Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Một cây sậy có tư tưởng

Một cây sậy có tư tưởng
Con người, một tạo vật kỳ lạ nhất trong thế giới này. Con người quá đỗi kỳ lạ, bởi vì con người làm cho ta khôn xiết tò mò. Có khi con người rất đáng yêu, lại có khi con người rất đáng sợ. Vừa phức tạp lại vừa đơn giản, hoặc huyền bí hoặc là phơi bày thật thà, nào là lắm trò bày vẽ, nào là nhiều quan hệ buộc ràng “thân bất do kỷ”… Đó là những gì về cảnh giới con người, một pháp giới mấy ai hiểu thấu!
Blaise Pascal, 1623–1662, là một danh nhân Pháp. Ông là một trong những người sáng lập ra Khoa học Hiện đại. Trong lịch sử Toán học, người ta biết đến Pascal với tư cách là người đặt nền móng Lý thuyết Xác suất, là thiên tài sáng tạo. Trong vai trò nhà vật lý, Pascal phát minh ra chiếc máy tính đầu tiên, lúc đó được gọi là “Máy số học”. Trong văn học, Pascal là người sáng lập ra Văn xuôi Cổ điển. Trong triết học, Pascal là “Nhà triết học của con người”.[1]
Muốn thức tỉnh con người bằng chính thân phận của nó, Pascal nói: Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy có tư tưởng”. Câu nói này thường được mọi người nhắc đến khi đề cập đến tư tưởng triết học của Pascal, nhưng hầu như không ai nói giống nhau. Có lẽ tìm được nguyên văn tiếng Pháp thì mới chính xác.
Con người là một cây sậy”, đó là thân phận của con người. Câu nói này có lẽ không sai, nhưng sao nghe chua chát quá. Leonardo Da Vinci, 1452–1519, một nhà bác học vĩ đại thời Phục hưng người Ý nói: “Dù con người có đạt đến nền khoa học nào đi nữa, con người cũng không bao giờ hết quằn quại xót xa về cái bé bỏng của mình trước tạo hóa!”.[2] Câu này cho thấy người nói có tham vọng quá lớn. Thật ra, dù biết mình có bé bỏng cỡ nào đi nữa, đâu nhất thiết phải quằn quại xót xa…
Qua gần 1000 năm của “Đêm trường Trung cổ” ở châu Âu, thân phận con người lẽ nào vẫn chưa đổi thay? Như một ngọn nến chập chờn trước gió, như một kẻ ở nhờ trên chính quê hương của mình, đó là thân phận con người trong nhận thức thời Trung cổ. Thế nhưng: “…Con người thời kỳ Phục hưng là thước đo tất thảy các vẻ đẹp cường tráng của thân thể, sự tinh anh của trí tuệ và chỉ biết phụng thờ, chiêm ngưỡng chính bản thân mình, với một khát vọng cháy bỏng về tự do.”.[3] Vậy thì tại sao…?
Pascal sau Descartes, tức là đã sang thời Cận đại của châu Âu. Có lẽ thời kỳ Phục hưng người châu Âu sống sôi nổi mà bồng bột. Qua thời Cận đại, “Con người trở thành niềm kiêu hãnh của thời đại, nó không chỉ là thước đo của vạn vật mà còn là điểm tựa của toàn vũ trụ. Vì vậy quan hệ giữa con người và thế giới phải trở thành trung tâm các quan niệm triết học. Khoa học không gì khác hơn là tiền đề để con người đi đến hoàn thiện.”.[4] Theo nhận định này thì câu nói “Con người là một cây sậy…” chưa sống được với thời đại của nó.
Giả thiết hai nhận định trên của tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng về con người trong Triết học phương Tây thời Phục hưng và Cận đại là đúng, thì buộc lòng ta phải xem kỹ lại câu nói của Pascal với đầy đủ cả hai vế của nó. Nổi danh trong đương thời và được lưu truyền đến nay, câu nói này không hề đơn giản.
Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy có tư tưởng”. Thay vì nói lắt léo với hai vế, ta hãy thử sửa lại câu nói trên thành: “Con người là một cây sậy có tư tưởng”. Câu nói sửa lại này thật đơn giản và dễ hiểu.
Con người có tư tưởng, nó thật vĩ đại, nó khám phá thế giới, nó chinh phục thiên nhiên… Tư tưởng là bản chất của linh hồn. Dưới ảnh hưởng của Descartes, Pascal nói: “Tôi có thể quan niệm rõ rệt một người không tay chân, không đầu. Mà tôi không thể quan niệm con người không tư tưởng.”.[5] Như vậy, theo Pascal thì chính linh hồn, tinh thần mới là yếu tố quyết định nên con người.
Tuy có tư tưởng , nhưng dù sao thì con người vẫn chỉ là một cây sậy so với thiên nhiên. Đời sống con người ngắn ngủi, khi trái gió trở trời con người cũng phải đau bệnh… Đây là thật tế.
Biết mình chỉ như một cây sậy (Pascal bị u não, mất sớm), mà cũng biết mình có tư tưởng (Pascal sáng tác rất nhiều, khi mất còn để lại thêm 27 bó di cảo), do đó nội tâm nảy sinh sự mâu thuẫn. Cái mâu thuẫn tranh chấp này vốn rất thường tình. Đó là sự mâu thuẫn của tham vọng sống và khả năng thực tế. Rồi từ kinh nghiệm nội tâm đó mà suy ra tất cả mọi người. Sự đau khổ vì bệnh của Pascal không phải là cá biệt. Nỗi buồn của Pascal không phải là không thể san sẻ. Không thoát được tác động của khổ não, Pascal đã đề cao nó: “Chỉ có con người mới có thể bị đau khổ”?![6]
Tuy chịu ảnh hưởng của Descartes, nhưng Pascal vẫn có phong cách riêng. Ví như Descartes dùng lý trí để suy tưởng về Thượng đế, nhưng theo Pascal thì chính trái tim cảm biết Thượng đế chứ không phải lý trí. Nhờ thuyết trực giác này mà Pascal được xem là tiền phong của Kierkegaard, Bergson, Gabriel Marcel… là cụ Tổ của Chủ nghĩa Hiện sinh.
Tóm lại, Pascal phát biểu lắt léo với hai vế như vậy là để nhấn mạnh về thân phận không thể phủ định của con người. Chính trong cái thân hữu hạn như một cây sậy trước thiên nhiên, “Tư tưởng” là cái quý hơn hết của con người.
Nhận định về câu nói trên của Pascal, ta thấy nó chứa chan tình cảm, nghe rồi ai cũng phải trầm ngâm đôi chút, cảm thấy rất tự hào, mà cũng cảm thương cho người nói. Khi Pascal phát biểu Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy có tư tưởng”, thì Pascal đã ca ngợi tinh thần là báu vật của con người, tuy đời sống của con người mong manh như một cây sậy bé nhỏ trong tự nhiên. Đọc danh ngôn này, ta liên tưởng đến Phật giáo: Phật giáo đem sự chết ra làm một đề mục lớn để quán xét, hầu giúp người biết rõ sự sống. Đây là lãnh vực nhận thức chớ không phải là thái độ, không thể nói là Phật giáo bi quan.
Con người là một vấn đề chính của triết học. Giáo sư Hoàng Xuân Việt đã nhận xét: “Từ thượng cổ đến hiện đại, triết lấy con người làm trung tâm. Socrate với Con Người Tự Tri. Khổng Tử với Con Người Tu Tề Trị Bình. Kant với Con Người Tuân Quyết Lệnh Tối Thượng. Descartes với Con Người Nhận Mình Hiện Hữu Bằng Cogito. Nietzsche với Con Người Siêu Nhân, Mác với Con Người Sản Xuất Kinh Tế. Mounier với Con Người Hướng Thượng. Sartre với Con Người Bị Bắt Buộc Tự Do…”.[7] Có lẽ tầm nhìn của giáo sư rộng hơn tầm nhìn của thầy Tiến Dũng.
Phàm là lời nói đều có tính tương đối. Bởi vì lời nói tương đối, nên:
Xét lời nói nào phải đặt vào ngữ cảnh của nó. Lời nói đó do ai nói, nói với ý gì, nói trong bối cảnh nào, bối cảnh xã hội, bối cảnh tư tưởng…
Khi trích dẫn lời nói của người xưa, ta có quyền dùng nó để diễn tả tư tưởng của mình, vun đắp thêm cho ý tứ, tô vẽ thêm cho nghệ thuật… Dĩ nhiên ta vẫn biết phần đó là suy tư của mình.
 Trên hết là ta tự chịu trách nhiệm khi dùng lại lời của người xưa, người đi trước. Dù Karl Marx có viết ra một đại dương văn tự đi nữa, thì Marx cũng không thể biến ta thành một người Marxist, nếu ta không muốn.
Nếu như trong quá khứ con người đã là nô lệ (của tự nhiên, của tôn giáo...), thì trong hiện tại này con người có nhiều sự tự do hơn. Tuy có tự do, nhưng chắc gì người ngày nay được tự do hoàn toàn, như với dục vọng chẳng hạn. Mà khi Chủ nghĩa Duy lý lên ngôi trong khoa học, trong mọi mặt của đời sống xã hội, khi mà tất cả mọi việc trên đời này đều được phán xử trước Tòa án Duy lý, thì rất có thể con người sẽ trở thành một Robot!
Thiền sư Nguyệt Khê ở Hồng Kông đã nhận xét: “Đường lối Khoa học và Triết học hiện nay chỉ là xu hướng đến chỗ Sa mạc hoang vu của Tương đối. Con thuyền Suy lý và Biện chứng hiện đang phiêu lưu nơi Biển cả của Vô minh, vĩnh viễn không đến được Bờ tuyệt đối.”.[8] Hơn ai hết, hàng Phật tử rất tâm đắc điều này. Chúng ta không quy y bộ não, chúng ta chỉ quy y Phật tâm từ, bi, hỷ, xả.
Tướng quân Nguyễn Công Trứ từng nói:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo!
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu họa thêm:
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm chim tung cánh giữa trời tự do!
Hai vị này đã phủ nhận hết nhân vị rồi. Một người phủ nhận vì sự bất đắc chí, còn người kia phủ nhận vì sự lãng mạn thi sĩ. Xã hội loài người lẽ nào ghê sợ đến độ không còn gì để nói nữa sao? Mà xua tan nỗi khổ niềm đau của kiếp người bằng cách trốn chạy đâu phải là một cách giải quyết tốt. Chính cây sậy này đây có sức mạnh tư tưởng mà thiên nhiên không có! Chính cây sậy này đây là nơi trú ngụ của Phật tâm đấy thôi!...
[1] TS. Nguyễn Tiến Dũng, Lịch Sử Triết Học Phương Tây, Tp. HCM, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2006, tr. 329, 330.
[2] Sđd, tr.242.
[3] Sđd, tr.238.
[4] Sđd, tr. 259.
[5] Hoàng Xuân Việt, Lược Sử Triết Học Phương Tây, Tp. HCM, Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2004, tr. 43.
[6] TS Nguyễn Tiến Dũng, Op. cit., tr. 340.
[7] Hoàng Xuân Việt, Op. cit., tr. 143.
[8] HT. Thích Duy Lực (dịch).Đại Thừa Tuyệt Đối Luận, Tp. HCM, Thành hội Phật giáo Tp Hồ Chí Minh, 1994, tr. 18.
Minh Bình
Theo http://anhnhiendang.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...