại.
Nhưng vẫn còn đó niềm tin và sự tự thức sâu sắc về trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Dạy học nghề đò ngang?/ Cây không trồng trên đất/ Vẫn nhú mầm nở rộ/ Thành những đóa hoa tươi/ Tỏa hương thơm cho đời/ Công mình đấy, em ơi!// Trồng người nghề trong sạch/ Cao quý lắm ai ơi!/ Chúng ta cứ thầm lặng/ Cống hiến cả đời mình/ Cho dân tộc ta yêu/ Sá gì chút công nhỏ.
Bài thơ Trồng cây trên bục giảng là câu chuyện về nghề dạy học, nỗi suy tư, sự trăn trở của một người thầy mà trên hết đó là một con người có tâm, có cái nhìn đầy nhân văn và sâu sắc. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng âm thầm lặng lẽ, miệt mài đèn sách, tận tụy hy sinh mà không một chút đắn đo, toan tính. Tất cả vì sự tiến bộ của học trò và tất cả vì tương lai đất nước.
Hồn quê là tập thơ đầu tay của nhà giáo Đỗ Lợi nên cũng không tránh khỏi những hạn chế nhất định. Tuy vậy, tôi cho rằng đây sẽ là món quà tinh thần quý giá mà anh muốn dành tặng cho chính anh, cho quê hương anh và cả những bạn bè, người thân của anh. Bởi ở Hồn quê Đỗ Lợi đã gửi trọn vào đó “những điều muốn nói”, những điều mà trái tim anh mách bảo, những cảm xúc thôi thúc buộc phải nói bằng lời.
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Hồi chuông khát và khát vọng giao hòa với tình yêu và cái đẹp

Hồi chuông khát và khát vọng
giao hòa với tình yêu và cái đẹp

Tập thơ “Hồi chuông khát” của Trần Hoàng Vũ Nguyên chính là hành trình tâm linh của bản thể nhà thơ, bộc lộ sự khát khao giao hòa với tình yêu và hướng đến chân trời hạnh phúc.
Tập thơ Hồi chuông khát của nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên
Chiều vắng. Giữa không gian tĩnh lặng chợt vang vọng tiếng chuông gợi ấn tượng về cái đẹp linh thiêng, thánh thiện. Tiếng chuông lan tỏa trong không gian và âm vang giữa hồn người. Tôi chậm rãi đọc tập thơ: “Hồi chuông khát” của Trần Hoàng Vũ Nguyên (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn) trong tâm thế của một người hướng tâm hồn về thế giới của cái đẹp trong trẻo, thánh thiện. Nhà thơ Trần Hoàng Vũ Nguyễn đã xuất bản tập thơ “Ngựa núi” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, năm 2009). Tập thơ: ”Ngựa núi” chính là ẩn dụ về sự vật vã đớn đau của thế giới nội tâm con người trên con đường hướng về chân trời khát vọng tự do… Tập thơ “Hồi chuông khát” của Trần Hoàng Vũ Nguyên chính là hành trình tâm linh của bản thể nhà thơ, bộc lộ sự khát khao giao hòa với tình yêu và hướng đến chân trời hạnh phúc.
Trần Hoàng Vũ Nguyên sống gắn bó với vùng đất Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã hơn 20 năm. Hồn thơ của chị mang vẻ đẹp trầm mặc của núi rừng và ẩn chứa sự phóng khoáng, bao la của nắng gió cao nguyên. Thơ đối với Trần Hoàng Vũ Nguyên không phải là cuộc chơi chữ nghĩa mà là sự cứu độ tâm linh của chính mình giữa cõi nhân gian đầy biến động, bất trắc.
Mở đầu tập thơ “Hồi chuông khát”, trong bài “Tôi đã…” (Thay lời tựa), Trần Hoàng Vũ Nguyên viết: “Viết là thực hiện một chọn lựa, đồng thời là một định mệnh, một dấn thân mở ra những khả tính mới cho sự im lặng, hồi sinh những quên lãng, lưu dấu những khoảnh khắc của ma trận tâm cảm đang vây quanh, quấn chặt đời sống từ lúc sinh ra đến khi mất đi…”. Nhà thơ đã xác tín công việc làm thơ như là một định mệnh. Công việc làm thơ không phải nhằm để lưu danh mà là để khám phá con người  sâu thẳm, bản thể của chính mình và khám phá sự bí ẩn của hồn người, sự vật trong vũ trụ.
Thơ của Trần Hoàng Vũ Nguyên thường bộc lộ sự khám phá chiều kích sâu thẳm trong bản thể con người, khắc họa sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối, giữa bản năng sống và khát vọng giao hòa với vẻ đẹp của tình yêu. Trong bài thơ: “Hồi chuông khát” Trần Hoàng Vũ Nguyên viết:
“Người đàn bà ngỡ ngàng thức giấc sau mùa đông
Thắp ngọn đèn leo lét đỏ
Nắm chặt bông hồng đen mặc nhói gai
Rót tràn ly
39 độ whisky đổ vào trái tim
Tan vào chính mình
Cất tiếng hát khát từ bộn bề yếu đuối
Mặc thành trì đổ – định vị đảnh lễ một hồi chuông”
Trần Hoàng Vũ Nguyên thường đặt tâm thế của người đang yêu trong mối quan hệ giữa sự sống và cái chết. Qua đó, nhà thơ chiêm cảm về cứu cánh và sức mạnh của tình yêu đối với sự sống của con người.
“Em
Kẻ hành khất chơi sang đời mình
Chỉ xin ra đi ôm anh trong giông tố vô thường”
Thơ Trần Hoàng Vũ Nguyên bộc lộ khát khao về một tình yêu cháy bỏng, thăng hoa và dâng hiến đến tận cùng tâm hồn và thể xác.
“Hãy yêu em bằng một vòng tay của gió
Bằng đôi môi của lửa”
(24h tình nhân)
“Ước gì là mây bay qua núi đồi
Thành gió tự do vút bổng chạm bàn tay anh lạnh giá”
(Phía dòng sông)
Hầu hết các bài thơ của Trần Hoàng Vũ Nguyên đều là thơ tự do, cấu trúc câu thơ co duỗi linh hoạt, ý thơ tuôn chảy, bung phá tùy theo diễn biến tâm trạng và sự suy tưởng của chủ thể trữ tình. Ngôn ngữ trong thơ của chị mang vẻ đẹp thô ráp của vỏ cây thông nhưng hồn thơ lại ngân vang như tiếng rừng thông giữa cao nguyên ngút ngàn nắng gió.
“Anh sợi xích khóa em bằng giao cảm
Anh đời thường trong ý nghĩ sinh thành.
Cổ tích em lên ngôi”
(Tận hiến)
Sáng tạo thơ đối với Trần Hoàng Vũ Nguyên chính là “chọn lựa” bộc lộ sự dấn thân và chính là, “khước từ” sự lãng quên, sự phù du của kiếp người. Thơ của Trần Hoàng Vũ Nguyên trong dòng chảy của thơ đương đại Việt Nam giống như “Cơn mưa nguồn lặng lẽ đổ vào đại dương xanh” (Đêm trầm mặc).
13/5/2020
Võ Tấn Cường
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Làng Mới

  Làng Mới Làng Mới dựng ven suối dưới chân thác Voi Trắng. Núi rừng mênh mông thả sức phá phách, chẳng ma nào dòm ngó. Lửa khói ngập trời. ...