Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

Mười ba vụ án 1

Mười ba vụ án 1

Câu lạc bộ ngày thứ ba

"Chuyện lạ".
Raymond West ngồi phì phà một hơi thuốc, mồm lẩm bẩm lần nữa có vẻ đắc ý:
"Chuyện lạ thật".
Anh ta nhìn quanh khoái chí. Bên trong văn phòng cũ kỹ, trần nhà gác đà ngang bằng gỗ mun, đồ đạc bày biện trông đẹp mắt với những món đồ cổ thích hợp khung cảnh của ngôi nhà xưa.
Raymond West nhìn thích thú. Nghề của anh ta là viết văn.
Mỗi khi đến nhà bà dì Jane, anh ta đều cảm thấy hài lòng cách bố trí ngôi nhà, nó hợp với tính cách của bà. Anh ta nhìn qua nơi bà đang ngồi trên chiếc ghế bành bên bếp sưởi. Marple mặc chiếc áo dài đen thêu kim tuyến, may bó sát người. Tay đeo găng kết bằng sợi đăng ten đen, đội mũ đăng ten đen che mái tóc bạc bồng bềnh. Bàn tay đưa những mũi que đan thoăn thoắt một sợi len trắng mịn, xốp. Đôi mắt bà xanh nhạt, cái nhìn dịu dàng âu yếm hướng về người cháu trai và đám bạn bè ngồi quanh. Trước mắt là Raymond vẻ mặt yêu đời tự tin; cô nàng Joyce Lemprière - một nghệ sĩ, mái tóc đen cắt ngắn, đôi mắt màu hạt dẻ; rồi qua tới người đàn ông thanh lịch, ngài Henry Clithering. Nhìn lại còn hai ông khách nữa, tiến sĩ Pender, ngài mục sư già trong xóm đạo; ông luật sư Pentherick, người nhỏ thó, gương mặt nhăn nhúm đeo kính, mắt nhìn lờ đờ. Marple để ý nhìn qua một lượt rồi quay lại với những que kim đan trên tay, một nụ cười dịu dàng vừa thoáng hiện trên môi bà.
Ông luật sư Petherick có tật thường húng hắng ho trước khi lên tiếng.
"Raymond, cậu nói sao? Chuyện lạ ư? Chà... Thế là thế nào?"
"Chẳng thế nào cả". Nàng Joyce Lemprière nói xen vô "Raymond thích đánh tiếng thế thôi, anh ấy thì lúc nào chả vậy".
Raymond West nhìn qua như muốn trách móc, cô ta thì ngả người ra sau cười ngất.
"Anh ta muốn đánh lừa kẻ khác, phải vậy không bà Marple?" Nàng hỏi vặn lại "Bà thì phải biết rõ điều đó".
Bà Marple nhếch mép cười nhìn lại, không cho biết ý kiến.
"Cuộc sống là cả một điều lạ lùng khó hiểu". Ngài mục sư mỉa mai.
Raymond vội quăng điếu thuốc và ngồi ngay người lại.
"Nói vậy mà không phải vậy, tôi không thích chuyện triết lý viển vông". Anh ta nói "Tôi muốn nhắc những chuyện bình thường, chuyện không ai có thể nghĩ ra được".
"Tôi biết mấy chuyện đó". Bà Marple nói "Cụ thể như trường hợp bà Carruthers mới vừa sáng hôm qua đây. Bà ra cửa hàng Elliot's mua hai lạng tôm loại ngon. Ra về bà ghé vô hai cửa hàng nữa, lúc về tới nhà kiểm lại không thấy món tôm đâu. Trở lại nơi hai cửa hàng tìm thì không thấy. Tôi thấy việc này mới kỳ lạ thật".
"Chuyện nói nghe khó tin". Ngài Henry Clithering nghiêm giọng nói.
"Thiệt ra có nhiều cách lý giải việc này". Marple lên tiếng, hai gò má đỏ ửng lên vì thích thú "Ví dụ như, lúc đó có một người lạ..."
"Thưa dì", Raymond West vui miệng nói, "tôi không muốn nghe chuyện ở làng quê. Tôi sực nhớ những vụ án và những kẻ bỏ đi mất tích... Mấy chuyện này thì ngài Henry có thể ngồi kể hàng giờ chưa hết".
"Tôi không bao giờ nói chuyện mua sắm" ngài Henry rụt rè nói "Không, tôi chẳng khi nào nói tới việc mua sắm".
"Ta còn nhớ trước đây ngài Henry đã từng là cảnh sát ở Scotland Yard".
"Tôi cho là còn nhiều vụ việc và cả những vụ án, cảnh sát chịu bó tay không tìm ra". Joyce Lemprière nói.
"Điều đó ta phải công nhận". Petherick nói.
"Tôi chưa nghĩ ra". Raymond West lên tiếng "Liệu có một bộ óc tinh tường có thể tìm ra tất cả manh mối? Thường thì ai cũng cho là một thám tử không phải lúc nào sử dụng hết khả năng trí tưởng tượng của mình".
"Người tầm thường thì họ cho là vậy". Ngài Henry nói mỉa.
"Ông có cần triệu tập một hội đồng" Joyce vừa nói vừa cười. "Chuyện tưởng tượng và triết lý xin dành cho các nhà văn..."
Nàng khiêm tốn nghiêng người trước mặt Raymond, và thấy anh ta tảng lờ đi.
"Tài viết lách của nhà văn nhìn thấy tận tâm can mỗi người". Anh ta nghiêm giọng nói "Thấy được cái mà người tầm thường không nhận ra".
"Tôi biết mà cậu ơi", bà Marple lên tiếng. "Sách của cậu viết toàn chuyện cao siêu. Cậu có nghĩ là các nhân vật cảm thấy khó chịu khi được hư cấu?"
"Thưa dì", Raymond dịu giọng xuống, "dì cứ tin đi. Cháu mong là không làm cho họ phải bực mình".
"Ý dì muốn nói là..." bà Marple nói, vừa nhíu mày nhẩm tính lại mấy mũi đan, "có nhiều người không hẳn là tốt hay xấu cả đâu, chỉ có điều rất là ngớ ngẩn".
Ông luật sư Petherick lại húng hắng ho.
"Này Raymond", ông nói, "cậu nghiêng về phần trí tưởng tượng nhiều quá thì phải? Trí tưởng tượng có khi là nguy hại lắm, trong nghề làm luật tôi hiểu rõ điều đó. Phải biết tách ra những chứng cứ phân minh, manh mối nào ra manh mối đó... Tôi cho đó một phương pháp hợp lôgic để tìm ra chân lý. Trong nghề lâu năm mới thấy được phương pháp đó hoàn toàn đúng".
"Ô hay!" Joyce kêu lên một tiếng, nàng ngả người ra sau, vẻ mặt bực bội. "Tôi dám đánh cuộc với ông một phen này. Không kể tôi là phận đàn bà - tùy ông nghĩ, phụ nữ có bản năng trực giác mà cánh đàn ông thì không. Tôi còn là một nghệ sĩ. Có những việc tôi biết mà ông thì không. Là một nghệ sĩ tôi phải tiếp xúc với nhiều giới, và nhiều loại người khác nhau. Tôi biết nhiều điều mà bà Marple thân yêu đây không hề biết tới".
"Tôi thì chả biết gì mấy việc đó" bà Marple nói "Tôi chỉ biết chuyện ở trong làng vẫn con nhiều điều trái tai gai mắt".
"Tôi có thể nói được chứ?" Ngài mục sư Pender vừa nói, miệng nở một nụ cười. "Lúc này mấy ông mục sư thường bị trêu, tôi biết chứ, chúng tôi nghe kể lắm điều, chúng tôi biết cả mặt xấu của con người mà người ngoài thì không hay biết gì".
"Khá lắm", Joyce nói, "tôi thấy đây là một cuộc họp mặt khá hoàn chỉnh. Thế thì ta nên lập ra một câu lạc bộ có được không? Ngay hôm nay? Hay là chờ đến thứ ba? Lúc đó ta đặt cho câu lạc bộ cái tên 'Câu lạc bộ ngày thứ Ba'. Mỗi tuần gặp nhau một lần, theo thứ tự lần lượt mỗi hội viên đề xuất ý kiến. Một vài vụ việc bí ẩn có thể từng người sẽ tìm ra được câu giải đáp. Để tính coi ta có bao nhiêu người? Một, hai, ba, bốn năm. Vậy là sáu cả thảy".
"Còn thiếu tôi nữa, cưng ơi". Bà Marple cười hớn hở lên tiếng.
Joyce có phần hơi lúng túng và nàng nhanh trí phớt lờ ngay.
"Thế thì hay biết mấy, bà Marple" Joyce nói "Tôi tưởng đâu bà không thích tham gia".
"Tôi thấy nó cũng hay hay" bà Marple nói "Nhất là có thêm mấy ông thông minh tài trí thì còn gì bằng, vì ở quanh vùng St. Mary Mead lâu nay nên tôi hiểu rõ về bản chất con người".
"Được vậy thì chúng tôi mừng lắm". Ngài Henry lịch sự nói.
"Ai muốn phát biểu trước?" Joyce nói.
"Tôi chắc là có", ngài mục sư Pender nói "Chúng ta may mắn được gặp gỡ một nhân vật có tiếng tăm như ngài Henry đây", bỗng ông im lặng, lịch sự nhìn về phía ngài Henry.
Vị khách quý ngồi lặng thinh một hồi. Chợt thở ra, vắt chéo chân lại, nói:
"Tôi thấy khó mà nói ra cho đúng trọng tâm nhưng mà thấy sao tôi kể ra vậy, câu chuyện có phần trùng hợp với nội dung muốn đề cập. Chắc các bạn còn nhớ vụ án báo đã đăng cách nay cả năm. Vụ đó đâu đã phá được, may sao cách đây vài hôm tôi tình cờ nghĩ ra được một phương án giải quyết".
"Chuyện xảy ra cũng đơn giản. Trên bàn ăn chỉ có ba người, ngoài các món bình thường còn có món tôm hùm đóng hộp. Tối hôm đó, cả ba người thấy đau, vội mời bác sĩ tới. Hai người được chữa khỏi còn người kia chết".
"Ấy chà!" Raymond kêu lên một tiếng.
"Như tôi đã kể, manh mối chẳng có gì, cái chết là do ăn nhầm ptomaine (chất độc có ở động vật) bác sĩ pháp y xác nhận và nạn nhân được chôn cất tử tế. Nhưng vụ việc chưa dừng ở đó".
Bà Marple gật đầu.
"Phải có chuyện gì trong bữa ăn, theo tôi nghĩ", bà nói, "bữa ăn nào cũng vậy".
"Để tôi kể về các vị khách trong bữa ăn. Tôi cho mời hai vợ chồng ông bà Jones, luôn cả người bạn thân của bà vợ là cô Clark. Ông Jones nguyên là một nhân viên giao dịch cho hãng dược phẩm. Nhìn bề ngoài ông điển trai, cầu kỳ, dù hơi thô lỗ, tuổi đã ngũ tuần. Vợ ông trông có vẻ dân dã hơn, khoảng bốn lăm tuổi. Bà đi cùng với một người bạn là bà Clark, tuổi sáu mươi, mập mạp, da dẻ hồng hào. Nói chung nhìn mọi người không thấy một nét nào đáng lưu ý".
"Mọi việc diễn ra trong một tình huống thật bất ngờ. Câu chuyện như vầy, đêm trước đó ông Jones ngủ ở khách sạn ở Birmingham. Hôm đó tập giấy thấm mới vừa được thay và người hầu phòng trong lúc rảnh rỗi mới đem tờ giấy thấm soi vô gương chơi, nhằm lúc ông Jones vừa mới viết thư. Qua mấy bữa sau trên báo đăng tin bà Jones chết do ngộ độc thức ăn tôm hùm đóng hộp, người hầu phòng mới đem kể lại cho đồng nghiệp nghe, nội dung đọc được mấy dòng chữ in trên tờ giấy thấm. Có đoạn thế này: Cái đó để hỏi lại vợ tôi... nếu bà ấy chết thì tôi... có cả hàng trăm hàng ngàn..."
"Các bạn còn nhớ cách đây không lâu xảy ra một vụ chồng đầu độc vợ. Chẳng có gì lạ khi trí tưởng tượng của mấy người hầu được khơi dậy. Ông Jones lập mưu muốn giết vợ để chiếm đoạt mức tài sản lên tới hàng trăm ngàn bảng Anh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong số bạn bè người hầu khách sạn lại đang sống tại vùng thị trấn gần nhà ông bà Jones. Cô ta viết thư cho bạn và rồi nhận được thư trả lời, cho hay ông Jones đang để ý cô con gái ông bác sĩ trong làng, cô nàng trẻ đẹp, ba mươi ba tuổi. Mọi việc ầm ĩ cả lên, đến nỗi ông Bộ trưởng bộ Nội vụ phải can thiệp. Thư nặc danh gởi tới sở mật thám Scotland Yard tố cáo ông Jones giết vợ. Câu chuyện đồn đại khắp làng. Để trấn an dư luận, một cuộc khai quật được tiến hành. Theo tin đồn thì không có bằng chứng xác đáng, tuy vậy cần phải đưa ra bằng chứng cụ thể. Y như rằng, sau cuộc giải phẫu tử thi khám nghiệm nạn nhân bị trúng độc thạch tín. Sở mật thám Scotland Yard cùng với chính quyền địa phương đang truy tìm thủ phạm vụ đầu độc chất thạch tín".
"Chà!" Joyce nói "Vụ này coi vậy mà đáng cho ta lưu ý".
"Mọi giả thiết đổ dồn về phía người chồng, người được thừa hưởng món tiền kếch xù. Không phải số tiền lên tới hàng trăm ngàn như cô hầu phòng tưởng tượng, thực sự chỉ khoảng từ 8000 đồng bảng Anh. Trong túi ông ta chỉ vừa đủ tiền xài, ngoài ra không có của cải gì khác, hay thích tiêu pha và ham thích của lạ. Chúng tôi đã cho điều tra kỹ chuyện lui tới giữa ông và cô nàng con gái ông bác sĩ trong vùng mới hay là hai bên tuy có gắn bó với nhau một thời gian nhưng cách đây hai tháng bỗng cắt đứt quan hệ. Ông bác sĩ đã có tuổi sống vô tư, nhàn nhã, hay tin cuộc khám nghiệm tử thi khiến ông sững sờ. Tối hôm đó ông tới nơi khám cho ba người đang rên rỉ, thấy bà Jones là nặng nhất nên sai người lại hiệu thuốc mua mấy viên thuốc giảm đau nha phiến. Dù đã đến cứu chữa tận tình nhưng nạn nhân vẫn không qua khỏi; chính ông cũng không nghi vấn có việc gì không ổn. Ông chẩn đoán nạn nhân chết do ngộ độc thức ăn. Bữa ăn tối hôm đó dọn ra bàn có món tôm hùm đóng hộp, rau cải, món bánh ngọt, bánh mì và phó mát. Điều không may là trên bàn không còn sót một chút nào món tôm hùm... mọi người ăn hết, lon hộp thì vứt đi. Ông cho mời Gladys Linch, hầu phòng ra thẩm vấn. Trông cô nàng có vẻ bối rối, run sợ và xúc động, lúc này khó mà kể lại cho chính xác, cô quả quyết nhìn thấy hộp đồ ăn còn nguyên nắp không căng phồng, món tôm hùm rất ngon miệng.
"Ta đã có được manh mối. Nếu ông Jones có ý đầu độc vợ thì cớ gì phải làm hại luôn cả ba người trong bữa ăn. Hơn nữa, còn một điểm, ông Jones vừa từ Birmingham trở về nhà thì bữa ăn đã dọn sẵn ra bàn, làm sao có thể nghi cho ông bỏ thuốc độc vô món ăn trước đó được".
"Thế còn người bạn của bà ấy thì sao?" Joyce hỏi. "Cái bà mập ú có gương mặt ngộ nghĩnh đó".
Ngài Henry gật đầu.
"Ta không nên bỏ qua manh mối cô Clark, tôi xin nhắc lại. Nhưng thử hỏi việc gì bà ta nhúng tay vô chuyện đó. Bà Jones không để lại cho bà ta một món tài sản nào hết, sau khi bạn mình chết đi bà ta phải đi chỗ khác".
"Vậy ta có thể gác qua một bên". Joyce ngẫm nghĩ nói.
"Ta hãy chờ xem có ông thanh tra mật thám đưa ra manh mối xác đáng". Ngài Henry tiếp tục câu chuyện. "Sau bữa ăn ông Jones trở xuống bếp nhờ nấu một tí cháo ngô, ông nghe bà vợ nói thấy trong người khó chịu. Ông chờ Gladys Linch nấu xong bưng lên phòng vợ".
Ông luật sư gật đầu.
"Manh mối khác là..." Ông nói, nhẩm tính trên đầu mấy ngón tay, "... thời cơ. Ông ta là nhân viên tiếp thị cho hãng dược phẩm có kinh doanh thuốc độc".
"Gã là một tay dễ sa ngã". Ngài mục sư nói chêm vô.
Raymond West chăm chú nhìn qua ngài Henry.
"Còn một điểm ta chưa phát hiện" anh nói "Sao ngài không ra lệnh bắt giữ thủ phạm?"
Ngài Henry cười mỉa.
"Đấy là một phần kẽ hở trong vụ án. Khi mọi việc tưởng chừng êm xuôi, đùng cái nửa chừng phải dừng lại. Jones không thể bị bắt giữ vì sau cuộc thẩm vấn cô Clark khai ra hôm đó cô ta đã ăn hết tô cháo ngô chứ không phải bà Jones".
"Quả thực, như mọi bữa bà ta vẫn vô ra phòng bà Jones, tô cháo thì để gần chỗ bà ngồi trên giường".
"Tôi thấy trong người hơi khó chịu, Milly. Cũng chỉ tại tôi mà ra, ham ăn món tôm hùm buổi tối. Tôi nhờ Albert chạy đi nấu tô cháo ngô, nhưng mà sao tôi thấy nuốt không vô".
"Tội nghiệp chưa" cô Clark lên tiếng. "Cháo nấu ngon. Gladys thật khéo tay. Bọn trẻ ngày nay ít có đứa nào biết nấu cháo ngô ăn cho vừa miệng. Nói thiệt đang đói bụng tôi cũng thích ăn một tô cháo".
"Ủa sao chị nói gì lạ vậy?" Bà Jones hỏi.
"Tôi phải nói cho rõ hơn". Ngài Henry cắt ngang "Cô Clark sợ mập, đang ăn kiêng".
"Không nên, Milly, nó không tốt cho chị đâu" bà Jones nhắc, "Nhưng nếu Thượng đế tạo ra chị mập thì chị phải mập. Chị cứ ăn hết tô cháo, chẳng lên ký nào đâu".
"Tức thì cô Clark bưng tô cháo húp hết một hơi. Vậy là rõ quy tội cho người chồng là sai". Khi được hỏi mấy dòng chữ in trên tờ giấy thấm, ông Jones nói ra ngay. Đó là khi ông vừa viết trả lời cho ông anh ở bên Úc xin tiền, trong thư ông kể ông sống nhờ bên vợ. Khi nào vợ chết thì ông mới nắm được tiền trong tay, lúc đó mới có thể giúp đỡ anh em. Tiếc là lúc này chưa giúp gì được, trên đời này còn có hàng trăm ngàn người cùng một cảnh ngộ khó khăn".
"Tức là vụ án coi như bế tắc". Ông mục sư Pender nói.
"Vụ án đành để vậy". Ngài Henry nghiêm giọng nói "Chúng tôi không có cơ sở để bắt giữ ông Jones vì thiếu bằng chứng".
Cả gian phòng lặng lẽ một lúc chợt Joyce lên tiếng. "Thế là hết, phải vậy không?"
"Một vụ án điển hình trong năm rồi, sở mật thám Scotland Yard đang nắm giữ bí mật vụ án, đợi mấy hôm nữa coi báo thì biết".
"Bí mật vụ án", Joyce ngẫm nghĩ nói "Chưa biết sao. Ta hãy dành năm phút động não tìm câu giải đáp".
Raymond West gật, đưa tay chỉnh kim đồng hồ. Vừa hết năm phút anh nhìn qua ông mục sư Pender.
"Ngài muốn phát biểu trước à?" Anh nói.
Ông Pender lắc đầu. "Thú thật", ông nói "tôi đang còn bối rối. Theo tôi nghĩ thì người chồng chính là thủ phạm nhưng trường hợp phạm tội ra sao tôi chưa thể nghĩ ra được. Theo tôi thì có thể ông đã cho thuốc độc vô đồ ăn mà ta chưa thể làm sao chứng minh được việc đó".
"Joyce nghĩ sao?"
"Tôi cho là người bạn thân" Joyce nhất quyết "Đích thị là người bạn của bà ấy. Làm sao ta có thể biết động cơ nào cô ta phải ra tay? Cô ta yêu chồng của bạn mình nhưng ông ta không đáp lại, thứ nhất cô ta đã có tuổi, người mập mạp xấu xí thì làm sao ông Jones yêu được. Cô ta có lý do để chán ghét bà chủ - trong vai người bạn - lúc nào cũng phải vui vẻ, phải biết nhịn nhục. Cho đến một bữa chịu không nổi cô ta quay ra giết bà chủ. Chuyện cô ta bỏ thạch tín vô tô cháo ngô là có thật, còn chuyện cô ta ăn hết tô cháo là chuyện láo".
"Ông Petherick nghĩ sao?"
Ông luật sư chúm mấy đầu ngón tay lại theo kiểu nhà nghề. "Tôi thấy khó nói quá. Có nhiều duyên cớ tôi thấy khó nói ra".
"Xin ông cứ tự nhiên, ông Petherick", Joyce nói, "ông đừng nên giữ kẽ mà nói 'sợ tổn hại', theo luật mà nói. Ông phải tham gia ý kiến".
"Thật ra thì..." Ông Petheriek lên tiếng. "Tôi thấy không có gì đáng nói, vì đã có rất nhiều vụ trong đó người chồng là thủ phạm. Có một cách giải thích, nhiều chứng cứ cho thấy bà Clark góp phần che đậy cho ông chồng. Vì có thể cả hai bên đã bàn tính đến chuyện tiền nong. Ông thì biết rõ mình là nghi can số một, về phía bà ta trước sau gì cũng là một kẻ nghèo túng nên đã rắp tâm bịa ra chuyện húp hết phần tô cháo ngô. Đổi lại bà ta sẽ được một món tiền hậu hĩ. Nếu trình tự diễn ra theo đúng bài bản thì phải nói đây là một vụ án khác thường. Rất là khác thường".
"Tôi không cho là vậy đâu", Raymond nói "Ông đã quên mất một manh mối quan trọng trong vụ này. Người con gái ông bác sĩ. Tôi sẽ giả thiết như sau: Cái hộp tôm hùm đã hư, như vậy là ăn vô có thể bị trúng độc. Ông bác sĩ được mời tới. Lúc này bà Jones bị nặng nhất - bà ăn nhiều tôm hơn hai người kia - và theo lời ông kể lại, thầy thuốc sai người về lấy mấy viên thuốc giảm đau. Nên nhớ là ông nhờ người khác đi lấy thuốc. Ai đứng ra giao thuốc cho người kia? Phải là con gái ông, tức là nàng thay mặt ông phát thuốc cho bệnh nhân. Cô nàng đang yêu ông Jones. Nhân lúc này, vì tình mà tâm trí nàng mụ đi, chỉ còn nghĩ tới chuyện ông muốn được tự do với nàng vì thế nàng quyết định ra tay. Nàng mới giao cho người kia mấy viên thạch tín nguyên chất. Đấy là cách giải thích của riêng tôi".
"Đến lượt ngài Henry cho biết ý kiến". Joyce thúc giục.
"Để tôi nghĩ lại", Henry nói "Còn bà Marple chưa thấy nói gì hết".
Bà Marple buồn bã lắc đầu.
"Ối giời ơi", bà kêu lên. "Tôi lỗi mất một mũi đan, mà để tai nghe kể chuyện. Một câu chuyện thương tâm, thật đáng thương tâm. Nghe rồi tôi mới nhớ lại câu chuyện lão Hargraves ở vùng Mount. Vợ ông không hề hồ nghi... cho đến lúc ông chết để lại tất cả tiền bạc cho người đàn bà ông đã ăn ở với nhau có năm mặt con. Trước kia nàng là người giúp việc trong nhà. Con bé thật dễ thương - bà Hargraves vẫn thường nhắc - cô ta làm việc hàng ngày, trừ ngày thứ Sáu được nghỉ. Thế rồi lão Hargraves đem con bé gởi cho người quen ở làng kế cận xin được một chân làm người quyên tiền cho nhà thờ vào mỗi ngày lễ Chủ nhật".
Thưa dì Jane", Raymond có vẻ bồn chồn nói "Vậy chuyện ông Hargraves chết thì có dính dáng gì tới vụ này?
"Nghe chuyện này tôi chợt nhớ lại ông ta ngay" Bà Marple nói "Manh mối thì cũng như nhau, phải vậy không? Tôi thấy để cho cô gái ra khai hết chắc là có manh mối, ngài Henry".
"Có cô gái nào?" Raymond hỏi lại. "Thưa, dì vừa mới nói gì vậy?"
"Cái cô giúp việc đáng thương kia, Gladys Linch đó mà - vừa nghe ông bác sĩ phán một câu là nó đã run sợ khiếp vía... hay không chừng là nó, của đáng tội. Ta muốn thấy lão Jones bị treo cổ. Còn con bé chính là thủ phạm, cũng nên xử tội treo cổ".
"Tôi e là, thưa bà Marple, trong vụ này bà có phần ngộ nhận". Ông luật sư Petherick góp lời.
Bà Marple lắc đầu cứ nhất quyết là mình nghĩ đúng, bà nhìn qua ngài Henry.
"Tôi nói đúng chứ, phải không? Tôi thấy chuyện rõ như ban ngày. Trên giấy còn ghi lại... 'có cả hàng trăm ngàn... và món bánh ngọt...' chi tiết này không thể bỏ qua".
"Món bánh ngọt và dòng chữ viết hàng trăm ngàn, nghĩa là thế nào?" Raymond thốt lên.
Bà dì quay qua nhìn.
"Mấy bà nấu bếp như mọi khi bỏ thêm cả trăm thứ vô món bánh, cháu hiểu chưa?" Bà nói "Mấy cái thứ đường cát đủ màu hồng hồng trăng trắng. Tất nhiên khi nghe nhắc chuyện dọn món bánh ngọt ra trên bàn và khi nghe kể chuyện ông chồng viết thư có nhắc mấy chữ... 'có cả hàng trăm ngàn...' khiến ta liên tưởng đến hai việc đó là một. Và đây cái món chất độc thạch tín... có cả hàng trăm ngàn hạt li ti. Ông để lại đó cho con sen dặn nhớ thêm vô trong món bánh ngọt".
"Chuyện nghe thật phi lý", Joyce nhanh miệng nói "Vì mọi người cùng ăn món bánh ngọt".
"Ôi, không", bà Marple nói, "cô bạn đang ăn kiêng, em nhớ cho. Một khi cô đang kiêng ăn thì không nên ăn đồ ngọt, và giả sử Jones lấy muỗng cạo lớp màu rải trên mặt phần bánh rồi để qua một bên, làm vậy thì được thôi, nhưng mà cũng không ổn lắm".
Mọi cặp mắt đổ dồn về phía ngài Henry.
"Tôi thấy vụ này lạ lắm". Ông chậm rãi nói "Bà Marple vừa nghĩ ra một chuyện có thật. Lão Jones đã đưa Gladys Linch vô tròng như nhân gian thường nói. Cô nàng gần như tuyệt vọng. Lão cầu cho vợ chết để lấy Gladys như đã ước nguyện trước với cô nàng. Lão bịa ra mấy chữ 'có cả trăm ngàn' lưu lại để cho cô nàng đem ra kể lại cho mọi người nghe nên sử dụng như thế nào. Gladys Linch đã chết cách nay một tuần lễ. Con cô ta mới sinh ra đã chết, lão Jones bỏ theo một cô khác. Lúc sắp chết cô nàng muốn thú tội".
Mọi người ngồi lặng thinh một lúc, chợt nghe Raymond lên tiếng:
"Vậy là, thưa dì Jane, việc này giống như điều dì đoán. Không hiểu sao dì lại nghĩ ra được một câu chuyện có thật như vậy được. Tôi thì không dám cho là một người giúp việc lo việc nấu ăn lại dính dáng vô mấy việc này".
"Làm gì có", bà Marple nói, "cháu chưa hiểu đời bằng ta. Một người như lão Jones - thô lỗ nhưng mà vui tính - khi dì được nghe trong nhà có con hầu xinh đẹp thì dì biết ngay lão chủ chẳng để cho nó yên thân đâu. Phải nói đấy là một câu chuyện đau thương chớ không hay ho gì mà kể ra. Bà Hargraves cũng sốc một thời gian dài và đấy cũng là câu chuyện bị đàm tiếu một thời trong làng".
Ngôi đền nữ thần Astarte
"Thưa mục sư Pender, ngài định kể lại chuyện gì đây?"
Ngài mục sư nhếch mép cười, khoan thai nói:
"Cả đời tôi quanh quẩn nơi chốn lặng lẽ", ông nói, "chẳng nghe thấy biến cố gì lớn lao. Nhớ lại cái hồi còn thanh niên tôi đã trải qua những kỷ niệm không thể quên".
"Ồ". Joyce Lempriere thích thú kêu lên.
"Chuyện đó với tôi không khi nào quên" ngài mục sư kể lại. "Nó đã in sâu trong trí từ dạo đó, mãi đến hôm nay, dù chỉ gợi lại nhưng tôi nhớ rõ mồn một cái cảnh tượng khủng khiếp... nhìn nạn nhân chết tức tưởi vì một lý do không đâu".
"Nghe kể tôi thấy rùng mình, Pender". Ngài Henry hồi hộp.
"Từ lúc đó, hễ mỗi khi nghe ai nhắc tới cảnh tượng đó tôi cảm thấy không cười nổi. Chuyện đó có thật mà. Có rất nhiều cái ta vừa cảm thấy lành hoặc dữ, dường như vừa có cảm giác là có một thế lực vô hình nào đó".
"Ngôi nhà đó, Larches, như thể là một điềm gở". Bà Marple nhắc lại. "Lão Smithers mất hết của trắng tay phải bỏ đi nơi khác. Tiếp đến nhà Carslakes, đến một bữa Johnny Carslake té cầu thang gãy chân, bà Carslake sức khỏe suy yếu phải đi về miền nam nước Pháp tịnh dưỡng. Nghe nói nhà Burdens mới dọn về ở thì ông Burden phải vô nằm nhà thương chờ mổ".
"Nói chung tôi thấy các người chỉ tin vô chuyện mê tín dị đoan". Ông luật sư Petherich nói "Nơi đó đã chịu nhiều mất mát nên thiên hạ phao tin đồn đại vô tội vạ".
"Tôi biết một vài 'hồn ma' tính cách mạnh mẽ còn hơn cả người thật". Ngài Henry vừa cười khúc khích vừa kể.
"Tôi đề nghị", Raymond nói, "ta ngồi lại lắng nghe ngài Pender kể tiếp câu chuyện".
Joyce đứng dậy với tay tắt bớt hai ngọn đèn, căn phòng sáng lên nhờ ánh lửa từ bếp sưởi.
"Một bầu không khí u tịch", cô nói "Nào ta có thể bắt đầu được rồi đấy".
Ngài Pender nhìn qua nàng cười, ông ngồi dựa lưng ra sau ghế gỡ cặp kính kẹp mũi ra, ông bồi hồi kể lại:
"Ở đây có ai biết vùng cao nguyên Dartmoor chưa. Câu chuyện tôi sắp kể đây xảy ra ở một nơi gần biên giới Dartmoor. Ngôi nhà là một món tài sản rất quý giá, bán mấy năm nhưng chưa có ai tới dạm hỏi. Lúc đó nhằm vào mùa đông lạnh lẽo, nhưng ai cũng nhìn thấy những nét đẹp kỳ ảo của ngôi nhà. Về sau nó được bán cho một vị khách tên là Haydon - ông Richard Haydon. Tôi biết ông từ ngày còn học ở đại học, bẵng đi một thời gian chúng tôi không liên lạc dù vẫn còn gắn bó. Cho đến khi nhận được giấy mời tới thăm khu rừng có tên gọi là Silent Grove - là cái tên mà ông mới đặt khi làm chủ ở đây.
Bữa tiệc mời không có gì là ồn ào. Chủ nhân Richard Haydon và người bà con tên là Elliot Haydon. Ngoài ra còn có phu nhân Monnering dắt theo cô con gái mắt mũi xấu xí, dáng điệu rụt rè tên là Violet. Hai vợ chồng Đại úy Rogevin là những nhà chơi thể thao, mặt mũi rám nắng, thích môn đua ngựa, săn bắn. Phải kể thêm hai vợ chồng trẻ nhà Syrnonds và cả cô nàng Diana Ashley. Tôi biết chút ít về cô nàng này. Hình chụp cô nàng được đưa lên báo xã hội thường xuyên, một trong những người đẹp nhiều tai tiếng nhất trong vùng. Sự xuất hiện của nàng phải nói là gây xôn xao. Trông bề ngoài ngăm ngăm đen, khổ người cao ráo, làn da phơn phớt màu kem nhạt. Đôi mắt đen láy khép hờ nhìn chếch về một bên tạo cho nàng một gương mặt huyền bí đông phương. Nàng được trời phú cho giọng nói thanh tao.
Tôi biết ngay ông bạn Richard Haydon say mê con bé, đoán chừng bữa tiệc có ý dành riêng cho nàng. Còn nàng nghĩ ngợi ra sao tôi chịu, không thể đoán. Nàng có những sở thích bốc đồng. Một hôm đang nói chuyện với Richard nàng không thèm nhìn đến những người xung quanh, qua bữa sau đổi ý thích, tán tỉnh Elliot anh chàng bà con cùng họ. Hôm đó, cô ta quên bẵng Richard, tật xấu không chừa, cô ta liếc mắt đưa tình với anh chàng bác sĩ Symonds âm thầm lặng lẽ ngồi khuất ở một nơi.
Qua bữa sau tôi được chủ nhà dẫn đi coi một vòng quanh nhà. Nhà thì chẳng có gì lạ, xây bằng loại đá granite lấy ở Devonshire, một chất liệu xây dựng bền bỉ, không đẹp nhưng mát mẻ thoải mái. Đứng bên cửa sổ nhìn ra bao quát cả một vùng quang cảnh Moor, những dãy đồi phủ kín loài cây chịu hạn, cây Tors.
Xuôi theo triền đồi Tor, nơi gần nhất nổi lên những chòi nhà tranh di tích thời kỳ Đồ Đá. Bên quả đồi kia là khu mộ cổ vừa được khai quật, thu nhặt được vài mớ dụng cụ bằng đồng còn sót lại. Haydon là một tay thích sưu tầm đồ cổ, ông ta thao thao kể đây là nơi còn lưu lại rất nhiều di tích thời cổ.
Những cư dân thời kỳ Đồ Đá mới, người Druids, người Roman cả những dấu tích của giống người cổ đại Phoenicians còn lưu lại nơi đây".
"Có thể nói chỉ còn nơi này còn sót lại nhiều điều kỳ thú", ông ta kể. "Nơi này được đặt cho cái tên là Silen Grove. Thế đấy, ta sẽ hiểu ngay vì sao vùng đất được đặt cho một cái tên lạ hoắc".
"Ông ta chỉ tay về phía trước mặt, một vùng đất trống trải - một vùng đá sỏi, chỉ còn loài cây thạch thảo, cây dương xỉ - phải đi xa hơn trăm mét mới đến cánh rừng rậm rạp".
"Đây là khu di tích thời cổ", Haydon nói, "cây khô lâu nay đã được trồng mới, nhìn bao quát tưởng đâu là khu rừng nguyên sinh - như trong thời kỳ người Phoencians đi khai phá. Hãy đi theo tôi".
"Chúng tôi đi theo ông ta. Vừa thấy khu rừng một cảm giác kỳ lạ ập đến với tôi. Phải nói như lạc lối vô một vùng tĩnh lặng, cây cối um tùm không nghe thấy một tiếng chim hót. Một cảm giác ghê rợn và hoang vắng. Tôi nhìn lại thấy Haydon nhếch mép cười khó hiểu".
"Ông thấy chỗ này ra sao, Pender?"Ô ta hỏi tôi. "Có gì lạ à? Hay là ông thấy khó chịu trong người?"
"Tôi không thích chỗ này". Tôi lặng lẽ đáp.
"Đó là cảm giác của ông. Đây là cứ điểm của một bộ tộc thời trước nghịch với tín ngưỡng của ông. Nơi đây là khu rừng Nữ thần Astarte".
"Nữ thần Astarte?"
"Astarte hay là Ishtar hoặc Ashtoreth, gọi theo cách nào cũng được. Tôi thích gọi tên Astarte như người Phoencian. Quanh vùng này có một khu rừng gọi là Grove of Astarte nằm về hướng Bắc của bức tường thành. Tuy chưa rõ nhưng tôi tin là đã có một khu rừng mang tên Grove of Astarte. Không đâu xa, ngay trong khu rừng này xưa kia là nơi tế lễ linh thiêng".
"Tế lễ linh thiêng?" Diana Ashley nói khẽ, mắt nàng nhìn xa xôi. "Họ là ai vậy, tôi chưa hiểu".
"Một bộ tộc không có tiếng tăm". Đại úy Roger cười vang, nói bâng quơ.
Haydon chẳng màng để ý.
"Theo tôi có thể còn một ngôi đền ngự trị ngay giữa khu rừng". Ông kể. "Tôi chưa vô tới ngôi đền, nhưng nghĩ là có nó!
"Cũng vừa lúc chúng tôi bước ra ngoài tới một nơi trống trải ngay giữa cánh rừng. Ngay nơi này có một cái chòi xây bằng đá. Diana Ashley ngơ ngác nhìn qua Haydon".
"Tôi nghĩ nên gọi nó là Idol House", ông ta nói "Đấy là ngôi đền Idol House of Astarte".
"Ông ta đi vô trong. Bên trong phía trước mặt chúng tôi là một cây cột gỗ mun khắc chạm hình tượng ngươi đàn bà sừng nhọn, cưỡi sư tử".
"Nữ Thần Astarte của người Phoenician", ông Haydon vừa nói, "Nữ thần Mặt trăng".
"Nữ thần Mặt trăng". Diana kêu lên một tiếng. "Chà, đêm nay ta làm tiệc giữa rừng thử một bữa. Ta mặc đồ hóa trang. Tất cả cùng bước ra ngoài dạo dưới ánh trăng làm lễ tôn vinh nữ thần Astarte".
"Bỗng tôi xoay người lại, nhanh chân, Elliot Haydon - người anh em họ với Richard - tiến lại gần chỗ tôi đứng".
"Ông không thích mấy chỗ này hở Padre?" Anh ta hỏi.
"Không". Tôi nói ra ngay. "Không thích".
Anh ta ngơ ngác nhìn tôi. "Chuyện vớ vẩn. Dick làm sao biết đây là nơi chốn linh thiêng. Anh ta thích đùa thế thôi. Nhưng mà nếu quả thật..."
"Nếu quả thật thì sao...?"
"Vậy thì..." Anh ta cười gượng gạo. "Ông không tin có chuyện đó, phải không? Bởi ông là một người tu hành".
"Tôi không chắc chuyện một người tu hành tin hay không chuyện này".
"Nhưng mà chuyện thần thánh đó thì đã qua từ lâu".
"Tôi cũng không biết ra sao", tôi nói hờ. "Nhưng tôi biết một việc: tôi cảm thấy không hợp với không khí nơi này, lúc mới bước vào rừng, một cảm giác kinh dị và ma quái vây quanh tôi".
"Anh ta liếc nhìn qua vai một cách khó chịu".
"Ờ", anh ta nói "Đấy, nó lạ kỳ lắm. Tôi hiểu ý ông muốn nói nhưng do chúng ta quá tưởng tượng đó thôi. Symonds, anh định nói gì vậy?"
Anh chàng bác sĩ ngẫm nghĩ một hồi mới lặng lẽ nói ra:
"Tôi không thích chỗ đó, nhưng tôi không biết tại sao. Thật tình tôi không thích lui tới những chỗ này".
Cũng vừa lúc Viôlet Mannering chạy tới.
"Tôi không thích vô đây" nàng kêu lên "Tôi chán chỗ này, ta đi khỏi đây đi".
"Chúng tôi rủ nhau bỏ đi ra chỉ mỗi nàng Diana Ashley còn nấn ná ở lại. Ngẩng đầu liếc nhìn qua vai, thấy nàng đứng đó tần ngần một hồi trước ngôi đền, ngắm nhìn say sưa hình tượng chạm khắc trên mặt đá".
"Ngày hôm đó tôi có cảm giác nóng bức khác thường, nhưng là một ngày đẹp trời, Diana Ashley đề nghị mở hội hóa trang, tức thì mọi người hưởng ứng nhiệt liệt. Tiếng cười nói khúc khích lặng lẽ bên nhau lo may cho xong đồ hóa trang, đến khi mọi người ngồi vô bàn ăn nhìn nhau rồi cười rộ lên. Hai vợ chồng nhà Rogers giả trang người thời Đồ Đá Mới - không hiểu vì sao còn thiếu tấm thảm lót trước bếp sưởi. Richard Haydon trong bộ đồ thủy thủ người Phoencian, bên cạnh người anh em họ sắm vai tên cướp biển, bác sĩ Symond trong vai bếp trưởng, phu nhân Mannering làm cô y tá, cô con gái đóng vai kẻ nô lệ người Circassian, còn tôi trong vai một tu sĩ áo mũ trùm kín. Người đến sau cùng là Diana Ashley, mọi người cảm thấy không hài lòng vì nàng khoác trên người chiếc áo choàng đen kinh dị".
"Tôi là kẻ vô danh", nàng ung dung nói "Tôi muốn vậy. Nào chúng ta cùng ngồi vô bàn".
"Sau bữa ăn bọn tôi ra ngoài. Không khí quang đãng mát dịu, chúng tôi ngắm nhìn trăng lên".
"Chúng tôi đi dạo nói chuyện phiếm, thời gian trôi qua lúc nào không hay; vừa đi vừa trò chuyện nên thì giờ chóng qua. Mãi gần một tiếng đồng hồ chúng tôi phát hiện Diana Ashley không đi với chúng tôi".
"Chắc chưa đi ngủ đâu". Richard Haydon lên tiếng.
Violet Manering lắc đầu.
"Ồ, không", cô nàng lên tiếng. "Tôi nhìn thấy cô ta đi về hướng này khoảng mười lăm phút". Cô ta đưa tay chỉ về hướng cánh rừng um tùm, tối đen, dù trời có trăng.
"Giờ này mà bỏ đi đâu?" Richard Haydon nói "Cô ta định giở trò gì đây? Ta đi một vòng thử coi".
"Mọi người cùng nhau đi, một phần vì hiếu kỳ muốn biết cô Ashley giở trò gì đây. Riêng tôi thì đang còn lưỡng lự chưa muốn tới chỗ khu rừng cây ma quái. Trong người tôi như có một sức mạnh vô hình muốn níu chân lại. Linh tính báo cho tôi biết chốn đó linh thiêng kỳ quái. Tôi nghĩ trong đầu mấy người kia cũng chẳng khác gì tôi, dù trong bụng không muốn nói ra. Khu rừng cây rậm rạp, ánh trăng không thể len lỏi xuyên qua đám lá để lọt xuống chút ánh sáng. Tai tôi nghe quanh đây những tiếng thì thầm than thở... Một cảm giác kỳ quái, liêu trai, như một phản xạ tự nhiên, không ai bảo ai bọn tôi xích lại nhau gần hơn!"
"Bỗng hiện ra phía trước mặt là một khoảnh đất sáng loáng, lọt thỏm giữa cánh rừng. Cả bọn kinh ngạc đứng nhìn sững sờ chưa biết gì, thì thấy một hình nhân sáng lung linh quấn băng bó sát người, trên đầu nhô lên hai chiếc sừng nhọn hoắt ngay phía trước thềm ngôi đền Idol House".
"Lạy Chúa tôi!" Eichard Haydon nói, mồ hôi vã ra lấm tấm trước trán.
Nhưng Violet Mannering đã kịp định thần lại.
"Sao, chính là Diana!" Nàng kêu lên. "Cô định giở trò gì đây? Chao ôi, người sao mà khác đời".
Hình tượng đứng trước cửa giơ tay lên vẫy chào, chân bước tới trước một bước, cất tiếng hát ngân vang.
"Ta là Nữ thần Astarte", nàng ngân nga. "Coi chừng không được xích lại gần ta, bàn tay ta đẫm máu".
"Thôi mà đừng làm vậy". Phu nhân Mannering cất tiếng oán trách. "Cô đã làm cho cả bọn tôi sợ hãi".
Haydon nhào tới trước.
"Lạy Chúa! Coi kìa Diana!" Ông ta kêu lên một tiếng. "Em thật lạ lùng".
"Mắt tôi quen dần với ánh sáng trăng, tôi có thể nhìn rõ mọi thứ. Quả thật y như Violet nhận xét, nhìn cô ta lạ thường. Một gương mặt như được khắc họa. Nét huyền bí phương Đông, đôi mắt nàng để lộ ra những tia chớp độc địa, nụ cười lạ lẫm ngự trị trên môi. Lạ đến nỗi tôi như chưa từng nhìn thấy qua gương mặt này dù chỉ một lần".
"Coi chừng..." Nàng thét lên một lời cảnh báo. "Không được xích lại gần nữ thần. Kẻ nào chạm vô mình ta kẻ đó sẽ chịu chết".
"Em thật là tuyệt vời, Diana". Haydon kêu lên. "Nhưng nói thật, tôi không thích em làm vậy đâu".
"Ông ta bước về phía nàng, trên bãi cỏ. Nàng chỉ tay hướng về ông ta!"
"Đứng lại!" Nàng thét. "Bước lại gần, ta sẽ dụng phép tà của nữ thần Astarte trừng phạt mi".
Richard Haydon cười phá ra, sấn tới trước, ngay tức thì một vật lạ xuất hiện. Ông ta ngần ngại chùn bước rồi toàn thân lảo đảo, ngã chúi xuống.
"Một hồi lâu, ông ta vẫn nằm sóng soài trên mặt đất".
Bất chợt Diana cười rộ lên nghe thật man rợ, một âm thanh kỳ quái phá tan bầu không khí tĩnh lặng nơi chốn rừng thiêng.
Elliot quyết tử nhào tới.
"Ta không thể chùn bước". Anh ta gào lên, "Dick, đứng lên! Anh đứng lên đi!"
"Richard Haydon không xê dịch một phân. Elliot bước tới gần bên quì xuống lấy tay nghiêng người qua, anh ta nghiêng người áp sát mặt nhìn cho rõ hơn".
"Anh ta đứng ngay dậy, người đang còn đang run rẩy".
"Bác sĩ..." Gã lên tiếng. "Bác sĩ... vì Chúa xin ông tới ngay đây. Tôi... tôi thấy anh ta đã chết".
Symond vụt chạy tới, thấy vậy Elliot chậm rãi bước đến chỗ chúng tôi. Vừa bước đi, gã cúi nhìn xuống hai bàn tay với một vẻ kỳ lạ.
Chợt Diana rú lên nghe kinh rợn.
"Ta đã giết hắn!" Nàng kêu lên một tiếng. "Ôi, lạy Chúa! Ta không muốn nhưng ta phải giết hắn".
Vừa hết câu nàng ngã nhào xuống đất người co rút lại trên bãi cỏ.
Bà Rogers than khóc.
"Hãy giúp chúng tôi thoát khỏi nơi địa ngục trần gian này". Bà gào thét. "Chúng tôi liệu có bề gì không. Chao ôi, khiếp quá!"
Elliot bước tới níu lấy vai tôi.
"Làm sao như thế này được, ông ơi". Gã thở hổn hển nói "Tôi muốn nói là không thể như vậy được. Ai nỡ giết một người vô tội. Phải nói là... là trái với đạo Trời".
Tôi lựa lời nói cho anh ta nguôi ngoai.
"Tôi có thể giải thích được", tôi nói "Anh của cậu có vấn đề bệnh tim nên lên cơn bất thường. Có thể do một cơn sốc hay vì ngây ngất..."
Anh ta cắt ngang giữa chừng.
"Ông chưa hiểu", gã nói. Gã chìa bàn tay có một vệt đỏ. "Dick không phải chết do một cơn sốc, mà bị đâm một nhát... trúng ngay tim, nhưng không tìm thấy hung khí".
Nghe nói tôi chưa vội tin. Cũng vừa lúc bác sĩ Symonds khám nghiệm xong tử thi trở lại chỗ cũ. Mặt mũi ông nhợt nhạt, người run rẩy.
"Chúng ta điên hết rồi hay sao?" Anh ta nói "Đây là đâu... chuyện gì xảy ra như thế này?"
"Nhưng sự thật là nó đã xảy ra". Tôi nói.
Anh ta gật đầu.
"Vết thương trên người do một con dao cán dài phóng ra, nhưng nhìn lại... chẳng thấy dao đâu".
Cả bọn chúng tôi nhìn nhau.
"Còn quanh đâu đây". Elliot Haydon kêu lên. "Hung thủ chắc quăng gần đây thôi... đâu chừng trên bâi cỏ. đi quanh một vòng tìm thử coi".
Nhìn quanh chẳng thấy đâu. Chợt Violet Mannering buột miệng nói:
"Trên tay hình như Diana nắm một vật gì đó. Như là con dao găm, tôi nhìn thấy một vật lóe sáng lên ngay khi cô ta cất tiếng cảnh giác".
Elliot Haydon lắc đầu.
"Ông ta đứng xa chỗ cô ta không quá ba mét". Gã cãi lại.
Phu nhân Mannering bước gần lại cúi người xuống nhìn.
"Trên tay cô ấy không thấy gì..." Phu nhân nói "... nhìn quanh bãi cỏ cũng không thấy. Violet, con nhìn thấy thật sao? Mẹ chẳng thấy gì".
Bác sĩ Symonds chạy tới bên nạn nhân.
"Chúng ta hãy đưa cô ấy trở vô nhà". Ông nói "Rogers, bà giúp tôi một tay đi nào".
"Bọn tôi xúm lại đưa Diana trở vô nhà rồi quay trở ra xác ngài Richard".
Ngài mục sư Pender xin phép được cắt ngang câu chuyện rồi ông nhìn quanh.
"Ở thời bây giờ chúng ta đã ta thông thạo hơn", ông nói "Nhờ đọc truyện tiểu thuyết trinh thám. Ngay cả đứa trẻ cũng biết được chuyện phải giữ nguyên xác nạn nhân lại ngay tại hiện trường. Nhưng lúc đó chúng tôi không hiểu biết, bảo nhau xúm lại khiêng xác Richard. Haydon vô nhà, sai lão quản gia đạp xe chạy đi báo cho đồn cảnh sát - cách đấy khoảng mười hai cây số".
Vừa lúc đó Elliot Haydon đẩy tôi qua một bên.
"Đến đấy", gã nói "Tôi quay trở lại chỗ rừng cây. Phải tìm cho ra hung khí".
"May ra thì còn". Tôi buột miệng nói hờ.
Gã níu tay tôi giật giật. "Cậu lại nghĩ chuyện mê tín, anh tôi chết một cách lạ đời. Này, ta hãy đi trở ra chỗ rừng cây coi thử sao".
"Tôi tò mò muốn biết hắn định làm gì. Tôi khuyên hắn không chịu nghe. Nghĩ tới lúc trở ra lại chỗ cánh rừng tôi cảm thấy ớn lạnh, linh tính báo cho biết gã sắp gặp chuyện tai ương. Elliot tính gàn dở. Hắn nhát gan nhưng làm như ta đây không sợ chết. Hắn muốn đi cho được để coi chuyện bí mật tới đâu".
"Tôi còn nhớ cái đêm kinh hoàng, không ai chợp mắt được một chút chứ đừng nói muốn buồn ngủ. Lúc cảnh sát tới nơi nhìn thấy hiện trường khả nghi, muốn làm một cuộc khám nghiệm. Cô Ashley bảo chờ xin ý kiến bác sĩ Symonds, anh ta không chịu. Cô Ashley đã tỉnh lại, bác sĩ cho thêm một liều thuốc ngủ cực mạnh, tới sáng ngày mai mới tỉnh".
Tới bảy giờ sáng hôm sau mọi người sực nhớ Elliot Haydon. Symonds quay qua hỏi gã bỏ đi đâu. Tôi kể mọi chuyện về Elliot, anh chàng Symonds nghe xong mặt mùi sa sầm. "Lẽ ra anh chàng không nên bỏ đi, liều - liều mạng thật!" Anh ta nói.
"Anh nghĩ là có gì nguy cho tính mạng anh ta hay sao?"
"Tôi hy vọng là không sao, Padre, tôi sẽ cùng với anh tới đó".
"Anh ta đi trước, còn tôi thu hết can đảm cất bước đi theo. Chúng tôi lại ra đi đến chỗ rừng cây xúi quẩy hôm trước. Đến nơi bọn tôi gọi hai lần không nghe thấy Elliot lên tiếng. Thoáng chốc chúng tôi đã trở lại chỗ trảng đất trống, lờ mờ, u ám trong ánh sương mai, Symonds bấu chặt tay tôi khiến tôi phải kêu lên một tiếng. Mới tối hôm qua dưới ánh trăng chúng tôi đã nhìn thấy xác một người nằm úp mặt xuống bãi cỏ. Sáng sớm trở lại vẫn cảnh tượng đó, nhưng lại là xác Elliot Haydon nằm ngay chỗ người anh chết hôm qua?"
"Lạy Chúa tôi!" Symonds buột miệng nói "Anh ta cũng cùng chung một số phận".
Bọn tôi chạy lại chỗ bãi cỏ. Elliot Haydon nằm bất tỉnh hơi thở thoi thóp, vật chứng gây ra vết thương còn ở trên ngực. Một thỏi kim loại đồng đỏ găm sâu vô vết thương.
"Nắm vai xoay người qua, đừng sờ vô chỗ trước ngực. Cũng còn may..." Anh chàng bác sĩ hướng dẫn. "Thiệt tình tôi không biết nên nói sao. Anh chàng chưa chết, ta hãy chờ nghe gã kể lại".
Nhưng rồi gã chẳng nhớ được nhiều. Lời kể lại nghe rất mơ hồ. Gã hoài công cả đêm tìm kiếm con dao găm, nhưng đành bỏ cuộc ngay lúc vừa bước chân tiến gần tới bên ngôi đền Idol House, cũng là lúc gã giật mình nhìn thấy bóng người đứng rình ở bên bìa rừng. Gã muốn bỏ chạy nhưng không kịp nữa. Một luồng gió chướng vừa nổi lên, không phải gió của rừng, gió từ bên trong ngôi đền Idol House. Xoay người gã lại nhìn vô bên trong. Một khuôn mặt nhỏ bé của Nữ thần hiện lên, mắt gã muốn hoa cả lên. Khuôn mặt biến dạng phình to hơn mỗi lúc. Chợt gã cảm thấy một cú va đập hai bên thái dương, bước chân lảo đảo lùi lại, người ngã xuống, vừa lúc một cảm giác tê buốt ấn vô bên vai trái.
Con dao găm này nhìn giống như con dao tìm thấy trong lần khai quật đất trên đồi mà Richard Haydon mua lại được. Ông ta đem cất giấu một nơi trong nhà, hay bên trong ngôi đền Idol House, trong rừng cây, đến nay chưa ai rõ.
Cảnh sát cho rằng chính Ashley đã đâm chết. Theo chúng tôi chỗ nàng đứng cách nơi ông ta gần ba mét, thì không thể cho nàng là thủ phạm. Toàn bộ vụ việc còn trong vòng bí ẩn.
Mọi người lặng thinh.
"Tôi thấy không có gì đáng nói". Joyee Lemprière lên tiếng. "Khiếp quá... lạ quá. Thưa ngài mục sư Pender, ngài có thể cho biết ý kiến".
Ngài mục sư gật đầu. "Có chứ", ông nói "Tôi có ý kiến thế này, nhưng ý kiến của riêng tôi nó có phần khác người. Theo tôi còn nhiều manh mối chưa tìm ra".
"Tôi đã từng ngồi gọi hồn". Joyce kể. "Các bạn nghĩ thế nào thì tùy, sẽ thấy được nhiều việc kỳ lạ chỉ có thể giải thích bằng phép thôi miên. Cô nàng kia đã hóa thân làm nữ thần Astarte, và không hiểu sao tôi thì cho là chính nàng đã đâm chết ông ta. Hay là nàng đã quăng con dao mà cô Mannering đã nhìn thấy".
"Hay có thể đó là một cây thương". Raymond West nói xen vô. "Lúc đó trăng đã mờ. Trên tay nàng thủ sẵn một ngọn giáo có thể đâm chết người từ một khoảng cách ở xa, và có thể suy diễn lúc đó mọi người như đang bị thôi miên. Ý tôi muốn nói là ông ta bị hạ gục do một sức mạnh vô hình".
"Tôi đã được nhìn thấy nhiều vụ ly kỳ sử dụng dao hoặc các loại vũ khí ở nhà hát". Ngài Henry kể: "Tôi đoán lúc đó một người đàn ông núp trong lùm cây từ đây hắn phóng một con dao và dao găm trúng vô người nạn nhân rất chính xác... Ta phải công nhận hắn là tay phóng dao nhà nghề. Nghe qua có phần suy diễn nhưng nghĩ lại không ngoài sức tưởng tượng của con người. Các bạn nên nhớ kẻ lạ kia lại tưởng đâu có người đang theo dõi đứng núp trong lùm cây. Và Mannering kể Ashley nắm trên tay một thứ vũ khí là con dao găm, người khác lại bảo thấy nàng hai tay không, theo tôi chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nếu đặt trường hợp tôi các bạn sẽ nghĩ trong một lúc năm người trong cuộc cùng nhìn thấy một sự việc, chắc chắn lời kể của mỗi người cũng sẽ khác nhau, khó mà tin được".
Ồng luật sư Petherick lại hỏi:
"Mãi lo kể chuyện chúng ta đã bỏ quên một manh mối chủ yếu", ông nhắc lại. "Còn cái món vũ khí kia thì sao? Cô Ashley không thể buông ngọn dao rồi đứng sững ngay giữa trảng đất trống trải. Giả sử lúc đó một tên đứng núp trong bụi rậm rồi phóng dao thì tất nhiên mũi dao vẫn còn cắm sâu trên người nạn nhân. Tôi thấy phải loại bỏ những lập luận mơ hồ và phi lý để tìm ra đâu là manh mối cụ thể".
"Manh mối cụ thể đưa ta đi tới đâu?"
"Tại đây, một bằng chứng cụ thể. Lúc nạn nhân ngã xuống đất không có ai ở gần, vậy ta có thể suy đoán gã tự đâm vô người. Một vụ tự sát, có thế thôi".
"Quái lạ sao gã lại muốn tự sát nhỉ?" Raymond West chưa biết nên tin ai.
Ông luật sư lại húng hắng ho. "Chà, cậu lại rơi vô vòng lý thuyết lẩn quẩn nữa rồi", ông nói "Lúc này tôi không muốn nói chuyện lý thuyết. Theo tôi thì loại trừ chuyện một sức mạnh vô hình gây ra cái chết cho nạn nhân thì chỉ có mỗi một cách giải thích sự việc như thế này. Nạn nhân tự đâm vô người lúc ngã xuống dang hai tay ra, con dao găm bị hất mạnh, văng vô trong bụi cây. Theo tôi thì có thể giải thích được dù xác suất có phần hiếm khi xảy ra".
"Tôi chưa thể nói ra đây, đó là điều chắc chắn", bà Marple nói, "tôi đang còn lúng túng. Bởi một việc lạ thế này. Năm trước tại một bữa tiệc ngoài sân vườn ở nhà phu nhân Sharpley, người phụ trách phân chia sân chơi golf bị sẩy chân lọt xuống lỗ. Y bất tỉnh nhân sự hết cả năm phút".
"Vâng, thưa bà dì", Raymond khiêm tốn nói "Nhưng gã không phải bị đâm chết, phải không?"
"Làm gì có chuyện đó, cháu ơi!" Bà Marple nói "Để dì kể cho cháu nghe, chỉ có một cách giải thích vì sao ngài Richard bị dâm chết, tôi biết nguyên nhân làm ông vấp ngã. Rõ ràng là chân ông vấp vô gốc cây. Lúc đó ông lo để mắt nhìn theo cô nàng, nhằm đêm trăng bước đi có thể bị hụt chân".
"Bà Marple, ý bà muốn nói là chỉ có một nguyên nhân khiến ngài Richard bị đâm chết". Ông mục sư nói đưa mắt nhìn theo.
"Một chuyện đau thương tôi không muốn nhắc lại. Anh ta thuận tay phải, đúng không? Tôi đoán có thể anh ta tự tay đâm vô vai bên trái. Nhớ lại tội nghiệp cho Jack Baynes trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Chắc ông còn nhớ chuyện người lính tự bắn vô chân sau một cuộc giao tranh ác liệt tại mặt trận diễn ra ở miền Bắc nước Pháp. Khi đến bệnh viện thăm, ông ta kể cho tôi nghe, ông cảm thấy nhục nhã vì việc làm đó. Về chuyện anh chàng Elliot, tôi muốn thấy gã chẳng được gì sau khi vụ án xảy ra".
"Elliot Haydon". Raymond kêu lên. "Dì cho là anh ta đã giết chết nạn nhân?"
"Theo tôi thấy không còn ai khác hơn". Bà Marple nói, tròn xoe mắt có vẻ ngạc nhiên. "Tôi xin nói, theo như lời ông Petherick trình bày khá rõ, ta cần phải tìm ra manh mối loại bỏ chuyện thần thánh ngoại đạo ra. Gã bước tới chỗ nạn nhân, tay xoay người nạn nhân qua một bên, gã ngồi xuống, tư thế quay lưng về phía mọi người, nhờ lớp áo hóa trang làm một tên cướp, gã dễ lận theo trong lưng một món vũ khí. Tôi nhớ lại lúc còn con gái, trong một lễ hội hóa trang tôi có khiêu vũ với một anh chàng giả làm tướng cướp. Anh ta mang theo trong người năm thứ dao và một con dao găm, tôi thấy bất tiện và vướng víu khó chịu vô cùng khi phải nhảy cặp với anh ta".
Mọi người quay nhìn về phía mục sư Pender.
"Tôi biết rõ đâu là sự thật", ông nói "Năm năm sau kể từ khi câu chuyện đáng thương tâm kia xảy ra. Nội vụ được nhắc lại trong một bức thư Elliot Haydon gởi cho tôi. Gã thắc mắc không hiểu vì sao tôi nghi cho gã. Chỉ vì một sự thèm muốn bất chợt dâng trào lên trong người gã. Chính gã cũng muốn được yêu Diana Ashley, nhưng ngày đó gã đang là một chàng luật sư nghèo.
Nghe tin Richard sẽ được thừa hưởng chức tước và sản nghiệp, gã nhìn thấy ngay một cơ hội trước mắt. Lúc gã quỳ xuống ngồi bên xác người anh vạt áo vén lên khỏi lưng, mũi dao găm lòi ra ngoài, gã chưa kịp sửa lại, giấu vô lưng. Một lúc sau, gã tự tay đâm vô người nhằm đánh lạc hướng. Trước lúc lên đường làm một chuyến thám hiểm Bắc cực, gã viết thư cho tôi hay mọi sự việc để lỡ khi gã không trở về. Tôi thì cho là gã không về nữa đâu, tôi biết điều đó cũng như bà Marple cho là sau khi án mạng xảy ra gã chẳng được hưởng một món nào".
"Ròng rã năm năm", gã kể, "tôi như sống trong cảnh địa ngục trần gian. Tôi muốn được đền tội bằng cách được chết trong danh dự".
Ông dừng lại giữa chừng.
"Tức là anh ta đã được chết trong danh dự", ông Henry nói, "ông đã thay tên đổi họ nhân vật trong câu chuyện, thưa ngài mục sư, nhưng tôi biết họ là ai".
"Như tôi đã kể", ngài mục sư tiếp tục câu chuyện. "Tôi cho là trong câu chuyện này không hoàn toàn đúng với thực tế. Ở nơi chốn rừng thiêng kia còn lưu lại nhiều bí ẩn, tà ma đã xui khiến Elliot Haydon làm chuyện ác. Nhắc lại câu chuyện ngôi đền Astarte cho tới hôm nay tôi còn thấy rùng mình, ớn lạnh".
Kho vàng dưới đáy biển
Không hiểu câu chuyện tôi sắp kể ra đây có được gọi là chuyện lạ hay không". Raymond West mở lời. "Bởi vì ta không thể đưa ra lời giải đáp. Có nhiều tình tiết ly kỳ nên tôi muốn đặt vấn đề với các bạn. Tôi nghĩ giữa chúng ta cũng nên tìm và đưa ra một kết luận cho nó hợp logic".
"Câu chuyện xảy ra cách nay đã hai năm, lúc đó tôi đi lễ Hạ trần tại nhà một ông bạn là John Newman ở miền Cornwall".
"Cornwall?" Joyce Lemprière hỏi gắt.
"Ờ, mà sao kia?"
"Chả sao. Chuyện lạ. Tôi biết một câu chuyện xảy ra cũng ở Cornwall, một làng đánh cá thưa thớt ở Rathole. Chắc câu chuyện của anh không phải là chuyện mà tôi biết".
"Không. Chuyện tôi kể xảy ra ở làng Polperran, một nơi ở miền duyên hải phía Tây Corwall, vùng đất khô cằn hoang vu. Tôi được giới thiệu trước đó mấy tuần một ông bạn rất là vui tính. Một nhân vật thông minh sống tự lập, trí tưởng tượng phong phú. Để thỏa mãn thú vui chơi, ông ta thuê nguyên ngôi nhà Pol. Ông bạn tôi am hiểu lịch sử thời Elizabeth - say sưa kể lại bằng một thứ ngôn ngữ sống động - cuộc thất bại thảm hại của đội tàu Armada Tây Ban Nha. Ông kể hay tới mức người nghe nhầm tưởng như ông tận mắt chứng kiến sự kiện lịch sử thời đó. Phải chăng có cuộc đầu thai qua kiếp sau... Tôi băn khoăn".
"Cháu thật là một người hay mơ mộng đó, Raymond". Bà Marple nói, mắt nhìn anh ta một cách trìu mến.
"Trời sinh ra tôi tính hay mơ mộng", Raymond West nói tiếp, nét mặt buồn buồn, "còn ông bạn Newman mơ mộng hơn thế nữa, anh ta muốn nhắc tôi nhớ đây là một cách để ôn lại quá khứ. Trong đội thuyền Armada có một chiếc chở theo kho báu vàng từ vùng biển Caribê trở về. Trong một cuộc giao chiến, tàu bị đánh đắm ngoài khơi bờ biển Cornwall, chung quanh là vùng đá dựng đứng hiểm trở, Serpent Rocks. Năm sau, theo lời kể của Newman, nhiều chuyến tàu thám hiểm dò tìm trục vớt con tàu lên để thu hồi lại kho báu. Những câu chuyện đại loại như vừa kể không phải là hiếm, chuyến tàu chở kho báu được thêu dệt như những huyền thoại ngoài sức tưởng tượng. Newman đứng ra mua lại một công ty bị phá sản với giá rẻ mạt. Đời gã lên hương. Gã cũng lập ra một đội tàu đi tìm kho báu. Cuộc tìm kiếm hoàn toàn nhờ vô máy móc khoa học. Khối vàng còn nguyên dó, trước sau rồi sẽ có ngày được trục vớt lên".
"Một người giàu có như Newman phút chốc được phất lên, xét cho cùng món tài sản nếu được tìm thấy chẳng đáng là bao so với công sức của gã. Tôi cảm thấy khâm phục tấm lòng nhiệt thành của gã. Tôi đã được nhìn những con thuyền Tây Ban Nha ra khơi, trong cơn giông bão sóng xô đẩy vô ghềnh đá, vỡ tan. Chỉ một cái tên đội thuyền nghe thơ mộng làm sao. Nghe nhắc tới chuyện 'Kho báu Tây Ban Nha', cả trẻ con và người lớn đều say mê. Để tăng thêm phần ly kỳ, khi nào viết một cốt truyện có vài chương nói đến cảnh thời thế kỷ 16, tôi mong sẽ được ghi nhận thêm chi tiết để cho cốt truyện đậm đà bản sắc địa phương".
"Sáng sớm ngày thứ Sáu đó tôi rời Paddington với tinh thần phấn chấn, mong chờ vô chuyến đi. Trên chuyến xe chỉ có mỗi mình tôi với một người đàn ông lạ mặt ngồi đối diện. Người ông cao lớn, tướng nhà binh, và nếu tôi không nhầm thì dường như đã được nhìn thấy ông trước đó. Tôi ngồi cố nghĩ cho ra, một hồi lâu tôi sực nhớ ra. Ông là thanh tra mật thám Badgworth, tôi được gặp ông trong một lần truy tìm hồ sơ vụ án Everson mất tích".
"Thế rồi tôi và ông cùng vui vẻ trò chuyện rôm rả. Nghe kể chuyến đi của tôi tới Polperran ông ngỡ ngàng, sao mà trùng hợp ngẫu nhiên lạ lùng, bởi ông cũng đi về hướng đó. Tôi không thắc mắc, tránh không nhắc lại vì sao ông cùng đi ra tới đó. Tôi mới kể ông nghe vì sao tôi thích được nhìn ngắm phong cảnh ngoài đó, nhắc lại câu chuyện chiếc thuyền Tây Ban Nha bị đánh đắm. Tôi hết sức kinh ngạc, không hiểu vì sao ông thông thạo mọi thứ. 'Đấy là con thuyền Juan Fernandezi!' Ông kể. 'Bạn của anh không phải là người đầu tiên muốn đem tiền ra để đổi lấy món tài sản vớt lên dưới đáy biển'. Nghe qua tưởng đâu chuyện mơ mộng viển vông".
"Hay có thể nói là một câu chuyện huyễn hoặc". Tôi nói "Làm gì có chuyện đắm thuyền ngoài đó".
"Câu chuyện chiếc thuyền bị đắm đã quá đủ rồi". Ông thanh tra nói "Nhưng lại kéo theo nhiều chiếc thuyền khác. Rồi anh sẽ kinh ngạc khi biết được còn biết bao nhiêu chiến thuyền bị đắm quanh vùng biển, cho nên tôi muốn trở lại ngoài đó xem sao. Cách nay sáu tháng một chiến thuyền mang tên Otranto cũng bị đắm".
"Tôi nhớ đã nghe qua vụ đó". Tôi nói "Không có thiệt hại về người thì phải".
"Không có ai bị thiệt mạng", viên thanh tra nói, "nhưng thiệt hại về mặt khác. Việc này ít ai được biết, trên chiến thuyền Otranto chở đầy vàng thoi".
"Vậy sao?" Tôi lấy làm lạ hỏi.
"Và tất nhiên, công cuộc dò tìm của các thợ lặn đã trục vớt con thuyền là có thật, nhưng mà... toàn bộ số vàng đã biến mất, ông West ạ".
"Biến mất!" Tôi kêu lên, trố mắt kinh ngạc. "Làm sao mất hết được?"
"Đấy mới là chuyện đáng ngờ", thanh tra đáp. "Thuyền đụng nhằm tảng đá ngầm, khoét sâu một lỗ dưới khoan thuyền bọc thép, chỗ chứa vàng. Từ nơi này thợ lặn dễ nhìn thấy nhưng bên trong trống rỗng. Câu hỏi đặt ra có phải toàn bộ số vàng bị lấy đi trước hay là sau lúc chiếc thuyền bị đắm? Toàn bộ số vàng có thật được cất giấu dưới khoang thuyền?"
"Một chuyện thật lạ lùng". Tôi nói.
"Lạ hơn nữa nếu anh đã biết thế nào là vàng thoi không như một sợi dây chuyền nạm kim cương dễ cho vô túi. Nghĩ tới chuyện cả một khối tài sản cồng kềnh đồ sộ biến mất... Đấy, toàn bộ câu chuyện nghe thật phi lý. Có thể trước lúc chiếc thuyền ra khơi người ta đã dàn dựng, đánh tráo toàn bộ số vàng, nếu không thì có thể đã được chuyển lên bờ sáu tháng sau đó... cho nên tôi phải trở lại để tìm hiểu".
"Tôi gặp Newman đứng chờ tại sân ga. Anh ta cáo lỗi vì xe hư gửi đi sửa chữa ở Truro. Anh ta lái chiếc xe tải ra đón tôi".
"Tôi leo lên xe ngồi kế bên, chiếc xe phải chạy lòng vòng ngoằn ngoèo theo con đường làng nhỏ hẹp. Leo qua một chặng dường dốc, vòng vèo một đỗi xa, trước khi dừng lại trước cánh cổng dựng bằng đá granite - ngôi nhà Pol".
"Đấy là một nơi cảnh quang đẹp mắt, từ trên vách đá dựng có thể nhìn bao quát một vùng biển bao la. Một phần vùng được xây dựng cách nay ba bốn trăm năm, một phần được xây dựng theo lối hiện đại. Phía sau là vùng đất trồng trọt rộng khoảng bảy héc-ta ăn sâu vô đất liền".
"Hân hạnh chào các bạn về Pol". Newman nói.
"Chào mừng chiếc thuyền vàng". Anh ta chỉ tay về phía cửa trước nhìn lên chỗ bức tranh vẽ chiếc thuyền Tây Ban Nha đang căng buồm xuôi gió.
Đêm đầu tiên thật là thú vị. Chủ nhân mang ra một bản sao chiến thuyền Juan Fernandez, anh ta trải rộng tấm bản đồ giải thích những điểm được ghi chú sẵn, những dự tính sử dụng máy móc lặn dò, khiến tôi lóa cả mắt.
"Tôi kể lại cuộc gặp gỡ viên thanh tra mật thám Badgworth, nghe được anh ta lấy làm thích thú".
"Dân làng biển lạ kỳ làm sao". Anh ta hồi tưởng lại. "Họ sống nhờ buôn lậu và những vụ đắm tàu. Hay tin một chiến thuyền bị đắm là tranh nhau hôi của, làm giàu bất kể. Tôi sẽ giới thiệu cho cậu gặp một người dân địa phương. Anh ta là nhân chứng".
"Sáng hôm sau trời quang mây tạnh. Tôi được dẫn về tới Poperran gặp một thợ lặn, tên gã là Higgins. Dáng người phong trần, ít nói, chỉ hỏi tới đâu nói tới đó. Sau một hồi bàn tính chuyện máy móc kỹ thuật, bọn tôi dời qua chỗ Three Anchors. Được mời một chầu bia, anh chàng nói năng nghe trôi chảy hơn".
"Một ông thám tử từ trên London về đây", gã nói lầm bầm trong miệng. "Tại nơi này một chiến thuyền bị đắm từ tháng mười một năm trước chở theo một khối vàng khổng lồ. Vâng, không phải chiếc đầu tiên mà chưa chắc là chiếc cuối cùng".
"Khá lắm" ông chủ nhà trọ Three Anchor nói xen vô "Cậu nói nghe được, Bill Higgins".
"Tôi nói có sai đâu, ông Kelvin". Higgins đáp.
"Tôi nhìn qua lão chủ muốn nghe cho rõ hơn. Trông bề ngoài lão thật là khó nhìn, mặt mũi ngăm ngăm, hai vai rộng nở nang. Mắt lão đỏ ngầu, lẩn tránh cái nhìn người lạ. Tôi nghĩ bụng chắc đây là người Newman đã kể cho tôi nghe, một nhân chứng biết nhiều việc".
"Chúng tôi không thích người ngoài xen vô công việc trong vùng biển này". Lão nói, mặt mũi bặm trợn.
"Có phải mấy ông thám tử?" Newman nhếch mép cười hỏi.
"Cả bọn thám tử... và những người khác". Kelvin xác nhận "Chắc là ông không quên chứ?"
"Này Newman, nghe kể tôi thấy như mình vừa bị xúc phạm". Vừa đi lên tôi vừa nói.
Ông bạn tôi tươi cười.
"Nhằm nhò gì, miễn là không động chạm gì tới ai là được".
"Tôi lắc đầu chưa tin. Nhìn Kelvin có một vẻ gì đó độc địa và thô lỗ, tâm trí lão ta nghĩ những chuyện đâu đâu khó biết được".
"Tôi cảm thấy khó chịu nhất là lúc này. Đêm đầu tôi còn ngủ được, qua bữa sau giấc ngủ cứ chập chờn. Buổi sáng Chủ nhật trời u ám, xa xa nghe có tiếng sấm. Tôi có tật khó giấu cảm xúc, nên nhìn mặt, Newman đoán là có việc gì không ổn".
"West, cậu sao vậy? Trông mặt mũi cau có làm sao".
"Tôi chả biết", tôi nói thật tình, "tôi có linh tính kỳ lạ lắm".
"Chắc là do thời tiết".
"Ờ, chắc vậy".
"Tôi không nói nữa. Xế trưa tôi ngồi trên xuồng máy của Newman ra khơi, chợt trời đổ mưa tầm tã đành phải quay vô bờ, về nhà thay quần áo".
"Đêm tối, tôi thấy trong người bồn chồn khó chịu. Ngoài trời giông tố nổi lên ầm ầm. Tới mười giờ tối trời mới êm ả, Newman nói 'Độ chừng nửa giờ nữa chắc là trời sáng sủa hơn. Tôi sẽ ra ngoài đi... một vòng'."
Tôi ngáp dài. "Tôi buồn ngủ quá", tôi nói, "tối qua không chợp mắt, tối nay tôi sẽ đi ngủ sớm".
"Chuyện là vậy. Đêm trước ngủ ít, tối nay tôi phải ngủ thẳng mội giấc. Nhưng rồi ngủ không yên giấc. Đầu óc tôi còn ám ảnh chuyện ma quái rùng rợn. Mơ thấy toàn chuyện kinh dị, thấy mình quanh quẩn nơi những hố sâu vực thẳm, lỡ sẩy chân một cái lọt xuống hố, đời thế là hết. Mở choàng mắt nhìn lên nhìn đồng hồ, kim chỉ tám giờ. Đầu nhức như búa bổ, giấc mơ kinh dị đêm qua còn lởn vởn".
"Thấy khó chịu, tôi lần bước tới bên cửa sổ kéo màn lên nhưng bỗng một cảm giác ớn lạnh ập tới, chân bước lùi lại, tôi thấy một người đàn ông đang cuốc ngôi mộ bỏ hoang".
"Phải một lúc sau tôi mới định thần lại được, nhìn kỹ ra là người làm vườn cho Newman đang xới đất, chỗ tôi tưởng là 'ngôi mộ' sẽ đưa ba cây bông hồng còn bó gốc vô trồng".
Người làm vườn ngước thấy tôi, lão đưa tay chào.
"Chào ông. Hôm nay trời thật đẹp".
"Tôi cũng nghĩ vậy". Đầu óc tôi vẫn còn lởn vởn chuyện kinh dị.
"Quả như lời lão làm vườn vừa nói, sáng nay nhìn trời đẹp quá. Nắng lên, bầu trời xanh ngắt, báo hiệu một ngày đẹp trời. Tôi trở xuống ăn sáng vui miệng huýt gió. Nhà Newman không có người giúp việc. Hai phụ nữ trung niên ở trang trại gần nhà mỗi ngày qua đây lo mấy việc lặt vặt. Người chị đặt bình cà phê xuống bàn vừa lúc tôi bước vô".
"Chào Elisabeth", tôi nói "Ông Newman đâu chưa thấy tới?"
"Ông đi lo công việc như mọi bữa". Bà nói "Tôi vừa qua thấy ông ấy đã đi".
Tôi lại thấy khó chịu trong người. Hai bữa trước gã vẫn ăn sáng tuy đến hơi trễ, tôi biết, gã có thói quen thức dậy trễ. Như có linh tính, tôi trở lên bước vô buồng ngủ. Không thấy anh ta, nhìn lại giường chăn gối y nguyên, tức là đêm qua anh ta không ngủ. Nhìn quanh một hồi tôi nảy ra hai ý. Nếu Newman bỏ đi ra ngoài dạo một vòng thì phải thay quần áo buổi tối, thì sẽ không thấy chúng.
"Linh tính báo cho tôi biết quả không sai. Newman đã bỏ đi, ra ngoài dạo chơi như mọi bữa. Vì một lý do ngoài ý muốn gã không quay về. Vì sao? Hay là gã gặp tai nạn đâu đó? Té xuống vực thẳm? Phải lo tìm kiếm ngay".
"Sau mấy tiếng đồng hồ tôi huy động được nhóm người cứu hộ, ngay tức thì tung lực lượng ra nhiều hướng, men theo bờ đá và bãi đá bên dưới. Không thấy tăm hơi Newman đâu".
"Cuối cùng không còn cách nào khác hơn tôi tìm đến ông thanh tra mật thám Badgworth. Nghe kể, mặt ông sa sầm".
"Tôi cho là có một âm mưu gì đây", ông nói "Trong vụ này có mấy người lạ vừa đến đây. Anh đã gặp Kelvin, ông chủ nhà trọ Three Anchors chưa?"
Tôi đáp là có nhìn thấy lão.
"Anh có nghe nói lão từng ngồi tù bốn năm vì can tội hành hung người dân lương thiện không?"
"Tôi không lạ gì mấy chuyện đó", tôi nói.
"Dân trong vùng thì cho là bạn ông thích xen vô việc người khác, miễn sao anh ta đừng làm hại gì ai".
Bọn tôi nỗ lực tìm kiếm, mãi đến xế trưa tìm thấy Newman bên dưới rãnh nước sâu, phía sau nhà. Tay chân bị trói lại, mồm bị nhét khăn cứng ngắt.
Anh ta bị kiệt sức, mình mẩy đau nhức. Sau một hồi xoa bóp hai cổ tay, hai mắt và cho uống một ly uých-ky, anh ta hồi tỉnh nhớ lại chuyện xảy ra.
"Lúc đó trời đã quang đãng, khoảng mười một giờ anh ta ra ngoài đi dạo một vùng. Đi được một đỗi xa ngoài bãi đá tới chỗ gọi là Smugglers Cove, địa điểm có nhiều hang động. Đến nơi gã nhìn thấy bọn người bốc hàng từ một con thuyền nhỏ lên bờ, tò mò gã lần bước theo sau. Không xác định được là món hàng gì, vì nhìn bề ngoài nặng nề, phu khuân vác chuyển vào hang động sâu nhất".
"Biết là có chuyện lạ, dù Newman không biết là túi hàng chứa gì. Chợt nghe tiếng người báo động cảnh giác, hai tên thủy thủ lực lưỡng nhào tới uy hiếp, đánh anh ta té nhào bất tỉnh. Sau một hồi tỉnh lại, anh ta thấy mình nằm trên một chiếc xe tải lắc lư trên đường đi, anh ta đoán chừng ra tới ngoài bìa làng. Quá kinh ngạc, anh ta nhìn ra thấy chiếc xe tải ngừng lại ngay trước nhà. Anh ta lắng nghe bọn người nói chuyện xì xào một hồi, rồi lôi anh ta bỏ dưới mương nước, một nơi trước đây hình như là địa điểm tìm thấy kho báu. Chiếc xe bỏ chạy hình như qua một điểm nữa, cách làng không bao xa đi ngang qua một cái cổng làng. Anh ta không nhớ mặt những kẻ hành hung là ai, chỉ biết bọn chúng là thủy thủ nói tiếng địa phương Cornwair".
Ông thanh tra Badgworth chăm chú lắng nghe.
"Căn cứ theo dấu vết nơi cất giấu hang". Ông kêu lên một tiếng "Nói gì đi nữa thi đấy là tài sản được vớt từ chiến thuyền bị đắm đem chôn giấu trong một hang động biệt lập. Cho tới nay chúng tôi đã cho lục soát khắp các hang động nhưng bọn cướp biển tinh vi hơn, bốc hàng chôn giấu trở lại nơi lực lượng đã lục soát qua một lần rồi bỏ đi. Bọn chúng không nắm quy luật, công việc chuyển hàng từ nơi địa điểm chôn giấu phải mất mười tám tiếng đồng hồ. Nếu bọn chúng bắt Newman đêm qua tính từ thời điểm đó chắc ta có thể tìm thấy kho báu ngay lúc này".
"Ông thanh tra cho lục soát ngay. Ông có đủ bằng chứng nơi cất giấu số vàng, nhưng bọn chúng nhanh chân chuyển đi nơi khác, chưa biết là nơi nào".
"Qua sáng hôm sau ông thanh tra cho tôi hay đã nghĩ ra được một manh mối khác".
"Con đường này ít xe cộ qua lại", ông nói, "ta đã đi qua mấy chỗ có lối đi có cổng, và mấy dấu nhìn thấy lờ mờ theo lối đi ra qua cổng khác, không còn chối cãi gì nữa, đúng là chiếc xe ta đang theo dõi dấu vết. Nào, ta thử đoán vì sao bọn chúng bỏ đi ra qua một cổng khác xa hơn? Rõ ràng chiếc xe xuất phát từ trong làng đi ra. Bây giờ ta rà soát lại, trong làng số người có xe tải chỉ đếm được trên đầu ngón tay, chừng vài ba người. Kelvin, ông chủ Three Anchors có một chiếc".
"Kelvin trước đây làm nghề gì?" Newman hỏi.
"Tôi lấy làm lạ sao ông hỏi tôi như thế, ông Newman, lúc còn trẻ Kelvin làm thợ lặn chuyên nghiệp".
"Tôi và Newman nhìn nhau, cả hai cùng lúng túng".
"Ông không thấy Kelvin có mặt trong số người ngoài bãi biển hay sao?" Ông thanh tra hỏi lại.
Newman lắc đầu.
"Tôi thấy thực là khó nói", anh ta lấy làm tiếc. "Tôi không thể hiểu hết mọi chuyện".
"Ông thanh tra sẵn sàng đưa tôi tới chỗ Three Anchors. Gara đậu xe bên kia đường, cổng ngoài khóa chặt, đi vòng qua bên hông một cánh cửa nhỏ dẫn vô trong. Thoáng nhìn dấu xe ông thanh tra hiểu ngay. 'Đây rồi! Ta đã tóm được hắn', ông kêu lên. 'Không chối cãi gì nữa, đây là dấu bánh xe sau. Này ông Kelvin, ông đừng có quanh co nữa'."
Raymond West dừng lại.
"Vậy thì sao?" Joyce lên tiếng. "Tôi thấy chuyện không có gì ầm ĩ cả... Ngoại trừ bọn chúng không thể tìm ra số vàng".
"Bọn chúng không lấy được đâu", Raymond nói "Cũng không tóm được Kelvin. Hắn dư biết chuyện đó, và hắn làm cách nào để đối phó thì tôi chưa hiểu. Phải tóm hắn cho bằng được... ta đã tìm thấy dấu xe. Nhưng ta còn gặp một trở ngại. Bên kia đường đối diện nhà xe là một căn nhà nghỉ mát của một nữ nghệ sĩ".
"Ôi, lại liên quan mấy bà nghệ sĩ!" Joyce vừa nói vừa cười.
"Như cô vừa nói, 'Ôi, mấy bà nghệ sĩ!' Bà này ốm nặng đã mấy tuần nên nhờ y tá trong bệnh viện đến chăm sóc. Y tá trực đêm kéo ghế ra chỗ cửa sổ, kéo màn lên ngồi nhìn ra ngoài. Nàng khai nếu đêm đó chiếc xe từ trong nhà xe chạy ra thì chắc nàng đã nhìn thấy, nàng xác định đêm hôm đó chiếc xe nằm im trong gara".
"Tôi cho việc này chẳng có gì phải bàn", Joyce nói "Giờ đó y tá đã đi ngủ chuyện bình thường. Mọi bữa vẫn vậy".
"Thì ai... ai lại không biết chuyện đó", ông luật sư Petherick lên tiếng, "nhưng chớ vội tin nếu ta không chịu khó kiểm chứng lại manh mối. Ta nên đối chứng thiện chí của cô y tá khi khai. Nghi can không có mặt tại hiện trường, xuất quỉ nhập thần như thế này ta phải đặt nghi vấn".
"Ta phải tính đến lời khai nhân chứng nữ nghệ sĩ"', Raymond nói "Theo lời bà kể đang đau ốm, đêm thức giấc nhiều lần, tất nhiên bà phải nghe được tiếng xe khác với tiếng ồn bình thường, nhất là đêm đó sau cơn bão trời lặng êm".
"Chà", ngài mục sư lên tiếng, "ta được thêm một manh mối nữa. Liệu Kelvin có chứng cứ ngoại phạm".
"Theo lời khai lão ở nhà lên giường ngủ từ lúc mười giờ, và lão khai không hay biết chuyện đó".
"Cô y tá thì đã ngủ", Joyce nói, "giờ đó bệnh nhân cũng đi ngủ. Hỏi ra thì mọi người ai cũng kêu ca mất ngủ".
Raymond West ngơ ngác nhìn qua ngài Pender.
"Thưa ngài, tôi thấy tội nghiệp cho Kelvin. Tôi liên tưởng đến trường hợp 'Lỡ mang tiếng xấu phải chịu cả đời'. Kelvin trước kia đã từng ngồi tù. Ngoài chuyện nhìn thấy dấu xe ngẫu nhiên thì không có lý do buộc tội lão chỉ trừ cái tội lỡ mang thành tích xấu".
"Còn ngài Henry có ý kiến gì không?"
Ngài Henry lắc đầu.
"Một chuyện đã rồi". Ông nhếch mép cười nói "Tôi biết một chi tiết. Nó rõ như ban ngày khỏi cần phải nói ra".
"Vậy thì tới lượt dì Jane, dì có ý kiến gì không?"
"Để tôi nghĩ lại coi". Bà Marple nói "Không hiểu tôi có nhớ nhầm không đây. Hai mũi lên ba mũi xuống, bỏ đi một, cứ thế hai mũi lên... Ờ, đúng rồi. Cháu vừa nói gì?"
"Dì cho biết ý kiến?"
"Nói ra cháu cũng bỏ ngoài tai. Lớp trẻ ngày nay vậy đó. Tôi xin miễn bàn".
"Vô lý, thưa dì Jane, dì cứ nói đi".
"Thế này, Raymond". Bà Marple lên tiếng, tay buông mũi đan nhìn qua người cháu trai. "Dì khuyên cháu nên khéo chọn bạn. Tính cháu cả tin, dễ mắc lừa. Tôi giả định mình trở thành một nhà văn giàu trí tưởng tượng. Câu chuyện kể đội thuyền buồm Tây Ban Nha hay thật! Nếu cháu già hơn, có kinh nghiệm đời hơn cháu sẽ biết nên cảnh giác. Ngay cả với người đàn ông mới biết cách đây mấy tuần!"
Ngài Henry bất chợt phá ra cười ầm lên, vỗ tay vô dùi.
"Lần này ta hiểu ý cậu, Raymond". Ông nói "Bà Marple khá lắm. Anh bạn Newman của cậu, hắn còn một cái tên khác... Phải nói là nhiều tên lắm. Lúc này hắn đang có mặt tại Devonshire chớ không phải Cornwall... Đúng hơn là đang ở tại Dartmoor... Hắn là phạm nhân ở nhà tù Princetown. Chúng ta không muốn tóm hắn vì can tội trộm vàng mà vì can tội khoét hầm chứa vàng nhà băng London. Chúng tôi biết hắn còn chôn giấu một khối lượng vàng đáng kể sau sân vườn nhà Pol. Một sáng kiến độc đáo. Câu chuyện chiến thuyền Tây Ban Nha bị đắm ngoài khơi duyên hải Cornwall chở theo vàng là chuyện thường ngày. Khi người ta nhắc tới bọn thợ lặn thì sẽ nghĩ tới chuyện vàng. Trong vụ này phải tìm ra được một kẻ chịu gánh tội, và kẻ đó không ai khác hơn là Kelvin. Trong vụ này phải nói Newman đóng kịch rất tài tình, về phần ông bạn Raymond ngoài ưu thế là một nhà văn, trong vai một nhân chứng thật hoàn hảo".
"Còn dấu xe thì sao?" Joyce lên tiếng chống chế.
"À, tôi hiểu ngay, cô em, dù tôi không rành về chuyện xe cộ", bà Marple nói "Xe thay bánh khi cần là chuyện bình thường... và chuyện tháo bánh xe bên xe của Kelvin đem ra ngoài theo lối cửa sau rồi ráp lại vô xe của Newman, xong cho xe chạy ra cửa trước thẳng ra biển chất lên đầy vàng, cho xe chạy quay trở ra cổng kia, tới đây dừng lại tháo bánh xe ra, ráp trở lại qua xe Kelvin, trong khi đó anh chàng Newman bị trói ké quăng xuống mương. Anh chàng xấu số phải chịu ngâm mình dưới nước một thời gian khá lâu. Tôi đoán chừng người đàn ông đóng vai lão làm vườn cũng tham gia thực hiện cái màn kịch này".
"Sao lại nói là 'đóng vai lão làm vườn' hở dì Janes?" Raymond thắc mắc.
"Ờ, lão đâu có phải là người làm vườn, phải vậy không?" Bà Marple nói: "Người làm vườn không làm việc trong ngày lễ Whit Monday. Chuyện đó ai cũng biết".
Bà nhếch mép cười, tay xếp cuộn len lại.
"Chính nhờ chi tiết nhỏ nhặt đó tôi mới nghĩ ra", bà nói đưa mắt nhìn qua Raymond. "Ngày nào cháu có nhà cửa đàng hoàng rồi, nhà có vườn, lúc dó cháu sẽ hiểu ra mấy cái việc nhỏ nhặt đó".
Vết máu trước hiên nhà
Có một chuyện lạ", Joyce Lemprière vừa lên tiếng, "tôi chưa muốn nói ra ngay. Chuyện này đã lâu... tính ra đã năm năm... cho mãi tới bây giờ tôi còn bị ám ảnh. Nhìn cảnh bên ngoài thấy tươi đẹp sáng sủa, còn bên trong thì u ám ghê sợ. Sự việc là bức tranh tôi vẽ ra ngày đó nhuốm một màu sắc buồn tẻ. Mới nhìn qua chỉ là bức phác họa con phố nhỏ leo dốc ở Cornwall ánh nắng ngập tràn. Nhìn lâu một hồi thì thấy nó toát ra một màu sắc ghê rợn. Tôi không bán cho ai và cũng chẳng dám ngắm. Tôi treo nó trong góc xưởng vẽ, mặt úp vô tường".
"Có một nơi gọi là Kathole, một làng đánh cá thưa thớt ở Cornwall, phong cảnh rất đẹp, phải nói là tuyệt đẹp. Mới nhìn qua có thể thấy nổi bật nhất là 'Quán trà thất Cornwall'. Nó có nhiều gian hàng, người phục vụ là mấy em tóc ngắn mặc áo choàng, tay đặt bút ghi các món khách chọn lên loại giấy da sáng rực. Trông đẹp mắt lạ lùng làm sao, các cô nàng luôn có vẻ e thẹn".
"Tôi không biết", Raymond West miệng càu nhàu nói "Chuyến xe đò thấy ghét, tôi nghĩ. Đường làng thì hẹp không có gì đáng nói, không có nơi nào yên ổn".
Joyce gật đầu.
"Đường vô làng Rathole hẹp lại leo dốc như hai bên hiên từng nhà. Tôi sẽ kể ra đây. Tôi ở lại Cornwall mười lăm ngày. Làng Rathole có một quán trọ cũ kỹ, Polharwith Arms. Ngôi nhà duy nhất còn đứng vững sau trận mưa pháo của quân Tây Ban Nha khoảng thế kỷ 15".
"Không phải do pháo kích", Raymond nhíu mày nói, "muốn kể phải nhớ lại lịch sử cho rõ, Joyce".
"Như thế này, giặc chuyển súng ống tới bắn phá vùng duyên hải, phá sập nhà cửa. Câu chuyện không dừng lại đó. Quán trọ là một nơi khung cảnh hữu tình, cổng trước xây lên bốn cột trụ vững vàng. Tôi tìm được nơi ưng ý, vừa lo chuẩn bị đem đồ nghề xuống thì nghe tiếng xe ô tô đang đổ dốc. Thế nào rồi xe phải đỗ lại trước quán... tôi nghĩ bụng rồi lúng túng. Từ bên trong bước ra một ông đi cùng với một bà. Tôi không nhìn rõ mặt họ. Người phụ nữ mặc áo màu hoa cà, đầu đội mũ màu hoa cà".
"Ngay tức thì người đàn ông lại trở ra, tôi mừng hết sức khi gã lái xe chạy ra bến tàu đậu ngoài đó. Gã đi bộ trở lại quán ngang qua chỗ tôi dứng. Cũng vừa lúc một chiếc ô tô quái dị từ đâu đó xịch lại, từ trên xe một người đàn bà bước xuống, khoác chiếc áo choàng vải bông màu đỏ thắm, trông lạ mắt. Thoáng nhìn trên đầu đội chiếc mũ rơm... tôi đoán họ là dân Cuba không chừng... cũng một màu đỏ thắm?"
Người đàn bà lái xe không dừng lại trước quán cho xe chạy thẳng rồi ghé qua quán khác. Nàng bước xuống cũng vừa lúc người đàn ông nhác thấy gọi tên nàng "Carol", gã vừa kêu, "em là hiện thân của những gì đẹp nhất. Không ngờ anh gặp lại em nơi vắng vẻ thế này bao nhiêu năm rồi nhỉ. Này, Margery - vợ anh, em biết mà. Em nhớ ghé chơi với vợ chồng anh".
"Hai người cùng đi tới quán trọ, người đàn bà lúc nãy trong quán bước ra đi về phía hai người. Người đàn bà tên Carol đi ngang qua chỗ tôi. Tôi kịp liếc mắt nhìn theo, thoáng thấy dưới cằm thoa một lớp phấn trắng mịn, môi đỏ chói, tôi mong nàng vui vẻ gặp cô ta. Tôi chưa nhìn rõ lắm Margery, nhưng nhìn xa xa cô ta ăn mặc luộm thuộm, dáng người đoan trang".
"Ôi, họ nói gì thì nói, đâu phải chuyện của tôi. Họ nói chuyện xì xào từ đàng xa, đứng đây tôi thoáng nghe thấy được vài câu. Họ vừa bàn chuyện đi tắm biển. Nghe tên người chồng dường như là Denis, muốn thuê một chiếc thuyền chèo dọc theo bờ biển, để ngắm hang động đẹp mắt, xa hơn đấy mấy cây số. Carol cũng thích nhưng nàng muốn đi men theo trên bãi đá đứng từ ngoài nhìn vô. Nàng không thích ngồi trên thuyền. Rồi họ thỏa thuận với nhau, Carol đi bộ dọc theo bãi đá hẹn gặp nhau tại cửa hang động, Denis và Margery ngồi trên thuyền, chèo một vòng tới đó".
"Nghe nhắc chuyện tắm biển tôi cũng muốn nhào xuống nước. Sáng hôm đó trời nóng, tôi không thể làm gì được. Hơn nữa chờ tới xế trưa khi nắng lên mới đẹp. Nghĩ là làm, tôi xếp đồ nghề, ra tới chỗ bãi hẹp nơi tôi đã tới một lần... hướng ngược chiều lại hang động, hãnh diện đã khám phá một nơi độc đáo. Sau khi tắm thoải mái tôi ăn uống qua loa với một lon thịt hộp và mấy quả cà, kịp về đến nơi trời xế trưa, trong người thấy khoan khoái và tự tin, tiếp tục cầm cọ vẽ".
"Mọi người trong nhà Rathole đi ngủ. Tôi ngồi ngắm nhìn ánh nắng buổi trưa, trong bóng râm khung cảnh thật kỳ ảo. Ngôi nhà Polharwith Arms là nguồn cảm hứng cho tôi sáng tạo. Tia nắng chiếu hắt nghiêng về một phía lan tỏa trên nền đất tạo hình một đường nét cực kỳ sinh động. Mấy người rủ nhau đi tắm biển về lại đông đủ, tôi nhìn thấy hai chiếc áo tắm màu đỏ và màu xanh đậm treo phơi trước ban công".
"Tôi khom người chỉnh lại một góc của bức tranh thấy chưa vừa ý. Lúc ngước đầu nhìn lên tôi thấy một khuôn măt lạ đứng tựa vô nhà Polharwith Arms nhìn có vẻ ma quái. Nhìn bề ngoài, một chàng thủy thủ nhưng tôi biết hắn là một ngư dân. Hắn để bộ râu xồm xoàm, nếu tôi tìm một hình mẫu về hình ảnh một thuyền trưởng ác ôn người Tây Ban Nha thì đây là một gương mặt ăn ý hơn hết. Chớp được thời cơ hiếm hoi tôi phác họa cho kịp, kẻo không gã dời bước đi thì hỏng, nhưng nếu nhìn cho kỹ tư thế gã đứng tựa lưng vô cột như muốn chôn chân lại đó".
"Hắn di chuyển định bước đi nhưng may mà tôi kịp ghi lại đầy đủ các chi tiết. Gã bước lại chỗ tôi đứng bắt chuyện".
"Làng Rathole", gã khơi mào, "một địa danh có nhiều cái hay".
"Chuyện đó tôi đã biết từ lâu nhưng tôi không nói ra để tránh mang tiếng tò mò, nhiều chuyện. Tôi biết hết, chuyện làng bị pháo kích... phải nói bị phá hủy hoàn toàn... và chuyện ông chủ nhà Polharwith Arms bị giết chết cuối cùng. Ông ta bị ngã xuống và bị đâm bởi chính thanh kiếm của viên đại úy người Tây Ban Nha, máu phun loang lổ ra vỉa hè, hàng trăm năm sau chưa rửa sạch".
"Dư âm của câu chuyện cũng u ám nặng nề như không khí buổi chiều hôm đó. Lời gã kể thao thao êm tai như muốn báo hiệu câu chuyện có hơi hám rùng rợn. Bộ điệu bên ngoài xun xoe nhưng tôi nghĩ trong bụng gã độc địa. Nhờ đó mà tôi hiểu được tường tận chuyện tòa án pháp đình thời Trung cổ và những trò đàn áp dã man của người Tây Ban Nha so với những gì tôi được nghe kể trước kia".
"Tai nghe kể chuyện mắt tôi vẫn chăm chú phác họa nhưng vì mải để tai nghe lúc nhìn lại nét vẽ không phải từ trong trí tôi. Một mảng đất trống trên vỉa hè nơi nắng chiều chiếu hắt xuống trước thềm nhà Polharwith Arms được vẽ với những tông màu máu, không hiểu vì sao tâm trí tôi muốn đánh lừa bàn tay và khi nhìn lại toàn cảnh quán trọ, người tôi choáng váng. Bàn tay tôi đã tái hiện những gì chính mắt tôi nhìn thấy... những vệt máu loang lổ trước thềm nhà lát đá trắng?"
"Tôi đứng lặng nhìn một hồi, hai mắt nhắm nghiền miệng lẩm bẩm, 'Đừng có nghĩ vớ vẩn, nhìn cho rõ có thấy gì đâu', mở mắt ra nhìn lại, những vệt máu còn nguyên".
"Hai chân đứng muốn khuỵu xuống, tôi ngắt ngang câu chuyện giữa chừng".
"Nhờ anh nhìn cho", tôi nói, "mắt tôi đang hoa lên. Có phải chỗ đằng kia còn nguyên những vệt máu".
"Gã nhìn tôi với ánh mắt chia sẻ".
"Làm gì có chuyện máu me thời này, thưa bà, Câu chuyện tôi vừa kể cách nay chừng năm trăm năm".
"Ờ", tôi nói, "nhưng nay tôi thấy còn in dấu trước thềm nhà..." Cổ họng tôi nuốt nghẹn lại. Tôi biết... tôi biết gã không thấy cái tôi đã nhìn. Tôi ngồi dậy lo thu xếp đồ nghề, hai tay run lẩy bẩy. Bất chợt tôi trông thấy anh chàng ngồi trên xe sáng hôm nọ từ trong quán bước ra. Anh ta đang lóng ngóng nhìn khắp tứ phía. Trên ban công vợ anh ta cũng lo gom mấy chiếc áo treo trên dây. Anh ta bước lại chỗ xe đậu nhưng nghĩ sao quay ngoắt lại, băng qua đường tới trước mặt anh chàng ngư dân.
"Tôi muốn hỏi anh một việc", anh ta nói "Anh có để ý người đàn bà từ trên chiếc xe đàng sau kia đã thấy trở ra chưa?"
"Người đàn bà mặc áo bông chứ gì? Dạ chưa, tôi chưa thấy cô ấy. Sáng nay tôi còn nhìn thấy cô ấy đang đi dạo ngoài bãi đá, chỗ hang động".
"Tôi biết, tôi biết. Tôi cũng ra đó tắm chung, cô ấy trở về nhà một mình rồi tìm không thấy đâu. Chẳng lẽ cô ta bỏ đi suốt. Quanh bãi đá không có chỗ nào gập gềnh hiểm trở, phải thế không?"
"Tùy chỗ, thưa ông, ông muốn tới chỗ nào. Nên nhờ một người địa phương ở đây hay hơn".
"Gã biết sao nói vậy, tôi thấy gã muốn nói chuyện nhưng anh chàng kia không thèm nói một lời, bỏ chạy đi về phía quán trọ, gọi vợ đứng trên ban công".
"Này, Margery, chưa thấy Carol về nhà, quái lạ thế nhỉ?"
"Không nghe thấy Margery nói gì, người chồng nhắc lại. 'Thôi, không chờ được nữa, ta còn phải đi qua Penrithar. Em đã xong hết chưa? Đợi anh quay xe lại'."
Nghĩ lại mấy chuyện vừa qua tôi buồn cười làm sao. Nhìn chiếc ô tô mất hút tôi trở lại quán trọ nhìn xuống trước thềm nhà một lần nữa, căng mắt nhìn cho rõ. Mà thật có nhìn thấy máu me gì đâu, không, chẳng qua do trí tưởng tượng của tôi nó méo mó lệch lạc, do câu chuyện thêm thắt thêm phần rùng rợn... Vừa lúc đó tai tôi nghe tiếng anh chàng ngư dân nói:
"Bà tưởng là dấu máu chỗ này, hả, thưa bà?" Gã soi mói nhìn tôi.
Tôi gật đầu.
"Lạ, chuyện lạ. Ở làng này người ta còn mê tín lắm. Nếu ai nhìn thấy máu..." Gã lặng thinh.
"Thì sao?" Tôi hỏi.
Gã dịu giọng lại, nói tiếng dân quê Cornwall nghe xuôi tai như một người được học hành đàng hoàng, không chút ngượng nghịu.
"Người dân cho là, thưa bà, nếu ai nhìn thấy máu hai mươi bốn giờ sau sẽ tìm thấy người chết".
Sởn óc! Tôi cảm thấy lạnh toát cả người.
Gã lại kể thao thao: "Bên trong nhà thờ còn bày bài vị của người chết..."
"Thôi không dám". Tôi nói nhất quyết, lặng lẽ bỏ đi, trở về nơi nhà trọ. Về tới nơi tôi nhìn từ đằng xa thấy bóng dáng Carol đang bước đi, ngoài bãi đá. Nàng bước đi vội vã. Bóng nàng in trên nền đá xám xịt như một loài hoa dại màu tím thẫm. Chiếc mũ nàng đội trên đầu đỏ như một màu máu...
"Tôi rùng mình. Đầu tôi đang chứa đầy những hình ảnh về máu".
"Một chặp sau nghe thấy tiếng xe ô tô tiến lại gần, không hiểu nàng có muốn đi qua Penrithar như tôi; nhìn chiếc xe quay ngược đầu trở lại về phía trái. Xe leo lên dốc đồi chạy mất hút, tôi mới thở ra một hơi nhẹ cả người. Làng Rathole trở lại với cái vẻ thanh tịnh như thuở nào".
"Nếu chỉ có vậy", Raymond West nói lúc cô Joyce vừa dứt câu chuyện. "Tôi phán đoán ngay. Người cô bị chứng khó tiêu, sau bữa ăn nhìn mọi thứ thấy hoa cả mắt".
"Chưa hết đâu", Joyce nói "Phải nghe cho tới phần cuối. Hai bữa sau báo đăng tin 'Án mạng ngoài bãi tắm'. Nội dung tin nói về bà Dacre vợ ngài Đại úy Denis Dacre bị chết đuối gần vũng Landeer Cove cách bờ không bao xa. Trước đó hai vợ chồng thuê khách sạn ở lại, muốn đi tắm biển bỗng trời nổi gió. Đại úy Dacre thấy trời trở lạnh rủ thêm mấy người bạn đi chơi sân golf gần bên. Tuy nhiên do bà Dacre không thấy lạnh, nên bà đi một mình ra biển. Mãi không thấy vợ về ông hoảng hốt cùng mấy người bạn chạy ra biển. Đến nơi thấy quần áo bà còn để lại bên một tảng đá, nhưng tìm mãi không thấy người đâu. Gần một tuần trôi qua bỗng một hôm theo cơn sóng xô, xác bà giạt vô bờ, được tìm thấy cách một đoạn khá xa bờ biển. Một vết thương lớn do va đập trên phần đầu có lẽ là bị chấn thương trước khi bà chết. Có thể suy đoán lúc đó bà nhảy xuống nước đập đầu vô đá ngầm. Theo tôi thì bà chết khoảng hai mươi bốn giờ sau khi tôi nhìn thấy vệt máu trước thềm nhà".
"Tòi thấy phi lý". Ngài Henry phản đối. "Cách đặt vấn đề không đúng, có thể nói đây là một câu chuyện ma quái. Cô Lemprière là một người đồng bóng ảo tưởng".
Ông luật sư lại húng hắng ho.
"Tôi thấy một điểm lạ..." Ông nói "Chỗ vết thương trên phần đầu. Theo tôi thì ta không thể không tính tới chuyện có kẻ muốn ám hại bà. Nói gì thì nói ta phải nắm vững bằng chứng. Ta phải tính đến chuyện cô Lemprière mắc chứng ảo giác".
"Chứng ăn khó tiêu kết hợp với sự ngẫu nhiên", Raymond nói "Liệu ngài dám chắc họ là cùng một nhóm người. Hơn nữa, chuyện nguyền rủa hay gì đó chỉ riêng những người dân làng Rathole mới biết mà thôi".
"Theo tôi thì..." Ngài Henry lên tiếng. "Chính anh chàng ngư dân kỳ dị kia có dính dáng vô vụ này. Theo như lý lẽ ông luật sư Petherick đưa ra tôi đồng ý cô Lemprière đã hé mở cho ta thấy một vài manh mối".
Joyce quay qua nhìn thấy ngài mục sư Pender nhếch mép cười, lắc đầu.
"Nghe thì hay thật", ông nói, "tôi thì không đồng ý với ngài Henry cũng như ông luật sư Petherick, là ta đã thấy được một vài manh mối".
Tức thì Joyce lén nhìn qua, bà Marple đưa mắt nhìn theo cười.
"Tôi thì cho là Joyce nghĩ chưa đúng", bà nói, "tất nhiên là tôi có ý kiến khác hơn. Tôi muốn nhắc lại, ở chỗ phụ nữ với nhau nên tôi đồng ý một chi tiết bộ quần áo nạn nhân còn để lại. Còn đàn ông chuyện này khỏi phải bàn. Thay quần áo thì nhanh thôi. Thật là người đàn bà xấu xa! Còn ông chồng thì thật ác độc".
Joyce quắc mắt nhìn.
"Kìa dì Jane", nàng nói, "Xin lỗi bà Marple, tôi nghĩ là... là bà đã biết đâu là sự thật".
"Thế này, cô em", bà Marple nói, "tôi có thể ngồi yên không nói còn dễ hơn cô em đây - là một nghệ sĩ cô em rất nhạy cảm trước tình thế, phải không? Tôi ngồi một chỗ đan áo mà biết được hết manh mối. Những vệt máu trước thềm nhà nhỏ từng giọt xuống là từ chiếc áo tắm phơi trên ban công của chiếc áo tắm màu đỏ, bọn tội phạm không nghĩ ra đó là dấu máu. Tội nghiệp, đáng thương thay!"
"Xin lỗi bà Marple", ngài Henry nói, "như các bạn thấy, tôi hoàn toàn mù tịt việc này. Hai người biết chuyện nói với nhau, cánh đàn ông chúng tôi hoàn toàn không hay biết".
"Tôi sẽ kể hết đoạn cuối cho ông nghe", Joyce nói "Sau đó một năm, lúc đó tôi cũng đang có mặt tại khu nghỉ mát ở biển đông vẽ tranh, bất chợt một cảm giác kỳ lạ như từ đâu hiện về. Trước mắt tôi là hình ảnh một người đàn ông và một người đàn bà đứng chào một người thứ ba là một bà mặc chiếc áo bông màu đỏ thẫm. 'Carol, thật là kỳ diệu! Sau bao nhiêu năm bỗng lại được gặp em. Em biết vợ anh chứ? Joan, đây là cô Harding bạn cũ của anh'."
"Tôi nhìn ra người đàn ông, chính là Denis ngày nào tôi đã gặp ở làng Rathole. Người vợ nay đã khác xưa - tức là, Joan chứ không phải Margery, cũng dáng người trẻ trung lịch thiệp, ăn mặc có phần luộm thuộm, rụt rè. Thoáng chốc tôi cảm thấy như mình đang hóa rồ. Nghe họ kể chuyện tắm biển. Tôi sẽ kể lại lúc đó tôi định làm gì. Tôi đi tới ngay bót cảnh sát... đến nơi chắc mọi người cho là tôi điên, cũng chẳng sao. Nhưng rồi mọi việc đâu vào đó. Một thám tử Scotland Yard có mặt tại chỗ đã nghe báo cáo sự việc như vừa kể. Được biết là - chà khiếp thật, tôi phải nhắc lại đây - cảnh sát nghi cho Denis Dacre. Tên thật ông ta không phải vậy... đi tới đâu ông thay tên đổi họ tới đó. Ông quen biết nhiều em đẹp, mấy em kín đáo rụt rè không bạn bè thân thích, ông lấy làm vợ, chu cấp tiền bạc, ổn định cuộc sống và một bữa nọ... chao ôi, khiếp thật! Người đàn bà tên Carol là vợ chính thức của ông ta cùng nhau lập mưu như những lần trước. Do đó hắn mới bị tóm. Hãng bảo hiểm lúc bấy giờ mới té ngửa. Gã thường lui tới chỗ bãi tắm vắng vẻ với cô vợ mới cưới, chờ thêm một người mới tới cùng rủ nhau đi tắm. Cô vợ mới cưới sẽ bị giết chết, Carol chỉ việc lấy quần áo nạn nhân mặc vô người leo lên thuyền cùng đi theo với gã. Xong rồi họ bỏ đi, tấp vô nơi nào chẳng được sau khi giả vờ hỏi thăm Carol, đến khi đi xa làng, lúc đó Carol thật vội vã cởi bỏ bộ áo của nạn nhân khoác lên người chiếc áo bông màu sặc sỡ, trang điểm phấn son lòe loẹt như xưa quay trở lại bãi xe leo lên xe lái đi. Cứ thế hai vợ chồng đoán biết từng con nước ai sẽ là nạn nhân kế tiếp ngoài bãi tắm quanh đó. Carol vẫn đóng vai người vợ mon men ra chỗ bãi tắm vắng vẻ quăng bộ áo tắm của nạn nhân trên bờ đá, thay lại bộ áo bông lặng lẽ ngồi chờ người chồng đến rủ nhau đi".
"Có thể sau khi giết Margery máu cô ta phun bắn vô người Carol đọng lại trên chiếc áo tắm cùng một màu đỏ thắm, không phân biệt đâu là máu như lời bà Marple nhận xét. Chiếc áo tắm giặt đem phơi trên ban công trước nhểu giọt xuống. Gớm!" Nàng rùng mình. "Tôi có cảm giác vệt máu còn nguyên đó".
"Chớ còn gì nữa", ngài Henry nói, "tôi nhớ rõ mà. Anh chàng tên thật Davis. Tôi quên bẵng đi hắn còn nhiều bí danh khác như là Dacre chẳng hạn. Hai vợ chồng đóng cặp thật là xứng đôi, gian manh, tráo trở. Tôi lấy làm lạ không ai có thể nhận ra chuyện thay tên đổi họ của chúng. Giả sử theo như lời nhận xét của bà Marple, quần áo dễ nhận ra hơn là nhìn mặt mũi, nhưng bọn này thật lắm mưu chước, nếu ta nghi cho Davis thì khó mà buộc tội được, bởi hắn thường sắm vai một nghi can có tài biến hóa xuất quỷ nhập thần".
"Dì Janes", Raymond nói, mắt nhìn soi mói. "sao dì lại cho là vậy? Dì ngồi một chỗ ở nhà chẳng có việc gì làm cho dì ngạc nhiên cả".
"Dì cho là mọi thứ trên đời này chẳng có khác gì nhau", bà Marple nói "Cậu biết đấy, chuyện bà Green chôn sống năm đứa trẻ... đứa nào cũng được bảo hiểm nhân mạng. Đấy, đến lúc đó người ta mới sinh nghi". Bà lắc đầu.
"Ở làng quê còn lắm chuyện gian ác. Tôi nghĩ là các cô cậu còn non trẻ chớ nên nghĩ là thế gian này nhìn đâu cũng thấy kẻ ác".
Duyên cớ và thời cơ
Ông luật sư Petherick đằng hắng lấy giọng ra vẻ nghiêm trang hơn mọi khi.
"Tôi e là câu chuyện sắp kể ra đây dễ khiến cho các bạn nhàm chán", ông mở đầu bằng một câu phân bua, "sau khi được nghe kể những câu chuyện éo le. Chuyện tôi sắp kể không có máu me, toàn bộ câu chuyện hấp dẫn ở chỗ tình tiết lý thú và mưu trí, nó hay ở chỗ tôi là nhân chứng có thể đưa ra lời giải đáp cho hồi kết".
"Bởi vì không phù hợp luật lệ, phải vậy không?" Joyce Lemprière hỏi lại. "Tức là nhiều việc dính dáng tới luật pháp và nhiều vụ như Barnaby kiện lại Skinner xảy ra hồi năm 1881 hoặc những vụ tương tự".
Ông Petherick nhếch mép cười đắc ý, ẩn dưới cặp kính.
"Không, không đâu cô em. Cô chớ lo chuyện đó. Câu chuyện tôi sắp kể ra đơn giản, ai nghe qua cũng có thể hiểu được".
"Ta không nên chơi chữ ở đây". Bà Marple lên tiếng tay giơ que đan ra dấu.
"Làm gì có chuyện đó". Ông Petherick nói.
"Chà, tôi có biết đâu, thôi anh kể đi".
"Chuyện về một khách hàng của tôi trước đây. Tên ông ta là Clode - Simon Clode. Một thân chủ thuộc hạng khá giả giàu có, nhà cửa rộng rãi, cách đây không bao xa. Ông có một người con trai đã chết trong chiến tranh để lại một đứa cháu gái - mẹ nó mới sinh con ra thì chết. Đến khi người cha chết, đứa trẻ về ở nhà ông nội, được ông nội nhất mực nuông chiều. Con bé Chris muốn gì, ông cho nấy. Hiếm có một người ông nào thương yêu đùm bọc đứa cháu được vậy. Bất hạnh thay đến lúc được mười một tuổi nó chết vì bị sưng phổi. Nỗi đau dồn dập".
"Simon Clode đau đớn vô cùng. Mới vừa đây người em trai ông chết trong một hoàn cảnh ngặt nghèo, Simon Clode là người rộng lượng, chu cấp nơi ăn ở cho mấy đứa con của người em trai - hai cô gái là Grace, Mary, và George. Dù ông rộng rãi và đối xử tử tế với những đứa cháu, nhưng không thể đem so với tình thương và tấm lòng hy sinh tận tụy dành cho đứa cháu nội. ông giới thiệu cho George Clode làm nhân viên ngân hàng ở gần nhà. Grace Clode lấy chồng là Philip Garrod một dược sĩ trẻ tuổi. Chỉ còn Mary, một đứa cháu trầm lặng, ít giao du với ai, quanh quẩn trong nhà, chăm sóc người bác. Tôi biết con bé thầm lặng nhưng biết lo cho ông. Nhìn bề ngoài mọi việc êm đẹp. Chuyện tôi kể ra đây sau cái chết của đứa cháu nội. Simon Clode đến gặp tôi muốn lập tờ di chúc. Trong chúc thư món tài sản khá lớn được chia đều cho ba đứa cháu".
"Thời gian trôi qua. Một bữa gặp lại George Clode tôi hỏi thăm lâu nay không thấy ông Simon. Nhìn George mặt mũi biến sắc, tôi kinh ngạc vô cùng".
"Mong ông thông cảm giùm bác Simon". Gã nói buồn bã, giọng vẫn còn bối rối, lo âu. "Do nạn mê tín thần thánh mới ra nông nỗi như thế".
"Chuyện thần thánh thế nào?" Tôi hỏi, chưa rõ ất giáp chuyện gì.
"George kể cho tôi nghe đầu đuôi mọi chuyện. Vì sao ông Clode lao vô chuyện mê tín và đến lúc không còn lối ra ông gặp một bà làm nghề đồng bóng tên Eurydice spragg. Nhìn bà ta George biết ngay một kẻ bịp bợm, nhưng bà ta nói gì Simon Clode nghe nấy. Bà ở luôn trong nhà, thường đứng ra gọi hồn cho cháu bé Christobel hiện về gặp lại người ông vô cùng thân thương".
"Có thể nói tôi chúa ghét bọn mê tín thần thánh họ thật là buồn cười, đáng khinh bỉ. Như tôi đã nói trước, tôi chỉ tin những gì tai nghe mắt thấy. Xét một cách vô tư và cân nhắc lý lẽ, chuyện mê tín thần thánh thì không thể gọi là chuyện lừa bịp hay có thể xem thường. Tuy nhiên như đã nói tôi không tin, cũng không bài bác. Cũng có một vài bằng chứng mà ta không thể viện lý lẽ bác bỏ".
"Mặt khác tệ sùng bái chiêu hồn thần thánh thường đi đôi với trò bịp bợm lừa đảo. Dựa theo lời kể của anh chàng George Clode về người đàn bà Eurydice Spragg, tôi mới ngộ ra chính vì Simon Clode mất cảnh giác nên mụ đàn bà Spragg kia giở trò bịp bựm lừa đảo. Ông bạn già dù có thông minh, tài cán đến đâu cũng dễ bị mắc lừa vì hết lòng thương nhớ đứa cháu đã mất".
"Nhắc lại chuyện cũ tôi thấy trong người thương xót. Vì tình thương dành cho ông Clode, Mary và George tôi nhận ra bà Spragg đã chi phối được ông bác. Rồi sau này mới thấy lắm chuyện rắc rối".
"Tranh thủ thời gian tôi đến thăm Simon Clode. Đến nơi bà Spragg giả vờ đón tiếp tôi như một vị khách quý. Thoáng nhìn tôi có ác cảm người đàn bà này thậm tệ. Người bà mập ú, tuổi trạc trung niên, ăn mặc lòe loẹt. Bà tuôn ra một hơi những câu sáo ngữ: 'Người thân không ai ngó ngàng tới' và những lời đại loại như vừa kể".
"Chồng bà ta cũng có mặt tại đấy, Absalom Spragg, thân hình gầy nhom, mặt buồn hiu, mắt nhìn lấm la lấm lét. Tôi gặp lại Simon Clode, thấy tinh thần ông ta còn minh mẫn. Ông hớn hở ra mặt. Eurydice Spragg thật là tuyệt vời! Bà tới đây là để cầu nguyện cho ông. Chuyện tiền nong không thành vấn đề, được làm việc thiện là niềm vui. Bà thương con bé Chris với tấm lòng của một người mẹ. Còn ông thì thương cháu như con gái. Ông kể hết cho tôi nghe... ông nghe được tiếng nói của Chris... con bé cảm thấy sung sướng được gần gũi cha mẹ. Ông lại kể con bé nói chuyện này nọ, tôi nhớ lại con bé Christobel có bao giờ nói được vậy. Nó còn nói: 'Bố mẹ cũng thương yêu bà Spragg'."
Nhưng dĩ nhiên ông không tin, ông ta kêu lên: "Ông là người hay nhạo báng, ông Petherick".
"Không, tôi có bông đùa bao giờ. Không khi nào. Đã có vài người viết về đề tài này dẫn ra bằng chứng nghe chấp nhận được, lúc đó tôi mới hiểu là người làm nghề đồng bóng được họ giới thiệu với tất cả lòng kính trọng và tín cẩn. Tôi nghĩ bà Spragg cũng tốt đấy chứ".
"Simon trúng phải bùa mê bà Spragg. Bà là người cõi trên sai xuống đây. Ông gặp được bà ở nơi nghỉ mát mùa hè vừa qua. Một cuộc gặp gỡ tình cờ và ông cảm thấy được mãn nguyện".
"Tôi chán nản bỏ đi. Bây giờ mới thấy sợ nhưng chưa biết xử trí ra sao. Sau nhiều lần nghĩ đi nghĩ lại cuối cùng tôi viết thư gửi Philip Garrod, anh chàng mới cưới vợ - là cô cháu gái tên Grace. Tôi đặt vấn đề ngay, tất nhiên tôi phải biết lựa lời nói cho khéo. Tôi kể lại trường hợp bà nọ đã chi phối được ông, nên phải coi chừng. Tôi cảnh giác việc ông Clode sẽ sa vô bẫy của bọn buôn thần bán thánh. Việc này tôi thấy không khó khăn gì mấy đối với Philip Garrod".
"Garrod muốn nhanh chóng giải quyết ngay. Anh ta cho là, sức khỏe Simon Clode tới hồi suy sụp, và với cách suy nghĩ thực tế anh ta thấy không nên báo cho vợ anh ta cùng như mấy anh chị em biết, vì lo mất hết quyền thừa hưởng tài sản. Qua tuần sau rủ thêm người bạn, một ông giáo sư có tiếng tăm, Longman, về nhà. Ông là một nhà khoa học uy tín, hiểu biết sâu sắc về thuật duy tâm, rất được kính nể; không những là một nhà khoa học sáng chói, ông còn được kính trọng vì tính thẳng thắn, trung thực".
"Khi giáo sư đến nhà, ông Simon không có ở nhà. Khi về, giáo sư gửi cho Garrod một bức thư nói rằng ông không tìm được bằng chứng về sự gian dối của bà Spragg nhưng cũng không nên tin vào khả năng siêu phàm của một người nào đó".
"Philip Garrođ đưa bức thư ra cho ông bác coi, thực tế không như anh ta mong đợi. Ông bác nổi giận đùng dùng. Rõ ràng đây là chuyện nói xấu bà Spragg, là một vị nữ thánh, rằng Longman đáng nguyền rủa! Trước đó bà đã đoán cho ông hay là ông sẽ bị người ta gièm pha. Ông nói chính Longman bị ép buộc phải nói dối. Ông không phải là nạn nhân bị lừa gạt. Eurydice Spragg đến với ông như một vị cứu tinh, giúp đỡ tận tình, và ông có ý định tán thành việc làm của bà cho dù người nhà phản đối kịch liệt. Đối với ông, bà mới thật sự là một người tốt chân chính".
"Philip Garrod bỏ đi ra không cần chào hỏi. Sau cơn giận dữ, sức khỏe của Clode suy sụp thấy rõ. ông nằm liệt giường suốt cả tháng, không chừng ông sẽ trở thành một kẻ tàn phế, chỉ nằm một chỗ chờ chết mà thôi. Qua hai bữa sau Philip bỏ đi, tôi nhận được lời gọi khẩn cấp nên vội vã ra đi. Đến nơi thấy Clode nằm trên giường nhìn tôi với cái nhìn bệnh hoạn. Ông đang cần được tiếp thêm hơi thở".
"Tôi sắp giã từ cõi đời", ông nói "Tôi biết điều đó. Đừng nên trách tôi, Petherick. Trước lúc ra đi tôi muốn giữ trọn lời hứa với một người đã giúp đỡ tôi nhiều hơn tất cả những ai trên đời này. Tôi muốn làm một tờ di chúc mới".
"Được chứ", tôi nói, "ông cần dặn dò thêm gì nữa không. Tôi làm ngay bản di chúc cho ông".
"Không cần đâu", ông nói "Tôi nghĩ, chắc tôi không qua khỏi đêm nay. Tôi đã viết lại những gì tôi muốn", tay ông lần mò dưới gối, "ông nên góp ý cho tôi coi có được không".
"Ông lôi ra một trang giấy viết nghệch ngoạc nét chữ bút chì, đơn giản một mạc. Ông chia phần gia tài ra cho mỗi đứa cháu 5.000 bảng Anh, còn lại dành hết cho bà Eurydice Spragg 'để tưởng nhớ công ơn với tấm lòng ngưỡng mộ'".
"Tôi không thích nhưng phải chịu. Không có chuyện trí óc không được minh mẫn, thật ra trí óc ông còn sáng suốt như mọi người".
"Ông nhấn chuông gọi mấy người giúp việc, thoáng cái họ chạy tới ngay. Bà giúp việc Emma Gaunt người cao lớn, tuổi trung niên, phục vụ lâu năm, chăm sóc ông Clode tận tình. Kế đến là cô nấu ăn còn khỏe mạnh, tuổi độ ba mươi. Simon Clode nhìn hai người dưới đôi chân mày rậm".
"Tôi muốn bà làm chứng cho tờ di chúc. Emma, đưa cây viết cho tôi".
"Emma bước tới bên bàn giấy".
"Không phải chỗ ngăn kéo bên trái", Simon kêu lên. "Bà không biết nó nằm ngăn bên phải sao?".
"Dạ không nó nằm đây". Emma nói rồi lôi ra cây viết.
"Vậy là hôm trước bà cất nhầm vô đó" lão càu nhàu "Tôi không muốn đồ đạc để lộn xộn".
"Miệng càu nhàu ông giơ tay đỡ lấy cây viết, tự tay thảo ra nội dung mà ông đã nhờ tôi chỉnh sửa lại qua trang giấy khác, xong ký tên. Ông gọi Emma Gaunt và cô nấu ăn Lucy David cùng ký tên vô. Tôi xếp tờ di chúc bỏ vô chiếc phong bì lớn màu xanh. Theo thủ tục cần phải viết ra trên loại giấy thường".
"Hai người giúp việc vừa định bước ra ngoài, Clode ngả người ra giường miệng ngáp một hơi, mặt mũi nhăn rúm. Tôi chịu khó nghiêng người xuống đỡ ông, vừa lúc đó Emma Gaunt vội quay trở lại. Nhưng ông còn tỉnh, miệng cười gượng:
'Không sao, Petherick, ông đừng lo. Dù có chết tôi cũng chết một cách lặng lẽ vì thỏa mãn được ý nguyện'."
"Emma Gaunt nhìn tôi chòng chọc như muốn hỏi bà có nên ra về lúc này. Nhác thấy tôi gật đầu bà bước đi ra... không quên cúi nhặt chiếc phong bì màu xanh tôi lỡ tay làm rớt xuống sàn trong lúc bận rộn. Bà trả lại, tôi đút vô túi, trước khi ra về".
"Tôi thấy ông ưu phiền, Petherick". Simon Clode nói "Ông cũng có thành kiến như mọi người khác".
"Chẳng có gì là thành kiến", tôi nói, "Bà Spragg xứng đáng được như thế. Tôi thấy không có gì trở ngại nếu ông muốn để lại cho bà ấy một món tài sản gọi là ghi nhớ công ơn. Thật tình tôi muốn nói với ông, ông Clode, quên tình máu mủ ruột thịt, ông tước quyền thừa kế để dành cho người ngoài là một việc làm sai trái".
"Nói xong tôi bỏ đi. Tôi đã làm xong nhiệm vụ nói lên tiếng nói phản bác".
"Mary Clode vừa bước ra phòng khách nhìn thấy tôi bên ngoài nhà trước!"
"Mời ông ở lại uống trà rồi hẳn đi, được chứ?" Nói xong nàng mời tôi bước vô.
"Bên trong căn phòng có lò sưởi, ánh lửa bập bùng thật ấm cúng, vui tươi. Tôi đang cởi áo choàng nhìn thấy George cậu em trai nàng bước vô. Gã đỡ lấy chiếc áo pa-đờ-xuy từ tay nàng vắt lên thành ghế nơi cuối phòng, bước lại chỗ lò sưởi cùng ngồi uống trà. Đến lúc này câu chuyện nhà đất được mang ra bàn. Simon Clode không muốn bàn việc này, để George quyết định. Thấy có vẻ căng thẳng, tôi đề nghị sau giờ uống trà bàn tiếp. Tôi cho kiểm tra lại giấy tờ, lúc này có cả Mary Clode tham gia".
"Khoảng mười lăm phút sau, tôi chuẩn bị ra về, sực nhớ chiếc áo pa-đơ-xuy bỏ quên nên quay lại phòng khách tìm. Nhìn vô trong chỉ còn mỗi bà Spragg quỳ xuống bên chiếc ghế, nơi chiếc áo choàng vắt ngang. Bà đang chăm chú nhìn lớp vải bọc nệm, nên chẳng để ý. Thoáng thấy tôi bước vô, bà đứng ngay dậy lúng túng".
"Lớp vải bọc nệm không ngay ngắn", bà càu nhàu. "Thật mệt! Lúc nào tôi cũng phải tự tay sửa lại".
"Tôi cầm lấy chiếc áo choàng, mặc vô. Vừa khoác lên tôi thấy chiếc phong bì đựng tờ di chúc trong túi rơi ra, nằm trên sàn. Tôi cúi nhặt, cất vô túi, chào một tiếng rồi bước ra ngoài".
"Về tới văn phòng, tôi sẽ kể cho các bạn tỉ mỉ hơn chuyện này. Cởi áo choàng, tôi lấy bản di chúc trong túi ra. Tôi đứng bên chiếc bàn cầm trên tay tờ di chúc, chợt nhìn thấy người thư ký bước vô. Có khách cần gặp qua điện thoại, tôi bước trở ra phòng bên ngoài nói chuyện năm phút vì đường dây nội bộ hỏng".
Vừa trở ra nhìn thấy người thư ký đang chờ.
"Ông Spragg cần gặp ông. Tôi đã mời ông vô văn phòng"
"Tôi bước vô thấy ông Spragg đang ngồi bên bàn. Ông đứng dậy chào, điệu bộ có vẻ săn đón quá mức, rồi ông nói thao thao bất tuyệt. Tóm lại, chỉ một việc ông cảm thấy khó ăn nói về phần ông và bà vợ ông ngại dư luận, thiên hạ nói vô nói ra, này nọ. Vợ ông từ thuở bé đến giờ không làm việc gì mờ ám, vụng trộm... Tôi muốn nói ra nhưng sợ làm ông phật lòng. Thế rồi nghĩ lại ông ấy đến đây nhưng tôi chẳng giúp được gì, ông bỏ ngang giữa chừng ra về. Sực nhớ tờ di chúc để trên bàn, tôi với lấy, niêm kín và viết mấy chữ ngoài bì, cất vô tủ sắt".
"Tôi sẽ kể tới đoạn quan trọng nhất. Hai tháng sau được tin ông Simon Clode chết. Tôi không muốn kể dài dòng, chỉ nêu ra đây một sự thật quá phũ phàng. Mở chiếc phong bì ra nhìn lại chỉ thấy một mảnh giấy trắng".
Ông dừng lại, nhìn quanh, mọi người ngơ ngác. Chợt ông nhếch mép cười thích thú.
"Các bạn sẽ chấp nhận điều đó chứ? Hai tháng chiếc phong bì nằm im trong tủ sắt. Làm gì có chuyện tráo trở. Không thể, thời gian hai tháng thật ngắn ngủi, tính từ lúc tờ di chúc được ký kết xong, đem cất vô tủ sắt. Vậy ai len lỏi vô đây, và nhân danh vì lợi ích nào?"
"Tôi sẽ tóm tắt lại mấy điểm chính. Bản di chúc ông Clode ký tên, tôi bỏ vô phong bì... trước sau y nguyên vậy. Lúc đi ra tôi cất vô túi chiếc áo pa-đơ-xuy. Chính tay Mary đỡ lấy chiếc áo rồi đưa qua cho George, gã còn nhìn thấy tôi ngay từ lúc đó. Lúc tôi còn ở trong phòng, bà Eurydice Spragg có thừa thời gian móc túi lấy chiếc phong bì trong túi áo ra coi và lúc tôi vào nhìn thấy chiếc phong bì rơi dưới sàn nhà chớ không nằm trong túi áo, rõ ràng bà móc túi lấy ra chớ còn ai nữa. Nhưng có một điểm lạ: là thừa cơ lẻn vô tráo mảnh giấy trắng nhưng mà không rõ nguyên do vì đâu. Bản di chúc có chia phần cho bà, nếu tráo vô mảnh giấy trắng coi như bà khước từ quyền lợi lâu nay bà trông đợi hay sao. Tương tự, ông Spragg cùng như thế, thời cơ mở ra trước mắt lúc ông ở một mình ở trong phòng, bên cạnh đống hồ sơ. Lần này chính ông đã bỏ lỡ thời cơ để đánh tráo. Ta đang đứng trước một việc khó xử: cả hai người có thừa thời cơ tráo giấy tờ nhưng không biết rõ động cơ nào khiến họ phải vậy, và khi cả hai có đủ lý do hành động nhưng lại bỏ lỡ mất cơ hội. Nói gì thì nói tôi thấy không loại trừ nghi can là bà giúp việc Emma Gaunt. Bà phục vụ tận tình với gia đình ông chủ và căm ghét nhà Spragg. Theo tôi nghĩ bà có đủ lý do nếu bà muốn tráo bản di chúc. Và cho dù bà có thật tình nhặt chiếc phong bì đưa lại cho tôi, cũng không đủ thời gian để đánh tráo tờ di chúc hay sử dụng thủ thuật để làm việc đó (chắc chắn là không thể được) bởi chiếc phong bì do chính tay tôi đưa vô nhà, làm sao có một bản thứ hai nào nữa?"
Ông nhìn quanh một vòng nhếch mép cười.
"Nào, tới đây tôi còn một điểm nữa cần nêu lên. Tôi thích được biết ý kiến của mọi người". Mọi người vẫn chưa hết kinh ngạc, bỗng nhiên bà Marple cười một tràng dài.
"Chuyện gì vậy, dì Jane? Kể cho mọi người vui với chứ?" Raymond nói.
"Tôi sực nhớ chuyện thằng bé Tommy Symonds tính nghịch ngợm, tôi lo ngại mà cũng có khi thấy thú vị. Trông mặt mũi nó vô tư thế, mà tinh nghịch lắm, Mới bữa chủ nhạt tuần rồi, nó hỏi 'Thưa cô, phải cô thường nói lòng đỏ trứng thường là màu trắng hay tất cả là màu trắng' 1 . Cô giáo Durston giải thích thường ngày ai cũng nói 'tất cả lòng trứng đều là màu trắng hay là lòng đỏ trứng thì trắng' 2 - đến lượt Tommy nghịch ngợm nói: 'Ờ em muốn nói lòng đỏ trứng màu vàng!' Tính nó nghịch, thích đùa; những trò xưa như trái đất. Dù sao nó cũng là một thằng nhóc".
"Nghe nói cũng mắc cười, dì Jane", Raymond nói nhỏ. "Nhưng không dính dáng gì tới câu chuyện lý thú ông Petherich vừa kể".
"Có chứ, vui chứ", bà Marple nói, "Đó là chuyện đố mẹo! Cũng như câu chuyện ông Petherich cũng là một kiểu đố mẹo, cũng giống như ông luật sư! Ông bạn già thật là...!" Cô lắc đầu nhìn qua muốn trách ông.
"Có phải bà đã biết hết?" Luật sư nheo mắt hỏi.
Bà Marple viết mấy chữ ra giấy, xếp lại đưa cho ông.
Ông Petherick mở ra coi, ông có vẻ tâm đắc.
"Này bà ơi", ông nói, "còn điểm nào bà chưa biết?"
"Tôi biết đó là chuyện trẻ con", bà Marple nói "Tôi muốn đùa thế thôi".
"Tôi đã nghĩ ra chuyện đó", ngài Henry lên tiếng. "Chắc là thế nào ông Petherick cũng thủ sẵn ngón nghề cho riêng ông".
"Làm gì có". Ông Petherick buộc miệng "Không bao giờ. Tôi nghĩ sao nói ra vậy. Xin ông chớ quan tâm tới bà Marple. Bà ấy có cách nhìn riêng của bà".
"Ta phải tìm cho ra sự thật", Raymond West nói có vẻ khó chịu. "Chứng cứ rành rành ra đấy. Có tới năm người chạm tay vào chiếc phong bì. Có thể nghi cho nhà Spragg nhưng nghĩ lại thì không phải. Còn lại ba người kia. Nào ta nên cân nhắc xem ai là người làm trò xiếc lanh tay lẹ mắt, diễn trò trước mắt mọi người. Theo tôi thì bản di chúc có thể đã bị đánh tráo do bàn tay anh chàng George Clode lúc hắn đỡ chiếc áo mang tới chỗ máng trên ghế đàng cuối góc phòng".
"Chà, tôi thì cho chính bà giúp việc", Joyce nói, "chính bà giúp việc chạy tới cho cô chủ hay tin rồi thừa cơ chớp lấy chiếc phong bì khác cùng màu xanh tráo vô cái kia".
Ngài Henry lắc đầu. "Tôi không đồng ý với các bạn", ông chậm rãi nói "Việc này phải có tay xảo thuật mới làm nên trò, mà làm ngay trên sân khấu như trong tiểu thuyết kể; ngoài đời thì khó mà làm gì được, nhất là làm sao qua khỏi cặp mắt tinh đời của ông bạn Petherick của tôi đây. Tôi có ý kiến thế này... một ý kiến mà thôi. Như ta đã biết ông giáo sư Longman vừa mới ghé lại thăm ông có bàn luận một ít. Phải nói là nhà Spragg mới thấy lo ngại nhân dịp ông đến đây. Nếu Simon Clode không kể cho họ nghe, mà cũng có thể lắm chứ, thì chuyện mời ông luật sư Petherick tới nhà họ sẽ nghĩ khác hơn. Họ nghĩ là ông Clode đã làm xong bản di chúc người hưởng lợi là bà Eurydice Spragg, chính bà lo sợ sự có mặt của giáo sư Longman sẽ gạt bà ra hoặc theo như kinh nghiệm nghề nghiệp luật sư, có thế nói lúc đó Philip Garrod đòi ông bác nên xét lại tình máu mủ ruột thịt. Tới đây ta giả sử bà Spragg có ý định tráo tờ di chúc. Nếu quả vậy, thì ngay lúc đó luật sư Petherick bất ngờ xuất hiện bà làm sao có thì giờ coi lại tờ di chúc nên vội quăng vô lò sưởi, nếu chẳng may ông luật sư biết được ai đã lấy mất".
Joyce lắc đầu quầy quậy. "Không có chuyện đem đốt mà không coi trước".
"Giải pháp đó coi bộ không ổn", ngài Henry nói.
"Giả sử... ờ nhỉ... ông Petherick không tiên liệu trước".
Một ý kiến nghe thật tức cười, ông luật sư mặt mũi xụ mặt.
"Một ý kiến đưa ra không nhằm lúc", ông nói giọng hơi xẵng.
"Ông Pender nói sao?" Ngài Henry hỏi.
"Không dám nói là tôi cao kiến hơn ai. Theo tôi, thì chuyện đánh tráo tờ di chúc chỉ có thể do bà spragg hoặc là chồng bà, như ngài Henry đã nêu lên lúc nãy. Nếu bà không được đọc tờ di chúc sau khi ông Petherick bỏ đi lúc ấy bà mới thấy lúng túng bởi vì bà không thể nào thú nhận đã làm việc đó. Hoặc có thể bà đem cất giấu trong đống giấy tờ của ông Clode sau khi ông chết người ta sẽ tìm thấy. Tôi không hiểu vì sao lại không còn đó. Có thể đoán chừng - lúc đó bà Emma Gaunt còn nhìn thấy... vì lòng tận tụy phục vụ ông chủ... bà đem hủy đi".
"Tôi thấy ta nên nghe theo cách giải quyết của ngài mục sư Pender thì hay hơn", Joyce nói "Có đúng không, ông Petherick".
Ông luật sư lắc đầu.
"Tôi sẽ kể tiếp theo. Rõ ràng tôi vô cùng kinh ngạc và hoang mang như các bạn. Làm sao tìm cho ra sự thật... chắc là không... nhưng tôi đã hiểu ra. Việc đó đã được thực hiện một cách tài tình".
"Sau đó một tháng tôi tới nhà Philip Garrol cùng ăn uống, lúc ngồi nói chuyện gã mới gợi chuyện cho tôi nghe một vụ mới xảy ra gần đấy".
"Tôi muốn kể ra đây cho ông nghe, Petherick, chỉ riêng mình ông biết thôi".
"Chuyện gì vậy?" Tôi hỏi lại.
"Tôi có một ông bạn vì quá kỳ vọng vô người thân nên đâm ra thất vọng vô cùng khi được biết người họ hàng tin tưởng một người chẳng ra gì. Này ông bạn, theo tôi thấy thì đây là một cách để ông thay đổi cách suy nghĩ. Chuyện một người đàn bà giúp việc tận tụy với quyền lợi tập thể. Ông bạn tôi hướng dẫn đơn giản. Mỗi lần anh ta giao cây viết bơm đầy mực. Bà chỉ việc đem cất vô ngăn kéo bàn giấy trong phòng riêng của ông chủ, bà cất vô ngăn không thường dùng. Gặp lúc ông chủ gọi tới chứng kiến chữ kí trên giấy tờ cần lấy cây viết bà lấy nhầm chỗ ngăn kéo bên trái, khác với chỗ để bên phải nhưng cũng là một cây viết giống hệt. Bà chỉ biết có vậy. Ông không dặn dò gì thêm. Bà chỉ biết nghe lời cậu chủ bảo sao làm vậy".
"Kể tới đây anh ta bỏ lửng nói qua chuyện khác. Tôi bồn chồn".
"Ông chớ có bực mình, ông Petherick".
"Không sao", tôi nói, "Nhưng tôi muốn nghe cho hết".
Chúng tôi ngồi nhìn nhau. "Này ông bạn của tôi ơi chuyện không như ông tưởng đâu", anh ta nói.
"Hẳn là vậy", tôi đáp.
"Vậy là hết chuyện", Phillip Garrod nói. Dừng lại một lát anh ta nhếch mép cười nói, "ông đã hiểu rồi chứ gì? Cây viết được bơm một loại mực mau phai... Bột pha với nước thêm mấy giọt iodine là ra được một thứ mực viết. Mực màu xanh đen, chừng bốn năm bữa sau là nó bay đi hết".
Bà Marple cười tủm tỉm.
"Mực màu", bà nói "Tôi biết chuyện đó. Đó là trò hồi nhỏ tôi vẫn thích chơi".
Vẫn nụ cười trên môi, bà nhìn quanh một lượt, giơ ngón tay ra khều khều về phía ông luật sư Petherick.
"Nói chung đó là một cái mẹo, ông Petherick", bà nói "Thì cũng y như một luật sư".
--------------------------------

1

Nguyên văn câu chơi chữ: "Teacher, do you say yolk of eggs is white or yolk of eggs are white".

2

"Yolk of eggs are white or yolk of eggs is white".

Dấu tay thánh Pierre
Tới đây thưa dì Jane, xin nhường lại dì". Raymond West nói.
"Hay lắm, dì Jane, chúng tôi đang chờ một câu chuyện thú vị hơn" Joyce Lemprière nói xem vô.
"Khỏi phải nói, các cháu muốn cười dì", bà Marple thong thả nói "Các cháu tưởng đâu dì ngồi một chỗ thế này không biết gì chuyện trên đời".
"Lạy Trời, làm gì có chuyện sống ở quê mà yên tĩnh được đâu". Raymond hăng hái nói "Cũng không phải sao, khi nghe dì kể mấy chuyện động trời? Sống nơi đô hội nhiều khi thấy dễ chịu thanh bình hơn ở St. Mary Mead".
"Này, nghe đây", bà Marple nói, "Con người ta ở đâu cũng vậy thôi, nhưng đi ra ngoài còn có cơ hội biết đó biết đây hơn những nơi xa xôi ở làng quê".
"Dì Jane có một không hai", Joyce kêu lên. "Bỏ lỗi cho cháu nếu gọi bà là dì Jane được chứ?" Nàng nhắc lại. "Không hiểu sao cháu thích gọi vậy".
"Ồ, vậy sao?" Bà Marple nói.
Bà ngước nhìn một lúc lâu có vẻ lạ lắm, khiến cô nàng kia mặt mũi đỏ bừng. Raymond West ngồi nhích qua một bên đằng hắng lấy giọng, có vẻ xúc động.
Bà Marple nhìn qua hai người rồi lại cười, bà cúi xuống chăm chú nhìn theo mũi đan.
"Thật tình cuộc sống của tôi thầm lặng nhưng tôi biết cách giải quyết những việc nhỏ nhặt. Coi vậy lắm lúc cũng rắc rối, tôi thấy nói ra đây không hay bởi chẳng có gì đáng phải lưu ý... Đại loại như: Ai cắt lớp lưới bao túi xách của bà Jone? Và sao bà Sims chỉ mặc áo lông mới toanh một lần rồi bỏ... Đó là những bài học lý thú cho sinh viên khoa nhân văn. Nhưng một câu chuyện tôi còn nhớ mãi mà các bạn cần phải học hỏi, đó là chuyện chồng của đứa cháu gái Mabel đáng thương".
"Câu chuyện đã mười, mười lăm năm gì đó, may thay đã trôi qua êm xuôi và không ai muốn nhớ lại. Trí nhớ người ta có hạn. Đó là điều mà tôi vẫn cho là vậy".
Bà Marple dừng lại, nói lầm bầm trong miệng.
"Để coi đếm lại hàng này. Chỗ này đan thưa hơi xấu. Một, hai, ba, bốn, năm rồi tới ba mũi viền tua. Nào tôi vừa kể tới đâu? Tôi đang nói đến chuyện gì vậy? À, về chuyện con bé Mabel tội nghiệp".
"Con Mabel là cháu tôi. Nó xinh đẹp, phải nói là đẹp thật, có điều như người ta thường nói nó hơi ngớ ngẩn một chút. Mỗi khi gặp chuyện không vừa ý là kể lể. Nó lấy ông Denman lúc hai mươi hai tuổi, cuộc hôn nhân không được hạnh phúc cho lắm. Tôi lo đừng xảy ra chuyện gì bởi tính ông Denman hay nổi cáu... Không phải người biết thông cảm cho con Mabel có nhiều tật xấu... hơn nữa tôi được biết nhà ông ta có tiền sử bệnh tâm thần. Con gái thời đó khó bảo hơn bây giờ, nhưng nói gì nó vẫn vậy. Mabel cương quyết lấy ông ta".
"Từ lúc có chồng ít khi gặp lại nó. Thỉnh thoảng nó có ghé lại nhà chơi, có lúc mời tôi qua nhà, nhưng mà nói thật tôi không quen ở chỗ lạ nên lấy cớ thoái thác. Lấy nhau được mười năm thì ông Denman chết đột ngột. Hai người không có con, tài sản để lại cho Mabel. Tôi viết thư an ủi Mabel, và khi nhận được trả lời, tôi vỡ lẽ nó không lấy làm buồn vì chuyện đó. Tôi biết chuyện phải vậy thôi bởi hai bên có một thời gian lục đục, cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Tới gần ba tháng sau tôi nhận được thư Mabel, lúc này nó đang suy sụp, nhắn tôi tới thăm. Tình hình thật bi đát vô cùng, chắc khó qua nổi tháng này?"
"Thế là..." bà Marple kể tiếp, "tôi lo thu xếp mọi việc ra đi ngay. Tới nơi nhìn Mabel thật thảm thương. Nhà cửa rộng rãi, đồ đạc đủ tiện nghi. Nhà có người nấu ăn, người hầu, một cô y tá lo chăm sóc ông lão Denman, cha chồng của Mabel, mang chứng bệnh 'đầu óc không bình thường'. Dù mọi người đối xử tử tế nhưng có lúc ông lão lại giở chứng. Như tôi đã kể, nhà này có tiền sử bệnh thần kinh".
"Gặp lại Mabel nó thay đổi khác xưa làm tôi hoảng. Nó lăn lộn, tinh thần khủng hoảng đến nỗi không nói cho tôi nghe chuyện gì đã xảy ra. Tôi nghĩ cách sẽ hỏi thăm thử bạn bè còn lui tới đây - như nhà Gallaghers thường được nhắc trong thư. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi nghe nó nói dạo này ít gặp họ. Hỏi qua số bạn bè khác cũng trong tình trạng tương tự. Tôi hỏi chuyện gì xảy ra, vì sao nó lại giam mình một chỗ, xa lánh bạn bè. Nghe tới đây nó mới chịu kể ra hết".
"Không phải lỗi tại con, tại người ta. Quanh đây không ai muốn nói chuyện với con, con đi ra phố gặp ai cũng muốn xa lánh, sợ gặp mặt phải chào hỏi. Tránh như tránh xa bệnh hủi. Khiếp quá, con không chịu nổi, muốn bán nhà qua xứ khác ở. Mà sao con phải bỏ xứ ra đi? Con không có tội tình gì".
"Nghĩ lại lúc đó tôi còn bối rối hơn bây giờ. Tôi lãnh đan chiếc khăn len quàng cổ cho bà Hay, trong lòng bối rối, đan lỗi hai mũi, mãi về sau mới nhớ ra".
"Này cháu Mabel", tôi nói, "con làm ta lo. Nguyên nhân vì sao thế?"
"Chao ơi, lúc còn nhỏ Mabel đã khó ăn nói. Lúc đó tôi phải khó nhọc mới hỏi cho ra chuyện, nó còn kể lại những lời đàm tiếu vớ vẩn của mấy tay ngồi lê đôi mách, những kẻ thích lên mặt dạy đời".
"Nhờ vậy cô mới hiểu ra", tôi nói. "Hiện tại người ta đang xầm xì bàn tán chuyện đời tư của con. Và chuyện gì đó con đã rõ, con phải kể cho ta nghe".
"Xấu xa lắm". Mabel rên rỉ.
"Dĩ nhiên là phải xấu rồi" tôi nói ra ngay "Chả có chuyện gì khiến ta phải ngạc nhiên. Nào, Mabel con kể đi cứ thẳng thắn, nói ra thiên hạ đã nói gì con?"
Chuyện là như thế này.
"Cũng vì lý do cái chết của Geoffrey Denman quá đột ngột nên thiên hạ mới bàn tán xôn xao. Nói đúng ra... như tôi đã khuyên đứa cháu cứ thẳng thắn nói ra... thiên hạ đang bàn tán chuyện nó đã đầu độc chồng".
"Nào, mong các bạn hiểu cho, không gì độc địa hơn là miệng lưỡi thiên hạ, và không gì khó khăn hơn tìm cách chống đỡ. Thiên hạ nói xấu sau lưng chuyện đó làm sao chối cãi, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa, không ai ngăn được. Tôi biết chắc một điều: Mabel không đầu độc để hại ai. Không hiểu sao tinh thần nó suy sụp, không yên y như nó đã phạm một tội ác tày trời".
"Không có lửa làm sao có khói", tôi nói "Nào, Mabel con nói hết cho ta nghe làm sao có chuyện đó. Phải có đầu đuôi mới được".
"Mabel nói năng không ra gì, nhưng chẳng có chuyện gì hết... làm gì có, chẳng qua Geoffrey chết bất đắc kỳ tử. Tối hôm đó ngồi ăn uống bình thường, tới khuya thấy đau dữ dội, chạy đi mời bác sĩ tới nơi được ít phút đã chết. Bác sĩ cho biết có thể nạn nhân ăn trúng nấm độc".
"Chà", tôi nói, "chết bất đắc kỳ tử vậy thế nào người ta cũng bàn tán xôn xao, nhưng làm sao không có manh mối. Con có gây gổ hay nói này nọ với Geoffrey lần nào không?"
"Sáng hôm kia cháu có cãi nhau với chồng lúc ăn sáng".
"Mấy người giúp việc nhà nghe được, phải không?" Tôi hỏi.
"Lúc đó họ đang làm phòng".
"Không, cháu ơi", tôi nói, "biết đâu họ đứng gần ngoài cửa".
"Tôi biết Mabel có tật mỗi lần cáu giận hay la hét om sòm. Còn Geoffrey Denman thì được ông trời ban cho giọng nói như rống mỗi lần tức giận ai".
"Nhưng con gây gổ chuyện gì?"
"Ôi, chuyện nhỏ. Chuyện thường ngày ở nhà. Chuyện bé xé ra to, vậy là Geoffrey đuối lý rồi đổ ra nói năng tầm bậy. Con phải nói là anh ta đáng ghê tởm".
"Vậy là bữa đó cãi nhau dữ lắm". Tôi hỏi.
"Không phải lỗi tại cháu..."
"Này cháu", tôi nói "Dù lỗi tại ai cũng chẳng sao. Ta không nên kể ra đây. Tại nhà này mọi chuyện riêng tư coi như là chuyện chung. Hai vợ chồng hay kiếm chuyện gây gổ. Mới buổi sáng còn cãi nhau dữ dội, ngay tối hôm đó chồng chết đột ngột, một cái chết khó hiểu. Chỉ có vậy hay còn gì khác?"
"Có chuyện gì khác là sao?" Mabel hỏi vặn lại.
"Ta muốn hỏi như vầy, cháu ơi. Nếu đã lỡ làm chuyện bậy thì vì Chúa đừng nên giấu giếm. Ta muốn tìm cách để giúp cho cháu".
"Không có chuyện gì và không có ai giúp được cháu". Mabel kịch liệt bác lại. "Ngoại trừ cái chết".
"Cháu nên tin có ơn Trên", tôi nói "Nghe này, Mabel ta biết cháu còn giấu điều gì đó, chưa muốn nói ra".
"Tôi dư biết, hồi nó còn nhỏ, nó thường không nói ra hết. Phải chờ thật lâu sau nó mới chịu khai. Sáng bữa đó, nó ra ngoài hiệu thuốc mua một ít chất thạch tín. Mua xong phải ký tên vô sổ. Như mọi lần người bán thuốc phải hỏi".
"Ai là bác sĩ của cháu?" Tôi hỏi.
"Bác sĩ Rawlinson".
Tôi nhìn thấy qua ông ta một lần. Hôm nọ Mabel chỉ nói nhìn ông ta như một lão già hom hem. Kinh nghiệm cho tôi biết mấy ông bác sĩ thì không bao giờ sai lầm. Mấy ông còn lắm khi tinh tường, cũng có ông thì không được vậy, có lắm khi mấy ông giỏi nhất mà lại không biết bệnh nhân đau ốm ra sao. Chuyện bác sĩ và thuốc men thì tôi không dính dáng tới.
Nghĩ ngợi một hồi tôi chuẩn bị tới thăm bác sĩ Rawlinson. Y như tôi nghĩ trong đầu khi thoạt trông thấy ông... một ông lão dễ nhìn tử tế, mặt mày ngơ ngác, mắt cận thị thấy tội nghiệp, tai nghe hơi lãng, đã vậy tính ông lại hay cáu, dễ bức xúc. Vừa nghe kể vụ Geoffrey Denman ông lên mặt kể ra một lô mấy loại nấm, thứ ăn được, thứ không. Ông hỏi bà nấu ăn, bà thấy có mấy cây nấm "có vẻ lạ" nhưng bên cửa hàng họ giao, chắc ăn được. Thấy lạ bà mới đắn đo có nên đem nấu, bởi nhìn lại thấy khác hơn mọi bữa.
"Phải vậy thôi", tôi nói "Thoạt nhìn phải nói là hàng tốt, để lâu nó đổi ra màu vàng cam lốm đốm màu tím. Phải thử mới biết".
"Tôi đoán lúc bác sĩ tới nơi Denman đã cứng họng, gã không chịu nổi nữa nên chết sau mấy phút. Ông bác sĩ hoàn toàn yên tâm làm giấy chứng tử. Có phải cố tình hay vì quá tin tưởng, chuyện đó tôi không dám nói chắc!"
"Trở về nhà tôi hỏi lại Mabel vì sao muốn mua chất thạch tín làm gì".
"Chắc con đã nghĩ gì trong đầu". Tôi nói ra ngay.
Mabel khóc òa lên. "Con muốn tự tử", nó rên rỉ. "Con khổ quá. Con không muốn sống".
"Cháu còn giữ lại đó không?" Tôi hỏi.
"Không. Con quăng mất rồi!"
"Tôi ngồi một chỗ, đầu óc nghĩ ngợi quay cuồng".
"Lúc ông ta đau cháu thấy ra sao? Ông có kêu cháu tới không?"
"Không", con bé lắc đầu. "Ông ta nhấn chuông liên hồi, làm dữ lắm. Một hồi sau bà giúp việc Dorothy mới nghe thấy, kêu bà nấu ăn dậy cùng nhau chạy tới. Nhìn thấy ông, bà Dorothy run lẩy bẩy, miệng nói lảm nhảm, mê sảng. Dặn bà nấu ăn ở lại, bà ta chạy đi gọi con; nghe gọi con chạy theo. Trông mặt mũi ông đau đớn dữ lắm. Không may cho ông, đêm hôm đó người chăm sóc ông lão là bà Brewster bỏ về nhà, không ai biết xoay sở ra sao cứu ông. Con dặn Dorothy đi mời bác sĩ để bà nấu ăn ở lại đây thôi, ở lại được một lúc chịu không nổi con bỏ đi ra, chạy về phòng khóa cửa lại".
"Con ăn ở vậy sao được", tôi nói, "thảo nào con ăn ở vậy nên mọi người đối xử tệ với con, con đã thấy chưa. Để bà nấu ăn một mình xoay xở. Đây là một việc làm xấu xa".
"Sau đó tôi nói chuyện với mấy người giúp việc. Bà nấu ăn muốn nhắc chuyện món nấm, tôi ngăn lại. Đến lượt tôi chất vấn tỉ mỉ, đêm hôm đó tình hình ông chủ ra sao. Đêm đó ông ta đau ghê lắm, không nuốt được nước miếng, nói năng ngọng nghịu, nói tiếng được tiếng không; như người mê sảng, lảm nhảm trong miệng - như một người thất thần?"
"Nghe ông nói nhảm ra sao?" Tôi hỏi dò.
"Nghe như là món cá, phải vậy không?" Bà nhìn qua người kế bên.
Dorothy gật đầu.
"Cả một mớ cá", bà kể. "Nói lảm nhảm thế đó. Thấy ông như người mất hồn, tội nghiệp".
"Nghe qua chẳng hiểu đầu đuôi gì hết. Chỉ còn một nơi có thể xoay sở, tôi sực nhớ bà Brewster, gầy ốm, đã năm mươi".
"Rủi ro cho ông ấy đêm hôm đó tôi phải về nhà", bà kể, "chẳng ai làm gì được để giúp ông cho đến khi bác sĩ tới".
"Có thể ông mê sảng" tôi nói "Triệu chứng trúng độc, đúng không?"
"Cũng có thể". Brewster nói.
"Tôi hỏi lại bà thấy ông lão Denman lúc này tình trạng có khá hơn không".
Bà lắc đầu.
"Thấy ông đau dữ lắm". Bà nói.
"Yếu lắm hở?"
"Ôi không, bề ngoài ông còn khỏe... chỉ có mắt kém. Không nhìn thấy được nữa. Coi vậy chứ ông còn sống lâu hơn nữa, chỉ có điều trí óc không còn sáng suốt. Tôi cho hai vợ chồng cậu Denman biết nên đưa ông về viện tâm thần, nhưng cô Denman không chịu nghe".
"Tôi muốn nói với bà ấy Mabel là một người tốt bụng".
"Vâng, nhưng có một chuyện thế này. Tôi nghĩ đi nghĩ lại, chỉ còn mỗi một cách. Cũng vì thiên hạ xầm xì bàn tán... chỉ còn cách xin phép được khai quật tử thi khám nghiệm, may ra tình hình mới hoàn toàn lắng dịu. Mabel phản đối kịch liệt... không được động đến người chết đã nằm xuống yên nghỉ vân vân và vân vân. Nhưng tôi đã quyết phải làm".
"Tôi không nói dài dòng. Được phép các chuyên gia cho tiến hành khám nghiệm tử khi, kết quả cho thấy không như tin đồn. Không tìm thấy đấu vết chất độc thạch tín dù sử dụng hết cách. Kết luận sau cùng biên bản ghi là không tìm ra nguyên nhân cái chết của nạn nhân".
"Vậy là, như các bạn đã biết, không giải quyết được vấn đề. Thiên hạ bàn tán là còn một loại chất độc chưa thể phát hiện được và thêu dệt thêm những điều nhảm nhí. Tôi tìm đến một nhà chuyên môn bệnh lý học đặt vấn đề, dù không muốn trả lời hết các thắc mắc nêu ra nhưng tôi biết được một điều do chính ông nói ra, rất có thể cái chết của nạn nhân, theo ông, không phải do ăn món nấm. Tôi chợt nảy ra một ý hỏi ông vậy thì có thể nạn nhân chết do một loại chất độc nào khác không. Ông giải thích dài dòng lắm, tuy không hiểu hết nhưng đại ý như vầy: cái chết của nạn nhân có thể do ngộ độc thực vật cực mạnh".
"Tôi lại nghĩ khác: Giả sử Geoffrey Denman trước đây có máu tâm thần biết đâu ông tìm cách muốn tự tử thì sao? Lúc còn sinh viên ông có theo học ngành y hẳn ông phải biết nhiều thứ thuốc độc lợi hại như thế nào".
"Tôi cho là chưa hẳn vậy nhưng suy nghĩ của tôi chỉ tới đó. Và không thể đi xa hơn nữa, thật tình mà nói. Chuyện tôi kể ra đây e rằng các bạn trẻ sẽ cười cho. Nhưng mà hễ gặp khi bối rối tôi thường hay cầu nguyện - bất cứ ở đâu, dù đang đi ngoài đường hay đang ở trong gian hàng bách hóa. Và câu trả lời đến ngay sau đó. Có thể đó là một chuyện nhỏ không ăn nhập gì với chuyện ta đang bàn, nhưng mà có thật. Lúc còn con gái, tôi treo trên đầu giường câu khẩu hiệu 'cứ hỏi tức khắc sẽ được trả lời'. Sáng hôm đó lúc đi dạo trên phố tôi cầu nguyện dữ lắm. Nhắm mắt lại một hồi, khi mở ra các bạn biết tôi nhìn thấy gì trước tiên?"
Năm gương mặt mỗi người một vẻ cùng nhìn về phía bà Marple. Phải nói là không ai đoán ra được cho chính xác.
"Tôi nhìn thấy", bà Marple xúc động nói, "trên cửa sổ nhà người bán hàng cá, có treo một món đó là một con cá vược còn tươi rói".
Tôi hân hoan nhìn quanh.
"Chà, lạy Chúa!" Raymond West lên tiếng. "Câu trả lời cho ước nguyện... một con cá vược còn tươi!"
"Đúng thế, Raymond". Bà Marple nghiêm giọng nói.
"Tôi thấy không có gì là phạm thượng. Bàn tay của Chúa có ở khắp nơi. Vật mà tôi nhìn ra trước tiên là một dấu chấm đen... dấu tay của thánh Pierre. Y như là chuyện hoang đường phải không các bạn, dấu tay ông thánh Pierre. Ý nghĩ đó theo tôi về tới nhà. Tôi cần có đức tin, đức tin chân chính là thánh Pierre. Hai thứ liên kết với nhau, đức tin... và loài cá".
Ngài Henry vội hỉ mũi. Joyce bặm môi.
"Vâng mấy thứ đó đã giúp tôi nghĩ gì? Tất nhiên là cả bà giúp việc và người nấu ăn nhắc lại món cá là câu nói nạn nhân muốn trăng trối lúc đang hấp hối. Tôi hiểu ngay phải tìm lời giải cho cái bí ẩn trong mấy chữ đó. Tôi trở về nhà quyết tâm tìm cho ra lẽ".
Câu chuyện tới đó dừng lại.
"Đã có lần nào các bạn gặp..." bà nói tiếp nốt câu chuyện, "... một trường hợp người ta thường nhắc tới là cảnh quan môi trường? Có một nơi gọi là Grey Wethers trên cao nguyên Dartmoor. Nếu gặp được một người nông dân, bạn nhắc hai chữ Grey Wethers, ông ta hiểu ngay bạn ám chỉ những vòng tròn bằng đá, có nghĩa bạn muốn đề cập không gian tại nơi đó, cũng tương tự như vừa kể, khi một người lạ bất chợt nghe lỏm được câu chuyện, ông ta lại hiểu là bạn muốn đề cập tới chuyện thời tiết. Cho nên khi muốn lặp lại một câu chuyện, theo thông lệ các bạn không nên lặp lại cùng một tên gọi, mà phải đặt một cái tên khác cũng gợi lên một ý như bạn muốn nói".
"Tôi đến nơi gặp riêng từng người một. Trước tiên, tôi hỏi bà nấu ăn phải bà đã nghe ông chủ nhắc tới chuyện một mớ cá. Bà nói ngay là có nghe".
"Có đúng ông nói vậy không?" Tôi hỏi lại, "hay ông muốn nói một thứ cá nào đó?"
"Đúng mà", bà nấu ăn nói, "một thứ cá đặc biệt, tôi không nhớ là cá gì. Một mớ... mớ gì nhỉ? Không phải thứ cá dọn ra bàn. Có phải cá chép... hay là một giống cá măng? Không, nó không bắt đầu là chữ 'B'."
"Dorothy còn nhớ ông chủ nhắc tới một thứ cá gì đó. Một thứ cá ngoại nhập thì phải".
"Một mớ, chà, mớ gì đây".
"Cố nhớ đi, nghe ông nói một mớ hay là một đống?" Tôi hỏi lại.
"Một đống thì phải. Nhưng mà không chắc gì... khó mà nhớ ông nói đúng tên, phải vậy không bà, bởi lúc đó ông nói chẳng ra đầu đuôi. Có thể tôi nhớ ra, ông nói một đống và một thứ cá tên gọi chữ 'C' đứng đầu, chẳng lẽ là cod (cá thu) hay là crayilsh (tôm hùm)".
"Tới đây có thể là tôi đã hiểu ra", bà Marple nói, "bởi lẽ, tôi thì không rành chuyện thuốc men... mấy thứ đó thật đáng sợ. Bà nội tôi còn để lại một toa thuốc xưa dùng cây ngải cúc chế ra một món thuốc còn độc hơn thuốc bây giờ. Tôi nhớ trong nhà còn để lại nhiều sách thuốc, mỗi cuốn ghi từng danh mục thuốc. Các bạn biết không, tôi sực nhớ ông chủ nhớ được một thứ thuốc độc, nên ông ráng kể lại tên thuốc một lần cuối".
"Vậy là tôi lục tìm theo thứ tự tới vần 'H', bắt đầu bằng chữ 'He', không thấy nói tên thuốc độc, phải tra tới vần 'P', tìm ra ngay... các bạn có thể đoán được chứ?"
Bà nhìn quanh mọi người, gác lại niềm vui trong phút chốc.
"'Pilocarpine' (cây phương hương). Các bạn thử mường tượng một người lúc đau ốm ráng nói ra cho đúng chữ nào? Bà nấu ăn nghe qua chẳng hiểu nó là cái chữ gì. Có thể đọc trại ra thành chữ 'Pile of carp' (một mớ cá chép)?"
"Tất nhiên!" Ngài Henry lên tiếng.
"Tôi thì không nghĩ ra có chuyện đó". Ngài mục sư Pender nói.
"Thật là lý thú", ông luật sư Petherick nói, "phải nói thật là thú vị".
"Tôi lật nhanh qua tới trang ghi trong bảng mục lục, đọc tới chữ 'Pilocarpine', ghi rõ đây là thảo dược dùng trị đau mắt, không nói gì về trường hợp nạn nhân bị trúng độc. Sau cùng đọc tới dòng cuối ghi: được dùng làm thuốc giải độc trong trường hợp trúng độc atropine (nhựa cây cà độc dược)".
"Tôi không thể kể ra đây các bạn nghe vì sao lúc đó đầu óc tôi sáng ra. Tôi không nghĩ Geoffrey Denman muốn tự tử. Không, một cách giải quyết không thể chấp nhận được, nhưng là cách suy nghĩ nạn nhân muốn chọn lựa, bởi mọi chứng cứ đầu đuôi khớp với lôgic".
"Tôi không muốn đoán già đoán non làm gì", Raymond nói "Dì Jane cứ kể tiếp tới chỗ làm sao được sáng trí ra".
"Chuyện thuốc men tôi không rành", bà Marple nói "Tình cờ tôi biết được lúc tôi bị đau mắt, bác sĩ cho thuốc pha chế thêm atropine sulfate. Tôi đi ngay lên phòng ông lão Denman. Tôi không muốn dài dòng".
"Này ông Denman", tôi lên tiếng, "tôi biết hết mọi chuyện. Sao ông nỡ giết con trai ông?"
"Lão nhìn tôi một hồi... tôi thấy ông lão rất đẹp lão, chợt ông phá ra cười. Tôi chưa từng nghe thấy ai cười lạ tai đến vậy, cả người tôi muốn nổi da gà. Trước đây tôi cũng từng được nghe giọng cười như thế này một lần, lúc bà Jones trong tình trạng bị mất trí".
"Vâng", lão nói, "tôi muốn trả thù Geollrey. Tôi biết tỏng hắn mà, hắn muốn đưa tôi vào nhà thương điên, phải không? Chả lẽ tôi phải vô nhà an trí? Tôi nghe bọn chúng tranh cãi với nhau. Mabel tốt bụng... Mabel muốn bênh vực tôi nhưng không thể làm trái ý Geolfrey được. Hắn luôn luôn làm theo ý mình. Tôi muốn thanh toán nó, đứa con thân yêu! Ha ha! Đêm hôm tôi lần mò xuống, cả nhà yên tĩnh. Bà Brewster về nhà, đứa con thân yêu đã lên giường ngủ, có một ly nước để trên đầu giường, bởi vì hắn có tật hay thức giấc nửa đêm uống hết một ly nước. Tôi đổ hết ly nước... ha ha... châm đầy trở lại với nước thuốc nhỏ mắt; lúc thức giấc hắn nốc một hơi không cần biết là thứ nước gì. Chỉ cần uống một muỗng thuốc... bấy nhiêu là đủ chết, đủ chết. Y như rằng hắn nốc hết một hơi! Sáng sớm mấy người giúp việc chạy tới cho tôi hay, lo sợ tôi có bề gì không. Ha! Ha! Ha! Ha! Ha!"
"Đấy", bà Marple nói, "câu chuyện tới đó hết. Dĩ nhiên phải đưa lão ấy vô nhà an trí, và lão không chịu trách nhiệm hành vi tội ác do lão gây ra. Tuy nhiên, sự thật đã được ông lão khai nên mọi người thông cảm cho Mabel, nhưng không thể nào bù đắp lại những thiệt hại về mặt tinh thần cho nó. Bị người đời nghi oan là thủ phạm. Nhưng nếu không phải do Geolfrey biết là hắn vừa uống vô thứ nước gì nên gọi người nhà tìm thuốc giải độc ngay, thì câu chuyện sẽ không bao giờ được biết đến. Theo tôi hiểu nạn nhân trúng độc chất atropine... làm cho con ngươi bị giãn nở, như tôi đã kể, bác sĩ Rawlinson mắt kém nhìn ông thật khốn khổ. Cùng một cuốn sách thuốc đó tôi đọc tiếp tới đoạn... phải nói là có vài đoạn đáng chú ý - triệu chứng ngộ độc vi khuẩn và atropine không khác gì mấy. Tôi dám nói là chưa bao giờ nhìn thấy một đống cá vược mà không liên tưởng tới dấu tay của Thánh Pierre".
Câu chuyện tới đây dừng lại một hồi lâu.
"Này bà bạn", luật sư Petherick nói, "bà bạn thân mến, bà làm mọi người kinh ngạc đấy".
"Tôi sẽ mời mật thám sở Scotland Yard tới đây để nhờ cô chỉ giáo". Ngài Henry nói.
"Nói cho hết luôn đi, dì Jane". Raymond lên tiếng. "Có một điều dì chưa biết".
"À, phải, ta biết chứ!" Bà Marple nói tiếp. "Chuyện đó xảy ra trước bữa ăn, đúng không? Lúc đó cháu sẽ đưa nàng Joyce ra ngoài nhìn mặt trời lặn. Nơi đó thật đẹp đấy. Có gốc hoa lài thơm ngát. Tại nơi này anh chàng bán sữa đã cầu hôn Annie đấy".
"Thôi nào, dì Jane", Raymond nói, "đừng cười nhạo chuyện yêu đương. Giữa cháu và Joyce khác với chuyện anh chàng bán sữa với Annie".
"Cháu đã phạm một sai lầm đó", bà Marple nói "Mỗi người đều như nhau cả, rất giống. Cũng may người ta không nhận ra được đó thôi".
Agatha Christie
Đào Đăng Trạch Thiên dịch
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thuyền giấy – Chùm thơ của Tịnh Bình 22 Tháng Sáu, 2023 Lặng thầm mây ngang phố cũ/ Thuyền giấy ai thả bên thềm/ Phập phồng bóng mưa h...